SÁM HỐI PHÍA BÊN KIA ĐỒI

ZZLái xe ra khỏi cổng nhà tù, hình ảnh những giọt nước mắt sám hối của anh chị em tù nhân làm thức tỉnh lương tâm.  Tôi bắt đầu những ngày mục vụ ở trại tù sau ngày chịu chức.  Lòng hăng say trong những tháng ngày đầu của đời linh mục thôi thúc lên đường.  Đoạn kinh thánh của Isaiah mà Chúa Giêsu cảm nhận “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” ( Luca, 4:18-19) như nói với riêng mình hôm nay để hăng say lên đường.  Trong niềm hăng say, dường như có xen lẫn cả men kiêu hãnh.  Tôi đến với anh chị em tù nhân với tâm tình yêu thương pha trộn thái độ của người ban ơn.

Nhà tù nằm ở một góc xa vắng, cuối bên kia chân đồi.  Cây cỏ xơ xác, ngoại trừ những cách xương rồng trơ trụi.  Dưới chân đồi là dãy kẽm gai lạnh buốt, sắc bén hơn cả gai xương rồng, gợi cho con người cái cảm giác của niềm đau, phân cách, và lạnh lùng.  Đã nhiều năm tôi do dự không muốn đến nơi đó.  Tôi thích ở gần bàn thờ có hoa, có nến, có bước chân người quen rộn rã chào đón.  Rồi một chiều trời thu, tôi rời bàn thờ hoa nến và rộn rã phố phường để đi về nơi phía chân đồi ảm đạm ấy.

Thế giới của nhà tù thì nhiều người biết đến: Khắc nghiệt, hung bạo, thiếu tình người, có lúc mất cả niềm hy vọng.  Còn thế giới tâm hồn của những tù nhân, thì ít ai biết đến và ít ai hiểu được.  Nó là khoảng riêng tư khép kín, có lỗi lầm, có nỗi buồn, có mặc cảm, và có cả nhiều giọt nước mắt sám hối.

Chính cái riêng tư sâu kín và khó hiểu ấy thường để lại trong dòng đời những ấn tượng tiêu cực.  Tôi đến với họ qua lăng kính của một chút thành kiến.  Để giúp họ hoán cải, tôi say mê nói chuyện với anh chị em về Thiên Chúa, về cuộc đời, về sám hối, và về niềm hy vọng.  Họ âm thầm nhẫn nại lắng nghe, lắng nghe chân thành lắm!

Rồi trong một khoảnh khắc bất chợt, tôi thấy những bàn tay say mê đếm nốt cuộc đời trên những chuỗi tràng hạt đã sờn mòn.  Có những đôi tay ôm gọn cuốn Kinh Thánh trong lòng với những trang sách đã vàng úa của thời gian.  Hoá ra, có người đã đến với Đức Maria từ những ngày bước chân vào cổng trại giam.  Có người đã gặp Đức Kitô qua những trang Kinh Thánh đã phai màu giấy lụa.  Chúa Kitô đã đồng hành với họ vào những nơi xa xôi nhất của cuộc đời.  Sau tấm màn sắt lạnh lùng của dãy nhà tù, tôi gặp gỡ những mùa sám hối trọn vẹn quá.  Thời gian và ơn thánh đã giúp thanh tẩy bụi trần.  Lòng sám hối và đạo đức của một số anh chị em trong tù thách đố thái độ sống đạo của tôi.  Ai là người công chính trước mặt Thiên Chúa đây?  Người đi tu, hay kẻ ở trong tù?  Tôi bắt đầu băn khoăn, nhớ lại lời Kinh Thánh,“Trên Trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hoán cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần sám hối ăn năn.”  Tôi ở trong đám người nào đây?

Hàng ngày tôi đến nhà thờ và đọc kinh cáo mình mỗi sáng, nhưng trong lòng chưa có những giọt nước mắt ăn năn.  Cạm bẫy cõi lòng có khi dùng việc đạo đức bên ngoài để che đậy lương tâm.  Nó cho mình một cảm giác an tâm của người biệt phái: lễ lạc, kinh nguyện, làm việc mục vụ là thay cho của lễ hiến tế!  Hôm nay nghe Thánh Kinh chất vấn,“Máu chiên bò Chúa không ưng, lễ toàn thiêu Chúa không nhận.  Chúa chỉ nhận tấm lòng tan nát khiêm cung.”  Tôi do dự.  Thật khó có tấm lòng tan nát khiêm cung, nhất là khi mình đang ở vị trí được nhân danh Chúa để ban ơn tha thứ.  Có khi những địa vị ấy dễ ngăn cản tìm về sám hối.  Luật lệ tôn giáo và quy ước đạo đức xã hội lắm lúc cũng tạo nên thành kiến về con người hơn là nuôi dưỡng lòng bao dung.

Trước khi vào giúp trại tù, ấn tượng về những tội phạm là những con người không có ích cho xã hội.  Sau một thời gian đến với họ, tôi thấy chính mình mới là người cần thay đổi, vì bên kia chân đồi của cuộc sống, có quá nhiều điều để học hỏi.  Mình cần thay đổi thái độ về một con người trong hoàn cảnh hiện tại hơn là nhìn vào quá khứ của họ.  Có một lần, ánh mắt xa xăm và lời chia sẻ của người phụ nữ trạc tuổi bốn mươi làm lòng tôi se lại.  Chị nhìn những bông hoa dại bên hiên nhà tù rồi nói: “Cha biết không, nhìn những bông hoa dại làm tôi nhớ đến những cánh hoa trong vườn ngày xưa.  Những lúc tưới hoa, hai đứa bé quấn quýt chân mẹ như những mèo con thơ dại.  Đùa giỡn, ôm ấp, rồi bỗng một ngày mẹ con chia li.  Vậy mà đã năm năm xa tụi nhỏ.  Gia đình tôi ở Hawaii.  Xa quá.  Mong sao có ngày về gặp lại con.  Tôi muốn dành cả cuộc đời còn lại để chăm sóc con mình.” 

Lòng sám hối và yêu thương tràn ngập tâm hồn chị.  Trong những lầm lỗi, ơn thánh đã mở lối đưa về yêu thương.  Tôi không hỏi tại sao chị vào tù?  Đó không phải là câu hỏi của hiện tại.  Nhưng cảm nhận sự biến đổi của ơn thánh trong phút giây hiện tại nơi một tấm lòng rạn vỡ mới là giây phút thiêng liêng, nó mở lối cho màu nắng hy vọng trong buổi chiều ảm đạm.  Lạ quá, trong cái mịt mù ảm đạm ấy, Chúa đã đến bên họ để khơi dậy lòng tin yêu, để họ biết khóc, biết sám hối và biết hy vọng.  Những bức tường kín không ngăn cản được ơn thánh.  Ơn Thánh vào thăm tù không cần giấy tờ hay thẻ căn cước để qua cổng an ninh.  Cũng không cần chìa khoá của người cai tù để mở cửa phòng giam, nhưng có sức mạnh mở toang cánh cửa tâm hồn ngay cả khi họ đang bị nhốt kín sau khung cửa.  Ơn thánh rửa sạch lương tâm và giúp họ làm lại cuộc đời.  Tôi nói với chính mình, còn mùa sám hối nào đẹp hơn những mùa sám hối tôi gặp bên kia lưng đồi ấy.  Họ giúp tôi hy vọng về một tình thương quá vô biên và tin tưởng vào sức mạnh của Ơn Trời.

Trên đường trở về, tôi dâng lời cầu nguyện cho họ và cho tôi.  Tôi cầu cho anh chị em tù nhân tiếp tục sống hy vọng trong những hoàn cảnh thiếu tự do.  Tôi cầu nguyện cho tôi đang sống trong hoàn cảnh có nhiều tự do cần phải biết quý trọng sự tự do để lớn lên trong Chúa.  Tự do là quà tặng, nhưng cũng là cạm bẫy đưa đến nhiều lỗi lầm.  Sống trong tự do mà quên lòng sám hối thì tự do ấy sẽ dần dần đưa con người xa Chúa.  Càng xa Chúa, thì cuộc sống đang đánh mất sự tự do đích thực.

Lạy Chúa, Chúa cho con quá nhiều tự do, nhưng con sợ có khi mình đang dùng tự do để dần dần đánh mất tự do.  Nếu dùng tự do Chúa ban như thời giờ, vật chất, sức khỏe và nhiều phương tiện khác để làm mất đi sự tự do nội tâm, thì con đang tự xây phòng giam cho tâm hồn mình.  Nhà tù cho các phạm nhân hành sự thì dễ xem thấy, vì có nhiều kẽm gai, song sắt, và tường cao,  nhưng nhà tù của tâm hồn thì con khó phân biệt, vì có khi nó được trang trí bởi nhiều ảo ảnh.  Con cần ơn thánh giúp lòng sám hối để nhận ra đâu là gai, là sắt, là tường cao đang từ từ ngăn cách hồn con.

Nguyễn Thảo Nam

http://tinvahyvong.blogspot.com/

 

VÀO HOANG ĐỊA

Ai yêu bóng đá đều say mê theo dõi những trận đấu đỉnh cao giữa các đội ngoại hạng Anh, hoặc giữa các đội tranh Cúp C1.  Ta say mê vì các cầu thủ siêu hạng phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu luyện, các đội bóng di chuyển chiến thuật kỳ ảo, các bài bản tinh vi của các huấn luyện viên bậc thầy, các pha phối hợp đẹp mắt giữa các cầu thủ.  Không phải tự nhiên mà các cầu thủ chơi bóng giỏi đến mức độ nghệ thuật như thế.  Họ phải mất nhiều thời gian tập luyện. Tập luyện để đạt được kỹ thuật cá nhân điêu luyện.  Tập luyện để có thể lực dẻo dai.  Tập luyện để có những xử lý thông minh theo tình huống. Tập luyện để hiểu nhau tiến đến những pha phối hợp nhịp nhàng ăn ý.  Những buổi tập rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cầu thủ phải có quyết tâm cao, có tinh thần kỷ luật nghiêm túc.  Ai không chịu nổi các bài tập khó, sẽ bỏ cuộc.  Ai vượt qua được những buổi tập nghiêm túc sẽ trở thành những cầu thủ giỏi.

ZZĐời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu.  Chiến đấu với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian.  Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách.  Đức Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.

Hoang địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỷ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.

Cuộc chiến đấu thứ nhất mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên. Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.  Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu.  Hầu như không có thực phẩm.  Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày.  Xưa, dân Do Thái được Chúa đưa vào nơi hoang địa để huấn luyện trước khi đưa họ vào Đất Hứa.  Trong hoang địa, người Do Thái không chịu nổi những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Môsê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ.  Trái lại, tổ phụ Abraham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên Chúa.  Và hôm nay, Đức Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.

Cuộc chiến đấu thứ hai mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ.  Thiên Chúa cho phép ma quỷ thử thách con người.  Từ tạo thiên lập địa, hai ông bà nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ và đã thua cuộc.  Ông thánh Gióp cũng đã bị ma quỷ thử thách, mất hết tài sản, mất hết con cái, mất hết danh dự.  Nhờ kiên quyết trung thành với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỷ.  Đức Giêsu đã thắng vượt mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên Chúa.  Những cơn cám dỗ của ma quỷ thường là cám dỗ về đức tin.  Adong và Evà không vững lòng tin nên đã sa ngã.  Ông thánh Gióp vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử thách.  Đức Giêsu luôn vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ thâm độc nhất của ma quỷ.

Cuộc chiến đấu thứ ba mà Đức Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha.  Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý riêng hơn ý Chúa, nên đã đi trệch đường.  Đức Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định.  Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.

Hoang địa không phải chỉ là nơi thử thách.  Hoang địa còn là nơi gặp gỡ Chúa.  Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp được Chúa, sẽ sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa.  Ông Môsê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa.  Mặt ông trở nên sáng láng đến nỗi dân Do Thái không dám nhìn thẳng vào.  Tiên tri Êlia, sau khi đi 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa.  Đức Giêsu đã gặp gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và đã kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha.  Thánh ý Chúa Cha đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời Người.  Thi hành thánh ý Chúa Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng Người.  Người sẽ hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn.  Chính vì thế mà Người đã được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha.

Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường.  Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.

Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất.

Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó khăn thử thách.

Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ những ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt thòi.

Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa để trở nên “Con yêu dấu” của Chúa.

Nếu ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỷ đưa tới; nhanh nhẹn dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn vất vả; quen từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa và sẽ trở nên Con hiếu thảo của Chúa.

TGM Ngô Quang Kiệt

HÃY XÉ LÒNG

ZZMột vị ẩn tu sống đơn độc trên ngọn núi cao. Ngày đêm ông ăn chay cầu nguyện. Ông ăn chay rất nghiêm ngặt và cầu nguyện rất tha thiết. Để thưởng công, Chúa cho xuất hiện một ngôi sao trên đầu núi. Khi ông ăn chay và cầu nguyện ít, ngôi sao mờ đi. Khi ông ăn chay nhiều và cầu nguyện nhiều thì ngôi sao càng sáng lên. Một hôm ông muốn leo lên đỉnh cao nhất của ngọn núi. Khi ông chuẩn bị lên đường thì một bé gái trong làng đến thăm và ngỏ ý muốn đi cùng ông. Thày trò hăng hái lên đường. Đường càng lên càng dốc dác khó đi. Mặt trời càng lúc càng nóng gắt. Cả hai thày trò ướt đẫm mồ hôi và cảm thấy khát nước. Nhưng không ai dám uống. Em bé không dám uống trước khi thày uống. Vị ẩn tu không dám uống vì sợ mất công phúc trước mặt Chúa. Nhưng nhìn thấy bé gái mỗi lúc mệt thêm, thày ẩn tu thấy thương, nên mở nước ra uống. Lúc ấy cô bé mới dám uống. Uống nước xong, cô bé mỉm cười rất tươi và cám ơn thày. Thày ẩn tu len lén nhìn lên đầu núi. Thầy sợ ngôi sao biến mất vì thày đã không biết hãm mình. Nhưng lạ chưa, trên đầu núi thày thấy không phải một mà có đến hai ngôi sao xuất hiện. Thì ra, để thưởng công vì thày biết nghĩ đến người khác, Chúa đã cho xuất hiện một ngôi sao nữa, sáng không kém gì ngôi sao kia.

Mùa chay được mở đầu bằng nghi thức xức tro và một ngày ăn chay kiêng thịt. Có lẽ có nhiều người thắc mắc tại sao ngày xưa người Do Thái rắc đầy tro trên đầu, ngồi cả trên đống tro, mà ngày nay ta chỉ xức một chút ít tro, và tại sao ngày xưa ăn chay trong bốn mươi ngày, mà ngày nay chỉ còn ăn chay có 2 ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu tuần thánh? Thưa vì Giáo hội muốn ta càng ngày càng đi vào tinh thần hơn là chỉ giữ hình thức bên ngoài.

Mục đích của Mùa Chay là giúp ta trở về với Chúa và với anh em bằng sám hối nhìn nhận tội lỗi của chính mình. Việc xức tro, ăn chay, cầu nguyện, làm việc thiện, chỉ là những phương tiện.

Xức tro là để tỏ lòng sám hối. Xức nhiều tro mà trong lòng không thật tình sám hối thì có ích gì. Ngày nay, Giáo hội chỉ dùng một chút tro tượng trưng để nhắc nhớ ta. Xức tro trên đầu không quan trọng bằng xức tro trong tâm hồn. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy tâm hồn mình đã ra hoen ố vì tội lỗi. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã bôi tro trát trấu vào khuôn mặt Thiên chúa, làm lem luốc khuôn mặt Giáo hội, làm ô danh cho đạo thánh của Chúa. Hãy xức tro vào tâm hồn để ta thấy rõ ta đã làm cho mối quan hệ với tha nhân bị vẩn đục vì những tham vọng, những ích kỷ, những nhỏ nhen của ta. Hãy xức tro vào tâm hồn để lòng ta xót xa, đau đớn, hối hận vì những tội lỗi đã phạm.

Ăn chay không phải là một hình thức làm cho qua lần, chiếu lệ. Ăn chay không phải chỉ là nhịn ăn một hai bữa cơm. Ăn chay có mục đích nhắc nhớ ta hãy biết hãm dẹp thân xác, hãm dẹp những tính mê tật xấu, hãm dẹp những gì làm mất lòng Chúa và làm phiền lòng anh em. Giáo hội giản lược việc ăn chay vào 2 ngày trong một năm, không phải vì coi nhẹ việc ăn chay, nhưng vì Giáo hội muốn tránh thái độ ăn chay hình thức, để tập trung vào việc ăn chay trong tâm hồn. Nhịn ăn một bát cơm không bằng nhịn nói một lời có thể làm buồn lòng người khác. Nhịn ăn một miếng thịt không bằng nhịn đi một cử chỉ xúc phạm đến anh em. Nhịn một bữa cơm ngon không bằng nhường nhịn, tha thứ, làm hoà với nhau. Kềm chế cơn đói không bằng kềm chế cơn nghiện rượu, nghiện ma tuý, nghiện cờ bạc. Kềm chế cơn khát không bằng kềm chế dục vọng, tính tham lam, thói kiêu ngạo.

Chính vì thế mà tiên tri Joel đã kêu gọi dân chúng: “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. Người Do thái có tục lệ khi ăn chay, thống hối thì xé áo ra. Đó là một hình thức biểu lộ sự thống hối. Điều quan trọng là có tâm hồn thực sự sám hối. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi những tham lam, bất công. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi thói lười biếng, khô khan, nguội lạnh. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi những dính bén trần tục. Xé áo không bằng xé lòng ra khỏi thói gian dối, giả hình. Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, ta mới gạt bỏ được những chướng ngại ngăn cản ta đến với Chúa. Chỉ khi thực sự xé lòng ra như thế, ta mới đến gần Chúa, sống tình thân mật với Chúa, hưởng được tình yêu thương của Chúa.

Để ăn chay trong tinh thần và để thực sự hướng về tha nhân, nhiều nước trên thế giới đã biến việc ăn chay thành những hành động bác ái cụ thể. Mỗi ngày trong mùa chay, họ bớt chi tiêu một chút, gửi tiền tiết kiệm giúp những nơi nghèo khổ, bị thiên tai. Nhờ thế, việc ăn chay của họ không còn là hình thức, nhưng là những hi sinh thực sự và trở nên những việc làm đầy tình bác ái huynh đệ.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu thế nào là ăn chay và sám hối đẹp lòng Chúa. Mỗi người hãy tự đặt ra cho mình, cho gia đình mình một chương trình sống Mùa Chay. Ước gì mùa Chay năm nay sẽ là khởi điểm của một đời sống mới, giúp mỗi người chúng ta thực sự thay đổi đời sống, mến Chúa hơn, yêu người hơn.

Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi. Amen.

TGM Ngô Quang Kiệt