MÙA XUÂN IM LẶNG TRONG ÐÔI GUỐC

Con cái đã quên, không còn ai nhớ đến đôi guốc mộc. Sau đám tang của mẹ, mấy người con gom quần áo của bà đốt hết. Riêng đôi guốc gỗ nằm nơi xó tường nên chả người con nào để ý. Mấy tháng, kể từ ngày bà nằm trên giường bệnh, đôi guốc lúc bị đá vào xó tường này, lúc bị đẩy sang góc tối kia, đến độ người nhà không còn để ý nó là đôi guốc của ai.
Từ ngày theo người mẹ đó về nhà, đôi guốc giã từ những tháng ngày thong thả, mơ mộng trên quầy hàng.

* * *

Thủa xưa, khách vào ra, ngắm nghía, nâng niu, chủ hàng chẳng bao giờ để đôi guốc bám bụi. Ðôi guốc chả phải làm gì, sống như thế thật nhàn hạ. Nhưng nếu nghĩ cho cùng, cũng không thiếu nhàm chán, chả có gì mới mẻ trong cuộc sống cả. Ðôi lúc, đôi guốc nghe như có hai tiếng nói thì thầm trong hồn nó. Một là bảo nó cứ nằm yên ở đây cho nhàn hạ, hai là bảo nó hãy bỏ đây xuống đời tìm cho cuộc sống một ý nghĩa.

– Chả nhẽ cứ tiếp tục là đôi guốc nằm trên quầy hàng như thế này mãi sao?

Nó không phải là đồ trang sức, không phải là bức tranh cho người ta ngắm. Có nhàn hạ, nhưng nằm mãi ở đây thế này nó bắt đầu thấy chán, càng ngày càng thấm thía những suy nghĩ về một cõi sống trên những nẻo đường của cuộc đời. Nhưng mỗi khi nhìn đôi guốc dưới chân các bà mẹ, nó lại nghe tiếng nói khác thì thầm: “Vất vả quá!” Có đôi guốc sứt mẻ. Có đôi guốc mòn xác xơ. Ðiều đó làm nó nghĩ ngợi.

Ðời là một chọn lựa. Cứ tiếp tục suốt đời giam mình ở đây hay bước xuống đường để ra đi đây đó? Sau cùng nó quyết định ra đi.
Một trưa xế nắng kia, có người thiếu phụ vào tìm mua đôi guốc. Chủ hàng đem nó ra giới thiệu. Nhìn dáng người thiếu phụ, đôi guốc biết người đàn bà ấy thật thà, nhưng thấy dáng bà có vẻ nghèo. Những người nghèo thường vất vả. Bước chân của người nghèo là bước chân khổ. Làm thân guốc cho một người nghèo vất vả lắm. Thật thà mà nghèo chắc cũng chả hạnh phúc. Cuộc sống bây giờ chẳng ai quý người nghèo. Càng suy nghĩ, đôi guốc càng lưỡng lự, cứ sợ người đàn bà ấy chọn mua mình.

snhn7Nó phân vân không biết có nên theo chân bà ta hay không. Ðời luôn là phải chọn lựa như thế. Vất vả, nghèo mà thật thà, đặc tính của người muốn mua nó có vậy thôi. Ðôi guốc nghĩ thầm: “Ðến lúc muốn ra đi, lại gặp phải người đàn bà nghèo thế này. Hay ta chờ một người đàn bà khác giàu có. Theo chân người giàu sẽ sung sướng hơn?”

Trong lúc nó phân vân, người đàn bà cầm đôi guốc ngắm nghía, cho xuống chân ướm thử. Một làn hương thơm huyền nhiệm toát ra từ đôi chân bụi đường. Ðôi guốc vô cùng kinh ngạc, làm sao điều ấy có thể xảy ra được. Nó đã được nhiều đôi chân đẹp ướm thử mà chưa bao giờ có hiện tượng lạ lùng như thế. Phải là đôi chân dịu dàng mới toát ra vị thanh tao được chứ. Ðôi chân trần của người đàn bà nhà quê mốc thếch. Làm sao đôi chân lấm lem lại có thể toát ra một hương nhân đức kỳ bí được. Nó không ngờ. Ðiều huyền diệu ấy, tiếng lương tâm đôi guốc bảo cho nó biết rõ là đến từ lòng thật thà, bao dung, vất vả hy sinh của người mẹ kia. Bấy giờ, nó hối hận vì quá vội nghi ngờ đánh giá khi nhìn sự nghèo khó bên ngoài. Lòng hối hận ấy làm nó bừng lên một ước ao mãnh liệt là được theo chân bà. Linh tính cho nó biết nơi dấu chân người mẹ này có một thế giới huyền diệu. Nhưng người mẹ băn khoăn đặt nó vào kệ gỗ vì bà không đủ tiền.

Ðôi guốc gỗ mím môi tiếc xót vì từng bị thử dưới bao đôi chân, chưa thấy bước chân nào kỳ lạ như bước chân của người mẹ này. Giữa lúc nó muốn theo chân người đàn bà để khám phá thế giới linh thiêng kỳ bí đó, bà lại không đủ tiền mua nó. Bà tần ngần đặt đôi guốc lại kệ gỗ.

Người chủ hàng chỉ bán rẻ những đôi guốc bị nứt thôi. Ðôi guốc nghĩ thầm: “Hay là ta đánh đổi đời mình thành đôi guốc nứt?” Nếu vậy, còn gì dáng vẻ, vì cả một đời sẽ mang dấu vết nứt đó. Ðôi guốc suy nghĩ quay quắt về một chuyến đi trong đời.
Người đàn bà lại cầm nó trên tay, tiếc vì không đủ tiền. Ðôi guốc giật mình nghĩ rằng đời không có nhiều cơ hội. Nếu bà không đủ tiền mua nó, bao giờ bà sẽ quay lại? Có thể sẽ không bao giờ. Nếu bà đặt nó trở lại quày hàng, biết đâu nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại bà? Nó lấy hết can đảm theo tiếng gọi thâm sâu của linh hồn, chấp nhận một thương đau cho khởi đầu một chân trời kỳ bí kia đang chờ đón. Nó quyết định chấp nhận đời mình thành đôi guốc nứt. Tức khắc, ngay khi quyết định xong, nó nghe như trong linh thiêng có một trận chiến vô hình. Tiếng nói của Bóng Tối gục xuống. Tiếng nói của Ánh Sáng bừng lên. Cũng trong lúc ấy, như chiều cao thập giá đổ xuống, một vết thương xước ra, chạy dài toàn thân. Nó ngất lịm. Thế là nó thành một đôi guốc nứt.
Người đàn bà giơ lên nhìn kỹ. Bà ồ lên một tiếng thở nhẹ, vui mừng vì một khám phá:

– Ông chủ tiệm ơi, nhìn kỹ đi, đôi guốc có vết nứt đây này.

Người chủ tiệm tiếc rẻ. Ngần ngừ, ông đành bán tống nó đi.

Lúc tỉnh dậy, đôi guốc đã về đến nhà người đàn bà. Bà xoa xoa vết nứt, tìm mũi đinh đóng lại. Một lần nữa, nó đau buốt thân mình. Nhưng trong mỗi nhát búa, nó thấy mùa xuân đang về trên những nhánh gai. Nó bắt đầu cảm thấy ý nghĩa của nước mắt và hạnh phúc. “Tôi sẽ theo chân bà ta đi đâu bây giờ?” Trời đang vào hạ hanh nắng hay cúc vàng nhuộm xuân. Nó hồi hộp tự hỏi.
Ngày hôm sau, ngay chuyến đi đầu tiên nó đã mệt rã rời. Trời xuống tối, bà vẫn chưa về đến nhà. Quẩy gánh nặng trên vai. Con đường cứ dài thăm thẳm, toàn thân mình đau ê ẩm. Ðường đất miền quê sỏi đá gồ ghề, ngay chân bà cũng trượt té trầy da huống chi đôi guốc. Nó bị nện xuống gập ghềnh. Như vậy mà đã từ bao lâu nay người mẹ này cứ bước chân không, nghĩ đến nỗi đau, nó thấy xót xa cho bà. Nhìn xuống nỗi đau của mình, nó muốn chia sẻ với bà nỗi đau kia. Lạ lùng quá, khi mới chợt có ý nghĩ ấy, nó thấy toàn thân nóng bừng, và trên nỗi đau nó thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh.

Qua một buổi chiều mà đôi guốc đã khám phá bao nhiêu bí mật đời sống dưới bàn chân một người mẹ:

– Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm có thể bay ngược chiều gió.
– Chịu đựng bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng.
– Gánh nặng vì tình yêu luôn luôn đi đôi với sức mạnh.
– Thật thà là mật ngọt nuôi dưỡng bình an.
– Nhẫn nại là những đường may nối dài tình thương.

Quá mệt, đôi guốc ngủ thiêm thiếp lúc nào không hay. Lúc ướt lạnh, nó co người rùng mình thì người mẹ đã đang ở bờ giếng kéo nước đổ vào nồi cám nấu cho heo. Ðôi guốc bàng hoàng không biết trời đang vào khuya hay đã về sáng. Chung quanh chỉ là đêm tối lần mò. Nó lắng nghe bước chân. Người mẹ hết quanh quẩn trong góc bếp lại ra cầu ao. Khuya thế này rồi sao bà không nghỉ ngơi? Ðôi guốc mệt đừ.

* * *

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Thoát chốc đã đến ngày đôi guốc mòn quá rồi. Bây giờ nó không còn là hình dạng đôi guốc ngày xưa trong cửa hàng nữa. Xấu xí, lem luốc, nứt nẻ. Nhìn lại quãng đời, đôi guốc không thể biết được nó đã bước bao nhiêu đường dài. Nếu mỗi ngày bà mẹ quẩy gánh 10 cây số, thì 365 ngày một năm, đã trên 3 ngàn cây số rồi. Trời ơi! Ðôi guốc không ngờ nó đã đồng hành với bà trên một dặm đường dài hơn cả đất nước của người đàn bà như thế.

Ðôi guốc không hiểu sao nó có sức chịu đựng trung thành theo chân bà. Nó còn nhớ ngày xưa nằm trên quầy tủ cửa hàng, mới chỉ nghĩ đến ra đi đã ngao ngán quá rồi. Vậy đâu là sức mạnh? Gần đến cuối đời, đôi guốc nhìn lại những bến bờ đã đi qua, nó thấy cộng lại những cây số ngàn ấy, không bước chân nào của bà mẹ không có tình thương. Từ sớm tinh mơ đến tan chợ chiều, bà vất vả cũng vì các con mà thôi. Từ đó, đôi guốc khám phá ra khi nó được chia sẻ đời nó trong tình yêu, tình yêu cho nó sức mạnh. Bất cứ nơi nào có tình yêu thì có sức sống. Bất cứ gỗ đá nào chạm vào tình yêu cũng thành trái tim mềm mại thiết tha. Và nó hiểu, nó không đi tìm mùa xuân vì chính nó đang làm nên mùa xuân cho cuộc đời.

* * *

Thưa mẹ, con còn nhớ một đêm kia, khuya quá khuya, mẹ ngồi bên con, nhìn con trong cơn sốt. Làm sao mẹ có đôi đũa thần của bà tiên quyền phép làm cho con hết cơn đau. Mẹ cứ ngồi bên con vậy thôi. Mẹ không an lòng rời xa con. Mẹ đặt tay lên trán con chờ mong từng giây cho con hết bệnh. Muốn uống một ly sữa, con chỉ cần đưa chiếc ly lên miệng uống là xong. Bây giờ nhìn lại, con thấy đêm đó, khi chợt nghe con muốn một ly sữa, mẹ vội thắp thêm đèn, chiếc đèn dầu con tù mù, lệch kệch ra sau vườn kéo gầu nước, nhóm bếp củi mù than đun nước. Mẹ hối hả không ngại ngùng gõ cửa hàng vào những giờ người ta không muốn thức giấc để mua, hòa cho con một ly sữa.

* * *

Sau khi bà mẹ chết, đôi guốc nằm im lặng nơi góc tường tối. Không người con nào để ý. Nó âm thầm một đời theo chân người mẹ, hy sinh, vất vả, chịu đựng. Lúc người mẹ còn sống, đôi guốc đã âm thầm như thế. Bây giờ bà chết rồi, nó vẫn tiếp tục cái âm thầm của bao tháng ngày về trước. Chẳng lẽ bất cứ điều gì liên quan tới mẹ đều lặng lẽ như thế sao?

Tình yêu của những người mẹ dường như bao giờ cũng âm thầm. Xin những người con hãy khua động tình yêu âm thầm ấy của mẹ bằng một cánh hoa linh hồn.

Kìa, ngoài kia đất trời đã đang chuyển mình tìm mùa xuân.

Lạy Chúa, con cũng đang đi tìm mùa xuân cho cuộc đời. Chân đi trong đời để tìm mùa xuân nhiều khi rất đau. Và bây giờ con hiểu, con nhớ tới đôi guốc của mẹ con.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J. (Trích trong Cô Đơn và Sự Tự Do)

ỨNG NGHIỆM LỜI KINH THÁNH

Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”

Đấy là kết luận bài giảng đầu tiên của Đức Giêsu trong hội trường làng quê Nagiarét: Qua bài đọc của ngôn sứ Isaia, Đức Giêsu vừa đưa ra một chương trình hành động: Rao giảng Tin Mừng cho Người nghèo hèn, giải phóng những tù nhân, đem lại sự giải thoát cho những người bị áp bức, loan báo năm hồng ân của Chúa.  Lời chú giải duy nhất của Đức Giêsu nói rằng!  Hôm nay, mọi sự ấy đã ứng nghiệm.  Trước sự ngạc nhiên của cử tọa, Người khẳng định rằng bản thân Người đã đáp lại trọn vẹn mọi sự chờ đợi của Israel.  Đức Giêsu kéo Lời Chúa từ “quá khứ” xa xôi nơi người ta muốn luôn luôn giam hãm Lời Chúa.  Người yêu cầu nhân loại chớ đặt Thiên Chúa “trong quá khứ” hoặc “trong tương lai”: phải là sự lan tỏa của Thiên Chúa, dự án của Thiên Chúa, trong đời sống hàng ngày của chúng ta… Hôm nay!

Và hôm nay, chẳng phải chúng ta cũng đã cố gắng kéo lui Tin Mừng trở về phía sau, vào hai mươi thế kỷ trước đây đó sao?  Vậy còn những người nghèo hèn nào, những tù nhân và người bị áp bức nào hôm nay ở chung quanh chúng ta?  Chúng ta sẽ mang đến cho họ Tin Mừng nào?

Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người

Tôi chiêm ngưỡng “miệng” Đức Giêsu mà Luca là người duy nhất thường nói với chúng ta (Lc 4, 22; 11, 54; 22, 71). Những “lời ân sủng” từ miệng Đức Giêsu mà ra.  Như thế, sự rao giảng của Đức Giêsu đã bắt đầu với việc khẳng định rằng thời kỳ mà Thiên Chúa ban ơn “không mất tiền” và ban sự tha thứ đã đến và đó là hôm nay: ý nghĩa sít sao của từ “giải phóng” trả lại tự do, hay “giải thoát” (“aphésis” trong tiếng Hy Lạp) là thế.  Đức Giêsu đến để mang lại một “sứ điệp của ân sủng”, một sự ban ơn, một quà tặng vô giá mà không ai xứng đáng được.  Chúng ta phải ghi nhận rằng toàn bộ thần học của thánh Phaolô về “ân sủng” trong thư gởi tín hữu Rôma đã được viết ra khi Luca soạn thảo Tin Mừng của Người.  “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5, 20).

Luca đã là một môn đệ và một người bạn đồng hành của Phaolô.  Không giống như Máccô (6, 1-6), trước tiên Luca ghi nhận rằng việc rao giảng của Đức Giêsu được đón nhận: “Mọi người đều tán thành và thán phục?”  Những người dân ở Nagiarét không xấu xa hơn ở những nơi khác: Vậy thì, tại sao họ sắp sửa trở mặt?

Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?

Luca biết rất rõ đó là một biểu lộ sự ngu dốt của họ về nguồn gốc thật sự của Đức Giêsu như ngài vừa viết ra trên giấy trắng mực đen: “Thiên hạ vẫn coi Người là con ông Giuse” (Lc 3, 23).  Vậy thì, người ta hài lòng với “sứ điệp của Đức Giêsu, nhưng Người ta không muốn nhận sứ điệp ấy từ Người: Đó là cớ vấp phạm rất thông thường của nhân loại!  Dẫu sao, đó chỉ là “con ông Giuse.”  Giáo Hội cũng luôn gây ra cùng một cớ vấp phạm.  Người ta sẵn sàng tiếp đón sứ điệp của Giáo Hội, nhưng người ta không chấp nhận sự yếu đuối của con người trong Giáo Hội.

Giáo Hội cơ cấu giống như phần lớn các hiệp hội, với tài chính của nó, với sự nặng nề trong việc điều hành, nhưng sơ cứng của sức nặng quá khứ trong huyết quản, những tội lỗi của cách thành viên, chứng nhận định thiếu sót của một số viên chức, sự sợ hãi canh tân, những mâu thuẫn giữa “nói” và “làm”.  Người ta không bao giờ nhận xét hết những khía cạnh “quá” con người của Giáo Hội.  Như thế, những người dân ở Nagiarét bị kẹt cứng trong định kiến “con ông Giuse.”

Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình!  Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!

Đức Giêsu không tìm cách làm giảm nhẹ cuộc xung đột mà Người đoán trước: Chính Người đã tấn công. “Vậy ông hãy làm cho chúng tôi những phép lạ như ông đã làm ở những miền lân cận!”  Người ta không ngừng đặt “cơn cám dỗ” lớn ấy dưới chân Đức Giêsu.  Đó là cơn cám dỗ của satan (Lc 4, l-14).  Người ta đòi hỏi Đức Giêsu những “dấu chỉ từ trời xuống” (Lc 11, 16).

Một trong những cách chối bỏ Thiên Chúa là yêu cầu Chúa làm các phép lạ.  Chúng ta tiếp tục có thái độ của người dân ở Nagiarét.  Chúng ta muốn có một Thiên Chúa tỏ mình ra thêm chút nữa, một Thiên Chúa giải quyết những vấn đề của chúng ta thay cho chúng ta.  Vả lại Thiên Chúa không thích vai trò mà chúng ta muốn ép Người làm.  Thiên Chúa không thích điều ngoại lệ, kỳ diệu và ly kỳ.  Khi Người chữa lành một người mù không phải để làm cho chúng ta kinh ngạc mà để ám chỉ cho chúng ta biết rằng Người muốn chữa sự mù lòa vốn có của tất cả chúng ta.  Khi Người chữa lành một người bị liệt nằm trên cáng, vì Người mong muốn chữa lành mọi người chúng ta khỏi một bệnh liệt còn nặng hơn nhiều là tội lỗi của chúng ta.  Điều đó được nói rõ ràng trong Tin Mừng (Lc 5, 17-26).

“Vậy ông cũng hãy làm tại đây một phép lạ cho chúng tôi.”  Chúng ta cũng thế, có lúc chúng ta tưởng rằng mình phục vụ Thiên Chúa theo cách đó.  Vả lại, muốn xếp đặt Thiên Chúa “để phục vụ chúng ta” chính là chối bỏ Người.  Tối hậu thư bi đát.  Tối hậu thư buồn cười.  Con người tìm đến trước mặt Chúa và yêu cầu Người “làm” điều mà mình mong mỏi, điều phục vụ cho mình?  Thách thức Thiên Chúa?  Giảm lược Thiên Chúa để Người chỉ còn là một “động cơ phụ gỡ rối cho chúng ta khi cái xe: không còn chạy được nữa.  Ôi! Lạy Chúa, con nhận ra mình ở trong số những người đồng hương của Chúa ở Nagiarét!  Xin Chúa giúp con trở lại với lòng con để bắt đầu phục vụ Chúa, thay vì đòi Chúa phục vụ con.  Thay vì lúc nào cũng nói “nguyện ý con được thể hiện bởi Chúa, con phải nói trong chân lý rằng nguyện ý Cha được thể hiện bởi con.”

Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình

Không, người ta chẳng chịu nghe các ngôn sứ.

Làm ngôn sứ chẳng dễ chịu chút nào, phiền toái là đằng khác!  Nghĩa là làm “người phát ngôn” của Thiên Chúa.  Giêrêmia trong bài đọc một của chủ nhật này nói với chúng ta điều đó một cách thật đau đớn.  Thiên Chúa không phải lúc nào cũng nói những lời dễ nghe.  Vì thế nhiều ngôn sứ đã phải chết: “Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” (Mt 23, 37).  Đấy là một chủ đề của Luca (6, 23; 11, 47-50; 13, 33-34; Cv 7, 52).

Còn chúng ta, trong thế giới mà đa số là vô tín và duy vật, nhưng chúng ta có phải là những ngôn sứ không?  Không phải trong những lúc đặc biệt mà trong đời thường mỗi ngày; nắm chắc “chính nghĩa của Thiên Chúa”, nắm chắc lời “vì Chúa” (từ ngôn sứ trong tiếng Hy Lạp do chữ “pro-phèmi” có nghĩa là “tôi nói vì”).

Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn.

Luca, môn đệ của thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, là người duy nhất đưa ra sự so sánh này lấy ra từ Cựu ước để nhấn mạnh đến những ân huệ mà Thiên Chúa ban cho những người không phải là dân Do Thái.  Biến cố ở Nagiarét mang dáng dấp của một chủ đề thần học: ơn cứu độ không dành riêng cho một số người đặc quyền.  Thiên Chúa muốn cứu chuộc mọi người.  Thiên Chúa yêu thương dân ngoại.  Không có Đất Thánh, không có Dân được chọn.  Chúng ta sẽ lạm dụng ngôn ngữ mạc khải nếu chúng ta sử dụng những cách diễn tả của Kinh Thánh một cách cố chấp như thể những miền đất khác bên ngoài Israel là phàm tục, như thể các dân tộc khác bị loại trừ khỏi Giao ước Thiên Chúa không có biên giới!  Thiên Chúa còn bao la, cao cả hơn những chân trời nhỏ bé của bản thân chúng ta!  Người ta không thể giam hãm con ông Giuse trong cái “hố” ở Nagiarét của Người.  Thiên Chúa cao cả hơn Giáo Hội hữu hình.  Những người ngoài Kitô giáo không nằm bên ngoài ân sủng của Thiên Chúa.

Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ co ông Naaman, người xứ Xyri thôi

Trong sự so sánh giữa Israel và các dân ngoại, mọi ưu điểm thuộc về dân ngoại.  Khi nào có thể, Đức Giêsu đều thán phục đức tin của các dân ngoại, những người không phải là Do Thái, những người Samari dị giáo (Lc 9, 23.47; 10, 33; 17, 16).  Thật lạ lùng khi tôn giáo có thể làm sơ cứng lòng người.  Từ hai ngàn năm rồi Israel đã chờ đợi Đấng Mêsia, nhưng đức tin của họ bị sơ cứng.  Đó là lời cảnh báo cho tất cả những ai tưởng rằng mình thân thiết với những việc của Thiên Chúa, tưởng rằng mình được hưởng, một nền giáo dục Kitô giáo tốt đẹp, và việc thường xuyên tham dự các bí tích bảo đảm.  “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Lc 7, 34).
snhn6Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.  Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi.  Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực

Đây là sự tiên báo số phận sau cùng của Đức Giêsu.  Người bị giết bên ngoài thành (Lc 20, 15; Cv 7, 57).  Chúng ta hẳn sẽ lầm khi vội vã tưởng rằng mình ở về phía những người lương thiện và được miễn trừ thái độ của những người đồng hương với Đức Giêsu.  Rất nhiều lần, chúng ta cũng “lôi” Đức Giêsu ra khỏi những quyết định của chúng ta, nhà chúng ta, nghề nghiệp chúng ta.  Ông không can dự gì ở nhà tôi!  Hỡi ngôn sứ, đi chỗ khác mà thuyết giáo.

Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi

Những từ khước của tôi không thể ngăn Con Thiên Chúa theo đuổi kế hoạch của Người với những người khác.  Điều tệ hại là tôi không biết ngạc nhiên nhiều hơn!  Giữa những trào lưu của lịch sử, những từ khước của con người, Đức Giêsu tiếp tục “con đường của Người.”  Lạy Chúa, cám ơn Chúa!

Noel Quesson

 

BỆNH QUÊN

Có một gia đình nghèo, thất nghiệp. May thay lại có một chủ xưởng cưa chịu nhận cả gia đình vào làm. Ông lo cho cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, và có việc làm mỗi ngày. Mọi chuyện tốt đẹp.
Nhưng ít sau, đến giờ đi làm thì:
– Người thì nói: trời hôm nay nắng quá, khi nào trời mát rồi tính.
– Kẻ thì lên tiếng: khúc cây còn tươi, nên dai, khó cưa.
– Người thì nói: lưỡi cưa không sắc, khi nào có lưỡi tốt thì làm.
– Người khác kêu ca: loại gỗ này già tuổi, gỗ cứng chắc làm sao mà cưa.
– Một người lớn tiếng: khúc gỗ hôm nay cong quá, làm sao bây giờ.
– Người thì than rằng hôm nay mình chán nản, mệt mỏi quá.
Và thế là cả gia đình nghỉ việc.

********************************************
Dân Israel trong thời nô lệ ở Ai cập rất là khổ cực, bất hạnh. Bị hành hạ, ngược đãi và đối xử bất công. Họ phải làm những việc nặng nhọc, dù thời tiết có mưa bão hay nắng cháy, dù người khoẻ hay yếu đều phải làm việc. Ăn uống thì chỉ được ăn cho khỏi chết mà thôi. Học hành, giải trí… quần áo, nhà cửa, thuốc men ư? Bị đối xử như là súc vật thì làm gì có những thứ tốt và làm gì có quyền đòi hỏi quyền lợi.
Thế rồi, họ được Đức Chúa thương cứu họ cho khỏi cái nhục nhằn của đói khổ và công việc. Họ thoát được cảnh bất công giữa chủ và nô lệ. Họ được Moses dẫn qua sa mạc đến vùng đất hứa, vùng đất snhn5đầy sữa và mật ong, vùng đất hứa hẹn cho cả dòng dõi họ và con cháu.
Thế nhưng, họ đâu có nhớ. Họ kêu ca than phiền và đưa ra mọi thứ yêu sách. Tại sao chúng tôi phải như vậy. Nào là trời nắng, khó chịu, bực bội quá. Rồi đến ăn bánh manna nhạt nhẽo không bổ béo gì. Nào là muốn nước trong, nước sạch nước mát, rồi đến đòi ăn thịt chim. Chưa hết, họ còn chê trách Thiên Chúa, bỏ rơi Ngài để thờ thần khác, thờ bò vàng.
Trình thuật của Luca cho biết đến cái thế hệ khó hiểu là: “thổi sáo vui mừng thì không nhảy múa. Hát bài đưa đám thì không khóc than” (Lc 7, 31). Chúa Giêsu còn dẫn chứng: Gioan tẩy giả sống đơn sơ nghiệm nhặt; sống chay tịnh, không ăn bánh, chỉ ăn châu chấu và mật ong, không uống rượu chỉ uống nước lã. Thì họ cho là đồ ngốc đồ khùng, người bị quỷ ám. Còn Con Người đến cũng ăn, cũng uống như ai thì lại kêu là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.
Đúng là con người, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.
Chúa Giêsu nói đến thế hệ này, để giúp cho ta thấy con người có một lịch sử không tốt lành, ít là thời gian dân Israen thoát khỏi ách nô lệ Ai cập trên con đường qua sa mạc về đất hứa, dưới hướng dẫn của Moise. Và cũng là lời cảnh báo cho những người nghe Ngài phải đặt lại vấn đề về sự cứng lòng không nhìn nhận, không chịu nghe Ngài hướng dẫn để có thể đi qua sa mạc đời mình mà về được đất hứa thật là Nước Trời.
Vậy nguyên nhân bởi đâu? Bởi con người bị mắc một thứ bệnh khó trị, bệnh di truyền. Ấy là bệnh Quên.
Những người trong câu truyện trên, họ đã đưa ra đủ lý do để nghỉ việc. Họ quên hẳn thân phận của mình rằng, nếu không được ông chủ giúp đỡ thì còn bi đát khốn khổ hơn. Nhờ ông chủ mà gia đình họ nhìn thấy mặt trời, nhìn thấy tương lai tươi sáng và nhiều hy vọng. Đáng lẽ họ hăng say, nhiệt tình và chịu khó làm việc để đền ơn đáp nghĩa, thì họ lại đòi hỏi, ra điều kiện với ông chủ, rồi nghỉ việc.
Những người Israel, đã được Đức Chúa cứu giúp, thoát khỏi ách thống trị áp bức của Ai cập. Họ được trả tự do, được phục hồi nhân phẩm. Giờ đây, mỗi người có quyền xây dựng cuộc đời mới tốt hơn trong tin yêu và hy vọng.
Đáng lẽ họ phải hết lòng biết ơn và một mực trung thành với hướng dẫn của Đức Chúa qua Moises trên con đường trở về với vùng đất phì nhiêu, vùng đất của hạnh phúc mà Người đã hứa. Thế nhưng họ lại quên. Quên đi thân phận hẩm hiu bọt bèo của mình. Hành trình ở sa mạc cho biết rõ con người thật mau quên của họ. Họ dần quên Đức Chúa. Họ bắt đầu càm ràm về thời tiết nắng cháy, về ăn không ngon, uống không ngọt, ngủ không yên. Họ nghĩ mình là người phải được phục vụ mọi thứ tốt lành. Họ chê trách Moses, oán hờn Đức Chúa. Rồi bỏ Người mà theo các thần khác, đúc bò vàng để thờ.
Những người đương thời với Chúa Giêsu cũng vậy, đáng lẽ họ phải vui mừng phấn khởi hân hoan vì điều họ hy vọng về Đấng Cứu Thế đến, giờ đã thành hiện thực. Đáng lẽ họ phải lắng nghe, chiêm ngắm và cộng tác, phải vui mừng và vỗ tay, kính trọng và biết ơn, tôn kính và thờ phượng. Thế nhưng họ lại thờ ơ dửng dưng, hiểu lầm coi thường, chê bai trách móc, hãm hại chống đối, vu khống giết chết. Cái nghịch lý là chính họ muốn Đấng Tốt lành đến, nhưng khi Ngài đến thì họ lại không chấp nhận, và muốn trở về với truyền thống tổ tiên.
Quên quả thật rất tai hại. Quên sẽ đánh mất chính mình, đánh mất Thiên Chúa và là cửa đưa tới đau khổ.
Nhìn vào Ađam và Eva, nhìn vào nhân loại xưa cũng như nay, đời cũng như đạo, biết bao thứ trục trặc xảy ra cũng bởi vì quên.
Quên làm cho ta thành kẻ vô ơn bạc nghĩa.
Quên làm cho ta thành người bất hiếu bất trung.
Quên làm cho ta thành loại bạc nghĩa bất lương.
Quên làm cho ta thành kiêu căng tự phụ.
Quên làm cho ta thành căng thẳng khó tính.
Quên làm cho ta thành lo âu bất ổn.
Quên làm cho ta thành đau khổ bất hạnh.
Quên làm cho ta xao xuyến lao đao.
Quên làm cho ta xa rời ân sủng Chúa, cắt đứt liên lạc với Ngài. Và ta sẽ bị cô lập khỏi ân sủng Chúa. Dù ân sủng Ngài nhiều như mưa, như nắng, như không khí.
Xin Chúa cho ta biết khiêm nhường nhìn nhận sự thật về mình và về Thiên Chúa để bày tỏ lòng thành kính tri ân về mọi ân lộc Chúa đã ban cho ta.

Thanh Thanh

CHẲNG VỊ THÁNH NÀO KHÔNG CÓ MỘT QUÁ KHỨ, CŨNG CHẲNG TỘI NHÂN NÀO KHÔNG CÓ MỘT TƯƠNG LAI

Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 19.01, tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ rằng: “Chẳng vị thánh nào không có một quá khứ, cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai.  Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở dáng vẻ bề ngoài mà luôn nhìn sâu vào tận tâm tư cõi lòng của con người.”

Khởi đi từ bài đọc một, kể lại việc Thiên Chúa đã tuyển chọn cậu bé Đa-vít để sau này trở thành vua của Ít-ra-en, Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Ngay cả những vị thánh, trong cuộc đời của mình, cũng đã gặp phải những cám dỗ và tội lỗi, giống như cuộc đời của vua Đa-vít vậy.

Thiên Chúa đã gạt bỏ vua Sa-un vì vua có một tâm hồn đóng kín, chiều theo ý dân chúng hơn là vâng phục Thiên Chúa.  Thiên Chúa đã quyết định chọn cho dân Ngài một vị vua khác.

Thiên Chúa đã chọn Đa-vít.  Sự chọn lựa ấy nếu dựa theo tiêu chuẩn của con người sẽ chẳng thể nào hiểu được, vì Đa-vít chỉ là một đứa trẻ và lại còn là đứa con nhỏ nhất của ông Gie-sê.  Nhưng Thiên Chúa đã phán rất rõ ràng với tiên tri Sa-mu-en rằng Ngài không xét theo hình dáng bên ngoài và những tiêu chuẩn theo kiểu người phàm.  Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Thiên Chúa thì thấy tận đáy lòng.

Chúng ta thường bị chi phối bởi dáng vẻ bề ngoài và tự cho phép chúng ta theo đuổi những dáng vẻ ấy.  Nhưng Thiên Chúa là Đấng biết sự thật và những điều kín ẩn bên trong.  Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng Thiên Chúa không chọn ai trong số họ.  Sa-mu-en cảm thấy khó khăn, bối rối và nói với ông Gie-sê: “Đức Chúa không chọn những người này.  Các con ông có mặt đầy đủ chưa?”  Ông Gie-sê trả lời: Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.”  Trước mắt người đời, đứa trẻ này không được tính, không đáng để quan tâm đến.

Đứa bé chẳng có gì khiến người ta phải lưu ý, nhưng Thiên Chúa đã chọn cậu và truyền cho Sa-mu-en xức dầu tấn phong cậu.  snhn4Và Thần Khí Đức Chúa ở với Đa-vít từ ngày đó trở đi.  Trọn cuộc đời của Đa-vít là cuộc đời của một người được Thiên Chúa xức dầu, được Thiên Chúa tuyển chọn.

Nhưng ngay lúc đó, Thiên Chúa có biến cậu Đa-vít thành một vị thánh không?  Câu trả lời là không.  Mặc dù vua Đa-vít là một thánh vương, điều này là sự thật, nhưng ngài chỉ trở thành thánh sau khi sống một thời gian lâu dài.  Trong cuộc sống đó, ngài cũng phạm tội, cũng vướng mắc bao lỗi lầm.

Vua Đa-vít là một vị thánh và cũng là một tội nhân.  Ngài là người có khả năng lãnh đạo con cái Ít-ra-en thống nhất đất nước, nhưng lại yếu đuối để rơi vào cám dỗ.  Không chỉ phạm tội, ngài còn là kẻ sát nhân.  Để che dấu ham muốn, dục vọng của mình (tội ngoại tình), vua Đa-vít đã mưu sát người khác.  Khi Thiên Chúa sai tiên tri Na-than đến chỉ cho vua thấy tội lỗi mà vua đã phạm – vì quả thực ngài không ý thức hết sự tàn ác, man rợ trong thủ đoạn của mình – vua Đa-vít đã ăn năn thú tội và nài xin sự tha thứ của Thiên Chúa.  Vua Đa-vít đã không lợi dụng Thiên Chúa cho những tính toán riêng tư của mình.  Khi bị truy đuổi buộc phải chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem, ngài đã gởi trả lại Hòm Bia Giao Ước, vì không muốn dùng Thiên Chúa như vật thế thân cho mình.  Và sau này, khi bị xúc phạm, ngài cũng khiêm nhường thú nhận: “Tôi đáng bị như vậy.”

Vua Đa-vít cũng thật hào hiệp và trượng nghĩa.  Có thể hạ sát vua Sa-un nhiều lần, nhưng ngài đã không ra tay.  Ngài là một thánh vương và cũng là một đại tội đồ, nhưng đã ăn năn sám hối.  Tôi thực sự được đánh động khi nhìn ngắm cuộc đời của con người này.  Và cuộc đời ấy cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về chính cuộc sống của mình.  Tất cả chúng ta đã được Thiên Chúa tuyển chọn qua Bí Tích Thánh Tẩy, để được thuộc về Đoàn Dân Chúa, được trở nên những vị thánh.  Tất cả chúng ta đã được thánh hiến nhờ Đức Giêsu Kitô, để trở nên tinh tuyền, thánh thiện.  Khi đọc lại cuộc đời của vua Đa-vít từ khi còn là một chàng trai trẻ cho đến lúc tuổi già, chúng ta nhận thấy ngài đã làm nhiều điều tốt, nhưng cũng có những điều chẳng tốt lành gì.  Điều ấy khiến tôi xác tín rằng, trong hành trình của người Kitô hữu, cuộc hành trình mà Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta đảm đương lấy, chẳng vị thánh nào không có một quá khứ và cũng chẳng tội nhân nào không có một tương lai.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Nguồn: R. Vatican

XÓA NỢ CHO NHAU

Trước lúc lìa đời, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có giao cho con cháu một cái ống tre sơn son thếp vàng gắn bít hai đầu và dặn đến đúng năm tháng ấy, ngày giờ ấy, phải để cái ống ấy vào kiệu rước lên dinh tổng đốc Hải Dương, trao cái ống này cho quan thì sẽ cứu vãn được tình thế gia đình nhưng tuyệt đối không được ai mở ra xem, trừ quan tổng đốc.
Cái ống tre ấy truyền đến người cháu bảy đời của Trạng, mới rước lên dinh quan tổng đốc, đúng vào ngày giờ đã ghi trong gia phả.  Khi quan mở ống thấy một cuộn giấy, ông rút ra xem thấy có hai câu chữ nho: “Ngã cứu nhi thượng lương chi ách.  Nhĩ cứu ngã thất thế chi bần.”  Nghĩa là: “Ta cứu ngươi khỏi xà nhà đổ.  Ngươi cứu cháu bảy đời của ta còn nghèo.”
Đang lúc bận việc, quan tổng đốc thấy hai câu nói xấc xược ấy, ông liền nổi giận.  Sẵn cầm chiếc quạt trên tay, ông đứng phắt dậy, chạy lại định đánh người cháu bảy đời của Trạng.  Nhưng vừa bước khỏi sập, chiếc xà nhà ngay trên đỉnh đầu đổ xuống đánh rầm một cái.  Phúc bảy mươi đời, ông mới vừa bước ra, nên không sao cả.
Quan tổng đốc lúc đó mới giật mình hiểu rõ Trạng đã cứu mình khỏi cái chết bất đắc kỳ tử.  Quan ân cần xin lỗi người cháu ông, mời về tư thất đãi cơm rượu, rồi cho một số tiền khá lớn, để cứu giúp cho gia đình cháu của Trạng đang lâm hoàn cảnh cực kỳ túng thiếu.

************************************

Nói đến các bậc tiên tri ở nước ta, trước hết phải kể đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.  Sinh thời ông đã nổi tiếng về các giai thoại tiên tri, đến nỗi các sĩ tử nô nức xin theo học và thiên hạ đua nhau tìm đến hỏi về những việc tương lai.
Tuy nhiên, các lời sấm của ông được ứng nghiệm là do trí thông minh của ông đã mách bảo.  Còn hôm nay, nơi Đức Giêsu đã ứng nghiệm sấm ngôn của Isaia do Thánh Thần linh ứng.  Chính Đức Giêsu cũng là một tiên tri được đầy tràn Thánh Thần.  Một tiên tri cao cả mang ơn gọi và sứ mạng cứu độ.
Khi chịu phép rửa, Người đã nhận lãnh Thánh Thần như một việc xức dầu.
Người được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo hèn, những kẻ nghèo tiền, nghèo bạn, nghèo văn hóa.
snhn3Người được sai đến với những kẻ bị giam cầm trong lao tù, trong ích kỷ, trong tham lam.
Người cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ u mê thoát vòng tối tăm.
Người trả tự do cho người bị áp bức, phá xiềng xích cho những tội nhân.
Người khai mở một năm Toàn Xá, Năm Thánh, năm Hồng Ân cứu độ.
Chúng ta cũng đã được xức dầu để trở thành tiên tri, đi loan báo Tin Mừng cứu độ.
Nếu Thánh Thần đã chi phối toàn bộ ngôn từ, hành vi của Đức Giêsu, chúng ta cũng hãy ngoan ngùy để Thánh Thần hướng dẫn tất cả lời nói, việc làm của mình.  Nếu sấm ngôn của Isaia đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu; ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong cuộc đời chúng ta, bằng sự cộng tác tích cực của bản thân mỗi người.
Con người ngày nay khắc khoải trong lo âu sầu muộn, người tín hữu Kitô phải là chứng nhân của niềm vui.
Con người ngày nay ngụp lặn trong bóng tối của lầm lạc, người tín hữu Kitô phải chiếu tỏa ánh sáng của đức tin.
Con người ngày nay bị kìm tỏa trong vòng nô lệ của tiền bạc, danh vọng; người tín hữu Kitô phải loan báo sự tự do của con cái Chúa.
Nếu những người đã chịu phép Rửa trong Thánh Thần, mà còn làm ngơ trước những con người nghèo hèn, áp bức kẻ cô thân cô thế, bịt mắt những anh em dốt nát, và giam hãm tha nhân trong ngục tù dưới nhiều hình thức; thì quả thật, Lời Chúa chẳng bao giờ được ứng nghiệm trong cuộc đời họ.  Và Năm Thánh qua đi trong cuộc đời mà họ không hề nhận được một chút Hồng Ân nào của Thiên Chúa.

************************************

Lạy Chúa, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo.  Xin cho chúng con cũng biết xóa nợ cho nhau, không chỉ xóa nợ tiền bạc mà còn xóa đi những bất bình, nghi kỵ, thành kiến, hiểu lầm nhau…, để mọi người chung quanh chúng con được nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn.

Xin cho chúng con luôn là những sứ giả đi loan báo và chứng tá cho tình yêu cứu độ của Chúa.

Amen.

Thiên Phúc

 

CHĂM LO CHO LINH HỒN MÌNH

Lợi ích gì nếu được cả thế gian mà phải đau khổ vì mất linh hồn mình?

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta như thế, và tôi ngờ rằng chúng ta thường không nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của lời này.  Chúng ta thường hiểu những lời của Chúa Giêsu như thế này: Có gì tốt khi ai đó được giàu có, danh tiếng, khoái lạc, và vinh quang rồi chết đi và xuống hỏa ngục?  Có gì tốt nơi vinh quang và khoái lạc trần gian, nếu chúng ta lỡ mất sự sống đời đời?

Đúng, lời dạy của Chúa Giêsu chắc chắn có ý như thế, nhưng có những bài học quan trọng khác nữa trong lời dạy này, chỉ cho chúng ta biết về sức khỏe và hạnh phúc ngay ở đời này.  Chúng ta đánh mất linh hồn mình như thế nào?  “Đánh mất linh hồn” ngay trong thế gian này nghĩa là gì?  Linh hồn là gì, và làm sao có thể mất linh hồn?

Do bởi linh hồn là vô hình và thiêng liêng, nên không thể họa ra được.  Chúng ta phải dùng các khái niệm mơ hồ để cố hiểu được linh hồn.  Các triết gia, từ thời Aristotle, đã có khuynh hướng định nghĩa linh hồn như một nguyên tắc đôi trong mọi đời sống.  Với họ, linh hồn vừa là nguyên tắc sự sống và năng lượng trong chúng ta, vừa là nguyên tắc của sự kết dính thấm nhập.  Về căn bản, linh hồn là hai sự: Là ngọn lửa bên trong, cho chúng ta sự sống và sinh lực, và linh hồn cũng là chất keo kết dính chúng ta lại với nhau.  Trong khi điều này có vẻ mơ hồ, nhưng không phải thế, bởi chúng ta đã được cảm nghiệm mắt thấy tai nghe về ý nghĩa của linh hồn.

Nếu có bao giờ bạn ở bên một người hấp hối, bạn biết chính xác lúc nào linh hồn rời bỏ thân xác. snhn2 Bạn biết khoảnh khắc đó, không phải bởi bạn thấy có sự gì đó thoát ra khỏi thân xác người đó, nhưng đúng hơn là một phút trước, bạn thấy một con người, đầy đấu tranh và đau đớn, có sinh lực và ngọn lửa trong mình, rồi một phút sau, thân xác đó hoàn toàn trơ ra, hoàn toàn không có sinh lực và sự sống.  Không còn sinh khí nữa.  Thân xác đó trở thành một xác chết.  Cũng vậy, dù già nua hay bệnh tật, thì cho đến trước giây phút cái chết, thân xác đó vẫn là một cấu thành hợp nhất.  Nhưng ngay giây phút cái chết, thân xác đó không còn là một cơ thể, nhưng chỉ là một loạt sinh hóa bắt đầu phân rã.  Một khi linh hồn ra đi, thì mọi sự sống và kết dính cũng ra đi.  Thân xác không còn bất kỳ sinh khí nào cũng như không còn gắn kết với nhau nữa.

Và bởi linh hồn là một nguyên tắc đôi, làm cho chúng ta hai sự, thì cũng có hai con đường song song tương ứng của việc mất linh hồn.  Chúng ta có thể khiến cho sức sống của chúng ta chết đi, hay chúng ta có thể trở nên xa cách tách rời, trong cả hai trường hợp, chúng ta đều đánh mất linh hồn mình.

Nếu thật như thế, thì điều này gợi lên một chất vấn khác về cách chúng ta làm sao để chăm lo cho linh hồn mình.  Thức ăn bổ dưỡng cho linh hồn là gì?  Ví dụ như, tôi đang xem truyền hình, điều gì tốt cho linh hồn tôi?  Một kênh tôn giáo?  Kênh thể thao?  Một bộ phim hài vô nghĩa?  Kênh về thiên nhiên?  Một talk-show đả phá tôn giáo nào đó?  Điều gì là lành mạnh cho linh hồn tôi?

Đây là một câu hỏi chính đáng, nhưng cũng là một câu hỏi gài bẫy.  Chúng ta mất linh hồn theo một cách đối lập hẳn, và do đó việc chăm lo cho linh hồn như một thuật giả kim tinh xảo, phải biết lúc nào thêm lửa lúc nào cho nguội bớt.  Xác định những gì là lành mạnh cho linh hồn tôi, dựa nhiều vào những gì tôi đang phải đấu tranh ngay lúc đó.  Tôi có đang đánh mất linh hồn, vì tôi đang mất đi sức sống, năng lượng, hi vọng, và lòng nhân từ trong đời?  Tôi có đang ngày càng cay đắng, khắc nghiệt, cằn cỗi, trở nên một con người đau đớn hay không?  Hay ngược lại, tôi có đầy sinh lực nhưng lại quá đầy, đến nỗi tôi đang rời xa, phung phí, đánh mất ý thức về bản thân mình hay không?  Tôi có đang bị tê liệt hay tan rã dần hay không?  Cả hai đều là mất linh hồn.  Trong dạng thứ nhất, linh hồn cần thêm lửa, một sự gì đó thổi bùng sinh khí trở lại.  Trong dạng sau, linh hồn đã có quá nhiều lửa, cần phải dịu bớt và thêm chất kết dính.

Sự căng thẳng này giữa nguyên tắc của sinh lực và nguyên tắc kết dính, bên trong linh hồn con người, cũng là một trong những căng thẳng điển hình giữa tự do và bảo thủ.  Nói một cách tối giản, nhưng dễ hiểu, sự thật là những người theo chủ nghĩa tự do có khuynh hướng bảo vệ và thúc đẩy cho nguyên tắc sinh lực, còn người theo chủ nghĩa bảo thủ lại có khuynh hướng bảo vệ và thúc đẩy cho nguyên tắc chung hiệp, chất keo kết dính.  Cả hai đều đúng, cả hai đều cần thiết, và cả hai đều cần phải tôn trọng bản chất của người kia, bởi linh hồn là một nguyên tắc đôi, và cả hai nguyên tắc đều cần được bảo vệ.

Sau khi chết, chúng ta có thể vào thiên đàng hay hỏa ngục.  Đây cũng là một cách nói về việc đánh mất hay cứu được linh hồn mình.  Nhưng thần học Kitô giáo dạy chúng ta rằng, thiên đàng và hỏa ngục đã có ngay lúc này.  Ngay ở đây, trong đời này, chúng ta có thể làm suy yếu hay hủy hoại sự sống Thiên Chúa ban trong chúng ta, bằng cách làm tê liệt hay tan rã sự sống đó.  Chúng ta có thể đánh mất linh hồn mình bằng việc không có đủ lửa mến hay không đủ kết dính chung hiệp.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

BIẾT RÕ CHÍNH MÌNH

Một ngôi chùa trên núi có nuôi một con lừa, mỗi ngày nó đều ở trong phòng xay thóc lúa vất vả cực nhọc kéo cối xay, thời gian lâu dần, lừa ta bắt đầu chán ghét cuộc sống vô vị này.

Mỗi ngày nó đều trầm tư, “nếu như có thể ra ngoài ngắm xem thế giới bên ngoài, không cần kéo cối xay nữa, như thế thật là tốt biết mấy!”

Không lâu sau, cơ hội cuối cùng đã đến, vị tăng nhân trong chùa muốn dẫn lừa ta xuống núi để thồ hàng, lòng nó hứng khởi mãi không thôi.  Đến dưới chân núi, vị tăng nhân đem món hàng đặt lên lưng nó, sau đó trở về ngôi chùa.  Thật không ngờ, khi những người đi đường trông thấy lừa ta, ai nấy cũng đều quỳ mọp ở hai bên đường cung kính bái lạy.

Lúc bắt đầu, lừa ta không hiểu gì cả, không biết tại sao mọi người lại muốn dập đầu bái lạy nó, liền hoảng sợ tránh né.  Tuy nhiên, suốt dọc đường đều như vậy cả, lừa ta bất giác hiu hiu tự đắc hẳn lên, lòng thầm nghĩ thì ra mọi người sùng bái ta đến thế.  Mỗi khi nhìn thấy có người qua đường thì con lừa lập tức sẽ nghênh ngang kiêu ngạo đứng ngay giữa đường phố, yên dạ yên lòng nhận sự bái lạy của mọi người.  Về đến chùa, lừa ta cho rằng bản thân mình thân phận cao quý, dứt khoát không chịu kéo cối xay nữa.  Vị tăng nhân hết cách, đành phải thả nó xuống núi.

Lừa ta vừa mới xuống núi, xa xa đã nhìn thấy một nhóm người đánh trống khua chiêng đang đi về phía mình, lòng nghĩ, nhất định mọi người đến để nghênh đón mình đây mà, thế là nghênh ngang đứng ngay giữa đường lộ.  Thực ra, đó là đoàn người rước dâu, đang đi lại bị một con lừa chắn ngang đường, người nào người nấy đều rất tức giận, gậy gộc tới tấp…  Lừa ta vội vàng hoảng hốt chạy về chùa, khi về đến nơi thì cũng chỉ còn lại chút hơi tàn.  Trước khi chết, nó căm phẫn nói với vị tăng nhân rằng: “Thì ra lòng người hiểm ác đến thế, lần đầu khi xuống núi, mọi người đều cúi đầu bái lạy ta, nhưng hôm nay họ lại ra tay tàn độc với ta đến thế,” nói xong liền tắt thở.  Vị tăng nhân thở dài một tiếng: “Thật đúng là một con lừa ngu ngốc!  Hôm đó, thứ mà mọi người bái lạy chính là bức tượng Phật được ngươi cõng trên lưng mà thôi.”

*************************************

snhn1Điều bất hạnh lớn nhất trong đời người, chính là cả một đời mà không nhận thức được bản thân mình.  Đôi khi chúng ta là chính mình, nhưng cũng có những lúc ta đánh mất bản thân, có những lúc để nhận thức được bản thân còn khó hơn cả việc nhận thức được thế giới chung quanh.  Mỗi ngày chúng ta đều soi gương, nhưng khi soi gương, có ai từng hói bản thân mình một câu rằng: “Bạn đã nhận thức được chính mình chưa?”

– Nếu như bạn có tiền tài, điều người ta sùng bái chẳng qua là tiền tài của bạn, chứ không phải chính bản thân bạn, nhưng bạn lại ôm ảo vọng rằng họ đang sùng bái mình.

– Nếu như bạn có danh vọng, điều người ta tôn kính chẳng qua là danh vọng của bạn, chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại lầm tưởng rằng người khác đang tôn kính mình.

– Nếu như bạn có dung mạo đẹp đẽ, điều người ta mến mộ chẳng qua chỉ là dung mạo đẹp đẽ mà tạm thời bạn đang có, chứ không phải chính bạn, nhưng bạn lại hoang đường cho rằng người khác đang ngưỡng mộ chính bản thân mình.

Khi tiền tài, danh lợi, vẻ đẹp của bạn không còn nữa, thì cũng là lúc bạn bị vứt bỏ…… có bao giờ bạn nghĩ đến điều ấy?  Điều mà người khác tôn sùng chẳng qua chỉ là những ước muốn trong tâm của họ, chứ không phải là chính bạn.

– Giá trị một con người xuất phát từ nội tâm chứ không phải những thứ bề ngoài, lao tâm khổ sở vì nó thật là điều bất hạnh nhất trên đời.  Vậy nên nhìn rõ chính mình là điều vô cùng quan trọng và cần thiết vậy!

Mây Vô Danh

*************************************

Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con
biết Chúa là Thiên Chúa độc nhất là Cha là Chúa trời đất
biết Chúa Vua muôn loài biết Chúa thương con người
biết Chúa là tạo hóa là đấng sinh thành nên con

Biết con là tạo vật một đời sống kiếp con người
biết con không là gì chỉ là bụi cát mà thôi
biết con thân phàm hèn mỏng giòn muôn vàn yếu đuối
biết con bao tội tình để lòng xao xuyến khôn nguôi.

HỌ HẾT RƯỢU RỒI

Chúa mến chuộng dân Người.  Không những Người sinh xuống thế làm người để ở với chúng ta, Người còn chia sẻ với chúng ta trong mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày.  Đó là niềm an ủi và hi vọng của chúng ta.  Như hôm nay, Người và Mẹ Người cùng đến dự tiệc cưới.

Tiệc cưới Cana hết rượu phải đối mặt với thất bại và bất hạnh.  Nhìn vào tình hình thế giới đầu năm nay ta thấy không khác gì một đám cưới hết rượu.  Ta cũng đang đối mặt với thất bại và bất hạnh.  Không dám nói với Chúa vì tình hình tồi tệ này là hậu quả của việc ta đã không vâng nghe Lời Chúa, không thực hành Lời Chúa.  Ta chỉ còn biết nhờ Đức Mẹ đệ đạt lên Chúa tình trạng thiếu thốn của ta, giống như Người đã đệ đạt nỗi thiếu thốn của đám cưới Cana.

snhnThưa Mẹ, chúng con đã hết rượu.  Thế giới hôm nay đã hết rượu tự do dân chủ.  Chúng con chỉ còn thứ nước lã nhạt phèo những lời hứa hẹn suông.  Thế giới hôm nay đã cạn hết rượu tài nguyên phong phú.  Trái đất chỉ còn là thứ nước lã khô cằn.  Rừng cây bị đốn ngả nghiêng.  Khoáng sản bị khai thác đến tận cùng.  Cả đến bầu khí quyển cũng bị thương tổn nặng nề.  Thế giới đã hết rượu hoà bình.  Chiến tranh nối tiếp chiến tranh . Chiến tranh nóng dẫn đến chiến tranh lạnh, mở sang chiến tranh khủng bố và miên man với chiến tranh kinh tế.  Thương trường trở thành chiến trường khốc liệt. Thiên hạ đã quá chén uống cạn nguồn tài chính nên thế giới hôm nay phải đối mặt với đói nghèo.

Đất nước chúng con đang thiếu rượu.  Những người cầm quyền đã uống quá chén quyền lực nên tự do dân chủ chỉ còn là nước lã hứa hẹn nhạt thếch.  Những nhóm lợi ích quá chén tham lam nên đa phần dân chúng phải uống thứ nước lã nghèo khổ, túng thiếu.  Xã hội chẳng còn một giọt rượu đạo đức, chỉ còn thứ nước lã giả dối, cá nhân, ích kỷ và hưởng thụ.

Cả đời sống tu trì của chúng con cũng đang thiếu rượu trầm trọng.  Chúng con không tích trữ đủ rượu lý tưởng nên vào đời tu, thay vì tìm Chúa, chúng con lại biến Chúa thành phương tiện để tìm những thứ khác.  Chúng con thiếu rượu yêu mến nên cuộc sống tu trì trở nên bế tắc, giờ kinh giờ lễ trở nên gánh nặng thay vì niềm vui.  Thiếu thứ rượu quên mình vì Chúa nên chúng con quên Chúa vì mình.  Đã cạn rượu tu đức nên thay vì vào tu viện để tìm quên mình nhưng không biết từ lúc nào chúng con chỉ biết đòi hỏi.  Rượu bác ái huynh đệ chưa đủ dùng mà chúng con lại quá chén nên thay vì xây dựng chúng con lại tàn phá cộng đoàn, thay vì nâng đỡ anh em, chúng con lại xét nét bắt bẻ nhau, thay vì quan tâm để giúp nhau thăng tiến, chúng con lại lườm nguýt chành choẹ nhau.  Đi tu để thuộc trọn vẹn về Chúa, nhưng hình như chúng con đang thuộc về thế gian.  Đi tu để chiến đấu với Ác thần nhưng hình như chúng con đang tùng phục nó.  Chúng con đã hết rượu xin Mẹ cầu khẩn Chúa cho chúng con.

Chắc chắn Đức Mẹ sẽ nói với Chúa.  Nhưng Đức Mẹ vẫn quay lại dặn dò chúng ta: “Người bảo gì, các con cứ việc làm theo.”   Sau cùng, Đức Mẹ đưa ta trở lại cốt lõi của vấn đề, đó là trở về với Chúa, phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa ta mới giải quyết được bế tắc của thế giới, của xã hội, của cộng đoàn và của chính bản thân ta.

Hãy xem Chúa bảo ta làm gì.  Thật lạ lùng, Chúa bảo các gia nhân múc nước đổ đầy các chum đựng nước rửa chân tay.  Sao thế nhỉ?

Múc nước là công việc tầm thường nhất.  Qua đó, Chúa muốn bảo chúng ta đừng lo toan những chuyện đội đá vá trời, hãy làm những việc tầm thường nhất, những việc ai cũng chê bỏ, những việc bổn phận hằng ngày.  Rượu là bữa tiệc lớn.  Nước lã là công việc tầm thường hằng ngày đến chán ngấy.  Thế nhưng Chúa bảo chúng ta muốn có rượu ngon ngày lễ trọng, hãy làm những công việc tầm thường, nhàm chán hằng ngày, những việc âm thầm chẳng ai biết đến.

Múc nước là công việc vô ích nhất.  Vì tiệc đã gần tàn, người ta đã rửa chân rửa tay từ khi mới vào. Chúa muốn ta làm những việc xem ra vô ích vì Chúa chỉ muốn một điều là ta vâng lời.  Vâng lời trọng hơn của lễ.  Ý Chúa mới là quan trọng.  Công việc chỉ là ta thực hiện thánh ý Thiên Chúa.  Chính thánh ý đem lại niềm vui và hạnh phúc.

Múc nước là việc phục vụ khiêm nhường nhất.  Dùng để rửa chân tay cho khách.  Chúa muốn chúng ta biết quan tâm đến người khác trong những điều nhỏ nhặt nhất.  Trong bài Sách Thánh, Thánh Gioan buộc ta phải cầu nguyện cho người anh em lầm lỗi: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy.”  Như thế, chúng ta không chỉ xin rượu cho bản thân mà còn phải xin rượu cho nhau nữa.  Và Thánh Gioan khích lệ ta cầu xin, hãy “mạnh dạn cầu xin vì Chúa sẽ nhậm lời khi ta xin điều hợp ý Chúa.”

Múc nước là việc làm không thể thiếu trong bữa tiệc.  Nước rửa chẳng có giá trị gì nhưng lại không thể thiếu.  Những việc tầm thường ta làm không đáng kể, nhưng góp phần xây dựng cộng đoàn và xây dựng chính bản thân mình khi ta làm vì Chúa, vì anh em.  Khi ta làm mọi việc tầm thường theo ý Chúa, Chúa sẽ làm cho những tầm thường, nhạt nhẽo trở thành thứ rượu ngon cho thế giới, cho cộng đoàn và cho bản thân ta.

Lạy Chúa, xin ban cho thế giới rượu mới bình an và thịnh vượng.  Xin ban cho quê hương Việt Nam rượu ngon tự do, dân chủ và hạnh phúc.  Xin ban cho Giáo hội Việt Nam rượu đức tin, hiệp nhất và phát triển.  Xin ban cho Đan viện chúng con rượu mới thinh lặng cầu nguyện và huynh đệ bác ái. Xin ban cho mỗi người chúng con rượu mới sốt sắng, yêu mến và chỉ tìm một mình Chúa là hạnh phúc đích thực của chúng con.  Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

LUPE

“Hãy đuổi con mẹ Jo đó ra khỏi chỗ này đi, nó hôi như cứt vậy, chẳng ai chịu nổi,” những người vô gia cư khác phàn nàn về cô Jo với bà Lupe.  Bà Lupe làm thiện nguyện trong phòng tắm nữ dành cho người vô gia cư cũng được cả năm rồi, đây là một trong các chương trình của Bánh và Cá (Loaves & Fishes) ở thành phố Sacramento, California, dưới sự điều hành của Nữ tu Libby Fernandez.  Người ta xua đuổi Jo cũng phải vì thật sự cô ta hôi quá, khi Jo đi khập khiễng đến quầy gặp bà Lupe để nhận khăn tắm và xà bông, bà cũng phải nín thở để chào Jo và đưa đồ cho cô ta.  Hình như Jo không tắm rửa gì cả tháng rồi.

Jo khệ nệ lê lết thân xác to lớn của mình vào phòng tắm, ngồi trên cái băng ghế tắm dùng cho người già và khuyết tật.  Loay hoay mãi không cởi đồ được, Jo đành phải nhờ một cách ngại ngùng: “Bà Lupe ơi, nhờ bà giúp cởi đồ cho tôi được không?”  Ngần ngừ giây lát rồi bà cũng ráng đến giúp cho cô.  Khi cởi áo Jo, bà mới thấy rõ cái vai phải của Jo đã bị trật qua một bên đã nhiều năm rồi, nên lâu nay Jo không thể giơ cánh tay lên snhn1được nữa, và đó là lý do Jo không thể tự cởi đồ hay tắm giặt gì được.

“Nhờ bà tắm cho tôi được không?” Jo lại vụt miệng nhờ nữa.  Quả là khi giúp cởi đồ cho Jo, bà Lupe cũng đã choáng váng với cái mùi hôi không tưởng của cô rồi, thế mà bây giờ lại còn nhờ tắm giúp nữa, với lại bà cũng chưa hề tắm cho ai, ngoại trừ hồi xưa tắm cho hai đứa con nhỏ của bà.  Nhìn Jo thấy thương quá nên qua vài giây im lặng ngại ngùng, bà cũng ráng giúp tắm cho Jo.

Tắm cho Jo là một tình huống rất đặc biệt.  Thân hình của Jo to gấp bốn lần bà Lupe với những lớp mỡ chảy trệ xuống, tắm cho Jo như tắm cho một khối thịt khổng lồ vậy.  Bà Lupe bắt đầu dùng vòi sen xả nước ấm lên người Jo.  Jo ngồi im lặng thưởng thức từng giọt nước ấm tưới lên cơ thể mình, và tận hưởng bàn tay xoa xà bông và chà xát của bà Lupe lên người cô.

Hồi đầu bà Lupe chỉ tính giúp qua loa cho mau thôi để còn đi làm các công việc khác vì bà không cảm thấy thoải mái với chuyện tắm rửa này, nhưng rồi bà chợt nhận ra bà đang bước vào một vùng đất “rất thánh”, như xưa kia Môsê ở trong sa mạc gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai cháy rực.  Bà nghe như Chúa đang nói với mình: “Con ơi, hãy cởi giày ra, vì nơi con đứng là vùng đất thánh.”  Ở nơi sa mạc đầy sỏi đá và gai góc, mà cởi giày ra đi chân không thì phải bước từng bước một cẩn thận và mắt luôn nhìn xuống đất để tránh không giẵm phải đá và gai sắc nhọn.  Bà Lupe nhận biết bà đang đi vào “vùng đất thánh” của Jo và bà cần phải “cởi giày ra” để bước đi từng bước chậm rãi từ tốn, nhẹ nhàng và kỹ lưỡng để Jo không bị tổn thương.  Bà tháo đôi găng tay cao su y tế đang mang để chạm vào thân thể Jo bằng chính đôi tay trần của mình.

Bà Lupe đã ở với Jo gần nửa tiếng trong cái không gian nhỏ bé đó, và cái kinh nghiệm của những giây phút thánh thiêng đã để lại một dấu ấn sâu xa, ngọt ngào cho bà trong suốt tuần lễ.  Bây giờ thì không còn là chuyện tắm cho Jo nữa, mà là cả một câu chuyện gặp gỡ thiêng liêng giữa bà với Jo trong cái không gian chập hẹp và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó.  Bà có cảm tưởng như thời gian dừng lại.  Cùng với những giọt nước mắt thổn thức như đang muốn trào ra, bà như muốn nuốt trọn vào tâm hồn từng hơi thở của một cuộc đời bị xã hội khinh rẻ và bỏ rơi của Jo vào lòng.  Bà ngỡ ngàng vì Chúa đến với bà trong một tình huống khó tả và nhạy cảm như vậy.  Bà có cảm tưởng như bà là Thiên Chúa đang chạm bàn tay từ ái vào một tội nhân đáng thương bị con người ruồng bỏ.  Đồng thời bà cũng cảm nhận bà chính là Jo, bà đang ngồi đó và được Thiên Chúa chạm vào thể xác cũng như tâm hồn để xóa sạch những vết bùn nhơ, bóng tối tội lỗi và hận thù trong lòng bà.  Lúc đầu bà tưởng bà ra tay giúp Jo, không ngờ chính Jo đang giúp bà gặp gỡ Thiên Chúa của bà.  Bà nghe văng vẳng đâu đó như có tiếng các Thiên Thần đang xướng ca…

Lạy Chúa, trong một năm vừa qua, Chúa đã đi ngang qua nhà con nhiều lần lắm nhưng mấy khi con nhận ra Chúa vì con quá bận rộn và say mê với những chương trình của con.  Đã mấy lần con thấy Chúa nhưng con không tha thiết ở lại trong những khoảnh khắc thánh thiêng ấy để chiêm ngắm Chúa.  Con đã để những giây phút thánh và không gian thánh ấy qua đi quá dễ dàng trong đời con.

Lạy Chúa, hôm nay đã bắt đầu bước qua năm mới rồi, năm mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người tín hữu sống với tâm tình “Lòng thương xót Chúa.”  Xin giúp con biết dừng chân lại để biết nhận ra và thưởng thức những cuộc gặp gỡ nhỏ bé, thầm lắng, chóng vánh, nhưng thật thánh thiêng vì Chúa đang tỏ lòng thương xót Chúa cho con.  Xin Chúa tiếp tục dạy bảo con biết chia sẻ lòng thương xót Chúa mà con đã được nhận nhưng không, cho những anh chị em con gặp gỡ mỗi ngày, nhất là những anh chị em nghèo khổ và bị ruồng bỏ, đặc biệt trong năm Thánh này.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

January 1, 2016

 

KINH NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

WHĐ (07.05.2015) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã soạn một bản kinh để giúp các tín hữu cầu nguyện trong Năm Thánh Lòng Thương Xót (từ 08-12-2015 đến 20-11-2016).  Trong lời kinh, Đức Thánh Cha nài xin Chúa làm cho Năm Thánh Lòng Thương Xót trở nên một năm hồng ân để Hội Thánh “thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy”.

Sau đây là toàn văn kinh nguyện này:  (bản dịch tiếng Việt đã được các Đức giám mục Việt Nam chấp thuận trong Hội nghị Thường niên kỳ II năm 2015 tại Toà Giám mục giáo phận Xuân Lộc)

Lạy Chúa Giêsu Kitô, snhn1
Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời, và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa và chúng con sẽ được cứu độ. Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa, và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.

Xin cho chúng con được nghe những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria, như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con: “Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!” Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót:

Xin làm cho Hội Thánh phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này. Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yếu đuối để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc, xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;
và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới, có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo, công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,
trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Đức giáo hoàng Phanxicô