10 LÝ DO CHỊU ĐAU KHỔ

ZZHoratio G. Spafford là một luật sư giỏi ở Chicago hồi thập niên 1800 và là bạn của nhà truyền giáo Dwight L. Moody.  Luật sư Spafford được kính trọng và tốt lành, nhưng ông vẫn không tránh khỏi những lúc khổ đau.

Trước hết, ông mất đứa con trai vì chứng ban đỏ (scarlet fever).  Rồi vốn đầu tư làm ăn cũng bị thua lỗ.  Không lâu sau đó, 4 cô con gái của ông chết trong một vụ đắm tàu ở Đại Tây Dương, chỉ còn bà vợ Anna của ông sống sót nhờ bám vào chiếc phao rồi được cứu.

Tại sao bi kịch xảy ra với người tốt?  Luật sư Spafford không thể hiểu, nhưng rồi ông vẫn vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa.  Mọi người có thể tôn vinh Thiên Chúa ngay cả trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời.  Theo Kinh Thánh, đây là 10 lý do để chúng ta chịu đau khổ.

  1. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta phạm tội.  Chẳng có ai công chính (Rm 3:10), nghĩa là ai cũng là tội nhân (Rm 3:23). Những người không có đức tin thì sống biệt lập với Chúa, còn những người có đức tin thì trải nghiệm từng khoảnh khắc, từng ngày, từng mùa… về niềm tin vào Thiên Chúa. Quy luật tâm linh được tạo ra để triệt tiêu tội lỗi trong đời sống của tín hữu, quy luật này nghiêm khắc, kể cả cái chết: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.  Giả như chúng ta tự xét mình, thì chúng ta đã không bị xét xử.  Nhưng khi Chúa xét xử là Người sửa dạy chúng ta, để chúng ta khỏi bị kết án cùng với thế gian” (1 Cr 11:29-32).
  2. Chúng ta chịu đau khổ vì người khác phạm tội.  Vợ chồng và con cái chịu đau khổ vì bị lạm dụng.  Công dân chịu đau khổ vì chính quyền tham những.  Satan xúi giục vua Đa-vít thống kê dân số Ít-ra-en, và có 470.000 người chịu hậu quả (2 Mcb 10:20).  Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết không phải vì lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của nhân loại.
  3. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta sống trong thế giới tội lỗi.  Tai nạn và tai họa xảy ra, mỗi năm có hàng triệu người chết. Thánh Phaolô nói rằng “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8:22).  Đó là hậu quả của tội lỗi.
  4. Chúng ta chịu đau khổ vì chúng ta được tự do chọn lựa.  Quyền năng Thiên Chúa và khả năng của con người là hai sự thật trong Kinh Thánh.  Chúng ta không là robot, chúng ta có thể chọn lựa vì Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do.  Đôi khi sự chọn lựa của chúng ta gây đau khổ – cho mình và cho người khác.  Randy Alcorn viết: “Nếu Thiên Chúa tước hết vũ khí và ngăn chặn các tài xế say xỉn, thế giới này sẽ không là thế giới thật để con người chọn lựa…  Trong một thế giới như vậy, người ta sẽ chết mà không có nhu cầu, chỉ thấy mình ở Địa ngục”.
  5. Chúng ta chịu đau khổ vì sự sống đời đời.  Thế giới này không là nhà của chúng ta, chúng ta chỉ là khách vãng lai.  Chúng ta là công dân Nước Trời.  Thánh Phaolô nói: “Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13).  Chính đau khổ ngăn cản chúng ta bám víu vào thế gian này, vì thế gian sẽ qua đi.
  6. Chúng ta chịu đau khổ để không gặp điều tệ hại hơn.  Đau khổ làm cho chúng ta tập trung vào nguyên nhân, để cố gắng sửa đổi trước khi tệ hại hơn.  Cơn sốt dẫn chúng ta tới bác sĩ, tại đây chúng ta được chẩn đoán và chữa trị.  Ở mức lớn hơn, đau khổ cho chúng ta biết có gì đó bất ổn, và dẫn chúng ta tới Chúa Giêsu.  Bóng tối, đau khổ, cô đơn, lo buồn…  Mọi thứ đó giúp chúng ta nắm bắt thực tế cuộc sống, giúp chúng ta cần đến Chúa.
  7. Chúng ta chịu đau khổ để thông phần đau khổ với Đức Kitô và nên giống Ngài.  Thánh Phaolô nói: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).  Nhờ kinh nghiệm đau khổ mà chúng ta có thể an ủi người khác khi họ chịu đau khổ.  Khi chúng ta chịu đau khổ là chúng ta được nên giống Đức Kitô.  Thánh Phaolô phân tích: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4:17).
  8. Chúng ta chịu đau khổ để tôn vinh Thiên Chúa.  Chúa Giêsu động viên chúng ta nếu chúng ta chịu đau khổ vì danh Ngài: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:10-11).  Ngài cảnh báo rằng thế gian sẽ ghét chúng ta vì họ đã ghét Ngài trước (Ga 15:18).  Trong thư gởi giáo đoàn Do Thái, chương 11, có người nhờ đức tin mà được chúc lành bằng của cải và thành công, có người lại được chúc lành bằng đau khổ và cái chết.  Thiên Chúa không phân loại các anh hùng đức tin này tùy trường hợp của họ, Ngài chỉ tôn vinh họ vì vững mạnh đức tin.  Nếu các Kitô hữu có cuộc sống thoải mái thì sẽ làm cho Phúc Âm hấp dẫn vì các lý do sai lệch.
  9. Chúng ta chịu đau khổ để trưởng thành tâm linh. Chúa Giêsu là Đấng hoàn hảo, vậy mà Ngài còn phải chịu đau khổ để học được đức vâng phục.  Thánh Phaolô cho biết: “Nhờ Chúa, tôi rất vui mừng vì cuối cùng thấy tình cảm của anh em đối với tôi lại thắm thiết.  Tình cảm đó vẫn sống động, nhưng anh em chỉ thiếu dịp tỏ ra.  Không phải vì thiếu thốn mà tôi nói thế, bởi lẽ tôi đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được.  Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả.  Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4:10-13).  Thánh Phaolô xác định: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại” (2 Cr 12).
  10. Chúng ta chịu đau khổ để hy vọng vinh quan Nước Trời.  Kh 21:4 nói: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.  Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”  Thánh Phaolô nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8:18).

Có nhiều lý do để chúng ta chịu đau khổ, đôi khi khó nhận biết chính xác.   Như trường hợp Thánh Gióp, ông không bao giờ biết việc đánh cược của Satan với Thiên Chúa.  Nhưng đây là sự thật:

  • Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi đau khổ của chúng ta.
  • Thiên Chúa vẫn hiện hữu ở bên chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
  • Thiên Chúa luôn hành động với chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ.
  • Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta biết lý do, Ngài sẽ nói với chúng ta (qua Kinh Thánh hoặc cách nào đó).
  • Thiên Chúa tác động qua cái ác và đau khổ để sinh ra điều tốt, loại bỏ điều xấu mà Satan và kẻ xấu có thể làm cho chúng ta.

Ngày nào cũng có đau khổ, nhưng hãy nghĩ về hạnh phúc vĩnh hằng ở Nước Trời mai sau.  Randy Alcorn viết: “Số phận của chúng ta không lệ thuộc vào những người kiện cáo, hoặc những chính trị gia, luật sư, giáo viên, huấn luyện viên, sĩ quan quân đội, hoặc chủ nhân.  Họ có thể chống lại chúng ta – và Thiên Chúa hoàn toàn có thể chuyển những điều xấu thành điều tốt nhất cho chúng ta”.

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ OnceDelivered.net)
http://conggiao.info/index.aspx

MỤC ĐÍCH CỦA ĐỜI SỐNG

Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 17 tháng Tám, 1999, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất đã xảy ra trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.  Nó đã san bằng hàng trăm công trình kiến trúc và làm thiệt mạng hàng ngàn người.

Khi động đất xảy ra, một kế toán viên 40 tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ là Yuksel Er vừa mới đi ra từ phòng vệ sinh ở lầu ba trong khu chung cư sáu tầng lầu.

Bỗng dưng, mọi thứ bắt đầu quay cuồng.  Chính ông cũng lảo đảo và bị rơi vào dòng thác cuốn của đồ vật.  Trong 45 giây tiếp đó tai ông như điếc vì tiếng động mạnh.

Và rồi, bỗng dưng mọi sự im lặng một cách ghê sợ. Khi Yuksel tỉnh dậy, ông thấy mình bị kẹt dưới đống gạch vụn trong một vùng thật tối. Trong khoảng cách nhỏ bé đó, ông không thể nào cựa quậy được, chỉ có thể nằm yên ở đó. Trên mình ông và chung quanh ông là những vụn vỡ của tòa chung cư sáu tầng lầu.

Lúc đầu ông tưởng là tận thế.  Nhưng khi nghe thấy tiếng rên rỉ ở xa xa, ông biết là một điều gì khác đã xảy ra. Trong bốn ngày liền, ông không ăn uống gì.  Ông dùng thời giờ để cầu nguyện, suy nghĩ về đời sống và tự hỏi đời sống sau khi chết sẽ như thế nào.

Lúc đầu, ông còn la lớn kêu cứu.  Nhưng thấy vô ích ông im lặng dưỡng sức. Ông bắt đầu nhớ đến gia đình, và nhất là đứa con trai 13 tuổi mà ông vừa mới la rầy nó chỉ vài giờ trước trận động đất vì nó cứ dành máy computer của gia đình để chơi “game”.

Sau đó vào ngày thứ tư, khoảng một giờ sáng, ông nghe có tiếng gọi quen thuộc.  Chỉ trong vài phút, ông nhận ra tiếng của đứa cháu và thằng con 13 tuổi.  Chúng đào xới đống vụn để lôi ông lên.

Khi đứa con trai lôi được ông ra khỏi đống gạch vụn, điều đầu tiên nó nói là, “Bố ơi, con sẽ không bao giờ làm bố giận nữa.”  Ông Yuksel trả lời, “Bây giờ thì không còn quan trọng nữa, vì bây giờ mọi sự sẽ khác biệt.”

ZZSau này, khi ở trong bệnh viện, Yuksel nói với gia đình và bạn hữu: “Đây là cuộc đời thứ hai của tôi.  Tôi sẽ cố gắng tận dụng cuộc đời ấy.”  Và rồi ông khóc.  Giống như tiếng khóc của đứa bé mới lọt lòng mẹ.

Trước trận động đất, Yuksel sống với những ưu tiên và mục đích, không khác gì những ưu tiên và mục đích của chúng ta.  Sau cảm nghiệm ấy, các ưu tiên và mục đích của ông thay đổi cách đáng kể.

Điều này đưa chúng ta đến bài Phúc Âm hôm nay. Trong bài Chúa Giêsu nói rằng, “Nếu ai trong các con muốn đến với Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá của con và theo Thầy.” Ở đó chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu cảnh cáo các môn đệ về sự ngu dại khi giành được thế gian nhưng đánh mất điều quan trọng nhất trong tất cả: Là sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Sau cùng, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói: “Con Người sẽ thưởng cho họ tùy theo hành động của họ.”

Hãy trở về với câu chuyện của Yuksel.  Khởi đầu tưởng rằng là một thập giá nặng nề, nhưng sau cùng lại là một phước lành lớn lao. Nó đã dạy cho ông và thúc giục ông sống thời gian còn lại theo một phương cách xứng hợp với Chúa, và với suy nghĩ của Thiên Chúa chứ không phải của Satan.

Cũng giống như trận động đất đã thay đổi cuộc đời ông Yuksel, bài Phúc Âm hôm nay cũng nhắm đến một kết quả tương tự cho chúng ta – tối thiểu cho một số người trong chúng ta.  Có lẽ, như Phêrô, lối suy nghĩ về đời sống của chúng ta trở nên nguy hiểm hơn và càng giống với kiểu cách suy nghĩ của Satan hơn là của Thiên Chúa.

Có lẽ, giống như Phêrô, chúng ta đang mất dần ý nghĩa của đời sống.  Một đời sống không hoàn toàn vì vui thú và không muốn tránh càng nhiều thập giá càng tốt. Đúng ra, đó là một đời sống để được phần thưởng là sự sống đời đời.  Đó là lối sống trong những năm còn lại của chúng ta ở đời này để giúp chúng ta gặt được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

Rõ rệt hơn nữa là vác thập giá hằng ngày của chúng ta và chấp nhận các thập giá ấy trong tinh thần mà Chúa Giêu đã chấp nhận thập giá của Người. Và đây là phần đáng kể.  Một khi chúng ta bắt đầu sống như Chúa Giêsu đã dậy, chúng ta sẽ khám phá ra điều mà Yuksel đã tìm thấy.

Nó sẽ thay đổi mọi sự, và bỗng dưng, điều tưởng như một thập giá to lớn lại trở nên một ơn sủng lớn lao trong đời này và đời sau. Hãy kết thúc với câu chuyện để nói lên điều chúng ta muốn nói:

Một vài năm trước đây, Gene Stallings đã huấn luyện đội banh trường đại học Alabama để thắng được 22 trận và được coi là trường đứng hạng hai về “football”.  Nhưng không phải biến cố này, mà là một biến cố khác, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời của ông.  Đó là việc sinh hạ đứa con trai, Johnny.

Khi bác sĩ nói với ông Stallings rằng Johnny sẽ bị hội chứng Down (chậm phát triển) và có lẽ không sống lâu hơn bốn năm, ông đã ngất xỉu.

Ba mươi năm sau, Johnny vẫn còn sống.  Nói về ảnh hưởng của Johnny trong cuộc đời, ông Stallings cho biết: “Cháu rất đặc biệt!  Tất cả sự yêu thương của cháu thì vô điều kiện.  Cháu không đạt thành tích gì. Cháu hoàn toàn vị tha.”

Trong rất nhiều dịp, ông Stallings tuyên bố rằng cho dù có thể đảo ngược mọi sự và bắt đầu lại với một đứa con không bị bệnh Down thì ông cũng không muốn như vậy.  Ông nói, “Tôi cảm nhận được rất nhiều ơn lành.”

Điều mà ông Stallings nghĩ rằng sẽ là một thập giá lớn lao trong đời thì lại trở nên một ơn sủng lớn lao – cả ở đời này và ngay cả ở đời sau.

Đây là Tin Mừng của Phúc Âm hôm nay.  Đây là Tin Mừng mà chúng ta cử hành trong phụng vụ này.

Đó là Tin Mừng khi chúng ta vác thập giá của mình và theo Chúa Giêsu, có thể thay đổi cuộc đời chúng ta.  Nhưng nó sẽ đem lại một bình an và phước lành mà chưa bao giờ chúng ta tưởng tượng ra hay hy vọng tới – và ngay cả dám mơ tưởng đến.

LM Mark Link, SJ

 

CẢM NHẬN VỀ CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI THÁNH AUGUSTINÔ

Mỗi lần lắng nghe tiểu sử cuộc đời của nhiều vị thánh, chúng ta thường có những suy nghĩ gì?  Phải chăng chúng ta cảm nhận các ngài dường như là những người không có khuyết điểm gì cả?  Và dường như chúng ta cảm thấy đời sống của các ngài thật cao và thật xa với đời sống của chúng ta?

Bạn thân mến, một tác giả đạo đức Công giáo nào đó đã cảm thấu như sau: “Không có một thánh nhân nào mà không có quá khứ.  Và không có một tội nhân nào lại không có tương lai.”  Nếu đọc lại tiểu sử cuộc đời và con người của thánh Augustinô, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào câu nói trên. ZZ Cuộc đời của thánh nhân được cắm vào ba cột mốc quan trọng: Một con người tội lỗi, một tội nhân biết sám hối, và một thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội.  Vậy, mỗi Kitô hữu chúng ta đã cảm nhận được gì ở ba khoảnh khoắc quan trọng này nơi của cuộc đời thánh Augustinô?

Một con người đắm chìm trong tội lỗi

Trước tiên, thánh Augustinô là một con người tội lỗi.  Có người đã ví von rằng: Nếu trên trần gian này có bao nhiêu thứ tội lỗi thì Augustinô đã phạm hình như gần hết. Vậy, Augustinô đã phạm những tội lỗi nào?  Thiết nghĩ, không cần phải kể hết ra đây.  Nhưng tội mà Augustinô thường phạm nhiều nhất, nặng nhất đó là chạy theo nhục dục của xác thịt. Bởi vậy, trong quyển Tự Thú thánh Augustinô đã viết thế này: “Nhưng khốn thay, đang lúc tình dục sôi nổi, con buông theo sự hăng say của làn sóng bên trong, mà bỏ Chúa và lỗi phạm các giới răn của Chúa…”  Ngoài ra, Augustinô đã nhiều lần chạy theo bè rối chống lại đạo Chúa.  Mất đức tin. Điều đáng nói nhất là tội dâm dục của Augustinô: “Vào năm 16 tuổi, xác thịt của con, khi con chịu quyền cai trị và hoàn toàn vâng phục cơn sốt tình dục, mà sự sỉ nhục của loài người dung túng, còn luật Chúa thì nghiêm cấm.”  Thật vậy, Augustinô đã ngụp lặn và đắm chìm trong những đam mê của xác thịt.

Bạn thân mến, đã là con người ai mà chẳng có tội.  Ai cũng có quá khứ vấp ngã và sai lầm.  Vì thế, thánh Augustinô cũng không ngoại lệ. Điều này cho thấy cuộc đời và con người của thánh Augusitnô thật gần gũi với chúng ta biết bao.  Chúng ta cũng yếu đuối như Augustinô.  Chúng ta cũng nhiều lần khô khan, nguội lạnh và kém đức tin như Augustinô.  Chúng ta cũng là một con người đắm chìm trong tội lỗi như Augustinô.  Chìm đắm trong đam mê xác thịt.  Chìm đắm trong tiền bạc và quyền lực tiếng tăm v.v…  Tuy nhiên, Augustinô đã thức tỉnh và sám hối trở về với Chúa.

Một tội nhân biết quay đầu sám hối

Tiếp đến, điều đáng ca ngợi nơi Augustinô bởi vì ông là một tội nhân biết quay đầu sám hối. Augustinô nhận ra mình đã yêu Chúa quá muộn màng: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.  Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa.  Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.  Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.”  Vâng, Augustinô đã sám hối nhờ ơn Chúa và tình yêu thương tha thứ của Chúa.  Chúa đã dùng Giám mục Ambrosiô để thức tỉnh lương tâm Augustinô.  Chúa đã dùng những lời dạy của thánh Phaolô để Augustinô nhận ra tội lỗi tày trời của mình: “Ðừng sống theo dục tính và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu Kitô”.

Vậy, có lần nào bạn và tôi biết sám hối như thánh Augustinô chưa?  Con người ai cũng có vấp ngã. Điều quan trọng là sau những lần vấp ngã chúng ta có quyết tâm đứng dậy bắt đầu lại hay không mà thôi.  Chúa không bao giờ đặt dấu chấm hết cho bất kỳ một tội nhân nào.  Lòng thương xót của Chúa luôn rộng lòng tha thứ cho những ai biết sám hối quay đầu trở về.  Dù vậy, thật không dễ cho chúng ta tí nào.  Nhưng Augusitinô đã làm được điều đó.

Một thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa và phục vụ Giáo hội bằng cả tình yêu

Cuối cùng, từ một tội nhân Augustinô đã trở thành một thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa và phục vụ Giáo hội.  Sau những tháng ngày đắm mình trong nhục dục xác thịt, Augustinô cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và linh hồn con còn khắc khoải cho đến khi nào được yên nghỉ trong Chúa mà thôi.”  Kể từ giây phút ấy, Augustinô xác tín Chúa là tất cả đời mình.  Từ xác tín sâu xa ấy, thánh Augustinô đã phục vụ Giáo hội.  Phục vụ bằng suy tư sắc bén của trí tuệ.  Phục vụ bằng tài giảng thuyết sâu sắc đánh động lòng người.  Và phục vụ bằng cả tình yêu.  Bởi vậy, thánh nhân nói: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm.”

Bạn thân mến, một tác giả đã cảm nhận câu nói trên như sau: “Câu nói trên của Thánh Augustinô tự nhiên thoáng vang lên trong trí khiến tôi phải trầm mình và suy nghĩ, đúng là thánh nhân luôn có những cái hơn người như thế!”  Dù vậy, phải chăng chúng ta cũng cảm nhận thánh nhân cũng mang thân phận con người mỏng giòn và yếu đuối như chúng ta.  Thánh nhân thật gần gũi với chúng ta.  Từ một con người trở thành một tội nhân.  Từ một tội nhân trở thành một thánh nhân.  Quả thật, chỉ có Chúa mới có thể làm thay đổi cuộc đời 360 độ như thế.   Mừng lễ thánh Augustinô là dịp để mỗi Kitô hữu chúng ta lắng đọng tâm hồn để suy nghĩ và cầu nguyện về bản thân, về cuộc đời và về Thiên Chúa.

Tâm Thương
http://tgpsaigon.net

 

PHÊRÔ MÔN ÐỆ BỊ MẮNG

Gom nhặt những đoạn Phúc Âm nói về phêrô, ta thấy một mảnh đời của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.

Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin!  (Mt 14:31).  Lần thứ hai: Ngu tối! (Mt 15:16).  Lần thứ ba: Satan! (Mc 8:33).

Không biết sau khi Phêrô được Chúa gọi ở biển hồ (Mt 4:18) bao lâu, mấy tuần, mấy tháng thì chuyện xảy ra.  Chuyện đầu tiên được Phúc Âm ghi nhận là Phêrô bị mắng.

ZZMắng lần thứ nhất: Ðêm đó, Chúa hiện đến, đi trên biển.  Chưa ai đi trên biển bao giờ.  Các môn đệ hoảng hốt la lớn: “Ma! Ma!”  Chúa bảo không phải ma, là Chúa.  Nghe thì biết vậy chứ làm sao tin được?  Các môn đệ bán tín bán nghi, không biết Chúa thật hay ma.  Phêrô là kẻ thách đố bóng người đi trên biển ấy:

– Nếu là Chúa thật, truyền cho tôi đi trên mặt nước xem sao!

Bóng người ấy truyền cho Phêrô:

– Hãy đến!

Phêrô liền bước xuống biển, đi.  Giả sử không phải Chúa, ma đánh lừa thì cái gì xảy đến cho ông? Chắc chắn ông bị chìm xuống biển ngay.  Theo thói thường của kẻ cân nhắc trước sau, ông không nên làm thế.  Nên xin một dấu lạ nào khác không nguy hiểm đến mình có phải là khôn ngoan hơn không.

Nghe bóng người ấy nói: “Hãy đến!”  Sao ông không dè dặt đặt vấn đề: “Chúa thật hay ma?”  Giơ chân đạp thử xem nước cứng không đã.  Chả biết lúc đó ông nghĩ thế nào, ông nhảy xuống nước ngay. Theo Tin Mừng thuật, ông đã đi được trên biển.  Ði được rồi, lúc ấy ông phải xác quyết đây không phải là ma, là Thầy chứ.  Sự thật đã rõ, ông phải chắc ăn chứ.  Nhưng chung cuộc cho thấy ông đã chìm.  Cách hành xử ấy cho ta cảm tưởng ông hành động ào ào, không suy nghĩ là bao.  Thấy mình đang lênh đênh trên nước ông mới giật mình kinh hoàng.  Và rất rõ, Chúa mắng: Quân yếu tin.

Sau khi bỏ chài lưới theo Chúa, hình ảnh đầu tiên ghi nhận được mối liên hệ giữa Chúa và Phêrô là trận mắng trên đây.  Trận mắng thứ nhất vừa xảy ra, hình ảnh thứ hai lại một trận mắng khác: Ngu tối!

Mắng lần thứ hai: Thầy trò đang đi thì gặp nhóm Pharisiêu.  Hai bên tranh luận với nhau.  Pharisiêu trách sao các môn đệ không rửa tay theo tập tục truyền thống trước khi ăn.  Pharisiêu đã nhiều lần dựa vào lề luật tìm cách bắt bẻ các môn đệ.  Họ lấy cớ trọng lề luật chứ lòng họ có một ý đồ khác.  Chúa không chấp nhận lối giả dối đó.  Ngài nói: “Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế” (Mt 15:11).  Chúa ám chỉ tâm địa trong lòng xác định tốt xấu chứ không phải hình thức tập tục ăn uống bên ngoài.  Các môn đệ hiểu ý Chúa muốn nói gì nên mới nói với Chúa:

– Thưa Thầy, Thầy có biết, Thầy nói vậy làm những người Pharisiêu khó chịu lắm đó.

Các môn đệ hiểu Chúa có ý ám chỉ gì nên mới nói với Chúa như vậy.  Nhưng trong nhóm có người hỏi:

– Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn kia cho chúng con!

Không hiểu, mới xin như vậy chứ. Và Chúa đã mắng:

– Ðến bây giờ rồi anh em còn ngu tối vậy sao! (Mt 15:15-16).  Người bị mắng đó là Phêrô!  Một chi tiết trong lời mắng này, Chúa mắng “đến bây giờ rồi mà còn ngu tối vậy sao.”  Cụm từ “đến bây giờ rồi” cho ta cảm tưởng là đã hoài công dạy dỗ mà vẫn không khá.  Nghĩa là chậm hiểu lắm, cho đến bây giờ rồi mà vẫn còn chậm như thế.

Mắng lần thứ ba: Về đức tin, lần thứ nhất Chúa mắng quân yếu tin!  Lần thứ hai bị mắng trí khôn chậm hiểu.  Cả hai lần mắng đều xảy ra công khai.  Chúa mắng Phêrô trước mặt mọi người.  Bây giờ Chúa mắng tiếp lần thứ ba.  Lần này mắng một cách thê thảm.  Chúa bảo Phêrô là Satan!

Lần mắng thứ ba này xảy ra trên đường về Jêrusalem.  Xét theo thời gian, lúc này vào năm thứ ba, khoảng cuối đời rao giảng của Chúa.  Như vậy là Phêrô theo Chúa đã được ba năm.  Theo ba năm rồi mà chưa thấy khấm khá gì.

Cuộc đời rao giảng Nước Trời của Chúa rất khác quan niệm người đương thời.  Chúa không mua đất lập đền thờ.  Không tổ chức bầu ban chấp hành trong cộng đoàn tông đồ.  Các môn đệ không có huy hiệu.  Họ không có áo đồng phục.  Không thấy gì là dấu hiệu sắp có vương quốc.

Theo Chúa gần ba năm rồi, ghe thuyền đã bán, đất đai bỏ lại sau lưng.  Ai mà không sốt ruột băn khoăn.  Các môn đệ đôi khi cũng nghĩ tới giấc mơ ngày Thầy mình lập vương quốc.  Nhưng bao giờ? Theo mãi thế này ư?  Có đám đông đã bỏ.  Băn khoăn trong giấc mơ ấy, các ông hỏi nhau:

– Ai là người lớn nhất trong vương quốc này?

Bằng chứng là Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến xin Chúa một ghế bên tả, một ghế bên hữu (Mc 10:37).  Như vậy họ đã để ý đến các chức tước.  Họ hy vọng bổng lộc quyền thế.  Theo ngôn ngữ hôm nay thì ai chủ tịch?  Ai phó chủ tịch?

Có điều ta thấy, họ chỉ nói riêng với nhau.  Không ai dám đến hỏi Chúa.  Riêng Phêrô, ông nhìn lại đã theo ba năm rồi mà chưa thấy gì.  Ông là người duy nhất dám trực tiếp chất vấn Chúa:

– Thưa Thầy, chúng tôi bỏ mọi sự mà theo Thầy thì được cái gì?  (Mt 19:27).

Ðức Kitô trả lời:

– Phàm ai bỏ cha mẹ anh em, vì danh Ta thì được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mt 19:29).

Câu trả lời thật rõ.  Thế là Phêrô chắc ăn!  Sẽ được gấp bội!  Nói cách khác, câu trả lời ấy như lời khuyến khích đừng nản, cứ theo đi!

Vừa trả lời thế được ít bữa, bất ngờ một hôm trên đường chiều, Tin Mừng Máccô tường thuật bằng ngôn ngữ chính xác, lần này Chúa “nói rõ” điều đó.  Chúa không dùng dụ ngôn, nhưng nói rõ cho dễ hiểu.  Máccô viết: “Rồi Ngài dạy cho các ông biết về Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.  Ngài nói rõ điều đó không úp mở” (Mc 8:31-32).

Ơ hay!  Thầy vừa mới hứa ai theo Thầy sẽ được gấp trăm ngay đời này cơ mà!  Sao bây giờ lại có chuyện Thầy bị chết là làm sao?  Như vậy chúng tôi mất hết à?  Phêrô không thể hiểu.  Lần này không thắc mắc, không hỏi Chúa nữa, ông “kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Người” (Mc 8:32).

ZZMáccô tường thuật chính xác trong ngôn ngữ rất ý nghĩa là Phêrô “kéo” Chúa ra và “trách” Chúa! Ta hãy tìm ý nghĩa trong hai động từ “kéo” và “trách” này.  Kéo là hành động bắt người khác về phía mình.  Trách là hành vi diễn tả người khác sai, mình đúng.  Mạnh hơn nữa, động từ trách diễn tả một uy quyền.  Ðộng từ kéo diễn tả một thái độ không cho người đối diện tự do chọn lựa.  Hai động từ ấy phiên dịch thái độ của Phêrô là ý của ông đúng.  Chúa hãy làm theo ý ông.

Trong vai chủ động đó, Phêrô cho rằng suy nghĩ của ông là đúng.  Chúa không nên suy nghĩ kiểu đó.  Như thế, Phêrô đã đổi hướng con đường Ðức Kitô phải đi sang một hướng khác.  Cái ý nghĩa sâu xa của hành động kéo và trách nằm ở chỗ này.  Nằm ở chỗ là thay đổi lý tưởng, thay đổi đường đi của Ðức Kitô.

Hành động của Phêrô không phải là lời cám dỗ mà là nhảy vào cuộc một cách tàn bạo.  Nó không nhẹ như lúc ma quỷ cám dỗ Chúa trong sa mạc.  Lúc đó ma quỷ chỉ cám dỗ chứ không dàm cản ngăn. Phêrô không cám dỗ mà Phêrô cản ngăn.  Vì thế, lời mắng của Ðức Kitô là một lời kháng cự rất mạnh: Satan!

Ðọc Phúc Âm đến đây, ta thấy càng ngày Chúa càng mắng Phêrô nặng hơn.  Ðến cuối đời còn mắng thêm một lần nữa.

Chuyện xảy ra, lúc các thượng tế, binh lính cùng gậy gộc đến bắt Chúa trong vườn Cây Dầu, Phêrô đã rút gươm.  Nhưng Chúa trả lời hành động ấy:

– Hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm.  Hay ngươi tưởng Ta không thể cầu cứu với Cha Ta cấp cho Ta ngay mười hai cơ binh thiên thần sao? (Mt 26:52).

Nhìn lại đời Phêrô, Chúa mắng nhiều hơn khen.  Dường như chẳng khen lần nào.  Có lần Chúa hỏi các môn đệ nghĩ Chúa là ai.  Ngày đó Phêrô tuyên tín rất hay: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  Nhưng ngay sau đó Chúa nói: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16:16-17).  Như vậy là Thần Khí Chúa nói, nếu không do Thần Khí mà để tự mình Phêrô thì không biết ông sẽ nói Chúa là ai!

Cũng có lần ông nói lung tung.  Lần Chúa biến hình trên núi Tabor.  Thấy quyền uy sáng láng, ông vội nói với Chúa:

– Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môisê một cái, và ông Êlia một cái.

Ngay sau câu nói ấy, Máccô viết tiếp, cũng bằng một ngôn ngữ chính xác rất ý nghĩa.  Ngài tường thuật chi tiết như sau: “Thực ra ông không biết phải nói gì vì ông kinh hoàng” (Mc 9:6).  Như thế, chỉ vì kinh hoàng mà nói, chứ chẳng biết mình nói gì!  Nước không có, gạo củi cũng không, tự dưng dựng ba cái lều trên đỉnh núi, lấy gì ăn!

Kẻ theo Ðức Kitô bị mắng nhiều hơn khen.  Lần nào Chúa cũng mắng Phêrô trước đám đông.  Có hai điều đáng lưu tâm về những lời Kinh Thánh tường thuật con người Phêrô qua một đời bị mắng này:

– Thứ nhất, Phêrô kém như thế tại sao Chúa không sa thải?

– Thứ hai, bị mắng nhiều như thế, tại sao Phêrô không giận mà bỏ Ðức Kitô?

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ – Trích trong “Cô Đơn và Sự Tự Do”

ĐI SAU CHÚA

ZZĐang khi dân chúng còn mù mờ về vai trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  Phêrô được khen là có phúc vì nhận được mạc khải từ trên cao.  Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy vấp phạm”.

Phêrô tuy nhận chân Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng trong cái nhìn của ông, Đấng Cứu Thế sẽ là người hùng mạnh, đánh đông dẹp bắc, chinh phục vua Chúa, thâu tóm quyền hành, và rồi đăng quang thống trị thế giới.

Đức Giêsu hiểu rõ quan niệm trần gian của các tông đồ về Đấng Cứu Thế, nên ngay sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Ngài cấm các ông nói cho người khác những gì họ mới biết.  Ngài muốn giúp các ông thay đổi quan niệm về Đức Kitô.  Đức Kitô đúng nghĩa sẽ là đấng phải đau khổ, bị từ khước, chịu giết chết trước khi đi đến toàn thắng.  Sức mạnh của Đức Kitô không ở trong binh khí hay chiến mã như bao vua chúa trần gian, song là nơi thập giá khổ đau.  Chiến lược của Đức Kitô là đi xuống chỗ tận cùng trong lũng sâu nước mắt của nhân loại để nâng tất cả lên trong vinh quang của Thiên Chúa.

Nhưng nào các tông đồ có hiểu được điều đó!  Và đâu phải chỉ có các ông.  Chính tôi lắm khi cũng không hiểu nỗi đấy chứ.  Tôi cứ nghĩ Chúa là Đấng quyền năng đầy sức mạnh, phải cứu con người khỏi bao gian nan, khốn khổ, trái ý trên đường đời; phải ra tay làm nhiều phép lạ cho người ta tin; chứ đàng này Chúa lại im như bất lực, thậm chí còn để cho dân Chúa, Giáo hội Ngài chịu biết bao thách đố đau thương.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình kỳ quặc về Giêrusalem.  Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi.  Tôi muốn Ngài rút bớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú.

Nhưng Chúa Giêsu quát lên: ‘Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Ta”.

Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan.”  Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô.  Satan đối nghịch với Thiên Chúa.  Satan làm đảo lộn trật tự thế giới.  Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người.  Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất.

Nhưng để ý sẽ thấy: Trong lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta.”  Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi.  Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.

Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó.  Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạy theo tiếng gọi của quỉ ma, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16:24).

Thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài.  Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.

Như thế, vị Giáo hoàng tiên khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết của mình để xác minh chân lý thập giá.  Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình về sự khôn ngoan của thế gian đến việc khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ của Thiên Chúa.  Từ chỗ phủ nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên con đường khổ đau, đến việc chính mình anh dũng tiến vào.  Nhưng nhờ đâu mà Phêrô có được thái độ và hành vi hào hùng đó?  Phải chăng chính nhờ niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên xưng.  Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng dám theo.

Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo lời Ngài.  Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi.  Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình chứ không tự ái phản đối.

Thử hỏi tôi có được niềm xác tín làm phát sinh thái độ khiêm tốn và nghe lời Chúa như thế không, hay tôi vẫn khăng khăng chối từ lối đường thập giá?

Một nhà tư tưởng quả quyết: “Luật của thập giá là luật phổ quát.  Làm người, không ai thoát khỏi thập giá”.  Như thế chối từ thập giá là chối từ làm người đúng nghĩa.

Nhưng phải vác thập giá theo Đức Giêsu – tức là sống theo những giá trị Tin Mừng như vị tha, thanh khiết, chân thật, từ tâm, phục vụ, quên mình…- tôi mới là con người trọn vẹn, một con người phản chiếu dung mạo Thiên Chúa.

LM Phêrô Bùi Quang Tuấn

IM LẶNG – LẶNG IM, RẤT CẦN

Chúng ta có câu nói “im lặng là vàng.”  Sở dĩ nó là vàng vì im lặng rất hiếm.  Chính vì hiếm nên mới quý như vàng.  Hiếm khi chúng ta có thể im lặng được dăm ba phút, nhất là im lặng trong thánh đường còn khó hơn gấp bội.  Cứ nhìn hai người tranh biện với nhau thì biết, chỉ tranh biện thôi chứ chưa phải cãi nhau.  Tranh biện mà cả hai cùng tranh nhau nói, dòng tư tưởng cứ tuôn ra như thác nước.  Người kia chưa ngưng người này nhảy vào giữa câu nói tiếp, cứ thế, liên tục thành một liên hoàn nói.  Cường độ tăng dần, tăng dần.

Trong cầu nguyện chúng ta nói rất nhiều.  Nói quá nhiều.  Hầu như liên tục, không nghỉ.  Nghe hát, đọc kinh, cầu xin, than thở.  Kinh này chưa dứt kinh kia đã xướng lên.  Một vài trường hợp hai kinh cùng xướng lên một lúc, cuối cùng một kinh phải nhường bước vì người xướng kinh đó giọng nhỏ hơn người kia.

ZZChúng ta nghe tiếng Chúa khi nào?  Bài đọc.  Đó là nghe Lời Chúa, còn nghe tiếng Chúa nói với ta thì hiếm lắm vì ta nói liên tục không im lặng để nghe tiếng Chúa, tiếng lòng.

Cần học im lặng trong cầu nguyện vì thinh lặng là cách cầu nguyện tốt.  Nhìn ngắm dung nhan Chúa trong Mình Thánh cần hơn đọc kinh.  Khi nào chúng ta tập được thói quen thinh lặng nhìn ngắm Mình Thánh Chúa mà chúng ta thấy tâm hồn lâng lâng, niềm vui tràn ngập là khi đó chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa.  Bạn ngắm bông hoa bạn cảm nghiệm được vẻ đẹp của bông hoa.  Bạn không nói với bông; hoa không nói với bạn.  Im lặng nhưng cảm được vẻ đẹp của hoa. Trong giờ chầu thinh lặng nhìn ngắm Mình Thánh Chúa.  Tập làm sao để khi nhìn ngắm Mình Thánh Chúa bạn say mê thưởng thức như khi bạn ngắm bông hoa là bạn đang kết hợp mật thiết với Chúa.

LM Vũ Đình Tường

 

ĐI TÌM CHÍNH MÌNH

Bạn phải đi ra khỏi nơi mà bạn cảm thấy thoải mái và đi vào vùng hoang dã của trực giác của bạn. Những gì bạn sẽ khám phá hẳn là rất tuyệt vời.  Những gì bạn sẽ khám phá ra chính là bạn – Alan Alda

Trong dụ ngôn viên ngọc quý của Phúc Âm Mát-thêu chương mười ba, Chúa Giêsu ví một người đi tìm nước trời giống như đi tìm viên ngọc quý, và khi tìm được rồi, người ấy bán hết những gì mình có mà đổi lấy viên ngọc quý báu ấy.  Có lẽ trong dụ ngôn này, một trong những điểm mà được Thánh sử nhấn mạnh đến là việc đi tìm.  Chúng ta có thể nói rằng chúng ta là những con người luôn luôn đi tìm. Ngày nào chúng ta còn sống là ngày đó chúng ta còn đi tìm.  Đây cũng là câu hỏi mà Chúa Giêsu hỏi hai người môn đệ đầu tiên trong Phúc Âm Gioan sau khi Ngài chịu phép rửa, “Các anh tìm gì thế?” (Ga 1:38).  Như vậy, có bao giờ chúng ta ngồi nhìn lại xem mình đang đi tìm gì không?  Những gì mà chúng ta đang theo đuổi tìm kiếm có giá trị thật cho cuộc sống hay là chúng ta chỉ đi tìm thú vui chóng tàn?  Chúng ta tìm kiếm ở đâu?

ZZỞ xã hội tiêu thụ này, nơi chúng ta có thể đi tìm là ở những trung tâm mua sắm, hay chúng ta có thể đi tìm những câu chuyện bên lề, những đối thoại vô bổ ở những quán càfe, hay chúng ta đi tìm thú vui ở những cuộc cá độ, ở những nơi hẹn hò chè chén say sưa.  Trong thế kỷ hiện đại này, chúng ta có khuynh hướng đi tìm chính mình qua internet, ở những tin nhắn, hoặc email.  Lúc nào chúng ta cũng chú tâm vào cái điện thoại bên người và mong chờ những lời nhắn, những cuộc gọi để chứng tỏ mình còn được để ý và nhớ đến.  Thậm chí chúng ta bị chi phối đến nỗi gia đình chúng ta trở thành thứ yếu. Ngay cả trong thánh lễ khi mà chúng ta đang cùng với gia đình và cộng đoàn dân Chúa tụ họp để nhớ đến Đấng mà không ngừng ban phát ân sủng cho ta, lòng chúng ta vẫn hướng về một vật vô tri – đó là cái điện thoại.  Chúng ta để cho con người của chúng ta trở nên nô lệ và nghèo nàn đến mức độ đó sao? Thật sự chúng ta tìm được gì ở những nơi này?  Có bao giờ chúng ta tìm được nguồn vui đích thực ở những đam mê, ở một liên hệ mà thật sự không mang lại một chút gì cho cuộc sống, hay ở những vật vô tri vô giác này không?  Chúng ta có biết chúng ta thật sự đi tìm gì không?

Có lẽ điều chúng ta thật sự luôn đi tìm kiếm là chính con người thật của mình vì chúng ta chính là viên ngọc quý mà Thánh sử Mát-thêu muốn nói đến, và viên ngọc quý báu ấy chỉ có thể tỏ sáng qua Ngôi Hai Thiên Chúa.  Chúng ta không thể đi tìm viên ngọc quý của chính mình khi tâm hồn mình còn chưa biết hướng về Chúa Giêsu.  Bởi thế, chúng ta không cần phải bôn ba đi tìm nơi nào khác vì ngay trong tâm hồn chúng ta là một Thiên Đàng.  Tâm hồn chúng ta là thửa ruộng nơi mà Thiên Chúa ẩn giấu món quà cao quý nhất mà Ngài ban tặng cho nhân loại, đó là Ngôi Hai Thiên Chúa.

Khi chúng ta biết hướng về Ngôi Hai Thiên Chúa, lúc đó chúng ta biết hướng về Nước Trời vì Nước Trời đối với mỗi người là nơi mà Thiên Chúa và con người gặp gỡ, nơi mà Chúa Giêsu cùng với chúng ta cày cấy mảnh đất tâm hồn của mỗi người để đơm bông kết trái, nơi mà ta gặp được Đấng đã hạ mình xuống thế để chia sẻ những gì Ngài được mạc khải bởi Thiên Chúa Cha với chúng ta.  Lúc ấy trong ta là nơi mà trời với đất sum họp.  Chúng ta sẽ gặp được chính mình đang được ẩn dấu trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.  Chúng ta chỉ có thể tìm được kho tàng của chính mình đang được bao bọc của ân sủng Thiên Chúa khi mà chúng ta biết mở lòng để cho sự gặp gỡ huyền diệu ấy được thực hiện trong tâm hồn mình.

Điều mỗi người chúng ta cần xin là biết mong mỏi đi tìm chính con người thật của mình, viên ngọc quý của mình, đang được ẩn giấu trong Chúa Giêsu.  Có lẽ chúng ta cũng có những kinh nghiệm tương tự trong cuộc đời đó là những gì chúng ta muốn tìm chỉ có thể thấy được khi chúng ta thật sự đi tìm, và hành trình đi tìm đó giúp chúng ta khám phá ra chính mình và biết chính mình hơn.  Đây là kết quả của vẻ đẹp bí ẩn của con người vì con người chúng ta được dựng nên thật đẹp, đầy Thần Khí Thiên Chúa, và mang vẻ đẹp bí ẩn ngàn đời của Ngài.  Mong rằng chúng ta dám dành thời gian để tìm chút tĩnh lặng trong tâm hồn, biết lắng nghe nhịp đập của con tim mình, và lắng nghe xem tâm hồn mình đang đi tìm kiếm gì.  Chúng ta cần biết tâm hồn chúng ta đang tìm kiếm vẻ đẹp của chính nó ở nơi nào, và nó đang ở đâu.  Hơn nữa, chúng ta cần phải biết tâm hồn chúng ta đang mong mỏi điều gì nơi Ngôi Hai Thiên Chúa và xin Ngài ban ơn để giúp chúng ta lên đường đi vào thửa ruộng nội tâm.

Củ Khoai

 

SỨC MẠNH CỦA LÒNG TIN

Norman Vincent Peale (1898-1993) là một mục sư danh tiếng trong Giáo Hội Tin Lành Methodist, đồng thời cũng là nhà tâm lý trị liệu danh tiếng ở Mỹ, đã xuất bản nhiều tác phẩm thuộc hạng ăn khách nhất (best-selling books), trong đó có cuốn “sức mạnh của tư tưởng tích cực” (The Power of positive thinking) xuất bản năm 1952, được dịch ra đến 41 thứ tiếng, bán ra hơn 20 triệu cuốn và còn được thu vào băng dĩa để phát hành.

Cuốn sách nầy lôi cuốn được nhiều độc giả đến thế vì nó giúp cho người ta tìm thấy bí quyết tránh thất bại và đạt tới thành công.  Bằng cách nào?  Tác giả cuốn sách viết: Người ta thất bại vì người ta thiếu lòng tin, thiếu lòng tin nơi Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào khả năng của mình.  Vậy muốn thành công, hãy gầy dựng cho mình một niềm tin mạnh mẽ.

Tác giả dùng một câu lời Chúa, trích trong Tin Mừng Mat-thêu làm nên bí quyết để thành công trong cuộc đời, để giành lấy thắng lợi.  Câu đó là: “nếu bạn có lòng tin thì chẳng có việc gì mà bạn không làm được.” (Mt 17, 20)

Chân lý đó được chứng tỏ qua sự kiện sau đây:

ZZKhi Chúa Giêsu vượt qua biên giới Do-thái qua miền Tia và Xi-đôn, có một người đàn bà xứ Canaan, là người ngoại bang đến gặp Chúa Giêsu và thống thiết nài xin Người: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!  Con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Chúa Giêsu lặng thinh không đáp.

Nếu ở trong hoàn cảnh người đàn bà nầy, chắc chúng ta tức tối bỏ đi, thầm oán trách Chúa vô tâm.  Đó là bức tường thứ nhất người đàn bà Canaan đụng phải, nhưng bà không thối lui.

Bà cứ liên lỉ nài van, còn Chúa Giêsu thì cứ tiếp tục lặng thinh.  Bà kêu xin bền bỉ đến độ các tông đồ đi theo chịu hết nổi, nên mới xin Chúa Giêsu đáp lại ước vọng của bà: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”

Chúa Giêsu lại từ chối: “Thầy chỉ được sai đến với chiên lạc nhà Israel”.

Sứ mạng của Chúa Giêsu vào thời điểm đó chỉ dành cho dân Israel mà thôi.  Chưa đến lúc, chưa đến giờ đem ơn cứu độ cho mọi dân tộc.

Bị từ chối thẳng thừng, bị đụng vào bức tường thứ hai, nhưng bà không nhụt chí.  Bà vẫn tiếp tục van xin.  Bà bái lạy Người cách thành khẩn: “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi”.

Lần nầy, Chúa Giêsu trả lời cách cứng cỏi và quyết liệt: “Không nên lấy bánh của con cái mà cho chó con.”  Thế là bà lại đụng phải bức tường thứ ba, tưởng như còn cao hơn, dày hơn hai bức tường trước.  Vẫn không thoái chí, bà khiêm nhường chấp nhận thân phận thấp hèn của mình và khiêm tốn cầu xin: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Đến đây thì Chúa Giêsu không thể chối từ được nữa và nguyện vọng của người phụ nữ Canaan đã được đáp ứng hoàn toàn.  Con gái bà đã được cứu chữa.

Chúa Giêsu xác nhận rằng bà được như ý bà muốn là nhờ lòng tin: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.  Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”

Vì muốn cho chúng ta biết rằng lòng tin có sức cứu chữa và làm nên phép lạ, nên sau mỗi lần cứu bệnh nhân lành bệnh, Chúa Giêsu không nói: “Ta đã chữa lành con, hãy về bình an,” nhưng Ngài lại nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con.”

Tin Mừng Mátthêu cũng nhấn mạnh rằng nếu không có lòng tin, thì người ta chẳng đạt được gì cả, bằng chứng là khi Chúa Giêsu về thăm quê hương Ngài là Nadarét, người đồng hương không tin vào Ngài, nên không có phép lạ nào xảy ra. “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13, 58) hay như tường thuật của thánh Máccô: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó… Người lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6, 5-6)

Chúa Giêsu khẳng định rằng ai có lòng tin thì có thể làm được bất cứ việc gì.  “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: “Rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt 17, 20)

Một sự kiện điển hình chứng tỏ niềm tin làm nên phép lại là khi Phê-rô thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước, ông cũng muốn được như Thầy và đã xin Chúa Giêsu cho ông thực hiện điều đó.  Chúa Giêsu chấp thuận.  Tin vào quyền năng Chúa Giêsu, Phêrô làm nên được điều kỳ diệu: Ông đi được trên mặt nước để đến với Thầy.  Thế nhưng khi thấy gió thổi mạnh, ông đâm ra lo sợ và nghi ngờ.  Chính vì mất niềm tin nên ông bị chìm đắm.  Ông hốt hoảng la lên.  Chúa Giêsu nắm lấy tay Phêrô kéo lên và trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy!  Sao lại hoài nghi!”  (Mt 14, 22 – 33).

Lòng tin là bí quyết của thành công, đó là bài học quan trọng mà Chúa Giêsu muốn gửi đến chúng ta hôm nay, tiếc thay chúng ta không biết tận dụng bài học đó để thu hoạch những thành quả tốt đẹp trong cuộc đời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đề cao lòng tin, khen ngợi những người mạnh tin và chê trách các môn đệ yếu lòng tin.  Xin ban thêm Đức tin cho chúng con để nhờ đó, chúng con vững vàng thắng vượt gian nan thử thách và giành lấy những thành tựu tốt đẹp trong cuộc đời.

LM Ignatiô Trần Ngà

NGUỒN GỐC LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Lễ Mẹ hồn xác lên trời là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong toàn thể Giáo hội.  Toàn thể ở đây được hiểu là bao trùm cả Giáo hội Đông phương, Công giáo lẫn Chính Thống giáo.  Theo truyền thống của Giáo hội Đông phương dành 15 ngày đầu tháng 8 để chuẩn bị cuộc lễ và 15 ngày cuối để tạ ơn.

ZZTrong những thế kỷ đầu, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc.  Ngày lễ đã được mặc cho tất cả sự trang trọng kể từ năm 1950 khi Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII định tín việc Đức Mẹ được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác.  Với tín điều này, Giáo hội chỉ công bố long trọng một chân lý vốn đã được các tín hữu Kitô tin từ ngàn xưa tôn kính.  Chân lý đó là: “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không những là lễ cổ xưa nhất về Đức Mẹ.  Nhưng ngày 15-8 hằng năm còn có một ý nghĩa rất đặc biệt.  Đa số ngày tháng của các ngày lễ trong Kitô giáo đều bắt nguồn từ những ngày lễ ngoại giáo.  Lễ Giáng sinh chẳng hạn, không gì khác hơn là lễ của thần mặt trời của đế quốc La-mã được rửa tội lại theo Kitô giáo mà thôi.

Đây không phải là trường hợp của Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.  Đế quốc La-mã vốn dành ngày đầu tháng tám để tôn vinh hoàng đế.  Trong khi đó lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào ngày 15-8.  Như vậy lý do chọn ngày 15-8 để cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không bắt nguồn từ đế quốc La-mã, mà từ chính Giêrusalem cổ.

Trước thời hoàng đế Constantinope, trong ngày này đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ trên núi cây dầu tại Jerusalem.  Truyền thống đã gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc.

Trong đế quốc La-mã ngoại đạo, không có bất cứ nguồn gốc nào về ngày lễ này đã đành, mà kể từ đó về sau cũng chẳng có đế quốc nào xóa bỏ hay thay thế được lễ này.  Những cố gắng vô ích của một hoàng đế Napoléon của Pháp là một bằng chứng.

Ngày 15-8-1769 tại Ajaccio đảo Corse chào đời một đứa bé mà cha mẹ đã đặt cho một tên hiếm có là Napoléon.  Nếu ngày 15-8-1637 vua Louis XIII đã ban hành một sắc lệnh để đặt toàn nước Pháp dưới sự che chở của Mẹ Maria thì năm1806 sau khi đã đăng quang làm hoàng đế của nước Pháp và khắp Âu Châu.  Napoléon tước đoạt mọi danh dự dành cho Mẹ Thiên Chúa, để biến thành một ngày lễ dành riêng cho ông.

Sinh trùng vào ngày 15-8, Napoléon bắt toàn dân nhớ đến ngày sinh của ông là điều dễ hiểu, là ngày được cha mẹ đặt tên cho là Napoléon.  Ông đã cố lục lọi trong danh sách các thánh trong Giáo hội tìm cho bằng được một vị thánh có tên là Napoléon.

Với sự đồng ý của một vị giám mục cung đình, ông đã tìm được mục danh sách các vị tử đạo Rôma, trong đó có một vị tên là Néopoli.  Không rõ do những lèo lái như thế nào mà cuối cùng cả triều đình của ông đều đồng thanh nhận á thánh Néopoli với tên gọi Napoléon của ông.  Vậy là ngày 15-8 không những là ngày sinh nhật của ông mà còn là ngày lễ bổn mạng của ông nữa.

Danh dự đã dành cho Mẹ Thiên Chúa được ông hoàng đế này đương nhiên chiếm đoạt.  Tại Roma, Đức Giáo Hoàng Piô VII tuyên bố rằng : “Việc quyền bính thế tục thay thế việc tôn kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng việc tôn kính một vị thánh không có tên trong lịch Phụng vụ là điều không thể chấp nhận được”.

Đây là một hành động xen lấn không thể dung thứ và chấp nhận được, không thể lấy thế quyền thay cho thần quyền.  Nhưng vì những hành động của bạo chúa Napoléon quá tàn nhẫn, cho nên bức kháng thư đã không được công bố.  Tột cùng hành động ngang ngược của Napoléon là ra lệnh đưa Đức Giáo Hoàng về giam giữ tại Fontainebleau bên Pháp.

Dĩ nhiên, rồi cuối cùng Trái Tim Mẹ vẫn thắng, sự cáo chung của đế quốc do Napoléon dựng nên cũng chấm dứt việc chiếm đoạt danh dự dành cho Mẹ Maria.  Vị thánh Napoléon được Napoléon tự phong cũng tự ý rút lui để trả ngày 15-8 lại cho Mẹ Thiên Chúa.  Điều kỳ diệu mà Mẹ Maria đã thực hiện là việc tôn kính vị thánh Napoleon do những kẻ dua nịnh bịa đặt ra hơn là đòi hỏi của lịch sử đã để lại một hậu quả không lường được.  Đó là kể từ ngày đó 15-8 hằng năm đã biến thành một ngày lễ buộc trên toàn nước Pháp.

Trên đây là một trong những vị dụ cho thấy những sự vụng về kỳ lạ của lịch sử, qua đó người ta thấy được sự hiện diện kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu của Mẹ Thiên Chúa.  Kẻ quyền thế muốn tước đoạt danh dự của Mẹ Maria đã bị hạ xuống khỏi tòa cao, như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat.

Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15-8 để tôn vinh Mẹ Maria.  Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm.  Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông.  Trong ăn năn sám hối, tên tuổi của ông vẫn được tiếp tục nhắc đến như một thiên tài cũng có, mà như một kẻ ngông cuồng thì nhiều hơn.

Trong khi đó Mẹ Maria vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng người dân Âu châu, mặc dù họ có muốn tục hóa đến đâu đi nữa, thì trong lịch sử hàng năm của họ vẫn còn những dấu ấn không bao giờ tàn phai của Mẹ Thiên Chúa.  Mãi mãi như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat: “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc”.

Sưu tầm

THÁNH CLARA ĐỒNG TRINH

ZZThánh Clara sinh năm 1193 tại Assisi miền Umbria, thuộc dòng họ danh giá Offreducciô.  Người ta nói thánh nữ sinh ra với nụ cười trên môi và không bao giờ thấy Ngài khóc. Ngài dành nước mắt để tưới chân Chúa Giêsu chịu đóng đinh.  Khi nghe biết một thanh niên giàu có đã trở nên người nghèo thành Assisi, người thiếu nữ danh giá cảm kích trước mẫu gương của thánh nhân – thánh Phanxicô Assisi.  Trong khi gia đình nhắm cưới gả cho nàng, thì nàng chỉ nhắm đến cuộc sống sám hối khiêm hạ.  Sau khi nghe bài giảng của thánh nhân, Ngài đã đi tới quyết định dâng hiến đời mình cho Chúa.

Khi ấy thánh Clara 18 tuổi.  Vào ngày Lễ Lá, 18 tháng 3 năm 1212, thánh nữ ăn mặc sang trọng tới nhà thờ chính tòa dự lễ.  Theo thói quen, các bà tiến lên nhận lá từ tay Đức Giám mục.  Hôm ấy Clara quá xúc động, khiến chính Đức Giám mục phải rời ghế đưa lá đến cho Ngài.  Chiều về, Ngài đã cùng với một người bạn lén bỏ nhà theo lối cửa hậu rồi theo ánh đuốc tới gặp thánh Phanxicô tại Porsiuncula…  Giai thoại thật cảm động, một cô gái 18 sang trọng đã bỏ tất cả những gì là quen thuộc và an toàn để đi theo Đấng vô hình, còn Phaxicô 30 tuổi không có lấy một xu dính túi đã nhận lấy trách nhiệm về cả tinh thần lẫn vật chất đối với cô.  Giữa đêm xuân trong rừng cây và dưới ánh đuốc của đoàn anh em, Clara buông xõa mái tóc huyền trên bàn thờ cho Phanxicô cắt bỏ.  Hành động hoàn toàn ngoại lệ và không một chút quyền hạn theo giáo luật.  Phanxicô đã lãnh bản ly biệt của Clara đối với thế gian, rồi gởi cô vào một nữ tu viện Beneđictô gần đó.

Biến cố nổ lớn làm cả thành phố xúc động.  Thế gian kết án Clara.  Ông Monaldo, cậu của thánh nữ đến nhà dòng bắt thánh nữ về, nhưng Ngài ôm cứng chân bàn thờ quyết chọn Chúa mà thôi.  Phanxicô dẫn thánh nữ tới một nữ tu, tu viện Bênêdictô khác, cùng với em của mình là Anê.  Sau cùng Phanxicô thiết lập cộng đoàn cho Clara.  Một tu viện tại San Đamianô, nơi đây bà Ortolanta, mẹ của thánh nữ cũng nhập dòng.  Trong một thời gian cộng đoàn độc lập như những người hành khất đầu tiên. Phanxicô viết cho cộng đoàn một bản luật sống vắn gọn, đòi kỷ luật gắt gao và chay tịnh khắc khổ. Năm 1215 Phanxicô đặt Clara làm tu viện trưởng và có lẽ đã trao cho Ngài một bản luật dòng thánh Bênêđictô.

Vào những năm cuối đời thánh Phanxicô, mọi liên hệ với San Đamianô bị gián đoạn.  Câu chuyện hay về bữa ăn tối với Clara không được chính xác lắm.  Nhưng cơn đau cuối cùng Phanxicô đã được Clara cho trú ngụ trong một mái chòi bằng lá cây ở cổng tu viện Đamianô, nơi Phanxicô trước tác bài ca mặt trời.  Ngài ban phép lành cuối cho Clara rồi về Porsiuncula và qua đời tại đó.  Ngài cũng xin anh em đưa xác về Assisi qua ngả San Đamianô.  Thánh Clara và chị em tiếp rước và có dịp chiêm ngưỡng các vết thương ở tay và chân Ngài.

Clara thực hiện đúng lý tưởng của người nghèo thành Assisi.  Đức Innôcentê III đã đích thân ban phép cho Ngài được giữ đức nghèo khó tuyệt đối.  Nhưng Đức Grêgôriô IX nguyên là hồng y Ugôlinô đã muốn cải sửa luật cho phép nhà dòng có đất đai nhà cửa.  Clara cưỡng lại và năm 1228 đã được hưởng đặc ân như sở nguyện.  Ngài đã thưa với Đức Grêgôriô:

– Thưa Đức Cha, xin tha tội cho chúng con, nhưng đừng tha cho con khỏi theo Lời Chúa.

Năm 1247, một lần nữa Đức Innocentê IV kiểm soát lại luật thánh Phanxicô, muốn sống đời khó nghèo tuyệt đối.  Luật này được Đức Innocentê chấp thuận vội vã, hai ngày trước khi thánh nữ qua đời.  Năm 1893 người ta tìm thấy sắc chỉ nguyên thủy trong mộ thánh nữ.

Trong cơn bệnh của Ngài, Đức hồng y Rainalđô, tức là Đức Giáo hoàng Alexandrô sau này, đã đến trao mình Thánh Chúa và khuyên nhủ thánh nữ, thánh nữ trả lời:

– Từ khi nếm thử chén đắng và cuộc tử nạn của Chúa, con thấy không còn gì làm con đau đớn nữa.

Sau khi chúc lành cho các nữ tu đến thăm, Ngài nói với chính mình:

– Hãy an tâm, ngươi đã theo đúng đường, cứ tin tưởng vì Chúa tạo thành đã thánh hiến và không ngừng gìn giữ ngươi, đã yêu ngươi với tình mẹ thương con, ôi lạy Chúa xin chúc tụng Chúa vì đã dựng nên con.

Thánh nữ qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1253 và năm 1255 được tôn phong hiển thánh.

Thánh nữ Clara đã vì Chúa mà bất chấp tất cả những khó khăn, những cản ngăn…để được toại nguyện với ơn gọi dâng hiến. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết noi gương thánh nữ sống trọn vẹn cho tình yêu Chúa Kitô bằng việc mau mắn đáp lại lời mời gọi của Ngài.

Sưu tầm