SỰ THINH LẶNG TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

zzGiữ thinh lặng là một nét đặc sắc của các tu sĩ chiêm niệm trong các đan viện.  Nó cũng là điều được khuyến khích và thường được tôn trọng trong những cuộc tĩnh tâm dành cho bất kì ai, không phân biệt linh mục, tu sĩ hay giáo dân.  Mục đích của việc giữ thinh lặng là để suy gẫm, để gặp gỡ Thiên Chúa.

Có hai thứ thinh lặng: Thinh lặng bên ngoài và thinh lặng bên trong hay nội tâm.  Sự thinh lặng bên ngoài chủ yếu cốt ở tránh giao tiếp bằng lời nói với những người chung quanh.  Ngược lại, sự thinh lặng bên trong không liên quan gì đến tương quan với người khác, nhưng chỉ liên hệ đến chính bản thân.  Như chúng ta đều biết, nội tâm chúng ta làm xuất hiện những ý tưởng, những hình ảnh và những điều tưởng tượng không liên quan gì đến việc cầu nguyện; trong nội tâm chúng ta nhiều khi nổi dậy những tình cảm và cảm xúc tự nhiên như vui, buồn, giận v.v… mà chúng ta quen gọi là thất tình.

Vậy thinh lặng nội tâm cốt ở tránh tất cả những cái đó mà chúng ta coi như là những tiếng nói và những tiếng động gây ồn ào bên trong.  Chính cái ồn ào hay náo động này phá sự yên tĩnh của tâm hồn. Chúng ngăn cản tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa, sống hiệp nhất với Ngài, lắng nghe những lời nhắn nhủ của Ngài, đón nhận ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, thưa gửi cùng Thiên Chúa và giải bày với Ngài những tâm tình, những ước nguyện .v.v.

Như vậy, giữ thinh lặng bên trong là để cầu nguyện.  Vì thế, trong viễn tượng đạo đức, sự thinh lặng bên ngoài chỉ có ý nghĩa khi nó tán trợ hay bảo vệ sự thinh lặng bên trong.  Cần nói như vậy vì trong không ít trường hợp, sự thinh lặng bên ngoài lại chỉ là cái bình phong che đậy cả một thế giới nội tâm ồn ào, náo động.  Sự thinh lặng bên ngoài còn được hiểu theo nghĩa rộng là phải tránh nghe, đọc hay xem những gì có thể phá rối sự trầm mặc của tâm hồn.  Nhưng cũng vì ý nghĩa hay mục đích của sự thinh lặng bên ngoài là như thế, nên sự thinh lặng này có tính cách mềm dẻo, nghĩa là, trừ trường hợp nó phải được tuân giữ tuyệt đối, nó vẫn cho phép có những cuộc trao đổi hay nói chuyện về Thiên Chúa và về những vấn đề thiêng liêng, những giờ cầu nguyện chung bằng lời kinh, tiếng hát, những lời khấn nguyện trong lúc riêng tư.

Nói giữ thinh lặng bên trong để cầu nguyện, tức là nhận có sự phân biệt giữa thinh lặng nội tâm và cầu nguyện.  Nên nhắc đến sự phân biệt này, bởi lẽ chúng ta thấy rằng môn Yoga hay thiền Ấn Độ, kể cả thiền Phật Giáo, cũng tìm sự thinh lặng nội tâm, nhưng không phải để cầu nguyện.  Tuy sự thinh lặng nội tâm khác với sự cầu nguyện, nhưng cả hai gắn liền với nhau chặt chẽ; cái thứ nhất là điều kiện cần thiết cho cái thứ hai; cái thứ nhất là phương thế, còn cái thứ hai là mục đích.

Vì sự thinh lặng nội tâm cốt ở sự vắng bóng những cái gây ồn ào náo động trong tâm hồn, nên chúng ta có thể hình dung đây là tâm hồn rỗng không.  Nhưng vì là rỗng không để cầu nguyện, nên điều này cũng có nghiã là tâm hồn rỗng không để được đầy tràn, và cái làm đầy tràn chính là sự hiện diện của Thiên Chúa.  Nói cách khác, giữ thinh lặng nội tâm đồng nghĩa với việc gạt bỏ những cái gây ồn ào náo động để tâm hồn được yên tĩnh, vì đó là nơi dành riêng cho Thiên Chúa, Đấng còn được gọi là Thiên Chúa thinh lặng.

Sự thinh lặng nội tâm có nhiều mức độ.  Con người càng sống siêu thoát, nghĩa là càng từ bỏ mình và thế gian, thì sự thinh lặng càng sâu xa, bởi vì cái tôi được nuông chiều và thế gian được ham thích chính là những cái gây ồn ào náo động.  Vì thế, ngày xưa các vị tu rừng vào rừng sâu hay sa mạc là nơi thanh vắng để bỏ lại mọi sự thế gian như tiền của, danh giá, địa vị.  Họ từ bỏ mình bằng cách bắt thân xác chịu cực khổ, như mỗi ngày hay vài ngày mới ăn một bữa rất đạm bạc, mỗi đêm chỉ ngủ vài ba giờ. Có vị còn đeo xiềng xích nặng nề, tự giam mình trong chòi không đủ cao để đứng và không đủ dài để nằm, v.v…  Bằng lối sống siêu thoát như vậy, họ có ý giữ cho tâm hồn được yên tĩnh để ngày đêm gặp gỡ Thiên Chúa, hay nói cách khác, để cầu nguyện liên tục trừ lúc ngủ.  Điều vừa nói chứng tỏ rằng sự thinh lặng nội tâm là thành quả của sự từ bỏ và của cả một công trình tu luyện.  Cũng vì thế mà có thể nói rằng chỉ các vị thánh – thánh ở đây hiểu theo nghĩa thánh Công Giáo – mới là những người giữ được sự thinh lặng nội tâm sâu xa.  Nhưng không được phép nói ngược lại rằng người giữ được sự thinh lặng nội tâm sâu xa là người thánh.  Thực vậy, sự thinh lặng nội tâm tự nó không phải là cầu nguyện hay hiệp nhất với Thiên Chúa, vì như đã nói trên, có những người ngoài Công giáo cũng từ bỏ mình và từ bỏ thế gian để đi tìm sự thinh lặng nội tâm.  Vậy khi nói thinh lặng nội tâm, chúng ta chú ý đến một khía cạnh của linh hồn trong quan hệ với Thiên Chúa, đó là gạt ra ngoài các thứ “tiếng động” và “ồn ào” do xác thịt, thế gian và ma quỷ gây ra trong tâm hồn, để nhờ đó chúng ta mới có thể chăm chú gặp gỡ Thiên Chúa với thái độ lắng nghe.  Đây là lúc chúng ta ở trong tình trạng hồi tâm, thu tâm (recueillement).  Giữa lúc này, những tiếng động và ồn ào có thể tái xuất hiện và đe dọa phá vỡ tình trạng thu tâm kia.  Nhưng dù chúng ta chưa là thánh nhân, chúng ta vẫn có thể, nhờ ơn phù trợ của Thiên Chúa, cố gắng ngăn cản được chúng.  Chính sự cố gắng này cũng góp phần vào việc chúng ta chống lại sự cám dỗ của xác thịt, thế gian và ma quỷ.

Sau cùng, sự thinh lặng nội tâm cũng cần được bảo vệ và nâng đỡ bằng cảnh vật yên tĩnh bên ngoài do sự vắng bóng những người qua lại.  Khi đọc Phúc Âm chúng ta biết Chúa Giêsu, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan, đã vào sa mạc cô tịch và sống ở đó bốn mươi đêm ngày.  Trong quãng đời hoạt động công khai, Ngài từng tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện: trên núi (Mt 14,23; Mc 6,46; Lc 9,28), trên núi vào lúc đêm khuya (Lc 6,12); nơi hoang vắng (Lc 5,16); nơi hoang vắng và sáng sớm, lúc trời còn tối mịt (Mc 1.35); trong vườn Giêtsêmani vào lúc đêm khuya (Mt 26, 36-46).

Hẳn không ai phủ nhận rằng những nơi thanh vắng, cô tịch là khung cảnh thuận lợi để nâng đỡ và bảo vệ sự thinh lặng nội tâm.  Vì thế, các đan viện của các Dòng tu chiêm niệm, nếu không ở những nơi hiu quạnh thì ít ra cũng nằm trong những khu đất được vây kín.  Các nhà tĩnh tâm cũng thường là những nơi tĩnh mịch, vắng vẻ.  Ngay các tu viện hoạt động tông đồ, khi có thể, cũng có một khoảng đất nhỏ yên tĩnh, một mảnh vuờn kín đáo chẳng hạn, để dùng làm nơi cho tâm hồn hưởng những giây phút thư giãn và thanh thản, hoặc sống trầm mặc trong bầu khí êm dịu của cầu nguyện.

Rôcô Đinh Văn Trung, S.J.

Trích Tập San Hiện Diện

TÔI ĐI TÌM CÁT

zzSông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
(Sông lấp – Tú Xương)

Nghe tiếng ếch văng vẳng bên tai mà thi nhân xao xuyến trong lòng, như thấy đồng vọng đâu đây tiếng gọi đò tha thiết.  Không còn sông, bởi “sông kia rày đã nên đồng”.  Hình ảnh một con sông quê với tiếng gọi đò văng vẳng trong đêm đã trôi vào quên lãng, đã chìm vào quá khứ, vậy mà bỗng nhiên trỗi dậy trong tâm tưởng, đánh thức trái tim, khua lên xao xác những hồi cố ngọt ngào.  Thế nên mới phải “giật mình”…

Nhớ sông xanh, nhớ đò xưa, thi nhân giật mình hoài niệm quá khứ ngọt ngào.  Tôi cũng từng “giật mình” giống thi nhân xưa, nhưng là giật mình… đi tìm cát!

Một trong nhiều tiêu chuẩn để đánh giá mức độ phát triển của một vùng đó là vùng đó đã đô thị hóa được bao nhiêu phần trăm.  Mức độ đô thị hóa lại đi kèm với bê tông hóa, càng nhiều bê tông cốt thép bao nhiêu, tốc độ “hóa thành thị dân” càng tăng bấy nhiêu.  Hiên nhà được tráng xi măng, đường phố được trải nhựa, vỉa hè lát gạch hoặc đổ bê tông dày cả gang tay…  Sân cát trở nên món hàng xa xỉ, trở thành đối tượng để ước mong, để hoài niệm!

Đô thị hóa lan tới đâu, sân cát mất dần tới đó!  Cỏ cây không còn đất để mọc, trẻ em mất sân chơi tự nhiên để rồi dán chặt mắt vào màn hình vi tính, hết game online đến thế giới ảo, dần dần đánh mất cuộc sống thực với biết bao mối tương quan thân yêu và dễ thương, các em cũng dần lãng quên những trò chơi sôi động và hào hứng trên sân cát bụi mù: chơi khăng, đánh đáo, rồng rắn lên mây, bắn bi, trốn tìm, bịt mắt bắt dê,…

Giật mình trong đêm, tôi mơ về sân cát tuổi thơ lấm lem bụi đất, rộn rã tiếng cười, chan chứa tình bạn!

Không chỉ giật mình hoài niệm về những trò chơi vui nhộn trên sân cát cùng các bạn thuở xưa, tôi còn giật mình lo lắng đi tìm cát!  Tìm cát vì: “Bí quyết hạnh phúc phải chăng là ghi lên mặt cát những phiền muộn, và khắc sâu vào đá những vui tươi của chúng ta?!

Những khoảng sân cát ngày xưa, hôm nay đây dần vắng bóng!  Biết tìm cát nơi đâu để “viết phiền muộn lên đó, nhờ gió cuốn đi”?

Nơi đâu nhiều cát cho bằng sa mạc!  Muốn tìm thật nhiều cát, nơi đâu cho bằng tiến vào sa mạc.  Sa mạc thiên nhiên giữa đất trời thì khó kiếm do ở xa, khó vào vì thiếu phương tiện, nhưng “Sa mạc cõi lòng” của mỗi người thì bản thân đương sự có thể gặp thấy bất cứ lúc nào và bất kỳ thời điểm nào cũng có thể vào, nếu thực sự muốn!

Đôi khi chính bản thân mỗi người có thể chủ động để quyết định đi vào “sa mạc lòng” của mình, và cũng thường khi chính Thiên Chúa sẽ “dẫn dụ” họ đi vào nơi đó: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16).

Quả thế, khi vào sa mạc, tôi có thật là nhiều cát để viết, để vẽ tất cả nỗi phiền muộn tha nhân đã “dành” cho tôi, cũng như “khai báo” tất cả lầm lỡ, yếu đuối của bản thân, rồi khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng từ bi và nhân hậu đến như cơn gió mát thổi bay, xóa mờ tất cả những nét vẽ nét chữ nguệch ngoạc đó!

Nơi sa mạc, tôi gặp được một vị Thiên Chúa sẵn sàng “ngoảnh mặt” đi mà “không nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm” (Tv 51,11), và như thế tôi sẽ “được thanh tẩy”, để “trở nên trắng hơn tuyết” (Tv 51,7).  Tôi sẽ dìm mình vào lòng thương xót của Chúa và được thứ tha!

Tới lượt tôi, tôi sẽ học được bài học tha thứ: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha nợ cho kẻ có nợ với chúng con” (Kinh Lạy Cha).

Trong sa mạc, Thiên Chúa sẽ thanh luyện, dạy dỗ và an ủi tôi… tôi sẽ được tái tạo, trưởng thành, thánh hóa, vượt qua phiền muộn của quá khứ để “vui luôn trong Chúa” (Pl 4,4) ngay giây phút này.

Tôi vào sa mạc đi tìm cát cũng là để tìm lại Tôi, con-người-nguyên-sơ trong trắng đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa!

Chiên Già

****************************************

Lạy Chúa, con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện, không có giờ đi vào sa mạc để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.  Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.  Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu là con có thể tạo ra sa mạc.

Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa mà con đã bỏ mất: Khi chờ một người bạn, chờ đèn xanh ở ngã tư, chờ món hàng đang được gói; Khi lên cầu thang, khi đến nơi làm việc, khi kẹt xe, khi cúp điện bất ngờ.  Thay vì bực bội hay nóng ruột con lại thấy mình sống an bình trong sự hiện diện của Chúa.

Lạy Chúa, những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày giúp con tỉnh thức để nhạy cảm với ý Chúa.  Xin cho con yêu mến Chúa hơn để tìm ra những sa mạc mới và vui vẻ bước vào.

LM Nguyễn Cao Siêu

 

RA ĐI

Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho dân Israel. Ngài còn tỏ mình cho các dân tộc khác, vì Ngài muốn cứu độ mọi người, chẳng trừ một ai.

ZZCác nhà chiêm tinh vùng Babylon là đại diện cho dân ngoại. Đối với họ, bầu trời là một cuốn sách, các vì sao nói về những biến cố trên địa cầu. Có thể Thiên Chúa đã muốn dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu Con Ngài chào đời. Thiên Chúa chấp nhận dùng thứ ngôn ngữ đầy khiếm khuyết đó để mời họ lên đường đi gặp Đấng Cứu Độ.

Hôm nay, Ngài vẫn ngỏ lời với những ai chưa biết Ngài bằng muôn vàn cách thức khác nhau, khiến họ hiểu được. Thiên Chúa vẫn làm sáng lên muôn ánh sao, không ở trên trời cao, nhưng ở trong lòng người.  Ánh sao có thể là một lý tưởng, một khát vọng mãnh liệt: Khát vọng sự thật, tự do, ấm no, hạnh phúc?  Ánh sao đưa con người lên đường tìm kiếm, và Ngài không ngừng ban niềm vui trong suốt cuộc hành trình.

Các nhà chiêm tinh đã phải ra khỏi nhà, ra khỏi mình, ra khỏi những định kiến, để đón tiếp cái bất ngờ. Họ chỉ mong được bái lạy vị Vua mới sinh. Nhưng vị Vua này chẳng ở Giêrusalem cao sang, mà lại ở vùng Bêlem bé nhỏ. Vị lãnh tụ dân Israel chỉ là một hài nhi bình thường, sống trong một căn nhà bình thường.

Hêrôđê bối rối lo sợ khi nghe tin sinh hạ Vua Do thái. Các thượng tế và kinh sư tuy biết rõ nơi Ngài sinh, nhưng họ không muốn lên đường tìm kiếm. Các nhà chiêm tinh chỉ có một cái biết mơ hồ, nhưng họ đã can đảm ra đi, tích cực tìm kiếm, tin tưởng sấp mình bái lạy và cung kính dâng lễ vật.

Vẫn có đám đông những người không phải là Kitô hữu đang miệt mài nghiên cứu trong mọi lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, tư tưởng…, đang gắng công tu tập trong các tôn giáo, hay đang tận tụy làm cho trái đất được tốt đẹp hơn. Có ánh sáng nào soi chiếu nẻo đường họ đi. Họ đã chấp nhận bao hy sinh từ bỏ, để nhẹ nhàng, thanh tịnh mà tiến bước.

Các nhà chiêm tinh ngày xưa đã gặp được Đấng họ tìm. Hôm nay, còn bao người vẫn trên đường dong ruổi. Thiên Chúa đồng hành với họ mà họ chẳng hay. Họ đã ở gần Chúa ngay khi chưa gặp Ngài.

Lễ Chúa Hiển Linh mời ta nhận ra và trân trọng hoạt động của Thiên Chúa nơi anh chị em ngoài Kitô giáo. Có khi chúng ta giống các thượng tế và kinh sư tự mãn với cái biết lý thuyết của mình về Thiên Chúa, nên chẳng muốn lên đường gặp mặt Ngài.

Ước gì chúng ta không coi mình như người đã tìm thấy, nhưng khiêm tốn học hỏi nơi những người đang tìm kiếm.

***

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con.

Xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa. Và xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi để đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài đồng hành chia sẻ buồn vui cuộc đời. Amen.

(Trích trong Manna)