THƯƠNG CẢM

Walter Payton là một trong những cầu thủ nổi tiếng của đội dã cầu Chicago Bears.  Ở Chicago, ông thường được gọi là “Sweetness” và cũng là một trong những cầu thủ giỏi nhất chơi cho đội Bears.  Về phương diện cá tính cũng như nghề nghiệp, ông xứng đáng với cái tên “Sweetness.”  Ông mất sớm, và sau khi từ trần không lâu, một bà trước đây ở Chicago gửi một lá thư cho tờ Dallas Morning News.  Bà kể khi tham dự một cuộc triển lãm xe hơi ở Chicago, ông Walter Payton đang đứng trên một cái bục, ký tên lưu niệm.  Một bé trai, khoảng 12 tuổi, đưa cho người giúp việc một trái banh dã cầu mà em đã đem theo từ nhà để được ông Payton ký tên vào đó.  Ông Payton ký tên, ném trái banh xuống cho bé trai này, và tiếp tục ký tên lưu niệm.  Ông không thấy rằng một thiếu niên cao lớn khác đã chụp lấy trái banh này và lẻn ra khỏi đám đông.  Em bé trai ôm mặt khóc.  Một phụ nữ đứng cạnh đó đã len qua đám đông để lưu ý người giúp việc về sự kiện xảy ra.  Ông này đã nói lại cho ông Payton biết về sự việc và ông Payton đã gọi em bé trai đến.  Ông hỏi tên và địa chỉ của em và cho biết ông sẽ gửi cho em một trái dã cầu có chữ ký của ông.  Người phụ nữ viết thư cho tờ báo đó nói:  Tôi chưa bao giờ được thấy nước mắt trở thành một nụ cười tươi rói sau khi em bắt tay ông Payton.  Bà kết luận:  Tôi tin rằng ông Payton không chỉ là “Mr. Sweetness” ở ngoài sân banh, nhưng còn trong mọi khía cạnh của cuộc đời ngắn ngủi của ông. (Lorraine Rukavina, Carrollton, Texas)

Trong một cách nào đó, tôi nghĩ rằng câu chuyện này cho chúng ta một cái nhìn về loại người của ông Walter Payton hơn là tất cả những thành tích thể thao của ông.  Nó cho thấy ông là một người có tâm tình và lòng thương cảm.  Nó cho thấy ông là một người có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.  Nó cho thấy ông là một người không chỉ thông cảm được sự đau khổ của người khác nhưng còn sẵn sàng thi hành điều gì đó cho sự đau khổ đó.  Nói tóm, nó cho thấy ông là loại người mà Đức Giêsu đã là và đã từng dậy dỗ các môn đệ: một con người biết thương cảm.

zzViệc phục hồi sự sống cho người con trai duy nhất của bà góa nghèo trong bài Phúc Âm hôm nay chỉ là một trong nhiều thí dụ về sự thương cảm đầy dẫy trong cuộc đời của Đức Giêsu.  Đó là một trong những nghĩa cử thúc giục Đức Giêsu đến với người khác và chữa lành cho họ.  Về điểm này, Donald Senior, một học giả Kinh Thánh, viết: Các Phúc Âm cho thấy rõ ràng rằng sự thương cảm là một động lực đằng sau công việc chữa lành của Đức Giêsu.  Sự thương cảm đã thúc giục Đức Giêsu chạm đến người cùi và chữa họ lành. (Mc 1:15-21).  Sự thương cảm với cái đói của đám đông đã khiến Người nuôi họ ăn. (Mt 14:14).  Sự thương cảm… khiến Người chiêu mộ các môn đệ để thi hành cùng một sứ vụ này. (Mt 9:36). Và sự thương cảm bà góa thành Nain đã đưa Đức Giêsu đến việc phục hồi sự sống con trai của bà. (Lc 7:13).

Điều đó đưa chúng ta đến một điểm quan trọng về các phép lạ chữa lành của Đức Giêsu.  Sự chữa lành người mù, sự chữa lành người điếc, sự phục hồi sự sống cho con trai bà góa – đây không chỉ là các dấu hiệu về lòng thương cảm của Đức Giêsu nhưng còn là dấu chỉ của một số điều khác nữa.

Đôi mắt sáng của người mù rồi cũng sẽ mờ dần với tuổi tác.  Thính giác rõ ràng của người điếc cũng sẽ mờ dần.  Và con trai bà góa sau cùng cũng sẽ chết khi đến tuổi già.  Vậy, điều gì quan trọng hơn, và bền vững hơn?  Đó là các dấu chỉ cho người ta biết Đức Giêsu là ai và Người đến thế gian để làm gì.  Đó là các dấu chỉ, đã được báo trước bởi các ngôn sứ, đó là Đức Giêsu là Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu.  Đó là các dấu chỉ rằng Đức Giêsu đang khai mở Vương Quốc Thiên Chúa mà đã được mong đợi từ lâu.  Việc chữa lành người mù là một dấu chỉ cho dân chúng thời Đức Giêsu thấy được ánh sáng của một ngày mới.  Việc chữa lành người điếc là một dấu chỉ để họ mở tai lắng nghe những gì Đức Giêsu nói.  Việc phục hồi sự sống cho con trai bà góa là một dấu chỉ là họ phải tái sinh và bắt đầu một cuộc đời mới trong Vương Quốc Thiên Chúa.

Các phép lạ của Đức Giêsu là “tiếng báo động” trong lịch sử, nó làm chói tai những người thờ ơ lãnh đạm.  Đó là các dấu chỉ của sự ngự đến của Vương Quốc Thiên Chúa.  Và Vương Quốc này là gì?  Đó là một trật tự mới, trong đó tình thương sẽ thay thế hận thù, sự lưu tâm sẽ thay thế sự vô tâm, ánh sáng sẽ thay thế tối tăm, và sự sống sẽ thay thế sự chết.

Người đàn ông vô gia cư, người phụ nữ khát nước, trẻ em trần truồng, các tù nhân – giờ đây những người này sẽ tìm thấy một người bạn và người giúp đỡ, mà trước đây họ chỉ thấy người xa lạ, đi ngang qua họ như con tầu trong đêm tối.  Trật tự mới này sẽ tiếp tục.  Người Kitô chúng ta được kêu gọi để tiếp tục các phép lạ của Chúa Giêsu, và trở nên các dấu chỉ hy vọng, cùng nhau hoạt động để biến đổi thế giới chúng ta với tình thương và sự lưu tâm.  Trong phương cách cá biệt của chính chúng ta, chúng ta sẽ là người biết thương cảm, hàng ngày thi hành loại công việc mà ông Payton đã thi hành trong câu chuyện ở trên.

Trong những lời được cho là của Thánh Têrêsa Avila:  Đức Kitô giờ đây không có thân xác, nhưng có thân xác của chúng ta, không có đôi tay nhưng có đôi tay của chúng ta, không có chân nhưng có đôi chân của chúng ta.  Đôi mắt của chúng ta là đôi mắt mà qua đó lòng thương cảm của Đức Kitô nhìn đến thế giới.  Đôi chân của chúng ta là đôi chân mà trên đó Người bước đi để thi hành các việc tốt lành.  Đôi tay của chúng ta là đôi tay mà qua đó Người tiếp tục thi hành các phép lạ trong thế giới chúng ta.

LM Mark Link

VÒNG QUAY ĐỊNH MỆNH

“Anh có muốn một ly sữa không?”, tôi hỏi một cách nhẹ nhàng.

zzKhi hắn gật đầu, tôi trông thấy vết dơ dính trên tóc hắn và ngửi thấy mùi khói ám của điếu xì gà trên áo khoác của hắn.

“Hôm nay anh khỏe không?”, tôi hỏi tiếp và đưa cho hắn ly sữa.

Không một lời đáp lại. “Anh còn cần thêm gì nữa không?” Vẫn không có tiếng trả lời.

Việc này không chỉ xảy ra một lần mà là hàng chục lần rồi.  Khi còn thiếu niên, tôi làm cho chương trình “Bánh mì và Cá”, một chương trình do mẹ tôi sáng lập.  Chúng tôi phục vụ bữa ăn cho những người cần giúp đỡ, thường là những người lang thang ở Mineapolis, khu vực St. Paul.

Cho dù làm bất cứ cách nào để động viên tinh thần, tôi vẫn thường bị lúng túng trước thái độ những người này phản ứng với tôi.  Họ không nhìn tôi khi tôi nói chuyện với họ, và họ hiếm khi nào thấy biết ơn.  Tôi như muốn hét lên: “Này, chúng tôi đang làm những điều rất tốt cho mấy người.  Ít nhất mấy người phải cảm ơn chúng tôi chứ!”

Sau khi ngừng làm tình nguyện cho chương trình “Bánh mì và Cá”, tôi tự lèo lái số phận của mình. Hơn mười năm sau, tôi đã phấn đấu có một cuộc sống gần như hoàn hảo, một công việc dạy học, một người chồng tuyệt vời và có đứa con đầu tiên của chúng tôi, Derian.

Niềm hạnh phúc khi có được con bỗng bị đập vỡ khi bác sĩ khám phá ra Derian bị bệnh tim cần phẫu thuật ngay.  Làm sao điều này có thể xảy ra được?  Tôi tự hỏi và cảm thấy rất sốc.

Sau đó, Derian được chuẩn đoán bị mắc hội chứng CHARGE, một căn bệnh không di truyền, và tỉ lệ mắc phải chỉ là một trên mười hai nghìn trẻ em.  Khi ra khỏi bệnh viện, tôi nhận ra rằng không như những vấn đề khác của cuộc sống, với chuyện này tôi không thể làm chủ được.

Căn bệnh này không những ảnh hưởng đến tim của con tôi mà nó còn ảnh hưởng đến tai, mắt, mũi cũng như sự phát triểm của cả cơ thể.  Derian cần phải được điều trị thường xuyên, nghĩa là cần có bác sĩ đến thăm hàng kì và phải vào bệnh viện thường xuyên.

Mười ba tháng sau khi Derian được sinh ra, tôi sinh Connor, đứa con trai thứ hai của chúng tôi, và nhờ trời nó rất khỏe mạnh.

Những lần khám bác sĩ, những cuộc phẫu thuật cho Derian, và việc có đứa con thứ hai khiến tôi phải xin nghỉ dạy không lương.  Trong khi tiền bảo hiểm chỉ đủ trang trải một phần cho tiền thuốc, nhiều người cũng đã đến giúp đỡ và động viên tôi.  Có lần những sinh viên của tôi đã quyên góp được sáu trăm đô la chỉ trong một ngày.  Số tiền này đủ cho tôi trả tiền nhà trong hai tháng và có thể trang trải thêm cho Derian.

Mặc dù Rob là chủ của một cửa hàng quần áo nhưng với những khoản tiền nhà, tiền thuốc và trách nhiệm nuôi nấng của cha mẹ đã khiến anh bị hao tốn khá nhiều. Chúng tôi đã làm những gì tốt nhất có thể làm.  Nhưng đến mùa xuân 1995, chúng tôi quyết định đi tìm sự giúp đỡ.

Tôi có nghe về một chương trình giúp đỡ các bà mẹ và con nhỏ bằng những phiếu ăn.  Tôi đặt sự kiêu hãnh của mình qua một bên và đã xin một cuộc hẹn.

Vào sáng của buổi hẹn, chúng tôi đã phải bàn bạc mãi nên ăn mặc như thế nào để mình trông không giàu quá, nhưng cũng không nghèo quá.  Chúng tôi đã thử ít nhất ba bộ quần áo.  Chúng tôi biết rằng việc ăn mặc sẽ quyết định sự đánh giá khả năng làm mẹ của tôi: Không quá vững vàng, nhưng vẫn còn khả năng làm chủ và tự tin.

Cùng với hai đứa nhỏ, chúng tôi đã đi bộ một quãng dài đến điểm hẹn.  Tôi đăng ký và nhìn chung quanh xem những người khác ở khu vực chờ đợi, tự hỏi rằng hoàn cảnh của họ như thế nào.  Lúc đó tôi cảm nhận được vòng xoay nguy hiểm của định mệnh và xấu hổ trước những ấn tượng ngu dốt của tôi về người nghèo.  Và bây giờ thì đến lượt tôi trở thành người nghèo.  Tôi ghét nó.  Tôi không đáng để bị như thế và tôi không thể xoay sở được.  Tôi định nắm chặt lấy tay lũ trẻ và chạy đi.  Nhưng khi nhìn vào đôi mắt sáng của chúng, tôi biết tại sao tôi phải ở lại.

Lần đầu tiên trong đời tôi đã hiểu được vì sao những ngưởi mà tôi từng phục vụ lúc trước lại không tỏ ra biết ơn.  Có ai lại muốn ở trong cảnh khốn khổ này không?  Nó thật thấp kém, và sẽ tồi tệ hơn khi những người – như tôi lúc bé – lại có vẻ như đang ban phát ân huệ và ta phải nợ họ sự biết ơn.

Cầu xin sự giúp đỡ trong lúc cần nhất quả thật khó khăn vô cùng!  Tôi không bao giờ muốn có liên quan tới những người giúp đỡ tôi những thứ mà tôi rất cần.  Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu như đứng cách xa và giữ mọi thứ ở mức độ khách quan.

Tôi mím chặt môi khi tên mình được gọi.  Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có ai đó nhận ra tôi?  Tôi sẽ rất nhục nhã nếu như ai đó biết tôi đang phải nhận phiếu ăn.  Sau ba tiếng đồng hồ hỏi và kiểm tra, tôi cũng đã có thứ tôi cần.  Và một cuộc tìm kiếm sự tồn tại ngày qua ngày đã bắt đầu; chúng tôi kiên quyết làm được nó.

Sau hai năm rưỡi đấu tranh, linh hồn nhỏ bé của Derian đã ra đi ngày 9 tháng Năm năm 1996.  Tôi biết nó đến với tôi vì nhiều lý do, và tôi sẽ không bao giờ quên những bài học đó: Lòng yêu thương và sự cảm thông cho người nghèo, không chỉ là sự thương hại nhất thời và bố thí.

Sau khi trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, Rob và tôi lập ra tổ chức “Tiết kiệm cho người nghèo” để tưởng nhớ Derian.  Nhiệm vụ của tổ chức là giúp đỡ những gia đình ở Minnesota với những trẻ em bệnh hiểm nghèo phải chịu nhập viện trong một thời gian dài bằng trả tiền thế chấp trong một lần.  Trong bốn năm đầu tiên, chúng tôi đã trợ cấp hơn một trăm trường hợp với mức trung bình tám trăm năm mươi đô la.

Chúng tôi thường không được cảm ơn khi trợ cấp một khoảng cho ai đó.  Nhưng điều này chẳng phiền gì, vì tôi biết được cuộc sống như thế nào khi đặt mình vào vị trí của họ.

Giờ đây tôi đã hoàn toàn hiểu được niềm vui của công việc tình nguyện không phải nằm ở từ “cảm ơn” hay cảm giác tốt đẹp mà là khi giúp được những người xung quanh lúc họ cần mình nhất.

Lasty Keech: “Mỗi một đứa trẻ được sinh ra với thông điệp rằng Thượng đế vẫn chưa làm nản chí con người.” Rabindranath Tagore