XEM LẠI CẨM NANG ĐỂ ĐI ĐƯỜNG DÀI

zzHai mươi lăm năm trước, tôi có viết một bài với tựa đề, Cẩm Nang Để Đi Đường Dài.  Gần đây khi đọc lại, tôi mừng vì sau một phần tư thế kỷ, các nguyên tắc này của tôi vẫn chưa thay đổi, chỉ có thêm sắc thái khác mà thôi.  Tôi vẫn đưa ra những lời khuyên hệt như thế, xem lại chúng với một chút hoài niệm, có sửa đổi vài điểm, nhưng một lần nữa, tôi hoàn toàn đồng ý với nó.

1. Sống biết ơn… đừng bao giờ vô tâm khi nhận được tặng vật!
Hãy cự lại tính bi quan và những điều sai quấy. Là thánh, có nghĩa là được sưởi ấm trong lòng biết ơn, không hơn không kém. Lời khen cao nhất bạn có thể tặng cho người trao quà, đó là bạn tận hưởng món quà đó.  Bạn nợ đấng Tạo Hóa một việc chính là hãy hưởng dùng mọi sự,  hãy sống hạnh phúc nhất có thể.  Đời sống không chỉ là một bài kiểm tra, nó còn có giá trị hơn thế.  Hãy thêm câu này vào lời cầu nguyện thường ngày của bạn: Xin cho chúng con lương thực hằng ngày, và cho chúng con hưởng dùng mà không vướng tội.

2. Đừng ngây thơ về Thiên Chúa… Thiên Chúa sẽ sắp đặt mọi thứ đầy đủ không sót điều gì!
Thiên Chúa không muốn là một phần cuộc sống của bạn, Ngài muốn là tất cả cuộc sống đó.  Đừng tin bất cứ lời nào nói về sự an ủi của tôn giáo.  Đức tin thắt lưng cho bạn và đưa bạn đi đến nơi bạn không muốn đến.  Hãy chấp nhận rằng đức hạnh sẽ liên tục nhắc nhở cho bạn về những gì bạn bỏ lỡ trong đời.  Hãy nhận lời khuyên này của Daniel Berrigan: “Trước khi chú tâm về Chúa Giêsu, trước hết, hãy xét mình, xem nội tâm mình tốt đẹp được đến đâu!”

3. Hãy tiến bước khi có thể… hay ít nhất cố dấn lên trước dù chỉ một bước!
Hãy nhìn những gì trong tầm mắt bạn, vậy là đủ để bước tiếp.  Biết trước mắt là một thời gian dài mập mờ.  Hãy thấy đủ với cuộc sống thường nhật.  Không cần thiết lúc nào cũng phải đầy hứng thú.  Một điều an ủi cho bạn là Chúa Giêsu từng khóc, các vị thánh từng phạm tội, và thánh Phêrô đã từng phản bội.  Giữ vững đạo đức như một kẻ ương bướng cũng được, điều duy nhất hủy hoại các giấc mơ chính là thỏa hiệp.  Hãy thường xuyên bắt đầu lại.  Trong mắt Thiên Chúa, chẳng ai lỗi thời cả; và trong việc hoán cải, chẳng có gì gọi là quá trễ.  Hãy biết rằng có hai kiểu bóng tối bạn có thể rơi vào: bóng tối sợ hãi của hoang tưởng sẽ đem lại buồn sầu, và bóng tối phôi thai của hoán cải sẽ đem lại sự sống.

4. Cầu nguyện… để Thiên Chúa kết chặt với bạn!
Đừng tin ý kiến của đám đông.  Hãy tin tưởng vào lời cầu nguyện.  Việc cầu nguyện sẽ cho bạn được đặt mình trên nền tảng một điều gì đó thâm sâu hơn.  Hãy sẵn sàng chết đi một ít để được gắn bó với Thiên Chúa vì Ngài đã chết để được gắn bó với bạn.  Hãy để tâm hồn mình là nơi giọt nước mắt của Thiên Chúa và của con cái Ngài hòa vào nhau thành những giọt nước mắt hy vọng.

5. Hãy yêu… nếu cuộc đời đủ rộng cho tình yêu đó, và thật sự nó đủ rộng như thế!
Hãy tạo một không gian cho tình yêu trong đời bạn.  Hãy nuôi dưỡng tình yêu đó một cách ý thức.  Biết rằng yêu bao nhiêu cũng không vừa.  Yêu mến chuyện thế gian chỉ có thể là một tình yêu sai lầm. Hãy nói điều này với người bạn yêu: “Ít nhất, bạn sẽ chẳng bao giờ chết!”  Hãy biết rằng, trên đời chỉ có hai bi kịch khốn khổ: Không yêu, và không nói cho người bạn yêu rằng bạn yêu họ biết bao.

6. Chấp nhận bản thân bạn… và đừng sợ bạn không hoàn hảo!
Hãy chấp nhận những giới hạn của con người.  Chỉ có Thiên Chúa mới hoàn hảo.  Nếu bạn yếu đuối, cô đơn, không có người để nương tựa, và không có câu trả lời cho những vấn đề của bạn, vậy thì; hãy lắng nghe.  Chấp nhận những khó khăn của cuộc sống không trọn hảo.  Có nhiều kiểu tử đạo.  Hãy nhận ra kiểu riêng của bạn.  Nếu bạn chết vì một lý do cao cả thì sẽ có một cái gì đó để bạn sống với nó!

7. Đừng có làm một cái xác di động… hãy dấn bước, đừng để dòng đời xô đẩy!
Hãy chấp nhận cái chết hằng ngày.  Đừng nắm cuộc đời như vật sở hữu riêng của mình.  Thói sở hữu giết chết niềm vui hưởng dùng, giết chết các mối liên hệ, và thậm chí giết chết cả bạn nữa.  Hãy sống biết ơn.  Hãy nhớ những cái chết của bạn, hãy đòi cho được sự tái sinh, hãy khóc cho những mất mát, để những gì đã cũ qua đi, và đón nhận lấy sinh khí cho cuộc đời hiện thực bạn đang sống.  Hãy dẹp bỏ những mơ mộng hão huyền, chúng chỉ làm khổ bạn mà thôi.  Hãy nhớ rằng thật khó để phân biệt được thời khắc chết đi và thời khắc tái sinh.

8. Đừng sống quá nghiêm khắc… hãy thường tự cho mình là một kẻ điên!
Tiếng cười của Thiên Chúa lấp đầy trống vắng trong mộ phần của chúng ta.  Hãy nhớ rằng, sống nặng nề thật dễ, nhưng sống nhẹ nhàng mới khó.  Tiếng cười là công kích trực tiếp đối với thực chất, giá trị, và khắt nghiệt của hỏa ngục.  Đừng nhầm lẫn giữa giễu cợt và cười đùa.  Hãy cười với người ta, chứ đừng cười vào người ta.  Hãy cười và cho mình nên khờ dại, điên rồ cũng tốt như một giấc ngủ say vậy.

9. Hãy gắn bó với gia đình… bạn đang đi chơi dã ngoại với cả nhóm!
Đừng đi một mình.  Hãy chống lại cám dỗ rằng cho rằng, hãy sống tâm linh nhưng đừng theo tôn giáo. Hãy thường xuyên “tái sinh” trong cộng đoàn.  Chấp nhận rằng phải có những mối dây ràng buộc. Hành trình của bạn bao gồm cả gia đình, giáo hội, tổ quốc, và toàn thể nhân loại.  Đừng bị quyến rũ bởi miếng mồi mang tên tự do tuyệt đối.  Tự do và ý nghĩa cuộc đời nằm ở chỗ biết vâng phục trong cộng đoàn: Cộng đoàn hạ thấp và giảm giá cái tôi, đặt bạn vào luyện ngục, và cuối cùng là thiên đàng.

10. Đừng sợ sống yếu đuối… sự cứu chuộc nằm ở những giọt nước mắt!
Toàn bộ giáo lý của Chúa Giêsu có thể đưa vào trong một từ: Chịu đựng.  Nếu quả tim bạn không dịu đi thì cuối cùng đầu óc bạn sẽ yếu.  Sự khắc nghiệt chỉ làm mọi chuyện xấu đi.  Sự mềm dịu sẽ nâng mọi chuyện lên.  Con chim bay được là vì nó mềm mại.  Tảng đá không nhấc lên được vì nó cứng.  Sự mỏng manh chính là sức mạnh.  Tính nhạy cảm xác định tâm hồn.  Sự dịu dàng xác định tình yêu. Nước mắt là nước muối, giọt nước nguồn gốc của chúng ta.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

THÁNH LỄ TRONG NHÀ THỜ VÀ THÁNH LỄ NGOÀI CUỘC ĐỜI

Đức Hồng Y Hellder Camara về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo.  Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối lăn lộn trên đất, đấm ngực khóc lóc than van như trong cơn đại hoạ. Đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng Y, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm những bình đựng Mình Thánh.  Kẻ trộm đổ Mình Thánh Chúa ra vườn, lấy đi những bình mà họ tưởng làm bằng vàng.  Thật là một sự phạm thánh ghê gớm.

 Thế nhưng trong bài giảng hôm ấy, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc.  Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc?  Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.

**************************************

zzNói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình Thánh Chúa.  Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích.  Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa.

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta hãy lưu ý hai điểm:

1- Diễn tiến phép lạ hoá bánh ra nhiều giống hệt như diễn biến một Thánh Lễ.  Nếu Thánh Lễ gồm hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phục vụ Thánh Thể thì trong bài tường thuật hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã giảng dạy dân chúng trước rồi mới ban bánh sau.  Dân chúng được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa trước khi được nuôi dưỡng bằng bánh đã được chúc phúc.  Đây quả là một Thánh Lễ cử hành giữa đời thường.  Một Thánh Lễ không có nhà thờ, chẳng có bàn thờ.

2- Cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau giống y như nhau.  Cả 3 đoạn văn trên đều tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ.

Tại sao có sự trùng hợp thế?  Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng: Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một sự thực.  Sự thực ấy phải đâm rễ sâu nơi cuộc đời, phản chiếu đời sống và đem lại lợi ích cho đời sống.

Nếu trong Thánh Lễ Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Người đã ban lương thực nuôi thân xác.

Nếu Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ, thì trong sa mạc hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã tổ chức một bữa tiệc long trọng, mỗi bàn ăn gồm 50 người để họ chia sẻ với nhau không chỉ cơm bánh mà còn tâm tư tình cảm nữa.

Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Đức Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Chúa Giêsu đã tự hiến mình trên thánh giá.

Nếu trong Thánh Lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Người cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhục, roi đòn, đóng đinh.

Quả thật Chúa Giêsu đã dâng Thánh Lễ không chỉ trong nhà thờ, mà Người còn dâng Thánh Lễ ngoài cuộc đời.  Người không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình.  Người chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Người đã trở thành bí tích.  Người không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà còn bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người.  Chính vì thế mà lễ dâng của Người có giá trị.  Thái độ của Chúa Giêsu khiến ta phải suy nghĩ.

Làm sao ta có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét?  Làm sao ta có thể đi dự tiệc Thánh Lễ nếu chung quanh ta còn biết bao anh em đói khổ, thiếu thốn?  Làm sao ta có thể dâng Thánh Lễ nếu trong cuộc đời ta không hiến mình cho anh em?

Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.  Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ.  Người còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời.  Nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết khiêm nhường nhịn nhục, biết sống đoàn kết yêu thương, biết hiến mình vì anh em.

Việc cử hành Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng như việc cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ. Hơn nữa, nếu thiếu việc cử hành ngoài cuộc đời, những nghi lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú, giả dối và phản chứng.

**************************************

Xin cho bí tích Thánh Thể trở thành một sự thực trong đời sống.  Xin cho chúng ta biết thờ lạy Chúa Giêsu không phải chỉ trong hình bánh mà còn nơi những anh em bé mọn trong cuộc đời.  Xin cho chính đời sống ta trở thành một bí tích, chịu bẻ ra để đem lại lợi ích cho anh em.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

NGÃ RẼ

zzĐang chơi với mấy đứa nhỏ trong sân nhà bỗng dưng nhìn thấy từ cổng bước vào bóng người quen quen.  Tiến gần bên một chút thì ra là hai thầy ở Tập Viện.  Các thầy đang ở Tập Viện mà xuất hiện vào giờ này chắc là có chuyện gì đây chứ không phải là bình thường.

Khi hỏi ra thì được biết là thầy nọ chở thầy kia ghé chào những người thân quen để thầy kia lên đường trở về với gia đình, sau quyết định rẽ ngã con đường ơn gọi mà mình đi tìm kiếm.  Thế là sau nhiều năm trời theo đuổi ơn gọi, tìm kiếm thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, hôm nay thầy kia chính thức chào anh em, chào người thân để rẽ sang một ngã khác của cuộc đời.

Trong khi tâm sự, Em cho tôi biết Em cảm thấy bình an với chọn lựa của Em.  Em can đảm đến trình với vị phụ trách về suy nghĩ và chọn lựa của Em.  Hôm nay Em chia tay để trở về lại đời thường như nhiều người ngoài bốn bức tường của tu viện.

Em đã đi khuất khỏi cổng nhà nhưng hình bóng của Em còn vương vương đâu đó.

Nói đúng ra chẳng ai muốn mình phải “rẽ ngã” sau chặng đường dài tìm kiếm.  Tìm kiếm điều gì đó đã khó, và khó hơn là tìm kiếm ơn gọi, chọn lựa một ơn gọi cho cả cuộc đời dài của mình.

Người đào tạo cũng như người được đào tạo phải “làm việc” thật nhiều để tìm ra hướng đi của người được đào tạo.  Nói là “làm việc” nhưng “việc làm” ấy không do bởi con người, nhưng phải nhìn dưới chiều kích của ơn Chúa, vì lẽ ai ai cũng biết ơn gọi là một huyền nhiệm. Phải có ơn Thánh Chúa, phải chìm sâu trong đời sống cầu nguyện mới có thể nhận ra được ơn gọi của mình, chứ không phải là chuyện giản đơn.  Nếu chỉ vì một chút tình cảm riêng tư, chỉ vì một chút cái gì đó gọi là mang tính cá nhân, mang cảm tính của con người để người đào tạo quyết định, thì người đào tạo phải trả lẽ trước mặt Chúa trước quyết định của mình.  Ngược lại, người được đào tạo vì lý do nào đó mà không can đảm trình bày cho người có trách nhiệm thì cũng khổ.

Nhớ lại gần chục năm trước, những anh em bạn cũng phải chia tay với anh em cùng lớp để chuyển sang hướng khác của cuộc đời. Những lần chia tay ấy, hình như lòng của ai cũng chùn lại.  Kẻ ở người đi ai cũng ngậm ngùi vì những năm dài gắn bó với nhau: kinh nguyện, cơm nước, thể thao và thậm chí giận hờn cũng có nhau.

Sau ngã rẽ ấy, anh em lại mỗi người một ngã, người thì tiếp tục theo con đường tận hiến, người thì theo con đường sống ơn gọi hôn nhân gia đình.  Ơn gọi nào cũng cao quý, ơn gọi nào cũng tốt đẹp cả.  Chuyện quan trọng là ta có nhận ra và sống đúng ơn gọi mà Chúa mời gọi ta hay không mà thôi.

Nếu chọn đời hôn nhân, thật đẹp khi sống đời hôn nhân chung thuỷ và hạnh phúc.

Nếu chọn đời tận hiến, thật đẹp khi sống trọn vẹn đời tận hiến, thuỷ chung với Chúa, khiêm nhường phục vụ Chúa qua tha nhân, qua anh chị em đồng loại.

Nghĩ về Em, một chút gì đó cảm phục vì Em đã can đảm nói lên suy nghĩ của Em, nói lên tấm lòng thật của Em.  Bên cạnh Em còn đó những người vì lý do này hay lý do khác đã không can đảm như Em.  Tệ hơn nữa là họ chọn cho mình một con đường, mà họ cảm thấy bất an, nhưng bên ngoài họ vẫn nguỵ tạo cho sự bình an.  Họ đã không can đảm để rẽ như Em.  Khi không can đảm để rẽ như Em, người ấy không chỉ gây khổ cho mình mà còn gây khổ cho cộng đoàn, cho giáo xứ mà ta được gửi đến để phục vụ, để sống đời tận hiến.

Chuyện quan trọng không phải là tu hay không tu, nhưng quan trọng là ta có tìm ra Thánh Ý của Chúa trên đời, và ta có thật sự hạnh phúc trong ơn gọi đó hay không.  Nếu như Chúa muốn ta sống đời tận hiến mà ta chọn con đường hôn nhân thì cũng trục trặc khi sống với đời sống ấy.  Nếu như Chúa muốn ta sống đời hôn nhân mà ta gượng ép sống đời tận hiến thì cũng là bất hạnh.  Tu không phải là tu một ngày mà tu cả cuộc đời.  Nếu ta không hạnh phúc mà cứ kéo lê cuộc đời ta trong đời ơn gọi thì cả cuộc đời ta sẽ lê lết với chọn lựa không dứt khoát của ta.

Chọn lựa cho ơn gọi thật là khó.  Một số người vẫn quở trách người rẽ ngã về đời thường là ăn cơm nhà Chúa mà phản bội Chúa, nhưng họ không hiểu ơn gọi là huyền nhiệm, là bởi ơn Chúa chứ không do tự con người.  Vì áp lực của gia đình, của bè bạn, của dòng tộc nên đôi khi người ta không can đảm quyết định.

Chúc mừng Em vì Em đã can đảm sống thật với chính mình.

Con đường phía trước của Em còn nhiều gian khó để hội nhập, nhưng thà khó một lần cho xong, còn đỡ hơn là kéo lê cuộc đời không hạnh phúc.

Nguyện chúc Em sống “ngã rẽ” mới bình an hạnh phúc, và cũng xin ơn Thánh Chúa đổ tràn trên Em trên con đường mới này.

Thanh Tâm

CƠN THỊNH NỘ CỦA CÁC THÁNH

Trong tác phẩm có tựa đề “Quyển Phúc Âm thứ 5”, tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên các Ngài mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại…

Sau không biết bao nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người.  Do đó, cần phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.

Các Ngài họp lại thành một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất.  Chỉ trong nháy mắt, đạo binh các thánh đã chinh phục được thế giới.  Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho một số người công chính còn sót lại giữa loài người.  Còn tất cả những kẻ gian ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn.  Tại đây, các ngài dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi.  Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt đất sẽ chỉ có những người công chính…

zzKhi mọi sự đã sẵn sàng để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy một người đang vác thập giá.  Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ hắn…  Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa.  Tại sao một người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa mà thôi?  Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.

Vừa thoáng nhìn qua kẻ vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình.  Các thánh ngỡ ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn giữa những người tội lỗi.  Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: “Con Người không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội lỗi”.  Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.

***************************************

Chúng ta dễ rơi vào hai thái cức trái nghịch nhau: Thái độ của những người biệt phái và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.

Thái độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một người tự cao tự đạo vào Ðền Thờ cầu nguyện.  Người này kể ra bao nhiêu công trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía cuối Ðền Thờ.  Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta cũng có đối với người khác.  Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh…

Ðối nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của Giuda.  Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình.  Ông không còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.

Tựu trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: Ðó là đóng khung trong chính bản thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.

Qua cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác vào Tình yêu của Thiên Chúa.  Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa ngục và sự chết…  Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người…

R. Veritas

***************************************

Lạy Chúa,

Điều làm tôi khắc khoải chính là Ngài,
Bởi thấy muôm vàn tủi hổ, Ngài phải chịu trên thập giá kia
Bởi thấy những thương tích thể ấy, trên thân mình Ngài.
Sau cùng, bởi chính tình yêu của Ngài, làm khắc khoải hồn tôi.
Cho dù không có thiên đàng, tôi vẫn yêu mến Ngài!
Cho dù không có hoả ngục, tôi vẫn kính sợ Ngài!
Để tôi yêu mến Ngài, chẳng cần Ngài ban gì cho tôi!
Bởi vì giờ đây, tôi không có khát  mong nào khác,
Là được yêu mến Ngài mãi mãi, không bao giờ thay đổi, Amen!

Thánh Phanxicô Xaviê

TOÀN BỘ SỰ THẬT

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”

zzĐức Giêsu khi sắp về với Cha, đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ.  Ngài chưa nói hết được những điều Ngài muốn nói, nhưng Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu.  Cần có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần…

Đức Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện còn dang dở.  Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy nhất: Sau này, Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga 14,26).  Ngài cũng chẳng phải là Đấng Bảo Trợ duy nhất vì còn một Đấng Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x. Ga 14,16).

Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật, sự thật về Cha, về bản thân mình và về con người.  Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ dẫn dắt các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.

Vì lợi ích của họ, Đức Giêsu sẵn sàng ra đi (x. Ga 16,7), để nhường chỗ cho Đấng Cha và Ngài sai đến.  Đức Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng vậy.

Thánh Thần chỉ có sứ mạng là đưa con người đến với Cha và Con là Đức Giêsu.  Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Đức Giêsu.  Cha cũng chẳng tìm mình.  Cha chẳng giữ gì làm của riêng.  “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15) Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con.  Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha.  Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần.

Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng.  Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia.  Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ.  Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình, và sống trong hạnh phúc viên mãn.

Thiên Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu thương, nhưng thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không khép kín.  Thế giới ấy vươn ra ngoài mình, để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công trình sáng tạo.

Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người.  Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho họ.  Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để ủi an nâng đỡ.  Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.  Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại đi vào thế giới thần linh của mình, để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong Chúa Con.

Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ, mời gọi.  Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi chờ.  Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra để Chúa đi vào thế giới của mình và để mình đi vào thế giới của Chúa không?

**************************************

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Trích trong ‘Manna’

 

ME THẦU

zzTrung tuần tháng Tư tôi qua Lào thăm Me Thầu. Me Thầu là dì ruột và cũng là vú đỡ đầu của tôi. Đây là một trong những tháng nóng nhất ở Lào nên ba ngày Tết người trẻ thường ra đường chơi tạt nước – là một nét đặc trưng của Tết Lào.  Me Thầu là nữ tu Dòng Chị Em Bác Ái.  Người dân gọi các nữ tu là Khún Me, hồi xưa họ cũng gọi ngài như vậy, nhưng bây giờ họ gọi là Me Thầu vì đã 86 tuổi rồi.  Me Thầu nghĩa là bà ngoại.  Tôi thích cách gọi này hơn vì nó gần gũi và thân thiện với văn hóa người dân xứ Lào này.

Tôi tháp tùng Me Thầu đi lên Luang Prabang (Nước Đức Phật) ở bắc Lào, Me Thầu là trưởng cộng đoàn đang trông coi nhà các em mồ côi và các em dân tộc nghèo ở Vientiane.  Nay lại đảm đương thêm một công tác mới lo cho các em dân tộc mồ côi và các em khuyết tật câm điếc ở Luang Prabang.  Từ Vientiane bay đến Luang Prabang chỉ mất 30 phút, còn đi xe khoảng 10 tiếng.

Tôi lên Luang Prabang ở nhà với ba soeur và khoảng 20 em dân tộc mồ côi hoặc nghèo được các soeur dạy dỗ và nuôi ăn học.  Còn trường nội trú nuôi khoảng 45 em khuyết tật câm điếc ở cách đó khoảng hai cây số, cứ chiều chiều tôi qua đó đá banh với mấy em.  Có hôm 4, 5 em gái cũng ra đá banh.  Các em rất thích được ở đây, vì ở thôn làng các em bị người dân coi rẻ rúng, như một án phạt của ông trời, nên sống tự ti mặc cảm.  Chỉ có cha mẹ của các em mới ráng hiểu xem con mình ra dấu như vậy có nghiã là gì, còn người ngoài thì chẳng ai buồn đoái hoài tới.  Sống ở đây các em được đối xử tốt lành, được ăn uống đàng hoàng, được học chữ, học nghề.

Hôm trước tôi sửa lại mấy cái laptop cũ do câu lạc bộ của Úc cho trường khuyết tật.  Có vài cái tôi sửa hoài mà không xong, nên Me Thầu chở ra trường huấn nghệ khác để nhờ sửa.  Người sửa máy cũng là một người khuyết tật hai chân và là thầy dạy vi tính ở đó.  Khi Me Thầu đến thầy vui lắm, hỏi ra mới biết Me Thầu cũng nuôi nấng và nâng đỡ cho thầy nhiều năm trước, khi thầy còn đang theo học ở trường huấn nghệ này.  Bây giờ học xong và được nhà trường mời ở lại để dạy cho các học sinh khác, còn những người bạn học của thầy thì đi làm ở các tiệm sửa máy trong thành phố.

Khu vực nhà các soeur và các em này chỉ có nước vào buổi tối.  Khoảng giữa khuya mới có nước cho đến mờ sáng, nên đêm đêm phải ráng thức dậy hứng nước vào thùng để có nước sử dụng trong ngày.  Phòng của tôi có phòng tắm riêng, có hai cái xô và một cái thau, nên nửa đêm tôi cũng thức dậy hứng nước đồng thời giặt áo quần, vì ban ngày không có nước để giặt.  Mùa này nóng quá nên dù chỉ phơi trong phòng tắm qua đêm mà áo quần cũng khô.  Có đêm tôi ngủ say cho đến gần sáng, tuy nước vẫn còn chảy nhưng không còn trong như những hôm trước vì hồ lấy nước đã cạn xuống.

Vùng này được coi như là “vùng trắng”, vì không có được mấy người Công Giáo.  Giáo hội ở đây rất khiêm tốn, chỉ có Đức Giám Quản Tông Tòa (Prefect) và ba Soeur hiện diện mà thôi.  Một hôm đi ngang qua một tòa nhà có cái nóc to cao rất giống nhà thờ, tôi hỏi có phải nhà thờ chính tòa không.  Các soeur phì cười, nói nhà thờ, nhà nguyện, còn chưa có thì lấy đâu ra mà có nhà thờ chính tòa.  Gần đây có một số anh chị em công nhân Công Giáo Việt Nam qua Lào làm việc nên cuối tuần Đức Giám Quản đến làm lễ cho khoảng 40 người.

Mấy năm trước tôi qua Lào Me Thầu tương đối còn khoẻ.  Nhưng bây giờ mỗi khi đi hơi lên dốc một chút hay đường đất gồ ghề thì phải chống gậy, lên xe xuống xe cần người đỡ phụ, tuy vậy đầu óc ngài vẫn còn minh mẫn.  Nhìn Me Thầu với chừng ấy tuổi mà Giáo Hội lại trao cho một sứ mạng quan trọng và nặng nề như thế.  Lên đường mở mang một vùng trắng mới thấy Giáo Hội Lào thiếu người biết chừng nào, mới thấy Thiên Chúa cần những tâm hồn đáp trả lời mời gọi lên đường biết bao.  Thập niên trước khi Đức Giám Quản còn là linh mục, ngài có lên vùng này mấy lần, và bị bắt nhốt vì ngài giảng đạo cho bà con trên vùng đất bắc Lào này.  Nay thì đỡ hơn, chính quyền đồng ý cho các soeur lên đây mở trường nội trú và huấn nghệ cho các em khuyết tật, nên bây giờ các soeur Dòng Chị Em Bác Ái hiện diện ở vùng trắng này danh chính ngôn thuận.

Đã nhiều năm nay, Me Thầu xin Nhà Dòng gởi người đến làm phụ tá cho Me Thầu để sau này có thể thay thế gánh vác sứ vụ ở Vientiane cũng như ở Luang Prabang.  Nhưng đến bây giờ Nhà Dòng vẫn chưa có người để gởi đến, Me Thầu thao thức lắm.  Tôi đến thăm Me Thầu mười ngày và thấy cánh đồng trắng bát ngát làm tôi cũng thao thức nhiều.  Khi tôi chơi banh chơi cầu với các em, các em nói chuyện bằng tay với nhau rất nhanh, còn tôi mù tịt cáng mai, muốn nói với các em một điều gì đó quả là khổ sở.  Có một lần đang chơi đá banh, tôi ráng hú gọi một em trở về vị trí hậu vệ, nhưng kêu cỡ nào cũng vậy thôi, vì em có nghe được đâu?  Nhìn các em mải mê chơi banh làm tôi chợt nghĩ lại chính mình.  Biết bao lần Chúa cũng hú gọi tôi mà tôi đâu có nhận ra vì đang mê mẩn chạy theo những quyến luyến của sự đời.

Nhìn Me Thầu với chừng nấy tuổi đời mà vẫn gắng sức mỗi ngày thưa “Xin Vâng” như Mẹ Maria để cho Chúa tiếp tục vẽ bức họa đời mình theo Thánh Ý của Ngài, ngắm nhìn cuộc đời Me Thầu tôi cứ suy nghĩ hoài.  Không biết khi nào tôi mới chịu cho Chúa cái tự do mà chính Chúa đã thương trao ban cho tôi, để Ngài được hoàn toàn tự do vẽ bức họa đời tôi theo Ý Ngài.

Lạy Chúa, nhìn cánh đồng trắng bát ngát và chắc Chúa cũng đang thao thức tìm những tâm hồn dấn thân làm sứ giả Tin Mừng, thay mặt Chúa ban phát tình yêu và ân sủng, đến dạy dỗ và nâng đỡ những kẻ mồ côi và khuyết tật bị xã hội khinh thường.  Xin cho mỗi người chúng con biết mặc lấy nỗi thao thức của Ngài, và xin nhắc nhớ mỗi người chúng con biết hồi tâm để bớt chạy theo những quyến luyến lệch lạc, và để nhận thức tiếng mời gọi của Đấng Ban Sự Sống.  Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.

May 1, 2013

 

NHỮNG LỜI HẠNH PHÚC

Buồn phiền đến gần như tuyệt vọng vì những lời chỉ trích, vu oan, anh Lưu Chung tìm đến với nhà hiền triết Phong Sai, đang ẩn tu trên ngọn núi gần đó, để giải bày tâm sự.  Sau khi lắng nghe tất cả những lời than phiền của anh, nhà hiền triết hỏi: Thế thì anh nghĩ và xác tín rằng, để sống hạnh phúc, anh phải luôn luôn được mọi người khen tặng, có phải vậy không?  Anh Lưu Chung vui vẻ thưa nhanh: Thưa Thầy, đúng vậy.  Ðược mọi người luôn luôn khen mình, đó là lý tưởng con muốn đạt tới để sống hạnh phúc.  Nhà hiền triết Phong Sai liền lấy từ trong bọc ra một viên đá quý và nói: Ðây anh hãy cầm lấy và luôn giữ nó trong người.  Viên đá quý này có sức vạn năng làm cho bất cứ ai anh gặp, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều nói lời khen tặng anh.  Từ nay, anh sẽ không còn ai nói xấu hay chỉ trích, khinh chê anh nữa.  Anh Lưu Chung vui vẻ nhận viên đá và hết lòng cám ơn nhà hiền triết, rồi vội vã xuống núi ngay.

Bảy ngày sau, anh trở lại tìm nhà hiền triết, để trả lại viên đá quý.  Nhà hiền triết không lấy làm ngạc nhiên gì cho lắm, vì đã đoán trước thế nào anh cũng sẽ trở lại hoàn trả viên đá quý này.  Anh Lưu Chung nói với nhà hiền triết như sau: Thưa Thầy, lời thầy nói rất đúng.  Viên đá này thật là hiệu nghiệm.  Trong bảy ngày qua, bất cứ đi đâu và gặp ai, con luôn luôn nhận lời khen tặng.  Con xin cám ơn thầy đã mở mắt cho con thấy một sự thật.  Nhà hiền triết ngắt lời: Sự thật nào đây?  Thưa thầy, con kinh nghiệm rằng, khi tất cả mọi người luôn luôn khen tặng con, đồng ý với con, thì lúc đó đời sống con trở thành nhàm chán.

********************************************

zzLời khen tặng không thể mang lại cho con người hạnh phúc thật.  Sống trong sự khen tặng luôn luôn làm cho con người trở thành nhàm chán.  Ðành rằng con người có khuynh hướng thích được khen, được mọi người đồng ý với mình.  Nhưng nếu phải luôn luôn sống trong sự khen tặng, thì thật là không có gì nguy hiểm bằng.  Nơi thư Corintô, thánh Phaolô đã dành nhiều lời giảng dạy để thức tỉnh các tín hữu đừng đi tìm hư danh, đừng làm bất cứ điều gì chỉ để được khen thưởng.  Ðặc biệt nơi chương 11 thư thứ hai Corinto cho đến chương 12, câu 10, thánh Phaolô tông đồ đã viết như sau: “Nếu tôi phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi. Thiên Chúa, Ðấng đáng chúc tụng muôn đời, là Cha của Chúa Giêsu, biết rằng tôi không nói dối…  Phải tự hào ư?  Nào có ích gì?…  Và để tôi khỏi tự cao tự đại, vì những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.  Ðã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.  Nhưng người quả quyết với tôi: Ơn ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trong sự yếu đuối.  Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi.  Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Chúa Kitô.  Vì khi tôi yếu là lúc tôi mạnh” (2Cr 11,30-12,10).

Quan niệm trần tục không thể nào hiểu được thái độ sống trên của thánh Phaolô tông đồ.  Ðó là mẫu người bị chê là khùng điên trước mặt người đời.  Chúng ta có can đảm chấp nhận bị cho là khùng điên vì Chúa Giêsu Kitô hay không, vì chúng ta sống không chỉ vì mục đích được khen tặng, được mọi người nói tốt về mình?  Sống vì lời khen ngợi của người đời, chúng ta dễ dàng chối bỏ đức tin, như một số người lãnh đạo dân Do thái thời Chúa Giêsu ngày xưa.  Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan đã nhận xét sâu sắc như sau: Ngay cả trong giới lãnh đạo Do thái cũng có nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu.  Nhưng vì sợ nhóm Pharisiêu, họ không dám xưng ra, kẻo bị khai trừ khỏi Hội đường.  Thật thế, họ ưa chuộng vinh quang của người phàm hơn là vinh quang của Thiên Chúa (Ga 12, 42-43).

********************************************

Lạy Chúa, xin thương mở lòng trí cho con hiểu và yêu mến giáo huấn của Chúa, cho con biết chấp nhận hy sinh từ bỏ, và dâng lên những vui buồn sướng khổ, kết hiệp với hy tế của Chúa mà góp phần mưu ích cho bản thân và anh chị em xung quanh.  Amen!

R. Veritas

 

 

LÃNG QUÊN

Sách thánh kể rằng: Khi thánh Phaolô đặt chân tới kinh thành Nhã Điển, thủ đô nước Hy Lạp, ngài đã rảo qua một vòng phố xá, ngài nhận thấy dân Nhã Điển thật sùng mộ các thần minh.  Đường phố nào cũng có những bàn thờ, những chùa miếu.  Nhưng ngài để ý thấy một bàn thờ, trên đó khắc ghi hàng chữ “Kính thần vô danh”.  Và ngài bắt đầu bài giảng về Đức Kitô như thế này: “Vị thần vô danh mà quí vị thờ kính nhưng lại không biết đến, thì giờ đây tôi xin loan báo để quí vị được rõ: Vị thần vô danh ấy chính là Đức Kitô”.  Điều thánh Phaolô nói về Đức Kitô với người Nhã Điển, thì bây giờ chúng ta cũng có thể nói như vậy về Chúa Thánh Thần.

*************************************

zzPhải, là người Kitô hữu, chúng ta biết rất nhiều về Chúa Cha cũng như về Chúa Con.  Thế nhưng nếu có ai hỏi chúng ta về Chúa Thánh Thần, về những việc Ngài đã làm cũng như về vai trò của Ngài trong cuộc sống, thì rất có thể chúng ta sẽ trả lời không hơn gì những tín hữu Ephêsô thuở trước.  Thực vậy, thánh Phaolô đã hỏi họ: “Các ngươi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần chưa?”  Và họ đã trả lời: “Chúng tôi chưa hề hay biết có một Chúa Thánh Thần”.  Phải, Chúa Thánh Thần chính là vị Thiên Chúa vô danh, vị Thiên Chúa bị quên lãng nhiều nhất trong cuộc sống.  Vậy Ngài là ai?  Ngài có phải là vị Thiên Chúa chúng ta tôn thờ hay không?

Sách giáo lý đã cho biết: Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Thứ Ba, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, cùng một bản tính, một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy.  Làm sao chúng ta biết được Thiên Chúa có ba ngôi và ngôi thứ ba lại là Chúa Thánh Thần?  Sở dĩ chúng ta biết được là vì Chúa Giêsu đã tỏ lộ, đã dạy bảo.

Thực vậy, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giorđan, thì Tin Mừng đã ghi nhận: bấy giờ trời mở ra, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu mà ngự xuống, rồi từ trời có tiếng phán: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.

Trước khi về trời, Chúa Giêsu cũng đã truyền cho các môn đệ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.  Nếu không có Chúa Thánh Thần thì ba ngôi Thiên Chúa sẽ không hoàn toàn và niềm tin của chúng ta sẽ bị thiếu sót.  Thực vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu độ, nhưng Chúa Thánh Thần mới là Đấng áp dụng công phúc cứu độ ấy cho chúng ta.  Chính Chúa Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ: “Thầy sẽ xin với Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng phù trợ mới.  Ngài là chân lý sẽ luôn ở với các con. Các con hãy ở trong thành cho đến khi được mặc lấy sức mạnh từ trời cao”.  Tất cả những điều này đã được thực hiện trong ngày hôm nay, ngày lễ Hiện xuống, ngày các môn đệ được đầy tràn Chúa Thánh Thần.

Các tín hữu sơ khai cũng đã xác tín Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.  Thực vậy, thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Tất cả những ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn sẽ là con Thiên Chúa.  Ngài đã ban Thánh Thần xuống trong tâm hồn chúng ta.

Thánh Luca trong sách Công vụ Tông đồ kể lại câu chuyện hai vợ chồng Anania và Saphira bán ruộng, đã đồng tình xén bớt một phần tiền rồi mới đem nộp cho thánh Phêrô.  Và thánh Phêrô đã nói với họ: “Hỡi Anania sao ma quỉ đã cám dỗ lòng ngươi dối trá Chúa Thánh Thần mà giữ lại một phần tiền.  Làm như thế, ngươi không chỉ lừa gạt người ta mà còn lừa gạt cả Thiên Chúa nữa”.  Còn thánh Gioan thì xác quyết: “Trên trời có Ba Đấng làm chứng, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.  Bấy nhiêu mà thôi cũng đã đủ để chúng ta xác tín và tuyên xưng: “Chúa Thánh Thần chính là Thiên Chúa Ngôi thứ Ba, Đấng chúng ta phải tôn thờ.

Trong mạch sống Giáo Hội, tác động của Chúa Thánh Thần thật vô cùng quan trọng cho Giáo hội cũng như cho mỗi người chúng ta.  Không những cần cho các thừa tác viên của Giáo hội để chu toàn phận sự mà còn cần cho mọi người để sống đức tin và bác ái.  Mọi cố gắng của Giáo hội và của mỗi người đều cần có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, nếu không sẽ trở nên lố bịch và vô vọng, như Đức Thượng phụ Athênagôrat, Giáo chủ Contantinốp đã nói: “Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách.  Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ.  Tin Mừng chỉ là một mớ chữ không hồn.  Giáo hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.

Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng như vậy, thế mà chúng ta thật vô tâm, vô ý thức đến thờ ơ cũng như không biết có Chúa Thánh Thần ở trong lòng mình ngày đêm.  Thử hỏi nếu ai có 10 lượng vàng trong túi, có lẽ nào họ thờ ơ đến nỗi để mất số vàng đó khi nào mà họ không hay biết không?  Trái lại, phải chăng bất kỳ đi đâu hay làm gì họ cũng sờ tay vô túi coi vàng còn hay không?  Và nếu mất rồi, tâm hồn họ bải hoải, tâm trí rối loạn, buồn phiền, chán nản biết bao!  Vậy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn không có giá trị bằng 10 lượng vàng sao?  Thế mà ngày này qua ngày khác chúng ta hầu như chẳng để ý đến một lần. Ý thức sự vô tâm và thiếu sót đó, cũng như hiểu biết được sự quan trọng và cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống, từ nay chúng ta hãy năng nhớ đến Chúa Thánh Thần hơn, bằng cách cầu xin Ngài hằng ngày, xin Ngài soi sáng, hướng dẫn và trợ giúp để chúng ta luôn sống tốt đẹp và làm mọi việc đúng thánh ý Chúa.

*************************************

Lạy Chúa, giờ đây một lần nữa con muốn tuyên xưng tự đáy lòng con: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.  Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy.  Amen!

Sưu tầm

 

MATTHIAS VỊ TÔNG ĐỒ GIỜ THỨ 11

zzNgày Đức Yêsu chịu phép rửa ở Bêtania, Mathias đã có mặt.  Không ai chú ý đến ông.  Và dưới cặp mắt thế gian, hình như Đức Yêsu cũng không để ý đến ông.  Ông không có cái mạnh dạn của Yoan và Anrê để đi tìm Đức Yêsu mà hỏi chuyện.  Ông không được Người tìm đến trao đổi như với Philip.  Ông không được ai tiến cử như trường hợp Phêrô và Nathanael…

Nhưng, từ ngày Mathias nghe biết được về Chúa Yêsu, ông đã theo Người một cách âm thầm.  Các tông đồ đi đến đâu thì Mathias đi đến đấy.  Không đòi hỏi, Không bon chen…

Ngày Đức Yêsu chọn 12 người thân tín, Mathias không được chọn nhưng không hề thất vọng, ông vẫn tiếp tục theo Người.  Khi nào có một đám đông đến nghe Người thì chắc chắ ông có mặt ở đó.  Nhưng khi Người chia sẻ tình Thầy trò thân mật thì Mathias không được phép dự.

Mathias không có mặt ở Tabor, Mathias không được nghe lời dạy dỗ trong buổi tiệc ly,Mathias không được chia sẻ giây phút máu lửa ở Yêtsêmani… Mathias là một tín hữu hạng nhì, tín hữu như hàng triệu tín hữu vô danh khác.  Suốt đời theo Chúa, nghe Lời Người giảng dạy mà chưa một lần được hưởng một dấu hiệu tình yêu nào.

Sẽ có bạn nhận định: “Biết đâu Đức Yêsu cũng có tỏ cho Mathias nhiều tình cảm đặc biệt mà Kinh Thánh không nhắc đến.  Vả lại, dù ông không được trọng vọng thì duy một việc gặp gỡ được Đức Kitô và theo Người, nghe Người nói cũng đủ làm cho cuộc đời ông có ý nghĩa rồi…”  Nhận định đó quả là hợp lý, nhưng dù sao thì thì dưới cái nhìn của thế gian, và có thể, theo đánh giá của bạn và tôi, cuộc sống của Mathias thật là đáng thương hại…

Trong 3 năm trời đằng đẳng, ông kiên trì theo Chúa mà không cầu xin một ân huệ nào cho chính mình.  Ông chỉ biết đi theo thế thôi, đi theo một cách kiên trì…  Ngày Chúa nói ra những điều nghe chói tai, bao nhiêu người đã bỏ đi, trừ các tông đồ, cố nhiên, vì họ là những người thân tín.  Ngoài ra còn một số rất ít vẫn trung thành đi theo, trong số ít ngưới đó có Mathias.

Gia đình Mathias chắc hẳn đã hơn một lần phê bình trách cứ ông, cho ông là tào lao.  Ông không cãi lại, cũng không lý luận, ông chỉ tiếp tục cuộc hành trình tưởng như vô vọng của mình.  Bạn bè Mathias có lẽ đã có lần nhạo cười ông, cho ông là thiếu thực tế, không biết hưởng tuổi thanh xuân, mù quáng mà đeo theo một người hoàn toàn chẳng màng đến mình, lại không biết đi về đâu nữa chứ… Ông không biện minh một lời, ông chỉ tin tưởng tiếp tục chí hướng theo Chúa…

Niềm tin của Mathias quả là sắt thép.  Trong số những người thường xuyên theo Chúa, có lẽ Mathias là người ít được chứng kiến phép lạ nhất.  Chúa chỉ làm phép lạ trước mặt các tông đồ mà thôi.  Ngay cả lần Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều, Mathias có mặt ở đó nhưng chắc gì ông đã ngờ đó là phép lạ.  Ông chỉ biết các tông đồ phân phát bánh cho hàng mấy ngàn người ăn, còn bánh ấy lấy ở đâu ra thì làm sao ông biết được.  Mathias vẫn theo Chúa, âm thầm tin tưởng nhưng không hề có một chứng cứ nào để biện minh cho niềm tin của mình.

Ngày Chúa chết đi, một số người như ông đã thất vọng rời Yêrusalem để trở về quê, những môn đệ về Emau chẳng hạn.  Ngay trong nhóm 12, cũng có người muốn bỏ cuộc, như Tôma, ông bỏ không đến họp.  Nhưng Mathias thì vẫn kiên trì ở lại.

Khi Chúa đã thăng thiên, có một nhóm người rất ít tế tựu lại, khoảng 120 người, thì ông vẫn còn đó… Thế rồi Phêrô tuyên bố:  “Chúng tôi cần tìm một người đã cùng đi với chúng tôi suốt cả thời gian Chúa Yêsu ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Yoan Tẩy giả, cho đến ngày Đức Yêsu siêu thăng… người đó sẽ thay thế Yuđa Iscariốt…” (Cv 1).  Lúc đó, mọi người nhìn quanh, người ta chú ý ngay đến một người quan trọng: ông Yuse. Ông này khá nổi tiếng, có biệt danh là Yustô (người công chính).  Người ta gọi ông là Barsaba, (con của Sabba), người ta biết gốc gác lý lịch của ông rất rõ.

Và vì phải công bình, cộng đoàn cũng nhắc đến tên một người khác, người này tên là Mathias.   Thế thôi, chấm hết.  Không ai biết thêm chút gì về ông.  Ông chỉ là một người lu mờ.  Duy chỉ có một điều đáng lưu ý: Mathias đã kiên trì đi theo Chúa tự ban đầu…

Và rồi, giữa hai người, Thiên Chúa đã chọn người mang tên Mathias tầm thường đó.  (Mathias gì?  Tục danh?  Biệt hiệu?  Con ai?  Thân thế sự nghiệp?  Quả là không ai để ý, không ai ngờ!)  Thế mà ông đã được chọn.   Thiên Chúa đã chọn, thì người ta liệt Mathias vào hàng ngũ các tông đồ (Cv 1,26)…  Thế là kể từ đây, Mathias sẽ được nhắc đến, mọi người sẽ chú ý đến ông, ông sẽ nổi danh.  Có thế chứ!  Một đời âm thầm theo Chúa rồi, đã đến lúc Thiên Chúa công bình trả công, trao cho ông hào quang chứ…

Xin lỗi! Sự thật lại không phải như thế.  Mathias chỉ nổi bật lên có chừng ấy thôi, rồi lại tiếp tục đi vào quên lãng.  Suốt cuốn tông đồ công vụ, Luca sẽ nhắc rất nhiều về Phaolô, đến Yoan, đến Phêrô.  Luca dành hẳn hai chương cho tá viên Stêphanô, một chương cho tá viên Philip.  Còn Mathias?  Không có lấy một chữ.  Mathias chỉ có một nhiệm vụ quan trọng, một chức năng: điền vào chỗ trống của Yuđa để đủ con số 12.  Quan trọng là số 12 chứ không phải người được điền khuyết.

Ngày Chúa còn ở thế gian, còn thân mật, còn an ủi chuyện trò thì Yuđa lãnh nhận hết tất cả…

Giờ đây, cần một người “làm chứng tá cho sự sống lại của Người” nghĩa là cần một người để bị xỉ vả, bị hạch xách, bị đánh đập, bị tù đày vì Đức Yêsu, thì Mathias thế vào chỗ Yuđa.  Mathias có lẽ là vị tông đồ bạc bẽo nhất, một người âm thầm, gần như là vô tích sự… Và Thiên Chúa đã chọn Mathias.  Sự lựa chọn của Thiên Chúa quả là một mầu nhiệm: Tại sao ba năm rao giảng, Chúa Yêsu làm như không thấy Mathias,không chú ý đến Mathias, không chuẩn bị cho Mathias, không tạo niềm tin cho Mathias… để rồi khi đã siêu thăng, Chúa lại chọn Mathias ?

Tại sao lại chọn đúng vào Mathias tầm thường này?  Tại sao lại không phải là Yuse Yustô Barsaba?  Tại sao lại chọn Abel, Yacob, Yuse chứ không phải là những ông anh cả Cain, Esau, Ruben?  Tại sao lại chọn Đavit “liễu yếu đào tơ” chứ không phải là Eliab, Abinadab, Samma, những người anh phương phi chững chạc?

Phải chăng vì… “Chính những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan.  Và những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ.  Những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt ra không những điều hiện có…” ( 1 Cr 1,27-28 )

Dù sao đi nữa thì việc Chúa chọn Mathias cũng là một niềm an ủi và là một sứ điệp cho mỗi chúng ta.  Khi bắt đầu rao giảng, Chúa chọn 12 tông đồ và người đầu tiên là Anrê chứ không phải Phêrô.  Khi Hội Thánh bắt đầu hoạt động thì người đầu tiên Người chọn là Mathias chứ không phải là Phaolô.  Phaolô là người mở mang Nước Trời bằng những lời rao giảng, bằng những cuộc hành trình, bằng những chứng tích vang dội.  Còn Mathias chỉ có làm một điều là Sống Tin Mừng.

Mathias chỉ có một chứng tích độc nhất là Lòng Kiên Trung.  Mathias có một cuộc hành trình duy nhất là cuộc Hành Trình Theo Chúa Suốt Đời.  Mathias chỉ để lại vỏn vẹn một lời rao giảng hùng hồn đó là Cuộc Đời Tận Hiến của mình.  Chúng ta được yên ủi rất nhiều qua vị tông đồ “giờ thứ 11” là Mathias…  Ông xuất hiện khi mọi việc hầu như đã hoàn tất: Chúa Yêsu đã nhập thể, đã chết, đã sống lại, và đã siêu thăng…

Trong chương 20, Matthêu đã kể lại dụ ngôn người chủ vườn nho.  Gia chủ từ tảng sáng đã mời những người thợ đến làm việc trong vườn nho của mình.  Giờ thứ 6 và giờ thứ 9, ông cũng làm như vậy.  Đến giờ thứ 11, ông vẫn ra mời những người thợ khác. (Theo giờ hiện nay là 12g, 15g, và 17g). Nhưng đến khi trả công thì người thợ vào làm giờ thứ 11 cũng được trả bằng giá với những người thợ vào làm từ tảng sáng…

Lúc hừng đông của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã chọn Abraham, Môsê, Isaia, Yêrêmia…

Khi mặt trời lên tột đỉnh – giờ thứ 6 – là lúc Đức Kitô nhập thể và giờ thứ 9 là giờ Người chết để cứu rỗi, Người đã chọn nhóm 12…  Khi mọi chuyện hầu như hoàn tất, giờ mà hình như không còn gì để làm nữa ngoại trừ tổng kết công việc thì Người đã chọn Mathias, người tông đồ giờ thứ 11.  Và Mathias được đặt đồng hàng với những người đi trước, không phải đồng hàng trong cái hư danh là tông đồ, nhưng là đồng hàng dưới đôi mắt nhân lành của Thiên Chúa.

Thế đó: “Những kẻ cuối hết sẽ lên đầu hết” (Mt 20,16).  Chúa đã chọn Mathias và chúng ta được an ủi, vì vấn đề không phải là được chọn trước hay chọn sau, nhưng vấn đề là Mathias có chấp nhận tự ý chân thành đáp lời kêu gọi vào làm vườn nho của Chúa hay không?

Ngày nay, mỗi chúng ta đều được kêu gọi trở nên tông đồ, chúng ta cũng phải gắng bước theo chân người anh cả Mathias.  Những Phêrô, Phaolô, Anrê, đã chia tay trần thế, đã lìa đời khi thế kỷ thứ nhất chưa kết thúc, nhưng những Mathias thì sẽ sống mãi cho đến ngày Chúa trở lại.

Hai ngàn năm qua, những Mathias đã tủa đi khắp thế giới, trầm mình trong lòng của xã hội, từ công sở đến trường học, từ chợ búa đến nhà tù.  Những Mathias khiêm nhường, không tăm tiếng, lẫn lộn trong mọi lớp người như men ở trong bột, để từ đó, lớp bột người vươn dậy nhờ chất men của Đức Kitô…

Và mỗi ngày, Mathias đã phải mục nát đi để cho ngọn lúa Đức Kitô đơm hoa kết hạt.  Trong đời sống Kitô hữu, biết bao lần chúng ta thấy mình như một chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ bước đi mà không làm được gì cả.  Chúng ta lữ hành trong đêm đen, từ ngày này đến ngày khác, gần Chúa mà vẫn không cảm thấy sự dịu ngọt của Người.  Và phần nào như Mathias, chúng ta có cảm giác như Thiên Chúa không hề để ý đến chúng ta.  Chúng ta ước ao được lựa chọn, được sai đi một cách cụ thể rõ  ràng.  Chúng ta còn mong muốn Chúa làm một phép lạ nào đó, bởi vì chúng ta khó chấp nhận cái phép lạ duy nhất là: “Tin tưởng khi không còn dấu hiệu nào để tin tưởng.  Hy vọng khi không còn gì để hy vọng.  Yêu thương khi chính mình chưa cảm thấy được yêu thương…”

Mathias đã là một phép lạ như thế.  Và qua Mathias, chúng ta có một bằng chứng rằng mọi người đều được kêu gọi để trở nên đồng hàng với nhau trước mặt Thiên Chúa.  Vì Người không xét đoán theo tài năng và công trạng đóng góp của chúng ta, nhưng chỉ xét theo Tình Yêu của Người.  Điều duy nhất Người đòi hỏi chúng ta là bước vào vườn nho của Người.  Qua Mathias, chúng ta được an ủi, nhưng cùng một lúc, chúng ta cũng nhận được một sứ điệp.  Mathias không nhận lãnh nhiệm vụ trực tiếp từ Chúa Yêsu nhưng qua sự đề cử của cộng đoàn.  Mathias là chứng tích cho sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội Thánh của Người.  Mathias đã thay thế Yuđa, trong trường hợp mà chúng ta nghĩ rằng không thể nào có ai thay thế được, bởi lẽ Đức Kitô đã ra đi.  Những người có ác ý chờ đợi những ảnh hưởng của Yêsu sẽ mờ đi, người sẽ đi vào quên lãng như những kẻ đã dấy động trước Người.

“Thêuđa đã dấy lên, xưng mình là một nhân vật nào đó và kết nạp được khoảng 400 người.  Ông ta đã bị giết và mọi kẻ theo ông cũng tan rã không còn gì hết.  Sau đó lại có Yuđa người Galilê nổi lên, nhưng ông này cũng chết và phe cánh bị tan tác…” ( Cv 5,36-37 ).  Thế nhưng, Yêsu Nazareth bị tử hình thập giá thì nhóm 12 vẫn có đủ.  Có một người thay thế Yuđa Iscariốt, đó là Mathias…  Và câu chuyện về Mathias vẫn còn tiếp diễn đến nay, thế kỷ XX…

Trong tác phẩm: “Vinh danh và quyền lực” (The Power and the Glory), Graham Greene thuật lại về một ngôi làng bị bách đạo: “Mọi linh mục đều từ từ bị hành quyết, Chỉ còn lại duy nhất một người.  Vị linh mục này đã nhiều lần định tìm cách bỏ xứ trốn đi, Nhưng lần nào cũng vậy, ông lại phải quyết định ở lại vì có một ai đó cần đến ông…  Ông đã ở lại cho đến ngày bị phát giác và xử tử.  Thế là xong, trên vùng đất này từ nay sẽ không còn ai làm chứng cho Đức Kitô…  Thế nhưng, ngay vào đêm hôm vị linh mục cuối cùng bị xử tử, có một người thanh niên tìm đến gõ cửa một ngôi nhà trong làng.  Anh ta nói: “Xin cho tôi trú ngụ, tôi là linh mục…”

Cuốn sách kết thúc ở đó, nhưng suy tư của độc giả vẫn tiếp tục…  Một Mathias khác đã xuất hiện…

Trần Duy Nhiên

 

 

TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI MẸ NHẬT BẢN

zzCâu chuyện có thật về Sự Hy Sinh của một Người Mẹ trong trận động đất ở Nhật Bản, 2011.

Khi trận động đất xảy ra, khi đội cứu hộ tiếp cận hiện trường hoang tàn thuộc về ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ trông thấy thi thể bất động của cô qua các khe nứt.  Nhưng tư thế của cô thật kì lạ, trông cô như đang quỳ xuống như khi cầu nguyện, thân cô hướng về phía trước, và hai tay cô như đang bọc lấy thứ gì đó.  Ngôi nhà đổ nát đã đè quỵ hoàn toàn lưng và đầu của cô.

Dù rất khó khăn, người đội trưởng vẫn cố gắng đưa tay qua các khe nứt để chạm tới thân người phụ nữ.  Ông hy vọng mong manh rằng cô vẫn sống.  Tuy nhiên, làn da lạnh và cơ thể cứng đã bảo ông rằng người phụ nữ này đã vĩnh viễn ra đi.

Ông và các thành viên còn lại của đội tiếp tục tìm kiếm ở các căn nhà đổ nát kế tiếp.  Linh tính mách bảo điều gì đó, người đội trưởng bị thôi thúc quay lại căn nhà sụp đổ của người phụ nữ đó. Một lần nữa, ông lại lần mò một cách khó nhọc bên dưới không gian chật hẹp cơ thể đã lạnh của người phụ nữ, và bất ngờ thay, ông reo lên một cách mừng rỡ: “Một đứa trẻ, là một đứa trẻ!”

Cả đội đã cùng với nhau, cẩn thận di dời từng mảnh đổ vỡ của căn nhà chung quanh người cô.  Một cậu bé 3 tháng tuổi đã được tìm thấy trong tấm chăn hoa bên dưới thân người mẹ đã mất của mình.

Người phụ nữ rõ ràng đã thực hiện sự hi sinh cuối cùng để cứu con trai mình.  Khi ngôi nhà của cô rơi xuống, cô đã ôm trọn đứa trẻ và đã dùng cơ thể của mình để làm tấm chắn bảo vệ con trai mình. Cậu bé vẫn ngủ một cách yên bình khi đội trưởng đội cứu hộ nhấc bé lên.

Bác sỹ nhanh chóng kiểm tra cậu bé, khi mở tấm chăn ông thấy một chiếc điện thoại di động bên trong.  Có một tin nhắn văn bản trên màn hình, nói rằng: “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng… mẹ luôn yêu con.”  Chiếc điện thoại này đã đi từ hết bàn tay này đến bàn tay khác, qua bàn tay khác.  Tất cả những người đọc tin nhắn đã khóc. “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng… mẹ luôn yêu con…”

Sưu tầm