TÊRÊSA, VỊ THÁNH CỦA THỜI ĐẠI

ZZToàn thể Giáo Hội hôm nay mừng kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Ngài là một vị thánh vĩ đại trong Giáo Hội và là một vị thánh có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi người Kitô hữu chúng ta. Tuy nhiên, điều mà chúng ta biết về ngài không phải là một vị thánh có tài giảng thuyết, cũng không phải là một đấng uyên thâm về tri thức, lại càng không phải là một nam nhi, mà là một phụ nữ, chân yếu tay mền, mới 24 tuổi xuân, 9 năm sống trong nhà dòng, và lại là một tu sĩ dòng kín.

Như vậy, xét theo phương diện con người, cuộc sống của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng chẳng có gì là nổi nang, nhưng lại được Giáo Hội tuyên dương là bậc thầy thiêng liêng, một vị thánh lớn và là bổn mạng của các xứ truyền giáo. Tại sao vậy?

1. Một con đường mang đậm nét thơ ấu thiêng liêng
Có lẽ cần phải nói ngay là – thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống hết mình, đã chu toàn bổn phận cách xuất sắc. Đã phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Sống giây phút hiện tại cách nhiệm mầu. Đã yêu và yêu hết mình. Ngài đã không để một giây phút nào qua đi mà không sinh ích cho phần rỗi của mình và ơn cứu độ nơi các linh hồn.

Quả thật, thánh nhân đã yêu Chúa bằng một tình yêu đơn sơ, chân thành như một em bé yêu cha mẹ. Tình yêu của thánh nhân phát xuất từ tâm hồn, từ trái tim, nên không hề có chuyện được thua. Mọi chuyện ngài làm đều khởi đi từ tình yêu, vì thế, nơi ngài – cứ yêu trước rồi làm sau.

Ngài luôn có một cảm thức rằng, nếu không yêu thì có làm được những chuyện lớn lao cũng chỉ là vô ích. Nhưng nếu yêu, thì không có gì qua đi mà vô hiệu cả.

Thánh nhân đã khám phá ra linh đạo của trẻ thơ, nên ngài đã sống trọn vẹn linh đạo ấy bằng tâm hồn thơ bé mà ta vẫn gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng. Vì thế, ngài đã nói: “Trong Giáo Hội, con sẽ là tình yêu”. Thánh nhân đã để cho tình yêu của Chúa và tha nhân thấm vào từng thớ thịt, đụng chạm đến tận trái tim và thôi thúc ra từng lời nói cũng như hành động, nên vì yêu, ngài đã đón nhận tất cả. Điều này đã được ngài thốt lên cách liên lỷ: “Lạy Chúa Giêsu, con mong ước được yêu mến Chúa như chưa từng bao giờ Chúa được yêu mến như thế. Con ước mong làm cho mọi người cũng yêu mến Chúa như thế “.

Cuộc đời của thánh nữ được thấm nhuần bởi câu nói của Đức Giêsu: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3). Vì thế, thánh nhân đã sống cuộc sống kỳ diệu với những triết lý thô sơ của trẻ thơ, nhưng lại uyên thâm và mầu nhiệm đối với bậc thông minh thượng trí. Đây quả là một khoa học thánh, khoa học của tình yêu.

Ngài đã âm thầm hy sinh trong sự khiêm nhường. Sẵn sàng hy sinh làm những việc tầm thường, vui vẻ khi bị chỉ trích, luôn nhường nhịn phần hơn cho chị em, đón nhận chị em như tiếp rước chính Chúa, kể cả những chị em không ưa mình. Luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người. Ngài luôn khước từ sự sung túc, an nhàn… luôn coi những hy sinh đó như những đóa hoa hồng dâng lên trước tôn nhan Chúa. Lại vui hơn khi gặp những nghịch cảnh. Vì thế, trong cuốn tự thuật của thánh nhân, ngài đã viết: “… con sẽ hát ngay cả khi phải hái những bông hoa giữa gai góc, mà gai góc càng dài càng đâm đau bao nhiêu, tiếng hát của con càng du dương bấy nhiêu…. Ôi Giêsu của con, con mến Chúa, con yêu Giáo Hội Mẹ con; con nhớ rằng ‘hành động nhỏ bé nhất mà do tình yêu tinh tuyền sẽ có ích hơn là tất cả những công trình khác hợp lại với nhau’”.

Thật vậy, thánh nữ Têrêsa đã không bị tử đạo theo nghĩa đen, nhưng ngài đã cố gắng sống trung thành với Chúa, đơn sơ, khó nghèo, luôn coi ý bề trên là ý Chúa và sẵn lòng đón nhận mọi thử thách vì lòng yêu mến Chúa và các linh hồn thì quả là một cuộc tử đạo liên lỷ trong cuộc đời và nơi tâm hồn của ngài. Đây cũng chính là quan niệm các nhà tu đức hiện nay.

Thánh Têrêsa đã làm cho tình yêu của mình được triển nở từng giây, từng phút trong cuộc sống của ngài. Ngài cũng không ngừng làm cho tình yêu đó được vươn xa đến tận chân trời góc biển bằng lời cầu nguyện. Chính nhờ linh đạo này, ngài đã trở thành vị thánh bổn mạng các xứ truyền giáo.

Bên cạnh đó, ngài cũng trở thành vị thánh của thời đại qua con đường thơ ấu thiêng liêng.

2. Nên thánh bằng con đường ấu thơ
Vẫn một tình yêu. Vẫn một trái tim. Vẫn một linh đạo của trẻ thơ. Và mầu nhiệm tình yêu trong các chiều kích đó được tô đậm.

Cuộc đời của thánh nhân chỉ vỏn vẹn có 24 năm, 9 năm sống đời đan sĩ, ấy vậy mà khi ngài qua đời không bao lâu, tinh thần của ngài đã nhanh chóng lan xa như vết dầu loang. Các phong trào của nhiều thành phần đã khám phá, yêu mến và đi theo tinh thần thơ ấu thiêng liêng của ngài.

Một khoa tu đức thật đơn giản và hiệu nghiệm. Đơn sơ mà giá trị. Tại sao thế? Thưa đơn giản là, chấp nhận để Thiên Chúa yêu thương mình và mình yêu lại Chúa cách chân thành như con cái yêu cha mẹ mình. Nếu cha mẹ không chấp lỗi con thơ, ngược lại các ngài lại rất thích sự hồn nhiên trong trắng của chúng thì hẳn ta cũng vậy, không có gì là khác cả. Nguyên lý của ngài là, nếu trẻ em cần đến cha mẹ thế nào thì chúng ta cần đến Thiên Chúa như thế. Nếu trẻ em tin tưởng tuyệt đối nơi cha mẹ thế nào thì chúng ta cũng cần tín thác như vậy. Nếu trẻ em mong được bố mẹ yêu thương thế nào thì chúng ta cũng khao khát nên thánh như thế.

Con đường nên thánh của ngài chính là con đường của thời hiện đại. Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII, lúc đó còn là Hồng Y, trong chuyến viếng thăm nước Pháp để phong thánh và làm phép đến thờ kính ngài đã nói: “Hỡi Thánh Nhỏ, người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang đầu thế giới kia, con cái của người nhiều như cát biển sao trời… các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với người… Xin người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi… Hỡi Thánh Nhỏ, người lớn lắm”. Và Đức Giáo Hoàng Piô X đã chỉ vào chân dung thánh Têrêsa và nói: “Đây là vị thánh lớn nhất thời hiện đại”. Chỉ 2 năm sau khi phong thánh, Giáo Hội nhận ra con đường tuyệt diệu của thánh nhân trong việc loan báo Tin Mừng, nên đã đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Đến ngày 19 tháng 10 năm 1997, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh.

Như vậy, thánh nhân xứng đang trở thành vị thánh vĩ đại của thời đại chúng ta, bởi vì con đường nên thánh của ngài là một con đường phù hợp với hết mọi người, từ già đến trẻ, từ trai đến gái, từ người giàu đến người nghèo, từ người có quyền lẫn thường dân… không ai mà không thể nên thánh được chỉ cần có tình yêu và yêu rồi làm… Bởi vì tình yêu bao gồm mọi ơn gọi, tình yêu là tất cả; tình yêu tóm gọn mọi thời gian và không gian.

3. Sống sứ điệp của thánh Têrêsa Hài Đồng
Sứ điệp mà thánh nhân gửi đến cho tất cả mỗi người chúng ta chính là con đường thơ ấu thiêng liêng. Đó là, sống như trẻ thơ, không kiêu ngạo, không than trách, không bảo thủ. Luôn tin tưởng, tín thác và bám víu vào Thiên Chúa như trẻ thơ. Hãy trở nên bé nhỏ trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả được thêu dệt bởi tình yêu. Khi yêu như thế, chúng ta được ở lại trong Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1x. Ga 4, 16).

Thật vậy, nếu không có tình yêu, thì dù chúng ta có làm những chuyện lớn lao kỳ vĩ đi chăng nữa, hẳn cũng không thể có chút giá trị gì. Nhưng nếu có tình yêu, thì mọi chuyện bình thường sẽ trở nên phi thường vì, chỉ có tình yêu, mọi cơ năng trong con người của mình mới có thể vận động và theo chiều hướng thuận, đồng thời phát sinh công hiệu.

Cứ yêu rồi thích làm gì thì làm. Luôn hướng mọi chuyện về mục đích tối hậu là Nước Trời. Khao khát nên trọn lành trong từng giây phút. Làm mọi chuyện vì lòng yêu mến Chúa, dù là việc nhỏ nhất.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương thánh Têrêsa, luôn yêu mến Chúa và thi hành mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và các linh hồn. Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển

THỜI GIAN

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Ngài là khởi nguyên và tận cùng (Kn. 22: 13). Ðiều ấy có thể diễn tả cách khác, Thiên Chúa là thời gian. Nhưng Thiên Chúa là thời gian trong ý nghĩa Thiên Chúa làm chủ thời gian chứ không phải thời gian là Thiên Chúa. Thời gian chỉ hiện hữu trong sự hiện hữu của Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa hiện hữu trong thời gian. Hiểu như vậy, thì ai sống trong Thiên Chúa mới thật sự sống trong thời gian. Còn sống trong thời gian chưa phải là sống trong Thiên Chúa.

* * *

Thiên Chúa là Alpha và Omega. Thánh Gioan còn định nghĩa Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Jn 4: 16). Thiên Chúa là thời gian và cũng là tình yêu. Như thế, thời gian và tình yêu song hành là một. Tôi sống trong Thiên Chúa là sống để yêu. Và sống trong thời gian là yêu để sống. Thời gian không có tình yêu sẽ thành lạnh lùng nghĩa trang, là củi mục buồn nản. Tình yêu ý nghĩa hóa và thắp hồn cho thời gian. Bởi đó, kẻ đang yêu là người sống trong thời gian với đắp đầy niềm vui êm ả. Kẻ biết yêu là người biết nhìn thời gian như dòng ngọc bạc. Và kẻ sống trong Thiên Chúa là người phải biết quý thời gian.

* * *

Chúa dựng nên tôi bằng thời gian. Chúa cứu rỗi tôi bằng thời gian. Tôi sẽ gặp Chúa bằng thời gian. Thời gian là tất cả, bởi đó tôi nên dành cho thời gian một suy tư của tôi về cuộc sống.

ZZNói về thời gian thì sách Giảng Viên trong Kinh Thánh viết như sau:

Có thời để sinh – có thời để chết
Có thời để trồng – có thời để nhổ
Có thời để giết chết – có thời để chữa lành
Có thời để phá – có thời để xây
Có thời để khóc – có thời để cười
Có thời để than van – có thời để múa nhảy
Có thời để quăng – có thời để lượm
Có thời để ôm – có thời để xa nhau
Có thời để tìm kiếm – có thời để thất lạc
Có thời để gìn giữ – có thời để vất đi
Có thời để xé – có thời để khâu
Có thời để nín thinh – có thời để lên tiếng
Có thời để yêu – có thời để ghét
Có thời giặc giã – có thời bình an
(Giảng viên 3: 2-8)

Có thời quăng đi, có thời lượm lại. Có thời than van, có thời nhảy múa. Ðó là những lời hứa, thế nhưng khi nào được lượm lại, khi nào được nhảy múa. Thực tế trong cuộc sống có quá nhiều chịu đựng gian nan. Có những cơn bệnh kéo dài của thân xác, có những nặng nề năm tháng của tâm hồn. Nó là những đường hầm dài hun hút khổ đau. Tiếng thở dài của con người vẫn là: Khi nào tôi mới qua khỏi tháng ngày bất hạnh này.

Những lời nói về thời gian của sách Giảng Viên trong Cựu Ước có lẽ đã được Chúa Giêsu cắt nghĩa trong bài giảng trên núi. Tin Mừng thánh Luca ghi như sau: “Phúc cho các ngươi, khi thiên hạ oán ghét các ngươi, khi họ loại các ngươi đi cùng sỉ mạ, khi họ khử trừ tên các ngươi như đồ xấu xa vì cớ Con Người. Hãy vui sướng trong ngày ấy, hãy nhảy mừng, vì này: Phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lao” (Lc. 6: 20-26).

Nếu tôi phải quăng đi vì đức tin, sẽ có ngày tôi được Ngài đưa về với triều thiên. Nếu có thời tôi bị xé rách vì đức tin, sẽ có thời tôi được Ngài khâu lành bằng ơn sủng. Nếu có ngày tôi bị khóc than vì đức tin, sẽ có ngày Ngài đưa tôi vào dự tiệc Nước Trời.

Nếu lấy thời gian để xây đắp cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi bị vứt sạch khi Nước Trời đến. Nếu lấy thời gian để kiếm tìm cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi bị lạc lõng khi Nước Trời đến. Nếu lấy thời gian để ôm ấp cho riêng tôi, sẽ có thời gian tôi phải xa nhau khi Nước Trời đến.

Mầu nhiệm của thời gian và biến cố trong cuộc sống

Ðêm Giáng Sinh nối kết với đêm tử nạn trong mộ đá sâu. Ðể rồi một thời trong mộ đá sâu dẫn tới một thời Phục Sinh bừng sống. Có ngày than van vì đức tin thì hãy trông ở đằng trước, sẽ có ngày ủi an. Và cũng để nhắc nhở, nếu có thời chỉ yêu riêng đời mình thì hãy thận trọng vì có ngày chua cay. Ðau thương của tháng ngày bị xé rách ẩn trong tháng ngày được khâu lành. Ðó là huyền nhiệm của thời gian.

Con người không làm chủ được thời gian. Tôi chẳng thể biết những gì sắp xẩy ra ở tương lai. Ðiều này ảnh hưởng đến niềm tin của tôi. Vì không nắm chắc nên có lo âu, nghi ngờ. Nhưng làm sao tôi hiểu được ý định của Thiên Chúa từ alpha đến omega, từ khi chưa có mặt trời đến vô cùng mờ mịt hư vô. Phải chăng vì thế, thánh Gioan đã củng cố niềm tin của tôi khi Ngài bảo tôi rằng hãy nhớ từ nguyên thuỷ đến tận cùng Thiên Chúa mãi mãi là yêu thương (1 Ga 4: 16).

Tôi không biết được thời gian. Ðời là những biến cố. Có những biến cố hôm nay mới trả lời cho biến cố mà tôi đã chẳng hiểu trong quá khứ. Ðiều ấy cũng hàm ý, biến cố hôm nay có thể chỉ trọn nghĩa khi tôi chờ sống trọn biến cố ngày mai. Nếu biết được thời gian, tôi chẳng còn niềm tin nữa. Ðã biết rồi, còn gì để tin. Tâm sự của một người thao thức lo âu về tương lai, có lẽ cũng là tâm sự của một cây hồng.

Câu chuyện bắt đầu thế này: Có một cây hồng được trồng trong thửa vườn, tôi tạm gọi đó là khu vườn cuộc đời. Ngày ngày người làm vườn vun sới. Ông nhổ cỏ, chăm sóc từng cánh lá. Cây hồng dần dần vươn lên trong dáng thèm muốn của khóm cúc, buồn tủi của đám lau sậy.

Chẳng bao lâu, cây hồng trổ bông. Hôm nay, mảnh vườn rực sắc vì cái thẫm đỏ của một loại hồng quý. Khách qua đường ai cũng trầm trồ khen ngợi. Cây hồng hãnh diện làm sao.

Năm tháng đong đưa chảy theo đời. Rồi đến một ngày, ngày mà lời Kinh Thánh nói: Có thời để khoe sắc, cũng có thời để tang thương. Người làm vườn đã từ lâu lắm rồi suy nghĩ. Ông biết nhân gian sẽ tiếc mầu thẫm đỏ. Ông biết nhân gian sẽ nhớ những giọt sương sáng long lanh trên cánh hồng. Nhưng ông đã quyết định chặt gốc hồng!

Sau cùng, những nhát dao định mệnh đã bổ xuống. Chỉ ngày hôm sau thôi, khách qua đường không còn thấy dập dờn trong gió một loài hồng qúy nữa. Một con nắng mùa hạ trôi qua. Những cánh hồng, hôm qua rực rỡ, hôm nay còn đâu. Nhân gian thương tiếc dáng hồng thủa xưa, và có lời than trách: Hỡi người làm vườn kia ơi, sao lại chặt một loài hồng quý?

Riêng người làm vườn hiểu rằng có một thời để xanh, thì cũng có một thời để khô héo . Có một thời để giết chết, cũng có thời để chữa lành.

Trước nhát dìu, cây hồng chẳng hiểu được đời mình.

Ông làm vườn đoan hứa rằng tất cả vì quý mến mà ông ta săn sóc cây hồng, tại sao ông lại chặt nó? Cây hồng nằm khô như những khúc củi khác. Giống như cái vinh quang rực rỡ của Chúa Kitô trong ngày biến hình trên núi đã hết rồi. Bây giờ là cây khổ giá buồn hiu. Và kẻ qua đường không muốn ngó nhìn.

Người làm vườn đem khúc gỗ hồng về treo trên gác bếp. Từ đó, khúc gỗ nằm lặng lẽ lãng quên trong gác bếp tối tăm. Bụi khói bám vào làm nghẹt thở đời nó. Nhớ về mảnh đời đã qua, còn đâu những buổi sáng long lanh. Khúc gỗ hồng lặng im thương nhớ đời mình.

Không biết bao lâu trong cái lặng lẽ ấy. Vẫn cái huyền nhiệm của thời gian là thế . Rồi đến một ngày. Lửa nóng đã làm hong khô, người nghệ sĩ đem khúc gỗ hồng khô ra đẽo gọt. Khúc gỗ đau đớn oán than. Ðã chết rồi thân xác cũng chẳng được nghỉ yên.

Có lẽ đau đớn hơn cả là khi người làm vườn hì hục nung đỏ mũi khoan rồi dùi thủng từng chiếc lỗ trên thân khúc gỗ. Mỗi lần mũi khoan đỏ cắm vào sớ thịt, khói xẹt bay lên cay mắt. Ðúng như có ngày bình yên thì cũng có ngày tan tác.
Rồi cũng đến một ngày. Vẫn cái huyền nhiệm của thời gian là thế. Những lát dao đã xong, khúc gỗ khô biến hình dần dần thành cây sáo trong tay người nghệ sĩ.

Và rồi cũng lại đến một ngày, lại một ngày nữa huyền nhiệm trong đời. Một ngày vô cùng trang trọng của người nghệ sĩ. Ngày đó, người nghệ sĩ đứng giữa trời đất bao la, nâng cây sáo hồng lên môi hôn. Cây sáo run lên xúc cảm, nó thấy đôi môi bát ngát của người nghệ sĩ đưa nó vào một thế giới vô cùng mênh mông. Với cả hồn người nghệ sĩ, một hơi ấm từ đôi môi người nghệ sĩ ấy kề bên khúc sáo hồng, để rồi một bài ca huyền diệu nhè nhẹ đẩy gió vươn vào thinh không.
Bấy giờ cây hồng mới hiểu vì sao nó đã bị chặt gẫy. Nó mất đi cái dáng hoa tuy có lời khen của khách qua đường nhưng sớm nở tối tàn. Giờ đây nó luôn luôn trong bàn tay người nghệ sĩ đi khắp vũ trụ. Từ đó, hôm qua, hôm nay, rồi mãi mãi ngàn sau, cứ đẩy gió đi vào thinh không để ru đời bằng ngàn bài ca vô tận.

* * *

Lạy Chúa,

Không thể coi thường thời gian thì con phải có thái độ nào đối với thời gian?
Thái độ đúng nhất là hãy yêu thời gian. Không có thời gian con không hiện hữu. Bởi đó, tất cả mục đích mà thời gian ban tặng là gọi con đi tới, là hãy sống, hãy quý trọn vẹn từng mẩu thời gian.

Ðặc tính của thời gian là không bao giờ chết. Thời gian vĩnh cửu. Bởi thế, con không giết được thời gian nhưng là thời gian giết con. Khi người ta “giết thời giờ” là lúc thời giờ đang giết họ. Nếu bản tính của thời gian đối với con là sự sống thì bất cứ hành vi nào làm phí phạm thời gian là hành vi xúc phạm đến sự sống, một tặng phẩm cao quý mà Chúa đã ban tặng con.
Cánh hoa làm cho cây hồng đẹp đấy, nhưng sớm nở tối tàn. Nó chỉ lẩn quẩn trong góc vườn chật hẹp. Nó có ngờ đâu khi rũ sắc đó để người nghệ sĩ biến mình thành cây sáo tre, nó đã thênh thang vũ trụ và ru đời.

Con chẳng nhìn rõ được tương lai. Xin cho con hiểu những quãng thời gian huyền nhiệm là sự khôn ngoan và quan phòng của Chúa săn sóc cho con. Mọi biến cố xẩy đến trong cuộc sống của con đều đến từ định nghĩa: Chúa là Tình Thương (1 Jn 4:16) từ khởi nguyên cho đến tận cùng (Kn 22: 13).

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM

Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.

Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói.

Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào
ZZNước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7, 21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.

Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi.

Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.

Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người.

Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa đã tha thứ cho bà Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.

Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.

Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen!

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

LUẬT NGHIỆP QUẢ

Năm 1991, Hollywood cho ra mắt một phim hài tựa đề, Những tay lõi Thành phố (City Slickers) qua tài diễn xuất của Billy Crystal. Xét về một khía cạnh nào đó, đây là một bộ phim đạo đức tuyệt vời, tập trung vào ba người đàn ông trung niên ở New York đang rơi vào khủng hoảng của tuổi trung niên.
Những người vợ quá chán nản với các đức ông chồng, nên đã tặng cho các ông một món quà, là suất tham dự cuộc đua ngựa xuyên New Mexico và Colorado. Và ba chàng thành thị này dấn vào một cuộc đua xuyên vùng hoang dã. Phần hài kịch của bộ phim tập trung vào kỹ thuật cỡi ngựa vớ vẩn, sự ngờ nghệch về ngựa cũng như về vùng hoang dã của ba chàng. Đoạn nghiêm túc nhất là lúc họ nói chuyện với nhau để cố xác định những vật lộn với việc mình ngày càng già đi và những bí ẩn lớn trong đời.

Và một ngày nọ, khi họ đang bàn về chuyện làm tình, một trong số ba người, Ed, nhân vật ít dè dặt đạo đức nhất, hỏi hai người kia liệu họ có phản bội vợ mình và đi ngoại tình nếu như biết được chắc rằng mình sẽ không bao giờ bị bắt tội hay không. Mitch, nhân vật do Bill Crystal thủ vai, lúc đầu trả lời câu hỏi kiểu tếu táo, chắc chắn rằng đây là chuyện bất khả thi: Bạn luôn luôn bị bắt tội! Tất cả mọi chuyện ngoại tình cuối cùng đều bị lộ. Nhưng Ed nhấn mạnh câu hỏi của mình là: “Nhưng giả sử bạn không bao giờ bị bắt tội. Giả sử bạn có thể giấu được nó suốt. Liệu bạn có lừa vợ mình mà ngoại tình, nếu như chẳng một ai biết được chuyện này, hay không?” Mitch trả lời: “Không, tôi vẫn sẽ không làm!” “Tại sao,” Ed hỏi, “chẳng ai biết mà.” “Nhưng tôi biết,” Mitch trả lời, “và tôi sẽ ghét bản thân mình vì tôi đã làm như thế!”

Có một sự khôn ngoan đạo đức ở trong câu trả lời đó. Đến tận cùng, không một ai làm chuyện gì xấu mà thoát được. Chúng ta luôn luôn bị bắt tội, ít nhất là do chính bản thân mình và do sinh lực đạo đức bên trong hơi thở của chúng ta. Hơn nữa, dù có bị bắt tội hay không, sẽ luôn luôn có hậu quả. Đây là một nguyên tắc đạo đức thâm sâu không trốn tránh được, ghi đậm trong kết cấu của vũ trụ. Và đã được cảm nghiệm vũ trụ của con người chứng thực đúng là thế. Đến cuối cùng, không một ai trốn tội được, cho dù tất cả mọi sự có chứng tỏ điều ngược lại.

Chúng ta thấy chân lý này được cưu mang trong tâm điểm của Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo, và tất cả các tôn giáo Đông phương, với khái niệm thường được gọi là Luật Nghiệp quả. Nghiệp (Karma) là một từ tiếng Phạn nghĩa là hành động hay việc làm, nhưng nó ngụ ý rằng tất cả mọi hành động, mọi việc làm của chúng ta gây nên một từ trường sức mạnh trả ngược lại cho chúng ta, cụ thể là, gieo nhân nào gặt quả ấy. Bởi thế, các chủ tâm và hành động xấu sẽ trả ngược vào chúng ta và gây nên sự bất hạnh, cũng như một chủ tâm và hành động tốt sẽ trả ngược vào chúng ta và cho chúng ta hạnh phúc, bất chấp người khác nhìn thấy và nhận thức về chuyện này như thế nào. Vũ trụ có luật riêng của mình để bảo đảm cho chuyện này.

ZZChúa Giêsu cũng không lạ gì với khái niệm này. Nó hiện diện khắp trong lời dạy của ngài, và có những lúc được trình bày rất rõ ràng: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy (Lc 6, 8-38).

Về căn bản, Chúa Giêsu đang nói với chúng ta rằng làn khí chúng ta thở ra cũng là làn khí chúng ta hít vào, và đây là sự thật với tất cả mọi tầm mức hiện hữu. Nói đơn giản, nếu chúng ta phát quá nhiều CO2 và CO vào không khí, thì đến cuối cùng chúng ta sẽ thấy mình bị ngột ngạt vì chúng. Và điều này đúng ở mọi mức độ đời sống. Nếu chúng ta thở ra sự chua cay, đến cuối cùng sẽ thấy mình đang hít vào sự chua cay. Nếu chúng ta thở ra sự bất lương, đến cuối cùng sẽ thấy mình đang hít vào sự bất lương. Nếu chúng ta thở ra sự tham lam và keo kiệt, đến cuối cùng sẽ thấy mình hổn hển cần một hơi quảng đại trong cái thế giới ngột ngạt bởi tham lam và keo kiệt. Ngược lại, nếu chúng ta thở ra sự quảng đại, yêu thương, chân thật, và tha thứ, đến cuối cùng, cho dù thế giới quanh mình có bất lương và hèn hạ thế nào đi nữa, chúng ta vẫn thấy đời mình ở trong một thế giới quảng đại, yêu thương, chân thật và tha thứ.

Những gì chúng ta thở ra, đến cuối cùng chính là những gì chúng ta hít vào. Đây là một chân lý không bàn cãi, khắc sâu trong cấu trúc vũ trụ, khắc sâu trong cuộc đời, trong tất cả mọi tôn giáo thật, trong mọi lời dạy của Chúa Giêsu, và trong mọi lương tâm vẫn còn nuôi dưỡng đức tin tốt đẹp.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL

ZZTrong Kinh Thánh ít đoạn nói đến tên cùng số luợng các Tổng lãnh Thiên Thần.

Trong thư của Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Thessalonika (1 Thess 4, 14-16) chỉ nói đến Tổng lãnh Thiên Thần cách tổng quát không nêu tên. Trong thư của Thánh Giuda câu thứ chín nói đến tên tổng lãnh Thiên Thần Michael. Trong khi trong sách Daniel (10, 13) nói đến tên Tổng lãnh Thiên Thần Michael là một trong những sứ thần của Thiên Chúa. Tên Gabriel và Raphael trong các sách Kinh Thánh chỉ là Thiên Thần thôi.

Tổng Lãnh Thiên Thần là ai và nhiệm vụ của họ là gì đối với niềm tin đạo giáo của chúng ta?

Tổng lãnh Thiên Thần là người giữ vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người về bằng an hạnh phúc. Chữ Tổng lãnh theo nguyên ngữ từ tiếng Hy-lạp arche` có nghĩa là “Nguyên thủy, khởi đầu.”

Về con số và tên của Tổng lãnh Thiên Thần, dựa theo những tường thuật trong kinh thánh là con số bảy (7). Trong sách Tobit (12, 15) Raphael là một trong bảy Thiên Thần đứng chầu trước mặt Thiên Chúa. Trong sách Da-ca-ria (Sacharja 4, 10) nói đến bảy ngọn đèn của Thiên Chúa soi sáng trần gian. Trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan trình thuật về những điều Ông được Thiên Chúa cho thấy cảnh trên trời, cũng nói đến Bảy Sứ thần của Thiên Chúa đứng trước ngai ngày đêm ( Kh1, 4; 5.6, 8, 2)

Trong truyền thống đạo Công giáo thường chỉ hay nói đến Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael. Nhưng trong những áng văn không phải kinh thánh của người Do Thái, ngoài bảy Tổng lãnh Thiên Thần, còn nói đến thêm bốn nữa. Trong những đoạn văn chương của sách Henoch nói về tổng lãnh Thiên Thần và Thiên Thần có kể ra tên: Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Raguel, Sarakiel và Phanuel.

Ba vị Tổng lãnh Thiên Thần

1. Thiên Thần Mi-ca-e được Thiên Chúa sai đi chiến đấu chống lại quỷ dữ, chống lại sự dữ (Sách Daniel 12, 1; Thư Giuda 9; Khải Huyền 12,7-9). Thiên Thần Mi-ca-e đã làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cho nước Chúa chống sa tan sự dữ. Vì thế vị Thiên Thần này được gọi là Tổng lãnh Thiên Thần Mi-ca-e: Quis ut Deus – Ai bằng Thiên Chúa?

Vị Sứ Giả này sát cánh bên cạnh tâm hồn những người tín hữu tin nhận Thiên Chúa là Cha đời mình, trợ lực chống lại sa tan quỷ dữ sự xấu lấn át, chiếm ngự tâm hồn họ. Vị Sứ Giả này mang đến sứ điệp: Nếu Thiên Chúa ngự trong tâm hồn con người, họ sẽ nhận ra giá trị cao đẹp đời mình và vẻ đẹp cùng phẩm giá đời sống người khác.

2. Sách Tobia 11, 1-15 thuật lại Thiên Thần Raphael được Thiên Chúa gửi đến cùng đồng hành hướng dẫn bảo vệ Tobia trong cuộc hành trình dài khó khăn và sau cùng đã chữa cho cha của Tobia được sáng mắt, khỏi bị mù lòa đã lâu ngày.

Thiên Thần Raphael là vị Sứ Giả chữa lành vết thương. Thiên Chúa gửi vị Sứ Giả này đến bảo vệ con mắt, tai và chân tay để con người có cuộc sống khoẻ mạnh bằng an cùng hưởng niềm vui và chia sẻ với người khác niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống.

3. Vị Thiên Thần quen thuộc với mọi người tín hữu hơn hết là Thiên Thần Gabriel. Vị Sứ Giả này xưa kia đã được sai tới báo tin cho Ông Zacharia: Lời cầu xin của Ông đã được Thiên Chúa nhậm lời. Ông bà sẽ có con. Con ông là Thánh Gioan Tẩy Giả (Lc 1, 5-23) và cho Đức Mẹ Maria: Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần gian khỏi vòng liên luỵ của tội lỗi, xuống thế làm người trong lòng Đức Mẹ. (Lc 1, 26-38)

Thiên Thần Gabriel là vị Sứ Giả không chỉ loan tin Chúa Giêsu xuống trần gian, nhưng còn loan báo mầu nhiệm sự sống nơi mỗi người: Cha mẹ không phải là người chế tạo làm ra sự sống của con cái mình, nhưng họ đã đón nhận sự sống đó từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn, là chủ sự sống. Và mỗi người là hình ảnh của Ngài.

Văn hào Rabindranath Tagore diễn tả niềm tin của mình: “Tôi tin là có một bàn tay vô hình, mà tôi gọi là Thiên Thần. Bàn tay vô hình này hướng dẫn ta, như một con ốc ở sườn con thuyền giữ cho những tấm ván thuyền gắn chặt vào nhau, để nước không rỉ tràn vào thuyền.”

Thiên Chúa gửi Thiên Thần như Sứ Giả đến đồng hành bảo vệ hồn xác con người trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những khi không ngờ tới. Bàn tay vô hình này can thiệp giúp hồi sinh cuộc sống.

Lễ Tổng lãnh ThiênnThần Michael, Gabriel và Raphael, 29.09

LM Daminh Nguyễn Ngọc Long

PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG

Tại Việt Nam chúng ta không có những cách đồng nho như bên Do Thái. Có chăng thì ở khu vực Cam Ranh Nha Trang, nhưng cũng không nhiều. Còn đại đa số là những cánh đồng lúa; hoặc những khu rừng cao su, tiêu, cà phê hay điều… Vì thế, hình ảnh vườn nho có vẻ hơi xa lạ trong tâm thức đối với đại đa số người dân Việt.

Nhưng dù biết hay không thì cách thức chi trả lương cho những người làm thuê cũng có nhiều điểm tương đồng với những người làm công trong vườn nho của người Do Thái.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một nghịch lý khi Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho trả lương cho những người làm công: ông chủ này không tính đến chuyện thợ làm thuê có chuyên môn hay nghiệp dư, cũng không kể đến chuyện giờ giấc của người làm. Vì thế, dù chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, kinh nghiệm hay mới vào nghề, và tham gia làm vườn giờ nào…! Nhưng chiều đến, khi lĩnh lương, tất cả họ đều giống nhau. Tại sao vậy? Ông chủ có bất công không?

Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Và Đức Giêsu có lý gì khi kể dụ ngôn này?

1. Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vườn nho mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây.
Vườn nho được Đức Giêsu kể trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Giáo Hội. Vườn nho ấy đến mùa thu hoạch, chính là sứ mạng truyền giáo đang cấp bách, điều này được bổ túc thêm khi Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.

Thứ đến, người mời gọi là chính Thiên Chúa. Người gọi hết mọi người, không phân biệt tốt xấu, giỏi hay dốt, thành phần nào, già hay trẻ… Nhưng Người gọi bất cứ ai Người muốn! Cách thức này Đức Giêsu muốn thay đổi quan niệm nơi người Do Thái, họ chỉ coi là mình họ được cứu độ, còn những dân tộc khác thì không, họ tỏ ra khinh bỉ hay ghen tức với cách hành xử của Đức Giêsu với những người không thuộc Do Thái, vì thế, Đức Giêsu mới nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?”; “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Do Thái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Hơn nữa, Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém.

ZZTiếp theo, cách thức trả lương. Người không trả lương theo kết quả công việc. Cũng không trả lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Mà Người trả lương cách đồng đều theo sự thỏa thuận lúc ban đầu. Tức là một đồng cho tất cả mọi người. Người đến sớm cũng như kẻ đến muộn, người giỏi cũng như dốt, người già cũng như trẻ… Cách thức này cho thấy lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Thiên Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải chỉ dành cho một số người đặc tuyển. Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.

2. Hiểu và thực hành sứ điệp Lời Chúa
Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội và đều có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, tính phổ quát của của ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho chúng ta người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai. Đồng thời, Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu. Vì thế:

Trước tiên, cần loại bỏ thái độ tự tôn, kiêu hãnh và coi thường người khác vì nghĩ rằng mình thuộc thành phần đương nhiên được cứu độ, còn người khác, họ chỉ là đám dân thường, tội lỗi, dốt nát, nên không cần quan tâm. Cũng cần có sự cảm thông, cộng tác để cùng nhau làm việc thiện thay vì ganh đua, ghen tỵ khi thấy người khác tốt lành hơn mình, hoặc người ta làm được nhiều điều hữu ích hơn chúng ta.

Tốt hơn là hãy ý thức mình chỉ là đầy tớ bất tài, vô dụng, nhưng lại được Chúa thương chọn và gọi để đi làm vườn nho cho Người. Vì thế, hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng với khả năng của mình, làm sinh lợi nén bạc Chúa trao trong sự yêu mến với lòng nhiệt huyết tông đồ.

Thứ đến, hãy kiên trung, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng thất vọng vì thấy mình không giỏi giang hay tội lỗi. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn để ý đến những người“đứng chót”. Phần còn lại là của chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong sự khiêm tốn, ắt Chúa sẽ trả công hậu hĩnh và Người sẽ làm những điều kỳ diệu khi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Hiểu được tình thương của Thiên Chúa như thế, hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa rất công bằng do lòng nhân từ của Người chứ không bất công như chúng ta đã lầm tưởng!

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa tha thiết. Biết gắn bó với sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội. Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với bổn phận của mình. Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển

MICHELANGELO BOUNARROTI – HỘI HOẠ QUỐC TẾ….

Từ năm 1994 – sau khi được trùng tu – nhà nguyện Sistina ở nội thành Vatican thu hút hàng triệu triệu du khách và tín hữu hành hương năm châu tuốn đến viếng thăm. Mọi người muốn chiêm ngưỡng tận mắt trần nhà nguyện với các bức vẽ của nhà danh họa MichelAngelo Buonarroti (1475-1564). Tên tuổi ông gắn liền với nhà nguyện Sistina, đền thờ thánh Phêrô, các bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi ”Pietà”, David và Maisen v.v.
Đền thờ thánh Phêrô được Đức Giáo Hoàng Giulio II (1503-1513) đặt viên đá đầu tiên vào ngày 18-4-1506 và hoàn tất 117 năm (1623) sau đó, trải qua 18 triều đại Giáo Hoàng.

ZZSử liệu viết về ông MichelAngelo Buonarroti như nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư và thi sĩ, thường sáng tác trong cô đơn…. Tất cả tác phẩm nghệ thuật của ông diễn tả tài nghệ không ai sánh kịp. Thế nhưng, có một đức tính nổi bật trong cuộc đời nhà nghệ sĩ tài ba mà ít người nhắc đến. Đó là biệt tài chỉ huy, điều khiển xí nghiệp của ông. MichelAngelo là ông chủ khôn ngoan luôn cư xử thân tình với các nhân viên.

MichelAngelo trước tiên là một nghệ sĩ sành điệu, biết ăn đúng món, mặc đúng kiểu. Ông di chuyển bằng lừa hoặc bằng ngựa. Thế giới vẫn khâm phục ngưỡng mộ ông trong những giờ phút cô đơn, khi ông phải lặng lẽ nằm vẽ ngược lên trần nhà nguyện Sistina hoặc khi hoàn thành tác phẩm nghệ thuật để đời như tượng Đức Mẹ Sầu Bi ”Pietà”, David và Maisen. Thế nhưng trong các tài liệu tìm thấy ở Firenze và Pisa (Bắc Ý), người ta mới vỡ lẽ khám phá ra rằng, hồi ấy, MichelAngelo điều khiển xí nghiệp với khoảng 250 nhân viên.

Ông MichelAngelo Buonarroti luôn luôn làm việc với một nhóm cộng tác viên. Chẳng hạn, để hoàn thành trần nhà nguyện Sistina, ông hội ý của ít nhất 13 họa sĩ. Tại Firenze, các phần mộ bằng đá của dòng họ nhà Medicis được ông trang trí bằng 4 pho tượng biểu hiệu cho ngày, đêm, bình minh và hoàng hôn. 4 pho tượng được chạm trổ do khoảng 20 thợ đẽo đá. Ngoài ra, có khoảng 200 thợ khác làm việc dưới quyền điểu khiển của kiến trúc sư MichelAngelo để xây thư viện thuộc nhà thờ Thánh Lorenzo. Thư viện Thánh Lorenzo là tòa nhà đẹp nhất thành phố Firenze. Công trình xây cất thư viện kéo dài 18 năm.

Chính nhờ ông chủ thầu MichelAngelo Buonarroti mà người ta biết được cuộc sống các cộng tác viên. Hàng tuần, ông ghi rõ tên tuổi, số ngày làm việc cũng như tiền lương của mỗi người. Nhà danh họa luôn tạo mối liên hệ thân tình với hầu hết nhân viên. Đôi khi ông đặt cho họ “tên cúng cơm”, nói lên tính tình đặc biệt của từng người. Điểm này tỏ lộ ông biết rõ mỗi người với ưu và khuyết điểm. Thế nhưng, dù cho có thợ làm việc cẩu thả hoặc thiếu lương tâm, ông chủ MichelAngelo không bao giờ sa thải thợ. Nguyên tắc điều khiển của ông: Cần minh chứng lòng kiên nhẫn.

Tất cả thợ làm việc thuộc quyền ông MichelAngelo đều hưởng đầy đủ quyền lợi: bảo hiểm việc làm, đồng lương tương xứng và được nghỉ đúng thời hạn. Ngoài ra các công nhân được ký những hợp đồng “quá bảo đảm”, so với tình trạng xã hội thời đó. Các hợp đồng thường kéo dài đến 10, 20, 30 năm. Đôi khi còn hơn 30 năm nữa! Thật là điều khó tin, nhưng lại có thật, ở vào thế kỷ 16!

Ông chủ MichelAngelo Buonarroti dành trọn thời giờ cho nhân viên và cho công việc. Ông đích thân đến tận nơi để xem xét và điều khiển công việc tại chỗ. Ông không có ngày thứ bảy nghỉ hoặc ngày hè dưỡng sức. Nói tắt một lời, ông trông coi mọi chuyện. Không gì lọt khỏi mắt ông. Ông để ý cả chi tiết nhỏ nhặt tầm thường nhất. Nhưng ông không độc tài. Trái lại, ông tôn trọng và khuyến khích sáng kiến của các nhân viên.

Ngoài thời giờ dành cho công việc và điều khiển nhân viên, ông vẫn tìm ra giờ để sống cho mình, để sáng tác và để trao đổi thư từ.

Nhà danh họa kiêm chủ thầu MichelAngelo Buonarroti qua đời năm 90 tuổi. Ông sống cuộc đời tín hữu Công Giáo chân chính, đầy trọn ý nghĩa, dung hợp giữa thiên tài sáng tác và trách nhiệm của một người chủ. Ông cho đi tất cả khả năng tuyệt hảo nhất cũng như biết đòi buộc và khuyến khích người khác cho đi những gì tuyệt hảo nhất của họ.
Lúc sinh thời, không một khách hàng nào của ông kêu ca điều gì. Ngày nay cũng vậy. Không một du khách nào chiêm ngắm các tuyệt tác của ông MichelAngelo Buonarroti mà có thể tìm ra một kẽ hở để phê bình ông! Tên tuổi ông sống mãi với thời gian.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(”Reader’s Digest SÉLECTION”, Avril/1997, trang 95-98).

KÍNH NHỚ BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA

Hôm qua chúng ta mừng lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu. Hôm nay chúng ta mừng lễ “Mẹ Sầu Bi” Mẹ đau khổ với Chúa Giêsu con của Mẹ. Khi cho con cái mình mừng lễ này, Giáo Hội cho chúng ta thấy có một sự liên kết hết sức chặt chẽ giữa những sự đau khổ của Đức Maria và đau khổ của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá. Việc làm như thế cũng là một điều dễ hiểu. Chính vì thế mà ngày xưa người ta mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi vào thứ sáu trước lễ Lá. Hai cuộc đau khổ phải được nối kết với nhau cách chặt chẽ; cũng như cuộc đau khổ của chúng ta cũng phải được nối kết với đau thương của Chúa Giêsu.

ZZBảy sự đau thương của Đức Mẹ được liệt kê theo bản văn phụng vụ như sau:

Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35)
Trốn sang Ai Cập (Mt 2, 13-15)
Ba ngày đi tìm Chúa trong Đền Thờ (Lc 2, 41-52)
Con đường lên Golgotha
Cuộc đóng đinh
Hạ xác Chúa xuống
Chôn xác Chúa trong mồ
(Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

Khi mô tả Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu, Thánh Gioan viết: Mẹ đứng sát cạnh cây Thánh Giá.

Mẹ không rũ rượi như những người mẹ khác khi thấy con mình đang chết đau đớn, nhưng người “đứng”, trong một tư thế rất kiên vững. Thế “đứng” của Đức Mẹ đã là đề tài cho bao người chiêm ngưỡng và suy gẫm: Stabat Mater dolorosa!

Đức Mẹ dưới chân Thập giá để được đồng công cứu chuộc, có nghĩa là Mẹ kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu con Mẹ để trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho loài người.

Đức Mẹ đứng gần bên thánh giá. Cuộc tử đạo này của Đức Trinh Nữ Maria đã được báo trước nhờ lời tiên báo của ông già Simêôn, cũng như chính bài tường thuật cuộc Thương Khó của Chúa. Về Hài Nhi Giêsu, ông già nói rằng: “Cháu sẽ là dấu hiệu bị người đời chống báng, còn bà – ông nói với Đức Maria – bà sẽ bị nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thâu” (Lc 2, 34-35).

Vâng! Một lưỡi gươm đã đâm thâu lòng Mẹ. Lưỡi gươm ấy không thể đâm vào thân con của Mẹ mà một trật không đâm thâu lòng Mẹ. Thật đúng như vậy, Chúa Giêsu, Con của Mẹ tuy là của tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là riêng của Mẹ. Lưỡi gươm đó không tha cho một người đã chết mà nó không còn làm hại được nữa, nhưng nó đã mở sườn Người ra; và chính lúc đó, nó lại đâm thâu lòng Mẹ. Lòng Mẹ đã bị đau khổ đâm thâu, vì vậy, chúng ta thật có lý mà tuyên bố rằng Mẹ còn hơn cả vị tử đạo, bởi vì nỗi đau do việc Mẹ cùng chịu khổ chắc chắn đã vượt quá sự đau khổ trong thân xác.

Thánh Bênađô viện phụ nói: “Thưa anh em, anh em đừng ngạc nhiên khi Đức Maria được gọi là vị tử đạo trong tâm hồn. Có ngạc nhiên chăng là kẻ đã quên lời thánh Phaolô nói rằng, một trong những tội tày trời của dân ngoại là vô tâm bạc tình. Một tội như thế thật xa lạ đối với lòng dạ Đức Maria. Ước gì tội đó cũng xa lạ đối với lòng dạ các tôi tớ mọn hèn của Mẹ.

Biết đâu lại có kẻ chẳng nói: Nào Mẹ lại không biết trước Chúa Giêsu phải chết sao? – Dĩ nhiên là biết. Nào Mẹ chẳng hy vọng Người sẽ sống lại ngay sao? – Dĩ nhiên, với tất cả lòng tin. Và dù vậy, Người cũng đau khổ khi thấy Con mình bị đóng đinh, phải thế không? – Phải, và đau khổ ghê gớm. Này người anh em, bạn là ai? Khôn ngoan của bạn ở đâu mà bạn lại ngạc nhiên vì Đức Maria cùng chịu thương khó hơn là vì Đức Giêsu, Con của Người chịu thương khó? Về phần xác, Con của Mẹ đã chết, còn Mẹ, Mẹ đã chẳng chết trong tâm hồn với Con sao? Chính tình thương đã khiến Chúa Kitô chịu thương khó, và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người. Và kể từ đây, không có tình thương nào sánh nổi với tình thương đã khiến Đức Maria cùng chịu thương khó với Con của Người.”

Nino Salvaneshi đã thật có lý khi viết “Sung sướng kéo tâm hồn xuống đất, khổ đau nâng tâm hồn lên trời”

Hãy tin tưởng nơi Mẹ. Mẹ đã cùng đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu thì hôm nay trên Thiên Đàng chắc chắn Mẹ cũng được chia sẻ vinh quang quyền uy với Chúa Giêsu con của Mẹ.

Mẹ Têrêsa kể: “Khi hội dòng Thừa Sai Bác ái vừa được thành lập, chúng tôi khẩn thiết cần một ngôi nhà để làm nhà mẹ, thế là tôi khấn xin Đức Trinh Nữ một căn nhà và hứa sẽ dâng cho Đức Mẹ 85.000 kinh Hãy Nhớ:

Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, Là Mẹ rất nhân từ, Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người này chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ, là nữ đồng trinh trên hệt các kẻ đồng trinh. Xin Đức Mẹ đoái đến con, là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, Một rủ lòng thương và nhận lời con cùng. Amen.

Hồi ấy con số các dì chưa đông. Làm sao để trả nợ cho Mẹ Maria đây?

Cuối cùng tôi nghĩ ra cách, tập trung tất cả các trẻ em và những người đau yếu, chúng tôi đang chăm sóc tại Nirmal Hriday và Shishu Bhavan. Tôi dạy họ kinh Hãy Nhớ đó và tất cả chúng tôi cùng hứa đọc.

Chẳng bao lâu tòa nhà trở thành của chúng tôi.

LM Giuse Đinh Tất Quý

THÁNH GIÁ CHÚA LÀ NGUỒN PHÚC VINH

Ngày 14 tháng 9, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa với niềm vui vì được cứu độ. Ngày hôm nay, Thánh Giá được trình bày cho các tín hữu không phải dưới khía cạnh khổ đau, hay nặng nề thiết yếu của cuộc sống cần phải vác theo Đức Kitô, nhưng dưới khía cạnh vinh quang, như cái cớ để tự hào và không có khóc lóc. Lễ này khởi đi từ hai sự kiện lớn là khánh thành là cung hiến đền thờ Calvario và Mộ Thánh ở Thánh Địa do bà Helena, mẹ vua Constantin (khoảng năm 270, 280 đến 337), hoàng đế Roma cho xây cất năm 335. Ngày 14 tháng 9 còn là ngày mừng vì tìm được Thánh Giá thực vào 14 tháng 9 năm 326.

ZZCuộc chiến thắng của người Kitô giáo trước quân Ba Tư vào thế kỷ thứ VII, giúp tìm lại Thánh Giá Chúa và cung nghinh về Giêrusalem là sự kiện thứ hai. Từ đó, ở Giêrusalem có lễ Suy Tôn Thánh Giá vào ngày 14 tháng 9. Tuy nhiên với dòng thời gian, lễ này có một ý nghĩa riêng, vì được cử hành với niềm vui của mầu nhiệm Thánh Giá, một khí cụ man rợ và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, được Đức Kitô dùng để cứu độ thế gian.

Điều này được phản ánh trong các bài đọc. Thánh Phaolô coi Thánh Giá là động lực lớn lao để “tán dương” Đức Kitô: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang” (Pl 2, 8 -11). Thánh Gioan lại đề cập đến Thập Giá là khí cụ để cứu độ con người: “Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3, 14).

Như thế, Thánh Giá là Niềm Hy Vọng độc nhất trong Vinh Quang toàn thắng của Đức Kitô, Thánh Giá ban tặng cho nhân loại ơn sủng và ơn tha thứ. Nên “chúng ta phải hãnh diện về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nơi Người, ta được giải thoát, được sống và được sống lại; chính Người giải thoát và cứu độ ta” (Ca nhập lễ).

Giáo hội cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, nhờ Đấng bị đóng đinh, chúng ta được đưa về trời cao, vứt bỏ sau lưng tội lỗi thế gian để đạt tới sự thiện trên trời. Chúng ta hát mừng Chúa sống lại hiển vinh, vì bởi cây Thánh Giá niềm hân hoan tràn ngập khắp địa cầu. Còn hạnh phúc nào hơn từ cây Thánh Giá; vì chính nhờ cây Thánh Giá, nguồn vinh phúc, ơn cứu độ chúng ta được phục hồi. Thật vậy, nếu không có cây Thánh Giá, Đức Kitô đã không bị đóng đinh, sự sống đã không bị treo lên gỗ giá, máu và nước, nguồn suối trường sinh đã không chảy ra từ cạnh sườn để rửa sạch tội lỗi thế nhân, bộ mặt kẻ tội lỗi đã không bị lột trần, chúng ta sẽ không được tự do và không được hưởng nhờ ơn phúc từ cây sự sống. Nếu như không có Thánh Giá, thiên đàng không được mở, sự chết không bị chôn vùi, mọi thủ đoạn của hỏa ngục sẽ không được phơi bày ra. Thánh Giá thật cao cả và quí giá biết bao. Cao cả, vì Đức Kitô đã chiến thằng khải hoàn trước mọi đau khổ, Thánh Giá phát sinh sự thiện với biết bao kỳ công. Quí giá, vì Thánh Giá vừa là sự khổ đau vừa là khí giáp của Thiên Chúa. Là khổ đau, vì chính nhờ cây thánh giá Đức Giêsu đã hoàn toàn chịu chết; là khí giáp, vì ma quỉ đã bị tổn thương và đánh bại, sự chết đã bị Đức Giêsu tiêu diệt vĩnh viễn; cửa Hỏa ngục bị đập tan và Thánh Giá trở nên ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thánh Giá được gọi là vinh quang của Đức Kitô, và tán dương Người. Chúng ta nhìn thấy nơi Thánh Giá, chén của ao ước và tất cả mọi khổ đau mà Đức Kitô đã phải chịu vì chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian. Amen.

LM Antôn Nguyễn Văn Độ

CÁM ƠN MẸ – LỄ SINH NHẬT ĐỨC MẸ

ZZLễ Sinh nhật Đức Mẹ, ngày 08 tháng 9; đúng 9 tháng sau lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08 tháng 12. Ngày Đức Trinh Nữ Maria chào đời là khởi đầu cho mùa cứu rỗi, như bình minh báo hiệu một ngày tươi sáng cho nhân loại. Mẹ như “sao mai” dẫn lối loài người, như “rạng đông” báo hiệu mặt trời.

Ngay từ thế kỷ VI, cả Giáo Hội Đông phương cũng như Tây Phương đã cử hành lễ mừng kính sinh nhật Đức Mẹ. Đến thế kỷ X, lễ mừng được phổ biến khắp nơi và trở thành một trong các lễ chính mừng kính Đức Mẹ. Vào thế kỷ XII, lễ này còn kéo dài thành tuần bát nhật, theo lời hứa của các Đức Hồng Y họp mật nghị để bầu giáo hoàng. Các ngài hứa sẽ thiết lập tuần bát nhật để tạ ơn Đức Mẹ nếu có thể vượt qua được các chia rẽ vì cuộc vận động của vua Frédéric và sự bất mãn của dân chúng. Đức Giáo hoàng Célestinô V đắc cử, cai quản có 18 ngày, nên chưa thực hiện được lời hứa. Giữa thế kỷ XIII, Đức Innocentê đã hoàn thành lời hứa này.

Giáo Hội hân hoan mừng ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria. Chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho nhân loai một người Mẹ tuyệt mỹ, là Đức Maria. “Ngày hôm nay bà Anna hiếm muộn vỗ tay reo mừng, trái đất bừng sáng, các vua hát mừng, các tư tế hân hoan chúc lành, toàn thể vũ trụ vui mừng, vì ngài là hoàng hậu và là nàng dâu tinh khiết của Chúa Cha đã nẩy sinh từ gốc Jesse” (phỏng theo Kinh Nhật Tụng của Ðông Phương).

Đức Maria “là con ông thánh Gioakim và bà thánh Anna. Cả hai ông bà đều bởi dòng dõi vua Đavít, và gia đình thầy cả thượng phẩm Aaron. Thiên Chúa đã cho hai ông bà sinh được một người con quý báu trên đời là để thưởng công đức của hai ông bà. Nếu việc Đức Maria sinh ra làm cho thế gian vui mừng, thì cũng biết là gia đình ông thánh Gioakim vui sướng biết chừng nào. Sau khi sinh con được tám ngày, theo thông lệ, ông bà song thân đã đặt tên con gái là MARIA, nghĩa là Sao Biển” (Sách hạnh các thánh).
Một bé gái được sinh ra ở ngôi làng Nadarét, thuộc vùng Galilê, nước Do Thái, cách đây hơn hai mươi thế kỷ. Trong một xã hội trọng nam khinh nữ, điều ấy đâu có gì là quan trọng! Nhưng dưới mắt Thiên Chúa, em bé này thật là một kiệt tác, bởi lẽ tất cả những gì tốt đẹp nhất làm được thì Ngài đã làm cho em.

Ngay từ khi em còn trong bụng mẹ, Thiên Chúa đã chuẩn bị em cho một sứ mạng hết sức lớn lao, sứ mạng trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế, Mẹ của Ngôi Lời nhập thể. Em bé ấy tên là Maria. Ngày bé gái Maria chào đời, Thiên Chúa chan chứa mừng vui và hy vọng. Maria vừa là quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân loại, vừa là đại diện của nhân loại để đón nhận ơn cứu độ từ trời cao. Thiên Chúa cần một người mẹ xứng đáng cho Con Một của mình. Ngài muốn Con của mình được sinh ra từ cung lòng của một phụ nữ, để Người Con chí thánh ấy thực sự là người trọn vẹn. Maria được chọn để làm người mẹ ấy, dù chẳng có công chi. Vì thế ngay từ giây phút đầu tiên, khi thai nhi Maria còn trong bụng mẹ, Thiên Chúa đã ưu ái ban dồi dào ơn thánh, đã bao bọc em trong tình yêu. Em được gìn giữ khỏi những vết nhơ của tội nguyên tổ. Nhưng những ơn siêu phàm của Thiên Chúa không bóp chết tự do, không cưỡng ép Maria phải chấp nhận một định mệnh có sẵn, dù Thiên Chúa đã dành cho Maria một chỗ trong chương trình cứu độ.

Bé gái Maria đã lớn lên, đã thành một thiếu nữ, đã đính hôn với Giuse. Maria đã đi con đường tự nhiên của các thiếu nữ Do Thái. Ơn Chúa tuy không làm cho Maria mang bề ngoài khác hẳn mọi người, nhưng vẫn âm thầm hoạt động mãnh liệt nơi tâm hồn. Maria đã mềm mại để Thiên Chúa thì thầm với mình về dự định của Ngài. Dự định ấy có thể làm đảo lộn những gì Maria ước mơ. Khác với bà Evà, Maria tự nguyện buông đời mình để Chúa sử dụng. Cả tình yêu và hôn nhân với Giuse, bây giờ cũng mang ý nghĩa mới. Maria tin tưởng để Thiên Chúa dắt mình đi vào những lối chưa tường (Mana). Cuộc đời của Mẹ như một bài ca bất tận: “Phần con đây,con tin cậy vào tình thương Chúa, được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát bài ca dâng Chúa,vì phúc lộc Ngài ban” (Tv 12). Mẹ được Thiên Chúa yêu thương với muôn vàn ân lộc: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả…” (Lc 1,49).

Hôm nay, mừng sinh nhật Đức Mẹ là dịp để mỗi người con cảm ơn người mẹ sinh thành của mình.

Cám ơn mẹ đã cưu mang và sinh hạ ra con.
Cám ơn mẹ đã nuôi dưỡng và bảo bọc che chở cuộc đời con.
Cảm ơn mẹ đã cho con sự cân bằng trong cuộc sống.
Cảm ơn mẹ đã dạy con tình thương mẫu tử là bất diệt.
Cảm ơn mẹ đã dạy con giá trị của sự cần cù.
Cảm ơn mẹ đã dạy con chiêm ngưỡng vẻ đẹp của muôn vật.
Cảm ơn mẹ đã dạy con biết tôn trọng mọi loài.
Cảm ơn mẹ đã cho con biết nuôi dưỡng những cảm xúc.
Cảm ơn mẹ đã dạy con rằng cuộc sống luôn biến chuyển đổi thay.
Cảm ơn mẹ cho con phương thế để trưởng thành.
Cảm ơn mẹ đã dạy con biết nhìn mặt sáng của sự việc.
Cảm ơn mẹ đã dạy con sống mạnh mẽ dịu dàng.
Cảm ơn mẹ đã dạy con biết trắc ẩn cảm thông.
Cảm ơn mẹ đã dạy con giá trị hợp tác trong công việc.
Cảm ơn mẹ đã dạy con biết quý trọng trời nắng và cả cơn mưa.
Cảm ơn mẹ đã dạy con biết ẩn nhẫn mà không chịu khuất phục.
Cảm ơn mẹ đã cho phép con sáng tạo.
Cảm ơn mẹ đã dạy cho con sống trung thực.
Cảm ơn mẹ đã mở mắt cho con trước vũ trụ bao la.
Cảm ơn mẹ đã dạy con biết trân quý những điều đơn giản.
Cảm ơn mẹ đã dạy con tin vào chính mình.

Mẹ là tuyệt tác tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho con. Không có mẹ, con đâu cảm được vị ngọt của tình yêu “như chuối ba hương, như xôi nếp mật, như đường mía lau”. Không có mẹ, con đâu có “lớn nổi thành người”.

Không có gì trên đời này cao quý hơn tình yêu của người mẹ. Không có tình mẫu tử nào cao quý hơn tình yêu của Mẹ Maria. Mẹ Maria chính là bảo ngọc châu báu mà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại.

Lạy Mẹ Maria, chúng con cám ơn Mẹ.
Xin Mẹ che chở, gìn giữ hồn xác chúng con trong tình thương của Mẹ.
Xin cho chúng con được nép mình trong vòng tay từ ái của Mẹ. Amen!

Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An