TẤM BÁNH LIÊN ĐỚI

ZZBài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học.  Như về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về bí tích Thánh Thể.  Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới.  Đó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Liên đới là biết cảm thương.  Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương.  Đó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt.  Đám đông tội nghiệp đi tìm Chúa không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo.  Khi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới.  Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều.  Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo “mốt”.  Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo.  Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng.  Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi.  Thế giới này chưa công bằng trong đó phần lỗi của tôi.

Liên đới là nhận lấy trách nhiệm.  Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát.  Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”.  Đó là một giải pháp hợp lý.  Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ.  Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng.  Ai lo phần nấy.  Thật dễ dàng.  Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới.  Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn”.  Họ đói, các con phải lo cho họ ăn.  Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ.  Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm.  Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Liên đới là đóng góp phần của mình.  Chúa không cần những phép tính vĩ mô.  Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh?  Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ.  Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”.  Thật là ít ỏi, nghèo nàn.  Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó: “Đem lại đây cho Thầy”.  Có ít hãy đóng góp ít.  Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình.  Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.

Liên đới là chia sẻ.  Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí.  Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho người tự do đến lấy.  Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ.  Các môn đệ trao cho mọi người.  Và mọi người trao lại cho nhau.  Đó là bài học lớn của phép lạ . Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ.  Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao nhau.  Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau.  Những tấm bánh của tình liên đới.  Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim.  Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo.  Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người.  Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người.  Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực.  Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ.  Amen.

TGM Ngô Quang Kiệt

THÁNH MARTHA

ZZChúng ta biết chắc về thánh Martha qua 2 giai thoại trong Tin Mừng, khi bà nhiệt thành đón rước Chúa Giêsu (Lc 10, 38-42) hay khi bà tín thác vô giới hạn vào Chúa Giêsu trước cái chết của Lazarô (Ga 11,1-44).  Martha, theo tiếng aramêô, có nghĩa là bà chủ.  Martha, Maria và Lazarô ở làng Bêtania, là những người bạn thân tình của Chúa Giêsu.  Người hay đến trú ngụ ở nhà họ để nghỉ ngơi sau những chuyến hành trình mệt nhọc. Martha đóng vai gia chủ, đã tỏ ra rất hiếu khách và tận tụy. Ngày kia, trong lúc bận rộn với việc phục dịch, bà nói:

– Thưa Thầy, Thầy không màng nghĩ tới sao? em con để cho con một mình phục dịch.  Vậy xin Thầy bảo nó đỡ đần con.

Chúa Giêsu đáp lại:

– Martha, Martha, con lo lắng xôn xao về nhiều chuyện. Cần thì ít thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất rồi và sẽ không bị ai lấy mất.

Như thế Chúa Giêsu đã cho Martha biết rằng đối với Người không có gì quý hơn một tâm hồn biết suy tư cầu nguyện, Martha đã hiểu, bà sẽ để lộ đức tin ấy ra dịp Lazarô từ trần.  Bà nhắc tin cho Chúa Giêsu:

– Thưa thầy, kẻ Thầy thương đang ốm liệt.

Vượt đường xa, Chúa Giêsu đã đến. Nhưng Người cố ý đến chậm, khi Lazarô đã chết.  Đức tin của Martha vẫn không thay đổi.

-Thưa Thầy, nếu thầy có mặt ở đây, em con đã không chết.

Và bà thêm:

– Nhưng ngay lúc này, con biết là bất cứ điều gì Thầy xin với Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ ban cho thầy.

Khi Chúa Giêsu cho biết Người là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Người thì dù chết cũng sẽ sống, rồi Người hỏi:

– Con có tin thế không ?

Martha đã mau mắn tuyên xưng:

-Vâng, thưa Thầy, con tin Thầy là đức Kitô Con Thiên Chúa, đấng phải đến trong thế gian.

Và bà đã không lầm.  Chúa Giêsu đã phục sinh Lazarô.

Tin Mừng không nói rõ các bạn hữu của Thiên Chúa sẽ ra sao.  Chắc chắn Martha có mặt trong số phụ nữ theo Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn và xức dầu thơm xác Người trước khi mai táng.

Có truyền thuyết nói rằng ba chị em làng Bêtania đã bị người Do thái bắt thả trôi trên một con thuyền không buồm không chèo không lái.  Nhưng họ đã trôi dạt và cặp bến Marseille nước Pháp.  Lazarô đã trở thành Giám mục tiên khởi của thành này.  Riêng Martha, ngài đã rao giảng Tin Mừng ở Aix Avignon và Tarascon.  Một huyền thoại còn kể thêm việc thánh nữ tiêu diệt quái vật Tarasque.  Dân chúng khổ cực vì con vật dữ tợn, mồm phun lửa hoành hành.  Thánh nữ đã dùng cây thánh giá áp đảo con vật, rồi trói chặt nó lại.  Quái vật bị hạ sát và bị tiêu diệt, người ta gọi là Tarascon.

Thánh nữ Matta đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về lòng hiếu khách.  Khi chúng ta chào đón hay phục vụ ai, Đức Chúa Giêsu coi đó như là chúng ta làm cho chính bản thân Người.  Thánh nữ Matta cũng nêu gương sáng về lòng tin tưởng và niềm trông cậy.  Ngài là bạn thân của Đức Chúa Giêsu và ngài biết có thể tin tưởng vào lời Đức Chúa Giêsu đã nói.  Xin thánh nữ Matta cũng giúp chúng ta biết tạo mối tương quan thân thiện với Đức Chúa Giêsu như ngài.

Sưu tầm

XIN MẸ CỨU GIÚP CON MỌI NƠI MỌI LÚC, NHẤT LÀ TRONG GIỜ CHẾT!

…. Câu chuyện xảy ra tại thành phố Hal nằm dọc theo kênh đào Charleroi.  Hal chỉ cách Bruxelles – thủ đô vương quốc Bỉ – khoảng vài cây số.  Tại đây có nhà thờ Công Giáo kiểu gô-tích tôn kính bức tượng “Đức Mẹ Đen”.  Bức tượng tạc từ thế kỷ XIII và nổi tiếng vì làm nhiều phép lạ.

Tại thành phố Hal cạnh con kênh Charleroi đã xảy ra tai nạn thảm thương.  Một bà mẹ góa sống với đứa con trai duy nhất.  Một ngày, cậu bé chơi với bạn cạnh con kênh.  Không hiểu hai cậu bé rượt đuổi nhau thế nào mà cậu trai con bà góa trượt chân rớt xuống kênh . Cậu bạn hoảng hốt chỉ biết gào lên kêu cấp cứu.  Bà mẹ càng hoảng hốt hơn và cũng chỉ biết hét lên những lời kêu cứu thảm thiết.

May mắn vào ngay lúc đó có một thanh niên đi về hướng này.  Nghe tiếng kêu chàng đoán ngay sự việc.  Chàng tức tốc nhảy xuống kênh và lặn sâu dưới dòng nước.  Mấy phút sau chàng vớt được cậu bé và mang lên bờ, trước đôi mắt đẫm lệ của bà mẹ.  Người ta xúm lại cấp cứu cậu bé.  Cậu từ từ hồi tỉnh.  Cậu thoát chết nhờ hành động mau mắn và dũng cảm của người thanh niên lạ mặt.

ZZTrước công ơn to tát như thế làm sao cám ơn cho đủ người đã cứu mạng sống con mình???   Bà mẹ góa lại quá nghèo!  Nghĩ lui nghĩ tới bà thấy không gì quý hơn là tặng chàng trai ảnh đeo có hình Đức Mẹ Đen của nhà thờ gô-tích thành phố Hal.  Bà đưa tặng chàng và nói:

– Chắc chắn Đức Mẹ MARIA nghe lời tôi cầu cứu nên đưa đẩy cậu đến và cứu vớt kịp thời con trai tôi bị nạn.

Chàng thanh niên lúng túng trả lời:

– Tôi không biết là có đúng như thế không, bởi vì, thú thật với bà, tôi là người không tin!

Tuy nói thế nhưng trước cái nhìn khẩn thiết của bà mẹ chàng chấp nhận ảnh thánh Đức Mẹ MARIA. Chàng cũng hứa sẽ mang ảnh như lời bà xin để ghi nhớ cuộc gặp gỡ với cậu bé con bà…

Gần mấy chục năm trôi qua… chàng thanh niên dũng cảm năm xưa, nay là người đàn ông lớn tuổi.  Ông bị bệnh nặng và được điều trị tại một nhà thương bên Thụy Sĩ.  Nhà thương do các nữ tu điều khiển.  Cùng vào thời kỳ đó, tại vùng này, có vị Linh Mục người Bỉ về đây nghỉ ngơi.  Thỉnh thoảng Cha đến thăm viếng các bệnh nhân theo lời xin của các nữ tu.  Một ngày, cha đang trên đường gần nhà thương thì thấy một nữ tu chạy đến xin cha tới giúp một bệnh nhân đang hấp hối.  Chị nói:

– Xin cha đến mau! Ông ta đang mê sảng!

Khi vị Linh Mục đến bên giường Cha hiểu rằng người bệnh nói tiếng Flamand.  Ông muốn bịt tai và xua đuổi tất cả những gì có liên hệ đến tôn giáo.  Bằng tiếng Flamand vị Linh Mục nói vào tai người bệnh:

– Xin ông an tâm, không ai dám làm trái ý ông!  Chúng tôi chỉ cầu nguyện cho ông thôi!

Nói xong vị Linh Mục thoáng thấy nơi cổ bệnh nhân có lấp lánh ảnh đeo Đức Mẹ MARIA.  Không giữ được bình tĩnh Cha ngạc nhiên nói:

– Ông mang một ảnh đẹp như vậy mà ông lại không muốn tôi nói với ông về Đức Chúa GIÊSU KITÔ và về Đức MARIA, Mẹ của Ngài và cũng là Mẹ của chúng ta sao???

Người hấp hối bỗng chốc như hồi tỉnh.  Bằng từng câu rời rạc, ông kể lại câu chuyện vớt một cậu bé và lời hứa với bà mẹ cậu bé là sẽ mang ảnh Đức Mẹ MARIA suốt đời để ghi dấu cuộc gặp gỡ.  Và ông đã giữ lời hứa.  Vị Linh Mục thật cảm động.  Ngài cúi xuống cầm tay người bệnh và nói:

– Chú bé mà ông cứu sống chính là tôi!  Mẹ tôi vẫn kể lại câu chuyện ấy và nhắc tôi nhớ đến ông luôn. Chúng tôi suốt đời ghi ơn ông… Và ông không thấy là chính Đức Mẹ MARIA đưa tôi đến đây gặp lại ông để giúp ông trong giây phút trọng đại cuối đời sao?

Người bệnh cũng cảm động không kém vị Linh Mục.  Ông bỗng trở nên an bình hơn.  Ông chấp nhận xưng tội và xin rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU làm của ăn đàng.  Sau đó, ông nhắm mắt an nghỉ trong vòng tay trìu mến ghi ơn của vị Linh Mục.

… Kinh Cầu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Lạy Rất Thánh Đồng Trinh MARIA, Mẹ đã vui lòng nhận lấy tước hiệu là Mẹ Hằng Cứu Giúp, cho được giục lòng chúng con trông cậy vững vàng, thì con nài xin Mẹ dủ lòng thương, cứu giúp con trong mọi nơi mọi lúc, khi phải các cơn cám dỗ, khi sa phạm tội, và khi gặp các sự khốn khó trong đời con, và nhất là trong giờ chết.  Lạy Mẹ hay thương, xin cho con siêng năng chạy đến cùng Mẹ luôn luôn. Con tin rằng, con siêng năng chạy đến cùng Mẹ, thì làm cho Mẹ càng sẵn lòng nghe lời con.  Xin Mẹ ban cho con ơn trọng này, là siêng năng cầu xin Mẹ, và được lòng trông cậy Mẹ như con thảo, ngỏ cho Mẹ nghe lời con hằng cầu xin, mà hằng cứu giúp con, và ban cho con được ơn bền đỗ đến cùng.  Lạy Mẹ yêu dấu hay thương giúp, xin Mẹ ban phúc lành cho con, và cầu bàu cho con khi này và trong giờ lâm tử.  AMEN.

Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, ban ơn phù hộ cho Đức Thánh Cha, cho Hội Thánh, cho nước Việt Nam con, cho gia đình con, cho kẻ thân nghĩa, kẻ thù nghịch và hết mọi kẻ khốn khó.  Sau hết cho các Linh Hồn đáng thương trong Lửa Luyện Ngục.

Thánh MARIA, lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin cầu bàu cho con.  Lạy Thánh Anphongxô là quan thầy bào chữa con, xin giúp đỡ con trong những khi khó ngặt thiếu thốn biết chạy đến cùng Đức Bà MARIA.

Lạy Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cầu cho chúng con.
Lạy Thánh Anphongxô, cầu cho chúng con.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Éditeur 1992, trang 57-58)

KHO BÁU ẨN DẤU VÀ VIÊN NGỌC QUÍ

Sống là một hành trình tìm kiếm và chọn lựa liên lỉ.  Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa tốt xấu, lành dữ.

Trong tác phẩm nổi tiếng “la Pensées”, Pascal (triết gia công giáo pháp) cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng.  Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay con người: Nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ hay dung nhan xinh đẹp.  Bậc này có một giá trị không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.

Bậc thứ hai cao trọng hơn là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ nắm giữ.  Đây là một bậc có một phẩm chất khác.  Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm không bớt điều gì từ những thiên tài.  Trước họ chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất.

Còn có một thứ bậc cao hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng.  Gounod cho rằng: “Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng.”  Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì khỏi một người thánh thiện, một vị thánh.  Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác, vượt trên cả hai bậc kia.  Điều này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu, và mời gọi đạt tới sự Thánh Thiện.  Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội, là Kitô hữu đều được mời gọi sống cho Tình Yêu và sự Thánh Thiện này, ngay trong chính đời sống của mình.

ZZLời Chúa hôm nay cũng nói tới sự cao cả và lời mời gọi này:  Vua Salômon trong bài đọc I không xin Chúa cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa và phân biệt lành dữ.  Điều ông xin đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông được khôn ngoan và có tất cả.

Dụ ngôn “kho báu giấu ở thửa ruộng” và “viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu.  Không có gì đẹp hơn, bởi được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả!  Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh,” trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô.  Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.

Khủng hoảng lớn nhất của con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành một thứ secondhand, “hàng ế”!  Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống.  Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nói rất chính xác rằng: “Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng” (Bài giảng ở Sydney 2008).  Nếu cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và quy chiếu như sự thiện tuyệt đối, như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản.

Như hai người trong Tin Mừng tìm kiếm kho báu và viên ngọc quí, tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa như là kho báu, là viên ngọc quí, là mục đích tối hậu trong cuộc đời mình.  Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải.  Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm, để hưởng thụ.  Có một sự bận tâm cao hơn đó là “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời”; có những giá trị còn lớn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân thiện mỹ của đời ta.  Amen!

Lm Pietro Nguyễn Hương
http://vietcatholic.org

THÁNH NỮ MARIA MAGDALENE TRONG HỘI HỌA 

Trong hàng Thánh nữ Công giáo, đi vào hội họa nhiều nhất, là Thánh nữ Maria Magdalene.  

Thánh nữ Maria Magdalene được biết đến nhiều, đối với người Công Giáo, có lẽ, bởi trong Kinh Thánh, có nhiều câu chuyện viết về Bà gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt, ở chi tiết, Bà là người đầu tiên được gặp Chúa Giêsu sau khi người sống lại.  Đã có rất nhiều tranh vẽ về chi tiết này. 

Tuy nhiên, với phần đông họa sĩ, nhất là từ thời Phục Hưng, cảm ZZhứng lớn nhất đối với chủ đề Thánh nữ Maria Magdalene , thì dường như, bởi ngay chính ý nghĩa hình tượng:  Bà không sinh ra “là Thánh”.  Bà sinh ra trong tội lỗi và lớn lên trong tội lỗi. Bà “trở thành Thánh”, bởi cái Tâm hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, và đã “vượt qua chính mình”… 

Nổi tiếng nhất, trong những bức tranh về Thánh nữ Maria Magdalene, là của Titian (Tizano Vecellio-1488-1576) – họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng – vẽ năm 1567, hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Nazionale di Capodimonte, Naples

Nổi bật trong tranh là hình ảnh một người phụ nữ đẹp, có sức sống tràn đầy, nhưng tâm hồn đã hướng trọn về Thiên Chúa.  Nó có thể, khiến gợi nhớ đến quá khứ tội lỗi, “bị qủy ám” nơi Thánh nữ, nhưng, không tạo nên nghi ngờ về đức tin kiên định và sự thánh thiện hiện tại… Trong tranh, họa sĩ cũng đã sử dụng lại biểu tượng quen thuộc, gắn liền với hình tượng Thánh nữ Maria Magdalene, có từ trong nghệ thuật Byzantium, đó là lọ nước hoa, nhưng, ông đã thêm vào một biểu tượng mới, đó là chiếc đầu lâu người đặt ngay dưới sách Thánh.  Biểu tượng này, được ông dùng, như một cách “lý giải” hình tượng: đón nhận tin mừng của Chúa, Thánh nữ đã vượt qua cõi chết để đến với cõi vĩnh hằng…  Biểu tượng đầu lâu người được thêm vào tranh vẽ Thánh nữ Maria Magdalene này, đã được nhiều họa sĩ về sau sử dụng lại.

Bức tranh thứ hai, cũng nổi tiếng không kém, là “Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon” của Pieter Pauwel Rubens, vẽ năm 1618-1620, ZZhiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hermitage, thành phố Petersburg, Nga. 

Hình ảnh trong tranh thể hiện câu chuyện Chúa Giêsu ở nhà ông biệt phái Simon, khi Thánh nữ Maria Magdalene đang quì ôm chân Chúa, dùng dầu thơm rửa chân Chúa, dùng tóc mình lau chân Chúa và xin được cứu rỗi…  Bức tranh nổi tiếng bởi sự sinh động của hình ảnh. Người xem có thể nhận thấy, Chúa Giêsu, dường như đang giải thích, không chỉ cho những người biệt phái, mà cho cả chúng ta, về ý nghĩa của Tin Mừng Thiên Chúa, về sự ăn năn và cứu rỗi…  Theo nhiều nhà phê bình mỹ thuật, đây là một trong số rất ít tác phẩm của Rubens thể hiện sự quan tâm nhiều đến các biểu hiện tâm lý nhân vật, đến tư tưởng chủ đề hơn là các hình thức kiểu cách… Và, bản thân điều này cho thấy, với ngay cả một họa sĩ kiểu cách, ưa thích sự hấp dẫn hình thức (nhiều khi hy sinh cả khía cạnh tư tưởng) như Rubens, ý nghĩa hình tượng nơi Thánh nữ Maria Magdalena cũng đã có giá trị hết sức đặc biệt. 

Cả hai tác phẩm nêu trên đều đã đi vào lịch sử nghệ thuật như là những tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất của nghệ thuật Công Giáo.  Đối với chúng ta, những suy ngẫm của các họa sĩ thể hiện trong tranh cũng rất nên được suy ngẫm lại…

Nguyên Hưng
http://nghethuatthanh.net/hoi-hoa/

 

TRÁI TIM KHÔNG NGỦ YÊN

ZZCó một bài tình ca mang tựa đề “Trái tim không ngủ yên” diễn tả tâm trạng của đôi bạn trẻ nam nữ yêu nhau.  Dù xa nhau, họ vẫn cảm thấy gần gũi.  Dù giận hờn, họ vẫn thấy dễ thương. Trái tim họ không ngủ yên, nhưng luôn thôi thúc người này nhớ tới người kia.  Vì thế mà xa hóa nên gần, lạ hóa thành quen, và khổ đau được biến thành hạnh phúc.

Trong Cựu ước, bằng một lối hành văn “nhân cách hóa”, ngôn sứ Hô-sê đã diễn tả Thiên Chúa có một trái tim như trái tim nhân loại: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8).  Thổn thức, bồi hồi, đó là tâm trạng cảm thương, băn khoăn trước một sự việc xảy đến cho mình hoặc cho người mình yêu mến, nhất là lúc gặp phải thử thách gian nan trong cuộc sống.

Trái tim Thiên Chúa “thổn thức, bồi hồi” vì “không nỡ từ chối Ép-ra-im, không nỡ nộp Ít-ra-en vào tay quân thù.”  Thiên Chúa không lãnh đạm trước nỗi đau khổ bất hạnh của con người.  Vì Ngài là tình yêu, nên trái tim của Ngài “không ngủ yên”.  Ngài luôn yêu thương che chở con người và tạo vật.  “Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?” (Ed 18, 23).  Ngay cả đối với những tội nhân, Ngài cũng không muốn họ phải chết, nhưng mong cho họ được may mắn và hưởng mọi sự tốt lành.  Thiên Chúa yêu thương con người.  Ngài luôn sẵn sàng tha thứ cho họ và Ngài cũng mời gọi họ hãy sống với nhau bằng trái tim.  Chúng ta cùng suy tư về tình yêu thương bao la rộng mở của Ngài đối với mọi loài thụ tạo.

1- Trái tim Thiên Chúa là tình yêu thương vô bờ

Thiên Chúa yêu thương con người.  Toàn bộ nội dung Kinh Thánh đều nhằm nói với chúng ta điều ấy.  Thiên Chúa vừa mang gương mặt cương quyết của người Cha, vừa mang tấm lòng bao dung của người mẹ.  Là Cha, Thiên Chúa mạnh mẽ dẫn đưa con người trên con đường ngay thẳng, quở phạt khi họ bất trung, tội lỗi.  Là Mẹ, Thiên Chúa êm đềm che chở con người trước những bão giông, vỗ về động viên khi họ yếu đuối sai lầm.

Tình thương của Thiên Chúa đã được mặc khải nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời giáng thế.  Đức Giêsu là Thiên Chúa.  Người mang trong mình một trái tim nhân loại.  Trái tim của Chúa Giêsu đã rung cảm trước nỗi đau của con người, khi đối diện với bệnh tật, đau khổ và sự chết.  Người đã “chạnh lòng thương” và đem lại cho con người niềm vui, ơn chữa lành và tha thứ.  Nhờ việc Thiên Chúa mang trái tim nhân loại mà con người thấp hèn có thể gặp gỡ Đấng tối cao để tâm sự với Ngài.  Đức Giêsu còn giới thiệu cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa là Cha.  Ngài cũng có một trái tim, vì Ngài là tình yêu. Nơi tình yêu của Ngài, không ai bị loại trừ hay phân biệt, vì Ngài làm cho mặt trời mọc lên nơi người công chính cũng như kẻ bất lương (x. Mt 5, 45).  Có biết bao phép lạ Đức Giêsu đã làm để minh chứng cho tình yêu diệu kỳ của Thiên Chúa.  Bằng chứng lớn lao nhất cho tình yêu của Thiên Chúa là cuộc tử nạn của Người trên thập giá.  Thập giá là lời tôn vinh quyền năng cao cả và tình thương vô biên của Thiên Chúa.  Thập giá cũng biểu lộ vinh quang ngàn đời của Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và Cứu độ thế gian.

Khi chứng tỏ cho con người thấy tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đức Giêsu mời gọi con người hãy thương yêu nhau.  Thương yêu là cốt lõi của giáo huấn Tin Mừng, là bổn phận chính yếu của các tín hữu. “Yêu thương là chu toàn Lề Luật ” (Rm 13,8-10).  Không ai có thể tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu mà lại sống ngược với giới răn tình yêu.  Không ai có thể nhận mình là môn đệ của Chúa mà vẫn sống trong hận thù. “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12)Tình yêu do Đức Giêsu đề nghị mang một chiều kích bao la, đến mức dành cho cả kẻ thù: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44)Đức Giêsu là mẫu mực cho việc thực thi đức yêu thương, để rồi khi chúng ta bắt chước Chúa, là chúng ta nhân rộng những nghĩa cử của Người trên khắp trần gian, cho đến tận cùng thế giới.

2- Trái tim Thiên Chúa nhân hậu và bao dung

Thiên Chúa cũng là Đấng bao dung tha thứ đối với những ai thành tâm trở lại cùng Ngài. Lịch sử cứu độ là một chuỗi những sa ngã phạm tội của dân Ít-ra-en, đồng thời cũng ghi lại lòng nhân từ của Chúa.  Câu chuyện vua Đa-vít là bằng chứng của lòng bao dung nhân từ của Chúa.  Ông đã phạm tội, nhưng cũng đã sám hối.  Lòng sám hối của ông đã làm nguôi cơn giận của Chúa và Ngài đã thứ tha. Hình ảnh người cha nhân hậu được Đức Giêsu diễn tả trong Tin Mừng Thánh Luca chương 15 cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào.  Ngài tôn trọng tự do của con người.  Ngài sẵn sàng đón nhận những ai thành tâm sám hối trở về và cho họ được phục hồi phẩm giá của người con trong mối tương quan với Chúa.  Người cha nhân hậu đó chính là Thiên Chúa.  Ngài có trái tim không ngủ yên, khi thấy con người sống  trong tội lỗi.  Ngài mong chờ họ trở về với chính lộ để được chia sẻ hạnh phúc và vinh quang của Ngài.  Đức Giêsu đến trần gian để tìm kiếm con người lầm lạc, đưa họ về với Chúa.  Người giống như người chăn chiên, tận tâm kiên nhẫn đi tìm con chiên lạc, vác lên vai, đưa về với đàn chiên.

“Hãy tha thứ!” đó là một trong những nét nhấn quan trọng trong lời giảng dạy của Đức Giêsu. Thế giới hôm nay có nguy cơ hủy diệt lẫn nhau vì thiếu lòng bao dung tha thứ.  Theo Chúa Giêsu, sự tha thứ không được đong đếm bằng số lượng, nhưng phải tha thứ hết lòng (x. Mt 18,21-22).  Phải tha thứ luôn luôn, một cách bao dung, quảng đại.  Nền tảng của lời mời gọi tha thứ là vì mỗi người chúng ta đều bất toàn và vì chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta: “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau.  Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3,13-14).  Trên thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho những người làm hại mình. Người đã làm gương cho chúng ta về sự tha thứ.  Chính sự tha thứ sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui tràn đầy và tâm hồn bình an.

3- Trái tim Thiên Chúa trao ban hạnh phúc cho con người

Tình yêu đích thực là mong muốn cho người khác được hạnh phúc.  Khi dấn thân phục vụ, chúng ta tìm được niềm vui.  Khi cho đi chính bản thân mình, chúng ta cảm nghiệm được hạnh phúc dồi dào. Từ thuở ban đầu của lịch sử, Thiên Chúa tạo dựng con người để chia sẻ cho họ vinh quang của Ngài. Hành động sáng tạo chính là sự chia sẻ kỳ diệu ấy.  Một tác giả đã viết: Giống như nước thủy triều, rút xuống nhường chỗ cho đất khô, Thiên Chúa sáng tạo như thu mình lại để nhường chỗ cho con người và tạo vật được hiện hữu.  Thật thế, công trình sáng tạo cho thấy một Thiên Chúa yêu thương, muốn cho con người được hạnh phúc và chia sẻ vinh quang của Ngài.

Đức Giêsu đến trần gian để phục vụ con người.  Mầu nhiệm nhập thể là sự “tự hủy mình ra hư không” để nên giống con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.  Các môn đệ và những người đương thời đã hết sức ngạc nhiên, khi thấy Đức Giêsu mạc khải một quan niệm mới về Đấng Thiên Sai, không giống như quan niệm của họ: ‘Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).  Phêrô đã can ngăn Chúa, vì ông không thể chấp nhận một quan niệm Thiên sai như vậy.  Điều này khiến ông trả giá qua lời khiển trách của Chúa, như thể đó là ý muốn của Satan.  Khi chiêm ngưỡng thập giá, chúng ta thấy sứ mạng dấn thân phục vụ của Đức Giêsu được thể hiện cách rõ ràng: Đức Giêsu đã tự nguyện nộp mình chịu khổ hình vì chúng ta.  Người chấp nhận chết để cho chúng ta được sống.  Người chịu lăng mạ để cho chúng ta được tôn vinh.

Trên thập giá, Đức Giêsu đã thốt lên: “Ta khát” (Ga 19, 28).  Cơn khát của Đức Giêsu không chỉ là cơn khát thể lý, mà Người khao khát đem cho con người tình yêu của Chúa Cha.  Ngài cũng mong cho con người học bài học nơi thập giá để biết hy sinh cho nhau.  Vì thế, trải dài cho đến tận cùng thời gian, cơn khát của Đức Giêsu vẫn thôi thúc chúng ta phải làm gì để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân. Mẹ Têrêsa Calcutta, người sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái đã đặt thành mục tiêu ưu tiên của dòng mình là dấn thân vì phần rỗi các linh hồn, “đáp ứng cơn khát của Chúa Giêsu trên thập giá”.  Người tín hữu được mời gọi chia sẻ cơn khát của Đức Giêsu bằng việc thao thức đem Tin Mừng cho anh chị em đồng loại.  Loan báo Tin Mừng đối với chúng ta không chỉ là một việc làm thêm có tính tình nguyện, nhưng đó còn là một bổn phận gắn liền với đời sống Kitô hữu: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim chúng con trở nên giống như trái tim Chúa.  Nên thánh đối với chúng ta chính là mang trong mình một trái tim của Chúa, một trái tim không ngủ yên trước nỗi đau của đồng loại.  Khi có một “trái tim không ngủ yên”, chúng ta sẽ luôn thao thức để trở thành hoàn thiện, đồng thời giúp cho anh chị em mình gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu!

GM Giuse Vũ Văn Thiên

 

TỘI LỖI NÀO ĐƯỢC THA THỨ

Có tội ác nào tày trời đến độ không thể tha thứ được không? Tap chí Times đã nêu ra câu hỏi trên đây khi trích dẫn câu trả lời của một vị luật sư người Campuchia.

Cách đây ba năm, một Mục sư đã rửa tội cho một giáo viên ở một vùng sình lầy thuộc tỉnh Battanapan, ở mạn Tây Campuchia.  Mới đây người giáo viên này tiết lộ mình đã từng làm giám đốc cơ quan mật vụ của Khờ-me đỏ.  Sau 20 năm lẩn trốn, nay ông thú nhận là ông đã trực tiếp nhúng tay vào vụ thảm sát ít nhất là 12.000 người Khờ-me.

Người Mục sư mà cha mẹ và với gần 2.000.000 đồng bào ruột thịt bị người Khờ-me đỏ sát tế trong giai đoạn từ năm 1975 – 1979, đã nhận định về cuộc trở lại của người giáo viên này như sau:

Thật là kỳ diệu, Kitô giáo có thể thay đổi cuộc sống con người.  Nếu Chúa Giêsu đã thay đổi người giáo viên này, thì Người cũng có thể thay đổi tất cả mọi người.

Ông Duo tức người giáo viên này, một hôm đã đến nghe vị Mục sư thuyết giảng, sau đó ông đã xin chịu phép rửa, ông nói rằng, trong suốt thời thơ ấu và ngay cả khi lớn lên ông không bao giờ được yêu thương.  Giờ đây tin nhận Chúa Kitô, ông cảm thấy tâm hồn được tràn ngập yêu thương.

Mục sư ghi nhận rằng, cuộc thay đổi nội tâm đã ảnh hưởng đến toàn diện con người của ông.  Trước kia ông lầm lì ít nói, nay ông vui vẻ và cởi mở với tất cả mọi người.  Trước kia quần áo ông xốc xếch, thì nay ông ăn mặc chỉnh tề.  Sau khi đón nhận phép rửa và tiết lộ tông tích của mình, ông Duo đã bị chính quyền Campuchia bắt giữ hồi tháng 5.1998, hiện nay ông đang bị giam tại một nhà tù gần trung tâm Tollen, tức là nơi trước đây ông đã từng tham vấn, hành hạ và sát hại hàng trăm ngàn người đồng bào ruột thịt của mình.

Nhận định về tay đồ tể khát máu Khờ-me, người luật sư Lobin đã nói như sau: Một câu chuyện mang lại niềm hy vọng cho nhân dân Campuchia, họ đã trải qua quá nhiều năm trong tăm tối.  Khi đón nhận Chúa Giêsu, họ đã được mang lại ánh sáng trong cuộc sống của họ.  Thật vậy, đã đến lúc người Campuchia cần phải từ bỏ thù hận để sống yêu thương.

**********************************

ZZAnh chị em thân mến,

Chứng từ sống động trên đây đưa chúng ta vào cốt lõi của đạo chúng ta là yêu thương và tha thứ mà hôm nay qua bài dụ ngôn cỏ lùng Giáo Hội muốn nhắc lại cho chúng ta.  Dụ ngôn là một câu trả lời của Chúa Giêsu và thắc mắc mà các môn đệ thường nêu lên, là tại sao Thiên Chúa không trừng phạt nhãn tiền những kẻ làm điều gian ác?

Với hình ảnh của ruộng lúa tốt và cỏ lùng, Chúa Giêsu mạc khải lòng nhân từ và sự tha thứ vô biên của Thiên Chúa, đối với Thiên Chúa không có tội ác nào, dù cho có tày trời đến đâu mà không thể tha thứ được.  Như một người cha ngày ngày ra đứng trước cửa trông ngóng người con hoang đàng trở về, thì Thiên Chúa cũng có một thái độ chờ đợi kiên nhẫn như thế đối với tất cả mọi tội nhân, dù cho con người có đốn mạt xấu xa đến đâu thì Chúa vẫn luôn dành cho một cơ may mới để trở về với Ngài.  Nơi tâm hồn con người dù có tăm tối đến đâu, Thiên Chúa vẫn nhận ra được ánh sáng mà chính ngài đã đặt để trong trái tim con người.  Chính vì tin tưởng nơi khả năng có thể cải thiện của con người mà Thiên Chúa không ngừng tha thứ cho con người và kiên nhẫn chờ đợi con người trở về.

“Thức khuya mới thấy đêm dài, sống lâu mới thấy dạ người có nhân”.  Dụ ngôn về cỏ lùng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, mời gọi các Kitô hữu mặc lấy tâm tình khoan dung nhân hậu và cảm thông của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu không khoan nhượng, không dung tha cho bất cứ tội ác nào, Ngài gay gắt lên án thói giả hình và thái độ mù quáng của con người, nhưng Ngài lại tỏ ra cảm thông và tha thứ cho những người yếu đuối tội lỗi, Ngài không những cảm thông với những người tội lỗi, mà còn tha thứ cho chính những kẻ hành hạ Ngài.

Tòa nhà giáo huấn của Chúa Giêsu sẽ sụp đổ nếu từ trên thập giá Ngài không tha thứ cho những lý hình của Ngài.  Cuộc sống của Ngài cũng sẽ vô giá trị nếu khi bị treo trên thập giá Chúa Giêsu vẫn còn mang theo hận thù trong lòng Ngài.

Tha thứ là vẻ đẹp cao quý nhất trong tâm hồn con người.  Nhân cách của con người sẽ bị đánh mất nếu nó không thể làm được hành động tha thứ.  Người tín hữu Kitô chúng ta cũng sẽ mất căn tính của mình nếu chúng ta chỉ sống theo đố kỵ, hận thù.  Tha thứ là vẻ đẹp cao quý nhất trong tâm hồn con người, do đó cũng chính là điều khó thực hiện nhất, vì thế mà chúng ta không ngừng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn được sống ơn tha thứ, đó là điều chúng ta cầu xin trong Thánh Lễ mỗi ngày.

Kinh Lạy Cha nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa nếu chúng ta cũng tha thứ cho người anh em chúng ta mà thôi.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn được lớn lên trong niềm xác tín ấy.  Amen!

R. Veritas

TRÊN SÂN CỎ ĐỜI SỐNG

Trong đời sống ai cũng đã sống trải qua những giai đoạn, những biến cố vui buồn, thành công cũng như thất bại.

Những đội tuyển bóng đá tham dự tranh tài World cup 2014 bên Brazil đã và đang sống trải qua những biến cố bất ngờ hân hoan chiến thắng có và thất vọng thua trận phải cuốn gói trở về nhà sớm có.

Những điều đó không phải chỉ là bất ngờ ngoài dự liệu mong muốn, nhưng còn có ý nghĩa chứa đựng sứ điệp, lời nhắc bảo cho đời sống nữa.  Nhưng không phải lúc nào, và ai cũng đọc hiểu được sứ điệp lời nhắc bảo qua biến cố mà mình đã trải qua.  Vì thế mỗi người đọc hiểu biến cố đã sống trải qua cách khác nhau.

Khi sự việc, biến cố xảy ra trong đời sống, có người không hiểu nhìn ra đó là một biến cố, nhưng cho đó là ảo tưởng, là bị làm cho choáng mắt thôi.

Có người không ngần ngại chối bỏ phủ nhận, cho đó là mơ mộng.

Có người quá sốt sắng, như thành điên loạn, luôn loan báo rộng rãi cho mọi người khác điều mình hiểu, và cho đó là sứ điệp quan trọng.  Hễ ai chê cười thì bị nguyền rủa xỉ vả.

Có người thinh lặng suy nghĩ biến cố sự việc đã xảy ra mang ý nghĩa tích cực gì cho đời sống mình.  Và họ còn ghi chép lại thành bài vở như kinh nghiệm quý báu cho đời sống.

Biến cố bóng đá World Cup 2014 đang diễn ra ở Brazil.  Trên sân cỏ trái banh được hai đội tranh giành nhau dẫn lừa đá tung lưới khung thành đội đối thủ đoạt dành chiến thắng cho đội mình.

Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới từ hôm 12.06. đến 13.07. 2014 đã và đang chú tâm theo dõi những trận tranh tài biến cố bóng đá World Cup 2014 sôi nổi qua màn ảnh truyền hình.  Nhưng họ có những cách thế phản ứng khác nhau.

ZZCó người không màng quan tâm tới cho đó là trò chơi ảo ảnh vô bổ.

Có người chối bỏ không chấp nhận trò chơi đó, cho là mơ mộng điên lọan.

Có người cuồng nhiệt to tiếng ca ngợi đủ mọi cách, hễ ai chê thì bị chê bai nguyền rủa là người không biết gì hết.

Có người bình tĩnh hơn, vui vẻ hơn không coi đó chỉ là trò chơi môn thể thao. Nhưng hiểu nhận ra cùng rút ra bài học về cung cách sống trong tương quan với người khác trên sân cỏ cuộc đời như tình liên đới đồng đội qua cùng chơi cùng làm việc chung, lòng khiêm nhượng chia xẻ tình người với nhau. Thắng thua là chuyện thường tình trong đời sống, có lên cũng có xuống, không ai mãi mãi ở trên đỉnh cao của thành công chiến thắng, cũng như không ai mất tất cả và mãi mãi bị thất bại.

Bốn thái độ cung cách sống cũng giống tựa như bốn trường hợp trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói về người gieo giống tung vãi hạt lúa trên nền đất.

Hạt rơi xuống vệ đường bị chim trời đến mổ nhạt ăn mất.
Hạt rơi trên sỏi đá nơi không có đất nhiều, khi nắng nóng lên, cây lúa chết khô héo ngay.
Hạt rơi chỗ bụi gai cây cỏ mọc um tùm làm cho bị nghẹt, không có ánh sáng chiếu vào, thiếu khí trời nên cũng chết.
Hạt rơi xuống nền đất đồng ruộng tốt nó mọc lên cây lúa tươi tốt mang lại hoa trái nhiều bông hạt lúa mới.

Sự kiện biến cố nào xảy ra trên sân cỏ đời sống cũng đều ẩn chứa sứ điệp của Đấng Tạo Hóa gửi cho con người.

Sứ điệp của Ngài không mang tính chất đe dọa phạt vạ, nhưng mang sâu đậm khía cạnh đào tạo giáo dục cho đời sống con người.

LM Daminh Nguyễn ngọc Long
Mùa World Cup 2014

CUỘC ĐỜI VÀ BÓNG ĐÁ

Cuộc đời con người như cuộc đấu bóng đá vậy.  Hiện nay Cúp bóng đá thế giới 2014 đang diễn ra ở Brazil.  Bóng đá là một môn thể thao được ưa chuộng nhất trên trái đất này.  Nó thu hút hàng tỉ người tham gia và hâm mộ, cả người đá cũng như cổ động viên.  Người ta nói: “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, sống bóng đá”.  Đó là các Fan hay các “tín đồ của bóng đá”.  Bóng đá như là hơi thở, là sự sống, là cuộc sống của họ.  Còn các cầu thủ coi đó như một nghề nghiệp.  Có những cầu thủ lương rất cao.  Càng đá hay, đá giỏi bao nhiêu thì lương càng cao bấy nhiêu.

ZZNói đến bóng đá là phải nói trọng tài, sân bóng, cầu thủ, huấn luyện viên, cổ động viên, thẻ vàng, thẻ đỏ,…

Trọng tài là người “cần cân nảy mực,” xem cầu thủ nào chơi xấu, chơi không đúng luật thì phạt.  Nhẹ thì thẻ vàng, nặng thì thẻ đỏ.  Trong các lỗi, có lỗi việt vị.  Việt vị là tội “ăn cắp trứng gà”, nghĩa là đối phương đứng sau hậu vệ.  Vì như thế, rất nguy hiểm cho thủ môn, nên luật không cho phép cầu thủ nào cứ chờ ở dưới mà sút bóng cả, có sút cũng không công nhận bàn thắng.  Ngoài trọng tài chính cầm còi, còn có hai trọng tài biên và trọng tài bàn, các trọng tài này giúp cho trọng tài chính điều khiển trận đấu.

Sân bóng.  Sân bóng được làm hẳn hoi, với khung thành và các đường biên, vùng cấn địa được phận biệt rõ ràng. Nhất là có khán đài cho người ta đến xem.  Các người này sẽ động viên các cầu thủ, cũng như đem lại kinh phí cho bóng đá.  Khán đài được làm cao hơn so với sân bóng, để dễ dàng xem cầu thủ đá bóng.

Trái bóng thì tròn xoe, có độ tưng và bền . Những người không mê bóng đá thì nói: “22 người đàn ông, thật là rảnh việc, có một trái bóng mà cũng giành.  Mua cho mỗi ông một trái đá cho đã khỏi phải giành.”  Đó là những người không biết cũng như không mê bóng đá đó mà.  Theo luật, trong sân và trong cuộc đấu chỉ dùng một trái bóng, ai đá vào được khung thành đối phương thì thắng.  Ai tự đá vào khung thành đội mình thì gọi là “đốt nhà”; quân ta đánh quân mình.

Cầu thủ. Đó là những người yêu thích và chọn bóng đá làm nghề nghiệp của mình.  Họ phải thường xuyên tập luyện để có sức cũng như có những chiến thuật và kỹ thuật . Họ học, họ tập cho biết cách đón bóng, dắt bóng, truyền bóng và sút bóng.  Có cầu thủ điêu luyện, họ sút trái bóng căng và mạnh như “kẻ chỉ”, ghi bàn tuyệt đẹp.

Huấn luận viên là những người từng đá bóng, có nhiều kinh nghiệm, họ truyền lại những gì mình đã học, đã biết cho đàn em, cho các học trò của họ, để các cầu thủ đá bóng cho tốt.

Cổ động viên là những người hâm mộ đội bóng cũng như cầu thủ.  Họ đến để ủng hộ, động viên và thưởng thức bóng đá.

Thẻ vàng là để cảnh cáo những cầu thủ chơi xấu.  Nếu bị hai thẻ vàng trong một trận đấu thì cầu thủ đó sẽ bị phạt không cho đá nữa và phải rời sân.

Thẻ đỏ để phạt cầu thủ nào chơi xấu thô bạo và nguy hiểm như “không đá bóng mà đá người” hay có hành vi không có tinh thần thể thao, sẽ bị trọng tài tước quyền thi đấu, cho ra khỏi sân.  Nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị Liên đoàn bóng đá “treo giò”, nghĩa là không cho tham gia đá bóng nữa; có thể mấy trận, mấy năm hay suốt đời.

Cuộc sống của con người cũng giống như cuộc đá bóng vậy.  Trọng tài là Thiên Chúa.  Thiên Chúa sẽ xử mọi hành vi của con người dù tin hay không tin.  Việc tốt thì ân thưởng, việc xấu thì phạt.  Ai mà chơi xấu, làm việc xấu, bất công, “ăn cắp trứng gà”, ăn cắp, ăn cướp của người khác, sống không đúng luật sẽ bị Chúa cảnh cáo, cảnh báo và phạt.  Nếu ai làm việc tốt, chơi hay, chơi đẹp; sống công bằng, công chính, đúng luật thì được thưởng, được khen.

Sân bóng là trần gian, là trái đất này, nơi con người ta sống và làm việc.   Có sông, có biển; có núi, có rừng; có đất, có không khí; có động vật, có thực vật; có mưa, có nắng; có mặt trời; mặt trăng; có đêm, có ngày và có những định luật để vận hành.

Khán đài là trời, nơi đó có các thánh trên trời nhìn xuống; có ông bà cha mẹ hay anh chị em, bạn hữu theo dõi và cầu nguyện.

Trái bóng là cuộc đời của ta.  Mỗi người chỉ có một cuộc đời, một thời gian để sống.  Ai biết vận dụng tốt những gì mình có, sẽ làm cho mình có một cuộc sống bình an, hạnh phúc và có nhiều thành công.

Cầu thủ là mỗi người sống ở trần gian này.  Họ phải học hỏi và luyện tập để làm việc cũng như làm cho mình nên người tốt, nên người công chính, nên người thánh thiện.  Họ phải học để có kiến thức, có khôn ngoan.  Đó là những chiến thuật và kỹ thuật để làm việc và sống.  Họ phải biết đón nhận tất cả những gì xảy ra trong đời; họ phải dắt bóng, biết dùng những gì mình có, những khả năng mình có.  Họ biết truyền bóng nghĩa là biết làm và sống với người khác.  Họ biết sút bóng là biết chớp những thời cơ và dứt điểm.  Sút ra ngoài là làm những việc xấu hay không có giá trị.  Sút vô khung thành là làm những việc tốt và có giá trị.  Họ ghi bàn là ghi được điểm, ghi công cho cuộc đời của họ và ghi được tên của họ ở trên trời.

Huấn luyện viên là những người hướng dẫn và truyền lại những kinh nghiệm mình có để giúp người khác có những kiến thức, cũng như hiểu luật chơi, hiểu luật đời, hiểu luật sống làm cho người khác thu được những kết quả và sống một một sống bình an và hạnh phúc.

Thẻ vàng là những khi gặp những khó khăn, vất vả; những hiểu lầm.  Đó cũng là những cảnh báo cho ta biết sẽ có thành công.  Những bệnh tật, thất bại, đó là những cáo, để ta biết thức tỉnh lại con người của ta, coi chừng bị lầm đường, lạc lối; coi chừng làm bậy, sống ẩu, gây nguy hiểm cho mình và người khác.

Thẻ đỏ là rời sân, rời cuộc sống đời này mà về với Chúa.  Không phải bị phạt mà ai cũng thế, sống ở trần gian này giỏi lắm là 100 năm thôi.  Có cầu thủ nào mà có sức đá đến 100 tuổi không?  100 tuổi, đi còn chưa vững nữa là, ở đó mà còn đấm với đá.  Con người của ta cũng thế, sống đến 100 tuổi là về với Chúa, để cho lớp trẻ lớn lến và đá tiếp.

Trong bóng đá, ai chơi tốt, chơi hay; có sức lực, có kỹ thuật cá nhân cũng như biết phối hợp nhịp nhàng với đồng đội; biết chớp thời cơ và dứt điểm, sẽ ghi được bàn thắng, được yêu mến và hâm mộ.  Họ sẽ phát huy được tài năng và hái ra tiền.  Ai mà bán độ, chơi xấu, chơi gian; chần chừ, chậm chạp; lừng khừng, loay hoay một mình không truyền cho đồng đội, cũng không sút bóng sẽ chẳng làm được gì và bị chê thôi.  Con người của ta cũng thế, nếu làm tốt, sống ngoan; có kiến thức, có kinh nghiệm; biết dùng những khả năng mình có và cùng với người khác sống và làm việc, sẽ có nhiều thành công và được nhiều người mến mộ.  Ai mà ham tiền bán độ, bán rẻ, bán đứng anh chị em mình; lại chơi xấu, chơi gian sẽ thất bại, chẳng làm được việc gì cho ra hồn và có giá trị.

Lại nữa, đội nào hay cầu thủ nào ỷ y, cao ngạo, sẽ bị thua.  Đội nào không giỏi nhưng biết cố gắng sẽ chiến thắng.  Ai giỏi mà ỷ y, kiêu ngạo và khinh thường người khác cũng sẽ thua, sẽ thất bại.  Người nào khiêm nhường, chịu khó, kiên trì và cố gắng sẽ chiến thắng, sẽ thành công.

Là cổ động viên, không nên nhất thiết là của một đội, một người nào đó.  Vì như vậy, nếu đội đó thua, người đó không ghi được bàn thắng ta sẽ buồn, sẽ bực.  Không, cứ đội nào giỏi, cầu thủ nào đá hay là ta hâm mộ, xem trận đấu nào ta cũng luôn có niềm vui và phấn khởi.  Cũng vậy, khi ta sống ở đời, cái gì hay, cái gì phải, cái gì tốt là ta học, ta tập, cuộc đời ta sẽ vui luôn và tích trữ được nhiều kinh nghiệm.

Như cầu thủ chuyên nghiệp, muốn đá hay, đá giỏi nhất định phải học hỏi và tập luyện thường xuyên, thì con người của ta cũng thế.  Muốn giỏi, muốn hay dứt khoát là phải luôn học hỏi và tập luyện mới được.  Để ta nên nhanh nhẹn, khỏe mạnh, dẻo dai, bền bỉ, khôn ngoan và chính trực.

Một câu hỏi vui là Chúa có biết tỉ số trước khi đá không?  Có biết đội nào thắng trước khi đá không? Xét về Thần tính thì Chúa là Đấng thông biết mọi sự, nên biết.  Nhưng xét bền bản tính con người thì không.  Như việc biết ngày tận thế, chỉ có mình Thiên Chúa biết, ngay Con người tức là bản tính người của Đức Giê-su cũng không biết được.  Nếu Đức Giê-su sống ở thời đại này mà xem bóng đá thì Ngài cũng không biết được tỉ số trước trận đấu.  Nếu biết thì đâu có gì hấp dẫn.  Có điều chắc chắn, đội nào, cầu thủ nào chơi hết mình, đá hết sức lực thì đội đó sẽ chiến thắng; cầu thủ đó sẽ ghi bàn.  Có cầu nguyện với Chúa đi nữa thì Chúa cũng ban ơn cho cả hai, ai cố gắng nhiều sẽ chiến thắng, vì nếu cả hai cũng cầu nguyện cho thắng thì Chúa sẽ làm sao đây?

Cũng vậy, Chúa có tiền định, tức là biết trước ai sẽ lên thiên đàng, ai xuống hỏa ngục không?  Không, Chúa chẳng tiền định cho ai phải xuồng hỏa ngục cả.  Ý định của Chúa là muốn cứu độ, muốn cho mọi người lên thiên đàng.  Còn ai muốn lên hay muốn xuống thì người đó quyết định . Chơi tốt, sống tốt thì lên; chơi xấu, sống đểu thì xuống.

Vậy khi ta xem đá bóng ta hãy rút ra những bài học cho mình, vì cuộc đời của ta cũng giống như chơi đá bóng vậy.  Muốn chiến thắng, muốn được mến mộ ta phải lo học hỏi và luyện tập thường xuyên để ta có kiến thức, khôn ngoan, mạnh khỏe, mạnh mẽ, nhanh nhẹn, chịu khó, ta sẽ ghi bàn, ghi điểm; sẽ nên người tài, người giỏi, được hâm mộ, được yêu mến, được thưởng và được lên thiên đàng.  Không gì có thể làm lung lạc được ý chí của ta, dù là tiền bạc, của cải hay những khó khăn.  Cũng không ai làm ta khuất phục mà họ phải khâm phục ta thôi.  Amen!

LM Bosco Dương Trung Tín
http://www.vietcatholic.net

 

TÂM TÌNH NGƯỜI ĐI GIEO

“…Có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.  Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;  nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.  Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt.  Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: Hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. (Mt 13, 4-8)

Bài dụ ngôn thật đẹp.  Đẹp về hình ảnh phong phú.  Đẹp về ý nghĩa sâu xa.  Nhưng đẹp nhất vẫn là thái độ của người đi gieo.  Người đi gieo đã có thái độ vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương.

Người đi gieo đã gieo một cách hào phóng.  Hãy nhìn kìa: Ông vốc từng vốc lớn hạt giống và rộng tay vung vãi.  Ông gieo không tiếc xót.  Ông gieo không tính ZZtoán.  Ông gieo không loại trừ.  Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành.  Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên.  Người đi gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào.  Ông muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.

Người đi gieo đã gieo một cách kiên trì, ông gieo bất kể ngày đêm.  Ông gieo bất kể mưa nắng.  Ông gieo bất kể những thất bại.  Đợt gieo giống đầu tiên đã thất bại vì chim chóc tha đi, ông liền gieo tiếp đợt hai.  Bị sỏi đá nắng hạn, cây lúa mất mùa, ông lại đi gieo tiếp đợt thứ ba.  Bị gai góc bóp nghẹt, cây lúa bị lụi tàn, ông vẫn không nản, cứ gieo đợt thứ tư.  Ông đúng là người đi gieo hạt không biết mỏi mệt.

Người đi gieo đã gieo trong niềm hy vọng.  Niềm hy vọng của ông thật lớn lao.  Chính với niềm hy vọng ấy, ông đã dám đầu tư tất cả tiền bạc, sức khỏe, thời giờ vào việc gieo hạt.  Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn, đứng vững trước những thất bại.  Vì hy vọng, ông gieo cả trên lối đi, trên đá sỏi, trong cỏ gai.  Ông tin rằng có gieo thì có gặt.  Chính niềm hy vọng ấy đã giúp ông kiên trì và sau cùng đi đến thành công.

Người đi gieo đã gieo trong tình thương yêu.  Tình thương yêu của ông dạt dào lắm.  Nên ông đã không ngại hao tốn tiền của, tâm trí, sức lực.  Tình thương ấy bao la lắm.  Nên ông động lòng thương đến cả những mảnh đất chai cứng, đá sỏi, gai góc.  Tình yêu thương ấy mãnh liệt lắm.  Nên ông mong sẽ cảm hoá được cả gai góc, sỏi đá, biến chúng thành đất màu mỡ phì nhiêu.  Ông đã có thể chỉ chọn đất tốt mà gieo.  Nhưng tình thương yêu mãnh liệt không cho phép ông làm thế.  Vì ông không muốn loại trừ những miền đất chai cứng chứa đầy sỏi đá, cỏ gai.

Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.

Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi.  Chúa Giêsu là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.

Hôm nay Người muốn ta gieo một cách hào phóng.  Hãy gieo không xẻn xo.  Hãy gieo không tính toán.  Hãy gieo không loại trừ.  Hãy biết dùng mọi phương tiện hiện đại nhất để chuyên chở Tin Mừng.  Hãy đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống.  Hãy đem Tin Mừng tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.

Người cũng muốn ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng.  Hãy kiên trì như thánh Phaolô, cứ gieo dù gặp “thời thuận lợi hay không thuận lợi.”  Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai.  Hãy cứ gieo dù những thất bại, nhọc nhằn.

Nhưng điều Người mong chờ nhất là các môn đệ của Người hãy đi gieo yêu thương.  Yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu, nhưng yêu thương cả những mảnh đất sỏi đá, gai góc.  Yêu thương không chỉ những người mình thương và những người thương mình mà còn yêu thương cả những người không ưa mình và mình không ưa: vì một tình yêu thương đích thực thì không loại trừ ai. Chỉ có tình yêu thương mãnh liệt như thế mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi, biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.

Đáp lời Chúa mời gọi, biết bao lớp người đã hăng hái ra đi gieo Tin Mừng tại vùng đất Lạng Sơn này.

Trong số đó phải kể đến Đức cố Giám mục Vinh Sơn Phaolô của chúng ta.  Người đã là một người đi gieo không biết mệt mỏi.  Qua bao ngày tháng, Ngài vẫn kiên trì không bao giờ chồn chân mỏi gối. Hôm nay Ngài đã trở thành một hạt giống vùi sâu trong lòng đất.  Hạt giống ấy, tình thương ấy, sẽ làm mềm sỏi đá, hứa hẹn cho ta một mùa gặt bội thu.

Ta cũng không thể nào quên được công ơn của Đức Hồng Y Phaolô Giuse, cũng là một người đi gieo không biết mệt mỏi.  Dù tuổi cao sức yếu với gánh nặng của Giáo phận Hà Nội và của Giáo hội Việt Nam, Ngài vẫn sẵn sàng ghé vai gánh đỡ Lạng Sơn trong những lúc cần thiết.  Ngài đã gieo mồ hôi nước mắt làm phì nhiêu cánh đồng này.  Công khó ấy chắc chắn sẽ góp phần rất lớn cho một mùa gặt mai sau.

Hôm nay, Chúa gởi tôi đến cánh đồng Lạng Sơn này.  Lạng Sơn là quê hương tôi.  Anh chị em đã đón nhận tôi như đón một người thân.  Chúng ta thuộc về một gia đình.  Hôm nay Chúa mời gọi tất cả chúng ta vào làm việc trong cánh đồng của Chúa.  Chúng ta hãy hăng hái bắt tay vào việc đi gieo Lời Chúa.  Hãy noi gương Chúa Giêsu, hào phóng, gieo kiên trì, gieo hy vọng và nhất là hãy gieo yêu thương.  Gieo gì gặt nấy.  Nếu ta gieo bác ái chắc chắn ta sẽ gặt được yêu thương, một mùa yêu thương tràn ngập trên núi đồi Lạng sơn- Cao bằng này.

TGM Ngô Quang Kiệt