ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VÀ “PHÉP LẠ BÁNH TRUNG THU” CHO TÙ NHÂN HỒNG KÔNG

Tờ báo NCR (National Catholic Reporter) mới đây đặt một câu hỏi:

“Phải làm gì khi bạn cần tới 10.000 bánh trung thu mà lại cần thật gấp rút?”

Câu trả lời là: “Hãy viết thư cho Đức Giáo Hoàng!”

Sự thực thì Đức Giáo Hoàng khó nghèo của chúng ta đã không cung cấp tất cả 10.000 chiếc bánh trung thu đâu, nhưng nghĩa cử của Ngài đã tạo ra một ‘phép lạ’ giống như xưa khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho 5 cái bánh và 2 con cá để nuôi 5000 người đàn ông, chưa kể đàn bà và con trẻ.

Có người cho rằng phép lạ đích thực của ‘hiện tượng bánh hoá ra nhiều’ của Chúa xẩy ra được, chính vì cử chỉ tượng trưng của Ngài đã khuyến khích ‘tinh thần san sẻ’ giữa những người “có” và người “không có” trong đám đông.

Chúng ta không dám “lạm bàn” về phép lạ của Chúa vì làm như vậy là hoài nghi về quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa. Tuy nhiên “Phép lạ bánh trung thu” mới đây nếu có thể gọi được là “phép lạ”, thì rõ ràng đã xẩy ra bởi vì tấm gương “san sẻ” cho người nghèo của Đức Thánh Cha.

ZZCâu chuyện như sau:

Đức Hồng Y Joseph Zen, 81 tuổi, giám mục về hưu của Hồng Kông, từ 4 năm nay vẫn làm việc mục vụ để chăm sóc tù nhân, những người cải huấn, cai nghiện, phục hồi chức năng của Hồng Kông.

Ngài thường mua bánh trung thu mỗi năm cho nơi Ngài tới thăm, vì phong tục ở đây là tìm về gia đình trong ngày tết trung thu để có thể chia sẻ những tấm bánh với những người có mặt và không quên để dành những lát bánh cho những người vắng mặt cũng như những người quá cố.

Cho nên, theo Đức Hồng Y Zen, thì tấm bánh trung thu mang một ý nghĩa rất đặt biệt về niềm vui gia đình, về đoàn tụ và hạnh phúc. Tặng bánh trung thu cho tù nhân là một nghĩa cử đem lại nguồn an ủi và hy vọng cho họ.

Năm nay, Đức Hồng Y Zen ước vọng có được 10.500 chiếc bánh để tặng cho tất cả mọi tù nhân vào dịp Tết Trung Thu, ngày 19 tháng 9 tới đây. Biết rằng Đức Phanxicô là một người đầy lòng thương xót, Đức Hồng Y Zen nói với AsiaNews, “Tôi đoán rằng Ngài cũng sẽ quan tâm đến việc tặng bánh trung thu cho các tù nhân ở đây.” Ngài đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y đã đoán đúng. Ngài nhận được hồi âm vào ngày 7 tháng 8 của Đức Giáo Hoàng như sau: “Thưa Đức Hồng Y quí mến, tôi sẵn sàng tham gia việc tặng bánh trung thu cho các anh chị em của chúng ta trong các nhà tù của Hồng Kông, Chúa Giêsu sẽ nhận ra chúng ta ở ngưỡng cửa Thiên Đàng. Chúc mừng Tết Trung Thu! Thân ái ban phép lành, PP Phanxicô.”

Đức Hồng Y Zen đã nắm bắt lấy cơ hội, Ngài đã in nhiều tấm thiệp với lời hồi âm của ĐGH (dịch ra hán văn) và gửi cho những giáo hữu ở Hồng Kông xin họ hãy noi gương ĐTC.

Chỉ khoảng 2 tuẩn lễ, tiền quyên góp ào ạt đổ về, lên tới 170,000 đôla HK (22,000 USD), đủ để mua bánh cho mọi tù nhân.

Vào đầu tháng Chín, Đức Hồng Y Zen cho biết, “Tôi đã gửi cho Đức Thánh Cha một hộp bánh Trung Thu và chúc lễ hội đến Ngài.” Đó là một hộp bánh nhân hạt sen có 2 lòng đỏ trứng muối.

Ngài cho biết thêm “Khi tôi đến thăm các tù nhân vào cuối tháng Tám, họ nhắc nhở tôi về bánh trung thu,” Ngài mỉm cười. “Tôi chắc chắn rằng họ đã biết việc Đức Thánh Cha Phanxicô hổ trợ sự kiện này, vì họ thường theo dõi tin tức trên các báo.”

Câu chuyện vui đã không ngừng ở đây, nhiều nhà thờ và tổ chức dân sự cũng đã noi gương ĐTC, quyên góp bánh trung thu và phân phối đến những người cao tuổi sống một mình và đến các gia đình có thu nhập thấp.

Niềm vui lễ hội đang lan rộng tới tất cả mọi người.

Chúc mừng Trung Thu
Têrêsa Thu Lan
http://vietcatholic.net

TRÁCH NHIỆM VỀ NGƯỜI ANH EM

Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây:
Ngày kia khi Đức Giám Mục Amolas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với Ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.

Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án. Thấy Giám Mục Amôlas đến, họ xúm lại vây quanh Ngài và nói: Hôm nay Ngài đã đến đây thì Ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.

Sau khi nghe những lời kết án gây gắt của dân làng, Giám Mục Amôlas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một cái thùng gỗ rỗng.

ZZĐức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình tình. Ung dung, Ngài đi thẳng đến chỗ ngồi ngay trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, nơi người phụ nữ ẩn trốn. Rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào và bảo:

– Vào đây, các người hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, Đức Giám Mục mới nói:

– Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ.

Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:

– Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy!

*******************************************
Anh chị em thân mến, hai thái độ khác nhau giữa dân làng và Giám Mục Amôlas đối với một người lầm lỗi, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của Chúa Giêsu về việc sửa chữa lỗi lầm của anh em. Ngược lại với phản ứng của dân làng, Đức Giám Mục Amôlas đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.” Trong một tình trạng khó xử, Ngài đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân để có dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu. Tiếp đến, Ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền. Trái lại, Ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu, để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em. Và sau cùng, dù không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đang vấp phạm, cũng như nêu mối nguy hiểm của lỗi lầm này với phần rỗi của đương sự, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn”.

Thưa anh chị em, Giáo Hội là một cộng đoàn huynh đệ, trong đó mọi người là anh em với nhau vì đã được làm con cùng một Cha trên trời trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm nâng đỡ nhau, sửa lỗi nhau để sống xứng đáng là con cái của Chúa trong đại gia đình của Ngài. “Chị ngã, em nâng;” “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó.” Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta trách nhiệm đó. Ở đây không có ý nói về việc ai đó xía vô đời tư của người khác, nhưng có ý nói về một người anh em ý thức trách nhiệm phải giúp đỡ người anh em khác sống tốt hơn, vì ích chung của Giáo Hội.
Đây là một việc làm tế nhị, khó khăn, đòi hỏi phải nhẫn nại, bởi vì người ta làm việc trên sự tự do và nhân vị của mỗi con người. Chúa Giêsu đề ra ba giai đoạn: Trước hết cá nhân đối diện với cá nhân. Nếu người phạm lỗi không chịu nghe những lời góp ý để sửa chữa lỗi lầm, người ta sẽ đem theo một hoặc hai người nữa cho việc góp ý được thấu lý đạt tình và có sức mạnh hoán cải hơn. Nếu người mắc lỗi ngoan cố thì sự việc sẽ được đưa ra trước cộng đoàn, tức là một thứ Giáo Hội địa phương và nếu người mắc lỗi cũng không chịu nghe cộng đoàn, lúc đó người ta mới kể nó như người ngoài cộng đoàn, như người ngoại giáo.

Đó quả là một biện pháp khôn ngoan. Nó làm cho người có trách nhiệm sửa lỗi luôn luôn giữ được sự bình tĩnh, nhẫn nại, đồng thời thể hiện tấm lòng từ bi và thái độ tôn trọng nhân vị, tự do của người phạm tội có dịp hồi tâm, phản tỉnh để nhận ra sự sai quấy của mình. Lúc đó, không một tội nhân nào còn có lý do để quy trách nhiệm về tội mình, về cách xử lý mình cho anh em, sau khi đã đối diện với anh em qua ba giai đoạn ấy.

Tóm lại, tất cả đều phải nhắm đến sự sống của cộng đoàn, phải thi hành với tình yêu huynh đệ. Giáo Hội chỉ giúp cho cá nhân và xã hội được tốt lành, hoàn thiện khi đóng đúng vai trò người giữ gìn, bảo vệ nơi nào chân chính và điều thiện có thể bị tấn công, bị phá hủy, đồng thời đẩy lui những điều ác, điều xấu làm tổn thương, sứt mẻ mối tương quan của con người với chính mình, với cộng đoàn và với quyền bính hợp pháp.

Khi chúng ta cùng cộng đoàn hay Giáo Hội lên án những bất công và tệ đoan xã hội cũng như sự suy thoái đạo đức… chính là lúc chúng ta thực thi trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm của nhau, cho mình và cho xã hội. Trách nhiệm này, Chúa đã trao cho chúng ta trong tư cách là người con cái của Chúa và Giáo Hội.

Anh chị em thân mến, chúng ta họp nhau đây nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Chúa Giêsu đang sống và ở giữa chúng ta. Ngài soi sáng cho chúng ta biết sự thật về chính mình và tình liên đới với nhau, để chúng ta trả cho nhau món nợ duy nhất, đó là món nợ tình yêu thương nhau, món nợ không bao giờ trả được.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

HÌNH ẢNH MẸ TÊRÊXA ĐỐI VỚI TÔI

“Một suy nghĩ hướng đến tha nhân. Cách thức mà chúng ta thinh lặng, lắng nghe, tha thứ, nói năng và hành động. Đấy là những giọt dầu chân chính giúp cho ngọn đèn chúng ta cháy mãi suốt cuộc đời mình.” Mẹ Têrêxa.

Ngày 5 tháng 9 năm 1997, một vĩ nhân đã ra đi….. Vâng, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đúng là vĩ nhân của thế kỷ XX nếu ta nhớ lại rằng Mẹ đã nhận được Giải Nobel Hoà Bình năm 1979, và ngày qua đời Mẹ được một vinh dự mà chưa một vĩ nhân nào có được: Ba nước trên thế giới chịu quốc tang, đó là Ấn Độ, Anbani và Hoa Kỳ.

ZZMẹ có dịp qua Việt nam hai lần, năm 1994 và năm 1995, và hai lần đó, tôi được may mắn tiếp kiến mỗi lần gần một giờ. Lạ lùng thay, hình ảnh Mẹ để lại trong tôi không có gì là của một vĩ nhân cả, mà của một người khiêm nhường đến độ quên đi bản thân mình. Tôi không còn nhớ Mẹ đã nói gì với tôi, nhưng Mẹ để lại hai hình ảnh vẫn còn theo tôi cho đến ngày hôm nay.

Điểm đầu tiên gây ấn tượng là cảm thức về Thiên Chúa nơi Mẹ. Khi đến Việt nam, Mẹ tạm trú trên lầu 3, tại 38 Tú Xương. Người ta dành một phòng cho Mẹ và một phòng cho ba nữ tu theo Mẹ (trong số đó có vị Bề Trên tổng quyền hiện nay là Sr Nirmala Joshi). Thế nhưng Mẹ đã biến phòng của mình thành nhà nguyện với sự hiện diện của Mình Thánh Chúa, rồi cùng chia sẻ với ba chị em phòng còn lại. Mẹ đã hẹn anh chị Soi và tôi đến gặp Mẹ lúc 11 giờ trưa.

Đúng hẹn, chúng tôi lên lầu 3. Vì không có chỗ tiếp khách, Sr. Nirmala mời chúng tôi ngồi ở hành lang và Mẹ ra tiếp chúng tôi tại đấy. Sau nụ cười chào đáp, Mẹ chỉ ngay vào nhà nguyện và bảo: “Chúa kìa”, với một thái độ tự nhiên giống như một bà mẹ bảo con mình chào ông ngoại khi đi đâu về. Mẹ vào quì trước Thánh Thể với chúng tôi một vài phút trước khi bắt đầu câu chuyện. Và cuối buổi nói chuyện, Mẹ cũng chỉ vào nhà nguyện bảo chúng tôi chào Chúa trước khi ra về. Thái độ mẹ đơn sơ như thể Chúa luôn có mặt bằng xương bằng thịt ở bên Mẹ. Cái cảm thức về Chúa nơi Mẹ rõ rệt đến độ tôi có cảm giác rằng nó hùng biện hơn bất cứ bài giảng nào của bất cứ ai nói về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể.

Điểm thứ hai gây ấn tượng là cách nói chuyện của Mẹ. Mẹ không nói chuyện với ba người, mà nói với từng người một. Mẹ cúi mình xuống và nhìn lên với cái nhìn thật trân trọng, cứ như là Mẹ muốn tiếp thu một bài học nào đó từ người đối thoại mà quên mất mình là ai. Nói chuyện với Mẹ mà trong đầu tôi cứ lờn vờn hình ảnh của Chúa Giêsu quì xuống rửa chân cho môn đệ mình. Qua thái độ lắng nghe và ánh mắt, Mẹ đã cho người đối thoại thấy rằng mình vô cùng giá trị… Có những cái nhìn đè bẹp người người đối thoại và làm cho họ trở nên nhỏ bé và đầy mặc cảm; có những cái nhìn làm cho người đối diện lớn lên và tự hào về giá trị của mình: Mẹ Têrêxa là người có cái nhìn thứ hai đó.

Mẹ Têrêxa thành Calcutta! Một danh xưng đem tự hào về cho Giáo Hội, cho các quốc gia của Mẹ, cho toàn thể nhân loại. Thế nhưng qua hai lần gặp gỡ, tôi không bị choáng ngộp vì một vĩ nhân, mà chỉ đọc được nơi Mẹ một Kitô hữu điển hình: một người “đã hóa mình ra không” trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh chị em nhân loại, dù cho người ấy có thấp hèn đến đâu.

Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân phước. Mẹ là người được phong chân phước nhanh nhất trong lịch sử giáo hội, vỏn vẹn 6 năm sau ngày qua đời. Tuy nhiên, Giáo Hội chỉ chính thức hóa một điều mà mọi người gặp Mẹ đã công nhận từ lâu: Mẹ quả là hình ảnh sống động của Chúa Kitô trên thế gian này.

Giờ này Mẹ đã về bên Chúa, tôi bỗng nghĩ đến 4690 nữ tu Thừa Sai Bác Ái đang tiếp tục sống đời sống ,”Kitô hữu mẫu mực” của Mẹ tại 710 nhà trong 132 nước trên thế giới. Bất giác tôi nhớ lại lời Mẹ dặn: “Con hãy cảm tạ Chúa cùng với Mẹ, vì Việt Nam là nước thứ 100 mà các Thừa Sai Bác Ái hoạt động và nhà tại Việt Nam là nhà thứ 500 của họ”. Tôi không biết sau 2 năm hiện diện tại Việt Nam, các Nữ Tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêxa có được gia hạn giấy phép hoạt động hay không. Nếu không được thì kể cũng xót xa cho Giáo Hội tại Việt Nam đấy. Nhưng dù các con của Mẹ có hoạt động công khai hay âm thầm, thì Mẹ vẫn còn sống mãi trong họ để tiếp tục khẳng định cho mọi người mà họ gặp gỡ: Chúa đang sống cạnh bạn và Ngài tôn trọng bạn với trọn vẹn trái tim yêu thương của Ngài.

Để kết thúc những cảm nhận này, tôi ghi lại đây một chuyện nhỏ. Khi trao đổi danh thiếp với nhau, Mẹ cho biết rằng mình không bao giờ có danh thiếp.

Sr. Nirmala trình cho Mẹ ‘danh thiếp’ sau đây với những lời vàng ngọc của Mẹ. Mẹ cầm bút viết lời chúc phúc, rồi trao cho tôi như một kỷ vật:

(1) Ghi chú: Trên “danh thiếp” có hàng chữ viết tay God Bless you (Xin Chúa chúc lành cho con) và chữ ký của Mẹ. Tác giả cũng đã dịch những hàng chữ trên ra tiếng Việt như sau:

The fruit of SILENCE is Prayer
The fruit of PRAYER is Faith
The fruit of FAITH is Love
The fruit of LOVE is Service
The fruit of SERVICE is Peace.

( Hoa quả của THINH LẶNG là Cầu Nguyện
Hoa quả của CẦU NGUYỆN là Ðức Tin
Hoa quả của ÐỨC TIN là Tình Yêu
Hoa quả của TÌNH YÊU là Phục Vụ
Hoa quả của PHỤC VỤ là Bình An )

(Kỷ niệm 6 năm ngày Mẹ Têrêxa Calcutta về thiên quốc)
Trần Duy Nhiên