ĐƯỜNG EMMAUS

ZZĐường Emmaus thật lạ kỳ.  Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau.  Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến.  Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến.  Khi đi thì ảo não u sầu.  Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen.  Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày.  Khi đi tuyệt vọng chán chường.  Lúc về tràn đầy hy vọng.  Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh.  Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt.  Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hy vọng và có lẽ sống.

Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh?  Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian.  Chúa ở khắp mọi nơi.  Chúa ở ngay bên ta.  Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài.  Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: Bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.

Trước hết là chia sẻ Lời Chúa.  Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau.  Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa.  Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ.”  Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ.  Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.

Tiếp đến là chia sẻ bác ái.  Chúa giả vờ muốn đi xa hơn.  Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn.”  Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ.  Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc.  Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi.  Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại.  Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).  Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa.  Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.

Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể.  Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.”  Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép bí tích Thánh Thể.  Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa.  Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa.  Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa.  Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn.  Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.

Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ.  Cha Xứ và Anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo.  Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta.  Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng.  Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn.  Amen!

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

BỨC TRANH PHỤC SINH ẤN TƯỢNG NHẤT

Từ trước đến nay, sự kiện Phục Sinh đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều danh họa bực thầy như Rembrandt, Rubens, Paolo Verones hay Sebastiano Ricci.

Những bức tranh nổi tiếng của họ thường diễn tả cảnh huy hoàng lúc Chúa Sống Lại, sự khải hoàn bên trên ngôi mộ trống, sự sững sờ của đám quân canh, hoặc niềm vui tột độ của bà Madalena.

ZZÍt được biết đến, vì không có hình Chúa, và vì ít được sao chép cho mục đích thờ phượng, nhưng được đánh giá là một kiệt tác có ý nghĩa nhất trong các tác phẩm Phục Sinh, đó là tác phẩm của một họa sĩ Thụy Sĩ không mấy tiếng tăm tên là Eugène Burnand.  Bức tranh có một cái tên rất dài: “Các môn đệ Phêrô và Gioan chạy đến Mộ lúc buổi Sáng Phục Sinh,” niên lịch năm 1898, đang được lưu trữ tại viện Bảo Tàng Musée d’Orsay ở Paris.

Những ai bỏ công đi tới bảo tàng d’Orsay để chiêm ngắm bức tranh, đều đồng ý là bức tranh đã đánh động tâm hồn họ một cách đặc biệt.

Bức tranh không vẽ cảnh Chúa hiển vinh, chỉ miêu tả hai nhân chứng, một người là tông đồ già nhất và một người là tông đồ trẻ nhất của Chúa Giêsu.

Vị tông đồ trẻ, Gioan, là người duy nhất đã có đủ can đảm đi theo chân Chúa cho đến tận đồi Golgotha, và cũng là vị tông đồ duy nhất không phải chết tử vì đạo.  Còn vị tông đồ già kia, Phêrô, là người vừa mới chối Chúa nhiều lần vì sợ hãi, nhưng sau cùng thì ông đã chọn việc bị xử tử bằng cách chịu đóng đinh ngược đầu chứ không phủ nhận sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Trong bức tranh, Gioan siết tay cầu nguyện trong khi Phêrô áp chặt bàn tay trên trái tim mình.  Tóc và áo của hai người bay ngược về phía sau diễn tả một cuộc chạy bộ vội vàng, nôn nóng để được chứng kiến một sự kiện đã thay đổi cục diện của cả Trời lẫn Đất một cách vĩnh viễn.

Tuy chỉ vẽ có hai người, nhưng bức tranh gợi ý đến ba nhân vật khác, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và bà Madalena.

Người ta có cảm tưởng bà Mary Madalena đang ở gần bên, đứng ngay cạnh bức tranh.  Và hầu như người ta có thể nghe thấy giọng nói hớn hở của bà, chỉ mới vài giây trước đó, đã xông vào nhà của các môn đệ mà báo tin Người đã sống lại.

Hình ảnh của Phêrô diễn tả toàn thể mối quan hệ giữa ông với Chúa Giêsu.  Đôi mắt ông mở to ẩn chứa một sự hỗn hợp giữa lo âu và hy vọng.  Ông đang bị dằn vặt bởi ba lần chối Chúa nhưng đã không đánh mất niềm hy vọng được cứu rỗi.  Người ta có thể liên tưởng tới vài ngày sau đó khi Chúa ngồi bên đống lửa và hỏi Phêrô ba lần, “Con có yêu Thầy không?” và ba câu trả lời của ông đã rửa đi tất cả những tội lỗi quá khứ.

Hình ảnh Gioan với đôi mắt đăm chiêu và thái độ tuân phục nhắc nhở tới những giây phút đau buồn trên núi Sọ vẫn còn chưa vơi trong lòng ông, lúc đó Chúa Giêsu đã hướng về mẹ mình và nhắn nhủ với Gioan rằng “Đây là mẹ con,” và hướng về Gioan mà nói với Mẹ rằng “Đây là con bà.”  Toàn thể loài người đã được ủy thác cho Mẹ và Mẹ cũng đã nhận loài người làm con của mình từ lúc đó.

Bầu không khí khẩn trương của hai nhân vật trong tranh cho thấy rằng tuy một Thế Giới mới với một cuộc sống mới đã xuất hiện, nhưng mọi người vẫn còn sống trong lo âu và nghi ngờ vì đó là một bí ẩn vượt quá tầm hiểu biết và sự kiểm soát của con người nhỏ bé.

Xét về mặt nghệ thuật, bức tranh “Các môn đệ” của Eugène Burnand đã được vẽ trong bối cảnh một nền nghệ thuật mới (thứ Bảy) đang ló dạng, đó là nghệ thuật điện ảnh.

Do đó bức tranh đã mang ảnh hưởng của nền nghệ thuật sống động mới này, nhằm để diễn tả hành động, để kể một câu chuyện.  Cảnh Phục Sinh của ông không mô tả những tĩnh vật như mồ đá đã mở hoặc những gương mặt “sững sờ” đầy kịch tính, nhưng là diễn tả một cảnh chuyển động với nắng lên, mây bay và những gương mặt biểu lộ một tâm tư sôi nổi.

Tuy thể loại hiện thực của Burnand sẽ bị thay thế nhanh chóng bởi nghệ thuật thứ Bảy và không được tiếp đón nồng hậu ở Âu Châu khi đó đang bị rơi vào một nạn “đói” tâm linh trước những tấn công của nhiều lý thuyết vô thần.  Tuy nhiên bức tranh của Burnand đã đóng góp rất nhiều vào những phong trào “tái sinh tôn giáo” ở cuối thế kỷ 19 tại Mỹ Châu, đã trở thành rất bình dân trong giới thợ thuyền ở “Tân Thế Giới.”  Họ nhìn thấy hình ảnh của chính họ ở nơi hai người thuyền chài nghèo khó đang vội vã, lo lắng nhưng cũng tràn đầy hy vọng và họ sẽ được hớn hở vui mừng, trong một buổi sáng tinh sương cách đây 2000 năm về trước.

Trần Mạnh Trác

TÔI ĐÃ ĐƯỢC LOAN BÁO TIN MỪNG

Tôi sinh ra trong một gia đình đông con không Công giáo.  Hơn 30 năm trước, mỗi buổi chiều, tôi thường vừa nhảy lò cò vừa hát: “Đức Chúa Cha mua 3 múi mít, Đức Chúa Mẹ chê ít không ăn…”

Lớn lên chút nữa, tôi tò mò theo đám bạn học Công giáo vào nhà thờ hôn chân Chúa.  Hôn vào lỗ đinh, tôi sợ rợn người, nhưng trong lòng trộm hỏi: Sao người ta yêu Chúa thế!  Sao Chúa Giêsu tội nghiệp lại để cho người ta đánh tả tơi!…

Nhà tôi gần xóm núi, mùa đông sương phủ trắng con đường dốc.  Thế mà từ 5 giờ sáng, tôi đã thấy các cụ già lọm khọm đi nhà thờ.  Không sót buổi nào!  Dẫu có mưa phùn hay gió thổi lạnh buốt.  Quá nể phục!  Tôi bắt đầu suy tư… Hẳn phải có một sức hút tâm linh rất mạnh mẽ nơi cái nhà thờ ấy…

Quê tôi rất nghèo.  Những năm 80 đói xác xơ!  Nhà tranh vách lá xiêu vẹo.  Một gia đình Công giáo vừa mới chuyển về mua lại căn nhà rách nát cạnh nhà tôi.  Nhưng điều lạ lùng là chỉ một tuần lễ sau, có một nhóm thanh thiếu niên độ mười mấy hai chục người kéo đến, kẻ vác cột, người kéo tranh…, chỉ trong một ngày là ngôi nhà đã được sửa chữa tươm tất!  Hỏi ra tôi mới biết cha nhà thờ cho người đến giúp.  À thì ra thế!  Hèn gì xóm đạo phía khu B nhà nào cũng vững chải khang trang, đâu có nhếch nhác như xóm kinh tế mới của tôi!  Hay thật!  Tôi ngưỡng mộ thèm muốn…

Nhưng chạnh lòng nhất là vào những dịp lễ, tết, Trung Thu hay vào cuối năm học, thiếu nhi nhà thờ luôn được tặng quà thêm, nhìn bọn nó xúng xính quà cáp trên tay, gương mặt rạng rỡ, đôi lúc còn được tổ chức cho vui chơi, bọn trẻ không Công giáo chúng tôi đứa nào cũng thèm thuồng và buồn thiu buồn thỉu… Có đạo sướng quá, vui quá, và được thương nhiều quá!

Năm nào cũng vậy, gần đến Giáng sinh thì trời càng trở lạnh.  Người ta kháo nhau: Đêm noel lạnh lắm!  Lạnh nhất đấy!  Mà đúng là đêm Noel trời lạnh thật!  Có cái gì đó nhiệm màu, thánh thiêng được thắp lên trong lòng tôi…

Tôi lên mười sáu.  Một anh thanh niên hay ghé nhà tôi chơi.  Anh thao thao nói cho tôi nghe về Chúa. Tôi ngưỡng mộ sự hiểu biết của anh lắm! (Sau này tôi mới biết là lúc ấy anh đang học giáo lý dự tòng, hôm trước nghe cha dạy gì thì hôm sau đem truyền đạt lại cho tôi thôi!)  Có lần tôi nài nỉ anh hôm nào rảnh thì dắt tôi đi nhà thờ với, anh trả lời tôi rằng: “Ừ, để khi nào tiện anh dắt đi.  Cha nói nếu như được ơn Chúa gọi mời thì trước sau gì cũng theo Chúa thôi!”… Từ ngày ấy, tôi ước mơ “được Chúa gọi mời”…

Thời gian trôi qua… anh đi đâu mà chẳng hề giã biệt tôi.  Lời hứa bỏ lơ lửng đó.  Tôi vùi đầu vào sách vở.  Hai năm sau tôi lên thành phố vào đại học.  Tất bật với cuộc sống, mơ ước của tôi cũng dần lãng quên… Bất ngờ tôi gặp lại anh ấy!  Rất tình cờ nhưng tôi xác tín rằng đó là định mệnh Chúa dành cho tôi.  Anh dắt tôi đi nhà thờ thật!  Ước mơ ngày ấy lại trỗi dậy trong tôi.  Tôi còn nhớ như in lần đầu anh dắt tôi đến nhà thờ Chúa Hiển Linh ở Phú Lâm, tôi đã rụt rè cầu nguyện chỉ có môt câu: “Chúa ơi!  Con chẳng biết gì về Ngài, nếu quả thật Ngài là Đấng quyền năng thì xin cho con biết Ngài và yêu Ngài với…!”

ZZRồi cứ thế, anh ấy đèo tôi trên xe đạp chiều chiều đi lễ… Rất nghèo nhưng rất vui…  Anh đưa tôi đi học giáo lý dự tòng rồi sau đó cùng nhau học giáo lý hôn nhân.  Tôi rửa tội tại nhà thờ Tân Thái Sơn. Cha mẹ tôi tôn trọng quyết định của tôi.  Ngày rửa tội, tôi không muốn khóc nhưng nước mắt cứ rơi ra!  Tôi đã mong đợi ngày ấy lâu biết bao nhiêu – cái ngày mà tôi được đón nhận mình Thánh Chúa!  Tôi cảm nhận một niềm thương chan chứa trong tâm hồn… Chúa thương tôi nhiều quá!  Lúc ấy và cho đến tận bây giờ, mỗi khi nghe một bài thánh ca xúc động vang lên, lòng tôi lại thổn thức… Chúa ơi!  “Chúa ghi vào hồn con dấu ấn của ngài…”

Tốt nghiệp đại học, chúng tôi cưới nhau.  Tôi mang trong mình một tham vọng lớn lắm!  Tôi sẽ dùng hết tài ăn nói khéo léo của mình để thuyết phục cha mẹ và anh em nhập đạo!  Hết lần này đến lần khác, tôi cố gắng kiên trì.  Cuối cùng thì tôi đón nhận được một ánh mắt nghiêm nghị của Ba tôi: “Từ nay con đừng bao giờ đem chuyện tôn giáo ra nói với Ba nữa, Ba không muốn nghe đâu!”  Anh em tôi thì chế nhạo “mở miệng ra là nghe sặc mùi Chúa!”

Tôi buồn.  Lòng nghe tái tê… Tôi thương cha mẹ anh em nhiều lắm!  Tôi tin mình tìm thấy Chúa là tìm thấy bến bờ yêu thương.  Dẫu trong khó nghèo, chúng tôi vẫn có một niềm bình an sâu lắng.  Bởi chúng tôi tin vào sự quan phòng của Chúa.  Lời Ngài đã dạy chúng tôi sống nhường nhịn, tha thứ, yêu thương.  Nhìn mẹ cha anh em sống tất bật trong cơm áo gạo tiền và bao nỗi lo toan cho xác thịt, không có một phút lo liệu cho phần hồn, tôi ái ngại cho đời sau!  Thương quá!  Nhưng không biết làm sao!..

Chúa đã dạy tôi qua miệng lưỡi một ai đó: đừng nói gì, hãy cầu nguyện đi!  Không có gì là Chúa không làm được!  Thế là từ đó tôi cầu nguyện.  Lúc sốt ruột, lúc ỉ ôi, lúc than thở…  Cha ơi!  Sao lại để con đến với Cha quá muộn màng!  Và sao Cha ôm con vào lòng mà còn để mẹ cha anh em con tăm tối!…  Năm năm, rồi sáu năm trôi qua, vẫn không có gì thay đổi.  Lòng tôi vẫn da diết nặng trĩu.  Có một lần tôi chợt nhận ra, nếu Chúa không để tôi đợi chờ mong mỏi, chắc lòng tôi chẳng có nỗi khát khao!  Biết đâu nếu gia đình tôi đạo gốc, tôi chẳng còn có nỗi niềm để thưa gởi, gắn bó với Chúa nữa thì sao?  Thật đáng sợ nếu một ngày nào đó lòng tôi lạnh nhạt, không có gì để nói với Cha, không còn ríu rít “Cha ơi!  Con đây, con dâng ngày của con trong tay Cha!”  Nhận ra điều này, tôi cảm tạ Cha…

Rồi đến năm thứ bảy.  Một lần về thăm quê, ba gọi tôi lại bảo: “Ba muốn theo đạo, con đi gặp cha nhà thờ đi!”  Tôi nghe lùng bùng trong tai, không tin được.  Cảm tạ Chúa!..

Thế là ba, mẹ và bà nội tôi được rửa tội (Ông tôi đã mất).  Bảy anh chị em của tôi không theo đạo nhưng cũng đến nhà thờ dự lễ.  Tôi lại khóc thút thít trong nhà thờ.

Một năm sau, em trai kế và chị gái kế của tôi cùng con cái cũng lần lượt được rửa tội tại nhà thờ Tân Thái Sơn luôn.  (Đây là hai người trước đây hay chế giễu tôi nhất!..)

Còn đến 5 gia đình anh chị em của con nữa Cha ơi! Con xin đặt trong trái tim nhân hậu vô biên của Cha!

Con đường tôi đến với Chúa như thế đó!
Có bước chân lọm khọm của cụ già.
Có sự hăng hái vô tư của anh chị thanh niên.
Có sự tận tuỵ của vị chủ chăn và sự chăm lo của ban hành giáo.
Có tình yêu nâng đỡ của chồng tôi.

Và trên tất cả, là Cha yêu thương trên trời, là Giêsu chết treo trên thập giá, là Chúa Thánh Thần luôn ở giữa đời tôi.

Tôi tin Chúa ban tặng mỗi người một con đường riêng.  Con đường ấy mỗi ngày thêm một điều mới lạ, thêm một cụm cỏ, nhánh hoa từ lòng mến của nhau.  Tôi cảm tạ tất cả những người đã đi trên con đường cuộc đời tôi – tuy không dành cho tôi, nhưng đã để lại ấn tượng trong lòng tôi rất đẹp.  Những điều rất đời thường, tưởng chừng như sẽ rơi hút vào không gian.  Nhưng không, trong ơn Thiêng, nó sẽ được trau chuốt và đọng lại, rồi một ngày, đúng thời đúng lúc sẽ nở hoa…

Mẫu Bút Chì

ĐẤNG PHỤC SINH ĐANG Ở GIỮA CHÚNG TA

Chúng ta đã long trọng mừng lễ Phục Sinh.  Mọi ồn ào của những cuộc kiệu rước đã lắng xuống. Những bận rộn của Tuần Thánh cũng đã đi qua.  Đối với nhiều người, Tuần Thánh và lễ Phục Sinh giống như những ngày lễ hội mỗi năm tổ chức một lần, lễ xong là hết.  Điều còn lại có thể chỉ là những lời bình phẩm về cách tổ chức lễ năm nay có gì hơn hay kém năm ngoái.  Để tránh lối suy nghĩ lệch lạc đó nơi các tín hữu, Phụng vụ hôm nay khẳng định với chúng ta rằng Chúa phục sinh đang hiện diện trong cộng đoàn các tín hữu.  Người hiện diện như mối dây liên kết chúng ta nên một trong tình bác ái và sự chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau.  Hình ảnh cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem là lời mời gọi chúng ta hãy noi gương mà sống xứng đáng với danh nghĩa những môn đệ Chúa Kitô (Bài đọc I).  Nếu các tín hữu có thể coi mọi sự là của chung và chuyên cần tham dự bẻ bánh, siêng năng cầu nguyện và nhiệt ZZthành thực thi bác ái là vì họ tin Chúa Giêsu phục sinh đang ở giữa họ và chứng kiến những điều tốt lành họ đang làm.

Tuy vậy, vấn đề người chết sống lại, xưa cũng như nay, được coi là một câu chuyện hoang đường, không thể chấp nhận.  Ngay như các môn đệ là những người đã cùng sống với Chúa và đã được nghe Người tiên báo về sự phục sinh, mà các ông còn chưa dễ dàng tin vào sự kiện này.  Thánh Máccô ghi lại sự nghi ngờ đến mức cứng lòng của các ông: Khi bà Maria Mácđala kể với các ông là bà đã gặp Chúa phục sinh, các ông cũng không tin.  Các ông cũng không tin khi hai môn đệ từ Emmau trở về quả quyết đã gặp Chúa (x. Mc 16, 9-13).

Lời Chúa hôm nay dẫn chứng một nhân vật cụ thể nữa, đó là Tôma.  Ông không có mặt khi Chúa hiện ra với các môn đệ.  Điều các bạn kể lại không thể thuyết phục ông chấp nhận một điều “ngược đời”. Dấu đinh ở tay, vết thương ở cạnh sườn Chúa… là những điều ông đã chứng kiến như bằng cớ của việc Chúa Giêsu đã chết.  Đối với ông, việc được xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thủng là bằng chúng xác thực về việc Chúa sống lại.  Thực ra, Tôma không thách thức Chúa, ông chỉ cần bằng chứng thiết thực để ông tin.

Chúa Giêsu đã đáp trả những điều kiện Tôma đã đưa ra.  Tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện đến với các ông với những thương tích trên thân thể Người.  Nếu trước đây Tôma đã ra điều kiện để tin, thì nay Chúa mời ông thực hiện những điều ấy.  Ông chẳng còn lòng dạ nào mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, đặt bàn tay vào cạnh sườn Chúa.  Đúng hơn, ông chẳng cần làm những điều đó, vì Chúa đang ở trước mặt ông bằng xương bằng thịt và đang nói với ông: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”  Qua lời nói với Tôma, Chúa Giêsu phục sinh muốn gửi đến cho chúng ta một thông điệp: “Phúc thay những người không thấy mà tin.”  Thông điệp ấy vẫn có giá trị đến ngày hôm nay.  Là những tín hữu, chưa ai trong chúng ta được thấy Chúa trực tiếp.  Chúng ta chỉ cảm nhận Chúa bằng Đức tin.  Con tim và lý trí mách bảo chúng ta Chúa đang hiện diện và những ai tin vào Người thì sẽ không phải thất vọng. “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Đó là lời tuyên xưng Đức tin của một người đã hoàn toàn bị chinh phục.  Đó cũng là tâm tình sám hối của một người đã chậm tin những chứng từ của anh em mình.

Trong trình thuật của mình, thánh sử Gioan hai lần nói đến chi tiết “các cửa đều đóng kín,” để diễn tả Đức Giêsu phục sinh không còn bị giới hạn bởi không gian, nghĩa là Người trở nên thiêng liêng giữa thế giới của chúng ta.  Cũng như Người có thể vào trong phòng khi các cửa đều đóng kín, hôm nay Người đang hiện diện nơi dung mạo và cuộc đời của những ai mang tên Người, tức là các Kitô hữu. Thánh Phêrô đã khuyên chúng ta: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin.  Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của Đức tin là ơn cứu độ con người” (Bài đọc II)

Chúa Giêsu phục sinh hôm nay đang hiện diện cách huyền nhiệm nơi cuộc đời này.  Sự hiện diện của Chúa có thể được chứng tỏ qua đời sống đạo đức yêu thương của các tín hữu.  Xin cho mỗi chúng ta biết nhận ra Người đang sống giữa chúng ta để hăng hái nhiệt thành làm chứng cho Người.  “Đức tin là sự tin tưởng sống động và táo bạo vào ơn Chúa, chắc chắn và vững bền tới mức một người có thể cược cả đời mình cho nó hàng nghìn lần” (Sưu tầm).

GM Giuse Vũ Văn Thiên

 

 

NẺO ĐƯỜNG TÌM CHÚA PHỤC SINH

Hôm nay Lễ Phục Sinh, bài Tin Mừng của Thánh sử Gioan, chỉ có 9 câu ngắn ngủi, nhưng gói ghém thật cô đọng hành trình đi tìm Chúa Phục Sinh của ba người: Bà Maria Mácđala, ông Phêrô và ZZGioan, Người Môn Đệ Đức Giêsu Thương Mến.

Nẻo đường của ông Phêrô

Ông Phêrô sau khi chối Chúa ba lần trước khi gà gáy, đã kịp thời ăn năn khóc lóc thảm thiết, ngay khi gặp cái nhìn đầy yêu thương trìu mến và thương xót của Chúa Giêsu (Lc 22, 61). Ông vẫn theo Chúa xa xa.  Vẫn nhận thức vai trò Đá Tảng mà Chúa Giêsu trao phó.  Vẫn hăng hái và nhiệt thành.  Nên nghe bà Mácđala báo tin ngôi mộ trống, bèn cùng ông Gioan, chạy đến ngay.

Sự mau mắn của ông biểu lộ lòng chân thành và tinh thần trách nhiệm cao độ.  Ông vẫn hăng hái hành động, như từng rút kiếm, tấn công quân dữ đến bắt Chúa Giêsu, nhưng lóng ngóng, chỉ dám chém đứt tai người đầy tớ của thượng tế.  Đáng tiếc thay, ông Phêrô đã mất thói quen cầu nguyện, nên thay thế vào đó cách xử dụng hung bạo, làm mất cơ trí đi, và lòng nhiệt thành của ông trở thành một thứ hăng say trái mùa. (ĐGM Fulton Sheen)

Thậm chí, sau khi đã được Chúa Giêsu hiện ra an ủi, chúc bình an, thổi hơi, ban Đức Chúa Thánh Thần, ông vẫn chưa mấy biến chuyển.  Vẫn vô tư rủ bạn chài đi đánh cá.  Nhọc nhằn thâu đêm chẳng được gì, thì tảng sáng Chúa hiện đến, chỉ các ông thả lưới  bên phải mạn thuyền.  Tức thời trúng thật đậm.  Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến mới nhắc ông: “Chúa đó!” (Ga, 21, 7) Ông Phêrô chỉ biến đổi hoàn toàn, sau ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi đã được tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần.

Hành trình tìm Chúa Phục Sinh thật gian nan với ông Phêrô, tuy ông cũng được thấy Chúa hiện ra, nhưng đúng hơn là Chúa chủ động tìm đến với ông, thay vì ngược lại.  Những tấm khăn liệm, băng vải, khăn che đầu đã che khuất tầm nhìn của ông, những hoạt động hăng say quá bận rộn bên ngoài, đã khuấy động tâm hồn ông, vốn rất ngay lành, đâm ra u mê, tăm tối.

Như thế, nếu tôi cũng chỉ nhiệt thành giữ đạo theo thói quen, chỉ hành động xuông như tập quán, kinh sách đọc rổn rảng, vô hồi kỳ trận, mà thiếu mất tâm tình cầu nguyện sốt sắng, mật thiết, và còn thiếu lòng ăn năn thống hối như Phêrô, thiếu ý chí và cố gắng nên tốt lành hơn.  Bởi vì những thứ trên chỉ là phương tiện giúp nên thánh, mà phải có ý chí sửa đổi thì ân sủng Chúa mới hoạt động, ân sủng Chúa chỉ sinh hoa trái, khi có sự hợp tác của linh hồn mà thôi.  Hơn nữa, tôi còn thiếu cả Thánh Thể, Của Ăn Đi Đàng, lẫn thiếu Lời Chúa dẫn dắt, làm sao tìm và gặp được Chúa Sống Lại trong tôi?

Nẻo đường của ông Gioan

Người Môn Đệ Được Chúa Thương Mến trái lại, trẻ trung, mạnh khỏe, nhanh nhẹn, chạy đến ngôi mộ trống trước ông Phêrô.  Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào (Ga 20, 5).   Ông Gioan được cho là chàng thanh niên đã bỏ chạy khi Chúa Giêsu bị bắt (Mc 14, 51).  Nhưng sau đó, vẫn can đảm theo Chúa vào dinh cựu thượng tế Khanan, rồi còn giúp đỡ ông Phêrô lọt vào bên trong (Ga 18, 16).  Cho đến khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, ông Gioan cũng đứng dưới chân thánh giá cùng với Đức Mẹ Maria, bà Maria vợ ông Cơlopat, và bà Maria Mácđala.

Tuy đến ngôi mộ trước, ông chỉ cúi xuống, nhìn thấy băng vải trong đó, không vào ngay, mà nhẫn nại chờ đợi đại huynh Phêrô đến.  Có nhiều cách giải thích sự chờ đợi này.  Có thể vì kính trọng quyền huynh thế phụ, không dám vô lễ qua mặt ông Phêrô, bậc đàn anh?  Có thể còn nghi ngại sợ hãi, nhát đảm, sợ bóng vía chăng?  Hoặc là sợ đụng chạm vào khăn liệm, băng vải lỗi phạm lề luật chăng?

Nhưng chắc chắn là ông Gioan đã theo cùng ông Phêrô vào mộ. “Thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi…  Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 7- 8).

Khi nhìn thấy băng vải và khăn che đầu xếp lại gọn ghẽ, tươm tất, đâu đó, cách xa nhau, ông Gioan có lẽ liên tưởng ngay đến thói ngăn nắp thứ tự thường nhật của Đức Giêsu, mà trước đây ông vẫn thường chứng kiến và đã quá quen thuộc.  Ông liền nhận ra dấu chỉ kín đáo đó và đã mạnh dạn tin tưởng Chúa Phục Sinh.

Tuy chưa được gặp Chúa sống lại, nhưng lòng trung thành, tâm hồn tỉnh thức, nhạy bén, đã giúp hành trình ông gặp Chúa Phục Sinh đạt kết quả mỹ mãn.  Ông đã gặp được Chúa ngay trong tâm hồn, mặc dù ông cũng chưa hiểu lời Kinh Thánh đã tiên báo mầu nhiệm này.

Ngày nay, Chúa vẫn ban phát rộng rãi những dấu chỉ, để nhận ra, và hiểu được Thánh Ý Chúa.  Nhưng tôi có biết mở mắt, mở tai, mở lòng ra đón nhận hay không?  Hay chỉ biết chạy theo dư luận, chạy theo những thông tin, những điềm báo kỳ dị, quái gở, ma thuật, có thể đe dọa, lấn át, khuynh đảo đức tin của tôi, vốn đang ZZrất mong manh, yếu đuối?

Nẻo đường của bà Maria Mácđala

Bà Maria Mácđala đã được Chúa Giêsu giải thoát khỏi bảy quỷ dữ (Lc 8, 3).  Sau đó bà theo Chúa Giêsu và dùng tiền của giúp Ngài, cũng như các môn đệ đi truyền giáo.  Bà đã âm thầm, can đảm đi theo Chúa suốt cuộc khổ nạn.  Bà cũng hiện diện dưới chân Thánh Giá cùng với Mẹ Maria và bà Maria, vợ ông Cơlopat, cùng ông Gioan, để chia sẻ nỗi đau khổ tận cùng Chúa Giêsu (Ga 19, 25).  Bà Mácđala cũng tham dự mai táng Chúa Giêsu trong huyệt mộ (Lc 24, 55).

Vào ngày thứ nhất trong tuần, khi trời còn tối, bà đã vội chạy ra mộ Đức Giêsu để xức dầu thơm trên thi thể Ngài.  Nhưng phát hiện ngôi mộ trống, tảng đá chắn mộ đã lăn ra.  Bà hốt hoảng, tức tốc về báo tin ngay cho các môn đệ, ông Phêrô và Gioan.

Thoạt tiên, tưởng chừng tảng đá chặn ngôi mộ đã cản trở bà Mácđala tìm thấy Chúa Phục Sinh.  Nhưng không, bà đã kiên trì đi trở lại ngôi mộ trống lần nữa để nhớ nhung, tiếc thương và than thở khóc lóc. Bà đã cầu nguyện theo cách riêng cũa bà, biểu lộ công khai lòng yêu mến Chúa tột cùng.  Thậm chí bà cũng chẳng để ý hai thiên sứ đột nhiên xuất hiện.  Bà quay lại thấy Chúa Phục Sinh, lại tưởng người làm vườn.  Nhưng khi nghe Chúa thân thương gọi: “Maria!” bà liền nhận ra ngay Chúa Giêsu đã sống lại (Ga 20, 16).

Bà Mácđala được Chúa ủy thác loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ, để các ông đi rao truyền khắp thế gian “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là của Cha của anh em. Lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17).

Bà Mácđala đắm mình vào cầu nguyện, tâm tình với Chúa Giêsu, không còn bận tâm đến môi trường chung quanh, không chia lòng chia trí, dù các thiên thần tận tình hỏi han.  Chính nhờ sự chuyên tâm và khát khao Chúa tột độ, bà là người đầu tiên so với các tông đồ, được diễm phúc thấy Chúa Giêsu Phục Sinh vinh hiển. Nẻo đường tìm Chúa Phục Sinh của bà Macđala rất thực tiễn, viên mãn và hiệu quả nhất, so với hai nẻo đường vòng vo kia.

Người hy vọng là người cầu nguyện.  Đối tượng của lời cầu nguyện cũng là đối tượng của niềm hy vọng.  Người hy vọng là cộng tác viên của Thiên Chúa.  Ngài tìm họ đề hoàn tất việc tạo dựng và cứu chuộc của Ngài (Đường Hy Vọng, 964).

Lạy Chúa, xin dạy con biết tìm kiếm Chúa mọi nơi, mọi lúc, qua những lời cầu nguyện chân thành, để con được sống lại với Ngài.  Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trong mầu nhiệm khổ nạn, xin Mẹ dẫn dắt, chỉ bảo và cầu bầu cho con, cảm nhận được Chúa Sống Lại trong tâm hồn, để con được cứu rỗi, đồng thời trở nên Chứng Nhân, phục vụ mọi người. Amen.

AM Trần Bình An

 

NIỀM TIN VÀO CHÚA PHỤC SINH

ZZChúa Kitô đã phục sinh.  Ðó là niềm vui của chúng ta.  Còn hơn thế nữa, đó là đức tin của chúng ta, đó là niềm hy vọng của chúng ta.  Niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh của chúng ta có cơ sở vững chắc ở những bằng chứng khác nhau.

Có bằng chứng tiêu cực của các lính canh mộ.  Khi an táng Chúa Giêsu, các thượng tế đã cẩn thận xin Philatô cho đóng cửa mộ bằng một phiến đá lớn rất nặng rồi cho niêm phong và cắt cử lính canh cẩn thận.  Nhưng khi Chúa sống lại, ánh sáng rực rỡ chiếu lên chói lòa, cửa mộ bật tung, lính canh hoảng sợ chạy trốn.  Sau đó lính canh đi loan tin rằng: Trong khi chúng tôi ngủ, các môn đệ đến lấy trộm xác Chúa.  Ai cũng biết đó là tin giả.  Vì các môn đệ còn đang rất sợ hãi, trốn chạy, làm sao dám lấy trộm xác.  Thánh Augustinô đã bài bác điều này khi nói: Lính canh ngủ hay thức.  Nếu họ thức thì làm sao họ để cho các môn đệ lấy trộm xác Chúa.  Nếu họ ngủ, làm sao họ biết là các môn đệ lấy trộm xác Chúa.

Có những bằng chứng tích cực của các môn đệ.  Sáng sớm, ba người đầu tiên đã đến mộ và không thấy xác Chúa.  Bà Mađalêna hốt hoảng cho rằng người ta đã lấy mất xác Chúa.  Phêrô vào trước nhưng chưa có ý kiến gì.  Gioan vào sau.  Ông đã thấy và đã tin.  Ông thấy gì?  Ông thấy khăn che đầu và khăn liệm xếp đặt gọn gàng trong mộ.  Là người môn đệ được Chúa yêu thương ông có một trực giác đặc biệt.  Hơn nữa ông đã biết rõ thói quen của Chúa.  Nhìn khăn liệm xếp đặt gọn gàng, ông nhận ra thói quen đó.  Tuy nhiên niềm tin ban đầu còn mơ hồ.  Niềm tin chỉ chắc chắn nhờ được củng cố bằng việc trực tiếp nhìn thấy Chúa.

Sau ngày phục sinh, Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều người.  Hiện ra với các môn đệ trong căn phòng đóng kín.  Hiện ra với Tôma và cho ông xem các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn.  Hiện ra với hai môn đệ đi đường Emmaus.  Hiện ra trên bờ biển và chỉ dẫn cho các môn đệ đánh một mẻ cá lạ lùng.  Nhưng có lẽ cuộc hiện ra có tác động mãnh liệt nhất là với Phaolô.  Thuở ấy Phaolô còn có tên là Saolê, một người Do Thái thù ghét Chúa Giêsu, hăng say đi tìm bắt những người tin Chúa.  Ở Damas, ông bị một làn ánh sáng chói lọi chiếu vào khiến mù mắt.  Con ngựa hất ông ngã lăn xuống đất.  Và có tiếng từ trời phán bảo: “Saolê, Saolê, tại sao ngươi tìm bắt ta”.  Hoảng sợ Saolê thưa: “Thưa ngài, ngài là ai”.  Tiếng từ trời trả lời: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm bắt”.  Từ đó Saolê tin vào Chúa Kitô Phục sinh, trở thành Phaolô, một tông đồ nhiệt thành đi loan Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người.

Những kết quả của việc Chúa Phục sinh được thấy rõ ràng.  Trước hết là sự đột biến nơi các môn đệ. Ngày Chúa chịu chết, các ông là những người nhút nhát, trốn chạy, thậm chí còn phản bội, chối Chúa. Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn, các ngài thay đổi một cách mãnh liệt.  Ðang nhút nhát, ẩn trốn bỗng hiên ngang xuất hiện ở chốn công khai.  Ðang phản bội, chối Chúa bỗng hăng hái ra đi làm chứng cho Chúa.  Ðang sợ hãi bỗng trở nên can đảm lạ thường.  Không những vui mừng được chịu đau khổ vì Chúa mà còn sẵn sàng chịu chết vì Chúa.  Chắc chắn các ngài đã được gặp Chúa nên con người các ngài đã biến đổi tận gốc rễ.  Chắc chắn các ngài đã gặp Chúa nên lời chứng của các ngài có sức thuyết phục.

Thật vậy, làm sao những người tín hữu đầu tiên tin vào lời chứng của các tông đồ đến nỗi sẵn sàng bỏ của cải làm của chung, sẵn sàng chịu sống chui rúc, trốn chạy cuộc bách hại của đế quốc La mã, sẵn sàng chịu chết vì đức tin của mình.  Làm sao Giáo hội có thể tồn tại 2,000 năm, qua biết bao nhiêu khó khăn thử thách do những người muốn tiêu diệt đạo gây nên.  Nếu Chúa không Phục sinh, không thể giải thích được những việc đó.

Chúa Phục sinh, đó là nền tảng của đức tin.  Ðó là sự vững chắc của Giáo hội.  Và đó là chính là niềm hy vọng lớn lao của chúng ta.  Chúa phục sinh biến đổi thân phận chúng ta.  Từ thân phận phải chết sẽ được sống lại với Chúa.  Từ thân phận tội lỗi được trở nên trong sạch.  Từ cát bụi phàm trần được trở lại làm con Chúa.  Từ định mệnh mong manh phù du được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong nhà Cha trên trời.

Lễ Chúa Phục Sinh đem lại cho ta niềm vui lớn lao.  Vì thế mừng lễ Chúa Phục Sinh mời gọi ta biến đổi đời sống nên tươi mới cho xứng đáng với niềm tin, xứng đáng với phẩm giá của con người được Chúa yêu thương cứu chuộc.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

 

NGẮM NHÌN THẬP GIÁ

ZZChết là hết.  Sự thường là vậy.  Sau cái chết mọi sự sẽ nguôi ngoai.  Không gì tồn tại và bền lâu.  Thế nhưng sau cái chết của Chúa Giêsu thì không vậy.  Lời các ngôn sứ đã nói từ xưa: “Họ sẽ ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu qua.”  Ai sẽ ngắm nhìn.  Nhân loại của thời đó hay nhân loại hôm nay?  Phải chăng họ ngắm nhìn một thây ma trơ trụi trên thập giá?  Chắc là không.  Vì thây ma chỉ làm người ta khiếp sợ.  Thế mà hơn 2000 năm nay họ vẫn đang ngắm nhìn.  Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến chết cho người mình yêu.  Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu.  Ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu, để giục lòng ăn năn sám hối.  Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa.

Ngắm nhìn một tình yêu tự hiến: Đó là cái nhìn của Mẹ Maria.  Mẹ nhìn con đau khổ.  Mẹ cảm thương nỗi đau của con.  Thân xác con tan nát.  Trái tim Mẹ lại se thắt từng cơn, nuốt nghẹn đến tận tâm can. Máu con tuôn rơi trên cây thập tự.  Nước mắt Mẹ tuôn rơi trên đồi Calvê.  Mẹ đã dâng nỗi đau của mình nên một với nỗi đau của con để làm hiến tế tôn vinh Chúa Cha.  Ngày hôm nay cũng có biết bao người đang đau khổ, đang nhìn lên thập giá Chúa để tìm sự nâng đỡ ủi an.  Đón nhận đau khổ như Đức Giêsu và Mẹ Maria là đón nhận thập giá của bổn phận, của trách nhiệm trong hy sinh, tự hiến cho gia đình, xứ đạo và cộng đồng nhân loại.

Ngắm nhìn để cảm nhận tình yêu thẳm sâu của Thầy Chí Thánh Giêsu: Đó là cái nhìn nuối tiếc của các môn đệ.  Tiếc nuối vì cả một đời theo Thầy, nhận được biết bao ân huệ của Thầy, thế mà chỉ một chút nghi nan đã bỏ mặc Thầy cô đơn trong đau đớn tột cùng.  Nhìn để làm lại cuộc đời.  Nhìn để chuộc lại lỗi lầm, để dám chết cho niềm tin của mình.  Điển hình là Phêrô.  Dù ông muốn bỏ chạy vì sự truy sát của Nêrón, nhưng ông đã kịp quay trở lại thành để chịu tử đạo, vì nhìn thấy Thầy một lần nữa vác thập giá vào thành.  Ngày nay có biết bao người vẫn đang sống trong nuối tiếc ân hận, mặc cảm vì một quá khứ lầm lỡ.  Mặc cảm vì một lần vô ơn bạc nghĩa đã gieo vãi sầu đau cho tha nhân.  Hãy ngước nhìn lên Chúa để sám hối ăn năn, chuộc lại lỗi lầm.  Hãy đền đáp tình yêu bằng trao tặng tình yêu của mình cho tha nhân.

Ngắm nhìn để giục lòng ăn năn: Đó là cái nhìn của đám đông dân chúng bị mua chuộc, xúi giục la ó “đóng đinh nó vào thập giá”.  Đó là cái nhìn thống hối của Philatô.  Một người có chức có quyền nhưng hèn nhát, thiếu bản lĩnh, và nhu nhược đã để đám đông lấn áp đến nỗi chẳng dám nói một câu bênh đỡ cho người công chính khỏi án chết bất công.  Dù ông biết rõ “người này vô tội”.  Ngày nay cũng có biết bao người đang đóng đinh cuộc đời nhau vì xu thời, hèn nhát, thiếu trách nhiệm đã và đang dầy xéo cuộc đời anh chị em mình.  Liệu rằng có mấy ai biết nhìn lại để cúi mình ăn năn?  Vì tội lỗi tôi mà Chúa mang thảm sầu.  Vì lối sống thiếu trách nhiệm của tôi mà gia đình tan nát, xào xáo, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt chăng?

Ngắm nhìn để thấy sự sống đang chồi sinh sau cái chết của Con Thiên Chúa.  Đó là cái nhìn của viên đội trưởng Rôma, của các người phụ nữ, của các môn đệ.  Trong cái chết nhục hình, họ đã nhận ra một sụ chiến thắng của Chúa Giêsu.  Thập giá đã không còn là biểu tượng của tủi nhục mà là dấu chỉ một tình yêu.  Một tình yêu dám chết cho người mình yêu.  Một tình yêu dám tha thứ cho cả kẻ hành hạ, giầy xéo cuộc đời mình cho đến chết.  “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.  Một tình yêu bằng lòng chịu chết để tôn vinh Chúa Cha và cứu độ nhân loại.  Nhân loại ngày nay vẫn đang cần những con người dám hy sinh cho nhau, dám quên đi sự an nhàn bản thân để hiến thân cho bạn hữu của mình.  Nhân loại ngày nay vẫn đang cần một tình yêu thứ tha để có thể giải hoà những đổ vỡ, những ngăn cách đang làm cho các gia đình đau khổ, đang làm cho xã hội bất an vì những thù oán nhỏ nhen.

Ngắm nhìn xem Đấng họ đã đâm thâu.  Chúng ta có nhận ra tội lỗi của mình đang tiếp tục làm khổ Chúa, làm khổ nhau?  Khi ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu chúng ta có áy náy lương tâm hay vẫn dửng dưng bàng quang như khách qua đường tại thành Giêrusalem?   Ngắm nhìn xem Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta thấy mình cũng có trách nhiệm trong cuộc thương khó của Chúa, trong nỗi đau của anh chị em mình.  Ngắm nhìn Đấng đã bị đâm thâu để chúng ta biết sống bù đắp những lỗi lầm của mình đã và đang gây đau khổ cho anh chị em mình.

Nguyện xin Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã phục sinh giúp chúng con mỗi lần ngắm nhìn Chúa biết giục lòng ăn năn thống hối và can đảm đứng lên làm lại cuộc đời.  Amen!

LM Jos Tạ Duy Tuyền

 

YÊU CHO ĐẾN CÙNG

Thánh Gioan viết: “Chúa Giêsu đã thương yêu những kẻ thuộc về Người còn ở thế gian, và Người yêu họ đến cùng”.  “Yêu cho đến cùng” không phải chỉ có nghĩa là yêu cho đến giây phút cuối cùng mà còn có nghĩa là yêu hết mình.  Đức Giêsu đã dùng hết mọi phương thế để biểu lộ tình yêu của Người và của Cha Người cho chúng ta.

  1. Tình yêu của Đức Kitô

Phương cách thứ nhất là mầu nhiệm Nhập thể: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng bản tính, đồng quyền năng và đồng vinh quang với Chúa Cha.  Nhưng vì thương yêu loài người, Người đến sống giữa chúng ta.  Người đã mặc lấy thân xác loài người như thế, mục đích là chia sẻ thân phận yếu hèn khổ đau của loài người và đồng thời thông ban cho loài người thần tính của mình, tức địa vị là Con Thiên Chúa, và cùng với thân tính ấy là sự sống đời đời.  Chính Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).  Qua mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, chúng ta thấy yêu là đến với loài người, là thông cảm, là chia sẻ.

ZZPhương cách thứ hai mà Đức Giêsu đã dùng để biểu lộ tình yêu của Người, được cụ thể hóa nơi cử chỉ Người quì xuống rửa chân cho các môn đệ.  Rửa chân là công việc của người nô lệ trong nhà đối với chủ mình.  Đó là công việc hèn hạ nhất.  Việc rửa chân mà Đức Giêsu làm đây, là một dụ ngôn bằng hành động.  Nó diễn tả cuộc đời của Đức Giêsu: Người đã đến trong thế gian, không phải như một ông vua, ông quan, nhưng như một người nô lệ.  Chính Đức Giêsu đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45).  Thánh Phaolô cũng đã diễn tả rất rõ cuộc đời của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Thánh Phaolô đã dùng một tiếng rất mạnh: “Đã hoàn toàn trút bỏ”, nghĩa là coi mình là hư không; trong cụ thể, Đức Giêsu đã từ khước vinh quang, quyền lực khi còn sống ở trần gian.  Suốt đời Đức Giêsu không bao giờ nghĩ tới bản thân mình: Người đã không bao giờ làm phép lạ để có bánh ăn, có nước uống, hay để tìm danh dự cá nhân…  Người đã hiến tất cả thì giờ và sức lực của Người, để giảng dạy dân chúng, an ủi những kẻ liệt lào, chữa lành những người bệnh tật.  Cao điểm của cuộc đời phục vụ ấy là cái chết trên Thập giá, mà Đức Giêsu đã trình bày như một cái chết để phục vụ và để yêu thương: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con!  Này là Máu Thầy sẽ phải đổ ra để chuộc tội nhiều người”.  Hoặc Chúa còn nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu.”  Nhìn cuộc đời của Đức Giêsu, được tượng trưng qua việc rửa chân, chúng ta hiểu ra rằng yêu là phục vụ, phục vụ đến độ hy sinh cả mạng sống mình cho loài người. Đó là phương cách thứ hai để Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Người cho chúng ta.

Và đây là phương cách thứ ba:  Người đã lập ra Bí tích Thánh Thể để hiện diện mãi với chúng ta.  Khi người ta thương mến nhau, thì người ta muốn sống gần nhau mãi mãi, muốn giữ sự trung tín với nhau mãi mãi.  Chỉ vì muốn ở với chúng ta mãi mãi, mà Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để hiện diện với chúng ta, để trở nên lương thực cho chúng ta, để tiếp tục đồng hành với loài người, với mọi người trong cuộc hành trình ở chốn sa mạc trần gian này.

Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta hiểu được rằng yêu là hiện diện với kẻ khác, giữ sự trung tín vững vàng với bạn hữu của mình.  Đức Giêsu Kitô đã yêu các bạn hữu của Người “cho đến cùng” là như thế đó!

  1. Noi gương Đức Kitô

Chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã cố gắng nên giống “Thầy và Chúa” của chúng ta hay chưa?  Chính trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã ban giới răn mới cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).  Vậy chúng ta phải thực hiện giới răn bác ái huynh đệ theo gương của Đức Giêsu (“Như Thầy đã yêu mến các con”).  Theo gương Đức Giêsu, thì trước hết yêu mến là đến với người đồng loại của mình: Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đã quan tâm đến những người chung quanh chúng ta chưa?  Chúng ta đã chia sẻ cho họ phần nào hay chưa trên bình diện vật chất và trên bình diện tinh thần?

Tiếp đến, yêu mến và đặt mình trong tư thế tôi tớ để phục vụ.  Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có chu toàn bổn phận của mình với tinh thần phục vụ hay không?  Trong cách cư xử, nói năng với người khác, chúng ta có khiêm tốn như một người tôi tớ không?  Hay chúng ta tự xem mình như người trên, như kẻ cả?  Sau hết, yêu mến là chấp nhận ở với kẻ khác, hiện diện với kẻ khác, cộng tác với kẻ khác, giữ sự trung tín vững vàng với kẻ khác.

Theo khuynh hướng tự nhiên, khi chúng ta gặp một chút khó khăn với kẻ khác, là chúng ta muốn co rút lại, chia rẽ, đoạn tuyệt.  Chính vì chưa thấm nhuần tinh thần này của Đức Kitô, mà bao đôi vợ chồng khi gặp chút khó khăn, là nghĩ ngay tới việc ly thân, ly dị… Tình yêu của Đức Kitô mời gọi chúng ta phải giữ “chữ tín” đến muôn đời, nhất là trong đời sống gia đình, đời sống vợ chồng.

  1. Đức Kitô – sức mạnh của chúng ta

Tình yêu của Đức Kitô không phải chỉ là mẫu mực mà còn là sức mạnh cho chúng ta.  Trong dụ ngôn về cây nho, được Chúa kể trong bài diễn từ chia tay, Chúa nói: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4).  Chúng ta ở lại trong Đức Kitô, như trong thân cây nho, nhờ đức tin và nhờ vào việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể.  Chiều hôm nay, khi tiến lên rước lễ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta đang được tiếp nhận sức mạnh của Đức Kitô, nhờ đó chúng ta có thể yêu mến anh em chúng ta như chính Đức Kitô đã yêu mến chúng ta.

LM Norberto

 

BẢY DI NGÔN TRÊN THÁNH GIÁ (2)

  1. Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con (Mt 27, 46)

Ba Lời Di Ngôn đầu từ thánh giá phán ra được gởi đến các kẻ được Thiên Chúa yêu thương theo thứ tự: kẻ thù địch, kẻ tội lỗi, người lành thánh.  Hai lời thứ tư, thứ năm biểu lộ sự đau khổ của Thiên Chúa làm người trên thánh giá.  Lời thứ tư biểu lộ sự khốn khổ của con người bị Thiên Chúa phế bỏ.  Lời thứ năm nói lên nổi cay cực của Thiên Chúa bị con người chối bỏ.

Ngày Thứ Sáu Chịu Nạn là ngày đen tối nhất trần gian.  Bóng tối bao trùm trái đất in mờ Thập Giá Đức Kitô trên nền trời đen thẳm.  Mọi sự đều tối tăm mịt mùng!  Ngài từ bỏ Mẹ hiền và môn đệ yêu dấu.  Thiên Chúa xem ra cũng như từ bỏ Ngài luôn. ”Eli ! Eli ! Lamma sabacthani! Chúa ơi! Chúa ơi! Sao Chúa bỏ con?  Tiếng kêu than này, trong ngôn ngữ huyền nghĩa Do thái tiết diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện: Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa.  Chúa Con gọi Chúa Cha là Thiên Chúa.  Khác hẳn lời cầu ngày nào Ngài dạy:  “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”  Chúa Cha cũng có vẻ như ngoảnh mặt đi, khi Ngài hứng chịu lấy tội lỗi trần gian.  Ngài cam chịu nổi đớn đau bi thống đó vì con người để chúng ta hiểu rằng:  Khi con người mất Thiên Chúa thì tình trạng khủng khiếp chừng nào.

  1. Ta Khát (Ga 19, 28)

Đây là lời ngắn nhất trong bảy Di Ngôn, chỉ vỏn vẹn một tiếng Ta khát.  Tận đáy tâm hồn Chúa chỉ bật ra một nỗi thao thức: Ta Khát.

Hiện tượng khát nước là sự kiện bình thường của một người tử tội đóng đinh thập giá, do việc người đó mất quá nhiều máu trong người.  Nhưng ở đây, chắc chắn Gioan không có ý nói tới điều đó mà nói đến nghĩa thiêng liêng.  Đức Giêsu khao khát thông truyền hiệu quả cuộc khổ nạn của Người là Ơn cứu độ cho tất cả mọi người và như thế thì lời Kinh thánh mới nên trọn.  Ý nghĩa của lời Ta Khát gắn liền với việc “để lời kinh thánh được nên trọn.”  Lời Kinh Thánh có thể hiểu là Lời các Tiên tri trong Cựu ước loan báo về sứ mạng Cứu thế của Đấng Messia; Lời Kinh Thánh còn có thể hiểu là chính công việc cứu thế của Đức Giêsu.  Vì thế, Đức Giêsu biết rằng sứ mạng cứu thế của Người đã được thi hành trọn vẹn và đầy đủ; kể từ nay bắt đầu giai đoạn mới của lịch sử cứu độ, con người sẽ lãnh nhận hiệu quả do cuộc khổ nạn người đem đến thì Ngài nói: Ta Khát.

Trong Phúc âm Gioan, từ ngữ “khát” thường chỉ nguyện vọng sâu xa của con người khát mong những hồng ân của Thiên Chúa vào thời Đấng Messia “Ai uống nước Ta ban thì đời đời sẽ không còn khát nữa, nước Ta ban sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13); ” Ai đến với Ta sẽ không hề đói,và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6,35);  “Ai khát hãy đến với Ta, ai tin vào ta hãy đến mà uống! Như kinh thánh đã nói: Tự lòng Ngài sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.” (Ga 7, 37)

ZZNhư thế Di Ngôn “Ta Khát” chính là nguyện vọng sâu thẳm của Chúa muốn mọi người lãnh nhận ơn cứu độ mà cuộc khổ nạn Ngài đem đến cho thế gian.

  1. Mọi sự đã hoàn tất (Ga 19, 30)

Mọi sự là sự gì?  Thưa là Thánh ý Chúa Cha.  Lật trong sách Tin mừng rất nhiều chỗ nói “để ứng nghiệm lời Thiên Chúa, để lời các Ngôn sứ được hoàn tất.”  Trong cuộc đời dương thế, Đức Giêsu luôn thực thi Thánh ý.  Và giờ đây trong giây phút cuối đời trên thập giá, hình như Đức Giêsu làm bảng tổng kết: mọi sự Chúa Cha đã hoạch định, Ngài đã chu toàn, mọi sự đã hoàn tất từ ngày lọt lòng mẹ tại Bêlem cho đến nghiêng đầu trước khi chết.

Công cuộc cứu độ trần gian đã được thể hiện.  Đây là lời Ngài trình lại với Chúa Cha và đây cũng chính là lời loan báo sự chiến thắng của Ngài.  Quyền lực bóng tối đã giết được thân xác Ngài,vị vua Messia.  Nhưng qua cái chết này, ơn cứu độ được trao ban cho mọi người và giải thoát con người khỏi vòng cương toả của bóng tối, tội lỗi, Satan.  Đúng như Thánh Gioan đã suy niệm “Sự sáng đã rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được ánh sáng.” (Ga 1, 5)

  1. Lạy Cha! Con phó thác linh hồn con trong tay Cha (Lc 23, 46)

Lời thứ sáu là lời biệt ly trần gian.  Lời thứ bảy là lời khải hoàn thiên quốc.

Chúa Kitô, Đấng từ trời xuống, đã chu toàn nhiệm vụ, hoàn thành cuộc hành trình, nay lại trở về cùng Chúa Cha để tỏ niềm tôn phục Đấng đã phái Ngài đi thực thi công cuộc cứu chuộc thế gian: “Lạy Cha,Con phó thác linh hồn con trong tay Cha.

Ba mươi năm trước, Ngài từ bỏ Nhà Cha để đến một xứ xa lạ là trần gian.  Ở đó, Ngài sống cuộc đời tiêu xài không kể mức độ nào cả.  Quyền năng và sự khôn ngoan được Ngài phân phát vô số kể.  Ân sủng và lòng ái tuất được Ngài chuẩn ban cách quãng đại.  Đến giờ sau hết, Ngài còn ban luôn cả bản thể của mình cho kẻ tội lỗi.  Và Ngài đã đổ đến giọt máu cuối cùng để làm giá cứu chuộc thế gian.  Trên đường về Nhà Cha, từ Thập giá Ngài dâng lên Chúa Cha lời nguyện hoàn hảo nhất “Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha.”

Sau khi đã hạ mình xuống ở giữa những con cái hư mất của nhà Ít-ra-en, Ngài đã phung phí thời giờ của Ngài với những người đau ốm tật nguyền, với những người tội lỗi.  Ngay cả với những gái điếm, Ngài cũng hứa cho họ vào Nước của Cha Ngài.  Sau khi đã bị đối xử như một tên tham ăn, như một bợm nhậu, như một người bạn của bọn thu thuế và tội lỗi, như một người Sa-ma-ri-a, một người bị quỷ ám, một kẻ phạm thượng; sau khi đã hiến dâng tất cả mọi sự, ngay cả thân xác và máu Ngài; và khi linh hồn Ngài cảm thấy một nỗi buồn sâu xa, hấp hối, phiền sầu; sau khi đã đi tới đáy của sự tuyệt vọng, Ngài muốn mặc lấy nơi mình sự bị bỏ rơi bởi Cha, lìa xa ngưồn Nước Hằng Sống, Ngài đã kêu lên từ Thánh Giá nơi Ngài bị đóng đinh: “Ta khát.”  Ngài đã yên nghỉ trong bụi đất và bóng đêm sự chết.  Ngài đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, Ngài đã gánh hết những đau thương của chúng ta.

Phó thác linh hồn cho Chúa Cha, thân xác Ngài trao trong tay Đức Mẹ. Từ chén cứu chuộc những giọt máu cuối cùng nhỏ xuống nhuộm đỏ cây thập giá.

Đây cũng là giờ bi thảm nhất của Đức Mẹ.  Có nỗi đớn đau nào hơn của nỗi đớn đau của người Mẹ ôm xác người con yêu dấu?  Đức Giêsu sinh ra trong vòng tay mẹ hiền, đến chết vẫn ở trong vòng tay Mẹ từ ái.

Chúa Giêsu đã để lại sứ điệp cuối cùng: Bảy Di Ngôn trên thánh giá.  Trong cao điểm mầu nhiệm cứu độ, Chúa đã mạc khải tình yêu hiến tế qua Bảy Di Ngôn do lòng yêu thương.  Những lời này vang dội qua mọi thời đại, xuyên qua tâm trí nhân loại, cải hoá và dẫn đưa bao linh hồn về với Chúa.

Calvê nơi hành hình tội nhân giờ đây đã trở thành ngọn núi đầy hấp dẫn lôi cuốn thế giới đến chiêm ngắm và đón nhận tình yêu của Đấng chịu đóng đinh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

(Viết theo cuốn: Trên đỉnh cao thập giá của ĐGM Fulton Sheen)

BẢY DI NGÔN TRÊN THÁNH GIÁ (1)

Có hai sứ điệp nổi bật nhất của Chúa Cứu Thế được gởi đến cho loài người.  Sứ điệp đầu tiên là Tám Mối Phúc Thật được Chúa công bố trên một sườn núi.  Sứ điệp cuối cùng là Bảy Di Ngôn trên Thánh Giá.

Tuần Thánh, chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa, dừng lại nơi Bảy Di Ngôn của Đấng Cứu Thế để nhận thấy Calvê là ngọn núi đầy hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta hưởng nếm tình yêu hiến dâng phục vụ.

  1. Khi đến nơi gọi là “Ðồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.  Bấy giờ Ðức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Rồi họ bắt thăm mà chia nhau áo của Người.” (Lc 23,33-34)
  2. Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”  Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng”. (Lc 23, 42-43).
  3. Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. (34) Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15, 33-34).
  1. Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ chẳng hiểu biết việc họ làm (Lc 23, 34)

ZZLẽ thường, vào giờ hấp hối, tự đáy lòng con người bộc lộ những lời tha thiết với người thân yêu, người lân cận.  Lời đầu tiên của Chúa là xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ bách hại, kết án, lăng nhục, đóng đinh Ngài.

Triết gia Xê-nê-ca kể lại rằng, người bị treo trên thập giá thường trù ẻo cha mẹ, nguyền rủa ngày sinh tháng đẻ, mắng nhiếc lý hình, thậm chí còn khạc nhổ vào bất cứ ai qua lại đứng ngồi dưới chân cây thập giá.

Nhà hùng biện Si-sê-rô còn cho biết rằng, đôi khi phải cắt lưỡi người bị đóng đinh vào thập giá, để họ thôi buông lời phạm thượng.  Bởi thế, dân chúng bồn chồn.  Đám lý hình, luật sĩ, biệt phái chờ đợi tiếng la thét, mắng nhiếc, nguyền rủa của người bị đóng đinh đang hấp hối.  Nhưng, cũng như loại hương mộc tiết hương thơm ra cho cả chiếc rìu hạ chúng, Thánh Tâm trên cây Tình Thương tự đáy lòng đã thoát toả ra một lời nguyện thầm thỉ đầy êm ái về sự dung thứ và xá tội “Lạy Cha xin tha thứ cho họ vì họ chẳng hiểu biết việc họ làm.”

Tha thứ, vì họ không biết.  Giả mà họ biết tội họ phạm kinh tởm đến đâu khi lên án chết cho Đấng ban sự sống; giả mà họ biết rằng họ đang đổ máu Đức Giêsu dùng để cứu chuộc họ, giả mà họ biết như thế thì đời nào họ lại được tha?

Giả mà ta biết tội lỗi khủng khiếp dường nào mà cứ phạm tội; giả mà ta biết Chúa yêu ta đến nỗi Nhập Thể Làm Người mà ta vẫn khước từ không chịu đón nhận và tin yêu; giả mà ta thấu hiểu tình yêu tha thứ trong Bí Tích Giải Tội thật là vô biên mà không chịu xưng tội; giả mà ta biết Bí Tích Thánh Thể hàm chứa một sức sống vô song mà cứ khước từ không chịu ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh.  Giả mà ta biết rõ những điều ấy, ta sẽ bị hư mất.  Ta không thấu hiểu lòng lành Thiên Chúa, đó là lý lẽ độc nhất rộng thứ cái tội chưa chịu làm thánh của ta.

Chúa không chấp nhất, nhưng lại tha thứ, thì ta cũng phải tha thứ cho nhau (x Mt 6, 12; 6, 15; 18, 23-35).

  1. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng (Lc 23, 43)

Kẻ tử tội bị đóng đinh bên hữu ngoảnh đầu nhìn sang đọc được tấm bảng: Giêsu Nazareth, Vua dân Do thái.  Trong tâm hồn người đạo chích này dậy lên những tâm tình nồng nàn.  Một tia sáng từ Thập giá chiếu ra làm rực sáng đức tin của anh nên anh đã dâng lời khẩn cầu:  Xin Ngài nhớ đến con khi Ngài về nơi vương quốc.  Chính lúc tử thần rình rập bên cạnh, chỉ có một người nhìn biết Chúa Kitô là minh chủ một vương quốc.  Chúa đã cứu chữa anh khi phán:  Hôm nay, con sẽ ở trên thiên đàng cùng với Ta.

Trước đó đã chẳng có ai được hứa ban như vậy, cho dù là Môisen hay Gioan, Mađalêna hay cả Đức Maria.

Người đạo chích đã gõ cửa, đã cầu xin chỉ có một lần, anh đã dám làm tất cả nên đã được tất cả.  Liệu có thể nói được rằng: Người trộm này đến chết vẫn còn hành nghề đạo chích, vì đến lúc chết, còn ăn trộm được thiên đường?

Lòng từ ái của Chúa đối với người trộm gợi nhớ lời sấm ngôn: Tội lỗi con có thắm như hồng điều, cũng sẽ nên trắng sạch như tuyết, có thẫm như vải đỏ, cũng sẽ mịn mướt như lông chiên.

Ơn dung thứ Chúa ban cho người trộm thống hối càng làm chúng ta hiểu hơn lời Chúa phán: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi kẻ tội lỗi… không phải người mạnh khoẻ nhưng người bệnh tật mới cần đến lang y… một người tội lỗi thống hối làm cho cả thiên đường vui mừng hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải thống hối.”

Người trộm biết sám hối ăn năn tiêu biểu cho thế giới dân ngoại tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Vua.   Miễn là con người biết sám hối, Thiên Chúa luôn bao dung và từ ái.

  1. Thưa Bà, đây là con Bà (Ga 19,26)

Những lời Sứ thần Gabriel nói tại Nazareth: “Kính chào Bà đầy ân phúc” (Lc 1, 28) cũng soi sáng cho khung cảnh Calvê.  Biến cố Truyền tin báo hiệu một khởi đầu, Thánh giá đánh giá một kết thúc.  Trong cảnh Truyền tin, Mẹ Maria trao ban bản tính loài người cho Con Thiên Chúa trong cung lòng Mẹ; dưới chân Thánh giá, nơi Thánh Gioan, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn Mẹ.  Là Mẹ Thiên Chúa ngay từ lúc đầu tiên của biến cố nhập thể, Mẹ đã trở thành mẹ của loài người trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, con Mẹ.  Dưới chân Thánh giá, Mẹ đón nhận từ Chúa Giêsu như một lời truyền tin thứ hai: “Hỡi Bà này là con Bà” (Ga 19,26).

Lời truyền tin thứ nhất do Sứ thần đem đến, lần truyền tin thứ hai lại do chính Chúa phán ra. Lời truyền tin thứ hai long trọng, Đức Giêsu, Ngôi Lời truyền tin cho Mẹ mình, công bố vai trò Đức Maria là Mẹ Nhân Loại, Mẹ Giáo Hội.

Ở gốc cây biết lành biết dữ, Evà đã mất chức làm mẹ loài người.
Ở dưới chân Thánh giá, Đức Mẹ đón nhận chức vị làm Mẹ loài người.

Đức Maria là mẹ Thiên ân vì là mẹ của Tác giả ơn thánh.  Các con hãy hoàn toàn tín nhiệm phó thác cho Mẹ!  Hãy chiếu toả rạng ngời vẻ đẹp của Chúa Kitô khi cởi mở đón nhận hơi thở của Thánh Linh.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

(Viết theo cuốn:Trên đỉnh cao thập giá của ĐGM Fulton Sheen)