HOANG ĐỊA – THAO TRƯỜNG CỦA NHÂN ĐỨC

Có một lần được đến, sống và làm việc tại một nhà tĩnh tâm ngay giữa sa mạc của nhà Dòng trong suốt mùa hè, tôi chợt nhận ra một thói quen vô thức của mình: cứ tìm đến một góc vắng vẻ nhất và ngồi đó trong thinh lặng.  Nhiều khi tôi dùng thời gian ấy như là một giờ tâm sự với Chúa, nhưng cũng lắm khi chỉ để hồn phiêu lãng với những chùm tư tưởng khác nhau.  Điểm lạ là nơi tôi đến chẳng có dáng của hoa thơm, cũng không có bóng của cỏ lạ.  Có chăng chỉ là cái nắng chói chang chiếu rọi trên những gốc xương rồng cằn cỗi.  May lắm thì được yên vị trong một căn chòi nho nhỏ đủ làm dịu đi đôi chút cái gay gắt của trưa hè.  Ấy vậy mà cứ ngày này qua tháng nọ, nó dường như trở thành một chốn rất đỗi thân quen.  Và muôn lần như một, câu nói trong sách Luca cứ vọng về: “Đức Giêsu thường lui vào một nơi hoang vắng mà cầu nguyện” (Luca 5:16).  Ừ nhỉ, có gì hấp dẫn hay lãng mạn nơi hoang địa cơ chứ?  Nhìn quanh nhìn quất chỉ toàn một màu của cỏ úa, ban ngày thì nóng cháy thịt da, về đêm thì lạnh buốt tận xương tuỷ.  Người đã tìm gì trong hoang địa?  Thế đó tôi bắt đầu một cuộc tìm tòi.

ZZHoang địa, nơi tôi luyện đức khiên nhường.  Một ngày lang thang qua khắp nẻo đường.  Một ngày rộng tay với muôn vàn ân phúc.  Thành công có, thất bại có.  Giữa sự ồn ào của lời khen tiếng chê, thật khó mà nhận ra tiếng nói âm thầm của con tạo, của trái tim.  Đi hay ở, làm hay không, có dễ đâu mà nhận định ý Ngài?  Ấy là chưa kể cái êm đềm của đời thường sẽ làm lòng người mau quên và đôi chân chợt mỏi, chỉ muốn dừng lại bám rễ, chỉ muốn hài lòng với một chút vinh vang mờ nhạt.  Vào hoang địa thôi!  Bởi nơi ấy sẽ chẳng vang vọng những lời khen tiếng chê, sẽ chẳng bị âm thanh hỗn tạp của cuộc sống bao phủ.  Nơi ấy, thành công sẽ chẳng có cơ hội tạo hào quang và thất bại sẽ không còn cơ may làm nên những làn mây ảm đạm.  Tất cả chỉ là hư vô, là trống rỗng.  Trong im lặng tuyệt đối đó, liệu có cần không cho bao vất vả hầu đạt được những hứa hẹn hão huyền?  Khi trước mặt ta, sau lưng ta, bên phải, bên trái, bên trên, và bên dưới ta chẳng còn ai khác hơn là chính mình, trốn đâu cho được.  Mà khổ nỗi khi phải đối diện với chính mình, ta mới nhận ra được một sự thật phũ phàng nhất: ta chỉ là hư vô trước mặt Chúa.  Ta chỉ là một công cụ không hơn không kém.  Những tràng pháo tay không dứt hay những lời rủa xả lê thê của hôm qua không nói lên được con người thật của ta.  Rồi ta chợt thấu hiểu lời mời gọi tuyệt vời của hoang địa: hãy trở nên khiêm hạ; hãy nhận ra nguồn gốc của mọi sự vốn chẳng xuất phát hoặc chấm dứt nơi ta.  Có lẽ vì thế mà Đức Giêsu mê không khí của sa mạc.  Quả vậy, nơi đó đã nhắc nhở Ngài một sứ vụ to lớn hơn: tất cả vì sự cả sáng của Danh Cha.

Hoang địa, nơi hình thành và nung nấu niềm tin.  Dẫu nắng có gay gắt cỡ nào đi nữa thì từng khóm xương rồng vẫn còn đó.  Dẫu muôn vàn ngọn cỏ có nhuốm màu của lá úa, thì bên dưới vẫn hàm chứa cái khao khát của mầm sống, của ý chí muốn tồn tại.  Có ai đi giữa sa mạc mênh mông mà lòng không thèm khát một vạt nước vọt lên từ giữa những dải cát vô tình?  Hẳn ta còn nhớ một đoạn của Thánh Vịnh: “Người xẻ đá giữa sa mạc hoang vu, khiến nước tuôn tràn cho dân được uống” (TV 78:15).  Có ai vật vờ giữa cơn lạnh cắt da của trời đêm mà không mong muốn một ánh lửa bập bùng sưởi ấm?  Cái khao khát được uống nước của ân sủng, được sưởi ấm với tình yêu sẽ trổi mạnh hơn bao giờ khi ta đi vào sa mạc của tâm hồn.  Và đằng sau cõi thinh không, đằng sau sự đối đầu với những giới hạn của bản thân, lòng ta chợt bừng lên một niềm tin, một thao thức, một ước muốn theo Ngài.  Ta biết ta đã không lẻ loi.  Ta tin Ngài đang cùng ta dấn bước.  Và niềm tin ấy được nung nấu qua bao thử thách của trời trưa và bao cô quạnh của đêm dài.  Nếu không bước vào hoang địa, nếu lòng vẫn bị phủ tràn với muôn ngàn tín hiệu, thì e rằng cơ hội để hình thành và tôi luyện đức tin sẽ bị nhiễu đi.  Ra vậy, Đức Kitô đã rất có lý khi tìm đến nơi hoang vắng.

Hoang địa, nơi hun đúc lòng trông cậy.  Nhiều hôm ngồi tư lự ở góc vắng của nhà tĩnh tâm, tôi chợt thấy áo mình đẫm ướt mồ hôi.  Nắng và nóng quá đỗi.  Những cơn gió nhẹ thoảng qua bỗng nhiên trở thành một món quà quý giá.  Thoảng hoặc một vài giọt nước của một cơn mưa hiếm hoi biến thành báu vật.  Gió và mưa tuy hiếm nhưng vẫn đến đấy thôi.  Thiết nghĩ người lữ khách giữa hoang địa không vì sự hiếm hoi của chúng mà trở nên thất vọng.  Rất có thể họ còn đón nhận chúng cách trân quý hơn, tri ân hơn.  Cũng vậy, khi gặp gỡ nội tâm và Thiên Chúa giữa sa mạc khô cằn, lòng người lữ thứ luôn nung nấu những khát khao.  Chúng giống như quân canh mong chờ hừng đông đến hoặc như cái đấu ao ước được đong đầy, được lèn chặt.  Rồi hồn họ chợt vút cao ngong ngóng chờ trông con tạo.  Cái ‘kết hiệp’ tưởng như rất thường đã trở nên linh thánh hơn bao giờ.  Phải chăng Đức Kitô vào hoang địa ngày nào để nuôi dưỡng lòng trông cậy tuyệt đối vào Đấng mà Ngài hằng tuân phục tin yêu?

Hoang địa, chốn xuất phát của tình yêu, của hiến mình.  Lúc thanh vắng là lúc ta có thể đối thoại với chính mình.  Quả thế, khi thành công không là áp lực và thất bại chẳng là điều làm ta bận tâm, thì đấy là lúc ta trở nên chân thành nhất.  Ta sẽ tự hỏi chính mình xem ta có muốn tái đầu tư cho những gì ta đang đeo đuổi?  Ta sẽ tự vấn lương tâm xem hồn ta có thanh thản, tim ta có khao khát, có muốn tiếp tục yêu và sẵn sàng xả thân vì tình yêu?  Câu trả lời vào giây phút đó sẽ không mang hơi hướm của những lời chúc tụng bề ngoài hoặc những sợ hãi của bao thất bại ngập tràn.  Trong thinh lặng ta có cơ hội nhìn lại và chọn lựa cách kỹ lưỡng, để rồi khi trở về đời thường ta có một lời đáp rõ ràng hơn, mạch lạc hơn.  Hẳn ta còn nhớ, ta chỉ là một loài thụ tạo rất tầm thường.  Tình yêu ta dành cho nhau không phải lúc nào cũng ướm đượm hương thơm.  Trái lại, cũng có những phút giây ta ngậm phải những trái đắng và lòng ta thoáng xôn xao.  Thế nên lâu lâu có cơ hội nghiềm ngẫm về mối tình ta dành cho nhau cũng là một điều kỳ thú.  Đức Giêsu khi xưa đã yêu và yêu thật nhiều.  Nhưng tình yêu ‘nhân tính’ của Ngài không phải không gặp nhiều thử thách.  Và để đáp trả lời mời gọi tiếp tục yêu, để tìm lại cái đơn sơ, tinh tuyền và chân chất của con tim, hơn một lần Ngài đã vào hoang địa để suy nghĩ, để nguyện cầu.  Cũng chính qua những phút giây thần thánh đó, Ngài đã lựa chọn con đường yêu thương một cách tự do và mãnh liệt.  Bởi từ đáy thẳm tâm hồn, Ngài hiểu rõ Giêsu sẽ không còn là Giêsu nếu nơi Ngài thiếu vắng sự cho đi của trái tim.  Ngài đi vào sa mạc để rồi khi trở về lòng Ngài lại chân chất những ước mơ và thân xác Ngài lại một lần biến thành của lễ.

Hoang địa, nơi ẩn náu một kho tàng vô tận.  Bất chấp nắng hay mưa, nóng hay lạnh, từng đàn ong mật cứ vần vũ quanh đám cỏ hoang.  Những cánh chuồn, cánh bướm vẫn ưỡn lượn nhịp nhàng.  Về đêm tiếng dế rả rích tỉ tê như một điệu luân vũ tuyệt vời.  Cha giám đốc nhà tĩnh tâm cho biết bên dưới sự khô cằn của hoang địa lại là một cõi mênh mông trù phú của nguồn nước dồi dào cho bao thế hệ. Những làn nước mát trong mà tôi cùng bao người thao luyện viên tận hưởng đến từ một mạch ngầm quý giá.  Từng ngụm từng ngụm đi vào lòng mát lạnh.  Chưa bao giờ tôi lại quý nước hơn những ngày này.  Hỏi liệu có khi nào nguồn nước ấy vơi đi, cha cho biết có thể lắm, nhưng đã có bao chục ngàn con người dừng chân và nhà tĩnh tâm này đã đi vào năm hoạt động thứ 50 mà chưa ai phải vất vả kiếm tìm một nguồn nước mới.  Còn nữa cứ mải mê với cõi riêng của mình, hơn một lần tôi thấy bóng dáng của những chú nai tơ tuyệt đẹp, hay vẻ dềng dàng của mẹ con gấu đen hóm hỉnh, hoặc cái giả dạng tuyệt tác của các nàng rắn đất.  Chúng luẩn quẩn quanh tôi, chợt dừng lại ngõ sững rồi lại lững thững bước đi cứ như thể thế giới này lớn đủ, rộng đủ và hòa bình đủ cho mọi loài.  Xem ra cõi hoang vu đã dạy cho tôi những bài học mà chưa trường lớp nào từng dạy.  Nó cho tôi thấy một thế giới thật mà Thiên Chúa muốn tạo nên: một loại thế giới yêu thương nhau, chấp nhận lẫn nhau, vui vẻ chung sống và chia cho nhau những gì có thể.  Thế nên khi đi vào sa mạc của tâm hồn, tôi thấy lòng mình bừng lên những ước mơ.  Bởi bên dưới cái tưởng chừng khô cằn và nặng nề nhất lại là nơi tôi học hỏi nhiều nhất.  Có lẽ Đức Giêsu cũng có một tâm trạng giống tôi khi Ngài tìm vào nơi hoang vắng.

Nhà tĩnh tâm này, đã có bao con người đến rồi đi, đã có bao trái tim trở về, và đã có bao tâm hồn biến đổi.  Nếu nói đó là do công của các Cha linh hướng của trung tâm cũng chưa hẳn sai.  Nhưng sẽ không hoàn thiện khi ta không nhắc đến bối cảnh tuyệt vời của hoang địa, nơi mà mỗi thao luyện viên có dịp sống và lắng nghe tiếng thầm thì của tạo hoá qua những giây phút trầm mặc linh thánh.  Để rồi khi trở về với thế giới vội vã, họ biết đâu là con đường mà Thiên Chúa muốn họ đi, họ hiểu ý nghĩa của những vui buồn sướng khổ trong cuộc sống.  Họ đã được Thiên Chúa, qua thinh lặng của hoang địa biến đổi.  Họ không còn là họ của hôm qua, nhưng là của những lớp người mãi bước tới theo tiếng gọi của tình yêu.  Sa mạc cũng có lắm loại nhiều thứ.  Có loại là một thứ sa mạc nóng bỏng như tôi đã sống và làm việc trong mùa hè qua.  Nhưng cũng có thứ sa mạc lặng lẽ hơn, tinh tế hơn: thứ sa mạc của tâm hồn.  Thế nhưng dẫu ở đâu hay loại nào, chúng cũng đều là thao trường tuyệt vời cho bao nhân đức.

Bạn mến, có bao giờ bạn tìm đến với sa mạc nội tâm?  Có bao giờ bạn bắt chước Đức Giêsu dành một phần trong ngày để vào nơi hoang vắng?  Có bao giờ bạn ước ao được lớn dậy trong tình yêu và đời mình được nuôi dưỡng với bao nhân đức?  Nếu có thì đừng ngại đi vào hoang địa bạn nhé.  Vào đi, đừng sợ.  Chắc chắn khi vào rồi, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều mới lạ.  Khi ấy thói quen tìm nơi vắng vẻ mà tâm sự với Thượng Đế và trở về với lòng mình sẽ không bao giờ rời xa bạn nữa.  Và như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn bạn cũng sẽ trông mong được gần Chúa và tha nhân hơn bao giờ.

Quân Trần, SJ

http://www.donghanh.org

BÁNH BỞI TRỜI

Cuộc đời tiên tri Êlia là một cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường.  Một mình người phải chiến đấu chống lại cả một dân tộc bỏ đạo do hoàng hậu Dêdaben cầm đầu.  Người khiển trách dân chúng vì họ đã nghe theo hoàng hậu mà bỏ Chúa.  Người thách thức 400 sư sãi của thần Baan trong một cuộc dâng của lễ cầu mưa.  Người đã chiến thắng.  Nhưng chính vì chiến thắng.  Người bị hoàng hậu săn đuổi, phải chạy trốn vào sa mạc.  Hôm nay, đói khát đến lả người, vị tiên tri dũng mãnh rồi cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời.  Người mất hết sức lực thể chất lẫn tinh thần.  Chẳng thiết sống, người xin Chúa cất người ra khỏi thế gian phiền nhiễu đầy bất trắc.  Người mất hết sức phấn đấu.  Người chỉ muốn an nghỉ trong Chúa.  Nhưng Chúa sai thiên thần đem bánh cho người.  Ăn được bánh bởi trời, tiên tri mới đủ sức vượt qua sa mạc, sau cùng đi tới núi của Thiên Chúa.

Tương tự như thế, đời sống ta cũng là một chuyến đi về nhà Thiên Chúa.  Để đến với Thiên Chúa, ta phải vượt qua sa mạc cuộc đời đầy chông gai cạm bẫy.  Đường đi rất xa và rất khó khăn.  Những chiến đấu có thể sẽ khiến ta mệt mỏi rã rời.  Ta sẽ chẳng đủ sức đi trọn con đường nếu không được nâng đỡ, an ủi.  Để giúp ta đủ sức chiến đấu và đi trọn con đường khó khăn thử thách tiến về nhà Cha. Thiên Chúa đầy tình yêu thương đã ban cho ta tấm bánh bởi trời. Tấm bánh bởi trời mà Chúa Cha ban cho ta chính là Đức Giêsu Kitô, người Con duy nhất của Người.  Món quà của Chúa Cha ban được thực hiện dưới hai hình thức: Lời Chúa và Phép Thánh Thể.

Đức Giêsu Kitô là Lời Ban Sự Sống của Thiên Chúa.  Lời Thiên Chúa là Lời Ban Sự Sống.  Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều này khi Người trả lời ma quỉ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh.  Nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”  Thật vậy, chính Lời Chúa làm cho sự sống xuất hiện.  Nhờ Lời quyền năng của Thiên Chúa, vũ trụ được tạo thành.  Lời Chúa là lẽ sống của Đức Giêsu, nên trọn đời Người luôn đi tìm thực hiện thánh ý Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy.”  Xưa kia, Thiên Chúa nói qua trung gian các tổ phụ và các tiên tri.  Nay, Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại.  Lời Người ban sự sống cho Ladarô, cho con trai bà góa thành Naim.  Lời Người tha thứ tội lỗi cho Mađalêna, cho người phụ nữ ngoại tình, cho Giakêu.  Lời Người hoán cải người phụ nữ xứ Samaria.  Người đưa tất cả những người tội lỗi trở về con đường sự sống.  Lời Người đã giúp cho bao thế hệ tìm thấy lẽ sống.  Lời Người ban cho họ một sự sống mới, tươi trẻ, phong phú, dồi dào hơn.  Chính vì thế, thánh Phêrô đã lên tiếng tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai.  Chỉ Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời.”

ZZBan Lời hằng sống chưa đủ với tình yêu thương của Người, Đức Giêsu còn ban cho ta chính bản thân Người trong bí tích Thánh Thể.  Thật là một tình yêu sâu xa tha thiết.  Khi nuôi dưỡng ta bằng chính thịt máu Người, Đức Giêsu không những muốn kết hiệp mật thiết với ta trong từng thớ thịt, từng dòng máu, mà Người còn muốn ban cho ta sự sống đời đời.  Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh.  Lương thực thần linh ban sự sống thần linh.  Qua bí tích Thánh thể, sự sống thần linh dần dần thấm nhập bản thân ta.  Đây là một tiến trình thần hóa chầm chậm.  Ta trở nên một thân thể với Đức Giêsu. Ta sống cùng sự sống của Người, sự sống đời đời trong hạnh phúc của Thiên Chúa.

Thánh lễ chính là bữa tiệc trong đó Thiên Chúa dọn ra hai bàn tiệc.  Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.  Cả hai bàn tiệc cũng đều là chính Đức Giêsu.  Trong thánh lễ, ta nghe lời Chúa dạy dỗ ta. Lời Chúa chỉ cho ta con đường ngay thẳng, con đường hạnh phúc, con đường đưa ta về với Chúa. Thánh Thể Chúa ban sức mạnh giúp ta đủ sức đương đầu với những khó khăn thử thách của cuộc đời. Bởi thế, khi tham dự thánh lễ, ta cần lưu ý lắng nghe Lời Chúa.  Chúa muốn nói riêng với từng người. Hãy lắng nghe để tìm ra điều Chúa muốn nhắn gửi.  Hãy lắng nghe để tìm ra lẽ sống.  Hãy lắng nghe để biết con đường phải đi.  Lời Chúa là con đường đưa tới sự thật và sự sống.

Hãy rước lễ một cách kính cẩn sốt sắng.  Phép Thánh Thể chính là một quà tặng của tình yêu Thiên Chúa.  Hãy hưởng nếm sự ngọt ngào được kề cận Thiên Chúa.  Hãy múc lấy nơi Thánh thể nguồn sức mạnh để thắng vượt những thử thách trong cuộc đời.  Hãy để Thánh Thể uốn nắn, biến đổi ta để ta ngày càng nên giống Người hơn.  Hãy nếm cảm hương vị thiên đàng ngay khi còn tại thế.

Lạy Chúa là Cha vô cùng yêu thương, con cảm tạ Cha đã ban cho con chính Con Một yêu quý của Cha làm bánh trường sinh nuôi dưỡng và đưa chúng con vào sự sống đời đời.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY, LINH MỤC

Thánh Gioan Maria Vianney, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 tại Lyon nước Pháp và sau bao nhiêu khó khăn gian khổ, Gioan Maria Vianney được chịu chức linh mục và được giao phó nhiệm vụ làm cha sở họ Ars, một giáo xứ vừa nghèo vừa khô khan nguội lạnh.  Cha Gioan Maria Vianney đã lãnh nhận giáo xứ này với tinh thần vâng phục cao độ.  Ngài quả là vị mục tử gương mẫu.  Cuộc đời của ngài là cuộc đời chỉ biết lo cho việc loan báo Lời Thiên Chúa, giải tội, cầu nguyện và hãm mình. Có nhiều lúc, khuôn mặt ngài rạng rỡ khác thường, nhờ tình yêu bắt nguồn từ bí tích Thánh Thể mà ngài đem hết lòng sốt sắng để vừa cử hành, vừa thờ phượng.

Khi mới 8 tuổi ngài mới học đọc và biết viết.  Vì nhà nghèo nên được cha sở nuôi dạy, và sau đó đã đưa ngài vào chủng viện.  Vào trong chủng viện ngài không học được gì cả.

Ngày kia, một giáo sư thần học, thừa lệnh Đức Giám mục đến khảo sát Vianney xem có đủ khả năng học vấn để tiến tới chức Linh mục không.  Nhưng Vianney không thể trả lời câu nào.

ZZNổi nóng, vị giáo sư đập bàn, nói: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa!  Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì!”

Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương hàm con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh.  Vậy với cả một con lừa này, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”

Cuộc cách mạng 1789 bùng nổ khiến thầy Vianney phải bỏ dở việc học.  Nhưng sau đó thầy tìm hết cách để tự học dưới sự dìu dắt của cha xứ.  Nhưng khổ thay, học mấy cũng chẳng nhớ.  May lúc ấy địa phận gặp phải cảnh khan hiếm linh mục nên Vianney được bề trên gọi về để khảo hạch.  Và lẽ dĩ nhiên là lần nào Vianney cũng trượt.

Vianney không nản lòng, cứ tiếp tục học.  Cuối cùng, bề trên thấy thầy bền chí quá bèn gọi cha xứ đến để hỏi về thầy:

– Thầy có lòng đạo đức không?

– Thưa có.

– Thầy có kính mến phép Thánh Thể?

– Thưa có.

– Thầy có siêng năng lần hạt không?

– Thưa có.

Cha chính quyết định: “Thôi, cho thầy chịu chức vì thầy bền chí, chứ nếu cứ khảo hạch mãi thì không bao giờ đỗ được.”

Như vậy thầy Gioan Maria Vianney được làm Linh mục là nhờ “phép chuẩn.”  Vì tuy học hành kém cỏi, đầu óc mù tịt, nhưng nhờ có lòng đạo đức và sự bền chí mà ngài đã được thụ phong Linh mục.  Nhưng khi làm Linh mục rồi, Chúa đã ban cho ngài rất nhiều ơn đặc biệt đề cứu các linh hồn, đến nỗi một lần kia, quỷ Satan đã phải nói với ngài: “Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao đành phải thất nghiệp mất.”

Nhìn vào “cuốn tự điển cuộc sống” của thánh Vianney, người ta đọc thấy toàn là những chữ: ăn chay, hãm mình, đền tội, khổ hạnh… Nhìn vào gương mặt của ngài, người ta cũng gặp thấy toàn là những nét: gian truân, khắc khổ, lao nhọc, đau thương… Thế nhưng, trong con người ấy lại chói ngời một quả tim luôn tươi vui, từ ái và yêu thương đối với hết mọi người.

Hàng ngày, vào khoảng 12 giờ, cha Vianney rời nhà thờ và trở về nhà xứ để ăn trưa.  Đến một giờ, ngài lại vào toà giải tội và ngồi ở đó mãi cho đến tối.  Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi vắn vòi ấy, cha Vianney phải tranh thủ để làm bao nhiêu công việc.  Thường khi ăn cơm bao giờ ngài cũng đứng, vì ngồi thì sợ sẽ kéo dài giờ ra.  Vừa ăn xong, ngài vội đi thăm các trẻ mồ côi, các em mẫu giáo… Ai cũng thấy ngài vui tươi âu yếm và sung sướng giữa những tâm hồn đơn sơ ấy.  Từ giã các em, ngài rảo bước đến nhà các kẻ ốm liệt; gặp ai dọc đàng, ngài cũng ủi an thăm hỏi.  Các gia đình đều mong cha sở đến thăm, vì đối với họ, dường như nơi ngài tàng ẩn một niềm vui không bao giờ cạn. Lúc trở lại nhà thờ ngài thường trao đổi một vài lời vắn tắt, có lúc rất dí dỏm, hài hước với các khách hành hương đang đứng trước sân nhà thờ chờ đến lượt vào toà xưng tội.

Lần nọ, cha Vianney gặp một bà trong xứ đến chào ngài.  Biết rõ bà là người thật lắm mồm lắm mép, ăn nói huyên thuyên suốt ngày, ngài liền hỏi:

– Trong suốt năm, có tháng nào con nói ít hơn mọi tháng không?

Bà ta bỡ ngỡ, ấp úng thưa:

– Thưa cha, con thì quen thói rồi, tháng nào cũng nói như nhau cả.

– Không, có một tháng con nói ít hơn, con biết tháng nào không?

Bà ấy ngẩn ngơ:

– Tháng nào thưa cha?

– Tháng Hai dương lịch, vì tháng đó chỉ có 28, 29 ngày thôi.

Ai nấy cười phá lên.  Ngài vội vã bước vào toà giải tội.

Lần khác, cha Vianney thấy ở trước sân nhà thờ có một quầy hàng bán chuỗi, tượng ảnh và có cả hình của ngài nữa.  Ngài bèn dừng lại, cầm lấy tấm hình của mình đưa lên cao cho mọi người xung quanh coi và nói:

– Thiên hạ dại dột thật.  Cái hình nhăn nheo như con khỉ khô thế này mà cũng phải mua mất một đồng quan!

Các người chung quanh được dịp cười bể bụng vui vẻ.  Cha Vianney cũng cười theo, trả tấm ảnh lại rồi bước vào nhà thờ.

Về sau, Vianney đã trở thành một vị thánh thời danh, thu hút nhiều tâm hồn trở về với Chúa.

Đời sống thánh Gioan Maria Vianney quả là một tấm gương hy sinh vì Chúa và các linh hồn, đúng như lời thánh nhân thường nói: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì phục vụ Chúa và các linh hồn.”  Hạnh phúc ấy đã đến với thánh Gioan Maria Vianney vào ngày 2 tháng 8 năm 1859. Thánh nhân lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa quảng đại quá khi con không đến với Chúa được, thì Chúa đến với con.”  Ngày 4 tháng 8 năm 1859, khi vị linh mục đọc kinh cầu nguyện cho người hấp hối đến câu: “Xin các thiên thần Chúa đến rước linh hồn Gioan vào thành thánh Giêrusalem”, thánh nhân trút hơi thở cuối cùng một cách êm ái. Ngài hưởng thọ 73 tuổi; làm cha sở họ Arc được 41 năm.

Tin thánh Gioan Maria Viannê qua đời đã lôi kéo cả một biển người đổ xô về giáo xứ Arc. Đoàn người đông đảo đã đi qua trước xác thánh nhân suốt 48 tiếng đồng hồ.

Đức Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ an táng và giảng thuyết: Ngài nhấn mạnh rằng bao thế kỷ mới được thấy một cuộc đời linh mục như Thánh Gioan Maria Vianney.  Thánh nhân được an táng trong nhà nguyện thánh Gioan Tẩy Giả, bên cạnh toà giải tội mà người ta đã gọi là “phép lạ lớn nhất ở Arc”.

Từ ngày ấy, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám mục, linh mục đã đến quỳ cầu nguyện và đặt những cái hôn thành kính lên viên đá mộ thánh nhân. Ngày 31 tháng 5 năm 1925, thánh Gioan Maria Vianney được tuyên Hiển Thánh; và năm 1929, thánh nhân được đặt làm thánh bổn mạng các linh mục chính xứ trên toàn thế giới.

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, Chúa đã làm cho thánh linh mục Gioan Maria nên một tấm gương tuyệt vời về lòng tận tụy hy sinh của một người mục tử. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin cho chúng con hằng noi theo lòng bác ái của ngài mà cố gắng đem nhiều anh em về với Đức Kitô để muôn đời cùng nhau hưởng nguồn vinh phúc.

http://tgpsaigon.net