XIN CHO CON ĐI TRÊN MẶT NƯỚC

Giữa lúc dân chúng định tôn Đức Giêsu làm Vua, sau khi đã được no nê bánh và cá, thì Ngài lại giải tán họ, và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia.

Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.

Chỉ còn một mình Đức Giêsu cầu nguyện.  Ngài chìm sâu trong gặp gỡ Cha, Đấng sai Ngài.  Nhưng Đức Giêsu không quên các môn đệ.  Ngài biết họ đang vật lộn với sóng gió, một mình.  Kinh nghiệm cam go này thật cần cho họ.

ZZMãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến.  Các môn đệ tưởng là ma, nên kêu la sợ hãi.  Đức Giêsu trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”

Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều đề nghị: “Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy.”

Thật là một lời đề nghị làm ta kinh ngạc.

Phêrô có thể chỉ cần nói: Nếu quả là Thầy, thì xin cho sóng gió yên lặng.  Nói như thế dễ hơn nhiều, ít nguy hiểm hơn nhiều.  Nhưng Phêrô đã chấp nhận dấn thân nghiêm túc.

Nếu không phải là Thầy, thì thật là dại dột.

Nhưng nếu đúng là Thầy, thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.

Đức Giêsu chấp nhận đề nghị của Phêrô: “Cứ đến.”

Thế là Phêrô bước ra, đi trên mặt nước, đến với Đức Giêsu.

Thật không thể tưởng tượng nổi, mặt nước trở nên cứng như đá, hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.

Phêrô đi được bao xa, ta không rõ, nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi: “Đúng là Thầy rồi!”

Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước, nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì mới tin trọn vẹn.

Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô, những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.

Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào, lòng tin bị chao đi với sóng, lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển.  Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con”.  Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy ông và đưa ông về thuyền.

“Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!”

Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề, và nhận chìm ông xuống.

Chúng ta chỉ bắt đầu hiểu tin là gì khi phải chịu lênh đênh giữa sóng gió và đêm tối chỉ vì Chúa buộc phải ra đi, khi dám xin đi trên mặt nước dù Chúa chỉ là cái bóng trước mặt.

***********************************************

Lạy Chúa Giêsu,

Con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy sống đức tin giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh mà bước những bước dài hướng về Chúa.  Amen.

Trích trong ‘Manna’

 

LUÔN MÃI PHÂN TÂM

Trong truyền thống Hindu, có một câu chuyện sau:  Thượng đế và con người đang đi trên đường.  Con người hỏi Thượng đế: “Thế giới này như thế nào?”  Thượng đế trả lời: “Ta muốn nói với con, nhưng cổ họng Ta đang khô rát.  Ta cần một cốc nước mát.  Nếu con có thể đi lấy cho ta một cốc nước mát, Ta sẽ cho con biết thế giới này như thế nào.”  Con người đi đến ngôi nhà gần nhất để xin cốc nước. Ông gõ cửa và gặp một phụ nữ trẻ đẹp.  Ông xin một cốc nước mát.  Cô trả lời: “Tôi sẽ sẵn lòng cho ông, nhưng bây giờ là giờ ăn trưa, tại sao ông không vào đây dùng bữa trước đã.”  Người đàn ông làm theo.

Rồi ba mươi năm trôi qua, họ có với nhau 5 mặt con, ông trở thành một thương gia có tiếng, cô là một thành viên đáng trọng trong cộng đồng.  Một tối nọ, cả hai đang ở trong nhà thì cơn bão ập đến lật tung nóc nhà.  Người đàn ông kêu lên: “Lạy Thượng đế, xin giúp con!”  Và trong tâm cơn bão, một giọng vang lên: “Cốc nước mát của ta đâu rồi?”

ZZCâu chuyện này không phải là một phê phán thiêng liêng cho bằng là bài học căn bản về nhân học và linh đạo rằng:  Là con người nghĩa là luôn mãi phân tâm.  Chúng ta không phải là những người sống với ý thức thiêng liêng một cách đều đặn, thỉnh thoảng mới phân tâm.  Nhưng chúng ta là những người sống phân tâm một cách đều đặn và thỉnh thoảng mới có ý thức thiêng liêng.  Chúng ta có khuynh hướng sa đà vào những chuyện thông thường của cuộc sống, phải có một cơn bão nào đó để nhờ đó Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta.

C.S. Lewis, khi nói về nguyên do vì sao chúng ta có khuynh hướng chỉ hướng lòng về Chúa khi gặp phong ba bão tố, ông đã bình luận như sau:  Thiên Chúa luôn luôn nói với chúng ta, nhưng thường thì chúng ta không ý thức, không lắng nghe.  Và như thế, nỗi đau chính là máy phóng âm của Thiên Chúa với thế giới điếc đặc này.

Tuy nhiên, không ai trong chúng ta lại muốn kiểu đau đớn này, không ai trong chúng ta muốn có tai ương, suy sụp sức khỏe, hay một cơn bão đến lay chúng ta tỉnh dậy.  Chúng ta thích một sự kiện mạnh mẽ tích cực, một phép lạ dù lớn dù nhỏ xảy đến để lay động làm cho chúng ta nhận thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời chúng ta.  Điều này là vì chúng ta cứ nuôi trong lòng các ảo mộng viễn vông, nếu Thiên Chúa đi vào cuộc đời chúng ta bằng một cách thức kỳ diệu, thì chúng ta sẽ thắng vượt được tình trạng phân tâm của mình và chúng ta sẽ nghiêm túc hơn trong đời sống thiêng liêng.  Nhưng chính xác đó là ảo tưởng của các nhân vật trong truyện Lazarô và ông phú hộ, khi người phú hộ giàu có xin tổ phụ Abraham cho phép mình từ cõi chết về để cảnh báo các anh em mình là họ phải thay đổi cách sống nếu không sẽ phải chịu lửa thiêu đau đớn.  Lời cầu xin của ông phú hộ thể hiện chính xác một quy kết sai lầm: “Nếu ai đó trở về từ cõi chết, họ sẽ nghe người đó!”  Abraham không chấp nhận lô gíc đó.  Ông trả lời: “Họ đã có ông Môsê và các ngôn sứ.  Nếu họ không chịu nghe các ông, thì họ cũng sẽ chẳng tin đâu cho dù có người trở về từ cõi chết.”  Trong câu trả lời này, có một điều không nói ra nhưng hết sức quan trọng, một điều mà chúng ta dễ dàng bỏ sót, đó là Chúa Giêsu đã trở lại từ cõi chết và chúng ta cũng chẳng nghe Ngài.  Tại sao chúng ta lại cho rằng mình sẽ lắng nghe một ai đó khác trở về từ cõi chết cơ chứ?  Chúng ta quá đỗi bận tâm với những chuyện thông thường trong đời đến nỗi không chú tâm đến người trở về từ cõi chết.

Vì sự thật này mà câu chuyện Hindu mang tính an ủi hơn là khiển trách.  Là con người nghĩa là luôn mãi phân tâm khỏi các vấn đề thiêng liêng.  Bản chất con người là thế.  Bản chất chúng ta là thế.  Nhưng khi nhận thức được khuynh hướng phân tâm không ngừng này là một chuyện bình thường thì nó cũng không làm cho chúng ta thấy thoải mái với sự thật này.  Không chỉ mình Chúa Giêsu, mà cả các thầy dạy linh đạo cũng đã mạnh mẽ thúc giục chúng ta phải tỉnh dậy, phải chuyển biến để vượt ra khỏi nỗi bận tâm quá mức với các khó khăn của đời sống hàng ngày.  Chúa Giêsu đã xin chúng ta đừng quá lo lắng về ăn gì mặc gì cho mình.  Ngài đòi hỏi chúng ta phải đọc biết các dấu chỉ thời đại, cụ thể là, nhìn theo ngón tay Thiên Chúa, chiều kích thiêng liêng của mọi sự, trong mọi sự kiện hàng ngày của cuộc sống.  Tất cả mọi tác phẩm thiêng liêng cũng đều nói như thế.  Ngày nay, nhiều truyền thống thiêng liêng phong phú đòi hỏi chúng ta phải có ý thức, chứ không phải là cứ vô thức bận tâm với đủ chuyện thường nhật trong đời mình.

Nhưng văn học thiêng liêng cũng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa hiểu chúng ta, rằng ân sủng tôn trọng bản chất tự nhiên, rằng Thiên Chúa không lầm khi tạo dựng bản chất con người, và rằng Thiên Chúa không tạo tác nên chúng ta theo kiểu để cho chúng ta thấy mình phân tâm từ bẩm tính và rồi phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì đã thuận theo bản tính thân mình.  Bản tính con người theo lẽ tự nhiên bị cuốn vào các chuyện của đời sống hàng ngày, và Thiên Chúa đã tạo tác nên bản tính con người như thế.

Vậy thì tôi nghĩ rằng, Thiên Chúa hẳn phải gần giống hình ảnh của một người cha, người ông đầy tình yêu thương, nhìn con cháu mình trong buổi họp mặt gia đình, hạnh phúc vì chúng có cuộc sống thú vị cuốn hút chúng, cũng như hài lòng khi không phải lúc nào mình cũng là tâm điểm chú ý có nhận thức của chúng.

Rev. Ronlheiser, OMI

 

 

“CON LỪA” CỦA THIÊN CHÚA – THÁNH GIOAN VIANNEY

ZZ “Thiên Chúa đã chọn những người không ra gì để làm vinh danh Ngài.” Câu nói này rất đúng với trường hợp của thánh Gioan Vianney.  Nếu so sánh với thánh Augustinô, thánh Toma Aquinô, thánh Bonaventura, thánh Phanxicô Xaviê,…. thì trí thông minh của thánh Gioan Vianney cách biệt một trời một vực.  Người ta nói rằng chưa có vị thánh nào chậm hiểu và học hành kém cỏi như Gioan Vianney, đặc biệt là môn Latinh và Thần học, vốn là hai môn quan trọng cho chức vụ linh mục.   Kém đến nỗi Ban Giám Đốc Chủng Viện khuyên ngài nên hồi tục.   Mười bảy tuổi mới học xong tiểu học.  Tú tài phải thi đến 12 lần mới đậu.  Dưới mắt các vị giáo sư và các cha giáo khó tính, thì ngài thuộc diện “ngu lâu dốt bền khó đào tạo”.  Chẳng phải thế mà đã có lần, một giáo sư thừa lệnh Đức Giám Mục đến khảo hạch xem ngài có đủ khả năng học vấn tối thiểu để làm linh mục hay không.  Vị giáo sư hỏi câu nào ngài cũng không trả lời được.  Nổi nóng, vị giáo sư đập bàn nói: “Gioan Vianney, anh dốt đặc như một con lừa, thì giúp được gì cho Giáo hội”.  Ngài khiêm tốn trả lời: “Thưa thầy, xưa Samson chỉ dùng một cái hàm của con lừa  mà đánh bại 3000 quân Philitinh.  Vậy với cả một con lừa này, lẽ nào Thiên Chúa không dùng được việc gì sao?”

Lời của ngài nói quả là không sai.  Thiên Chúa đã dùng con lừa đó, dùng con người kém cỏi đó và biến ngài thành vị thánh lừng danh, một vị thánh có thể nói được là đã ghi nhiều “kỷ lục Giuness” đặc biệt nhất trong lịch sử Giáo Hội.

– Kỷ lục thứ nhất: Ngài là vị thánh có tài ngồi toà nhất.

Người ta nói không ngoa rằng trong lịch sử Giáo hội chưa từng có một vị linh mục nào có tài ngồi toà lâu giờ, giải tội cho nhiều người và làm ích cho linh hồn người ta nhiều như cha Gioan Vianney.  Ngài ngồi toà không biết mệt mỏi, ngồi tòa không bất kể giờ nào, sáng sớm, giữa trưa, cả lúc nửa đêm về.  Ngoài những giờ dâng lễ, cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng và tiếp khách, người ta chỉ thấy ngài nơi toà giải tội.  Ngài say mê ngồi toà đến độ quên ăn, quên ngủ.  Cũng nhờ đó mà trong suốt thời gian ngài làm cha sở họ Ars, đã có đến hàng trăm ngàn linh hồn tội luỵ được ngài cứu giúp.

– Kỷ lục thứ hai: Ngài là vị thánh giảng dạy có sức lôi cuốn nhất.

Thành phần đến nghe ngài giảng dạy thuộc đủ mọi hạng người, mọi địa phận, mọi quốc gia; các linh mục, giám mục và cả hồng y, … cũng bị thu hút đến thọ giáo với ngài.  Đến nỗi nhà nước phải mở một tuyến đường xe lửa đến giáo xứ của ngài và lập thêm một nhà ga riêng để phục vụ khách hành hương đến với ngài.  Một linh mục dốt thần học, một cha xứ dở triết học, lại quê mùa, vậy mà lại dạy tu đức, mục vụ cho những người trí thức và những bậc vị vọng trong Giáo Hội.  Chỉ có Thiên Chúa mới làm được chuyện phi thường này!

– Kỷ lục thứ ba: Ngoài Đức Mẹ ra, ngài là vị thánh làm cho ma quỷ lo sợ nhất.

Ma quỷ lo sợ phải “thất nghiệp”. Đã có lần ma quỷ nói với nhau rằng trên thế gian này nếu có ba người như cha Gioan Vianney thì chúng thất nghiệp dài dài.  Chính vì vậy mà ma quỷ đã tìm đủ mọi cách để quấy phá ngài và những việc ngài làm.  Đêm đêm chúng làm ồn ào không cho ngài ngủ, có ngày ngài đang ở nhà thờ thì chúng đốt giường của ngài.  Ma quỷ còn lấy cả bùn đất bôi đen thánh giá trên toà giải tội của ngài.  Ma quỷ lo vì nhiều người đã “bỏ mặc” chúng đơn côi mà theo ngài.  Ma quỷ sợ vì ngài đã đem về với Chúa quá nhiều linh hồn tội lỗi mà lẽ ra đã thuộc về chúng.

Dĩ nhiên, có được những kỷ lục có một không hai như thế là nhờ đâu?  Trước hết là nhờ ơn Chúa.  Sau nữa là nhờ ngài có một ý chí hy sinh hãm mình nghiêm nhặt, một tinh thần cầu nguyện liên lỉ, và một lòng kính mến phép Thánh Thể và Mẹ Maria phi thường.  Đó là bí quyết thành công của ngài.

Trong ngày lễ mừng kính ngài hôm nay, một lần nữa, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa một cách đặc biệt vì Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị thánh, một cha sở “trên cả tuyệt vời”.  Đồng thời chúng ta hãy xin Chúa qua lời cầu bầu của thánh Gioan Vianney ban cho các linh mục, nếu không được hoàn toàn giống như ngài thì cũng được một phần như ngài, đó là luôn nhiệt thành với sứ vụ và sẵn sàng hao mòn vì Chúa và vì các linh hồn. Amen.

LM Giuse Nguyễn Thành Long