NGÔN SỨ

 

Tôi bảo thật các ông: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”(Lc.4:24)….họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

***************

Bạn thân mến!  Trên đây là một đoạn văn ngắn ngủi trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.  Đó là những gì đã xảy ra khi Chúa Giêsu thuyết giảng nơi quê hươnZZg của Ngài. Dân làng đã ngỡ ngàng thán phục trước lời Ngài nói. Hãnh diện biết mấy khi một thành viên trong làng, nay được tiếng tăm lẫy lừng khắp miền Galilê!   Nhưng khi Chúa Giêsu nói với đồng bào đồng hương của Ngài rằng: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên Tôi và chính Tôi đã làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh” thì lập tức dân làng cảm thấy khó chịu ngay. Cả hội đường đều nghi ngờ và họ đã xầm xì bàn tán với nhau:

-“Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc.4:22). Ký ức của họ vẫn còn giữ nguyên những hình ảnh của Đức Giêsu sống tại đây hơn ba mươi năm qua. Một cuộc sống quá đỗi bình thường!  Một ông thợ mộc, con một ông thợ mộc khác. Gốc gác, họ hàng của Đức Giêsu, họ đều nắm rõ. Tiếc là họ đã không thể đi xa hơn.  Cái hiểu biết trước đây khiến họ mãn nguyện, tự hào, và tưởng mình chẳng còn gì để biết thêm về Giêsu.

-“Những gì ông đã làm ở Caphácnaum, hãy làm ở đây xem.” (Lc.4:23).  Người làng Naziarét không tin Đức Giêsu là ngôn sứ. Họ muốn Ngài chứng minh bằng phép lạ.  Họ muốn thấy tận mắt, chứ không chỉ nghe nói thôi. Nhưng Đức Giêsu không làm phép lạ để ép người ta tin.

Lời xầm xì càng lúc càng lớn và chẳng bao lâu dân chúng bắt đầu la lên. Rồi tình hình trở nên náo động, không thể kiềm chế được nữa. Tin Mừng thuật lại rằng: “Dân chúng đứng dậy kéo Chúa Giêsu ra khỏi thành và dẫn Ngài lên đỉnh đồi, dự tính xô Ngài lộn đầu xuống dưới. Nhưng Ngài đã bước qua giữa họ và bỏ đi nơi khác”. (Lc.4:29)

Bạn thân mến! Chúa Giêsu là gương mẫu cho các sứ giả Tin Mừng hôm nay. Ngày nay sứ vụ rao giảng Tin Mừng vẫn được Giáo Hội tiếp tục thi hành trên khắp thế giới.  Biết bao người đã được ơn gọi lãnh nhận sứ vụ làm “Sứ giả Tin Mừng”, đã hân hoan thi hành sứ vụ của mình một cách can đảm, nhiệt thành và kiên trì rất đáng kính phục.  Họ cũng gặp đủ mọi thử thách, chống đối, ghen ghét, hãm hại bởi những người không muốn đón nhận Tin Mừng. Họ đã sẵn sàng chịu đủ thứ cực hình khổ nạn và ngay cả cái chết nữa vì sứ vụ rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.

Và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Giêsu Kitô khi chúng ta được xức dầu trong Bí tích Rửa Tội; vì thế chẳng những chúng ta chỉ nghe và sống Lời Chúa cho chính mình, nhưng còn phải quyết tâm đem Lời Chúa đến cho những người chung quanh chúng ta nữa.

***

Lạy Chúa Giêsu, dân làng Naziarét đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là con của bác thợ mộc.  Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều người đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người rất bình thường.

Cũng có lúc con không tin Chúa hiện diện nơi tấm bánh nhỏ bé mong manh, hiện diện nơi một linh mục yếu đuối, và nhất là hiện diện trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì rất bình thường mà thế gian chê bỏ. Chúa muốn thế để con được nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.  Xin thêm lòng tin yêu cho con để con nhìn thấy Ngài luôn hiện diện bên con, hôm nay và mãi mãi. Amen

Tổng Hợp từ R. Veritas

(BĐ1: Jer 1:4-5,17-19 BĐ2: 1Cor 12:31-13:13, PÂ Lc.4:21-30)

MỘT LỜI CẢNH BÁO ĐÁNG SUY TƯ

Trên tờ Records của giáo phận Perth, Australia, có đăng lời tâm sự của một cựu linh mục, một nhà thần học sau gần 20 năm trong thiên chức linh mục, nay đã hoàn tục. Bài tâm sự này là một lời cảnh báo cho tất cả chúng ta không nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện hằng ngày.

“Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô. Tôi xác quyết rằng dù sống hay dù chết, dù tù đày, bắt bớ, dù khốn cùng, quẫn bách. Không có gì tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa, trong Đức Kitô”.

Tôi đã nhiều lần gân cổ, mặt đanh lại khi hát những câu hát trên.  Cứ tưởng như là chỉ cần gào to lên như vậy thì tôi sẽ đời đời sống trong lòng mến của Thiên Chúa. Thật ra, cũng không hoàn toàn là vô lý.  Thật sự, đúng là tù đày, bắt bớ, khốn cùng, quẫn bách đã không tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa.  Nhưng, đơn giản là vì những thứ ấy không xảy ra trên đất nước tự do này.  Ai dám bỏ tù tôi, ai dám kỳ thị tôi, ngược đãi tôi vì tôi là người Công giáo, tôi kiện lên họ tới Tối Cao Pháp Viện chứ chơi à.

Tuy nhiên, đã có một thứ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn đã không chỉ tách tôi mà thực sự là “bứng” tôi hoàn toàn khỏi lòng mến của Thiên Chúa: Một đời sống bận rộn và thiếu sự cầu nguyện.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thần học ở Rôma, tôi đã nổi như cồn với tác phẩm đầu tay “Tiếng thở dài”.  Cuốn sách trình bày những suy tư thần học về ý nghĩa của sự đau khổ trong kiếp nhân sinh này, đã được bề trên, các linh mục và anh chị em giáo dân đón nhận nhiệt liệt.  Có những người viết thư cho tôi cho biết họ tìm lại được đức tin sau khi đọc cuốn sách đó.  Họ tìm lại được lòng trông cậy vào Chúa và khen nức nở các ý kiến của tôi.  Mỗi khi có chuyện không như ý, theo lời khuyên trong cuốn sách, họ cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hằng yêu thương con.  Con phó thác mọi sự trong tay Chúa. Nhưng, lạy Chúa, qua chuyện không vui này, Chúa muốn nói với con điều gì?”.

zzKhốn nạn thân tôi, trong khi khuyên người ta cầu nguyện, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện.  Tôi miệt mài trong các thư viện, cố viết hay hơn nữa, nhiều hơn nữa.  Tôi tưởng tôi đã gặp được Chúa trong những suy tư thần học, cho nên tôi xao lãng đời sống cầu nguyện, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng và trong các tác phẩm của tôi.  Có lẽ, tôi đã cho rằng cầu nguyện chỉ là hình thức cấp thấp dành cho những người bình dân.  Siêu đẳng như tôi thì không cần.  Càng ngày tôi cũng càng ít có giờ cho giáo dân và càng ngày tôi càng bướng bỉnh và kiêu căng với các đấng bề trên.  Chuyện gì đến cũng đã đến.  Tôi không muốn sa vào những phân tích vụn vặt.  Điều tôi muốn nói với các bạn sau nhiều năm suy tư, sau những đêm dài không ngủ và trong sự hối tiếc chân thành của tôi là sự thật đơn giản này: Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài.  Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa.

Chẳng vậy, mà trong Phúc âm biết bao nhiêu lần chúng ta gặp câu này: “Sau đó, Người lui vào một nơi thanh vắng mà cầu nguyện”.  Chính Chúa Con mỗi ngày còn cần đến sự cầu nguyện ở nơi thanh vắng để hiểu được ý Chúa Cha.  Chúng ta là ai, tư cách gì, mà đòi có thể biết được ý Chúa qua trí khôn, qua sự xét đoán nông cạn của mình trong cái náo nhiệt, bận rộn của cuộc sống quay cuồng chung quanh.

Chẳng vậy, tất cả các lần Đức Mẹ hiện ra, Mẹ đã không nói gì nhiều hơn là lặp lại tiếng kêu gọi khẩn cấp hãy cầu nguyện đó sao. Chúng ta cũng nhìn thấy điều này nơi các Thánh mà chúng ta hằng tôn kính.  Chính sự cầu nguyện đã giúp các Ngài nên Thánh.

Tôi đặc biệt mong muốn lặp lại ở đây những điều Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã viết trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”:

Việc cầu nguyện vừa là tìm tòi Thiên Chúa, vừa là mặc khải Thiên Chúa.  Nơi việc cầu nguyện của ta, Thiên Chúa tỏ rõ Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Cha, là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa Cứu Thế, là Thần Khí “dò thấu mọi sự, cả đến những gì sâu xa nhất của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10), cũng như dò thấu những gì bí mật của tâm hồn.  Trong việc cầu nguyện, trước hết, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là tình thương xót, nghĩa là một Tình yêu đi tới gặp con người đau khổ. Tình yêu này nâng đỡ, vực dậy và mời gọi chúng ta hãy tin tưởng”.

Trên tất cả mọi sự, tôi nhận rõ rằng chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.

*************************************

Những lời cảnh báo này thật đáng suy nghĩ.  Bao nhiêu lần tôi đi dự lễ ngày Chúa Nhật mà chỉ mong cha làm cho nhanh nhanh để tôi về còn lo làm chuyện khác.  Tôi có chuyện gì đáng lo hơn là phần rỗi linh hồn của tôi.

Tôi có một công việc rồi, còn muốn kiếm thêm một công việc nữa đến nỗi không còn có giờ cầu nguyện nữa.  Sống như điên, cày như điên như thế có phải là cuộc sống được chúc phúc không?

Đặng Tự Do

EVA, CAIN, SA-UN THỜI HIỆN ĐẠI!

Mở lại những trang đầu của sách Sáng Thế, người ta đọc và thấy những trang sách ghi lại tình cảm hết sức tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người.  Cứ chiều chiều, Thiên Chúa đến và đi dạo với hai ông bà trong vườn địa đàng.  Trong cuộc đi dạo ấy, ắt hẳn Thiên Chúa như người tình đến thỏ thẻ, thủ thỉ với hai ông bà và hai ông bà cũng thỏ thẻ tâm sự với Chúa.  “Mối tình đầu” trong sách Sáng Thế Ký thật nên thơ.

“Mối tình đầu” đang triển nở một cách tốt đẹp bỗng dưng con rắn dữ xuất hiện.  Nó đã gieo những lời ngon ngọt rằng khi ăn “trái ấy” vào thì ông bà sẽ bằng Thiên Chúa.  Nhưng Khi ăn vào rồi thì sự thật lại khác.  Sự thật chính là sự tan vỡ của mối tình đầu lãng mạn mà Thiên Chúa dành cho con người.  Eva muốn bằng Thiên Chúa, muốn đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình nên bóp nghẹt sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa bằng hành động hái trái cấm.

zzTưởng chừng kinh nghiệm của hai ông bà nguyên tổ sẽ là kinh nghiệm quý báu cho con cháu.  Nhưng không, trường hợp hai đứa con đầu lòng của ông bà đã đi theo vết xe cũ của cha mẹ.  Không đơn giản như hai ông bà mà Cain đã cam tâm giết em mình là Aben.  Cain và Aben là hai anh em ruột thịt hằng ngày vẫn yêu mến, hoà thuận với nhau.  Thế rồi, sau khi thu hoạch hoa màu lợi tức, hai anh em cùng nhau dâng của lễ đầu mùa lên Thiên Chúa.  Thiên Chúa nhận lễ vật của Aben mà từ khước lễ vật của Cain.  Thế là từ đó, trong Cain phát sinh lòng ghen tỵ.  Lòng ghen tị lớn dần lấn át cả tình anh em ruột thịt khiến Cain dụ em ra đồng và xông vào đánh chết em mình.  Chính lòng ghen tị trong tâm hồn Cain là nguyên nhân chính xui khiến anh giết chết Aben.

Một trường hợp tương tự khác là vua Sa-un và Đavít.

Thời ấy, Gô-li-át, một kiện tướng của quân Philitinh, một người khổng lồ có sức mạnh vô địch, khiêu chiến với quân Ít-ra-en.  Trong hàng ngũ quân Ít- ra-en, không ai dám đương đầu với tên khổng lồ ấy.  May thay, Đa-vít xuất hiện kịp thời.  Cậu dùng ná bắn lủng trán Gô-li-át, rồi dùng chính gươm của y mà chặt đầu y.  Quân Ít-ra-en thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, đánh tan quân địch không còn manh giáp.  Sau đó, phụ nữ từ các thành Ít-ra-en tuôn ra các ngã đường chào mừng vua Sa-un chiến thắng và ca tụng Đa-vít như vị anh hùng kiệt xuất: “Vua Sa-un giết được một ngàn, còn Đa-vít giết được hàng vạn” (I Sm 18, 6-8).  Lời ca tụng đó làm cho lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Sa-un.  Nhà vua tìm mọi cách tiêu diệt Đa-vít và cuối cùng đem quân truy lùng tận những hang núi sâu, mưu toan tiêu diệt vị anh hùng tài năng và dũng cảm này.

Eva, Cain, Sa-un vẫn vịn vào cái lý cái lẽ ác tâm sẵn có trong lòng mình để hại người công chính.   Eva, Cain, Sa-un chỉ đăm đăm vào cái tôi của mình, vào lợi danh của mình mà quên đi tình Chúa – tình người.

Những bài học về Eva, Cain, Sa-un lẽ ra là bài học quý báu cho con người, nhưng ngày nay vẫn nổi lên quá nhiều khuôn mặt của Eva, Cain và Sa-un.  Điều đáng tiếc là dẫu cho có nhiều tiếng kêu ai oán về hành động giết người, nhưng ngày nay vẫn có quá nhiều khuôn mặt Eva, Cain và Sa-un thời hiện đại.  Eva, Cain và Sa-un vẫn cứ giả điếc làm ngơ để mặc cho sự dữ tiếp diễn để thoả mãn dục vọng đen tối của mình.

Giả như Thiên Chúa xa lạ để Eva hành xử như thế thì cũng chẳng có gì để bàn nhưng Thiên Chúa đã yêu thương hai ông bà hết mực.

Giả như Cain và Eben là người dưng nước lã để Cain giết Aben thì nhẹ tôi nhưng đàng này lại là anh em cùng cha cùng mẹ.  Cain và Aben đã hơn một lần ăn chung, uống chung, ngủ chung và thậm chí bú chung dòng sữa mẹ nhưng Cain đã quên đi mối tình ruột thịt ấy.

Sa-un và Đavit cũng vậy.  Cả hai như là người một nhà vì sau khi thắng trận Sa-un đã gả con gái lớn của vua cho Đavit.  Như một nhà, ấy vậy mà Sa-un đã ra tay sát hại Đavit.

Đứng trước sự ác, sự dữ lan tràn mặt đất như thế này chắc có lẽ không còn con đường nào khác là con đường lặng thinh và cầu nguyện.  Tiếng kêu ai oán về tình Chúa – tình người, về lòng nhân hình như cứ như vô vọng trước những con người như Eva, Cain và Sa-un thời hiện đại.

Có thể ngày hôm nay người ta thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu đời sống kết hợp mật thiết với Chúa nên sự ác và sự dữ hoành hành một cách khốc liệt như thế này!  Cố lên và cố lên!  Thêm một lời cầu nguyện cho Eva, cho Cain và cho Sa-un thời hiện đại.  Biết đâu Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi lòng của những Eva, Cain và Sa-un thời hiện đại.

Thanh Tâm

NĂM HỒNG ÂN

Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).

***

ZZBạn thân mến! Trên đây là tiếng nói vang vọng của Đức Giêsu khi Ngài đọc sách Thánh trong hội đường Do Thái tại Nadarét. Trong chuyến trở về thăm lại quê hương xứ sở, nơi mà Ngài đã sống 30 năm trong thân phận con người.  Làm sao Ngài quên được mảnh đất làng quê đã ấp ủ mình, nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn.  Hơn nữa Ngài cũng không cắt đứt với tôn giáo của cha ông.  Ngài vẫn là một người Do Thái ngoan đạo, quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sa-bát, để thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.

Sau khi đọc xong sách Thánh, Ngài ngồi xuống và giải thích Lời Chúa cho mọi người.  Cử chỉ của Ngài thật trang trọng, đĩnh đạc, khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại. Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.  Mọi người đều chăm chú nghe lời Ngài giảng.

Ðoạn sách Ngài đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia. Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày.  Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do. Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này. Vì thế Ngài mới lên tiếng nói với dân chúng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc.4.21 Ngài thấy đoạn sách phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình. Ðây là một hướng đi mà Ngài phải theo đuổi, một chương trình hành động mà Ngài muốn hoàn thành.  Suốt đời Ngài sẽ thực hành chương trình này.). Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Ðức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần cách đặc biệt. Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo, nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói. Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài cho người mù được sáng mắt và nhìn thấy trong niềm tin.  Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn người gây áp bức bóc lột.  Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài, sống như con của Cha và như là anh em của nhau. Ngài khai mạc một Năm Thánh, Năm Hồng Ân Ơn Cứu Độ.

***

Lạy Chúa Thánh Thần!  Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và trong lòng mọi người xung quanh con. Xin cho  con luôn tìm đến với anh chị em của con hơn là tìm an nhàn cho chính bản thân mình, để nhờ biết quan tâm cho người chung quanh, con cũng sẽ được vui hưởng niềm vui Ơn Cứu Độ và lãnh nhận hồng phúc của năm Hồng Ân mà Thiên Chúa đã hứa ban. Amen.

(Tổng hợp từ R. Veritas)

(BĐ1: Nêhêmya 8,1-4a.5-6.8-10; BĐ2:1Côrintô 12,12-30; PÂ: Luca 1,1-4; 4,14)

 

NHIÊN LIỆU

Nó tự thấy rằng khi muốn cho chiếc xe gắn máy có thể chuyển bánh để đưa Nó đi đây đi đó thì phải cần có nhiên liệu.  Nhiên liệu đó có thể là xăng, cũng có thể là dầu, điện hay một nguồn năng lượng nào đó.  Nghĩ đến đây Nó bỗng thắc mắc với lòng mình, vậy nhiên liệu để hằng ngày Nó có thể sống và hoạt động là gì?  Liệu có phải là cơm là bánh hay không?

Nhu cầu ăn uống tuy là nhu cầu căn bản của con người, nhưng Nó nghĩ đó không phải là tất cả nhu cầu của cuộc sống con người.  Nếu chỉ sống dựa trên lương thực là cơm, là bánh, thì cuộc sống có nhàm chán hay không?  Vậy cái gì mới là nguồn nhiên liệu chính để nuôi sống con người – Nó tự hỏi như thế.  Và rồi, lại một lần nữa Nó đi tìm lời giải đáp trong Kinh Thánh.

zz

  1. Nó bắt gặp câu Kinh Thánh trong Tin Mừng Matthêu:

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh,
Nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).

Nó thiết nghĩ sống lời của Chúa là sống trọn vẹn tình yêu thương, giống như mẫu gương mà chính Chúa Giê-su đã sống, Ngài đã yêu thương đến cùng – yêu thương không khước từ cả cái chết.  Chính lúc yêu thương anh em, những người mà Nó đang sống cùng và sống với, thì Nó mới tìm ra ý nghĩa của đời mình.  Yêu thương mới chính là nguồn lương thực nuôi dưỡng cho trái tim Nó triển nở hơn.

  1. Đi thêm một đoạn, Nó cảm thấy ấm lòng hơn, yên tâm hơn với lời mời gọi của Chúa như đang tha thiết vẫy gọi Nó đến bên Ngài, để dìm mình vào trái tim Ngài mà kín múc ân sủng như lương thực nuôi dưỡng tinh thần Nó sau những ngày sống và làm việc mệt mỏi.

     Chúa mời Nó:“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,
     hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28).

Trong cuộc sống hàng ngày của Nó cũng có khi nó mệt mỏi, nhọc nhằn, bất lực giống như một cỗ máy không thể khởi chạy vì không còn chút nhiên liệu nào nữa.  Những lúc ấy Nó muốn buông xuôi tất cả, theo kiểu nói của Đại thi hào Nguyễn Du: “Thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu”.  Nếu như cỗ máy cần phải dừng ở một cây xăng-dầu để tiếp thêm nhiên liệu cho những chặng đường trước mắt.  Nó thiết nghĩ, trong cuộc lữ hành của đời mình, Nó cũng cần dừng lại để nép mình vào trong trái tim của Chúa Giê-su để nghỉ ngơi với Thiên Chúa của lòng Nó.  Để rồi, những giây phút đó Ngài sẽ tiếp thêm nhựa sống, tiếp thêm nhiên liệu cho những hành trình kế tiếp của đời Nó.  Nghĩ đến đây Nó thấy mình thật hạnh phúc khi Nó có Thiên Chúa – là nguồn ẩn sủng không bao giờ cạn của đời mình.

DomStone

…Vào một buổi nọ, khi vừa viếng Mình Thánh Chúa xong, bước ra đến ngoài cửa có người bạn hỏi Nó: “Vào đó thấy gì không?”
Nghe câu hỏi của người bạn, rồi Nó bỗng nghĩ như vậy đấy….                                            

NGÀY ẤY … BÂY GIỜ …

Thời gian ơi xin dừng lại
Thời gian ơi xin dừng lại
Cho đôi tình nhân
Yêu trong muộn màng
Đừng khóc ly tan…

(Ai đưa em về – Nguyễn Ánh 9)

Thời gian trôi qua thật mau để rồi người ta cứ muốn kéo thời gian lại nhưng ai nào kéo thời gian được đâu?  Chỉ cần một giây trôi qua thôi thì mọi sự đã có thể thay đổi chứ huống hồ chi một phút, một giờ, một năm.  Dẫu biết thời gian là như thế, con người vẫn muốn thời gian dừng lại để thừa hưởng, để giữ lại cái vinh quang của tuổi xuân, của thời son trẻ nhưng nào ai có giữ được.  Tất cả đều nằm ngoài bàn tay với.  Danh, phận, sắc, … và tiền bạc cũng thế, tất cả đều trôi theo thời gian.  Tiền và danh cũng như bạc có lúc lên rồi có lúc xuống nhưng cuối cùng cũng trắng tay.  Cách riêng là nhan sắc, dù có cố giữ đi chăng nữa cuối cùng cũng chẳng còn chi khi bóng ngã chiều tà.

Mới đây, có người cất công đi tìm hiểu về cuộc đời của vai diễn Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương”, nữ diễn viên này mang luôn biệt danh này nhờ sự ái mộ của công chúng.  Bà cũng được coi là biểu tượng nhan sắc phụ nữ một thời ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung.

Với nhan sắc mà người ta gọi là trời phú cho bà, bà được thừa hưởng quá nhiều vinh quang của cuộc đời.  Thế nhưng, tất cả những vinh quang đó lui lại ở quá khứ.  Tiền bạc, tài sản, danh vọng bà cũng có đó nhưng những ngày luống tuổi, bà cùng chồng – là người cũng ở trên đỉnh của vinh quang – lại cùng nhau dắt díu nhau trở về vùng ven của chốn đô thị để tìm lại những ngày còn lại trong cõi lặng của đời người.

Sau khi trở thành ngôi sao tỏa sáng làng điện ảnh, bà được các hãng phim lúc bấy giờ mời vào vai chính liên tục.  Bà đóng rất nhiều phim (khoảng 60 phim) và trở thành nữ minh tinh số một với tiền cát-xê một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương 1 kg vàng 9999 thời bấy giờ).

Có thể nói giai đoạn rực rỡ nhất của bà là khoảng thời gian 1965 – 1972, phim nào có bà đóng cũng đạt doanh thu rất cao.  Năm 1969, bà đứng ra thành lập hãng phim riêng mang chính tên của bà.

Không chỉ hợp tác làm phim, đóng phim ở nước ngoài mà đi đâu, dự bất cứ cuộc liên hoan phim nào, bà cũng đều được trọng vọng, sánh ngang hàng zzvới các diễn viên nổi tiếng nước ngoài.  Bà là một trường hợp đặc biệt, hiếm có.  Đặc biệt, những ân sủng này chính là nhờ sự nổi tiếng, nhan sắc và tài năng của bà.  Đồng thời những năm đó, không chỉ tham gia đóng phim tình cảm tâm lý xã hội, bà cũng bước sang lĩnh vực phim hài và phim kinh dị.  Hầu như ở lĩnh vực nào, bà cũng thành công.

Không có gì tồn tại mãi trên cõi đời này, mà điều phù du nhất chính là nhan sắc.  Nhưng ở đời không ai được hưởng trọn vẹn may mắn, hạnh phúc luôn tiềm ẩn sự rủi ro, thậm chí cả bi kịch.  Những ai hiểu được điều này sẽ đồng cảm hơn với cuộc đời của người phụ nữ nổi tiếng này.

Sau những năm tháng của hào quang, những ngày này, bà tu tại gia, nghiên cứu Thiền học, làm từ thiện, hầu như ít tiếp xúc bên ngoài.  Cuộc đời của một “minh tinh màn bạc”, một phụ nữ “sắc nước hương trời”, sự nghiệp nghệ thuật lẫy lừng đã kết thúc với số phận nghiệt ngã.  Có lẽ, bà sẽ sống yên ổn với huyền thoại và hào quang cũ khi đi ra đường bao người ngưỡng mộ kéo nhau theo phía sau để nhìn mặt và xin chữ ký.

Có lẽ, bà cũng chỉ là một trong nhiều người đã, đang, từng và sẽ nổi tiếng và thành công bởi sắc đẹp, bởi tài năng, bởi khả năng của mình trong những ngày ấy nhưng cuối cùng cũng phải đối diện với cái hiện tại, cái thời khắc bây giờ.

Thánh vịnh 90 gửi gấm tâm tình thật hay :

Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

Không phải là bi quan, không phải là yếm thế, không phải là không còn lý tưởng để sống nhưng Thánh Vịnh nói “xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống” để chúng ta biết và nhắc nhớ với nhau rằng:

Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

Nhắc với nhau như thế để chúng ta vẫn sống trong cuộc lữ hành trần thế, ai ai trong chúng ta cũng cần chút tiền chút bạc để trang trải cuộc sống; ai ai trong chúng ta cũng cần một chút danh để lại với đời; ai ai trong chúng ta cũng cần chút sắc đẹp để phô diễn cho trần gian… nhưng cùng đích, căn cốt của con người vẫn là ơn cứu độ.

Sống trên đời này, chuyện quan trọng không phải là giàu hay nghèo, sang hay hèn, đẹp hay xấu nhưng cuối cùng làm sao đạt được Ơn Cứu Độ mà con người ngày đêm vẫn ngóng trông.  Thật luống công vô bổ khi ta quá đẹp, ta quá sang, ta quá giàu, ta quyền cao chức trọng nhưng “bây giờ”, giờ ta nhắm mắt xuôi tay ta chẳng được gì.  Có chăng được bộ đồ còn lại mặc trong người khi khâm liệm, mà bi đát nhất là cả cái nút áo người ta cũng cắt lại không để mang đi.

Đừng mãi hoài niệm cái “ngày ấy” xa xưa mà quên đi cái thực tại không chừng quá bi đát của “bây giờ” khi không còn chức còn quyền và dung nhan tàn tạ.

Vẫn có quyền hoài niệm một chút về “ngày ấy” nhưng hãy sống sao chọ đẹp phút “bây giờ” và quan trọng nhất là ngay “bây giờ” ta có phải ra đi ta hoàn toàn bình an và thanh thản vì ta đã ôm trọn Ơn Cứu Độ trong tay và vui vẻ thốt lên như cụ già Simêon:

Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài.  (Lc 2, 29-32)

Anmai, CSsR

 

HỌ HẾT RƯỢU RỒI

zzĐức Giêsu, Mẹ Ngài và các môn đệ cùng có mặt trong một đám cưới ở làng quê Cana. Đám cưới là một cuộc vui kéo dài cả tuần. Tiếc thay, tiệc nửa chừng thì hết rượu. Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên trong  cuộc đời rao giảng của Ngài. Ngài đã biến nước thành rượu. Ngài trả lại bầu khí vui tươi cho đám cưới.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay hay kể lại những dấu lạ có ý nghĩa. Những dấu lạ vén mở con người Đức Giêsu.

Làm bánh hóa nhiều cho thấy Đức Giêsu là Bánh thật. Chữa người mù bẩm sinh cho thấy Đức Giêsu là Ánh Sáng. Hoàn sinh Ladarô cho thấy Đức Giêsu là sự Sống Lại.

Dấu lạ ở tiệc cưới Cana cũng cho ta biết Ngài. Thứ nước dùng cho nghi thức tẩy uế của Do Thái giáo, Đức Giêsu biến nó thành rượu ngon, một lượng rượu khổng lồ vượt quá mức đòi hỏi.

Ngài biến nước của Cựu Ước thành rượu của Tân Ước. Như thế Ngài đã mở ra một thời đại mới, thời đại thiên sai, chan chứa niềm vui cứu độ. Cựu Ước không làm con người mãn nguyện. Con người vẫn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc.  Nhưng hạnh phúc vẫn là cái gì bèo bọt, mong manh.  Đức Giêsu cho thấy mình chính là Đấng Mêsia.  Ngài đến để thiết lập một trật tự mới dồi dào và phong phú, như rượu vừa nhiều vừa ngon.

Đức Giêsu đã dự tiệc cưới ở Cana.  Ngài muốn dự mọi bữa tiệc liên hoan của con người. Ngài muốn chia sẻ và bảo vệ niềm vui bé nhỏ nơi họ.  Đừng để Đức Giêsu đứng ngoài hạnh phúc của bạn. Đừng coi Ngài là người ganh ghét với niềm vui bạn có.  Nếu bạn nghe lời Ngài, đổ nước đầy các chum rỗng, bạn sẽ gặp được hạnh phúc vững bền.

Dấu lạ t.ai tiệc cưới Cana chủ yếu cho ta thấy Đức Giêsu là ai, nhưng Đức Maria cũng có một vai trò đáng kể.  Mẹ hiện diện trong tiệc cưới như thân mẫu Đức Giêsu. Mẹ thấy rõ sự lúng túng lo âu của chàng rể. “Họ hết rượu rồi”: Mẹ chỉ nói với Con như vậy. Câu nói của Mẹ ẩn chứa một lời nài xin kín đáo. Mẹ mong Con làm một điều gì đó mà Mẹ không rõ. “Người bảo gì, các anh hãy làm.”

Quả thật Đức Giêsu có bảo và các gia nhân có làm theo, nhờ đó dấu lạ Cana được thực hiện. Qua sự đóng góp của Mẹ trong dấu lạ mở màn này, đức tin của các môn đệ được củng cố và lớn lên.

Hôm nay Mẹ vẫn nói nhỏ với Chúa: Họ hết rượu rồi!

Niềm vui chợt tắt, tình yêu nhạt phai, gia đình tan vỡ… Cần biết bao sự hiện diện của Chúa và Mẹ trong mỗi gia đình, giữa lúc khó khăn bối rối.

“Người bảo gì, các con hãy làm”: Đó vẫn là lời Mẹ nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

***

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ lên đường đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn sang Ai Cập, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị thất lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã lên đường theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng đẹp, cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi của Chúa dù phải chấp nhận đớn đau hay đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu, để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. Amen

(Trích trong “Manna”)

 

MẸ KHÓC 

zz Gần đây, chúng ta được nghe nhiều tin Đức Mẹ khóc.  Đức Mẹ khóc ở Việt Nam.  Đức Mẹ khóc ở Sacramento, California.  Ở đây, chúng ta không nhận định việc Đức Mẹ khóc ở nơi đây hay nơi kia có thật hay không?  Chúng ta chỉ suy nghĩ đến việc Đức Mẹ khóc có lạ lùng không ?

Có lẽ việc Đức Mẹ khóc không có gì lạ lùng lắm, vì Mẹ đã khóc từ ngay sau khi Mẹ chân thành nói lên hai chữ “Xin Vâng”.

  1. Mẹ đã khóc vì có thể bị hiểu lầm mang thai mà không có chồng (Mt 1:18-25).
  2. Mẹ đã khóc vì có thể bị ném đá cho chết vì đã mang thai (Đnl 22:21).
  3. Mẹ đã khóc vì bơ vơ, vất vả không tìm được nơi trú ngụ khi trở về quê quán Belem, ghi danh vào sổ kiểm tra dân số theo lệnh hoàng đế Augustô (Lc 2:5).
  4. Mẹ đã khóc khi sinh Con Mẹ nơi hang lừa nghèo hèn (Lc 2:7).
  5. Mẹ đã khóc khi phải đem Con Mẹ mới sinh trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê đang tìm giết Con Mẹ (Mt 2:13-14).
  6. Mẹ đã khóc trong ngày đem Con Mẹ lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa, khi nghe ông già Simêon nói tiên tri về Con Mẹ “cháu bé này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel vấp ngã, cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” và về Mẹ “còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:34-35).
  7. Mẹ đã khóc khi Mẹ mất Con sau lễ vượt qua tại Giêrusalem (Lc 2:41-50).
  8. Mẹ đã khóc khi Con Mẹ bị chính người đồng hương rẻ rúng khinh khi (Mt 13:57).
  9. Mẹ đã khóc khi Con Mẹ bị môn đệ phản bội đem bán lấy ba mươi đồng bạc (Mt 26:14-16).
  10. Mẹ đã khóc khi nhóm môn đệ bỏ Con Mẹ mà trốn chạy (Mt 26:56).
  11. Mẹ đã khóc khi Con Mẹ bị khạc nhổ đánh đập (Mt 26:67).
  12. Mẹ đã khóc khi môn đệ Phêrô chối Con Mẹ (Mt 26:69-75).
  13. Mẹ đã khóc khi Con Mẹ bị lên án, đội mạo gai, chế giễu, vác thập giá (Mt 27:27-33).
  14. Mẹ đã khóc khi Con Mẹ bị đóng đinh trên thập giá giữa hai tên trộm cướp (Mt 27:35-38).

Mẹ đã khóc.  Mẹ đã khóc nhiều lắm.  Mẹ đã khóc suốt đời Mẹ.  Như thế việc Mẹ có khóc nữa cũng không lạ lùng lắm.

Chỉ có lạ lùng khi chúng ta biết khóc:
Khóc vì tội lỗi đã phạm đến Chúa,
Khóc ăn năn thống hối,
Khóc xin quyết tâm chừa cải,
Khóc xin sống một cuộc sống mới tốt lành thánh thiện,
Khóc vì tình yêu đã nhận mà không một lần đáp trả, hay vì đáp trả chưa đủ,
Khóc như Phêrô (Mt 27:75),
Khóc như người đàn bà tội lỗi (Lc 7:37-38),
Khóc như người con hoang đàng trở về (Lc 15:21)…

Lm. Giuse Ngô Văn Thích, OP.

 

ALLÔ…CHÚA !!!

  1. zzĐừng bấm số cách vội vàng; một chút thinh lặng có thể rất hạnh phúc; nó cắt đứt với những ồn ào bên ngoài.

  2. Nói chuyện với Thiên Chúa không phải là một sự độc thoại; đừng có nói không ngưng nghỉ; hãy chịu khó lắng nghe Người đang nói ở đầu dây bên kia. Điều đó rất quan trọng.

  3. Nếu cuộc đàm thoại bị đứt, hãy kiểm tra xem có phải chính bạn đã cúp máy hay không.

  4. Đừng tập thói quen chỉ gọi Chúa trong trường hợp khẩn cấp.

  5. Đừng có phôn cho Chúa chỉ trong những thời gian khuyến mãi.  Những cuộc gọi cho dù là ngắn ngủi, lúc ban ngày cũng rất quý báu.

  6. Hãy lưu ý, những cuộc gọi cho Chúa đều miễn phí!  Đừng bỏ lỡ.

  7. Hãy nhớ gọi lại cho Chúa khi Người để lại tin nhắn trong máy của bạn.

Ghi chú : Nếu tuân thủ bảy chỉ dẫn trên mà vẫn khó liên lạc với Thiên Chúa, đừng quên rằng Thiên Chúa có ba đường dây để liên lạc: Đường dây Chúa Cha, đường dây Chúa Con và đường dây Chúa Thánh Thần.  Đường dây sau cùng này thường không bị kẹt.  Nó rất chất lượng.

Nếu máy của bạn vẫn không hoạt động, hãy nối nó vào cục sạc của bí tích hoà giải; nó sẽ hoạt động trở lại cách nhanh chóng.  Những thiết bị này được bảo hành trọn đời.

Sưu tầm

TRỜI MỞ RA

Các Kitô hữu thời sơ khai thật bối rối trước sự kiện Đức Giêsu lãnh nhận phép rửa của Gioan. Tại sao Ngài lại đến với Gioan như một môn đệ để chịu phép rửa của ông, nhằm bày tỏ lòng sám hối? Ngài có cần sám hối không nếu thật sự Ngài vô tội?

zzTin Mừng Chúa Nhật hôm nay mời gọi chúng ta nhìn ngắm Đức Giêsu bên bờ sông Gio-đan. Ngài đứng chung hàng với người dân để chờ nhận phép rửa trong nước từ tay Gio-an. Ngài đứng trà trộn với những tội nhân để chờ đến phiên mình. Ngài chấp nhận dìm mình xuống cùng một dòng sông với người tội lỗi. Có ai trong đám đông nhận ra Ngài là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa tội trần gian không? Nếu bạn và tôi cũng ở trong dòng người ấy; cũng đứng chung hàng với Ngài trong ngày hôm ấy, chúng ta có nhìn thấy Ngài không? Có nhận ra Ngài không ?

Đấng thánh thiện lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên kẻ tội lỗi. Đấng xóa tội trần gian, lại hòa mình trong đoàn người tội lỗi. Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông sám hối. Đấng sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần, nay lại xin được chịu phép rửa sám hối trong nước.

Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu: Một tình yêu vui lòng tự hủy thân phận của mình, để cùng sống chết với người mình yêu, một tình yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn, một tình yêu chấp nhận cúi xuống để nâng người mình yêu trỗi dậy.

Nhìn Đấng Cứu Độ cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là đồng hành và liên đới. Đồng hành với người khác đòi ta phải đi chậm lại, đòi ta phải có chung một tâm tình, một lối suy nghĩ giống người khác. Liên đới với người khác đòi  buộc ta phải nhỏ bé đi, phải khiêm hạ trong lối sống và cung cách cư xử.

Hôm nay Đức Giêsu đánh dấu cuộc đời công khai của Ngài bằng một hành vi khiêm hạ, dìm mình, mất hút… Bên bờ sông Gio-đan, Ngài chỉ là một kẻ vô danh bên cạnh một Gioan tăm tiếng. Ngài đã cúi xuống, dìm mình trong dòng sông, để nâng con người lên. Ngài tập làm người để hiểu được con người, để chia sẻ thân phận đói nghèo; khổ đau; bệnh hoạn của con người, để cảm nếm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân, để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Ngài muốn gặp gỡ Cha trong tư cách là Con. Chính trong giây phút hiệp thông sâu đậm này mà Ngài cảm thấy được Thánh Thần tràn ngập, và tự thâm tâm, Ngài nghe rõ tiếng của Cha âu yếm gọi Ngài là Con: “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” Từ hôm nay, Đức Giêsu hiểu rằng: Thời gian ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc và giờ lên đường đã điểm. Lên đường để thực thi công trình Cứu Độ, lên đường để làm theo Thánh Ý Thiên Chúa Cha,

Hôm nay, Đức Giêsu đã trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời bên bờ sông Gio-đan, nơi Ngài gắn bó với tội nhân, với dân tộc, đã trở thành nơi Ngài gắn bó với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Nơi Ngài đi xuống cũng là nơi Ngài bước lên. Nơi Ngài được sai đến cũng là nơi Ngài đang hiện diện.

Ngày nay, chúng ta đã chịu phép rửa của Đức Giêsu trong Thánh Thần, chúng ta cũng được mời gọi hiệp thông thân mật với Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường để phục vụ anh chị em quanh ta, nhất là những anh chị em đang cần một tình yêu chia sẻ, nâng đỡ và trao ban trọn vẹn.

***

Lạy Chúa, trong đôi mắt Chúa con là tất cả… Xin ban cho con đôi mắt của Chúa, để con biết nhìn những người xung quanh con bằng cái nhìn của Chúa, biết đến với anh chị em của con bằng tấm lòng yêu thương, như Chúa đã yêu thương con. Amen

(Trích trong ‘Manna’)