CHỜ CHÚA ĐẾN

zzMùa vọng là mùa của chờ đợi và hy vọng.  Đây là thời gian chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa đến trong thế gian để mang lại sự hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc nhân loại. Trong mỗi chúng ta luôn khát khao được sống yêu thương, an lành và hạnh phúc, nhưng trong thực tế thì không phải ai cũng đạt được những điều mình mong ước trong cuộc sống.  Thế thì, đâu là ý nghĩa của việc chờ đợi và hy vọng trong Mùa Vọng này?

Vào Mùa vọng năm 2008, tôi có dịp đi vào những vùng sâu, và viếng thăm những người nghèo.  Tôi đến thăm một bé trai 9 tuổi bị bệnh ung thư máu, em đã nằm trên giường bệnh nhiều năm, thân hình tàn tạ chỉ còn da bọc xương, em đang chờ đợi cái chết sẽ xẩy đến trong một thời gian ngắn nữa thôi. Lúc ấy, tôi thầm nghĩ trong lòng, tôi sẽ giúp đỡ và đưa em đi bệnh viện để em có thể sống được lâu hơn, vì nhà em quá nghèo, đến nỗi gia đình không có tiền để mua một hộp sữa cho em uống.  Tôi hỏi người mẹ có cho em ăn gì chưa?  Chị ta trả lời: “Hôm nay, nhà em không còn gì để ăn”  Nghe lời chị ta nói, lòng tôi bị thắt lại.  Ngôi nhà thì rách nát, tả tơi, ngay cả chỗ em nằm cũng không được bảo đảm. Khi nhìn thấy hoàn cảnh đứa bé, tôi rất cảm động trước nỗi bất hạnh của em.  Tôi đến cầm lấy tay và đỡ em ngồi dậy.  Tôi nhìn đôi mắt của em, hai dòng nước mắt chảy xuống gò má gầy gò, và lúc đó tôi cũng không thể cầm được nước mắt của mình.  Mặt dù, tôi không thể nói được điều gì với em, nhưng tôi tin chắc rằng, em sẽ hiểu được tình cảm của tôi dành cho em.  Trước khi từ giã em ra về, tôi có hứa với em rằng, tôi sẽ trở lại để đưa đi bệnh viện.  Đó là điều mong ước nhỏ nhoi của tôi.  Thế nhưng, tôi chưa kịp quay trở lại, thì em đã vĩnh viễn ra đi.

Cậu bé đã từng có những hy vọng và chờ đợi.  Hy vọng một tương lai tốt đẹp.  Chờ đợi một phép lạ xẩy ra để em được sống, nhưng tất cả đều vô vọng, và em đã kết thúc cuộc đời.  Và tôi luôn mang trong mình một nỗi khắc khoải về những gì mình chưa làm được với một lời hứa.  Từ kinh nghiệm này giúp tôi liên tưởng đến ý nghĩa của sự chờ đợi và hy vọng một cách khôn ngoan.  Chờ đợi không chỉ là mong đợi những điều tốt có thể sẽ xảy ra trong tương lai, mà là biết nhận ra những ân ban của Thiên Chúa ban cho ta và thực hành trong cuộc sống hiện tại này.  Giá trị của cuộc sống hiện tại của con người là kết quả cho cuộc sống tương lai vĩnh cửu.  Chờ đợi không chỉ đón nhận những điều tốt mà thôi, nhưng là còn phải chấp nhận những gì ngoài ý muốn của mình.  Hơn nữa, chờ đợi không phải là ngồi đó để than van, trách móc, tủi hờn cho số phận, nhưng phải biết tìm kiếm và im lặng để lắng nghe được tiếng Chúa nói trong ta, và thực hiện bằng việc làm cụ thể.

Mùa vọng là cơ hội tốt để cho chúng ta nhìn lại thời gian qua, sống với giá trị hiện tại, và hướng tới tương lai vĩnh cửu.  Lời Chúa nhắc bảo chúng ta là hãy sẵn sàng và tỉnh thức trong mỗi hoàn cảnh và thời khắc, vì chúng ta chẳng biết giờ Chúa đến với mỗi người chúng ta.  “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất.  Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”  Và ngày đó, Thiên Chúa phán xét chúng ta về lòng bác ái và yêu thương.

Chân lý cuối cùng của cuộc đời là tình yêu: Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người.  Vì yêu thương con người, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm Người, sống kiếp con người với chúng ta, và Ngài chết cho con người để mang lại hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho nhân loại, thì giờ đây Chúa cũng đang ở cùng chúng ta, và nơi những người anh em.  Những người bất hạnh đang bị bỏ rơi, những người già bệnh tật, cô đơn, những trẻ em mồ côi đang cần có tình thương.

Có những mảnh đời đã đi qua đời tôi, nhưng tôi vẫn vô tình, thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, vì cái tôi chật hẹp và ích kỷ.  Hình ảnh cậu bé ngày xưa vẫn còn đọng lại trong tôi như là một lời nhắc nhớ.  Chờ Chúa đến không phải chỉ là ước mong những điều tốt đẹp cho mình, nhưng là phải biết chia sẻ, cảm thông, yêu thương.  Chờ Chúa đến không phải là lúc ta ngồi đó để than vãn, oán trách cho số phận mà là hãy sẵn sàng, tỉnh thức, cầu nguyện và làm việc bác ái trong Mùa Vọng này.

LM John Nguyễn

 

HÃY SẴN SÀNG

Vào một ngày của tháng 10 năm 1992, một số người Nam Hàn tụ tập ở các nhà thờ để chờ ngày tận thế đến vào lúc nửa đêm.  Có người đã bán nhà và xin nghỉ việc, nhưng dĩ nhiên đó không phải là ngày tận thế.  Kinh Thánh chẳng hề nói tận thế đến vào lúc nào.  Đức Giêsu cũng bảo là Ngài không biết (Mt 24,36).  Chính vì thế Kitô hữu không tin những lời đồn thổi, nhưng kiên tâm chờ đợi trong hy vọng.

zzĐây không phải là thứ nơm nớp chờ đợi, khoanh tay, nhưng là thứ chờ đợi bằng cách sống hết mình để chuẩn bị cho trái đất đón Chúa trở lại.

Mùa Vọng là thời gian đặc biệt để tập sống chờ đợi.  Không phải chỉ là chờ mừng lễ Giáng sinh mà nhất là chờ đợi Chúa đến kết thúc dòng lịch sử.

Ngày tận thế và ngày Chúa quang lâm là một.  Đó là một ngày đáng sợ, không phải vì những hiện tượng kinh khủng sẽ xảy ra, nhưng vì là ngày Chúa đến phán xét kẻ sống người chết.

Ngày đó còn là một ngày hội vui: ngày vui của Chúa Giêsu toàn thắng vinh quang, ngày vui của những người được cứu chuộc, ngày vui của cả vũ trụ vật chất được giải phóng.

Tận thế là cánh cửa mở ra trời mới đất mới.  Tất cả được đưa vào thế giới vĩnh cửu.

Có lẽ chúng ta hôm nay mong chờ Chúa đến ít hơn các Kitô hữu thuở ban đầu.  Chẳng ai thích nghĩ đến ngày tận thế.  Tận thế bị coi là chuyện tương lai xa vời.  Cuộc sống hiện tại có vô số mối lo âu và hy vọng: ăn uống, cưới vợ, lấy chồng, làm ruộng, xay bột.

Thật ra, nghĩ đến ngày tận thế cũng cần như nghĩ đến cái chết của mình.

Cái chết dạy người ta biết cách sống.  Ngày tận thế dạy người ta biết cách xây dựng thế giới trên nền tảng vĩnh cửu, trên những giá trị trường tồn.

Đối với Kitô giáo, ngày tận thế không phải là ngày buồn, ngày của hủy diệt và tang tóc, nhưng là ngày của thân xác được sống lại, ngày khai sinh một thế giới mới không bị hận thù và chết chóc đe dọa.

Ngày tận thế là ngày Chúa quang lâm.  Chúng ta phải sẵn sàng ra đón Ngài.  Sẵn sàng là cùng với Chúa xây dựng một trái đất đầy tình thương và công lý.  Sẵn sàng là biến trái đất thành con đường dẫn tới Thiên đàng.

Ngày Chúa quang lâm là một ngày bất ngờ, nhưng nó sẽ ít bất ngờ đối với những ai biết sẵn sàng chờ đợi.

**************************************

Lạy Chúa Giêsu, nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.

Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.

Trích từ “Manna”

 

MỘT MÙA LỄ TẠ ƠN

Có lẽ bạn đã nghe qua câu chuyện về ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên, nhưng có thể bạn không quen thuộc với cách nào mà nó đã mở rộng như một ngày lễ quốc gia.  Vào mùa thu năm 1621, những Người Hành Hương của Thuộc Địa Plymouth đã mời những người bạn Wampanoag của họ tới một bữa tiệc để cám ơn Thượng Đế cho một mùa gặt dư dật mà sẽ nuôi sống họ suốt mùa đông.  Chỉ vài tháng trước đây, mùa đông khắc nghiệt đầu tiên của họ ở Plymouth đã tàn phá những Người Hành Hương không chuẩn bị, giết hết phân nửa thuộc địa.  Bây giờ họ được tràn đầy với lòng biết ơn rằng mùa đông này khác hẳn.  Để ăn mừng mùa màng và thờ phượng Thượng Đế mà không có nỗi lo sợ của sự thất mùa, họ đã dùng ba ngày để ăn mừng và cầu nguyện.

Những Người Hành Hương đã lập lại tiệc ăn mừng mùa màng này vào những năm tiếp sau đó.  Truyền thống của lễ tạ ơn hằng năm đã zzhình thành và lan tràn khắp New England, và sau đó tới những thuộc địa khác.  Nhưng cho đến năm 1863, khi Tổng Thống Abraham Lincoln đã ban Lời Tuyên Ngôn của Lễ Tạ Ơn đã nhấn mạnh đến sự quan trọng của việc công nhận Thượng Đế như là Đấng cung cấp tất cả những ơn phước mỗi năm, do đó Lễ Tạ Ơn đã trở thành một ngày lễ hằng năm được công nhận toàn quốc.  Tổng thống đã bắt đầu bài diễn văn của ông bằng những lời sau đây:

“Một năm nữa lại sắp chấm dứt.  Chúng ta đi vào những ngày tháng cuối của năm nay với tràn đầy phước lành, với hoa quả của đồng ruộng và bầu trời an lành.  Ngoài những phước lành đó, chúng ta còn được nhiều phước lành khác, những ân phước lạ thường.  Những ân sủng lớn lao có thể thâm nhập hay đi thấu vào những tấm lòng vốn thờ ơ trước sự quan phòng và dẫn đắt kỳ diệu của Thiên Chúa Toàn Năng, và khiến những tấm lòng thờ ơ đó phải mềm đi.”

Ông Lincoln đã biết ơn bởi vì những sự kiện của năm đó đã xoay chuyển phong trào của Chiến Tranh Dân Chủ, và nó cuối cùng dường như một quốc gia bị gián đoạn lại thấy một cách giải quyết.  Giống như những Người Hành Hương, ông Lincoln đã thấy những lần khó khăn và muốn diễn tả thái độ của ông với Thượng Đế cho sự cung cấp cứu trợ.  Ông đã kết luận bằng cách qui ra ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một là ngày quốc gia cho Lễ Tạ Ơn.

Truyền thống này đã được duy trì bởi hầu hết những vị tổng thống theo sau cho đến khi những người chủ kinh doanh trong thời-kỳ Khủng Hoảng đã yêu cầu ông Franklin D. Roosevelt để kéo dài mùa buôn bán cho Giáng Sinh bằng cách xem Lễ Tạ Ơn một tuần sớm hơn vào năm 1939.  Sau hai năm của Lễ Tạ Ơn sớm, sự lạm dụng công cộng đã làm cho Quốc Hội vào năm 1941 đã đưa ra quy luật củng cố ngày thứ Năm thứ tư của mỗi tháng Mười Một là ngày Lễ Tạ Ơn.

Trong mùa Lễ Tạ Ơn này, bạn nên cảm tạ Thượng Đế điều gì?  Câu trả lời là bất cứ điều gì và mọi điều.  Hãy cảm ơn Ngài cho gia đình của bạn, những người bạn của bạn, thức ăn bạn ăn và trần nhà che đầu bạn.  Nhưng quan trọng hơn hết, bạn có thể cám ơn Ngài vì món quà tuyệt vời là Chúa Giêsu Kitô.

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng sự cứu rỗi không phải là một điều mà có thể tự chúng ta kiếm được, nhưng được ban cho chúng ta một cách nhưng không bởi Thiên Chúa “Chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.” (Ê-phê-sô 2:8-9).  Bởi vì chúng ta tất cả đều là những tội nhân, chúng ta không thể nào đến được với Thiên Chúa dựa vào những công lao của chính chúng ta, nhưng bởi vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Ngài đã ban cho chúng ta một con đường để chúng ta được cứu – qua sự chết và sự sống lại của Con Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16).

Lạy Chúa, cám ơn Chúa vì tất cả những gì mà Ngài đã ban cho chúng con, cám ơn Chúa vì món quà đặc biệt là Người Con Duy Nhất Ngài đã ban cho thế gian.

*****************************************

Hãy cảm tạ Chúa khi quần áo bạn bị chật, vì điều đó chứng tỏ bạn không thiếu ăn.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn phải vất vả thu dọn sau một bữa tiệc, vì điều đó cho thấy bạn còn có bạn bè và người thân ở bên mình.
Hãy cảm tạ về số tiền thuế bạn phải đóng hàng tháng, vì chứng tỏ bạn không thất nghiệp.
Hãy cảm tạ khi bạn phải làm vườn, cắt cỏ, vì như thế là bạn đang sở hữu ngôi nhà mình ở.
Hãy cảm tạ khi bạn phải trả tiền sưởi trong mùa đông vì chứng tỏ bạn đã được sưởi ấm.
Hãy biết ơn Chúa khi bạn phải giặt giũ quần áo, vì như thế là bạn có dư quần áo để mặc.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn tìm được một chỗ đậu ở cuối bãi đậu xe, vì bạn còn có sức khỏe, có thể bước đi trên đôi chân của mình.
Hãy cảm tạ Chúa khi trong nhà thờ có người hát lạc giọng, vì nó cho thấy tai bạn vẫn còn bén nhạy.
Hãy cảm tạ Chúa khi có người phê phán phàn nàn chính quyền, vì chứng tỏ bạn đang được sống trong một xứ tự do, bạn có thể nói lên ý kiến của mình mà không sợ gì cả.
Hãy cảm tạ Chúa khi bạn bị đồng hồ đánh thức mỗi sáng, vì điều đó chứng tỏ là bạn vẫn còn sống.

Sưu tầm

SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT

Suy tư về cái chết là suy tư về cái sống.  Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết.  Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng mênh mông.  Nó là người bạn trung thành nhất của chúng ta.  Nó là người bạn duy nhất không bao giờ quên chúng ta và nó có thể đến viếng thăm chúng ta bất cứ lúc nào, vào sáng sớm tinh sương hay vào lúc đã về xế chiều.

Chúng ta không cần nói đến những cái chết đến với chúng ta từ những nguyên nhân bên ngoài như do tai nạn, sự mưu sát, hay một nguyên nhân nào khác không cần biết.  Chỉ cần nói đến sự chết đang nằm sẵn trong bản tính con người chúng ta.  Như một hoa trái zzđang chín dần, mỗi ngày sống là một bước đi chúng ta đang tiến dần về với cái chết đang chờ đợi mỗi người chúng ta.  Bên cạnh đó, trong cuộc sống hằng ngày cũng còn có rất nhiều những mất mát, những thua thiệt khiến chúng ta cũng đã chết đi phần nào trong con người chúng ta như mỗi khi chúng ta phải lựa chọn hay mỗi khi phải ra đi.  Mỗi lúc lựa chọn là mỗi lúc phải quyết định từ bỏ.  Từ bỏ khiến chúng ta phải mất đi một phần những cái thuộc về chúng ta và điều đó làm chúng ta đau khổ và chết đi không ít.  Mỗi khi chúng ta phải lên đường ra đi vì công việc hay vì cuộc sống cũng vậy.  Chúng ta phải dứt bỏ tình cảm quen thuộc, dứt bỏ sự quyến luyến tự nhiên mà một khi đã quen nhau chỉ muốn ở gần nhau.  Sự ra đi lúc nầy quả thật là một sự thương đau và cũng là một sự chết đi trong lòng không ít cho người phải ra đi, vì không có ra đi nào không làm lòng mình tê tái, cũng không có ra đi nào không để lại nỗi nhớ thương.  Nhưng chưa hết, không phải chỉ lúc chúng ta ra đi chúng ta mới cảm thấy đau thương mà cả sự ra đi của những người thân yêu chúng ta cũng để lại những cảm giác thương đau rất nhiều.  Mỗi người chúng ta thảy đều có kinh nghiệm nầy: cứ mỗi lần có một người bạn thân hay một người trong gia đình chúng ta vĩnh viễn ra đi, chúng ta thấy gì trong con người chúng ta?  Chúng ta cảm thấy con người chúng ta cũng chết đi với họ, bằng chứng là chúng ta thấy mất hẳn sinh lực, mất hẳn tinh thần, cũng như mất hẳn niềm vui để sống.

Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết.  Đó là định luật chung của con người.  Không ai có thể sống mãi mà không chết ngay dầu các vua chúa ngày xưa đã cố gắng đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng không tránh khỏi định luật khắc nghiệt ấy.  Vì thế, chối từ sự chết là lừa dối chính mình.  Để sống cách trọn vẹn, người ta phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết.  Sự sống quá tự nhiên đến nỗi chúng ta không nghĩ đến ngày nó kết thúc.

Thái độ của con người đối với sự chết luôn là một sự giằng co giữa sự lôi cuốn và sự khước từ.  Mọi người đều nhận ra rằng sự sống là mỏng manh, là ngắn ngủi và nó có thể kết thúc bất cứ lúc nào.

Chính những tư tưởng về sự chết đưa chúng ta đến vấn nạn nầy: Cái gì là chính yếu, là trường cửu đối với con người chúng ta?  Chúng ta cần phải làm gì để đối đầu với cái chết đang đến với chúng ta?  Vì thế, phản ảnh về sự chết là học cách chúng ta phải sống hôm nay.

Người xưa đã sống đời sống như có một sự sống khác quan trọng hơn là cuộc sống ở đây và bây giờ, khiến họ sống cách xa cuộc sống hiện tại.  Nhưng đối với giới trẻ hôm nay, họ không thể chấp nhận cuộc sống như thế.

Thật vậy, nếu chối từ cuộc sống chúng ta đang sống hiện tại hoặc chỉ chú trọng đến cuộc sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai chúng ta sẽ chết, cả hai đều không thực tế.  Vì thế, một số các nhà tâm lý học có khuynh hướng KiTô giáo hiện đại đang có khuynh hướng nầy: Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái Chết.  Chính tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều người thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng khi con người đối diện với cái chết, và nhờ đó cũng đã giúp nhiều người chuẩn bị sẵn sàng để lên đường ra đi cách an bình về với Thiên Chúa và về với những người thân yêu của họ bên kia thế giới.  Cũng chính những tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều nhà giàu sang phú quí thực thi đức bác ái, biết dùng của cải đời nầy để mua lấy nước trời bằng cách chia xẻ phần nào những của cải của họ cho những người nghèo khổ và nhờ thế nhiều người bất hạnh đã có được một đời sống tương đối xứng đáng với phẩm giá con người hơn.

Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện về hành vi thiếu bác ái của một người bạn đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện xem ra quá bình thường nhưng đã để lại một ký ức không mấy tốt đẹp cũng như đã để lại một sự hối hận suốt đời cho người bạn già của tôi.  Hy vọng nó có thể giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm sống cho những ngày còn lại của chúng ta trên trần gian nầy.

Trong chuyến du hành sang Hy Lạp, trên con đường từ Athens đến Kalambaka, người bạn già của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ông như sau:

Chiều hôm đó, khi đi ngang qua một làng nhỏ của người da đen trong sa mạc Sahara.  Như thường lệ, khi có một người khách đến, mọi người trong làng chạy ra vây bao quanh xe khách hoặc tò mò, hoặc để giành lấy những thực phẩm mà du khách thường mang theo để tặng họ.  Hôm đó, tôi có nhìn thấy một ông lão già đang run lập cập vì lạnh.  Nói về cái lạnh trong sa mạc xem ra là khó tin nhưng thực tế là thế.  Sahara thường được gọi là xứ lạnh vào đêm nhưng rất nóng dưới ánh quang mặt trời.  Mặt trời lặn rồi, ông lão lạnh cóng.  Bấy giờ, tôi có ý nghĩ cho ông ta một trong những chiếc mền của tôi, nhưng tôi lại để tư tưởng đó qua đi vì tôi nghĩ đêm đến tôi cũng sẽ cóng lạnh như vậy.  Dầu tôi lý luận: ông có thể quen với thời tiết ở đây hơn tôi, nhưng một chút bác ái trong tôi cũng đã khiến tôi suy nghĩ lần nữa, tốt hơn là cho ông ta một chiếc dẫu tôi có lạnh hơn một chút.  Tuy vậy, khi tôi rời bỏ ngôi làng, những chiếc mền vẫn còn nằm nguyên vẹn trên chiếc xe của tôi.  Bấy giờ, lương tâm tôi bắt đầu cắn rứt.

Khi đến nơi tôi có ý định đến, tôi rảo một vòng đi tìm một chỗ để yên nghỉ và tôi đã tìm được một nơi vừa ý thích.  Tôi cố gắng nằm yên tựa chân lên một hòn đá lớn, nhưng rồi tôi vẫn không yên tâm được. Tôi nhớ cách đó một tháng, một người da đen đã bị nghiền nát bởi một tảng đá to rơi xuống.  Nên tôi đã ngồi dậy để xem tảng đá chỗ tôi đang nằm có bảo đảm không.  Tôi thấy nó không được cân bằng cho lắm nhưng không đến nỗi nguy hiểm.

Tôi lại nằm xuống.  Nếu tôi kể lại điều mà tôi mơ thấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lạ lùng.  Điều đáng buồn cười là tôi mơ thấy tôi đang ngủ dưới một hòn đá lớn và rồi vào một lúc, tôi thấy hòn đá di động và rơi xuống trên tôi.  Tôi nghe thấy tiếng xương kêu răng rắc và tôi cảm thấy mình sắp chết vì cả thân xác bị nghiền nát dưới tảng đá ấy.  Nhưng tôi ngạc nhiên vì không cảm thấy mình đau đớn gì cả, chỉ có một điều là không thể cử động được.  Bấy giờ tôi thấy ông lão đang run rẩy trước mặt tôi.  Không do dự một chút nào cả, tôi vội vàng lấy ngay một chiếc mền không được dùng đến đang nằm đàng sau tôi để trao cho ông.  Tôi cố gắng giang tay ra để đưa nó cho ông.  Nhưng viên đá khổng lồ ấy khiến tôi ngay cả một cử động nhỏ cũng không thể làm được.  Tôi sợ quá nên chợt tỉnh giấc.  Chính cơn ác mộng ấy đã giúp tôi suy nghĩ và hiểu được luyện ngục là gì, cũng như đã hiểu được nỗi khổ đau của các linh hồn là không còn có thể làm được điều mà trước đây họ có thể và lẽ ra nên làm.

Có ai biết được bao nhiêu năm trời sau đó tôi cứ phải bị ám ảnh và ray rứt trong lương tâm mỗi khi nhìn thấy chiếc mền như một bằng chứng cho sự ích kỷ của tôi cũng như cho sự chưa đủ trưởng thành của tôi để vào nước của Tình Yêu?

Tôi cố gắng nghĩ đến bao lâu tôi đã phải ở dưới hòn đá khổng lồ ấy?  Và có sự đáp trả cho tôi rằng cho đến khi tôi có thể làm được một hành động của tình yêu trọn vẹn.  Bấy giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực.

Tôi đưa mắt hướng nhìn đi nơi khác và tôi đã nhìn thấy những bia đá đang nằm trước mặt tôi không gì khác hơn là những nấm mồ của những người đã nằm xuống.  Họ cũng vậy, cũng bị xét xử theo hành động trọn vẹn của tình yêu của họ, và giờ đây họ nằm ở đó đang mong chờ Vị Cứu Thế đến giải cứu họ trong ngày sau hết.

Hành động trọn vẹn của tình yêu là gì?  Là Chúa Giêsu đi lên đỉnh đồi Calvê để chết cho hết thảy chúng ta.  Như những phần tử của nhiệm thể, chúng ta cũng sẽ được hỏi để cho thấy chúng ta có đủ tình yêu trọn vẹn ấy để theo Ngài lên đỉnh đồi Calvê không?  Sự khước từ làm những việc bác ái cho những người anh em chúng ta nói lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn có cả một con đường dài nữa phải đi.  Nếu chúng ta đã có thể đi qua một người anh em đang run rẩy vì lạnh, một người anh em đang gặp hoạn nạn bên vệ đường, làm cách nào chúng ta có thể dám chết đi cho những người anh em khác như Chúa đã chết đi cho hết thảy chúng ta.

Nếu chúng ta không muốn nằm lâu bất động dưới những viên đá khổng lồ đó thì bây giờ ngay khi còn sống, hãy làm những gì chúng ta có thể làm được cho những người anh em chúng ta để làm hành trang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa gọi chúng ta lên đường về bên kia thế giới.

LM Lê Văn Quảng

XIN NHỚ ĐẾN TÔI

“Đáng lẽ tôi đã được rửa tội từ lâu, nhưng vì vấn đề gia đình và làng xóm nên chưa được.  Dù vậy tôi rất ư là kitô hữu.”  Đó là lời của nhạc sĩ Văn Cao trong một cuộc gặp gỡ riêng tư năm 1990.  Cụ đã sung sướng khoe với mọi người như thế, và thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đã được đào tạo, nhờ đức tin và âm nhạc Kitô giáo.”  “Chúng tôi” ở đây muốn ám chỉ giới trí thức và văn nghệ sĩ thế hệ của cụ.  Đức tin đã thấm vào con người tài hoa ấy, và làm sản sinh những tác phẩm bất hủ.

“Nếu tôi không hiểu Halêluia là gì, thì đã chẳng có bài “Làng tôi”, cụ bảo vậy.  Chẳng ai ngờ Văn Cao lại là con người say mê Giêsu, mà là Giêsu trên thánh giá.  Từ năm 1954, cụ vẫn treo một thánh giá trước mặt.  Giêsu trần trụi, Giêsu không còn gì.  Nhưng đối với Văn Cao, có ai hơn Giêsu?

zzBài Tin Mừng trong lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ lại đưa ta về với Chúa Giêsu trên thập giá.  Chẳng lúc nào Chúa làm vua rõ bằng lúc này. “Đây là vua người Do thái”, tấm bảng ghi như thế.  Nhưng kiểu làm vua của Ngài thật khác thường.  Không có vương miện, chỉ có vòng gai.  Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc.  Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê.  Bị treo trên thập giá, Đức Giêsu nghe những lời mời mọc, ngọt ngào và tinh vi như các cơn cám dỗ buổi đầu.  “Nếu ông là Đức Kitô thì hãy cứu lấy mình”. “Hãy xuống khỏi thập giá” (Mt 27,40).  Cứu lấy mình là điều Ngài chẳng hề nghĩ đến.  Chính vì Ngài thật là Con của Cha, nên Ngài không tự ý xuống khỏi thập giá như xưa Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ.

Đức Giêsu không muốn chúng ta tin Ngài vì những màn trình diễn ngoạn mục.  Ngài muốn chúng ta tin, vì Ngài đã buông mình cho Cha, đón nhận cái chết với niềm vâng phục tín thác.  Chính vào lúc hấp hối, mọi sự tưởng như sụp đổ, vị Vua bị đóng đinh lại hé lộ vương quyền của mình cho anh trộm lành có lòng thống hối, tin tưởng.  “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”  Như thế kẻ gian phi lại là người đầu tiên được ơn cứu độ nhờ cái chết thập giá của Đức Giêsu.

Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ, chúng ta muốn khước từ những thần tượng giả mạo, muốn để Ngài làm vua của vũ trụ lòng mình.  Chúng ta muốn đưa Ngài đi vào mọi lãnh vực cuộc sống: văn chương, khoa học, nghệ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội…  Cần có đức tin mạnh mẽ mới thấy Chúa Giêsu vẫn không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Ngài bằng trăm ngàn nẻo đường bất ngờ, trong đó có nẻo đường của cụ Văn Cao và anh trộm lành.

*************************************

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục, nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu, nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo, thì thế giới này sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.

Nếu khối bột chẳng được dậy lên, thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm về sự dữ trên địa cầu, có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa, dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.

Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con, và không cho chúng con được yên ổn.

Ước gì một tỉ người Công giáo chịu để Chúa chi phối đời mình và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.  Như thế vũ trụ này trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

Sưu Tầm

THIÊN ĐÀNG – LUYỆN NGỤC & HỎA NGỤC

Đối với niềm tin vào Thiên Đàng – Luyện Ngục và Hỏa Ngục, người ta thường có ba thái độ:

Cứng lòng tin:  Chẳng có Thiên Đàng, cũng chẳng có Luyện Ngục hay Hỏa Ngục như Giáo Hội Công Giáo dạy! Có chăng là có Thiên Đàng nơi trần thế này mà thôi! Chết là hết, là kết thúc, xuôi tay nhắm mắt xong là hết đau khổ, hết lo lắng và hết … nợ đời!

Chính vì không tin vào thực tại của Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục ở đời sau, cho nên họ như những con thiêu thân chỉ biết lao đầu vào ăn chơi, hưởng thụ, trác táng, hút sách, phạm pháp, làm những việc vô luân thường đạo lý… Và cuối cùng khi chán ngán cuộc đời này, khi họ chán sống rồi thì … tự tử. Chấm hết!

Tin vào Chúa nhưng tin một cách lệch lạc: Tin vào Thiên Chúa và chỉ tin có Thiên Đàng mà thôi! Luyện Ngục và Hỏa Ngục không thể có được bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4:16), Ngài không bao giờ dựng nên những thứ khủng khiếp ấy để trừng phạt hay hành hạ con cái của Ngài. Luyện Ngục và Hoả Ngục là những thứ mà Giáo Hội dựng nên để hù dọa người ta mà thôi!  Vì không tin có Luyện Ngục và Hoả Ngục cho nên họ chẳng quan tâm gì đến việc đọc kinh xin lễ, và làm việc hy sinh, hãm mình … để cầu nguyện cho những người đã qua đời. “Tất cả những ai tin vào danh Đức Giê-su và chịu phép Rửa Tội thì chắc chắn được cứu rỗi, vậy cầu nguyện, đọc kinh, tham dự Thánh Lễ, hy sinh cho người quá cố để làm gì? Vô ích! Tốn thời giờ” Họ dùng Thánh Kinh để lý luận như vậy!

Tin nhưng lờ mờ: Những người thuộc nhóm này thì tin vào những lời giáo huấn của Giáo Hội về sự sống đời sau, tin chắc chắn có Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục, nhưng chẳng bao giờ họ hiểu rõ và hiểu đúng về thực trạng của Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục cả. Họ cũng chẳng hiểu Giáo Hội Công Giáo gồm có BA THÀNH PHẦN và sự liên đới chặt chẽ, và mối liên quan mật thiết giữa ba thành phần này trong Giáo Hội.  Còn bạn?  Bạn thuộc nhóm nào vậy? Tôi hy vọng là bạn không thuộc vào nhóm thứ nhất và thứ hai! Nếu bạn thuộc vào một trong hai nhóm này thì… Amen! Chỉ có Chúa Thánh Thần mới giúp bạn được thôi!

Còn nếu bạn thuộc vào nhóm thứ ba thì trong ngày lễ Các Thánh và lễ Các Linh Hồn hôm nay, mời bạn hãy cùng với tôi học hỏi và tìm hiểu sâu hơn về thực trạng của Thiên Đàng – Luyện Ngục và Hỏa Ngục, về BA THÀNH PHẦN của Giáo Hội và sự liên đới chặt chẽ, và mối liên quan mật thiết giữa ba thành phần này.

Rất nhiều người, trong đó có tôi, và không chừng có cả bạn nữa, đã từng nghĩ hay vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng – Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những nơi chốn (places):

Thiên Đàng là một nơi trên trời cao, ở đó không có đau khổ, không có nước mắt mà chỉ có vui vẻ, hạnh phúc, hoan lạc, bình an và yêu thương. Ở trên Thiên Đàng các Thánh và các Thiên Thần suốt ngày suốt đêm chỉ ca hát, tán tụng và ngợi khen Thiên Chúa…

Luyện Ngục là một trại chuyển tiếp, một nơi tạm giam, nơi đây người ta phải chịu nóng nảy, chịu đau khổ, có cả cực hình nữa để chờ hễ mãn hạn thì được chuyển lên Thiên Đàng.

Hỏa Ngục là một nơi sâu thẳm trong lòng đất, ở đó là nơi giam giữ đời đời những kẻ ác, những người không có passport vào Thiên Đàng hay Luyện Ngục. Nơi đây xăng dầu vừa nhiều, vừa rẻ, cho nên Sa-Tan và ma quỷ tha hồ dùng để thiêu đốt và trừng phạt những thường trú nhân ở trong vương quốc của chúng.

Nếu bạn đã từng nghĩ như tôi hoặc vẫn còn đang nghĩ Thiên Đàng – Luyện Ngục và Hỏa Ngục là những nơi chốn thì sai rồi!  Bạn cứ mở cuốn Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo do Đức Giáo Hoàng Benedictô soạn thảo thì sẽ thấy quan niệm về NƠI CHỐN của Thiên Đàng – Luyện Ngục và Hỏa Ngục như là những NƠI CHỐN là sai!

zzThiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được qui tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các thiên thần và các thánh … được chiêm ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” ( 1 Cr 13,12) … sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 209).

Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 210).

Hoả ngục là [tình trạng] xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa.… Đức Kitô diễn tả thực tại hoả ngục bằng những lời này: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25:41) (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 212).

Hy vọng bạn sẽ không bao giờ nghĩ rằng Thiên Đàng – Luyện Ngục và Hỏa Ngục như là những NƠI CHỐN nữa!

Bây giờ chúng mình tiếp tục tìm hiểu về mối liên hệ chặt chẽ giữa các thành phần trong Giáo Hội nhé! Nói về BA THÀNH PHẦN trong Giáo Hội: Giáo Hội Chiến Thắng, Giáo Hội Ðền Bù và Giáo Hội Lữ Hành, sách Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 195 dạy rằng:  Một số còn lữ hành trên trần gian; một số khác, đã rời bỏ đời này, hiện đang được thanh luyện, và cũng được trợ giúp bằng lời cầu nguyện của chúng ta; sau hết, một số khác nữa, đã được hưởng vinh quang Thiên Chúa và đang chuyển cầu cho chúng ta.  Tất cả cùng nhau làm thành một gia đình duy nhất trong Đức Kitô, là Hội thánh, để ca ngợi và tôn vinh Chúa Ba Ngôi.

Bạn thấy mối quan hệ rất chặt chẽ và tình liên đới mật thiết giữa chúng mình với các linh hồn nơi Luyện Ngục và với các Thánh ở trên Thiên Đàng chưa? Các linh hồn thuộc Giáo Hội Đền Bù hoàn tất giai đoạn thanh luyện chậm hay mau là nhờ vào sự cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, thánh lễ, Kinh Mân Côi… của những người thuộc về Giáo Hội Lữ Hành, tức là chúng mình, những người còn sống ở trần gian.  Sau khi hoàn thành quá trình thanh luyện, các linh hồn được vào Thiên Đàng, lúc này các Ngài thuộc Giáo Hội Chiến Thắng sẽ cầu bầu, giúp đỡ cũng như chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta.

Nếu hôm nay bạn đã hiểu đúng về Thiên Đàng—Luyện Ngục và Hỏa Ngục và nhận ra mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết giữa ba thành phần trong Giáo Hội thì tôi đề nghị với bạn hãy giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục, bằng cách dâng lời cầu khẩn, đặc biệt là Thánh lễ, và cả những việc bố thí, ân xá và những việc hãm mình để cầu cho họ (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 211).

Bạn có muốn con cháu, bạn bè, thân thuộc và tha nhân làm những việc như hy sinh, xin lễ, đọc kinh, lần hạt Mân Côi, Viếng Thánh Thể, cầu nguyện … cho bạn sau khi bạn nhắm mắt từ giã cõi đời này và nhất là khi bạn bị kẹt ở trong trại chuyển tiếp PURGATORY không? Nếu muốn thì tôi mạn phép đề nghị với bạn những công việc nhỏ bé sau:  Xin lễ, tham dự Thánh Lễ, xưng tội, rước Lễ, lần hạt Mân Côi, Chầu Thánh Thể … để cầu nguyện cho các linh hồn đã ra đi trước chúng ta …  Hy sinh, hãm mình, không mua những đồ xa xỉ phẩm, một gói thuốc lá, một chai rượu, một két bia, một bữa ăn ở nhà hàng… để dành tiền giúp cho các cơ quan từ thiện, trại cùi, các trẻ em khuyết tật…  Hy sinh không cãi lại cha mẹ, không nóng giận và kiên nhẫn với những người chung quanh.  Chăm sóc, quan tâm đến ông bà, cha mẹ hoặc đi thăm viếng người già, những người đau yếu, tật nguyền, kém may mắn…

“Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6:31). Hy sinh, xin lễ, đọc kinh, lần hạt Mân Côi, Viếng Thánh Thể, cầu nguyện … cho các linh hồn là chúng mình đang làm cho chính chúng ta đấy!

LM Ansgar Phạm Tĩnh

 

SỐNG CHỨNG NHÂN TIN MỪNG

zzHôm nay Giáo Hội Việt Nam hân hoan và hãnh diện mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam vì 3 lý do:

– Hân hoan và hãnh diện vì các thánh là người Việt Nam, không gì vui mừng và hãnh diện, tự hào hơn, khi đất nước ta có những vị thánh góp mặt với Giáo Hội toàn cầu.

– Hân hoan và hãnh diện vì số lượng đông đảo các Thánh Việt Nam. Với 117 vị Thánh. Giáo Hội Việt Nam được xếp nhất nhì trong Giáo Hội hoàn vũ về số lượng các Thánh.

– Hân hoan và hãnh diện vì các Ngài là những chứng nhân anh hùng quả cảm.

Đọc lại tiểu sử các Ngài ta không khỏi cảm phục đức tin kiên cường của các Ngài. Vì trung thành với Chúa, các Ngài đã cam chịu thiệt thòi trong đời sống, mất hết chức quyền danh vọng và nhất là phải chịu muôn ngàn khổ hình, chịu mất mạng sống vì đức tin.

Có những vị như thánh Hồ đình Hy, làm quan lớn trong triều đình. Quan Án Phạm trọng Khảm, là những vị có chức có quyền trong xã hội đã thà mất chức quyền, mất danh vọng hơn mất đức tin. Vì Chúa, các Ngài không những đã sẵn sàng từ bỏ mọi quyền lợi trong xã hội mà còn sẵn sàng chịu mất mạng sống.

Có những vị như thánh Lê thị Thành, thân phận phụ nữ yếu ớt, gánh nặng gia đình, nhưng cũng đã sẵn sàng chịu mọi cực hình để minh chứng tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô.

Có những vị đầu xanh tuổi trẻ như Tôma Thiện, Phaolô Bột, mười mấy tuổi đầu, tương lai còn dài, đường đời còn nhiều hứa hẹn. Nhưng các Ngài đã cương quyết khước từ tất cả, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đức tin chân chính.

Là người Công Giáo Việt Nam. Chắc chắn mỗi khi đọc lại tiểu sử các Ngài, ta cảm thấy một dòng máu hào hùng trào dâng trong huyết quản. Bị cuốn hút bởi cuộc sống và cái chết cao đẹp, anh dũng của các Ngài, có lẽ ta cũng có đôi lần ao ước được như các Ngài: Sống cao đẹp, chết anh dũng.

Làm sao ta có thể có được cái chết cao đẹp như các Ngài. Ngày nay đâu còn cảnh cấm đạo, bắt đạo, giết người có đạo như thời vua quan ngày xưa. Ngày nay ta không còn hy vọng chết vì đạo. Ta chỉ còn một cách bắt chước, noi gương các vị tiền nhân anh hùng, đó là sống vì đạo.

Ngày nay, ta ít gặp những khốn khó như bị bắt bớ giam cầm, giết chết vì đạo. Nhưng để sống đạo trong xã hội hôm nay, ta gặp không ít khó khăn. Xin kể ra 2 khó khăn tiêu biểu.

Khó khăn thứ nhất đó là chủ nghĩa cá nhân ngày càng phát triển. Ai cũng muốn thăng tiến bản thân và gia đình của mình. Ai cũng lo làm ăn. Học hành, xây dựng cho bản thân. Cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những nhu cầu của bản thân ngày càng nhiều. Rõ ràng là ngày nay người ta kiếm được nhiều tiền hơn trước, có nhiều tiện nghi hơn trước, xe cộ tốt hơn, nhà cửa đẹp hơn. Nhưng chưa bao giờ người ta thấy thỏa mãn, đầy đủ. Vì thế càng ngày người ta càng đóng kín vào bản thân, không có thời giờ nghĩ đến người khác. Trong khi đó những người nghèo thì càng nghèo hơn, những người yếu càng mệt hơn, những người bệnh càng khổ hơn. Họ không đủ sức chạy theo cuộc tranh đua quyết liệt của chủ nghĩa cá nhân. Họ bị đẩy lùi ra phía sau. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Để lựa chọn sống theo Phúc Âm, để trung thành với Lời Chúa dạy, ta phải bỏ quên một phần thân mình, gia đình mình để nghĩ đến, giúp đỡ, vực dậy những anh em kém may mắn. Đó là điều không dễ.

Khó khăn thứ hai là kinh tế thị trường ngày càng phát triển. Đồng tiền đang trở thành một thước đo gía trị con người. Đồng tiền đang trở thành một quyền lực chi phối toàn bộ đời sống con người. Ai cũng muốn có nhiều tiền, và để có nhiều tiền, nhiều người đã không từ chối một phương cách nào: lường gạt, lừa đảo, làm hàng gỉa, buôn thuốc phiện, tham nhũng, hối lộ. Tiền bạc quả là một cơn cám dỗ đang làm chao đảo thế giới, tàn phá những giá trị, biến chất con người.

Đứng trước nhu cầu và ham mê tiền bạc, người Công Giáo muốn trung thành với Phúc Âm, muốn sống trọn vẹn đức tin, bắt buộc phải có sự lựa chọn. Thà cam chịu nghèo khổ còn hơn nhận những đồng tiền phi nhân bất nghĩa. Thà cam chịu thiếu thốn còn hơn đánh mất đức tin. Thà lao động cực khổ để kiếm miếng cơm manh áo chân chính hơn là chạy theo những đồng tiền dễ dãi để chối từ Phúc Âm và Luật Chúa.

Quả thực xã hội mới, đang tạo ra những cơn bắt bớ mới. Để trung thành với Chúa, với Phúc Âm ta cũng phải lực chọn quyết liệt. Những chọn lựa đó làm cho chúng ta đau đớn không kém gì những khổ hình. Những hy sinh vì Phúc Âm đó cũng khiến lòng ta rỉ máu không kém gì chịu tử hình. Các Thánh tử đạo chỉ chọn lựa một lần. Còn chúng ta chết mòn mỏi mỗi ngày trong những chiến đấu, những từ bỏ đớn đau. Sống Phúc Âm trong thời đại mới đúng là một cuộc tử đạo liên tục.

Sống vì đạo như thế cũng cao đẹp và anh hùng không kém gì chết vì đạo. Sống vì đạo như thế, ta cũng góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm không kém gì chết vì đạo.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã anh dũng hy sinh cuộc đời, dâng hiến máu đào làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm, hy sinh sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

TGM Ngô Quang Kiệt

CHỜ ĐỢI CHÚA TRONG NIỀM TIN

Bạn có kinh nghiệm động đất bao giờ chưa? Ở những nơi có động đất người ta kinh hãi vô cùng.

Trong một làng kia, khi một trận động đất lớn xảy ra, gây thiệt hại nhiều về nhà cửa và nhân mạng.  Có một người đàn bà trong làng vẫn tỏ ra bình thản.  Mấy người láng giềng của bà rất ngạc nhiên và hỏi:

–   Sao chị có vẻ bình tĩnh như vậy? Chị có bí quyết nào cho chúng tôi biết với. Vì sao chị không lo sợ gì cả?

Bà ấy trả lời:

–   Không! Tôi chẳng có bí quyết gì đâu.  Tôi chỉ mừng là tôi có Chúa, Ðấng quyền uy có thể làm rung chuyển cả quả đất này.

*****************************

Bạn thân mến, Trong năm vừa qua, hàng ngàn người đã thiệt mạng bởi những tai ương hoạn nạn xẩy ra đó đây trên thế giới. Có nhiều người cho rằng đây là những dấu hiệu của ngày tận thế sắp xẩy ra trongzz một ngày gần đây.  Vì Chúa đã nói khi ngày tận thế đến, “sẽ có những trận động đất lớn mọi nơi, sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể” (Lc 21:11). Điều này khiến cho lòng chúng ta phải băn khoăn và tự vấn, phải chăng ngày tận thế đã đến gần? Nhưng trong thực tế, chúng ta sẽ không bao giờ biết rõ ngày giờ Chúa đến, như Lời Chúa đã phán: “Về ngày giờ ấy không ai biết, kể cả thiên thần trên trời, và cả Con Người nữa, chỉ Thiên Chúa Cha biết” (Mt 24:36)

Nghĩ đến ngày tận thế, nhiều người cảm thấy rùng mình kinh khiếp.  Cũng trong đoạn Phúc âm hôm nay, Chúa nói: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc thì đừng sợ hãi” (Lc 21:9). Chúa luôn luôn biết chúng ta suy tưởng và cảm nghĩ gì; Ngài biết chúng ta đang sống trong tình trạng lo lắng và sợ hãi. Nỗi lo lắng băn khoăn về tương lai là một chuyệt rất tự nhiên. Theo lẽ thường, bất cứ điều gì chúng ta không thể nắm chắc trong tầm tay đều làm cho chúng ta cảm thấy băn khoăn lo lắng. Trong tâm tư chúng ta có thể có những khúc mắc về tương lai như: Tận thế bao giờ đến ? Nếu ngày tận thế đến, tôi có sẳn sàng chưa?…v.v. Chúng ta không nên lo lắng sợ sệt ngày Chúa đến, nhưng ngược lại hãy nên rộng mở cánh cửa tâm hồn để sẳn sàng đón Chúa. Nếu chúng ta sống trong tâm tình phó thác cậy trông vào sự quan phòng của Thiên Chúa thì không có điều gì đáng cho chúng ta phải lo ngại. Quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta đều nằm trong vòng tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Lo lắng để dọn mình sẵn sàng cho ngày Chúa đến là điều cần thiết và rất quan trọng; vì Chúa đã nói: “Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày giờ Chủ các ngươi đến. Hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm sẽ vào, hẳn ông đã tỉnh thức và không để chúng đào ngạch khoét vách nhà ông. Vì thế các ngươi cũng vậy, hãy sẵn sàng vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24:42-44). Nhưng tại sao chúng ta lại sợ đến ngày tận thế? Phải chăng vì chúng ta đã chưa ý thức sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố thường ngày của chúng ta? Mỗi người hãy gắn liền cuộc đời của mình với sức sống thần linh của Thiên Chúa; để qua những biến cố hân hoan vui mừng cũng như buồn phiền đau khổ, chúng ta đều nhìn ra bàn tay yêu thương và quyền năng của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Những ai vẫn kết hiệp với Chúa trong cuộc sống hằng ngày cũng sẽ được kết hiệp với Chúa trong ngày Chúa đến. Và Chúa sẽ đến trong vinh quang để đem sức sống của Ngài cho chúng ta như lời Ngài đã phán: “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào.” (Jn 10:10)

Hãy để Chúa dẫn dắt chúng ta trên con đường thánh ý của Ngài. Nếu Chúa cùng đồng hành với chúng ta trên bước đường đời thì dù hôm nay, ngày mai, hoặc năm tới tận thế cũng chẳng sao.

Chúng ta hãy can đảm để sống từng giây phút trong niềm vui và an bình. Hãy phó thác và giữ vững niềm tin nơi Chúa trong mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống. Để qua những việc hết sức tầm thường của cuộc sống trần thế, chúng ta sẽ nhìn ra sự cao cả phi thường của Thiên Chúa.

*****************************

Lạy Chúa, cuộc đời con Chúa đã an bài. Con xin phó thác quá khứ, hiện tại, và tương lại đời con trong ân tình Chúa. Lạy Chúa, Chúa là cùng đích và là tất cả của đời con, xin ban cho con một tấm lòng luôn khát khao yêu mến Chúa.  Xin Chúa hãy giữ gìn và ban cho con một tâm hồn trong sạch để bất cứ lúc nào Chúa đến con đều sẵn sàng. Amen

Sr. Vũ Mai Oanh, OP

 

NẾU CHÚA GỌI CON VỀ …

Nếu bạn tin rằng bạn phải chết, rằng có một cõi đời đời, rằng bạn chỉ có thể chết một lần, và nếu [lúc bạn được Chúa gọi về] bạn có sai lầm lỗi, lầm lỗi ấy sẽ là mãi mãi, không thể sửa chữa lại được, tại sao bạn lại không biết lựa chọn để bắt đầu ngay bây giờ là làm tất cả với sức lực của mình để bảo đảm một cái chết tốt? – Thánh Alphonsus di Liguori.

ZZCái chết là một điểm dừng mà tất cả chúng ta ai cũng sẽ đến, và ai ai cũng biết điều đó, thế nhưng chúng ta lại làm tất cả để gạt nó sang một bên.  Chúng ta sợ nó đến nỗi chúng ta tìm mọi cách, thậm chí ngay cả mê tín dị đoan để thay đổi định mệnh của mình, tất cả để trốn tránh cái chết.  Thậm chí có nhiều nơi người ta mê tín đến nỗi đành lòng hạ danh giá của người con dâu đã có thai khi rước dâu về nhà bằng cách rước dâu vào ngõ sau để ngăn ngừa cái chết trong gia đình.  Đúng là một lối suy nghĩ ngớ ngẩn.  Sự chết là gì đối với mỗi người chúng ta mà tại sao chúng ta lại sợ nó đến như vậy?  Còn tệ hại hơn nữa là khi biết mình sợ cái chết mà còn dùng nó để lấn át và lấy quyền hành trên người khác. Thật sự chúng ta có bao giờ nhìn lại cái chết và tự hỏi nó có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta?  Có bao giờ chúng ta mang nỗi sợ hãi ấy vào cầu nguyện xin Chúa dạy cho chúng ta biết sự thánh thiêng của cái chết, để rồi chúng ta không lạm dụng nó cũng như không để nó làm chủ đời mình một cách ngớ ngẩn không?

Chúng ta thường nói “Sống gửi thác về”, nhưng trên thực tế con người chúng ta không thật sự đón nhận hành trình đi về đó.  Chúng ta chưa nhìn cái chết như là một cái gì đó thánh thiêng để rồi chúng ta biết đón nhận nó như là một ân huệ quý báu Chúa ban.  Nếu chúng ta biết đón nhận, chúng ta mới biết nhìn sự chết như là một người bạn thân luôn đồng hành với mình trên mọi ngóc nghách của cuộc sống. Thật sự nó là như vậy.  Cái chết chẳng bao giờ rời ta và luôn theo ta như hình với bóng cho đến khi chúng ta được Chúa gọi về.  Cái “Chết” như là một người bạn đồng hành thiêng liêng luôn thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hoàn hảo và tinh tuyền của tạo dựng và cái giá cứu chuộc của Con Một Thiên Chúa.  Qua đó sự “Chết” sẽ giúp chúng ta chọn cách sống cho mỗi một hơi thở trong cuộc đời.

Chúng ta nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu khi xưa Ngài sống mọi giây phút trong cuộc đời làm người với Thiên Chúa Cha.  Nhưng khi phải đối diện cái chết, Ngài cũng tỏ ra sợ hãi trong cái yếu đuối của một con người, và Ngài đã xin các môn đệ ở với Ngài.  Nhưng sau khi vật lộn với sự yếu đuối đó, Ngài đã chọn đối diện cái chết của Ngài với Thiên Chúa Cha và Ngài đã xin uống chén đắng đó theo ý Cha Ngài (cf. Lc 22:42).  Khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết theo ý Cha Ngài, Ngài đối diện với những gì sẽ tới (bắt bớ, sỉ nhục, đánh đòn, vác thập giá, và đóng đinh) trong bình an.  Hơn nữa, trên thập giá Ngài đã chọn để được chết ở trong tay Cha Ngài, “Lạy Cha Con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Nếu Chúa Giêsu là người cho chúng ta thấy chúng ta có thể đối diện với sự chết trong tâm tình tin yêu và phó thác, mỗi ngươi chúng ta cũng được mời gọi để xin ơn để bắt chước Ngài.

Như vậy thì mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta hãy xin ơn để được đồng hành với người bạn đời “Chết”, và xin Chúa dùng bạn “Chết” để nhắc nhở chúng ta phải sống với Chúa hôm nay như thế nào hầu chúng ta biết sẵn sàng đáp lại khi Ngài hỏi ta, “Con ơi, con đang ở đâu và đang làm gì?”, và chúng ta có thể trả lời với Ngài rằng, “Con đang ở trong sự hiện diện của Cha”.  Lắm lúc chúng ta nghĩ là chúng ta chỉ có thể ý thức được rằng chúng ta đang sống trong sự hiện diện của Chúa khi chúng ta đọc kinh, cầu nguyện, hoặc tham dự thánh lễ, nhưng đó chỉ là một phần cuộc sống của chúng ta.  Chúng ta có thể chọn để ở trong sự hiện diện của Chúa trong mọi nơi mọi lúc.  Chẳng hạn như chúng ta chọn để lo lắng và chú ý đến con cái và người thân, hơn là để mình bị thu hút vào TV, ngay cả khi mọi người đang cùng ngồi coi TV chung với nhau.  Hãy để ý đến những tâm tình khó chịu, không muốn rời TV khi ai đó đang cần sự giúp đỡ của ta, và xin ơn để được đáp trả nhu cầu của người thân trong yêu thương hơn là bị bắt buộc.

Vì nếu chính lúc này, Chúa gọi chúng ta về và hỏi, “Tâm tình con đang ở đâu với Cha?” thì câu trả lời sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của mình trong lúc ấy.  Câu trả lời đó có thể là “Con đang kiềm chế sự khó chịu của con để con được nhìn thấy và phục vụ Chúa trong người thân”, hay là “Con đang thật sự cảm nhận ra tình thương của Chúa dành cho con qua người bạn” hay là “Con đang mệt mỏi bực bội vì đứa con của con không cho con ngồi yên để coi TV” hay là “Con đang ngồi coi bộ phim không tốt cho lứa tuổi của các con của con, nhưng vì con chưa có biết hy sinh và nhà chỉ có một cái TV nên con cứ để cho các con của con cùng coi” hay là “Con đang giận đội banh kia tại vì chúng chơi dở mà con đang bị thua độ.”  Câu trả lời nào là câu trả lời của mỗi người trong giờ phút linh thiêng ấy?

Trong phong tục Á Đông của chúng ta cũng thường hay dùng cái chết để đoạt lấy quyền hành trên người khác, hay làm khuất đi những gì chúng ta không muốn nhìn thấy.  Những người trẻ đang yêu thì dùng cái chết để đe dọa, để đòi hỏi được chiều chuộng hay muốn được lấy người kia làm sở hữu.  Còn những bậc cha mẹ lớn tuổi thì dùng cái chết để bắt con cái làm theo những gì mình muốn để xoa dịu nỗi âu lo hay xấu hổ của mình khi mình không còn một cách khuyên bảo nào khác.  Có những bậc cha mẹ muốn thấy con cái mình lập gia đình trước khi mình chết để cho mình cảm thấy được yên thân và an tâm, và dùng sự gần đất xa trời để cố tình đẩy con mình vào một tình cảm mà mình cảm thấy không có ổn.  Và cũng có những cha mẹ dùng tuổi tác già nua của mình để bắt con cái phục tùng và làm như ý mình muốn.  Ở đây chúng ta không nói là mình không nên lo lắng cho con cái, nhưng chúng ta cũng nên dâng sự lo lắng và xấu hổ của mình cho Chúa.  Chúng ta xin ơn để nhận ra rằng trước khi con mình là con của mình, con mình đã là con của Chúa, và khi mình muốn cho con mình được tốt đẹp hoàn hảo thì Chúa là Đấng Sinh Thành còn muốn cho đứa con của Ngài được tốt đẹp và hoàn hảo gấp bội.

Ước gì mỗi người chúng ta biết ngồi lại và suy tư về cái chết với Chúa, và xin Ngài dạy cho chúng ta ý nghĩa và sự thánh thiêng của sự chết, để qua sự hiểu biết đó chúng ta biết chọn sống mỗi giây phút với Ngài hầu chúng ta cũng được ngồi trong lòng Tổ Phụ Abraham như anh Larazô nghèo khó trong câu chuyện “Người phú hộ và anh Larazô” ở Luca chương mười sáu.

Củ Khoai

GIÔNG BÃO CUỘC ĐỜI

Đứa cháu họ của tôi qua đời chỉ ba tuần truớc ngày đám cưới.  Hai mươi bốn tuổi, trai tráng, khôi ngô, đời tràn ngập sức sống.  Bỗng một chiều, cháu mệt.  Vào bệnh viện, rồi ra đi.  Để người con gái sắp cưới ở lại, ôm nỗi đau khó diễn tả.  Mong một ngày làm vợ và làm dâu chưa thành.  Cô khóc không còn nước mắt.  Có ngàn giọt nước mắt người thân đến chia sẻ, nhưng không thể giúp vơi niềm đau.  Cô dựa vào lòng chị tôi, người mẹ chồng tương lai, để tìm sức mạnh.  Nhưng chị tôi cũng yếu đuối như người con gái ấy.  Cả hai ôm nhau đứng trước cơn giông bão cuộc đời quá lớn, có sức phá vỡ tất cả nghị lực và cuốn trôi tất cả niềm tin. “Chúa ở đâu trong cơn giông bão ấy?”zz

Những người đạo đức trong xứ đến an ủi chị, “Có lẽ là thánh ý Chúa, anh chị cố gắng chấp nhận.”  Chị tôi ngậm ngùi, không dám phản ứng trước lời an ủi.  Trong đáy sâu tâm hồn, chị thầm hỏi “Tại sao lại là Thánh Ý Chúa?”  Rồi chị thinh lặng trong nỗi đau.  Ngày tháng qua đi, chị vẫn chưa hiểu nổi tại sao bão tố đến với gia đình chị.  Đau khổ vẫn mãi mãi là một nhiệm mầu sâu thăm thẳm chưa có câu trả lời thỏa đáng.  Bước đi trong niềm tin xen lẫn nước mắt vẫn là hành trình của người Kitô Hữu.

Đôi khi, người ta tìm được chút ánh sáng trong những trang sách xưa cũ.  Kinh thánh kể về một gia đình đơn côi trong một làng nghèo ở Bethania.  Làng này nghèo hơn tất cả các làng nghèo chung quanh vùng phụ cận Giêrusalem.  Một trong những lý do Chúa Giêsu hay lui tới làng này, là vì họ nghèo.  Chúa muốn đem ơn cứu độ đến cho dân nghèo.  Làm bạn, kết thân, rồi gắn bó với họ.

Có một gia đình đơn côi, không cha không mẹ.  Gia đình của ba chị em Matha, Maria và Lazarô.  Rồi một ngày, Lazarô lâm bịnh rồi ra đi khi Chúa Giêsu chưa kịp đến.  Hai người chị Matha và Maria, tuổi còn xuân xanh, đối diện với sóng gió cuộc đời.  Người em trai duy nhất ngã xuống, mảnh nương tựa của cảnh đời đơn côi rạn vỡ.  Hụt hẫng, hoang mang, giông bão cuộc đời kéo đến.  Thách đố số phận; thách đố niềm tin.  Những ngày đưa tang về thấy căn nhà trống vắng, thiếu tiếng nói cười của người yêu thương.  Lời nguyện trong đêm từ nay xen lẫn nhiều nước mắt.

Phúc âm ghi rõ, người mà Thầy thương mến đang ốm nặng.  Biết người mình yêu mến đang lâm nguy tại sao Chúa không đến ngay?  Tôi cứ mãi băn khoăn, sao người thầy thương mến lại phải đối diện với những nỗi đau mênh mông đến thế.  Sao người thầy thương mến phải nằm trong mồ?  Những lần khác Chúa đến đúng giờ, nhưng khi người thân yêu đau khổ, Chúa lại đến trễ.  Tại sao Chúa lại để người theo Chúa phải nằm trong nhiều nấm mồ của cuộc đời?  Mồ bệnh tật, mồ thất bại, mồ bị phản bội, mồ cô đơn, và nhiều nấm mồ khác.

Tôi không có câu trả lời thỏa đáng, chỉ mong tìm một chút ánh sáng từ câu chuyện Tin mừng: đó là Thiên Chúa không làm ngơ trước đau khổ.  Phải tin tưởng điều này mới mong có ngày bước ra khỏi những nấm mồ cuộc đời.  Nếu không, bệnh viện tâm thần sẽ không còn chỗ chứa.  Ngài hiện diện qua sự nâng đỡ của tình người và nhất là qua ân sủng.  Thánh Phaolô cũng cảm nhận, “Ơn ta đủ cho con.

Đứng Bên Thập Giá

Ngành tâm lý ngày nay giúp hiểu rằng, đau khổ được biến đổi nhờ sự nâng đỡ của người khác.  Có nghĩa là, không phải đau khổ nào cũng đưa con người đi đến một kết quả xấu.  Nếu đau khổ được nâng đỡ bởi tình yêu và nhờ ân sủng, một cuộc biến đổi sẽ diễn ra.  Do đó, đau khổ lớn nhất không phải là chính biến cố đau khổ, nhưng phải đi qua đau khổ trong cô đơn mới là kinh nghiệm đớn đau nhất.  Hai ngàn năm trước, phúc âm đã dọi vào cuộc đời ánh sáng này, khi trình bày cảnh thập giá có bóng dáng của người thân yêu. “Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala.” (Ga 19, 25)  Sự hiện diện yêu thương này đã giúp Đức Giêsu đi trọn con đường đau khổ ở một giây phút hệ trọng nhất của sứ mạng.

Vậy đau khổ có khi không còn là vì do Chúa trừng phạt như người ta hay nghĩ, nhưng có khi lại là lời mời gọi để đi đến tận cùng của thân phận làm người.  Lắm khi trong đau khổ, người ta lại cảm nghiệm được giá trị thật của cuộc sống.  Như Gandi có lần diễn tả, một con người muốn đạt đến chiều cao của tâm linh, người ấy có khi phải đụng chạm đến cái vực sâu khốn khổ của thân phận làm người.  Chúa để người thân của mình đối diện đau khổ, học những bài học từ đau khổ, và để can đảm sống niềm tin giữa những dằng co trong đó xen lẫn cả đắng cay và ngọt ngào.  Cuộc đời này chưa phải là vĩnh cửu của Thiên Đàng.

Có khi Thiên Chúa để tôi bước vào mầu nhiệp đau khổ để cảm nghiệm sự bất hạnh của một nhân loại đang thật quá đau khổ.  Nếu như thế, giông bão của cuộc đời có khi là một sứ mạng để bắt đầu biết yêu thương.  Tôi sợ sứ mạng này, đó là những “chén đắng” cho đời tôi, nhưng có khi lại là niềm nâng đỡ cho anh chị em mình đang đau khổ.

Chén đắng này Chúa uống cạn, để giúp tôi hiểu về đau khổ.  Hôm nay, Chúa mời gọi tôi nếm  từ từ. Tôi hiểu như thế, nhưng chưa bao giờ nói với chị mình tại sao chị phải uống chén đắng của đời mình. Hy vọng một ngày nào đó khi nắng bình minh của tâm hồn rọi chiếu, chị sẽ khám phá cho chính mình ý nghĩa của từng nỗi đau của một người mẹ mất đi đứa con yêu thương, nhưng trong sâu thẳm vẫn tin rằng Chúa vẫn không bỏ rơi mình.

Nguyễn Thảo Nam
http://tinvahyvong.blogspot.com/