CON CÓ UỐNG NỔI CHÉN THẦY SẮP UỐNG KHÔNG?

Thầy yêu mến;

Có một câu chuyện được kể lại trong Thánh Kinh như sau: “Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.  Người hỏi bà: “Bà muốn gì?” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong nước Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì.  Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”(Mt 20, 20-23)

Thầy kính mến!  Hơn lúc nào hết, chính lúc này đây trong tâm tình của những tuần mùa chay thánh này, con cũng đang nghe bên mình câu hỏi của Thầy Giê-su: “Con có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20, 22).  Câu hỏi đó giống như là:

Lời mời gọi bước theo dấu chân của Thầy Chí Thánh.

Mùa Chay là thời giờ mà Giáo Hội dành tặng cho con để con có thể tái khám phá khuôn mặt Đức Giê-su qua những đau khổ của anh chị em xung quanh con.  Và nhắc nhở con đứng dậy để “trở về” với tình yêu của Thiên Chúa bằng việc từ bỏ những thói hư tật xấu của bản thân và những gì có thể ngăn trở việc tiến về Chúa.  Để cho chúng con được trở nên một với Ngài.

Trước những đau khổ và phiền muộn của kiếp người, con được mời gọi dâng những “chén đắng” trong hành trình trần thế của con kết hợp với những nỗi thống khổ Chúa Giê-su đã chịu trên Thánh Giá xưa.  Để cho chúng con được trở nên một với Ngài.

Hơn thế nữa, Mùa Chay, Giáo Hội cũng dạy cho con biết: Thiên Chúa Đấng toàn năng đã chết thật vì tội lỗi của loài người thế nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết và đã trỗi dậy thật.  Ngài yêu nhân loại cho đến độ hy sinh mạng sống mình và lại còn khiêm nhường ở lại trong tấm bánh trắng nhỏ bên hòm chầu hàng ngày.  Con được mời gọi để chia sẻ “tình yêu cao vời” hơn cả trời xanh ấy với anh chị em con.  Để cho chúng con được trở nên một với Ngài.

Thầy yêu mến; Thầy mời gọi con uống chung một chén với Thầy để con có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy trong một tình yêu duy nhất.  Xin ban cho con có một Đức tin cứng cáp, lòng cậy vững vàng để con có thể trỗi dậy sau những lần gục ngã mà không để ngọn lửa Đức tin bị lụi tàn.

ZZVà… Câu trả lời của con.

Thầy kính mến; câu hỏi của Thầy sẽ mãi là câu hỏi mà cuộc hành trình trần thế của người Ki-tô hữu như con là chính câu trả lời.  Câu trả lời ấy chính là sự đáp trả lại tình yêu của Đức Giê-su bằng việc chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa với những người anh em xung quanh cuộc sống hàng ngày.  Điều đó có thể chỉ là những lời ủi an người anh em khi họ đang trong cơn đau khổ.  Cũng có thể chỉ là ngồi lắng nghe ai đó chia sẻ nỗi đau với một trái tim cảm thông và yêu mến.  Đôi khi cũng là chia san chén nước mát với người lữ khách đang khát.  Con xin nguyện làm khí cụ trong tay Ngài.

Thầy yêu mến, câu trả lời chính là sống với tâm tình tạ ơn, chia sẻ tình yêu Thầy với những người anh em nghèo khó và kể câu chuyện cổ tích tình yêu mà Giê-su đã chết trên thập giá xưa chỉ vì “yêu”.

Con DomStone

 

VÀO SA MẠC CÙNG TỔ PHỤ MÔSÊ

Mùa chay là thời điểm Thiên Chúa mời gọi chúng ta từ bỏ cuộc sống nô lệ cho tội lỗi để đi đến vùng đất tự do mà Thiên Chúa đã hứa ban.  Sa mạc là vùng đất trung gian cần vượt qua giữa 2 miền đất tội lỗi và tự do ấy.  Với ý nghĩa đó, suy niệm về cuộc ra đi 40 năm trong sa mạc của dân Do Thái ở Cựu ước sẽ giúp ta nhận ra vài ý nghĩa sâu sa của mùa chay Thánh.

Vào sa mạc, nghĩa là ta từ bỏ các lo toan cơm áo gạo tiền thường nhật quá mức, các tiện nghi vật chất của cuộc sống hiện đại và biết phó thác những lo lắng, thiếu thốn này vào tình yêu của Thiên Chúa quan phòng.  Cơm cá hàng ngày sẽ thay thế bởi manna và chim cút mà Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau sẽ ban cho con cái Ngài.  Cảm nghiệm bằng tinh thần tin tưởng tuyệt đối, hãy để Ngài cầm tay dẫn dắt, chúng ta sẽ nhận ra lòng quảng đại và tính quan phòng của Thiên Chúa.  Ở đó Ngài không chỉ tính toán cho 1, 2 ngày mà lập trình cho kế hoạch dài hạn 40 năm và hơn thế nữa.

Vào sa mạc, nghĩa là phải đối diện với một không gian rộng lớn, ở đó không thấy các con đường, phố xá quen thuộc.  Chúng ta rơi vào cảm giác bơ vơ, chông chênh, lạc lõng.  Nhưng cũng chính nơi này, Thiên Chúa lại biểu thị sự hiện diện của mình để dẫn dắt dân Ngài.  Ban ngày Thiên Chúa dẫn đường qua một cột mây, còn ban đêm là cột lửa.  Ngài là  Đấng vừa tỏ hiện vừa che dấu.

ZZVào sa mạc không chỉ để cầu nguyện mà là tiếp tục dấn bước tới đích đến là vùng đất xa mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai tin tưởng và chọn Ngài làm Cha của cơ nghiệp riêng mình.  Vùng đất mà chúng ta chưa từng chứng kiến bằng mọi giác quan, chỉ biết nơi ấy rất phù sa, màu mỡ.

Vào sa mạc không phải để đón nhận sự an bình, tự tại mà là tiếp tục một cuộc chiến đấu, chiến đấu với việc từ bỏ những nhu cầu dễ dãi của một con người và chiến đấu với cả quân thù.  Kẻ thù có thể là những phần thuộc thế giới hữu hình lẫn vô hình, những thứ gây cản trở cho chúng ta trên đường tiến về đất hứa.  Hình ảnh của Môsê và Giosuê trong cuộc chiến với người Amalếch cho chúng ta những kinh nghiệm.  Phải nỗ lực chiến đấu bằng sự cầu nguyện liên lỉ, đồng hành với ý chí tiến công của cá nhân.

Vào sa mạc, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi kí kết với Ngài một giao ước mới.  Ở đó chúng ta sẽ mãi mãi gọi Thiên Chúa là Cha duy nhất.  Muốn thế chúng ta phải tuân giữ các lề luật mà Ngài đã ban hành.  Lề luật không phải là mục đích, nó là phương tiện giúp ta không vượt khỏi ranh giới, để mối liên kết giữa con người và Thiên Chúa không bị cắt đứt.  Nhìn như thế, lề luật là ân sủng.  Thánh Phaolô nói “Cho nên Lề luật đã thành quản giáo dẫn tới Ðức Kitô, ngõ hầu ta được giải án tuyên công do đức tin.” ( Gl 3, 24).

Hành trình vào sa mạc không chỉ là 1 tuần hay 40 ngày mà là cả cuộc đời.  Trên hành trình dài như thế, bản tính yếu đuối con người lại bộc lộ.  Khi thuận lợi thì sinh kiêu căng, lúc gian nan lại trở nên hèn yếu.  Và tại những thời khắc nhất định, con người dễ rơi vào trạng thái phản Thầy (dựng và thờ thần khác: thần Ba-an), nổi loạn và vô ơn.  Lúc đó Thiên Chúa nổi giận và trừng phạt.  Để được ơn tha thứ, con người hãy ngước nhìn lên Thánh giá.  Chính Đức Giêsu đã chịu chết để trở thành phương thế cứu độ cho loài người.

Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con lòng dũng cảm để luôn kiên trung bước đi trong sa mạc, nghĩa là chọn con đường thánh giá, để  tiến về miền đất mà Chúa đã hứa ban cho những ai biết trung thành với Ngài.

Gia Tuấn Anh

NGỌN ĐÈN ĐỨC TIN

ZZTa nhìn thấy được là nhờ có ánh sáng.  Đôi mắt là ánh sáng của thân thể.  Nếu mắt hư hỏng, thì dù bên ngoài trời có sáng trưng, ta vẫn không thấy gì hết. Người bị hư mắt sống hoàn toàn trong đêm tối.

Có nhiều thứ đêm tối.  Cũng như có nhiều loại mắt.

  • Có thứ đêm tối u mê dốt nát.  Ánh sáng văn hoá có đó.  Sách vở chữ nghĩa có đó.  Nhưng ta không đọc được.  Vì ta mù chữ. T rí tuệ ta thiếu đôi mắt.  Nên ta chìm trong đêm tối u mê.
  • Có thứ đêm tối phàm phu.  Thiên nhiên có biết bao cảnh đẹp.  Nhìn cảnh hoàng hôn, bình minh, người họa sĩ có thể xúc cảm vẽ nên những bức tranh tuyệt tác.  Ta không cảm được vẻ đẹp của đất trời vì ta không có cặp mắt họa sĩ.  Nghe chim ca, nhìn lá rụng, thi sĩ có thể viết nên những vần thơ.  Còn ta, ta không nghe được sứ điệp của chim, không cảm được nỗi buồn của lá, vì ta không có tâm hồn, ánh mắt nhạy cảm của nhà thơ.
  • Có thứ đêm tối đức tin.  Cuộc sống thần linh có đó.  Thiên Chúa hiện hữu đó.  Nhưng ta không thấy được nếu ta không có đức tin.

Đức tin là ánh sáng soi rọi vào thế giới vô hình, cho ta thấy được những điều mà người không tin không thấy.  Đức tin là ngọn đèn soi cho ta bước đi trên con đường tiến về cuộc sống vĩnh cửu.  Ngọn đèn ấy chỉ đủ sáng cho ta bước từng bước nhỏ.  Trong khi bầu trời vẫn tối đen để ta phải phó thác tin yêu.

  • Tin là một thái độ dấn thân.  Người mù đi ra giếng Silôê rửa theo lời dạy của Chúa Giêsu vì anh tin.  Anh có thể nghi ngờ: Rửa nước giếng có gì tốt đâu?  Nhưng anh đã đi vì anh tin lời Chúa.  Tin rồi anh không ngồi lì một chỗ nhưng dấn thân, lên đường và hành động theo lời Chúa dạy.
  • Tin là một hành trình ngày càng gian khổ.  Đức tin cần phải có thử thách.  Thử thách như những bài học ngày càng cao, càng khó bắt người tin phải có thái độ lựa chọn ngày càng dứt khoát hơn.  Ta hãy dõi theo hành trình của anh thanh niên bị mù.

Thoạt tiên, việc dẫn thân của anh khá dễ dàng.  Anh chỉ việc đi ra giếng Silôê rửa bùn đất mà Chúa Giêsu đã đắp lên mắt anh.  Kế đó anh phải đối phó với một tình hình phức tạp hơn:  Người ta nghi ngờ anh.  Người ta tò mò xoi mói anh.  Nhưng anh đã vững vàng vượt qua thử thách đó.  Anh dõng dạc tuyên bố:  Chính tôi là người mù đã ăn xin tại cổng thành.

Tình hình phức tạp hơn khi gia đình anh tỏ ra thờ ơ lãnh đạm.  Anh khá đau lòng và cảm thấy cô đơn.  Anh được sáng mắt.  Anh có niềm tin.  Đó là một biến cố quan trọng thay đổi toàn bộ đời anh. Thế mà những người thân thiết nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình vẫn thờ ơ, lãnh đạm.  Để vững niềm tin vào Chúa, anh đành chấp nhận hành trình đơn độc.  Vì tin Chúa anh đành cam chịu sự thờ ơ lãnh đạm của những người thân.  Trung thành với niềm tin đã làm trái tim anh rướm máu.

Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi anh phải đối đầu với quyền lực tôn giáo.  Họ mạt sát anh là sinh ra trong tội lỗi.  Họ tố cáo Chúa Giêsu đã lỗi phạm luật nghỉ ngày Sabbat.  Và sau cùng, họ khai trừ anh khỏi hội đường.  Đây là hình phạt nặng nề nhục nhã nhất đối với người Do Thái.  Bị gia đình từ bỏ.  Giờ đây lại bị xã hội chối từ.  Anh trở thành người cô đơn nhất.  Đây là thử thách lớn lao nhất. Nhưng anh vẫn vững vàng vượt qua.  Lựa chọn của anh giờ đây là dứt khoát.  Mất tất cả chỉ để trung tín với niềm tin của mình.

Đúng lúc đau đớn nhất Chúa Giêsu lại xuất hiện.  Như để khen thưởng cho đức tin kiên vững của anh.  Chúa Giêsu tỏ cho anh biết Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa.  Lập tức anh quỳ sấp mặt xuống thờ lạy Người.  Hành trình niềm tin gian khổ thế là chấm dứt.  Anh đã gặp được Chúa Kitô.

Như thế niềm tin tăng dần theo với thử thách.  Thử thách càng cao, đức tin càng mạnh.  Thoạt tiên, anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: “Một người tên là Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi”.  Những câu hỏi của đám đông, những tra vấn của Pharisêu khiến anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng: “Ngài thật là vị tiên tri”.  Khó khăn bắt bớ của giới chức tôn giáo thời đó lại khiến anh khẳng định: “Người từ Thiên Chúa mà đến”.  Và sau cùng anh đã nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Đức tin giống như hạt ngọc bị lớp đất bụi che phủ.  Những khó khăn thử thách giống như chiếc dũa, dũa sạch bụi đá.  Càng dũa nhiều, ngọc càng sáng.  Đức tin giống như ngọn đèn.  Thử thách gian khổ là dầu.  Càng có nhiều dầu gian khổ, đèn đức tin càng toả sáng, càng toả nóng.

Hành trình đức tin của anh thanh niên mù chính là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của mỗi người chúng ta.  Anh thanh niên mù đã chiến đấu với những bóng tối vây phủ đức tin của anh.  Anh đã kiên trì và đã chiến thắng.  Anh đã ra khỏi tối tăm, gặp được Chúa Kitô nguồn ánh sáng.  Đời anh từ nay tràn ngập ánh sáng niềm tin.  Còn tôi, tôi đã chiến đấu thế nào với những thế lực bóng tối đe dọa đức tin của tôi?  Những bóng tối nghi kỵ, những bóng tối thù hận, những bóng tối độc ác, những bóng tối tự mãn kiêu căng, những bóng tối dục vọng tội lỗi.  Tôi có can đảm chiến đấu để phá tan những bóng tối đó không?

Anh thanh niên mù đã giữ ngọn đèn đức tin khỏi mọi bão gió, lại còn đổ dầu đầy bình, giữ cho đèn cháy sáng cho đến khi gặp Chúa Kitô.  Ngày Rửa Tội, Chúa đã trao cho tôi ngọn đèn đức tin.  Biết bao ngọn gió đã thổi ngang đời tôi, muốn dập tắt ngọn đèn đức tin của tôi.  Liệu tôi có giữ được ngọn đèn đức tin cháy sáng cho đến ngày ra gặp mặt Chúa?

Mùa Chay chính là cơ hội cho tôi khêu ngọn đèn đức tin cho sáng, đổ dầu đầy bình cho ngọn đèn đức tin cháy mãi.  Dầu, đó là sự ăn chay, cầu nguyện, là thống hối, là hoà giải, là chia sẻ cho người túng thiếu.  Xin Chúa Kitô là ánh sáng trần gian dẫn con đi suốt hành trình đức tin để con thoát mọi bóng tối, đến gặp Người là ánh sáng tinh tuyền, ánh sáng vĩnh cửu.

TGM Ngô Quang Kiệt

TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ

Đúng 9 tháng trước lễ Sinh nhật là lễ Truyền tin cho Đức Mẹ (25-3/25-12).

Truyền tin là biến cố hết sức quan trọng.  Nếu không có biến cố Truyền tin, thì cũng sẽ không có biến cố Sinh nhật, Phục sinh.

Hội Thánh mừng biến cố truyền tin bằng thánh lễ trọng thể, với phụng vụ phong phú.  Nhiều lời cầu nguyện.  Nhiều đoạn Thánh Kinh.  Nhiều bài giảng dạy.  Nhiều cuộc tĩnh tâm, hội thảo và thánh ca.

Những người con bé nhỏ của Đức Mẹ sẽ không bỏ qua lễ trọng này.  Họ mừng lễ với tất cả tấm lòng bé nhỏ.  Chia sẻ tấm lòng bé nhỏ của mình về Mẹ của mình cũng là một cách mừng lễ.  Dưới đây là ZZmột thứ chia sẻ.

Trong biến cố truyền tin, Đức Mẹ bỗng chốc trở nên khác thường.

1/ Mẹ là một tình yêu dâng hiến

Đức Tổng lãnh thiên thần Gabriel chào kính Đức Mẹ bằng một lời hết sức mới lạ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28).

Thế nào là đầy ân sủng?  Và thế nào là Thiên Chúa ở cùng bà?  Thiết tưởng sẽ không sai, nếu có ai hiểu đầy ân sủng là đầy tình yêu của Chúa.  Nhất là khi lại thêm: Thiên Chúa ở cùng bà, mà “Thiên Chúa chính là tình yêu” (1 Ga 4, 8).

Tin vui đầu tiên, mà Đức Mẹ nhận được từ Đức Tổng Lãnh thiên thần là: Đức Mẹ được Chúa chia sẻ chính sự sống của Người là tình yêu của Người cho Đức Mẹ.

Tin đó không phải là lời chào chúc, mà chính là một chứng thực.  Thực Thiên Chúa tình yêu đang ở trong Đức Mẹ.  Thực Đức Mẹ đang được đón nhận một nguồn tình yêu lạ từ Thiên Chúa.

Đức Mẹ không những tin, mà còn cảm được mình đã thuộc về Chúa.  Tình yêu Chúa bao phủ Mẹ.  Tình yêu Chúa biến đổi Mẹ.  Mẹ trở nên một tình yêu từ Thiên Chúa tình yêu.

Tin ấy được cảm nhận như một cái nhìn mới, đem lại hạnh phúc ngập tràn.  Bên cạnh hạnh phúc sâu xa, cái nhìn mới ấy cũng cho Đức Mẹ hiểu những đặc tính của tình yêu Thiên Chúa.

Những gì mà thánh Phaolô sau này mô tả trong “Bài ca đức mến” chắc cũng đã được Chúa cho Đức Mẹ thấy một cách nào đó, ngay lúc Mẹ được trở nên một tình yêu tuyệt vời của Chúa.

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu… hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 4-7).

Đặc biệt, những dâng hiến đến cùng, mà sau này Chúa Giêsu sẽ thực hiện, chắc cũng được Chúa cho Đức Mẹ thấy trước.

Như vậy, tình yêu nơi Đức Mẹ trong biến cố truyền tin là một tình yêu dâng hiến.  Dâng hiến như Chúa Giêsu dâng hiến.  Vì mến Chúa Cha và vì thương nhân loại.

Nhận thức đó không làm cho Đức Mẹ tự hào chút nào.  Trái lại, nó đã làm cho Đức Mẹ nên khiêm nhường tự hạ.

2/ Đức Mẹ là một tình yêu khiêm hạ

Sự khiêm nhường của Đức Mẹ được diễn tả vắn tắt bằng câu trả lời: “Xin vâng, này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38).

Lời “xin vâng” lúc đó của Đức Mẹ mở đường cho cả một cuộc đời đầy những từ bỏ.  Một phần nào đó, Đức Mẹ biết trước những đau đớn về các từ bỏ của Chúa Giêsu trên đường cứu độ.

Thánh Phaolô viết về Chúa Cứu Thế: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.  Nhưng đã hoàn toàn từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,6-8).

Tinh thần khiêm hạ đã luôn đi kèm tình yêu dâng hiến.  Nơi Chúa Giêsu là thế.  Nơi Đức Mẹ cũng vậy. Sự khiêm nhường tự hạ làm đẹp cho việc dâng hiến.  Hơn thế nữa, nó còn có giá trị cứu chuộc các linh hồn.

Dâng hiến mà không khiêm nhường tự hạ có thể được người đời cho là việc anh hùng, nhưng không có thể được Chúa cho là việc đạo đức có giá trị cứu rỗi.

Nhìn ngắm tình yêu dâng hiến đầy khiêm nhường tự hạ nơi Đức Mẹ, những người con bé nhỏ của Đức Mẹ sẽ rất hân hoan vì những bé nhỏ thấp hèn của mình.

3/ Một tình yêu phục vụ

Ngay sau biến cố truyền tin, Đức Mẹ “đã vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1,39).  Mục đích là để viếng thăm bà Êlisabét.  Cuộc viếng thăm này đã được Chúa dùng để thánh hoá thai nhi trong lòng bà Êlisabét.  Thai nhi đó chính là thánh Gioan Baotixita (x. Lc 1, 41-45).

Tình yêu Chúa trong Đức Mẹ đã thúc đẩy Đức Mẹ lên đường phục vụ.  Phục vụ kín đáo.  Phục vụ cá nhân.  Nhưng phục vụ đó đã được thực hiện trong tinh thần vâng theo thánh ý Chúa.  Đức Mẹ đã làm một việc bác ái với đúng những điều kiện của phục vụ.  Đó là làm đúng việc, cho đúng đối tượng, đúng lúc, đúng cách mà Chúa muốn.

Phục vụ như thế của Đức Mẹ sẽ được Đức Mẹ thực hiện suốt cuộc đời mình.

Qua việc phục vụ ấy, người ta nhìn thấy một tấm lòng bao la cao cả, và cảm nhận được một tình yêu nhưng không vô bờ.

*******************************************

Chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa đã chọn Đức Mẹ để mạc khải tình yêu cứu độ.

Đức Mẹ là một bản tin ngọt ngào của Chúa.

Chúng ta vui mừng vì được là con Đức Mẹ.  Cho dù chúng ta rất thấp hèn, rất yếu đuối, nhưng chúng ta tin:  Đức Mẹ sẽ thương giúp chúng ta luôn biết đón nhận Thiên Chúa tình yêu.

Chúng ta hy vọng Đức Mẹ sẽ đồng hành với chúng ta mọi bước trên đường làm chứng cho Chúa giàu lòng thương xót.

Chúng ta sẽ ca ngợi Chúa đã thực hiện nơi Đức Mẹ lời Chúa phán xưa: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18, 14).

ĐGM JB Bùi Tuần

XIN ƠN SỐNG MÙA CHAY

ZZMùa Phụng Vụ lại dẫn chúng ta đến một tâm tình khác, mùa có chút bi thương buồn bã hơn, nhưng lại là mùa chuẩn bị cho chúng ta đón nhận một món quà thật to lớn từ Thiên Chúa. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Việc Ngài trở nên đồng hóa với con người đã là một dấu chỉ vô cùng to lớn cho tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Thế nhưng, ngay từ khi Người giáng thế, đã có biết bao dấu chỉ xảy đến gợi nhắc chúng ta về một sự hy sinh khác cao cả và vô cùng ý nghĩa mà Ngài sẽ tiếp tục thực hiện vì ơn cứu độ cho toàn thể con người. Từ Đông Phương xa xôi, các đạo sĩ lần theo ánh sao đêm để triều yết Hài Nhi.  Trong số những món quà họ mang theo để biếu Người, có nhũ hương và mộc dược, thứ dùng để ướp xác người chết.  Khi Ngài chịu phép cắt bì, ông Simêon đã nói về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Maria.  Biến cố lạc mất Giêsu trong Đền Thờ năm 12 tuổi cũng nói về một cuộc chia ly nào đấy sẽ đến về sau.  Khi khởi sự sứ vụ công khai, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Giêsu như là “con chiên của Thiên Chúa”, một con vật bị đem đi sát tế để đền tội cho muôn người.  Đỉnh cao của công cuộc cứu thế được thực hiện nơi Đức Giêsu là cái chết của Người.  Nhưng đấy không phải là một cái chết bình thường.  Ngoài những hàm oan và đau đớn, vốn là cái bề ngoài mà ta có thể thấy được nơi sự hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá, cuộc Tử Nạn của Đấng Cứu Thế còn mang một ý nghĩa thiêng liêng cao vời, mà trong mùa Chay này, chúng ta được mời gọi để trầm mình chiêm ngắm.

Mùa Chay là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về tình yêu, một tình yêu đích thực, trong suốt nhưng cũng có phần lạ kỳ nhất trong lịch sử nhân loại: tình yêu của Thiên Chúa dành cho từng người tội nhân chúng ta.  Vì yêu thương chúng ta, vinh quanh lẫy lừng của một Thiên Chúa, Giêsu cũng chẳng màng chi đến.  Ngài chấp nhận bị nộp vào tay người đời, bị xem là đồ bị nguyền rủa và xấu xa. Ngài đến để thi ân giáng phúc cho người ta, nhưng chính Ngài lại bị chính những người mình yêu bội phản và giết chết.  Ấy vậy mà Ngài không hề buông ra một lời phản kháng; trái lại, còn an ủi, còn nói lời thứ tha.  Khi yêu, người ta chẳng màng chi đến mình nữa!  Tất cả những gì người ta làm chỉ nhắm đến hạnh phúc và tương lai tươi sáng của người mình yêu.  Giêsu đã yêu mà không hề chiếm giữ, yêu mà vẫn tôn trọng tự do.  Ngài chỉ mong chờ, chứ không bắt buộc người mình yêu phải yêu mình như thế.  Chúng ta có cảm nghiệm được tình yêu này của Giêsu trong cuộc đời mình không?

Mùa Chay cũng là mùa chúng ta được mời gọi để suy nghĩ về vinh quang thập giá của người môn đệ Chúa.  Nếu như người đời vẫn quan niệm vinh quang là có thật nhiều của cải và quyền lực, được người khác tâng bốc và tung hô, có thể sai khiến được nhiều người, thì vinh quang của chúng ta – những người môn đệ Chúa – là lấy phục vụ làm đầu, là dành phần hơn cho người khác, lãnh phần thiệt hại về phía mình.  Vinh quang của thập giá không phải cố chiếm vị trí trọng tâm để người khác hướng về mình với sự ngưỡng mộ, nhưng là âm thầm rút về đằng sau, hy sinh mà không đòi đền đáp, cho đi mà chẳng mong đáp đền.  Vinh quang của thập giá hệ ở tình yêu và lấy sự tha thứ làm phương dược xoa dịu đi tất cả những oán hờn căm phẫn, những ác độc mưu toan.  Ai trong chúng ta cũng mong muốn mình làm lớn, chẳng ai thích cúi mình, thích phục vụ.  Người nào có thể quên đi lợi ích của mình vì người khác, ấy mới thật sự là một con người dũng mãnh và phi thường.  Sẽ dễ hơn cho chúng ta để sống một cuộc đời hưởng thụ.  Nhưng nếu chúng ta dám sống hai chữ “hy sinh”, ta mới thật sự là người đáng hưởng phúc lộc “vinh quang”.  Chúng ta đang tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa hay vinh quang của người đời? Có bao giờ ta xác tín rằng “vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô” chưa?

Thời gian mùa Chay cũng mời gọi chúng ta hãy nhớ đến thân phận tro bụi của mình, nhớ đến cái kết cục thảm khốc mà ai cũng phải tiến đến là cái chết, nhớ đến những ảo tưởng và phù hoa mà tiền tài và danh vọng ở thế gian này bày vẽ trước mặt ta.  Hãy suy nghĩ về cái chóng qua của một kiếp con người, cũng tựa như những cánh hoa tươi trong vườn.  Một thời hoa cũng thơm hương, gọi mời ong bướm muôn phương, nhưng rồi cũng có ngày hoa trở nên xơ xác.  Cao sang mấy, danh vọng mấy, rồi có ngày chúng cũng sẽ trôi tuột khỏi bàn tay ta.  Ta được mời gọi để hướng đến một điều gì đó bền vững hơn, chắc chắn hơn, một tài sản cao quý hơn trên Nước Thiên Đàng.  Ta hãy tìm cách tích trữ của cải ấy qua đời sống cầu nguyện, qua những việc hy sinh và qua những việc bác ái.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn cho chúng ta, giúp chúng ta có được một sự chuẩn bị thật chu đáo trong mùa chay thánh này, để có thể đón chờ hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

http://dongten.net

NHỊP CẦU THIÊNG LIÊNG

Từ khi cầu Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, con đường về miền Tây như ngắn lại, đôi bờ sông Tiền gần gũi nhau hơn.  Đời sống thần linh và đời sống phàm trần cũng như hai bờ sông cách xa vời vợi.  Cần có những nhịp cầu nối liền dòng sông thiêng liêng giúp con người đi về gặp gỡ Thiên Chúa.

Hôm nay, khi mở đầu câu chuyện với người phụ nữ Samaria, Đức Giêsu đã bắc những nhịp cầu nối liền dòng sông ngăn cách.  Thái độ gần gũi của Người là nhịp cầu xoá đi biên giới ngăn cách chủng tộc, tôn giáo.  Lời Người chính là nhịp cầu dẫn vào đời sống thần linh.

Đức Giêsu gặp người phụ nữ bên bờ giếng nước.  Người phụ nữ nhìn Đức Giêsu bằng ánh mắt khinh miệt.  Dưới mắt chị, đó chỉ là một gã Do Thái bẩn thỉu.  Còn tệ hơn thế, anh chàng Do Thái này nghèo mạt rệp, đang đói khát, mệt mỏi rã rời, chỉ chờ chực xin ăn, xin uống.  Chị hợm mình, vì chị có tất cả.  Chị có giếng nước của tổ tiên.  Đối với người Sêmít, có nước là có tất cả.  Ở giữa vùng sa mạc mênh mông, nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống.  Vì nhờ có nước, cây cỏ mọc lên xanh tươi, gia súc có lương thực, con người mới sống được.  Ai chiếm được nguồn nước, người ấy lập tức trở nên giàu có.

ZZNgười phụ nữ có giếng nước, có cả bình múc nước.  Chị còn có gia đình.  Chị còn có đền thờ vững chắc xây dựng trên núi Garidim, trách nào chị chẳng hợm mình.

Nhưng Đức Giêsu đã phá tan sự an thân giả tạo của chị.  Người cho chị thấy giếng nước của chị chỉ là phù du, vì giếng nước ấy không cho nước hằng sống.  Người cho chị thấy hạnh phúc gia đình mà chị đang có chỉ là hư ảo, vì hạnh phúc ấy xây dựng trên chỉ một mối duyên hờ.  Người cho chị thấy niềm tin của chị vào đền thờ chỉ là ngụy tín, vì đền thờ chỉ là gạch đá vô hồn, không có Chúa ngự bên trong.

Trong phút chốc, chị trở nên thật nghèo nàn.  Trước kia chị tưởng mình có tất cả.  Nay chị thấy mình trắng tay.  Trước kia chị tưởng mình giàu có.  Nay chị nhận thức rõ mình thật nghèo nàn.  Bóc đi tất cả những lớp vỏ phù du bọt bèo, chị thấy mình trơ trụi, khốn cùng.  Nhưng từ đáy vực khốn cùng ấy một niềm tin nhen nhúm, một mạch suối trào dâng.

Chị chợt tỉnh ngộ.  Những thứ mà trước kia chị tưởng là thành lũy che chở cuộc đời, hoá ra chỉ là những tảng đá ngăn chặn nguồn suối.  Tháo gỡ đá đi rồi, mạch suối dào dạt trào tuôn.

Những thứ mà trước kia chị tưởng là nơi nương tựa êm ấm, hoá ra chỉ là tổ kén giam kín đời sâu. Trút bỏ được lớp vỏ xù xì cũ kỹ, sâu nay hóa bướm đẹp lộng lẫy, tự do bay tung tăng khắp chốn.

Thì ra, của cải, dục vọng, tôn giáo vụ hình thức là những tấm màn che mắt, không cho chị nhận ra Đấng Cứu Thế.  Ta hãy trở lại phút đầu tiên, khi Đức Giêsu ngỏ lời xin nước.  Lúc đó, bị các tấm màn che mắt, chị chỉ thấy một anh chàng Do Thái xấu xa, đói rách: “Ông là Do Thái mà lại xin nước tôi ư?”  Nhưng Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén, phá tan màn mây mù che mắt chị.  Nhát gươm thứ nhất vung lên, một mảnh vảy mắt rơi xuống.  Chị nhìn ra người đối diện “cao cả hơn tổ phụ Giacóp.”  Nhát gươm thứ hai vung lên, một mảnh vảy nữa rơi xuống.  Chị nhận ra Người là “một tiên tri”.  Một nhát nữa vung lên, mảnh vảy cuối cùng rơi xuống.  Chị nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.  Và chị tin vào Người.

Niềm tin trào dâng.  Hạnh phúc trào dâng.  Chị quên cả múc nước, quên cả bình, chạy về làng báo tin vui.

Chị để quên chiếc bình, vì chiếc bình từ nay trở nên vô dụng.  Cùng với chiếc bình, chị bỏ lại cả giếng nước, cả người chồng hờ, cả ngôi đền thờ trống rỗng.

Lời Chúa như lưỡi gươm sắc bén chẻ đôi đời chị.  Mảnh đời cũ để lại bên giếng, kho tàng của trần gian.  Mảnh đời mới ngụp lặn trong dòng suối đức tin, kho tàng thiên quốc.

Lời Chúa là ngọn đèn soi đường.  Nên chị bước đi những bước lẹ làng, vững chắc hướng về sự sống mới.

Lời Chúa là chiếc cầu đưa chị vào đời sống thần linh.  Chị bỏ lại bên này cầu chiếc bình múc nước, vì bên kia cầu chị đã có mạch nước trường sinh.  Chị bỏ lại bên này cầu mối duyên hờ, vì bên kia cầu chị đã găp được tình yêu đích thực.  Chị bỏ lại bên này cầu ngôi đền thờ trống rỗng, vì bên kia cầu chị gặp được Đấng chị phải tôn thờ trong tinh thần và chân lý.  Chị như cánh đại bàng bay bổng trên trời cao với những đường bay rất đẹp.

Về đại bàng, Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện rất sâu sắc.  Một người nông dân vào rừng, lượm được một trứng đại bàng.  Anh đem về cho ấp chung với trứng gà.  Ít lâu sau đại bàng nở ra cùng lũ gà con.  Nó cứ tưởng mình là gà.  Suốt ngày theo gà mẹ bới đất mổ sâu.  Nó cứ sống kiếp gà như thế cho đến lúc già.  Một hôm nó thấy trên trời xanh một con chim lớn khủng khiếp, cánh giang rộng như che kín cả bầu trời.  Con chim bay thật cao và có những đường lượn thật là đẹp đẽ.  Đại bàng ta kinh khiếp hỏi bác gà trống: “con gì mà khủng khiếp quá nhỉ”. “Đó là đại bàng.  Đại bàng thuộc về trời cao.  Chúng ta thuộc về đất thấp.  Chúng ta chỉ là gà”.  Đại bàng cứ sống kiếp gà như thế cho đến chết.

Người phụ nữ là cánh đại bàng.  Chị đã trút bỏ mọi gánh nặng kéo trì đôi cánh, nên chị bay vút lên cao.  Còn ta vẫn chỉ là loài gà.  Ta vẫn còn bên này cầu.  Những gì người phụ nữ bỏ lại, ta ôm lấy mang về.  Ta vẫn còn ôm ấp những giấc mơ trần tục.  Của cải, dục vọng vẫn là những tảng đá ngăn chặn dòng nước đức tin.  Những ngụy tín, những ảo tưởng, những thứ đạo đức hình thức, giả hiệu vẫn còn che chắn không cho ta nhận biết chính mình.  Và vì thế ta không bao giờ gặp được Chúa.

Xin lời Chúa như lưỡi gươm tách bạch trắng đen, để ta dứt lìa tội lỗi, thoát khỏi thói an tâm giả tạo, thói đạo đức hình thức.  Xin lời Chúa tháo đi những tảng đá trì trệ, để dòng suối tin yêu khai thông, để nước mắt sám hối tuôn trào rửa sạch hồn ta.  Và để tình yêu bừng nở đem cho ta hạnh phúc chân thật.

TGM Ngô Quang Kiệt

THÁNH GIUSE THINH LẶNG

ZZĐọc Phúc Âm để tìm hiểu thánh Giuse, tôi thấy một bầu khí âm thầm bao phủ Ngài.  Có một chọn lựa khiêm nhường trong bầu khí đó.  Khiêm nhường ấy đầy khó nghèo và khôn ngoan.

Ngắm nhìn các ảnh tượng thánh Giuse, tôi thấy lòng sùng kính các nơi dành cho thánh Giuse thực rất phong phú và đa dạng.

Nhưng năng lui tới thánh Giuse trong đời sống hằng ngày, nhất là qua các giờ phút cầu nguyện, gẫm suy, tôi thấy thánh Giuse rất gần gũi, rất sống động, nhất là rất dễ thương.  Có một điểm dễ thương nơi Ngài đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, đó là sự thinh lặng của Ngài.

Sự thinh lặng của Ngài là trường dạy tôi về tu đức, mục vụ và truyền giáo.  Tôi gọi đây là sự thinh lặng thánh.  Bởi vì không phải thinh lặng nào cũng tốt cả.  Ai cũng biết có vô số thứ thinh lặng tiêu cực. Như thinh lặng vì kiêu căng.  Thinh lặng vì lập dị.  Thinh lặng vì dốt nát.  Thinh lặng vì sợ sệt.  Thinh lặng vì bất cần.  Thinh lặng vì dửng dưng.  Thinh lặng vì hờn giận.  Thinh lặng vì ích kỷ vv… Trái lại, sự thinh lặng của thánh Giuse là một hoạt động thường xuyên tích cực.

  1. Trước hết sự thinh lặng của thánh Giuse tích cực ở chỗ Ngài luôn vâng phục đức tin.

Ngài tin con trẻ mà thiên thần báo mộng sẽ sinh ra bởi Đức Maria, đúng thực là “Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23).  Cho dù gặp muôn vàn thử thách, Ngài vẫn vững tin: Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta đó chính là Con Thiên Chúa giáng trần.  Con trẻ đó chính là Đấng cứu thế.

Ngài tin Thiên Chúa thương yêu Ngài một cách hết sức đặc biệt.  Ngài biết tình thương đặc biệt Chúa dành cho Ngài là hoàn toàn nhưng không, chứ không phải do công phúc nào của Ngài.

Ngài tin vào sứ vụ Chúa trao phó cho Ngài là vô cùng lớn lao.  Sứ vụ đó là bảo vệ Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu.  Ngài biết Chúa Giêsu sẽ làm chuyện lớn, nhưng bề ngoài chưa thấy có gì là lớn.  Thực nhiệm mầu.  Ngài chỉ biết tin.  Ngài chưa hiểu hết.  Nhưng không thắc mắc.  Một sự kín đáo trong niềm tin đầy khiêm tốn, với nhận thức sâu sắc về tình trạng khó nghèo, bất xứng của mình, đó là một sự thinh lặng đáng kính phục.

Bảo vệ Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong hoàn cảnh thời đó nơi đó đầy khó khăn là một trách nhiệm rất nặng nề, đòi nhiều khôn ngoan sáng suốt và đức tin vững vàng.  Ngài đã tin vững vàng và khôn ngoan sáng suốt trong thinh lặng.  Thinh lặng đó không phải vì sợ.  Nhưng vì vâng phục đức tin.

Tin Mừng là một mầu nhiệm “vốn được giữ kín từ ngàn xưa” (Rm 16, 25) sẽ được biểu lộ, sẽ được thông báo cách nào, lúc nào, bởi ai, cho ai, thì phải tuỳ ở Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí mà thôi.  Chúa muốn như vậy (Rm 16, 27).

Tôi thiết nghĩ thánh Giuse đã có đức tin như thế, và đã vâng phục đức tin đó.  Vì thế mà Ngài khiêm tốn thinh lặng, Ngài tin rằng: Sứ mạng Chúa trao cho Ngài không phải là loan báo, mà là bảo vệ và giữ kín.

  1. Ngoài ra, sự thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực ở chỗ Ngài được âm thầm đào tạo để có một sự tự do mới.

Đọc Sách Thánh và chuyện các thánh, tôi thấy Thiên Chúa có một lối đào tạo độc đáo đối với các người của Ngài.  Khi Thiên Chúa tính chuyện trao cho ai một sứ mệnh khó khăn, Ngài thường đưa họ vào sa mạc.  Hoặc sa mạc địa lý là nơi vốn thanh vắng.  Hoặc sa mạc tâm hồn là nơi phải thinh lặng.

  • Ông Môisen vào sa mạc Madian.
  • Thánh Gioan tiền hô vào sa mạc Giuđê.
  • Thánh Phaolô vào sa mạc Syria.
  • Thánh Benedictô lên núi Subiacô.
  • Thánh Phanxicô khó khăn vào hang Assisi.
  • Chính Chúa Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày.

Đối với thánh Giuse, sa mạc là tâm hồn thinh lặng của Ngài.  Trong sự thinh lặng của sa mạc tâm hồn, Chúa đào tạo cho Ngài có một sự tự do mới.  Đó là một sự tự do biết chọn Chúa là tất cả, chọn ý Chúa là trên hết.  Một sự tự do sẵn sàng dứt bỏ ý riêng, để mau lẹ thực thi ý Chúa.

Đọc Phúc Âm, tôi gặp thấy một cách nói hay được dùng, khi thuật lại việc phục vụ của thánh Giuse, để vâng phục ý Chúa.  Cách nói đó là sẵn sàng và mau lẹ.  Ngài sẵn sàng đón Maria về nhà mình (Mt 1,24).  Ngài mau lẹ đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2,14).  Ngài liền vội vã chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel (Mt 2,21).  Những thái độ đó, được sự thinh lặng đào tạo, chứng tỏ thánh Giuse có một tâm hồn rất tự do.  Không phải tự do đối với của cải và ý riêng, mà là tự do cho Chúa và cho những việc Chúa muốn.

Tôi có cảm tưởng là Chúa đôi khi cũng muốn bản thân tôi và những người thuộc về Ngài, phải bắt chước thánh Giuse xưa, có lúc phải vào sa mạc mà tế lễ Chúa.  Tế lễ trong sa mạc là tế lễ trong tình trạng rất thiếu thốn: Không có nhà thờ, bàn thờ, đồ thờ.  Không có những trang trọng vật chất.  Không có cả những nhân đức cần có.  Chỉ còn tập trung vào một mình Chúa đầy tình yêu thương xót.  Chỉ còn chính bản thân mình là của lễ mà thôi.  Thiếu tất cả, nhưng được tất cả.  Chỉ còn thinh lặng tôn thờ và vâng phục với lửa thiêng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình như tia hy vọng.  Sẽ rất nghèo, nhưng cũng rất vui mừng.  Vì thấy mình được thông công vào việc Chúa cứu độ.

  1. Sau cùng, tôi thấy thinh lặng của thánh Giuse là rất tích cực trong sự hiện diện phong phú của Ngài giữa đời.

Kinh nghiệm cho thấy: Nhiều khi sự hiện diện thinh lặng vẫn có sức gây được cảm tưởng tốt về Tin Mừng, hơn một sự hiện diện nhiều lời.  Nhất là khi sự hiện diện đó có Chúa ở cùng.  Tôi có cảm tưởng là thời nay tại Việt Nam này, dân chúng vẫn trân trọng và khát khao những người, tuy không nói, nhưng toả ra được ánh sáng tâm linh, lửa thiêng tâm hồn, hương thơm từ những giá trị nội tâm.  Họ thinh lặng nhưng có chiều sâu tâm hồn, biết phân định, biết phấn đấu, biết sắp xếp, biết thanh luyện, biết ý tứ, biết tế nhị.

Điều đó không có nghĩa là thinh lặng luôn luôn có giá trị hơn nói.  Tôi thiết nghĩ chọn thinh lặng hay chọn nói là một chọn lựa tùy ơn gọi.  Các ơn gọi và các ơn thánh rất khác nhau.  Con đường tốt hơn ta nên chọn là con đường mà sứ vụ Chúa trao cho ta, con đường mà hoàn cảnh chỉ cho ta, con đường mà ta thấy thích hợp cho tính tình và khả năng của ta, con đường mà ta cho rằng có thể thực hiện tốt hơn việc mến Chúa yêu người trong những hoàn cảnh cụ thể, đúng với yêu cầu của thời điểm.

Xin thánh Giuse cho tôi và mọi người chúng ta

  • biết thinh lặng hơn để nghe ý Chúa,
  • biết thinh lặng hơn để suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi,
  • biết thinh lặng hơn để đón nhận ơn cứu độ,
  • biết thinh lặng hơn để cộng tác vào chương trình cứu độ,
  • biết thinh lặng hơn để khám phá ra những kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang làm trong các linh hồn,
  • biết thinh lặng hơn, để đón nhận những bất ngờ Chúa gởi đến với đức tin sáng suốt.

Hình như nhiều linh hồn đang được ơn ấy . Họ là những người đơn sơ tỉnh thức và thinh lặng như thánh Giuse.  Họ đang thinh lặng gieo rắc hạt giống Tin Mừng giữa xã hội Việt Nam hôm nay.

ĐGM Bùi Tuần

Ý NGHĨA CỦA CHAY TỊNH TRONG KITÔ GIÁO

z4Thực hành khổ chế nói chung và ăn chay nói riêng không phải là độc quyền của Kitô giáo, ngay từ thời xa xưa, người ta đã tìm thấy sự khổ chế và chay tịnh trong tất cả mọi tôn giáo và mọi môn phái thần bí.

Khổ chế bên ngoài Kitô giáo thường được xây dựng trên một quan niệm nhị nguyên nơi con người. Nói cách khác, thân xác cần phải được chế ngự vì nó là một thứ tù ngục giam hãm linh hồn.  Một cách nào đó, những người thực hành khổ chế muốn chối bỏ thân phận thể xác của mình.  Do sự siêu thoát triệt để mà khổ chế có thể mang lại, con người dần dần đạt đến tình trạng dửng dưng đối với thế tục và cuộc sống trần thế, một ý tưởng như thế thật đáng ca ngợi vì nó luôn luôn hướng con người đến những giá trị thiêng liêng cao quí trong cuộc sống.  Tuy nhiên, một thứ khổ chế có tính cách miệt thị đối với thân xác như thế chỉ có nguy cơ khiến cho con người tự mãn, tự kiêu và trong nhiều trường hợp có thể rơi vào những xáo trộn tâm lý trầm trọng.

Ðối với Kitô giáo, ơn cứu rỗi không hệ tại ở những cố gắng thoát tục để đạt đến một tình trạng hoàn toàn cắt đứt thân phận thể lý của mình.  Kitô giáo không chủ trương chối bỏ thân xác mà trái lại, bởi vì nền tảng của niềm tin Kitô chính là mầu nhiệm nhập thể, tức sự kiện Thiên Chúa hóa thân làm người. Sự kiện con người cần phải ăn để sống đã được Kinh Thánh xem như một thể hiện rõ ràng nhất của tính có cùng của thân phận con người.  Cho dẫu con người đã phải đổ mồ hôi xót con mắt mới có mà ăn, thức ăn tự nó vẫn là một ân ban của Thiên Chúa.  Sách Sáng Thế Ký đã khẳng định điều đó ngay từ những trang đầu tiên, chính Thiên Chúa trao ban mọi thứ trái cây cho ông bà nguyên tổ của loài người.

Trong 40 năm lang thang sa mạc, dân Israel đã cảm nghiệm được rằng thức ăn là ân ban nhưng không của Thiên Chúa.  Ngài đã cho manna từ trời rơi xuống.  Ngài đã cho chim cúc từ xa bay lại.  Ngài đã cho nước vọt ra từ phiến đá.  Giáo ước giữa Ngài và dân Israel lại được xây dựng trên một lời hứa rất cụ thể: họ sẽ được dẫn đến một vùng đất chảy sữa và mật ong.

Trong Tân Ước khi nhân bánh và cá để nuôi sống trên 5,000 người đói lả.   Khi hóa 6 chum nước thành rượu hảo hạng.  Khi cho các môn đệ bắt được mẻ cá gần rách lưới, Chúa Giêsu đã thực sự muốn nói lên sự quan tâm và lòng ưu ái của Ngài đối với sự sống thể lý của con người.  Trong Kinh Thánh, những dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và loài người luôn luôn diễn tả ra trong cái cụ thể của lịch sử, trong bề dày của thân phận con người.  Sự lệ thuộc của con người về của ăn thân xác đặt nó vào một sự lệ thuộc cơ bản.  Ðó là sự lệ thuộc của thụ tạo đối với Ðấng tạo Hóa.  Do đó, sự đói khát của ăn nuôi sống thân xác tượng trưng và khơi dậy một sự đói khát cơ bản hơn.  Ðó là sự đói khát chính Thiên Chúa.  Ðây là điều mà dân Israel đã cảm nghiệm được trong 40 năm lang thang trong sa mạc.  Trong cơn đói khát, trái tim con người bừng tỉnh để cảm nghiệm được sự đói khát những giá trị tinh thần.

Quả thực, như lời Kinh Thánh đã nói: con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bởi mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra.  Thiếu sự khao khát về Thiên Chúa, chối bỏ thân phận thụ tạo và cắt đứt mọi giây liên lạc với Ngài, con người sẽ đi vào mọi thứ thái quá và lệch lạc.  Không là thái quá và lệch lạc là gì khi người ta có thể ăn uống say sưa chè chén mà vẫn có thể dửng dưng trước và bên cạnh những kẻ đói khổ.  Không là thái quá và lệch lạc là gì khi người ta có thể tiêu pha phung phí để chăm sóc cho thân xác mà có thể nhắm mắt làm ngơ trước nỗi khổ của người đồng loại của mình.  Con người chỉ có thể sống như thế là bởi vì nó đã chối bỏ thân phận thụ tạo của mình và cắt đứt sự lệ thuộc vào Ðấng Tạo Hóa mà thôi.

Xét cho cùng, con người chối bỏ Ðấng Tạo Hóa cho nên cũng ngoảnh mặt làm ngơ trước nổi khổ của người đồng loại của mình.  Như vậy, trong ý nghĩa đích thực của nó, chay tịnh nhắc nhở cho con người về thân phận thụ tạo của nó, đồng thời thúc đẩy nó tỏ tình liên đới với người đồng loại của mình.  Ðây chính là ý nghĩa mà các tiên tri trong Cựu Ước không ngừng chỉ rõ cho dân Israel.  Ðiển hình là tiên tri Isaia mà Giáo Hội cho các tín hữu Kitô nghe như sau:

Họ hỏi Ta về qui tắc và ước mong đến gần Thiên Chúa.  Tại sao chúng tôi ăn chay mà Chúa không thấy?  Tại sao chúng tôi hãm mình mà Chúa không hay biết?  Phải, trong ngày ăn chay, các ngươi lo dàn xếp công việc làm ăn, các ngươi hối thúc mọi người làm công.  Phải, các ngươi ăn chay trong sự cãi vã ẩu đả, v.v… các ngươi đừng ăn chay như xưa nay là cố la lớn tiếng cho người ta nghe.  Có phải đó là việc ăn chay mà Ta mong muốn?  Có phải như thế là ngày hãm mình không?  Gục đầu như bông sậy, mặc áo thô, nằm trên đống tro.  Có phải là ngày ăn chay là ngày làm cho Chúa hài lòng không? Nào, ăn chay như Ta mong muốn không phải như thế này sao?  Là hủy bỏ xiềng xích bất công, tháo gỡ ách nặng, trả tự do cho người bị áp bức, dẹp bỏ mọi gánh nặng, hãy chia cơm bánh cho kẻ đói, tiếp rước những kẻ phiêu bạc không nhà.  Nếu ngươi gặp một người trần truồng hãy cho họ áo mặc, người đừng khi bỉ người cùng xác thịt như mình.  Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, những vị chủ chăn trong Giáo Hội đã nêu bật ý nghĩa của chay tịnh như được tiên tri Isaia chỉ rõ trên đây.  Ý nghĩa ấy được ngày nay Giáo Hội nhắc nhở cho các tín hữu trong các kinh Tiền Tụng của mùa chay:

Cha muốn chúng con dùng việc hãm mình để tạ ơn Cha, nhờ đó chúng con là những người tội lỗi giảm bớt được tính kiêu căng và khi giúp nuôi dưỡng những người thiếu thốn, chúng con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha.

Trong một bài huấn giáo hồi tháng 3 năm 1979, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau: khước từ khoái cảm, các kích thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống tự nó không phải là mục đích, nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được nuôi dưỡng.  Một sự khước từ, một sự hãm xác như thế phải giúp tạo nên trong con người những điều kiện để có thể sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát.

Quả thực, con người chỉ thực sự được sung mãn và trưởng thành khi nó biết khao khát những giá trị cao cả ấy.  Và sự trưởng thành thực sự mà con người đạt được qua sự chay tịnh không chỉ là thắng vượt được những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân mà chính là đưa con người đến gần với tha nhân hơn.

Xét cho cùng, chay tịnh thực sự cũng chính là sống cho ra người tử tế vậy.

Đ.Ô. Nguyễn Văn Tài

MẮT ĐỨC TIN, MẮT CỦA TRÁI TIM

ZZCó nhiều điều ta nhìn mà không thấy. Ví dụ: Tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử.  Ta chỉ thấy những dấu hiệu của tình yêu như: Sự âu yếm, quà tặng, sự quên mình.  Còn chính tình yêu thì ta không thấy.  Điều chính yếu thì vô hình.  Ta chỉ thấy được bằng trái tim.

Có nhiều điều ta chỉ thấy bề mặt mà không thấy bề sâu.  Ví dụ như con người.  Khi nhìn một người, ta chỉ thấy diện mạo, hình dáng bên ngoài.  Ít khi ta thấy được tâm tư tình cảm của người khác, kể cả những người thân yêu sống kề cận bên ta.  Linh hồn người ta không ai thấy bao giờ.  Vì linh hồn thiêng liêng.  Ta chỉ thấy được bằng đức tin.

Chúa Giêsu xuống thế làm người đã trở nên giống như một người phàm.  Người che giấu thần tính vinh quang sáng láng trong một thân xác nghèo hèn, bình thường.  Không ai nhận ra thần tính của Người.  Ngay cả các môn đệ luôn luôn kề cận bên Người.

Hôm nay, khi Chúa tỏ mình ra các ông chới với ngỡ ngàng.  Lòng các ông tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu.  Thần tính vinh quang phát lộ rực sáng.  Và nhân tính được tôn vinh.  “Diện mạo Chúa Giêsu chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”.

Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình.  Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che giấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi.  Tấm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang.

Ánh sáng thần tính rọi vào nhân tính đem lại cho ta bao niềm hi vọng.  Vì nhân tính của Chúa Giêsu gánh lấy cả nhân loại trên mình, nên ánh sáng thần linh cũng soi rọi cả vào chúng ta, vào thế giới tăm tối của tội lỗi, yếu hèn, vào thân xác rã rời mệt mỏi của ta.

Ánh sáng ấy cho tôi hiểu rằng, Thiên Chúa đang ẩn tàng trong vạn vật.  Người ở nơi thâm sâu nhất của hữu thể tôi như thánh Augustinô đã cảm nghiệm: “Người ở bên trong, còn tôi ở bên ngoài”.

Người ẩn tàng trong mọi quan hệ, trong mọi niềm vui, trong mọi tình bạn, trong mọi tình yêu.  Bởi vì hạnh phúc là gì nếu không phải đi tìm cái cốt lõi, là nguồn mạch của hạnh phúc, là chính Thiên Chúa hằng sống.

Ánh sáng ấy ngầm nói với tôi rằng: Vinh quang Thiên Chúa như hạt giống đang vùi chôn trong lòng tất cả mọi anh em sống quanh tôi.  Vinh quang ấy đang bị che khuất đàng sau những mái tranh thô sơ, những thân thể gầy guộc, những ánh mắt mệt mỏi lờ đờ.

Nhận thức ấy thôi thúc tôi trở về tìm Chúa trong đáy lòng mình.  Càng bóc đi lớp vỏ tội lỗi, dung nhan Thiên Chúa càng hiện rõ.  Càng chìm sâu vào nội tâm thinh lặng, tôi càng tới gần Chúa.

Nhận thức ấy giúp tôi kính trọng anh em vì anh em là những cung thánh đền thờ nơi Thiên Chúa ngự trị, là những vườn ươm hạt mầm thần linh, là những bình sành chứa đựng kho tàng cao quý.

Như thế, sống Mùa Chay là thực hiện một hành trình nọi tâm: trở về đáy lòng mình để gặp được Chúa.

Ăn chay là đến với anh em bằng thái độ kính trọng, là bảo vệ hạt mầm thần linh đang đâm chồi nảy lộc trong các tâm hồn.

Chương trình hành động trong Mùa Chay là tiếp tay đem ánh sáng thần linh của Chúa Kitô soi chiếu vào những mảnh đời tăm tối, những thân phận hẩm hiu.  Sao cho dung nhan nhân loại chói ngời ánh sáng nhân phẩm, ánh sáng văn hoá, ánh sáng lương tâm và ánh sáng thần linh.

Như thế ta đang công tác vào việc biến hình thế giới.  Như thế ta đang bước theo chân Chúa Kitô, đưa nhân loại vào hành trình phục sinh.

Lạy Chúa Kitô, xin ban cho con đức tin mạnh mẽ để con nhìn thấy Chúa trong anh em. Xin ban cho con trái tim bén nhạy để con nhìn thấy những thực tại vô hình. Amen.

TGM Ngô Quang Kiệt

DẤU CHÂN XƯA

ZZTìm dấu chân xưa là tìm dấu chân không còn.  Trở về biển nhớ, nghìn dấu chân đã đi qua.  Sóng xô bờ đã bao lần xoá thật kĩ.  Trở về làng cũ, tàu cau đã chết thủa nào.  Năm tháng cũ nhạt hương không còn ấn tích.  Mưa nắng quanh năm giặt bạc màu ký ức.  Đổi thay trong đời như những lớp phù sa đã bao lần cày sâu xuống, lấp kín lên.  Tìm dấu chân xưa là tìm dấu chân đã mất.

Không còn dấu chân cũ mà vẫn cứ tìm vì dấu chân ấy có nhiều thương nhớ.  Bến ga chiều nay mưa phùn bay, nhưng người ta trở về tìm dấu chân cũ vì ảnh xưa thì đẹp và hình xưa là hạnh phúc.  Tìm vết chân cũ, vì ở tình yêu ấy, đã bao lần ngọt ngào cùng nhau quấn quýt bước chân đi.  Không gian thay đổi nhưng hồn quá khứ không muốn đổi thay.  Thế giới ấy đi bằng những bước chân đẹp nên nó trong ngắt.  Bụi chỉ xoá dấu chân trên đường còn thế giới trong ngắt của linh hồn nó đẹp mãi.  Và, vì thế, nhiều người cứ muốn đi tìm.

Đi tìm dấu chân xưa, vì về ngõ hồn quá khứ có khi dễ hơn lách lối tương lai đi tới.  Đời người có khi tương lai khép kín mà quá khứ mở rộng ngõ.  Lắm lúc càng đi về phía trước mà lại chỉ thấy đẹp ở phía sau.  Vì thế, hôm qua, hôm nay và mãi về sau vẫn sẽ có nhiều kẻ muốn đi tìm kỷ niệm của dấu chân xưa.

Dấu chân không gian đã mờ nhạt, bụi cát bôi rồi.  Đi tìm dấu chân xưa là dấu chân trong hồn mà thôi. Có nhiều bước chân.  Có bước chân lên đồi.  Có bước chân vào hoàng hôn.  Có bước chân ra bình minh.  Đi tìm dấu chân xưa là tìm riêng kỷ niệm đẹp.  Nhưng khi quá khứ mở ngõ là mở rộng cả đôi cánh.  Vì thế, có những dấu chân không đẹp, chẳng muốn tìm mà vẫn gặp.  Có dấu chân muốn quên mà cứ nhớ.

Lạy Chúa, trong hành trình đời sống, Chúa đã nói với con về những bước chân:

Đừng dõi theo đường phường gian ác
Đừng tiến tới trong đường lũ ác nhân
Hãy tránh đi, đừng đi qua đó
Hãy quay lại và đi đi. (Cách Ngôn 4:14-15)

Ta dạy con trong đường khôn ngoan
Và Ta đã hướng dẫn con đi đường ngay chính
Khi con đi bước chân con sẽ thênh thang
Và nếu con chạy, con sẽ chẳng vấp ngã.  (Cách Ngôn 1:11-12)

Dấu chân của một mình ta thôi mà đã là những dấu chân xưa muốn đi tìm rồi.  Huống chi, những dấu chân của hai người đi bên nhau chắc hẳn sẽ còn lưu luyến, bởi, vết chân của người này mở ý cho vết chân của người kia đi về.  Con tim mình thổn thức vì nó dâng hai nhịp đập của một chiều sóng.  Vết chân hôn nhân và vết chân của Đức Kitô với các môn đệ là những vết chân này.

Dấu Chân Thiêng Liêng

Trong dấu chân xưa của những chuyện tình, chuyện thuỷ chung, còn một thứ dấu chân của thập giá. Đó là dấu chân theo Chúa ở biển hồ Galilêa khi nghe tiếng gọi: Hãy theo Ta (Mt 4:19).  Theo Chúa trong hành trình truyền giáo: Ngài sai từng hai người một (Mc 6:7).  Theo Chúa lên cuộc tử nạn: Hãy vác thập giá hằng ngày (Lc 9:23).  Những dấu chân thiêng liêng này không sao xóa nhoà được.  Những bước chân này đã một lần in dấu là kỷ niệm thiên thu.  Bởi, Thiên Chúa quý kỷ niệm.  Ngài không bao giờ quên những bước chân ân tình.  Một lần gọi là một lần muốn có trang thiên tình sử.  Một bước chân đi bên nhau là hy vọng có kẻ mang Tin Mừng.

Khi chết rồi Đức Kitô vẫn về Galilêa, vẫn muốn đến biển hồ.  Gặp gỡ Thây trò ở khúc đường Emmaus không phải là đi tìm dấu chân xưa hay sao.  Nhưng dấu chân xác thân không còn.  Chỉ còn là dấu chân xưa trong hồn mà thôi.  Đó là dấu chân thiêng liêng.

Cửa tương lai sẽ đóng lại.  Thí dụ, ngày Đức Kitô chết.  Vết chân trên cát của Ngài chấm dứt.  Mỗi bước chân nhân thế cũng vậy.  Ngày xuôi tay là bước chân sau cùng chào vĩnh biệt đường trần.  Sự chết đến như con đường cụt.  Tôi không còn bước nữa.  Bây giờ tôi chỉ còn quay lại tìm dấu chân xưa. Và bây giờ dấu chân xưa trở thành vô cùng huyền nhiệm linh thiêng.  Tất cả định mệnh hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong cõi sống vĩnh hằng hệ tại những dấu chân xưa này.  Tôi đã bước đi trong quá khứ thế nào, thì bây giờ bước chân ấy cũng dẫn tôi vào tương lai như vây.  Bước chân ngang trái sẽ dẫn tôi tới ngang trái.  Bước chân chính trực, chính trực sẽ đem tôi tới đại lộ.  Cái huyền nhiệm của dấu chân xưa thiêng liêng là không tìm, tôi cũng sẽ gặp, cũng phải gặp, như lời Kinh Thánh sau đây:

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người.  Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.  Người cho chiên đứng bên phải Người còn dê đứng bên trái…Bấy giờ đức Vua phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thủa tạo thiên lập địa… Rồi Đức Vua phán cùng những người ở bên trái rằng: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các thần của nó.” (Mt 25:31-46)

Giờ này, dấu chân xưa thiêng liêng có sức mạnh thần thánh đưa tôi về trời cao hay xuống vực sâu.

Ai cũng có kinh nghiệm dấu chân xưa trong đời sống trần thế.  Ngày thơ tuổi nhỏ.  Tấm hình năm cũ.  Nó đưa ta về những vùng ký ức xa mờ.  Dấu chân xưa oan trái sẽ làm ngày tháng hôm nay của ta ảm đạm.  Dấu chân xưa đẹp thì hôm nay cho ta hạnh phúc ngọt ngào.

Trở lại một bến ga bụi sương, dù năm tháng mù mịt rồi, người xưa đã khuất mà lòng ta cứ gần.  Ghé lại bến đò cũ, dòng sông gợi cho ta bao nhớ nhung.  Dấu chân xưa trong chuyện mình lúc còn sống là thế. Nhưng không ai biết thao thức của người chết đi tìm dấu chân xưa như thế nào.  Đơn giản, là không có ai từ cõi chết về kể chuyện cho ta nghe cả.  Phúc Âm có kể chuyện một người chết đi tìm dấu chân xưa như sau:

Xưa có một nguời giàu, ăn mặc những gấm tía, và hàng mịn; ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có người ăn mày tên là Lazarô, người ta vứt bỏ bên cổng nhà ông, mình đầy lở lói, ước ao có được miếng thừa dưới bàn ông nhà giàu mà ngốn cho no, lại còn bầy chó hoang liếm các ung nhọt người ấy.  Nhưng xẩy ra là người ăn mày chết, và được các thiên thần đem lên dự tiệc ngay lòng Abraham.  Còn ông nhà giàu cũng chết và được tống táng.

Trong âm phủ giữa những cực hình, ông nhà giàu ấy ngẩng mặt lên, thấy đằng xa Abraham cùng Lazarô nơi lòng ông.  Người ấy mới kêu lên và nói: “Lạy cha Abraham, xin thương xót tôi, và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay một chút nước mà thấm dịu lưỡi tôi, vì tôi quằn quại đây trong ngọn lửa này.” Nhưng Abraham nói: “Hỡi con, hãy nhớ lại: suốt đời con đã lãnh cả sự lành phần con, còn Lazarô cũng lãnh, nhưng chỉ là tai với họa.  Bây giờ Lazarô được an ủi nơi đây, và con phải quằn quại đau đớn.  Vả chăng giữa chúng ta và các ngươi, đã cắt ngang định sẵn một vực thẳm, khiến cho tự bên này, ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi, và tự bên ấy, người ta không thể quá giang đến được với chúng ta. “ Ông nhà giàu lại nói: “Vậy thì, lạy tổ phụ, xin tổ phụ sai Lazarô đến nhà con, vì con có năm anh em, ngõ hầu Lazarô làm chứng răn dạy chúng, kẻo chúng cũng phải sa vào chốn cực hình này.” Abraham nói: “Chúng đã có Maisen và các tiên tri, chúng hãy nghe lời các ngài.” Người ấy đáp: “Thưa tổ phụ Abraham, không đâu!  Song có ai từ cõi chết mà nói với chúng, tất chúng sẽ hối cải.” Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không nghe Maisen và các tiên tri, thì cho dẫu có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng nghe đâu.” (Lc 16:19-31).

Hai người trong câu chuyện, Lazarô và nhà phú hộ đều bước những dấu chân trong đời.  Bây giờ dấu chân ấy đưa họ đi mỗi người mỗi ngã.  Dấu chân xưa của người nghèo Lazarô đưa ông về Nước Trời với Abraham.  Dấu chân xưa của người giàu đưa ông về cõi vắng mênh mông.

Trong cuộc sống này, ta tìm kỷ niệm dấu chân xưa mà nhiều khi không gặp.  Khi chết rồi vào giờ phán xét, những dấu chân xưa thiêng liêng ấy sẽ tự ý đi tìm ta.  Và, dấu chân này sẽ đưa ta về cõi hệ trọng vô biên.  Hạnh phúc hay gian nan.  Bởi đó, mỗi dấu chân linh hồn đi hôm nay trong cõi đời sẽ là dấu chân thiêng liêng cho ngày mai.

Khi nhớ về kỷ niệm là ta đi tìm dấu chân xưa.  Dấu chân đó có thể là những bước chân trên bến đò, trên con đường nhỏ.  Những dấu chân này là dấu chân trong tình cảm, nó sẽ chấm dứt khi ta chết.  Còn dấu chân xưa thiêng liêng là đời sống thánh thiện hay tội lỗi, công bình hay gian tham, độ lượng hay hẹp hòi, thì khi cuộc đời chấm dứt, những bước chân này mới khởi đầu.

Lạy Chúa, khi con đi tìm kỷ niệm cũ, tìm dấu chân xưa trong tình cảm, thì xin Chúa nhắc nhở con đến dấu chân thiêng liêng, để hôm nay con biết đi những bước chân thật đẹp, hầu bước chân này chuẩn bị cho con bước vào hạnh phúc trong Nước Chúa mai sau.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J.