NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM

Cảnh sát thành phố Los Angeles ở Mỹ đã từng lùng sục mọi hang cùng ngõ hẻm tối tăm để tìm một em nhỏ tên Thad.  Nhiều người ở Mỹ và Canađa đã góp tiền, thực phẩm để tặng cho em khi người ta chuyển đến “Cơ quan Bảo vệ Trẻ em Thành phố” một bức thư đầy lỗi chính tả của em.  Em viết như sau:

“Thưa Ông “dà” Noen, Giáng Sinh này xin ông giúp đỡ bố mẹ con.  Bố con không còn đi làm nữa.  Bây giờ nhà con không có nhiều thức ăn.  Mẹ con phải cho chúng con ăn những thức ăn đáng lẽ mẹ ăn…

Con muốn được lên “chời” để ở chung với các thiên thần.  Ông mang con lên “chời” nhé.  Bố mẹ con sẽ không phải mua đồ ăn cho con nữa.  Điều đó sẽ làm cho bố mẹ con “xung xướng”.  Xin Ông mang cho bố con một chỗ làm và ít thức ăn…

Con sẽ không ngủ đâu.  Khi Ông cho bố con một việc làm và cho mẹ con ít thức ăn, con sẽ đi với Ông và bảy tuần lộc… Con gởi lời chúc Giáng Sinh vui vẻ đến Bà Noen và các chú lùn nữa.

Ký tên: Thad.

Người ta vẫn chưa tìm ra em Thad y như rất nhiều người Do Thái đã không tìm ra trẻ Giêsu nghèo khó năm xưa.  Họ đâu dám đi ra ngoài vì sợ trời lạnh, họ không dám đến những khu nhà tối tăm, bẩn thỉu vì sợ dơ quần áo.  Họ giống như những người giàu thời đại chúng ta chỉ muốn ở yên trong nhà, tự mãn với những nệm êm, chăn ấm, với những bữa tiệc, những cây thông đủ ánh đèn màu, với những chương trình tivi hấp dẫn.  Những người giàu ấy sẽ phải khóc vì không nhận được ơn bình an và ơn cứu độ của Chúa Hài Đồng.

zzChúng ta không cần tìm kiếm ở đâu xa xôi, vì Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta.  Quả thực, Thiên Chúa không phải chỉ làm người giả hiệu, mà Ngài đã cắm lều ở giữa chúng ta.  Để nhận ra điều đó, chúng ta hãy bước đến hang đá.  Hẳn nhiên đó chỉ là biểu tượng.  Nhưng là một biểu tượng nhắc nhớ một biến cố lịch sử duy nhất.  Một cảnh sống nghèo nàn, thanh bạch đến thiếu tất cả, giữa một đêm tối không đèn, không đóm, nơi một góc trời không tên không tuổi.  Hai người bạn trẻ, hai người lao động đơn sơ nằm nhờ trên đống rơm giữa những con vật hiền lành.  Một hài nhi mới sinh trong một cuộc hành trình bất đắc dĩ.  Nhưng Thiên Chúa đó!  Thiên Chúa không yêu thương chúng ta từ trời cao.  Ngài đã đến cắm lều ở giữa chúng ta, trong da thịt Đức Giêsu Nazarét.  Điều mà không ai có thể tưởng tượng ra, đó là Thiên Chúa liên đới trọn vẹn với số phận mạt kiếp của chúng ta.  Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, như là một người nghèo nhất tại Bêlem trước khi trở thành người rốt hết trên thập giá.  Giáng Sinh nhắc nhớ cuộc gặp gỡ thân tình có một không hai đó giữa Thiên Chúa và con người như một huyền nhiệm, như một trao đổi kỳ diệu.

Và như vậy, thưa anh chị em, chúng ta thấy Thiên Chúa “người” hơn chính chúng ta.  Ngài ở dưới đất. Đừng đi tìm Ngài trên khung trời cao!  Chúng ta là như vậy đó: Khi tình yêu quá lớn, nghĩa là quá khiêm tốn thì chúng ta lại không dám nhận ra, không dám chấp nhận.  Chúng ta không chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến mức Ngài đến gặp chúng ta trong huyền nhiệm Nhập Thể của Ngài.  Nhưng dù chúng ta có muốn hay không, thì từ nay Thiên Chúa đã đi vào cuộc sống của ngõ hẹp, của chuồng chiên bò, của hang đá, máng cỏ.

Và nếu Thiên Chúa đã tự hạ gần gũi như vậy, tầm thường như vậy, thì không có gì xảy ra trong đời thường của chúng ta lại ở ngoài ánh sáng thần linh của Thiên Chúa, “ánh sáng cho nhân loại, ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và ánh sáng ấy là sự sống.”  Khi đất này đã được sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa trong Đức Giêsu bao trùm, thì đất này đã là túp lều của Con Thiên Chúa nhập thể.  Mọi đóng góp cho đất này đã trở thành nơi ở, chẳng những ở được mà còn ở tốt cho Thiên Chúa và cho con cái loài người của Ngài, là một điều không ai được khước từ nếu không muốn phủ nhận niềm tin của mình và mầu nhiệm Giáng Sinh.  Không có con người nào là con người bị loại ra ngoài tình yêu của chúng ta nếu chúng ta không muốn cho đức ái chỉ là chữ viết trên giấy.  Không có cảnh đời nào là cảnh đời chúng ta phải chạy trốn, nếu chúng ta thật sự muốn sống lòng cậy trông của mình.  Chúng ta thường đi gặp Chúa ở ngoài cuộc sống cụ thể, hằng ngày, trong khi Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong cuộc sống cụ thể hằng ngày đó.

Chính vì thế mà những người Mỹ, những người Canađa, những cảnh sát ở thành phố Los Angeles vẫn chưa tìm ra được em Thad khi họ nhận được bức thư em gởi cho ông già Noen.  Bởi em Thad là hiện thân của bao nhiêu em bé và gia đình nghèo đói trên trái đất này, nơi Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ ở giữa chúng ta trong những gia đình, những em bé khốn khổ đó.

Anh chị em thân mến, tôi không tin là chúng ta có thể gặp được Chúa trong nhà thờ nếu đã không gặp cho được Ngài trong cuộc sống qua một khuôn mặt nào đó, như khuôn mặt của các em bé mồ côi, khuôn mặt của những ông già bà cụ cô thân cô thế, khuôn mặt của những con người ốm đau, bệnh tật, của những người nghèo đói, của những người bị bỏ rơi, bị loại trừ, thiếu vắng tình thương…  Bởi vì, đối với chúng ta, cụ thể mà nói, quê hương này là nơi Thiên Chúa làm người để anh em đồng bào chúng ta không phân biệt giai cấp, được làm con Chúa; là nơi Thiên Chúa hẹn gặp chúng ta; là nơi chúng ta phải gặp Ngài qua chứng từ về ánh sáng, để nhờ ánh sáng anh em đồng bào chúng ta sẽ nhìn thấy Ánh sáng của Tình thương, Ánh sáng của sự sống.

Trích trong “Niềm Vui Chia Sẻ”

 

NHỮNG LÁ THƯ CHẾT

Cách đây ít năm, một thành phố nước Anh có thanh niên tên là Fred Armstrong.  Chàng làm ở bưu điện và người ta gọi chàng là trưởng ban thư chết vì chàng có nhiệm vụ giải quyết những lá thư đề sai địa chỉ hoặc thiếu sót hay khó đọc.  Chàng sống trong một ngôi nhà cũ với cô vợ nhỏ nhắn.  Một đứa con gái nhỏ và một cậu con trai còn bú sữa.  Sau cơm tối, chàng thích phì phèo tẩu xì gà rồi kể cho cả nhà nghe những kỹ thuật mới nhất trong việc khám phá địa chỉ của những cánh thư lạc.  Chàng tự coi mình như một người thám tử.  Trong khung trời hiền hòa của chàng chẳng có gợn mây mù nào.

Cho đến một sáng kia, cậu con trai của chàng ngã bệnh.  Thoạt nhìn thấy đứa bé, bác sĩ có vẻ suy tư. Và chỉ trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ là cục cưng của chàng không còn nữa.

Fred Armstrong buồn bã, tâm hồn chàng tan nát điếng nghẹn.  Bà mẹ và cô bé Maria cũng khổ sầu không kém, nhưng họ quyết tự kiềm chế và vui sống với những gì còn lại.  Nhưng ông bố thì không vậy.  Cuộc đời của chàng bây giờ quả là một cánh thư chết không định hướng.  Mỗi sáng đi làm việc như một người mộng du, ai hỏi chàng mới nói, mà nói rất ít.  Chàng làm việc trong yên lặng, ăn một mình, ngồi như tượng đá ở bàn cơm, và đi ngủ thật sớm.  Nhưng người vợ biết là chàng thức gần trắng đêm, mắt mở thao láo ngó lên trần nhà.  Ngày lại ngày, tháng năm qua, tháng chạp đến, chàng càng tỏ ra thờ ơ suy nhược hơn nữa.

Bà vợ cố gắng thuyết phục chồng.  Nàng bảo: “Tuyệt vọng như vậy là bất công đối với kẻ chết cũng như với người sống.”  Nàng sợ thái độ lầm lì đó sẽ đưa chàng tới bệnh viện tâm thần.

Giáng Sinh đã gần tới.  Một buổi chiều xám ngắt.  Fred đang phân loại thư từ thì thấy có một lá thư dứt khoát là không thể chuyển được.  Địa chỉ của người nhận nguệch ngoạc bằng bút chì như sau:

“Kính gởi Ông già Noel Bắc Cực.”

Armstrong định xé vất nó vào sọt rác nhưng có một thúc đẩy nào đó khiến chàng mở thư và đọc:

“Ông già Noel thân mến,

zzNăm nay nhà cháu buồn lắm.  Vậy ông khỏi mang quà tới cho cháu nữa.  Mùa xuân vừa rồi, thằng cu nhà cháu về trời.  Cháu chỉ xin mỗi điều là khi ông tới nhà cháu, ông mang dùm đồ chơi về trời cho em cháu.  Cháu để đồ chơi của nó ở gần lò sưởi góc bếp: con ngựa gỗ, cỗ xe lửa và hết mọi thứ khác.  Em cháu thích phi ngựa ghê lắm, ông mang hết về cho nó và đừng để gì cho cháu cả.  Nhưng xin ông cho ba cháu cái gì để ba cháu giống như hồi trước.  Xin ông làm cho ba cháu lại hút xì gà và tiếp tục kể chuyện cho cháu.  Cháu nghe ba nói với má là chỉ có “đời đời” mới làm cho ba cháu lành được thôi. Vậy xin ông gởi cho ba cháu một ít cái “đời đời” nhé.  Cháu hứa sẽ rất ngoan ngoãn.

Ký tên
Marian.”

Tối hôm đó, trên những con đường phố sáng rực đèn.  Fred Armstrong rảo bước thoăn thoắt.  Vào đến sân nhà chàng bật quẹt châm xì gà.  Khi vừa mở cửa, chàng xả một hơi thuốc dài.  Làn khói giống như một vòng hào quang quanh đầu hai mẹ con Marian đang trố mắt ngạc nhiên.  Chàng lại tươi cười như trước.

************************************

Cuộc sống của mỗi người chúng ta đều phải trải qua những thăng trầm không thể tránh khỏi.  Có những tháng ngày xem ra vô vọng không còn thiết sống.  Có những lúc mây mù bao phủ khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát . Đôi khi qúa tuyệt vọng, chúng ta tự hỏi: tại sao Thiên Chúa để xảy ra nhiều đau khổ và bất công như thế?  Thực ra, Thiên Chúa không tạo ra đau khổ, cũng không gây ra bất công, bởi vì Ngài là tình yêu thương và là sự công bằng vô biên.

Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng Thiên Chúa không nhận lời mình cầu xin.  Nhưng chúng ta quên rằng cầu nguyện không phải là xin Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, mà là tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng thực thi ý Chúa.  Chương trình của Ngài vượt quá trí hiểu hẹp hòi và cái nhìn thiển cận của chúng ta.

Kitô giáo có một nghịch lý rất lớn, đó là kêu gọi con người nhìn vào Thập giá như biểu tượng của hy vọng, nhìn vào đau khổ và cái chết như khởi đầu của ơn phúc.  Chắc chắn, Chúa Giêsu không phải là người rao giảng sự chết chóc.

Kitô giáo không phải là đạo của khổ đau.  Đức Kitô cũng không tự mình đi tìm cái chết; mãi mãi cái chết ấy vẫn là một bản án bất công của con người dành cho Thiên Chúa.  Ngài cũng không đòi chúng ta phải đi tìm thập giá, Ngài chỉ khuyến khích: “Hãy vác lấy thập giá mình mỗi ngày.”

Mà kỳ thực, có cuộc sống nào mà không có đau khổ.  Có ai thóat khỏi khổ đau?  Từ khi Ngôi Hai giáng sinh và cứu chuộc, thập giá đã biến thành nguồn ơn cứu rỗi, cái chết đã trở thành Tin Mừng.  Tin Mừng chính là Thiên Chúa luôn yêu thương dìu dắt con người trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống.

Từ đây, thất vọng đã bừng sáng lên niềm hy vọng.  Những đau khổ của chúng ta sẽ không đi vào quên lãng, nhưng mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc mai sau.

C. Delavigne đã nói: “Sống là chiến đấu mà phần thưởng ở trên trời.” Cervatès còn xác quyết: “Ở đâu có đời sống thì ở đó có niềm hy vọng.” Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta nhìn thấy hoa trái của hạt giống mình đã gieo vãi.  Bên kia những vất vả, mất mát, thử thách đau khổ, người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhìn thấy những ánh sao của niềm hy vọng, như Ba Vua tìm lại ánh sao sau khi lạc mất.

************************************

Lạy Chúa Hài Đồng, Chúa đã Giáng Sinh để chia sẻ những khổ đau của nhân loại chúng con.  Xin cho con đừng bao giờ thất vọng, ngã lòng vì những đau khổ thử thách, nhưng cho con luôn cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương và được lớn lên trong niềm tin tưởng phó thác.  Xin ban thêm cho con niềm hy vọng và nâng đỡ con trong cuộc sống.  Xin củng cố trong con niềm tin tưởng, lạc quan, để mỗi khi tiếp xúc với con, mọi người sẽ thấy bừng sáng lên niềm hy vọng vào cuộc sống.  Amen!

Thiên Phúc

 

ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÓN TIẾP CHÚA

Ngày 17 tháng 12 vừa qua, ta đã đọc bài Phúc Âm nói về gia phả Đức Giêsu, trong đó Chúa Giêsu sinh bởi dòng dõi vua Đavít.  Hôm nay, Phúc Âm lại trình bày cho ta một gốc tích khác của Người: Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria do quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Phải chăng thánh sử Matthêu mâu thuẫn khi đưa ra hai gốc tích khác nhau như thế?

zzThánh sử Matthêu không mâu thuẫn, nhưng khi trình bày cho ta hai gốc tích khác nhau của Chúa Giêsu, thánh sử có một dụng ý thần học.  Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên việc thụ thai phải do quyền năng của Chúa Thánh Thần.  Nhưng Chúa Giêsu cũng là người nên phải sinh ra bởi một con người. Thiên Chúa ban Con Một cho loài người.  Đức Maria đã đại diện loài người lãnh nhận.  Nhưng quyền năng Chúa Thánh Thần tác động trên Đức Maria chỉ diễn ra trong riêng tư, âm thầm.  Chính thánh Giuse đưa Chúa Giêsu ra công khai khi nhận Ngài vào dòng tộc Đavít.  Qua trung gian của thánh Giuse, Chúa Giêsu đã chính thức gia nhập gia đình nhân loại, trong một đất nước, trong một dân tộc, trong một dòng họ.  Tên tuổi của Người được ghi trong lịch sử của dân tộc, của dòng họ, của gia đình. Vận mệnh của Người gắn chặt với dân tộc, dòng họ, gia đình ấy.  Người thực là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở với chúng ta”.

Nhờ đâu mà thánh Giuse và Đức Maria được diễm phúc là những người đầu tiên, đại diện nhân loại tiếp đón Đấng Cứu Thế.  Qua bài Phúc Âm Truyền Tin và bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy thánh Giuse và Đức Maria có những đặc điểm sau đây.

1) Các Ngài có tâm hồn khiêm nhường sâu xa.

Đức Maria là một thiếu nữ có tâm hồn khiêm nhường.  Từ nhiều thế kỷ qua, lời sấm về Đấng Cứu Thế vẫn được truyền tụng trong dân Do Thái.  Thiếu nữ nào cũng mong được làm mẹ Đấng Cứu Thế.  Đó là một hạnh phúc, một vinh dự không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả gia đình, cho dòng họ, cho đất nước.  Vậy mà khi nghe thiên thần loan báo tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria chỉ khiêm tốn thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.”  Khi bà Êlisabeth ca tụng Ngài, Đức Maria đã đáp lại: “Vì Chúa đã đoái thương phận tôi tớ thấp hèn.  Người nâng cao những người bé nhỏ.”  Đức Maria nhận ra sự thật là: Nếu Ngài được ơn Chúa ban thì không phải vì công trạng của mình, nhưng do lòng từ bi thương xót của Chúa.  Vì khiêm tốn, nên Đức Maria âm thầm ghi nhớ tất cả mọi việc Chúa làm, mọi lời Chúa phán.  Ghi nhớ để suy gẫm trong lòng.  Càng suy gẫm lại càng thêm khiêm nhường.  Càng khiêm nhường lại càng kín đáo.

Thánh Giuse cũng có tâm hồn khiêm nhường không kém.  Đọc Phúc Âm, ta có cảm tưởng là thánh Giuse luôn tự rút lui vào trong bóng tối.  Ngài luôn sống âm thầm khiêm tốn trong công việc tầm thường của thợ thuyền.  Sự khiêm tốn ấy đặc biệt thể hiện trong bài Phúc Âm hôm nay.  Khi biết tin Đức Mẹ đang mang thai Đấng Cứu Thế, thánh Giuse đã âm thầm bỏ đi.  Ngài không dám tự cho mình cái vinh dự được làm cha Đấng Cứu Thế.  Ngài không dám chiếm hữu quyền làm cha của Thiên Chúa. Ngài không dám mạo nhận công việc của Chúa Thánh Linh.  Ngài là người công chính vì khiêm tốn sống đúng thân phận của mình.  Ngài là người công chính vì trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.

2) Các Ngài mau mắn vâng lời Thiên Chúa.

Các Ngài có chương trình cho đời sống.  Chương trình ấy được suy nghĩ kỹ lưỡng vì được thực hành nghiêm chỉnh.  Đức Maria khấn giữ mình đồng trinh.  Thánh Giuse muốn sống âm thầm trong bóng tối.  Nhưng khi nghe biết thánh ý Thiên Chúa các Ngài đã mau mắn xin vâng, bỏ dở chương trình riêng tư, chuyển hướng cuộc đời để thi hành thánh ý Thiên Chúa.  Đức Maria đã thưa “xin vâng” bất chấp những đau khổ, khó khăn đang chờ đón.  Thánh Giuse đã mau mắn vâng lời dù thánh ý Thiên Chúa chỉ mơ hồ giữa bóng đêm dày đặc, trong một giấc mộng lãng đãng mơ hồ.

Vì Chúa, các Ngài đã từ bỏ ý riêng mình.  Vì Chúa, các Ngài đã thay đổi toàn bộ đời sống.  Thay đổi quyết liệt.  Từ bỏ dứt khoát.  Vâng lời mau mắn.

Thái độ của các Ngài rất gần với thái độ của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ tự hạ mình thẳm sâu.  Dù là Thiên Chúa, Người đã không đòi cho mình quyền được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ làm một người bé nhỏ nghèo hèn.  Người luôn vâng lời Đức Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên thập giá.

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.  Giống nhau thì tìm đến nhau.  Chúa Giêsu xuống trần trong một thái độ khiêm hạ và vâng phục thánh ý Chúa Cha đã tìm được nơi cư trú tâm đắc nơi Đức Maria và thánh Giuse, hai tâm hồn khiêm nhường và tuyệt đối vâng lời.

Lạy Chúa Giêsu bé nhỏ, bây giờ thì con đã hiểu biết phải dọn một máng cỏ như thế nào cho Chúa. Chúa muốn con khoét một hang sâu khiêm nhường trong lòng con, trải trên đó những sợi cỏ vâng lời mau mắn.  Như thế con sẽ được hạnh phúc đón tiếp Chúa, Đấng rất khiêm nhường và rất vâng lời. Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

TIẾNG CHUÔNG ĐÊM TÌNH YÊU

Hằng năm, cứ đúng 12 giờ đêm Noel thì trong một ngôi nhà thờ cổ kính nọ, tiếng chuông Sinh Nhật sẽ ngân vang du dương, thánh thót như điệu nhạc thiên quốc, nhưng với điều kiện là phải có một món quà quý giá, hiếm lạ và đẹp nhất được đặt trên bàn thờ dâng Chúa Hài Nhi thì mới hy vọng được nghe tiếng nhạc đó.

Đã bao mùa Giáng Sinh qua đi mà tiếng chuông du dương ấy vẫn chưa trở lại với dân chúng xứ này, họ vẫn nghe tiếng gió thổi vi vu giữa bầu trời tuyết lạnh.  Chuyện về tiếng chuông lạ cũng được đồn thổi sang vùng lân cận và có hai anh em kia tên là Peter và John quyết định cả năm hy sinh dành dụm để có thể đem quà tặng Chúa Hài Nhi nhân dịp lễ Giáng Sinh với hy vọng được nghe tiếng chuông ngân nga.

Hôm vọng lễ, từ sáng sớm hai anh em đã khoác áo ấm, trùm khăn, đội nón đi bộ đến nhà thờ đó, bất chấp lớp tuyết cao cả thước phủ hai bên đường.  Đến chiều hai anh em vừa đến cổng thành thì gặp một cụ già ngã quỵ bên đường nằm bất động trên đống tuyết, bà không còn đủ sức để lê bước vì không có sự giúp đỡ của một ai trong thành.  Peter liền dừng lại cúi xuống tìm cách nâng bà dậy nhưng không thể được vì cậu quá nhỏ, sức yếu.  Sau cùng, Peter nói với em:

– Nếu chúng ta để bà một mình ở đây bà sẽ chết cóng, anh sẽ ở lại đây ôm bà để sưởi ấm cho bà, em hãy cầm lấy đồng tiền nhỏ này đem đặt trên bàn thờ, đó là món quà của anh em mình tặng Chúa Hài Đồng.  Lễ xong, em tìm người đến đây để giúp bà cụ.

Rồi quay sang bà lão, Peter an ủi:

– Bà hãy can đảm lên, đợi đến sau lễ sẽ có người hảo tâm ghé đến giúp bà.

Đêm hôm đó, nhà thờ chật ních đoàn người bốn phương tìm về dự lễ.  Đến cuối lễ, người người lần lượt tiến lên bàn thờ dâng Chúa Hài Đồng món quà quý giá và hiếm lạ.  Cuối cùng, có một ông vua tiến lên bàn thờ, trên tay vua là một triều thiên bằng vàng với mọi thứ đá quý và những hạt kim cương lấp lánh.  Mọi người im lặng nín thở, thầm nghĩ là thế nào cũng được nghe tiếng chuông ngân nga, nhưng họ thất vọng ngay sau đó vì chỉ nghe tiếng gió hú mà thôi.  Họ thì thầm với nhau, có lẽ chúng bị mắc kẹt đến muôn đời.  Ca đoàn nhà thờ chuẩn bị hát bài tạ lễ.  Tiếng đàn phong cầm vừa đệm được mấy nốt nhạc thì bỗng dưng im bặt.  Từ lúc đó, trên tháp chuông cao ngất người ta bắt đầu nghe những tiếng chuông ngân nga khi bổng khi trầm thật du dương thánh thót như điệu nhạc thiên quốc.

Mọi người hồi hộp trong thinh lặng, họ đưa mắt nhìn về phía bàn thờ xem có ai đem lễ vật quý nào cho Chúa Hài Đồng chăng?  Và họ trố mắt ngạc nhiên khi thấy một cậu bé khiêm tốn, lặng lẽ đặt lên bàn thờ đồng tiền nhỏ bé mà anh Peter đã đưa cho nó tặng Chúa Hài Đồng.

**************************************

zzChắc không phải đồng tiền nhỏ của hai anh em Peter và John đã dành dụm cả năm để dâng Chúa Hài Đồng đã làm cho tiếng chuông Sinh Nhật vang lên thánh thót du dương, mà chính là nghĩa cử bác ái của Peter, chính là hơi nóng, thân nhiệt của anh sưởi ấm cụ bà giữa trời tuyết lạnh, nhất là chính nhịp đập yêu thương của trái tim Peter quá mạnh đến nỗi tiếng chuông giáo đường phải vang lên điệu nhạc thiên quốc.

Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ bé và âm thầm của con người: Bà góa Sarepta đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Elia, và kể từ đó “đấu bột của nhà bà không vơi và hũ dầu cũng không cạn.”  Chỉ cần 5 cái bánh và 2 con cá của cậu bé, Chúa đã làm cho hơn 5.000 người ăn no nê.  Nếu chúng ta sẵn sàng dâng cho Chúa một chút những gì chúng ta có thì biết bao người chung quanh sẽ được hưởng chung phép lạ của Thiên Chúa.

Có lẽ nhân loại của chúng ta không chết đói vì thiếu lương thực cho bằng vì thiếu tình thương.  Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương của đồng loại.  Những người giàu sang nhưng không biết chia sẻ cũng là những người đang chết dần trong tính ích kỷ.  Con người cần có lương thực để sống, nhưng cũng rất cần có tình thương để tồn tại.  Nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi nhỏ bé của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ.

Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác.  Vì trao ban đích thực không phải là trao ban của cải vật chất, bởi vì của cải tự nó không phải là con người.  Quà tặng đích thực chính là bản thân, trao ban đích thực là trao ban chính mình.  Có hiểu như thế thì chúng ta mới thấy rằng dù nghèo hèn đến đâu, ai cũng có một cái gì đó để trao ban.

Thánh J. Chrysostone đã khẳng định: “Sự vĩ đại của bác ái không được đo lường theo số lượng mà theo sự phóng đạt của tâm hồn.”  Pasquien Quesuel cũng đồng tình khi ông viết: “Trái tim phải thực hiện bác ái khi bàn tay làm không được”.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, âm thầm có khi vô danh, không ai biết tới.  Một giọt nước nhỏ bé là điều không đáng kể trong đại dương bao la, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng chỉ là sa mạc khô cằn mà thôi.

Sưu tầm

BẢNH THẬT SỰ

Trái tim tôi như đang bị bóp nghẹt lại.  Khi mẹ tôi và tôi bước vào cửa hiệu, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất trong đầu: Mình hy vọng chiếc xe đạp xinh xắn màu hồng vẫn còn ở đó.  Nó sẽ là chiếc xe đạp đầu tiên trong đời tôi.  Nhưng vì chỉ còn một tuần là đến Giáng Sinh và các của hiệu đều đông nghẹt khách hàng, nên mẹ tôi khẽ nhắc tôi rằng có thể chiếc xe đạp mà tôi muốn đã được bán rồi.

Tôi cảm thấy bụng đang đánh lô tô lên, và hai đầu gối run lẩn bẩy.  Tôi lo lắng tới nỗi phải bắt chéo hai ngón tay khi tới gần gian hàng xe đạp.  Bụng tôi thắt lại khi nhìn thấy nó ở gần cuối dãy để xe.  Nó đấy!  Chiếc xe đạp màu hồng bóng loáng của tôi!  Nó mới tinh và đẹp quá, thế là tôi phải nhét tay vào túi để tránh sờ vào làm bẩn nó.

Tuần lễ đó trôi qua thật chậm chạp.  Ngoài việc nhà trường cho nghỉ học, điều duy nhất chúng tôi mong đợi là chuyến đi từ thiện của trường tới nhà mở dành cho trẻ em đường phố.  Chúng tôi đã làm một số đồ chơi cho bọn trẻ sống ở đó.  Tôi ngạc nhiên khi thấy một con số rất lớn trên danh sách – chà, có quá nhiều trẻ em không có một mái nhà thật sự để huởng ngày Giáng Sinh.

Tuy nhiên, nói đúng ra, tôi không nghĩ nhiều đến việc giúp đỡ đám trẻ đường phố bằng nghĩ đến chiếc xe đạp.  Tôi nóng lòng chờ hết kỳ nghỉ đông để mỗi ngày đạp xe đến trường cho mọi người nhìn thấy. Ít ra cũng có một lần tôi là đứa trẻ bảnh nhất.

Trong khi chờ xe buýt tới đưa chúng tôi đến nhà mở để phân phát quà cho bọn trẻ, tôi ngồi vào bàn học của mình và viết thư cám ơn mẹ tôi.  Tôi giải thích rằng tôi chưa bao giờ muốn có một vật gì như muốn chiếc xe đạp đó.  Khi tôi vừa viết xong lá thư, bác tài xế cũng vừa đến và đưa chúng tôi ra xe. Tôi ngồi kế bên một đứa bạn, cậu ta khoe rằng sẽ được món quà Giáng Sinh là ván trượt tuyết.  Chúng tôi nói về sự hồi hộp trước những món quà tuyệt vời đó.

Chúng tôi trò chuyện suốt đoạn đường, và miệng vẫn còn huyên thuyên khi bước qua cánh cửa của nhà mở.  Đột nhiên, tôi im bặt, bỏ ngang câu nói dở dang.  Tôi bàng hoàng khi nhìn thấy bọn trẻ gầy gò và ăn mặc rách rưới.  Tôi cảm thấy buồn bã khi nhìn chung quanh nhà mở.

Cô giáo khuyến khích chúng tôi tìm một đứa trẻ đang sống ở đây và trò chuyện với nó.  Tôi để ý tới một con nhỏ ngồi lặng lẽ trong góc phòng.  Khi tôi bước lại gần, hình như nó không muốn lên tiếng chào hỏi, nhưng tôi cảm thấy mình nên nói gì đó với nó.  Tôi bắt đầu bằng việc hỏi xem nó có hồi hộp chờ Giáng Sinh đến không.  Tôi kể rằng tôi sắp nhận được món quà là một chiếc xe đạp.  Đột nhiên, mắt nhỏ sáng lên, miệng nở nụ cười thật tươi.  Nó nói với tôi rằng nó sẽ là đứa hạnh phúc nhất trên đời nếu có một chiếc xe đạp.

Rồi nhỏ kể cho tôi nghe về cuộc đời mình . Nói đúng ra, nó không có tuổi thơ như một đứa trẻ bình thường.  Nó chưa bao giờ biết mùi vị của việc sống trong một gia đình thật sự, với những con vật nuôi của riêng nó… là như thế nào.  Cha mẹ nó đều nghiện rượu và thường xuyên gặp khó khăn về tiền bạc. Họ dời chỗ ở liên tục, hoặc vì không thể trả nổi tiền thuê nhà, hoặc bị đuổi ra khỏi nhà bởi một lý do nào đó.  Mọi việc tồi tệ đến nỗi cuối cùng họ bỏ rơi nó và nó phải vào ở nhà mở này.

Nó không còn ai để gọi là gia đình nữa.

Tôi biết việc nhỏ muốn có một chiếc xe đạp là điều không thể.  Ai sẽ mua cho nó?  Cha mẹ nó đi rồi, và nó sống trơ trọi một mình trên thế gian này ngoại trừ những người quản lý nhà mở.  Tôi cảm thấy xót xa cho nó quá.

Hai chúng tôi mải mê nói chuyện đến nỗi cô giáo phải đến vỗ vai tôi, nói rằng đã đến giờ chúng tôi ra về.  Tôi chộp lấy cái cặp, chúc nó một mùa Giáng Sinh vui vẻ, và nhận được những món quà mà mình muốn.  Trước khi rời phòng, tôi quay đầu nhìn lại và mỉm cười với nó.

Đêm đó, tôi nằm trên giường nhớ lại những gì con nhỏ kể cho tôi nghe về cuộc sống tại nhà mở.  Tôi nghĩ tới cuộc đời nó rồi nghĩ tới cuộc đời tôi.  Nói chung, tôi chỉ biết đòi, đòi và đòi… và cho rằng mình vẫn chưa có đủ.  Bây giờ tôi gặp một con nhỏ bằng tuổi tôi, hầu như nó chẳng nhận được một thứ gì và nó cho rằng đó là điều bình thường.  Bây giờ tôi mới hiểu tại sao người ta hay nói rằng tôi là một con người may mắn.

Suốt ba ngày sau, tôi cứ suy nghĩ xem có cách nào để giúp cuộc đời nhỏ bạn tốt đẹp hơn.  Rồi, ngay đêm trước Giáng Sinh, trong lúc ngồi nghe linh mục giảng trong nhà thờ, ý tưởng bất chợt nảy ra.  Tôi muốn tặng cô bạn mới chiếc xe đạp mới của tôi – mà tôi vẫn chưa nhận được!

zzKhi tôi giải thích tất cả mọi chuyện với mẹ, bà nhìn tôi cười – một nụ cười mà tôi không thể diễn tả được – một nụ cười mà tôi chưa thấy bao giờ.  Mẹ tôi tìm tờ báo nói về ngôi nhà mở mà tôi đã đến thăm.  Và sáng ngày Giáng Sinh, hai mẹ con tôi tới nhà mở với chiếc xe đạp mới nằm gọn trong cốp xe.

Tôi bước vào với cảm giác nuối tiếc rằng mình sẽ không con chiếc xe đạp nữa, nhưng trong lòng tôi cũng cảm thấy vui sướng.  Khi tôi tìm thấy nhỏ đó, nó vẫn ngồi lặng lẽ trong góc phòng như ngày hôm trước.  Đầu nó cúi xuống, có vẻ buồn rầu lắm.  Tôi bước tới gần, nói:

– Chúc Giáng Sinh Vui Vẻ.

Rồi tôi nói tôi có một món quà cho nhỏ.

Mặt nó sáng bừng và nó mỉm cười khi ngước lên nhìn tôi.  Ánh mắt nó vui vẻ hơn lần trước.  Tôi nắm tay nhỏ và dẫn ra cửa.  Dựng ngay bên ngoài là chiếc xe đạp màu hồng của tôi với chiếc nơ to tướng màu đỏ.  Tôi mong chờ được thấy nó toét miệng nhe răng cười thật tươi, nhưng thay vào đó, tôi thấy một giọt nước mắt trong veo lăn xuống má nó.  Nó sung sướng đến nỗi phải bật khóc.  Nó luôn miệng cám ơn tôi.  Và lúc đó tôi biết rằng điều tôi vừa làm mới là “bảnh” thật sự.  Tôi biết mình đã biến con nhỏ thành đứa trẻ hạnh phúc nhất trên đời.

Nhưng tôi không hề biết rằng, việc tôi cho chiếc xe đạp duy nhất – mà tôi có – đã thay đổi cách suy nghĩ của tôi về cuộc sống.  Qua thời gian, tôi thấy mình không còn tham lam như trước đây nữa.

Giờ đây tôi đã biết: Nhận một món quà tuyệt vời sẽ làm tôi cảm thấy sung sướng, nhưng thật lòng tặng một món quà cho người khác còn khiến tôi sung sướng gấp bội lần.

Tôi cũng biết rằng tôi đã hy vọng nhiều vào chiếc xe đạp đó để hình ảnh tôi có vẻ bảnh hơn.  Mặc dù tôi không còn dịp đạp xe đến trường để khoe mẽ, mẹ tôi rất tự hào về tôi và những người khác cũng vậy.  Về lâu về dài, lòng tốt của tôi có nhiều ý nghĩa hơn là một chiếc xe đạp – hoặc bề ngoài bảnh bao.

Brittany Anne Reese, 15 tuổi

DUNG MẠO ĐỨC KITÔ

Thánh Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực.  Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều: làm chứng cho chân lý.  Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, thánh nhân đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua.  Vì thế mà thánh nhân bị bắt giam trong ngục Machéronte.  Khi bị giam trong ngục, thánh nhân vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu.  Hôm nay thánh nhân sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác?”

Thật lạ lùng đến khó hiểu.  Người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ Người mà mình giới thiệu.  Đó là bi kịch của thánh Gioan Tiền Hô.  Câu hỏi cho thấy thánh nhân ở trong một tâm trạng hoang mang.  Đức tin của ngài chao đảo.  Nửa tin nửa ngờ.

Sự hoang mang của thánh Gioan Tiền Hô đến do hai nguyên nhân sau:

1) Nguyên nhân thứ nhất: Chúa Giêsu có những việc làm khác với lời Gioan loan báo.

Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại.  Trong Phúc Âm tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa.  Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc.  Thóc sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi.  Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi loan báo ấy đã gây xôn xao sợ hãi.  Thế mà khi Chúa Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn.  Không oai phong, quyền lực, Chúa Giêsu tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói.”  Gioan Tiền Hô loan báo sự trừng phạt.  Nhưng Chúa Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ.  Chúa Giêsu nói: “Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa.”  “Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc.”  Thật là trái ngược.  Trách nào Gioan chẳng hoang mang.

2) Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù.

zzÔng bị ngược đãi, tất nhiên.  Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại.  Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công.  Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm.  Hết rồi những sứ điệp rực lửa.  Hết rồi thời hy vọng tràn đầy.  Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình?  Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù?  Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê?  Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân.”  Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy.  Và Gioan nghi ngờ: hay Ngài không phải là Đấng Cứu Thế.  Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được.  Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông.  Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người.  Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?”  Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan.

Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp.  Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.”

Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế.  Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây.  Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga.  Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói.  Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ.  Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến tôi tỉnh ngộ.  Chúa Giêsu đã cho tôi một hình ảnh trung thực về dung mạo Đấng Cứu Thế.  Qua câu trả lời đó, Chúa Giêsu cũng muốn nói với tôi rằng: Nếu con muốn Giáo Hội là hình ảnh đích thực nguyên tuyền của Thày, con hãy xây dựng một Giáo Hội không quyền lực, không tiền bạc, không phô trương.  Hãy làm cho Giáo Hội mang dung mạo của Thày: một dung mạo khiêm tốn, nghèo hèn, bình dị, thân ái và nhân từ.  Nếu con muốn tiếp tục sứ mạng của Thày, hãy chạy trốn quyền lực, hãy sợ hãi tiền bạc, hãy tránh thói phô trương.  Hãy yêu thích những việc âm thầm bé nhỏ.  Trước hết hãy đến với những người nghèo hèn.  Hãy bắt đầu bằng tình thương.  Vì chỉ có tình thương mới cứu được thế giới.

Ta đang chờ đón Chúa đến.  Hãy cảnh giác.  Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục.  Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực.  Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người.  Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ.  Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ.  Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái.  Chúa đến chỉ thoáng qua.  Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

HỘP SÔCÔLA NHÂN ANH ĐÀO

Đó là một Giáng sinh kinh khủng!  Trước Giáng sinh năm đó, vào ngày 30 tháng 6 năm 1997, con trai đầu lòng của tôi, Cameron, được chẩn đoán là bị ung thư máu.

Sau cuộc di chuyển đầy đau đớn bằng trực thăng quân đội đến bệnh viện Walter Reed, trải qua ba lượt hóa trị khốc liệt, bị cắt phổi, và chịu đựng một cuộc xét nghiệm tủy xương hết sức kinh hoàng… cháu được chuyển đến bệnh viện trường Đại học Duke.  Vào ngày 4 tháng Mười hai, Cameron được thay máu.  Đó cũng là nỗ lực cuối cùng.

Bây giờ đang là đêm Giáng sinh.  Chúng tôi đón lễ tại một căn phòng nhỏ trong khu điều trị. Những năm trước, chúng tôi dành hàng tuần liền để làm bánh trái chuẩn bị cho ngày lễ này.

Nay thì bánh Giáng sinh được gia đình và bạn bè gửi đến, vì tôi muốn dành hết thời gian ở cạnh Cameron để an ủi cháu trong những lúc buồn tẻ.  Trước đó cháu đã bị cách ly trong nhiều tuần vì cháu không có hệ miễn nhiễm, vốn là hậu quả của những lần hóa trị và các loại thuốc giúp tạo tủy xương mới.  Vài món quà gởi đến trước ngày lễ theo đường bưu điện được mở ra ngay tức thì.  Chúng tôi cần có bất cứ thứ gì từ đâu đó để tạo cho cháu chút niềm vui.

6 giờ chiều ngày Giáng sinh luôn luôn là thời khắc kỳ diệu.  Vào cùng giờ đó, gia đình chúng tôi ở Iowa, Wisconsin, California, hay Washington D.C. đều đồng loạt mở quà.  Điều này mang lại cho chúng tôi cảm giác sum họp gần gũi, dù đang ở cách xa nhau.  Cha và mẹ kế của Cameron, rồi các anh chị em của nó cũng đang mở quà ở tại nhà mỗi người ở Fayetteville, bang North Carolina.  Giáng sinh này chỉ có Cameron và tôi trong căn phòng nhỏ trang trí đơn sơ.

Do yêu cầu của môi trường vô trùng ở bệnh viện, những thành viên khác trong gia đình không được phép có mặt.  Cuộc sống của Cameron giờ đây gắn liền với những tiếng o o đều đều của thiết bị lọc máu và tiếng bíp bíp của sáu chiếc bơm truyền máu nối vào ống thông trong tim.  Dù vậy, Cameron vẫn luôn tỉnh táo.  Chờ đến đúng 6 giờ chiều, Cameron mới mở quà.  Nó muốn duy trì thói quen truyền thống này của gia đình.  Tôi đưa cho cháu ít món quà mà trước đó tôi đã để dành lại.  Cháu rất vui.

Cameron thận trọng với sang phía bên kia chiếc giường bệnh viện, đưa cho tôi một cái hộp nhỏ màu xanh lá.  Chiếc hộp được gói rất đẹp, rõ ràng là được một cửa hàng bán quà lưu niệm thực hiện.  Các góc cạnh ngay ngắn, trên hộp có đính một mẩu ruy-băng thòng xuống, với cái khuy móc bằng vàng chạm nổi.  Tôi ngạc nhiên hỏi, “Cho mẹ hả?”

“Dạ,” cháu trả lời.  “Nếu con không có quà gì để biếu mẹ trong lễ Giáng sinh thì đâu còn là con nữa.”  Tôi nghẹn ngào gần như không nói được.  “Làm sao mà con có được vật này?  Con nhờ một cô y tá ra cửa hàng lưu niệm mua phải không?”

Cameron nằm xuống giường cười tinh nghịch, “Không phải.  Hôm qua, khi mẹ về nhà vài tiếng đồng hồ để tắm rửa, con đã lén đi xuống dưới lầu.”

“Cameron!  Con đâu được phép đi ra khỏi phòng!  Con có biết rằng con rất yếu không?  Họ để con đi như vậy sao?”

“Đâu có!” Cháu cười to hơn, “Chẳng ai nhìn thấy cả.  Con cứ thế mà đi thôi.”

Đây quả là một thành tích không nhỏ, vì sau khi thay máu, Cameron càng trở nên yếu ớt hơn. Cháu không bước được, nhất là khi không có ai đỡ.  Cháu phải có một nghị lực thật phi thường mới có thể một mình đi qua hết khu điều trị, đẩy theo mình cả một dàn treo thiết bị thuốc men và các bơm truyền dịch.

Làm thế nào nó có thể đi xuống được chín tầng lầu để đến cửa hàng bán quà lưu niệm trong bệnh viện?  “Đừng lo, mẹ.  Con mang cái mặt nạ thở, và chống một cây gậy.  Ồ, khi trở lên, họ quay con một trận ra trò.  Con chẳng cần phải len lén đi lên gì cả.  Họ đã túa ra đi tìm con.”

Tôi ôm thật chặt chẳng chiếc hộp và bật khóc. “Mở ra đi mẹ,” cháu bảo tôi.  “Món quà nhỏ bé thôi mà.  Nhưng nếu mẹ không có được món quà nào trong ngày này thì còn gì là Giáng sinh nữa.”

Tôi mở chiếc hộp sôcôla nhân anh đào do cửa hàng lưu niệm gói. “Đó là thứ mẹ vẫn thích phải không?” cháu hỏi.

Tôi âu yếm nhìn đứa con trai mười tám tuổi đã chịu bao nhiêu đau đớn ngay sau khi vừa tốt nghiệp trung học.  Lòng hiếu thảo của cháu đã khiến tôi vô cùng cảm động.  Tôi vội nói, “Đúng rồi. Đúng là thứ mẹ thích.”  Cháu cười khúc khích, “Mẹ thấy không, ngay cả khi ở trong bệnh viện, mẹ con mình vẫn giữ được những truyền thống gia đình.”

“Con trai ạ, đây là món quà quí nhất mà mẹ từng nhận được trong đời,” tôi nói với cháu những lời phát xuất từ chính lòng mình.  “Chúng ta sẽ bắt đầu một truyền thống mới.  Từ nay, mỗi Giáng sinh chúng ta chỉ tặng quà là sôcôla nhân anh đào để ghi nhớ kỷ niệm Giáng sinh năm 1997 này trong bệnh viện Đại học Duke, ghi nhớ cuộc chiến đau đớn của con với bệnh ung thư máu, nhớ nỗi kinh hoàng chúng ta đã phải chịu và niềm hạnh phúc khi chúng ta vượt qua được hoạn nạn.”  Truyền thống mới đã được khai sinh từ đó, ở chính trong bệnh viện này, mẹ con tôi cùng ăn sôcôla nhân anh đào.  Đó thật là một mùa Giáng sinh tuyệt vời!

Cameron qua đời vào ngày 4 tháng 3 năm 1998, sau hai cuộc thay máu không thành công.  Cháu rất dũng cảm.  Không bao giờ cháu chịu đầu hàng bệnh tật.  Không bao giờ cháu chịu bỏ cuộc.

zzGiáng sinh năm nay là Giáng sinh đầu tiên tôi không còn có cháu.  Giáng sinh đầu tiên tôi không có quà của cháu để được mở ra.

Còn đây là món quà của tôi gởi tặng bạn.  Một hộp sôcôla nhân anh đào.  Tôi mong rằng khi gói quà này được mở ra, nó sẽ nhắc bạn nhớ rằng tinh thần của ngày lễ Giáng sinh là được sum họp với gia đình, bè bạn, tạo nên truyền thống, hoặc mở đầu những truyền thống mới, nhưng trên tất cả những thứ tốt đẹp ấy là tình thương yêu.

Đông Phương – Nam Phương

 

 

 

Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: Niềm hy vọng của nhân loại

Vào tháng 11 năm 1848, các cuộc cách mạng bạo động sôi xục diễn ra trên khắp Âu Châu cuối cùng đã lan tràn tới Rome.  Những người quá khích đã ám sát thống đốc tiểu bang và bao vây Tòa Thánh.  Ðức Thánh Cha Piô 9 phải thoát đi lánh nạn ở Ghêta, thuộc vương quốc Naples.

Ba tháng sau đó, ngay trong khi còn đang phải đi tị nạn, Ðức Piô 9 đã gửi cho tất cả các Giám Mục trên khắp thế giới một bức thư tựa đề Ubi Primum.  Điều đáng ngạc nhiên là Đức Piô đã không dùng lá thư để nói đến việc ngài đi tị nạn hoặc những khủng hoảng chính trị và xã hội đang đe dọa Giáo Hội, nhưng là để mời tất cả các Giám Mục cùng cầu nguyện và góp ý với ngài trong việc công bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chọn thời điểm này để công bố một tín điều quan trọng, Đức Piô 9 đã chứng tỏ rằng Giáo Hội không hề bị lay chuyển bởi những xáo trộn chính trị và những khủng hoảng xã hội.

Nhờ lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, ngài đã đem Giáo Hội đi từ những lo âu đến vui mừng.

Đức Thánh Cha Piô 9 viết: “Đức Maria đã luôn luôn che chở các tín hữu khỏi những hoạn nạn lớn lao nhất, khỏi những cạm bẫy và tấn công của kẻ thù, đã cứu vớt họ khỏi mọi đổ vỡ…  Và tương tự như vậy, trong tình hình hiện tại, Đức Mẹ mong muốn ngăn cản và xóa tan mọi bão tố hiểm nguy của ác thần đang chống phá Giáo Hội.”

Trải qua nhiều thế hệ, qua nhiều bàn luận có khi rất gay go sôi nổi trong Giáo Hội, niềm tin nơi sự vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ vào thời gian đó đã trở nên hiển nhiên.  Chẳng hạn, trước đó ngay tại Mỹ vào năm 1846, các Đức Giám Mục đã nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm là bổn mạng của quốc gia Hoa Kỳ.   Vì thế đối với Đức Piô 9, trên phương diện đức tin, thời điểm để công bố tín điều quan trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã chín mùi.

Trong khi đó tại Âu Châu, các cuộc cách mạng ý thức hệ, các ảnh hưởng gia tăng của chủ thuyết vô thần, sự tôn thờ khoa học và vật chất đã liên tục gây ra những khủng hoảng lớn liên tiếp xảy ra từ Paris qua Frankfurt, Vienna, Budapest và Rome.  Do đó tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm đã chẳng được chú ý đến.  Tuy nhiên, Đức Piô vững lòng tin nơi một sức mạnh âm thầm nhưng rất mạnh mẽ đang che chở Giáo Hội, dựa vào một sự kiện mà ngài đã biết, là vào năm 1830, một nữ tu trẻ ở Paris đã được diện kiến Đức Maria.

zzĐức Trinh Nữ hiện ra đầu mang vương miện và mặc áo trắng tuyền, đứng trên qủa địa cầu, chân đạp trên đầu con rắn.  Một vòng sáng hình bầu dục bao quanh Trinh Nữ, trên đó có hàng chữ “Lạy Mẹ Maria tinh tuyền lúc thụ thai, cầu cho chúng con là những người chạy đến xin Mẹ che chở.”

Nữ tu, mà sau này trở thành thánh nữ Catherine Labouré, đã nghe trong lòng một lời chỉ bảo hãy làm mẫu ảnh dựa trên những gì đã được diện kiến.

Đức Piô rất tôn kính mẫu ảnh này và lòng tôn kính đó đã thúc đẩy ngài khi thảo bức thư cho các giám mục như đã nêu trên.  Mẫu ảnh đó đúng là một hào quang huy hoàng nổi bật giữa những tăm tối đang đe dọa Giáo Hội.  Đức Maria đã tỏ mình ra ứng nghiệm với tất cả những điều đã được viết về Mẹ trong Kinh Thánh:  một Evà mới trong sách Sáng Thế Ký và một Hoàng Hậu trong sách Khải Huyền, nghĩa là từ đầu cho đến cuối của toàn bộ Kinh Thánh.

Đức thánh cha Piô 9 trở lại Rome vào năm 1850 với lòng cảm tạ Đức Mẹ đã che chở Giáo Hội trong những sóng gió vừa qua.  Ngài bắt tay ngay vào việc soạn thảo tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, sau khi được các Đức Giám Mục nồng nhiệt phúc đáp thư của ngài.  Đã có tổng cộng 603 giám mục ưng thuận và chỉ có 4 vị không đồng ý.

Bốn năm sau đó, vào ngày 8 tháng 12, 1854 cùng với sự hiện diện của các giám mục trên thế giới, Đức Thánh Cha Piô 9 đã chính thức công bố niềm tin của Giáo Hội nơi việc Thiên Chúa đã tạo sinh Đức Mẹ tinh tuyền, vô nhiễm nguyên tội.

Ngày nay giữa một thế giới khủng hoảng lan tràn vì sa đọa và chiến tranh hận thù, tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là niềm hy vọng của nhân loại.

Đức cha Fulton Sheen nói: “Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố vào thời điểm mà thế giới văn minh đang mù quáng chạy theo những thần tượng đối nghịch.  Kác-Mác cho ra đời chủ thuyết cộng sản vô thần và đấu tranh giai cấp; Darwin phổ biến thuyết tiến hóa, theo đó con người bắt nguồn từ loài vật, và John Stuart Mill chủ trương một quan niệm cực đoan về quyền lợi cá nhân.  Những chủ thuyết này có cùng một ước vọng muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi niềm tin của nhân loại, cho rằng con người không cần đến Thiên Chúa.  Họ phủ nhận tội tổ tông và cho rằng con người tự mình có khả năng trở nên toàn thiện.

Đức cha Fulton Sheen kết luận rằng: “Nói cách khác, con người tự vỗ ngực cho rằng họ tất cả đều vô nhiễm nguyên tội”.  Trong những ngày đi tị nạn, Ðức Piô đã thấy trước chiều hướng nguy hiểm này. Do đó khi soạn thảo tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài muốn soạn một hiến chương mới cho thế giới, để kháng cự lại những tà thần của thời đại.

Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội luôn nhắc nhở chúng ta về sự nguy hiểm của ma qủi và tội lỗi, đồng thời cũng cho ta một hy vọng, một lời hứa là chúng ta được che chở và bảo vệ.

Tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã khởi sự một thế kỷ mới trong việc kính mến và tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria, mà cao điểm là việc công bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác lên Trời vào năm 1950.  Hai tín điều thật quan trọng: tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội khởi đầu và tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời kết thúc cuộc đời Ðức Mẹ ở trần gian.  Qua hai tín điều này Giáo Hội nhắn nhủ chúng ta nhìn vào gương của Ðức Mẹ để nhận ra ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời.  Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta được cứu khỏi tội lỗi, được thánh hóa, được ban cho khả năng biết yêu mến và được hứa cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Sau cùng, chính Ðức Mẹ là người đã xác tín với chúng ta về tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Ðầu năm 1858, tức là chỉ 4 năm sau khi tín điều được công bố, Bernadette một cô gái quê mùa và thất học tại Lộ Ðức, một làng nhỏ nơi miền núi Pyréné bên Pháp đã được diện kiến Ðức Mẹ.  Khi được Bernadette hỏi tên, Ðức Mẹ mỉm cười trả lời: “Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Vũ Tiến – http://www.donghanh.org/main/dsdt/dsdt_VoNhiem.htm

CÁC SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN TIỀN HÔ

Các nước đang phát triển có hướng đô thị hóa rất mạnh.  Dân quê bỏ đồng ruộng ra thành thị.  Chính phủ lo đô thị hóa nông thôn.  Càng phát triển, người ta càng có khuynh hướng tiêu thụ rất mạnh: ăn sang, mặc đẹp.  Vậy mà Phúc Âm hôm nay đưa ra hình ảnh thánh Gioan Tiền Hô, một người sống trong sa mạc, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo da thú.  Phải chăng là Phúc Âm đã lỗi thời, đi ngược với đà tiến hóa của nhân loại?

Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết ta hãy cùng nhau đào sâu những sứ điệp Phúc Âm được nhắn gửi qua đời sống của thánh Gioan Tiền Hô.  Thánh Gioan Tiền Hô tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc.  Đây không phải là một tiếng kêu vô hồn vô nghĩa.  Nhưng là tiếng kêu có nội dung, là những sứ điệp gửi đến loài người.

1) Sứ điệp thứ nhất mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy vào sa mạc.

zzVào sa mạc là sống với thiên nhiên, sống hòa hợp với đất trời, bảo vệ cây cỏ, dã thú.  Trong nền văn minh tiêu thụ hiện nay, người ta khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không nghĩ đến tái tạo.  Thiên nhiên đang bị hủy diệt, rừng xanh đang lâm nguy, súc vật đang kêu cứu.  Trong bối cảnh ấy, sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô có giá trị như một thức tỉnh con người trước sức tàn phá của nền văn minh tiêu thụ.

Vào sa mạc là tìm nơi yên tĩnh mà nghỉ ngơi.  Vì các đô thị lớn đã hoàn toàn bị ô nhiễm: ô nhiễm vì tiếng động, ô nhiễm vì khói xăng, ô nhiễm vì rác rưởi, ô nhiễm vì bụi bặm.

Thế nhưng sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô vượt lên trên những nhu cầu của xã hội, của sức khỏe để nhắm vào đời sống tâm linh con người.  Nhịp sinh hoạt trong xã hội công nghiệp càng ngày càng tăng tốc độ.  Con người luôn luôn vội vả đuổi theo công việc.  Vì thế dễ rơi vào tình trạng sống hời hợt bề mặt.  Không có thời giờ lắng xuống bề sâu.  Vào sa mạc tâm linh, tức là tạo cho mình một thời gian và một không gian yên tĩnh.  Dứt lìa những bận bịu lo toan trong cuộc sống để trở về với mình, đối diện với lòng mình.

Sa mạc không có đường đi.  Nên người đi vào sa mạc sẽ đi theo con đường Chúa chỉ dẫn.  Như xưa dân Do Thái lang thang 40 năm trong sa mạc, không biết đường đi, chỉ biết đi theo áng mây cột lửa nên đã tìm thấy đường đi về với Chúa, đã gặp được Chúa, đã thành dân của Chúa.  Như tiên tri Êlia chạy trốn trong sa mạc đã chẳng tìm được đường thoát thân.  Nhưng đã được Chúa chỉ cho con đường hy vọng.  Như Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày, nên đã tìm thấy con đường của Chúa Cha là hy sinh, khiêm nhường, sống trọn tình con thảo.

Cũng vậy, người vào sa mạc tâm linh sẽ gặp mình và trong sâu thẳm lòng mình sẽ gặp được Chúa.  Vì Chúa còn thân thiết với ta hơn chính bản thân ta.  Vì Chúa còn sâu xa hơn chính nội tâm ta.

2) Sứ điệp thứ hai mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sống khổ hạnh.

Ta tưởng sống khổ hạnh đã đi vào quá khứ.  Thực ra các nước văn minh đang đi vào con đường của thánh Gioan Tiền Hô.  Một trong các vấn đề lớn của người phương tây hiện nay là giữ sao cho khỏi lên cân, để khỏi bị cholesterol, để khỏi bị chứng bệnh xơ cứng động mạch, để ngăn chặn bệnh tiểu đường, để khỏi bị mỡ bao tim, người ta đã phải kiêng ăn, bớt uống.

Ăn uống đơn sơ đạm bạc không những có lợi cho sức khỏe mà còn giúp ta tiết kiệm để chia sớt với những vùng thiếu ăn, thiếu mặc.  Nhưng vượt lên trên tất cả sức khỏe thân xác lẫn đạo đức liên đới xã hội, nếp sống khổ hạnh trước hết và trên hết nhắm phục vụ đời sống tâm linh.  Ăn uống là nhu cầu căn bản của con người.  Nó thuộc về bản năng sinh tồn.  Ăn uống đứng đầu các khoái lạc.  Khi làm chủ được ăn uống, người khổ hạnh cũng dễ tiến tới làm chủ được bản thân.  Chế ngự được bản năng ăn uống, ta sẽ dễ chế ngự được tham, sân, si khác trong con người.  Đó là bước khởi đầu trên con đường đức hạnh dẫn ta đến gặp Chúa và trở nên thân thiết với Chúa.

3) Sứ điệp thứ ba mà thánh Gioan Tiền Hô muốn nhắn gửi ta, đó là: hãy sám hối.

Phải sám hối vì con người là lầm lỗi, là xa lạc.  Các thánh chính là những vị không ngừng sám hối để đổi mới bản thân cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.

Phải sám hối vì đó là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.

Có hai đặc tính giúp xác định một sám hối đúng nghĩa:

Đặc tính thứ nhất là triệt để.  Sám hối không phải là ngồi đó mà than khóc.  Nhưng là thay đổi đời sống.  Không phải thay đổi một phần mà thay đổi trọn vẹn.  Là đổi mới hoàn toàn.  Sám hối phải triệt để như dân thành Ninivê, bỏ hết việc ăn chơi, bỏ đàn hát, đọc kinh cầu nguyện, xức tro, mặc áo nhặm.  Sám hối phải triệt để như Phaolô, bỏ hẳn ngựa, gươm, bỏ hẳn nếp sống cũ, bỏ hẳn con đường cũ, để tin nhận Đức Kitô, sống một nếp sống hoàn toàn mới.  Sám hối phải triệt để như Giakêu, bán hết gia tài, đền bồi gấp bốn, chia sẻ với người nghèo…

Đặc tính thứ hai là cấp bách.  Không từ từ do dự vì thời giờ đã tới hồi cấp bách.  Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây.  Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa.  Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay.  Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài.

Như vậy, con người và sứ điệp của thánh Gioan Tiền Hô không hề lỗi thời.  Những sứ điệp sa mạc, sứ điệp khổ hạnh và sứ điệp sám hối vẫn luôn hiện thực.  Những sứ điệp ấy soi sáng con đường ta đi, phải tu sửa để gặp được Thiên Chúa Cứu Độ.  Cuộc đời gương mẫu của thánh nhân là sức nóng vừa lôi cuốn vừa thúc giục ta.  Vì thế Chúa Giêsu đã khen Ngài là “ngọn đèn chiếu sáng và tỏa nóng”.  Ánh sáng của Ngài báo hiệu một bình minh chói lọi huy hoàng.  Sức nóng của Ngài dẫn ta đến tận nguồn lò lửa.  Lò lửa ấy sẽ chiếu sáng, sẽ đốt cháy mọi trái tim trong tình yêu và sẽ thanh luyện ta nên tinh tuyền.  Bình minh ấy, lò lửa ấy chính là Mặt Trời Công Chính, là Chúa Giêsu mà chúng ta đang chờ mong trong đêm tối cuộc đời này. Amen!

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

VỌNG MÙA HỒNG ÂN

zzLịch phụng vụ một lần nữa dẫn đưa chúng ta trở lại cuộc hành trình vào thuở ban đầu, khi mà mọi người đang mong chờ Vị Cứu Tinh.  Hành trình bắt đầu đồng nghĩa với hành trình nhìn lại chính mình. Lắm khi ta tự hỏi sao cứ phải bắt đầu khi mà ta đã đi quá xa so với điểm bắt đầu ấy?  Phải, vì ta đã đi quá xa nên bây giờ cần nhìn lại và trở về để tìm lại đường hướng thuở ban đầu và để biết ta đang đi đúng hay sai.  Thành thử ra, có thể nói rằng mùa vọng là mùa của hồng ân.

Bất cứ ai biết nhìn lại mình thì sẽ cảm được mùa hồng ân này.  Nhìn lại để thấy mình rõ hơn.  Nhìn lại để biết mình đang ở đâu trong cuộc đời này.  Nhìn lại để xem thử cuộc sống của mình có thật sự khao khát Chúa không?  Nhìn lại để thấy cuộc đời mình cần Vị Vua Cứu Thế đến cỡ nào.  Quả thật, cuộc đời ta tựa hồ như con thuyền trôi nổi trên đại dương trần thế.  Lắm khi nó đi ngang qua vùng trời bình yên của đại dương.  Nhưng cũng lắm khi con thuyền ấy bị bão táp, phong ba… Sau mỗi lần như thế, con thuyền hư hao, cần được sửa chữa để tiếp tục hành trình cuộc đời.  Vì thế, mùa vọng mời gọi con thuyền đời ta nên nghỉ ngơi và tự duyệt xét lại chính mình và thấy được những sai sót, những lỗ hổng của con thuyền nhằm có đủ sức bước đi trong một năm Phụng Vụ mới.

Mùa hồng ân càng có ý nghĩa khi ta không chỉ biết nhìn lại mà còn hành động.  Biết được những chỗ hư hao của con thuyền là một chuyện, nhưng ta có muốn sửa nó không lại là chuyện khác.  Thánh Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta hãy sửa lối cho thẳng để Người đi (Mt 3,3).  “Sửa lối” là động từ diễn tả hành động, nghĩa là không phải chỉ ngồi đó tự đấm ngực, khóc lóc, kêu than, mà hãy tự đứng dậy, đảm đương những sai sót của mình và khắc phục nó.  Thuyền đời của mỗi người cần được sửa chữa cụ thể, rõ ràng thì mới có thể có đủ nghị lực, lòng can đảm và sẵn sàng đối mặt với bão táp ở tương lai.

Mùa hồng ân còn mời gọi mọi người hãy để Chúa làm trung tâm đời mình.  Tư thế của một người mong chờ Chúa đến là tư thế của hy vọng, của sự giải thoát.  Người sống trong niềm mong chờ luôn khắc khoải mau đến thời điểm mong chờ.  Lúc đó, mọi mong chờ sẽ vỡ òa trong cõi lòng sâu thẳm nơi lòng người hy vọng.  Thế nên, người chờ mong Chúa đến cũng luôn sống trong niềm hy vọng ấy và trong bất cứ mọi hành động của đời thường đều hướng về Chúa.

Xin hãy để Vị Cứu Tinh làm cầu nối giữa ta với Chúa Cha trong những giờ phút nhìn lại mình.  Xin hãy để Đấng Thiên Sai dẫn ta đến hành động đích thực trong việc sửa sai.  Xin hãy mang Chúa về lại trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Quốc Đạt, S.J.