LỜI NGỎ CỦA TÌNH YÊU

– Ga 1, 1-18

Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu.”  Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng nhiều cách dưới nhiều hình thức khác nhau.  Nhưng Thiên Chúa với hình ZZảnh ta khó thấy được và nhiều khi không nhận ra những công trình tình yêu của Ngài.  Yêu nhiều rồi cũng có lúc phải nói ra. Thiên Chúa quá yêu thương con người nên sau cùng đã gửi Con Một của Ngài xuống trần để tỏ cho ta biết tình yêu Thiên Chúa.  Con Một Thiên Chúa chính là Lời của Chúa ngỏ với nhân loại.  Vì thế ta hãy vào hang đá Bêlem để lắng nghe được Lời Chúa nói với ta.  Chúa Giêsu bé thơ không nói bằng âm thanh vật lý, nhưng Ngài nói bằng âm thanh của trái tim.  Lời của Ngài là lời của tình yêu.  Qua bản thân Ngài, qua ánh mắt Ngài, qua khung cảnh hang đá, ta sẽ nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa. Tiếng thì thầm đó là tiếng nói của tình yêu dưới nhiều sắc mầu khác nhau.

Đó là tiếng nói của tình yêu dâng hiến.  Bêlem theo tiếng Do Thái có nghĩa là nhà bánh.  Chúa Giêsu tự nguyện trở thành tấm bánh nuôi dưỡng chúng ta.  Ngài nằm trong máng cỏ như một lương thực mời gọi đoàn chiên đến để được bổ dưỡng.  Lương thực đó không phải là lương thực vật chất nuôi xác, nhưng là lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng tâm hồn.  Ngày nay, tuy nạn đói cơm bánh đã bớt phần gay gắt, nhưng lại xuất hiện những cơn đói mới: đói văn hóa, đói sự an ủi chia sẻ, và nhất là đói khát đời sống thiêng liêng.  Chúa Giêsu chính là tấm bánh bẻ ra cho thế giới mới, đáp ứng những cơn đói mới của thế giới.

Đó là tiếng nói của tình yêu khiêm nhường.  Tình yêu chân thực là tình yêu khiêm nhường.  Tình yêu hạ mình vì người yêu.  Chúa Giêsu đã hạ mình thẳm sâu.  Từ trời xuống đất.  Từ địa vị Thiên Chúa xuống địa vị làm người.  Khiêm nhường nên nhường hết không gian cho con người.  Những không gian rộng lớn, cao sang thuộc về con người.  Chúa chỉ thu mình trong một góc nhỏ nghèo hèn của chuồng bò.  Nhường không gian cho con người ăn nói.  Còn Chúa chịu im lặng, thu nhỏ trong câm nín.

Đó là tiếng nói của tình yêu đi tìm.  Tình yêu của Thiên Chúa luôn đi những bước trước.  Yêu con người khi con người chưa biết yêu Chúa.  Tha thứ cho con người trước khi con người xin lỗi.  Đi tìm con người trước khi con người quay về.  Cuộc đi tìm thật vất vả.  Chúa phải bỏ trời cao, phải mặc thân phận yếu hèn, phải chịu khổ sở, phải chịu nhục nhã, phải chịu chết mới tìm được con người.

Đó là tiếng nói của tình yêu hy sinh.  Vì yêu nên Chúa chấp nhận hết những thiệt thòi về phần mình.  Chịu đói nghèo, chịu bị xua đuổi, chịu khổ nhục.  Trẻ thơ Giêsu rét mướt nằm trong máng cỏ nói với ta điều gì nếu không phải là tình yêu, yêu đến độ chấp nhận tất cả.

Đó là tiếng nói của tình yêu kết hợp.  Cứ dấu này các ngươi nhận biết Ngài, đó là một em bé sơ sinh nằm trong máng cỏ.  Vâng, kỳ diệu thay tình yêu Thiên Chúa.  Vì yêu nên đã kết hợp trọn vẹn với con người.  Trở nên một với con người.  Chấp nhận hết những gì của con người.  Chấp nhận đói khát, khổ sở, nghèo nàn.  Chấp nhận cả những bấp bênh, bất trắc của kiếp người.

Lời Thiên Chúa đang ngỏ với ta qua Hài Nhi nằm trong máng cỏ.  Hãy đến bên hang đá để nghe được tiếng nói của Thiên Chúa.  Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa.  Trong bóng tối hận thù, ích kỷ, ghen ghét của thế giới, tình yêu Chúa là ánh sáng xé tan đêm tối.  Hãy để ánh sáng tình yêu Chúa soi chiếu tâm hồn ta.  Hãy đón nhận ánh sáng tình yêu của Chúa, để đến lượt chúng ta, chúng ta đem ánh sáng tình yêu của Chúa chiếu soi vào môi trường chung quanh ta.  Để cho thế giới bớt tối tăm.  Bấy giờ Lời của Chúa, Lời tình yêu sẽ vang dội khắp thế giới.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

MỘT TRẺ SƠ SINH BỌC TÃ, NẰM TRONG MÁNG CỎ

Ngày nay, nói đến Noel là cả người giáo lẫn lương đều nghĩ ngay tới hang đá, máng cỏ, đèn sao, nghĩ  tới các nhân vật trong hang đá là Chúa Hài Đồng Giêsu, Thánh Giuse, Mẹ Maria, các Thiên thần, các mục đồng và chiên bò lừa.  Hang đá gợi nhớ cảnh giáng sinh nghèo khó của Con Thiên Chúa làm người.  Chính Thiên Thần loan báo cho các mục đồng: ‘‘Anh em cứ dấu này mà nhận ra Đấng Cứu Thế: Anh em sẽ thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12).  Đấng Kitô là Đức Chúa, thật khiêm nhường hạ sinh trong máng cỏ bò lừa ngoài đồng vắng giá rét đêm đông.  Ngài là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền kiểm tra dân số (2 Sm 24, 10) nhưng đã cùng với cha mẹ tuân lệnh hoàng đế Augúttô đi khai dân số (Lc 2, 5).  Ngài là Thiên Chúa, không chọn sinh ra trong cung điện cao sang nhưng lại sinh ra “trong máng cỏ”, ngoài đồng vắng “vì hai ông bà không tìm được chỗ trọ” (Lc 2, 7).

Thánh Phanxicô Assisi đã làm máng cỏ đầu tiên vào năm 1223.  Từ Rôma về Assidi để mừng lễ Noel, ngài nói với các thầy: “để thể hiện nỗi cơ cực và khổ đau của Chúa ngay từ lúc còn thơ để cứu chuộc nhân loại, chúng ta hãy làm một hang đá giống như thật với cỏ khô, rồi chúng ta dẫn một con lừa và ZZmột con bò vào để cho giống với con bò con lừa đã chầu quanh Chúa Hài Đồng năm xưa.”  Từ đó mỗi dịp Noel về là khắp nơi trên thế giới đều làm hang đá, máng cỏ.

Bên Hang Đá, thinh lặng chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu giang đôi tay chúc lành; Máng Cỏ Bêlem tỏ bày nhiều ý nghĩa.

  1. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa yếu đuối

Hài nhi nằm trong máng cỏ biểu thị sự yếu đuối của Thiên Chúa.  Một sự yếu đuối mà Người đã tự ý chọn lựa.  Thiên Chúa trong hình hài một bé thơ.  Một Thiên Chúa yếu đuối.  Trí khôn con người không thể nào hiểu và chấp nhận nổi.  Mọi lý luận đều bất lực trước nghịch lý thần linh này.  Thiên Chúa Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở thành diễn tả được. Thiên Chúa Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một thể thức xuất hiện hữu hình.  Thiên Chúa Đấng cứu độ đã mạc khải qua các ngôn sứ giờ đây ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nắm trong Máng Cỏ.  Chúng ta hãy từ bỏ ngôn ngữ của lý tính ở đây và thinh lặng để cho con tim thán phục.  May chi ngôn ngữ tình yêu có thể bập bẹ đuợc điều gì đó chăng?  Quả thực, sự yếu đuối của Thiên Chúa là sự yếu đuối của tình yêu.  Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ dưới những hình thức khác nhau, như lòng thương xót, lòng trắc ẩn và sự âu yếm.  Một Thiên Chúa uy quyền trong sự yếu đuối của tình thương…Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ lên ngôi trên thập giá.  Thành công cuối cùng của Chúa Cứu Thế là sự phục sinh nằm bên kia cái chết, và con đường dẫn tới đó phải khởi đi từ Máng Cỏ đến Núi Sọ (Lm Nguyễn Hồng Giáo).

Tại miền Nam nước Pháp, có một máng cỏ khá nổi tiếng.  Trong số các nhân vật đứng và quì nơi máng cỏ này, du khách thường chú ý tới một con người nhỏ bé với hai bàn tay trống trơn và mở rộng, nhưng gương mặt lại để lộ một vẻ ngạc nhiên khó mà diễn tả nổi.  Vì thế, người ta đã đặt cho nhân vật này cái tên gọi là Ngạc Nhiên.  Dân địa phương thường giải thích về sự ngạc nhiên của anh bằng một mẩu chuyện như sau.

Hôm đó, tất cả các nhân vật nơi máng cỏ, kể cả mấy chú bò lừa đều tỏ ra khó chịu đối với anh, bởi vì anh không có gì để mang tặng cho Chúa Hài Nhi, ngoài hai bàn tay trống trơn của mình. Và thế là họ bắt đầu xỉ vả anh:

– Mày không biết xấu hổ hay sao?  Mày đến thăm Chúa Hài Nhi mà không mang theo gì cả ư?

Thế nhưng, anh không để lộ một phản ứng nào, ngoài cặp mắt mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu.  Những lời rủa xả vẫn cứ tiếp tục trút xuống trên anh, đến nỗi Mẹ Maria phải lên tiếng bênh vực cho anh.

Quả thực, mặc dù đã đến với Chúa Hài Nhi bằng đôi bàn tay trắng, thế nhưng anh đã mang tới một món quà cao đẹp nhất, đó là sự ngạc nhiên của anh.  Điều này có nghĩa là Tình Yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư anh.  Và Mẹ Maria đã kết luận như sau:

– Thế giới này sẽ kỳ diệu biết bao nếu như luôn có những người giống anh, biết ngây ngất và ngạc nhiên trước quyền năng và tình thương vô biên của Thiên Chúa.

Trước Máng Cỏ Bêlem, thật ngạc nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra tình thương bao la của Thiên Chúa.  Lời hứa từ thuở ban sơ, hôm nay đã được thực hiện.  Thiên Chúa tỏ bày tình thương bằng cách trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại.  Thánh Phaolô diễn tả: Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người tiến lên ngôi Thiên Chúa.

  1. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Tình Yêu

Trong đêm Giáng Sinh, Sứ thần loan báo cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2, 11).  Khung cảnh thật đơn sơ, thanh bạch, nghèo hèn: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12).

Mẹ Maria và Thánh Giuse vất vả một hành trình xa xôi từ Nadarét về Bêlem để kê khai nhân hộ khẩu.  Các quán trọ khinh người nghèo hất hủi.  Hài Nhi Giêsu chào đời nơi đồng hoang giá lạnh.  Chẳng có ai thân thích. Chỉ có các mục đồng và bò lừa sưởi ấm.

Chẳng có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như một dấu chỉ cho những mục đồng.  Tất cả những gì họ thấy chỉ là một Hài Nhi bọc tã, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của người mẹ; một Hài Nhi sinh ra trong chuồng súc vật, và như thế, không nằm trong nôi nhưng là trong máng cỏ.  Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi cần sự trợ giúp và đang sống trong nghèo khó.  Chỉ bằng con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.  Người gánh vác quyền bính trên vai” (Is 9, 5).

Dấu chỉ của Thiên Chúa thật là đơn sơ.  Đó là một Hài Nhi mới sinh.  Dấu chỉ của Thiên Chúa là Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta.  Ngài không đến với quyền lực và một bề ngoài xa hoa.  Ngài đến như một hài nhi cần sự giúp đỡ của chúng ta.  Ngài không muốn choáng ngợp chúng ta với sức mạnh của Ngài.  Vì thế, Ngài đã hóa chính mình thành nhỏ bé.  Ngài không muốn điều gì khác nơi ta ngoại trừ tình yêu, qua đó chúng ta phải học biết cách tiếp cận với cảm giác, tư duy và ý chí của Ngài.  Chúng ta học biết sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình là điều tinh túy nhất của tình yêu.  Ngài đã hóa thành nhỏ bé để chúng ta có thể hiểu Ngài, chào đón Ngài, và yêu thương Ngài.

  1. Máng Cỏ tỏ bày một Thiên Chúa Cứu Độ

Theo Thánh Kinh, biến cố lớn nhất đánh dấu lịch sử nhân loại là Thiên Chúa làm người vì tình yêu. Hài Nhi Giêsu ra đời trong cảnh nghèo hèn chính là một vị Thiên sai.  Ngài đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần: trước công nguyên và sau công nguyên.  Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ, hôm nay đã làm người.  Ngài giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía.

Thiên Chúa làm người trong thân phận một bé thơ yếu ớt nhưng chất chứa một tình yêu lớn lao.  Một trẻ thơ sinh ra vào một đêm đông giá rét trong hang đá bò lừa ngoài đồng hoang nghèo hèn.  Dưới con mắt người đương thời không những bình thường mà còn tầm thường hơn những trẻ thơ khác.  Nhưng sự chào đời của Hài Nhi Giêsu là một niềm vui cao cả, trọng đại, đặc biệt.  Một niềm vui khởi điểm cho mọi niềm vui và vượt lên trên mọi niềm vui.

Hài Nhi giáng sinh là một sự kiện đặc biệt của lịch sử nhân loại, là sự “hoàn tất” Lời Hứa của Thiên Chúa, là trung tâm của nhiệm cuộc cứu độ của Thiên Chúa, là đỉnh cao và là chủ đích của Thánh Kinh.

Chính nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa đã hoàn toàn tỏ mình và ban chính mình cho nhân loại. Ngôi Lời Nhập Thể là tuyệt đỉnh thời gian viên mãn đối với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hài Nhi Giêsu đã trở nên một sự tái tạo mới.  Tái tạo khởi đi từ tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Cứu Độ làm nên trọng tâm sứ điệp của đức tin Kitô giáo.  Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Giáo Hội công bố niềm tin ấy dọc dài thời gian giữa những thách đố của thế giới.  Giáo Hội uỷ thác cho con cái mình như kho tàng quí giá để gìn giữ và chia sẻ cho người khác. Nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra tại Bêlem, Thiên Chúa nhận lấy thân phận con người, để chúng ta có thể đến được với Thiên Chúa và để thiết lập giao ước với loài người và con người giao ước liên đới với nhau.

Giáng Sinh trở thành một đại lễ của nhân loại.  Giáng Sinh là ngày hội lớn duy nhất trên trái đất được đón mừng bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội.  Từ núi cao, trong rừng sâu, xuống đồng bằng, vào thị tứ giàu sang…. Qua đủ mọi hình thức: nhóm vài cây củi trên rừng, thắp ngọn nến đơn sơ trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nghèo nàn vùng quê hẻo lánh, hay trăm ngàn ánh đèn muôn mầu rực rỡ chốn đô hội văn minh tráng lệ, khắp nơi đón mừng và cùng hát lên tâm tình:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14)

Giáng Sinh, đất trời giao duyên trong hôn phối nhiệm mầu của tình yêu cứu độ. Thiên Chúa làm người, nối nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và nhân loại, bắc nhịp cầu nối liền giữa con người với nhau.  Thiên Chúa yêu thương con người và muốn mọi người đáp lại bằng lòng yêu mến Ngài và yêu thương nhau.  Máng Cỏ luôn làm cho con người thổn thức bùi ngùi xúc động, vì đối diện với một Tình Yêu khiêm tốn.  Máng Cỏ mang ý nghĩa của thập giá và hướng về mầu nhiệm Thánh Thể.  Qua Hài Nhi Giêsu trong Máng Cỏ Bêlem, chúng ta hiểu được phần nào tâm tình của Thiên Chúa muốn ngỏ với loài người.  Qua Máng Cỏ Bêlem, Thiên Chúa trở nên thật gần gũi và đáng yêu.  Từ suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa “tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1, 16).  Tình yêu thương ấy là ánh sáng soi đường và là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn chúng ta.  Niềm vui giáng sinh không nhất thiết phải đến từ những bữa tiệc thịnh soạn hay khung cảnh huy hoàng lộng lẫy bên ngoài.  Niềm vui giáng sinh đến từ nội tâm khi chiêm ngắm Máng Cỏ Bêlem.  Noel này, bạn hãy dừng lại nơi hang đá máng cỏ, dành thời gian thinh lặng để ngắm nhìn và suy niệm, bạn sẽ khám phá thật nhiều sự kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

LÁ THƯ GỞI BẠN NHÂN NGÀY GIÁNG SINH

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp Giáng Sinh về, Chúa Giêsu có gửi cho anh chị em một lá thư, một lá thư không chỉ cho anh chị em giáo dân nhưng còn cho cả bà con lương dân chưa nhận biết ngài nữa.

Xin đọc nguyên văn cho anh chị em,

Anh chị em bà con lương giáo giáo xứ… quý mến,

Cũng như mọi năm, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi và như thường lệ, người ta dành cho tôi một ngày.

Thế nhưng, như anh chị em biết, vào thời buổi này, cứ đầu mỗi tháng 12 hàng năm, khi ngày lễ của tôi gần kề, người ta giăng đèn khắp các phố phường, thiên hạ đổ xô đi mua sắm, truyền thanh truyền hình quảng cáo khuyến mãi đủ mọi mặt hàng, đủ thứ quà tặng và thiệp mừng Giáng Sinh đủ các loại bày bán đâu đâu cũng có.  Khắp nơi mọi chốn trên toàn thế giới, ở nước giàu cũng như tại nước nghèo, từ thành thị cho đến thôn quê, ai ai cũng bảo nhau ngày sinh nhật của tôi gần kề và nó được tính từng ngày.

Thật sự, mỗi năm ít là một lần, người ta nhớ đến tôi, điều đó cũng không tệ vì anh chị em biết, sinh nhật của tôi được mừng từ lâu lắm rồi.

Những năm đầu tiên, xem ra người ta cũng hiểu ý nghĩa của ngày lễ và cũng tỏ lòng biết ơn về những gì tôi đã làm cho họ; nhưng càng ngày, xem ra không ai còn nhớ đến lý do của ngày lễ.

Mỗi lần sinh nhật của tôi, gia đình, bạn bè hẹn gặp nhau.  Họ vui chơi trò này đến trò khác, ăn uống món này đến món khác nhưng ý nghĩa của ngày lễ thì hầu như không ai biết.

Tôi nhớ rất rõ, cách đây đúng một năm, tại một gia đình nọ, người ta tổ chức bữa tiệc lớn mừng sinh nhật tôi.  Bàn tiệc đầy ắp thức ăn đồ uống, bánh trái đủ các thứ… nào kẹo, nào mứt, nào chocolate.  Và này, người ta trang hoàng phòng tiệc thật lộng lẫy, nào cây giáng sinh, nào những trái bóng xinh xắn lủng lẳng trên đó; nào hoa, nào những dây đèn rực rỡ… và ở đó, cũng có rất nhiều hộp quà được gói thật đẹp… Nhưng anh chị em biết không, hôm đó, tôi không được mời.

Tôi là khách danh dự, thế mà, người ta không nhớ để gửi cho tôi một tấm thiệp.

Bữa tiệc dành cho tôi, nhưng khi ngày trọng đại ấy đến, thì tôi phải đứng ngoài.  Họ đóng sầm cánh cửa trước mặt tôi đang khi tôi lại ước ao được đồng bàn với họ.

Thực ra, điều đó không khiến tôi quá ngạc nhiên, vì trong những năm gần đây, mọi cửa nhà đều đóng lại khi tôi đến.  Bởi không được mời, nên tôi đã quyết định lẻn vào mà không gây một tiếng động nào.  Tôi nhẹ nhàng đi vào và đứng lớ ngớ trong một góc.  Mọi người đều uống, vài người bắt đầu có dấu hiệu say, họ nói năng nghịch ngợm và cái gì cũng có thể khiến họ cười, họ cười mọi chuyện.  Họ có một buổi tối thật thú vị.

Vào lúc cao điểm của buổi tiệc, một ông già tròn trĩnh mặc toàn màu đỏ với bộ râu trắng thật dài, ông đi vào phòng tiệc.  Ông la lên “Hô, Hô, Hô…”, xem ra ông ta cũng say.  Ông ngồi bịch xuống chiếc ghế bành và tất cả trẻ con trong nhà chạy lại chỗ ông, chúng vui mừng kêu lớn, “Ôi Ông Già Noel, Ôi Ông Già Noel…” như thể bữa tiệc hôm ấy là dành cho ông vậy.

Đến nửa đêm, mọi người bắt đầu hôn nhau; tôi cũng giang rộng đôi tay đợi một ai đó đến ôm hôn mình, và anh chị em biết, không ai đến hôn tôi cả.

Rồi thì, mọi người bắt đầu trao cho nhau những món quà.  Lần lượt, từ món này đến món khác, những gói quà được mở ra và ai ai cũng nô nức muốn biết cái gì bên trong.  Khi tất cả quà tặng đã được mở ra, tôi cũng lo lắng không biết liệu mình có nhận được một món nào không.  Này anh chị em, anh chị em nghĩ thế nào nếu như vào ngày sinh nhật của anh chị em, khi mọi người trao quà cho nhau đang khi tự bản thân, anh chị em không có lấy một món quà nào cả.

Vậy là tôi hiểu, họ không thích sự có mặt của tôi ở đó, nên cuối cùng, tôi lẳng lặng ra đi.

Mỗi năm, sự việc càng trở nên tồi tệ hơn.  Ai ai cũng chỉ nhớ đến những món quà, những bánh trái, đồ ăn thức uống và không ai còn nhớ đến tôi.

ZZNăm nay, tôi muốn anh chị em cho phép tôi được vào với anh chị em, đi vào nhà anh chị em, đi vào cuộc đời anh chị em.  Tôi muốn mỗi người trong anh chị em ý thức rằng, đã hơn 2000 năm nay, tôi đã đến trần gian này để trao tặng cho mỗi người quà tặng là chính mạng sống của tôi trên cây thánh giá hầu cứu chuộc anh chị em.  Hôm nay, tôi chỉ muốn một điều là anh chị em hãy tin điều đó, hãy ghi khắc điều đó vào lòng mình.

Còn một chuyện nữa tôi cũng muốn nói nhỏ với anh chị em, vì không được mời vào dự tiệc, thì tôi cũng phải liệu tổ chức cho mình một bữa tiệc của tôi, một bữa tiệc lớn lao không ai có thể tưởng tượng được, một bữa tiệc tráng lệ huy hoàng mà chính tôi định đoạt và sắp đặt tất cả.

Hôm nay, tôi gửi đi rất nhiều thiệp mời và mỗi người trong anh chị em đều có lấy một tấm thiệp mời của tôi.  Tôi muốn biết liệu mỗi người trong anh chị em có đến tham dự hay không để giữ chỗ cho anh chị em bằng cách ghi danh anh chị em với những nét chữ bằng vàng vào sổ các thực khách. Chỉ những ai có tên trong sổ vàng ấy mới được mời vào dự tiệc.

Ai không trả lời thiệp mời, sẽ bị để ra ngoài.  Vậy, anh chị em hãy chuẩn bị cho mình thật kỹ lưỡng, vì khi mọi sự đã sẵn sàng, anh chị em sẽ dự phần vào bữa tiệc huy hoàng của tôi.

Hẹn gặp anh chị em,

Hết lòng yêu mến anh chị em,

Tôi, Giêsu,

(Lm. Minh Anh, Giáo Phận Huế phỏng dịch từ internet)

 

 

NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN

ZZBài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui.  Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm.  Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương.  Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ.  Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa.  Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần.  Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc.  Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu thứ nhất: Ơn khiêm nhường.

Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường.  Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi.  Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa.  Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa.”  Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi.”  Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: Ơn bác ái.

Thánh Thần là tình yêu.  Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ.  Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt.  Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán.  Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại.  Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: Ơn quên mình.

Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình.  Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa.  Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền.”  Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân.  Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng.  Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu.  Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: Ơn phục vụ.

Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ.  Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc.  Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth.  Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ.  Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người.  Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ.  Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ.  Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế.  Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

 

 

THEO GƯƠNG MẸ MARIA, SỐNG TÂM TÌNH MÙA VỌNG

ZZMùa Vọng là thời gian để chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.  Trong thời gian này, Giáo Hội đã cho chúng ta chiêm ngưỡng những mẫu gương sống động của các nhân vật trong Kinh thánh như: Tiên tri Isaia, Gioan tẩy giả, cũng như qua cách sống và những tâm tình của các ngài trao gởi lại, thì đó cũng là những bài học rất quý giá để chúng ta sống tốt đẹp hơn trong thời gian mùa Vọng.

Thật thiếu sót, nếu chúng ta không kể đến Mẹ Maria trong thời gian mong đợi Con Chúa giáng trần.  Bởi vì Mẹ Maria cũng đã từng sống tâm tình mùa Vọng như bao người khác.  Thế nhưng, hơn ai hết, kinh nghiệm sống tâm tình mùa Vọng nơi Mẹ Maria vẫn luôn là tiếng gọi thúc giục lòng ta hãy thành tâm chiêm ngưỡng cách sống mùa Vọng nơi Mẹ.  Nhờ vậy chúng ta sẽ có những tâm tình xứng hợp trong khi chúng ta hướng về ngày Chúa đến trong trần gian.

1/ Mẹ Maria sống tâm tình mùa Vọng bằng đời sống thánh thiện:

Vì ý thức Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi là Đấng thánh, nên thời gian sống tâm tình mong đợi con Thiên Chúa nơi Mẹ Maria, đã được dệt bằng những chuỗi ngày vô tận của sự thánh thiện.  Mẹ sống thánh thiện, vì Mẹ xác tín những tâm hồn thánh thiện là những tâm hồn sẽ được đón nhận niềm vui ơn cứu độ cách tròn đầy.  Mẹ sống thánh thiện, vì Mẹ xác tín những tâm hồn thánh thiện là những tâm hồn luôn làm đẹp lòng Chúa là Đấng Thánh.  Và Ngài rất vui khi được hiện diện với những tâm hồn như thế.

Về điểm này, chúng ta hãy suy nghĩ lại những hành động của Chúa Giêsu khi Ngài tiến về Giêrusalem để thực hiện cuộc thanh tẩy Đền thờ.  Vì phía sau hành động thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta phải tự thanh tẩy đền thờ tâm hồn chính mình, nhờ vậy Thiên Chúa là Đấng thánh mới vui thích ngự trong những tâm hồn trong sạch như Ngài.

Hơn ai hết, cách sống tâm tình mùa Vọng của Mẹ Maria đã để lại dấu ấn không thể ngờ và không thể phai mờ.  Không thể ngờ vì qua sự chuẩn bị tích cực để mong đợi Đấng Cứu Độ nơi Đức Maria, Thiên Chúa đã đoái nhìn đến cách sống thành tâm tuyệt vời ấy.  Vì thế, một điều bất ngờ xảy ra nơi Mẹ là Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Người Nữ Thánh Thiện được làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã chọn cung lòng thanh khiết của Mẹ để trao gởi Người Con Yêu Dấu của Ngài là Đấng Thánh, và qua trung gian Mẹ Maria Thiên Chúa đã trao ban Đấng Cứu Độ cho loài người.  Đó là một điều bất ngờ đối với Mẹ Maria.  Thế nhưng, qua sự bất ngờ này thì Mẹ Maria đã thể hiện một dấu ấn không thể phai mờ.  Vì từ giây phút bất ngờ khi được Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng mình, cũng từ giây phút ấy, Mẹ Maria đã khiêm tốn chỉ cho chúng ta con đường để chúng ta gặp Chúa, để Chúa đến với chúng ta.  Con đường Mẹ chỉ dạy chúng ta đó là hãy trở lại kinh nghiệm của chuỗi ngày vô tận sống thánh thiện nơi Mẹ.  Vì chuỗi ngày thời gian sống thánh thiện của Mẹ, đã hình thành nên bài thánh ca muôn thuở để mời gọi mọi người hãy can đảm sống tâm tình mùa vọng bằng đời sống thánh thiện như Mẹ Maria, Trinh Nữ Thánh Thiện.

2/ Mẹ Maria sống tâm tình mùa Vọng bằng đời sống khiêm nhường:

Khiêm nhường là cách sống Mẹ rất ưa thích.  Mẹ thích sống khiêm nhường, bởi vì nhờ những tâm tình ấy mà Mẹ thật sự trở nên một người con bé nhỏ của Thiên Chúa, luôn phó thác cuộc đời mình cho Thiên Chúa, luôn sống theo những gì Chúa đã dạy.

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên Mẹ sẵn sàng thưa hai tiếng xin vâng ý Chúa trong ngày truyền tin, để từ giây phút ấy mẹ đã trở nên Thánh mẫu của Đấng Tối Cao.

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên Mẹ sẵn sàng thi hành lời Chúa dạy trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống: Lúc vui, lúc buồn, lúc bối rối, lúc lo sợ, lúc an bình…… Nhờ việc hạ mình sống theo Lời Chúa mà Mẹ Maria được gọi là người có phúc.  Mẹ có phúc vì Mẹ là người luôn “lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc: 11, 28).

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.  Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã khiêm nhường tự hạ mang lấy thân phận con người, và trong thân phận con người Ngài đã mang lấy thân phận nô lệ để phục vụ sự sống cho muôn người.

Vì Mẹ thích sống khiêm nhường, nên qua đời sống gương mẫu tuyệt vời ấy, Mẹ muốn nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa là Đấng khiêm nhường, Ngài rất thích những ai sống khiêm nhường.  Chỉ có những tâm hồn sống khiêm nhường như Chúa mới có thể gặp được Chúa và được Chúa đến viếng thăm cư ngụ trong tâm hồn người ấy.  Vì Thiên Chúa bản chất là khiêm nhường, nên Ngài không bao giờ đến với những ai kiêu căng, cậy dựa chức quyền, cậy dựa vào sức mạnh của trần thế để bôi nhọ hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường.  Về điểm này chính Mẹ Maria đã nhắc nhở cũng như đã cảnh cáo những ai sống ngược lại với cách sống khiêm nhường của Chúa, khi Mẹ nói: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.  Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc: 1, 51-52).

Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng.  Thiết nghĩ, chúng ta nên thay đổi cách sống để cùng với Mẹ Maria sống những tâm tình Mùa Vọng.  Vì đối với Chúa, những cố gắng quyết tâm chân thành sống phút giây hiện tại, cũng có thể biến chuyển đời sống chúng ta trong tương lai.  Hơn nữa, sống tâm tình mùa Vọng không chỉ dừng lại bởi thời gian được ấn định trong năm phụng vụ.  Nhưng tâm tình hướng về Con Thiên Chúa đến trần gian, đến trong cõi lòng chúng ta phải được thực hiện trong từng phút giây của nhịp sống.

Như vậy, khi khám phá hình ảnh sống mùa Vọng nơi Đức Maria qua đời sống thánh thiện và khiêm tốn, thì đó cũng là lúc Mẹ chỉ cho chúng ta con đường hoàn hảo nhất, đẹp lòng Chúa nhất để Chúa đến với chúng ta.

Nếu chúng ta thật lòng sống thánh thiện như Mẹ mà không bị giằng co bởi những thú vui giả tạo mau qua của thế gian, chắc chắn đó là con đường hoàn hảo nhất để Chúa là Đấng Thánh giáng sinh trong cõi lòng chúng ta.  Nếu như chúng ta thật lòng sống khiêm nhường như Mẹ trong mọi hoàn cảnh, mà không lo sợ phải thiệt thòi bởi những thứ ham muốn của sức mạnh trần thế, chắc chắn đó là con đường đẹp lòng Chúa nhất để Chúa giáng sinh trong cõi lòng chúng ta.

Lạy Mẹ Maria!  Ước gì những tâm tình sống mùa Vọng nơi Mẹ sẽ là hành trang luôn đồng hành trong cách sống đức tin chúng con.  Nhờ đó chúng con cũng được đón nhận nguồn ơn cứu độ như Mẹ.  Lạy Mẹ Maria, xin cho niềm vui giáng sinh sắp đến được khơi dậy bằng ước muốn sống thánh thiện và khiêm nhường trong từng phút giây hiện tại của đời sống chúng con.  Amen.

LM Giuse Nguyễn Minh Chánh

NGƯỜI NỮ CHIẾN THẮNG CON RẮN

Sự tích Lễ mừng Đức Bà Guadalupe ngày 12/12

Trong chuyến viếng thăm mục vụ Mêhicô lần thứ hai, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005) nâng thổ dân Juan Diego (1474-1548) lên hàng Á Thánh vào Chúa Nhật 6-5-1990.  Hôm ấy, Đức Thánh Cha âu yếm gọi tân chân phước là “người tâm phúc của Đức Bà dịu hiền Tepeyac.”  (Thổ dân Juan Diego được Đức Mẹ Maria (Đức Bà Guadalupe) hiện ra 5 lần vào năm 1531).
ZZ12 năm sau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thủ đô Mêhicô lần thứ năm và chủ sự lễ tôn phong hiển thánh cho chân phước thổ dân Juan Diego vào ngày 31-7-2002.

Xin lược thuật 5 lần Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria hiện ra cùng thổ dân Juan Diego trên đồi Tepeyac.  Lần đầu vào sáng thứ bảy 9-12-1531 và lần cuối vào chiều thứ ba 12-12-1531.  Trong lần hiện ra sau cùng, Đức Mẹ Maria tỏ lộ danh thánh là “Đức Bà Guadalupe.”  “Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa “Người Nữ Chiến Thắng con rắn.”

Các cuộc hiện ra được thổ dân Antonio Valeriano (1520-1605) kể lại tỉ mỉ.  Thổ dân Antonio Valeriano sống đồng thời với thổ dân Juan Diego.  Vào năm 1531, thổ dân Juan Diego 57 tuổi và thuộc về nhóm thổ dân thiểu số rất ít người.  Trước đó 7 năm, ông Juan Diego lãnh bí tích Rửa Tội cùng với người vợ hiền là bà Maria Lucia.  Bà Maria Lucia qua đời năm 1529.

LẦN HIỆN RA THỨ NHẤT

Hôm đó là sáng thứ bảy 9-12-1531, ông Juan Diego đến nhà thờ Thánh Giá ở Tlatelolco để tham dự buổi học giáo lý.  Khi đến gần đồi Tepeyac, ông nghe tiếng líu lo êm ái, tiếng ríu rít nhẹ nhàng, với các cung trầm bổng tuyệt vời của muôn ngàn chim sẻ, như tiếng nhạc réo rắt vọng xuống từ trời cao.  Thổ dân Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ.  Ông dồn dập tự hỏi: “Liệu mình có xứng đáng với những gì đang nghe không?  Hay mình đang mơ?  Mình đã tỉnh hẳn chưa?  Mình đang ở nơi nào đây?  Có lẽ mình đang ở địa đàng, nơi cõi trần hạnh phúc mà các bậc tiên tổ đã nói tới chăng?  Hay là mình đã vào thiên đàng rồi?”  Còn đang đảo mắt nhìn chung quanh, bỗng tiếng hót im bặt và ông nghe một tiếng nói xa xôi, vọng xuống từ trên cao và gọi rõ tên ông:

– Juan Diego, Juan Diego bé nhỏ!

Juan Diego không hề cảm thấy sợ hãi, trái lại, ông sung sướng tiến nhanh về hướng đồi cao.  Khi leo lên tới đỉnh, Juan Diego trông thấy một Bà đang đứng đó.  Bà ra hiệu mời Juan Diego tiến lại gần Bà.  Khi đến trước mặt Bà, Juan Diego vô cùng bỡ ngỡ và kinh ngạc trước vẻ đẹp siêu thoát của Bà.  Áo Bà long lanh các tia sáng mặt trời.  Tảng đá nơi Bà đặt chân như toàn bằng đá quí và mặt đất chung quanh Bà tỏa sáng như cầu vòng.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn quì xuống và cảm động lắng nghe lời Bà nói cách êm ái dịu dàng:
– Hỡi Juan bé nhỏ, người con nhỏ bé nhất trong các con Mẹ, con đang đi đâu đấy?

Juan Diego trả lời:

– Thưa Bà, con phải đến Nhà Bà ở Messico-Tlatelolco để tiếp tục học về các mầu nhiệm của Thiên Chúa do các linh mục dạy.  Các linh mục là các thừa tác viên thánh của Chúa chúng ta.

Bà Đẹp liền bày tỏ cùng Juan Diego ước muốn của Bà:

– Con hãy cẩn trọng ghi khắc nơi lòng con rằng con là người bé mọn nhất trong các con của Mẹ, và Mẹ chính là Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa thật, Đấng là suối nguồn sự sống, là Đấng Tạo Dựng muôn loài.  Ngài là Chủ Tể trên trời và dưới đất.  Mẹ hết sức mong ước người ta xây cất nơi đây một đền thánh, hầu Mẹ có thể minh chứng và trao ban cho mọi người tình thương của Mẹ, lòng cảm thông, sự trợ giúp và che chở của Mẹ.  Bởi vì, Mẹ là Mẹ Từ Bi của các con, Mẹ của riêng con, cũng như của toàn dân sống trên phần đất này và của tất cả những ai thành khẩn kêu cầu cùng Mẹ với trọn lòng tin tưởng.  Mẹ nghe rõ tiếng kêu than ai oán của họ.  Mẹ muốn trao ban cho mọi người phương thuốc chữa trị các nỗi đau đớn, các khó khăn cùng các sầu khổ buồn phiền.  Và để có thể thực hiện các nguyện ước khoan nhân của Mẹ, con hãy đi tới tòa Giám Mục Mêhicô và thưa với Đức Giám Mục rằng, chính Mẹ sai con tới và Mẹ ước ao người ta xây cho Mẹ một đền thánh trên ngọn đồi này.  Con hãy kể lại tỉ mỉ cho Đức Giám Mục tất cả những gì con thấy và nghe.  Con hãy tin chắc rằng, Mẹ sẽ nhớ ơn con, Mẹ sẽ ban thưởng cho con.  Mẹ sẽ làm cho con được hạnh phúc và con, con sẽ xứng đáng với phần thưởng, dành cho các cố gắng và các nhọc mệt con hy sinh để chu toàn sứ mệnh Mẹ trao phó.  Đấy nhé, con đã nghe rõ mệnh lệnh của Mẹ, hỡi con Mẹ, đứa con nhỏ bé nhất trong tất cả các con Mẹ.  Bây giờ con hãy đi và dùng trọn sức lực để thi hành công tác.

Thổ dân Juan Diego kính cẩn cúi mình nói:

– Thưa Bà, con sẽ đi ngay và thực hiện lệnh Bà truyền.  Giờ đây đứa đầy tớ khiêm hạ của Bà xin được phép lui gót.

Ông Juan Diego mau mắn xuống khỏi đồi và trực chỉ thành phố Mêhicô.  Vào thành, ông đi thẳng đến tòa Giám Mục.  Vị Giám Mục sở tại lúc bấy giờ là Đức Cha Juan de Zumárraga thuộc dòng Anh Em hèn mọn thánh Phanxicô.  Juan Diego xin gặp Đức Cha và thưa với ngài về sứ điệp của Bà Đẹp Thiên Quốc.  Nhưng Đức Cha không tin lời ông nói.  Juan Diego buồn bã ra về, lòng thất vọng vì nhiệm vụ giao phó không hoàn thành.

LẦN HIỆN RA THỨ HAI

Cùng ngày thứ bảy 9-12-1531, thổ dân Juan Diego quay trở lại đồi Tepeyac.  Khi lên tới đỉnh đồi, Juan Diego trông thấy Bà Đẹp Thiên Quốc đang đứng chờ mình.  Ông quỳ sụp xuống và nói:

– Thưa Bà, con đã mang sứ điệp của Bà đến cho Đức Giám Mục.  Ngài ưu ái lắng nghe con nói, nhưng ngài không tin lời con.  Có lẽ ngài nghĩ là con bịa chuyện.  Vì vậy, con tha thiết xin Bà, xin Bà hãy trao phó nhiệm vụ này cho một người khác quan trọng hơn.  Có thế, Đức Giám Mục mới tin.  Bởi vì con chỉ là người chót bét, một sợi dây mỏng manh, một chiếc thang bằng gỗ, một cái đuôi, một mảnh giấy.  Con thuộc về một nhóm dân cùng đinh, nghèo khổ, vậy mà Bà lại sai con đến một nơi quá cao xa đối với con, đến một chỗ mà con không bao giờ dám đặt chân tới.  Xin Bà tha thứ cho con, nếu con làm phật ý Bà, nếu con làm Bà nổi giận.  Hỡi Bà là Bà Chủ của con!

Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria trả lời:

– Hỡi người con bé nhỏ nhất của Mẹ, hãy lắng nghe lời Mẹ nói đây.  Mẹ biết rõ là có nhiều tôi tớ khác của Mẹ có thể thi hành mệnh lệnh Mẹ truyền.  Tuy nhiên, Mẹ rất cần đến sự giúp đỡ của con.  Vậy thì, Mẹ truyền cho con trở lại tòa Giám Mục một lần nữa.  Ngày mai, con đến tòa Giám Mục và thưa với Đức Cha rằng con đến nhân danh Mẹ và xin ngài xây cất một đền thờ theo ý hướng của Mẹ.  Con lập lại với ngài lần nữa rằng chính Mẹ là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, chính Mẹ đã đích thân sai con đến với ngài.

Thổ dân Juan Diego khiêm tốn thưa:

– Thưa Bà, con không hề muốn làm phiền lòng Bà, con sẽ trung tín thi hành nhiệm vụ Bà trao phó.  Con không quản ngại đường xa cũng không lưu ý việc Đức Giám Mục không tin lời con nói.  Ngày mai, con sẽ mang đến cho Bà câu trả lời của Đức Giám Mục.  Bây giờ xin Bà cho phép con ra đi. Trong khi chờ đợi, xin Bà nghỉ ngơi!

Sáng hôm sau, Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego rời nhà thật sớm đi tới Tlatelolco để tham dự các buổi cử hành phụng vụ.  Trong lòng, ông cương quyết tìm mọi cách gặp cho bằng được Đức Giám Mục.  Thánh Lễ kết thúc, thổ dân Juan Diego phải nài nỉ mãi người ta mới cho ông được hầu chuyện với vị Giám Mục.  Ông quì gối trước mặt Đức Giám Mục, vừa khóc ông vừa lập lại lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc.  Ông khẩn khoản xin Đức Giám Mục tin lời ông.  Ông tha thiết xin ngài chấp thuận thi hành ước nguyện của Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm.

Với mục đích kiểm chứng thực hư, Đức Cha Juan de Zumárraga đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi. Thổ dân Juan Diego kiên nhẫn trả lời rõ ràng từng câu một, thật chính xác.  Sau khi tỉ mỉ tra vấn, Đức Giám Mục truyền cho ông Juan Diego phải xin Bà Đẹp Thiên Quốc tỏ lộ một “dấu chỉ.”  Mặt khác, ngài còn cẩn thận sai vài người giúp việc nơi tòa Giám Mục hãy đi theo ông Juan Diego xa xa, và theo dõi mọi hành động của ông.  Thế nhưng, khi đến chân đồi Tepeyac thì những người này không còn trông thấy bóng dáng thổ dân Juan Diego đâu nữa.

LẦN HIỆN RA THỨ BA

Cùng ngày Chúa Nhật 10-12-1531, thổ dân Juan Diego lên đồi trình bày với Đức Mẹ về câu trả lời của Đức Giám Mục.  Nghe xong, Đức Mẹ liền nói:

– Hỡi con bé nhỏ của Mẹ, con đã thi hành tốt đẹp lệnh truyền của Mẹ.  Được rồi. Ngày mai con hãy trở lại đây để đón nhận “dấu chỉ” mà vị Giám Mục xin.  Như thế, ngài sẽ tin lời Mẹ, sẽ không hoài nghi cũng không còn ngờ vực con nữa.  Phần con, con luôn ghi nhớ rằng Mẹ sẽ trả công bội hậu cho con vì tất cả khó nhọc con dành để phục vụ Mẹ.  Giờ đây con hãy chạy nhanh về đi.  Ngày mai Mẹ đợi con cũng nơi ngọn đồi này!

Ngày hôm sau, thứ hai 11-12-1531, thổ dân Juan Diego không đến nơi hẹn với Đức Trinh Nữ.  Lý do vì chiều Chúa Nhật hôm trước, khi về đến nhà, ông Juan Diego trông thấy người chú Juan Bernardino lâm bệnh nặng.  Ông Juan Diego vội vã chạy đi tìm thầy thuốc đến chữa bệnh cho chú.  Thầy thuốc đến ngay.  Nhưng cơn bệnh đã đến hồi trầm trọng, vô phương cứu chữa.  Biết thế, ông chú liền xin Juan Diego đi mời linh mục đến, để ông được lãnh nhận các phép Bí Tích sau cùng và dọn mình chết lành.

LẦN HIỆN RA THỨ TƯ VÀ THỨ NĂM

Sáng tinh sương ngày thứ ba 12-12-1531, ông Juan Diego nhanh nhẹn đi đến Tlatecolco để mời linh mục cho chú.  Ông cẩn thận chọn một con đường khác, đi vòng quanh ngọn đồi về hướng đông, để có thể vào ngay thành phố Mêhicô, và khỏi bị Bà Đẹp Thiên Quốc giữ lại nói chuyện!  Tuy nhiên, ông Juan Diego rất đỗi ngạc nhiên khi trông thấy Bà Đẹp từ trên đồi đi xuống.  Khi đến gần, Bà hỏi ông Juan Diego:

– Có chuyện gì xảy ra vậy con?  Con đang đi đâu đó?

Thổ dân Juan Diego cảm thấy vừa sợ hãi vừa xấu hổ thẹn thùng.  Ông nghiêng mình thưa:

– Con hy vọng Bà hài lòng!  Sáng nay Bà có cảm thấy dễ chịu không? Sức khoẻ Bà như thế nào?  Con biết Bà sẽ phật ý.  Nhưng xin Bà hiểu cho rằng, chú con bị bệnh nặng vì bị lây bệnh dịch hạch.  Con đi mời linh mục đến giải tội cho chú con.  Xin Bà thứ lỗi cho con.  Xin Bà vui lòng chờ đợi con.  Con không đánh lừa Bà đâu.  Ngày mai con sẽ đến đây thật sớm để gặp Bà!

Sau khi lặng lẽ nghe ông Juan Diego bào chữa một hơi dài, Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria nhân từ dịu dàng trả lời:

– Con hãy lắng nghe và hiểu cho kỹ, hỡi đứa con bé nhỏ nhất của Mẹ.  Con đừng xao xuyến trong lòng.  Con đừng lo lắng về bệnh tình của chú con cũng như về bất cứ điều gì không may sẽ xảy ra.  Mẹ đang có mặt nơi đây, không như là Người Mẹ của con sao?  Con không tìm thấy an nghỉ dưới bóng rợp mát của Mẹ sao?  Mẹ không phải là sức khỏe của con sao?  Con không được Mẹ ấp ủ sao?  Hãy nói cho Mẹ biết con đang cần gì?  Con chớ nên âu lo và buồn phiền, ngay cả bệnh tình trầm trọng của chú con.  Bởi vì chú con chưa chết bây giờ đâu.  Con hãy tin tưởng vững chắc rằng, ngay chính lúc này đây, chú con sẽ được khỏi bệnh!

Lắng nghe những lời nói dịu dàng của Đức Trinh Nữ Rất Thánh Maria, thổ dân Juan Diego cảm thấy lòng tràn ngập niềm an ủi.  Ông mau mắn leo lên đồi cao, theo lệnh truyền của Bà Đẹp Thiên Quốc. Ông hái những đóa hồng Tây-Ban-Nha nở tươi, thơm phức, tuyệt đẹp, ngoại lệ, vì lúc bấy giờ là tháng 12.  Thổ dân Juan Diego nhanh nhẹn hái hết và bỏ vào chiếc áo choàng, đan bằng sợi cây xương rồng.  Giờ đây ông trở thành vị sứ giả đáng tin cậy.  Ông hăng hái trở lại con đường tiến thẳng vào thành phố Mêhicô.

Ông Juan Diego vào tòa Giám Mục, quì gối trước mặt Đức Cha Juan de Zumárraga.  Thổ dân Juan Diego lập lại sứ điệp của Đức Mẹ Maria rồi từ từ mở chiếc áo choàng, mà cho đến lúc ấy, ông vẫn còn giữ chặt trước ngực.  Vừa khi những đóa hồng tươi rơi xuống đất, tức khắc, xuất hiện trên chiếc áo choàng hình ảnh thật đẹp của Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Vị Giám Mục cùng tất cả những người hiện diện liền sấp mình xuống đất, tôn kính hình ảnh lạ được Đức Mẹ Maria in trên áo choàng.  Vị Giám Mục thật ân hận vì không tin ngay lời thổ dân Juan Diego nói.  Ngài muốn giữ chiếc áo choàng lạ nơi nhà nguyện riêng của ngài ở tòa Giám Mục.  Ngày hôm sau, Đức Giám Mục cùng với một đoàn người đông đảo, đi hành hương kính viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra trên đồi Tepeyac.

Về phần thổ dân Juan Diego, ngoài hồng phúc được tận mắt trông thấy Đức Mẹ Maria, ông còn cảm thấy thật sung sướng vì chứng kiến phép lạ đầu tiên thực hiện theo lời hứa của Đức Mẹ.  Đó là cuộc khỏi bệnh lạ lùng của người chú Juan Bernardino.  Chính với người chú này – ông Juan Bernardino – mà trong lần hiện ra thứ năm, cũng là lần sau cùng, Đức Mẹ tỏ lộ danh thánh:

–  Đức Bà Guadalupe.

“Guadalupe” trong tiếng thổ dân có nghĩa ”Người Nữ Chiến Thắng con rắn.”

Chiếc áo choàng với hình Đức Mẹ Maria được rước từ nhà nguyện riêng của Đức Giám Mục ra Nhà Thờ Chính Tòa và được trưng bày cho các tín hữu đến kính viếng.  Hơn 2 tuần sau, ngày 26-12-1531, chiếc áo choàng lạ lại được rước tới nhà nguyện nhỏ đầu tiên do chính các thổ dân xây cất dâng kính Đức Bà Guadalupe trên đồi Tepeyac.

Trong vòng 17 năm trời, tức cho đến ngày nhắm mắt từ trần vào năm 1548, thổ dân Juan Diego sống cạnh đền thánh tí hon này, làm người canh giữ đền thánh.  Nhưng nhất là, ông trở thành người đầy tớ đơn sơ khiêm hạ, trở thành vị chứng nhân và tông đồ nhiệt thành của Đức Bà Guadalupe.

Cuộc hiện ra của Đức Bà Guadalupe với thổ dân Juan Diego đã ghi dấu ấn sâu đậm nơi cuộc sống người dân Mêhicô.  Đức Bà Guadalupe trở thành biểu tượng sức mạnh của kẻ bé nhỏ, yếu đuối và là niềm hy vọng của tất cả những ai đang lo âu sầu khổ.

Hình ảnh Đức Mẹ Maria in trên áo choàng vẫn còn trông thấy rõ ràng mãi cho đến ngày nay, sau 480 năm.  Chiếc áo choàng hiện được tôn kính nơi đền thánh trên đồi Tepeyac.  Đền thánh mang tên Đức Bà Guadalupe.

Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe là Trung Tâm Thánh Mẫu lớn nhất thế giới.  Mỗi năm có khoảng 20 triệu tín hữu đến hành hương.

Đức Mẹ Guadalupe được tuyên xưng bổn mạng nước Mêhicô vào năm 1737, bổn mạng toàn Mỹ Châu vào năm 1910 và bổn mạng nước Phi-Luật-Tân vào năm 1935.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

(CSD 1009, ”Contesto Storia e Significato della Apparizione Guadalupe”, 13-7-2002)

BÁC ÁI VÀ BỔN PHẬN 

Tác giả Ôn Như Nguyễn Ngọc có kể câu chuyện như sau: Gia đình buôn bán nọ chế ra một cái cân để lừa đảo khách.  Cái cân vừa nhẹ vừa nặng và bao giờ phần lợi cũng về phía ông ta.  Vì buôn bán vậy nên chẳng bao lâu ông đã trở nên giàu có.  Lại sinh được hai người con trai hiền lành, học giỏi khôi ngô tuấn tú, ai cũng khen là nhà có đại hồng phúc.

Một hôm, hai vợ chồng bàn nhau: Bây giờ hai vợ chồng ta đã dư giả, giàu có không còn thiếu thứ gì ta hãy phá bỏ cái cân kia đi để dành cái đức lại cho con.  Sau khi đem cái cân ra đập.  Khi bể ra thì thấy có đọng một cục máu đỏ hỏn.  Sau đó ít lâu thì hai đứa con bất tử lăn đùng ra chết, làm cho hai vợ chồng khóc lóc thảm thiết.  Được Bụt hiện ra dạy “Hãy tu tĩnh làm ăn không tham lam gian lận.”  Từ đó hai vợ chồng cố gắng làm ăn không gian lận, làm phúc bố thí.  Quả nhiên sau một thời gian sinh được hai đứa con trai khác hiền lành tử tế, văn hay chữ tốt, và sau lớn lên cha mẹ được vẻ vang hạnh phúc.

Qua câu chuyện trên ta thấy hai vợ chồng vì buôn bán gian lận nên hai đứa con bị Trời phạt nhãn tiền.  Điều đáng khen là họ nhận ra mình tội lỗi, và tự biết phục thiện sửa đổi và được tha thứ.  Công việc mà họ phục thiện chính là ăn ngay ở lành, làm phúc bố thí và không buôn bán gian lận.  Nhìn chung lại chính là hãy biết làm tròn bổn phận và sống bác ái.  Tương tự bài Tin Mừng dân chúng cũng lũ lượt kéo đến với Gioan Baotixita và hỏi ông “Tôi phải làm gì?” hay “Tôi phải phục thiện bằng cách nào?” để rước Chúa.  Câu trả lời của Gioan Baotixita không ngoài hai việc chính là:

ZZ

  1. Sống bác ái

Trong bản văn Tin Mừng không nói rõ là Gioan Baotixita kêu gọi mọi người sống bác ái.  Nhưng qua lời ông yêu cầu mọi người hãy sống tương trợ lẫn nhau: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy.  Gioan Baotixita muốn họ làm một công việc bác ái cụ thể giúp tha nhân chứ không phải chờ đợi bằng lời nói xuông.  Thật ra ngày nay chúng ta cũng gặp được nhiều người làm việc từ thiện, làm những công việc bác ái giúp đỡ người nghèo, người tàn tật cơ nhỡ ở khắp nơi.  Nhưng cách làm việc của họ không có được tinh thần bác ái như lời Gioan Baotixita kêu gọi.  Vì đôi khi họ chỉ cho những chiếc “áo cũ”, “áo không mặc nữa.”  Còn Gioan Baotixita thì kêu gọi người ta cho đi cái mình “đang mặc.”  Không thể phủ nhận lòng tốt của mọi người, nhưng nhiều người đã lạm dụng công việc bác ái để đạt được mục đích mà họ muốn, chứ không có chút gì là ái cả.  Cho nên cũng có rất nhiều phần lương thực được giúp cho người nghèo, mà là phần dư thừa chứ không phải tất cả những gì họ có.  Nhưng cũng có những tấm lòng cao cả mà cho đi với tinh thần không đắn đo, không đòi hỏi mà làm việc bằng một con tim hiến dâng.  Điều đó thật đáng khen.

Thực trạng ngày nay đang cần con người sống bác ái với nhau nhiều hơn nữa, biết “nhường cơm xẻ áo.”  Qua thống kê mới đây cho biết trên thế giới có khoảng một tỉ người bị đói vì cuộc khủng hoảng kinh tế.  Bên cạnh đó lại có quá nhiều người dư thừa tiền của.  Nếu tất cả mọi người đều sống theo lời mời gọi cua Gioan Baotixita, thì trên thế giới không còn người đói nghèo và bệnh tật nữa.  Thánh Gioan Baotixita khôngđưa ra một đòi hỏi nào quá sức mình, vì vậy để sống trong tầm tình mùa Vọng, chúng ta không chỉ dọn đường mà còn phải sống bác ái ngay trong đời thường, với những người ở xung quanh ta.  Vì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không thích ta sống dư thừa của cải, trong khi người anh em lại thiếu thốn không đủ cung ứng cho nhu cầu của họ.

  1. Làm việc bổn phận

Bài Tin Mừng còn nhắc đến những người thu thuế và lính tráng.  Đối với dân Israel, hai hạng người này bị coi là xấu xa tội lỗi, vì họ tiếp xúc với dân ngoại và nghề nghiệp mang đến cho họ hành vi bất nhân, làm giàu cách bất chính.  Nhưng thánh Gioan Baotixita thì không nghĩ thế, ngài chỉ yêu cầu họ làm đúng, làm tròn và làm tốt công việc mà họ đang làm.  Tiêu biểu đối với người thu thuế ngài nói: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.  Nghĩa là gian lận trong thu thuế là không hợp với đạo đức.  Với người lính cũng nhận được mệnh lệnh tương tự: “Chớ hà hiếp ai cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.  Công việc binh nghiệp tự nó đâu phải là xấu, mà cũng chẳng đáng chê trách, chỉ xấu khi người ta lợi dụng nó làm việc bất chính, như hà hiếp, tống tiền…  Lời kêu gọi của Gioan Baotixita thật đơn giản dễ thực hiện.  Nhưng đòi hỏi mỗi người phải thực hiện cách triệt để và quyết liệt.  Vì nếu chúng ta dọn lòng không sửa đổi thì Thiên Chúa sẽ không vào được lòng ta, vì nó đã chứa đầy những bất chính lo âu rồi.  Vậy mỗi người hãy biết ăn năn sám hối để dọn lòng đón Chúa trong mùa vọng này.

Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng ra với tha nhân, để yêu thương chia sẻ những gì mình có, và làm tốt công việc mà Chúa đã giao.  Amen.

Sưu tầm

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

ZZKhi cử hành phụng vụ thánh lễ, khởi đầu nghi thức sám hối, chúng ta thường đọc Kinh Cáo Mình và hát: Xin Chúa thương xót chúng con.  Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.  Năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (The Jubilee of Mercy).

Lòng Thương Xót Chúa trải qua đời nọ tới đời kia dành cho những ai trông cậy nơi Chúa.  Tác giả thánh vịnh đã bày tỏ lòng thành tín: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm” (Tv 51, 3).  Tiên tri Đanien cũng đã thốt lên trong lúc gặp gian truân khốn khó: “Lạy Thiên Chúa của con, xin lắng tai nghe, xin ghé mắt nhìn cảnh hoang tàn của chúng con và thành đô đã được thánh hiến cho Ngài.  Chúng con không dựa vào những hành động chính trực của chúng con, nhưng dựa vào lượng hải hà của Ngài mà dâng lời khẩn nguyện lên trước Tôn Nhan” (Dn 9, 18).  Thánh Luca, với tâm tư của một lương y đã cảm nhận: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lk 1, 78).  Và thánh Phaolô tông đồ đã khuyên nhủ các Kitô hữu: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.  Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12, 1), và Chúa Cha giàu lòng thương xót (Eph 2: 4).

Năm Thánh là thời gian rất quan trọng trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo.  Giáo Hội cảm hứng truyền thống tốt đẹp của Đạo Do Thái về việc cử hành Năm Thánh.  Đức Giáo Hoàng Boniface VIII, vào năm 1300 đã khởi sự các Năm Thánh trong Giáo Hội.  Năm Thánh là một hồng ân tha thứ chung và mở cửa cho mọi tín hữu có cơ hội tiến gần tới tha nhân và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hơn.

Trong Giáo Hội, chúng ta có Năm Thánh bình thường và ngoại thường.  Từ năm 1475, Năm Thánh bình thường được cử hành 25 năm một lần.  Vào những dịp đặc biệt, Giáo Hội mở những Năm Thánh ngoại thường.  Cho tới nay, đã có 24 Năm Thánh bình thường và 4 Năm Thánh Ngoại Thường.  Lần cuối, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã mở Năm Thánh ngoại thường vào năm 1983 và Năm Thánh 2000 (Bình thường).  Năm Thánh Lòng Thương Xót ngoại thường sẽ là lần thứ 5, do bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô mở ra năm nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố sắc lệnh về Năm Thánh Lòng Thương Xót “Misericordiae vultus” vào ngày 11 tháng 4, 2015.  Ngài giải thích: Tại sao bây giờ có Năm Thánh Lòng Thương Xót?  Đơn giản, bởi vì trong lúc lịch sử đang thay đổi, Giáo Hội được kêu mời cống hiến một cách nỗ lực hơn về dấu chỉ và sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa.  Đây không phải là thời gian của sự xao lãng.

Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ được khai mạc vào ngày 08 Tháng 12 năm 2015, Lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Ngày Đại Lễ này nhắc nhớ tác động của Thiên Chúa ngay từ đầu của lịch sử nhân loại.  Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã trở nên sống động và hiện hữu nơi Đức Giêsu Kitô, là nguồn gốc ơn Cứu độ.

Cửa Thánh là gì?  Nghi thức đầu tiên của Năm Thánh Lòng Thương Xót là mở Cửa Thánh (Holy Door).  Trong chuyến viếng thăm Phi Châu vào cuối tháng 11, 2015 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở Cửa Thánh tại Nhà thờ Chính Tòa ở Bangui, tại Nước Cộng Hòa Trung Phi.  Đây là một nghĩa cử có ảnh hưởng lớn bày tỏ Năm Thánh Lòng Thương Xót được mở ra cho mọi vùng trên thế giới.  Cửa Thánh biểu tượng cách khác thường mà các tín hữu Công Giáo có thể khơi dậy niềm tin.  Đặc biệt, dành cho các khách hành hương có cơ hội bước qua Cửa Thánh.

Đức Giáo Hoàng sẽ mở Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phêrô.  Lẽ thường, Cửa Thánh chỉ 25 năm mới mở một lần, trừ trường hợp đặc biệt.  Nên biết, khi kết thúc một Năm Thánh, người ta sẽ xây một bức tường gạch bên ngoài Cửa Thánh và chờ tới Năm Thánh kế tiếp sẽ được đập ra.

Cửa Thánh của Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ được mở trước, tiếp theo là các Cửa Thánh của các đền thờ Giáo Hoàng khác sẽ lần lượt được mở ra.  Và tại Giáo Hội địa phương, tất cả các Nhà thờ Chính Tòa, các Cửa Lòng Thương Xót cũng sẽ được mở ra trong suốt thời gian của Năm Thánh.

Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ được bế mạc vào Lễ Trọng Kính Chúa Kitô Vua, vào ngày 20 tháng 11 năm 2016.  Giáo Hội sẽ lại niêm phong Cửa Thánh.  Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa ban cho tất cả các Kitô hữu trên thế giới một thời gian ngoại thường của ân sủng.

Mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ân sủng của Lòng Thương Xót Chúa qua sự hòa giải với Chúa và với tha nhân, đặc biệt qua Bí Tích Hòa Giải.  Khi đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con… ước chi lời cầu xin trên môi miệng được thấm nhập vào tim và thực hành trong đời sống hằng ngày.  Chúng ta sẽ tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn và lãnh nhận dồi dào ân sủng.  Trong Năm Thánh, chúng ta sẽ lãnh nhận được nhiều ân xá do lòng nhân hậu của Chúa.

Ân xá (indulgence) là gì?  Là sự tha thứ ta nhận được từ kho tàng các công ơn của Chúa Giêsu và các thánh, do Hội Thánh ban phát, để xóa bỏ những hình phạt mà chúng ta còn phải chịu sau khi tội đã được tha.

Ân xá là sự xá giải các hình phạt tạm (vạ) vì các tội lỗi đã được tha thứ qua Bí tích Giải Tội.  Chúng ta phân biệt tha tội và tha vạ.  Khi thật lòng xưng tội, chúng ta đựợc ơn tha thứ tội lỗi, nhưng ‘vạ’ hình phạt vẫn còn.  Ân xá là việc tha hình phạt tạm, chứ không phải là việc tha tội.  Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành những điều kiện đã chỉ định, thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội.  Muốn lãnh nhận Ân Xá một cách có hiệu quả, thì chúng ta phải sạch tội trọng và thi hành một số việc tốt lành như: Xưng tội, dự lễ, rước Mình Thánh Chúa, viếng nhà thờ và đọc các Kinh Lạy Cha, Kinh Mừng, Kinh Sáng Danh, Kinh Tin Kính và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Có hai thứ ân xá: Ơn đại xá hay toàn xá và ơn tiểu xá.

Ơn đại xá (Plenary indulgence): Tha toàn phần các hình phạt.
Ơn tiểu xá (Partial indulgence): Tha một phần hình phạt mà thôi.

Ơn Đại Xá là ơn tha tất cả mọi hình phạt do tội lỗi cần phải đền.  Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá toàn phần hay từng phần hoặc cho chính mình hay để chuyển cầu cho những người đã qua đời.

Lạy Chúa, chúng con bước vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, xin mở rộng tâm hồn chúng con để cảm nghiệm tình yêu thương vô bờ bến của Chúa.  Xin Chúa thương xót chúng con.  Chúa đang mời gọi chúng con: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28).

LM Giuse Trần Việt Hùng

VÔ NHIỄM LÀ GÌ?

ZZMột số học thuyết của Giáo hội Công giáo bị hiểu lầm là tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Nhiều người, kể cả nhiều người Công giáo, nghĩ rằng học thuyết đó nói đến việc thụ thai Đức Kitô qua tác động của Chúa Thánh Thần trong cung lòng Trinh nữ Maria.  Sự kiện đó được mừng kính trong lễ Truyền tin (ngày 25-3, trước lễ Giáng sinh 9 tháng).

Vô nhiễm nói đến tình trạng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội ngay từ lúc Đức Mẹ được thụ thai trong lòng người mẹ, thánh Anna.  Chúng ta mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ vào ngày 8-9, 9 tháng sau ngày 8-12 (lễ Mẹ Vô nhiễm).

LM John Hardon, S.J. (Dòng Tên), trong cuốn Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary), ngài nói: “Không phải các giáo phụ Hy Lạp hoặc Latinh dạy rõ ràng về Vô nhiễm Nguyên tội, mà các ngài bày tỏ điều đó một cách mặc nhiên.  Phải mất nhiều thế kỷ để Giáo hội Công giáo nhận biết đặc ân Vô nhiễm Nguyên tội là tín điều, và mãi đến ngày 8-12-1854 Đức Giáo Hoàng Piô IX mới tuyên bố đó là tín điều.

Đức Giáo Hoàng Piô IX viết trong Hiến chế Ineffabilis Deus (Thiên Chúa bất khả ngộ): “Chúng tôi công bố và xác nhận rằng tín điều về Đức Maria, ngay lúc được thụ thai, nhờ đặc ân và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn năng, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, được giữ không mắc Nguyên tội, là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, và vì thế mỗi tín hữu phải luôn tin vững vàng.

LM Hardon viết thêm: “Đức Mẹ không mắc Nguyên tội là một tặng phẩm hoặc một đặc ân của Thiên Chúa, một ngoại trừ hoặc một đặc ân, điều mà không một thụ tạo nào có được.

Khái niệm sai lầm về Vô nhiễm Nguyên tội. 

Một khái niệm sai lầm khác là ơn Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria cần thiết để bảo đảm rằng Nguyên tội không bị truyền qua Đức Kitô.  Điều này không là một phần trong giáo huấn về Vô nhiễm Nguyên tội.  Hơn nữa, ơn Vô nhiễm Nguyên tội thể hiện Ơn Cứu Độ của Đức Kitô hoạt động nơi Mẹ Maria khi đồng công cứu chuộc nhân loại và trong sự tiên liệu của Thiên Chúa đối với sự chấp nhận Ý Chúa nơi Đức Mẹ.

Nói cách khác, Vô nhiễm Nguyên tội không là điều kiện tiên quyết để công cuộc cứu độ của Đức Kitô mà là kết quả của Ơn Cứu Độ.  Đó là cách giải thích cụ thể về Tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, vì Đức Mẹ hiến dâng trọn vẹn, đầy đủ, không chút do dự khi tuân phục Thánh Ý Chúa.

Lịch sử

Lễ Vô nhiễm Nguyên tội có dạng cổ xưa nhất, trở lại từ thế kỷ VII, khi các Giáo hội Đông phương bắt đầu mừng lễ Sinh nhật Đức Mẹ.  Nói cách khác, lễ này mừng Đức Mẹ được thụ thai trong lòng thánh Anna.

Tuy nhiên, lễ Sinh nhật Đức Mẹ không được hiểu như lễ Vô nhiễm Nguyên tội trong Giáo hội Công giáo ngày nay, dù Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn mừng.  Lễ này đến Tây phương có lẽ từ thế kỷ XI, lúc đó bắt đầu liên quan việc tranh luận về thần học.  Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương vẫn cho rằng Đức Mẹ không mắc Nguyên tội, nhưng có những cách hiểu khác nhau về ý nghĩa.

Đối với giáo lý về Nguyên tội, một số người ở Tây phương bắt đầu tin rằng Đức Maria không thể vô tội nếu Đức Mẹ không được cứu thoát khỏi Nguyên tội vào lúc được thụ thai (như vậy làm cho việc thụ thai thành “vô nhiễm”).  Tuy nhiên, một số thần học gia, kể cả thánh Thomas Aquinas, cho rằng Đức Maria không được cứu độ nếu Đức Mẹ không mắc tội – ít nhất là Nguyên tội.

Để trả lời cách phản đối của thánh Thomas Aquinas, như chân phước John Duns Scotus (qua đời năm 1308) đã bày tỏ, đó là Thiên Chúa đã thánh hóa Đức Mẹ ngay lúc Đức Mẹ thụ thai trong sự tiên liệu của Thiên Chúa về việc Đức Mẹ vui nhận mang thai Đức Kitô.  Nói cách khác, Đức Mẹ cũng được cứu độ – ơn cứu độ của Đức Mẹ được hoàn tất ngay lúc Đức Mẹ thụ thai, còn các Kitô hữu là lúc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

Phát triển lễ ở Tây phương

Sau khi chân phước John Duns Scotus phản đối về Vô nhiễm Nguyên tội, lễ này phát triển khắp Tây phương, dù lễ này vẫn thường cử hành vào lễ Thụ thai của Thánh Anna.  Tuy nhiên, ngày 28-1-1476, Đức Giáo Hoàng Sixtô IV mở rộng lễ này cho toàn Giáo hội Tây phương, và năm 1483 ngài ra vạ tuyệt thông cho những người chống lại tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.  Khoảng giữa thế kỷ XVII, mọi sự chống đối tín điều này đều không còn trong Giáo hội Công giáo.

Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)

CON ĐƯỜNG NỘI TÂM

Bài Tin Mừng mở đầu thật long trọng khi nêu tên tất cả những vị lãnh đạo cao cấp thời đó.  Từ Tibêriô, hoàng đế của đế quốc La mã, quyền uy phủ trên toàn thế giới thời ấy, đến Philatô, tổng trấn, đại diện cho hoàng đế cai trị nước Do Thái.  Từ Hêrôđê, dù là bù nhìn, cai trị miền Bắc, đến em ông cai trị miền Nam.  Từ Anna đến Caipha cùng trong gia đình làm thượng tế nắm giữ quyền đạo Do Thái.

Tên tuổi những vị lãnh đạo cao cấp đầy quyền uy nói lên thực trạng của đất nước Do Thái thời đó: bị nô lệ.  Chính vì thế, hơn bao giờ hết người Do Thái mong chờ Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người.  Chúa đã đến, không phải bằng con đường phô trương nhưng bằng con đường nội tâm.  Thánh Gioan Baotixita hôm nay khi kêu gọi mở đường cũng nhắm đến con đường nội tâm.  Chỉ những ai đi đường nội tâm mới gặp được Chúa.  Qua lời rao giảng của Thánh Gioan Tiền Hô, đường nội tâm có những đặc điểm sau:

Đường nội tâm đi trong cô tịch.  Thật lạ lùng.  Một chương trình cứu thế lớn lao như thế mà Chúa chẳng ngỏ lời với các vị lãnh đạo cao cấp uy quyền, nhưng lại ngỏ với Thánh Gioan Baotixita.  Một chương trình lớn lao như thế không khởi đầu ZZtừ thủ đô đất nuớc nhưng lại phát xuất từ vùng hoang địa xa xôi.  Thực ra Chúa vẫn ngỏ lời với nhân loại.  Nhưng tiếng Chúa nói âm thầm, sâu thẳm.  Các vị lãnh đạo cao cấp sống trong ồn ào của đô thị phồn hoa, bị tiếng thét gào của đam mê, dục vọng, quyền lực lấn át, nên không nghe được tiếng Chúa.  Thánh Gioan Baotixita nghe được tiếng Chúa nhờ đi vào con đường cô tịch.  Sống ẩn thân nơi hoang địa.  Chuyên chăm cầu nguyện trong tu viện.  Bỏ ngoài tai tất cả những tiếng ồn ao thế tục.  Chỉ khao khát lắng nghe Lời Chúa.  Nên đã gặp được Chúa và được biết chương trình cứu độ của Chúa.

Đường nội tâm đi trong đi trong khiêm nhường.  Chúa là Đấng vô cùng khiêm nhường.  Chỉ những ai khiêm nhường mới gặp được Chúa.  Các vị lãnh đạo uy quyền nói trên rất tự mãn.  Tự mãn vì quyền uy bao trùm khắp mặt đất.  Tự mãn vì dinh thự đền đài nguy nga.  Tự mãn vì quần áo lụa sang trọng.  Tự mãn yến tiệc linh đình.  Thánh Gioan Baotixita thật khiêm nhường.  Khiêm nhường trong đời sống âm thầm nơi hoang địa.  Khiêm nhường trong tu viện đơn sơ.  Khiêm nhường trong thực phẩm tự nhiên rất đạm bạc: chỉ ăn châu chấu và mật ong rừng.  Khiêm nhường trong trang phục giản dị bằng da thú, chỉ có mục đích che thân.  Khiêm nhường xưng mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa.  Nhờ thế đã gặp được Chúa, được Chúa tuyển chọn trở thành người mở đường cho Chúa.

Đường nội tâm đi trong chiến đấu.  Không phải chiến đấu với người khác.  Nhưng chiến đấu với chính mình.  Cuộc chiến đấu được Thánh Gioan Tiền Hô dùng lời tiên tri Isaia diễn tả trong việc sửa chữa con đường.  Con đường là tâm hồn.  Sửa chữa con đường vật chất tuy khó mà dễ.  Sửa chữa con đường tâm hồn khó biết bao.  Tâm hồn có những núi đồi kiêu ngạo tự mãn.  Để sửa chữa phải bát núi đồi xuống.  Phải cắt đi một phần tâm hồn không phải dễ dàng.  Tâm hồn có những khúc quanh co, để uốn nắn lại phải vạt bớt chỗ quanh co.  Gọt dũa tâm hồn đau đớn lắm.  Từ bỏ mình là một cuộc chiến khốc liệt.  Thắng được mình khó hơn thắng vạn quân.

Đời sống ta quá lo lắng bon chen nên thiếu chiều sâu nội tâm.  Hôm nay ta hãy nghe lời Thánh Gioan Tiền Hô dạy, biết ăn năn sám hối trở về với Chúa. Biết rửa sạch tội lỗi.  Biết đổi mới tâm hồn bằng cuộc sống đi vào nội tâm.  Tìm những giờ phút thanh vắng cô tịch để lắng nghe tiếng Chúa.  Sống đơn sơ khiêm nhường để nên giống Chúa.  Muốn được như thế ta phải chiến đấu để từ bỏ ý riêng.  Chúa đã đến ở đầu đường.  Ta chưa nhìn thấy chỉ vì con đường tâm hồn còn lồi lõm quanh co.  Khi nào ta cắt bỏ được hết những lồi lõm quanh co trong tâm hồn, ta sẽ được thấy Chúa.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt