VẤN ĐỀ CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là điều rất cần, vì đó là phương thế giúp chúng ta không bị sa chước cám dỗ (Mc 14:38; Lc 22:40; Lc 22:46).  Cầu nguyện còn làm cho chúng ta được “nâng cao.” Nhà vật lý kiêm toán học André-Marie Ampère (1775-1836) nói: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện.”  Nhà vật lý kiêm toán học Blaise Pascal (1623-1662) nói: “Con người vĩ đại khi họ cầu nguyện.”  Họ là phàm nhân mà còn nói được như vậy đấy!

Các môn đệ không biết cầu nguyện thế nào cho đúng, thế nên họ xin Sư Phụ Giêsu dạy ZZcách cầu nguyện, Ngài bảo “đừng lải nhải” (Mt 6:7), và Ngài dạy cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Mt 6:9-13). Nhưng Ngài “láy” thêm câu này:“Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.  Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15).

Ai cũng phạm tội nên ai cũng cần được tha thứ.  Nhưng chúng ta được tha thứ ít hay nhiều là tùy vào mức độ chúng ta tha thứ cho tha nhân.  Đó là “thước đo” chuẩn nhất mà Chúa Giêsu đưa ra.

Thiết nghĩ, thật sai lầm trong cách cầu nguyện khi chúng ta “xin như ý.”  Trong các Thánh Lễ, chúng ta thường thấy linh mục cũng “vô tư” mời gọi mọi người hợp ý cầu nguyện “xin như ý.”  Trong các buổi cầu nguyện (của các hội đoàn, giáo xứ, dòng tu,…) cũng vậy, vẫn thấy nhiều người “xin như ý.”

Có lẽ “quá quen” nên chúng ta coi là bình thường.  Thật ra, “xin như ý” là… nguy hiểm.  Ý chúng ta luôn ích kỷ, muốn gì phải được, thậm chí là phải được ngay lập tức, đồng thời còn những ý xấu đối với người khác, như có người nói: “Chúa nhân từ quá, sao Chúa không cho họ bị nạn nhãn tiền cho họ sáng mắt ra nhỉ?”  Ôi chao, nghe chừng “tốt lành” lắm, thế nhưng lại ngược Ý Chúa, vì Chúa Giêsu bảo: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Nếu Chúa “hỉ xả” mà chấp nhận lời “xin như ý” của chúng ta thì có phải là rất nguy hiểm không? Thậm chí chúng ta còn lỗi đức ái nữa đấy!

Vả lại, chính Chúa Giêsu không hề cầu xin được như ý, dù Ngài cảm thấy “rợn tóc gáy” khi nghĩ đến những gì sắp xảy đến cho Ngài, nhưng Ngài vẫu cầu nguyện chân thành: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Chúa Cha im lặng. Chúa Giêsu nhân biết Ý Cha và bằng lòng: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha” (Mt 26:42).  Và chúng ta cũng nhớ lại lời “xin vâng” của Đức Maria (Lc 1:38).  Đức Mẹ “ngại” lắm, nhưng không muốn “như ý” mình mà chỉ muốn Ý Chúa nên trọn.

Với đức vua chỉ là phàm nhân, thế mà Hoàng hậu Ét-te cũng không hề “xin như ý”, dù đức vua hứa với bà: “Khanh thỉnh cầu gì, ta sẽ ban cho; khanh có muốn xin gì nữa thì cũng sẽ được” (Es 9:12).  Nhưng bà vẫn khiêm nhường thưa: “Nếu đẹp lòng đức vua, xin ban phép cho người Do Thái ở Su-san ngày mai cũng được hành động như sắc chỉ đã cho phép hành động ngày hôm nay; còn mười đứa con của Ha-man thì xin treo cổ chúng lên giá” (Es 9:13).  Và rồi đức vua đã cho bà toại nguyện.

Chúa biết rõ chúng ta hơn chúng ta tự biết chúng ta.  Ngài biết điều gì tốt nhất cho chúng ta thì Ngài ban.  Ngài là Đấng chí thánh, chí minh, chí thiện, Ngài chỉ ban cho chúng ta điều tốt lành nhất.  Cha mẹ là những người đầy sai lầm và có thể có ác ý, thế mà họ còn lo cho con cái mọi điều tốt nhất kia mà.

Còn nữa, chúng ta cũng thường nói rằng chúng ta xin mà chưa được vì “Thiên Chúa thử thách chúng ta.”  Có lẽ “không ổn” đâu! Tác giả Thánh Vịnh nói: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi.  Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.  Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.  Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139:1-5).  Chúng ta không đủ trình độ nên không thể biết tâm địa của nhau, vì thế chúng ta mới phải “thử thách” nhau để biết đâu là vàng hay thau.  Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Ngài biết rõ chúng ta thế nào từ ngàn xưa, vậy thì Ngài cần gì thử thách?  Có chăng là Ngài muốn tạo “công trạng” cho chúng ta đó thôi.

Gương điển hình mà người Công giáo nào cũng “rành sáu câu” là Thánh nữ Monica.  Bà kiên trì cầu xin Chúa cho con trai là Augustinô quay về đường ngay nẻo chính.  Chúa không cho ngay, không phải là Ngài thích “đùa dai” hoặc muốn “trêu ngươi”, mà Ngài muốn cho người mẹ lập công phúc, và để người con thấy mẹ đau khổ mà “sáng mắt”, rồi phải quay về chính lộ.  Trạng thái đó giống như “triệt buộc”, nhưng chính “thế bí” đó mới khiến con người chúng ta hết “mù tâm linh.”

Ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể hiểu thấu.  Điều mà chúng ta cho là “bất hạnh”, là xui xẻo, vì không “như ý” của chúng ta, nhưng chính điều đó lại có lợi cho chúng ta.  Thiên Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:8-9).  Vả lại, “như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ tôn thờ Người cũng trổi cao” (Tv 103:11).

Thật tuyệt vời với câu nói của Giáo hoàng tiên khởi Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).  Lời của tông đồ Phêrô có vẻ như “miễn cưỡng”, nhưng đó là sự “miễn cưỡng” thật thú vị!

Cầu nguyện là “sức mạnh” của con người và là “sự yếu đuối” của Thiên Chúa.  Ngài chấp nhận như vậy và cho phép như vậy, vì Ngài quá đỗi yêu thương chúng ta.  Chúa Giêsu đã nói:“Ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7:8; Lc 10:11).  Và Ngài hứa chắc: “Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm” (Ga 14:13).

Lạy Thiên Chúa, xin dạy bảo chúng con về đường lối của Ngài (Tv 25:4), xin chấn chỉnh nếp nghĩ của chúng con để chúng con luôn vui mừng khi tuân phục Thánh Ý Ngài.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

ĐẦU GIOAN TẨY GIẢ

ZZNgày sinh nhật của một người lại dẫn đến cái chết của một người khác.  Nếu sự kiện xảy ra đúng như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại thì thật là khủng khiếp.  Ai có thể tưởng tượng nổi chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê, một cô bé dám bưng mâm, trên có cái đầu vừa bị chặt của một người, máu còn chảy ròng ròng, mắt đang nhắm hay mở?  Cô bưng và vui vẻ trao cho mẹ cô.  Mẹ cô sẽ bưng và trao cho ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?

Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê.  Trước hết là kinh nghiệm bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu.  Hêrôđê Antipas đã bắt ông Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục.  Lý do vì Gioan đã cản trở cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia.  Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết Gioan là người công chính thánh thiện, vẫn sợ ông và che chở ông khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20).  Hêrôđê còn lương tâm khi ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.

Kế đến là kinh nghiệm về sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa.  Cái gì đã xui khiến ông nói câu dại dột này với cô bé Salômê: “Con xin gì ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)?  Bầu khí cuồng nhiệt của bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn, hay rượu đã ngà ngà say, hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực?  Hay sự cộng hưởng của mọi yếu tố trên?  Có những lời nói vội vã mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.

Cuối cùng là kinh nghiệm về sự mất tự do trước khi quyết định.  Khi cô bé xin cái đầu của Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng.  Ông buồn hết sức vì mình đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26).  Ông có thể rút lại lời đã nói không?  Dĩ nhiên là có.  Nhưng nỗi sợ đã khiến ông không dám làm.  Sợ từ chối cô bé, làm cho cô buồn và mẹ cô nổi giận, sợ bị mang tiếng là nuốt lời trước mặt bá quan văn võ.  Nói chung ông sợ mất danh dự của mình, mất thiện cảm của người khác.  Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy việc giết Gioan là điều sai trái, ông vẫn không dám xin rút lại lời thề thiếu suy xét của mình.  Cần can đảm để giữ lời hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ.  Danh dự hão của Hêrôđê được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.

Hêrôđê đã can dự vào cái chết của Gioan.  Ông chịu áp lực từ khách dự tiệc và mẹ con Hêrôđia.  Philatô đã can dự vào cái chết của Đức Giêsu.  Ông này chịu áp lực từ dân chúng và các thượng tế.  Cả hai ông đều không có tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội.  Cả hai ông đều nghĩ đến mình, cái ghế của mình, danh dự của mình.  Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người lành phải chết oan.  Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.

************************************************

Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.

Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô tội
mà lại đứng chung với các tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

LM Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

TẨY RỬA TRÁI TIM

Văn hào Dostoevski trong tác phẩm “Anh em nhà Karamarov” có kể lại câu chuyện sau đây:  “Vào thời đại của toà phán quan ở Tây Ban Nha, người ta đã dựng những hỏa đài để thiêu sống những kẻ tà giáo.  Đức Kitô dịu hiền đột nhiên đến thăm con cái của Người ở Seville, Người về giữa loài người như một dân thường.  Đức Giêsu bước xuống những con đường sôi bỏng của thành phố phương Nam.  Nơi đây, mới hôm trước, vị phán quan vĩ đại đã cho thiêu sống hàng trăm tên tà giáo “Ad majorem gloriam Dei.”

Hỏa đài ngay trước khán đài danh dự có đông đủ vô số triều đình, các hiệp sĩ, các mệnh phụ xinh đẹp và cả Đức Hồng Y giáo chủ, Đức Giêsu nhẹ nhàng bước trên đường bằng dáng điệu trầm tĩnh, nhưng lạ lùng tất cả đã nhận ra Người.  Dân chúng xô đẩy nhau quấn quít bước chân Người.  Người lặng lẽ  vào giữa đám đông với nụ cười và ánh mắt từ bi.  Một cụ già mù van xin: “Lạy Chúa, xin cho con được sáng để con nhìn thấy Người.”  Một cái vảy rơi xuống và cụ nhìn thấy được.  Dân chúng vui mừng chảy nước mắt, và hôn lên mảnh đất chỗ Người đi qua.  Những em bé tung hoa trên lối Người đi.

Đức Kitô dừng lại trước giáo đường Seville ngay lúc có đám tang một cô bé bảy tuổi.  Cạnh cỗ áo quan màu trắng phủ đầy hoa, người mẹ đang nức nở.  Trong đám đông có người hô lớn: “Con bà sẽ hồi sinh.”  Người mẹ tha thiết: “Nếu đúng là Người xin hãy hồi sinh đứa con của con.”  Đức Giêsu nhắc lại lời thuở trước: “Talitha Kum” và em bé ngồi lên.

Đúng lúc đó, Hồng Y Giáo chủ và phán quan vĩ đại đi ngang qua.  Từ xa ông đã thấy hết.  Ông thấy chiếc áo quan đặt xuống, đứa bé hồi sinh.  Mặt ông xịu xuống, mắt ông chớp tia sáng ghê hồn.  Ông lấy ngón tay chỉ vào Đức Giêsu và ra lệnh cho bọn lính bắt Người.  Thế lực ông quá lớn nên ông khuất phục cả quần chúng.  Phán quan ra lệnh tống giam Giêsu.  Ông vào ngục một mình gặp Người.  Ông thương cảm nhưng “Luật là luật, trật tự của Giáo hội phải được bảo tồn bằng mọi giá.”  Ông tuyên bố: “Tôi chẳng rõ Người là ai.  Hình như Người là Đức Giêsu, nhân danh Giáo hội, Ad majorem gloriam Dei, ngày mai Ngài cũng lên giàn hỏa.”

*************************************

ZZVị phán quan trong câu chuyện trên cũng chỉ đi theo vết xe cũ của các Biệt phái và Ký lục Do Thái.  Bài Tin Mừng hôm nay chứng minh điều ấy.  Đức Giêsu đang ở Galilê, các Biệt phái và Ký lục từ Giêrusalem tới, nghĩa là họ phải vượt qua 170 km đường bộ để chỉ hỏi tại sao môn đệ Người không rửa tay trước khi ăn.  Điều đó cho thấy người Do Thái rất coi trọng việc tuân giữ các tập tục tiền nhân về vấn đề thanh tẩy.

Thực ra, lúc đầu luật rửa tay trước khi vào nơi thánh dành cho các tư tế.  Mục đích là tẩy rửa các ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa.  Sau này, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện.  Với suy nghĩ tương tự họ cũng rửa tay trước khi ăn.  Ý tưởng này rất cao đẹp vì nó làm cho tôn giáo thấm nhập vào hành vi con người trong cuộc sống.

Khốn thay trong quá trình thực thi luật này, tôn giáo đã thái hóa đến chỗ chỉ còn giữ nghi thức bên ngoài.  Nghĩa là ai tuân giữ các nghi thức này thì được xem là đạo đức, là đẹp lòng Thiên Chúa, còn không tuân giữ là phạm tội.  Nói như nhà thần học William Barclay: “Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tủy mà không một chút áy náy vì họ đã tuân giữ chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác.”  Tôn giáo không phải là một mớ luật lệ.  Tôn giáo là một diễn tả tình yêu, một phát minh của Thiên Chúa nhân từ.

Thế nên, Đức Giêsu mới vạch mặt sự giả hình của họ, vì họ chẳng quan tâm đến chuyện tẩy rửa trái tim.  Họ rửa tay để được an tâm.  Họ rửa tay để khỏi phải rửa tâm hồn.  Rửa tay thì dễ chứ rửa tâm hồn mới thực là khó.  Nhưng cái ô uế thực lại không từ bên ngoài vào, nó ở ngay trong trái tim mỗi người.  Đức Giêsu đã kể ra 12 ý định xấu từ trong trái tim.  Từ ý định xấu xa sẽ dẫn đến những hành vi tội lỗi (x Mc 7, 21-22).  Michael Taeboit nói: “Khi cái dằm tội lỗi ra khỏi mắt ta, tất cả thế giới sẽ tỏa sáng.”

Vậy điều quan trọng là phải đổi mới trái tim.  Đổi được trái tim là đổi được tất cả.  Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy.  Việc đọc kinh dự lễ, suy niệm Lời Chúa, làm việc bác ái… tự chúng không bảo đảm rằng chúng ta thánh thiện, nếu chúng ta làm vì một lý do không đúng đắn.  Nó chỉ trở nên thánh thiện trước mặt Chúa khi những hành động ấy phát xuất vì tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.  Thánh Phaolô đã quả quyết:  “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà tôi không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 3).

*************************************

Lạy Chúa, xin nhắc cho chúng con nhớ rằng: luật lệ và nghi thức là cần thiết, nhưng đừng quên điều cốt lõi của luật Chúa là yêu thương.  Xin dạy chúng con chỉ biết có một điều: là chúng con làm mọi sự chỉ để kính mến Chúa và yêu thương anh em.  Amen!

Thiên Phúc

TÔI LÀ AI MÀ PHÁN XÉT

ZZCó lẽ câu được trích nhiều nhất của Giáo hoàng Phanxicô là khi ngài trả lời câu hỏi trực diện về một vấn đề luân lý đặc biệt nghiêm trọng và bất định. Câu trả lời lừng danh gây nhiều tranh cãi của ngài là: Tôi là ai mà phán xét?

Dù nhận định này thường được xem là nói đùa và không nghiêm trọng lắm, nhưng thực sự, đây là một lời có căn cứ vững vàng. Dường như, chính Chúa Giêsu cũng nói một điều về căn bản là tương tự. Ví dụ như, khi Đức Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô, Ngài đã nói một chuyện căn bản: Ta không phán xét ai.

Nếu Tin mừng theo thánh Gioan là khả tín, thì như thế Chúa Giêsu không phán xét ai. Thiên Chúa không phán xét ai. Nhưng phải xét theo bối cảnh. Điều này không có nghĩa là không có bất kỳ phán xét luân lý nào, và không có nghĩa là hành động của chúng ta không cần quan tâm đến sự kiểm soát đạo đức. Có phán xét, nhưng không phải là phán xét tưởng tượng trong tâm thức chung. Theo những gì Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin mừng thánh Gioan, thì phán xét như thế này:

Ánh sáng, chân lý, và tinh thần Thiên Chúa đến trong thế giới. Chúng ta phán xét bản thân dựa theo cách chúng ta sống ra sao trước những sự này: Ánh sáng Thiên Chúa đã đến thế gian, nhưng chúng ta chọn sống trong bóng tối. Đó là quyết định của chúng ta, phán xét của chúng ta. Chân lý Thiên Chúa đã được mặc khải, nhưng chúng ta chọn sống trong sai trái, trong dối trá. Đó là quyết định của chúng ta, phán xét của chúng ta. Và tinh thần của Thiên Chúa đã đến thế gian, nhưng chúng ta chọn sống ngoài tinh thần Chúa, và ở lại trong một tinh thần khác. Đó cũng là quyết định của chúng ta, phán xét của chúng ta. Thiên Chúa không phán xét ai. Còn chúng ta phán xét nhau. Do đó, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa không lên án ai, nhưng chúng ta lại chọn lên án nhau. Và Thiên Chúa không trừng phạt ai, nhưng chúng ta chọn trừng phạt nhau. Phán xét luân lý tiêu cực là thứ chúng ta tự áp đặt cho mình. Có lẽ điều này hơi mơ hồ trừu tượng, nhưng không phải vậy. Chúng ta biết điều này trong cuộc sống, chúng ta cảm nhận trong mình cái nhãn cho những hành động của chúng ta, một ví dụ là: Chúng ta phán xét bản thân nhờ Thần Khí như thế nào:

Tinh thần của Thiên Chúa, Thần Khí, không phải là một sự trừu tượng và không thể nắm bắt. Thánh Phaolô, trong thư gởi tín hữu Galat, đã mô tả Thần Khí bằng những khái niệm rất rõ ràng, để không bị thói tự lập luận làm cho mơ hồ và nhập nhằng. Ngài mô tả và xác định Thần Khí như thế nào?

Để làm rõ mọi sự, trước hết, thánh tông đồ đưa ra một tương phản bằng cách nói những sự gì không phải là Thần Khí. Thánh Phaolô nói rằng, tinh thần của Thiên Chúa, không phải là tinh thần chìu theo bản thân, ham mê nhục dục, ghen tỵ, kình địch, chống đối, nóng giận, sinh sự, say sưa, bè phái. Bất kỳ lúc nào, chúng ta nuôi dưỡng tính cách này trong đời mình, thì chúng ta đừng tự lừa dối bản thân rằng mình đang sống trong tinh thần Thiên Chúa, bất chấp chúng ta có giữ đạo thường xuyên, sốt sắng, và thành khẩn đến đâu chăng nữa. Thánh Phaolô nói, Thần Khí là tinh thần nhân đạo, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tử tế, tốt lành, khả tín, ân cần, và khiết tịnh. Chỉ khi sống trong các nhân đức này, thì chúng ta mới sống trong tinh thần Thiên Chúa.

Vậy nên, phán xét là như thế này: Tinh thần của Thiên Chúa (nhân đạo, vui mừng, hòa bình, nhẫn nại, tử tế, tốt lành, khả tín, ân cần, và khiết tịnh) đã được bày tỏ cho biết. Chúng ta có thể chọn sống trong những nhân đức này hay có thể chọn sống trong những thứ đối lập (chìu theo bản thân, ham mê nhục dục, ghen tỵ, kình địch, chống đối, nóng giận, sinh sự, say sưa, bè phái.) Một chọn lựa dẫn chúng ta sống với Thiên Chúa, và chọn lựa kia dẫn chúng ta xa khỏi Chúa. Và chọn lựa đó là của chúng ta, chứ không phải từ bên ngoài. Chúng ta phán xét chính mình. Thiên Chúa không phán xét ai. Thiên Chúa không cần phải phán xét.

Khi xem xét từ quan điểm này, chúng ta làm rõ được một số hiểu lầm gây rối loạn trong tâm thức các tín hữu cũng như trong tâm thức của những người chỉ trích. Chúng ta thường nghe lời chỉ trích này: Nếu Thiên Chúa là toàn thiện, toàn mến, và hoàn toàn thương xót, thì làm sao Thiên Chúa có thể kết án con người đời đời trong hỏa ngục? Một câu hỏi có căn cứ, dù không thực sự đủ suy tư. Tại sao? Bởi Thiên Chúa không phán xét ai, Thiên Chúa không trừng phạt ai. Thiên Chúa không kết án ai xuống hỏa ngục. Những điều này là chúng ta gây ra cho mình. Chúng ta tự phán xét mình, tự trừng phạt mình, và tự đẩy mình vào đủ loại hỏa ngục bất kỳ lúc nào chúng ta chọn không sống trong ánh sáng, chân lý và tinh thần Thiên Chúa. Và phán xét này là do chúng ta tự gây ra, trừng phạt này là do tay chúng ta, và lửa hỏa ngục là bởi chúng ta mà ra.

Chúng ta rút được một số bài học từ việc này. Trước hết, như chúng ta vừa thấy, sự thật Thiên Chúa không phán xét ai, giúp cho chúng ta làm rõ biện thần luận của chúng ta, nghĩa là giúp giảm đi tất cả những hiểu lầm quanh lòng thương xót Thiên Chúa, và xóa bỏ lời cáo buộc rằng một Thiên Chúa hoàn toàn thương xót lại có thể kết án con người đời đời trong hỏa ngục. Và hơn nữa, đây là một thách thức mạnh mẽ đòi chúng ta phải bớt phán xét đi, hãy để lúa và cỏ lùng tự phân loại theo thời gian, để ánh sáng phán quyết bóng tối, để sự thật phán xét sai lầm, và như giáo hoàng Phanxicô, chúng ta hãy bớt vội vàng phán xét nhân danh Thiên Chúa, và hãy biết nói rằng: “Tôi là ai mà phán xét?”

Rev. Ron Rolheiser, OMI

NGHE TIẾNG CHÚA NÓI

Tĩnh tâm là những ngày nhìn lại linh hồn mình, xét xem tôi đang đi về đâu, ý nghĩa cuộc đời, để rồi chìm sâu hơn nữa trong đời sống tìm kiếm ơn thánh.  Trong những ngày này, người tĩnh tâm thường đặt câu hỏi làm sao tôi có thể nghe tiếng Chúa nói.

Trong cuộc sống, người ta rất thường phân vân, đâu là tiếng Chúa, đâu là tiếng của chính mình.  Khi phải quyết định một vấn đề gì đó hệ trọng, họ tới nhà thờ cầu nguyện, mong nghe được tiếng Chúa dạy.  Họ cầu nguyện nhưng phân vân, rồi vẫn không biết làm sao quyết định.

Nghe là một nghệ thuật không dễ.  Học một ngôn ngữ bao giờ cũng cần có thời gian.  Phải nghe nhiều lần mới quen.  Nghe trong định nghĩa bình thường là âm thanh vật lý vang lên, rồi truyền qua những làn sóng mà đến các thần kinh của tai.  Thần kinh ghi những ký hiệu này, cất trong ngăn kéo của máy tính não bộ.  Khi gặp lại âm thanh ấy thì não bộ cho nó một nhận định và một giá trị.  Việc nhận định càng dễ nếu bão bộ càng quen âm thanh này.  Nghĩa là âm thanh ấy được lập đi lập lại nhiều lần.

Tập nghe để phân biệt âm thanh này với âm thanh khác cũng đã khó.  Nhưng nghe âm thanh là tiếng nói của lòng thì bước sang một chiều sâu hơn nữa rồi.  Vì tiếng nói của lòng không là âm thanh vật lý, nó thiêng liêng, vô hình.  Cũng tiếng cười, nhưng ý của nó có thể không làm vui, mà là mỉa mai, riễu cợt.  Hiểu tâm hồn nhau là một tiếng nghe đòi nghệ thuật trong đó có yêu, có hy sinh, có tế nhị, có mình muốn thuộc về người đó.  Vì thế mà có khi sống bên nhau chẳng hiểu ngôn ngữ của nhau.

ZZMẩu đối thoại giữa ba người, Đức Kitô, ông Tôma và Philipphê cho thấy sự lúng túng về loại ngôn ngữ này.

Chúa nói: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi”

Ông Tôma thưa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường?”

Đức Kitô đáp: “Thầy là đường, là sự thật, là sự sống.  Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

Ông Philipphê đáp: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chũng con mãn nguyện.”

Đức Kitô đáp: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư?” (Yn 14:1-9).

Chúa nói là Chúa đi đâu thì các ông ấy biết đường rồi.  Nhưng Tôma lại thưa các ông ấy không biết Chúa đi đâu.  Các ông muốn biết Chúa Cha, Chúa Yêsu lại bảo ở với nhau lâu vậy rồi mà chưa biết được ư.

Cuộc đối thoại cứ như mỗi người nói một nẻo.

Đọc lại mẩu chuyện đối thoại ấy để thấy nghe là một công trình phải luyện tập, phải có thời gian, phải quen nhau nhiều.  Nghe người nói với người đã không dễ, bây giờ nghe Chúa nói là tiếng nói vô âm thanh thì làm sao nghe.

Khó, nhưng không có nghĩa là không nghe được.  Tiếng nói tình yêu thường là tiếng nói bằng con tim hơn bằng ngôn ngữ.  Khi hai người thương nhau, họ nói một thứ ngôn ngữ riêng, không theo định nghĩa của tự điển nữa.  Họ nói bằng ánh mắt.  Họ hiểu bằng tâm tư.  Họ ngỏ ý bằng một chút hờn.  Họ muốn người khác bắt ý bằng một chút giận.  Đó cũng là một thứ ngôn ngữ không có âm thanh.  Như vậy, ngôn ngữ của Chúa cũng có thể nghe, cũng có thể hiểu.  Một biến cố đau khổ xẩy đến có thể như cái trách của Chúa gởi cho ta một nhắc nhở.  Một chút cắn rứt lương tâm có thể so sánh như một sự dỗi hờn của hai người đang thương nhau.

Trở lại vấn đề nghe là một nghệ thuật phải luyện tập, ta thấy yếu tố quan trọng nhất là phải quen với ngôn ngữ ấy.  Vì thế, cứ đợi khi có một vấn đề gì đó rồi mới hỏi Chúa thì e rằng khó hiểu được ngôn ngữ của Ngài.  Dụ ngôn người chăn chiên và đàn chiên cho ta hình ảnh khá rõ về nghệ thuật nghe này. Ta có thể chia đàn chiên làm ba loại: Một loại không quen ngôn ngữ của chủ, một loại chỉ nghi ngờ tiếng nói của chủ, một loại nhận ra tiếng chủ ngay.

Không Quen Ngôn Ngữ

Tiếng gọi trong đêm là tiếng gọi gian nan.  Không biết ai gọi.  Không biết từ đâu đến.  Một lúc nào đó bất ngờ có tiếng gọi tên mình.  Trong đêm tối, con chiên này bừng dậy.  Kẻ cắp giấu mặt cho khỏi bị nhìn.  Tên trộm nào cũng ưa bóng tối.  Bầy chiên đang ngủ ngon, bỗng có tiếng gọi.  Hạng chiên không quen ngôn ngữ của người chăn là loại không khi nào gần chủ, không nói chuyện với chủ.  Trong đàn chiên, chúng là những con chạy ở cuối đàn.

Đúng ra, nó không phải là những con chiên theo chủ mà là chỉ lẽo đẽo theo đàn chiên để sống nhờ.  Bởi đó, trong đêm, khi kẻ trộm giả vờ tiếng người chăn mà gọi thì chúng không thể phân biệt được.

Một người không có đời sống cầu nguyện nhiều cũng giống như vậy.  Trong đêm tối của xã hội, họ không phân biệt được đâu là tiếng nói của sự thật, đâu là ngôn ngữ nguỵ biện đánh lừa lương tâm.  Hạng chiên không bao giờ gần chủ thì khi gặp thử thách trong tiếng gọi giữa đêm khuya chúng sẽ bị kẻ cắp đánh lừa.  Một linh hồn thiếu đời sống nội tâm kết hiệp qua cầu nguyện, họ cũng dễ bị lừa như thế trong những phán quyết của tiếng nói lương tâm.  Loại lương tâm này khi thấy một lời mời quyến rũ, say mê là hành động ngay, không phân biệt được phải trái.

Nghi Ngờ Tiếng Người Chăn

Loại thứ hai này khá hơn.  Những con chiên này phân vân nhiều khi nghe tiếng gọi.  Chúng sẽ suy nghĩ chứ không vội chạy theo, nhưng rất khó mà quyết định.  Loại chiên này đôi khi gần chủ nên cũng nghe tiếng chủ, nhưng vì không gần chủ nhiều, nên lúc nghe, lúc không.  Có nói chuyện với chủ, nhưng ít thôi.  Không quen tiếng chủ lắm nên trong đêm khuya chúng phân vân, lưỡng lự, khó phân biệt nổi.  Giống người mới bắt đầu học một ngôn ngữ, hiểu lầm, hiểu không hết ý của người nói là chuyện thường.  Nếu con chiên này nghe tiếng gọi trong đêm mà vẫn ở lại trong đàn cũng là cầu may, chứ không có một thái độ tri thức dứt khoát.

Người lâu lâu mới cầu nguyện, có việc mới chạy tới Chúa cũng giống như vậy.  Có nghe tiếng Chúa mà không rõ lắm.  Họ phân vân không biết có phải tiếng Chúa hay là mình nói mà thôi.  Vì thế, những quyết định của họ rất nửa chừng.  Tâm hồn họ không hẳn là muốn ở lại trong tội, nhưng cũng chẳng hân hoan lên đường.  Một khi không dứt khoát thì không đủ năng lực hành động, nên đời sống thiêng liêng mệt mỏi.

Nhận Ra Tiếng Chủ

Không tên trộm nào lừa được loại chiên sau cùng này.  Tiếng gọi bất chợt vang lên trong đêm.  Nó giật mình dậy, nghe xong, nó nhận định rồi tiếp tục giấc ngủ bình an.  Nó biết ngay tiếng giả đó là của bóng tối.  Loại chiên này ngày nào cũng nói chuyện với chủ, ngày nào cũng nghe âm thanh người dẫn mình đi, nên chúng quá quen rồi.  Không tiếng nói nào bắt chước tiếng chủ được.  một tiếng gọi vang lên, nó phân biệt ngay đấy là tiếng chủ hay tiếng người lạ.

Ma quỷ cũng như những tên trộm chiên, chúng đợi đêm tối là lúc lương tâm phải lựa chọn những hướng đi mà đến xúi giục ta.  Bóng tối có những luận cứ tinh vi, những lý do xem ra rất chính đáng. Người có đời sống kết hiệp với Chúa thì nhận ra ngay đâu là con đường phải đi.  Họ có những quyết định chính xác, đúng.  Bóng tối khó mà lừa được những tâm hồn này.

Để nghe tiếng Chúa, yếu tố đầu tiên phải lưu tâm là một trái tim sạch tội.  Điều này ta cảm nghiệm rõ là sau mỗi lần nhận bí tích hoà giải, ta thấy tâm hồn thanh thản, vui tươi.  Vì thế, nếu một tâm hồn muốn hỏi Chúa, muốn nghe tiếng Ngài, linh hồn đó cần phải thanh tẩy linh hồn, đến gặp gỡ Chúa trong bí tích hoà giải trước đã.  Giữ một trái tim sạch tội, rồi sau đó mới hy vọng dễ nhận định tiếng Chúa nói qua lương tâm.

Trước một quyết định quan trong trong đời sống, như ngày truyền chức, ngày nhận một sứ vụ quan trọng, Giáo Hội khuyên những người này phải tĩnh tâm.  Các tu sĩ theo luật, hàng năm phải tĩnh tâm.

Tĩnh tâm là những ngày cầu nguyện đặc biệt hơn, nhiều hơn.  Cứ hàng tháng, hàng năm lập đi lập lại nhiều lân tĩnh tâm như thế để tâm hồn ấy quen cách nói chuyện.  Khi quen rồi, lúc phải quyết định một điều gì trong đời sống, tâm hồn này dễ vững tâm, bình an.  Khi cuộc sống đi sai đường sẽ dễ nhận ra.

Tĩnh tâm là phương pháp sư phạm học nghe ngôn ngữ thiêng liêng, vì thế ai cũng cần.  Nhiều người không nhận định rõ nên đếm xem mình đã tĩnh tâm bao nhiêu lần để so sánh với người khác và tự cho mình một thứ “tốt nghiệp” qua những lần tĩnh tâm ấy.

Có người đi tĩnh tâm để cho biết là gì rồi sau đó thôi không tĩnh tâm nữa.

Tĩnh tâm không phải là chỉ để giải quyết một vấn đề mà là hành trình tập nghe.  Tiếng Chúa có sức mạnh.  Chẳng ai nghe đủ và nghe hết, bởi đó, không thể có vấn đề tĩnh tâm như một thứ “tốt nghiệp”, một thứ chứng chỉ là tôi đã đi tĩnh tâm rồi, tôi biết rồi, tôi không cần đi nữa.

Chúa dành một thời gian rất dài, 40 ngày trong sa mạc để cầu nguyện.  Trong đời sống hoạt động, Chúa tiếp tục tìm nơi thinh lặng để cẩu nguyện.

“Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện” (Mt 14:23).

“Trong những ngày ấy, Đức Yêsu đi ra núi cầu nguyện, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12).

Chúa cũng bảo các tông đồ phải cầu nguyện.

“Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện, hầu đủ sức thoát khỏi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36)

Nghe là một nghệ thuật không thể qua một buổi sớm, đến một buổi chiều mà quen.  Vấn nạn con không cầu nguyện, chỉ khi cần đến Chúa, con mới đên hỏi Chúa đôi câu.  Không quen ngôn ngữ của Chúa nên con cho rằng Chúa không nói.

Lạy Chúa, vấn đề là con phải học nghe, chứ không phải là Chúa có nói hay không?

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Đức tin là một con đường: con đường dẫn ta tới Chúa.  Đây là một con đường dài.  Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết.  Đường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Đó là những khi niềm tin dâng đầy.  Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp.  Nhưng đức tin sẽ phải trải qua những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá.  Ta gặp khó khăn thử thách.  Ta gặp đau khổ thất bại.  Ta không tìm đâu ra lối thoát.  Ta như chìm trong đêm tối mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối.  Đó là khi niềm tin bị thử thách, bị nghiêng ngả chao đảo.  Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường.  Ta muốn bỏ cuộc, rẽ sang đường khác.  Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, thoải mái hơn.

Đó là trường hợp của những người Do Thái và một số môn đệ hôm nay.

Khi Đức Giêsu hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi.  Họ phấn khởi mừng vui.  Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Đấng Cứu Thế đến cứu dân tộc Do Thái.  Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Đức Giêsu trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.

Thế mà hôm nay, khi Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời,” đám đông đã bỏ Chúa.  Một số môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi.  Đức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói.  Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng.  Đức tin gặp thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách.  Họ đã thất vọng bỏ cuộc.  Nhưng Đức Giêsu vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín.  Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Đức tin phải trải qua thử thách.  Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín . Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực.  Chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.

ZZGiữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phêrô đã đại diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Đức Kitô.  Dù chưa hiểu những điều Đức Giêsu nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người.  Thế mới gọi là tin.  Vì chưa thấy nên mới cần tin.  Đã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa.  Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý.  Sau khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nuớc, các ông hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người.  Đó là hai khía cạnh trái ngược của niềm tin.  Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong đêm tối.  Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin.  Nhưng màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại.  Chính vì thế mà niềm tin mới có giá trị và cần thiết.

Lời tuyên xưng của thánh Phêrô lại càng có giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa.  Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng.  Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các Tông đồ.  Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt.  Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta.  Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.

Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo.  Đó là khi ta gặp khó khăn thử thách.  Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an.  Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta.  Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta.  Lời Chúa gõ vào gia sản ta.  Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu.  Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay.

Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách như thế, ta hãy nhớ đến những lời tuyên xưng của thánh Phêrô.  Niềm tin tuyên xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.  Sự trung tín vượt qua được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.

Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phêrô: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai.  Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời.” Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

NGƯỜI THỢ ĐIÊU KHẮC

Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính.  Không giao du qua lại với ai.  Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa.  Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi.  Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ.  Danh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng.  Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả.

Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng.  Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua!

Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện. Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giê-Su cao một mét bảy.

–    Nhưng thưa ông, Chúa Giê-Su là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi?

Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân:

–   Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng… Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần.  Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm.  Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần.  Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp…

Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách:

–  Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.

***********************

Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh.  Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình.  Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận!

Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu.  Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi, hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở!

Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm.  Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc.  Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy khó khắc hơn!  Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn!  Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như vị này!  Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này!

Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận.  Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt.  Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế!  Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con Người Trên Thánh Giá.  Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi!  Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả!  Chỉ một Lời, thế là thành sự!  Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy!

Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải?  Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự!  Cái điệp khúc “ Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi.  Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới thánh thiện làm sao!

ZZMỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải.  Có một điều gì đó làm ông băn khoăn.  Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ.  Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông đốc chết (*), nhưng nhìn chung họ dần có cảm tình với ông.

Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn.  Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giê-Su trong cả bốn quyển Tin Mừng.  So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giê-Su phải chịu.  Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật.  Răng nghiến lại?  Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không?  Miệng có bị méo đi không?  Còn mắt?  Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng?  Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi!  Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn.  Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”  Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.”  Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại!

Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ.  Gương mặt Chúa Giê-Su đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục.  Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế!  Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại?  Gương mặt Chúa Giê-Su thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông.

Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt.  Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường.  Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị.

***********************

Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi.  Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên.  Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa!

Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông.  Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này.  Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi…

***********************

Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chết dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt ngước lên và tay ôm chặt chân tượng Thánh Giá.

Sưu tầm

CẢM NGHIỆM ƠN CHÚA

Nếu có ai hỏi: Làm thế nào để tiến bộ trên đường đạo đức, thay đổi nếp sống cũ, biết dấn thân mến Chúa yêu người hơn?  Tôi xin thưa: Điều quan trọng nhất khởi đầu cho một nếp sống mới là: Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong đời mình.  Khi đã nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là mong muốn đáp lại tình yêu ấy.

Tình yêu kêu gọi tình yêu.  Tình yêu đáp trả tình yêu.  Chúa Thánh Thần, nguồn tình yêu của Thiên Chúa, sẽ giúp ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa và soi sáng thúc giục ta đáp lại tình yêu ấy.

Sau khi Đức Mẹ ngoan ngoãn nói lên lời “xin vâng”, Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn Đức Mẹ.  Đức Mẹ mở rộng tâm hồn đón nhận và để mặc Người hướng dẫn cuộc đời mình.  Từ đây, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn biến đổi.  Đức Mẹ trở nên một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa Thánh Thần, hiến dâng trọn vẹn tâm hồn và thân xác để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những tác động của Chúa Thánh Thần trên Đức Mẹ.

Tác động thứ nhất: Sự vội vã.

Vội vã đây không phải là sự vội vàng hấp tấp.  Cũng không phải là nôn nóng lo âu.  Sự vội vã ở đây có nghĩa là sự nhiệt tình hăng hái.  Cảm nghiệm được tình yêu Thiên ZZChúa trong tâm hồn, Đức Mẹ mau mắn, tha thiết muốn đáp trả.  Nếp sống của cô thôn nữ Maria đã thay đổi.  Từ một thôn nữ dịu dàng, sống êm đềm trong cuộc đời bình dị, Đức Mẹ giờ đây trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn, hăng hái đền đáp lại Tình Chúa Yêu Thương.  Từ một thôn nữ vui với công việc nội trợ, khép mình trong làng xóm, Đức Mẹ đã mở cửa ra đi.  Sự mở cửa ra đi làm ta nhớ tới tác động của Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ.

Tác động thứ hai: Tâm tình tạ ơn.

Cảm nghiệm được tình Chúa thương yêu, lòng Đức Mẹ tràn đầy niềm cảm mến biết ơn.  Niềm tri ân cảm tạ đầy ứ trong lòng chỉ chờ dịp tuôn ra thành lời.  Cảm nghiệm về ơn lành vô biên của Thiên Chúa cũng là cảm nghiệm về sự thấp hèn bất xứng của mình.  Hai cảm nghiệm song song đó càng nâng cao, càng đào sâu niềm tri ân cảm tạ.  Cảm nghiệm ấy đã biến đổi Đức Mẹ, từ một cô gái kín đáo, âm thầm trở nên một thi sĩ, một ca sĩ lớn tiếng ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa đối với kẻ nghèo hèn.  Chúa Thánh Thần đã biến Đức Mẹ thành ngòi bút thi sĩ như lời Thánh vịnh: Tim tôi dâng ý thơ tuyệt diệu.  Dệt bài ca dâng tiến Đức Vua.  Lưỡi tôi tựa bút rung vạn điệu.  Trong tay những thi nhân anh tài.  Khi nghe bà Isave chào, Đức Mẹ đã ứng khẩu tán tụng Chúa bằng bài kinh ca ngợi tuyệt diệu.

Tác động thứ ba: Thái độ chia sẻ.

Tình yêu Thiên Chúa bao la đã đổ vào tâm hồn Đức Mẹ tràn đầy niềm vui.  Niềm vui thánh thiện và lớn lao đã thúc đẩy Đức Mẹ mau mắn lên đường đi thăm bà Isave.  Đức Mẹ không đến để khoe khoang, nhưng để chia sẻ.  Nhờ Đức Mẹ đến mà bà Isave và thánh Gioan Baotixita được chúc phúc.  Đức Mẹ cũng đến để chúc mừng bà chị họ đã được Chúa đoái thương.  Tâm hồn được Chúa chiếm hữu đã khiến Đức Mẹ trở nên quảng đại và hiệp thông, sẵn sàng chia vui sẻ buồn với những người chung quanh.

Tác động thứ bốn: Dấn thân phục vụ.

Niềm tri ân cảm tạ, niềm vui thánh thiện thực sự sẽ không dừng lại ở những bài ca trên môi miệng. Cảm nghiệm về Tình Yêu Thiên Chúa trong trái tim sẽ mau chóng biến thành hành động.  Sự đền đáp tình yêu sẽ thúc đẩy người được yêu dấn thân phục vụ trong những việc làm cụ thể.  Chính vì thế Đức Mẹ đã không ngần ngại ở lại phục vụ bà chị họ trong ba tháng.

Mừng lễ Đức Mẹ lên Trời một cách có ý nghĩa nhất, đó là ta hãy noi gương Đức Mẹ: Xin Chúa Thánh Thần đến tràn ngập tâm hồn ta như Người đã đến trong lòng Đức Mẹ, giúp ta cảm nghiệm được những ơn lành Chúa ban và giúp ta mau mắn đáp lại tình yêu thương đó.

Xin Đức Mẹ giúp chúng con biết ngoan ngoãn vâng theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng: Để vội và ra đi, để hân hoan tạ ơn, để quảng đại chia sẻ và để dấn thân phục vụ anh em. Amen.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

KẺ ĂN TÔI SẼ SỐNG NHỜ TÔI

“Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết nhưng tôi muốn con tôi được sống.”  Đó là lời của bà Susanna sau khi được cứu trong trận động đất ở Ácmêni vào tháng 12-1987.  Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch, có hai mẹ con bà Susanna may mắn còn sống sót.  Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước.  Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra?  Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩ táo bạo, đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút.  Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ.  Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu.

Câu truyện trên giúp ta hiều phần nào bí tích Thánh Thể.  Đức Giêsu đã chết để chúng ta được sống.  Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết thập giá, và Ngài muốn máu Ngài trở nên thức uống cho chúng ta.  Trong các nhà thờ, vào dịp lễ ZZGiáng sinh, thường có những người ngoài Kitô giáo đến dự lễ.  Cũng có ít người tò mò lên “ăn bánh thánh”.  Họ ngạc nhiên vì tấm bánh mỏng manh, nhạt nhẽo.  Nhưng họ sẽ ngạc nhiên hơn nhiều nếu chúng ta bảo họ: “Ăn tấm bánh đó là ăn thịt Chúa, uống chén rượu đó là uống máu Chúa.”  Thật là kinh khủng, làm sao có chuyện như vậy?  Đây là mầu nhiệm đức tin, không dễ giải thích cho người ngoài.

Tất cả bắt đầu từ ước muốn lạ lùng của Đức Giêsu.  Ngài muốn nuôi nhân loại bằng chính con người Ngài.  Ngài muốn trở thành đồ ăn thức uống cho nhân loại: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy.  Các con hãy cầm lấy mà uống, đây là Máu Thầy.”  Mình và Máu tượng trưng toàn thể con người Đức Giêsu.  Nên khi rước lễ, ta không chỉ rước thịt mình Ngài, mà rước lấy cả con người Ngài dưới dạng tấm bánh.  Rước lễ là gắn bó với một ngôi vị: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy (c.56).  Rước lễ không phải là đón nhận một xác chết, nhưng là gặp gỡ Đức Giêsu đã chết và nay đã phục sinh.  “Như tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi như vậy” (c.57).  Rước lễ là đón lấy sự sống từ Đấng đang sống, cũng là sự sống duy nhất bắt nguồn từ Chúa Cha.

Hôm nay, Đức Giêsu phục sinh có một lối hiện diện mới mẻ.  Ngài không hiện diện dưới dạng một con người, nhưng dưới dạng đồ ăn, đồ uống.  Như thế cả vật chất bất động cũng được nâng lên, cả lao công của con người cũng được thánh hiến.  Vật chất trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.  Vật chất có chỗ trong thế giới của Thiên Chúa.  Ước gì thế giới vật chất ở quanh ta cũng nên thánh, nhờ được chia sẻ trong yêu thương.

*******************************************

Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, nơi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
nơi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ…
Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa.

Trích trong “Manna”

 

THƯ GỬI MẸ LÊN TRỜI

ZZMẹ Maria kính yêu, 

Việc Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn và xác là biến cố trọng đại và ý nghĩa cho toàn thể nhân loại. Trọng đại vì đó là phần thưởng tuyệt hảo mà Thiên Chúa đã dành riêng cho Mẹ; ý nghĩa vì Mẹ là người khởi đầu của Hội Thánh viên mãn, là niềm vui và hy vọng lớn lao cho dân thánh trong cuộc lữ thứ trần gian.  Trên quê trời, Mẹ tiếp tục mời gọi chúng con bước theo Thầy Giêsu để mai này chúng con cũng được cùng Mẹ hưởng niềm vui Thiên quốc.  Hôm nay (15/08) cả Giáo Hội chung chia niềm vui này với Mẹ để tán dương Thiên Chúa!

Còn nhớ ngày sứ thần truyền tin, Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” để trở thành Mẹ Thiên Chúa.  Mẹ chấp nhận thánh ý để cùng với Con của Mẹ lao tác trong chương trình cứu độ.  Chiêm ngắm hành trình Mẹ theo chân Thầy Giêsu, Con Mẹ, ai ai cũng nhận ra tình yêu và lòng tín thác tuyệt đối mà Mẹ dành cho Thiên Chúa.  Đúng như lời hát du dương của Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi!”  Không vui mừng hớn hở sao được bởi Mẹ thật diễm phúc vì hoa trái trong lòng Mẹ là Đấng cứu độ trần gian.  Cả cuộc đời, Mẹ luôn ngân nga tiếng hát ấy với niềm vui thiêng liêng và lòng xác tín thẳm sâu!

Trên dương thế, Mẹ chẳng xa rời Đức Giêsu.  Mẹ và Thầy Giêsu như hình với bóng.  Lúc nào Mẹ cũng quảng đại cộng tác trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.  Có thể nói Mẹ là đóa hoa hướng dương luôn hướng về ánh Mặt Trời.  Đóa hoa ấy luôn đầy tràn ân phúc vì Đức Chúa ở cùng Mẹ.  Nhờ đó, Thiên Chúa ban cho Mẹ vô nhiễm khi hoài thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm mẹ và ơn thăng thiên cả xác lẫn hồn.  Mẹ cũng được gìn giữ khỏi bị hư nát trong mồ giống như Con của Mẹ.  Chúng con hãnh diện lắm, mừng vui lắm khi Mẹ được đưa lên trời cả hồn và xác!  Giờ đây Mẹ biết không, chúng con sung sướng chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ chuyển cầu cho chúng con trước nhan thánh Chúa.

Mẹ ơi!  Đã từ lâu Giáo Hội có những thánh lễ nói về giây phút chấm dứt cuộc đời dương thế của Mẹ đấy.  Mừng với Mẹ vì ai cũng tin rằng lần ra đi của Mẹ phải tốt đẹp, không chút đớn đau.  Rồi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, ngày 1/11/1950, Đức Piô XII long trọng tuyên bố: “Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác.”  Mẹ ơi, Ngài còn nói với chúng con rằng: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái Tim Mẹ.  Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ.” (“Corporis Mystici”, 29-6-1943).

Trái tim hiền mẫu của Mẹ luôn ước mong từng người con hãy tin yêu Chúa Giêsu.  Mẹ cầu mong chúng con cũng được hưởng niềm vui Thiên Quốc như Mẹ.  Ước gì chúng con luôn được ở trong Trái Tim nhân hiền của Mẹ.  Mẹ ơi!  Chúng con tin rằng thân xác sẽ sống lại trong ngày sau hết.  Nếu tin yêu Chúa Giêsu Kitô, chúng con chắc chắn sẽ được sự sống đời đời, Mẹ nhỉ!  Khi ấy, Mẹ-con mình sẽ trùng phùng vui sướng, hạnh phúc vô bờ!  Hơn nữa, khi chiêm ngắm Mẹ lên trời cả hồn và xác, chúng con còn xác tín rằng: thân xác sẽ được cứu độ.  Cho dẫu cuộc sống gian trần còn nhiều khổ đau thân xác và tâm hồn, nhưng nhờ Mẹ, chúng con sẽ được Thiên Chúa nhận lời đưa vào cuộc sống vĩnh hằng, thưa Mẹ!

Sau cùng, chúng con muốn cùng với Mẹ dâng lời “Ngợi khen” Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, … Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!”  Chính Người đã ban cho Mẹ nên Hiền mẫu tuyệt vời trên dương thế, nên Đức Mẹ rạng ngời trên Thiên quốc.  Hôm nay và ở đây, Mẹ vẫn đang hát vang bài ca ấy để cầu mong từng người con dù sống dưới trần gian, nhưng hãy hướng tâm trí về Quê Trời.  Nơi ấy Mẹ đang vẫy gọi và cầu nguyện cho mỗi người chúng con!

Lạy Mẹ Maria, trên Thiên quốc, xin Mẹ đoái nhìn đến cuộc sống lữ hành của chúng con.  Xin Mẹ nhắc nhớ chúng con đừng quá mê man với cuộc sống chóng qua mà quên mất thực tại Nước Trời.  Bên ngai tòa Thiên Chúa, xin Mẹ cầu thay nguyện giúp cho chúng con có sức mạnh thần linh để chúng con một lòng tin yêu Thiên Chúa.  Được như thế, chắc chắn chúng con sẽ gặp được Mẹ, để Mẹ dẫn chúng con đến hưởng nhan thánh Chúa.  Amen.

Chúc mừng đặc ân Mẹ được Thiên Chúa đưa lên trời cả hồn và xác!

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.