HÀNH TRANG NGƯỜI MÔN ĐỆ

Ai đi xa cũng phải chuẩn bị hành trang.  Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều.  Chuyến đi càng quan trọng thì hành trang càng phải chọn lựa, tính toán.  Hôm nay Đức Giêsu sai các môn đệ đi một chuyến quan trọng: tiếp nối sứ mạng của Người đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi.  Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, Đức Giêsu đã giúp các môn đệ sắp xếp hành trang.  Sau khi đã loại bỏ những loại hành trang cồng kềnh không cần thiết, có hại cho nhiệm vụ, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ những hành trang thực sự cần thiết và hữu ích cho sứ vụ Tông đồ.

Hành trang của người môn đệ là sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu.  Các môn đệ chỉ được sai đi sau khi đã có một thời gian sống bên cạnh Người.  Thời gian sống bên Đức Giêsu cần thiết để các môn đệ hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến, gắn bó mật thiết với Người.  Đây chính là hành trang quan trọng nhất.  Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình.  Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, bảo đảm tính trung thực, là chìa ZZkhoá thành công của sứ vụ.  Đức Giêsu đã nêu gương về điểm này khi luôn gắn bó mật thiết với Đức Chúa Cha, Đấng đã sai Người.  Sự gắn bó ấy giúp Người hoàn toàn kết hiệp với Đức Chúa Cha, trở nên một lòng một ý với Đức Chúa Cha, luôn cầu nguyện, luôn từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha.  Chính vì thế, sứ vụ của Người đã thành công tốt đẹp.

Hành trang của người môn đệ là tâm hồn đơn sơ phó thác.  Khi chỉ thị cho các môn đệ: “không được mang gì khi đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo”, Đức Giêsu muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa.  Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ cho rằng mọi thành công là nhờ tài sức riêng mình.  Vì thế, dễ tha hoá, làm theo ý mình hơn là làm theo ý Chúa, sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm thực hiện chương trình của Chúa.  Nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức sự nghèo nàn thiếu thốn, sự yếu ớt của mình, ý thức đó sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường, tin tưởng phó thác cho Chúa.  Tôi chỉ là hư vô, là cát bụi.  Mọi thành công đều của Chúa, nhờ Chúa.  Những thành công do tài sức con người sẽ mau tàn.  Chỉ có công trình của Chúa mới bền vững.  Vì thế đơn sơ phó thác là một hành trang rất cần thiết cho người môn đệ.  Không mang theo gì của loài người, chỉ mang theo niềm tin yêu phó thác vào Thiên Chúa, đó chính là mang theo tất cả.

Hành trang của người môn đệ là tình liên đới.  Đức Giêsu không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng sai từng hai người một.  Người biết khả năng con người yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới hoàn thành sứ mạng.  Lời chứng của một cá nhân chưa đủ sức thuyết phục.  Cần có sự đồng tâm nhất trí của một tập thể lời chứng mới thực sự đáng tin.  Hơn nữa, Đức Giêsu không sai các môn đệ đi làm việc với giấy tờ hay đất đai, nhưng sai các ngài đến với con người.  Các ngài phải sống giữa mọi người, nhờ mọi người giúp đỡ, chia sẻ cuộc sống với họ.  Phải liên đới với con người.  Tình liên đới không những cần thiết để giúp các ngài làm việc tông đồ một cách hữu hiệu.  Chính qua tình liên đới mà Tin Mừng dễ dàng được đón nhận.

Hành trang của người môn đệ là trái tim biết cảm thương.  Đức Giêsu sai các môn đệ đến với những người đau yếu bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ.  Tức là đến với những người kém may mắn ở đời.  Những người nghèo hèn yếu đuối. Những người bị xã hội bỏ quên.  Để đến với những người anh em bé nhỏ, người môn đệ phải có trái tim biết cảm thương.  Các ngài phải mang trái tim của Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông bơ vơ tất tưởi, túng thiếu, đói khát.  Phải sẵn sàng băng rừng vượt suối đi tìm một con chiên lạc.  Phải mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về.  Phải sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi thật lòng hối cải ăn năn.

Mỗi người chúng ta đều là môn đệ của Chúa.  Khi chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội và Thêm sức, Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng của Người.  Tôi thấy anh chị em ở Giáo xứ Cửa Nam rất tích cực trong việc tông đồ.  Nhưng có lẽ anh chị em vẫn băn khoăn, không biết làm sao để việc tông đồ có kết quả tốt đẹp.  Hôm nay, Đức Giêsu cho ta biết, muốn việc tông đồ có kết quả, ta phải gắn bó mật thiết với Chúa, phó thác mọi sự cho Chúa, đồng thời phải có tình liên đới và nhất là phải biết cảm thương anh chị em đồng loại.  Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay nắm lấy tay anh em.  Một tình yêu anh chị em trong tình yêu mến Chúa.  Liên kết mọi người trong tình yêu mến.  Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ của ta sẽ đi đúng đường hướng của Chúa.  Với tình yêu mến, chắc chắn việc tông đồ sẽ có kết quả tốt đẹp.

TGM Ngô Quang Kiệt

NHÌN SÂU HƠN

Đôi khi bạn có thể thấy rất nhiều điều chỉ bằng một cái nhìn.  Đây là một trong những câu nói lừng danh của danh thủ bóng chày Yogi Berra.  Đây tất nhiên là một diễn đạt rất khéo, nhưng đáng buồn là, có lẽ gần như mọi chuyện lại trái ngược.  Hầu như chúng ta nhìn rất nhiều mà chẳng thực sự thấy được bao nhiêu.  Thấy có nhiều ý nghĩa hơn là có một thị lực tốt.  Đôi mắt chúng ta có thể mở rộng nhưng chúng ta cũng có thể chỉ thấy được rất ít.

Tôi luôn luôn suy ngẫm về hình ảnh thánh Phaolô trong kinh thánh ngay sau khi ngài hoán cải.  Chúng ta luôn cho rằng thánh Phaolô bị mù vì thị kiến mình thấy, nhưng, theo tôi, bản văn kinh thánh còn ngụ ý xa hơn nữa.  Kinh thánh viết rằng Phaolô bò dậy với đôi mắt mở to, nhưng không thấy gì.  Điều này không nhất thiết phải là chứng mù thể lý.  Có thể ngài thấy được về mặt thể lý, nhưng không thể thấy được ý nghĩa những gì trước mắt mình.  Phải có người đến và mở mắt Phaolô, không phải chỉ để ngài lại có thể nhìn thấy về mặt thể lý, nhưng đặc biệt là ngài có thể thấy sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô.  Nhìn thấy, thực sự thấy, mang nhiều nghĩa hơn là có đôi mắt lành lặn về thể lý và mở to.  Chúng ta tất cả đều thấy vẻ ngoài của sự vật sự việc, nhưng cái bên trong ẩn dưới đó, thì không tự động mà thấy được.

Ví dụ như, chúng ta thấy điều này trong các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu.  Trong Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần làm phép lạ chữa lành.  Ngài chữa lành người què, người điếc, người câm, người cùi, và hai ZZphụ nữ vì các lý do khác nhau mà không thể mang thai.  Điều quan trọng phải thấy nơi những phép lạ khác nhau này, là hầu như luôn có có một sự gì đó cao hơn sự chữa lành thể xác.  Chúa Giêsu đang chữa lành cho người ta theo một cách thâm sâu hơn, ngài đang chữa lành người què để họ có thể bước đi trong tự do và phụng sự Thiên Chúa . Ngài chữa lành người điếc để họ có thể nghe thấy Tin mừng.  Ngài chữa lành người câm để họ có thể mở miệng chúc tụng tôn vinh.  Và Ngài chữa lành những người son sẻ để họ có thể đem sự sống mới sinh sôi.

Chúng ta thấy điều này gần như rất rõ ràng những khi Chúa Giêsu chữa lành những người mù.  Ngài cho họ không chỉ là cái nhìn thể lý, ngài mở mắt họ để họ có thể nhìn sâu hơn.  Nhưng đây chỉ là một hình tượng.  Làm sao giải nghĩa cho thấu đáo đây?  Làm sao ân sủng và giáo huấn của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhìn một cách sâu sắc hơn đây?  Tôi xin đưa ra một số gợi ý:

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua những gì quen thuộc đến nhìn qua sự kinh ngạc kỳ vỹ.
G.K Chesterton từng khẳng định rằng sự quen thuộc là ảo ảnh lớn nhất và bí mật cuộc đời là học biết nhìn vào những gì quen thuộc cho đến khi chúng trở lại thành không quen thuộc.  Chúng ta mở đôi mắt mình hướng đến chiều sâu khi mở lòng mình ra với kinh ngạc kỳ vỹ.

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua hoang tưởng và tự vệ đến nhìn qua sám hối và vun đắp.
Không ngẫu nhiên khi lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong các Phúc âm tóm lược là từ ‘sám hối’ một từ đối lập với ‘hoang tưởng’.  Chúng ta mở mắt mình ra hướng đến chiều sâu, khi chúng ta chuyển vần từ tư thế tự vệ đến một tư thế vun đắp.

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua sự ghen tỵ đến nhìn qua sự ngưỡng mộ.
Nhận thức của chúng ta trở nên méo mó bất kỳ lúc nào chúng ta đi từ trạng thái hạnh phúc của ngưỡng mộ đến trạng thái bất hạnh của ghen tỵ.  Tầm nhìn của chúng ta được thoáng đãng rõ ràng khi chúng ta vui mừng trong ngưỡng mộ.

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua chua cay đến nhìn qua đôi mắt được thanh luyện và mềm dịu bởi thương tâm.
Cội rễ của chua cay là thương tích và cách để thoát khỏi chua cay là thương tâm.  Nước mắt gột sạch tầm nhìn của chúng ta bởi nước mắt làm mềm đi trái tim bị chai cứng bởi tổn thương.

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua ảo tưởng và ái kỷ đến nhìn qua cảm kích và cầu nguyện.
Một trong những chuyển vần then chốt trong đời sống tâm linh của chúng ta là sự chuyển vần từ ảo tưởng sang cầu nguyện, một chuyển biến tận cùng giải thoát chúng ta khỏi mong muốn nén vào bản thân mình tất cả những gì đẹp đẽ, nhưng biết cảm kích vẻ đẹp vì chính nó mà thôi.  Chúng ta chỉ có thể thấy và cảm kích vẻ đẹp khi ngừng ham muốn nó.

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua tính toán đến nhìn qua sự chiêm ngắm.
Khát khao muốn được có vị thế khiến chúng ta nhìn ra thế giới với đôi mắt khắc khoải, bất mãn. Chúng ta chỉ biết để tâm và thấy được sự phong phú của thời khắc hiện tại khi sự bất an trong chúng ta được xoa dịu làm thinh bởi cô tịch.

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua giận dữ đến nhìn qua sự tha thứ.
Không một điều gì làm hoen ố tầm nhìn của chúng ta cho bằng cơn giận.  Nó là thứ bệnh gây suy nhược nhất với mọi nhãn cầu.  Và không điều gì tẩy sạch tầm nhìn của chúng ta cho bằng tha thứ.  Không một ai mang ác cảm trong lòng mà lại nhìn cho công thẳng được.

Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua dục vọng và thèm khát đến nhìn qua lòng biết ơn.
Dục vọng và thèm khát bóp méo cái nhìn của chúng ta.  Lòng biết ơn phục hồi cái nhìn đó.  Lòng biết ơn cho cái nhìn thấu suốt.  Người có lòng biết ơn nhất mà bạn biết, có cái nhìn tốt nhất về tất cả những người mà bạn biết.

“Tình yêu là đôi mắt!” Vậy nên, lời khôn ngoan này của các nhà thần nghiệm trung cổ, có lẽ nên được thêm vào tự điển y khoa về khoa đo thị lực hiện thời.  Nhìn sao cho thẳng, cho đúng, cho thật, có nhiều chiều kích hơn chúng ta thường tưởng.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

KHI NGƯỜI VÔ THẦN SÁM HỐI

Tôi là người vô thần.  Tôi không tin Thiên Chúa và cố chứng minh rằng người ta thật ngu xuẩn khi tin vào Thiên Chúa!

Nếu bạn hỏi tôi rằng tôi có nghĩ “tội lỗi” hiện hữu hoặc tôi có bao giờ phạm tội hay không, tôi sẽ cười thật to. “Tội lỗi là khái niệm của Kitô giáo muốn quy kết các cảm giác tội lỗi về những sự tưởng tượng là xúc phạm ra tới một Thiên Chúa cũng do tưởng tượng mà thôi”, và thậm chí tôi còn có thể nói điều gì đó để châm biếm bạn.

Không, tôi chưa bao giờ phạm tội.  Nhưng, cũng như mọi người, đôi khi tôi biết mình làm những điều khiến người khác bị tổn thương.  Và sau đó, nếu tôi nghĩ về điều đó, tôi sẽ cảm thấy không ổn và thậm chí còn phải xin lỗi họ.  Có thể những cảm giác tội lỗi đó do di truyền từ nguồn gốc, hoặc được xây dựng mang tính xã hội, nhưng tôi không cố giải thích để biện minh hành vi xấu của tôi với cách duy lý hóa như vậy.  Cho dù tôi là người vô thần, tôi vẫn cảm thấy ý chí tự do hiện hữu và có các tiêu chuẩn luân lý khách quan rằng vượt quá giới hạn cho phép là sai trái.

Sau khi thua cuộc đối với sự rối loạn lo âu về xã hội, hoang mang, và trầm cảm, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn Kitô giáo bằng cách nhìn chân thật.  Tôi bỏ qua sự phản ứng với chữ “tội lỗi”, và cố gắng hiểu những gì mà Đức Tin Kitô giáo nói về nguyên nhân tội lỗi… và cách chữa trị.  Nhờ tôi cầu nguyện, và nhờ Đức Tin Thiên Chúa ban cho tôi, tôi nhận thấy điều xấu mà tôi đã làm không chỉ làm tổn thương người khác, mà còn chống lại Thiên Chúa tốt lành, Đâng yêu thương tôi và đáng được tôi yêu mến.

ZZChúng ta không ai lại muốn làm tổn thương người mà mình yêu thương.  Rất ít người yêu chúng ta trọn vẹn, vẫn có sự ích kỷ.  Khi tôi tin vào Đức Kitô, tôi nhận thấy rằng tôi đã làm tổn thương Ngài bằng tội lỗi, và làm Ngài đau khổ quá đỗi.  Nhưng liệu pháp còn lớn hơn: Lòng Chúa Thương Xót. Khám phá được Đức Kitô là tình yêu và lòng thương xót sẽ khiến người ta rơi lệ vì đau buồn và biết ơn.  Khi người ta có được “kinh nghiệm hoán cải” thì sẽ ăn năn và vui mừng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Suốt những năm sống vô vọng và vắng bóng Thiên Chúa, tội lỗi đè nặng trên tôi.  Nước rửa tội đổ trên tôi, và Hồng Ân Thiên Chúa đầy tràn trong tôi.  Bây giờ tôi mới hiểu dụ ngôn Chúa Giêsu nói về người đầy tớ không tha thứ cho người đã làm điều chống lại anh ta.  Tôi mong cho mọi người, nhất là bạn bè và gia đình tôi – những người chưa nhận biết Đức Kitô, sẽ trở về tin vào Ngài và đón nhận lòng thương xót mà Ngài luôn mong muốn trao ban cho họ.

Devin Rose (*)
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

(*) Devin Rose là kỹ sư phần mềm, vô thần, rồi theo Tin Lành Baptist, cuối cùng lại gia nhập Công giáo.

ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI GẶP CHÚA

ZZĐức Giêsu trở về thăm quê nhà. Ngày Sabat, ngày lễ nghỉ hàng tuần, dân làng đến hội đường nghe đọc sách thánh và hát thánh ca từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.

Đức Giêsu và các môn đệ cùng tiến vào hội đường cầu nguyện. Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Đức Giêsu đăng đàn giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức tư tế. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”

Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu? Họ tìm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon.” Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông nói năng, làm được gì hay lạ đâu? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Còn Đức Giêsu, ai đã huấn luyện Ngài? Ai đã ban quyền phép làm những việc kỳ diệu như thế? Thân nhân bảo Ngài “mất trí.” Kinh sư chụp mũ Ngài “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ.” Dân chúng chỉ biết ngạc nhiên: chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy. Môn đệ đi theo sát Ngài cũng chỉ biết hỏi: “Ngài là ai mà bão biển phải tuân lệnh.” Chẳng thấy ai huấn luyện Ngài, chẳng thấy Ngài học tập kinh sư nào. Chỉ thấy Ngài vào nơi thanh vắng, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Trong âm thầm Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời. Đó chính là bí quyết làm cho Ngài khôn ngoan và đầy quyền phép để trừ hàng ngàn quỷ dữ, chữa hàng trăm bệnh nhân mà loài người phải bó tay, cho kẻ chết sống lại, bắt cuồng phong lặng yên…

Dân làng biết Ngài khôn ngoan. Kinh sư thấy Ngài trừ quỷ. Môn đệ được Ngài cứu khỏi chết giữa biển cuồng phong. Nhưng họ chẳng biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, chẳng biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa; vì thương yêu loài người, đã xuống thế làm người sống với họ như anh em, như bạn bè, để cứu họ khỏi chết đời đời.

Dân làng Nazarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch.” Mc. Kenzie nói: Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi.”

Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình.” Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận.” Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.

Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì chúng ta cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6, 23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.

Đức Giêsu buồn nhưng không cay cú, không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác. Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.

Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.

Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở con mắt đức tin cho mọi người được thấy những sự khôn ngoan, quyền phép lạ lùng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới và cả trong vũ trụ, mà con mắt phàm trần không thể thấy được, để họ biết ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An