THỨ QUÝ GIÁ NHẤT CUỘC ĐỜI

Từ khi người láng giềng đã đi về thế giới bên kia, một người đàn ông trẻ tuổi bất ngờ khi phát hiện ra điều quan trọng nhất trong cuộc sống.

Thời gian trôi qua khá lâu kể từ khi Jack gặp người đàn ông luống tuổi ấy.  Học hành, bạn gái, và cuộc sống tự nó trôi chảy theo con đường của riêng mình.  Thực sự là, Jack đã đi khắp đất nước để theo đuổi những giấc mơ của mình.

Và ở đây, giữa bộn bề cuộc sống, Jack có ít thời gian để suy nghĩ về quá khứ và thường không dành nhiều thời gian cho vợ và con.  Anh lao vào làm việc cho tương lai của mình, và không gì có thể dừng bước chân anh.

Điện thoại reo vang, mẹ anh gọi cho anh: “Ông Belser đã mất đêm qua.  Đám tang tổ chức vào thứ Tư”.  Dòng ký ức hiện về trong trí óc giống như cuốn phim thời sự cũ khi anh lặng lẽ hồi tưởng về những ngày thơ ấu.

“Jack, con nghe mẹ nói không?”

“Ồ, xin lỗi mẹ, vâng, con vẫn nghe.  Thời gian đã trôi quá lâu kể từ khi con nhớ về ông ấy, nhưng thực sự con nghĩ ông ấy đã mất nhiều năm trước,” Jack nói.

“Vậy à, ông ấy đã không quên con.  Lúc nào thấy mẹ, ông ấy cũng hỏi con thế nào.  Ông ấy luôn nhớ về những ngày con phụ ông dựng hàng rào,” người mẹ nói với Jack.

“Con đã rất yêu quý ngôi nhà cũ mà ông ấy sống,” Jack nói.

“Con biết không, Jack, sau khi cha con mất đi, ông Belser đã cố gắng để con biết rằng, con luôn có ảnh hưởng của một người đàn ông trong cuộc đời,” người mẹ nói tiếp.

“Ông ấy đã dạy con nghề thợ mộc,” Jack nhớ lại.  “Con sẽ không ở trong ngành nghề này nếu không có ông ấy.  Ông ấy đã dành nhiều thời gian để dạy con những thứ mà ông ấy nghĩ là quan trọng…  Mẹ ạ, con sẽ về dự đám tang,” Jack quả quyết.

Và dù rất bận rộn, Jack vẫn giữ lời.  Anh lên máy bay trở về quê cũ.  Đám tang ông Belser diễn ra lặng lẽ.  Ông không có con, và hầu hết những người thân đã ra đi trước ông.

Đêm trước khi trở về nhà, Jack và mẹ dừng bước nhìn lại lần nữa ngôi nhà cũ.  Đứng bên cửa, Jack dừng lại một lát.  Anh giống như vừa bước vào một không gian khác, một thế giới khác.  Ngôi nhà vẫn y nguyên như những gì anh nhớ.  Mỗi bức tranh, mỗi đồ đạc trong phòng….  Đột nhiên, Jack dừng lại.

“Gì thế Jack?” mẹ anh hỏi.

“Chiếc hộp đâu mất rồi?'” anh nói.

“Hộp nào?”, người mẹ hỏi.

“Đó là chiếc hộp màu vàng nhỏ bé, mà ông ấy luôn khóa và để trên bàn.  Con đã hỏi ông ấy hàng nghìn lần là trong hộp có gì.  Ông ấy luôn trả lời con rằng: Đó là thứ quý giá nhất của ông,” Jack nói.

Chiếc hộp biến mất.  Mọi thứ trong nhà vẫn chính xác như trong trí nhớ của Jack, ngoại trừ chiếc hộp. Anh nghĩ là ai đó trong gia đình Belser đã cầm theo.

“Bây giờ, con sẽ chả bao giờ biết thứ gì quý giá nhất với ông ấy,” Jack nói. “Con cần nghỉ ngơi một chút, mai con bay sớm, mẹ ạ.”

Hai tuần trôi qua kể từ khi ông Belser qua đi.  Sau một ngày làm việc, khi trở về nhà, Jack thấy tờ giấy nhỏ trong hộp thư của mình.  “Gói bưu kiện cần phải ký tên.  Làm ơn tới bưu điện trong vòng ba ngày tới,” thông báo ghi rõ.

Sớm hôm sau, Jack đã nhận được bưu kiện.  Nó cũ rích và trông giống như được đóng gói cách đây cả trăm năm.  Dòng chữ viết tay rất khó đọc, nhưng dòng địa chỉ khiến anh chú ý.

“Ông Harold Belser,” anh đọc được thế.

Jack mang bưu kiện ra xe ô tô và tháo giấy gói.  Bên trong là chiếc hộp vàng và một bì thư.  Cánh tay Jack run lên khi anh đọc dòng chữ bên trong.

513“Khi tôi chết, hãy gửi chiếc hộp này và những thứ bên trong nó tới Jack Bennett.   Đó là thứ giá trị nhất trong cuộc đời tôi.”

Một chiếc chìa khóa nhỏ gói trong lá thư.  Trái tim Jack như vỡ ra, nước mắt trào dâng, Jack cẩn thận mở chiếc hộp nhỏ.  Bên trong là chiếc đồng hồ bỏ túi màu vàng xinh xắn.

Anh mở nắp đồng hồ.  Jack thấy dòng chữ chạm khắc rất cẩn thận:

“Jack, cám ơn vì thời gian của cháu!  Harold Belser.”

“Thứ giá trị nhất của ông ấy là… thời gian của tôi.”

Jack cầm chiếc đồng hồ và lặng đi vài phút, sau đó anh gọi tới văn phòng và yêu cầu hủy tất cả cuộc hẹn trong hai ngày tới.”  Tại sao?”  Janet, người trợ lý hỏi anh.

“Tôi cần dành thời gian cho con trai mình”, anh nói.  “À, nhân tiện đây, Janet… cảm ơn vì đã dành thời gian cho tôi!”

An Kỳ (Dịch từ rogerknapp)

 

 

HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG

512Từ ngày cắp sách vào lớp một, mỗi học sinh đều được học bài toán: 1+1+1 = 3 và nếu làm đúng như vậy thì lúc nào cũng được điểm tối đa.  Trái lại, nếu có em nào làm phép tính: 1 + 1 + 1 = 1 thì sẽ bị cô giáo cho điểm 0 và bị phê là ngu xuẩn.

Thế nhưng trong một gia đình đầm ấm yêu thương thì 1 + 1 + 1 không còn là 3, mà chỉ là 1.

Hiệp thông trong gia đình

Trước đây, anh Bắc ở Hà-nội, chị Nam ở Sai-gòn, hai người ở hai phương trời cách biệt.  Anh và chị là hai “ngôi vị” hoàn toàn xa lạ.

Về sau, hai người cùng vào làm trong cùng một công ty nên có nhiều cơ hội gặp gỡ và đôi bên cảm thấy ý hợp tâm đầu.  Tình yêu của anh chị lớn lên từng ngày và với thời gian, anh chị yêu thương nhau sâu đậm đến nỗi người nầy không thể sống hạnh phúc nếu thiếu vắng người kia.

Do tình yêu thúc đẩy, anh chị tiến đến hôn nhân.  Lúc nầy hơn bao giờ hết, anh chị cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về nhau: Cùng chung một tổ ấm, chung một tình yêu, chung niềm vui nỗi buồn, chung một ước mơ và một niềm hy vọng…  Họ không còn là hai mà là một đúng như nhà thơ Tản Đà nhận định: “Mình với ta tuy hai mà một; ta với mình tuy một mà hai.

Chính Chúa Giêsu cũng nhìn nhận rằng họ chỉ còn là một mà thôi: “Người nam sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt.  Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19, 5-6).

Rồi tình yêu của anh chị đơm bông kết trái: một đứa con yêu quý chào đời!

Giờ đây tuy trong nhà có ba người hay ba “ngôi” (=ba vị), nhưng tình yêu thương thắm thiết đã nối kết cả ba nên một.  Họ cảm thấy hoàn toàn thuộc về nhau.  Họ cảm thấy mình không còn là ba nhưng chỉ là một: Hạnh phúc của người nầy cũng là hạnh phúc của người kia; khổ đau của mỗi người cũng là nỗi đau chung của cả gia đình.

Mặt khác, tình yêu và mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với nhau: Khi càng yêu thương nhau hơn thì mức độ hiệp thông càng bền chặt hơn và ngược lại, khi ghét bỏ nhau, người ta cảm thấy hoàn toàn xa cách dù sống chung dưới một mái nhà.  Lúc ấy, vợ, chồng và con cái trong nhà không còn là một mà là ba.

Như thế tình yêu là phép mầu nối kết nhiều người nên một.  Những người yêu thương nhau được liên kết nên một với nhau nhưng vẫn không đánh mất bản ngã của mình.

Hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa

Hình ảnh một gia đình đầm ấm yêu thương hiệp nhất thường được Giáo Hội sử dụng để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong thư mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm 2002, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở các tín hữu rằng: “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa” (số 6).

Khi nhìn vào một gia đình có “ngôi cha”, “ngôi mẹ” và “ngôi con” hiệp thông với nhau cách mật thiết, chúng ta hiểu được phần nào sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tuy nhiên, vì tình yêu giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần mênh mông như đại dương, trong khi tình yêu của các ngôi vị trong gia đình chỉ bằng giọt nước; và vì mức độ hiệp thông tỉ lệ thuận với mức độ yêu thương, nên sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là vô cùng mật thiết so với sự hiệp thông còn quá mong manh giữa các thành viên trong gia đình.

Chúa Giêsu mời gọi sống hiệp thông theo mô hình Ba Ngôi

Được hiệp thông nên một trong yêu thương là một hạnh phúc tuyệt vời nên Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người chung chia hạnh phúc ấy.  Vì thế, hôm xưa trong bữa tiệc ly, Người thành khẩn cầu xin cho các môn đệ: “Lạy Cha, xin cho tất cả chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha… để họ được nên một như Chúng Ta là một.  Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 20-23).

Và hôm nay, Chúa Giêsu hướng nhìn về mỗi thành viên trong gia đình chúng ta và cầu xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cho người cha, người mẹ và đứa con nầy nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”

Rồi Người cũng hướng về mỗi tín hữu trong Hội Thánh và tha thiết khẩn cầu: “Lạy Cha, xin cho các tín hữu nầy được gắn bó nên một trong yêu thương như Chúng Ta là một.”

Lạy Chúa Giêsu,

Xin cho chúng con cảm nhận rằng bí quyết để được hạnh phúc tuyệt vời là cùng nhau sống yêu thương gắn bó nên một như Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ đó mỗi thành viên trong gia đình và cộng đoàn sẵn sàng xoá bỏ những bất hoà chia rẽ để tiến tới đời sống yêu thương hiệp nhất theo mô hình Ba Ngôi.

Xin cho tình yêu của Ba Ngôi liên kết chúng con nên một, để đời sống gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành hình ảnh sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.

LM Ignatiô Trần Ngà

NHÌN LẠI MỘT HÀNH TRÌNH

511Bóng người đã qua, còn đó những dấu chân!  Sáu tháng Tông Đồ Cuối Tuần của tôi như một cái bóng lướt qua cuộc đời.  Tuy nhiên, những ngày ấy vẫn còn lưu lại trong tôi những dấu ấn không thể nào quên.

Khởi đi từ chính tâm tưởng của con người tôi, ngày cuối tuần là ngày mà tôi dừng lại để hoàn tất những bài vở đang còn dở dang.  Tuy nhiên, hôm nay tôi không được sử dụng trọn vẹn ngày này bởi vì tôi phải chia thời gian cho người khác, những người có thể đang cần đến tôi.  Có lần tôi nghĩ:  “Giá như hôm nay mình không phải đi tông đồ, để ở nhà hoàn thành thật tốt cho bài thuyết trình kia!”  Dĩ nhiên đây là một sự chiến đấu từ trong nội tâm của tôi.  Còn những khó khăn khác, như những ngày chúng tôi không có danh sách của những bệnh nhân cần rước Mình Thánh Chúa, chúng tôi không biết sẽ bắt đầu từ đâu, khởi đầu câu chuyện như thế nào…  Bởi vì, không ai biết chúng tôi và chúng tôi cũng không biết ai, chỉ biết một điều, họ là bệnh nhân và tôi là người đến thăm họ.  Làm sao để gặp gỡ người ta?  Làm sao để người ta tin tưởng và chia sẻ những gì mà họ đang chất chứa trong lòng…?  Chưa hết!  Cha giải tội!  “Hôm nay có nhiều người muốn xưng tội quá nhưng không tìm được một Cha giải tội!”  Lòng tôi co thắt lại. Nơi bệnh viện, lúc con người đối diện với cái chết, họ muốn hồi tâm trở lại sau một hành trình sống “hoang đàng.”  Đây là lúc thuận tiện đưa người ta trở về, thế nhưng lại không có một linh mục vào lúc này…

Thật vậy, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ngồi trên lưng của những đau đớn bệnh tật, con người ta muốn hoán cải, muốn tâm sự, muốn được chia sẻ, nâng đỡ, để bản thân mình được thanh thản, để vơi đi những băn khoăn khắc khoải cũng như những lo lắng và thất vọng.  Nơi ấy, có những người trẻ cảm thấy thất vọng về tương lai của họ; những người già thì hối tiếc về một quãng đời sai lầm lạc bước; có những người khác bị dày vò bởi con cái thiếu trưởng thành; người thì tán gia bại sản bởi vì chữa trị bệnh tật; có người cả phần lớn cuộc đời sống nơi bệnh viện; có người mà lương thực chủ yếu của họ là thuốc men; có những người con cháu thăm nuôi đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy cô đơn; có những người một thân côi cút nơi giường bệnh; có những người lạc quan trong cơn bệnh; có những người thanh thản, sẵn sàng ra đi vì có một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa…  Đứng trước những con người ấy, tôi chỉ giống như một người câm điếc, lắng nghe họ bằng con tim, nói với họ bằng ánh mắt đồng cảm.  Ước gì tôi có thể làm dịu đi những nỗi đau, hay là tiếp thêm và củng cố sức mạnh niềm tin của những con người mà tôi gặp gỡ mỗi tuần.

Không vô ích cho những gì mà bản thân tôi phải chiến đấu trong chính nội tâm mình để bước ra khỏi những trang sách, khỏi dán mắt vào những con chữ để đến với những con người thực bằng những cái gì rất thực của con người tôi. Chính những khó khăn của việc không ai biết chúng tôi là ai, chúng tôi cũng không hề biết họ trước, lại đưa chúng tôi đến kinh nghiệm gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, không phân biệt lương giáo hay giàu nghèo, già trẻ hay bệnh tật; ốm đau hay khoẻ mạnh…  Cũng nhờ việc chúng tôi không tìm được một Cha giải tội cho một số hối nhân lại là một cơ hội để tôi nhìn thẳng vào chính nội tâm của mình để thấy con tim khao khát phục vụ cũng như để thấy giới hạn của bản thân mình.  Qua những tâm tình và chia sẻ của những bệnh nhân cũng như thân nhân của họ, bản thân tôi cảm nhận được nhiều khuôn mặt của đời sống, thấy thực trạng, giới hạn của con người, cùng với những mong ước khát vọng sâu thẳm nơi mỗi cuộc sống con người.  Nhờ đó, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm quý để chia sẻ và cảm thông với người khác.

Mười chín lần tới bệnh viện trong kinh nghiệm tông đồ đã qua để lại trong tôi những dấu ấn khó phai, đó là cuộc chiến đấu với con người nội tâm của tôi, cũng như những khó khăn của tha nhân.  Những kinh nghiệm này không chỉ giúp tôi nhận thấy những thao thức từ phía bản thân, mà còn đem đến cho tôi nhiều lợi ích cho đời sống thiêng liêng, và cho tôi thấy được khát khao phục vụ người nghèo của mình.  Ước mong sao bản thân tôi và tất cả anh em được hun đúc bởi ngọn lửa tình yêu nhiệt thành tông đồ; mong sao những người mà chúng tôi gặp gỡ có được một ánh sáng hy vọng cho cuộc đời họ.

Như Thế

http://dongten.net

LUÔN LUÔN ÐỒNG HÀNH VỚI CHÚA THÁNH THẦN

Một trong những bức họa nổi tiếng nhất của thiên tài Michelangelo còn lưu giữ nơi nhà Nguyện Sixtine của Ðức Giáo Hoàng, trong nội thành Vatican, là bức tranh mô tả việc Thiên Chúa Cha tạo dựng con người.  Cần phải đích thân chiêm ngắm bức họa nổi tiếng nầy, ta mới cảm 510nghiệm được trọn cả sức thu hút của nó.  Ðể trình bày ý của mình về việc Thiên Chúa tạo dựng con người như thế nào, thiên tài Michelangelo chọn một biểu tượng, một cử chỉ đặc biệt của Thiên Chúa Cha.  Và toàn bức họa chỉ hướng về một cử chỉ duy nhất nầy mà thôi; đó là cử chỉ Thiên Chúa Cha, được mô tả như một Cụ Già oai phong đưa thẳng cánh tay mặt về phía con người còn non yếu chưa có sự sống, với ngón tay trỏ của bàn tay mặt chạm vào ngón tay trỏ của bàn tay trái của con người, để thông ban sức sống của mình sang cho con người.  Ðây là một cử chỉ thật là hùng dũng, đầy ý nghĩa.  Và nếu tập trung chú ý đến hình dạng của hai ngón tay trỏ nầy, chúng ta cũng có thể quan sát một sự khác biệt.  Ngón tay trỏ của Thiên Chúa đưa thẳng ra, trông có vẻ đầy quyền lực, để nói lên sức sống mạnh mẽ của Thiên Chúa.  Còn ngón tay trỏ của con người thì trông thật yếu ớt, chưa đủ sức chỉ thẳng ra, và được thả cho xệ xuống, để nói lên ý nghĩa con người yếu đuối chưa có sự sống, cần lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa.

Ðó cũng là hình ảnh cho tác động đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần trên con người.  Chúa Thánh Thần được diễn tả ở đây như là “ngón tay trỏ quyền năng của Thiên Chúa.”  Trong lời kinh “Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến”, được sáng tác vào thế kỷ thứ 9, thì cách nói “ngón tay trỏ của Thiên Chúa” cũng được dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần.

“Chúa là ngón tay hữu Chúa Cha phép tắc, (digitus paternae dextrae)
Mọi ơn phước, mặc thửa lượng Người liệu định phân ban.”

Hành động đầu tiên của Chúa Thánh Thần, cùng với Chúa Cha và Chúa Con, là trao ban sự sống cho con người.  Không có sức sống ban cho, con người có chi là cao trọng xứng đáng!  Trong kinh tin kính của công đồng Nicêa, chúng ta tuyên xưng: Tôi kính Ðức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Ðấng ban sự sống.”  Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự sống, là chính sự Sống.  Trên bình diện thần học, chúng ta cần lưu ý thêm là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha ,Con và Thánh Thần, là nguồn mạch sự Sống và cùng trao ban sự sống cho con người.  Nhưng một cách đặc biệt, trong ngôn ngữ chúng ta dùng, thì chúng ta muốn phân biệt mỗi Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đều có một sứ mạng riêng, và thường được chúng ta phân biệt nói đến như sau: Thiên Chúa Cha tạo dựng, Thiên Chúa Con cứu chuộc, và Thiên Chúa Thánh Thần ban ơn thánh hóa.

Trong những chia sẻ nầy, chúng ta hướng về Chúa Thánh Thần, trong sứ mạng riêng của Ngài, Ðấng ban sự sống, Ðấng ban ơn thánh hóa con người, Ðấng làm cho ơn cứu chuộc đã được Chúa Giêsu thực hiện, được hữu hiệu mỗi ngày một hơn nơi mọi tín hữu.  Tuy sứ mạng được nói riêng cho từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng nói cho cùng thì đều quy về một Thiên Chúa Ba Ngôi, không có sự tách biệt phân rẽ nào cả.

Chúa Thánh Thần là Ngón Tay hữu của Thiên Chúa quyền năng, chạm đến chúng ta để thông truyền cho chúng ta sức sống của Thiên Chúa.  Thật là một điều có ý nghĩa, khi Giáo Hội chọn Thánh Thi cho giờ kinh thứ ba (tức lúc 9 giờ sáng trong ngày, giờ Chúa Thánh Thần Ngự Xuống, trong Biến Cố Hiện Xuống khai sinh giáo hội) là một Thánh Thi dâng lên Chúa Thánh Thần.  Thánh Thi đó như sau:

Lúc nầy đây, lạy Thần Linh cực Thánh, dủ tình thương ngự đến tâm hồn, cùng Chúa Cha và hợp với Chúa Con, tỏa bao la rạng ngời muôn ánh sáng.  Ðể chúng con, trong lòng như ngoài miệng, trót cuộc đời cùng trót cả tấm thân, Bừng cháy lên lửa yêu Chúa vô ngần, mà sưởi ấm tha nhân bằng thương mến.  Xin nhận lời muôn lạy Chúa toàn năng, cậy nhờ Ðức Kitô Con Một Chúa, Ðấng trị vì cùng với Chúa Thánh Thần, tự ngàn xưa tới muôn đời muôn thuở.  Amen.

Còn có lời Kinh đầy ý nghĩa khác được Giáo Hội dùng trong những cử hành long trọng.  Ðó là kinh Veni Creator, Spiritus.  Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng Sáng Tạo, xin hãy ngự đến.

Trong lời kinh nầy, Giáo Hội hướng về Chúa Thánh Thần, Ðấng Sáng Tạo, Creator.  Và thật vậy, Chúa Thánh Thần đều có mặt và tác động trong hai công cuộc sáng tạo.  Công cuộc sáng tạo lần thứ nhất, sáng tạo vũ trụ và con người, như được nhắc đến nơi những dòng đầu tiên của Sách Sáng Thế; và Ngài hiện diện và tác động trong công cuộc sáng tạo lần thứ hai, được bắt đầu với Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, trong cung lòng Mẹ Maria, cho đến khi hoàn tất nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta hãy dành những phút hồi tâm chiêm ngắm sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong công cuộc sáng tạo thứ nhất, lúc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người.  Ðó là giây phút quan trọng nhất, được linh ứng cho tác giả sách Sáng Thế để ghi lại nơi những câu đầu tiên của sách Sáng Thế như sau:  Khởi thủy Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất.  Ðất thời trống không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang.  Và Thần Khí là là trên mặt nước. (STK 1,1-2).

Câu Kinh Thánh diễn tả sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần nơi công cuộc tạo dựng đầu tiên là câu: “Thần Khí là là trên mặt nước.”  Nguyên ngữ Do Thái được dùng nơi đây là: RUAH, và có thể được chuyển dịch theo hai từ hai nghĩa: Là Gió, là Hơi Thở, là Thần Khí, là Thần Khí của Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, mạc khải của Cựu Ước về Thiên Chúa Ba Ngôi nói chung và về Chúa Thánh Thần nói riêng, chưa được rõ ràng.  Chúng ta chỉ có được mạc khải rõ ràng về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Thánh Thần, nhờ qua mạc khải của Chúa Giêsu Kitô trong Tân Ước.  Nhưng những gì được linh ứng để nói ra nơi Cựu Ước, đều có hàm chứa những dấu chỉ, những ý nghĩa cho phép ta hiểu trước về thực tại được mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Giêsu Kitô.  Các nhà chú giải ngày nay, gần như đa số, đều công nhận những câu đầu tiên của Sách Sáng Thế có hàm chứa ý nghĩa nói đến sự hiện diện tích cực của Chúa Thánh Thần trong công cuộc tạo dựng lần thứ nhất.  Vì thế các nhà chú giải và dịch giả Kinh Thánh không dùng từ “Luồng Gió Mạnh” mà dùng từ rõ ràng hơn là Thần Khí, hay Thánh Thần của Thiên Chúa.  Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo.  Ðấng ban sự sống, Ngài hiện diện và tác động để vạn vật vũ trụ nầy được sinh động trong trật tự, được lãnh nhận và phản ánh vinh quang Thiên Chúa.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta được nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi mọi tạo vật.  Ngài đã hiện diện và tác động ở đó trước chúng ta, trước khi chúng ta hiện hữu.  Xin Ngài giúp chúng ta được nhìn thấy Ngài và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa.

Sáng Danh Cha và Sáng Danh Con, Sáng Danh cả Thánh Linh Thiên Chúa.  Từ muôn đời và chính hiện nay. Và luôn mãi thiên thu vạn đại. Amen.

Veritas

RA ĐI THA THỨ

509Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức.  Ta như người lãnh nhận một cách thụ động.  Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta.  Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại.  Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới.  Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào.  Người như luồng gió cường tráng.  Người như ngọn lửa bừng bừng.  Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới.  Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động.  Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”  Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động.  Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa.  Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn.  Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy.  Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát.  Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình.  Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người.  Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi.  Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm.  Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ.  Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến.  Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19).  Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ.  Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi.  Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát.  Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha.”  Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới.  Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày.  Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc.  Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào.  Người ta không thể sống một mình.  Mỗi người đều cần đến người khác.  Sống chung với nhau là một nhu cầu.  Vì thế, việc tha thứ, hòa giải là vô cùng cần thiết.  Hòa giải hệ tại ở hai động tác: Xin lỗi và tha lỗi.  Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái.  Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi.  Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn.  Chính vì thế, việc hòa giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói.  Người là tấm gương sáng về sự ra đi.  Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi.  Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước.  Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ.  Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người.  Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội.  Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ.  Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội.  Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hòa với mọi người.  Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha.  Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa.  Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ.  Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa.  Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn.  Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người.  Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

KHÔNG CHẠY THEO ĐÁM ĐÔNG

 

Trong Phúc âm, từ “đám đông” gần như luôn luôn được sử dụng với ngụ ý chê bai, thường xuyên đến mức lúc nào nhắc tới nó thì bạn liên tưởng đến tính từ “vô tâm”.

Đám đông không có tâm trí.  Họ được châm ngòi và thôi thúc bởi bất kỳ loại năng lượng gì đang phổ biến, đang phóng đại, thói thời thượng, 508đua đòi theo ý thức hệ, hay trong cơn cuồng loạn.  Trong Phúc âm, loại năng lượng này được gọi là “sự kinh ngạc.”  Rất nhiều trường hợp khi Chúa Giê-su nói hoặc làm điều gì gây ngạc nhiên cho đám đông, thì hầu như bao giờ cũng có câu này theo sau: “Và đám đông kinh ngạc.”  Hiếm khi đó là một điều hay.

Tại sao?  Có vấn đề gì sai trái hay nguy hiểm về năng-lượng-đám-đông này?

Năng-lượng-đám-đông nguy hiểm bởi vì, trong hầu hết mọi trường hợp, nó không suy nghĩ.  Nó chỉ đơn thuần là dẫn và truyền đi năng lượng chứ không suy xét và chuyển hóa năng lượng.  Một hình ảnh minh họa thích hợp cho năng-lượng-đám-đông, sự kinh ngạc theo nghĩa trong kinh thánh, là sợi dây điện.  Sợi dây điện đơn thuần là để tải năng lượng đi qua.  Nó không phân biệt loại năng lượng đó tốt lành hay có tính hủy diệt.  Nó là vật dẫn thuần túy.  Bất cứ cái gì đi vào thì chính cái đó đi ra.

Các đám đông có xu hướng hành xử giống nhau.  Họ để năng lượng đi qua mình mà không phân biệt và suy xét năng lượng đó tốt hay xấu.  Ví dụ, chúng ta thường nói bị/được cuốn theo vào một loại năng lượng nào đó.  Đôi khi đó là năng lượng tốt, khi đám đông được cuốn theo một loại năng lượng tích cực, giúp xây dựng cộng đồng.  Ví dụ, trong mấy tuần qua, dân chúng trên thế giới cuốn theo cuộc giải cứu những người thợ mỏ bị mắc kẹt dưới hầm mỏ ở Chi-lê, và năng lượng chung đó đã giúp tạo ra một cộng đồng xuyên qua ranh giới các quốc gia, sắc tộc, tôn giáo và chính trị.  Chúng ta cũng thấy hầu hết các năng-lượng-đám-đông tích cực xung quanh các sự kiện thể thao chẳng hạn như Giải Vô địch Bóng đá Thế giới World Cup, giải Vô địch Bóng chày Thế giới World Series of Baseball, hay nhiều giải quần vợt.

Nhưng hầu hết năng lượng của đám đông mang tính cách tiêu cực, năng lượng của ý thức hệ, của chủ nghĩa nguyên giáo, phân biệt chủng tộc, thói thời thượng, và sự phóng đại.  Năng-lượng-đám-đông là năng lượng thúc đẩy cưỡng bức tập thể.  Đó cũng là năng lượng đằng sau việc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá.  Vấn đề sáng tỏ khi nhìn đám đông đó trước và trong cuộc đóng đinh trên thập giá. Năm ngày trước khi bị đóng đinh, Chúa Giê-su bước vào thành Jerusalem và đám đông cuồng nhiệt hô vang lời tán tụng, muốn tôn người lên làm vua của họ.  Năm ngày sau, hầu như chẳng có gì thay đổi, cũng cùng đám đông đó la hét: “Đóng đinh hắn vào thập giá!  Đóng đinh hắn vào thập giá!”  Đám đông hay thay đổi vì đám đông không suy nghĩ.  Họ chỉ đơn thuần truyền tải bất cứ năng lượng gì đang bao phủ họ.

Phúc âm kể câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình và bị đám đông nhiệt tình dẫn đến gặp Chúa Giê-su, ở đây chúng ta thấy một minh họa trọn vẹn nhất cho loại năng lượng không suy xét, nguy hiểm của đám đông tương phản với loại năng lượng có suy xét của cá nhân.  Câu chuyện kể đám đông dẫn người phụ nữ tới trước mặt Chúa Giê-su và yêu cầu Ngài phải đồng ý với họ về mặt luân lý rằng phải ném đá bà ta cho đến chết.  Nhưng Giê-su, với lời thách thức nổi tiếng, bảo họ rằng: “Ai thấy mình không có tội thì ném trước.”  Phản ứng của họ là: “Họ bỏ đi, từng người một, đầu tiên là người lớn tuổi nhất.”  Một đám đông vô tâm, bị cuốn theo cơn bốc đồng về luân lý, đã đem người phụ nữ tới trước mặt Chúa Giê-su.  Nhưng họ bỏ đi với tư cách cá nhân, từng người một, không còn bị cuốn đi trong cơn bốc đồng kinh ngạc đó nữa.

Tuy nhiên, cần phân biệt hết sức rõ ràng giữa kinh ngạc với ngưỡng mộ (wonder) và thán phục (awe). Ngưỡng mộ và thán phục là phản đề của kinh ngạc.  Trong kinh ngạc, năng lượng chảy xuyên qua bạn. Trong ngưỡng mộ và thán phục, năng lượng làm bạn sững sờ, tê liệt, và giữ chặt bạn lại.  Danh hài George Carlin châm biếm một cách sắc sảo về sự khác biệt này:  Khi giải thích tại sao ông vốn nghi ngờ phần lớn những người “tái sinh”, Carlin đã châm chọc như sau – rất nhiều người biết đến lời nổi tiếng này: “Tôi không tin những người tái sinh vì họ nói quá nhiều.  Khi tôi sinh ra tôi choáng váng tới mức không thể nào nói được gì trong hai năm liền!  Khi một người có một trải nghiệm tâm linh đủ mạnh mẽ để khiến họ im bặt trong vài năm, thì tôi mới tin họ!”

Có một thách thức trong những lời đó: Hãy ý thức về loại năng lượng phát ra từ đám đông.  Hãy ý thức về các thói thời thượng.  Hãy ý thức về mọi thể loại cường điệu.  Hãy ý thức về những người cổ vũ cho cả phe tự do lẫn phe bảo thủ.  Hãy ý thức về bất cứ đám đông nào muốn ném đá một ai đó cho tới chết nhân danh Chúa.

Hãy nghĩ lại tất cả những lần đóng đinh người khác trên thập giá mà bạn đã tham gia, và hãy nhớ lại, sau đó, khi tỉnh táo và nhìn nhận rõ ràng trong một bầu không khí khác, bạn đã tự hỏi mình:  Làm sao mình lại có thể sai lầm đến vậy?  Tàn nhẫn đến vậy?  Ngu dại đến vậy?  Hãy đọc lại những câu chuyện trên báo chí và trên internet về những thanh niên có tâm tốt, đàng hoàng, bị cuốn theo năng lượng đám đông, đã tấn công qua mạng (cyber-bully) một người nào đó đến mức người đó phải tự vẫn.  Hãy suy nghĩ, trong mỗi trường hợp, nhiều người có trách nhiệm cuối cùng đã bỏ đi như thế nào, từng người một, tỉnh táo hơn nhiều và suy xét chín chắn hơn nhiều so với khi họ bị cuốn đi trong năng lượng vô tâm của đám đông.

Sau đó, có lẽ, một cách nhẹ nhàng hơn, bạn hãy bày ra những bức ảnh cũ chụp các kiểu tóc, kiểu áo quần của bạn qua nhiều năm, thì bạn sẽ có tất cả những lời nhắc nhở cần thiết rằng năng lượng của phút giây đó dễ thay đổi và vô tâm đến như thế nào.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

THÁNG HOA ĐỨC MẸ

507Là người Công giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức Mẹ.

Khi ngàn hoa xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời.  Những điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:

“Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật thà.  Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc.  Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ diễm phúc.  Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.

– Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần.  Đây muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng.  Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời.  Để đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.

– Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về.  Vang ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi.  Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh nhan Mẹ.  Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời”.

Nếu có ai tự hỏi:  Tháng Hoa có từ đời nào?  Do ai khởi xướng?  Gốc tích như thế này:  Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.  Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên.  Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh.”  Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.  Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh.  Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ.  Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.  Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công.  Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

– Đức Giáo hoàng Piô 12, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

– Đức giáo hoàng Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết:“Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.  Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Dictionary of Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236).

Một câu truyện cũ đáng cho ta suy nghĩ:

            Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi.  Năm ấy đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

            Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

            Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người tặng là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

            – Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

            Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

            – Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

            Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.  (Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hy sinh, đau khổ, bệnh nạn… chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa?  Vì Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.

Thánh Bênado diễn tả văn vẻ hơn: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã.  Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ.  Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng.  Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ”.

Lm. Đoàn Quang, CMC

NS.TTDM tháng 5-08 trg 4

 

VÀO ĐỜI ĐỂ VỀ TRỜI

506Ai cũng muốn “về trời”, nhưng không phải ai cũng thật lòng muốn “vào đời.”  Phải thực sự can đảm mới đủ sức dấn thân vào đời, vì trách nhiệm nhiều mà đau khổ cũng chẳng ít.  Nhưng phải VÀO ĐỜI rồi mới có thể VỀ TRỜI với Đức Giêsu Kitô.  Chính Ngài cũng đã vào đời và chịu nhiều đau khổ, thậm chí còn phải chết trên Thập Giá.

Là những người đi theo Ngài, chúng ta cũng không thể đi lối tắt hoặc đường khác mà về trời.  Chắc chắn như thế!  Thật vậy, trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài bảo chúng ta phải vào đời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Tuy nhiên, chúng ta không lẻ loi hoặc đơn độc, vì Ngài hứa chắc: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).  Hơn nữa, chính Đấng Bảo Trợ là Thần Chân Lý sẽ dạy chúng ta những điều phải làm (x. Ga 14:26).  Cứ an tâm mà vào đời!

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã dạy bảo các Tông Đồ mà Ngài đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần.  Ngài còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Ngài vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình.  Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà họ đã nghe Ngài nói tới, đó là: “Ông Gioan làm phép rửa bằng nước, còn họ sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:5).

Đã có những người “vô tư” hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?”  Nhưng Ngài đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8).  Thời đó, người ta cứ tưởng Chúa Giêsu là một chính trị gia có thể đảo chính để cướp chính quyền mà khôi phục quốc gia Ít-ra-en.  Nhưng ai cũng lầm, vì có lần Ngài đã xác định trước mặt tổng trấn Phi-la-tô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36).

Sau 40 ngày sống lại, Chúa Giêsu căn dặn xong, Ngài được cất lên ngay trước mặt các tông đồ, và rồi có đám mây quyện lấy Ngài, khiến họ không còn thấy Người nữa.  Đang lúc các ông còn đăm đăm ngước lên trời, nhìn theo phía Ngài đi, bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời?  Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1:11).

Lên trời là một hiện tượng vô cùng lạ, các ông ngạc nhiên là điều tất yếu.  Lên trời ở đây là “về trời” chứ không phải lên trời du lịch một thời gian, cũng chẳng phải như Chú Cuội bám gốc đa bay lên cung trăng, hoặc như Táo quân cưỡi cá chép bay lên trời.  Đó chỉ là huyền thoại.  Lại càng không phải như các phi hành gia bay lên cung trăng bằng phi thuyền.  Đó chỉ là dạng lên trời không chính thức, họ lên trời nhưng không thể sống được nếu không có bình dưỡng khí.  Phải trở lại đất cho nhanh, kẻo hết dưỡng khí là chết.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13).

Chúa Giêsu lên trời là sự kiện vô cùng kỳ lạ.  Các ông đã từng ngơ ngẩn khi thấy Thầy Giêsu bị người ta giết chết, tưởng thế là hết, nào ngờ Thầy phục sinh.  Hạnh phúc tràn ngập.  Nay các ông lại càng ngơ ngẩn hơn vì Thầy đi rồi, còn lâu Thầy mới trở lại, tiếc hùi hụi, nhớ ngẩn ngơ, nhưng chắc chắn các ông phải vào đời.  Và mỗi chúng ta ngày nay cũng vậy, ai cũng phải vào đời để hy vọng và mong chờ ngày về trời.

Cuộc chia tay nào cũng có phần lưu luyến, thường buồn hơn vui, nhưng khi Chúa Giêsu chia tay lại không buồn vời vợi mà lại tràn đầy niềm hy vọng.  Ngài về trời là dấu chỉ cho biết chắc chắn chúng ta cũng được về trời.  Vậy là vui chứ không buồn.  Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!  Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!  Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu” (Tv 47:2-3).

Chúa Giêsu thăng thiên, Ngài về trời, nơi Ngài đã xuất phát, chúng ta vui mừng khôn tả, tác giả Thánh Vịnh mô tả là “rộn rã tiếng hò reo, vang dội tiếng tù và, đàn ca kính mừng Ngài.”  Nhưng cuộc sống đôi khi không êm đềm như thảm lụa, nên chúng ta luôn phải tiếp tục động viên nhau: “Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.  Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả” (Tv 47:8-9).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Đó không chỉ là lời căn dặn, là lời người ra đi, mà còn là mệnh lệnh – tức là điều phải thực hiện bằng mọi giá.  Ngài vừa hứa hẹn vừa cảnh báo: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16:16).  Đó là hệ lụy tất yếu chứ không là sự hù dọa.

Đức tin rất quan trọng, tạo nên sức mạnh vô song, tạo nên điều kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của loài người.  Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác nhận: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.  Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc cũng chẳng sao.  Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:17-18).  Thực tế cũng đã và đang có những người làm được như vậy, đó là tặng phẩm mà Thiên Chúa trao cho ai thì người đó phải biết sử dụng hợp lý.  Ai cũng có một tặng phẩm, người được tặng phẩm này, kẻ được tặng phẩm khác, có người được hai hoặc ba tặng phẩm, cũng như kẻ được một nén, ba nén, năm nén, nhưng dù nhiều hay ít cũng chỉ là để làm sáng danh Thiên Chúa, chứ không phải để cậy mình hoặc nhắm tư lợi nào đó.

Thánh sử Mác-cô cho biết: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.  Còn các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20).  Rõ ràng, Chúa Giêsu về trời rồi thì các ông đã vào đời, làm chứng về Đức Giêsu Kitô “ba-trong-một”, với ba sự kiện: Chịu chết trên Thập Giá, phục sinh và lên trời.

Vào đời như thế nào?  Thánh Phaolô cho biết về phong cách vào đời: “Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.  Được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.  Được ơn phục vụ thì phải phục vụ.  Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo.  Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn.  Ai phân phát thì phải chân thành.  Ai chủ toạ thì phải có nhiệt tâm.  Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12:6-8).  Mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi hoàn cảnh và trình độ khác nhau, mỗi người là một các chi thể khác nhau nhưng vẫn chung một Nhiệm Thể Đức Kitô.  Tất cả các chi thể phải đồng tâm nhất trí, cùng hợp lại để phát triển Nhiệm Thể Thánh.

Thánh Phaolô nói thêm về phong cách vào đời: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.  Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.  Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.  Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12:9-13).  Được vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta, và Thiên Chúa cũng vui mừng vì Ngài được tôn vinh nơi chính mỗi người chúng ta.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết “ái mộ những sự trên trời” bằng cách sống nhân bản, nên hoàn thiện hàng ngày, chứng tỏ sự sống dồi dào của Đức Kitô qua việc thể hiện lòng thương xót với mọi người, nhất là đối với những người hèn mọn.  Xin Đức Maria và Đức Thánh Giuse hướng dẫn chúng con biết đi đúng lối về trời và đưa chúng con đến đích thật.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trầm Thiên Thu

CHỨNG TỪ VÀ VIỆC RAO GIẢNG

Một vị tuyên uý quân đội người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một thánh lễ tại một giáo đường ở Châu Âu.  Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về đức tin công giáo của bạn; Đừng xấu hổ khi phải công khai tuyên xưng nó.

Sau thánh lễ, một lính thủy do rất xúc động vì bài giảng đã chận vị tuyên uý ngay trước cửa giáo đường và hỏi: “Thưa cha, cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?”  Vị tuyên uý trả lời: “Tôi rất sung sướng được nghe anh xưng tội.”  Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường.  Vị tuyên uý vội nói: “Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!”  Chàng lính thủy đáp lại: “Kệ họ, thưa cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con.”

*********************************

Tinh thần làm chứng nhân của anh lính thủy quả là hơi “quá” nhiệt tình, nhưng chắc chắn anh đã có một ý nghĩ đúng đắn.  Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ “Các ngươi sẽ làm chứng cho Ta đến tận cùng trái đất.”  Lệnh truyền của Chúa Giêsu bao hàm tất cả chúng ta, qua Bí Tích Rửa tội, Thêm sức, tất cả chúng ta 505đều được kêu gọi làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.  Nhưng Bí tích Rửa tội và Thêm sức còn đòi hỏi chúng ta đi xa hơn, chúng yêu cầu chúng ta nhiều hơn nữa.  Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy công bố Tin Mừng cho mọi tạo vật.”  Đó cũng là điều mà tất cả chúng ta phải thi hành.

Việc công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu không dành riêng cho các linh mục hay các tu sĩ.  Đó là bổn phận mà tất cả chúng ta đều phải thực hiện sau khi đã nhận lãnh phép Rửa tội và Thêm sức.  Điều này gợi lên một vấn nạn: Một người trung bình có thể rao giảng như thế nào về Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay?

Tôi xin chia sẻ với quí vị câu chuyện nói về cách thế mà một người đã dùng để trả lời cho câu hỏi ấy.

Ruddell Norris là một chàng trai cần mẫn.  Chỉ tội chàng ta nhút nhát.  Nói chuyện với kẻ khác chàng đã thấy là khó khăn rồi, huống chi phải bàn chuyện tôn giáo với họ.  Thế rồi một ngày kia chàng nảy ra một ý kiến.  Ruddell đọc sách khá nhiều và chàng biết có nhiều cuốn sách nói về đức tin công giáo.  Vì vậy chàng quyết định dành riêng một phần tiền tiết kiệm hàng tuần để mua những cuốn sách ấy.  Ruddel để những cuốn sách ấy ở những nơi mà chàng nghĩ người ta thường cầm chúng lên đọc.  Chẳng hạn, ở những phòng chờ đợi và tiếp khách.

Một hôm, một thiếu phụ vốn là bạn của gia đình chàng kể cho cha mẹ chàng biết cô ấy đã trở lại đạo thế nào và chồng cô đã trở về với Giáo hội thế nào.  Cô nói: “Tất cả bắt đầu do một quyển sách nhỏ mà tôi đã tìm thấy tại phòng chờ đợi ở bệnh viện.”  Anh chị em có thể tưởng tượng được chàng trai đã phấn khởi biết bao khi biết được tầm ảnh hưỏng mà chỉ một trong những tập sách nhỏ của chàng đã tạo ra.

 *********************************

Câu chuyện của Ruddell Morris nhấn mạnh một điều quan trọng trong việc công bố Tin Mừng:  Có nhiều cách để công bố Tin Mừng.  Chúng ta có thể công bố một cách trực tiếp như Ruddell đã làm.  Hoặc “công bố” một cách gián tiếp, chẳng hạn bằng lời cầu nguyện hoặc giúp đỡ tài chính cho các hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

Lễ Thăng Thiên là một trong những lễ quan trọng nhất của toàn năm phụng vụ.  Đó chính là lý do khiến chúng ta mừng lễ Thăng Thiên với hình ảnh chuyền gậy từ vận động viên này tới vận động viên khác trong một số cuộc chạy đua tiếp sức.

Cũng ngay này, cách đây hơn 2000 năm, Đức Giêsu đã chuyền chiếc gậy tượng trưng công việc của Ngài cho các môn đệ để các môn đệ tiếp tục chuyền đi.  Chúng ta có thể tiếp tục công việc ấy bằng cách làm chứng cho đức tin của mình như anh lính thủy kia đã làm và công bố đức tin ấy cho kẻ khác như Ruddell đã làm.  Đây là một trách nhiệm hai mặt mà lễ Thăng Thiên đặt ra cho chúng ta.  Mỗi người chúng ta phải chu toàn trách nhiệm này theo cách thức mà Chúa Thánh Thần linh ứng cho từng người.

Để kết thúc, chúng ta hãy nhắc lại những lời Đức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ Ngài trong bài giảng trên núi.  Chúng có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta trong ánh sáng của ngày lễ hôm nay.

Các con là muối ướp cho mọi người, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì làm cho nó mặn lại được, nó trở thành vô dụng, chỉ còn nước ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

Các con là ánh sáng cho toàn thế giới, là một thành phố xây trên một ngọn đồi nên không thể giấu được….

Cũng thế, ánh sáng các con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5: 13-16)

Cha Mark Link, S.J.

http://www.nguoitinhuu.org

TÌNH MẪU TỬ

504–   Anh về ngay đi, em hết chịu nổi rồi, mẹ anh phiền thật.

–   Uhm, mẹ anh phiền thật, bây giờ anh đang có cuộc họp quan trọng, tối về anh sẽ giải quyết nha em.

Tiếng đầu dây bên kia dập máy nghe có vẻ rất tức tối, anh buông thõng người ra sau ghế, ở bên kia cô nhìn ra phía cửa như đang cố nuốt trôi một cái gì đó vào mình.

–   Anh nhìn đi, đó, đây này, hôm nay em sắp, ngày mai em xếp, cứ một người dọn, một người lại bày ra như vậy, ai mà chịu nổi.  Em sắp điên rồi đây.  Cô vò đầu trong 1 trạng thái vô cùng tức giận, anh lại gần cô, lấy tay xoa xoa hai bờ vai gầy gầy, cô hất chúng ra.

–  Em vào đây – Anh nhẹ nhàng nắm lấy tay cô kéo vào phòng, khép hờ cửa, anh lấy xuống một chiếc hộp được đặt trên nóc tủ, lấy tay phủi nhẹ, anh nhìn cô mỉm cười.

–  Mẹ phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé, còn bây giờ để anh cho em biết mẹ chúng ta phiền đến mức nào.

Anh mở chiếc hộp ra, bên trong là một xấp hình, anh lấy ra một tấm đã cũ, nhưng chẳng hề dính tí bụi nào, cô tò mò nhìn vào tấm ảnh.

–   Em thấy không, đây là tấm hình mà Dì anh đã chụp lúc anh sinh ra, Dì kể vì mẹ yếu nên sinh lâu lắm, mà sinh lâu chắc là đau lâu em nhỉ, mà mẹ phiền thật, cứ la hét ầm ĩ cả lên, ai mà chẳng sinh.  Dì còn nói, mẹ yếu lắm, nếu cứ cố sinh thì sẽ nguy hiểm cho người mẹ, bác sĩ đã nói như vậy rồi, vậy mà mẹ vẫn cố cãi: “Không, con tôi phải ra đời, tôi phải sinh,” mẹ anh phiền thật đó.

Cô nhìn tấm hình, bàn tay cô nhẹ bổng, rồi cô nhìn anh, trong mắt anh chứa một điều gì đó rất lạ.  Anh cẩn thận bỏ tấm hình đó qua một bên, lấy một tấm khác cho cô xem.

–   Em nhìn nè, đây là bức ảnh chụp lần đầu tiên anh bú mẹ, anh chẳng thấy ai phiền như mẹ cả.  Bà nội, bà ngoại nói cả rồi, mẹ yếu, không đủ sữa để cho anh, uống sữa bình đi, ở đó mà dưỡng sức, nhưng một hai cứ khư khư giữ anh vào lòng: “Không, con con nhẹ cân, phải bú sữa mẹ mới tốt.”  Ai nói gì cũng cãi em nhỉ, nếu không anh được uống sữa bình rồi, sữa bình phải ngon hơn chứ, mẹ anh phiền thật.

Bàn tay cô run run, cô thấy ánh mắt của người mẹ trong bức ảnh ánh lên vẻ rất hạnh phúc, hai bàn tay cô ta cứ giữ chặt đứa bé.  Cô nhìn anh không nói gì cả.

–   Còn nữa đây này – Anh lại lôi ra một tấm khác nhìn vào đó.

–   Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, con nít hơn một năm ai chẳng chập chững biết đi, mẹ cứ làm như chỉ có con mẹ mới làm được điều đó không bằng.  Ba kể mẹ cứ gặp ai là cũng hí hởn khoe: “Thằng cu Tin nhà tôi đi được rồi, nó biết đi rồi đó.”  Bộ mẹ không thấy phiền hay sao em nhỉ? – Bờ môi cô như muốn nói một cái gì đó nhưng cổ họng thì ứ nghẹn lại, bức ảnh đứa trẻ con chập chững đi về phía mẹ trong tấm hình, cô nhìn mãi.  Ba còn kể, từ ngày anh bắt đầu bi bô tập nói rồi gọi được tiếng mẹ là nguyên những ngày sau là một chuỗi điệp khúc”: Cu Tin gọi mẹ đi, gọi mẹ đi cu Tin,” mẹ phiền quá đi mẹ à, anh mỉm cười xoa nhẹ vào bức ảnh, mắt anh đang long lanh thì phải.

–   Đây nữa, đây nữa này – Anh lôi ra nguyên một xấp, nhiều lắm, rất nhiều ảnh – Em thấy mẹ anh phiền ghê chưa, chụp làm gì mà lắm ảnh vậy không biết, lần đầu tiên anh vào mẫu giáo, có phiếu bé ngoan, rồi tiểu học, trung học, nhận bằng khen, em coi đi, đủ trò trên đời, coi hình của anh có mà đến tết mới xong, anh phì cười, “mẹ anh phiền nhỉ?”

Cô nhìn anh, anh không cười nữa, anh cầm một tấm hình lên nhìn vào đó rất lâu, cô thấy nó, một tấm hình rất đẹp, anh rất đẹp trong bộ áo tốt nghiệp cử nhân, anh lúc đó trông điển trai quá, cao ráo, nhưng…

–   Em có thấy không?  Tóc mẹ anh đó, rối em nhỉ?  Còn áo quần nữa này, cũ mèm…-  Cô nghe thấy giọng anh trở nên khác đi, không đều đều như lúc ban đầu nữa, đứt quãng.  Cô nắm lấy tay anh.

–   Năm 15 tuổi, ba bỏ mẹ con anh lại, rồi lúc đó, mọi thứ trong nhà trở nên không có điểm tựa, anh đi học, mẹ bắt anh phải học…  Em không biết đâu, anh xin nghỉ nhưng mẹ không cho, phiền như vậy chứ.   Mẹ cứ sáng sớm đi phụ quán cơm cho người ta, trưa ăn một chén cơm thừa trong quán để dư tiền cho anh học thêm ngoại ngữ, rồi chiều đến chạy đi giặt đồ cho những bà mẹ không phiền khác, để họ đi mua sắm, cà phê, giải trí…-  Giọng anh lạc hẳn – Còn nữa em ạ, tối đến mẹ lại tiếp tục đi làm lao công đường phố, sáng sớm mới về chợp mắt được một tí thôi, vậy đó…  Em thấy mẹ anh khỏe không?

“Tách”, một giọt nước rơi xuống trên tấm hình, mắt cô cũng nhòe đi, khác thật, một bà mẹ trẻ với gương mặt xinh đẹp lúc đứa con mới bi bô tập nói, và cũng với gương mặt phúc hậu đó nhưng giờ làn da đã nhăn đi, khuôn mặt gầy hẳn khi đứng cạnh cậu con trai lúc chuẩn bị ra trường.

–   Anh à – Bàn tay cô nắm lấy bàn tay run run của anh.

–   Em có thấy tay mẹ rất yếu không, anh chẳng bao giờ kể em nghe nhỉ.  Khi năm tuổi, anh đùa nghịch chạy nhảy lung tung, lúc đuổi bắt cùng cô nhóc hàng xóm anh đã trượt chân ngã từ cầu thang xuống. Lúc đó, anh chẳng thấy đau một chút nào cả, chỉ nghe một tiếng kêu rất thân quen, em có đoán được không, anh đang nằm trên một thân thể rất quen… mẹ anh đó. – Cô sững người lại, nước mắt cô trào ra, rơi xuống ướt đẫm tay anh.

–   Em à, mẹ anh phiền vậy đó, phiền từ khi anh chuẩn bị lọt lòng cho đến khi anh gần đón đứa con đầu tiên của mình, chưa hết đâu, mẹ sẽ còn phiền cả đời em ạ, bây giờ lớn rồi mẹ vẫn cứ lẽo đẽo theo anh dặn đủ thứ em không thấy sao, cơm phải ăn ba chén, đi xe phải chậm thôi, đừng có mà thức khuya quá. Mẹ anh phiền thật, ngày mai mình đưa mẹ đến viện dưỡng lão em nhé.

“Anh”, cô ôm chặt lấy anh, cô òa khóc nức nở, “em xin lỗi”, anh ôm lấy cô vỗ về, vỗ về như ngày xưa anh vẫn thường được làm như vậy.

“Choang” – Anh và cô chạy nhanh xuống bếp.

–   Mẹ xin lỗi, mẹ nghe con thèm chè hạt sen nên mẹ đi nấu, nhưng…  Giọng mẹ run run không dám nhìn về phía trước, cúi người nhặt những mảnh vỡ vừa rơi.

–   Mẹ à – Cô chạy đến nắm lấy bàn tay xương xương của mẹ – Từ nay mẹ đừng phiền nữa nhé, để con phiền mẹ cho – Cô ôm chặt mẹ, nước mắt thấm đẫm vai áo mẹ, mẹ nhìn anh, anh nhìn cô trong lòng của mẹ.

“Mẹ đã không sinh lầm con và con cũng đã không chọn nhầm dâu cho mẹ, phải không ạ?”

Lung Việt (T.H)