BÍCH-VÂN-THIÊN (có Youtube)

“Bích-Vân-Thiên” là một trong những tiểu thuyết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao.  Chuyện kể về mối tình tay ba giữa hai người phụ nữ Bích, Vân và một người chồng chung tên Thiên.  Vì người vợ không thể sinh con nối dõi tông đường cho chồng, nên nàng đành chấp nhận người em kết nghĩa như người vợ lẽ cho chồng.  Dù là tự nguyện, nhưng những ích kỷ ghen tương của kiếp nhân sinh đã khiến họ nhận ra rằng, cả ba không thể cùng hạnh phúc chung dưới một mái nhà.  Một người chấp nhận ra đi để hai người ở lại hạnh phúc hơn.

Những tưởng chuyện tình thơ mộng sầu muộn chỉ có trong tiểu thuyết, qua sự tưởng tượng phong phú của nhà văn.  Nhưng đâu ai biết rằng cuộc sống muôn màu sắc cũng đang dệt nên một chuyện tình tay ba đẹp lãng mạn như một bài thơ, trắc trở với những cảnh đời éo le, với phần kết vẫn còn dang dở.   “Bích-Vân-Thiên” của đời thực là một chuyện tình tay ba giữa Thu Bích, người con gái vô tư hồn nhiên, duyên dáng như viên ngọc xanh biếc giữa đời, và một Đình Vân thư sinh trắng trẻo nho nhã với cặp kiếng cận, như một áng mây lững lờ quyện lấy viên ngọc bích trong trời thu.  Hiện diện giữa họ là một Thiên Chúa vô hình lúc ẩn, lúc hiện, lúc hiền hòa yêu thương, lúc thinh thặng đến lạnh lùng.

Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình sùng tín đạo Phật có lòng thờ kính ông bà tổ tiên, Vân đến với Bích khi chẳng biết Thiên Chúa là ai.  Đúng rồi, Thiên là Trời, là Đấng tạo dựng nên muôn loài muôn vật, dạy cho con người những điều hay lẽ phải.  Thiên Chúa của Đạo Công Giáo cũng là Ông Trời thân thiện gần gũi của dân tộc Việt Nam đấy mà, người quen cả chứ có phải ai xa lạ đâu.  Nhưng ngược với sự suy nghĩ đơn giản của Vân, người con gái mà anh đem lòng yêu mến ở đảo, trước biến cố 30 tháng Tư năm 1975 là một đệ tử đã từng được nuôi dưỡng bởi câu kinh ê a mỗi sáng chiều trong nhà dòng các Sơ.  Nàng mong muốn vợ chồng sẽ cùng chia sẻ và đồng hành bên nhau trong đời sống tự nhiên cũng như trong đời sống thiêng liêng.

Bản chất vốn dĩ hiền lành và chân thật, mang trong tâm hồn phần nào vẻ đẹp của Đấng Chân Thiện Mỹ, Vân tự ý tìm hiểu Thiên Chúa của Bích là ai.  Khởi đầu Vân cảm thấy khó hiểu, chuyện một Thiên Chúa từ bỏ vương quyền cao sang để sinh ra làm người trong máng cỏ nghèo nàn, rồi lại lang thang bồng bế nhau đi tị nạn xứ người.  Cũng là kiếp tị nạn cả thôi, nghe sao đồng cảm quá, giống như cảnh đời của Vân-Bích đang vất vưởng ở đảo chờ ngày định cư.  Lạ thay, càng tìm hiểu anh lại càng thấy mến thương một Thiên Chúa với tình yêu bao la dành cho con người hay phản bội chóng quên, một Thiên Chúa mặc lấy xác phàm để rồi cuối cùng bị chết thảm thương nhục nhã trên cây thập giá.

Sau những tháng ngày học hỏi tìm hiểu về Đạo Thiên Chúa, năm 1984 Vân cúi đầu nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội trong nỗi ưu phiền của người cha già ở phương xa, mà sau này khi đại gia đình được đoàn tụ, ông thường hay trách cứ: “Anh con theo Đạo để lấy vợ thì ba không buồn, nhưng con theo Đạo thì ba rất buồn vì con quá sùng tín.  Con là một đứa con bất hiếu, bỏ ông bà cha mẹ mà theo Đạo vợ.”  Trái tim Vân tan nát, anh chỉ biết cúi đầu im lặng mỗi khi nghe lời phiền trách của người cha yêu dấu.  Cha Vân đâu ngờ rằng đứa con trai này chịu phép rửa tội bằng con tim thổn thức của tuổi trẻ đi tìm chân lý, bằng nỗi khát khao nhiệt tình của người vừa tìm ra được lẽ sống đời mình, chứ không phải rửa tội chỉ để lấy vợ, như người đời thường nói: “Con quỳ lạy Chúa trên cao, con lấy được vợ con thôi nhà thờ.”

Từ đó Thiên Chúa luôn luôn hiện diện giữa Bích-Vân trong mọi biến cố buồn vui, thăng trầm của cuộc sống.  Cuộc tình nhẹ nhàng êm đềm như một bài thơ qua dòng thời gian lững lờ trôi.  Mối tình tay ba “Bích-Vân-Thiên” được triển nở khi Bích-Vân chính thức nên một trong Thiên Chúa qua bí tích Hôn Phối vào tháng 12 năm 1985.  Hạnh phúc gia đình thêm viên mãn với sự góp mặt của hai thiên thần nhỏ, một trai một gái.  Hơn 30 năm trôi dạt xứ người, phồn hoa phú quý nơi xứ sở giàu có văn minh chỉ làm Vân tăng thêm lời tạ ơn.  Đức tin của Vân ngày càng lớn dần theo thời gian cùng với tình yêu anh dành cho cả hai, Thiên Chúa và Bích.   Không chỉ giữ riêng đức tin cho mình, với tình yêu mãnh liệt mà anh cảm nhận được từ Thiên Chúa, anh mạnh dạn chia sẻ đức tin đó cho người cha và anh em trong gia đình mình.  Gương sống và hạt giống đức tin đã sinh hoa kết trái nơi người em gái mà lần này với sự đồng thuận của người cha: “Con đã quyết định theo Đạo Công Giáo thì theo cho đến nơi đến chốn.” Người anh kế và cậu em trai cũng một lòng tin kính Chúa mặc dầu chưa chính thức vào Đạo, nhưng bản thân họ đã tự nhận mình là Kitô hữu.  Vân không chỉ ngừng lại nơi đây, anh tích cực chia sẻ đức tin đó cho những người nghèo khó bệnh tật, cho những người già yếu trong viện dưỡng lão, cho ban Giáo Lý Dự Tòng, ban Tĩnh Tâm Linh Thao, phong trào Cursillo, cho các sinh hoạt mục vụ khác của giáo xứ, và là cánh chim đầu đàn cho phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Thung Lũng Hoa Vàng.  Với cây đàn guitar, với giọng hát sôi nổi trầm ấm, với những lời nguyện chân thành bộc phát từ trái tim cháy bỏng, đức tin mạnh mẽ của anh đã sưởi ấm bao cõi lòng băng giá vì vắng bóng niềm tin.  Trong bất cứ sinh hoạt mục vụ nào, Bích-Vân cùng sát cánh, chia sẻ và hỗ trợ cho nhau như hai người bạn thiêng liêng tâm đầu ý hợp.

Ấp ủ trong tim lời mời gọi thầm thì nhưng tha thiết yêu thương của Thiên Chúa, Bích-Vân mơ ước dành trọn cuộc đời còn lại để ra đi phục vụ tha nhân.  Nhưng cuộc đời không như là mơ, dẫu giấc mơ đó thật là cao quý!  Làm chứng cho đức tin của mình bằng cuộc sống tông đồ nhiệt thành hình như chưa đủ.  Thiên Chúa muốn đức tin của Bích-Vân và gia đình phải được thử thách tôi luyện, chứng nhân của Ngài phải đổ máu trong một bi kịch oan nghiệt trớ trêu.  Trong một buổi sáng định mệnh ngày 3 tháng 3 năm 2011, khi bệnh tình trở nặng vì những ảnh hưởng nguy hại của các thuốc an thần, anh cần phải được khẩn cấp nhập viện.  Tổng đài 911 đã nhận được thông báo để cấp cứu…  Xe cứu thương và xe cảnh sát đã tới.  Nhưng than ôi, trong khoảnh khắc tích tắc, một viên đạn oan nghiệt từ một người cảnh sát không quen biết, không thù oán đã kết thúc cuộc đời anh.  Anh ra đi đột ngột không hiểu tại sao mình lại bị giết ngay trong chính ngôi nhà của mình, nơi vừa được một vị linh mục làm phép nhà cách đó ba hôm, nơi mà hai vợ chồng mơ ước sẽ làm nhà tĩnh tâm, là nơi hội họp cầu nguyện cho anh chị em… Cuối cùng anh đã trở về bên Giêsu, Đấng mà anh được rước vào lòng mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể.  Anh đã vĩnh viễn trở về với Đấng Tạo Hóa, Đấng Chân Thiện Mỹ, Đấng mà suốt cả cuộc đời anh khát khao tìm kiếm, và cũng chính vì Ngài mà anh mang tội bất hiếu.

Từ khi bị bịnh, anh đã chuẩn bị sẵn sàng để ra đi, cho dù là cách nào, vào bất cứ lúc nào.  Nhưng thực tế cái chết tức tưởi oan ức của anh đã gây đau khổ, khó chấp nhận cho những người thân còn ở lại.  Đức tin của người vợ, hai con đang chập chững bước vào đời, hai bên cha mẹ già, anh em đạo cũ, đạo mới, chưa theo đạo bị thử thách dữ dội.  Trong giây phút mà sự dữ lên ngôi, thần chết tưởng như chiến thắng, cái ác cười ngạo nghễ trên sự thiện, người ta khó lòng mà giải thích được tại sao một người đạo đức, sống tốt lành thánh thiện như anh lại có một cái kết thúc bi thảm như vậy.  Người đời sẽ chẳng bao giờ giải thích được, trừ phi họ nhìn lên cây thập giá, nơi Chúa Giêsu Kitô chịu chết treo ô nhục trên đồi Canvê.  Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh bi ai trùm kín một màu tang tóc buồn bã, không phải là đích đến của những Kitô hữu.  Đàng sau ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Chúa Nhật Phục Sinh chiến thắng khải hoàn.  Nhưng trong cơn sầu khổ tuyệt vọng, lệ nhòa mi mắt thì bóng dáng ngày Chúa Nhật Phục Sinh xa vời mờ nhạt quá.

Giữa những tiếng xì xầm của thế gian, tiếng cười đắc chí đắc thắng của thần dữ, người thiếu phụ gục xuống trước nỗi mất mát quá tang thương này.  Chị rút vào thanh vắng một thời gian dài, xa lánh phần lớn bạn bè người thân quen.  Chị tránh những ánh mắt thương hại tội nghiệp, né những câu hỏi han tò mò, ngại ngùng khi phải nghe những lời an ủi nhiệt tình nhưng vô duyên lạc điệu:  “Thôi đừng khóc, đừng buồn nữa, hãy chấp nhận thánh giá Chúa gởi đến, như thế Chúa và anh mới vui.”  Không, Bích không muốn che dấu nỗi buồn vô tận của mình.  Bích càng bối rối hơn khi nghe người ta đổ tội cho Thiên Chúa.  Vô lý quá, làm sao mà một “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”  (Ga 3,16), lại có thể gởi những sự dữ đến cho con cái của mình được.  Sự dữ đâu đến từ Thiên Chúa!  Ngài tôn trọng sự tự do chọn lựa của người cảnh sát vô cảm kia, cũng như Ngài đã từng tôn trọng sự tự do lựa chọn của Bích-Vân vậy.

Trong bóng tối cô đơn trước cây thánh giá, với cõi lòng tan nát, Bích muốn để những tiếng rên xiết quằn quại trong cõi lòng của mình được tự do òa vỡ.  Chị kiệt sức gục đầu lên vai Chúa để mặc cho dòng nước mắt thỏa sức tuôn rơi.  Chúa không bảo chị thôi đừng khóc, bớt buồn, mà chị lờ mờ thấy Chúa lau nước mắt cho mình, cùng buồn, cùng khóc với mình.  Chị để mặc cho Chúa vuốt ve, an ủi trái tim đang gào thét lên nỗi thương nhớ.  Chúa xót xa băng bó vết thương tâm hồn bê bết máu, xoa dịu nỗi buồn gặm nhấm tâm can.  Trong cõi một mình vắng lặng, Bích cố gắng tìm lại Lời Chúa, Ý Chúa, và hình ảnh Thiên Chúa ngày xưa của mình đang ở đâu trong biến cố này.  Bích cũng đang tập làm quen dần với cảnh đời mất chồng nơi xứ lạ.

Hơn hai năm sau, khi cơn đau vẫn chưa nguôi trong trái tim mới chớm lành của người goá phụ, Bích lại tiếp tục nhận được thất bại khác.  Chị đã thua trong vụ kiện người cảnh sát bắn chồng chị.  Bích kiện không phải vì tiền, vì chẳng có đồng tiền nào có thể đánh đổi được sinh mạng của anh.  Chị kiện để chân lý được sáng tỏ, để tránh cho người dân thấp cổ bé miệng sau này khỏi lâm vào hoàn cảnh oan ức như anh.  Kiện để những người cầm súng đại diện cho pháp luật ở một xứ sở tự do phải ý thức hơn về những gì họ đã làm, đang làm và sẽ làm.  Nhưng thương thay, tiếng nói yếu ớt của một sắc dân tị nạn thiểu số, tại một nơi mà đa phần là da trắng, tiếng bào chữa của một văn phòng luật sư bé nhỏ, làm sao có thể thắng được với một tập đoàn luật sư hùng hậu của thành phố, của quận hạt.  Chân lý một lần nữa lại đứng về phía kẻ mạnh.  Thần dữ lại một lần nữa vỗ tay cười hả hê, khoái trá chờ ngày người vợ và hai con đang tuổi nổi loạn từ bỏ đức tin, trút cơn giận lên Thiên Chúa chẳng chút nhân từ.  Chuyện tình ba người “Bích-Vân-Thiên” chắc rằng sẽ tan rã từ đây….

Dù không còn cảm giác với tình yêu ngọt ngào của Thiên Chúa, nhưng Bích cũng ráng đến nhà thờ mỗi ngày theo thói quen, đến nhóm cầu nguyện hàng tuần dù không cảm nhận được gì.  Sự thinh lặng của Ngài trong những giây phút cầu nguyện, trong các khóa tĩnh tâm dài ngày càng làm cho chị thêm khó hiểu.  Mỗi lần nhìn lên cây thánh giá, Bích không bao giờ dám hỏi Chúa tại sao những sự dữ lại xảy đến với gia đình mình.  Người Con Một của Ngài cũng có tội tình gì đâu sao phải chết treo trên thập giá?  Nhìn vào quan tòa xét xử Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhìn vào đôi tay Người Con Một Thiên Chúa đang bị trói chặt lại trước những tiếng la hét đòi xử tử, như chân lý và tình yêu bị trói buộc trước sự dữ, chị không muốn tiếp tục vụ kiện nữa.  Chúa Giêsu có thắng đâu trước quan tòa ngày hôm ấy!  Ngài đã thua thảm bại trước một tên tướng cướp giết người khét tiếng, đã thất bại chua cay trước những vị kinh sư Pharisêu đại diện cho tôn giáo của dân tộc mình.  Cũng như viên đạn bắn anh không phải xuất phát từ một tên cướp, mà là từ một nòng súng của người thi hành pháp luật dành cho một người dân vô tội.  Cay đắng quá!  Trò mà làm sao hơn được thầy!  Chén đắng đã hai lần nhấp thử, chị phần nào cảm nhận được nỗi thống khổ tột cùng của Chúa Giêsu trong vườn Gethsemane.  Cũng như Giêsu ngày xưa, Bích xuôi tay chấp nhận mình thua để khép lại vụ kiện, chị không muốn kháng án lên toà trên, không muốn vết thương lòng lại bị khơi ra khuấy động lên, chị muốn sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn, thấm thía mầu nhiệm thập giá… Từng ngày, từng ngày, trong tâm hồn chị vẫn vang lên lời nguyện xin tha thiết: “Chúa ơi, xin cứu con!  Chúa cho phép sự việc xảy ra như thế này thì sinh ích gì cho con?  Con xin tạ ơn Chúa mặc dù giờ này con chưa hiểu, nhưng con tin vào Ý Muốn Tốt Lành của Chúa vì Chúa đã nói mọi đau khổ đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa.”

Qua những tháng ngày đau khổ đến tê dại không còn cảm giác, qua những lúc ngã lên gục xuống, thầm khóc đến không còn nước mắt, qua những cay đắng khi nhận được tin thất bại của vụ kiện, người goá phụ từ từ cảm nhận được những nâng đỡ ủi an kín đáo của Người Cha Nhân Từ đang ẩn mặt đâu đó trong lúc này.   Gia đình, bạn bè, cộng đoàn Đức Tin, các Bí tích, Lời Chúa, Thánh Vịnh, và những bài Thánh Ca đong đầy yêu thương là những điểm tựa nương của Bích trong lúc sầu khổ lao đao: “Lạy Chúa, khi con nói: “Này chân con lảo đảo”, tình thương Ngài đã đỡ nâng con” (TV 94, 18), “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (TV 147, 3), “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:4-5).  Bích không trách Thiên Chúa đã cất anh về sớm, trong cõi lòng sâu thẳm chị chỉ biết dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chị một người chồng tốt lành, một người cha gương mẫu cho các con, một người bạn thiêng liêng thánh thiện đã cùng đồng hành với chị trong suốt hai mươi lăm năm hôn phối, mà anh chị vừa long trọng lập lại lời thề hứa ba tháng trước ngày anh đi về cõi vĩnh hằng.  Bích tạ ơn cho những gì đã có, chứ không trách móc về những gì đã mất.  Chị biết, anh vui khi được ở bên chị và anh cũng hạnh phúc khi được xum vầy cùng Thiên Chúa, Đấng mà anh hằng khát khao được bvtdiện kiến.  Chị tin rằng hình ảnh của chị và hai con luôn ở trong tim anh, và anh sẽ tiếp tục cầu khẩn cùng Thiên Chúa cho ba mẹ con.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, thế mà đã năm năm trôi qua kể từ ngày Vân về với Thiên Chúa.  Trên bia mộ đá nơi anh an nghỉ, có hình của cả ba “Bích-Vân-Thiên”, với một bên còn trống để dành chỗ cho Bích, với lời ca Hallelujah của ngày Chúa Nhật Phục Sinh khải hoàn trong vinh quang.  Thiên Chúa chưa bao giờ vắng bóng trong cuộc tình của Bích-Vân.  Trong những tháng năm đầu, trên mộ Vân không lúc nào thiếu vắng hoa tươi do Bích mang lại.  Bạn bè kẻ khen người chê trước hành động lãng mạn không thiết thực đó, lãng phí cả thời gian và tiền bạc.  Nhưng Bích có cần gì đâu, chị làm theo tiếng nói con tim.  Sự chết không chia rẽ được tình yêu của anh chị.  Mỗi lần viếng nghĩa trang nơi anh an nghỉ, chị cảm nhận được tình yêu ba người “Bích-Vân-Thiên” quyện lẫn vào nhau trong gió, trong mây để chỉ còn là một.  Chẳng còn thế giới vô hình hay hữu hình nữa, cũng chẳng còn ranh giới sự sống hay sự chết.  Bích đến không để khóc than, chị đến để trái tim chị được sưởi ấm, đến để cảm nhận tình yêu chung thủy của ba người được thăng hoa.  Bó hoa tươi trên mộ anh là ngôn ngữ tình yêu nói thay cho con tim chị.  Anh yêu nhạc, chị thích hoa, cả hai cùng say mê vẻ đẹp chân thiện mỹ, Bích-Vân đang cùng hát lên bản Tình Ca Tạ Ơn bên Thiên Chúa – Hallelujah!

Năm năm với biết bao ân sủng tuôn đổ từ trời cao đủ để làm sống dậy tin yêu hy vọng trong Bích.  Tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn sự mất mát và thất bại đã làm tươi mới lại con người Bích, chị trở lại với con người hồn nhiên yêu đời như những ngày trước có anh đi bên cạnh.  Nụ cười rạng rỡ lại trở về trên khuôn mặt nhân hậu duyên dáng của chị.  Không những thế, chị được mời gọi để làm chứng cho những mảnh đời bất hạnh, những tâm tư giận hờn Thiên Chúa vì những khổ đau bịnh tật, hay những mất mát chia lìa đớn đau, những con chiên tự tách mình ra khỏi đàn vì mải mê oán than…. Chị đến để mang câu trả lời cho những câu hỏi không lối đáp, tại sao Thiên Chúa lại để sự này xảy đến với tôi, với gia đình tôi?  Tại sao Ngài không nhận lời?  Tại sao Ngài không ngăn cản sự dữ xảy ra?  Tại sao Ngài không cất đi căn bịnh hiểm nghèo cho tôi, cho người thân của tôi?  Tại sao và tại sao?  Chị đến không để nói, để thuyết phục hay hùng biện, chị chỉ nhẹ nhàng kể về câu chuyện tình của đời chị… và Thiên Chúa sẽ làm việc với những tâm hồn tan nát đó.

Tác phẩm “Bích-Vân-Thiên” của nữ văn sĩ Quỳnh Dao được khép lại khi trang sách cuối cùng được lật qua.  Trong đầu người đọc chỉ còn lưu lại thoang thoáng vài nét về một cốt chuyện hay, một tình yêu lai láng sầu muộn chỉ có trên tiểu thuyết.  Còn “Bích-Vân-Thiên” trong đời thường, không chỉ là tên của ba người trong một cuộc tình ghép lại, mà còn là tựa đề của cuốn sách mang niềm hy vọng – cuốn sách chứng nhân đức tin – đang được tiếp tục lật từng trang mỗi ngày.  Ba nhân vật chính “Bích-Vân-Thiên” vẫn luôn nắm tay cùng đồng hành với nhau.  Đình Vân đã đi xong quãng đường của mình.  Chặng đường của Thu Bích vẫn còn dài đăng đẳng trước mắt nhưng Bích không đi lẻ loi một mình.  “Vân-Thiên” vẫn luôn cùng đồng hành với Bích và chờ ngày đoàn tụ để đóng lại cuốn sách chứng nhân đức tin “Bích-Vân-Thiên”.

Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu chúc lành cho thiên tình sử tay ba “Bích-Vân-Thiên” được đẹp mãi đến trang sách cuối cùng.  Mong rằng trong ngày sau hết cả ba sẽ được tái ngộ để cùng nhau kết hợp nên một mối tình tuy ba nhưng chỉ là một.

Lang Thang Chiều Tím
Kỷ niệm năm năm ngày giỗ anh Phêrô Lê Đình Vân, 03/03/2011 – 03/03/2016

Nếu không nghe được Youtube hoặc có vấn đề về kỹ thuật, xin để lại lời nhắn ở mục “Comment” phía dưới, chúng tôi sẽ cập nhật lại đường link Youtube.

CHỈ TRONG THINH LẶNG

try1
Ngòi bút thiêng liêng người Bỉ, Bieke Vandekerckhove, có một sự khôn ngoan chân thành.  Những gì cô chia sẻ với chúng ta, cô không học được từ một quyển sách, hay từ mẫu gương của ai đó.  Nhưng cô học được từ một gian nan, một đau khổ độc nhất vô nhị, ngay từ tuổi 19 cô đã mắc một chứng bệnh nan y, không chỉ sớm dẫn đến cái chết mà còn tàn phá và hạ giá thân thể của cô trên đường đến cái chết.

Nỗ lực đương cự với tình trạng này, đẩy cô theo nhiều hướng, ban đầu là giận dữ và vô vọng, nhưng cuối cùng đưa cô hướng về tu viện, đến với sự khôn ngoan của tu trì, và theo đường hướng đó, đi vào chiều sâu của thinh lặng, hoang mạc ẩn dấu kinh hoàng bên trong mỗi chúng ta.  Xa lánh mọi tiếng nói của thế giới, trong sự thinh lặng linh hồn của mình, trong sự hỗn loạn của cơn thịnh nộ, khắc khoải, mà cô tìm thấy sự khôn ngoan và sức mạnh, không chỉ để đương đầu với bệnh tật của mình, nhưng còn để tìm thấy một ý nghĩa và niềm vui sâu sắc hơn trong đời.

Như John Updike đã nói trong thơ, có những bí mật tránh mặt sự khỏe mạnh, và cô Vandekerckhove đã làm rõ ràng rằng, có thể khám phá những bí mật đó trong thinh lặng.  Tuy nhiên, khám phá các bí mật mà thinh lặng dạy cho chúng ta, không phải là chuyện dễ dàng gì.  Sự thinh lặng sẽ rất đáng sợ cho đến khi chưa làm bạn được với nó, và tiến trình này cũng như là băng qua hoang mạc nóng bức vậy.  Nội tâm chúng ta không dễ thanh bình, sự khắc khoải không dễ thành cô tịch, và tính khí hướng ngoại tìm sự an ủi không dễ dàng nhường đường cho sự thinh lặng.  Nhưng có một sự an bình và ý nghĩa, chỉ có thể tìm được trong hoang mạc của nội tâm hỗn loạn và thịnh nộ trong chúng ta.  Những giếng nước an ủi sâu thẳm nằm ở cuối hành trình nội tâm, qua những nóng bức, khát khô, và ngõ cụt, phải được đẩy ra qua sự kiên trì gan góc.  Và như bất kỳ hành trình anh hùng nào, nhiệm vụ của chúng ta là đừng để trái tim nhụt chí.

Và đây là những gì cô Vandekerckhove mô tả một khía cạnh trong cuộc hành trình của mình: “Tiếng nói nội tâm có thể khá nản chí.  Đây chính xác là lý do vì sao quá nhiều người chạy trốn để tìm đến với những tiếng động bên ngoài.  Họ thích có một tiếng động đổ tràn trên họ.  Nhưng nếu muốn tăng tiến đường linh hồn, bạn phải ở lại trong không gian thịnh nộ linh hồn của mình, bền gan kiên vững.  Bạn phải tiếp tục ngồi đó thinh lặng và chân thành trong sự hiện diện của Thiên Chúa cho đến khi cơn thịnh nộ lắng xuống và trái tim bạn được thanh tẩy và im tiếng.  Thinh lặng buộc chúng ta phải xem xét đường lối thực hành của con người.  Và rồi chúng ta va phải một bức tường, một đường cụt.  Cho dù xã hội có muôn ngàn cách đáp ứng cho các nhu cầu nhân sinh của chúng ta, nhưng dù có làm gì, dù có cố gắng thế nào, trong chúng ta vẫn tiếp tục cảm nhận một mất mát và ghẻ lạnh.  Thinh lặng đối đầu với chúng ta trong một vực thẳm không đáy, và dường như không có lối thoát.  Chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài chung vai sát cánh với chiều sâu lòng đạo trong mình.”

Đây là một sự thật thâm thúy:  Thinh lặng đối đầu với chúng ta trong một vực thẳm không đáy và chúng ta không còn chọn lựa nào khác ngoài chung vai sát cánh với chiều sâu lòng đạo trong mình.  Đáng buồn thay, hầu hết chúng ta chỉ học được điều này qua một sự cưỡng bách cay đắng khi thực sự đối mặt với cái chết của chính mình.  Khi bơ vơ trong cơn hấp hối, không còn bất kỳ chọn lựa và lối thoát nào, thì dù cho vật vã và cay đắng, nhưng theo lời Karl Rahner, chúng ta phải để mình chìm trong sự không thể hiểu thấu của Thiên Chúa.  Hơn nữa, trước khi quy phục như thế, đời sống chúng ta sẽ luôn vẫn bất ổn và hoang mang, và sẽ luôn luôn có các góc tối nội tâm khiến chúng ta kinh sợ.

Nhưng hành trình đi vào thinh lặng có thể đưa chúng ta ra khỏi những nỗi sợ tăm tối và chiếu ánh sáng chữa lành lên những góc tối nhất của mình.  Nhưng, như Vandekerckhove và các tác giả thiêng liêng khác đã chỉ ra, thì sự bình an này chỉ tìm được sau khi chúng ta đạt đến một ngõ cụt, bế tắc không lối thoát, nơi mà điều duy nhất có thể làm là lao đầu vào tiêu cực.

Trong quyển sách Vị của Thinh lặng, Vandekerckhove kể lại một người bạn duy tâm của mình chia sẻ với cô giấc mơ được ra khỏi bản thân mà đi vào một hoang mạc nào đó nhằm khám phá đường thiêng liêng.  Phản ứng tức thời của cô không hẳn làm anh ấy vui lòng gì: “Con người ta sẵn sàng đi vào bất kỳ hoang mạc nào.  Người ta sẵn sàng đến bất kỳ nơi đâu, miễn sao đó không phải là hoang mạc của chính mình.”  Thật đúng.  Chúng ta luôn mãi thèm khát những hoang mạc tư tưởng mà chối bỏ hoang mạc của chính mình.

Hành trình thiêng liêng, cuộc hành hương, mà chúng ta cần phải làm nhất, nó không cần đến vé máy bay đâu.  Chuyến đi đáng giá nhất cho linh hồn mà chúng ta có thể thực hiện, chính là chuyến hành hương nội tâm, đi vào trong hoang mạc thinh lặng của mình.

Là con người, chúng ta mang tính xã hội trong cấu thể.  Điều này nghĩa là, “không tốt nếu để con người một mình.” Chúng ta được định sống trong sự thông hiệp với người khác.  Thiên đàng sẽ là một cảm nghiệm thông hiệp, nhưng trên đường đến đó, có một việc làm nội tâm nhất định mà chúng ta phải và chỉ có thể làm một mình, tránh xa mọi tiếng động của thế giới.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

TÂM SỰ MÙA CHAY

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng tự vấn: “Tôi là ai mà còn trần gian quá?”  Vâng, tôi chẳng là gì, chỉ là hư vô, có chăng chỉ là một “hạt bụi” nhỏ nhất mà tôi đã làm xốn mắt Thiên Chúa!

Gói thuốc lá nằm trên bàn viết trước mặt tôi.  Những đầu ngón tay ám vàng.  Đã bao lần hứa với lòng mình và người thân mà tôi vẫn chưa dứt bỏ hẳn được, dù vẫn biết “hút thuốc có hại cho sức khỏe.”

Chiều xuống mang đầy sắc tím – sắc màu sám hối.  Chợt nhớ câu: “Hãy xé lòng, đừng xé áo” (Ge 2:13).  Tiếng Chúa hóa thành tiếng lòng cứ mãi thôi thúc tôi không nguôi.  Tôi không thể không trở về gặp chính mình trước khi gặp Đấng đã vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá.

try2Nếu ăn chay là kiêng thịt và nhịn đói thì quá dễ, vì tôi thường xuyên làm việc đó, dù có thể chỉ miễn cưỡng làm theo hoàn cảnh “ép” tôi làm một cách vô thức.

Nếu ăn chay là “giữ miệng,” tôi cũng không phải chiến đấu nhiều, vì cả ngày tôi chỉ “trò chuyện” với cây bút và trang giấy.  Vả lại, tôi thường chẳng muốn tranh chấp gì với bất kỳ ai – dù là điều nhỏ.

Nếu ăn chay là giao hòa với tha nhân trước khi giao hòa với Thiên Chúa, đồng thời biết rộng lượng hơn.  Điều này cũng chẳng khó đối với tôi.  Biết phận mình thế nào, tôi không phiền gì ai – dù nhìn bề ngoài “nghiêm”, và thường “bị” người ta cho tôi là… “khó tính”!

Nếu ăn chay là hãm dẹp bớt đam mê thì đối với tôi lại nan giải.  Thế mới hay “khi ta mạnh lại là lúc ta yếu.”  Tôi cứ tự biện hộ và chiều chuộng mình vô cớ nên hút thuốc lá nhiều đến nỗi đã trở thành thói quen, hút theo phản xạ – vui cũng hút, buồn cũng hút, no cũng hút, đói cũng hút, rảnh cũng hút, bận cũng hút, ngày cũng hút, đêm cũng hút, hút theo kiểu nói “điếu này vừa hạ rộng, điếu kia đã động quan” – hút quá nhiều và trở thành cố tật!

Ngày xưa, tôi có dạy lớp tình thương.  Thấy họ có loại “cao dán cai thuốc” và tôi đã xin họ.  Họ nói loại này dán vào bất kỳ nơi nào trên cơ thể, mỗi ngày một miếng, dùng bảy ngày thì sẽ “sợ” thuốc lá – nghĩa là khi hút thuốc hoặc ngửi mùi thuốc thì “người cai” sẽ cảm thấy khó chịu hoặc buồn nôn gì đó.  Sau một tuần “cai nghiện”, tôi càng thèm (vì “nhịn” lâu), tôi mua MỘT điếu duy nhất và… thử hút xem sao. Rít một hơi, rồi hai hơi, ba hơi… không thấy phản ứng gì, thế là tôi “an tâm” hút tiếp vô tư.  Thật tồi tệ! Bỏ một thói quen (dù nhỏ) cũng không dễ chút nào.

Một lần nữa Mùa Chay lại về.  Tôi mở lại “trang lòng” mình để gột rửa.  Con người tưởng là mạnh mẽ mà quá yếu đuối.  Thật đúng như Đại đế Napoléon đã nói: “Chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình.”  Với Ơn Chúa, tôi hy vọng có thể dứt bỏ thêm một vài tật xấu riêng nào đó để có thể “giữ chay” theo đúng Tôn Ý Thiên Chúa.  Thoát khỏi “xiềng xích” của một thói xấu nào đó, dù chỉ là thói xấu bình thường, dù không hề vi phạm Luật Chúa và Luật Giáo hội, người ta cũng vẫn cảm thấy “nhẹ mình.”

Xin tẩy rửa tâm hồn con, lạy Chúa, Đấng thương con trọn vẹn từ thuở hồng hoang đến muôn đời, xin cho con cùng CHẾT và được SỐNG LẠI với Ngài.  Con thâm tín rằng tội lỗi con dù có thắm như son và đỏ như máu, ân tình Ngài vẫn tẩy sạch con nên trắng ngần như bông, như tuyết.  Con thật hạnh phúc vì có một “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4:8).

Trầm Thiên Thu

******************************
Chúa bị đóng đinh và sống lại,
Xin dạy chúng con đương đầu với những đấu tranh hằng ngày,
để chúng con sống trọn vẹn hơn.

Chúa đã đón nhận những thất bại trong đời người,
như nỗi đau khổ trên thập giá,
với lòng khiêm tốn và nhẫn nại,
xin cho chúng con biết đón nhận
những nhọc nhằn và đấu tranh mỗi ngày
như những dịp để lớn lên và giống Chúa hơn.

Xin cho chúng con biết đương đầu với những thử thách đó
với lòng kiên nhẫn và bạo dạn,
vì được Chúa nâng đỡ.

Xin cho chúng con hiểu rằng
chúng con chỉ sống trọn vẹn
khi chấp nhận từ bỏ mình luôn luôn,
với những thèm muốn ích kỷ.
Vì chỉ khi chết với Chúa,
chúng con mới sống lại với Chúa.

Từ nay, xin cho chúng con đừng bao giờ đau khổ và khóc than
đến mức quên mừng rỡ vì Chúa đã sống lại !
Chúa là mặt trời rực rỡ của tình yêu Chúa Cha,
Chúa là hi vọng hạnh phúc muôn đời,
Chúa là ngọn lửa tình yêu sáng rực.
Ước gì niềm vui của Chúa Giêsu là sức mạnh của chúng ta
Và liên kết chúng ta trong sự bình an, hiệp nhất và tình thương.  Amen.

Hiền Hòa chuyển dịch

GIỌT NƯỚC MẮT

Ai sinh ra cũng khóc.  Đứa bé khóc được là thân nhân vui mừng, đứa bé không khóc thì thân nhân… lo.  Vậy khóc là “tín hiệu tốt” chứ không phải là cười.

Rồi khôn lớn dần, trong cuộc sống, ai cũng đã từng hơn một lần rưng rưng nước mắt hoặc đầm đìa nước mắt.  Mà nói đến nước mắt là nói đến trạng thái khóc.  Thường thì khóc là thể hiện tâm trạng buồn.  Nhưng cũng có thể khóc vì vui, như thi hào Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.”  Buồn mà lại cười, đó là lúc người ta quá buồn, buồn muốn phát điên, buồn muốn khóc, và rồi khóc đến cạn nước mắt.  Có thể đó là “cái bí ẩn” trong cách nói của người Việt Nam thường nói: “Buồn cười quá!”

try3Cụ Nguyễn Công Trứ đã từng “khóc”, vì ông đã “ngồi buồn mà trách ông xanh” và mong ước:
      Kiếp sau xin chớ làm người
      Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Nhưng với chúng ta, những người có niềm tin vào Đức-Kitô-tử-nạn-và-phục-sinh, chúng ta có quyết tâm tích cực hoàn toàn khác:
      Kiếp sau xin vẫn làm người
      Và làm thánh giữa Nước Trời trường sinh

Chúng ta không chỉ “vẫn làm người”, vì thân xác chúng ta cũng được sống lại và lên trời, đặc biệt là còn làm “thánh nhân.”  Nhưng trước khi “về Nhà Cha” hưởng phúc trường sinh vinh quang, chúng ta không thể không phải chịu đau khổ, nghĩa là có những lúc buồn nẫu ruột, buồn đến chết, buồn đến bật khóc… đến nỗi những người kém lòng tin đã tự tử.

Khóc có nhiều kiểu.  Khóc có nhiều nguyên nhân.  Khóc có nhiều mức độ.  Thế nên nước mắt cũng có nhiều loại, kể cả “nước mắt cá sấu.”  Và tất nhiên, nước mắt không chỉ có vị mặn mà còn có những vị khác nữa!

Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, ông có “giọt nước mắt ngà”: “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha.  Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa.  Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu… Thôi một giọt nước mắt này, cho cuộc tình đam mê, cho người tình trăm năm… Giọt lệ nào thương vay, tình đành tràn mi cay… Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên!”  Giọt-nước-mắt-ngà của NS họ Ngô là giọt-lệ-tình-sầu, một “kiểu” nước mắt của riêng ông.

Người đời có nhiều loại nước mắt, riêng người Công giáo có thêm loại nước-mắt-ăn-năn, nước-mắt-khóc-cho-tội-mình mang vị mặn chát, nhưng đó là loại nước-mắt-thánh-thiện rất cần thiết.  Nước mắt làm cho sáng mắt, và nước mắt có thể làm “trôi đi” phần nào nỗi buồn.

Tác giả Thánh vịnh có kiểu khóc thế này: “Tôi lang thang như người khóc mẹ, tôi tủi buồn cúi mặt xuống mà đi” (Tv 35:14).  Nước mắt chảy nhiều đến nỗi tác giả “xin lấy vò mà đựng nước mắt” (Tv 56:9), và thường đem “nước mắt hoà nước uống” (Tv 102:10).  Có những giọt nước mắt bình thường hoặc tầm thường, nhưng có những giọt nước mắt quý giá – gọi là châu lệ.

Thánh Phaolô cũng đã từng phải khóc: “Tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm” (2 Cr 12:21).
Thánh sử Luca tường thuật: “Có một phụ nữ tội lỗi cúi sát chân Chúa Giêsu mà khóc.  Chị lấy nước mắt mình mà tưới ướt chân Ngài, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Ngài và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7:38).  Những giọt nước mắt như vậy thực sự là châu lệ, vì đầy tâm tình sám hối và tin yêu. Do đó, Chúa Giêsu đề cao tấm gương của phụ-nữ-tội-lỗi này: “Yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lc 7:47).

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại Tang của Giáo hội, đúng ra là Thế Giới Tang.  Nhiều người chú trọng nhiều đến “bề ngoài”, lo “bày tỏ” bằng những cách để đánh vào thị hiếu của giới bình dân.  Nếu thực sự ngoại tại có thể giúp nội tại thì cũng tốt, nhưng đừng thái quá.  Điều cần là “đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2:13).  Khóc cho tội và chết cho tội là thành tâm sám hối và quyết tâm chừa tội, đó mới là cách Chúa muốn.  Cứ lo “diễn” bề ngoài mà không chú ý nội tâm thì chắc chắn Chúa không muốn.

Chính Đức Giêsu cũng đã khóc vì thương tiếc thành Giêrusalem (x. Lc 19:41), nhưng khi người ta than khóc Ngài vì thấy Ngài vác Thập giá, dù Ngài đang rất mệt mỏi và đau đớn mà vẫn ráng quay lại nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì.  Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28).

Đó cũng chính là lời cảnh báo Ngài nói thẳng với chúng ta.  Và rồi khi “Ngài ngự đến giữa đám mây”, nghĩa là lúc Ngài đến thế gian lần thứ hai, “ai nấy sẽ thấy Ngài, cả những kẻ đã đâm Ngài.  Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Ngài” (Kh 1:7).

Cuộc đời là chuỗi-đau-khổ-đầy-nước-mắt, nhưng chính đau khổ lại là diễm phúc: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5:5).  Khóc không bị chê trách mà được chúc phúc.  Giọt-nước-mắt đó đầy vị-mặn-yêu-thương.  Chỉ có một loại nước mắt tệ hại nhất và vô phúc nhất là giọt-nước-mắt-trong-hỏa-ngục, vì phải đời đời “khóc lóc và nghiến răng” (Mt 8:12; Mt 13:42; Mt 13:50; Mt 22:13; Mt 24:51; Mt 25:30; Lc 13:28).

Chúa Giêsu đã dùng chính sự thất bại để chiến thắng, dùng chính đau khổ để đạt vinh quang, và dùng chính cái chết để đạt sự phục sinh.  Đấng Cứu Thế đã vậy thì chúng ta không thể không như Ngài – nghĩa là cũng phải khóc lóc và rơi lệ hằng ngày.  Tuy nhiên, Ngài đã chết để chúng ta được sống, và rồi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt chúng ta” (Kh 7:17; Kh 21:4).

Lạy Chúa Cha hằng hữu đầy lòng thương xót, vì tội lỗi khốn nạn của chúng con mà Ngài bắt Đức Kitô, Con Yêu Dấu của Cha, phải chết đau thương.  Chúng con thành tâm xin lỗi Đức Giêsu Kitô, xin cho nước mắt của chúng con được hòa với Máu và Nước của Ngài để nài xin lòng thương xót cho chính chúng con và toàn thế giới.  Chúng con khẩn thiết Chúa Cha thương xót và tha thứ cho chúng con, xin giúp chúng con trung tín với Ơn Chúa để đừng làm khổ Đức Giêsu chút nào nữa.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

BIẾN HÌNH – QUA THẬP GIÁ ĐẾN VINH QUANG

Biến cố Chúa hiển dung trên núi Tabor được cả ba thánh sử Tin Mừng nhất lãm thuật lại. Sau khi Đức Giêsu loan báo về cái chết và sự thống khổ mà Ngài sẽ phải trải qua, một bầu khí u ám bao trùm trên các học trò. Vì vậy sáu ngày sau, Đức Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín lên núi cao và biến hình trước mặt các ông, để các ông được tận mắt mục kích vinh quang sáng chói nơi Ngài. Sứ điệp mà Đức Giêsu muốn ngỏ trao cho các môn đệ, là hãy can đảm đối diện mầu nhiệm Thánh giá, vì con đường Thập giá sẽ dẫn đến vinh quang. Tương tự như thế, thánh Phaolô cũng đã khẳng định: “Những ai cùng chết với Người, sẽ được cùng Người sống lại trong vinh quang” (2Tm 2, 11).

try4Vinh quang bị che dấu

Cha Phanxicô Amberat đã so sánh: “ Giống như một đám mây bị xé ra cho thấy ánh mặt trời rực rỡ, việc Chúa biến hình cũng xé toang đám mây trong kiếp người hèn hạ của Đức Giêsu để ba môn đệ được chiêm ngắm vinh quang bị che dấu nơi Ngài.”

Có nhiều ảo thuật gia tài ba như Coperfield đã khéo léo sử dụng kỹ xảo để đánh lừa thị giác con người, ví dụ biểu diễn màn ảo thuật chặt đôi thân xác, hay đi xuyên qua tường hoặc làm biến mất ngọn tháp Eiffel.. Thế nhưng, đó chỉ là xảo thuật nhờ những kỹ thuật hiện đại. Trong các câu chuyện cổ tích, người ta vẫn hay tạo ra những nhân vật có phép thần thông biến hóa như Tôn Ngộ Không chẳng hạn. Song, cuộc biến hình của Đức Giêsu không phải là một màn ảo thuật. Đây cũng không phải là một câu chuyện hoang đường mang tính giả tưởng. Đức Giêsu là một “Thiên Chúa – Người”, một vị Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng lại ẩn dấu thiên tính cao sang trong dáng dấp của một người phàm thấp kém. Ngài tự bản tính là Thiên Chúa hằng sống, Đấng không bao giờ phải chết, nhưng lại mang thân phận con người vốn hay chết. Đó là một nghịch lý vĩ đại, không phải thách đố đầu óc suy lý con người, nhưng đây chính là lời mời gọi đức tin để chúng ta mạnh dạn tiếp bước dấu chân của Đức Giêsu trên con đường tiến về núi sọ. Mùa chay là thời gian tôi luyện giúp chúng ta tiến sâu vào cuộc hành trình này.

Tính phản diện trong phận người
Biến cố biến hình mà phụng vụ hôm nay gợi nhắc nêu bật tính phản diện ấy. Trên núi cao, ba môn đệ sung sướng mở to đôi mắt để ngắm nhìn vinh quang chói sáng nơi Đức Giêsu. Nhưng khi đối diện trước viễn ảnh Thập giá nơi vườn cây dầu, cả ba vị lại yếu đuối khép chặt đôi mắt trong giấc ngủ sâu, không thể cùng thức với Thầy mình dù chỉ một tiếng. Một Phêrô đã cao hứng xin dựng ba lều, lại là một anh học trò nhát đảm đã ba lần chối Chúa. Trong biến cố đầu tiên, cả ba vị vui mừng phấn khởi, nhưng trong biến cố sau, cả ba đệ tử nghĩa thiết đều đã nhát đảm thoái lui. Tính phản diện này cũng được thánh Phaolô lột tả khi Ngài viết: “Có những điều tôi muốn làm nhưng tôi đã không làm, ngược lại có những điều tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm.”

Trong cuộc hành trình nội tâm mà Giáo hội gợi nhắc chúng ta suốt mùa chay này, chúng ta phải nhận ra tính phản diện ấy nơi mỗi người để can đảm đi vào cuộc chiến đấu thiêng liêng. Con người chúng ta ai cũng có những yếu đuối và sa ngã, nhưng không sao, Chúa Giêsu luôn ở với ta và Ngài sẽ nói với chúng ta như đã từng ngỏ lời với Phaolô: “Ơn Thầy thì luôn đủ cho anh” (2 Cor 12, 9).

Biến đổi nội tâm
Một câu chuyện ngụ ngôn Ấn Độ kể lại rằng, có một gia đình khỉ sống trong một khu rừng rậm. Trời buốt giá, lũ khỉ run rẩy vì lạnh. Chúng gom một ít củi khô để đốt hầu sưởi cho bớt rét. Một con đom đóm bay sà tới. Con khỉ đầu đàn tóm lấy và đặt vào giữa đám củi khô, vì đám khỉ tưởng đó là ánh lửa. Cả gia đình khỉ đều túm lại và phùng mang trợn má thổi mạnh. Nhưng con đom đóm mãi mãi vẫn chỉ là đom đóm, chứ không phải là ngọn lửa. Một con chim bay ngang qua nói với lũ khỉ: “Này các bác ơi, đó chỉ là con đom đóm chứ có phải là ngọn lửa đâu.” Bầy khỉ không nghe, bắt lấy con chim và đập chết. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình nhà khỉ nằm chết cóng bên đống củi khô cùng với xác của một con đom đóm.

Trong cuộc sống đời thường của chúng ta, có rất nhiều con đom đóm xuất hiện mà chúng ta cứ ngỡ tưởng là ngọn lửa thật. Đó là những con đom đóm của tiền bạc, của danh vọng, của những lạc thú trần gian. Nếu cứ bám mãi vào những con đom đóm đó, chúng ta sẽ chết một cách nghiệt ngã giống như đám khỉ trong câu chuyện nêu trên. Muốn thoát ra khỏi ánh sáng lập lòe của những con đom đóm giả hiệu này, chúng ta phải lột xác, phải biến hình với Chúa Giêsu, tức là phải đi vào cuộc biến đổi nội tâm một cách triệt để.

Kết luận
Một nhà tu đức nọ đã viết trong nhật ký của mình những dòng tâm tình sau đây. “Lúc còn nhỏ với bao tham vọng, tôi vẫn cầu xin Chúa giúp tôi biến đổi cả thế giới này. Lớn lên khi thấy chưa làm được gì, tôi chỉ cầu xin Chúa giúp tôi biến đổi những con người mà tôi vẫn thường gặp. Bây giờ khi cuộc đời đã xế chiều, tôi thấy mình rất mong manh chẳng làm được gì nên chuyện, tôi chỉ cầu xin Chúa hãy giúp tôi biến đổi chính con người của tôi.”

Michael Angelo, một điêu khắc gia tài ba, đã thổ lộ: “Đứng trước một phiến đá thô, để có được một bức tượng hoàn hảo, chúng ta cần phải biết đục đẽo và loại bỏ đi những gì thừa thãi, chứ không cần đắp thêm vôi vữa.” Cũng vậy muốn biến con người chúng ta trở nên một bức tượng sống, họa lại hình ảnh Chúa Giêsu, chúng ta cũng cần phải biết đục bỏ những gì dư thừa trong cuộc sống. Đó là phương cách để chúng ta đi vào sự biến đổi cách sâu xa.

Chúa biến hình trên núi cao, cũng mời gọi chúng ta ở dưới đất thấp, hãy can đảm lột xác, biến đổi nội tâm cách triệt để. Sự biến đổi ấy là điều kiện cần thiết để chúng ta tiếp nối dấu chân của Đức Giêsu, và cùng bước đi với Ngài trên con đường Thập giá.

LM GB Văn Hào, SDB

CẦN PHẢI SỐNG THẾ NÀO CHO ĐÚNG Ý NGHĨA MÙA CHAY?

Xưa nay nói nghĩ đến mùa Chay là nghĩ ngay đến việc ăn chay: kiêng thịt và ăn ít.  Nếu chỉ dừng lại nơi hai việc này, thì chưa sống đúng ý nghĩa mùa chay thánh.

Bây giờ chỉ còn ăn chay kiêng thịt hai ngày trong năm thôi, theo luật Giáo hội: ngày thứ Tư lễ Tro và ngày thứ sáu Tuần Thánh.

Nhưng nếu ai có lòng tự ý hy sinh ăn chay kiêng thịt thêm nữa, là điều tốt lành đạo đức, cũng là điều đáng khuyến khích.

Trong Kinh Thánh Chúa Giêsu nhắn nhủ việc chay tịnh:
–  Khi con giúp đỡ người nghèo khó, con đừng đánh trống thổi kèn việc con làm… (Mt 6, 2)
–  Khi con cầu nguyện, con đừng bắt chước kẻ giả hình… (Mt 6, 5)
–  Khi con giữ chay tịnh, đừng làm bộ mặt ủ rũ rầu rĩ như bọn gỉa hình… (Mt 6, 16)

try5Như thế, Chúa Giêsu khuyến khích giữ chay tịnh trong trái tim hồn, chứ đừng giữ chay tịnh theo bề mặt bên ngoài.  Niềm vui với Thiên Chúa, niềm vui với tha nhân và cả với chính bản thân sức khỏe của mình không là bước cản trở sống ý nghĩa mùa chay.  Trái lại, niềm vui đó giúp sống mùa chay theo đúng ý Chúa rất nhiều.  Có nhiều cách thức áp dụng sống mùa chay thánh, để ba việc căn bản: cầu nguyện, bố thí giúp người nghèo và ăn chay, được có ý nghĩa đầy đủ.

  1. Ăn chay bằng đôi con mắt:

Con mắt là cửa cho những hình ảnh từ bên ngoài đi vào trong tâm trí con người.  Ánh sáng đôi con mắt phản chiếu hình ảnh của mỗi con người.  Nó tựa như mặt trời của con người.  Con mắt không chỉ thu nhận hình ảnh từ bên ngoài vào trong thâm tâm mình. Nhưng nó còn chiếu tỏa ra bên ngoài những gì sâu kín nội tâm của con người nữa.  Nó như tấm gương phản chiếu của linh hồn tâm trí và của thân xác con người.  Con mắt là cửa số của linh hồn!

Nên tiết độ chừng mực bằng con mắt trong việc nhìn, trong việc quan sát, giúp ích rất nhiều cho tâm hồn được bình an.  Chỉ nhìn xem những gì lành mạnh tốt đẹp, những gì mang gây đến niềm vui hạnh phúc cho mình và cho người khác

  1. Ăn chay bằng đôi tai

Đôi tai là cổng cho âm thanh to nhỏ từ bên ngoài đi vào trong tâm trí con người.  Đôi tai là hình ảnh của sự cởi mở và sẵn sàng thâu nhận, cho lắng nghe.

Có những âm thanh làm đảo lộn tâm trí đời sống, tạo ra bất an cho con người.  Vì thế tiết độ chừng mực bằng đôi tai, không phải là chối từ lắng nghe.  Nhưng chỉ sẵn sàng nghe đón nhận những âm thanh tiếng nói mang lại niềm vui cho tâm hồn, cùng gợi suy nghĩ sự hữu ích tốt lành thánh thiện cho đời sống.

  1. Ăn chay bằng đôi tay

Đôi tay không chỉ là phần thân thể tứ chi của con người, nhưng nó là dụng cụ có nhiều công dụng cho cuộc sống con người.  Đôi tay là hình ảnh sức mạnh con người, đồng thời nó cũng diễn tả ra bên ngoài sức sống suy nghĩ từ bên trong tâm trí tâm trí.

Khi tay cử động làm việc, diễn tả hay sáng tạo, là muốn gửi đi tín hiệu đã được suy nghĩ nghiên cứu của tâm trí.  Cử động của đôi tay là ngôn ngữ không thành lời, những gì người đó muốn nói.

Đôi tay làm việc thiện tốt lành, làm việc xây dựng, bác ái, chúc lành, cầu nguyện.  Nhưng đôi tay cũng làm gây ra những việc không lành mạnh, không xây dựng, từ chối phá đổ, chửi rủa.

Tiết độ chừng mực bằng đôi tay là không dùng nó cho những việc tiêu cực, những việc không lành mạnh, những việc mang đến hậu qủa phá đổ không xây dựng.

  1. Ăn chay bằng đôi chân

Đôi chân dung để đứng, để đi.  Với đôi chân đứng vững trên mặt đất nền nhà là dấu chỉ sự nối kết giữa con người và đất.  Từ đất, như trong Kinh Thánh diễn ta, con người được tạo thành và sau cùng cũng trở về với đất.

Đôi chân của con người diễn tả con đường sự sống của họ, con đường hành trình một đời người.   Chừng mực tiết độ bằng đôi chân trong đời sống là không chỉ biết đi mãi, đi không còn biết mệt mỏi.  Nhưng còn phải biết dừng chân nghỉ ngơi, dừng chân để suy nghĩ lại bước đường đã đi qua.

Chừng mực tiết độ bằng đôi chân trong đời sống là biết đi đến với người khác, không phải chỉ đi cho riêng mình.  Chừng mực tiết độ bằng đôi chân là không phải đi đến địa điểm có lợi ích cho phần nuôi sống thân xác.  Nhưng còn cần phải đi đến địa chỉ nơi cầu nguyện, nơi học hành, nơi giải trí lành mạnh để nuôi sống phần tinh thần nữa.

Sưu tầm
******************************************
Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.

 Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.

 Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

 Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

 Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người.  Amen.

Lời nguyện Rabbouni

ĐỨC GIÊSU BỊ CÁM DỖ

W1Đức Giêsu bị cám dỗ sau một thời gian dài không ăn trong hoang địa.  Có lẽ sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Jordan với Yoan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã ăn chay cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì, và phải làm như thế nào trong những tháng ngày sắp tới.  Sau thời gian này, Đức Giêsu đã đi rao giảng, khởi đầu một giai đoạn mới trong đời Ngài.

Đức Giêsu là người.  Ngài không biết tất cả.  Ngài phải tìm ý Thiên Chúa liên lỉ qua cầu nguyện, bằng việc nhận định những gì xảy tới cho Ngài trong đời sống thường ngày (Lc.22, 42; Ga.4, 34).  Ngài cầu nguyện để biết phải làm gì, phải chọn ai (Lc.6, 12-13).  Trong cuộc sống, có lúc Ngài biết nhưng lúc khác Ngài lại xao xuyến dao động: Ngài đã loan báo cho các tông đồ rằng Ngài sẽ bị bắt bị giết và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại (Lc.9, 22. 44-45; 18, 31-34) nhưng ở trên thập giá Ngài lại bị cám dỗ Thiên Chúa bỏ Ngài: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc.15, 34).

Đức Giêsu là người.  Ngài còn bị cám dỗ như tất cả mọi người.  Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu bị cám dỗ biến đá thành bánh (Lc.4, 3), bị cám dỗ có quyền hành (Lc.4, 6-7), bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa (Lc.4, 9-10). “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”  Ai đã có kinh nghiệm đói, mới biết những cám dỗ này mãnh liệt như thế nào.  Ai có kinh nghiệm về nghèo, mới thấy tiền bạc thu hút con người đến độ nào.  Khi đói, người ta mong có đủ cơm ăn; khi có đủ cơm ăn áo mặc, người ta mong muốn có nhiều để bảo đảm tương lai và còn muốn ăn ngon mặc đẹp.  Đây là những cám dỗ mà ai cũng gặp.  Đức Giêsu một khi đã chia sẻ thân phận con người nên Ngài cũng bị cám dỗ về ăn, tuy nhiên Ngài không thể biến đá thành bánh như Ngài muốn, nếu không, Ngài không còn là người trọn vẹn nữa.  Nhập thể, là chấp nhận giới hạn của con người.

Con người thấy mình có những khuynh chiều của thân xác và cũng có lý trí để nhận biết điều tốt và phải làm.  Con người có những khuynh chiều thân xác như thèm ăn, đòi thỏa mãn thân xác, muốn được đề cao và quy tất cả về mình.  Những khuynh chiều này cũng thuộc về tôi nhưng không hoàn toàn thuộc về tôi.  Tôi có những nhu cầu thân xác, có những khuynh chiều thân xác, nhưng cũng không phải chỉ có vậy.  Tôi còn cảm nhận nơi tôi có ao ước cái gì cao hơn, tươi đẹp hơn, tuyệt hơn.  Tôi là thực tại gồm cả khuynh chiều thân xác cũng như lý trí hướng thiện.  Khuynh chiều xấu có nơi tôi, nhưng nó chưa là tôi hoàn toàn; chỉ khi nào tôi đồng tình, chỉ khi nào tôi ưng thuận, nó mới hoàn toàn là tôi.  Có nhiều lúc tôi ưng thuận với những khuynh chiều bất chính nơi tôi, và như vậy, tôi làm tôi thành xấu qua chính hành vi ưng thuận của tôi.

Đức Giêsu, theo ngôn từ của thư gởi tín hữu Do Thái, không bao giờ ưng thuận những điều sai quấy cho dù Ngài bị cám dỗ như tất cả bao người khác: “Ngài nên giống chúng ta mọi đàng trừ tội” (Dt 4, 15; 2, 17).  Ngài bị cám dỗ như bao người, như mỗi người chúng ta, nhưng không bao giờ Ngài phạm tội, không bao giờ Ngài ưng thuận với những gì bất chính, với những khuynh chiều bất chính nơi thân xác Ngài.  Đức Giêsu là người hoàn toàn, Ngài chịu thử thách trăm bề, bị cám dỗ như bất cứ ai trên đời, nhưng Ngài có một điều khác con người: Ngài không phạm tội.  Đồng tình hay không đối với những khuynh chiều bất chính nơi mình, là hành vi tự do của mỗi người; đồng tình với những khuynh chiều xấu, là phạm tội.  Phạm tội hay không, là tùy tự do của mỗi người, là do con người xử dụng tự do Thiên Chúa ban cho như thế nào.  Phạm tội hay không, là tùy tự do con người, nó không thuộc bản chất con người.

Theo niềm tin Kitô hữu, có hai người không bao giờ dùng tự do Thiên Chúa ban để chống lại Thiên Chúa, không bao giờ hai vị này thuận theo những khuynh chiều bất chính nơi họ, đó là Đức Giêsu và Đức Maria.  Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và không phạm tội “riêng.”  Mẹ là người tuyệt vời, nên đã được Thiên Chúa cho hưởng hạnh phúc trọn vẹn và vĩnh cửu với Ngài.  Điều này được diễn tả qua tín điều: Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác.  Đức Giêsu đã không bao giờ thuận tình với bất cứ cám dỗ làm điều xấu nào.  Ngài thuộc trọn về Thiên Chúa đến độ người ta nói Ngài là con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Tin vào Đức Giêsu là tin vào Thiên Chúa.  Thiên Chúa đã sinh ra Đức Giêsu, đã làm Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn.  Đức Giêsu đã thuộc về Thiên Chúa với thân xác của mình, cho dù người ta đã hủy hoại thân xác Ngài, nhưng không thể hủy hoại được Ngài.  Thân xác Đức Giêsu là thân xác thánh ngang qua chính cuộc sống của Ngài.  Mỗi con người đều được gọi để thành thánh, để thuộc về Thiên Chúa, trở nên người thành toàn, người tuyệt vời qua những chọn lựa sống của mình.  Hơn bất cứ thời điểm nào, mùa chay giúp các Kitô hữu nhìn lại con người của mình với những khuynh chiều thân xác và tinh thần, để rồi nhận ra lời mời gọi nên thánh trong tất cả mọi hành vi của đời sống mình.

LM Giuse Phạm Thanh Liêm

 NGƯỜI LÀ BỤI TRO

W2Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro”
(Thánh ca)

Bài thánh ca đã trở thành quen thuộc mỗi khi Mùa Chay về.  Lời ca đơn sơ mà da diết, bi ai mà thiết thực, nhắc chúng ta nhớ về thân phận con người.
Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu công giáo, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu.  Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, hết thảy đều nhận mình là thân phận bụi đất, hư vô.  Nghi thức này thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của mình.  Bụi tro xem ra đơn giản là thế mà lại gợi ý suy tư với bao điều sâu sắc.

1- Bụi tro nhắc nhở chúng ta sự mỏng giòn của kiếp người
Tro là phần còn lại của một số chất liệu sau khi đã bị lửa thiêu rụi.  Tiền thân của tro có thể là những đồ vật một thời quý giá, sang trọng, có thể là những bông hoa một thời kiêu sa, rực rỡ.  Thế rồi, với tác động của ngọn lửa, những gì là rực rỡ không còn, những gì là kiêu sa đã mất, còn lại chỉ là nắm tro tàn vô dụng.  Phụng vụ khuyên đốt những cành lá sử dụng trong Chúa nhật lễ Lá năm trước để lấy tro dùng trong nghi thức làm phép và xức tro.  Những cành lá nhắc lại lời tung hô của người dân thành Giêrusalem khi Đức Giêsu tiến vào thành thánh.  Như những cành lá xanh tươi mau khô héo do tác động của thời gian, những lời ca tụng con người dành cho nhau sớm bị lãng quên vì chỉ nhất thời.  Nếu có rất nhiều người tung hô Đức Giêsu khi Người vào thành thánh ngày Chúa nhật lễ Lá, thì cũng có khá đông những cánh tay giơ lên chiều thứ Sáu để đòi lên án tử cho Người.  Khoảng cách cho một cành lá từ lúc xanh tươi đến lúc héo tàn mỏng manh là thế.

Khi tham dự nghi thức hỏa táng một người thân, chúng ta cảm nghiệm cách sâu xa sự mỏng giòn của thân phận con người.  Chỉ sau vài giờ đồng hồ, ngọn lửa đã biến thân xác con người trở thành tro bụi.  Vẻ đẹp đẽ xinh tươi sẽ không còn; giàu sang phú quý sẽ biến mất.  Những hộp hài cốt đặt để gần nhau trong ngôi “nhà tưởng niệm” cho thấy, sau khi chết, con người chẳng còn chi khác biệt.  Giàu sang, nghèo hèn có cùng một địa chỉ; yêu thương thù ghét cùng một chốn đi về.

Như một đoá hoa vô thường, cuộc đời mỏng manh, nay còn mai mất.  Mỗi ngày qua đi, thân xác con người thay đổi, rồi đến mùa thu cuộc đời, họ trở nên tàn tạ.

Vượt lên thân phận mỏng giòn chóng qua của kiếp con người, đức tin công giáo hướng chúng ta về những giá trị vĩnh cửu.  Quả vậy, nếu thân xác con người như đoá phù dung sớm nở tối tàn, thì linh hồn con người lại trường tồn bất tử.  Nếu cuộc sống thế gian dừng lại khi con người nhắm mắt xuôi tay, thì cuộc sống vĩnh cửu lại khởi đầu lúc con người giã biệt trần thế.  Phủ nhận linh hồn bất tử, con người sẽ bất hạnh, vì sau khi chết, họ trở về với hư vô.  Không tin Thiên Chúa hiện hữu, người ta sẽ sống trong vô vọng, vì không tìm đâu được lý tưởng cuộc đời.

2- Bụi tro nhắc nhở chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng Vĩnh cửu
Tác giả sách Sáng thế nói với chúng ta, thân xác con người được tạo thành từ bùn đất, rồi con người sẽ trở về với đất, vì từ đất mà ra.  “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7).  “Con người” chỉ khác với đất là có hơi thở.  Chính Thiên Chúa đã “thổi hồn” cho đất để đất trở nên người.  Đất với người từ đó mà có duyên nợ, luôn gắn liền với nhau.  Con người sống nhờ đất khi thọ hưởng biết bao hoa màu từ đó, rồi cũng chết vì đất khi đổ mồ hôi trán để tồn tại và mưu sinh.  Đất là chỗ đứng chắc chắn cho bước chân người khi họ còn sống; Đất mở rộng vòng tay đưa con người trở về an nghỉ khi họ từ giã cuộc đời.  Hành trình con người khởi đi từ đất, qua một chuỗi những tháng ngày vui tươi đau khổ, hân hoan, thất vọng, rồi con người lại trở về với… đất.  Cách trình bày của tác giả sách Sáng thế cho ta thấy tình thương bao la của Thiên Chúa.  Con người là một tác phẩm do chính Chúa tạo nên.  Ngài như một người thợ thủ công lành nghề, khéo léo nhào nắn đất để tạo nên hình dạng con người.  Với tình yêu thương, Ngài chăm sóc và ban cho con người hơi thở.  Hơi thở ấy chính là hơi thở của Ngài.  Thật kỳ diệu khi được biết sự sống của chúng ta chính là hơi thở của Thiên Chúa.  Nhờ hơi thở của Chúa mà con người trở nên cao cả, tuy được nắn từ bùn đất.  Sau cuộc đời lo toan giữa nhân tình thế thái, con người trước khi về với đất “trút linh hồn”, trả lại “hơi thở” cho Chúa, trong tâm tình biết ơn trìu mến, như người con phó thác trọn vẹn nơi Cha mình.

3- Bụi tro nhắc chúng ta sống tốt cuộc đời tạm này
Khi ý thức được sự mỏng giòn chóng qua của thân phận con người, chúng ta chọn lựa và gắn bó với những giá trị trường tồn vĩnh cửu.  Của cải vật chất chỉ là phương tiện Chúa ban để chúng ta sống xứng với phẩm giá con người và để giúp đỡ anh chị em.  Chúng ta không thể mang theo chúng khi giã biệt cõi đời.  Cánh tay buông thõng của người vừa trút hơi thở cuối cùng cho thấy, con người đến thế gian với hai bàn tay trắng, nay trở về với cát bụi cũng chỉ là tay không.  Thật bất hạnh cho những ai coi tiền bạc của cải như những chiếc “phao cứu hộ” vào lúc cuối đời.

Vì những lợi lộc trần gian mà không thiếu người dùng mọi mưu mô mánh lới.  Vì vinh quang nhất thời mà có người đã coi nhẹ lương tâm.  Bụi tro nhắc chúng ta những vinh quang trần thế cũng chỉ như đoá hoa rực rỡ hôm nay, ngày mai sẽ trở thành tro bụi.  Chỉ có tình Chúa tình người mới lâu bền tồn tại, mãi đến thiên thu.

Nếu bàn bay buông thõng của người vừa nằm xuống chẳng mang theo được gì khi tạm biệt cõi đời, thì những công phúc họ đã thực hiện ở đời này lại theo họ mãi mãi (x. Kh 14, 13).  Vì vậy, trong cuộc đời quá ngắn ngủi này, chúng ta được kêu gọi tận dụng thời gian để sống tình nhân ái với nhau. Hãy thôi những bon chen lừa lọc vì cuộc đời chẳng là mấy.  Hãy dừng những toan tính nhỏ nhen vì chẳng ai sống mãi trên đời.  Thấy rõ cuộc sống chóng qua giúp ta thiện chí sống bao dung quảng đại. “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”.  “Tiếng” đây là lòng nhân hậu, là đạo đức của con người.  Một người sống tốt lành, khi thân xác của họ đã an nghỉ trong lòng đất, cái đức của họ vẫn còn.  Họ vẫn được lưu danh với thời gian.

“Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro”

Lời ca đơn sơ mà da diết, bi ai mà thiết thực, nhắc chúng ta nhớ về thân phận con người, hướng chúng ta về với Đấng Vĩnh Cửu qua những thực hành cụ thể của cuộc sống hôm nay.

GM Giuse Vũ Văn Thiên

MỪNG XUÂN VỚI NHỮNG LIÊN HỆ

Mồng 2 Tết

Dịp Tết, chúng ta thường gửi thiệp chúc Tết, thăm viếng và tặng quà cho nhau.  Những sinh hoạt ngày Tết như thế là những sinh hoạt của các mối liên hệ.  Nếu không có những liên hệ, ngày Tết sẽ mất đi ý nghĩa của nó.  Tết là của người khác chứ không phải của riêng mình.  Vì thế, đối với trẻ em, Tết là những ngày hội vui.  Nhưng đối với người trưởng thành, Tết là một trách nhiệm:

Người chúng ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ.  Không ai có thể sống một mình.  Chúng ta cần có cha mẹ để có mặt ở đời.  Chúng ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá.  Chúng ta cần có bạn bè để chia vui sẻ buồn.  Chúng ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái.  Chúng ta cần có thợ may để có quần áo.  Chúng ta cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ.  Có thể nói tất cả những gì chúng ta có được: từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.

W3Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho chúng ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống.  Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể chúng ta.  Những mối liên hệ chính là chiếc chúng tay vịn giúp chúng ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.

Đời chúng ta có nhiều liên hệ.  Có những liên hệ chiều rộng giúp cho cuộc đời thêm tươi đẹp phong phú.  Có những liên hệ chiều sâu tạo thành bản chất cuộc đời.  Gia đình với ông bà cha mẹ tổ tiên nằm trong mối liên hệ chiều sâu của đời chúng ta.  Không có ông bà cha mẹ tổ tiên, chúng ta không có mặt ở đời.  Ông bà cha mẹ là những hạt giống chịu vùi chôn dưới những lớp đất vất vả nhọc nhằn để cho cây đời chúng ta được mọc lên xanh tươi.  Ông bà cha mẹ đã tự nguyện quên bản thân mình, chịu mục nát như lớp phân bón cho cây đời chúng chúng ta đơm bông kết trái.  Chúng ta là điểm tới của một quá trình phấn đấu gian nan dài đằng đẵng của ông bà cha mẹ.  Nếu ví đời sống chúng ta như một bông hoa thì những bông hoa ấy đã được tưới bằng những giọt mồ hôi và cả những giọt nước mắt của ông bà cha mẹ.  Nếu ví đời chúng ta như một toà nhà cao tầng thì ông bà cha mẹ chính là lớp nền móng chịu vùi chôn dưới lòng đất, còng lưng gánh chịu mọi sức nặng cho toà nhà đứng vững, phô trương vẻ đẹp với đời.  Hạt mầm hiện hữu vì bông hoa sắp nở.  Nền móng có mặt vì ngôi nhà sắp xây.  Trọn một đời ông bà cha mẹ đều dành cho hạnh phúc của con cháu.

Đời sống mỗi người, vì thế, đều có một lịch sử rất dầy và rất sâu.  Bề dầy ấy không chỉ đo bằng những trang sách của cuốn gia phả, nhưng còn đo bằng những trang đời của bao thế hệ tổ tiên.  Độ sâu ấy không chỉ đo bằng những cố gắng của bản thân, mà còn đo bằng bề sâu ân nghĩa của biết bao hi sinh vất vả của ông bà cha mẹ.

Ngày Tết là ngày của những mối liên hệ.  Mùng Một Tết, chúng ta đã sống mối liên hệ với Chúa, nguồn gốc và cứu cánh của đời chúng ta.  Mùng hai Tết, Giáo hội muốn chúng chúng ta sống mối liên hệ với ông bà cha mẹ, những người thay mặt Chúa, trực tiếp ban sự sống cho chúng ta.

Sự sống là món quà quý nhất nên mối liên hệ với người ban sự sống cũng là mối liên hệ sâu nhất.

Tục lệ lập bàn thờ và kính nhớ tổ tiên trong ngày Tết là một nét văn hoá rất cao của người Việt Nam. Hình ảnh của ông bà cha mẹ trong nhà không chỉ nói lên sự sum họp của một gia đình đầm ấm, hình ảnh ấy còn nhắc chúng ta về lòng biết ơn, cho chúng ta nhìn thấy bề sâu bề dầy của lịch sử đời mình. Và vì thế giúp chúng ta ý thức về trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, đối với bản thân, và đối với những thế hệ kế tiếp.

Muốn xây một căn nhà thật cao thật đẹp, trước hết phải xây dựng nền móng vững chắc.  Muốn xã hội tiến nhanh tiến mạnh, phải xây dựng gia đìnhh vững chắc.  Thờ kính tổ tiên, nhớ ông bà chính là nền tảng giúp xã hội tiến bộ vững mạnh.

Nếu những mối liên hệ là những con đường chuyển tải sự sống thì những liên hệ chiều sâu chính là những xa lộ huyết mạch.  Nếu những mối liên hệ là những mạch máu nuôi dưỡng sự sống thì mối liên hệ chiều sâu chính là những động mạch chủ.  Sửa chữa, củng cố và tăng cường những liên hệ gia đình chính là phát triển sự sống, phát triển xã hội.

Chính trong ý hướng đó mà Giáo hội muốn chúng ta sống tình gia đình, lòng biết ơn ông bà cha mẹ trong ngày mùng Hai Tết.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam hay còn gọi là Tết, Tết cổ truyền, Tết âm lịch… là những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam ta.  Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi Tết mang ý nghĩa như thế nào?  Bài hát “Tết quê em”:


W4Tết Tết Tết Tết đến rồi

Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết Tết Tết Tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người.

Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa

Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình.

Lời đầu tiên, mến gửi lời chúc quý anh chị em một mùa xuân tràn đầy tin yêu và hy vọng trong năm mới này.  Bài hát “Tết quê em” gợi lên và nhắc nhớ cho chúng ta ngày Tết sắp đến rồi.  Chúng ta đã và đang chuẩn bị cho ngày Tết.  Riêng tôi, xuân đến làm cho tôi xao xuyên và nhớ về ngày Tết quê hương, nhớ đến cội nguồn, nhớ ngày xuân bên mái ấm gia đình, bên những người thân, đi chúc tuổi và nhận được bao lì xì.  Ca dao Việt Nam viết:

Mùng Một thì ở nhà cha,
Mùng Hai nhà vợ, Mùng Ba nhà thầy
Mùng Một tết cha,
Mùng Hai tết mẹ, Mùng Ba tết thầy

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Mong cho Tết đến dựng nêu ăn chè
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Kế đến, Tết mang ý nghĩa thiêng liêng là ngày đoàn tụ gia đình, là ngày làm mới, là ngày hy vọng và tạ ơn.

Tết là ngày đoàn tụ gia đình: người Việt có tục lệ hằng năm mỗi khi Tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, nhớ đến ông bà tổ tiên, thăm lại nơi họ đã từng sinh sống trong thời niên thiếu đã gắn liền với đồng lúa, giếng nước, cây đa, lũy tre làng, mảnh sân nhà.  Hình ảnh đó như thôi thúc cho mọi người nhớ về với quê hương của mình.  Vì vậy, “Về quê ăn Tết” đã trở thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn.

Tết là ngày đổi mới: Tết là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc.  Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp và sửa nhà cửa.  Về đời sống tinh thần, nhân dịp đầu năm, người ta thường tạo mối liên hệ giữa người thân để được cảm thông và bỏ qua chuyện cũ.  Người lớn cũng như trẻ con mặc quần áo mới.  Nợ nần thì được thanh toán để bước qua năm mới gặp được may lành.  Những chuyện buồn phiền, cãi vã được hàn gắn và bỏ qua trong ba ngày Tết.  Mọi người vui vẻ tươi cười với nhau. Tết còn là sinh nhật của tất cả mọi người vì ai cũng thêm một tuổi, khi gặp nhau là chúc nhau thêm một tuổi.  Người lớn mừng tuổi cho trẻ con để các cháu ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học giỏi; còn các cụ già thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc.

Tết là ngày tạ ơn và hy vọngNgười Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm vừa qua.  Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên…  Hơn nữa, Tết là ngày của hy vọng.  Hy vọng năm mới được an lành, may mắn và phát đạt.  Với tất cả mọi người Ki-tô hữu, Tết là dịp để chúng ta nhìn lại những hồng ân Chúa ban cho.

Anh chị em thân mến!  Chắc hẳn, anh chị em mình đang sống trên mảnh đất này, đang là mùa đông thời tiết thì giá lạnh, chúng ta không có được những cảm xúc không khí ấm áp của mùa xuân trên quê hương.  Đặc biệt, các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ lại càng không có được những cảm xúc thú vị của ngày Tết cổ truyền và các phong tục của ngày Tết Việt tại quê hương.  Nhưng bên cạnh chúng ta luôn có những người thân, có cha mẹ và anh chị em.  Họ là những người mang đến cho chúng ta mùa xuân.  Chúng ta hãy nghĩ đến họ và làm cho mùa xuân được nở hoa bên nhau, đó là cách chúng ta mang lại mùa xuân cho người thân đang sống bên cạnh chúng ta.  Trên hết, Chúa là Mùa Xuân vĩnh cửu.  Ngài sẽ mang lại cho chúng ta mùa xuân ấm áp và yêu thương khi chúng ta trao cho nhau tình yêu thương, chia sẻ và cảm thông. Nhất là thời khắc quan trọng trong ngày đầu năm mới này, chúng ta hãy lì xì cho nhau lòng vị tha, khoan dung và tha thứ.  Đó là món quà quý nhất để cho chúng ta tận hưởng mùa xuân.

Chúa là Mùa Xuân ban muôn phúc lành cho anh chị em trong năm Giáp Ngọ này.

Rev. John Nguyen