VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI

ZZĐêm nay, tại các nhà thờ trên khắp thế giới vang lên lời ca của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh năm xưa:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

Lời hát của các thiên thần chính là sứ điệp của Chúa từ trời cao gửi xuống.  Lời hát này nối kết đất với trời.  Lời hát này ràng buộc Thiên Chúa với con người.

Tại sao “”Vinh danh Thiên Chúa trên trời” phải đi liền với “Bình an dưới thế cho người Chúa thương?” Thưa vì Thiên Chúa yêu thương con người.  Thiên Chúa tự ràng buộc mình với con người.

Vì yêu thương nhân loại, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người.  Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện trở nên một trẻ thơ yếu ớt.  Vì yêu thương nhân loại, Ngài tự nguyện làm con của loài người, sinh ra bởi một người phụ nữ.  Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã muốn trở nên một thành viên trong gia đình nhân loại, có một gia đình như những người khác.

Thiên Chúa đã tự nguyện làm một người như chúng ta, Thiên Chúa tự đồng hóa với con người đến nỗi từ nay ai khinh miệt một con người là khinh miệt chính Chúa, ai bạc đãi một con người là bạc đãi chính Chúa, ai hà hiếp một con người là hà hiếp chính Chúa.  Ai xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Chúa.

Hang đá Bêlem là một lời mời gọi tha thiết và cấp thiết cho tương lai nhân loại.  Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống.  Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn.  Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ.  Thiên Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ.  Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Lời mời gọi này có tính chất quyết định không những cho hạnh phúc chóng qua mà còn cho hạnh phúc vĩnh cửu của con người.

Vì ai tôn trọng con người là tôn trọng chính Chúa.  Ai phục vụ con người là phục vụ chính Chúa.  Như lời Chúa dạy: mỗi lần ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, là ta làm cho chính Chúa (x. Mt 25).

Như thế, lễ Chúa Giáng Sinh là lễ của phẩm giá con người.  Chúa xuống trần để nâng cao phẩm giá con người.  Chúa làm người để con người được kính trọng.  Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên Chúa.

Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui.  Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương.  Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng.  Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế,” ta hãy quỳ gối trước tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho ta.  Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của con người vì được Chúa yêu thương.

Vì thế, để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho đúng ý nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng con người.  Dịp lễ Giáng Sinh, chỉ đến viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo.  Chỉ đến viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ.  Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá nghèo nàn thôi chưa đủ.  Ta còn phải cảm thương những anh chị em nghèo khổ, thiếu may mắn ở quanh ta.

Chỉ khi nào tất cả mọi người được yêu thương, ta mới có thể mừng lễ Giáng Sinh thật sự vui tươi.  Chỉ khi nào tất cả mọi người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo hèn được kính trọng, ta mới có thể hát vang lời ca:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

Trong tâm tình yêu mến và kính trọng, tôi xin gửi tới tất cả anh chị em lời cầu chúc đầy bình an và ân sủng của Chúa Hài Nhi Giáng Sinh.  Amen!

ĐTGM Ngô quang Kiệt

 

NHỮNG NGƯỜI ĐẠO SĨ

A – NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ NHẤT

Tôi tên là Gaspar, một trong ba người đạo sĩ đã đến dâng của lễ bên máng cỏ ở Bêlem.  Hai người bạn của tôi là Melchior và Balthazar.

Từ lâu rồi, tôi mãi ngắm nền trời sao, và hôm ấy, ngôi sao tôi chờ đợi xuất hiện.  Các bạn từng có hình ảnh về sao lạ ở Bêlem, nên các bạn hình dung đó là một ngôi sao khác thường, với một cái đuôi thật dài chỉa thẳng về hang đá.  Một ngôi sao mà không ai có thể nhận lầm được.

Xin thưa với các bạn, nếu các bạn nghĩ như thế thì các bạn lầm rồi đấy.  Ngôi sao ấy không khác với các ngôi sao bình thường đâu.  Tôi đã chờ đợi nó từ bao nhiêu năm trường mà khi xuất hiện, tôi vẫn còn do dự.  Tôi đã chỉ cho bao nhiêu người xung quanh, cho bà con họ hàng, cho thân bằng quyến thuộc.  Họ chỉ nhìn thoáng rồi thôi.  Họ bảo rằng giữa hằng hà sa số tinh tú trên trời thì ngôi sao ấy cũng chẳng có gì đặc biệt.  Không ai chịu lên đường với tôi, rốt cuộc tôi phải đi một mình.  Không ai muốn đặt niềm tin vào một vì sao, mà xét cho cùng, có thể chỉ là một ngôi sao như trăm ngàn ngôi sao khác.  Nhưng riêng tôi thì tôi phải ra đi, bởi vì tôi không thể đặt ngôi sao ấy đồng hàng với những ngôi sao bình thường được.

ZZKhi gặp được Melchior và Balthazar, niềm phấn khởi của chúng tôi có gia tăng.  Nhưng dù sao cũng chỉ là ba người thức giấc bước đi trong đêm tối cố theo một ngôi sao, trong khi mọi người khác đang yên hàn trong giấc ngủ.  Càng đi chúng tôi càng mệt mỏi.  Khi thể chất mệt nhoài, thì tinh thần cũng sa sút, và những gì chúng tôi tin tưởng lúc khởi hành cũng dần dần nhạt phai.  Nhất là khi trên nền trời hiện ra nhiều vì sao mới, sáng sủa hơn, đẹp đẽ hơn, gần gũi hơn.

Thế nhưng chúng tôi cũng bám vào ngôi sao ban đầu, bám vào một cách cố chấp, vì chúng tôi đã tự hứa sẽ trung thành với ngôi sao đã thúc dục chúng tôi lên đường.

Rồi chuyện bi đát đã xảy ra: Ngôi sao của chúng tôi đã biến mất.  Bây giờ chúng tôi mới thực sự cô đơn.  Ba chúng tôi nhìn nhau không dám nói một lời.  Chúng tôi không tìm ra lời nào để khích lệ nhau.  Đức tin thúc dục chúng tôi đi tới, lý trí bảo rằng chúng tôi phải quay về.  Và chúng tôi im lặng đi bên nhau, cô đơn giữa những người cùng chí hướng.  Chúng tôi bước đi trong đêm tối, đêm tối trên trời, và đêm tối trong lòng.  Với tâm trạng đó, chúng tôi tiến về Giêrusalem.

Đến Giêrusalem, chúng tôi cảm thấy mình như rồ dại.  Chúng tôi chờ đợi một Giêrusalem tưng bừng mở hội đón chào đấng Messia, nhưng trái lại chúng tôi bắt gặp một Giêrusalem hờ hững.  Giêrusalem là nơi phát xuất Kinh thánh, là nơi của Lời hứa, vậy mà Giêrusalem chẳng hay biết gì cả.  Điều này chứng tỏ rằng chúng tôi đã sai lầm, chúng tôi đã bị một ngôi sao vớ vẩn nào đó đánh lừa. Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn tiếp tục.  Chúng tôi sẽ đi ngược lại với mọi chứng cớ, vì chúng tôi là những người đã bị một vị sao trên trời cuốn hút; chúng tôi không thể lùi lại.  Chúng tôi sẽ là những người khôn ngoan nhất hoặc sẽ là những người rồ dại nhất.

Chúng tôi phải bước tới.  Đến gặp Hêrôđê.  À! thì ra cũng còn một người thức tỉnh.  Ông niềm nở đón tiếp chúng tôi, ông cho gọi các luật sĩ đến chỉ đường cho chúng tôi về Bêlem; ông mời chúng tôi trở lại báo tin cho ông biết để đi thờ lạy …

Mãi sau này chúng tôi mới biết được rằng vì quyền lợi mà ông thức tỉnh chứ không phải vì niềm tin.  Thì ra người ta dễ dàng thức tỉnh vì quyền lợi hơn là vì niềm tin.  Bởi thế mà Hài Nhi đã bị kết án tử hình trước khi chúng tôi đến thờ lạy.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về Bêlem như những người say, dân chúng Giêrusalem đang tựa cửa đứng nhìn.  Chúng tôi đã bao nhiêu đêm ngày lặn lội đến triều bái vị vua mới sinh.  Còn họ, họ không buồn ngưng cuộc sống bình thường lấy một ngày để đến Bêlem kiểm chứng.  Phải chăng họ đã chờ đợi quá lâu rồi nên bây giờ không còn tha thiết gì nữa?  Phải chăng niềm tin của chúng tôi chỉ là ảo tưởng?

Lúc đến Giêrusalem, chúng tôi đã đi ngược lại quan niệm của những người bàng quan.  Giờ này về Bêlem, chúng tôi đi ngược lại với quan niệm của những người được tuyển chọn.  Dưới mắt mọi người, chúng tôi là những kẻ bất bình thường, nếu không phải là những người khờ khạo.

Và này, ngôi sao lại xuất hiện, chúng tôi nhìn nhau mỉm cười mà nước mắt tuôn trào.  Không! Ngôi sao xuất hiện không phải để chỉ đường, vì chúng tôi đã biết đường về Bêlem.  Ngôi sao xuất hiện không phải để củng cố niềm tin, vì chúng tôi vẫn tin tưởng, tin tưởng một cách ngoan cố, tin tưởng ngay trong lúc ngỡ rằng mình nghi ngờ.  Ngôi sao xuất hiện như một bằng chứng tình yêu đáp lại tình yêu.

Chúng tôi đã đến Bêlem dâng lên hài Nhi những của lễ vật chất kèm với tấm lòng thành của mình.  Chúng tôi đã tìm được kho tàng quí giá nhất.  Đối diện với hài Nhi, chúng tôi hiểu rằng, khi ra đi, chúng tôi đã không có một của lễ nào xứng đáng để dâng lên Ngài.  Chúng tôi quả đã mang theo vàng, nhũ hương và mộc dược.  Nhưng những của lễ đó hoàn toàn không có giá trị nếu không kèm theo những đau khổ, những cực nhọc, những lo âu, những thử thách, những đêm tối trong lòng.

Nhờ vậy mà chúng tôi đuợc thấy ánh sáng trong đêm Bêlem này.  Bây giờ chúng tôi có thể ra về, chúng tôi trở về rón rén, im lặng vì chúng tôi đã tìm được kho tàng mà những vị vua chúa không thèm, một kho tàng mà họ ghét bỏ và muốn tiêu diệt.

Vâng, Hêrôđê đã ra lệnh cho binh sĩ chỉnh tề gươm giáo.  Chúng tôi không trở lại với Hêrôđê, chúng tôi đã thất hứa.  Các bạn không trách chúng tôi chứ?  Chúng tôi đành thất hứa với một ông vua, chứ làm sao chúng tôi có thể phản bội hài Nhi.

Tôi tin rằng các bạn thông cảm với chúng tôi, bởi vì hành trình của chúng tôi cũng chính là hành trình của các bạn ngày hôm nay.  Hành trình của những người hướng về một ngôi sao có khi đã tắt, và âm thầm tiến về Bêlem.

B – NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ TƯ

Có lẽ tôi cũng cần phải lên tiếng, bởi vì nếu hôm nay tôi im lặng, tôi sẽ là một tên vô ơn bạc nghĩa nhất trên đời. Tôi là một người đã đến bên hài nhi với hai bàn tay trắng và đã nhận tất cả nơi Giêsu.  Tôi là một trong muôn ngàn người đến với Giêsu, nhận lấy thật nhiều rồi ra đi lặng lẽ.  Tôi là người đạo sĩ thứ tư, người đạo sĩ đến sau cùng và Phúc âm không đề cập đến.  Cố nhiên tôi cũng đã chuẩn bị một lễ vật dâng lên hài Nhi, nhưng vì lơ đễnh tôi đã để rơi rớt.

Ngày tôi phát hiện vì sao lạ, tôi đã mở kho tàng mình và lấy ra ba viên ngọc quí nhất để làm của lễ tiến dâng.  Tôi đã chậm trễ dọc đường nên không tới kịp như ba vị trước.

Trên đường đi, tôi đã gặp một cụ già hấp hối, đói rét và bệnh tật nhưng không có ai chăm sóc. Tôi đã yếu lòng nên lấy ra một viên ngọc để nhờ người chăm sóc cụ già ấy.  Đó là lý do đầu tiên làm tôi chậm bước.  Ngày hôm sau, tôi lên đường một mình.  Khi qua một khu rừng thưa, tôi nghe có tiếng thét thất thanh, tôi đã dừng lạc đà rồi tò mò chạy đến.  Tôi thấy có mấy tên côn đồ muốn hành hung một phụ nữ.  Tôi không đủ sức đánh chúng, nên đành phải rút viên ngọc thứ hai mà mua lấy tự do cho người bất hạnh kia.  Thế là tôi chỉ còn một viên ngọc cuối cùng.  Tôi quyết sẽ không phung phí vì bất cứ một lý do gì nữa. Nhưng rồi tôi lại không giữ được lời tôi nguyện.

Khi đến gần Bêlem, bỗng thấy lửa rực trời.  Những người lính của Hêrôđê đang giết những trẻ em.  Gần một ngôi nhà bốc lửa, một tên lính nắm xốc ngược một hài nhi định lấy gươm mà đâm thâu, và dưới chân là người mẹ quì khóc gào không ra tiếng…  Tôi bỗng quên lời hứa với chính mình và đem viên ngọc thứ ba trao cho tên lính để nó trả đứa bé lại cho người mẹ khốn cùng.  Thế là hết, tôi chẳng còn gì nữa.  Tôi đã đi bao nhiêu đêm ngày đến đây mong triều bái vị vua mới sinh, thế mà tôi lại đến với hai bàn tay trắng.  Dù sao thì tôi cũng phải đến để xin lỗi Ngài.

Tôi cúi mặt bước vào hang đá.  Tôi nghẹn ngào khi thấy vàng ròng, nhũ hương và mộc dược của những người đi trước tôi.  Tôi không còn lòng dạ nào nói lên lời xin lỗi.  Tôi quì xuống cạnh máng cỏ, úp mặt vào lòng bàn tay, mặc cho dòng nuớc mắt tuôn trào.

Nhưng kìa, sao nước mắt tôi hôm nay ấm thế?…  Không, không phải là nước mắt, nhưng là đôi tay ấm áp của Chúa Hài Nhi đang nắm lấy tay tôi.  Chúa Hài Nhi không lộ vẻ trách móc, nhưng nhìn tôi âu yếm, trên môi nở một nụ cười.  Và tôi cảm thấy tràn đầy bình an.  Tôi chợt hiểu rằng, tôi là người duy nhất lãnh nhận tất cả nơi Hài Nhi, bởi vì tôi chẳng có gì để tiến dâng cả.  Tôi hiểu rằng nếu tôi đến bên hài nhi với ngọc ngà châu báu thì có thể tôi đã trở về không, bởi vì lòng tôi đầy ắp tự mãn nên không còn chỗ để chứa chất bình an của Ngài.  Nhưng tôi đã đến bên hài nhi với đôi bàn tay trắng, và cõi lòng trống không, vì thế tôi đã nhận được bình an tràn đầy.

Vì thế mà hôm nay tôi bắt buộc phải nói lên một lời cảm tạ. Tôi muốn nói với các bạn rằng nếu bạn còn một của cải vật chất hay tinh thần nào đó mà bạn dành cho Hài Nhi, thì hãy phân phát cho người khác; các bạn hãy đến bên Hài Nhi như tôi, đến với sự khó nghèo trong lòng và với hai bày tay trắng, thì rồi các bạn sẽ nhận được tất cả.

Trần Duy Nhiên – Trích Chia Sẻ Giáng Sinh

KHIÊM NHƯỜNG ĐÓN NHẬN

Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông.  Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu.  Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông.  Thấy Trương Lương, ông sai bảo: Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta.  Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già.  Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn.  Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa.  Cụ lại quát bảo Trương Lương: Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta.  Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ.  Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: Thằng bé này dạy được đây.  Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc.  Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông.  Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may.  Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông.  Đọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến Đức Mẹ.  Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận.  Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.

Đức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị Sinh ra và lớn lên trong ZZmột gia đình nghèo.  Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh.  Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa.

Đức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử.  Trước mặt thiên sứ Gabriel, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa.  Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Elidabet.  Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Elidabet đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.  Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ.  Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.  Đức Mẹ đã có chương trình riêng.  Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết.  Đó là một chương trình tốt đẹp.  Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Đức Mẹ theo chương trình của Chúa, Đức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa.  Đức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn. Thánh ý Thiên chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa Khi thưa Xin vâng, Đức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên chúa.  Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt của người Do thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Đức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên chúa mãnh liệt đến thế nào.

Vì đã thưa Xin vâng, nên Đức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh ý Thiên Chúa.  Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn?  Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn?  Tại sao Đấng Cứu thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân?  Hoàn toàn không hiểu, nhưng Đức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác.  Vì thế Đức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giêsu trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân thánh giá.

Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương.  Nước chảy xuống chỗ trũng.  Ân huệ Thiên chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường.  Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc.  Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến.  Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn.  Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa.  Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vận mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người.  Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.

Lạy Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.

 ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

ÔNG GIÀ NOEL KHÔNG MẶC ÁO ĐỎ

Tôi ngồi phành chân trên ghế trước trong xe Pontiac cũ của chúng tôi, bởi vì đó là cách ngồi hay nhất dành cho một đứa trẻ lớp bốn.  Ba tôi lái xe vào thành phố để mua sắm, còn tôi chỉ đi theo chơi.  Đó là lý do tôi nói với ông.  Thật ra, tôi có một vấn đề quan trọng cần hỏi ông, mà vấn đề đó cứ lởn vởn trong đầu tôi mấy tuần nay.  Tôi bắt đầu lên tiếng:

ZZ– Ba à…

Tôi ngập ngừng. Ông không quay sang nói:

– Gì vậy?

– Dạo này, mấy đứa bạn trong trường con thường bàn tán về một điều mà con biết là không đúng…

Tôi cảm thấy môi dưới mình run rẩy vì phải cố kìm lại những giọt nước mắt chỉ trực trào ra.

– Chuyện gì vậy, Punkin?

Tôi biết tâm trạng ông đang vui khi ông dùng cách gọi thân mật như vậy để gọi tôi.

– Tụi nó nói là không có ông già Noel.

Một giọt nước mắt bên phải trào ra.  Tôi ấm ức nói tiếp:

– Tụi nó nói con ngốc lắm mới tin là có ông già Noel…  Chuyện đó chỉ dành cho con nít.

Một giọt nước mắt bên trái lăn nhanh xuống má. Tôi sụt sùi:

– Nhưng con tin những gì ba đã nói với con.  Ông già Noel là có thật.  Phải không ba?

Ba tôi dịu dàng nói:

– Patty, bọn trẻ ở trường con sai rồi.  Ông già Noel có thật.

Tôi thở ra một hơi nhẹ nhõm:

– Con biết ngay mà!

– Nhưng ba cần nói thêm về ông già Noel với con. Ba nghĩ giờ đây con đã đủ lớn để có thể hiểu những gì ba sắp chia sẻ với con. Con sẵn sàng chưa?

Nét mặt ba tôi dịu dàng hẳn, và ánh mắt của ông thật ấm áp.  Tôi biết sắp có một chuyện quan trọng, và tôi sẵn sàng vì tôi hoàn toàn tin tưởng nơi ông.  Ba tôi sẽ không bao giờ nói dối tôi.

– Ngày xưa có một người đàn ông thường chu du khắp nơi trên thế giới.  Đi tới đâu, ông ấy cũng tặng quà cho những đứa trẻ mà ông thấy là xứng đáng.  Con sẽ tìm thấy ông ấy ở nhiều vùng đất khác nhau với nhiều tên khác nhau.  Ông ấy là tinh thần của yêu thương vô điều kiện, và ông ấy mong muốn chia sẻ yêu thương bằng cách tặng những món quà từ trái tim.  Khi con đến một độ tuổi nào đó, con sẽ biết ông già Noel thật sự không phải là người chui qua ống khói nhà con đêm trước Giáng Sinh.  Cuộc đời thật và linh hồn thật của vị thần tiên này sống mãi trong lòng con, trong lòng ba, trong lòng mẹ, trong lòng – cũng như trong tâm trí – của tất cả những ai tin vào niềm vui mà chúng ta tặng cho người khác.  Tinh thần thật sự của ông già Noel nằm trong điều con cho đi, chứ không phải điều con nhận được.  Một khi con hiểu và chấp nhận khái niệm này, Giáng Sinh càng thêm lý thú và kỳ diệu, vì con biết phép lạ xuất phát từ tâm hồn con, khi ông già Noel sống trong trái tim của con.  Con có hiểu những lời ba muốn nói với con không?

Tôi nhìn chằm chằm ra ngoài khung cửa, tập trung vào một thân cây phía trước mặt.  Tôi sợ phải nhìn ba tôi – người mà lúc nào cũng đoan chắc với tôi rằng ông già Noel là có thật.  Tôi chỉ muốn tin như hồi năm ngoái tôi đã tin – ông già Noel là một vị thần tiên to lớn, mập mạp, mặc bộ đồ đỏ.  Tôi không muốn nuốt vào viên thuốc làm người lớn và nhìn thấy mọi việc khác đi.

– Patty, con hãy nhìn ba.

Ba tôi yên lặng chờ đợi.  Tôi quay đầu lại nhìn ông.

Ba tôi cũng đang khóc – nước mắt của vui sướng.  Nét mặt ông rạng rỡ bởi ánh sáng của hàng ngàn thiên hà, và trong đôi mắt ông, tôi thấy đôi mắt của ông già Noel.  Ông già Noel thật sự.  Là người bỏ nhiều công sức lựa những món quà đặc biệt mà tôi muốn trong tất cả những dịp Giáng Sinh. Là người sẵn sàng ăn phần cà rốt mà tôi bỏ lại cho con chó Rudolph.  Là người – dù không có kỹ năng – vẫn ráp xe đạp, ráp cỗ xe ngựa, và những thứ linh tinh khác cho tôi trong suốt buổi sáng của những ngày Giáng Sinh.

Tôi đã nhận được điều đó.  Tôi đã nhận được niềm vui, sự chia sẻ và yêu thương.  Ba tôi kéo tôi vào vòng tay ấm áp của ông, âu yếm ôm tôi thật lâu.  Hai cha con tôi cùng khóc với nhau.

Ba tôi nói tiếp:

– Bây giờ thì con thuộc về một nhóm người đặc biệt.  Kể từ giây phút này, mỗi ngày trong năm, con sẽ chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với mọi người.  Vì giờ đây, ông già Noel đang sống trong tâm hồn con như ông ấy đang sống trong tâm hồn ba.  Trách nhiệm của con là thực hiện trọn vẹn tinh thần trao tặng.  Đây là một trong những điều quan trọng nhất có thể xảy ra trong suốt cuộc đời con, vì bây giờ con biết ông già Noel không thể tồn tại nếu như không có những người như con và ba – luôn giữ cho ông ấy sống mãi.  Con có thể thực hiện được điều này không?

Tâm hồn tôi tràn ngập niềm tự hào, và tôi chắc chắn ánh mắt tôi sáng rực lên vì xúc động.  Tôi nói:

– Được, thưa ba. Con muốn ông ấy luôn ở trong tim con, như ông ấy luôn ở trong tim ba.  Ba ơi, con yêu ba lắm.  Ba là ông già Noel tuyệt vời nhất trong đời con.

Khi đến lúc tôi phải giải thích sự hiện hữu của ông già Noel cho các con tôi biết, tôi cầu xin tôi có tài ăn nói và tình yêu thương như ba tôi vào ngày đã giúp tôi hiểu được ông già Noel không mặc bộ đồ màu đỏ.  Tôi hy vọng các con tôi cũng dễ dàng chấp nhận như tôi ngày đó.  Và tôi hoàn toàn tin tưởng nơi chúng.

Patty Hansen

SẮM QUÀ CHO CHÚA

Có một vị vua còn trẻ, vua rất yêu mến thần dân của mình, ngài buồn rầu khi thấy dân chúng phải đau khổ, bị đói rét và bệnh hoạn.  Vua làm nhiều cách để giúp những người nghèo khổ, nhưng dân chúng dường như không để ý tới, không nhận ra sự giúp đỡ của vua.  Họ nói với nhau:  “Ích gì nếu chúng ta có nói những sự khốn khổ của mình với đức vua.  Vua sẽ chẳng hiểu thế nào là làm lụng vất vả, thế nào là bị đói rét, bệnh hoạn đâu!”  Buồn lòng khi nghe thấy dân chúng bàn tán như vậy, nhà vua tìm gặp một vị cao niên khôn ngoan để xin giúp ý kiến.  Vị cao niên thưa với vua rằng:  “Chỉ có một cách mà thôi, đó là vua hãy đến nhập bọn và sinh sống giữa những người nghèo khổ, không phải như một vì vua nhưng như một trong những người nghèo khổ đó.”

Đêm hôm ấy, nhà vua cải trang thành thường dân, mặc quần áo của người nghèo, rời bỏ cung điện đến sống giữa dân chúng mà không ai hay biết.  Trải qua nhiều tháng hòa mình giữa đám dân nghèo, vua sinh sống, ăn uống, làm việc như một thường dân; ngài săn sóc kẻ bệnh tật, giúp đỡ người thiếu thốn.  Chẳng bao lâu, những người chung quanh có cảm tình với ngài, họ tuôn đến với ngài để xin giúp đỡ và những lời khuyên răn.  Khi tới lúc ngài phải từ giã họ, dân chúng tỏ ra nuối tiếc.

Sau khi trở lại cung điện, một lần nữa ngài xuất hiện giữa dân chúng như một vì vua để giúp đỡ những người nghèo khổ.  Những người gần gũi ngài trước đây sớm nhận ra ngài là người đã sống và làm việc giữa đám dân nghèo khổ.  Câu truyện được chuyền từ người này tới người khác, và từ hôm đó dân chúng rất yêu mến và tin tưởng vào vua, bởi vì chính vua đã tỏ cho họ thấy: ngài yêu thương và chăm sóc cho thần dân, đến nỗi đã đến và sống với họ, đã trở nên một người như họ.

************************************

Bạn đọc thân mến, bước vào tháng 12 hằng năm, mỗi người chúng ta đều mang tâm tình rạo rực đợi chờ.  Chúng ta đợi chờ Lễ Chúa Giáng Sinh sắp đến.  Chúng ta chuẩn bị tâm hồn cũng như thể chất để mừng ngày Sinh Nhật của Con Thiên Chúa giáng thế làm người, sinh bởi Mẹ Maria.  Người chính là Đấng Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Có lời tiên tri Isaia: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel” (Is 7:14).  Thánh Mátthêu đã cắt nghĩa chữ “Emmanuel”“Thiên Chúa ở cùng chúng ta – God with us” (Mt 1:23).  Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, đó là một sáng kiến thật kỳ diệu, thật lạ lùng.  Đấng Tạo Hóa toàn thể vũ trụ, vị Vua trên các vua, Chúa trên các Chúa, đã hạ cố sinh xuống trần gian sống giữa chúng ta là những tạo vật nghèo hèn, là thần dân của Ngài.  Chỉ vì thương cảm chúng ta, vì muốn chia sẻ sự cùng khổ của chúng ta, để cứu chúng ta khỏi ách thống trị của tội lỗi, để chỉ cho chúng ta con đường về trời, Ngài đã trở thành một thai nhi yếu đuối trong cung lòng Mẹ Maria, và đã sinh ra tại Belem giữa mùa đông gía rét nơi hang bò lừa.  Ngài đã sống giữa chúng ta.  Ngài thật là một Emmanuel, một Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Vì muốn đem Chúa, đem ánh sáng Tin Mừng đến cho các dân tộc Á Đông, thánh Phanxicô Xaviê đã không nề quản từ bỏ cuộc sống cao sang và tiện nghi tại Âu Châu để tới vùng Á Đông, sống giữa các dân nghèo khổ để rao giảng Đấng Thiên Chúa Làm Người, Đấng cứu độ họ khỏi cảnh lầm than cơ cực dưới ách tội lỗi, và dẫn đưa họ tới nguồn hạnh phúc bất diệt.  Đấng đó chính là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, mà chúng ta mừng Sinh Nhật của Ngài và ngày 25 tháng 12 hằng năm.

Để mừng Sinh Nhật thứ 2003 của Chúa Giêsu, xin được đề nghị với tất cả qúy bạn đọc:  Mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa một món quà.  Món quà đó là món quà gì thì hoàn toàn tùy thuộc vào bạn đọc.  Dĩ nhiên đó là món quà tinh thần chúng ta phải chuẩn bị để chúc mừng Chúa Giêsu Hài Nhi.

ZZTrong một gia đình nọ có tập tục rất hay, là đến sáng ngày Lễ Chúa Giáng Sinh, một người nhỏ nhất trong nhà, biết đọc chữ, có nhiệm vụ phân phát các quà tặng đang để dưới gốc cây Noel cho từng người trong nhà, theo tên đã đề sẵn trên từng gói quà.  Năm nay đến lượt bé Hà có nhiệm vụ đó.  Sau khi phân phát không còn lại gói quà nào dưới gốc cây, bé Hà vòng đi vòng lại chung quanh cây Noel, bé nhìn thật kỹ, xem xét giữa các cành cây.  Thấy vậy, ba của Hà mới hỏi bé:  “Con đang tìm gì đó, cưng?”  Bé Hà lanh lảu trả lời:  “Con đang tìm quà cho Chúa Giêsu.  Hôm nay là Sinh Nhật của Chúa phải không ba?  Vậy quà cho Chúa đâu?  Con đoán là mọi người quên Chúa rồi!”

Chúng ta thường hay quên sót như vậy.  Lễ Sinh Nhật của Chúa mà chúng ta chỉ để ý mua quà tặng cho gia đình hoặc cho người thân, mà quên đi nhân vật chính là Chúa Giêsu Hài Nhi.  Chúng ta chẳng chuẩn bị quà gì cho Chúa cả!  Năm nay, mừng Sinh Nhật của Chúa, mỗi người chúng ta đừng quên sắm cho Chúa một món quà.

NS. TTĐM

 

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

ZZTrên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh.  Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó.  Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường.  Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết.  Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí.  Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi.  Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng.  Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài.  Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường.  Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài.  Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả.  Ngài tự nhận mình chỉ là một “tiếng kêu trong sa mạc.”  Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đấng Cứu Thế.  Thật là khiêm nhường tự hạ.  Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng.  Ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục.  Ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc.  Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh.  Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc.  Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng.  Sự khổ hạnh không chỉ lóe sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai.  Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại.  Người khổ hạnh là người đặt niềm hy vọng ở tương lai.  Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa.  Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực.  Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có.  Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình.  Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối.  Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không được phép lấy chị dâu.  Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây.  Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân.  Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình.  Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật.  Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết.  Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng.  Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: “Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người” (Ga 1, 27).  Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu.  Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: “Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo.  Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên.  Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng.  Ngài đã biết tự hủy mình đi để Chúa được nhận biết.  Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa.  Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến.  Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa.  Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em.  Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi.  Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 

THÁNH AMBRÔSIÔ

ZZMột trong các người viết tiểu sử về thánh Ambrôsiô nói rằng: Vào ngày Phán Xét Chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài.  Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng đến đời sống của những người cùng thời.

Vào năm 33 tuổi, thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự – một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.

Và rồi vị giám mục của Milan từ trần.  Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội.  Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô.  Vậy ai sẽ là người kế vị – người Công Giáo hay người của phe Arian?  Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.

Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình.  Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải xô xát.

Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, “Bầu Ambrôsiô làm giám mục!”  Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, “Ambrôsiô là giám mục!”

Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này.  Nhưng Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy hiểm – một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo.  Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn.  Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục.  Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.

Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng.  Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.

Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám mục “của họ” vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian.  Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc.  Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện.

Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của mình để chuộc.  Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy.  Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc.  Ngài nói, “Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản.  Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người.  Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn.”

“Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: ‘Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói?  Vì con có vàng bạc, con phải cấp dưỡng cho họ’ & Có thể nào chúng ta trả lời rằng: ‘Vì con không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.’  Nhưng những gì không mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc.  Phương cách tốt nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn.”

Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực.  Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên người nghèo: “Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người.  Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn?  Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ.  Trái đất thuộc về tất cả mọi người.  Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn huệ.”

Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi.  Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc nên dự định tấn công.  Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này.  Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.

Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe Arian.  Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên Chúa.

Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục Ambrôsiô.  Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina.  Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân chúng.

Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi.  Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.

Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không được chống đối người Arian.  Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.

Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ.  Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục Ambrôsiô.  Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng.  Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.

Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, “Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực.”

Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác.  Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp.  Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.

Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính.  Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa.  Sự vây hãm chấm dứt.

Vì biết quân triều đình đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi.  Không biết trông vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa.  Họ xin Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.

Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù.  Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị.  Justina và hoàng tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ.  May mắn thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus.  Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma.  Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục Ambrôsiô.

Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần năm 397, khoảng 57 tuổi.   Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng Mười Hai, là ngày ngài “bị” tấn phong giám mục.

Sưu tầm

 

ĐẶC ÂN “VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI”

ZZPhụng vụ đang ở giữa chặng đường Mùa Vọng.  Thời gian chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian.  Giữa “màu tím đợi chờ và hy vọng” chợt bừng lên “màu trắng tinh tuyền” của ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm.  Ý nghĩa phụng vụ gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử cứu rỗi.  Cánh cửa thiêng liêng mở ra cho Dân Chúa bước tới cử hành mầu nhiệm Nhập Thể.

Trong hai thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai, liên tiếp có hai chân lý về Đức Maria đã được Giáo Hội định tín.  Đó là: tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” (8.12.1854) và tín điều “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời” (1.11.1950).

Qua hai tín điều này, Giáo Hội tuyên tín và khái quát về toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở hai tận cùng của lịch sử.  Một khởi đầu sáng tạo với vẻ đẹp “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và cuối cùng, với công trình Nhập Thể-Cứu Chuộc của Chúa Con, toàn thể nhân loại lại được nâng lên trong ánh quang phục sinh như “Đức Maria hồn xác lên trời”.

Lòng sùng kính Đức Maria là cả một cảm nghiệm sâu xa của niềm tin Dân Chúa qua dọc dài lịch sử với nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Sách Sáng thế kể rằng: con người được tạo dựng trong yêu thương và được ân ban cuộc sống hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu.  Tuy nhiên, “địa đàng hạnh phúc ấy không may đã khép lại với nguyên tổ.”  Đánh mất địa đàng, con người cũng mất luôn hạnh phúc được chia sẻ sự sống thân mật và vĩnh hằng với Thiên Chúa.  Cái chết đã trở thành một bản án chí tử.  Thiên Chúa tình yêu đã hé mở chân trời hy vọng: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó.  Người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi.”  Đó chính là “Tin Mừng đầu tiên,” Tin Mừng nguyên thủy.  Niềm hy vọng trải dài xuyên suốt lịch sử con người từ buổi hồng hoang cho đến ngày Lời hứa được thực hiện.

Từ cuộc “đổ vỡ ban đầu” của Nguyên tổ, Thiên Chúa đã quyết định thực hiện một chương trình cứu rỗi diệu kỳ.  Đức Maria đã được chọn từ muôn thưở: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ.  Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4, 4).  Chính người Con đó, Đức Giêsu Kitô, sẽ thực hiện lời hứa “đạp dập đầu con rắn” mà Thiên Chúa đã công bố thuở xưa.  Người nữ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc.  Đức Trinh Nữ ấy đã được Đức Piô IX long trọng công bố trong tín điều Vô Nhiễm: “Ta tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội tổ tông… ngay từ buổi đầu tượng thai”.

Như thế, rõ ràng mầu nhiệm “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một lộ trình đức tin của Dân Chúa. Đặc ân này, huyền nhiệm này nắm giữ một vai trò, một ý nghĩa, một điều kiện có tính quyết định trong con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng của nhân loại.  Nói cách khác, Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Trinh Nữ Maria chính là “Tin mừng về cuộc chiến thắng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa”.

Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong đức tin đơn thành và bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai.  Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria.  Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII.  Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin.  Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ái năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854.  Bốn năm sau đó, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous.  Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” tô thắm vẻ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ.  Mẹ đầy ơn Chúa.  Sứ Thần cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1, 28).  “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, “tình thương nhập thể của Thiên Chúa” (x.Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).  Tước hiệu “Bà đầy ơn phước” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chỗ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa.  “Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt.  Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.  “Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ” vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông.  Mẹ đẹp thánh thiện. Mẹ đẹp cao quý.  Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường.  Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn.  Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng.  Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát.  Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một biểu hiện cụ thể và tròn đầy kết quả viên mãn của ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại cho phần tử ưu tú nhất của nhân loại.  Đức Maria gắn bó mật thiết với mầu nhiệm “Con Chúa xuống thế làm người”, như sách Giáo Lý chung của Hội Thánh đã viết: “Để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria “đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy.”  Những đặc ân của Đức Maria chính là kết quả đi trước của cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, như sách giáo lý xác tín: “Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt vời, có một không hai “ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Đức Kitô: Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ” (GLCG # 56).  Ngoài ra, Đặc ân Vô Nhiễm cũng còn tiên báo hình ảnh đích thực của Hội Thánh vào ngày cánh chung, ngày mà Dân Chúa sẽ được tác thành như “một trinh nữ vẹn toàn.”  Tất cả những nội dung đó đã được tóm kết trong kinh Tiền Tụng lễ Mẹ Vô Nhiễm hôm nay: “Chúa đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria rất thánh khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, để chọn Người đầy ơn phúc xứng đáng làm Mẹ Con Chúa, và chỉ cho chúng ta thấy nơi Người là khởi điểm Hội Thánh xinh đẹp, không vết nhăn, là bạn Con Chúa.

Mẹ Maria chính là thụ tạo đầu tiên hưởng được lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa công bố ngay buổi đầu với Nguyên tổ.  Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria trở thành một chứng nhân cụ thể cho tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại.  Chính vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã mượn lời Thánh Vịnh 97 để cùng hát lên trong hân hoan cảm tạ: “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới.  Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng… Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân… mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta…”

Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn.  Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ.  Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ.  Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35).

Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.  Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.

Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ.  Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Cử hành lễ Mẹ Vô Nhiễm giữa Mùa Vọng, cộng đoàn chúng ta được nhắc nhở thêm nữa về thái độ sửa dọn tâm hồn xứng đáng để đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, nhất là để từng ngày cộng tác với ân sủng hầu biến cuộc sống trở thành một mảnh đất tốt để Lời Chúa kết trái đơm hoa, như mảnh đất tâm hồn trong trắng của Đức Maria, tinh hoa của bao ngàn năm mong đợi.  Đức Mẹ đã chuẩn bị một lễ Giáng sinh đẹp nhất, công phu nhất, dài nhất bằng chín tháng cưu mang trong tình yêu.  Xin Mẹ cũng giúp chúng ta chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với tâm tình yêu mến như Mẹ.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

ĐÓN NHẬN ĐỨC KITÔ TRONG NIỀM VUI

Một linh mục trẻ mới chịu chức được gởi đến giúp phụ tá cho một vị cha xứ già tại một giáo xứ nọ.  Khi đến nơi, vị linh mục trẻ đến chào vị linh mục già và xin ngài những lời khuyên cho công việc mục vụ của mình tại đây: “Thưa cha, con nên giảng về những vấn đề gì?”  Vị linh mục trả lời: “Chỉ giảng khoảng 10 phút thôi.”  Vài năm trước đây, tôi đến một giáo xứ tại Pháp để giúp mùa hè, và lời khuyên duy nhất của vị cha xứ tại đó cho tôi cũng là nên giảng và cử hành Thánh lễ ngắn bao nhiêu có thể vì dân chúng tại đây chẳng có nhiều thời gian.  Tôi đã làm theo lời khuyên này.  Thế nhưng điều làm tôi thực sự ngạc nhiên là khi được nghe một ban hợp xướng từ Anh quốc đến và trình diễn bài Messia của Handel.  Buổi trình diễn được tổ chức ngay tại nhà thờ của giáo xứ, và sau 3 tiếng đồng hồ trình diễn, nhiều người vẫn xin yêu cầu trình diễn thêm.  Thú thật, tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự vui tươi hơn thế trên khuôn mặt của những người tham dự trong nhà thờ hôm đó, cũng như chưa bao giờ nhìn thấy sự nhiệt tình hơn thế nơi họ.  Sau đó, tôi đã hỏi cha xứ: “Làm sao bà con tín hữu lại có thể ngồi yên một chỗ trong hơn 3 tiếng đồng hồ để chăm chú lắng nghe ban hợp xướng với niềm vui như thế, trong khi họ lại chẳng có thái độ tương tự khi lắng nghe Lời Chúa trong thánh lễ?  Vị cha xứ chẳng trả lời được.

 Vài năm sau, tôi đã có được câu trả lời từ một người bạn hiện đang dạy tại trường giáo lý, và những gì anh nói đã giúp soi sáng cho tôi.  Anh nói người ta cần có kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc sống của họ trước khi họ có thể lắng nghe Lời Chúa trong niềm vui.  Anh cho rằng việc loan truyền Lời Chúa cho những người chưa biết Chúa phải lưu ý tới mối tương giao cá nhân của họ với Chúa, vì người mà chẳng có mối tương giao cá nhân với Thiên Chúa thì cũng tựa như đọc thơ cho một người mà chẳng biết gì về thơ văn cả.  Khi ấy, họ sẽ dễ dàng chán và chỉ muốn bỏ đi ngay.  Vậy thì, làm thế nào để giúp người ta đi từ tâm trạng chán ngán khi nghe Lời Chúa đến tâm trạng vui tươi và hứng khởi khi nghe Lời Chúa?  Với Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay, thánh Gio-an Tẩy Giả đã đưa ra cho chúng ta một mẫu gương.

Khi chúng ta đọc Tin Mừng hôm nay: “Có Lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa.  Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3, 2-3).  Trong đoạn văn ngắn này, chúng ta thấy có 3 bước cần thiết để giúp một người đi từ tình trạng lãnh đạm đến tình trạng nhiệt tình trong niềm tin. Ba bước đó là (1) Gio-an đi vào hoang địa, (2) Lời của Chúa đến với ông, và (3) Gio-an bỏ rời hoang địa và đi rao giảng niềm tin.  Mỗi người chúng ta cũng phải đi qua ba bước này để đạt đến tình trạng khởi sự sống niềm tin của mình trong niềm vui.

ZZBước 1: Đi vào Hoang địa.  Hoang địa là nơi mỗi người sống một mình với Thiên Chúa.  Vào hoang địa nghĩa là bỏ đi những công việc, những bận tâm lo toan thường ngày để gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong việc đọc và suy niệm Lời Chúa.  Hoang địa là nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa.  Chính bản thân mỗi người chúng ta phải làm bước đầu tiên này: đi vào hoang địa, tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa.

Bước 2: Để Lời Chúa đến với chúng ta.  Một khi chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa trong hoang địa, thì chính Thiên Chúa đến và chiếm ngự tâm hồn chúng ta.  Có một vị thánh nói rằng khi chúng ta bước 1 bước để đến với Thiên Chúa, thì chính Người lại bước 2 bước để đến với chúng ta.  Với bước thứ 2 này, Thiên Chúa đã có sáng kiến đến với chúng ta, chiếm ngự tâm hồn chúng ta, canh tân đổi mới chúng ta, tô điểm lại hình ảnh của Người nơi chúng ta mà chúng ta vốn được tạo dựng nên giống thế.  Một số người gọi đây là việc được “tái sinh.”  Khi những việc này xảy ra, chúng ta có thể ở lại một mình với Thiên Chúa cả ngày trong nhà thờ để cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa qua Lời của Người trong Kinh Thánh.  Thế nhưng giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta còn phải tiếp tục sống và thực thi những bổn phận của chúng ta trong gia đình và xã hội nữa.

Bước 3: Rao truyền Niềm tin của mình.  Khi đã trải nghiệm những điều tốt lành từ Thiên Chúa trong cuộc sống, chúng ta lại muốn chia sẻ những trải nghiệm này với người khác.  Lúc ấy, chúng ta giống như người mặc một chiếc áo thun có ghi dòng chữ lớn trên lưng “Wow, Thiên Chúa thật vĩ đại!” để mọi người có thể nhìn vào và cảm nhận được niềm vui, sự an bình tỏa ra từ chúng ta, và rồi họ cũng muốn được nên giống chúng ta, được trở thành bạn hữu của chúng ta.  Tiếp đến, chúng ta có thể chỉ cho họ thấy con đường đến với hoang địa để ở nơi đó, họ cũng được gặp gỡ chính Thiên Chúa.  Trải nghiệm về Thiên Chúa cũng tựa như trải nghiệm về tình yêu.  Bạn có thể nói cho người khác nghe về tình yêu, nhưng họ không thể hiểu được nó cho tới khi chính bản thân họ trải nghiệm.

Trong lời Tổng nguyện của lễ Chúa nhật, chúng ta thưa lên với Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin mở rộng tâm hồn chúng con để đón mừng Con Chúa.  Xin hãy loại bỏ những gì cản trở chúng con đón nhận Đức Ki-tô trong niềm vui.”  Để được như thế, trong Mùa Vọng này, chúng ta cần thực hiện bước thứ 1 để dành cho Thiên Chúa một chỗ trong tâm hồn chúng ta, dành thời gian để cầu nguyện, tham dự Thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa.

Văn Chính, SDB chuyển ngữ

 

TỈNH THỨC

Trong quyển tự truyện Nói với Greco (Report to Greco) của mình, Nikos Kazantzakis kể lại cuộc nói chuyện của ông với một tu sĩ lớn tuổi.  Khi còn trẻ, Kazantzakis có viếng thăm một tu viện và ông rất mến mộ một tu sĩ khổ hạnh lừng danh sống ở đó, cha Makarios.  Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ vị tu sĩ cao niên này, ông có những cảm giác vui buồn lẫn lộn.  Phong cách sống khổ hạnh của vị tu sĩ đã chạm đến xu hướng lãng mạn tôn giáo của Kazantzakis, nhưng nó lại không hợp với ông.  Ông muốn có phong cách lãng mạn nhưng theo một lối dễ chịu hơn.  Và đây là cuộc đàm đạo mà Kazantzakis đã ghi lại:

ZZ–  Cha ạ, cha sống một đời thật nghiêm nhặt.  Con cũng muốn mình được cứu rỗi.  Liệu có cách nào khác nữa không thưa cha?

– Dễ chịu hơn ư?  Với nụ cười cảm thông, vị tu sĩ khổ hạnh hỏi.

– Nhân bản hơn, thưa cha.

– Một, chỉ có một.

– Là gì vậy?

– Trỗi dậy.  Để trèo lên một loạt bước phải trèo.  Từ cái bụng no đến cái bụng đói, từ cổ họng sảng khoái đến khát khô, từ vui mừng đến đau khổ.  Thiên Chúa ở đó, nơi đỉnh chóp của cơn đói, cơn khát, và đau khổ, ma quỷ ở đó, nơi đỉnh chóp của đời sống thoải mái dễ chịu.  Con chọn đi.

– Con vẫn còn trẻ.  Thế giới này lại thật kỳ diệu.  Con còn có thời gian để chọn lựa mà.

Vươn tay ra, vị khổ tu già chạm vào đầu gối tôi và nói:

– Tỉnh dậy đi, con của ta.  Tỉnh dậy trước khi cái chết đánh thức con dậy.

Tôi sầm mặt xuống và nói:

– Con vẫn còn trẻ.

Sự chết thích người trẻ.  Địa ngục thích người trẻ.  Đời sống như một cây nến được thắp lên, dễ dàng bị dập tắt.  Hãy cẩn thận, tỉnh dậy đi con!

Tỉnh dậy!  Tỉnh dậy trước khi cái chết đánh thức con dậy.  Nói một cách ít văn vẻ hơn, đó chính là chủ đề chủ đạo thực sự trong Tin Mừng.  Chúa Giêsu luôn luôn bảo chúng ta tỉnh dậy, tỉnh thức, thận trọng, cảnh giác với một thực tại sâu xa hơn.  Như thế nghĩa là gì?  Chúng ta ngủ vùi vào sự chết như thế nào?  Chúng ta tỉnh dậy và tỉnh thức như thế nào?

Chúng ta ngủ vùi?  Tất cả chúng ta đều biết, thật rất khó để ý thức trọn vẹn giây phút hiện tại mình đang sống, để không ngủ quên trước những phong phú của cuộc sống chúng ta.  Những xao nhãng và lo lắng của đời sống hàng ngày đã bào mòn chúng ta đến đỗi chúng ta có thói quen cho rằng những gì quý báu nhất với mình, từ sức khỏe, những kỳ diệu trong tư tưởng, tình yêu và tình bạn, và tặng vật sự sống này nữa, tất cả là chuyện đương nhiên.  Theo Robert Moore, trong đời sống hàng ngày, chúng ta không những chỉ thiếu chiêm niệm và lòng biết ơn, mà theo thói quen, chúng ta còn kèm thêm cho mình một chút phẫn uất, một khủng hoảng kinh niên.  Chúng ta ngủ vùi, rất ngủ vùi, cả với Thiên Chúa và với đời mình.

Làm sao để tỉnh dậy đây?  Thời nay, thị trường sách có một kho văn phẩm đủ loại nói về các lời khuyên để sống giây phút hiện tại cũng như cách tỉnh thức với kho tàng nội tâm phong phú của mình. Dù có nhiều văn phẩm hay, nhưng chỉ có một số ít có hiệu quả.  Nó mời gọi chúng ta sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, nhưng đơn giản, chúng ta không thể làm như thế.  Việc giữ chủ đích và nhận thức này trong suốt một thời gian dài là chuyện bất khả thi.  Một nhận thức về cái chết sẽ đến, sẽ thức tỉnh chúng ta dậy, một cơn đột quỵ, đau tim, hay ung thư cũng vậy, nhưng nhận thức này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, nó không thể duy trì trong hai mươi, ba, bốn năm mươi năm.

Không ai có thể duy trì nhận thức này luôn mãi.  Không ai trong chúng ta có thể sống bảy tám mươi năm cuộc đời mà ngày nào cũng xem là ngày cuối cùng của mình.  Hay là chúng ta có thể?  Sự khôn ngoan thiêng liêng cho chúng ta một câu trả lời khác: Chúng ta có thể và không thể: Một mặt, những xao nhãng, bận tâm, và áp lực hàng ngày sẽ luôn luôn có cách tác động trên chúng ta, và chúng ta, chịu tác động, sẽ ngủ quên trước những gì sâu sắc hơn và quan trọng hơn trong đời mình.  Nhưng vì lý do này, tất cả mọi truyền thống tâm linh lớn đều có các nghi thức hằng ngày nhắc đi nhắc lại để giúp chúng ta tỉnh thức, giống như đồng hồ reo báo thức khi chúng ta cần.

Vì lý do này, chúng ta cần bắt đầu mỗi ngày sống bằng lời cầu nguyện.  Nếu một sáng nào đó chúng ta không cầu nguyện, thì không có nghĩa là chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng chúng ta có khuynh hướng lỡ mất buổi sáng đó, và mất nhiều giờ cho đến tận trưa, chúng ta kẹt trong đống tạp nhạp tâm hồn mình.  Cầu nguyện trước bữa ăn cũng như vậy.  Khi chúng ta không biết ơn trước khi ăn, chúng ta không làm Chúa buồn lòng, nhưng chúng ta lỡ mất cơ hội làm cho bữa ăn của mình được phong phú.  Kinh phụng vụ và Phép Thánh Thể cũng có mục đích đó.  Chúng gọi chúng ta ra khỏi cơn ngủ mê.

Không ai trong chúng ta có thể sống mọi ngày như ngày cuối cùng của mình.  Những thương tâm, đau đầu, xao nhãng, bận rộn của cuộc sống luôn luôn đẩy chúng ta vào cơn ngủ vùi.  Chuyện đó có thể tha thứ được, vì con người là vậy.  Nhưng chắc chắn một điều, chúng ta có các nghi thức thiêng liêng, các đồng hồ báo thức cho tâm hồn, để giúp chúng ta tỉnh thức, để chúng ta đừng chỉ bị thức tỉnh khi phải đối diện với cơn đau tim, đột quỵ, ung thư, hay cái chết.

Rev. Ron Rolheiser, OMI