CỤC ĐẤT SÉT CỦA CHÚA

Khiêm nhường là sự tĩnh lặng hoàn toàn của con tim.  Đó là không mong đợi gì, không tự hỏi điều gì đã thực hiện ở nơi tôi, hoặc cảm nghiệm điều gì chống đối tôi.  Khiêm nhường là vẫn yên nghỉ khi không ai lên tiếng ca ngợi tôi, và khi tôi bị đổ lỗi hoặc bị khinh thường.  Nhưng chỉ có một nơi ẩn náu trong Chúa, nơi mà tôi có thể bước vào, đóng cửa lại, và quỳ xuống trước mặt Cha của tôi trong nơi bí ẩn đó, và tôi ở trong bình an như đang ở trong sự tĩnh lặng của biển sâu dầu xung quanh và trên tôi đầy những xáo trộn. – Andrew Murray 

Ông Booker T. Washington được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh của một người nô lệ da đen, và khi ông lên chín tuổi thì gia đình ông được trả lại sự tự do.  Từ đó, ông đã cố gắng hết mình để đi học và được tốt nghiệp đại học.  Sau này ông trở thành một người giáo dục nổi tiếng và là người tư vấn cho tổng thống Mỹ.  Chuyện kể rằng một buổi sáng nọ, khi ông còn là chủ tịch của trường Đại Học Tuskegee Institute ở tiểu bang Alabama, ông đang đi dạo thì có một bà Mỹ da trắng hỏi ông có muốn chặt củi để kiếm thêm ít tiền không.  Ông Booker nhận lời và khiêm nhường xắn tay áo làm việc đã được mướn.  Khi củi đã được chặt và sắp ngăn nắp ở cạnh lò sưởi, thì đứa cháu gái chạy ra và nhận ra người chặt củi là ai.  Sáng hôm sau người bà da trắng đó đã đến gặp ông tại trường và xin lỗi, nhưng ông chỉ trả lời là “Tôi thích được có cơ hội làm việc lao động”.  Hành động đó đã đánh động bà và bà đã kêu gọi những người thân bảo trợ cho ngôi trường đó và họ đã ủng hộ rất nhiều.

zzTrong chương hai của sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta từ cát bụi, và mỗi một người chúng ta là cục đất sét của Chúa từ ban đầu cho đến lúc chúng ta trở về với Ngài trong tro bụi.  Đó là điểm mà ai cũng biết và chấp nhận nhưng có bao giờ bạn thắc mắc tại sao nó lại là như vậy khi mà Thiên Chúa cho mỗi người một nét rất riêng biệt và những tài năng khác nhau không?  Bạn có nghĩ rằng điều phù hợp hơn cho cục đất sét là khi nó dùng những tài năng mà Chúa ban cho để làm cho chính nó được đẹp hơn để rồi khi nó trở về với Ngài cục đất sét ấy được biến đổi thành một cái gì khác lạ hơn không?  Chẳng hạn, nơi một vị linh mục thì cục đất sét đó được biến thể và trở thành sợi dây Stola, người nữ tu thì được biến thể và trở thành chiếc áo dòng, vị bác sĩ thì trở thành ống nghe để chẩn bịnh (stethoscope), người luật sư thì trở thành cán cân công bình, v.v…  Có lẽ nhiều người chúng ta nghĩ như vậy là chúng ta nên tô điểm con người chúng ta, làm được nhiều việc ích lợi và sinh lợi trước khi chúng ta trở về với Chúa.  Chúng ta thường nhắm đến thành tích chúng ta đạt được trong đời để khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta cảm thấy tự hào và không hổ thẹn trước mặt Chúa.

Tuy nhiên một sự thật chúng ta nên chấp nhận đó là những gì chúng ta đạt được hay gây dựng không thuộc về chúng ta.  Những nén bạc chúng ta sinh lợi không thuộc về mình mà thuộc về Thiên Chúa và tùy Ngài chọn lựa.  Chúng ta không thể là người tự trang điểm cục đất sét của mình mà phải đích tay Chúa nhào nắn chúng ta theo ý Ngài (Tiên tri Giêrêmia có nhắc đến hình ảnh này ở chương 18:1-6). Ngay từ ban đầu khi tạo dựng chúng ta từ bụi đất, Thiên Chúa muốn chúng ta trở về với Ngài cục mịch và thô sơ như cục đất sét nguyên thủy.  Giáo Hội cũng nhắc nhở chúng ta điều đó vào thứ Tư Lễ Tro là chúng ta là bụi tro và sẽ trở về bụi tro.  Đó là điều thực tế nhất của mỗi con người của chúng ta và đó cũng chính là hình ảnh đẹp hoàn hảo nhất của tạo dựng – hoàn toàn buông thả tất cả trong bàn tay của Thiên Chúa.  Như vậy thì Thiên Chúa muốn gì nơi mỗi người chúng ta và Ngài muốn chúng ta làm gì với những nét riêng biệt và tài năng khác nhau ấy?

Để trả lời câu hỏi trên có lẽ chúng ta hãy cùng nhau trở lại câu chuyện của ông Booker T. Washington. Ông sanh ra là một người da đen và bà Mỹ da trắng nhìn ông bằng một cái nhìn chất phác nhất của một người da trắng đối với người da đen thời bấy giờ, đó là họ là những người lao động tay chân, và bà chân thành hỏi ông giúp việc nếu ông muốn kiếm thêm chút tiền.  Với câu chuyện này, chúng ta có thể dựng nên hai bối cảnh khác.  Bối cảnh thứ nhất, ông có thể trở nên giận dữ và lên án bà là người kỳ thị và bước đi chỗ khác với một con tim tức giận.  Bối cảnh thứ hai là ông có thể lịch sự nói cho bà ông là vị chủ tịch của một trường đại học và tiếp tục bước đi.  Trong cả hai bối cảnh đó, câu chuyện chỉ dừng lại nơi ông và chẳng phát triển thêm được gì.  Nhưng chính nhờ vào sự khiêm nhường mà ông đã để cho bà Mỹ da trắng thấy ông như những người lao động da đen mà câu chuyện này được tồn tại và là một bài học cho chúng ta bây giờ.

Có lẽ trong sự tạo dựng của Thiên Chúa, Ngài muốn chúng ta không chỉ là cục đất sét lúc tạo dựng và lúc trở về với Ngài, nhưng Ngài muốn chúng ta luôn luôn là một cục đất sét thuần túy hầu mọi công việc chúng ta làm không phải để tô điểm cho cục đất sét được đẹp hơn hay biến thể cục đất sét ấy thành một cái gì khác, nhưng là để tô điểm cho công trình tạo dựng của Ngài được hoàn hảo và được tồn tại.  Hơn nữa, có lẽ Thiên Chúa cũng chẳng muốn chúng ta phải lo lắng và phải tô điểm cục đất sét như thế nào để cho nó được đẹp hơn hoặc được biến thể thành một cái gì đó lớn lao hơn khi trở về với Ngài, hay phải bận tâm về cái nhìn hoặc sự đánh giá của người khác, nhưng Ngài chỉ muốn chúng ta sống với Ngài trong bình an và cảm nhận với tất cả con tim rằng chúng ta là cục đất sét yêu quý của Ngài.

Ước gì chúng ta biết ngồi tĩnh lặng với Chúa mỗi ngày để Ngài nâng niu và nhắc nhở chúng ta về cục đất sét mà Ngài luôn luôn yêu quý.  Xin Ngài dạy cho chúng ta biết khiêm nhường buông thả những bận tâm về việc trang điểm cho cục đất sét được đẹp hơn, được coi trọng hơn, được thánh thiện hơn, nhưng luôn biết sống bằng an trong Ngài và biết nhận ra sự hư không của chính mình hầu chúng ta thật sự là một ống máng trống rỗng để qua đó Ngài tô điểm cho công trình tạo dựng của Ngài được hoàn hảo hơn.  Amen!

Củ Khoai

MỒ HÔI, NƯỚC MẮT VÀ MÁU 

zzTrong thời Chúa Giêsu, giấc mơ của những nông gia nghèo hèn ở Pa-lét-tin là có được một tháp canh trên phần đất sở hữu của mình.  Trong mùa gặt, họ có thể ở trên tháp canh, coi chừng những kẻ xâm phạm cùng những súc vật và như thế, bảo đảm hoa màu của mình khỏi bị thất thoát.

Những người nghe Chúa Giêsu nói lúc bấy giờ đều hiểu giá trị của cây tháp canh như thế nào.  Họ hiểu thật ngớ ngẩn khi bắt đầu xây cất mà trước tiên không tính toán sở phí.  Người nông gia khởi công xây cất mà hết tiền, khi nền móng vừa xây xong, sẽ làm trò cười cho biết bao người trong cộng đồng địa phương.

Tính toán sở phí 

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để diễn tả như sau: Trước khi các bạn theo tôi, hãy suy nghĩ cho kỹ, tính toán hơn thiệt.  Tôi không chút nghi ngờ là bất cứ ai khi nghe đoạn Phúc Âm nầy mà không cảm kích sâu xa về sự lương thiện tuyệt đối của Chúa Giêsu.  Ngài không bao giờ do dự nói rõ ràng là người ta trông đợi điều gì khi theo Chúa Giêsu.  Ngài nói rõ hết ý định của Ngài, không chút giấu diếm

Ngoài ra, Chúa Giêsu không bao giờ tẩy não bất cứ ai.  Trái lại, Ngài đã mô tả việc theo Ngài bằng những ngôn từ có tính cách thực tế và ai cũng có thể hiểu được: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27).

Nói rõ hơn, Ngài truyền dạy: Hãy vác thánh giá mình và theo Ngài.  Ngài không bao giờ tự áp đặt mình lên trên người khác nhưng luôn luôn dành chỗ cho họ chọn lựa và ngay cả khước từ nữa.

Một người chơi đàn piano nổi danh trong các buổi trình diễn đã trả lời một cuộc phỏng vấn trên vô tuyến truyền hình về những sự hy sinh cần thiết phải có để đạt tới sự thành công trong nghề nghiệp: “Khi người ta quyết định hy sinh cuộc đời cho âm nhạc, người ta không bao giờ ngó lui đằng sau.  Người ta chỉ nói một cách đơn giản như sau: Ngoài âm nhạc ra, không có gì hết.”  Thật hấp dẫn và cũng đầy hứng khởi.

Điều đó không khác với những đòi hỏi của Chúa Giêsu.  Người ta không thể có cuộc sống mà không đau khổ.  Điều đó rất chính xác đối với mọi cuộc sống.  Mọi tiến bộ y khoa xem ra phải trải qua sức ép của khổ đau.  Chim cần sức đề kháng của gió để bay tới và bay cao.  Cá cần sức đề kháng của nước để dùng vây bơi tới như những mái chèo.

Kitô hữu cần thánh giá. “Không đau khổ, không tiến bộ” không phải là một thành ngữ vu vơ. Kitô giáo dành cho những người mang con tim quả cảm, không phải cho những người giỏi giang lúc ban đầu nhưng không giỏi giang đến phút cuối, giống như những người được nhắc tới trong đoạn Phúc Âm nầy đã khởi công xây cất nhưng không thể hoàn thành được.

Khi cố công dùi mài, người ta có thể thất bại nhiều lần, nhưng mỗi lần ngã xuống, người ta chỗi dậy và bắt đầu lại.  Cụm từ “bỏ cuộc” không có trong ngôn ngữ Kitô giáo.

Đôi khi chúng ta hiểu tại sao Chúa đã dựng nên cuộc sống khó khăn như thế.  Một em bé không thích rau cải đã hỏi người mẹ: “Tại sao Chúa đã để vitamin trong rau cải mà không để trong kem lạnh?”  Bà mẹ trả lời: “Mẹ lo sợ là cuộc sống cũng giống như thế đó!

Vẻ đẹp còn lại  

Hai họa sĩ người Pháp là Henry Matisse và Auguste Renoir là đôi bạn tri âm, mặc dù Renoir lớn hơn Matisse hai mươi tám tuổi.  Trong những năm cuối đời, Renoir gần như bị co quắp vì chứng viêm khớp.  Tuy nhiên Renoir vẫn vẽ mỗi ngày và khi những ngón tay không còn mềm mại đủ để cầm cây cọ cho đúng, Renoir và bà vợ là Alice đã buộc cây cọ vào bàn tay ông để ông có thể tiếp tục hội họa.

Matisse thăm viếng ông hằng ngày.  Một bữa kia, khi nhìn bạn mình co rúm lại hết sức đau đớn mỗi khi phết lên một nét tô màu, anh hỏi: “Auguste ơi, sao bạn còn tiếp tục vẽ khi bạn đang ở trong tình trạng hấp hối như thế?” Renoir đáp lại ngay: “Vẻ đẹp còn lại, sự đớn đau qua đi.

Sự đam mê nghệ thuật đã chế ngự sự đau đớn của Renoir và làm cho ông có thể hội họa cho tới ngày lìa đời.  Những ai còn tiếp tục say mê ngắm nhìn vẻ đẹp lưu lại trên những bức tranh rạng rỡ của ông, những phong cảnh ông vẽ ra, những nét sống tĩnh lặng của hoa quả trong các bức tranh… sẽ không tìm thấy dấu vết của sự đớn đau đòi hỏi phải có để sáng tạo ra chúng.  Nhưng mọi người đều đồng ý là cái giá phải trả thật xứng đáng.

Thật đáng giá

Chúa Kitô đã hứa hẹn với các môn đệ không phải là mẩu-bánh-trên-trời khi họ nhắm mắt, nhưng là thánh giá.  Nếu người ta lấy thánh giá ra khỏi Kitô giáo, người ta sẽ giết chết tôn giáo đó không chút tiếc thương.

Nếu chúng ta không cảm thấy bị dằn vặt, dày vò thì chúng ta chưa nhận được sứ điệp của Phúc Âm.  Chúa Kitô đã quả quyết với chúng ta là nếu chúng ta lưu lại với Ngài thì Ngài và chúng ta cùng nhau sẽ làm nên đại cuộc, chúng ta sẽ xây nên những tháp canh lớn.  Chúa Giêsu luôn đòi hỏi nhiều hơn, chứ không bao giờ ít hơn.

Là những Kitô hữu, chúng ta đang đi theo một vị lãnh đạo bị đóng đinh.  Ngài vẫn ở với chúng ta trên mỗi bước đường đời như là bạn đồng hành của chúng ta.  Khi chúng ta đi tới đoạn cuối hành trình, Ngài đoan hứa là sẽ đưa tay ra chào đón chúng ta.

Đức Hồng Y John Henry Newman đã nói lên những ngôn từ thật tuyệt vời: “Khi cơn sốt cuộc sống qua đi và công tác của chúng ta đã làm xong, Ngài sẽ cho chúng ta một chỗ ở an toàn, một nơi nghỉ ngơi linh thánh và cuối cùng được bình an.”  Đau khổ mà chúng ta đã chịu đựng trên đường đời thật đáng giá!

LM Vincent Travers, OP – Hương Vĩnh chuyển ngữ

 

ANH ĐI TU NHÉ!

Cứ đến hẹn lại lên, ngoài kia những cơn gió bấc đã bắt đầu ùa về, kéo theo cái lạnh lẽo của một mùa đông buốt giá.  Những chiếc lá đã bắt đầu phải lìa cây, từng hàng cây sau vườn đã trở nên trơ trọi. Đầu ngõ, cuối xóm đã trở nên vắng vẻ hơn, cái mùa này ai cũng muốn ở trong nhà chùm kín cái chăn bông lên mình tìm kiếm sự ấm áp.  Thế nhưng, điều tuyệt vời mà  Đấng Tạo Hóa ban tặng cho chúng ta đó là những mầm non xanh tươi trổ sinh vào mùa xuân tới ngay sau đó.  Đấy là những hồi ức của anh về những mùa đông ở nơi miền quê thân yêu của chúng ta.

Em!

Giờ này, nơi ấy chắc là những cơn gió bấc đã về rồi phải không em?  Chẳng biết mùa đông năm nay có lạnh lắm không?  Chẳng biết những cơn gió mùa này có làm em thấy se lòng?  Nơi ấy, em còn giữ thói quen thưởng thức một ly trà nóng mỗi buổi sáng mùa đông không em?  Nơi ấy, giờ không có anh.

Em biết không, ở nơi này không có những cơn gió bấc, cũng không có cái lạnh đến tê tái người.  Nơi này, không có ai viết những lá thư tình ngọt ngào ru anh vào giấc ngủ mỗi ngày.  Mỗi buổi sáng, cũng không thể nào có tiếng chuông điện thoại ấm áp buổi sớm mai chỉ để đánh thức con mèo lười còn ngái ngủ là anh.  Nơi này, vắng bóng em.

Em có còn nhớ không…?  Giấc mơ mà anh đã cố gắng đi trên một hành trình.  Giống như chú bướm bị thu hút bởi những bông hoa rực rỡ hai bên đường.  Anh cũng mải mê theo đuổi những điều kỳ thú hai bên đường để rồi khi anh giật mình nhìn lại thì những “bạn đường” của anh đã đi về đích trong cuộc sống của họ.  Lúc đó anh hốt hoảng nhận ra rằng anh chưa kịp hỏi mọi người địa chỉ nơi mà anh cần đến.  Anh đã rất hốt hoảng khi anh không biết nơi anh cần phải về là đâu?  Đó như là một cơn ác mộng với anh, em à!

Em biết không, ngày ra đi anh đã nghĩ rất nhiều về giấc mơ đó.  Anh đã hiểu vì sao nó cứ hiện lên trong giấc ngủ của anh, rất nhiều lần trong những tháng ngày qua.  Anh đã hiểu rằng vì sao khi yêu em, anh không thể tìm được cảm giác “yên bình” trong tâm hồn mình, vì sao ở bên em anh không cảm thấy rằng mình là người hạnh phúc, vì sao ở bên em anh không thể là chính bản thân mình…  Có lẽ, bởi vì bên cạnh em có quá nhiều người và quá nhiều thứ chứ không chỉ riêng mình anh.  Những toan tính về cuộc sống của em đã làm em trở nên một con người bận rộn.  Bây giờ, anh đã hiểu những điều anh đeo đuổi hai bên đường trong cuộc hành trình hão huyền không điểm kết của anh chính là em.

Ngồi nơi đây xem lại những tấm hình ở quê nhà, những nỗi nhớ vô duyên bỗng từ nơi xa xăm nào đó ùa về, tràn qua vòm cây kẽ lá, hững hờ khẽ rơi xuống tâm trí của anh.  Giữa đất trời mênh mông nỗi nhớ bỗng như nước sông mùa lũ chảy tràn vào trong tâm trí anh không thể nào ngăn được, những nỗi nhớ không vâng lời đã tìm về với anh…  Đó là những phút không “bình yên” của tâm hồn anh nơi cái miền quê cách xa em hơn một ngàn cây số này.  Ngồi đây một mình, anh nhớ lại những điều mà anh đã “mơ ước” khi còn ở bên em.  Anh đã ước rằng em chỉ là một người thật bình thường để anh cũng có thể là một người con trai bình thường bên cạnh em, anh ước rằng mình có thể sống thật là chính mình để có thể làm những điều tưởng chừng thật đơn giản, nhưng điều đó lại là quá sức nếu cứ phải ở bên em.

zzCuộc sống của anh bây giờ là những giờ kinh phụng vụ “sáng, chiều”; là những chuỗi kinh Mân Côi; là những giờ học tu đức, là những giờ học kiến thức xã hội; là chuỗi những tiếng cười không biết mỏi; là những tách café buổi sáng… Và em biết không, lúc này ở bên cạnh Chúa và bên những người bạn trẻ trung sôi nổi này, anh có được những giấc ngủ dài không thắp thỏm âu lo.

Nhiều khi, anh cảm thấy hối tiếc vì sao mình lại đi tìm những điều giản dị ấy ở một nơi xa lạ với mình trong từng ấy năm.  Người ta thường nói yêu một ai đó là sẽ không bao giờ hối tiếc, nếu hối tiếc có nghĩa là bạn chưa yêu người ta mà đó chỉ là một tình cảm tương tự như tình yêu mà thôi.  Anh không biết có phải mình đã ngộ nhận về những tháng ngày ấy không?  Nhưng có một điều anh chắc chắn, chúng ta là những con người ở những thế giới khác biệt, em là một ngôi sao trên bầu trời của sự thành công, còn anh không bao giờ có thể rướn mình lên để chạm tay tới vì sao đó được.

Và anh tin, anh tin mình đúng khi quyết định ra đi, anh tin mình đúng khi từ bỏ ước mơ chạm tới “ngôi sao” đó để tới nơi này.  Tới bến bờ của sự bình yên với con sông hiền hòa vỗ về, để mong quên đi tháng năm bơ vơ một mình giữa phố đông xa lạ.  Anh đã chọn lựa đúng khi buông tay em để trở về là chính anh, bình thường và giản dị.

Những kỷ niệm xưa rồi cũng như những cơn gió thoảng đi.  Thỉnh thoảng nghĩ về những kỷ niệm xưa cũng làm cho anh thấy cuộc đời còn có biết bao điều thú vị.  Anh nghĩ rằng những kỷ niệm giúp cho người ta biết rằng cuộc đời có những niềm vui, và để ta có thể nhìn lại những dấu chân mà mình đã từng đi qua.  Không bao giờ là quá trễ để thực hiện điều mình ao ước phải không em?  Cầu nguyện cho ước mơ đi trên con đường dâng hiến của anh, em nhé!

DomStone