ÐI TÌM CHÉN THÁNH

Theo một câu chuyện cổ nước Anh, thì chén thánh mà Chúa Giêsu dùng trong bữa tiệc ly đã được đem về thành Cas-tân-bơ-ry.  Nhưng vì lòng dạ độc ác của dân thành cho nên chén thánh này đã được đưa về trời, và chỉ những ai có tâm hồn trong sạch, quảng đại mới được nhìn thấy chén thánh.

Một người quí tộc trong thành phố này ước ao được nhìn thấy chén thánh một lần trong đời mình. Ông lên đường tiến về lâu đài trước kia đã cất giữ chén thánh.

Trong cuộc hành trình, ông gặp một người phong cùi ngồi ăn xin bên vệ đường.  Ông ném cho kẻ khốn khổ một đồng tiền mà không thèm ngó đến anh ta.  Và dĩ nhiên ông đã không bao giờ nhìn thấy được chén thánh.

Mấy chục năm sau, người quí tộc giờ đây đã trở thành một cụ già cũng quyết chí trở lại lâu đài một lần nữa. Lần này ông gặp lại người phong cùi cũng ở chỗ cũ, bên vệ đường.

Vừa thấy kẻ khốn cùng, nhà quí tộc liền mở hành trang, Ông rút ra một ổ bánh mì thơm ngon và một chiếc cúp bạc sang trọng.  Ông chia cho người phong cùi nửa ổ bánh và ăn phần còn lại.  Rồi ông dùng chiếc cúp bạc múc nước nơi dòng suối bên cạnh.  Ông đưa cho người phong cùi uống trước rồi uống phần còn lại.

Vừa lúc ấy mắt ông bỗng thấy người phong cùi biến dạng.  Rồi ông nghe có tiếng nói như sau:

“Chính Ta đây.  Ngươi đã cho Ta ăn và uống.  Bởi vì ai trao ban là trao ban cho ba người: Cho bản thân mình, cho kẻ đói khát và cho chính Ta”.

***************************************

ZZCho đi là trước hết cho chính mình.

Một tấm lòng càng rộng mở càng có khả năng lãnh nhận nhiều.  Một tác giả đã nói: “Con tim làm giàu bằng cách cho đi”.

Nhưng cho người khác không phải chỉ là cho người khác.  Người khác ấy chính là hình ảnh của Thiên Chúa.  Người khác ấy chính là hiện thân của Chúa Kitô.  Người khác ấy là “Chính Ta đây”.

Cho tha nhân là trước hết cho chính mình.  Cho tha nhân là tự trở nên giàu có.  Nhưng cho Chúa Kitô nơi tha nhân chúng ta sẽ chắc chắn có được kho tàng vĩnh cửu, vượt xa muôn ngàn lần những giàu sang, những giá trị của đời này.

Hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta đã quá hiểu chân lý cơ bản này.  Nhưng từ hiểu biết đến thực hành nhiều khi là cả một thách đố lớn lao.

Không có can đảm vượt qua thách đố ấy làm sao chúng ta sẽ là môn đệ chân chính của Chúa Kitô được?

“Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau”.

Tha nhân khốn khổ nghèo hèn là chén thánh chứa đựng Chúa Kitô, tìm đến đó với tấm lòng quảng đại và bàn tay rộng mở chúng ta sẽ chắc chắn gặp được Ngài.

Veritas

***************************************

Lạy Chúa,

Ước gì con có thể yêu Chúa
Bằng một trái tim sốt mến,
Dứt khoát hiến dâng!
Ước gì con biết yêu Chúa vì Chúa
Và ở lại trong tình yêu Chúa
Như những nhà thần bí lớn đã biết yêu Chúa…

Chớ gì con có thể đồng thời yêu anh em
Bằng một trái tim nhân từ, niềm nở thủy chung,
Vì Chúa, vì anh em,
Mà vẫn đơn sơ, chân thành,
Ân cần săn sóc, hoà mình với họ,
Luôn sẵn sàng yêu mỗi người,
Yêu mọi người, xem tất cả là Dân Chúa.

Chớ gì con biết yêu anh em
Như Chúa yêu họ, như Chúa yêu con….
Song lạy Chúa, đâu có dễ như vậy
Đối với trái tim phàm hèn con,
Bao giờ cũng chứa đầy tự ái,
Có lúc lạnh lùng như sắt đá,
Có lúc quá trớn bồng bột…..

Jean Dozolme

NHÀ THỜ

Phúc Âm Thánh Matthêu thuật lại Chúa vào đền thờ như sau: “Ðức Kitô vào đền thờ, Ngài xua đuổi kẻ buôn bán, và những kẻ mua.  Ngài lật nhào bàn ghế của người đổi bạc, và của kẻ bán bồ câu.  Ngài nói với họ: Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” (Mt 21,12-13). Phúc Âm thánh Gioan thêm chi tiết nữa là Chúa “lấy giây thừng làm roi mà xua đuổi họ.”  Và nói với họ là đừng biến nhà Cha Ta “thành cái chợ” (Gn 2, 13-17).

Phúc Âm muốn nói gì về hành động của Chúa ở đây?  Lời văn mô tả rất ngắn nhưng mỗi chữ mang một ý nghĩa thật sâu.  Những gì đã thực sự xẩy ra ở Jerusalem vào ngày hôm ấy?  Theo lời mô tả của Phúc Âm, điều làm tôi chú ý là trong suốt cuộc đời của Chúa, không khi nào Chúa đối lập rắn rỏi với dân chúng như lúc này.  Chúa lật nhào bàn ghế.  Chúa lấy giây thừng làm roi, xua đuổi các tín hữu. Chúa đã dùng những danh từ rất nặng.  Ðây là bảng so sánh:

Ðền thờ ——– Hang trộm cướp.

Nhà cầu nguyện ——– Cái chợ.

Người trong đền thờ ——– Kẻ buôn bán.

Của lễ ——– Tiền bạc và súc vật.

Hành động của Chúa ——– Lật nhào bàn ghế, lấy giây thừng quấn roi, xua đuổi dân chúng.

Kết luận của Chúa ——– Nhà Ta là nhà cầu nguyện.

Có buôn bán thì khó mà tránh được gian dối.  Có tiền bạc thì làm sao tránh được rình mò.  Ở đâu có súc vật, ở đó có mùi ô uế.  Ðã là chợ thì có người trả giá, có người đôi co, có ồn ào.  Có trộm thì có mất cắp.  Gian dối sinh cãi nhau.  Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện!  Chúa thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy.

Hôm nay, nếu Chúa vào nhà thờ, Chúa có còn phải lập lại lời nói 2,000 năm xưa: Nhà Ta là nhà cầu nguyện?

*******************************************

ZZHôm nay, có nhà thờ đã bỏ hoang.  Có nhà thờ đã được bán lại để làm khách sạn, làm tiệm buôn. Thánh giá ngày nào trên tháp cao đã bị hạ xuống.  Những cửa sổ kính mầu rực rỡ mầu nhiệm cứu rỗi không còn nữa.  Bây giờ là hình vẽ quảng cáo.  Chúa mất nhà thờ.

Bù lại, nhiều nơi lại xây nhà thờ.  Muốn xây nhà thờ thì phải có tiền.  Không có tiền thì tìm cách kiếm tiền.  Tiền có thể làm mất sự trong sáng của tâm hồn, làm của lễ vương khói trần gian.  Lịch sử Giáo Hội đã trải qua những đoạn đường tăm tối vì nhà thờ.  Không thời kỳ nào Giáo Hội xây nhiều nhà thờ, xây huy hoàng như thời trung cổ.  Cần tiền xây nhà thờ, nhiều nơi trong Giáo Hội đã bán ân xá lấy tiền.  Ai càng mua nhiều thì càng được bảo đảm phần rỗi linh hồn.  Luther nhận thấy đường lối sai lầm ấy, đã chống lại, đã tranh luận, đã chia rẽ.  Có nhiều lý do để Luther ly khai khỏi Giáo Hội, nhưng một trong những lý do lớn đó cũng chỉ vì cần tiền để xây nhà thờ.

*******************************************

ZZCó rất nhiều loại nhà thờ.  Nhà thờ của những nước giàu thì nguy nga.  Nhà thờ của những dân tộc nghèo thì lợp lá, vách đất, mưa dột.  Có nhà thờ Công Giáo, có nhà thờ Tin Lành.  Thế giới hôm nay vẫn ngưỡng mộ Gandhi vì tinh thần bất bạo động của ông.  Tinh thần hòa bình này chẳng xa gì tinh thần của Chúa Kitô.  Gandhi đã suy tư rất nhiều về Kitô giáo.  Tiểu sử viết về đời ông kể lại là có một lần kia Gandhi đến nhà thờ.  Khi ông đến cửa thì người đứng chào ở cuối nhà thờ lịch sự chào ông, rồi nói với ông rằng, ông đến nhà thờ là điều chúng tôi rất mừng, nhưng xin ông đến nhà thờ dành cho người da đen.  Gandhi âm thầm, cúi đầu đi và không bao giờ trở lại nhà thờ nữa.  Hôm nay, biết đâu cũng có những người đang mất niềm tin vào Chúa cũng chỉ vì nhà thờ.

*******************************************

Nếu nhà thờ là nơi đông người tụ họp nhất thì cũng là nơi nhiều ma qủy nhất.  Ở chợ búa thì ma qủy thường chỉ cám dỗ người ta gian dối thôi.  Nhưng nhà thờ là nơi ma qủy có thể cám dỗ đủ mọi thứ.  Có thể đến nhà thờ để làm đẹp lòng người khác.  Có thể đến nhà thờ vì sợ bị chê là thiếu đạo đức.  Nhà thờ là nhà cầu nguyện.  Nhưng cũng có thể xây nhà thờ để nổi danh.  Có thể xây nhà thờ vì tự ái, giáo xứ bên cạnh xây được thì mình cũng phải xây cho xong.  Nhà thờ là nơi nghe Lời Chúa: “Các ngươi đừng xét đoán nhau” (Gc 4,11-12).  Nhưng chính nhà thờ lại trở nên tiêu chuẩn xét đoán.  Nhìn kẻ này, trông kẻ kia có đi nhà thờ không để đánh giá lòng đạo đức của họ.  Có người đến nhà thờ để chú ý đến mình, có thể là nhan sắc, tài năng, chức vụ trong xã hội.  Ngày lễ là lúc nhà thờ nhộn nhịp đàn ca, quần áo.  Nhưng có mấy ai nghe thấy nỗi vắng, nhìn thấy cái nghèo của Chúa trên thập giá.

Cái nghèo của Chúa có khi vẫn dễ thấy.  Nghe nỗi vắng, thấy cái nghèo nơi con người mới khó. Không ai mặc áo rách đến nhà thờ.  Vì thế, để thấy cái nỗi khổ, cái nghèo nơi con người, phải ra khỏi nhà thờ, đi vào nhà thờ trong cuộc sống lầm than của họ.  Lúc đó, phải xây nhà thờ là cuộc đời.

*******************************************

Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện.  Nhưng nhà thờ cũng là những vết thương đau đớn nơi thân thể Chúa Kitô.  Nhà thờ là nơi mọi người chung một bữa tiệc, ăn cùng một bánh, chia sẻ cùng một chén thánh.  Nhà thờ là nơi nối kết mọi phần tử trong một thân thể.  Nhưng nhà thờ đã trở thành chia rẽ.

Bên bờ giếng, người đàn bà Samari hỏi Chúa: “Lạy Ngài, tôi thấy Ngài là tiên tri… cha ông chúng tôi thờ phượng trên núi này, còn các ông thì lại bảo Jerusalem mới là nơi thờ phượng” (Gn 4, 19).  Ðức Kitô nói với bà ấy: “Này bà, hãy tin Ta, sẽ đến giờ không phải trên núi này hay tại Jerusalem mà các ngươi thờ phượng Cha” (Gn 4, 21).  Người đàn bà băn khoăn không biết phải thờ Chúa ở đâu.  Chúa nói với bà: “Giờ sẽ đến, và là ngay bây giờ, những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Cha chỉ muốn gặp những kẻ thờ phượng Ngài như thế” (Gn 4, 23).  Người Do Thái có đền thờ trên đồi Jerusalem.  Người Samari có đền thờ ở núi Gerizim.  Họ không được phép vào nhà thờ của nhau.  Hai bên đã thành thù địch cũng vì nhà thờ.

Chúa không cần nhà thờ.  Chỉ có con người cần nhà thờ.  Con người cũng không cần nhà thờ nếu sống riêng lẻ.  Ðiều ấy hàm ý, nhà thờ chỉ là nhà thờ khi nhà thờ là trung tâm điểm để dân Chúa hiệp thông.  Ðánh mất sự hiệp thông, nhà thờ không còn ý nghĩa.  Lịch sử hôm qua là thế, hôm nay cũng vậy, nhiều nhà thờ đã làm mất bình an trong gia đình.  Nhà thờ gây đổ vỡ trong Giáo Hội.  Nhà thờ đem đến phân ly.  Chúa Kitô vẫn giang tay trên thập giá.  Mỗi phe cầm một tay để kéo Chúa về phe mình thì Chúa sẽ bị rách đôi.  Ðau đớn, nhưng Chúa biết làm sao, Chúa phải thương cả hai, vì tất cả đều là con của mình.

*******************************************

Lạy Chúa, không có nhà thờ nào đẹp bằng đền thờ của tổ phụ chúng con xây cho Chúa ở Jerusalem. Ôi Jerusalem đền thánh thành vàng.  Công trình ròng rã xây cất trong bốn mươi sáu năm (Gn 2,20). Chúa đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của đền thờ, sao Chúa lại nói: “Nhìn ngắm công trình ấy ư?  Ở đó, sẽ không còn hòn đá nào trên đá nào, tất cả sẽ bị phá tan tành” (Mt 24,1-2).

Chúa bị các đạo sĩ kết án vì Chúa bảo phá đền thờ ấy đi, Chúa sẽ dựng lại trong ba ngày.  Sợ chúng con không hiểu, nên thánh Gioan đã phải viết rõ: “Còn Ngài, Ngài nói về đền thờ Thân Mình Ngài” (Gn 2, 21).  Lạy Chúa, nếu vậy thì con phải hết sức cẩn thận.  Vì chỉ lo xây nhà thờ cho Chúa mà quên đi rằng Chúa là nhà thờ của con.  Khi xây nhà thờ thì ma quỷ cũng có thể vào trú ngụ và gây nên biết bao gương xấu.  Nhưng nếu lấy Thân Thể Chúa làm nhà thờ thì không ma quỷ nào vào được.  Và, trong nhà thờ ấy con sẽ sống bình an.

Nếu hôm nay Chúa hỏi: “Shopping center ở đâu?”  Con có thể chỉ lối cho Chúa.  Nếu Chúa hỏi: “Làm sao đến hý viện?”  Con cũng có thể biết đường.  Nếu Chúa hỏi: “Ðường nào đến nhà thờ?”  Thì con bắt đầu phân vân, vì có quá nhiều nhà thờ, nhà thờ Tin Lành, nhà thờ Công Giáo, nhà thờ da đen, nhà thờ da trắng, nhà thờ Do Thái, nhà thờ của nhóm này, nhóm kia, con không biết Chúa chọn nhà thờ nào.  Tuy nhiên, con vẫn có thể chỉ liều cho Chúa một ngôi.  Nhưng nếu Chúa hỏi: “Nơi nào Cha có thể ngủ trọ đêm nay?”  Thì con thực sự phân vân.  Chính trong trái tim mình, con cũng không biết chắc đã sẵn sàng cho Chúa ở chưa.  Trái tim mình là nơi gần mình nhất mà còn không biết thì làm sao biết những gì ở xa mình.

Nơi nào Cha có thể ngủ trọ đêm nay?

Câu hỏi của Chúa ngắn ngủi, mà câu trả lời thì nghe xa xôi, hiu hắt quá.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

KHIÊM NHƯỜNG HIỀN HẬU

ZZĐức Giêsu đã nói về mình như một người hiền hậu và khiêm nhường.  Sự khiêm nhường của Người được thể hiện rõ nét nhất qua mầu nhiệm nhập thể.  Là Thiên Chúa toàn năng, Người đã hạ mình nhận thân phận con người, sống như người trần thế (x Phl 2,6-12).  Nếu Người kêu gọi chúng ta sống khiêm nhường, là vì chính Người đã sống khiêm nhường suốt đời để thực hiện Thánh ý Chúa Cha.  Cuộc khổ nạn thập giá chính là bằng chứng cao cả nhất của sự khiêm nhường ấy.

Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha, Người đã nhắc đến những người được Chúa Cha mặc khải chân lý vĩnh cửu.  Những người này không phải là vĩ nhân, không phải người khôn ngoan xuất chúng, nhưng là những người bé mọn.  Như vậy, Lời Chúa giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn khái niệm “khiêm nhường”:

-Khiêm nhường trước hết là biết mình hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa và chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài.  Vì chúng ta chỉ là tạo vật, nên chúng ta phụ thuộc vào Đấng đã dựng nên chúng ta.  Khước từ Thiên Chúa là tội kiêu ngạo.  Tự cho mình làm nên mọi sự là tội phạm thượng.  Ađam và Evà đã kiêu ngạo và phạm thượng khi khước từ vị trí của Đấng Sáng tạo trong cuộc đời mình.  Họ đã muốn thoát khỏi vòng kiểm soát của Chúa, muốn được trở nên giống thần linh để cạnh tranh với Đấng đã tạo dựng nên mình.

-Khiêm nhường là chấp nhận vị trí và vai trò của tha nhân trong mối tương quan đa dạng của cuộc sống xã hội.  Mỗi người có một vị trí, một nghề nghiệp, một tài năng và một trách nhiệm.  Không ai có thể làm được bách nghệ, nhưng con người trong xã hội phải phụ thuộc vào nhau mà sống.  Người thợ dệt sống nhờ người nông dân, người thợ xây sống nhờ người đánh cá, người làm việc văn phòng sống nhờ bác nông phu… nhận ra tình liên đới trong sự tôn trọng lẫn nhau, đó chính là khiêm nhường.

-Khiêm nhường là đón nhận chân lý vĩnh cửu do Đức Giêsu loan báo: Thực tế cho thấy có những người học hành uyên thâm lỗi lạc không tin vào các giá trị thiêng liêng, không tin vào Thượng đế; trong khi có những người dân quê chất phác ít học, cả đời không ra khỏi làng, lại tin vào Chúa và gắn bó suốt đời với đức tin ấy đến nỗi không gì có thể lay chuyển nổi.  Như thế, đức tin trước khi là sự khiêm nhường đón nhận của con người thì đã là ân ban của Thiên Chúa, là sự mạc khải của Thiên Chúa về mầu nhiệm Nước Trời.

-Khiêm nhường là học dưới mái trường của Đức Giêsu.  Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành môn sinh của Thày Giêsu.  Người là Thày dạy Chân lý, Thày dạy yêu thương.  Người chính là con đường để dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, con đường để đem lại cho chúng ta hạnh phúc.  Có biết bao học trò của Đức Giêsu đã nhờ tuân theo giáo huấn của Người mà nên thánh.  Biết bao người đã  chiến thắng những cám dỗ, chiến thắng những nghịch cảnh cuộc đời nhờ giáo huấn ấy.  Chính nơi trường học của Đức Giêsu mà chúng ta được biết Chúa Cha, vì chính Chúa Con mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha và đưa chúng ta vào sống trong mối tình huyền diệu Cha-Con muôn thuở.

-Khiêm nhường là sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.  Tác giả Thư Rôma (bài đọc II) đã nhấn mạnh đến  sự hiện diện và tác động của Thần Khí nơi các tín hữu.  Một lối sống ngược lại với Thần Khí, đó là sống theo những bản năng của xác thịt, nghiêng chiều theo những đam mê và những đam mê này làm cho chúng ta xa Chúa.  Cũng chính nhờ Thần Khí mà chúng ta diệt trừ được sự ích kỷ và kiêu ngạo, là nguyên nhân của mọi tội lỗi.

Các nhà tu đức thường nói: “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”.  Vậy nếu chúng ta sống khiêm nhường thì chúng ta sẽ có mọi đức tính tốt lành khác.  Như dòng nước luôn tìm chỗ trũng để chảy xuống, nên có thể thấm vào mọi nơi mọi chỗ và có thể làm cho đất đai trở nên màu mỡ phì nhiêu, sự khiêm nhường là bí quyết của thành công trong cuộc sống.  Khiêm nhường còn là cội nguồn của hạnh phúc, là nền tảng của tình yêu thương huynh đệ.  Đấng Cứu độ được diễn tả bằng hình ảnh khiêm tốn cưỡi trên lưng lừa, chứ không oai hùng trên lưng ngựa chiến với áo giáp uy hùng và kiếm gươm sáng loáng (Bài đọc I).  Chính nhờ sự khiêm nhường này mà Người đã chinh phục được các dân và đưa họ vào vương quốc công chính.

Kiêu ngạo bao nhiêu cũng chẳng đủ, khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng thừa.  Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe bài học Chúa dạy hôm nay.  Amen!

Gm Vũ Văn Thiên