LINH MỤC LÀ NHƯ THẾ ĐÓ…

Thư một linh mục Công giáo gửi báo The New York Times: 

Lời người dịch: “Đây là một bài đọc hữu ích để tái lập sự quân bình phần nào so với một sự tấn công dàn dựng của nhiều phương tiện truyền thông.  Liệu việc tìm kiếm sự thật không đòi hỏi rằng các thực tại tiêu cực không ngăn cản chúng ta nhìn thấy các thực tại tích cực, khi các thực tại này có thể khuyến khích chúng ta, truyền cảm hứng cho chúng ta làm sự thiện chăng?  Nó cũng sẽ là một thuốc chữa cho sự rầu rĩ lan tràn” (www.riposte-catholique.fr). 

Nhật báo The New York Times là một tờ báo lâu đời ở Mỹ, nổi tiếng là chống đạo Công giáo một cách có hệ thống.  Báo này khai thác, quá nhiều và không công bằng, một vài vụ linh mục ấu dâm ở Mỹ và nơi khác, trong khi không hề đưa tin về tuyệt đại đa số linh mục có tâm huyết với Giáo Hội, hy sinh cuộc đời vì Chúa và vì tha nhân.  Do đó linh mục Martín Lasarte, người Uruguay, Dòng Don Bosco (SDB), một nhà truyền giáo ở Angola từ 20 năm qua, đã viết bài dưới đây gửi nhật báo The New York Times ngày 6-4-2010.  Dễ hiểu là nhật báo không hề trả lời lá thư của cha.  Vài ngày sau, lá thư được đăng trên trang mạng Enfoques Positivos ở Argentina, và phát tán nhanh trên các trang mạng bằng tiếng Tây Ban Nha.  Sau đó, bản dịch tiếng Anh được phổ biến ở nhiều nước nói tiếng Anh.  Mới đây, bản dịch tiếng Pháp được trang www.riposte-catholique.fr đăng ngày 22-3-2013.  Xin được giới thiệu bài viết đầy tính thời sự này.

************************************************

Anh bạn phóng viên thân mến,

Tôi chỉ là một linh mục Công giáo bình thường. Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào về ơn gọi của mình. Trong 20 năm qua, tôi đã sống ở Angola với tư cách là một nhà truyền giáo.

Tôi đọc trong nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là tờ báo của bạn, sự phóng đại của chủ đề linh mục ấu dâm, nhưng trong một cách bệnh hoạn, vì chỉ tìm kiếm chi tiết trong đời sống các linh mục, các sai lầm trong quá khứ.

Có một trường hợp linh mục ấu dâm, trong một thành phố của Mỹ, trong những năm 1970, một trường hợp ở Úc trong thập niên 1980, và cứ như thế, có trường hợp mới đây hơn….  Chắc chắn rằng tất cả các trường hợp này đáng bị khiển trách!

Có các bài báo được cân nhắc và cân bằng, có các bài khác lại phóng đại, đầy thành kiến và thậm chí hận thù nữa.  Tôi tự cảm thấy đau đớn nhiều về sự dữ lớn lao rằng các người đáng lẽ là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, lại là con dao găm trong cuộc sống của các người vô tội.  Không có từ ngữ nào để biện minh cho các hành vi như vậy.  Không có nghi ngờ rằng Giáo Hội phải đứng về phia kẻ yếu, và người nghèo.  Vì lý do này, tất cả các biện pháp mà người ta có thể dùng để ngăn ngừa và bảo vệ nhân phẩm của trẻ em sẽ luôn luôn là một ưu tiên.

Nhưng sẽ là kỳ cục hết sức khi có ít tin tức và sự thiếu quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình và phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới.

Tôi nghĩ rằng đối với tờ báo của bạn, các điều sau đây không hề được quan tâm đề nói tới:

1) Tôi phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm;

2) Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh;

3) Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng;

4) Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em;

zz5) Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ;

6) Không phải là tin tức thú vị khi một linh mục 75 tuổi, Cha Roberto, rảo qua thành phố Luanda ban đêm, chăm sóc các trẻ em đường phố, dẫn họ đến một nơi trú ngụ, để cho họ không bị ngộ độc bởi xăng dầu mà họ hít để kiếm sống, như là người ném lửa;

7) Việc xoá nạn mù chữ cho hàng trăm tù nhân cũng không phải là tin hay;

8) Các linh mục, như cha Stéphane, tổ chức các nhà tạm trú cho các thanh thiếu niên bị ngược đãi, đánh đập, hãm hiếp, để họ tạm lánh;

9) Linh mục Maiato, 80 tuổi, đến thăm từng ngôi nhà một của người nghèo, an ủi người bệnh và người tuyệt vọng;

10) Không phải là tin hấp dẫn khi hơn 60.000 trong số 400.000 linh mục và tu sĩ hiện nay đã rời đất nước và gia đình của họ để phục vụ anh em mình tại các quốc gia khác trong các trại phong, bệnh viện, trại tị nạn, cô nhi viện cho trẻ em bị cáo buộc là phù thủy, hoặc cho trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS, trong các trường học dành cho người nghèo nhất, trung tâm dạy nghề, trung tâm tiếp nhận người nhiễm HIV……

11) Nhất là các linh mục dành đời mình trong các giáo xứ và cứ điểm truyền giáo, động viên mọi người sống tốt hơn và nhất là thương mến người khác;

12) Không phải là tin hấp dẫn khi bạn tôi, Cha Marcos Aurelio, để giải cứu trẻ em trong cuộc chiến ở Angola, đã đưa các em từ Kalulo đến Dondo và khi trên đường trở về, cha bị bắn chết; và một tu sĩ tên là Phanxicô và năm nữ giáo lý viên, bị chết trong một tai nạn, khi họ đi giúp đỡ các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước; zz

13) Hàng chục các nhà truyền giáo tại Angola đã chết vì thiếu các phương tiện y tế, chỉ vì bệnh sốt rét đơn giản;

14) Nhiều người khác đã bị tung xác lên trời do mìn nổ, khi đi thăm các tín hữu; quả vậy, trong nghĩa trang ở Kalulo, có mộ các linh mục đầu tiên đến khu vực ấy… không ai sống hơn 40 tuổi cả….;

15) Không phải là tin hấp dẫn, khi một linh mục “bình thường” sống công việc hàng ngày của mình, trong các khó khăn và niềm vui của mình, sống âm thầm cả đời vì lợi ích của cộng đoàn mình phục vụ;

Sự thật, là linh mục chúng tôi không cố gắng để có tên trong tin tức, nhưng chỉ mang “Tin Mừng”, và Tin Mừng này, không ồn ào, đã bắt đầu vào buổi sáng Phục Sinh.  Một cây ngã gây tiếng ồn nhiều hơn cả cánh rừng đang mọc và phát triển.

Người ta gây nhiều tiếng ồn cho một linh mục phạm một lỗi lầm, hơn là gây tiếng ồn cho hàng ngàn linh mục hiến đời mình cho hàng chục ngàn trẻ em và người nghèo khó.

Tôi không muốn làm một biện hộ cho Giáo Hội và các linh mục.

Một linh mục không phải là một anh hùng, cũng không phải là một người rối loạn thần kinh.  Linh mục chỉ là một con người bình thường, và với bản tính con người của mình, tìm cách theo Chúa và phục vụ Ngài trong anh chị em của mình.

Linh mục có nhiều khổ đau, nghèo đói và sự mỏng giòn như các người khác; nhưng linh mục cũng có vẻ đẹp và hùng vĩ như mọi thụ tạo khác….  Việc nhấn mạnh một cách ám ảnh bẩm sinh và phá hoại về một đề tài đau đớn, trong khi mất tầm nhìn chung của công việc, tạo ra thật sự các biếm họa tấn công vào hàng linh mục Công Giáo, do đó tôi cảm thấy bị xúc phạm.

Tôi chỉ yêu cầu anh, người bạn phóng viên thân mến, hãy tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ.  Điều này sẽ làm lớn mạnh nghề nghiệp của bạn.

Chào anh trong Đức Kitô,
Linh mục Martin Lasarte, SDB

“Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”. 

(www.riposte-catholique.fr ngày 22-3-2013)
Nguyễn Trọng Đa dịch

 

TRƯỚC ĐÃ

zzTheo một tôn giáo thường được gọi là theo đạo.

Theo đạo là theo một con đường.

Điều này đặc biệt đúng đối với Kitô giáo (x. Cv 9, 2).

Làm môn đệ Đức Kitô là theo Ngài trên con đường Ngài đi, con đường đất quanh co trong xứ Palestine hay con đường đầy chông gai nhọc nhằn của sứ vụ.

Đức Kitô chẳng những dạy Đạo, Ngài còn là Đạo (x. Ga 14, 6).

Theo đạo là theo một ngôi vị hơn là theo một giáo lý.

Sống đạo là sống như Ngài, với Ngài, cho Ngài và trong Ngài.

Phần cuối của đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện ba người muốn theo Chúa.

Chúng ta chẳng biết họ là ai, cũng chẳng rõ cuối cùng họ có theo Chúa hay không, nên mỗi người chúng ta dễ thấy mình nơi hình ảnh họ, để rồi chúng ta phải đưa ra lời đáp trả của mình.

Người thứ nhất hăng hái xin theo Ngài đi bất cứ nơi đâu.

Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình.  Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường.  Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x. 1Pr 2, 11).  Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu, chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ, chỗ tựa cuối là thập giá.

Cuộc sống nghèo làm Ngài tự do hơn, sẵn sàng hơn trước những đòi hỏi bất ngờ của Cha và nhân loại.

Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã.

Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con.  Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x.Mt 15, 3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.

Câu trả lời của Ngài làm chúng ta bị sốc thực sự.

Loan báo Tin Mừng ư?  Cần gì phải vội vàng đến thế!  Dầu sao cái sốc giúp ta nhận ra mình vẫn quen thờ ơ trước một bổn phận thiêng liêng và hết sức cấp bách.

Người chết nằm xuống thật đáng kính trọng; nhưng có bao người sống đang cần phục vụ khẩn trương.

Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.

Chúa Giêsu đòi anh dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.

Trong đời sống, nhiều lúc ta phải chọn lựa.  Chọn lựa là chấp nhận hy sinh, bỏ một trong hai.

Chúa Giêsu không dạy ta sống vô cảm hay bất hiếu…  Ngài dạy ta can đảm tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã.

Có bao nhiêu cái trước đã chi phối đời ta?  Đâu là lựa chọn ưu tiên một?  Chúng ta cần sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên cho đúng.

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay và mời tôi theo Ngài, tôi có xin phép Ngài để làm cái gì đó trước đã không?

*****************************************

Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.

Trích trong ‘Manna’

 

TRÁI TIM CỦA THẦY

zz “Tình yêu” có lẽ là hai chữ được dùng nhiều nhất trong đạo Công giáo chúng ta.  Mà hình ảnh để diễn tả tình yêu lại không gì khác hơn là hình trái tim.  Nhưng thế nào là một trái tim hoàn hảo?  Tôi nhớ có một câu chuyện kể như sau:

Một chàng thanh niên nọ một hôm đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có tí tỳ vết hay rạn nứt nào.  Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy.  Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!”.  Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ.  Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo.  Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo ra một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế.

Chàng trai cười nói:
– Chắc là cụ nói đùa!  Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt.

Cụ già ôn tồn giải thích:
– Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè…  Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra.  Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi.  Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến, vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ.   Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết.  Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại, cậu ạ.  Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, và lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.

Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má.  Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già.  Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai.  Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai.  Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…

Câu chuyện gợi nhắc tôi về trái tim của Thầy Giêsu.  Trái tim ấy có vòng gai xung quanh, có cây Thánh giá cấm xuống giữa cuống tim và có ngọn lửa tỏa lan ánh sáng.

Vòng gai cho thấy con tim Thầy chẳng còn được nguyên vẹn.  Gai của lòng đố kỵ nơi các bác Pha-ri-sêu.  Gai của bọn lính hung hăng chỉ biết xả giận trên người tử tù trắng án.  Gai của sự phản bội nơi người môn đệ được Thầy tin tưởng giao cho quản lý túi tiền: Giu-đa.  Gai của nỗi sợ hãi trơ trẽn đến thê thảm của Phê-rô lãnh đạo.  Gai của nỗi đau khi thấy Chúa Cha bỏ rơi mình.  Những mẫu gai từ xa đến gần, từ sơ đến thân dường như chực chờ làm con tim Thầy tan nát, vụn vỡ.

Vậy mà, Thầy đã can đảm cắm thẳng cây Thánh giá vào giữa con tim còn mang thương tổn đầy vị đắng chát ấy.  Thầy như muốn khẳng định chỉ có ân sủng đổ ra từ cây Thánh giá mới có sức chữa lành và hàn gắn thật sự.  Chiều dọc của Thánh giá như chiếc máng kéo ân sủng từ trời xuống con tim nhân loại, làm con người lỗi tội có cơ hội chạm tới được sự thánh thiện của Trời.  Chiều ngang của Thánh giá như chiếc cầu hòa giải những tương quan đổ bể, xa vắng giữa người với người.  Hóa ra, Thánh giá của Thầy là phương dược làm khép miệng các vết thương do vòng gai tạo nên.  Vết thương đã hết nhưng sẹo còn đó.  Sẹo làm cho trái tim không còn đẹp nữa.

Nhưng hệ chi, một khi đã được lành, con tim ấy lại có sức tỏa lan ánh sáng.  Ánh sáng của một thứ tình yêu đã được luyện lọc.  Thứ tình yêu có khả năng “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.  Ánh sáng tình yêu kia không bốc cháy rừng rực tựa hồ muốn thiêu rụi tất cả; nhưng trường kỳ liên lỉ tỏa hơi ấm an ủi những tấm lòng lạnh lẽo, soi lối những con tim lang thang, hun rèn những tâm hồn sốt mến.

Như thế đó, trái tim Thầy không còn độ cong hoàn hảo, cũng chẳng đẹp hồng như tranh vẽ; nhưng nó chứa đầy tình yêu cứu độ.  Đạo của Thầy không quảng cáo một tình yêu lãng mạn, không thương tích; nhưng nhắm thẳng đến những con tim đau khổ, tan nát mà vẫn khát khao đập những nhịp tha thứ, trắc ẩn và rộng mở.  Ước gì con cũng biết cắm cây Thánh giá của Thầy vào trái tim héo mòn của con để ơn cứu độ chữa lành và làm con bừng cháy lửa yêu.

Bảo Ân, SJ

Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu

06 – 2013

 

CẦU NGUYỆN LÀ THIÊNG LIÊNG VÀ CÂN ĐỐI

zzNhững năm làm việc sinh ích của chúng ta là một cuộc đua đường dài chứ không phải cuộc đua nước rút, do đó sẽ khó giữ vững tính mềm mại, lòng quảng đại và kiên nhẫn khi phải đi qua những lúc mệt mỏi, thử thách, cám dỗ vây quanh chúng ta trong suốt đời sống người lớn.  Khi phải dựa hoàn toàn vào chính mình, chỉ tin vào sức mạnh của ý chí, chúng ta thường bị mệt nhọc, sức chịu đựng đi xuống, làm việc nửa vời, cả trong sự chín chắn và kỷ luật của mình.  Chúng ta cần một hổ trợ từ bên ngoài, từ một nơi nào đó nằm ngoài hổ trợ của con người, và sự hổ trợ đó sẽ nâng đỡ chúng ta.  Chúng ta cần sự giúp đỡ của Thiên Chúa, một sức mạnh khởi xuất từ một điều gì đó cao hơn sức mạnh của con người.  Chúng ta cần cầu nguyện.

Nhưng thường thường chúng ta nghĩ về cầu nguyện là lòng mộ đạo hơn là một cái gì thực tế.  Hiếm khi chúng ta hiểu cho thấu cầu nguyện thật ra là một vấn đề sống chết đối với chúng ta.  Chúng ta cần cầu nguyện không phải vì Chúa cần lời cầu nguyện, nhưng nếu không cầu nguyện, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một cái gì kiên định trong đời sống của mình.  Đơn giản, nếu không  cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn hoặc sống quá nhiều về bản thân, hoặc quá thiếu sinh lực, nói cách khác, hoặc tự mãn hoặc chán nản.  Tại sao vậy?  Mổ xẻ vấn đề này, chúng ta sẽ thấy gì?

Dù hiểu theo tất cả những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống Kitô giáo hay không, cầu nguyện mang đến cho chúng ta hai điều cùng một lúc: Nối kết chúng ta với sinh lực thiêng liêng và cho chúng ta nhận thức.  Năng lực này không phải của chúng ta, nó đến từ một nơi khác, và có lẽ chúng ta chẳng bao giờ xác định được.  Với tác động của nó, cầu nguyện sẽ đổ đầy sinh lực thiêng liêng cho chúng ta, cùng lúc nó cho chúng ta biết sinh lực này không phải của chúng ta, sinh lực này hoạt động trong chúng ta, nhưng không phải do chính chúng ta.  Để lành mạnh, chúng ta cần cả hai: Nếu mất nối kết với sinh lực thiêng liêng, chúng ta sẽ cạn kiệt sinh lực, nản lòng và thấy trống rỗng.  Ngược lại, nếu để sinh lực thiêng liêng tuôn chảy mà không cần xác định chính xác nó là gì, cứ nghĩ nó là của mình, thì từ đó chúng ta thành người tự đại, tự mãn, tự cho mình là quan trọng và kiêu ngạo, rồi từ đó sẽ ích kỷ và hư mất.

Để làm sáng tỏ điều này, Robert Moore đã minh họa một hình ảnh rất hữu ích, một chiến đấu cơ nhỏ cần được tiếp năng lượng trong lúc bay.  Chúng ta từng xem các đoạn phim ngắn, chiếu cảnh một chiến cơ được tiếp nhiên liệu trong khi bay.  Tàu mẹ với dự trữ nhiên liệu khổng lồ, bay trên tàu con. Tàu con phải bay đủ gần tàu mẹ, để vòi xăng từ tàu mẹ nối được với tàu con, và đổ đầy nhiên liệu cho nó.  Nếu không làm được cách nối này, tàu con sẽ cạn nhiên liệu và sẽ rớt.  Ngược lại, nếu nó bay thẳng vào và nhập một với tàu mẹ, thì nó sẽ cháy.

Một vài hình ảnh trên nói lên được tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống chúng ta.  Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ chỉ thấy mình giao động chập chờn giữa cạn kiệt sinh lực và quá nhiều cái tôi.  Nếu không nối kết với sinh lực thiêng liêng, chúng ta sẽ như phi cơ cạn xăng.  Nếu nối kết với sinh lực thiêng liêng theo kiểu đồng nhất vào đó, chúng ta sẽ hủy hoại chính mình.

Cầu nguyện sâu đậm vừa thêm sinh lực, vừa làm trụ nâng đỡ chúng ta.  Chúng ta có thể thấy điều này nơi mẹ Têrêxa, người thiết tha với sinh lực sáng tạo nhưng luôn luôn xác định rõ ràng, sinh lực này không xuất phát từ mình, mà chính từ Thiên Chúa, mẹ chỉ là tạo vật khiêm hèn mà thôi.  Thiếu cầu nguyện sẽ tạo ra hai dạng tương phản với mẹ Têrêxa.  Một mặt, nó làm cho những người đầy sinh lực sáng tạo trở nên cực kỳ tài năng và hăng hái, nhưng đồng thời cũng đầy cái tôi và tự đại; hay ngược lại, nó làm cho người ta cảm thấy trống rỗng và tẻ nhạt, không phát ra được sinh lực tích cực nào.  Không có cầu nguyện, chúng ta sẽ luôn luôn chao qua chao về giữa hai trạng thái tự đại và nản lòng.

Vì thế, là người nhạy cảm, nếu trong đời sống, tôi không cầu nguyện một cách trung thực, tôi sẽ sống trong khủng hoảng thường xuyên, ngại rằng nếu tôi bám lấy và hành động trên sinh lực của mình sẽ làm cho người khác nghĩ rằng tôi chỉ biết nghĩ đến cái tôi của mình.  Vì là người nhạy cảm, tôi không chấp nhận như thế, nên tôi chôn vùi các sinh lực tốt nhất của mình với lối suy nghĩ vô thức rằng nản lòng thì tốt hơn là bị cho là ích kỷ.  Nhưng Chúa Giêsu, trong dụ ngôn kể về các tài năng, đã cảnh báo mạnh mẽ về cái giá phải trả khi chôn vùi tài năng của mình, cụ thể là, những gì chúng ta phải trả là sự trống rỗng, giận dữ, và thiếu vui tươi trong cuộc sống.  Thường thường, khi chúng ta dò sâu xuống bên dưới các giận dữ, ghen tương, chúng ta sẽ thấy nơi đó có một tài năng bị chôn vùi đang cay đắng vì  bị đè nén.  Đức hạnh có được nhờ đè nén sinh lực sẽ dẫn đến nỗi chua cay mà thôi.

Ngược lại, nếu tôi không quan tâm đến việc người khác nghĩ tôi là người ích kỷ, cuộc sống tôi cũng chẳng biết cầu nguyện thực sự là gì, thì tôi sẽ để những dòng sinh lực thiêng liêng chảy tự do trong tôi, và tôi sẽ đồng nhất mình với chúng như thể chúng là của tôi, là tài năng của tôi và tặng vật của riêng tôi, kết cục tâm hồn tôi sẽ đầy cái tôi và tự đại, và rồi những người xung quanh sẽ mong tôi sớm gặp khủng hoảng!

Không có cầu nguyện, mãi mãi chúng ta sẽ hoặc cạn kiệt sinh lực hoặc mang trong mình quá nhiều cái tôi, chỉ vậy mà thôi.

Fr. Ron Rolheiser, OMI

LỆNH TRUY NÃ

zzTrên một bức tường cao ốc tại thành phố Francisco, tiểu bang California, Hoa Kỳ, có dán một thông báo khổ lớn với những dòng chữ sau:

Công lực có bổn phận truy nã thủ phạm trọng tôi Giêsu Nagiaret, bí danh Messia, tức là Kitô.  Theo chứng minh nhân dân, phạm nhân mang quốc tịch Do Thái, sinh tại Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa, hậu duệ Đavit.  Mẹ y là Maria, không đề tên cha, chỉ đề bố nuôi là Giuse-Nagiaret, miền Galilê.  Nghề nghiệp thợ mộc, lao động đủ sống, chưa lập gia đình.

Tội trạng: Sau vụ phép rửa sám hối của ông Gioan Tẩy Giả, tên Giêsu bỏ xưởng mộc, ngưng sản xuất, đi lang thang, kể như vô gia cư, vô nghề nghiệp.  Y tự ý kết nạp một số thanh niên đủ giai cấp trong xã hội: Dân chài lưới, bọn thu thuế, nông dân mộc mạc, kéo nhau đi rao truyền một thứ Nước Trời nào đó sắp tới, làm náo động dân thị hiếu nhiều nơi, làm cho nhân dân bỏ công việc làm ăn.  Đó là tội gây rối trật tự trị an…

Thưa anh chị em,

Đây là câu chuyện giả sử của một nhóm khá đông thanh niên nam nữ Hoa Kỳ muốn lôi kéo sự chú ý của dân chúng đến một con người lịch sử lạ kỳ của Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai, đã xuất hiện trên địa cầu cách đây 20 thế kỷ.  Nhưng cho đến nay, người ta vẫn ái mộ hoặc đả kích kịch liệt con người ấy và xem như ông vẫn ám ảnh nhiều người dài dài…

Vào lúc sinh thời tại Palestine, Ngài cũng đã gây một dư luận quần chúng khác nhau chung quanh Ngài.  Theo Tin Mừng Thánh Luca kể lại, trong dân chúng, người thì nói: “Ông ấy là Gioan Tẩy Giả”; kẻ khác lại nói: “Ông ấy là tiên tri Êlia hay một tiên tri nào khác…”  Chúa Giêsu cũng đã nghe biết những dư luận hàm hồ nầy.  Và có lần Ngài hỏi các môn đệ, những người đã từng sống bên Ngài từ vài năm nay. Ngài đặt câu hỏi: “Dư luận nghĩ Thầy như thế, còn anh em, anh em nghĩ Thầy là ai?”  Các môn đệ im lặng.  Câu hỏi nầy mới khó trả lời, vì đây không còn nói đến những gì các ông nghe biết nữa, nhưng là nói đến điều các ông tin.  Các ông tin Thầy của mình là ai?  Và niềm tin nầy sẽ thiết lập mối liên hệ của các môn đệ với Chúa Giêsu.  Ai cảm thấy mình chắc chắn để trả lời đây?  Các ông không nói: “Chúng con cũng nghĩ như dân chúng: Thầy là Gioan Tẩy Giả, là Êlia, là một tiên tri…”  Sự im lặng của các ông có thể muốn nói rằng: “chúng con nghĩ rằng Thầy còn hơn một tiên tri nữa…”  Nhưng ai dám nói điều đó?

Chính là Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”  Phêrô trả lời như một người Do Thái có thể trả lời.  Dân Israel đang mong chờ Đấng Thiên Sai Cứu Thế.  Nhưng điều đáng chú ý và thật là quá sức để nói: “Chúng con tin Thầy là Đấng Thiên Sai Cứu Thế.”  Thế mà Phêrô dám nói lên điều đó và không ai trong nhóm các ông nói ngược lại.  Phêrô nói thay lời anh em.  Chúa Giêsu nói với Phêrô: đức tin của ông thật đúng lúc.  Chắc hẳn trong đời Phêrô có những lần ông bị trách là nghi ngờ, là tự cao tự đại, là kém lòng tin.  Đó là những giây phút ông không tin tưởng đủ.  Nhưng ở đây, ngay bây giờ thì đức tin của ông thật chính xác và mạnh mẽ.

Còn chúng ta, khi nói về đức tin của mình, chúng ta có chắc chắn được rằng đức tin đó còn trong chúng ta không?  Chúa Giêsu có chấp nhận đức tin của chúng ta như đã chấp nhận đức tin của Phêrô không?  Nói cách khác, nếu Chúa Kitô đến giữa chúng ta, chúng ta có nhận được Ngài như Ngài muốn không?  Nơi nào trên thế giới nầy có cái may mắn nhất để tiếp nhận Ngài? – Ở Rôma, trung tâm của Giáo Hội hay ở các đền thờ hành hương? – Không, ngay trong lòng chúng ta và nơi những người khác, Chúa chờ chúng ta ở đó.  Tôi muốn nói, nếu Đức Kitô trở lại giữa chúng ta, Ngài không làm gì khác như trước đây 2000 năm Ngài đã làm: Ngài sẽ ở giữa chúng ta, với những người nghèo khổ nhất trong chúng ta.  Ngài sẽ ở giữa những gia đình như gia đình Nagiaret của Ngài ngày xưa, và ai muốn gặp Ngài thì trước hết phải tìm Ngài nơi Ngài đang ở, có nghĩa là nơi những người nghèo khó.

“Anh em bảo Thầy là ai?”

Nếu Chúa Kitô trở lại, con người ngày nay phải trả lời cho Ngài thế nào? – Tôi đã được nghe nhiều người nói thế nầy:

–  Ngài là Chúa, con kính mến Chúa trên hết mọi sự. Chúa bảo gì con cũng làm hết, nhưng với những thù địch thì con không thể nào yêu thương được, con chịu thôi!

–  Hoặc là: Ngài là lý tưởng của con, của tất cả mọi người. Nhưng lý tưởng của Ngài sáng chói quá, khó quá, ai mà sống được như Ngài!

–  Hoặc nữa: Ngài là người đã đặt ra những luật lệ hay nhất, chính đáng nhất, nhưng làm sao chúng con giữ được, nhất là sống thời buổi kinh tế thị trường nầy?…

Thưa anh chị em,

Những lời tuyên xưng đó chỉ là một cách thức chối từ Chúa Kitô và đời sống của Ngài.  Đó không phải là câu trả lời của những người đang thực sự sống đức tin của mình.  Sống đức tin là gì?  Chính là họa lại đời sống của Chúa Kitô nơi cuộc sống của mỗi người chúng ta.  Trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu: “Thầy là ai” là để cố gắng sống theo những gì mình đã xác tín và tuyên xưng về Chúa Kitô, chứ không phải trả lời xong để rồi cố thủ với con người, với ích kỷ, lười biếng của mình.  Và một khi đã xác tín và tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô”, thì phải trung thành dấn thân theo Ngài cho đến cái chết treo trên thập giá.  Chết trên thập giá như Chúa Giêsu thì rất hiếm, nhưng mọi Kitô hữu đều phải vác thập giá mỗi ngày trong đời sống và phải sẵn sàng bước lên thập giá đó.  Điều đó có ý nghĩa cụ thể là người ta không thể là môn đệ của Đấng bị đóng đinh thập giá, nếu không chấp nhận như Thầy của chúng ta, trở thành tôi tớ của anh em trong cuộc sống hằng ngày, như Thầy đã làm.

Trích từ “Niềm Vui Chia Sẻ”

 

TÌM Ý CHÚA

zzTĩnh tâm là những ngày nhìn lại linh hồn mình, xét xem tôi đang đi về đâu, ý nghĩa cuộc đời, để rồi chìm sâu hơn nữa trong đời sống tìm kiếm ơn thánh.  Trong những ngày này, người tĩnh tâm thường đặt câu hỏi làm sao tôi có thể nghe tiếng Chúa nói.

Trong cuộc sống, người ta rất thường phân vân, đâu là tiếng Chúa, đâu là tiếng của chính mình.  Khi phải quyết định một vấn đề gì đó hệ trọng, họ tới nhà cầu nguyện, mong nghe được tiếng Chúa dạy.  Họ cầu nguyện nhưng phân vân, rồi vẫn không biết làm sao quyết định.

Nghe là một nghệ thuật không dễ.  Học một ngôn ngữ bao giờ cũng cần có thời gian.  Phải nghe nhiều lần mới quen.  Nghe trong định nghĩa bình thường là âm thanh vật lý vang lên, rồi truyền qua những làn sóng mà đến các thần kinh của tai.  Thần kinh ghi những ký hiệu này, cất trong ngăn kéo của máy tính não bộ.  Khi gặp lại âm thanh ấy thì não bộ cho nó một nhận định và một giá trị.  Việc nhận định càng dễ nếu bão bộ càng quen âm thanh này.  Nghĩa là âm thanh ấy được lập đi lập lại nhiều lần.

Tập nghe để phân biệt âm thanh này với âm thanh khác cũng đã khó.  Nhưng nghe âm thanh là tiếng nói của lòng thì bước sang một chiều sâu hơn nữa rồi.  Vì tiếng nói của lòng không là âm thanh vật lý, nó thiêng liêng, vô hình.  Cũng tiếng cười, nhưng ý của nó có thể không làm vui, mà là mỉa mai, riễu cợt.  Hiểu tâm hồn nhau là một tiếng nghe đòi nghệ thuật trong đó có yêu, có hy sinh, có tế nhị, có mình muốn thuộc về người đó.  Vì thế mà có khi sống bên nhau chẳng hiểu ngôn ngữ của nhau.

Mẩu đối thoại giữa ba người, Đức Kitô, ông Tôma và Philipphê cho thấy sự lúng túng về loại ngôn ngữ này.  Chúa nói: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi”  Ông Tôma thưa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường?”  Đức Kitô đáp: “Thầy là đường, là sự thật, là sự sống.  Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”  Ông Philipphê đáp: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chũng con mãn nguyện.”  Đức Kitô đáp: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư?” (Yn 14:1-9).

Chúa nói là Chúa đi đâu thì các ông ấy biết đường rồi.  Nhưng tôma lại thưa các ông ấy không biết Chúa đi đâu.  Các ông muốn biết Chúa Cha, Chúa Yêsu lại bảo ở với nhau lâu vậy rồi mà chưa biết được ư.  Cuộc đối thoại cứ như mỗi người nói một nẻo.  Đọc lại mẩu chuyện đối thoại ấy để thấy nghe là một công trình phải luyện tập, phải có thời gian, phải quen nhau nhiều.  Nghe người nói với người đã không dễ, bây giờ nghe Chúa nói là tiếng nói vô âm thanh thì làm sao nghe.

Khó, nhưng không có nghĩa là không nghe được.  Tiếng nói tình yêu thường là tiếng nói bằng con tim hơn bằng ngôn ngữ.  Khi hai người thương nhau, họ nói một thứ ngôn ngữ riêng, không theo định nghĩa của tự điển nữa.  Họ nói bằng ánh mắt.  Họ hiểu bằng tâm tư.  Họ ngỏ ý bằng một chút hờn.  Họ muốn người khác bắt ý bằng một chút giận.  Đó cũng là một thứ ngôn ngữ không có âm thanh.  Như vậy, ngôn ngữ của Chua cũng có thể nghe, cũng có thể hiểu.  Một biến cố đau khổ xẩy đến có thể như cái trách của Chúa gởi cho ta một nhắc nhở.  Một chút cắn rứt lương tâm có thể so sánh như một  sự dỗi hờn của hai người đang thương nhau.

Trở lại vấn đề nghe là một nghệ thuật phải luyện tập, ta thấy yếu tố quan trọng nhất là phải quen với ngôn ngữ ấy.  Vì thế, cứ đợi khi có một vấn đề gì đó rồi mới hỏi Chúa thì e rằng khó hiểu được ngôn ngữ của Ngài.  Dụ ngôn người chăn chiên và đàn chiên cho ta hình ảnh khá rõ về nghệ thuật nghe này. Ta có thể chia đàn chiên làm ba loại: Một loại không quen ngôn ngữ của chủ, một loại chỉ nghi ngờ tiếng nói của chủ, một loại nhận ra tiếng chủ ngay.

Không Quen Ngôn Ngữ

Tiếng gọi trong đêm là tiếng gọi gian nan.  Không biết ai gọi.  Không biết từ đâu đến.  Một lúc nào đó bất ngờ có tiếng gọi tên mình.  Trong đêm tối, con chiên này bừng dậy.  Kẻ cắp giấu mặt cho khỏi bị nhìn.  Tên trộm nào cũng ưa bóng tối.  Bầy chiên đang ngủ ngon, bỗng có tiếng gọi.  Hạng chiên không quen ngôn ngữ của người chăn là loại không khi nào gần chủ, không nói chuyện với chủ.  Trong đàn chiên, chúng là những con chạy ở cuối đàn.  Đúng ra, nó không phải là những con chiên theo chủ mà là chỉ dựa vào đàn chiên để sống nhờ.  Bởi đó, trong đêm, khi kẻ trộm giả vờ tiếng người chăn mà gọi thì chúng không thể phân biệt được.

Một người không có đời sống cầu nguyện nhiều cũng giống như vậy.  Trong đêm tối của xã hội, họ không phân biệt được đâu là tiếng nói của sự thật, đâu là ngôn ngữ nguỵ biện đánh lừa lương tâm.  Hạng chiên không bao giờ gần chủ thì khi gặp thử thách trong tiếng gọi giữa đêm khuya chúng sẽ bị kẻ cắp đánh lừa.  Một linh hồn thiếu đời sống nội tâm kết hiệp qua cầu nguyện, họ cũng dễ bị lừa như thế trong những phán quyết của tiếng nói lương tâm.  Loại lương tâm này khi thấy một lời mời quyến rũ, say mê là hành động ngay, không phân biệt được phải trái.

Nghi Ngờ Tiếng Người Chăn

Loại thứ hai này khá hơn.  Những con chiên này phân vân nhiều khi nghe tiếng gọi.  Chúng sẽ suy nghĩ chứ không vội chạy theo, nhưng rất khó mà quyết định.  Loại chiên này đôi khi gần chủ nên cũng nghe tiếng chủ, nhưng vì không gần chủ nhiều, nên lúc nghe, lúc không.  Có nói chuyện với chủ, nhưng ít thôi.  Không quen tiếng chủ lắm nên trong đêm khuya chúng phân vân, lưỡng lự, khó phân biệt nổi. Giống người mới bắt đầu học một ngôn ngữ, hiểu lầm, hiểu không hết ý của người nói là chuyện thường.  Nếu con chiên này nghe tiếng gọi trong đêm mà vẫn ở lại trong đàn cũng là cầu may, chứ không có một thái độ tri thức dứt khoát.

Người lâu lâu mới cầu nguyện, có việc mới chạy tới Chúa cũng giống như vậy.  Có nghe tiếng Chúa mà không rõ lắm.  Họ phân vân không biết có phải tiếng Chúa hay là mình nói mà thôi.  Vì thế, những quyết định của họ rất nửa chừng.  Tâm hồn họ không hẳn là muốn ở lại trong tội, nhưng cũng chẳng hân hoan lên đường.  Một khi không dứt khoát thì không đủ năng lực hành động, nên đời sống thiêng liêng mệt mỏi.

Nhận Ra Tiếng Chủ

Không tên trộm nào lừa được loại chiên sau cùng này.  Tiếng gọi bất chợt vang lên trong đêm.  Nó giật mình dậy, nghe xong, nó nhận định rồi tiếp tục giấc ngủ bình an.  Nó biết ngay tiếng giả đó là của bóng tối.  Loại chiên này ngày nào cũng nói chuyện với chủ, ngày nào cũng nghe âm thanh người dẫn mình đi, nên chúng quá quen rồi.  Không tiếng nói nào bắt chước tiếng chủ được.  Một tiếng gọi vang lên, nó phân biệt ngay đấy là tiếng chủ hay tiếng người lạ.

Ma quỷ cũng như những tên trộm chiên, chúng đợi đêm tối là lúc lương tâm phải lựa chọn những hướng đi mà đến xúi giục ta.  Bóng tối có những luận cứ tinh vi, những lý do xem ra rất chính đáng. Người có đời sống kết hiệp với Chúa thì nhận ra ngay đâu là con đường phải đi. Họ có những quyết định chính xác, đúng.  Bóng tối khó mà lừa được những tâm hồn này.

Để nghe tiếng Chúa, yếu tố đầu tiên phải lưu tâm là một trái tim sạch tội.  Điều này ta cảm nghiệm rõ là sau mỗi lần nhận bí tích hoà giải, ta thấy tâm hồn thanh thản, vui tươi.  Vì thế, nếu một tâm hồn muốn hỏi Chúa, muốn nghe tiếng Ngài, linh hồn đó cần phải thanh tẩy linh hồn, đến gặp gỡ Chúa trong bí tích hoà giải trước đã. Giữ một trái tim sạch tội, rồi sau đó mới hy vọng dễ nhận định tiếng Chúa nói qua lương tâm.

Trước một quyết định quan trong trong đời sống, như ngày truyền chức, ngày nhận một sứ vụ quan trọng, Giáo Hội khuyên những người này phải tĩnh tâm.  Các tu sĩ theo luật, hàng năm phải tĩnh tâm.  Tĩnh tâm là những ngày cầu nguyện đặc biệt hơn, nhiều hơn.  Cứ hàng tháng, hàng năm lập đi lập lại nhiều lần tĩnh tâm như thế để tâm hồn ấy quen cách nói chuyện.  Khi quen rồi, lúc phải quyết định một điều gì trong đời sống, tâm hồn này dễ vững tâm, bình an.  Khi cuộc sống đi sai đường sẽ dễ nhận ra.

Tĩnh tâm là phương pháp sư phạm học nghe ngôn ngữ thiêng liêng, vì thế ai cũng cần.  Nhiều người không nhận định rõ nên đếm xem mình đã tĩnh tâm bao nhiêu lần để so sánh với người khác, và tự cho mình một thứ “tốt nghiệp” qua những lần tĩnh tâm ấy.

Có người đi tĩnh tâm để cho biết là gì rồi sau đó thôi không tĩnh tâm nữa.

Tĩnh tâm không phải chỉ để giải quyết một vấn đề mà là hành trình tập nghe.  Tiếng Chúa có sức mạnh. Chẳng ai nghe đủ và nghe hết, bởi đó, không thể có vấn đề tĩnh tâm như một thứ “tốt nghiệp”, một thứ chứng chỉ là tôi đã đi tĩnh tâm rồi, tôi biết rồi, tôi không cần đi nữa.

Chúa dành một thời gian rất dài, 40 ngày trong sa mạc để cầu nguyện.  Trong đời sống hoạt động, Chúa tiếp tục tìm nơi thinh lặng để cẩu nguyện. “Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện” (Mt 14:23).  “Trong những ngày ấy, Đức Yêsu đi ra núi cầu nguyện, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12).  Chúa cũng bảo các tông đồ phải cầu nguyện. “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện, hầu đủ sức thoát khỏi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36)

Nghe là một nghệ thuật không thể qua một buổi sớm, đến một buổi chiều mà quen.  Vấn nạn con không cầu nguyện, chỉ khi cần đến Chúa, con mới đên hỏi Chúa đôi câu.  Không quen ngôn ngữ của Chúa nên con cho rằng Chúa không nói.

Lạy Chúa, vấn đề là con phải học nghe, chứ không phải là Chúa có nói hay không?

LM Nguyễn Tầm Thường

 

NIỀM TIN CỦA HAI CHA CON

zzHãy giữ những người mà bạn thật sự yêu thương trong vòng tay của mình, thì thầm vào tai họ, nói với họ rằng: “bạn yêu thương họ nhiều như thế nào…!” 

Đây là một câu chuyện cảm động về tình cha con trong cuộc động đất lịch sử tại Armenia năm 1989.

Vào năm 1989 tại Armenia có một trận động đất lớn 8,2 độ Richter đã san bằng toàn bộ đất nước và giết hại hơn ba mươi ngàn người trong vòng chưa đầy bốn phút.  Giữa khung cảnh hỗn loạn đó, một người cha chạy vội đến trường học mà con ông đang theo học.

Tòa nhà trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát. Sau cơn sốc, ông nhớ lại lời hứa với con mình rằng: “Cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, cha sẽ luôn ở bên con!”  Và nước mắt ông lại trào ra.  Bây giờ khi nhìn vào đống đổ nát mà trước kia là trường học thì không còn hy vọng.

Nhưng trong đầu ông luôn nhớ lại lời hứa của mình với cậu con trai.  Sau đó ông cố nhớ lại cửa hành lang mà ông vẫn đưa đứa con đi học qua mỗi ngày.  Ông nhớ lại rằng phòng học của con trai mình ở phía đằng sau bên tay phải của trường.  Ông vội chạy đến đó và bắt đầu đào bới giữa đống gạch vỡ.

Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến đó và từ khắp nơi vang lên những tiếng kêu than “Ôi, con trai tôi!”, “Ôi, con gái tôi!”.  Một số người khác với lòng tốt cố kéo ông ra khỏi đống đổ nát và nói đi nói lại: “Đã muộn quá rồi!”, “Bọn nhỏ đã chết rồi!”

“Ông không còn giúp được gì cho chúng nữa đâu!” “Ông hãy về đi!”

“Ông đi đi, không còn làm được gì nữa đâu!” – “Ông chỉ làm cho mọi việc khó khăn thêm thôi!”

Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi: “Anh có giúp tôi không?”

Và sau đó với từng miếng gạch, ông lại tiếp tục đào bới tìm đứa con mình.  Đến đó có cả chỉ huy cứu hỏa và ông này cũng cố sức khuyên ông ra khỏi đống đổ nát: “Xung quanh đây đều đang cháy và các toà nhà đang sụp đổ.  Ông đang ở trong vòng nguy hiểm.  Chúng tôi sẽ lo cho mọi việc.  Ông hãy về nhà đi!”

Người đàn ông chỉ hỏi lại: “Anh có giúp tôi không?”

Sau đó là những người cảnh sát và họ cũng cố gắng thuyết phục ông ta “Ông đang xúc động, mọi việc đã xong hết rồi.

Ông đang gây nguy hiểm cho cả những người còn lại, Ông về đi, chúng tôi sẽ lo cho mọi việc!”

Và với cả họ ông cũng chỉ hỏi: “Các anh có giúp tôi không?”

Nhưng không ai giúp ông cả. Ông tiếp tục chịu đựng một mình, vì ông phải tự mình tìm ra câu trả lời cho điều day dứt ông: Con trai tôi còn sống hay đã chết?

Ông đào tiếp… 12 giờ… 24 giờ… ,

Sau đó ông lật ngửa một mảng tường lớn và chợt nghe tiếng con trai ông.  Ông kêu lớn tên con: “Armand!” Ông nghe: “Cha ơi, con đây, cha!  Con nói với các bạn đừng sợ vì nếu cha còn sống cha sẽ cứu con và khi cha cứu con thì các bạn cũng sẽ được cứu…”

“…Cha đã hứa với con là dù trường hợp nào cha cũng ở bên con, cha còn nhớ không?  Và cha đã làm được, cha ơi”

“Có chuyện gì xảy ra vậy?  Ở đó ra sao rồi con?”  Người cha hỏi.

“Tụi con còn lại 14 trên tổng số 33, cha ạ, tụi con sợ lắm, đói, khát…”

“… Nhưng bây giờ tụi con đã có cha ở đây.

Khi tòa nhà đổ, ở đây tạo ra một khoảng không nhỏ và thế là tụi con còn sống.”

“Ra đây đi con!”

“Khoan đã cha!

Để các bạn ra trước, con biết rằng cha không bỏ con.  Có chuyện gì xảy ra con biết là cha chắc chắn sẽ không bỏ rơi con!”

                                        *****************************************

Khi đối diện với một thảm kịch tang thương hay một tai họa hiểm nghèo,… thường con người hướng lời van xin về một Đấng Tối Cao?

Con người sẽ cầu nguyện với Đấng Tối Cao khi bị vây hãm với thần chết, với bệnh hiểm nghèo, với những huyền bí ngoài sự hiểu biết của con người?

Cái trực giác sâu kín này đã đến từ đâu, mà mỗi con người chúng ta đều tìm đến trong những giờ phút hiểm nguy của cuộc đời?

Sưu tầm

HOÁN CẢI MỘT CON NGƯỜI

Một đêm nọ trong lúc bị cúp điện, một người đàn ông tìm được một cái đèn cũ đốt bằng mỡ từ trên tầng gác để đồ cũ.  Tình trạng của đèn thật thảm hại, bóng đèn nứt và đen thui.  Dù sao, ông cũng đốt đèn và nó toả ra một ánh sáng yếu ớt.  Đã vậy, bấc đèn bốc khói toả ra một mùi khét lẹt.  Thật là quá mức đối với một người thích mọi vật hoàn hảo như ông.  “Cái đèn này thật vô dụng nên vứt nó đi”, ông nói với vợ ông.  Nói xong ông tắt đèn dầu, lấy nến ra đốt.

Ba tuần sau, lại cúp điện.  Lần này, vợ ông đem lại ánh sáng.  Bà lấy ra một cái đèn dầu đẹp, đốt lên.  Một ánh sáng màu hồng toả ra làm cả nhà thích thú.

–  “Cái đèn này tuyệt thật!” ông chồng nói: “Bà mua nó ở đâu?”

–  “Đó là cái đèn mà ông muốn vứt đi đấy”, bà đáp.

–   Sau khi đến thật gần để xem xét, ông nói: “Chắc tốn khá nhiều tiền để tân trang nó như thế này?”

–   “Thật ra chẳng tốn gì mấy”, bà đáp. “Tôi chỉ mua một cái bấc mới và một cái bóng. Nhưng tôi phải bỏ nhiều thời gian và công sức lau chùi và đánh bóng nó.  Tôi đã nhận thấy dưới lớp bụi bẩn là một cái đèn đẹp.  Và ông không thấy rằng tôi có lý sao?”

–  “Tôi hoàn toàn đồng ý với bà”, ông đáp.

********************************************

zzVứt bỏ một cái đèn dầu thì dễ hơn vứt bỏ thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó.  Với con người cũng thế, gán cho họ một loại người nào đó rồi xếp xó họ thì dễ dàng hơn việc đối xử với họ như bạn bè và giúp đỡ họ vượt lên sự khốn cùng của họ.  Hoán cải một người là nhiệm vụ tế nhị và khó khăn.

Ông Simon là một người Pharisêu hay biệt phái, và những người biệt phái “tách biệt” họ với những người tội lỗi.  Vì thế, ông Simon cảm thấy bị xúc phạm khi thấy Đức Giêsu cho phép một người tội lỗi không chỉ đến gần Người mà còn sờ vào Người nữa.

Trong đầu óc của Simon, người phụ nữ ấy ở bên ngoài ơn cứu chuộc: chị ta là người tội lỗi, và luôn luôn là người tội lỗi.  Vì thế, ông không muốn dính dáng gì đến chị ta.  Bạn có thể nghĩ rằng Đức Giêsu cũng đã bị một người như chị ta quấy nhiễu.  Tuy nhiên Người cho phép chị ta đến gần Người và sờ vào Người không có một lời ám chỉ nào để lên án.

Trong xã hội chúng ta, có nhiều người không chấp nhận khả năng người ta có thể thay đổi?  Họ không muốn cho người ta một cơ hội thứ hai.  Một nền văn hoá không tin vào sự cứu chuộc là một nền văn hoá không hy vọng.

Đức Giêsu biết rõ người phụ nữ ấy là một người tội lỗi.  Nhưng Người nhìn thấy nơi chị một khía cạnh khác tốt đẹp hơn.  Người thấy rằng chị khao khát được coi như một con người chứ không phải là một đồ vật.  Bằng việc vui lòng chấp nhận sự phục vụ khiêm hạ và yêu thương, Người giúp chị tin vào khía cạnh tốt đẹp ấy của mình để bộc lộ nó ra.  Thật tuyệt vời khi chúng ta cảm thấy có người tín nhiệm chúng ta, không xét đoán hoặc lên án nhưng yêu thương chúng ta.

Chúng ta phải học nhìn ra điều tốt lành nơi một người khác và xác nhận điều đó.  Khuyết điểm của người khác chỉ có thể được sửa chữa bằng cách yêu thương họ.  Chúng ta không thể yêu thương một ai nếu chúng ta không chấp nhận con người thật của họ.  Lên án không giải thoát mà áp bức.  Chúa Giêsu không lên án người phụ nữ.  Người thấy sự đau xót, khiêm hạ, lòng can đảm và yêu mến của chị.  Người khẳng định khía cạnh ấy của chị.

Người phụ nữ ấy trước đây, chưa bao giờ cảm nghiệm một điều gì giống như thế.  Chị chưa bao giờ gặp được một người tốt và hôm nay Đức Giêsu là người tốt nhất chị gặp.  Người không chỉ tha thứ mà còn yêu thương chị.  Chị hạnh phúc đến nỗi chi gần như kinh hoàng về niềm hạnh phúc ấy.  Khi họ ra đi, và như người Châu Phi nói, chị bước đi cùng với trăng sao.

McCarthy

BẠO DẠN VỚI THIÊN CHÚA

Vài năm trước đây, một cô đã chia sẻ câu chuyện này tại một buổi họp.  Cô có một đứa con trai sáu tuổi được cô chỉ dẫn để cháu biết cầu nguyện.  Một trong những thói quen cô dạy là mỗi tối quỳ gối bên giường và nói to lên lời cầu nguyện, sau đó kết thúc lời cầu nguyện bằng lời cầu “chúc lành cho cha mẹ, ông bà.”  Một hôm, không lâu sau khi bắt đầu dạy như thế, cô đưa cậu bé vào phòng để nghe nó cầu nguyện và để ru nó ngủ.

Nhưng lúc đáng ra cậu bé quỳ gối cạnh giường và đọc lời cầu nguyện thì cậu từ chối và chui thẳng lên giường.  Mẹ hỏi: “Có chuyện gì vậy?  Con không cầu nguyện nữa à?”  Cậu bé thưa với vẻ điềm tĩnh đáng kinh ngạc: “Không, con không cầu nguyện nữa.  Sơ ở trường dạy chúng con rằng chúng con không cần phải cầu nguyện, bà nói là chúng con nên nói chuyện với Chúa… mà tối nay con mệt và không có gì để nói cả!”

zzChuyện này làm tôi nhớ lại câu chuyện về vua Đavid trong Kinh Thánh.  Một sáng nọ, vua cùng vài người lính trở về từ chiến trận, ông đến đền thờ, mệt lử và đói, nhưng thức ăn duy nhất ở đó là bánh thánh, mà theo luật đạo Do Thái, chỉ có các tư tế mới được ăn trong nghi lễ.  Vua hỏi vị thượng tế về số bánh này và bị cự tuyệt rằng không được ăn bánh này như thức ăn thường.  Đavid trả lời rằng vua biết thế, nhưng do hoàn cảnh và do Đức Vua được trao quyền quyết định thay Thiên Chúa trên mặt đất, nên vua ra lệnh vị thượng tế đem bánh lại cho mình.

Truyền thống Thánh Kinh bình luận về chuyện này như sau.  Vua được ca ngợi vì đã làm một việc tốt, vua biết Đức Chúa đủ nhiều để hiểu Chúa muốn bánh đó được dùng cho những mục đích ngoại lệ trong hoàn cảnh như thế.  Vua được ca ngợi bởi có một đức tin trưởng thành, không câu nệ lề luật quá đáng, không từ bỏ phán định đúng đắn của mình do sợ hãi hay do lòng mộ đạo, và vua biết Thiên Chúa đủ nhiều để biết rằng Ngài không phải là một luật để tuân theo nhưng là một sự hiện diện đầy yêu thương chỉ bảo và đổ tràn đầy sinh khí và sinh lực cho chúng ta.  Chúa Giêsu cũng ca ngợi vua Đavid vì hành động này khi dân chúng phàn nàn các môn đệ của Ngài bứt bông lúa trong ngày Sabbath.  Ngài nhắc tới hành động vua Đavid đã cho lính đói lả ăn bánh đã được làm phép và cho đó là một hành động của một hiểu biết sâu sắc, nghĩa là khi làm một việc tưởng như phạm thượng, nhưng thực sự thì vua David lại đang biểu lộ tấm lòng mật thiết với Thiên Chúa, cho nên những lời chỉ trích xuất phát từ nỗi sợ sệt nhắm vào vua lại phản tác dụng và tự chỉ ra chúng chỉ là những lời xuẩn ngốc.

Một trong những điều xác định một tình bạn trưởng thành chính là sự gần gũi và thân thiết, những việc tạo nên một mối liên hệ thẳng thắn hơn là một mối liên hệ sợ sệt.  Trong mối liên hệ trưởng thành, không có chỗ cho lòng sùng mộ hèn nhát hay tôn kính sai lầm.  Thay vào đó, chúng ta phải táo bạo với người bạn thân vì chúng ta biết ý nhau, hoàn toàn tin tưởng nhau, và ở một mức độ quan hệ nào đó, chúng ta không e ngại khi hỏi xin điều gì, không  thấy xấu hổ khi bày tỏ hết về bản thân, sẵn sàng chọc ghẹo nghịch ngợm, và (như vua David) chúng ta có thể suy diễn một cách có trách nhiệm suy nghĩ của người kia.  Khi ở trong một mối liên hệ trưởng thành với ai đó, chúng ta thoải mái và dễ chịu với người đó.

Đó cũng là những đặc tính của một đức tin trưởng thành và một một mối liên hệ trưởng thành với Thiên Chúa.  Theo thánh Gioan Thánh Giá, càng tiến sâu trong mối quan hệ với Thiên Chúa, đức tin của chúng ta càng trưởng thành, càng bạo dạn, càng gần hơn với Ngài.  Như vua David và như cậu bé nhỏ tôi vừa kể trên, lòng sùng mộ một cách sợ sệt đã được thay thế bằng một tình gần gũi lành mạnh. Và đây sẽ chẳng phải là kiểu gần gũi sinh khinh dễ, thứ chỉ nhằm lợi dụng người kia.  Đây là kiểu gần gũi với nền tảng là thân thiết, nghĩa là vừa giữ lòng tôn trọng, không bao giờ lợi dụng người kia, vừa dễ dàng vui vẻ dễ chịu hơn là sợ sệt và sốt sắng quá với người kia.

Nhưng, nếu thật như thế, thì chúng ta phải làm thế nào với một sự thật rằng Kinh Thánh đã dạy chúng ta “lòng kính sợ Đức Chúa là khởi đầu của khôn ngoan” và thêm một điều nữa là các truyền thống tôn giáo luôn luôn xem lòng mộ đạo là một đức tính tốt?  Sợ hãi và mộ đạo có ngăn trở “bạo dạn” với Thiên Chúa hay không?  Liệu vua Đavid có sai lầm khi bạo gan diễn giải ý định của Thiên Chúa.

Có một nỗi sợ và một lòng sùng mến lành mạnh trong tôn giáo, nhưng sẽ không được lành mạnh như thế trong một mối liên hệ đầy sợ sệt, chiếu luật, ngại ngùng, quá sốt sắng, hay quá nghiêm trọng.  Nỗi sợ và sùng mến lành mạnh trong tôn giáo biểu lộ chính chúng trong một mối liên hệ thẳng thắn.

Chúng ta đừng để mình bị phờ phỉnh bởi nỗi sợ và sùng mộ.  Nỗi sợ thường ngụy trang bằng sự tôn kính trong tôn giáo.   Sùng mộ có thể dễ dàng biến mình thành lắng sâu trong tôn giáo. Nhưng tình mật thiết chân thật vạch mặt cả hai.  Một mối liên hệ lành mạnh phải thẳng thắn, bạo dạn, không sợ sệt, thanh thản, vui thú, và hóm hỉnh.  Và đặc biệt càng phải như thế trong mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Fr. Ron Rolheiser, OMI

 

CON LẬT ĐẬT

zzĐôrêmôn là chuyện thiếu nhi khá nổi tiếng.  Trong tập chuyện, Nobita là một nhân vật gây nhiều sự chú ý cho các độc giả tí hon.

Trong tập truyện có một đoạn kể rằng một hôm Nobita đang chơi ngoàn sân vườn thì bỗng nhiên bị té ngã.  Nobita nằm vạ và không chịu đứng dậy.  Nobita gọi bà ngoại đỡ Nobita dậy.  Nhiều lần bà đã đỡ Nobita dậy nhưng lần này bà không ra đỡ chú bé mà còn nói : “Nobita này, cháu phải tự đứng dậy vì bà không sống lâu với cháu được.  Một lúc nào đó bà ngoại mất đi thì ai sẽ đỡ cháu dậy”.

Khi Nobita đứng dậy đi vào nhà thì Bà lấy một con lật đật ra để trước mặt Nobita và bà nói với Nobita: “Cháu có thấy con lật đật mà mẹ cháu mới mua cho cháu không?  Dù cho ai đẩy đưa nó thế nào đi chăng nữa thì một lát sau nó cũng thẳng đứng chứ không ngã, cháu làm sao phải tập đứng vững trên Nobita vậy”.

Lời khuyên của bà ngoại Nobita thật tuyệt vời.  Dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều sóng gió nhưng ta phải sống thẳng đứng như hình tượng con lật đật vậy.  Không phải ta sống lật đật nhưng đứng vững như con lật đật.

**********************************

Thời gian và hoàn cảnh đã làm cho tôi nhớ nhiều về hình ảnh Nobita và con lật đật.  Hoàn cảnh tôi chắc có lẽ giống hoàn cảnh của nhiều người.

Cha mất sức lao động và hoàn cảnh không được sống gần cha bao nhiêu.  Mẹ lại mất sớm do căn bệnh hiểm nghèo.  Để rồi với hoàn cảnh như vậy hơn bao giờ hết và hơn những người còn đầy đủ cha mẹ thì tình thương của một người cha một người mẹ đối với tôi quý giá là dường nào.

Không nhắc đến cha đến mẹ thôi chứ mỗi lần nhớ đến mẹ hai hàng nước mắt cứ rưng rưng. Nhiều lúc cảm thấy mình vô duyên quá chừng, nhưng rồi nước mắt lại cứ chảy dài trên gò má của mình.

Vì thiệt thòi hơn nhiều người trong tình cảm như vậy nên hơn bao người khác là tôi thèm có một người mẹ, một người chị để nâng đỡ, để ủi an.  Điều đáng tiếc với tôi nữa là tôi có chị nhưng chị thiếu nhạy cảm của người phụ nữ nên chị cũng chẳng để tâm đến em mình là bao.  Tôi không hề trách thái độ của chị vì lẽ Chúa ban cho mỗi người mỗi tính, chẳng ai giống ai trên cõi đời này cả.  Với tính cách của chị, tôi chẳng phiền chẳng muộn mà ngược lại đôi lúc tôi lại lo ngược lại cho chị là đàng khác.

Lúc nào trong tôi cũng trào dâng một nỗi niềm thèm khát tình mẫu tử.  Và chắc có lẽ không cần phải giải thích thêm thì tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý là dường bao.  Mẹ sẵn sàng đổi đời mình để dành cho đời con.  Mẹ dám mất chính mình để lo cho con. Tôi dám nói như vậy vì Mẹ tôi đã sống như vậy cho đến khi mà bà nhắm mắt xuôi tay.

Thế nhưng dần dần cũng quen với cảnh cô đơn, của sự trống vắng tình mẹ để rồi tôi cũng phải tự tập đứng trên đôi chân của mình.

Lúc đầu chẳng dễ chút nào cả vì từ bé lúc nào cũng mẹ, lúc nào cũng mẹ cả.  Khi đối diện với hoàn cảnh cay nghiệt, tôi phải hoàn toàn tự lập.

Hình ảnh Nobita và con lật đật đã giúp tôi đứng vững mỗi khi cuộc đời xô đẩy.

Ngay giây phút hiện tại và trong tương lai cũng vậy, tôi vẫn tự ý thức rằng tôi phải là tôi, dẫu xấu dẫu tốt, dẫu hèn, dẫu yếu, dẫu mang trong mình đầy dẫy những cái tham sân si của cuộc đời nhưng vẫn là tôi.  Nhất là tôi phải tự đứng trên đôi chân của mình.

Tôi hoàn toàn không phủ nhận tình cảm của người khác dành cho mình, nhưng tôi vẫn luôn ý thức rằng đó chính là mắm muối làm cho đời tôi nó mặn thêm.  Đó chính là hương là hoa cho đời tối đen như mực của tôi được thơm hơn.

Tôi vẫn nghĩ đến một ngày mai, ngày mà tôi ra trường phải đi đến những vùng sâu vùng xa để sống tròn đầy một người Kitô hữu giữa đời.  Nơi đó chẳng có ai bên cạnh cả.  Tôi phải đứng dậy như Nobita, như con lật đật.

Xin cảm ơn tác giả tập chuyện Đôrêmôn đã cho tôi một hình ảnh đẹp của Nobita, hình ảnh đẹp của con lật đật và lời khuyên của bà ngoại Nobita.  Hình ảnh ấy, lời khuyên là luôn là lời nhắc nhở tôi phải biết vực dậy trước những phong ba bão táp của cuộc đời.

Anmai, DCCT