TRONG CUNG LÒNG THIÊN CHÚA

Trong lịch sử Việt Nam, tôi thích nhất tướng Trần Hưng Đạo.  Trần Hưng Đạo không những có tài thao lược mà lại có đức độ hơn người.  Người ta gọi ngài là Đức Thánh Trần thật xứng đáng.  Thời nhà Trần có hai tướng tài: Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải.  Nhưng hai gia đình lại có mối thù không đội trời chung.  Cha của Trần Hưng Đạo trước khi tắt thở còn dặn Trần Hưng Đạo phải thay cha trả thù.  Nhưng giặc Nguyên sang xâm lăng nước ta.  Trần Hưng Đạo suy nghĩ: Giặc ngoại xâm đang đe doạ.  Nếu trong nước các tướng tá không đoàn kết thì không phá nổi thế giặc đang rất mạnh.  Nghĩ thế, Trần Hưng Đạo gạt bỏ mối thù nhà, đến làm hoà với Trần Quang Khải.  Một hôm, Trần Hưng Đạo sang thăm Trần Quang Khải, tự tay nấu nước tắm cho Trần Quang Khải và nói: “Hôm nay được hân hạnh tắm cho Ngài quốc công”. Trần Quang Khải vui vẻ trả lời: “Hôm nay hân hạnh được tướng công tắm cho”.  Từ đó hai người hoà thuận.  Cùng chung vai sát cánh phục vụ đất nước.  Nhờ sự đoàn kết của hai tướng tài, quân ta đã đánh thắng giặc Nguyên.

**********************************************

 Sự đoàn kết của Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải rất phù hợp với bài Tin Mừng của Chúa Nhật 7 Phục Sinh.  Hôm nay, Chúa tha thiết cầu nguyện cho con cái Chúa hiệp nhất.

zzChúa tha thiết với sự hiệp nhất vì Chúa biết rằng: Có hiệp nhất mới xây dựng được cộng đoàn vững mạnh.  Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn”.  Có đoàn kết làm việc gì cũng xong.  Chia rẽ làm suy yếu cộng đoàn.  Làm cho công việc trì trệ.  Và có khi làm tan rã cộng đoàn.

Chúa tha thiết với sự hiệp nhất vì Chúa biết rằng có hiệp nhất trong nội bộ mới có thể truyền giáo thành công.  Hiệp nhất chính là dấu chỉ của môn đệ Chúa như Lời Chúa đã dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con thương yêu nhau”.  Qua dấu chỉ hiệp nhất, người ngoài mới nhận biết Chúa.  Thời sơ khai, khi nhìn thấy các tín hữu đầu tiên sống đoàn kết yêu thương, người ngoại đạo đã bảo nhau: “Kìa xem họ yêu thương nhau biết bao”.  Từ đó có nhiều người xin vào đạo để được sống trong cộng đoàn hiệp nhất yêu thương.

Sau cùng, Chúa tha thiết với sự hiệp nhất, vì Chúa muốn ta được hạnh phúc.  Có hiệp nhất mới có hạnh phúc.  Hạnh phúc của ta là được sống sự sống của Thiên Chúa.  Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi.  Ba Ngôi hiệp nhất với nhau đến nỗi trở thành một.  Như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.  Thầy và Cha Thầy là một”. Cho đến độ: “Ai thấy Thầy là thấy Cha”.

Sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là nguồn mạch sự sống, nguồn mạch hạnh phúc của ta.  Tuy nhiên để được thông phần vào sự sống hạnh phúc đó, ta phải hiệp nhất yêu thương nhau.  Thiên Chúa là Tình Yêu, là sự Hiệp Nhất.  Muốn được hoà nhập vào nguồn mạch hạnh phúc đó, ta cũng phải đoàn kết yêu thương nhau.  Chỉ những ai có tinh thần hiệp nhất yêu thương mới có thể gia nhập cộng đoàn hiệp nhất yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hiệp nhất yêu thương không là một món hàng làm sẵn, nhưng là một tiến trình xây dựng dài lâu.  Xây dựng bằng từ bỏ ý riêng.  Xây dựng bằng nhịn nhục tha thứ.  Xây dựng bằng hy sinh quên mình.  Vì thế để đạt đến yêu thương đòi hỏi phải rất nhiều phấn đấu.  Phấn đấu của bản thân.  Phấn đấu của cả tập thể.  Nếu biết phấn đấu để hiệp nhất, ta sẽ xây dựng được cộng đoàn vững mạnh, ta sẽ truyền giáo thành công và nhất là ta sẽ được tham dự vào sự sống và hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương hiệp nhất chúng con. Amen.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

LỄ THĂNG THIÊN

Sau khi sống lại 40 ngày, và sau những lần gặp gỡ với các môn đệ, Đức Giê-su đã thực hiện lời Người đã nói trước, người đã từ biệt các ông và lên Trời.

Nhưng tại sao Đức Giê-su dạy các môn đệ làm phép Rửa đã, sau đó mới giảng dạy cho họ? Tại sao không nói Chúa về Thiên đàng mà lại lên Trời, dễ làm người ta hiểu lầm ở một điểm nào trên không gian? Tại sao cho đến lúc này vẫn có những môn đệ còn hoài nghi?  Theo Ma-thêu thì Đức Giê-su lên Trời tại Ga-li-lê-a, vậy tại sao thánh Luca (Lc 24,50-53) lại nói Chúa lên Trời ở Bê-ta-ni-a?

  1. zzGa-li-lê-a

Mat-thêu không có ý nhấn mạnh tới địa danh nơi Chúa lên Trời, nhưng tác giả muốn nhấn những sự kiện có liên quan tới công trình cứu thế của Đức Giê-su tại Ga-li-lê-a:

Ga-li-lê-a là một địa danh rộng lớn thuộc phía bắc It-ra-en, nơi có đủ các thứ dân sinh sống. Đây là khu vực mà người It-ra-en ở Giê-ru-sa-lem coi khinh, cho là vùng đất của dân ngoại.  Nơi đây được coi như trung tâm của các giao tiếp, sắc tộc, ngôn ngữ, thương mại, hoà trộn tín ngưỡng và vô tín ngưỡng.

Ga-li-lê-a được coi là điểm hẹn lí tưởng giữa Thiên Chúa và con người: Trên núi Si-nai, nơi Môi-sen đã ở trên đó 40 ngày đêm và được Thiên Chúa mạc khải cho 10 điều răn.  Ngôn sứ I-sa-i-a và sau này là thánh Mat-thêu nhắc tới địa danh Ga-li-lê-a như một điểm sáng: “Hỡi Ga-li-lê-a miền đất của dân ngoại, những dân đang ngồi trong bóng tối tử thần được nhìn thấy ánh sáng” (Is.9,1).

Ga-li-lê-a gắn liền với sứ vụ của Đức Giêsu: Na-da-ret nằm trong vùng đất Ga-li-lê-a, nơi gia đình Đức Giê-su sinh sống, lớn lên và làm việc.  Trên núi Ô-liu, nằm phía đông Giê-ru-sa-lem, là nơi Đức Giê-su thường xuyên đến để cầu nguyện.  Tại đây còn có vườn Giêt-si-ma-ni, có làng Bê-ta-ni-a, nơi Người đã cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại, có ngọn núi Bet-pha-giê nơi khởi điểm cuộc rước Đức Giê-su long trọng vào thành Giê-ru-sa-lem và tiên báo thành này bị tàn phá không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.

Galilêa còn là dấu chỉ hẹn cuối cùng của Đức Giê-su với các môn đệ: Cũng có mây mù che phủ, như đã từng che phủ Môi-sen trên núi Si-nai, cũng như Đức Giê-su với ba môn đệ yêu dấu ở Ta-bo-rê; cũng con số 40 kì diệu: 40 ngày trên núi Si-nai của Môi-sen hay 40 ngày chay tịnh của Chúa; 40 ngày sau khi Đức Giê-su sống lại, Người đã gặp gỡ lần cuối với các môn đệ như đã chỉ định trước: “Các bà hãy mau về nói với các môn đệ rằng người đi Ga-li-lê-a trước các ông” (Mt.28,7).

Như vậy Ga-li-lê-a là nơi Chúa Giê-su đã sống gương mẫu, rao giảng chân lí, thành lập Giáo Hội và tuyển môn đệ.  Đức Giê-su đã làm xong nhiệm vụ và đi trước để dọn chỗ cho những ai tiếp tục sứ mệnh Người giao phó.

  1. Cõi Trời

Chúa Giê-su về Trời, là về nơi Người phát xuất: Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ của Người ở trần gian, Người cần được hưởng vinh quang với Ba Ngôi Thiên Chúa.  Mười một Tông đồ đã đến điểm hẹn, có một số còn hoài nghi.  Thực ra tất cả các môn đệ đều khởi đầu từ chỗ hoài nghi rồi đến tin tưởng, và dám đổ máu mình ra để chứng tỏ niềm tin đó.  Các ngài vẫn còn những hạn chế của con người, như Phê-rô, Tô-ma, hay hai môn đệ Em-mau; các ngài còn phải được học hỏi các màu nhiệm mặc khải, các ngài phải được thử thách đủ, trước khi làm nhiệm vụ.  Các Tông đồ còn được chứng kiến Thầy mình về Trời để các ông hi vọng.  Chỉ có sự thật mới thuyết phục được các ngài theo Chúa; tất cả nói lên rằng, Đức tin là một hành động hoàn toàn tự do dành cho con người.

Chúa lên Trời là đi từ chỗ hữu hình vào nơi vô hình: Nói Chúa lên Trời, là nói theo kiểu thế gian. Người ta thường quan niệm trời là tất cả không gian ngoài trái đất, trời là nơi Đấng Tạo Hoá ngự trị và điều khiển muôn loài.  Tuy nhiên, Trời đây không phải là một điểm nào, không phụ thuộc chiều cao của không gian vật lý, không phụ thuộc vào quy luật của vũ trụ, thời gian, có thể cân đong đo đếm. Chúa lên Trời không phải là lánh xa trái đất, đến ngự trị trong một vì tinh tú hào quang, Chúa lên Trời là thay đổi từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái siêu nhiên.  Trời hay Thiên đàng là một, Người hiện diện khắp mọi nơi.

Đức Giê-su về Trời để nhận nhiệm vụ mới: Người duy trì sự hiện diện của Người nơi nhân loại: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).  Đức Giê-su được trao toàn quyền trên trời, dưới đất, vũ trụ hữu hình và vô hình.  Người đánh bại cái chết, Người làm Vua vũ trụ, Đấng sáng tạo và bảo tồn vũ trụ, không có gì nằm ngoài quyền của Người.

  1. Thế gian

Đức Giê-su đã về Trời và trao lại nhiệm vụ cho Giáo Hội. Người đã lệnh cho mọi người trên trái đất phải thi hành chỉ thị của Người:

Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân và làm cho họ trở thành môn đệ Thầy.  Môn đệ đây được hiểu là các Kitô hữu. Đức Giê-su gọi các môn đệ và muốn họ nhân rộng ra, tăng mạnh lên.  Chúa tạo dựng con người và muốn cho họ hưởng hạnh phúc.  Các Tông đồ được coi là người kế nghiệp Chúa Ki-tô, là những thợ gặt lành nghề.  Họ phải biết đưa mọi người vào Nước Chúa.  Chúa từ chối Sa-tan với tất cả vinh hoa của nó, Người muốn các Tông đồ tiếp tục chinh phục toàn thể vũ trụ để đưa mọi người vào Nước Trời hạnh phúc mà Người đi trước dọn chỗ, để mọi người có thể tận hưởng muôn đời.

Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và  Thánh Thần.  Đức Giê-su muốn thâu nạp nhiều môn đệ qua phép Thanh Tẩy.  Người đã thánh hoá nước, để nước có sức thánh hoá nhờ Thánh Linh. Người muốn họ nối kết với nhau trong một tập thể, mà Ba ngôi Thiên Chúa là mối dây, là tình yêu liên đới, là sức sống sung mãn dồi dào trong toàn thể, cũng như từng cá nhân.  Không thể nhân danh cá nhân nào, không nhân danh thụ tạo nào, thần thánh nào, mà là nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa, để họ được gia nhập vào gia đình thánh thiện của Chúa.

Hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.  Việc Đức Giê-su đặt nhiệm vụ này cuối cùng, không phải là Người dạy họ phải làm theo thứ tự như vậy, đó chỉ là câu nói nhằm mục đích kêu gọi môn đồ.  Người muốn họ phải hiểu biết đầy đủ, để chia sẻ Lời dạy của Chúa, phải biết được giá trị của việc làm, để thực thi nhiệm vụ của một môn đệ.

Nhiệm vụ Chúa giao phó cho các Tông đồ cũng là nhiệm vụ của chúng ta.  Chúa không muốn riêng ai quản lí màu nhiệm Mạc khải, Chúa ra lệnh mỗi người phải mạnh dạn ra đi rao giảng và làm chứng về Người, hầu được hưởng phúc Nước Trời với Thiên Chúa Ba Ngôi.

 Jos Trần Xuân Chiêu

****************************************

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con tin bằng trái tim, tuyên xưng bằng miệng và bày tỏ bằng việc làm, rằng Chúa ngự trong chúng con ngõ hầu nhân loại thấy rõ những việc lành chúng con làm mà tôn vinh chúc tụng Cha chúng con trên trời.  Vì Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Đấng muôn đời vinh hiển.  Amen!

Origênê

 

 

 

LỜI MẸ NHẮN NHỦ CON

zzMẹ đã cho con sự sống, nhưng không thế sống thay con
Mẹ có thể dạy con nhiều điều, nhưng không thể bắt con học được.
Mẹ có thể chỉ đường cho con, nhưng không thể ở đó đễ dẫn con đi.

Mẹ có thể cho phép con tự do, nhưng không thể chịu trách nhiệm vì về tự do ấy.
Mẹ có thể đưa con đến nhà thờ, nhưng không thể bắt con tin.
Mẹ có thể dạy con phải trái, nhưng không thể mãi mãi quyết định thay con.

Mẹ có thể mua cho con quần áo đẹp, nhưng không thể làm cho con xinh đẹp nội tâm
Mẹ có thể  cho con lời khuyên, nhưng không thể ép con đón nhận.
Mẹ có thể dạy con chia sẻ, nhưng không thể  bắt con đừng ích kỷ.

Mẹ có thể dạy con lòng tôn kính, nhưng không thể buộc con tôn kính một ai.
Mẹ có thể khuyên con chọn bạn, nhưng không thể chọn bạn thay con.
Mẹ có thể dạy con về giới tính, nhưng không thể giữ con trong sạch.

Mẹ có thể nói con nghe về cuộc đời, nhưng không thể xây dựng tiếng thơm cho con.
Mẹ có thể nói con nghe về rượu chè, nhưng không thể nói ‘không’ thay con.
Mẹ có thể cảnh báo với con về ma túy, nhưng không thể ngăn cản con dùng đến nó.

Mẹ có thể nói với con về mục đích thanh cao, nhưng không thể đạt được thay con.
Mẹ có thể dạy con lòng tử tế, nhưng không thể buộc con phải tử tế.
Mẹ có thể cảnh báo cho con về tội lỗi, nhưng không thể biến con thành người đạo đức.

Mẹ có thể yêu con như đứa trẻ, nhưng không thể đặt con vào gia đình của Chúa.
Mẹ có thể nguyện cầu cho con, nhưng không thể biến Đức Giêsu thành Chúa của con.
Mẹ có thể  nói với con phải sống thế nào, nhưng không thể  cho con sự sống đời đời.

Mẹ có thể suốt đời yêu con với tình yêu vô điều kiện… và Mẹ sẽ mãi mãi yêu con!

 

 KINH THÁNH NÓI VỀ “MẸ”

St 3,20 “Adam đặt tên cho vợ là Êva, vì bà sẽ là MẸ chúng sinh.”
Xh 20,12 “Hãy tôn kính CHA MẸ ngươi, để cho ngươi được sống lâu trên mảnh đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa Ngươi, ban cho ngươi.”
Lv 19,3 “Các người phải tôn kính CHA MẸ, và phải giữ ngày Sabbat, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi.”
Dn 5,16 “Hãy tôn kính CHA MẸ, như lệnh truyền của Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, để cho ngươi được sống lâu và khoẻ mạnh trên mảnh đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho nguơi.”
2V 4,30 “MẸ cậu bé nói: “có Đức Chúa hằng sống và có ngài đang sống đây, tôi xin thề sẽ không rời xa ngài” Thế là ông (Giê kha di) đứng dậy và đi theo bà.”
Cn 10,1 “Châm ngôn của vua Salomôn: Con khôn là CHA vui sướng, con dại làm MẸ buồn phiền.”
Is 66,13 “Như MẸ hiền an ủi con thơ, Ta cũng an ủi ngươi như vậy.”
Ed 16,44 “Những kẻ trích châm ngôn sẽ trích câu châm ngôn này về ngươi: ‘MẸ nào con nấy.’”
Lc 1,43 “Bởi đâu tôi được hân hạnh MẸ của Chúa đến thăm tôi?”
Lc 2,51 “Người cùng xuống Nazareth cùng CHA MẸ và vâng phục các ngài.  Còn MẸ Ngài thì hằng ghi nhớ tất cả các điều ấy trong lòng.”
John 19:26-27 “Khi thấy MẸ và môn đệ mình thương đứng cạnh đấy, Đức Giêsu nói với MẸ rằng: “Thưa Bà, đây là con Bà,” và nói với môn đệ: “Đây là MẸ anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.”

Sưu tầm

ĐỀN THỜ CAO QÚY NHẤT

zzMột hôm, đang lúc đùa vui với các thiên thần, Thiên Chúa ra cho họ câu đố vui có thưởng.  Ngài nói: “Ta muốn chơi trò chơi cút bắt với loài người.  Các con nghĩ xem đâu là nơi ẩn trốn tốt nhất mà con người khó tìm ra Ta được?”

Thế là các thiên thần tranh nhau trả lời.  Vị thì nói là Chúa hãy ẩn trốn ở đáy biển khơi, khó tìm lắm! Vị khác lại nói là Chúa hãy ẩn mình trên những đỉnh núi cao, chẳng ai leo tới đó được!  Vị thì nói là Chúa hãy ẩn khuất giữa những lớp mây trời, loài người không ai nghĩ tới… “Thế nhưng Chúa chỉ cười và cuối cùng, Ngài nói: “Sai bét hết.  Chỗ ẩn nấp tốt nhất Ta có thể chọn để loài người không phát hiện được Ta, đó là ngay trong tâm hồn của họ!” (phỏng theo Cha Anthony de Mello)

***********************************

Ngày xưa thánh Augustino cũng khắc khoải đi tìm Chúa suốt ba mươi năm đầu đời.  Ngài miệt mài tìm Chúa trong văn chương, trong triết lý, trong những học thuyết sai lầm và cả trong những đam mê thế tục… nhưng chẳng gặp được nên cảm thấy khắc khoải buồn sầu.  Mãi đến tuổi ba mươi, ngài mới được ánh sáng chân lý chiếu soi và được đón nhận Chúa.  Bấy giờ ngài cảm thấy an bình hạnh phúc nhưng đồng thời cũng lấy làm hối tiếc vì biết Chúa quá muộn: “Lạy Chúa, con yêu Chúa quá muộn màng. Chúa vẫn ở trong con, đang khi con mải lo tìm Chúa bên ngoài”.

Chúa ở trong con, còn con thì đi tìm Chúa bên ngoài!  Thật là trớ trêu và trái khoáy, giống như ta đang để chùm chìa khoá trong túi mà lại lục lọi tìm kiếm khắp nơi.

Cũng như thánh Augustinô xưa, nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta lại đi tìm Chúa bên ngoài đang khi Chúa vẫn ở trong chúng ta.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy ta biết có Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chúng ta: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy.  Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23); lại có cả Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ cũng luôn hiện diện trong ta cùng với Chúa Cha và Chúa Con: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại những gì Thầy đã nói với anh em”

Thế là thân xác hèn mọn của chúng ta đã được nâng lên hàng vương cung thánh đường thiêng liêng cao trọng, vì đã được Ba Ngôi Thiên Chúa chọn lựa làm nơi cư ngụ của Ngài.

Đây là ngôi đền thờ thật cao cả, thật quý giá, cao vượt hơn hết mọi đền thờ khác trên thế gian.

Đem đền thờ bản thân người Kitô hữu so sánh với các đền thờ nổi tiếng do bàn tay con người xây dựng ngót hai ngàn năm qua, thì những đền thờ vật chất kia triệu lần thua kém.

Đền thờ nầy rất cao cả vì đây là đền thờ sống, được chính Thiên Chúa thiết kế và thi công, được dựng nên theo hình ảnh của Ngài; còn những đền thờ kia chỉ là gạch đá vô tri.

Đền thờ nầy rất cao cả vì được Chúa Giê-su đổ máu ra mà cứu chuộc.  Không đền thờ vật chất nào được diễm phúc như thế.

Đền thờ nầy rất cao cả vì được Chúa Giê-su hiến thánh bằng bí tích rửa tội, được Chúa Thánh Thần xức dầu qua bí tích thêm sức…

Và mai đây, ngôi đền thờ nầy sẽ được đưa lên cõi thiên đàng vinh hiển, trong khi những đền thờ bằng vật chất nguy nga đồ sộ và nổi tiếng trên mặt đất nầy, cho dù được xây bằng đá quý, được nạm bằng vàng ngọc kim cương sẽ tàn lụi với thời gian.

***********************************

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết quý trọng thân xác con là ngôi đền thờ uy linh cao cả có Ba Ngôi Thiên Chúa hằng ngự trị.  Xin cho con biết thanh tẩy đền thờ đáng quý trọng nầy nếu nó bị ra nhơ uế vì tội lỗi và thói hư.  Xin cho con biết tôn tạo, nâng cấp đền thờ nầy bằng các nhân đức và phẩm chất cao đẹp.  Và nhất là xin cho con hằng biết đến gặp gỡ và kết hợp với Chúa đang hiện diện trong ngôi đền thờ là chính bản thân con. Amen!

LM Ignatio Trần Ngà