MA QUỶ THỜI ĐẠI MỚI

snhn11Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người.  Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng.  Trong cuộc chiến với ma quỷ, con người không phải là địch thủ ngang tài đồng sức, nên thường thua cuộc.  Ngay trong trận chiến đầu tiên, hai ông bà nguyên tổ đã thua mưu chước ma quỷ.  Từ đó, con người chẳng thể nào tự mình thoát được nanh vuốt ma quỷ giam hãm.

Đức Giêsu đến mở đầu một kỷ nguyên mới: Nước Thiên Chúa đến chiến thắng nước ma quỷ.  Ngay khi Đức Giêsu xuất hiện, ma quỷ mở lại bài cũ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường kiêu ngạo, phô trương, cậy sức mình, ham hố danh, lợi, thú.  Nhưng ngay trong lần đầu tiên giáp chiến, ma quỷ thất bại nặng nề.  Đức Giêsu đã toàn thắng vì Người cương quyết đi theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, sống khiêm tốn, đơn sơ, khiêm nhường, phó thác.  Từ đó, Đức Giêsu đi đến đâu là khuất phục ma quỷ, giải thoát con người đến đấy.

Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu giải thoát con người ở các khía cạnh sau đây.

Người trực tiếp giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của satan.  Hôm nay, Người xua đuổi thần ô uế công khai trước mặt mọi người trong hội đường.  Lần khác, Người xua đuổi cả một đạo quân quỷ dữ.  Chúng đã xin nhập vào đàn heo đang ăn bên bờ biển, và cả đàn heo lăn xuống biển chết hết.

Người gián tiếp giải thoát con người khỏi ách thống trị của satan qua việc chữa bệnh.  Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là dấu chỉ của tội lỗi.  Vì thế, người bệnh là người sống dưới ách satan.  Đức Giêsu đã chữa lành rất nhiều người bệnh.  Nhiều lần Người nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”.

Người tha thiết với việc cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, nên Người thường lui tới với những người thu thuế.  Người không chỉ nói lời tha thứ bên ngoài, nhưng thực sự hoán cải họ từ bên trong. Nhất là Người giải thoát họ khỏi những mặc cảm và giúp họ tái hội nhập vào đời sống cộng đoàn.

Qua những việc làm của Đức Giêsu, ta thấy Người không chỉ giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của ma quỷ mà còn quan tâm cứu chữa con người khỏi những thế lực đen tối của chúng.

Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp tục, nên Đức Giêsu khi sai các Tông đồ đi rao giảng, vẫn luôn kèm theo mệnh lệnh xua đuổi ma quỷ.  Hôm nay, Người sai chúng ta tiếp bước các Tông đồ, đi chiến đấu chống lại ma quỷ.  Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy, nhưng chúng ẩn nấp trong các sự dữ, sự ác còn tồn tại trên thế giới.

Có thứ quỷ nghèo đang trói buộc con người, không cho họ sống một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người.  Có thứ quỷ đói đang giết chết nhân loại dần mòn.  Có thứ quỷ dốt giam cầm những người thất học trong tù ngục tối tăm.  Có thứ quỷ bệnh không ngừng hành hạ và đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.

Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn.  Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.

Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa.  Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành.  Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác.  Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.

Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy cùng nhau xua đuổi quỷ đói, quỷ nghèo ra khỏi thế giới.  Hãy góp phần tích cực diệt trừ quỷ dốt, quỷ bệnh ra khỏi xã hội con người.

Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ.

Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.

Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ.  Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp.  Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện.  Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

CON BÒ CÂM

W7Bé Toma Aquinas năm tuổi, dáng người phục phịch, lặng lẽ ngồi trên lưng ngựa với người đầy tớ.  Họ đang chờ đợi giờ khởi hành. Bé thấy nôn nao vì sắp được rời xa tòa lâu đài xám, nơi đó, dù cha bé thống lãnh cả một vùng, nhưng ít khi ông ở nhà; còn mẹ thì chẳng mấy khi bé được gặp; có người chị thân nhất lớn hơn bé một tuổi thì mới bị sét đánh chết ngay trong phòng ngủ cách đây mấy tháng!  Tôma rùng mình khi hồi tưởng trận bão ác nghiệt đó…….

Đoàn ngựa chở Tôma và ba má của bé cùng đoàn tùy tùng chẳng mấy chốc đã vượt qua 6 dặm đường núi, tiến về tu viện Cassinô, một tu viện danh tiếng tại Ý, mà vị Viện Trưởng lại có họ hàng với gia đình bé.  Tại đây, sau một nghi lễ vắn tắt, bé được đón nhận và trở thành một học sinh trường Dòng.

Tôma bắt đầu cuộc sống mới nơi đan viện không tiếng ồn ào.  Lạ lùng thay, bế chẳng thấy đơn côi, nhưng lại tỏ ra thích thú cuộc sống thinh lặng nơi đây.  Bé yêu thích trường sở, mộ mến vẻ thân thiện của các đan sĩ, say mê các khúc hát trầm bổng trong giờ nguyện kinh của các thầy.

Khởi sự làm môn sinh của các thầy từ khi ê-a ba chữ A B C, Tôma ngày càng tỏ ra thông minh sáng trí.  Cuộc sống đạo hạnh của bé phát triển không ngừng.  Năm 13 tuổi Tôma đã vượt xa các bạn đồng lứa.  Cậu có một trí nhớ khác thường, thuộc lòng toàn bộ Phúc Âm và các thư thánh Phaolô.  Cậu đã chuyển ngữ nhiều tập sách từ tiếng Latinh sang tiếng Ý.  Người ta đồn rằng, Tôma không hề quên bất cứ điều gì cậu đã học!

Cuộc sống trầm lặng nơi đan viện đột nhiên nổi sóng.  Hoàng đế Frederick ra lệnh chiếm cư tu viện Cassinô.  Các đan sĩ và học sinh bó buộc phải rời bỏ đan viện.  Một lần nữa, Tôma bị đặt giữa khúc quanh cuộc đời.

Năm 14 tuổi, ba má cho Tôma nhập Đại Học thành Naples với nguyện vọng là sau cơn sóng gió, chàng có thể về lại đan viện để trở thành một đan sĩ dòng Bênêđicto.  Danh tiếng của Tôma nổi như sóng cồn, chàng không những vượt xa chúng bạn mà còn tỏ ra trổi vượt hơn các giáo sư cả về kiến thức lẫn cuộc sống thánh thiện, và được gọi là “Thiên thần của học đường”.  Chàng đã trải qua 5 năm tại Đại Học thành Naples.

Trong khoảng thời gian đó, thánh Đaminh lập Dòng mới có tên là dòng Giảng Thuyết.  Các thầy thuộc dòng này chuyên Giảng trong các đại học và giảng thuyết bất cứ nơi nào cần đến.  Không như dòng Bênêđito, các thầy Đaminh thời đó tự đi xin ăn và đón nhận của bố thí.  Mọi người đều nghe nói đến sự thánh thiện và kiến thức sâu rộng của các thầy.  Bị thu hút mãnh liệt bởi gương lành các tu sĩ dòng Đaminh, Tôma đã gõ cửa tu viện xin nhập dòng.  Các thầy khuyên chàng hãy chờ đợi và cầu nguyện.  Chàng nghe theo lời khuyên của các thầy, đồng thời làm bạn với nhiều tu sĩ trong dòng.  Năm 20 tuổi, Tôma tốt nhiệp đại học, một lần nữa chàng xin nhập dòng Đaminh.  Lần này chàng đã được nhận lời.  Lập tức chàng nhắn tin cho mẹ hay.  Cha chàng đã qua đời một năm trước đó.

Được tin con vào dòng Đaminh, bà Thêôđôra, mẹ chàng nổi cơn lôi đình, bà nói:

– Đây là điều bất hạnh cho dòng họ Aquinas! Hãy tưởng tượng xem một người con trai vương giả lại đi ăn xin và giảng thuyết khắp đường phố như người điên!  Hãy đem ngựa cho tao!  Nội đêm nay tao sẽ lôi cổ nó ra khỏi tu viện!

Người ta báo cho Tôma biết cơn giận và âm mưu của mẹ chàng, chàng vội vã chuyển đến một tu viện khác tại Rôma.  Nhưng bà Thêôđôra phóng ngựa đuổi theo, bất chấp những gì xẩy đến, Tôma phải vâng lời bà!  Bà quên rằng Thánh Ý Chúa còn vượt trên ý định của bà.  Gõ cửa tu viện ở Rôma, bà ra lệnh phải đem Tôma ra ngoài!  Nhưng thầy giữ cửa cho biết Tôma đã rời khỏi tu viện sáng nay cùng với một số thầy.  Lập tức bà sai người đưa tin cho các anh của Tôma đang đi lính đóng tại làng gần đó, phải tìm mọi cách bắt Tôma đưa về nhà.

Khoảng giữa trưa, Tôma cùng với nhóm các thầy đang ngồi nghỉ bên bờ giếng, thình lình một toán kỵ mã do các anh của Tôma dẫn đầu xông vào bắt chàng, rồi lôi chàng lên lưng ngựa và đem về lâu đài của gia đình.  Tại đây, mẹ chàng đã giam chàng trong một pháo đài, cửa sẽ khóa kín cho tới khi chàng hứa vâng lời bà.  Bà không thèm để ý đến Thánh Ý Chúa và tuổi tác của con bà.

Tôma nhìn quanh khu pháo đài bằng đá vắng lạnh đang giam hãm chàng: góc bên này là chiếc giường ngủ, bên kia là một chiếc bàn và chiếc ghế ọp ẹp.  Quang cảnh thật trống vắng!  Nhưng chàng lại thích bầu khí thinh lặng!  Chàng biết rằng chàng không đơn côi một mình, nhưng có Chúa hằng ở bên chàng.  Không có việc gì làm, chàng bắt đầu truyện vãn với Chúa bằng những lời cầu nguyện ….

Người duy nhất được phép đến thăm tôma là Marotta, em của chàng, một cô gái mang nặng đầu óc trần tục.  Nàng cố gắng dùng mọi lý lẽ thuyết phục Tôma phải vâng lời mẹ.  Để cho cô em thuyết chán, Tôma mới bắt đầu nói cho nàng nghe về tình thương bao la của Chúa đối với nàng.  Chàng khéo nói đến nỗi chỉ sau đó ít ngày, Marotta đã đi đến quyết định chính nàng cũng sẽ dâng đời mình phụng sự Chúa.  Thế rồi nàng tìm cách giúp đỡ Tôma những gì có thể, và lén lút đem cho chàng sách vở cùng những vật dụng chàng cần đến.

Thế là Tôma chia thời giờ ra để học hành, viết sách, và cầu nguyện.  Ý chí của chàng còn sắt đá hơn cả ý muốn của mẹ chàng, tưởng chừng chàng có thể vĩnh viễn sống cuộc đời giam hãm tại pháo đài, nếu Ý Chúa muốn như thế.  Mẹ và các anh của chàng dùng đủ mọi mánh khóe để chàng bỏ ý định tu dòng Đaminh.  Một đêm, họ dẫn vào cho Tôma một cô gái trẻ đẹp, với mục đích dùng nàng để quyến rũ Tôma phạm tội.  Không chút lưỡng lự, chàng liền rút que củi cháy đỏ trong lò sưởi, xua đuổi người con gái ra ngoài.

Đằng đẵng hai năm dài, Tôma bị giam hãm trong pháo đài.  Đã đến lúc Giáo Hội phải can thiệp.  Bà Thêôđôra được biết bà sẽ bị dứt phép thông công với Giáo Hội nếu bà không trả tự do cho con bà….  Thế rồi, một buổi sáng, Tôma thấy cửa pháo đài bỏ ngỏ, chàng lẹ chân trốn khỏi pháo đài trở về tu viện.  Chàng và mọi người quen biết lòng phấn khởi mừng vui.  Từ nay chàng được tự do phụng sự Chúa trong dòng Đaminh.  Mọi người đều tỏ lòng kính yêu Tôma, một thầy dòng trẻ mập mạp, ít nói, nhưng chiếu tỏa sự thánh thiện.

Thầy được cử đi học Đại Học Paris dưới sự chỉ giáo của vị giáo sư danh tiếng, sau này trở thành thánh Anbêtô Cả.  Không một giáo sư hay sinh viên nào trong trường này quen biết Tôma khi người sinh viên mới, với dáng người nặng nề, trầm lặng này bước chân vào lớp.  Sau vài ngày, họ tự hỏi nhau tại sao và tranh luận sôi nổi.  Một sinh viên lên tiếng hỏi:

–  Anh chàng đó là ai vậy?  Một người nhanh nhẩu trả lời:
–  Một con bò câm!  Mọi người phá lên cười.

Tuy nhiên, Giáo sư Anbêtô sớm khám phá ra sự khôn ngoan, thông sáng của “Con Bò Câm”. Một hôm bị giáo sư công khai sát hạch Tôma giữa lớp.  Tôma trả lời cách hết sức thông minh, đến nỗi giáo sư Anbêtô phải lưu ý cả lớp:

– Các bạn gọi thầy Tôma là “Con Bò Câm”, nhưng các bạn nên nhớ tiếng rống của “Con Bò Câm” này sẽ vang dội khắp thế giới!
Trước những sự kiện đó, Tôma chỉ mỉm cười.  Thầy không màng để ý đến cái tên riêng họ đặt cho thầy.

Chẳng bao lâu, Tôma được thụ phong Linh Mục.  Cha tăng gấp đôi giờ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể.  Cha giảng thuyết, dậy học và viết sách.  Trong cố gắng trả lời câu nghi vấn đã ám ảnh Tôma từ hồi thơ ấu “Thiên Chúa là gì?”, cha đã viết hết pho sách này đến pho sách khác.  Và từ đó, cha trở thành một nhà tư tưởng trứ danh của mọi thời đại.  Mỗi lần Tôma không thỏa mãn với những điều cha viết, hoặc phải giải quyết những vấn nạn ” hóc búa”, cha đều đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và cầu nguyện lâu giờ.

Một lần đang khi cha Tôma quì cầu nguyện trước bàn thờ, thình lình ngài nghe tiếng Chúa phán từ tượng chịu nạn:
– Tôma, con đã viết rất khéo về Cha! Con muốn Cha thưởng gì cho con?

Lập tức cha Tôma trả lời:
– Lạy Chúa, ngoài Chúa ra, con chẳng muốn điều gì khác!

Thế rồi, một ngày kia Tôma đột nhiên ngừng viết, mặc dầu ngài chưa hoàn tất tác phẩm nổi tiếng của ngài. Khi được hỏi lý do, cha Tôma trả lời:
– Mọi điều tôi viết chỉ là không, so với những gì đã được mạc khải cho tôi!

Cha Tôma qua đời năm 1274, khi Ngài mới được 49 tuổi.  Không đầy 50 năm sau, Ngài được tôn vinh trên bàn thờ.  Do các tác phẩm nổi tiềng của ngài, thánh Tôma được trao tặng danh hiệu “Tiến Sĩ Hội Thánh”.  Do sự trịnh trọng của ngài, thánh Tôma được gọi là “Tiến Sĩ Thiên Thần”.  Do các giáo thuyết của Ngài, thánh Tôma được tôn phong là “Thánh Sư các Trường Công Giáo”. Tiếng rống của “Con Bò Câm” đã thực sự vang dội khắp thế giới.  Hàng năm, Giáo Hội mừng kính Ngài vào ngày 28 tháng Giêng.

Sưu tầm

THÁNH PHAOLÔ NGÃ NGỰA

W8Cuộc đời thánh Phaolô có nhiều hình ảnh đẹp. Chẳng hạn khi ngài xuất thần được đưa lên tầng trời thứ ba; chẳng hạn khi ngài ứng khẩu rao giảng Tin Mừng nơi Nghị viện Hy Lạp; chẳng hạn khi ngài lênh đênh trên biển tìm vùng đất mới đem về cho Chúa bao nhiêu linh hồn; và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác nữa.  Nhưng tại sao Giáo Hội không chọn trong số những hình ảnh đẹp ấy, mà lại lấy hình ảnh ngã ngựa để đem mừng kính trong một ngày lễ?

Thưa vì hình ảnh đó là một biến cố quan trọng phân chia cuộc đời ngài ra làm hai nửa theo hai hướng đối nghịch nhau, nhưng cùng làm nên một cuộc đời có tội lỗi và ân sủng, có yếu đuối và sức mạnh, đồng thời cũng có thất bại và thành công.

Hai nửa đời ấy dường như hội tụ lại trong hình ảnh thánh Phaolô ngã ngựa hôm nay.

1) Cú ngã ngựa cũng là ngã rẽ cuộc đời.

Về danh xưng, nửa đời trước là “Saolô” với một câu hỏi “tại sao?” đang cỡi ngựa vút lao đi tìm giải đáp cho cuộc đời; còn nửa đời sau là “Phaolô” đã trở thành chiếc phao cứu tử cho cả linh hồn ngài gặp trên đường truyền giáo.

Về vị thế, nửa đời trước là một người Biệt phái chính cống, được giáo dục đường hoàng bởi ông thầy trứ danh Gamaliel, nhiệt thành với truyền thống cha ông; còn nửa đời sau là một vị tông đồ thông minh uyên bác, vô cùng nhiệt thành với tình yêu Thiên Chúa, như ngài thú nhận “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi”.

Về hoạt động, nửa đời trước là một chàng thanh niên tin tưởng cuồng nhiệt vào luật lệ Do Thái, tự tay vấy máu trong những cuộc bách hại Kitô hữu, cụ thể là cộng tác vào việc ném đá Stêphanô và tự ý đến xin các thượng tế cấp giấy phép cho mình được quyền bắt bớ bất cứ ai tin vào Chúa Kitô nơi Hội đường Do Thái; thế mà nửa đời sau lại trở thành một người hăng say can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Kitô mà ông đã bách hại trước đó, bất kể ánh nhìn e dè nghi ngại của những Kitô hữu và bất kể sự nguy hại tính mạng do những người bạn biệt phái cũ của ông.

Về tình cảm, nửa đời trước là một Saolô mù quáng hận thù, nhưng từ lúc gặp được ánh sáng Chúa Kitô bao phủ, ông đã bị choáng ngợp mù lòa, để cặp mắt mình được thanh tẩy, mở đầu cho một nửa đời khác bước đi trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa.

Về hướng đi bản thân, nửa đời trước là một Saolô kiêu căng tin vào sức mạnh của con người, đang xây dựng những mưu đồ tiến thân của mình, bất kể những khổ đau của người khác; nhưng nửa đời sau là một Phaolô bị quật ngã biết mình yếu đuối, nên chỉ tin vào sức mạnh của Thiên Chúa, đang gieo bước hân hoan trong ý hướng hiến thân phụng sự Thiên Chúa bất kể những đau khổ mình phải chịu: “Tôi có thể làm mọi sự trong Đấng là sức mạnh tôi”.

Tóm lại, biến cố ngã ngựa là một tổng hợp tiêu biểu cho cuộc đời thánh Phaolô.  Nó nói lên sự thất bại của mưu đồ con người và xác định sự thành công trong ý hướng Thiên Chúa.

2) Những cú ngã ngựa trong đời tín hữu

Nhìn vào biến cố “ngã ngựa” của thánh Phaolô để rồi nhìn lại cuộc đời mình, biết đâu ta cũng gặp nhan nhản những cú “ngã ngựa”.  Có những cú ngã ngựa trong đời sống thiêng liêng liên hệ với Chúa; có những cú ngã ngựa trong đời sống tình cảm liên hệ với tha nhân; có những cú ngã ngựa trong đời sống chiến đấu nội tâm; và cũng có những cú ngã ngựa đau điếng trong đời sống xác thân bên ngoài như công ăn việc làm, học hành, danh dự, tình yêu, tương lai, hạnh phúc, sức khỏe…

Nhưng điều quan trọng là đừng nhìn “ngã ngựa” chỉ như một thất bại để rồi cuốn theo thất vọng quỵ ngã không gượng dậy được, mà hãy nhìn “ngã ngựa” như một thất bại làm điều kiện cho một thành công lớn hơn trong ơn thánh.  Ăn trái cấm là một thất bại của Adam Evà trong quyền làm chủ, nhưng lại là một điều kiện bật mở chương trình cứu độ với việc Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.  “Tội hồng phúc” là thế.  Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một thất bại đau đớn trước mặt trần thế, nhưng lại là một thành công trong chiến thắng cứu độ vinh quang.  Và cú “ngã ngựa” của thánh Phaolô hôm nay là một thất bại chấm dứt quãng đời săn bắt Kitô hữu, nhưng lại là một thành công mở đầu cuộc sống lên đường truyền giáo của vị tông đồ.

Như vậy, người ngã ngựa không nhìn vào mình để chỉ cay cú cuộc đời, mà nhìn vào Chúa để tìm sức mạnh đứng lên trong ánh sáng niềm tin.  Nếu “ngã ngựa” là điều không thể tránh được, thì điều quan trọng là luôn sẵn sàng để biết đứng dậy.  Không phải khi ngã người ta trở nên mạnh mẽ mà là khi biết đứng dậy người ta mới chứng minh được bản lĩnh mạnh mẽ của mình.

ĐGM Vũ Duy Thống

HÃY THEO TÔI

W9Bốn anh thanh niên có gia đình, có nghề nghiệp lại được Đức Giêsu mời gọi theo Ngài, bỏ lại tất cả. Chắc chắn họ không phải là những người nhẹ dạ.  Họ đã từng quen biết Thầy Giêsu và kính nể Ngài. Đến lúc nào đó, khi được Ngài hoàn toàn chinh phục, họ đã sẵn sàng ra đi, nhẹ tênh.

Nhiều người nghĩ rằng đoạn Tin Mừng này nói về ơn gọi đi tu của các linh mục tu sĩ.  Thật ra đây là đoạn Tin Mừng nói về ơn gọi của từng Kitô hữu chúng ta.

Chúa Giêsu vẫn đi ngang qua đời ta mỗi ngày như xưa Ngài đã dọc theo biển hồ Ga-li-lê.  Ngài thấy ta như Ngài đã thấy bốn môn đệ.  Ngài thấy ta trước khi ta thấy Ngài.  Cái nhìn của Ngài không làm ta bị tê liệt vì Ngài chấp nhận trọn vẹn con người của ta.  Cả những yếu đuối và tội lỗi cũng được Ngài đón nhận.  Hạnh phúc cho ai được thấy Thiên Chúa.  Nhưng hơn nữa, hạnh phúc cho ai được Thiên Chúa thấy.

Lúc Ngài thấy ta thì ta vẫn không hay biết.  Ta vẫn mải mê quăng chài hay vá lưới.  Ta vẫn tất bật với những lo toan đời thường, hay đang miệt mài theo đuổi một ước mơ.  Chính lúc đó, chính lúc ta tưởng mình quá ư ổn định, và đời mình đã được định hướng quá rõ ràng, thì tiếng gọi của Ngài vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát.

Hãy theo tôi!

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu.  Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ.  Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống.

Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới con người.

Con người là điều ta phải quan tâm, vì đó là mối quan tâm lớn nhất của Chúa Giêsu.

Theo Ngài là chia sẻ với Ngài cùng một sứ mạng, là thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài trong công việc cứu độ toàn thế giới.

Chúa Giêsu mời ta dấn thân vào cuộc đổi đời, mời ta định lại hướng đi theo những giá trị mới.  Như thế là chấp nhận đổ vỡ, đoạn tuyệt.

Bốn môn đệ đã bỏ lại biển cả và những người thân yêu.  Vợ con của Simon và cha của Giacôbê sẽ sống thế nào?  Mái nhà nay vắng bóng những người đàn ông cột trụ!

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn cần bạn, vì bạn là Kitô hữu.  Ngài vẫn thấy bạn, và mời gọi bạn đáp lại mỗi ngày.

Cần trầm lắng mới nghe được tiếng thì thầm của Chúa.  Bạn có thể sống như một giáo dân bình thường, lo xây dựng gia đình, sự nghiệp, tương lai.  Nhưng bạn phải sẵn sàng từ bỏ khi cần, nghĩa là chọn Chúa, đặt Chúa lên trên mọi giá trị đó.

*************************************************

Lạy Chúa,

Chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài.  Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Trích trong “Manna”

BỤI TRẦN

“Nếu chúng ta có thể hiểu và cảm nhận được những điều cao trọng chứa đựng trong Bí Tích Thánh Thể thì không có gì có thể làm cho con tim của chúng ta được thoả mãn hơn.  Con người nhỏ mọn của chúng ta sẽ không chạy theo của cải, hoặc tham vọng danh tiếng, nhưng sẽ rũ bỏ những bụi đất của thế gian, trả lại cho nó những gì là của nó, và bay bổng về Thiên Đàng.” – Thánh John Vianney

Chuyện kể rằng:

Một ngày nọ, một thầy giáo bước vào lớp và thấy ngay lớp đầy những giấy vụn và lớp thì rất dơ bẩn.  Thay vì tức giận các em học sinh, người thầy tự đi dọn lớp cho sạch sẽ và sắp xếp mọi thứ ngăn nắp.  Sau đó ông bắt đầu dạy cho các học sinh về tầm quan trọng để giữ gìn cho lớp được sạch sẽ và ngăn nắp.  Sạch sẽ là bước đầu tiên của con người dịu dàng.  Sạch sẽ là điều mà mọi người ưa thích, và chúng ta tìm được niềm vui và thoải mái trong môi trường sạch sẽ.  Con người được tôn trọng nếu chúng ta biết giữ sạch sẽ và biết giữ kỷ luật trong cuộc sống của mình.  Sạch sẽ bảo vệ sức khoẻ vì vậy tất cả chúng ta nên ý thức về tầm quan trọng của nó và thực hành là điều cần thiết cho mỗi ngày chúng ta sống.

Vị thầy dạy cho các học sinh về quy luật trong lớp và các em đã biết ý thức hơn và cố gắng giữ cho lớp học của mình được sạch sẽ.

Câu chuyện trên có lẽ rất quen thuộc với chúng ta vì ai cũng muốn sống trong một môi trường vệ sinh, và ngay từ nhỏ chúng ta đã được nhắc nhở về việc giữ gìn vệ sinh để bảo toàn sức khoẻ cho bản thân và những người xung quanh.  Nhất là ở những nước văn minh, sự sạch sẽ là điều rất là cần thiết và con người họ hầu như bị chiếm hữu bởi sự sạch sẽ.

Trong câu chuyện Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng được thuật lại trong Phúc Âm Luca chương mười, chúng ta cũng nhận ra được Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ của Ngài về sự sạch sẽ.

Sự sạch sẽ ở đây không phải là bên ngoài nhưng là trong tâm hồn.  Trước khi đi Ngài dặn dò các ông, khi đến làng nào mà họ đón tiếp các ông thì ở lại đó với họ, nhưng khi ai đó từ chối các ông thì hãy rời nơi đó và phủi trả những gì là của họ kể cả bụi đất.  Thoạt đầu nghe câu chuyện này, có lẽ chúng ta cảm thấy hình như lời dặn dò này không mấy tế nhị, nhưng khi nhìn sâu hơn chúng ta sẽ nhận ra sự khôn ngoan của Thầy Giêsu và những giáo huấn Ngài muốn truyền đến các môn đệ của Ngài.

Nếu chúng ta nhìn lại bối cảnh của câu chuyện, chúng ta sẽ nhận ra ngay các môn đệ đến với mọi người với hai bàn tay trắng vì khi ra đi các ông không mang theo một cái gì, không tiền, không bị, và ngay cả đôi dép cũng không có.  Vậy thì ai là người sẽ đón tiếp các ông?  Đó là những ai có tâm hồn trong sạch, họ biết nhìn và đón nhận các ông với con mắt của con tim trong sạch chứ không phải với con mắt còn vướng bận danh vọng, của cải, và những quyến rũ của thế gian.  Với những tâm hồn đó, Thầy Giêsu đã dặn các môn đệ ở lại và sự bình an của nước Thiên Chúa sẽ ở cùng họ.  Ngược lại với những tâm hồn còn mang nhiều cát bụi của đam mê và lòng họ đang hướng về những gì họ cho là trên hết thì họ sẽ chẳng bao giờ thấy và đón nhận các môn đệ vì các ngài không có những gì con tim của họ đang tìm kiếm.  Và với những con người như vậy, Thầy Giêsu đã dặn các ông đừng để lối sống và cách cư xử của họ làm cho lòng các ông bị giao động, nhưng hãy rời bỏ tất cả, đừng quay lại, đừng trách móc, và cũng đừng nuối tiếc.

Tương tự, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng vậy, chúng ta cần giữ vệ sinh để bảo toàn sức khoẻ cho cơ thể mình và những người xung quanh, nhưng chúng ta cũng cần giữ cho tâm hồn mình được trong sạch khỏi mọi vết nhơ của cuộc sống.  Làm sao chúng ta có thể giữ cho tâm hồn mình được sạch và ai sẽ là người rửa sạch tâm hồn chúng ta?  Để có một tâm hồn sạch, chúng ta phải dành thời gian cho việc cầu nguyện giống như là chúng ta dành thời gian để làm vệ sinh cho cá nhân cũng như môi trường mình đang ở.  Hãy xin ơn để nhìn ra được những dơ bẩn trong tâm hồn và đón nhận một sự thật mà lắm lúc chúng ta không muốn đối diện: chúng ta là một cục đất, và cục đất ấy đang muốn được thánh hoá và gội rửa trong ân sủng của Ngôi Lời Nhập Thể.

W10Chúng ta dành bao nhiêu thời gian trong ngày để làm vệ sinh, thì cũng hãy dành bấy nhiêu thời gian hoặc nhiều hơn để cầu nguyện và xin ơn để được thánh hoá.  Thời gian riêng mỗi ngày để cầu nguyện và nhìn lại chính mình là điều cần thiết, nhưng khi dọn dẹp hay làm vệ sinh, thay vì chỉ làm những việc ấy thôi, chúng ta có thể vừa làm và vừa thầm thì với Chúa xin Ngài làm cho tâm hồn mình được sạch sẽ.  Chẳng hạn như khi đi tắm, thay vì hát nghêu ngao thì chúng ta có thể lắng đọng và xin ơn để được Chúa tắm cho tâm hồn mình luôn.  Tự chúng ta không thể tắm cho tâm hồn mình nhưng chính Chúa sẽ gội rửa tâm hồn chúng ta.  Cũng như tóc không tự nó có thể làm sạch nhưng chúng ta là người chủ sẽ gội cho tóc sạch như ý chúng ta muốn.  Chúng ta sẽ là người quyết định gội tóc giờ nào, cách nào, và dùng dầu gội gì.  Nếu chúng ta là người biết giữ gìn tóc, chúng ta sẽ biết tóc của mình cần dùng gì và lúc nào cần cắt tỉa.  Còn phần tóc, có lẽ nó chẳng bao giờ kêu ca những gì chúng ta làm cho nó nhưng chỉ biết đón nhận với lòng tri ân vì nó biết chúng ta là người chủ tốt lành.

Chúng ta hãy xin ơn để tâm hồn chúng ta được gội sạch hầu chúng ta không nhìn mọi sự với con mắt còn vướng bận những tham vọng, danh tiếng, vật chất, và quyến rũ, nhưng với con mắt của một tâm hồn trong sạch.  Vì chỉ khi đó chúng ta mới nhìn mọi sự như Chúa muốn chúng ta nhìn.  Đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết đón nhận con người bất toàn của mình và mong mỏi được ơn thánh hoá.  Xin cho chúng ta biết và tin rằng Chúa là người chủ tốt lành và Ngài sẽ gội và cắt tỉa cho chúng ta được sạch bằng cách tốt nhất cho chúng ta vì Ngài là Chúa và là Thầy của chúng

Củ Khoai

ƠN GỌI

W11“Hãy tin rằng Ngài sẽ cho bạn những ơn thánh cần thiết vào những thời điểm cần thiết vì Ngài đã nói “ơn Ta đủ cho con”, và Ngài không bao giờ thử thách quá sức chịu đựng của bạn”

“Ơn Gọi” – chỉ hai chữ thôi nhưng đã đặt ra cho con biết bao nhiêu câu hỏi ngay từ khi con có trí khôn.  Ơn gọi là gì?  Là ai gọi?  Gọi như thế nào?  Và tại sao lại gọi?…  Biết bao nhiêu câu hỏi tại sao và tại sao mà chưa có lời giải đáp.  Hai chữ ấy theo con lớn lên khiến con càng phải đi tìm câu trả lời cho mình, và từng bước con khám phá ra qua cuộc sống, qua những biến cố hàng ngày.

“Ơn Gọi” – là một cái gì đó rất bình thường nhưng cũng thật phi thường.  Bình thường vì nó chỉ là một tiếng gọi nhưng phi thường vì tiếng gọi ấy chỉ là một ơn mà Thiên Chúa ban cho mỗi người.  Được sinh ra làm người và làm con Chúa chính là một hồng ân và ơn gọi sống đời thánh hiến mà Chúa dành cho con là một quà tặng mà con được nhận.  Con đã được mời gọi dấn thân vào đời sống tu trì một cách rất tình cờ và cũng thật tự nhiên.  Lời mời gọi ấy văng vẳng quanh con, qua gia đình, anh chị em, bạn bè, qua những nơi, những người mà con tiếp xúc.  Lời gọi ấy âm thầm nhưng lại mãnh liệt.  Đã nhiều lần con muốn làm ngơ trước lời ấy nhưng dường như càng lẩn trốn thì tiếng gọi ấy càng lớn dần trong con và ngày càng thôi thúc con phải làm điều gì đó cho Chúa, cho mọi người và cho chính bản thân.  Con cảm thấy mình rất can đảm, can đảm vì dám bước theo Chúa, can đảm vì có một quyết định mà người khác cho là “điên”….  Vâng, con chấp nhận như thế vì chính con cũng biết rằng: đi theo Chúa là khổ cực, là từ bỏ mọi thứ mà lẽ ra con sẽ có ở độ tuổi này.  Theo Chúa là từ bỏ gia đình, anh chị em để sống chung trong gia đình mới với mỗi người mỗi nết khác nhau, và theo Chúa chính là lội ngược dòng….

Nhưng khi đến được điểm hẹn với Chúa, con thấy mình hạnh phúc, hạnh phúc vì có Chúa, hạnh phúc vì thực hiện điều Chúa muốn và hạnh phúc vì xuất phát từ con tim con.  Bởi con biết cuộc sống con ở trong tay Chúa, chọn con cũng là sáng kiến của Chúa.  Và cũng thật kỳ diệu thay khi sáng kiến ấy lại xuất phát từ khi con chưa lọt lòng mẹ thì Chúa đã chọn, Chúa chỉ việc đợi chờ con đáp trả một cách tự do mà không ràng buộc.

Và bây giờ con đã hiểu, con vẫn đang trên hành trình đi tìm hạnh phúc, và chỉ khi nào con chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người thì con mới thực sự hạnh phúc trong Chúa.

Xin mọi người hãy tiếp tục cầu nguyện cho ơn gọi của con nhé…..

Thùy Phương

HÀNH TRÌNH ƠN GỌI

Các bài sách thánh hôm nay đều nói về ơn gọi.  Ơn gọi của Samuel thật lạ lùng.  Còn ơn gọi của Anrê và Gioan diễn ra nhẹ nhàng hơn.  Tuy nhiên, dù mạnh mẽ lạ lùng hay nhẹ nhàng bình thường, hành trình ơn gọi nào cũng trải qua bốn giai đoạn.

1- Giai đoạn thứ nhất: Chúa kêu gọi.
Việc Chúa kêu gọi không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần, tùy sự đón nhận của người nghe.
Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng, một ước nguyện của người thân, một gương mẫu, một thần tượng.  Ở Samuel, đó là ước nguyện của bà mẹ muốn tạ ơn Chúa.  Ở Anrê và Gioan, đó là thiên hướng đi tìm lý tưởng.
W12Sau đó, Chúa có thể dùng các trung gian dẫn ta đến với Chúa.  Trong trường hợp Samuel, người trung gian là thày cả Hêli.  Còn trong trường hợp Anrê và Gioan, thánh Gioan Baotixita đã làm trung gian đưa hai môn đệ đến với Đức Giêsu.

2- Giai đoạn hai: Ta đáp trả.
Nếu ta trung thành đáp trả mỗi khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, Chúa sẽ tiếp tục gọi ta đi vào những đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn hơn.  Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi ta phải trả lời mỗi lúc một dứt khoát hơn.  Cho đến một thời điểm quyết định, Chúa sẽ đưa ra lời mời gọi cuối cùng đòi ta trọn vẹn dấn thân lên đường theo Chúa.  Với Samuel, việc Chúa ba lần cất tiếng gọi chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông.  Với Anrê và Gioan, việc Đức Giêsu mời hai ông đến chỗ Ngài ở đã khiến hai ông phải dứt khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.

3- Giai đoạn ba: Sống thân mật với Chúa.
Tuyệt đỉnh của ơn gọi không phải là làm việc cho Chúa, nhưng là sống thân mật với Chúa.  Chúa không kêu gọi ta theo một chủ thuyết nhưng kêu gọi ta theo Chúa.  Ta đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng để tham dự vào sự sống của Chúa.  Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha – Con thắm thiết.  Sự sống của Chúa là tình yêu đưa ta vào hạnh phúc của người biết mình được yêu thương.
Trong tình yêu Thiên Chúa, tâm hồn ta được gột rửa sạch mọi tội lỗi.
Trong tình yêu Thiên Chúa, trái tim ta trở nên dịu dàng, hiền hoà rộng mở để tha thứ và đón nhận mọi người.
Hạnh phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến độ biến đổi toàn bộ cuộc đời ta.  Ai đã một lần nếm cảm sẽ không còn mơ ước điều gì khác nữa.
Sau khi được tiếp xúc thân mật với Chúa, trọn cuộc đời Samuel hoàn toàn dâng hiến cho Chúa.  Sau một buổi chiều thân mật sống với Đức Giêsu, hai tông đồ Anrê và Gioan gắn bó với Người, cho đến chết vì Người.

4- Giai đoạn bốn: Làm chứng cho tình yêu Chúa.
Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rồi, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là ra đi làm chứng về tình yêu đó.  Giống như dòng suối sung mãn tràn xuống thành thác, tâm hồn tràn đầy tình yêu sẽ cất lên thành lời ca tụng, giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
Sau khi gặp Đức Giêsu, Anrê vội vã đi tìm em là Phêrô để dẫn đến giới thiệu với Người.  Từ đó, Anrê theo Đức Giêsu cho đến cuối đời.  Ông đã đem chính mạng sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.  Ông đã đổ máu ra để chứng thực tình yêu ấy. Ông dám khước từ cuộc sống trần gian vì ông đã biết đến hạnh phúc đích thực trong tình yêu Thiên Chúa.  Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi đến sống thân mật với Người trong tình Cha-Con thắm thiết.
Lời Chúa vang lên khi ta chịu phép Rửa tội.
Lời Chúa tiếp tục mời gọi ta khi ta lãnh nhận các bí tích, khi ta nghe sách thánh, khi ta học giáo lý, khi ta tĩnh tâm, nghe giảng.
Lời Chúa lúc thì nhẹ nhàng thoang thoảng, khi thì mãnh liệt thiết tha.  Nhiều lúc ta tưởng đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật là đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, nhưng không phải.  Chúa không mời gọi ta chỉ đi lễ như trả nợ . Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết với Người trong tình con thảo.
Hành trình đức tin của người Kitô hữu là một hành trình đi về với Chúa.  Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu?  Tôi đã thực sự gặp được Chúa chưa?  Tôi đã tiến đến gần Chúa chưa?  Hay là tôi mới ở khởi điểm?  Hãy đến, Chúa đang mời gọi ta.        Chúa đang chờ đợi ta.  Chúa đang mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim để đón ta đến sống trong tình yêu của Người.  Tình yêu ấy là hạnh phúc muôn đời của ta.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

KỶ NIỆM: HẠNH PHÚC HAY VẾT THƯƠNG

Những bài ca nói về ngọt ngào của tình yêu hay nhắc đến kỷ niệm. Những bài thơ viết về hạnh phúc cũng thường mang hình ảnh của quá khứ. Những tìm về con đường cũ vết chân xưa. Sân ga thủa nào hẹn hò. Chiều Giáng Sinh lần đầu gặp gỡ. Tất cả là kỷ niệm. Kỷ niệm là hành ảnh ghi lại những yêu dấu đã buông cánh đậu xuống đời mình. Nhưng, cũng có những bài thơ buồn nhắc nhở một dòng nước mắt. Cũng có những nốt nhạc sầu âm vang một dang dở. Những nước mắt, những dang dở cũng là kỷ niệm. Như snhn4thế, kỷ niệm là con đường hai chiều: một lối xuôi hạnh phúc, một nẻo ngược đau thương.
Tờ thư cũ. Tấm hình năm xưa. Kỷ niệm và kỷ niệm. Tuổi học trò có kỷ niệm của sân trường. Tình yêu vợ chồng có kỷ niệm của hôn nhân. Kỷ niệm ở khắp nơi. Ai cũng có kỷ niệm. Ai cũng có lúc sống với kỷ niệm. Ðã như thế, nơi nào có con người là có kỷ niệm.
Kỷ niệm không bao giờ nhắc đến con người nhưng con người lại hay nhắc đến kỷ niệm. Chính con người tạo nên kỷ niệm, chứ kỷ niệm không bao giờ hiện hữu độc lập. Mặc dù con người tạo nên kỷ niệm, nhưng sự yếu đuối của con người trước kỷ niệm là khi sinh ra kỷ niệm rồi thì con người lại bị kỷ niệm chi phối. Một khi kỷ niệm ra đời rồi thì khó mà chối bỏ được sự có mặt của chúng. Và kỷ niệm lại có quyền năng không ngờ: con người không giết được kỷ niệm, nhưng kỷ niệm lại có thể giết được con người.
Kỷ niệm là một gạch nối. Kỷ niệm là một lối đi về để tôi có thể đến được với người và người đến với tôi trong không gian xa cách, trong thời gian chảy xuôi. Kỷ niệm là lối đi về, là sự nhắc nhở giữa hai người. Ðã là nhắc nhở thì tùy sợi giây liên hệ ấy thơ mộng hay vụng về, thân ái hay oán trách mà hai người có kỷ niệm đẹp hay đau buồn.
Cái kỳ diệu và cũng là bi đát của con người là con người sống trong hiện tại nhưng lại có thể mơ ước tương lai và kéo cả quá khứ tới. Chính vì thế mà sống hiện tại, nhưng đau nỗi đau của quá khứ và lo nỗi lo của tương lai. Chính cái khả năng vượt thời gian này mà mới có kỷ niệm. Nếu không sống lại được quá khứ thì sẽ không có kỷ niệm. Do đấy, kỷ niệm có thể là hồng ân mà cũng là ngục tù.
Vì khả năng có thể kéo quá khứ tới hiện tại nên người ta có thể đem những kỷ niệm đẹp năm xưa làm hành trang cho hôm nay. Và cũng có thể là ngục tù nếu kỷ niệm đó là những kỷ niệm buồn. Con người không thể chỉ sống hướng tới tương lai. Quá khứ đã làm nên đời họ, luôn luôn nhắc nhở họ. Cánh cửa thời gian vật lý đã đóng kín, nhưng cánh cửa tâm lý của con tim chẳng chịu im lìm. Nó không ồn ào nhưng vẫn thăm thẳm sâu. Khi quay về quá khứ, họ sẽ không sáng tạo được kỷ niệm nữa, mà chỉ nhìn ngắm kỷ niệm và để kỷ niệm tham dự vào đời mình mà thôi. Con người bất lực trước quá khứ. Nhưng quá khứ không hẳn là bất lực trước con người. Chẳng thể lẩn tránh được kỷ niệm thì chỉ còn lối đi đẹp nhất là hãy xây dựng những kỷ niệm đẹp.
Một cánh thư viết thăm mẹ. Một món quà tặng nhau. Một dòng chữ cám ơn thầy, cô dạy cũ. Ðơn sơ nhưng đều là những kỷ niệm hồng có giá trị hạnh phúc dọc theo thời gian của một cõi lòng. Có những kỷ niệm êm đềm cho nhau bóng mát thì cũng có nhiều kỷ niệm đã giết chết bao tâm hồn. Ðưa dằn vặt câm nín đến đời nhau. Hối tiếc phũ phàng. Dọc theo thời gian còn lại của họ là nỗi đắng. Kỷ niệm là những hạt mầm đã gieo xuống hôm nay sẽ trổ sinh ngày mai. Có thể là quả ngọt, có khi là trái đắng.
Khó mà xóa nhòa được kỷ niệm. Nó có thể hằn sâu đời đời. Bởi đó, gieo kỷ niệm đau buồn cho nhau là có thể hành hạ nhau cả một tương lai. Tặng nhau những kỷ niệm đẹp là sắm sẵn cho nhau bóng mát hạnh phúc trong những ngày sắp tới. Vì kỷ niệm có quyền năng như vậy, nên khi trao tặng nhau kỷ niệm, những kỷ niệm đó phải là những kỷ niệm hồng.
*******************************************
Thánh Kinh có nói đến kỷ niệm. Con người mong muốn những kỷ niệm đẹp. Nhưng Chúa lại là người yêu thích kỷ niệm hơn ai hết. Trước khi chia ly, bữa cơm chiều hôm ấy Chúa đã trao kỷ niệm cho các môn đệ của Ngài. “Này là mình Ta, các con hãy lãnh nhận … để nhớ đến Ta” (Lc 22, 19). Cho kỷ niệm để nhớ nhau. Kỷ niệm là một nhắc nhở để tình thân ấy đẹp mãi, đẹp thêm. Chúa cũng yêu quý kỷ niệm thì con người cũng cần kỷ niệm để giữ ấm đời nhau.
Chúa đã chuẩn bị bao nhiêu năm trời để trao tặng kỷ vật cho con người. Chúa đã coi tặng vật như một giá trị vô cùng thiêng liêng nên đã dành vào giờ quan trọng nhất là giờ trước khi Chúa chết. Chúa cũng đã chọn một tặng vật cao quý nhất để tặng con người, đó là bữa Tiệc Ly, Chúa lập phép Thánh Thể.
Sự việc Chúa lập phép Thánh Thể được coi như một trong những cao điểm quan trọng của Phúc Âm. So sánh bốn Phúc Âm, ta thấy một sự khác biệt rất lớn. Cả ba Phúc Âm Máccô, Mátthêu, Luca đều nói tới bữa Tiệc Ly, nhưng lại không đề cập đến việc Chúa rửa chân. Còn Phúc Âm Gioan, trái lại, chỉ nói đến việc Chúa rửa chân cho môn đệ, nhưng lại không đề cập tới biến cố Chúa lập phép Thánh Thể.
Gioan muốn làm nổi bật một tư tưởng khác. Không đề cập đến bữa Tiệc Ly, nhưng người môn đệ này mở đầu cuộc loan báo Thương Khó bằng kỷ niệm Chúa rửa chân cho các môn đệ. Gioan dùng biến cố rửa chân để chuẩn bị cho giây phút trao tặng kỷ vật xẩy ra kế tiếp. Ngay khi rửa chân xong, Chúa long trọng tuyên bố gởi gắm lại di sản cuối cùng trước khi chết: “Cha chỉ ở lại với các con một ít nữa… nơi Cha đi các con chẳng thể đến được, thì này Cha nói với các con, Cha trao cho các con một kỷ vật mới là: các con hãy thương mến nhau” (Yn 13, 33). Ðối với Gioan, kỷ vật là tình yêu.
Gioan đã bỏ qua, không nói đến bữa Tiệc Ly để hết sức thâm thúy diễn tả ý nghĩa liên hệ giữa tình yêu và kỷ vật. Không có tình yêu, bữa Tiệc Ly không còn ý nghĩa. Bữa Tiệc Ly chỉ là kết quả của tình yêu. Không có tình yêu kỷ vật trở nên tội nợ. (Cor 11, 26-29).
Trong ý nghĩa đó, tình yêu phải luôn luôn đi với kỷ vật. Chính vì có tình yêu nên kỷ vật trở thành kỷ niệm của quá khứ vẫn còn sức sáng tạo cho hạnh phúc hiện tại và nối tiếp đi vào tương lai. Cũng trong ý nghĩa đó, không có tình yêu, kỷ vật chỉ là nợ nần, kỷ niệm sẽ là gánh nặng, là ngột ngạt khó thở. Người nhận kỷ niệm mà không có tình yêu là vô ơn. Kẻ tặng kỷ vật mà không có lòng mến thì kỷ niệm là thừa, hoặc đánh lừa.
*******************************************
Vì thực tế lắm lúc nghèo nàn nên con người muốn tìm về kỷ niệm, mong gặp được bóng hình hạnh phúc để xóa bớt đi nỗi khô cằn hiện tại. Nhưng đã có biết bao tâm hồn thở dài vì một quá khứ chỉ toàn kỷ niệm u uẩn. Có biết bao cõi lòng phải chạy trốn kỷ niệm, mỗi lần nhớ về kỷ niệm là vết thương càng sâu và bước chân vào tương lai càng ngần ngại. Sống trong hiện tại, con người không thể trở về quá khứ để thay đổi những gì đã xảy ra. Ðó là sự yếu đuối của con người trước quá khứ. Trái lại những gì đã xẩy ra ở quá khứ vẫn tiếp tục cắn rứt hay an ủi con người trong hiện tại. Ðó là sức mạnh của quá khứ. Tuy nhiên, đây chỉ là định luật tương đối để con người ý thức thái độ sống của mình hầu cẩn trọng gieo trồng kỷ niệm đẹp, tránh những kỷ niệm đau thương. Trong cuộc sống, nhiều trường hợp đã xẩy ra, tôi không gieo kỷ niệm gai góc nhưng nó vẫn xẩy tới do sai lầm của tha nhân, hay sự khờ dại của chính tôi.
Như vậy, tôi bất lực trước tàn phá của kỷ niệm u buồn?
*******************************************
Trong thực tế, có phần đúng, nhiều người đã bất lực trước kỷ niệm đau đớn. Vì không trốn nổi, kỷ niệm đã giết chết họ bằng con đường tự tử. Giuđa hôn Chúa. Nụ hôn phản bội đã là kỷ niệm bất hạnh dẫn đến cõi chết. Con người không thay đổi được sự kiện của quá khứ. Một mùa thu qua rồi là một mùa thu không thể thêm một cánh lá rơi. Kỷ niệm là kỷ niệm. Trọn vẹn. Dứt khoát. Kỷ niệm trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại của tôi. Nhưng, tự nó, kỷ niệm không hiện hữu độc lập mà phải có con người dựng nên nó. Thì cũng vậy, nó không thể ảnh hưởng đến tôi như một sức mạnh toàn năng, mà vẫn chịu sự chi phối của suy tư và tự do của tôi đối với nó. Ðời sống tội lỗi của Augustino trong những ngày ăn chơi ở kinh thành Paris không phải là những kỷ niệm đẹp. Nhưng Augustino đã thành thánh nhân. Trong thực tế, nhiều người không chịu đựng nổi sự tàn phá của kỷ niệm buồn. Nhưng, cũng trong thực tế, nhiều tâm hồn đã vượt thắng.
Làm sao để xóa nhòa những kỷ niệm buồn?
*******************************************
Sự khác nhau giữa một tâm hồn đã vượt thắng được những kỷ niệm thương tích và kẻ để cho thương tích dằn vặt là một cõi lòng đi tìm những kỷ niệm đẹp hơn, là một cõi lòng mở rộng cho một kỷ niệm mới. Tôi không thể tránh được những kỷ niệm đau buồn. Nhưng mầu nhiệm trong cuộc đời là tôi có khả năng để mơ những kỷ niệm đẹp hơn và khả năng sáng tạo những kỷ niệm mới. Khi đạt được những kỷ niệm đẹp hơn rồi thì những kỷ niệm buồn trong quá khứ, không hẳn là mất, nhưng phai mờ. Khi chưa đạt được thì tôi cũng đã trên đường đi tìm kỷ niệm đẹp, điều đó cũng có nghĩa tôi đang trên đường từ giã những quá khứ u uẩn. Trên con đường từ giã những kỷ niệm u uẩn cũng hàm ý là tôi không hoàn toàn bị nô lệ quá khứ.
Kỷ niệm đẹp không phải là thành công vật chất mà là sự tươi mát của tâm hồn. Nói về hy vọng và đi sáng tạo những kỷ niệm đẹp hơn, thì con người, một là đạt được, hai là chưa đạt được, chứ không bao giờ có nghĩa là không bao giờ đạt được.
Tại sao?
*******************************************
Vì thời gian là tình yêu của Chúa cư ngụ. Chúa không bao giờ rải gai trong tương lai cho tôi vấp ngã. Một tâm hồn mở rộng cõi lòng để tìm kỷ niệm mới, họ sẽ gặp: “Ai tìm thì sẽ thấy. Ai gõ, cửa sẽ mở cho” (Lc 11, 9-10). Thời gian là Nước Chúa. Trong Nước ấy: “Kẻ mù nhìn thấy, kẻ què đi được, người phong hủi được chữa lành, kẻ điếc nghe thấy, người chết sống lại và người nghèo khổ được nghe rao giảng Tin Mừng” (Lc 7, 22-23). Vì thế, trong Nước Chúa, tôi còn cả một vũ trụ mênh mông để sáng tạo những giấc mơ đẹp, xóa đi những kỷ niệm buồn. Biết tôi một khi đau khổ vì kỷ niệm đen tối rồi sẽ sợ hãi và nghi ngờ tương lai, nên Chúa đã bảo đảm: “Cha ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Lời hứa trên đây phải hiểu trong toàn mạch văn của thánh Mátthêu. Trong chương mở đầu Phúc Âm, thánh sử giới thiệu bản tính của Thiên Chúa là làm người để ở với nhân loại: “Một người nữ sẽ sinh con và người ta đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng tôi” (Mt 1, 23). Rồi những dòng chữ sau cùng, thánh sử đã kết thúc Phúc Âm cũng bằng tư tưởng đó: “Cha ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. Tư tưởng mở đầu và kết thúc của một quyển sách nói lên tính cách quan trọng độc nhất mà toàn bộ cuốn sách nhắm tới. Thánh sử muốn làm nổi bật chân lý Chúa đi song hành với con người.
Bởi đó, tương lai là sự chờ đợi Chúa. Nơi Ngài là một vũ trụ mênh mông để tôi mở lòng cho những kỷ niệm tươi đẹp hơn.
*******************************************
Chúa đã đề cao giá trị của tặng vật và kỷ niệm. Chúa đã cho con tặng vật đẹp nhất là chính Chúa. Xin giúp con cố gắng đem kỷ niệm đẹp đến cho người. Một hy sinh trao tặng nhau hôm nay là một kỷ niệm có thể nẩy sinh nhiều an ủi cần thiết cho một lúc trống trải nào đó của một tâm hồn.
Và, xin Chúa cũng hãy nhắc nhở con luôn luôn khôn ngoan gieo xuống đời mình những kỷ niệm đẹp hôm nay để ngày mai con khỏi dằn vặt hối tiếc.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ. – Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

MƯỜI BÍ MẬT HẠNH PHÚC

 

snhn3Trong 5 năm qua, người ta ngày càng chú tâm nghiên cứu về hạnh phúc con người.  Vô số sách xuất bản nói về chủ đề này, và trong số đó không kém nổi bật là quyển Thần Thoại Hạnh Phúc của Sonja Lyubomirsky, vốn đã trở nên một kinh thánh thế tục về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời cho nhiều người.  Trong quyển sách mới đây, Tiếng Gọi Hạnh phúc, Sidney Callahan đã định lượng phê phán nhiều nghiên cứu trên.  Cho dù các nghiên cứu này có đáng giá đến đâu, thì tất cả chúng ta đều nuôi dưỡng ước mơ thầm kín của riêng mình về những điều mang đến hạnh phúc cho mình, và thường ảo tượng này khác rất xa với những gì chúng ta biết là thật.  Vậy điều gì sẽ cho chúng ta hạnh phúc?

Trong một bài phỏng vấn mới đây (ngày 29 tháng 7 năm 2014) với tuần báo Viva của Argentina, giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh về chủ đề này, và đưa ra “10 lời khuyên” của riêng ngài về hạnh phúc.  Vậy lời khuyên của giáo hoàng Phanxicô về hạnh phúc, theo cách nói của ngài là “để đem lại niềm vui lớn hơn cho cuộc sống”, là gì?

Khi trình bày ở đây, tôi sẽ trung thành với lời của ngài, nhưng do ngài diễn giải khá dài cho mỗi điểm, nên tôi sẽ mạo muội tổng hợp điểm trọng tâm của ngài bằng lời của tôi.

  1. Sống và hãy sống

Tất cả chúng ta sẽ sống lâu hơn và hạnh phúc hơn nếu thôi đừng cố gắng sắp đặt cho cuộc sống người khác.  Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta không được phán xét nhưng hãy sống với áp lực căng thẳng đó và để Thiên Chúa và lịch sử đưa ra phán quyết.  Vậy để sống, chúng ta cần sống bằng nhận thức riêng của mình và hãy để người khác cũng được như vậy.

  1. Trao ban bản thân cho tha nhân

Hạnh phúc hệ tại ở việc cho đi chính mình.  Chúng ta cần cởi mở và quảng đại, vì nếu rút vào bản thân, chúng ta sẽ mắc phải mối nguy quy ngã và sẽ chẳng tìm thấy hạnh phúc vì “nước đọng là nước độc.”

  1. Hướng đến điềm đạm

Hãy làm việc với lòng tốt, khiêm nhượng, và điềm đạm.  Đây là những điều đối chọi với lo lắng và sầu lụy.  Điềm đạm không bao giờ gây cao huyết áp.  Chúng ta cần phải nỗ lực, phải ý thức để đừng bao giờ để hiện tại gây hoang mang và vội vã quá đáng.  Thà trễ còn hơn là căng thăng quá độ.

  1. Nghỉ ngơi lành mạnh

Đừng bao giờ bỏ phí thú vui của nghệ thuật, văn học, và chơi đùa với trẻ con.  Hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đã làm cho người khác chướng mắt vì Ngài có thể tận hưởng cuộc sống với mọi vui thú của nó. Chúng ta không chỉ sống bằng làm việc, cho dù đó có là công việc quan trọng và ý nghĩa đến đâu đi nữa.  Ở trên thiên đàng, không có công việc, chỉ có thư thái, chúng ta phải học lấy nghệ thuật và niềm vui của an nhàn, không phải chỉ để chuẩn bị cho thiên đàng mà còn để tận hưởng một phần thiên đàng ngay hiện tại.

  1. Ngày chúa nhật phải là ngày nghỉ

Các công nhân phải được nghỉ ngày chúa nhật, vì ngày chúa nhật là dành cho gia đình.  Thành tựu, năng suất, và tiến độ không nên là những thứ mà chúng ta xem  trọng nhất, nếu không chúng ta sẽ bắt đầu đem mọi thứ ra mà bán buôn, đời chúng ta, sức khỏe, gia đình, bạn bè, những người xung quanh chúng ta, và những sự tốt đẹp trong đời nữa.  Đó là lý do vì sao Thiên Chúa cho chúng ta giới răn giữ ngày Chúa Nhật.  Đây không phải là lời khuyên về lối sống, nhưng là một giới răn, cũng hệt như cấm giết người vậy.  Hơn nữa, nếu chúng ta là người chủ, thì giới răn này đòi hỏi chúng ta cũng phải cho nhân công của mình có một ngày chúa nhật đúng nghĩa.

  1. Tìm những cách mới để tạo việc làm phẩm giá cho người trẻ

Nếu bạn muốn chúc phúc cho một người trẻ, đừng chỉ nói với họ rằng anh ấy, cô ấy thật tuyệt.  Đừng chỉ ngưỡng mộ vẻ đẹp và sinh lực của tuổi trẻ.  Hãy cho người trẻ công việc của bạn!  Hay, ít nhất, hãy tích cực hành động để giúp người đó tìm được một công việc ý nghĩa.  Điều này sẽ vừa ban phúc cho người trẻ đó và vừa đem lại niềm hạnh phúc đặc biệt cho đời bạn.

  1. Tôn trọng và chăm lo cho tự nhiên

Không khí chúng ta thở ra là không khí chúng ta hít vào.  Đây là chân lý đúng cho cả đường thiêng liêng, tâm lý, và sinh thái.  Chúng ta không thể nguyên vẹn và hạnh phúc khi Mẹ trái đất đang bị tước đoạt đi sự nguyên vẹn của mình.  Chúa Kitô đến để cứu thế giới, chứ không phải chỉ cứu con người trong thế giới.  Ơn cứu độ, cũng như hạnh phúc của chúng ta, gắn chặt với cách chúng ta đối xử với trái đất.  Thật là vô luân khi tát vào mặt ai đó, và cũng vô luân khi ném những thứ rác thải của chúng ta vào mặt của Mẹ trái đất.

  1. Đừng tiêu cực

Nhu cầu cần phải nói xấu ai đó cho thấy một sự thiếu tôn trọng bản thân.  Những suy nghĩ tiêu cực nuôi dưỡng bất hạnh và cái nhìn xấu về bản thân mình.  Còn suy nghĩ tích cực nuôi dưỡng hạnh phúc và sự tự tôn lành mạnh.

  1. Đừng chiêu mộ, hãy tôn trọng niềm tin của người khác

Những gì chúng ta trân trọng, và là sự thăng tiến đức tin của mình, chính là “nhờ sự lôi cuốn chứ không phải chiêu mộ.”  Vẻ đẹp là điều không ai có thể bàn cãi.  Hãy trân quý các giá trị của bạn, nhưng luôn luôn hướng đến người khác với lòng nhân từ, tử tế và tôn trọng.

  1. Làm việc vì hòa bình

Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh, và làm việc vì hòa bình không chỉ là đừng gây bất hòa.  Hòa bình, cũng như chiến tranh, phải được tiến hành một cách tích cực, bằng cách làm việc vì công lý, bình đẳng, và quy tụ với tất cả mọi người là gia đình mình.  Tiến hành hòa bình là một cuộc đấu tranh không dứt để mở rộng tâm hồn, của mình và của người khác, để nhìn nhận rằng trong nhà Chúa có nhiều chỗ ở và rằng tất cả mọi đức tin, chứ không chỉ đức tin của chúng ta, đều là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.
Và tôi xin mọi người thứ lỗi nếu có ý tưởng nào của tôi thay thế ý tưởng của Đức Phanxicô.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA TỘI

 

1) Hình ảnh về một Đấng Cứu Thế khiêm nhường tự hạ

Trong khi dân Do Thái mong chờ một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt, thì Đức Giêsu xuất hiện công khai lần đầu tiên trong sự khiêm nhường thống hối.  Lúc ấy, Gioan rao giảng sự ăn năn sám hối.  Đoàn lũ dân chúng đông đảo kéo đến với ông để xin chịu phép rửa thống hối.  Hòa mình vào đoàn lũ những con người tự nhận mình tội lỗi ấy, Đức Giêsu âm thầm khiêm tốn xếp hàng chờ được rửa tội.  Thật là lạ lùng.  Chính Đấng đã thánh hóa Gioan khi ông còn trong bụng mẹ giờ đây lại đến xin ông làm phép rửa cho.  Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình.  Thật là khiêm nhường thẳm sâu.  Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm cách nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm hạ mình xuống.  Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi.  Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu.  Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn chia sẻ kiếp người, muốn cứu chuộc tội đời, muốn thăng tiến nhân loại.

snhn22) Hình ảnh về cuộc giao hòa đất trời

Chính lúc Đức Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra.  Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ.  Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối.  Bóng tối tội lỗi giam kín con người trong thân phận bụi đất, không còn hy vọng vươn lên.  Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát.  Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên, vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn.  Trời đất giao hòa.  Thiên giới cúi xuống hạ giới.  Thiên Chúa đến ở với con người.  Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.

3) Hình ảnh về sự kết hiệp mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong giây phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện.  Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống.  Chúa Thánh Thần là tình yêu.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy.  Đức Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái ấy với Đức Giêsu khi lên tiếng: “Đây là Con Ta yêu dấu.”  Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.  Đây không phải là một danh xưng, một tước vị, nhưng là một liên hệ sâu xa mật thiết: Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Đức Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha.  Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Đức Giêsu Kitô.  Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu chuộc con người.

4) Hình ảnh về sứ mệnh người được sai đi.

Từ xưa trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh.  Hôm nay, Đức Giêsu cũng đã nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu nhân độ thế.  Là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm.”  Người không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường.  Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ.  Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gẫy.  Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi”.

Phép rửa của Đức Giêsu mời gọi ta nhớ lại ơn phép rửa tội của mình.  Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, màn đêm tội lỗi vây phủ ta bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến với ta, ban cho ta cuộc sống thần linh, cho ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, cho ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.  Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Chúa, là tiếp tục công việc của Đức Giêsu trong công cuộc cứu nhân độ thế.  Đức Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo, vì Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, và nhất là Người luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.  Ta hãy noi gương Đức Giêsu, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho những anh em sống chung quanh ta.

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin dạy con biết sống ơn bí tích Rửa Tội như Chúa, để con xứng đáng được làm con yêu dấu của Đức Chúa Cha.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt