MẤT HẾT CẢ ĐỜI NGƯỜI

Chiều hôm ấy, một nhà bác học đứng trên bãi biển thấy nước phẳng lặng, trời trong veo, ông liền gọi một ngư phủ lấy thuyền chèo đưa ông ra khơi.  Hai người cùng trò chuyện: Nhà bác học hỏi người chèo thuyền có biết đọc không?   Người chèo thuyền trả lời: “Không”.

Nhà bác học nói: “Vậy thì anh mất hết nửa đời người rồi, uổng quá!  Vì biết đọc sách, người ta sẽ tiếp thu được biết bao điều hay, học thêm được bao nhiêu điều mới lạ”.

Rồi ông bắt đầu kể cho người ngư phủ: Nào là lòng sâu của biển cả, nào là tuổi đời cũng như độ bơi của bao nhiêu loài cá.  Người ngư phủ thích thú lắng tai nghe.  Nhưng kìa, trên vòm trời xanh thấy điểm nhiều mây đen từ đâu bay đến, rồi từng cơn gió mạnh quấy động mặt nước, biển nổi sóng.  Gió càng thổi mạnh, mây càng hạ thấp.  Người ngư phủ đâm ra lo sợ và báo cho nhà bác học hay một cơn giông tố sắp xảy đến.  Nói chưa dứt thì một làn sóng mạnh đã lật úp chiếc thuyền nan của hai người. Người ngư phủ lớn tiếng hỏi nhà bác học:

– “Thưa ông, ông có biết bơi không?” – “Tôi không biết bơi”, nhà bác học trả lời.

– “Thưa ông, thế thì ông mất hết cả đời người rồi!”

Người ngư phủ lại hỏi thêm:

– “Thưa ông, ông có tin đời sau không?”

Nhà bác học vừa lặn hụp chống chọi dưới làn sóng vừa trả lời:

– “Đời sau là cái gì.  Im đi!  Để ta chết!”

Nhưng người ngư phủ lại nói thêm: “Thưa ông, thế thì ông chẳng những mất cả đời nầy mà còn mất cả đời sau nữa.  Thật vô phúc cho ông!” Một cơn sóng lớn đã cuốn hút nhà bác học vào lòng sâu biển cả.

************************************************

Thưa anh chị em,

Đời như ví như cuộc vượt biển trùng khơi: Có khi phẳng lặng, có khi đầy sóng gió.  Trong cuộc đời ấy, có người tin rằng: Sau cuộc đời dương thế còn có cuộc đời mai sau.  Nhà bác học trong câu chuyện trên đây cũng như những người theo phái Sađốc trong Tin Mừng hôm nay đại diện cho hạng người không tin có cuộc sống đời sau.  Còn người ngư phủ đại diện cho hạng người tin có cuộc sống bên kia cái chết, trong đó có chúng ta.

Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.  Đó là tột đỉnh của niềm hy vọng mà Chúa Kitô đem lại cho chúng ta.  Vì nếu không có sự sống lại và cuộc sống đời sau thì tất cả đời người đều vô nghĩa.

Hầu hết các tôn giáo đều nghĩ rằng: Chết chưa phải là hết.  Con người sau khi chết sẽ được đưa sang một thế giới khác, hoặc được dẫn đến một nơi khác để tiếp tục sống.  Nhưng đời sau, đối với họ, là đêm tối, buồn thảm và không có gì hấp dẫn cả.  Lý do là vì đó là thế giới của sự chết, của âm phủ.

Các tôn giáo khác có thể tin có sự sống đời sau, nhưng không có tôn giáo nào nói đến sự phục sinh của người chết như Kitô giáo.  Ngay cả Do Thái giáo, niềm tin vào sự phục sinh của người chết cũng không dứt khoát rõ ràng.  Bài đọc I hôm nay trích sách Maccabêô đã nói lên niềm tin nầy: Anh em Maccabêô đã thưa với nhà vua đang định giết hại họ: “Vua chỉ cất mạng sống chúng tôi ở đời nầy, nhưng Vua vũ trụ sẽ làm cho chúng tôi là những kẻ đã chết vì lề luật của Ngài, được sống lại trong cuộc sống đời đời”.  Vào thời Chúa Giêsu, người Biệt phái cũng tin như vậy.  Nhưng những người thuộc phái Sađốc lại không tin có sự sống lại.  Chẳng những không tin mà họ còn chế nhạo những ai tin thân xác con người ngày sau sẽ sống lại.  Vì vậy, hôm nay họ kéo đến chất vấn Chúa Giêsu để “chọc quê” Ngài.  Vì nếu có sự sống lại của kẻ chết thì sau này một người đàn bà đã lần lượt lấy bảy anh em làm chồng theo luật pháp, sẽ là vợ của ai?  Chúa Giêsu đã giải đáp bằng cách cho họ biết rằng cuộc sống sau phục sinh không phải là một sự tái diễn của cuộc sống trên trần gian.  Thân xác phục sinh sẽ là một thân xác được biến đổi, không còn đau ốm bệnh tật, không còn già cả và chết chóc nữa. Những người phục sinh sẽ giống như các thiên thần, không còn cần phải cưới vợ lấy chồng để có con cái nối dõi tông đường nữa.

Chúa Giêsu còn dựa vào Ngũ Thư để chứng minh rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là Chúa của kẻ sống.  Nếu Thiên Chúa đã là Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop thì các Tổ phục là những người đang sống với Chúa, đang có sự sống lại.  Ở đây, Chúa Giêsu đã không tả rõ sự sống lại như thế nào.  Điều ngài muốn khẳng định ở đây, đó là “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống”.  Và trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu qua những lời giảng dạy và nhất là qua thái độ của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn cho người ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, Đấng làm cho sống.  Và ngay cả những người tội lỗi, Ngài cũng không muốn họ phải hư mất, trái lại, muốn họ hối cải để được sống và sống một cách dồi dào.  Những phép lạ chữa bệnh hay làm cho kẻ chết sống lại của Chúa Giêsu là những dấu chỉ về một Thiên Chúa yêu chuộng sự sống.  Và khi Chúa Giêsu đón nhận cái chết trên thập giá, đó cũng là để toàn thắng cái chết, và để trả lại cho loài người sự sống đời đời.  Chỉ có căn cứ vào những gì chúng ta biết về Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta mới thấy rõ về cuộc sống của chúng ta sau khi chết.  Chúng ta sẽ được sống lại với Ngài.

Chính vì Chúa Kitô đã sống lại mà chúng ta xác tín vào sự phục sinh của những người đã chết. “Thiên Chúa của các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop là Thiên Chúa của kẻ sống”.  Những người mà chúng ta gọi là đã chết là những người đang sống và sẽ sống đời đời với Thiên Chúa hằng sống.  Chối bỏ sự sống lại của những người đã chết là chối bỏ Thiên Chúa hằng sống và chân thật.

Anh chị em thân mến,

zzThiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống.  Một lời đầy an ủi cho tất cả chúng ta.  Đừng thất vọng trước cái chết của một người Kitô hữu, của những người thân yêu chúng ta.  Sự chia ly chỉ có trong một thời gian và tất cả sẽ gặp lại nhau.  Lúc đó, chúng ta sẽ thấy một tình trạng mới của những người con Chúa là được giống như các thiên thần và nhất là nên giống Chúa Kitô trong vinh quang phục sinh.

Còn sống trên trần gian, chúng ta hãy tín thác vào Thiên Chúa hằng sống.  Ngài luôn yêu thương chúng ta và muốn cho tất cả chúng ta, ngày sau sẽ được sống với Ngài mãi mãi.  Ngay bây giờ, hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa bằng một đời sống tốt đẹp hơn, tin tưởng và hy vọng vào Đấng sẽ phục sinh chúng ta trong cuộc sống hạnh phúc đời đời.

“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau.”  Amen!

Sưu tầm

GIÁO HỘI THANH LUYỆN

zz “Yêu mến người chết”, đó là thực thi bác ái, giáo hội đã định hướng như vậy cho con cái mình.

Tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời: “Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo.  Hội thánh lữ hành đã hết lòng kình nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh (2Mcb 12,45).  Chúng ta hãy dâng thánh lễ và các việc lành để cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.”

Vâng! đó là lời của giáo hội, đã nhắc nhở con cái mình, thực thi đức bác ái với người đã chết, “yêu người chết”.  Xin trích dẫn lời của giáo hội để xác tín điều thiêng liêng đối với người đã khuất, dù người thân ruột thịt, hay người chưa từng quen biết.  Lời cầu nguyện của người còn sống rất cần thiết cho họ.  Tôi cầu nguyện, xin lễ cho ông bà, cha mẹ tôi, người thân, ân nhân, bạn hữu của tôi thì không sai.  Nhưng còn những người khác thì sao có thể là những người tôi chưa từng thấy, chưa từng gặp, hoặc đã gặp, nhưng chưa quen.  Tất cả và tất cả, họ là những người đã từng hiện diện trên cõi đời nầy, mà nay đã khuất.  Tôi phải có bổn phận cầu nguyện cho họ.

Đức ái Kitô giáo, trổi vượt hơn chính là ở điểm nầy.  Vì không phải chết là hết, cũng có nghĩa là hết, hết còn trong thân xác, nhưng tín lý dạy rằng, con người được Thiên Chúa dựng nên là bất tử, cả hồn và xác, cũng chính vì điều nầy mà Thiên Chúa đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại.

Có nghĩa là thân xác con người là dấu chỉ hy vọng bởi linh hồn bất tử, siêu linh và huyền nhiệm bởi được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng siêu nhiên và toàn năng, là nguồn sống cho loài thụ tạo.  Vì vậy, linh hồn cũng như thân xác của con người không thể chết được, chỉ qua một gian đoạn phải nghỉ ngơi, bởi sự hữu hạn của nó.

Tín lý của niềm tin Kitô giáo hệ tại điểm nầy, vì qua Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, con người không thể chết, nhưng họ cần được nâng đỡ.  Bởi tính xác thịt nặng trĩu và tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự chưa đủ trưởng thành trong họ, vì vậy cho nên họ chưa nên trọn hảo trước Thánh Nhan Thiên Chúa.

Tình yêu của Thiên Chúa không gì có thể so sánh được, đứng trên tội lỗi của con người, nhưng sự thanh luyện là cần thiết, vì sự thanh luyện chính là tình yêu của Thiên Chúa.  Tình yêu đòi buộc sự công bằng, sự thanh khiết, sự liêm chính.  Như vậy, lửa thanh luyện là một phương tiện của tình yêu. Vì bản chất sinh ra bởi tội, lại được cứu độ bằng Máu, được thanh tẩy bởi Nước, Máu, Tình yêu, nhưng con người vẫn chưa trở nên hoàn thiện, thì giờ đây con người phải được luyện bằng lửa.  Lửa tình yêu là phương tiện cuối cùng dành cho con người sau khi lìa đời.

Thánh là tất cả những con người đang hưởng Nhan Thánh Thiên Chúa trên Nước Trời, nhưng những linh hồn nơi luyện ngục cũng là những linh hồn được cứu rỗi, đang chờ ngày nên thánh, vì mỗi linh hồn nơi luyện tội được siêu thoát về Trời có nghĩa là ngày họ được nên thánh.  Tuy nhiên, họ chưa đủ sức nên thánh, vì vậy sự lập công của người còn sống trên trần gian, gọi là giáo hội lập công sẽ tiếp sức với họ, giúp vào việc nên thánh của họ, để khi họ được nên thánh, là khi họ được vào Thiên Quốc, họ sẽ là những vị thánh của Thiên Chúa, lúc bấy giờ tình yêu của Thiên Chúa sẽ lan tỏa trên linh hồn họ,và lời cầu bàu của họ sẽ sáng giá như những vị thánh hiện thời, mà chúng ta tôn kính.

Như vậy, lửa luyện tội không phải là hình thức trừng phạt, khác với lửa hỏa ngục, lửa luyện tội là nơi tạo cơ hội cuối cùng cho những người không còn cơ hội lập công, nhưng nhờ vào các Thánh trên Thiên Đàng, các người lành dưới thế cầu bàu cùng Thiên Chúa là Cha Nhân lành, để nhờ tình yêu liên kết, của Thiên Chúa, của các thánh, của nhân thế, mà họ sớm được giảm sự thanh luyện, để hưởng Thánh Nhan muôn đời.

Sự đau khổ của các đẳng linh hồn nơi luyện hình không hẳn nhiên là sức thiêu đốt của lửa, mà là sự chưa được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa.  Sự xa cách tình yêu của Thiên Chúa, họ không được sống trong ân sủng như người trên trần gian, vì vậy, chúng ta phải hy sinh nhiều lần có thể, để cầu nguyện cho họ.  Họ không được rước Chúa, không được nhận lãnh những ân phúc như người trần gian hằng ngày, vì vậy gọi là giáo hội đau khổ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để cứu chuộc những người tội lỗi, và ban cho họ nhiều cơ hội lập công, nhưng họ vẫn không ý thức, và còn thờ ơ.  Vì vậy khi họ được gọi về, thì họ chưa đầy đủ, nên họ phải chịu sự thanh luyện, đó cũng là một phương tiện của tình yêu, tuy không được chủ động.  Nhưng nhờ lời bầu cử của các thánh trên Trời, và các người lành dưới thế, xin Chúa thương xót họ bằng tình thương mà Chúa đã ban cho họ là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, để họ được sớm giải thoát. Amen!

P. Trần Đình Phan Tiến

 

NẾU CHỈ CÒN

Tôi chọn bài hát “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của Nhạc sĩ Hoài An với những ca từ gợi ý để suy niệm trong thánh lễ tại nghĩa trang tối nay.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, người đưa tôi về đến quê nhà.
Để tôi thăm làng xưa nguồn cội, cho tôi mơ, mơ tiếng Mẹ Cha.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu.
Người tôi thương êm ấm môi cười, cho con tôi bước đời yên vui.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời.
Làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm.
Làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành.

zzBuồn vì ai ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp.
Phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an.
Cho tôi như bóng mây, lang thang qua cõi này.
Cho tôi được ngắm sao trên trời, giữa hương đồng cỏ nội.
Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa.
Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người.
Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.

Tối nay, chúng ta dâng lễ hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em đang an nghỉ nơi Đất Thánh này.  Không gian tĩnh mịch, trầm lắng và thánh thiện.  Cảnh vắng lặng của một thế giới an bình.  Khói hương quyện bay trên các phần mộ. Nhớ về các những người thân yêu đã khuất bóng. Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà soi vào trí nhớ bao thân thương hình bóng những người đã an giấc ngàn thu.

Ngày 1/11, có lễ kính Các Thánh là những Đấng thuộc Giáo Hội vinh hiển trên thiên đàng.  Ngày 2/11 là lễ nhớ Các Đẳng là những vị thuộc Giáo Hội thanh luyện.  Chúng ta đang sống thuộc Giáo Hội lữ hành chiến đấu.  Bây giờ, tôi và anh chị em đứng ở giữa, chưa đi lên mà cũng chưa xuống dưới.  Cứ coi như tôi là gạch nối giữa hai nơi trong nguyện cầu, tưởng niệm.  Rồi đây tôi sẽ thuộc về một trong hai cộng đoàn này.

Tháng 11, ngước lên cao, tôi khẩn xin Các Thánh cầu thay nguyện giúp; nhìn xuống dưới, tôi liên kết với Các Đẳng bằng kinh nguyện thánh lễ và việc lành phúc đức.  Như vậy, tháng cầu hồn là tháng cử hành thực tại thánh, một liên hệ thánh của Giáo Hội hiệp thông.

Bài ca “Nếu chỉ còn” thay lời cho người đã ra đi nói lời tri ân với người đang sống: Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người.  Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.

Những người đã ra đi yên nghĩ trong lòng đất, họ cần điều gì nhất?  Họ cần đến lòng thương xót Chúa. Họ cần chúng ta nhớ đến họ bằng tình yêu thương của trái tim.  Họ muốn chúng ta đừng quên họ nhưng hãy nhớ đến họ bằng kinh nguyện và thánh lễ.  Ông bà cha mẹ, những thân bằng quyến thuộc cần chúng ta cầu nguyện tưởng nhớ đến họ.  Người đã khuất sống mãi trong trái tim tình yêu, trong lòng nhớ ơn thiết nghĩa của chúng ta.  Giọt nước mắt khi người ta khóc, chính là những viên kim cương lấy từ trái tim để tặng cho người mình nhớ thương đã an nghỉ.

Tôi nhớ lời một ca khúc “Không Tên” của Nhạc sĩ Vũ Thành An: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa?”  Sống mà không được nhớ tới là sống trong lạnh lẽo của mộ sâu. Đau khổ nhất của người đang sống chính là cô đơn, là không được ai nhớ đến.  Thiệt thòi lớn nhất của người đã chết là bị quên lãng.  Người đã chết chẳng cần ăn mặc, không nói năng, không nỗi niềm, không đi đứng.  Họ đã bước vào cõi thinh lặng ngàn thu.  Họ chỉ cần chúng ta nhớ đến và cầu nguyện. Họ muốn chúng ta cho họ những bông hoa tưởng nhớ, những nụ hoa cầu nguyện, những mật hoa bác ái, những hương hoa hy sinh.

Người Công Giáo được khuyến khích thực hiện những điều thiết thực, như xin Lễ, dự Lễ, đọc kinh cầu nguyện, làm việc lành phúc đức… để chuyển cầu cho những người đã ra đi mà còn đang vướng mắc một vài trở ngại nào đó khiến họ chưa hoàn toàn chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. “Cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý tưởng lành thánh” (2 Mcb 12, 46; GH, 50).  Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta không chỉ giúp họ, mà còn làm cho lời họ chuyển cầu cho chúng ta hiệu quả hơn” (GLCG, số 958).  Những việc lành phúc đức cho chúng ta một cảm giác hạnh phúc và ý nghĩa bởi vì thân nhân của chúng ta đã và sẽ còn được tưởng nhớ đến mãi.

Bao nhiêu tư tưởng cao siêu, bao nhiêu câu chuyện yêu đương đẹp như thần thoại cũng đều gói gọn trong cỗ quan tài.  Bao nhiêu khối óc vượt nhân thế, bao nhiêu tính toán siêu vời cũng vỏn vẹn trong chiếc quan tài.  Mênh mông như cuộc đời sau cùng cũng im lặng trong lòng đất.  “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, ai cũng về với cát bụi thôi.  Nghĩa trang là nơi an bình yên tĩnh cho mọi người.

Tháng 11, Giáo Hội mở kho tàng ân phúc của Thiên Chúa, tạo dịp để các tín hữu mở rộng tấm lòng hướng về người đã khuất.  Các nguồn ân đại xá hay tiểu xá dành cho các linh hồn nơi luyện hình chính là những quà tặng của ân tình.  Trao cho người đã khuất, dù chỉ là một món quà mọn cũng là vô giá, vì các linh hồn trong luyện hình giờ đây không thể làm được gì cho bản thân.  Mầu nhiệm Giáo Hội thông công là một trong những mầu nhiệm đẹp của tình yêu.

Được sống và được yêu là điều hạnh phúc nhất.  Sự sống là hồng ân Chúa ban.  Và nếu chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ làm gì?

Lời ca ước mong: Xin đưa tôi về đến quê nhà để tôi thăm làng xưa nguồn cội, để tôi nghe tiếng nói của Mẹ Cha, của người thân yêu.  Xin cho tôi một khúc kinh cầu, xin chuộc hết lỗi lầm để thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp.  Đẹp vì hồng ân sự sống, đẹp vì tình người chan hòa, đẹp vì hiệp thông trong mầu nhiệm thánh lễ nối kết người đang sống và người đã an giấc ngàn thu.

Tối nay, bên những người thân yêu đang an nghỉ nơi đây, xin nói thay cho họ những lời này: Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người.  Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.

Giáo hội dành tháng 11 cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, nên tháng 11 là tháng của niềm hy vọng Phục sinh.  Đây là thời gian mà mỗi khi thắp nén nhang trên phần mộ người chết, nhìn theo làn khói nhẹ toả bay ta cũng nâng tâm hồn lên tới Chúa là nguồn sự sống của mình. Và mỗi khi đặt bó hoa tươi trên phần mộ người thân yêu, ta thấy được mùa xuân vĩnh cửu đang bừng lên từ khắp những nấm mồ chung quanh.  Quả thật: sự sống thay đổi chứ không mất đi.  Chết là cửa để bước vào cuộc sống vĩnh cửu.  Chuyến đi đời đời ấy lại tùy thuộc vào những tích, những công phúc đã lập trong cuộc sống tại thế này.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để cứu chuộc con người.  Nhờ lời bầu cử của Các Thánh trên trời, và lời cầu nguyện của người lành dưới thế, xin Chúa thương xót những tín hữu đang còn thanh luyện bằng tình thương mà Chúa đã ban cho họ là cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, để họ được sớm về hưởng nhan thánh Chúa. Amen.

LM Giuse Nguyễn Hữu An