CÀNH LÁ PHẢN BỘI

ZZ(Mt 26,14-27,66)

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh hoạ Rembradt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “Ba Thập Giá”.  Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: Giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ.  Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… Tác giả như muốn nói rằng: Không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ cho các nhà chuyên môn chuẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của danh họa Rembrandt, tác giả của bức tranh này.

Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembradt, nhà danh họa lại chen vào khuôn mặt của mình?

Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra để giải thích về sự hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính ông.  Rembrandt muốn thú nhận rằng: Chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên thập giá.  Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng, họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.

Anh chị em thân mến,

Dưới cái nhìn lịch sử thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm.  Phêrô đã chối bỏ Ngài.  Philatô đã rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông.  Những người Do Thái đã cuồng tín kêu gào đóng đinh Ngài vào thập giá.  Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.

Nhưng dưới cái nhìn của người có niềm tin, thì cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là một mầu nhiệm.  Mầu nhiệm bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đớn đau như thế?  Mầu nhiệm, bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy.  Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá.  Tội lỗi của chúng ta ngày này, cho dù cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một xỉ vả hoặc chính là một cái đinh đóng vào thân thể Ngài…

Thử hỏi, nếu tôi là người đương thời có liên quan đến vụ án của Chúa Giêsu, tôi sẽ đứng trong nhóm người nào và với thái độ nào?

Phải thú nhận rằng, tôi không dễ gì làm được như ông Simon thành Syrênê đã vác đỡ thập giá Chúa Giêsu.  Nhưng cũng đừng vội quả quyết rằng, tôi không thể đứng về phía đám quần chúng đả đảo Chúa, không thể là Phêrô chối Chúa, hoặc là nhóm tông đồ trốn chạy, hoặc là Philatô lên án người vô tội, hoặc là đám quân lính đánh đòn và đóng đinh Chúa.  Trái lại, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy rõ ràng tôi rất yếu đuối, dễ đứng về phe kẻ mạnh thế, không dám can đảm bênh vực công lý và dễ dàng trung thành với Chúa trên môi miệng cũng như khi mọi sự đều xuôi chảy, nhưng lại phản bội Chúa dễ dàng trong hành động cụ thể và khi gặp nghịch cảnh, tương tự hành động của Giuđa!  Chúng ta không ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Ngài vẫn còn hấp hối cho đến ngày tận thế.

Thưa anh chị em, với Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, Tuần Thánh đã bắt đầu.  Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người.  Bề ngoài, cuộc tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông quần chúng nô nức phất cao cành lá “hoan hô Con Vua Đavit” có vẻ một cuộc toàn thắng vang dội.  Thực ra, đây là một cuộc mở màn Thương Khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc Thương Khó.  Bởi vì Chúa biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của quần chúng đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ dội trước mặt Tổng trấn Philatô, trong tiếng kêu gào và những bàn tay nắm chặt đưa lên: “Đả đảo!  Đóng đinh nó đi!  Đóng đinh nó vào thập giá!”.

Rước lá đi theo Chúa Giêsu trong vài giờ không phải là một điều khó khăn lắm.  Đi theo Chúa giữa lúc Ngài được tung hô chúc tụng là điều dễ dàng.  Nhưng tiếp tục đi theo Ngài khi Ngài đã bị mọi người bỏ rơi và lên án, điều đó khó hơn nhiều.  Tin Mừng không thấy nói đến một ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giêsu vào lúc đó, mà chỉ thấy lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba.  Nếu Kitô hữu được định nghĩa là người đi theo Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ có lúc nghiệm thấy nỗi khó khăn khi phải đến nơi mà mình không muốn đến.  Con đường bước theo Chúa có lúc vui, lúc buồn.  Chúng ta phải có mặt ở trong đám đông hoan hô Chúa khi vào thành đô Giêrusalem và cũng không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên thập giá.

Trong những ngày thánh này, chúng ta phải tìm thời giờ đọc lại chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Hãy để cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng ta. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết… Nhưng trên hết, chúng ta bắt gặp một tình yêu.  Tình yêu vô cùng lớn của Đức Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại.  Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Càng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’ của – R. Veritas

 

TẤT CẢ CẦN LẶNG LẼ

ZZChiêm ngắm cuộc Thương khó, tôi ngỡ ngàng nhận ra bầu khí ấy mang dáng dấp của một xã hội thu nhỏ đầy phức tạp và ồn ào.  Quần chúng thì cứ chộn rộn, la ó mà thiếu một chút yên ắng để suy xét xem mình đang bàn tán về ai, hay đang to thét về điều gì.  Đám đông mãi là thế: thích tin đồn, vội xầm xì và dễ bị giựt dây.  Họ như những con sóng nhô thật cao, vỗ bờ thật kêu, để rồi vỡ tan xì xèo trống rỗng.

Ít ồn ào điên cuồng như quần chúng, nhưng sự lặng lẽ của các bác Pharisêu lại là chiếc mặt nạ che giấu bao đợt sóng ngầm đầy mưu toan, ác ý bên trong.  Họ chính là những người tạo tin đồn, tìm cách giựt dây quần chúng.  Họ chính là những người bắt và xử án Thầy Giêsu trong đêm. Họ chính là những người mệt mỏi vặn óc, khô hơi thuyết phục Philatô đóng đinh Thầy Giêsu ở hậu trường sân khấu.  Lặng lẽ bề ngoài kia liệu ích gì cho một tâm hồn đầy giông bão ngổn ngang, gai góc và cuồng nộ?

Còn một sự lặng lẽ khác trong màn kịch Thương khó, đó là sự lặng lẽ rút êm của một Philatô rửa tay chạy tội.  Ông đầu hàng, bỏ chạy sau một cuộc đấu tranh để sống cho cái tâm thiện bất thành của mình. Ông quý sự chân thật, thánh thiện, cao thượng nơi Thầy Giêsu; vì đó là những điều ông không có và đang mơ ước.  Song, ông cũng lo bảo vệ cho vị thế, gia sản mà bấy lâu nay ông tốn công vun vén trước sự đe dọa và áp lực của các bác Pharisêu ác tâm, và đám đông ba phải.  Sự lặng lẽ nơi ông khoác lên mình một màu tím tang tóc để khóc than cho cái thiện tâm bị khai tử.  Đáng buồn thay!

Đời vẫn thế!  Người vẫn vậy!  Từ bao nhiêu lâu nay!  Hoặc ồn ào để che đi sự trống rỗng bên trong. Hoặc yên ắng để che đi giông tố trong lòng.  Hoặc im lặng vì chẳng còn đủ sức chiến đấu trong cuộc chiến thiện – ác.  Liệu còn sự lặng lẽ nào cao quý hơn, tinh ròng hơn, thuần nhất hơn nơi lòng con người chăng?  Đó là sự lặng lẽ của Thầy Giêsu.

Thầy không nói bởi Thầy muốn cảm nghiệm.  Cảm nghiệm lòng đám đông hời hợt và phụ bạc.  Hời hợt nên chỉ lo nhu cầu của cái bụng, thích được ăn bánh cá no nê hơn là suy ngẫm “Lời mang sự sống đời đời.”  Hời hợt nên thích xem phép lạ hơn là tin người làm phép lạ.  Không sâu, không thân, không bám rễ nên dễ phụ bạc.

Thầy không nói bởi Thầy muốn hòa giải.  Thầy thèm tranh chi quyền giảng dạy của các bác Pharisêu. Thầy ham hố gì những thứ danh ảo chóng tàn của chức Rabbi.  Vậy mà các bác cứ đinh ninh Thầy cũng dừng ở quyền – danh như các bác.  Thế nên, các bác tìm mọi cách để loại trừ Thầy ra khỏi thị trường độc quyền ấy.  Thầy nhìn các bác mà ưu tư.  Bởi còn bám vào hình danh sắc tướng thì bao giờ các bác mới chạm được bề sâu của Chân lý, Tình yêu của Thiên Chúa.  Chưa kết thân với Thiên Chúa thì các bác cũng vô tình “khóa luôn cửa Nước Trời” cho những người mà các bác giảng dạy.  Những lời chửi của Thầy cũng chỉ như những cái tát cho các bác tỉnh cơn say của hơi men quyền – tiền – danh mà thôi.  Tỉnh để rồi làm hòa với Trời với người.

Thầy không nói bởi Thầy muốn tha thứ.  Những bội bạc, những hiểu lầm kia như những chiếc gai nhọn đâm thấu vào trái tim yêu của Thầy.  Vết đâm nào chẳng gây đau đớn.  Hiểu lầm nào chẳng gây thương tổn.  Tình trao đi càng nhiều, mong mỏi càng lớn thì những phản bội và ác ý càng thêm chua xót, hằn vết.  Thầy yêu ý thức.  Người hờ hững vô tình.  Xót xa mà phải chịu đựng.  Tổn thương mà phải hàn gắn.  Hiểu lầm mà không thể giải thích.  Thầy âm thầm cầu nguyện cùng Cha để có đủ nội lực bao chứa tất cả.  Thầy xin Cha thêm tình yêu để đắp vào những vết thương sâu khoắm nơi con tim Thầy.

Tất cả cần lặng lẽ.  Tất cả cần lặng lẽ…!

Bảo Ân, SJ

 

 

KHOẢNG LẶNG… KHI CON BỎ ĐI

ZZCó những giây phút ta đắm mình trong hạnh phúc, cũng có giây phút ta bị đau khổ giày vò.   Có lúc ta cuồng nhiệt, sôi nổi lao vào cuộc sống, lại có khi ta miên man, đắm chìm cùng những dòng suy tư trong tâm tưởng.  Người ta thường nói đó là “khoảng lặng” trong cuộc sống mỗi người.  Có bao giờ bạn tự hỏi: “tại sao khoảng lặng ấy xuất hiện trong tôi?  Có phải do tâm trạng tôi không?” Nâng cao hơn một chút, “Thiên Chúa tôi thờ có hay không những khoảng lặng ấy?”

Thiên Chúa, Ngài là Đấng tạo thành vũ trụ, là Chúa tể muôn loài.  Thì “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến. Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm” chứ?  Thế nhưng, vì tình yêu, chúng ta được gọi Ngài là Cha – một người Cha tràn đầy yêu thương và luôn lo lắng cho con được hạnh phúc.  Những lúc con vô tình làm trái ý Cha, khăng khăng theo ý mình, ấy là lúc con vô tình tạo nên khoảng lặng trong Cha.  Thiên Chúa Tối Cao nhưng Ngài cũng có… tâm trạng của một người Cha.

Ai trong chúng ta cũng không khỏi xúc động khi đọc dụ ngôn “người Cha nhân hậu” hay “đứa con hoang đàng”! ( Lc15, 11-32)  Vì yêu thương con, tôn trọng tự do của con, người cha đã chia gia tài, để con trẩy đi phương xa.  Người con thu góp tất cả những gì mình sở hữu và đi tìm cuộc sống phóng túng.  Chàng nào nghĩ tới cảm xúc của cha mình.  Ta cùng hình dung xem khung cảnh khi người cha tiễn biệt con.  Hai con người với hai thái độ, hai tâm trạng hoàn toàn trái ngược nhau.  Người con phấn khởi, vui mừng hả hê còn người cha đau khổ, lo lắng cách thầm lặng.  Phương xa với con là cả bầu trời hạnh phúc và tự do tuyệt đối nhưng lại là nơi đầy cạm bẫy, một màu đen bao phủ đối với cha.

Người con hoan hỉ ra đi, bước nhanh, bước nhanh tới nơi mình mong ước.  Anh đâu nào hay biết sau lưng mình, người cha đang đau đáu dõi theo, nhìn từng bước, từng bước con xa mình.  Cái nhìn của cha vời vợi cho tới khi bóng hình con khuất lấp đằng kia chân trời.   Giây phút ấy, lòng cha như thắt lại, như dứt từng khúc ruột, tê tái nhường bao.  Giây phút ấy, cha đã đấu tranh rất nhiều để kìm lòng cho con bước đi.  Giây phút ấy, cha đã lo lắng, đau đớn khi con bước chân vào tội lỗi.  Cũng giây phút ấy, dường như cha đã mất con… Nhưng, đó là giây phút hạnh phúc tột cùng của con.  Con say sưa với phần gia tài và sự tự do mà bấy lâu con hằng ao ước.  Làm sao con hiểu được nỗi lòng của cha.  Cha chỉ muốn nói rằng: Con ơi, hãy quay về đi, về bên cạnh cha đi con… Con đi rồi, cha đứng lại một mình trong cô đơn, trống vắng.  Để lại sau đó là tháng ngày dài cha sống trong nỗi nhớ thường trực, khôn nguôi.

Ngày hôm nay, Cha ngự trong nhà tạm đợi chờ con đến viếng thăm mỗi ngày.  Những giây phút một mình, chắc cha cô đơn, trống vắng lắm!  Nhưng Cha vẫn kiên nhẫn đợi chờ, vẫn mòn mỏi trông mong. Lòng Cha chợt hân hoan, trái tim Cha bỗng rộn rã, nét mặt Cha rạng ngời khi nghe có tiếng guốc lộc cộc tiến lại gần cánh cửa.  Nhưng niềm vui chưa kịp nhen lên đã vội vụt tắt.  Tiếng guốc dừng lại trước cánh cửa.  Một giây, hai giây, ba giây…Cánh cửa vẫn không hé mở.  Tiếng guốc lại lộc cộc trên nền gạch, nhưng không phải tiến vào, mà mỗi ngày một nhỏ dần, xa dần.  Cha lắng nghe tiếng guốc chân của con trong nỗi tê tái, ngậm ngùi.  Con đã không vượt qua được chính mình, vẫn mải mê thế sự và bị cuốn vào giữa dòng xoáy cuộc đời.  Con không thể mở rộng cánh cửa lòng mình để tìm đến bên Cha, tâm sự với Cha.  Chỉ một lí do đơn giản rằng con còn quá nhiều việc bận Cha ơi: nào là làm việc kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình, học tập đủ thứ trau dồi bản thân, nào là đi chơi cùng bạn bè, người yêu, rồi hướng dẫn mấy em nhỏ học bài, hay con phải…phải…  Toàn những lí do chính đáng.  Cha hãy hiểu và thông cảm với con.  Cuộc sống đã biến con thành một người hay gắt gỏng, khó tính, nhìn đâu cũng thấy công việc chất chồng.  Con không thể bỏ những thứ ấy để đến bên Cha, tâm sự cùng Cha… Vâng, con người hôm nay sống quá thực dụng để rồi lãng quên Thiên Chúa tình yêu.  Người ta đi tìm những cái phồn hoa đô hội hơn là “mất thời giờ” cả tiếng bên Chúa.  Ngồi như vậy không làm việc thì nào được ích gì?  Chỉ có công việc, công việc và công việc là chiếm trọn thời gian của ta.  Tôi vẫn nhớ một câu nói rất hay rằng: nếu muốn biết bạn yêu mến ai, hãy xem thì giờ trong một ngày bạn giành cho ai nhiều nhất!  Đúng thế, chỉ khi ta yêu họ thật lòng, ta mới “can đảm” giành nhiều thời gian cho họ. Ngồi bên người yêu hàng tiếng mà cứ ngỡ mấy phút.  Còn ngồi bên Thiên Chúa thì sao?  Mấy phút thôi mà sao cảm thấy dài ghê vậy?  Có lẽ con cần kiểm điểm bản thân và quyết tâm đến bên Chúa nhiều hơn.

Chúa ơi! Con là đứa con hoang đàng, đã bỏ Chúa mà chạy theo đam mê trần thế, đã từ chối vòng tay yêu thương của Cha mà sa vào bóng đêm của tội lỗi, đã ép buộc Cha cho con tự do tuyệt đối để kiếm tìm thú vui riêng.  Con xin lỗi, xin lỗi Cha nhiều!  Không ít lần, con ra đi rồi trở về, ra đi rồi trở về lại… Nhưng Cha vẫn đứng đó, mỉm cười nhân hậu, đầy âu yếm.  Vì Cha biết rằng, xa Cha, con không thể có hạnh phúc.

Cha yêu ơi! Con sẽ trở về cùng Cha, sống trong vòng tay yêu thương, bao bọc của Cha, mãi không rời xa nữa.  Con sẽ cố gắng không tạo nên những “khoảng lặng” trong trái tim bao dung của Cha nữa.  Xin Cha là điểm tựa đỡ nâng con trên mọi bước đường của cuộc sống!

Bình An

NỐI KẾT VỚI CHÚA GIÊSU LÀ NGUỒN BAN SỰ SỐNG

Sự sống vô cùng quý báu

Mạng sống hơn đống vàng. “Thà là một con chó (đang) sống còn hơn là một con sư tử chết.” (nhà văn Jack London)

Ai cũng khao khát sống, sống lâu sống khoẻ, trẻ mãi không già.

Người ta mưu cầu sự sống bằng đủ mọi cách, với bất cứ giá nào.

Nếu có phương thuốc trường sinh, thì dù phải mua với giá cao ngất, thậm chí phải bán cả gia tài mới đủ, người ta cũng quyết mua cho bằng được.

Thế nhưng, cuộc sống lại quá mỏng giòn

Thực tế cho thấy cuộc sống hiện tại thật mỏng giòn, mong manh, tạm bợ.  Như quả bong bóng xà phòng do một em bé thôi lên, trông long lanh hấp dẫn, óng ánh muôn màu.  Nhưng rồi, bụp một cái! Nó tan biến hết, chẳng còn gì!

Vì thế mà một nhà thơ Việt nam, ông Nguyễn công Trứ than rằng: “Ôi, nhân sinh là thế, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao…”

************************************

ZZCái chết của Ladarô nói lên thân phận mong manh kiếp người.

Cuộc đời của Ladarô cũng mong manh như thế.  Đang nửa chừng xuân, đang tuổi còn dồi dào sức sống, Ladarô vội vã từ giã cuộc đời, để lại vô vàn đau thương tiếc nuối cho thân nhân cũng như bè bạn.

Đó là một mất mát vô cùng lớn lao mà không gì trên đời bù đắp nổi.  Mất gì người ta cũng có thể kiếm lại được và có thể tậu lại cái mới tốt hơn; còn mất mạng sống là mất tất cả và dường như chẳng còn cách nào phục hồi lại được!

Chính vì thế mà khi Lagiarô chết đi, bà con họ hàng vô cùng thương tiếc.  Cho dù Lagiarô đã an nghỉ trong mộ bốn ngày rồi mà hai người chị là Matta và Maria vẫn còn ngậm ngùi thổn thức…  Ngay cả Chúa Giêsu khi đến thăm mộ cũng không cầm được nước mắt trước cái chết của người thanh niên còn xuân trẻ nầy.

Khát vọng lớn nhất của nhân loại là khát sống.  Cho dù cuộc sống hôm nay chỉ là tạm bợ, nay có mai không, có nhiều đắng cay cơ cực, có nhiều vất vả muộn phiền, nhưng ai ai cũng khát khao được sống.

Chúa Giêsu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại.

Vậy phải tìm đâu cho có sự sống lâu bền?  Phải làm gì để biến đổi đời sống mau qua trở thành vĩnh cửu?

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta bí quyết.  Ngài tỏ cho Matta và Maria biết bí quyết nầy: “Ta là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống”.

Nếu chỉ nói suông thì lời nói đó chẳng có giá trị gì.  Điều quan trọng là lời khẳng định của Chúa Giêsu được củng cố bằng sự việc kèm theo.  Dù Lagiarô đã chết và được mai táng trong mộ bốn ngày rồi, thân xác bắt đầu sình lên và đã nặng mùi, thế mà khi Chúa Giêsu kêu gọi: “Lagiarô, hãy ra đây!” thì người chết bắt đầu vươn vai chỗi đậy, bước ra khỏi mồ theo lời Chúa truyền dạy trước sự kinh ngạc của những người chứng kiến, trước sự hoan hỉ khôn tả của thân nhân họ hàng.

Sự kiện Chúa Giêsu làm cho Lagiarô sống lại, kèm theo sự kiện chính Ngài đã tự mình sống lại sau khi đã chết trên thập giá và mai táng trong mồ… chứng tỏ rằng Ngài là Đấng hằng sống và có thể ban sự sống cho mọi người.

Hãy kết nối với Chúa Giêsu để nhận được sự sống đời đời.

Chúa Giêsu là Nguồn ban sự sống.  Muốn sống đời đời thì hãy nối kết với Chúa Giêsu.

Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện.

Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái phải được sát nhập vào thân nho.

Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể.

Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với Nguồn ban sự sống là Chúa Giêsu.

************************************

Lạy Chúa Giêsu, qua bí tích Rửa Tội, Chúa đã nối kết chúng con nên một với Chúa, để được trở thành chi thể của Chúa.

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cho chúng con được trở nên đồng huyết nhục với Chúa và từ đó, sự sống thần linh của Chúa được thông truyền cho chúng con.

Tiếc thay, khi phạm tội trọng, chúng con đã tự cắt lìa mình ra khỏi Chúa như cành nho lìa thân nho, như bàn tay bị cắt lìa khỏi cơ thể và như thế chúng con đánh mất sự sống đời đời.

Xin cho chúng con sớm giao hoà với Chúa qua bí tích Giải Tội, để được nối kết lại với Chúa và để cho sự sống thần linh của Chúa tiếp tục thông truyền cho chúng con.  Amen!

Lm Ignatiô Trần Ngà