TÂM LÝ ĐÁM ĐÔNG

zzCó một hiện tượng phổ biến trong xã hội hôm nay mà người ta gọi là “tâm lý đám đông”, “sống theo phong trào”.  Do hiện tượng này, việc đánh giá một hành động hay một lời nói không còn dựa trên những chuẩn mực đạo đức của truyền thống hay của các tôn giáo, nhưng dựa theo đám đông.  Một hành động tự nó là xấu, nhưng có nhiều người làm, thì tự nhiên nó bớt xấu đi, thậm chí hành động đó được coi là bình thường.  Và, một khi được coi là bình thường, thì không cần phải áy náy hay bận tâm về “tính luân lý” của hành động đó nữa.  Cách đây vài chục năm, việc một cặp vợ chồng bỏ nhau là điều hổ nhục cho hai dòng họ, vì thế mà cha mẹ đôi bên tìm đủ mọi cách để hàn gắn những rạn nứt, vừa để bảo vệ hạnh phúc gia đình, vừa giữ thể diện với những người xung quanh.  Ngày nay, tình trạng ly hôn ngày càng nhiều, nên nhiều bậc cha mẹ và các bạn trẻ dựa vào “tâm lý đám đông” để lập luận: “Ôi giào, xung quanh ta có đầy người làm thế”.  Và như thế, một việc tự nó là không bình thường đã trở nên bình thường vì có nhiều người làm như vậy.  Có thể kể đến lối suy nghĩ tương tự về nạn phá thai, nghiện ngập, trộm cắp hay nhiều loại hình tệ nạn khác.

Báo chí tuần qua thu hút nhiều quan tâm của độc giả khi đưa những thông tin về một sự kiện có liên quan đến ngành y.  Tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), có một số dược sĩ vì lòng tham đã “nhân bản” những kết quả xét nghiệm, xào xáo nhằm trục lợi từ quỹ bảo hiểm.  Chị Hoàng Thị Nguyệt, công tác tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện đa khoa Hoài Đức và hai đồng nghiệp đã không chấp nhận việc làm trái lương tâm đó, nên đã can đảm tố cáo hành vi gian lận.  Điều ngạc nhiên là sau khi chị Nguyệt phát đơn tố cáo thì chị bị đuổi việc và bị tố cáo ngược lại.  Cấp trên đã can thiệp, chị Nguyệt và hai người đồng nghiệp được trả lại danh dự, nhưng trong một khung cảnh bất bình thường, theo kiểu “mặt cười miệng mếu”.  “Sáng 16-8-2013, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức khen thưởng cho chị Hoàng Thị Nguyệt và hai người có đơn tố cáo sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.  Nhiều ý kiến cho rằng buổi lễ chỉ diễn ra trong vòng 30 phút sơ sài, buồn tẻ, hình thức, đặc biệt mức thưởng 320.000 đồng cho một người là quá ít, thậm chí là “xúc phạm người tố cáo tiêu cực” (VnExpress ngày 19-8-2013).

Qua sự kiện này, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của tâm lý đám đông.  Vâng, chị Nguyệt và hai người đồng nghiệp là những người lương thiện, đáng khen, nhưng đối với phần lớn tập thể cán bộ nhân viên của bệnh viện Hoài Đức, thì chị không có chỗ ở đây, vì chị không nghĩ như họ, không đồng quan điểm với họ.  Trong khi một số đông toa rập với nhau để làm những điều khuất tất nhằm trục lợi, thì chị suy nghĩ và hành động ngược lại.  Chị không hành động giống như đám đông, như tập thể.  Chị giống như một cung đàn rất hay nhưng lạc điệu giữa một mớ âm thanh hỗn tạp nhằm phục vụ lợi ích một số cá nhân đang muốn vơ vét cho đầy túi tham.  Vì thế, trong cơ quan này, không có chỗ cho chị.  Tố cáo người làm sai là việc tốt, nhưng trong bối cảnh xã hội mà xem ra ở đâu cũng sai như thế, thì việc tố cáo lại coi là không bình thường và khó chấp nhận.  Vì thế mà những người phụ nữ này đã buồn bã kết luận: “đấu tranh” thì “tránh đâu”.

Trong thông điệp đầu tiên của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Ngày nay, chân lý thường bị giảm xuống thành sự xác thực chủ quan của mỗi người, chỉ có giá trị cho cuộc sống cá nhân” (Lumen Fidei, số 34). Tâm lý đám đông cũng đang ảnh hưởng tai hại đến đời sống đức tin và luân lý.  Đức tin bị coi là một hành vi cá nhân, tùy chủ quan nhận định của mỗi người.  Khá nhiều bạn trẻ lơ là với việc sống đạo vì họ lập luận xung quanh mình có nhiều người cũng thế.  Nhiều bạn trẻ đua theo phong trào sống thử, phá thai, vì nghĩ rằng đó là một lối sống của xã hội mới, xã hội hiện đại và nhất là vì có rất nhiều người cùng quan điểm với họ.  Họ đã đánh mất cảm thức về tội, không còn áy náy lương tâm khi phạm tội.  Họ lợi dụng danh nghĩa tự do để làm bất cứ điều gì họ muốn.  Họ giống như người đã trót vấy bùn đen, tiếp tục nhấn chìm vì nghĩ đàng nào cũng đã nhiễm bùn rồi.  Kết quả là những cuộc đời không có tương lai, trở thành gánh nặng đè lên vai người thân.  Cũng cần nhắc đến trách nhiệm của những bậc phụ huynh trước tâm lý đám đông.  Có những người cha người mẹ không quan tâm đến đời sống đức tin cũng như đạo đức xã hội của con cái mình.  Không ít người đã chép miệng thanh minh “thời thế bây giờ nó như vậy”.

Chúng ta không để dòng nước “thời thế” lôi cuốn.  Con người thụ động để cho dòng đời lôi cuốn sẽ tự biến mình thành một khúc gỗ trôi sông.  Chỉ có con người có bản lĩnh mới dám can đảm lội ngược dòng, “tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”.

“Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào (Nước Trời)” (Lc 13,24).  Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta một giải pháp, một con đường để đạt tới hạnh phúc.  Tâm lý đám đông bao giờ cũng tạo ra những con đường dễ dãi, hấp dẫn đối với mọi người.  Thời nào cũng thế, người ta có khuynh hướng lảng tránh những hy sinh, khước từ những cố gắng.  Và khi tìm những điều dễ dãi để đáp ứng những nhu cầu của bản năng, người ta tìm ra đủ mọi thứ lập luận bảo vệ cho hành động và lối sống của mình.  “Bước qua cửa hẹp” còn có nghĩa là đi qua cửa có tên là Giêsu, vì chính Người tuyên bố: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9).  Đi qua cửa Giêsu tức là nhận làm môn sinh và nỗ lực thụ giáo với Người.

Hạnh phúc Nước Trời là kết quả của những cố gắng của cá nhân mỗi người chứ không phải là dựa vào đám đông.  Thánh Phaolô khuyên giáo dân Philipphê “Anh em hãy biết kính giới và run sợ mà gia công lo việc cứu rỗi chính mình” (Pl 2,12).  Giữa cuộc đời đầy biến động chao đảo này, người Kitô hữu được mời gọi can đảm sống theo sự thật, noi gương Đức Giêsu, Đấng đã đến để chiếu rọi ánh sáng vào cuộc đời tối tăm, là vị Chứng Nhân trung thành, Đấng yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta (x. Kh 1,5-8). Sự chọn lựa ý muốn của Chúa Cha đã khiến Người phải trả giá là khổ hình thập tự, nhưng Người đã đón nhận trong sự vâng phục và trung thành để qua đó, vinh quang Chúa Cha được thể hiện qua biến cố đau thương này.

Đại uý James Mulligan là một tù binh Hoa Kỳ bị bắt và cầm tù năm 1966 tại trại giam Hỏa Lò (Hà Nội).  Trong tối tăm của ngục tù, anh vẫn vững vàng cậy trông.  Mỗi ngày, anh đều lần hạt Mân côi và cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh và lòng kiên quyết vững vàng.  Chẳng có ai hay biết ngoài một mình con với Chúa, nhưng chỉ cần như vậy mà thôi.  Chúa đã chịu khổ hình vì niềm tin của Chúa, còn con đây cũng đang chịu khổ hình vì niềm tin của con.  Đúng vẫn là đúng cho dù không ai đúng cả; còn sai vẫn là sai cho dù mọi người đều sai hết” (trích trong bài thuyết trình của tiến sĩ Charles Rice, nhân ngày lễ ra trường của sinh viên đại học Notre-Dame, Hoa Kỳ, tháng 5-2010.  Bài thuyết trình có tựa đề: Thiên Chúa không hề chết, Ngài cũng chẳng mỏi mệt).

“Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ (Mt 5,37), một điều tưởng chừng như rất đơn giản mà trong thực tế không dễ dàng thực hiện, bởi lẽ chúng ta có khuynh hướng sống theo đám đông, “gió chiều nào che chiều đó”.  Vì thế mà nhiều khi ta đánh mất chính mình, và cũng vì thế mà cái ác, cái xấu vẫn đang tồn tại trong cuộc sống chúng ta.

GM Giuse Vũ Văn Thiên

 

MARIA, NGƯỜI NỮ THÁNH THỂ

zzBài Tin Mừng tường thuật cuộc truyền tin kết thúc bằng hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Với hai tiếng “Xin Vâng”, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn thay đổi.  Từ nay Mẹ không còn sống cho mình nhưng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa.  Mẹ kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.  Và vì thế, Mẹ trở thành gương mẫu của lòng tôn sùng và thực hành bí tích Thánh Thể.

Thật vậy, với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ là gương mẫu trong việc đón nhận Thánh Thể.  Khi đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng, Mẹ hoàn toàn tin tưởng thịt máu của bào thai Mẹ được diễm phúc cưu mang trong lòng chính là Thiên Chúa.  Như thế, Mẹ khuyên dạy ta khi đón nhận Mình Thánh Chúa, hãy tin vững vàng ta đã đón nhận Thịt Máu của Chúa Giêsu.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, tâm hồn Mẹ trở nên ngôi nhà chầu đầu tiên được đón tiếp, cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể.  Đây chính là ngôi nhà chầu xinh đẹp nhất vì cung lòng thanh khiết của Mẹ là một đền thờ nguy nga lộng lẫy.  Hơn nữa việc luôn ghi nhớ và suy niệm những điều thiên thần nói, giúp Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu trong lòng, biến Mẹ thành một người chầu Mình Thánh liên tục.  Như thế Mẹ khuyên dạy ta hãy năng chầu Mình Thánh Chúa.

Sau khi thưa “Xin Vâng”, Mẹ vội vã lên đường đi viếng bà thánh Elizabeth.  Đây chính là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên.  Cuộc rước kiệu thật đơn sơ, không kèn trống, không đông đảo, nhưng đầy sốt sắng, đầy cung kính nên đã đem lại lợi ích phi thường: đem ơn cứu độ đến cho ông thánh Gioan Baotixita còn trong lòng mẹ, làm cho mọi người tràn đầy niềm vui.  Như thế Mẹ nhắn nhủ ta kiệu Thánh Thể sốt sắng sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng.

Nhưng cũng với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu.  Từ khi còn trong bào thai cho đến khi sinh ra trong hang đá Bêlem.  Từ khi ấu thơ cho đến khi hoạt động công khai.  Việc Mẹ tất tả đi tìm Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem nói lên sự gắn bó mật thiết.  Mẹ coi Chúa Giêsu là lẽ sống.  Mẹ không thể sống nếu thiếu vắng Chúa.  Với lòng tha thiết tìm kiếm Chúa, Mẹ khuyên dạy ta hãy yêu mến đến khao khát Chúa.  Vì Thánh Thể Chúa chính là nguồn sự sống của ta.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, không những Mẹ vâng lời Thiên Chúa hoàn toàn, mà còn dạy mọi người biết vâng lời Chúa.  Nên tại tiệc cưới Cana, Mẹ khuyên nhủ gia nhân: “Người bảo gì các con hãy cứ làm theo” (Ga 2,5).  Thái độ hoàn toàn vâng phục đã được Chúa thưởng công bằng phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon”.  Hôm nay Mẹ cũng nhắc nhủ ta: Nếu Chúa đã dặn dò: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22-19), thì hãy vâng lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, chịu lễ, chắc chắn Chúa sẽ làm phép lạ đổi mới đời các con như biến nước lã thành rượu ngon.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giêsu, theo Chúa trên đường lên Núi Sọ và đứng dưới chân thánh giá để nên một với Chúa Giêsu trong việc dâng hiến chính bản thân mình, dâng những đau đớn khổ cực làm của lễ đền tội cho nhân loại.  Ở đây Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm tự hiến mình cho nhân loại.  Như Chúa Giêsu, tấm lòng tan nát của Mẹ đã trở thành tấm bánh bẻ ra ban cho nhân loại sự sống mới.  Như thế Mẹ dạy ta phải biết hiến thân chịu mọi đau đớn, vất vả trong đời sống để nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể.  Việc kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để hiến dâng thân mình sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

Và với hai tiếng “Xin Vâng”, một lần cuối cùng Mẹ vâng lời Chúa, nhận thánh Gioan làm con. Nhận thánh Gioan là nhận cả nhân loại làm con.  Vì thế Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể khi hiệp nhất với tất cả mọi người, nhận tất cả nhân loại vào gia đình mình, đón tiếp mọi người vào đồng bàn trong bữa tiệc Thánh Thể, và trong bữa tiệc Nước Trời.  Hôm nay, Mẹ nhắn nhủ ta khi chịu lễ rồi hãy biết yêu thương đoàn kết vì tất cả chúng ta được đồng bàn với Chúa, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén với nhau.  Và tất cả chúng ta đều là các chi thể trong thân thể của Chúa.  Tuy năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng việc yêu mến sùng kính và nhất là việc sống bí tích Thánh Thể vẫn tiếp diễn.  Đặc biệt trong tháng Mân Côi, nếu ta yêu mến Đức Mẹ, ta càng phải yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Mẹ chính là mẫu gương yêu mến Thánh Thể, đến nỗi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể”.  Nếu chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, chắc chắn Đức Mẹ sẽ hướng dẫn ta đến yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì tất cả các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi đều hướng về Chúa Giêsu.  Và mầu nhiệm Năm Sự Sáng đưa ta trực tiếp tới bí tích Thánh Thể.  Thật là đẹp khi ta lần hạt trước Thánh Thể.  Vì như Đức Mẹ đã khấn cầu cho tiệc cưới Cana được ơn phúc thế nào, hôm nay, trước Thánh Thể, Đức Mẹ cũng khẩn cầu ơn phúc cho chúng ta như vậy.

Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa.

TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

ĐỨC TIN VÀ NHỮNG ĐIỀU KỲ DIỆU

zzĐức tin có một sức mạnh thật kỳ diệu.  Các tác giả Tin Mừng đã chứng minh với chúng ta điều đó. Đối với những ai đến với Chúa và tín thác nơi Ngài, họ nhận được những ơn lạ lùng vượt xa sự mong đợi.

Một người bất toại đã lâu năm, nay chỉ mong có thể cử động đi lại.  Khi gặp gỡ Chúa và được Người chữa bệnh, ông đã trở nên khỏe mạnh, không chỉ đi lại được như mọi người, mà ông còn vác chõng mà đi, trước sự kinh ngạc của mọi người (x. Mc 2,3-12).

Một người mù từ bẩm sinh, chỉ ước mong con mắt mình sáng để được nhìn thấy mọi người và mọi vật xung quanh.  Khi được Chúa chữa, anh không chỉ sáng con mắt thể xác, mà còn sáng cả con mắt tâm hồn.  Anh được Ngài soi lòng mở trí để hiều biết những điều cao siêu.  Những suy tư về sự thánh thiện và tội lỗi của người mù vừa được chữa lành, xem ra còn khôn ngoan hơn cả những người biệt phái và luật sĩ (x. Ga 9,1-41).

Một người què, đi lại khó khăn, chỉ mong được bước đi như những người khác.  Nhờ tác động và quyền năng của Chúa, thông qua trung gian của hai vị tông đồ là Phêrô và Gioan, không những anh có thể đi lại được, anh còn “vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa”.  Tác giả sách Công vụ Tông đồ trình bày anh giống như một vũ công, múa nhảy ca hát để tỏ bày niềm vui trước những điều lạ lùng Thiên Chúa vừa thực hiện (x. Cv 3,1-10).

Một phụ nữ tội lỗi cả thành đều biết tiếng, qua cuộc gặp gỡ với vị ngôn sứ có tên là Giêsu, chị đã sám hối ăn năn và trở nên con người mới.  Không chỉ được hội nhập vào xã hội, chị còn trở nên một nữ tông đồ năng động nhiệt thành và là người đầu tiên loan báo Chúa đã phục sinh (x. Lc 8,2).

Đức tin có thể mang lại cho chúng ta những điều kỳ diệu.  Những điều kỳ diệu ấy đến từ quyền năng của Chúa.  Ngài là chủ vũ trụ, là nguyên lý của mọi nguyên lý.  Quyền năng của Chúa bao trùm vũ trụ và cuộc sống con người.  Trong xã hội văn minh hiện đại, con người lầm tưởng rằng họ có thể thay thế Thiên Chúa.  Ý tưởng điên rồ này đã phải gánh lấy thất bại đắng cay.  Một khi gạt bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống, điều còn lại sẽ là bạo lực, hận thù và tội ác.

Những điều kỳ diệu của đức tin cũng đến từ nỗ lực cố gắng của con người.  Đức Giêsu đã nói đến hiệu quả của đức tin: “Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được” (Mt 17,20). Hạt cải thật nhỏ bé và núi đồi lớn lao.  Đó là hai hình ảnh tương phản nhau.  Sự tương phản ấy càng làm nổi bật sức mạnh của đức tin.  Tác giả thư Do Thái đã nhắc đến gương mẫu đức tin của các Tổ phụ và những nhân vật của lịch sử dân tộc, đã nhờ đức tin mà họ vượt lên biết bao gian nan thử thách để trung thành với Chúa và thực hiện tốt đẹp những sứ vụ Chúa trao (x. Dt 11).  Họ là những người đã cộng tác với Chúa, nỗ lực làm cho đức tin sinh hoa kết trái nơi cuộc đời của họ cũng như nơi tha nhân. Nếu được liệt kê vào danh sách những gương mẫu đức tin trong thư gửi tín hữu Do Thái, chúng ta sẽ nói đến các thánh tử đạo Việt Nam.  Đức tin là bí quyết đem lại cho các ngài sức mạnh.  Các ngài là những người thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau: từ những quan lại trong triều đình đến những nông dân chân lấm tay bùn; từ những người giàu có đến những người nghèo nàn cơ khổ.  Tất cả đều tìm được nguồn sức mạnh đến từ đức tin vào Chúa, thà hy sinh mọi sự còn hơn là mất ơn nghĩa với Chúa.  Họ chấp nhận đánh đổi tất cả để được sự sống đời đời.  Sức mạnh của đức tin kỳ diệu là thế.

Sức mạnh của đức tin còn thể hiện qua sự gắn bó của người tín hữu đối với Giáo Hội.  Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ.  Giáo Hội là chiếc thuyền chuyên chở các tín hữu đến gặp gỡ Chúa, đồng thời cũng chuyên chở Chúa đến gặp Dân của Ngài.  Lịch sử hai ngàn năm đã chứng minh sức mạnh của Giáo Hội.  Mặc dù thời nào cũng có những tội lỗi và gương xấu, con thuyền Giáo Hội không vì thế mà bị nhấn chìm, vì Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng đức tin, được diễn tả qua hình ảnh tảng đá góc là chính Đức Giêsu.  Hãy chiêm ngắm một khung cảnh phụng vụ sẽ thấy sức mạnh của đức tin thật kỳ diệu: những cụ ông cụ bà, những em bé thiếu nhi, những người trưởng thành… tất cả đều toát lên niềm vui khôn tả, khi họ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được tâm sự với Ngài.  Mặc dù cuộc đời vẫn còn lắm truân chuyên, nhưng những giây phút tĩnh lặng ấy giúp họ gột bỏ bụi trần, tìm được niềm vui vì có Chúa.  Chính đức tin nói với họ về sự hiện diện nhiệm màu của Chúa, đồng thời thúc đẩy họ đến với Chúa để được trang bị thêm sức mạnh và ý chí vươn lên.

Trong cuộc sống hôm nay, xung quanh chúng ta những điều kỳ diệu vẫn đang xảy đến.  Biết bao người đến với Chúa đã nhận được sự an ủi đỡ nâng thể xác cũng như tinh thần.  Có thể khi đến với Chúa, người què vẫn chưa tự mình đi được, người mù vẫn chưa thể thấy được, người liệt chưa thể tự mình trỗi dậy, nhưng chắc chắn một điều, khi đến với Chúa với đức tin và niềm phó thác, họ đã nhận được nghị lực và niềm vui rất lạ lùng, để họ vươn lên, vượt qua khó khăn, đón nhận thực tại, lạc quan và yêu đời hơn, vì họ tin chắc chắn rằng có Chúa cùng đi với họ trong cuộc đời này.  Có thể họ bị thiệt thòi về một điểm nào đó, nhưng Chúa lại bù cho họ những khả năng phi thường ở một lãnh vực khác.  Đức tin vẫn đem lại cho chúng ta những điều kỳ diệu là thế.

Người tín hữu còn có sứ mạng đem những điều kỳ diệu của đức tin cho anh chị em đồng loại.  Hình ảnh những nữ tu dấn thân hy sinh phục vụ người phong cùi hay những trẻ mồ côi, hình ảnh những tín hữu nhiệt thành bất chấp mọi ngờ vực để đến với người nghèo, người nhiễm HIV, hình ảnh các linh mục đến với người dân tộc thiểu số hay những nơi vùng sâu vùng xa để đem ánh sáng Tin Mừng cho những anh chị em vừa nghèo về vật chất vừa nghèo về tình người.  Những thực hành bác ái này là những điểm sáng trong đời sống đức tin, đồng thời thể hiện sứ mạng cao cả của người tín hữu, đó là đến với con người để mang cho họ niềm vui và góp phần củng cố đức tin nơi họ.  Thiên Chúa đang qua chúng ta để ban phúc lành cho nhân thế.  Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy trở nên những cánh tay nối dài của Người, để làm những việc chính Người đã làm cho con người đương thời tại xứ Palêtin.  Chính qua chúng ta mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện những điều kỳ diệu.

Chúng ta đang cùng chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa thể hiện qua một trẻ thơ vừa chào đời.  Hài nhi nằm trong máng cỏ lại là chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng mọi sự từ ban đầu của lịch sử, nay trở nên người phàm để sống cùng, sống với và sống cho chúng ta.  Hai ngàn năm đã qua, biến cố Máng cỏ Bêlem và mầu nhiệm Thập giá đồi Canvê vẫn gửi đến chúng ta những sứ điệp quan trọng.  Đó là sứ điệp của tình Chúa tình người.  Tình Chúa sẽ biển đổi đời ta nên cao thượng.  Tình người sẽ giúp ta tìm thấy niềm vui, bởi khi cho đi là ta được nhận lãnh.

Một tác giả là Robert Schuller viết: “Việc bạn hiện hữu trên cuộc đời đã là một quà tặng lớn lao của Thiên Chúa”.  Ý thức mình là điều kỳ diệu của Chúa, mỗi chúng ta cần làm cho ánh sáng và vinh quang của Chúa thể hiện nơi cuộc đời mình.  Có những điều kỳ diệu được xây nền trên những điều rất bình dị của đời thường.  Các thánh là những người đã nỗ lực cố gắng để nên thánh khởi đi từ những điều rất đơn giản của cuộc sống.  Một người nông dân, một người ít học, một người sống trong cảnh đạm bạc thanh bần, một người cha người mẹ âm thầm nuôi dạy con cái… tất cả đều có thể làm tỏa sáng vinh quang của Chúa và làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống thân yêu của chúng ta.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên