CÁCH XA MỌI NGƯỜI MỘT TẦM QUĂNG ĐÁ

Chân lý tìm thấy chúng ta theo nhiều con đường khác nhau.  Đôi khi chúng ta biết được ý nghĩa điều gì đó không phải trong lớp học mà trong phòng bệnh viện.

Vài năm trước, tôi đến bệnh viện thăm một người sắp chết vì ung thư.  Ông sắp chết nhưng tinh thần vững, dù không có ai chết mà dễ dàng được.  Ông cảm thấy cô đơn tận cùng dù chung quanh ông toàn những người thương yêu thương ông sâu đậm.  Ông mô tả như sau: “Tôi có người vợ tuyệt vời và những đứa con tuyệt vời, rất nhiều người thân và bè bạn.  Gần như phút nào cũng có người nắm bàn tay tôi, nhưng… tôi vẫn cách xa mọi người một tầm quăng đá.  Tôi đang chết dần còn họ thì không.  Tôi đang bước vào một nơi mà họ không thể nào đến.  Đang chết dần, cô đơn một cách khủng khiếp.”

Ông đã mượn một câu trong Phúc âm thánh Luca, câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ ở vườn Giếtsêmani đêm trước khi chết.  Người mời họ cùng cầu nguyện với mình trong khi Người cố gắng chiến đấu để có sức mạnh đối diện với cái chết; nhưng, như thánh Luca nói thêm một cách khó hiểu, khi Người đổ mồ hôi máu, người cách xa họ “một tầm quăng đá.”

Z11Một tầm quăng đá thì cách bao xa?  Đủ xa để anh bị bỏ lại ở một nơi không ai có thể với tới.  Cũng như khi chúng ta sinh ra một mình từ lòng mẹ, chúng ta cũng sẽ rời trần gian này một mình.  Giêsu, cũng giống người đàn ông tôi vừa kể, cũng đối diện với cái chết, biết rằng mọi người thương yêu mình, nhưng ông cũng biết, một khi đứng trước cái chết, ông sẽ đi vào một nơi, ở đó ông cô độc, một mình.

Và việc nhấn mạnh tính chất một mình này thật sự là một trong những điểm chủ yếu trong các bài Thương Khó.  Khi mô tả cái chết của Chúa Giêsu, có lẽ hơn bất cứ điều gì, các Phúc âm muốn chúng ta tập trung chú ý tới sự cô độc của Người, việc Người bị bỏ rơi, cách xa tất cả mọi người một tầm quăng đá.

Tôi chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã xem bộ phim nổi tiếng Sự Thương Khó của Chúa Giêsu của Mel Gibson.  Mặc dù bộ phim chắc chắn là một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng, nhưng nó lại làm chúng ta xao lãng chứ không có ích xét về mặt giúp có thể hiểu được sự thương khó của Giêsu.  Tại sao vậy?  Vì bộ phim này quá nhấn mạnh tới nỗi đau đớn thể xác của Chúa Giêsu, chính là điều mà các Phúc âm không làm.  Đúng hơn, các Phúc âm cố tình giảm đi những gì Chúa Giêsu phải chịu về mặt thể xác vì muốn chúng ta tập trung chú ý vào một điều khác, đó là nỗi đau đớn về mặt tinh thần và tình cảm của Người, đặc biệt là cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn, không có một hỗ trợ sâu sắc nào của người chung quanh trong thời điểm cùng cực này của cuộc đời, và sự thiếu vắng này càng nặng nề hơn trước điều dường như là sự vắng mặt của Thiên Chúa.  Trong giờ khắc cô đơn nhất, Chúa Giêsu không có một người bạn tâm tình nào, không có một nguồn an ủi thiêng liêng nào.  Theo từ dùng của Gil Bailie, người là kẻ-vô-danh-tiểu-tốt.  Không còn cảm giác bị bỏ rơi nào sâu đậm hơn thế nữa.

Và chính trong nỗi cô độc thống thiết đó mà Chúa Giêsu đã tiếp tục hiến dâng với lòng tin tưởng, tình thương yêu, lòng vị tha, và đức tin.  Dễ dàng tin vào tình yêu khi chúng ta cảm thấy được thương yêu; dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi họ biết ơn chúng ta; và dễ dàng tin vào Chúa khi chúng ta cảm thấy sự hiện diện của Chúa một cách mạnh mẽ.  Điều khó khăn, “phép thử”, chỉ đến khi tình thương yêu của con người và niềm an ủi thiêng liêng đều sụp đổ, khi chúng ta thấy vây quanh mình là hiểu lầm, bỏ rơi, thất tín, căm thù và nghi kỵ, đặc biệt vào giờ phút cô đơn nhất của chúng ta, đúng vào giây phút cuộc đời tăm tối.  Lúc đó chúng ta đáp lại như thế nào?

Liệu tình thương yêu, lòng tin tưởng, lòng vị tha và đức tin trong tim chúng ta có sụp đổ không khi những trụ cột tình cảm thường khi vẫn chống đỡ chúng ta sụp đổ?  Liệu chúng ta có tha thứ cho kẻ đang làm chúng ta đau khổ khi người đó nghĩ chính chúng ta gây ra vấn đề?  Liệu chúng ta có tiếp tục yêu thương một người thù hận chúng ta hay không?  Liệu chúng ta có thể tiếp tục tin vào lòng tin tưởng khi bất cứ nơi nào xung quanh chúng ta đều nếm trải sự phản bội?  Liệu chúng ta có thể để cho đôi tay và trái tim của mình mở ra, kéo căng ra và đóng đinh trên thập giá được hay không khi chúng ta đang sợ hãi?  Liệu chúng ta có thể vẫn giữ đức tin nơi Chúa hay không khi mỗi một cảm xúc trong lòng đều nói rằng Chúa đã bỏ rơi ta?  Liệu chúng ta còn trao gửi linh hồn mình hay không khi cảm thấy tuyệt nhiên không có một hỗ trợ thiêng liêng hay của con người nào?  Trái tim chúng ta sẽ nằm ở đâu khi chúng ta cách xa mọi người “một tầm quăng đá”?

Chính điều đó, chứ không phải khả năng chịu đựng nhục hình đóng đinh, mới là phép thử thật sự bên trong sự thương khó của Chúa Giêsu.  Nỗi thống khổ của Chúa Giêsu ở Vườn Giếtsêmani không phải là đau khổ về chuyện để mình bị giết chết hay chuyện Người sẽ viện đến quyền năng thiêng liêng và thoát được.  Người ý thức mình sắp chết.  Câu hỏi đối với người, đúng hơn là, sẽ chết như thế nào: Liệu người có thể tiếp tục hiến mình cho Chúa và cho chân lý mà trước đó Người đã biết, trong khi bây giờ điều đó dường như đã bị mọi thứ xung quanh làm đảo ngược hoàn toàn?  Liệu người có thể giữ được lòng tin?  Linh hồn Người sẽ như thế nào khi Người trút linh hồn?  Linh hồn đó sẽ đầy lòng biết ơn hay chua chát?  Xả bỏ hay ôm mối thù?  Đầy thương yêu hay đầy thù hận?  Tín thác hay hoảng loạn?  Tràn đầy hy vọng hay tuyệt vọng?

Và đó cũng sẽ là phép thử của chúng ta vào giờ cuối.  Rồi một ngày mỗi một người trong chúng ta cũng sẽ phải “trút” linh hồn mình.  Trong lòng kẻ-vô-danh-tiểu-tốt lúc đó, trái tim chúng ta sẽ nồng ấm hay chua chát đây?

Rev. Ron Rolheiser, OMI

ĐƯỢC BIẾN HÌNH ĐỔI DẠNG

Ðức Giêsu mê những ngọn núi vắng vẻ, đó là nơi Ngài gặp gỡ Cha, chìm đắm trong cầu nguyện.

Có nhiều ngọn núi trong cuộc đời Ðức Giêsu: núi của Bài Giảng về các mối phúc, núi Tabo nơi Ngài biến hình, núi Sọ và núi Ô-liu nơi Chúa thăng thiên.

Những ngọn núi trở thành cột mốc đánh dấu.

Những ngọn núi đan vào nhau làm nên cuộc hành trình.

Z10Ba môn đệ thân tín được Ngài đưa lên núi Tabo, để củng cố niềm tin của họ, trước khi họ thấy Ngài như người bị Cha bỏ rơi và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.

Nhưng vinh quang của núi Tabo chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời, báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về Thiên Quốc.

Biến hình là một hành động của Thiên Chúa Cha.  Sau khi gặp Cha, Ðức Giêsu được Cha biến hình.  Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt, và đến cả y phục của Ngài.

Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất, nay được Cha hé mở cho các môn đệ.  Ông Môsê ngày xưa, sau khi lên núi gặp Ðức Chúa cũng đã phải che lại khuôn mặt chói lọi của mình.

Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.  Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.  Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình, như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá.

Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:  tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.  Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục.  Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (x. 2Cr 3, 18).  Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.

Ðời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.  Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.  Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ, đi cùng và đi sau Chúa Giêsu đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.

Ước gì chúng ta dám đón nhận những gai góc đời thường và nhìn mọi khổ đau bằng cái nhìn mới mẻ. Người Kitô hữu lên núi gặp Chúa để rồi được sai xuống núi hành đạo.  Nhưng xuống núi rồi, lại có khi thấy cần lên núi.

**************************************

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa
để nghe lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.  Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.

Trích trong “Manna”

 

LỊCH SỬ MÙA CHAY

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để cầu nguyện, sám hối, hy sinh và làm việc lành để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh.  Muốn canh tân phụng vụ Giáo hội, Hiến pháp về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II nói: “Hai yếu tố là đặc tính của mùa Chay – nhớ lại Bí tích Thánh Tẩy hoặc chuẩn bị cho Bí tích này, và sám hối – nên được nhấn mạnh trong phụng vụ và giáo lý.  Qua đó, Giáo hội chuẩn bị cho các tín hữu về việc cử hành lễ Phục sinh, trong khi họ lắng nghe Lời Chúa nhiều hơn và dành thời gian cầu nguyện nhiều hơn” (số 109).  Chữ Lent (mùa Chay) được rút ra từ chữ Lencten trong ngôn ngữ Anglo-Saxon, nghĩa là “mùa Xuân”, và Lenctentid không chỉ có nghĩa là “mùa Xuân” mà còn có nghĩa là “tháng Ba”, vì mùa Chay thường rơi vào tháng này.

Z9Từ thời Giáo hội sơ khai, có chứng cớ về mùa Chay để chuẩn bị lễ Phục sinh.  Chẳng hạn, Thánh Irênê (qua đời năm 203) đã viết cho Thánh Giáo hoàng Victor I, nói về việc cử hành lễ Phục sinh và sự khác nhau giữa hai việc cử hành này trong Giáo hội Đông phương và Tây phương: “Sự tranh luận không chỉ về ngày này, mà còn về đặc tính của việc ăn chay.  Một số người nghĩ rằng họ nên ăn chay một ngày, một số người nghĩ nên ăn chay hai ngày, một số người khác lại nghĩ nên ăn chay nhiều ngày hơn; một số người khác lại nghĩ nên ăn chay 40 giờ cuối cùng.  Sự khác nhau trong cách giữ luật như vậy đã không có nguồn gốc như ngày nay, mà rất khác trước, từ thời xa xưa” (Eusebius, Lịch sử Giáo hội, V, 24).  Khi Rufinus dịch đoạn văn này từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin, có dấu phẩy giữa số 40 và chữ “giờ” khiến ý nghĩa hóa thành 40 ngày, mỗi ngày 24 giờ.  Do đó, tầm quan trọng của đoạn văn vẫn là từ thời tổ tiên xa xưa – luôn được diễn tả là thời các tông đồ, và thời gian 40 ngày mùa Chay đã xuất hiện.  Tuy nhiên, việc thực hành thực sự và thời gian mùa Chay vẫn chưa tương ứng trong cả Giáo hội.

Mùa Chay trở nên phổ biến hơn sau khi Kitô giáo được công nhận năm 313 (sau công nguyên).  Công đồng Nicê (325), trong giáo luật ghi rằng hai công nghị nên được tổ chức hằng năm, “một công nghị trước 40 mùa Chay.”  Thánh Athanasiô (qua đời năm 373) trong các “Lễ Thư” (Festal Letters) kêu gọi giáo đoàn ăn chay 40 ngày trước khi ăn chay nghiêm ngặt hơn trong Tuần Thánh.  Thánh Cyril thành Giêrusalem (qua đời năm 386) nói trong các bài giảng giáo lý, ngày nay gọi là RCIA (Rite of Christian Initiation for Adults, nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn), trong đó có 18 điều hướng dẫn trước khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội được trao cho các tân tòng trong mùa Chay.  Thánh Cyril thành Alexandria (qua đời năm 444) viết trong một loạt “Lễ Thư” cũng cho biết rằng việc thực hành đó trong mùa Chay chú trọng thời gian 40 ngày ăn chay.  Cuối cùng, Thánh Giáo Hoàng Leo (qua đời năm 461) đã giảng rằng các tín hữu phải “hoàn tất việc ăn chay 40 theo luật”, đồng thời chú ý nguồn gốc mùa Chay.  Có thể kết luận rằng, vào cuối thế kỷ IV, thời gian 40 ngày ăn chay chuẩn bị lễ Phục sinh được coi là mùa Chay như ngày nay, cầu nguyện và ăn chay đã tạo nên các bài luyện tập tâm linh thời sơ khai.

Dĩ nhiên, con số 40 luôn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt quan tâm sự chuẩn bị.  Trên núi Hô-rép (núi Sinai), chuẩn bị nhận Mười Điều Răn, “Môsê ở đó với Đức Chúa 40 ngày và 40 đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, tức là Thập Điều” (Xh 34:28).  Êlia đi bộ “40 ngày và 40 đêm lên núi Hô-rép để gặp Thiên Chúa” (1 V 19:8).  Quan trọng nhất là Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện “40 ngày và 40 đêm” trong hoang địa trước khi Ngài công khai sứ vụ (Mt 4:2).

Khi 40 ngày chay được thiết lập, việc kế tiếp là quan tâm mức độ ăn chay.  Chẳng hạn, tại Giêrusalem, người ta ăn chay 40 ngày, các ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu trong tuần, nhưng không ăn chay vào thứ Bảy hoặc Chúa nhật, do đó mùa Chay kéo dài 8 tuần.  Tại Rôma và Tây phương, người ta ăn chay 6 tuần, các ngày từ thứ Hai tới thứ Bảy trong tuần, do đó mùa Chay kéo dài 6 tuần.  Cuối cùng, người ta ăn chay 6 ngày mỗi tuần trong 6 tuần, thứ Tư lễ Tro được thiết lập để tăng số ngày cho đủ 40 ngày trước lễ Phục sinh.  Luật ăn chay có khác nhau.

Thứ nhất, một số vùng kiêng cữ các loại thịt và các sản phẩm làm từ động vật, một số vùng loại trừ các thực phẩm như cá.  Chẳng hạn, Thánh Giáo hoàng Grêgôriô (qua đời năm 604), viết cho Thánh Augustine thành Canterbury, nói về quy luật này: “Chúng ta phải kiêng những đồ tươi như thịt, và các loại tươi khác như sữa, bơ và trứng.”

Thứ nhì, luật chung cho mọi người là mỗi ngày chỉ ăn một bữa, buổi tối hoặc lúc 3 giờ chiều.

Luật ăn chay trong mùa Chay cũng thay đổi.  Cuối cùng, được phép ăn nhẹ trong ngày để giữ sức khỏe mà làm việc.  Được phép ăn cá, và sau đó cũng được phép ăn thịt suốt tuần, trừ thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu.  Rồi được phép ăn các sản phẩm làm từ sữa, và cuối cùng luật này được hoàn toàn nới lỏng.  Tuy nhiên, kiêng cữ cả các sản phẩm sữa cũng dẫn đến việc ăn trứng Phục sinh và ăn bánh kẹp vào thứ Ba béo (Gras Mardi, Shrove Tuesday), trước thứ Tư lễ Tro.

Thời gian trôi qua, luật được thay đổi dần, thế nên ngày nay việc ăn chay không chỉ đơn giản mà còn quá dễ.  Thứ Tư lễ Tro vẫn là khởi điểm mùa Chay, từ đó kéo dài 40 ngày, không kể Chúa nhật.  Luật ăn chay và kiêng thịt ngày nay rất đơn giản: Chỉ giữ vào thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, các tín hữu ăn chay (một bữa no, hai bữa nhẹ) và kiêng thịt; còn các thứ Sáu khác trong mùa Chay chỉ phải kiêng thịt.  Giáo hội khuyến khích “từ khước cái gì đó” để hy sinh trong mùa Chay.  Có điều thú vị vào các Chúa Nhật và lễ trọng như lễ Thánh Giuse (19 tháng Ba) và lễ Truyền Tin (25 tháng Ba), người ta “được miễn trừ” và có thể tận hưởng bất cứ thứ gì phải kiêng trong mùa Chay.

Hãy hy sinh từ khước điều gì đó vì Chúa.  Làm thật lòng chứ đừng như người Pharisêu (giả hình) để được người ta “chú ý.”  Hãy chú trọng hoạt động tâm linh, như tham dự đi Đàng Thánh Giá, Thánh lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, xưng tội và rước lễ.  Hãy tập trung vào hoạt động mùa Chay: Sám hối, canh tân đời sống, thể hiện đức tin và chuẩn bị cử hành mầu nhiệm cứu độ.

Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ CatholicEducation.org)

DÃ THÚ

Một ngày nọ, lạc đà con nói chuyện với lạc đà mẹ như sau, “Mom! Tại sao bàn chân của mẹ con mình lại có 3 ngón chân to quá vậy?” Lạc đà mẹ trả lời, “Để chúng mình băng qua sa mạc cát mềm mà không bị lún chứ làm sao!” “Và tại sao chúng mình có bộ lông mi dài lượt thượt và nặng nề quá vậy?” “Để cát khỏi rơi vào mắt trên những hành trình dài trong sa mạc đó con!” “Và Mom, tại sao chúng mình lại phải mang những cái bướu quá bự trên lưng vậy?” Bây giờ thì lạc đà mẹ không còn kiên nhẫn nổi để trả lời những câu hỏi vớ vẩn của thằng con nữa, nhưng cũng cố trả lời, “Chúng nó giúp chúng mình dự trữ những chất béo cho những cuộc du hành dài, nhờ đó mà mẹ con mình không cần nước trong một thời gian rất lâu ở sa mạc!” “Đúng vậy, con biết rồi!” lạc đà con nói, “Chúng mình có ngón chân bự để không bị lún dưới cát, lông mi dài để tránh cát bụi khỏi rơi vào mắt, và những cái bướu trên lưng để chứa nước. Vậy thì, Mom! Tại sao chúng ta lại ở đây, trong cái sở thú của Toronto này?”

Đời sống văn minh hiện đại làm cho chúng ta có cảm giác giống như con lạc đà trong sở thú. Chúa ban cho ta khối óc để suy nghĩ, nhưng bây giờ đã có máy computer nghĩ hộ chúng ta rồi! Chúa ban cho ta con tim để yêu thương tha nhân, nhưng đã có những cơ quan từ thiện làm việc bác ái rồi! Đôi khi chúng ta cần đi vào trong “sa mạc” để khám phá lại chúng ta thực sự là ai? Mùa chay mời gọi chúng ta đi vào trong cái cảm nghiệm của loại “sa mạc” này.

Sa mạc hay hoang địa là nơi sinh trưởng của dân Thiên Chúa. Dân Do Thái, là những bộ lạc tản mác tha phương đã trốn thoát khỏi đất Ai cập trở về miền Đất Hứa như một quốc gia dưới quyền lực của Thiên Chúa. Chính ở trong sa mạc mà họ đã trở thành dân Thiên Chúa với lời giao ước. Trong dòng lịch sử, khi nào tình yêu và lòng trung thành của họ đối với Thiên Chúa trở nên lạnh nhạt, thì các tiên tri đề nghị họ trở về sa mạc để khám phá lại cái căn tính của mình là ai, giúp họ ý thức về ơn gọi và sứ mệnh của mình, làm thức tỉnh đức tin và củng cố sự liên hệ đã giao ước giữa họ với Thiên Chúa. Những đại tiên tri như Elijah và Gioan Tẩy giả là những vị tiên tri của sa mạc: họ sống trong sa mạc, ăn thức ăn sa mạc, và chấp nhận một lối sống đơn sơ và khắc nghiệt trong sa mạc. Sa mạc là trường đại học nơi Thiên Chúa dạy dỗ dân Ngài.

Z8Lời Chúa hôm nay trích từ Phúc âm của thánh Máccô. Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, “Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa, và Ngài ở đó suốt 40 đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú; và các thiên thần hầu hạ Ngài.” Phúc âm của Matthêu và Luca diễn tả quỷ dữ cám dỗ và thách thức Chúa Giêsu dùng quyền lực phục vụ cho nhu cầu riêng tư của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đã khước từ và nói, “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.” Còn Phúc âm của Máccô, thay vì diễn tả những chi tiết của sự cám dỗ, chỉ nói vắn tắt trong câu: “Sống chung với dã thú.” Dã thú là những con thú nào?

Theo các nhà tu đức thì những con dã thú đó không phải là những con dã thú ở bên ngoài chúng ta, nhưng ở trong lòng ta. Chúng là những con dã thú của bẩy mối tội đầu như kiêu ngạo, hà tiện, ghen tuông, giận dữ, dâm ô, mê ăn uống, và lười biếng hay nguội lạnh.

Những quyền lực này đè nặng trên chúng ta khi chúng ta quyết định làm bất cứ việc gì. Đời người giống như cuộc sống giữa sa mạc với đầy những “dã thú.” Chúng ta bị vây hãm xung quanh bởi một bên là những hoàn cảnh khó khăn, còn một bên là những cám dỗ mời gọi. Chúng ta cần sức mạnh để chống lại những thù nghịch, những gì đang tạo ra cho chúng ta một cảm giác an bình giả tạo. Hôm nay chúng ta thử đối diện với “những con dã thú” mà chúng ta thường xuyên phải chiến đấu trong đời sống tâm linh.

1. Sự ngã lòng
Nếu ví cuộc đời giống như sa mạc, nơi hoang địa với nhiều dã thú, khó khăn và chông gai, thì chúng ta cảm thấy phải chiến đấu thường xuyên và liên tục. Cuộc đời chất đầy những gánh nặng và đòi hỏi. Không bao giờ giải quyết hết các chuyện rắc rối. Lúc nào cũng có vấn đề. Nhưng chúng ta phải lưu ý rằng trong khi Chúa Giêsu sống với các dã thú thì Thánh Kinh nói rằng “các thiên thần hầu hạ Ngài.” Nói cách khác, Chúa Giêsu không cô đơn, một mình. Ngài đã chiến đấu với dã thú bằng sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa. Ngài có sức mạnh, tràn đầy sức mạnh. Sức mạnh của Thiên Chúa hướng dẫn: “Thánh Thần thúc đẩy Ngài vào hoang địa.” Chính Chúa Thánh Thần và các lực lượng thiên thần cũng sẽ hướng dẫn và gia tăng sức mạnh cho chúng ta chiến đấu kiên trì với những khó khăn và cám dỗ trong cuộc đời.

Selma Lagerloeff trong huyền thoại “The Flanme”, đã kể câu chuyện về chàng hiệp sĩ, sau cuộc chiến thành công vào Thánh Địa, anh đã làm một lời thề hứa. Anh thắp lên một cây nến lấy từ ngọn lửa thánh tại ngôi mộ của Chúa Giêsu, và mang nó trở về quê quán của anh ở tỉnh Florence, nước Ý Đại Lợi mà vẫn còn cháy sáng. Quyết định này đã biến đổi anh trở thành một con người mới. Nó biến đổi anh từ một người lính hiếu chiến thích đánh nhau trở thành một con người yêu chuộng hòa bình.
Trên đường trở về nhà chàng hiệp sĩ đã bị bọn cướp bóc lột, anh đã không rút gươm ra chống cự. Anh đã hứa cho chúng bất cứ những gì anh có miễn là chúng không dập tắt ngọn nến cháy của anh. Bọn cướp đã tước đoạt áo giáp, thanh gươm, con ngựa yêu quý và tiền bạc của anh. Chúng chỉ để lại cho anh một con ngựa già. Sau khi đã trải qua tất cả các kinh nghiệm của sự nguy khốn, anh đã cưỡi con ngựa già về đến Florence. Để bảo vệ ngọn lửa không bị tắt bởi những cơn gió trong sa mạc, anh đã phải ngồi quay lưng lại với con ngựa, và dùng thân mình để che chở cho ngọn lửa.
Khi những tên đểu cáng trong thị xã trông thấy anh cưỡi ngựa ngược như vậy, chúng nghĩ anh là một tên điên khùng, và ra sức đùa nghịch để dập tắt ngọn lửa. Nhưng anh đã làm tất cả sức mình để có thể giữ ngọn lửa cháy sáng. Và sau cùng, anh đã mang nó về đến nhà thờ chính tòa, và dùng nó để thắp lên tất cả những cây nến trên bàn thờ của nhà thờ chính tòa Florence. Khi người đốt đèn ở nhà thờ hỏi anh đã phải làm gì để giữ ngọn lửa khỏi tắt, anh trả lời, “Ngọn lửa nhỏ bé này sẽ đòi hỏi tất cả sự chú tâm của anh; nó sẽ không cho phép anh nghĩ về bất cứ điều gì khác. Và anh sẽ không có thể cảm thấy an toàn một giây phút nào cả. Anh phải luôn luôn chiến đấu. Bất kể là ngọn lửa có thể đã bảo vệ anh tránh khỏi biết bao nhiêu nguy hiểm, anh phải luôn tỉnh thức để ngăn ngừa ngọn lửa không bị đánh cắp mất khỏi anh”.

2. Sợ hãi
Nỗi sợ hãi lớn nhất cho người bộ hành trong sa mạc là mất phương hướng, không biết đường đi. Cái nhìn của họ trở nên mờ ảo. Họ nhìn ánh nắng chói chan trước mắt như là những ao hồ mông mênh ngập nước. Ảo giác làm cho con người trở nên nghi ngờ, mất niềm tin, và sau cùng dẫn đến hoang mang sợ hãi. Chỉ có đức tin và lòng trông cậy phó thác mới chiến thắng được sợ hãi. Tin rằng Thiên Chúa luôn yêu thương ta và muốn điều tốt đẹp nhất cho ta. Tin vào một Thiên Chúa luôn ở bên ta, đi với ta cho dù gian nguy. Tin rằng quỷ dữ không có quyền lực gì trên ta, nó chỉ có quyền vì ta ban cho nó mà thôi. Nó không thể bắt chúng ta làm điều gì được, ngoài sự cám dỗ cho chính chúng ta phạm tội. Chúng ta có tự do để từ chối, có sức mạnh để chống trả.

“Đừng sợ!” là sứ điệp nhắc đến trên 300 lần trong Phúc âm. Khi Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước đến với các môn đệ, các ông hoảng sợ, Ngài nói: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Thiên thần Gabriel đã nói với Đức Maria: “Hỡi Maria, xin đừng sợ!” Thiên thần cũng đã nói với Giuse: “Đừng sợ đón Maria vợ ông về.” Vào ngày sống lại, Chúa Giêsu cũng đã hiện ra với các tông đồ và nói: “Sao anh em lại hoảng sợ… Chính Thầy đây mà!”

3. Sự tiêu cực
Đây chính là thái độ khiến chúng ta không thể thành công khi làm bất cứ việc gì, hay bất cứ việc gì chúng ta đang làm cũng sẽ đi sai lệch. Gần đây tôi lắng nghe một cuốn băng cát-sét do một nhà giảng thuyết nổi tiếng tên là Zig Ziglar. Ziglar nói rằng điều ngăn ngừa chúng ta khỏi niềm hy vọng và sự tích cực về cuộc đời chính là thái độ của chúng ta. Thái độ tiêu cực có tính cách truyền nhiễm giống như cơn bệnh nhiễm trùng. Chúng ta càng tiêu cực bao nhiêu thì tình huống càng trở nên thống khổ và hỗn loạn bấy nhiêu. Thái độ tích cực lúc khởi sự của một ngày, hay của bất cứ công việc gì sẽ định hình cho tất cả phần còn lại của trọn cả một ngày hay sự thành công của công việc sẽ kéo dài về sau.

Mùa chay là thời gian để cảm nghiệm về sa mạc hay hoang địa. Chúng ta không cần phải có lạc đà đi vào sa mạc, nhưng chúng ta có thể tạo ra một khoảng không gian hoang địa cho chúng ta ngay giữa những xô bồ ồn ào của cuộc sống. Hằng ngày chúng ta có thể tìm ra một chỗ, dành ra một chút thời gian một mình với Thiên Chúa. Nơi yên tĩnh chúng ta sẽ biết mình là ai, biết những điểm mạnh và điểm yếu, biết “thiên thần” xung quanh cùng “những con dã thú”, lắng nghe tiếng Chúa gọi và lời cám dỗ của Satan, khám phá lại chúng ta là ai trước mặt Thiên Chúa.

Sưu tầm

TRO BỤI

Một nhà truyền giáo trên một đảo ngạc nhiên khi nhìn thấy một phụ nữ mang một nắm cát ướt bước vào túp lều của ông.
– Thưa cha, cha biết đây là gì không?
– Nó giống như cát.
– Cha có biết tại sao con mang nó vào đây không?
– Không, tôi không thể tưởng tương được tại sao.
– Đây là tội của con.  Tội con không thể đếm được như cát biển.  Làm thế nào con có thể được tha thứ tất cả?
– Bà hãy đưa cát đó ra bãi biển và chất thành một ít cát.  Rồi ngồi nhìn xem những cơn sóng ập tới, chắc chắn sẽ cuốn đi tất cả.  Đó là cách Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài.  Lòng nhân từ của Chúa bao la như đại dương.  Hãy thành thật hối lỗi và Chúa sẽ tha thứ.

Mùa Chay, mùa trở về cùng Chúa là Cha… bắt đầu bằng tâm tình sám hối qua việc xức tro…. Tại sao phải xức tro và tro có ý nghĩa như thế nào?

Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng con người đầu tiên là nguyên tổ Ađam (x. St 2, 7) và sau khi nguyên tổ phạm tội bất phục tùng, Thiên Chúa đã phạt ông và con cháu sau này cũng sẽ trở về với cát bụi : “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19), thân phận con người thật mỏng dòn rồi sẽ thoáng mất đi, nhà thơ Miên Du xác tín khi dẫn vào bài thơ Rồi Mai Đây:

Z7“Rồi mai đây, ta đi về cát bụi,
Đời bâng khuâng, chỉ một thoáng ngậm ngùi.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù không là người Kitô hữu, có lẽ ông lấy nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh khi dùng hình ảnh “hạt bụi” để nói về thân phận con người được cát bụi hóa kiếp thành con người rồi sẽ trở về với bụi đất:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…
… Ôi cát bụi phận nầy,
vết mực nào xóa bỏ không hay”
(Trịnh Công Sơn, Cát Bụi)

Bụi thường được dùng kết hợp đồng hóa với tro, bản Kinh Thánh Bảy Mươi nhiều lần các học giả dùng từ “bụi” để nói và đồng hóa “tro”. Trong Kinh Thánh tro bụi là biểu tượng tội lỗi, sự mỏng dòn của con người, sự khiêm tốn, nỗi đau khổ và cả sự thống hối ăn năn khi con người đã lỡ vấp phạm.

Trái tim và tấm lòng của người tội lỗi được ví như là bụi tro, sách Khôn Ngoan có nói rằng: “Con tim của anh là tro bụi, hy vọng của anh hèn hơn đất, cuộc đời của anh tệ hơn bùn” (Kn 15, 10), không gì tệ hơn bùn đất, tro bụi, con người tội lỗi được ví như tro bụi. Cho nên người tội lỗi sẽ bị tiêu hủy thành bụi đất như Ngôn sứ Edêkien loan báo Sấm ngôn:  “Vì ngươi chồng chất tội….  Ta cho phát ra một ngọn lửa thiêu rụi ngươi; Ta biến ngươi thành tro bụi trên mặt đất…” (Ed 28, 18).

Tro bụi biểu hiện sự khiêm tốn bé nhỏ, Tổ Phụ Abraham nhìn nhận mình trước Thiên Chúa: “con chỉ là thân tro bụi….” (St 18, 2).

Tro bụi được sử dụng để nói nên sự thống hối:  Sau khi nghe tiên tri Giona loan báo sự trừng phạt của Thiên Chúa xuống thành Ninive do tội lỗi, Vua và toàn Dân xức tro để tỏ lòng thống hối vì lỗi lầm mà mình đã phạm, xin Thiên Chúa xót thương (x. Gn 3, 6).  Dù là người vẹn toàn giữa thử thách, Gíop cũng biểu lộ lòng thống hối: “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn (G 42, 6).  Tro bụi với sự biểu hiện lòng hối tiếc khi phạm tội (x. Gdt 4, 11-15; Ed 27, 30).

Tro bụi nói lên sự buồn phiền đau khổ: bị người đời khinh chê, Thamar đã xức tro trên đầu (x. G 42, 6; Gn 3, 6; Mt 11, 21); theo sách Étte, người Do Thái xức tro khi lo sợ trước cái chết đe dọa (Et 6, 1-4).

Mùa Chay Thánh bắt đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro – ngày được gọi là ngày “Bụi Tro” bởi vì trong ngày này, người tín hữu lãnh nhận tro được ghi hình thánh giá trên trán.  Nghi thức xức tro trong ngày đầu Mùa Chay đã bắt đầu vào thời Ðức Giáo Hoàng Grêgrôriô Cả (590-604).  Nghi thức xức tro được đưa vào phụng vụ Tây Phương vào thế kỷ 10, và được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội tại Công Ðồng Benevento năm 1091.  Với tất cả ý nghĩa của tro bụi trong Thánh Kinh, việc lãnh nhận tro trên trán là dấu chỉ nhắc nhở sự chết: trở về với tro bụi và sự ăn năn, ý thức thân phận mỏng dòn như bụi đất, sám hối vì những lầm lỗi mà mình phạm.

Khi xức tro lên trán người tín hữu, Thừa tác viên kêu gọi sự sám hối của người muốn nhận lãnh tro và khiêm tốn nhìn nhận mình thấp hèn: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19), hay Thừa tác viên dùng lời kêu gọi ý thức mình tội lỗi, sám hối và canh tân đổi mới theo Tin Mừng với lời mà Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

Con người dù trong thân phận thấp hèn yếu đuối như tro bụi, nhưng qua cử chỉ khiêm tốn nhận tro với Dấu Thánh Giá được ghi trên trán, dấu tượng trưng cho ấn tín thánh mà người Tín Hữu lãnh nhận khi lãnh phép rửa tội.  Dấu giải phóng khỏi tội, qua dấu đó, người tín hữu được liệt vào con cái của Thiên Chúa (x. Rm. 6, 3-18).  Đó là dấu chỉ con người trở về với bụi đất.  Nhưng trong bụi đất, nhờ Đức Kitô qua cái chết và phục sinh với thập giá, con người sẽ tham dự vào vinh quang với Ngài.

Cho nên việc lãnh tro cũng được coi như là dấu chỉ của sự trở về trong vinh quang khi chúng ta được lãnh nhận làm con cái của Thiên Chúa đã được diễn tả trong Sách Khải Huyền, vinh quang với Chiên chiến thắng là Đức Kitô khải hoàn, như  Enzo Bianchi đã suy niệm về Tro bụi: “Vâng, đón nhận tro chúng ta ý thức rằng: Lửa tình yêu Thiên Chúa đã thiêu rụi tội lỗi,  đốt cháy bởi lòng thương xót của Ngài… hay nhìn tro, mang ý nghĩa tuyên xưng Đức tin vào mầu nhiệm Pascale: “một ngày chúng ta sẽ là tro bụi, nhưng được dành để Phục sinh” (Donner sens au temps, Bayard (2004).

Cho nên, thật là ý nghĩa trong ngày thứ Tư đầu mùa chay, khi lãnh nhận tro, chúng ta nhớ lại lời dạy của ĐTC Gioan Phaolo II: “Việc đặt  tro rõ ràng và một cách nhấn mạnh đến thân phận thụ tạo, nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Tạo Hóa.  Hành động khiêm tốn lãnh nhận tro thánh trên trán… ngược lại hoàn toàn với cử chỉ kiêu ngạo của Adam và Eva, bởi sự bất tuân phục, đã phá hủy mọi quan hệ tình bạn hữu với Thiên Chúa tạo hóa” (Thứ tư Lễ Tro 1998).

Xức tro nhận mình yếu đuối, sám hối lỗi lầm, nhưng cũng tuyên tín rằng sẽ được tìm thấy, gắn liền lại tình yêu, tình bạn hữu với Tạo Hóa bởi dấu thánh giá…

Vâng, với tro bụi, chúng ta nhìn nhận thân phận bất toàn, sám hối lầm lỗi, tro bụi với Dấu Thập Giá – trở nên dấu vinh quang.

LM Vinh Sơn

MÙA XUÂN, MỘT MÙA HAY MỘT CUỘC ĐỜI

Nói đến hai chữ mùa xuân lòng tôi có một cảm xúc lạ thường khó tả: Vừa hân hoan vừa lo lắng, vừa bâng khuâng vừa xao xuyến, bởi nàng xuân đã đẹp lại nên thơ mà sao tôi cứ vẩn vơ xuân là mùa hay là một cuộc đời!

Xuân có ngọn gió dịu dàng, có nắng vàng ấm áp, có chồi non xanh mướt, hoa nở thắm tươi dưới trời xanh lồng lộng.  Xuân cho tôi không khí gia đình ấm cúng.  Xuân mời gọi tôi cất bước lãng du.  Xuân giúp tôi mở cánh cửa nội tâm để tìm vào nương ẩn nơi Thiên Chúa.  Xuân còn mở cửa đời cho tôi tung cánh hân hoan.  Vậy, xuân không chỉ là một mùa mà là một cuộc đời.  Một cuộc đời đã được Thiên Chúa định liệu trước, trang điểm trước, và hằng quan phòng không phút nghỉ ngơi: Ngắm hoa huệ ngoài đồng thì ta thấy Chúa tài nghệ thế nào; xem chim trời tung cánh dưới những áng mây xanh bồng bềnh thì ta thấy tình Chúa thương ta thật là bao la bát ngát.

Mùa xuân đưa tôi vào đời, vào vũ trụ có những bí mật đáng yêu của nó.  Tôi quan sát một cành mai trong những ngày mùa đông lạnh lẽo. Cành mai khẳng khiu và trơ trụi, tôi lo nó có đủ sức để sống đến ngày xuân không?  Cũng như tôi đã từng lo lắng cho thân thể tôi: Lấy gì mà Z6mặc, lấy gì mà ăn?  Tiếp tục ngắm nhìn cành mai – A nó còn gắn liền với cội mai, nhờ vậy mà người ta nhận ra nó là cành mai. Tôi có biết không?  Bên trong cái cành cây đen đủi khẳng khiu đó, sức sống vẫn tiềm ẩn, một sức sống mãnh liệt.  Bên dưới lớp đất chỗ cội mai mọc lên, nguồn mạch sự sống vẫn tràn đầy, sung mãn; mạch nước ngọt ngào bổ dưỡng luân chuyển từ rễ qua thân đến cành, cho các cành cây sức sống.  Trong sức sống ấy, những chồi non, những lá mướt, những nụ, những hoa tiềm ẩn, chờ tới ngày chào đón nắng vàng gió mát của mùa xuân.  Đời tôi là một cành mai, dù nó có đen đủi, khẳng khiu nhưng nó còn gắn với Nguồn Cội thì nó chẳng phải đến ngày tàn.  Thiên Chúa hằng nuôi tôi như cội mai nuôi lấy cành mai.  Thiên Chúa làm chủ đời tôi như Ngài đã làm ra hai vầng sáng: Vầng sáng lớn hơn điều khiển ban ngày, vầng sáng nhỏ hơn điều khiển ban đêm và mọi sự trở nên tốt đẹp.  Đời tôi đang tiềm ẩn một sức sống lạ kỳ: Những chồi non những lá mướt, những nụ và những hoa đang chờ đón nắng vàng của mùa xuân để khoe sắc tỏ hương.

Cành mai chỉ là một hình ảnh.  Vũ trụ còn bao nhiêu bí mật kỳ diệu và đáng yêu khác.  Những bí mật ấy, hầu như được tỏ lộ rất nhiều trong mùa xuân.  Mùa xuân nhắc bảo tôi hãy dùng cuộc đời mà tỏ lộ những điều bí mật kỳ diệu của Nước Thiên Chúa, và sự công chính của Người, mà chính Chúa đã đặt để nơi tôi và ban cho tôi có khả năng tìm kiếm những điều ấy.

Khi đã đạt được điều này đời tôi sẽ không vô vọng, không còn bi quan như một số người bi quan: Khi ngắm nhìn sự luân chuyển bốn mùa thì than thở: “Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua, xuân còn non nghĩa là xuân đã già, và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất” (Vội Vàng, Xuân Diệu).  Trong cái nhìn lạc quan của Kitô giáo: Đời người là một mùa xuân.  Tuổi trẻ với niềm vui tươi thắm, sức sống dồi dào, khối óc và trái tim mở ra, với muôn tình ý say sưa, cao đẹp chính là mùa xuân của cuộc đời.

Ở tuổi ấy, bao nhiêu ước mơ đã chớm, bao nhiêu lý tưởng sáng ngời đã được vạch ra, bao nhiêu tình cảm cao thượng đã khơi nguồn, bao nhiêu đam mê cuồng nhiệt đã trào dâng.  Cuộc đời xuân ấy, giấc mộng đời đẹp hơn hoa cỏ ngày xuân, ý hướng đời cao hơn trời mây lồng lộng.  Nhưng người ta không giữ mãi được đời xuân.  “Mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua.”  Ước mơ tàn héo, lý tưởng đen tối, tình cảm cạn nguồn, đam mê chết lịm.  Người ta đi dần đến mùa đông lạnh lẽo của cuộc đời.  Đó là lúc người ta quá lo lắng cho ngày mai lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc.  Tự mình tách mình ra khỏi Nguồn Cội.

Mùa xuân của đất trời đến rồi đi, đi rồi đến; nhưng mùa xuân của cuộc đời nếu người ta biết giữ biết làm cho nó nở hoa, thì khi đến rồi không còn đi nữa.  Và như thế, cả cuộc đời mình là một mùa xuân bất diệt.  Thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta cách giữ mùa xuân cũng như cách làm cho đời mình luôn nở hoa – Ngài nói “Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi… trong mọi hoàn cảnh, anh em hãy đem lời khẩn cầu, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa… và bình an, bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được liên kết với Đức Kitô Giêsu.”  Đặc điểm chính yếu của mùa xuân đất trời là niềm vui, sự thắm tươi của màu sắc, sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây.  Với đời người cũng thế.  Khi ta vui, ta tươi tắn ta sẽ phát sinh những tư tưởng và tình cảm tốt đẹp, tim ta chan chứa yêu thương trong lành, khi đó lý tưởng vẫn còn là ngôi sao hướng dẫn đời ta.  Chúa vẫn là nguồn cội đời ta.

Chúng ta luôn hướng lòng về Thiên Chúa là cách chúng ta giữ được mùa xuân cuộc đời mãi mãi xinh tươi.  Thiên Chúa là Đấng tạo dựng mùa xuân đất trời cũng như mùa xuân cuộc đời.  Ngài làm cho tuổi trẻ tươi vui, người già được an lành; tuổi trẻ có bầu trời thông minh và tuổi già là một kho kinh nghiệm.  Ngài cũng chính là mùa xuân viên mãn.  Hướng lòng về Ngài trong mọi giai đoạn, hoàn cảnh của cuộc đời, ta sẽ như bông hướng dương luôn hướng về mặt trời để nhận lãnh những tia sáng ấm áp, giữ cho bông hoa cuộc đời ta nở tươi mãi mãi.

Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang

**************************************************

Lạy Chúa

365 ngày vụt qua nhanh, ngày đầu năm mới đó mà hôm nay đã cuối năm rồi.
Tờ lịch sang trang mới. 
Cuộc sống của con còn bao nhiêu tờ lịch sang trang nữa?
Con không biết. 
Ngày mai là của Chúa.

365 ngày cũng có chút sóng gió trong công việc, trong sức khỏe, 
nhưng Chúa đã dẫn chúng con trong bình an. 
Con kính dâng lên Chúa lời tạ ơn chân thành với tất cả tâm tình biết ơn.

Qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, 
Con kính dâng lên Chúa những dự tính, những ước mơ về một năm mới.
Xin Chúa là nguồn bình an, thương chúc phúc cho gia đình con, 

những người thân yêu của con, bạn bè con.

Xin Chúa thương chúc phúc cho những người chung quanh con : 
những người đang ưu tư tìm kiếm công việc làm ăn, 
những người vất vả sớm hôm mà vẫn sống trong cảnh nghèo khổ, 
những người lang thang cơ nhỡ, 
những người cô đơn, bệnh hoạn, đói khát, tật nguyền, khổ đau cùng cực, 
những người đang phải sống trong vùng chiến tranh với biết bao lo sợ, tiếng súng thay cho tiếng cầu kinh.

Xin trải dài trên suốt cuộc đời của mỗi người chúng con 
tình thương vô biên của Lòng Thương xót Chúa : 
để chúng con luôn có tấm lòng mở rộng, chia sẻ với nhau từ vật chất đến tinh thần, 
để lời nguyện cầu của chúng con luôn được Chúa chấp nhận.  Amen!

HÃY ĐƯỢC LÀNH!

Năm 1981, nhạc sĩ vĩ cầm người anh, Peter Cropper được mời đến Phần Lan trình diễn một buổi hòa nhạc đặc biệt.  Vì ngưỡng mộ biệt tài của Peter, Viện Hàn Lâm âm nhạc hoàng gia đã biếu ông chiếc vĩ cầm vô giá tên là Stradivarius được chế tạo cách đó 285 năm, để ông sử dụng trong các buổi hoà nhạc. Chiếc nhạc cụ quí hiếm này mang tên nhà chế tạo vĩ cầm người Ý Antonio Stradivari.  Nó được cấu tạo bằng 80 phiến gỗ đặc biệt với 30 lớp sơn bóng cũng đặc biệt.  Âm thanh phát ra hết sức rõ ràng, du dương.  Nhưng khi Peter Cropper đến Phần Lan, một cơn ác mộng kinh khiếp không thể tin được đã xảy ra.  Vì khi bước lên sân khấu trình diễn, Peter bỗng trợt chân ngã xuống, làm chiếc vĩ cầm bị vỡ tan thành từng mảnh!  Thế là Peter trở về Luân Đôn tâm trí khủng hoảng cực độ.  Một người chuyên sửa đàn dày dạn Kinh nghiệm tên là Charler Beare tình nguyện cố gắng hết sức phục hồi chiếc đàn cho Peter.  Charler miệt mài làm việc ngày đêm với chiếc đàn vỡ.  Thế rồi cuối cùng ông đã lắp ráp được toàn bộ các mảnh vỡ lại để làm thành chiếc đàn nguyên vẹn như trước.  Và giây phút thử nghiệm hồi hộp đã đến, mọi người đều nín thở chờ xem âm thanh tiếng đàn phát ra.  Beare trao chiếc vĩ cầm cho Peter Người nhạc sĩ vĩ cầm vô cùng hồi hộp cầm chiếc đàn lên bắt đầu chơi nhạc… Tất cả mọi người có mặt ở đấy không dám tin vào tai mình, bởi vì chẳng những âm thanh của chiếc vĩ cầm vẫn tuyệt hảo như xưa mà xem ra hiện giờ còn xuất sắc hơn trước khi nó bị vỡ nữa!

Những tháng sau đó, Cropper đã mang chiếc vĩ cầm đi trình diễn vòng quanh thế giới.  Và hằng đêm, chiếc vĩ cầm mà mọi người nghĩ rằng sẽ vĩnh viễn bị hư phế đó đã mang lại cho Crroper biết bao lời hoan hô nồng nhiệt từ thính giả.

Câu chuyện về chiếc vĩ cầm trên là một hỉnh ảnh tuyệt hảo diễn ý những gì đã xảy ra cho người bị phong cùi trong bài Phúc Âm hôm nay. Thời xưa, không hình ảnh nào ghê tởm bằng hình ảnh người bệnh cùi.  Ai ai cũng sợ bị anh ta lây bệnh.  Đời sống của người bệnh cùi chẳng khác gì cuộc sống địa ngục.  Người khác lấy làm gớm ghiếc anh ta đã đành, mà chính anh ta cũng kinh tởm chính mình nữa. Thánh vịnh 31 đã mô tả tình trạng thê thảm của anh như sau; “Những kẻ tôi quen biết đều sợ hãi tôi, trông thấy tôi ngoài đường là họ lánh xa… Tôi chả khác nào đồ vật phế thải” (TV 31: 11-12).  Thế mà đối với người phung cùi bị đát như vậy, Chúa Giêsu vẫn giơ đôi tay trìu mến của Ngài chạm vào và chữa cho anh ta lành bệnh.

Z5Câu chuyện người phung cùi và câu chuyện chiếc vĩ cầm chứa đựng một sứ điệp quan trọng đối với tất cả chúng ta.  Chúng cho ta thấy những điều vẫn thường xuyên xảy đến trong cuộc đời chúng ta.  Chẳng hạn một biến cố cực kỳ bi đát nào đó như; một người thân mình qua đời, bạn bè phản bội mình, tại nạn xẩy tới làm con mình tàn tật, cha mình mất việc, mẹ mình nghiện rượu… khi sự bất hạnh ấy chụp lên đầu chúng ta, lòng chúng ta đầy đớn đau, lo lắng, giống như người bệnh cùi lúc bị vướng bệnh, chúng ta cảm thấy cõi lòng tan nát, và giống như Peter khi đánh vỡ chiếc vĩ cầm, chúng ta cũng bị rơi vào tâm trạng hết sức khủng hoảng.

Vậy hai câu chuyện trên dạy chúng ta điều gì khi lâm phải những hoàn cảnh bi đát tương tự như thế?  Chúng cho ta thấy không có hoàn cảnh bi đát nào khủng khiếp đến mức ta không thể vượt qua được.  Không một tai hoạ nào tàn khốc đến mức không thể phục hồi được.  Dầu cho rủi ro tàn phá đến mức nào đi nữa, chúng ta vẫn có thể nhặt lên những mảnh vụn và bắt đầu kiến tạo lại thành một hình dạng mới.  Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng đời mình kể như vĩnh viễn tàn lụi, hư hỏng, chúng ta chỉ cần quay nhìn về Chúa Giêsu, Ngài có thể chữa lành cuộc đời tan vỡ chúng ta, giống như người sửa đàn tài hoa đã sửa chữa chiếc vĩ cầm bể nát nọ.  Và Chúa Giêsu còn làm được hơn thế.  Ngài có thể biến một cuộc đời tan nát thành tốt hơn, đẹp hơn trước đó nữa.

Cách đây nhiều năm một vụ nổ đã làm một chú bé bảy tuổi bị phỏng nặng ở chân đến nỗi các bác sĩ nghĩ rằng cần phải cưa chân đi.  Một người bạn nói với mẹ cậu bé: “Chị nên chuẩn bị đón nhận điều này, thằng Glenn của chị sắp sửa thành kẻ tàn phế suốt đời đấy!”  Thế mà hai năm sau, cậu bé đã rời bỏ cặp nạng, chẳng những Glenn đi bộ được, cậu ta còn chạy được nữa, dù chạy không nhanh lắm, những dầu sao cậu ta vẫn chạy được, cuối cùng, Glenn vào được đại học.  Hoạt động ngoại khóa của cậu là môn chạy đua, giờ đây cậu chạy không phải để chứng tỏ cho thấy thiên hạ đã lầm, mà vì cậu có năng khiếu về môn này.  Các kỷ lục liên đại học chẳng bao lâu bị đôi chân thoăn thoắt của cậu phá vỡ.  Thế rồi kỳ Đại hội Ôlympic Berlin đã đến.  Glenn chẳng những được đánh giá là vận động viên xuất sắc môn chạy 1500 mét mà cậu còn phá kỷ lục Olympic về môn này.  Năm sau, Glenn Cunningham lại phá vỡ kỷ lục môn chạy dưới vòm có mái che.

Cậu bé mà người ta từng cho là sẽ trở thành một phế nhân, nay đã trở thành vận động viên chạy nhanh nhất thế giới.  Cậu bé mà cuộc đời tan vỡ vì vụ nổ kinh khiếp đã trở nên mạnh mẽ hơn cả khi biến cố bi đát ấy chưa xảy ra.

Thánh Phaolô tóm tắt sứ điệp chứa đựng trong các bài đọc hôm nay qua những lời thơ gởi tín hữu Corintô như sau: “Chúng tôi, thường bị âu sầu nhưng không bị đè bẹp, thỉnh thoảng bị rơi vào ngờ vực nhưng không bao giờ tuyệt vọng.  Và dầu nhiều lần bị ngược đãi, nhưng chúng tôi vẫn không bị tiêu diệt… vì lý do này, chúng tôi chẳng bao giờ ngã lòng” (2 Cr 4: 8-9, 16).

Và trong thư gởi tín hữu Roma thánh Phaolô có nói: “Chúng tôi biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp cho những kẻ yêu mến Ngài” (Rm 8:28).

Đây chính là “Tin Mừng” ẩn chứa trong các bài đọc Thánh Kinh hôm nay.  Những bài đọc này dạy ta biết rằng dù ta có gặp tai nạn thảm khốc đến mức nào, chúng ta cũng vẫn có thể được chữa lành – giống như trường hợp chiếc vĩ cầm quí giá nọ.  Những bài đọc dạy ta rằng bất cứ bệnh tật nào dù thê lương đến đâu xảy đến cho chúng ta như bệnh cùi chẳng hạn, chúng ta vẫn có thể được chữa lành dù sự kiện bi đát nào ụp xuống trên ta giống trường hợp xảy đến cho Glenn, chúng ta cũng vẫn có thể hoàn toàn phục hồi như cậu ta.  Những bài đọc còn dạy chúng ta thêm điều này.  Dù Chúa Giêsu có thể không chọn phương cách phục hồi toàn vẹn đời sống cho chúng ta, Ngài vẫn có thể dùng nghịch cảnh để biến đổi chúng ta trở nên tốt đẹp và có giá trị hơn trước.

Chúng ta hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện được tìm thấy trong túi một chiến binh tử trận.

Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm nên những vịêc vĩ đại, thế mà Ngài lại bắt tôi yếu đuối để tôi có thể làm những điều tốt đẹp hơn.  Tôi cầu xin được giàu có để sống hạnh phúc, thế mà Ngài lại để tôi nghèo khổ hầu tôi được khôn ngoan hơn… Tôi cầu xin nắm được quyền cao chức trọng để được mọi người tán dương, thế mà tôi vẫn phải chịu cảnh thấp hèn để tôi cảm thấy cần đến Chúa…

Tôi chẳng nhận được điều gì tôi cầu xin, nhưng tôi lại nhận được mọi điều tôi hy vọng.  Mọi lời cầu xin không thốt ra lời lại được đáp trả hầu như ngoài dự tính của tôi.  Và như thế tôi được liệt vào số những người được Chúa chúc phúc nhiều nhất…”

Cha Mark Link, S.J.

CÔ ĐƠN MÀ KHÔNG CÔ ĐỘC

Tôi có một người bác là cha Dòng, năm nay cụ đúng 100 tuổi và sắp kỷ niệm 75 năm nhận Thánh chức Linh Mục ngày 4 tháng 8, một biến cố khá quan trọng, một dấu ấn thật tuyệt vời cho một đời người.  Mọi người kính cẩn hồi hộp chờ đúng ngày mừng lễ, còn hơn nửa năm nữa thôi.  Mới hôm qua chúng tôi đến thăm, cụ đã quá già nhưng đầu óc còn rất minh mẫn, mắt cụ bỗng dưng bị mờ cách đây không lâu, nhưng tai thì vẫn thính lắm, con cháu nói chuyện cụ nghe và đoán được đứa nào ngay.  Cụ hỏi thăm người này, nhắc tới người kia, đôi lúc còn nói bông đùa với con cháu một cách dí dỏm.

Trong bữa ăn cụ ngồi ngay ngắn vào vị trí của mình, xướng kinh khá rõ cho cộng đoàn anh em cùng đọc.  Khi cụ ăn, người giúp việc bỏ từng món thức ăn vào tô cho cụ, tay phải cụ vẫn còn cầm thìa để tự xúc, chỉ có tay trái do bệnh khớp đã bị co quắp lại thì đặt yên trên mặt bàn.  Ăn xong, món cuối cùng là sữa chua thì phải có người đút để khỏi bị nhiễu.  Ngồi chơi với anh em một lúc rồi cụ đứng lên, làm dấu đọc kinh cám ơn và chống gậy đi một vòng Nhà Thờ trước khi về giường nghỉ.

Ngày nào cũng vậy, không bao giờ bỏ Lễ, các giờ kinh cộng đoàn và một giờ chầu Thánh Thể.  Tôi hỏi thầy giúp việc xem cụ có cần gì, thầy nói cụ chỉ nhắc và mong con cháu đến thăm cho vui.  Cụ trải qua một cuộc đời Linh Mục rất bình dị, chỉ vài năm làm cha xứ, phần lớn thời gian làm Linh Hướng và dạy ở Chủng Viện, xem xét cuộc đời không có gì đặc biệt trổi trang, chẳng ghi được dấu ấn nào để đời cho nhân loại, nếu có “nổi tiếng” thì cụ nổi tiếng là người cầu nguyện lâu giờ trong Nhà Nguyện và tha thiết với Mình Thánh Chúa.  Anh em Linh Mục và con cháu của cụ nói với nhau, đó là một đời Linh Mục thành công, thành công vì đi trọn con đường của mình trong khiêm tốn, trong sự khó nghèo và yêu mến…

Còn mẹ tôi thì năm nay cũng đã 95 tuổi, bà yếu mệt không di chuyển được, chỉ nằm với ngồi quanh quẩn trong nhà, sáng nào trời ấm áp, người giúp việc bỏ bà lên xe lăn đưa bà đến Nhà Thờ.  Đi ra ngoài gặp người này người kia bà vui vẻ hẳn lên, tuy vậy cũng có lúc ngồi ngủ trên xe lúc nào không biết.  Bà ngủ ban ngày gà gật, nhưng ban đêm lại thức trắng không ngủ tý nào.  Chính khi không ngủ, giữa đêm thanh vắng, bà sợ cô đơn rồi luôn miệng gọi con gọi cháu, lắm lúc phải đến hai người giúp bà ban đêm mới chịu nổi.

Con cháu đến thăm hay ngay cả người nuôi bà, bà cứ níu lấy và bảo đừng đi, ở lại đây với bà.  Cảm giác cô đơn và sợ hãi luôn quanh quẩn bên bà.  Khi tôi về thăm, khó có thể chào bà mà đi, vì bà khóc và muốn tôi ở lại với bà, bà luôn miệng nói: “Sao con bỏ mẹ mà đi?”  Tôi cố gắng kiên nhẫn giải thích cho bà hiểu về cuộc sống tu trì của tôi, không thể về thăm bà nhiều và cũng không thể qua đêm ngoài Tu Viện, bà nghe thì hiểu nhưng vẫn khóc và tay vẫn nắm chặt lấy tôi.  Làm con trong hoàn cảnh này thật khó xử, không đi không được, ở lại cũng chẳng xong.  Rồi một mai mẹ mất rồi sẽ chẳng bao giờ còn được cầm tay mẹ nữa…

Tôi chia sẻ về hai người già, một người là mẹ và một người là Linh Mục.  Không phải bác tôi không bị rơi vào cảm giác cô đơn, cần con cháu viếng thăm, nhưng cuộc sống nhà tu đã tách bác tôi ra khỏi cuộc giao tiếp cùng những mối dây tương quan ruột thịt gần gũi.  Bây giờ về già, bác không thể có con ruột để đòi chiều chuộng, để buộc phải năng viếng thăm.  Ông cụ bình tĩnh và chấp nhận khá nhẹ nhàng vì ông cụ đã tập sống và sống quen cùng sự cô đơn của đời tu.  Ông cụ đảm nhận đời độc thân của mình vì ông cụ trung thành trong quá khứ để có một hiện tại tiếp tục sự trung thành ấy với Chúa và chỉ còn Chúa.  Dĩ nhiên người lập gia đình là người buộc mình vào những tương quan gia đình cho đến chết.

Tôi tâm đắc và vui mừng khi thấy nhiều Hội Dòng quan tâm chăm sóc các thành viên già cả và đau yếu, những thành viên này họ đã cống hiến cuộc đời của họ cho sứ vụ, nay họ xứng đáng và cần được hưởng một sự chăm sóc đặc biệt của anh em mình.  Sao cho những ngày cuối của cuộc đời trôi qua trong hạnh phúc, bình an và yêu mến.

Một cơ sở tương đối đáp ứng cho cuộc sống an dưỡng, một không gian yên tĩnh để cầu nguyện và nghỉ ngơi, một cơ cấu y tế cần mẫn hiệu quả và một hệ thống dinh dưỡng khoa học và an toàn.  Thời khóa biểu được tổ chức khoa học và đan kín, ngoài những giờ nghỉ ngơi các cụ còn được sử dụng thời gian vào việc tập vật lý trị liệu, hàng tuần tiếp các đoàn thiện nguyện mang lại niềm vui và sự tươi trẻ.  Các giao tiếp xã hội sẽ giúp các cụ linh hoạt hơn và nghị lực hơn.  Ngôi Nhà Nguyện là con tim của cộng đoàn, một Nhà Nguyện ấm áp, mát mẻ, yên tĩnh và riêng biệt sẽ giúp các cụ hạnh phúc sống đời tông đồ mãnh liệt hơn.

LM VĨNH SANG, DCCT

****************************************

Z4Lạy Chúa, chúng con không muốn bỏ rơi những ai đang sống trong cảnh cô đơn và chính vì thế chúng con đặt biệt cầu nguyện cho họ.
Chúng con cầu xin Chúa cho những người không được một ai để ý đến và họ phải đau khổ vì không được yêu thương.
Cho những ai đang sống giữa đám đông đô thị nhưng lại cảm thấy mình lạc lõng bơ vơ.
Cho những ai ao ước xây dựng một mái ấm gia đình mà không có khả năng thể hiện được ước mơ.
Cho những ai bị gia đình mình ruồng bỏ, không tìm được một ai để ký thác nỗi niềm tâm sự.
Cho những ai sau khi đã được vây bọc bằng một bầu khí nóng bỏng yêu thương cuối cùng lại kết thúc cuộc đời mình trong cô quạnh thê lương.
Cho những ai vì không chịu đựng nổi cô đơn của cuộc đời mình nên đã luống công đi tìm khuây khỏa.
Cho những ai không hiểu được rằng chính Chúa đang có mặt trong nỗi cô đơn của họ và đang ban tặng cho họ một tình bạn khích lệ ân cần.
Cho những ai tiếp nhận cô đơn như một ân sủng, ân sủng của một cuộc sống thân tình sâu đậm hơn trong Chúa.
Cho những ai tìm thấy trong cô đơn con đường giúp mình triển nở bằng một cuộc hiến mình hơn nữa cho tha nhân.
Cho những ai tự nguyện sống đời độc thân vui chịu sự cô đơn và biết kết hợp với sự cô đơn của Chúa nơi vườn Giệt và trên đồi cao khổ giá.  Amen!
Prière au coeur du monde, J. Galot, sj – Nguyễn Hùng Cường chuyển dịch

 

XIN ƠN KHÔNG BÁM VÍU VÀO CỦA CẢI VẬT CHẤT

Trên trời cao, ta thấy có những áng mây trôi lơ lửng.  Nhìn mây cuồn cuộn hàng hàng lớp lớp như thể điều gì kinh khủng lắm, nhưng chẳng ai có thể nắm được mây trong lòng bàn tay.  Mây chỉ là ảo ảnh trước mắt ta.  Mây chẳng bao giờ cố định.  Mây sẽ thay đổi hình dạng mình theo cơn gió.  Mây mỏng manh vô cùng, vì thấy đó rồi mất đó, có đó rồi chẳng thấy đâu.  Mây sẽ tan khi cơn gió đến.  Mây chỉ là kết quả của một cuộc hợp rồi tan.  Tuy mây đẹp và lôi cuốn, nhưng mây không bao giờ có thể là biểu tượng của sự vững bền.

Cuộc đời này, xét cho cùng, cũng giống hệt như mây.  Có biết bao điều trông thì lôi cuốn, sinh động, hấp dẫn, nhưng có bền lâu mãi đâu. Z3Những vinh hoa, danh dự, tiền tài chỉ như ảo giác.  Nhìn có vẻ đẹp nhưng rồi cũng sẽ tan hết.  Cớ sao ta cứ luôn hoài muốn bắt lấy?  Một chút thỏa mãn và niềm vui ta có đó liệu có nằm trong tay ta mãi không? Có những con người điên cuồng bất chấp để chiếm hữu, nhưng rồi cũng buông tay khi bóng chiều của cuộc đời ập đến.  Cố gắng để người khác biết đến mình, yêu mến mình, nhưng liệu người ta có thần tượng mình mãi không?  Sắc đẹp, thời trang cũng bập bềnh theo nhịp sống.  Sẽ có lúc ta già đi, nét đẹp cũng lặng mất.  Cố chiếm giữ lòng người làm gì, để rồi sẽ nhận lấy hụt hẫng?  Cố chạy theo danh tiếng làm chi, để rồi suốt cuộc đời mất đi tự do vì chúng?

Trong Vườn Địa Đàng, trước khi con rắn xuất hiện, đối với bà Evà, trái cấm cũng bình thường như bao trái cây khác, chỉ có điều không được phép ăn theo lệnh của Thiên Chúa.  Nhưng khi con rắn thổi vào tai bà những lời dụ dỗ có phần lý thú, cái nhìn của bà về trái cấm bỗng dưng khác đi.  Bà thấy nó hấp dẫn, lôi cuốn.  Bà thấy nơi trái cấm ấy là cả một âm mưu đen tối của Thiên Chúa và một tham vọng hão huyền muốn trở thành thiên chúa.  Trái cấm khơi dậy trong lòng bà một nỗi sợ kiếp sống hữu hạn mà bà đang mang, một khao khát muốn trường sinh, muốn hiểu biết, muốn sở hữu cái tuyệt đối.  Kết cục cho cái tham vọng ngông cuồng ấy là một hố thẳm ngàn trượng vô đáy đang chờ bà.  Bà đã cố nắm lấy một điều ảo tưởng.  Ý định không thành tựu như bà tưởng, trái lại còn để lại trong bà một hậu họa  thảm khốc vô lường.

Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh tỉnh những người lắng nghe Ngài khi Ngài rao giảng, rằng ích gì khi an vui bởi mình lắm bạc tiền, kho lẫm đầy ứ.  Đêm nay, lỡ như thần chết đến kéo mình đi, những thứ kia để làm gì.  Cố gắng tích trữ chúng bằng mọi giá để làm chi, khi mình không còn hơi thở, không còn sự sống để tiếp tục vui hưởng chúng.  Chàng trai trẻ có lòng khao khát tìm Nước Chúa, khi nghe đến điều kiện là hãy về, bán hết của cải, cho người nghèo thì đã buồn sầu bỏ đi.  Tiền bạc mang đến cho anh ta nhiều cảm giác vui sướng hơn cây thập giá và cuộc đời lang bạt của Giêsu.  Vua Hêrôđê, Philatô, các thượng tế và kinh sư… một đời sống trong nhung lụa, bày hết mưu này chước nọ để hại người ngay, để cố giữ chút danh lợi và bạc tiền trong tay.  Rốt cuộc, tất cả cũng trở về với bụi tro.  Cái gì mau qua chỉ là hư ảo, cái gì vĩnh viễn mới là chân lý.

Có chuyện ngụ ngôn kể rằng một con gà kia phát hiện ra một kho lúa.  Nó đi lòng vòng tìm cách vào. Cuối cùng nó phát hiện có một cái lỗ nhỏ là lối đi duy nhất có thể giúp nó tiến vào trong.  Nhưng cái lỗ ấy nhỏ quá.  Thế là nó quyết định nhịn ăn để thân hình nó ốm bớt.  Khi đã ốm đủ, nó cố gắng len mình qua cái lỗ và chui được vào trong.  Nó tha hồ ăn thóc ăn lúa.  Ăn nhiều đến độ, nó trở nên béo phì.  Nó nghĩ đến việc chui ra khỏi cái lỗ để tận hưởng cuộc sống bên ngoài, thoáng hơn, mát hơn.  Thế nhưng, nó quá mập nên không thể ra được.  Nhưng nó cũng không thể ở kho lúa này mãi.  Thế nên, nó lại quyết định nhịn ăn để có thể ốm đi mà chui ra.  Sau một khoảng thời gian dài, nó cũng chui ra được. Quay đầu lại nhìn kho lúa, nó thầm nhủ: trước khi ta vào, ta ốm nhom; sau khi ta ra, ta cũng chẳng hơn gì, cũng chỉ như thế thôi.

Vâng, áng mây đẹp lắm nhưng chỉ nên ngồi đó ngắm thôi.  Hãy thưởng thức những hình thù mây tạo dáng.  Hãy chỉ xem nó như một trò chơi của tự nhiên.  Đừng cố nắm bắt mây làm gì, đừng cố níu giữ nó làm gì, vì rốt cuộc ta có được chi đâu.  Áng mây trời nhắc nhở chúng ta về thân phận mong manh của mình, về cái vô thường của mọi sự trên trần gian.  Rồi sẽ qua đi hết, rồi sẽ chẳng còn gì.  Tất cả trước mắt ta chỉ là ảnh ảo, là tạm bợ.  Đừng bám víu vào chúng, đừng cho rằng chúng là vĩnh cửu, đừng để cuộc sống mình cậy dựa hoàn toàn vào chúng.

Có bao giờ các bạn tự hỏi: đâu là chân lý của đời tôi?  Đâu là cái mà tôi cần cố để nắm bắt?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

LƯƠNG Y TỪ MẪU

Z2Không ai trong chúng ta đã không ít là một một lần ngã bệnh hoặc có người thân đau ốm hay được thấy những bệnh nhân điều trị tại một bệnh viện, để thấy được bệnh tật quả là một nỗi khổ đau của con người… Mọi người đều phải chạm trán với đau khổ dưới muôn hình vạn trạng.  Các triết gia đã suy nghĩ và bàn giải nhiều về đau khổ, nhưng không có một giải đáp nào thỏa đáng trước sự đau khổ của người hiền đức và của trẻ thơ vô tội.

Ông Gióp, nhân vật chính trong tác phẩm mang tên ông, là một người hiền đức nhưng gặp phải nhiều nỗi gian truân, đâm ra hoang mang và vô vọng: “Xin Chúa nhớ cho: đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ.”

Thật vậy, “đời người là một khổ dịch, như cảnh nô lệ, tựa kiếp làm thuê.”  Tuy thế, tuyệt đối ông không bao giờ coi đau khổ như là dấu chỉ hay hình phạt của tội lỗi.  Bản thân ông Gióp không tài nào hiểu được: Tại sao người hiền đức lại phải đau khổ?  Đối với ông, đau khổ thật là một huyền nhiệm khôn dò.  Tốt hơn hết là tin chắc vào Chúa, hướng về Ngài và xin Ngài giải đáp cho.

Vậy thời Đức Giêsu nghĩ thế nào về đau khổ của con người?

Trước hết, Đức Giêsu không thuyết giảng về đau khổ nhưng Ngài quan tâm, lo lắng cho những người đau khổ, cảm thông và chữa lành kẻ ốm đau, tật nguyền, hoặc bị quỷ ám.  Được biết bà mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nằm trên giường. “Đức Giêsu lại gần, cầm lấy tay bà và đỡ dậy…”  Với triết gia, đau khổ là một vấn đề.  Còn với Đức Giêsu, cần chiến đấu và chiến thắng đau khổ:  Trước người mù từ thuở mới sinh, mọi người tìm cách giải thích để kết án kẻ khác và chạy tội, để đổ trách nhiệm cho kẻ khác và phủi trách nhiệm cho mình.  Nhưng theo Đức Giêsu, làm như thế có lợi gì, người đau khổ vẫn đau khổ.  Tốt hơn là làm một cái gì đó, làm “cái phải làm” để biểu lộ công trình yêu thương của Chúa Cha.

Kế đến, khi cầm lấy tay bà mẹ vợ ông Simon đang nằm trên giường vì sốt mà cho bà “chỗi dậy”, Đức Giêsu như hướng chúng ta đến cái chết và sự Phục Sinh của Ngài.  Chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua này mà đau khổ của con người có được một ý nghĩa tích cực: Đau khổ dứt khoát không phải là một hình phạt mà là một thay đổi, một nổ tung nảy sinh một sự sống mới, tương tự như hạt lúa phải thối đi để có mùa gặt, quả trứng phải nứt ra để có chú gà con, và con sâu phải lột xác để thành cánh bướm bay vào cõi trời bao la.

Như vậy, Đức Giêsu đến trong trần gian không phải để xóa đi mọi đau khổ nhưng để đem lại cho đau khổ một ý nghĩa cứu độ, cho người đau khổ một niềm vui giải thoát.  Ngài đã giải thoát họ khỏi những chán chường thất vọng và đưa họ vào lại trong sự hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa cũng như với mọi người trong xã hội.  Phải đợi đến sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, người ta mới nhận ra rằng: còn hơn một Thầy Thuốc, Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh của cả nhân loại.  Bởi vì Ngài đã không những chữa lành những nỗi đau nơi thân xác mà còn chiến thắng cả cái chết và quyền lực của tội lỗi đang tác động trong đau khổ, để đem đến cho con người một sự giải thoát toàn diện, đưa họ vào trong vinh quang và sự sống.  Đây mới thật là mối bận tâm sâu xa của Đức Giêsu: bận tâm rao giảng Tin Mừng hay mạc khải tình thương cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người.  Nhờ đó, đau khổ thay vì là sự vắng mặt của Thiên Chúa, sẽ là sự hiện diện của một tình yêu.  Dù đau khổ vẫn còn là một mầu nhiệm khôn dò, một vấn đề chưa có giải đáp trọn vẹn, nhưng đã có tình yêu, một mầu nhiệm vĩ đại hơn.

Đức Giêsu đem Tin Mừng đến cho loài người bằng những thái độ cụ thể, rõ ràng: Ngài ra tay cứu chữa những ai đau ốm bệnh tật, cho họ được lành mạnh, thuyên giảm, hầu làm chứng một cách thỏa đáng tin rằng, quả thật Thiên Chúa yêu thương người ta, dùng con người cứu chữa con người, để ốm đau không thành đau khổ, tật nguyền không phải tất nhiên đau khổ.  Khi con người được yêu thương chăm sóc thì dầu có mang bệnh tật cũng có thể cảm thấy vui tươi, hạnh phúc, nghĩa là không đau khổ, như một em bé mù –Trường Hy Vọng – Nguyễn Đình Chiểu, vẫn có thể đàn hát về cảnh bình minh của đời mình, vẫn sáng tác những vần thơ trong sáng, vì em được yêu thương, được chăm sóc tận tình.

Đức Giáo Hoàng Phaolô II trong Tông thư về “Ý Nghĩa Đau Khổ Của Con Người, theo Kitô giáo” (1984) đã nói: “Con người bước đi cách này hay cách khác, trên con đường đau khổ”, và tất cả chúng ta được đưa tới gặp gỡ con người trên con đường đó.  Ngài trích dẫn dụ ngôn người Samari nhân hậu để cho thấy rằng mỗi người chúng ta phải có mối liên đới như thế nào đối với người đồng loại đang đau khổ.  Chúng ta không được “dửng dưng” bỏ qua, nhưng phải “dừng lại” bên kẻ đau khổ.  Người Samari nhân hậu là tất cả những ai dừng lại bên bất cứ đau khổ nào của người khác.  Dừng lại không phải vì tò mò mà là để sẵn sàng giúp đỡ.  Thái độ này là sự sẵn sàng nội tâm biết mở lòng và xót thương, thúc đẩy chúng ta ra tay hành động và trợ giúp những người đau khổ, dù thuộc loại nào” (x. số 28).

Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã luôn quan tâm chăm sóc và cứu chữa các bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo và khó chữa, những kẻ tàn tật.  Sự tận tụy của các tu sĩ, các đội ngũ bác sĩ, y tá Công giáo tại các trại phong cùi, các bệnh viện luôn được xã hội ghi nhận và đã là nguồn an ủi không nhỏ đối với những con người đau khổ.  Nhiều giáo dân tại các họ đạo, các đoàn thể, có thói quen thăm viếng, chăm sóc những người già cả tại gia đình, tại các viện dưỡng lão… Như vậy, sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với những con người đau khổ vì bệnh tật được tiếp tục trong xã hội hôm nay của chúng ta.

Nhân ngày Thế Giới Bệnh Nhân sắp đến, ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức (11/2), nơi các bệnh nhân đã được Đức Mẹ chữa lành một cách lạ lùng, nhờ lòng tin tưởng, cậy trông và yêu mến Đức Mẹ.

Trước nỗi đau khổ của kẻ khác, nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, không biết phải nói gì, không biết phải làm gì.  Những lúc đó, trong giới hạn của mình và đầy tình thương, chúng ta vẫn có thể làm một cái gì đó để xoa dịu tinh thần cũng như trợ lực cho thể xác của họ.  Rất có thể người ấy chỉ cần chúng ta im lặng và cảm thông với nỗi đau của họ, hoặc lắng nghe họ tâm sự.  Cũng có thể họ chờ đợi được nghe một tin vui, chờ đón một nụ cười… Ngay cả khi không thể thực hiện các việc đó, chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho họ.  Bằng tất cả những việc yêu thương nhỏ bé của đời thường đó, chúng ta nói với họ về Chúa Giêsu của chúng ta.  Đó cũng là cuốn Tin Mừng sống động viết bằng chính cuộc đời chúng ta vậy.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”