ĐÊM HUYỀN NHIỆM

(Lc 2:1-20)

Đêm nay thành phố Bê-lem nhộn nhịp khác thường.  Đèn đuốc bập bùng sáng rực một góc trời, tiếng người huyên náo gọi nhau í ới, tiếng trẻ khóc, tiếng bước chân dồn dập vội vã đi tìm nhà trọ, tiếng rao bán hàng rong náo động cả một góc trời, không khí giống như ngày trẩy hội vậy.  Mà đúng là ngày hội thật.  “Hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.  zzĐây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quirinius làm tổng trấn xứ Syria” (Lc 2:1-2).

Phía bên kia đồi ngoài thành Bê-lem, đêm nay chỉ là một đêm bình thường như bao đêm khác.  Đám mục đồng mồ côi tụ lại với nhau sau một ngày chăn chiên vất vả.  Chúng nằm lăn trên bãi cỏ trò chuyện, rồi chia ra đứa ngủ đứa thức để luân phiên canh gác đàn chiên.  Thằng bé ngồi canh cho đám bạn đang say ngủ.  Nó nghe ngóng những âm thanh ồn ào náo nhiệt từ thành phố bên kia vọng sang, mà cảm thấy tủi cho phận mình.  Trong khi “ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi” (Lc 2:3), còn Nó thì lặng lẽ ngồi đây.  Không nguyên quán, không quê nội, quê ngoại, không tên tuổi, không cha mẹ anh em, thế là chẳng cần đi đâu để khai báo.  Không có tên trong sổ kê khai dân số, không phạm luật nhưng sống ngoài vòng pháp luật, có sống cũng như chết, như chưa từng có mặt trên đời này.  Đó là số phận của Nó và bạn bè Nó, “những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật” (Lc 2:8).

Thằng bé ngủ gà ngủ gật.  Nó nhắm mắt mơ về một mái ấm gia đình.  Nó hình dung cảnh Nó đi tung tăng bên cha, tay nắm dây con lừa, mẹ bế em đi bên cạnh.  Gia đình Nó đang bồng bế nhau hướng về thành phố Bê-lem để kê khai tên tuổi.  Đang mơ màng, bỗng một luồng ánh sáng rực chói lòa từ trời cao xẹt xuống vụt qua tầm mắt.  Bầu trời mở ra như hai cánh màn sân khấu được vén lên.  Nó choàng tỉnh mở mắt nhưng vội nhắm lại vì chói quá!  Tiếng nhạc ở đâu bỗng trỗi lên réo rắt du dương.  Nó hoảng sợ ngồi bật dậy, tay lay lay mấy đứa bạn đang ngủ:

–  Dậy, dậy mà xem!

Trước mặt tụi nó, hai vị thiên sứ sừng sững trong không trung giữa một vầng hào quang chói sáng rực rỡ.  Thiên sứ mỉm cười thân thiện như trấn an.  Tụi nó ngồi bật dậy, kinh hãi lùi lại run rẩy nép sát vào nhau, như muốn tìm thêm sức mạnh trước quang cảnh vĩ đại lạ lùng này.  Vị sứ thần đứng bên phải bỗng cất cao giọng lảnh lót: “Anh em đừng sợ.  Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:  Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.  Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người:  anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2:10-12).  Vị thiên sứ vừa dứt lời, hàng vạn thiên thần bé xíu xinh xinh hiện ra đủ màu sắc, vỗ đôi cánh chập chờn lượn bay chung quanh hai vị thiên sứ.  Những đôi môi đỏ hồng chúm chím mấp máy mở ra, trong không gian vút lên lời ca thánh thót:  “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14).   Lời ca bay vút lên cao như xuyên thủng chín tầng mây cho triều thần thiên quốc trên trời nghe.  Rồi lời ca lại lao xuống đồng cỏ vang vọng trải dài đến tận chân trời góc biển.  Quyện trong lời ca cao vút là tiếng nhạc đệm du dương réo rắt, lúc trầm lúc bổng được hoà âm bởi muôn ngàn loại nhạc cụ khác nhau.  Các thiên thần chụm đầu lại với nhau thành một làn sóng nhấp nhô rồi đong đưa qua lại theo tiếng nhạc trông thật đẹp và lạ mắt.

Thời gian như ngừng trôi, không gian như lắng đọng, rồi giọng ca từ từ nhỏ dần, những đôi cánh thiên thần đưa lên cao vẫy qua vẫy lại như muốn chào tạm biệt  Hình ảnh các thiên thần mờ dần trong làn sương mỏng, rồi từ từ khuất dần sau đám mây.  Giọng hát, tiếng đàn nhỏ dần… nhỏ dần…, nhè nhẹ im ắng… rồi từ từ im bặt, trả không gian trở về với thinh lặng như trước.  Mặt trăng và các vì sao lại từ từ rõ nét trên bầu trời trong veo như không có chuyện gì xảy ra.

Đám mục đồng vẫn ngồi im như trời trồng, miệng há hốc chưa hết kinh ngạc, mắt hướng về cuối chân trời xa, nơi các thiên thần biến đi mà lòng ngẩn ngơ luyến tiếc.  Rồi đứa này đến đứa kia ngơ ngác nhìn nhau không hiểu chuyện quan trọng gì vừa xảy ra.  Nó ngạc nhiên lẩm nhẩm, “tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân”, một tin như thế mà lại không báo cho Hoàng Đế, cho các vị quan quyền trong cung, hay các vị chức sắc học giả trong Đền thờ mà lại đi báo cho tụi nó, một đám người chăn chiên ngu dốt nghèo nàn biết?  Nó loáng thoáng nhớ lại bài giảng của các vị rabbi, rằng dân tộc nó đang mong chờ một Đấng Thiên Sai đến qua lời hứa của Thiên Chúa với cha ông thời xưa.  Phải chăng lời hứa bắt đầu ứng nghiệm và Đấng đó đang đến với dân tộc nó?  Mà chẳng lẽ Đấng đó lại là “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”.  Một đứa trẻ nghèo hèn cùng thân phận giống nó sao?  Lạ thật!

Phải làm gì bây giờ nhỉ?  Tụi nó thảo luận sôi nổi và cuối cùng bảo nhau:  “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2:15b).  Nó sắp đặt một đứa ở lại trông coi đàn chiên, còn tất cả hối hả đi qua bên kia đồi, vào thành phố Bê-lem là thành vua Đa-vít để xem thực hư ra sao.  Tụi nó vừa đi vừa bàn tán xôn xao về biến cố vừa xảy ra, cứ như là mơ, một giấc mơ tuyệt đẹp trong kiếp nghèo lầm than.  Đứa thì nói thích đôi cánh thiên thần, đứa khác thì mê mẩn tiếng nhạc và lời hát du dương.  Còn Nó thì thích hết khung cảnh thần tiên đó.  Đẹp biết bao so với cuộc sống cơ cực nghèo hèn của Nó trong hiện tại!  Bỗng bước chân tụi nó khựng lại khi nghe tiếng khóc oe oe giống như tiếng khóc của một đứa trẻ sơ sinh.  Cả đám dừng theo và vểnh tai nghe ngóng.  Đúng rồi, là tiếng khóc của trẻ thơ.  Nhưng tại sao lại ở ngoài đồng không mông quạnh thế này?  Chưa vô trong thành mà?  Tụi nó lần mò đi về hướng có tiếng khóc.

Thấp thoáng dưới ngọn lửa leo lét của cái chuồng bò bỏ hoang, một thiếu phụ dáng vẻ xanh xao mệt mỏi, đang nằm thiêm thiếp bên cạnh máng ăn cỏ của bò.  Bên trong máng cỏ, một trẻ sơ sinh bé tí xíu, người đỏ hon hỏn, da nhăn nheo được bọc trong lớp tã, hai chân đạp lung tung, tay quơ quơ, mắt nhắm mắt mở, miệng khóc oe oe như đòi bú.  Người đàn ông, có vẻ như là người cha, đang lui cui bên đống rơm thổi lửa cho ấm em bé và người vợ mới sinh.

Người thiếu phụ ngửng mặt nhìn lên, ngạc nhiên khi nhìn thấy một đoàn khách lôi thôi lếch thếch trong bộ đồ chăn chiên hôi hám nhưng mặt mày rạng rỡ chói lòa.  Không cần được mời, tụi nó tự nhiên xà xuống bên cạnh máng cỏ, tò mò nhìn vào bên trong và reo lên:

–  A, đây rồi tụi bay ơi!  Đúng là“một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, đúng y chang như lời sứ thần báo với tụi mình.

Thế là đứa vuốt má, đứa nựng cằm, đứa xoa tóc em bé.  Có đứa mạnh dạn cúi zzxuống hôn cái chụt lên đôi bàn chân bé bỏng.  Thấy con khóc quá, người thiếu phụ ngồi dậy, bế em lên lòng và ngạc nhiên hỏi thăm tụi nó tìm ai?  Thế là tụi nó tranh nhau kể lại biến cố kỳ diệu vừa xảy ra, những điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.  “Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.  Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:18-19).  Bà tin vào những điều tụi nó kể và cũng tin là tụi nó không dám thêm bớt hay cắt xén chữ nào.

Nó ngồi nhìn em bé khóc oe oe trên tay người thiếu phụ trẻ mà thèm được nâng niu bồng ẵm em bé.  Nó chưa bao giờ được bế em bé mới sinh cả, chẳng ai dám đưa đứa con nhỏ xíu của mình cho một đứa trẻ dơ dáy hôi hám như nó bồng.  Nó nuốt nước miếng rồi lấy hết can đảm xin được bồng em bé!  Chẳng chút ngại ngần, người mẹ trẻ giao con cho Nó bế!  Nó hồi hộp run run đưa đôi tay dơ bẩn chưa kịp rửa ra để đón lấy món quà thiêng liêng.  Ôm Đấng Cứu Độ vào lòng mà người Nó trào dâng một niềm hạnh phúc khôn tả.  Sao đứa bé này giống… người thường quá đi!  Chẳng có gì ra dáng con vua chúa cả, mà chẳng có gì là giống Đức Chúa, hay Đấng Kitô gì… gì… đó, những từ ngữ to lớn mà các thiên thần vừa nói với Nó.  Nó có cảm giác như đang bế đứa em ruột thịt của mình vậy.  Không có khoảng cách nào giữa Nó và đứa bé mới sinh này cả.  Từ cái tã quấn, tuy sạch sẽ nhưng cũng vá víu chằng chịt giống chiếc áo nó đang mặc trên người.  Cái mùi cỏ khô quyện với mùi phân bò trên người em bé đâu có khác gì mùi cỏ non lẫn với mùi chiên bò trên người nó.  Cùng hôi như nhau, cùng nghèo giống nhau.  Nó lắc đầu không hiểu!

Nhưng Nó suy đi nghĩ lại thì thấy sứ thần cũng có lý!  Đấng Cứu Độ có sinh ra trong máng cỏ, giữa trời cao đất rộng như vậy thì tụi nói mới tìm đến được.  Chứ nếu Đấng ấy sinh ra trong cái nhà trọ to nhất, đẹp nhất ở Belem thì làm sao mà tụi nó tìm được?  Rồi nếu cái nhà trọ to thật to đó lại có người đứng gác cửa thì chắc gì người ta chịu mở cửa cho đám chăn chiên nghèo hèn hôi hám vào?  Nếu Ngài được sinh ra từ một gia đình giàu có, người hầu kẻ hạ tấp nập xung quanh thì ai mà dám cho đôi bàn tay dơ dáy của Nó rờ vào em bé?  Nó từ từ hiểu ra!  Ừ nhỉ, và Nó bắt đầu tin!

Người cha của baby thân thiện mở ra những gói lương thực khô mang theo đi đường và mời đám nhóc ăn.  Chẳng đứa nào làm khách cả, tụi nó ùa vào ăn uống tự nhiên như đã quen biết nhau từ lâu lắm rồi.  Tiếng nhai ngồm ngoàm, tiếng cười nói râm ran, quyện với tiếng khóc oe oe của con trẻ, hoà chung với tiếng hát ngây ngô của một vài đứa lập lại lời ca của các thiên thần tạo nên một khung cảnh ấm áp giữa bầu trời đầy sao.  Tiếng nổ lách tách của những que củi trong đám lửa chập chờn sưởi ấm cõi lòng hiu quạnh của Nó.  Nó nhắm mắt tận hưởng một bầu không khí ấm áp hạnh phúc của một gia đình có cha mẹ, anh em.  Cả một hố sâu tự ti mặc cảm, những khao khát mơ ước về một mái gia đình của đứa trẻ mồ côi bỗng dưng được lấp đầy.  Đêm nay sao quá kỳ diệu!  Quả là một đêm huyền nhiệm!  Nó không biết đêm nay quan trọng như thế nào với dân tộc Nó, nhưng Nó biết đêm nay đã biến đổi cuộc đời Nó, đêm mà Nó được vinh dự là vị khách đầu tiên được bồng ẵm Đấng Cứu Thế như ôm ấp đứa em ruột bé bỏng trên tay, đêm mà trái tim khô cằn của Nó rung lên vì cảm thấy yêu và được yêu.  Đêm nay, Nó cảm tưởng như thân phận thấp hèn của Nó được nâng lên hàng thần thánh, là đêm mà Nó trở thành một trong những khán giả hiếm hoi của dàn đồng ca thiên quốc, là một nhân chứng sống động về sự giáng sinh lịch sử của Đấng Cứu Thế.  Ôi, đêm huyền nhiệm!

Bình minh từ từ ló dạng nơi cuối chân đồi.  Đã đến giờ chia tay rồi, tụi nó phải trở về với công việc hàng ngày của kẻ chăn chiên thuê.  Nhìn đứa trẻ ngủ vùi trong vòng tay, Nó nhẹ nhàng và trân trọng đặt lên má em một nụ hôn yêu thương rồi thầm thì vào tai em những ước nguyện đơn sơ:  “Ước gì con được ôm Ngài trên tay mãi mãi, ước gì lời ca tiếng hát của các thiên thần sẽ ở với con mỗi ngày, cho đến khi con được nghe lại khúc nhạc hoan ca đó trên thiên quốc.”  Nó lưu luyến giao em lại cho người mẹ, với lời cám ơn tấm lòng quảng đại của bà đã chia sẻ đứa con mới sinh cho Nó bế, cám ơn người cha hiền lành tốt bụng đã niềm nở đón tiếp và thết đãi tụi nó một bữa tối no say.  “Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vưa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20).

Một ngày mới bắt đầu và cuộc đời Nó đã sang trang.  Đôi tai diễm phúc của Nó làm sao quên được khúc nhạc huyền diệu của trời xanh, đôi bàn tay thô kệch hôi hám được bồng ẵm Đấng Cứu Thế, mắt phàm được nhìn thấy Ngài, được chiêm ngưỡng các thiên thần ca hát bay bổng chúc tụng Thiên Chúa, mũi Nó được ngửi mùi thơm da thịt non nớt của Ngài, và đôi môi Nó đã được hôn lên đôi má bụ bẫm đáng yêu ấy.  Tâm hồn Nó cảm nhận một niềm hạnh phúc hoan lạc vô biên vì đã nếm trước được hương vị ngọt ngào của Thiên đàng, nơi mà Nó tin tưởng sẽ đến khi cuộc đời gian truân khổ ải này qua đi.  Nó không còn oán ghét, trách móc số phận hẩm hiu này nữa, mà coi đó như là một lời chúc phúc, một cơ duyên để Nó có một cuộc gặp gỡ kỳ diệu đêm nay.  Giấc mơ của Nó đã trở thành sự thật ngay ở dương thế này rồi!  Những giây phút nhiệm mầu thánh thiêng của đêm huyền nhiệm này sẽ mãi mãi không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Nó.  Nó nhắm mắt ngây ngất, bước chân đi theo đám bạn mà hồn Nó bay bổng giữa chín tầng mây!  Văng vẳng đâu đây còn vọng lên tiếng hát của các thiên thần “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). 

Lang Thang Chiều Tím

Giáng Sinh 2012

VỘI VÃ LÊN ĐƯỜNG

zzBài Tin Mừng hôm nay cho ta gặp hai phụ nữ. Cả hai đang mang thai lần đầu cách diệu kỳ. Cả hai đều được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn.

Theo lời sứ thần, Đức Maria đi thăm bà Êlisabét. Hai bà mẹ gặp nhau tạo điều kiện cho hai thai nhi gặp nhau. Đấng Cứu độ nhân loại đi thăm vị Tiền hô của mình. Cuộc gặp gỡ thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần.

Thánh Thần vẫn luôn tác động trên Đức Maria, và làm cho thai nhi Giêsu lớn lên từng ngày. Thánh Thần đã đầy tràn Gioan từ trong lòng mẹ khiến ông nhận ra Đức Kitô và nhảy mừng chào đón. Thánh Thần bỗng chốc đến với bà Êlisabét làm bà nhận ra điều mắt thường không thấy được, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế.

Maria đem đến cho Êlisabét niềm vui và sự phục vụ, nhưng chính Mẹ cũng nhận được sự đỡ nâng. Mẹ xác tín hơn về lời thiên sứ loan báo cho mình, khi Mẹ thấy quả thật bà chị hiếm muộn đã có thai. Mẹ ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận trong lòng tin, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà đã khiến Mẹ cất lời ngợi khen Thiên Chúa (x. Lc 1,46-55).

Cuộc đi thăm nào cũng làm tôi hiểu hơn về mình, và ý thức sâu hơn về những ơn tôi đã lãnh nhận. Maria biết mình có phúc hơn mọi phụ nữ vì Mẹ được chọn để cưu mang Đấng Mêsia. Maria biết mình diễm phúc, vì dám tin vào Lời Chúa. Cuộc gặp gỡ với bà Êlisabét giúp Maria vững tin hơn vào tính khách quan của kinh nghiệm mình được gặp Chúa.

Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm Ngôi Lời được cưu mang. Khi chấp nhận làm người, Con Thiên Chúa cần một người mẹ. Ngài được thụ thai cách lạ lùng trong lòng một trinh nữ, và Ngài đã lớn lên bình thường trong dạ mẹ. Dạ mẹ là mái nhà êm ấm đầu tiên, là Đền Thánh trước khi Con bước vào thế giới.

Khi được nuôi bằng sự sống của Mẹ Maria, Con đã thánh hóa tất cả những gì thuộc về Mẹ.

Tất cả những gì nằm trong tiến trình làm người như thụ thai, mang thai, sinh đẻ, dưỡng nuôi bú mớm… đều trở nên thánh thiêng, vì được Con Thiên Chúa đảm nhận.

Con Thiên Chúa đã từng là thai nhi trước khi chào đời, nên mỗi thai nhi đều là hình ảnh Chúa cần trân trọng. Như Gioan nhảy mừng lúc còn trong dạ mẹ, mỗi thai nhi đã biết diễn tả buồn vui, đã cần được yêu mến. Lễ Giáng Sinh đòi ta quan tâm đến các bà mẹ và thai nhi.

Hàng năm có cả triệu vụ phá thai trong nước… Kính trọng thân xác phụ nữ, tôn trọng sự sống thai nhi: đó là Tin Mừng Giáng Sinh cho khắp thế giới.

***

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền. Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông. Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác. Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt. Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

(Trích trong ‘Manna’)

 

GIỮ LỜI HỨA VỚI CHÚA HÀI ĐỒNG 

Giáng sinh là nguồn cảm hứng không bao giờ múc cạn.  Trong lịch sử nhân loại từ 2,000 năm qua đã có vô số câu chuyện kể về ngày Giáng Sinh.  Tựu trung hầu hết những câu chuyện Giáng Sinh đều xoay quanh những đề tài về lòng quảng đại, sự san sẻ, bởi vì ý nghĩa của lễ Giáng Sinh chính là sự trao tặng.  Do đó, chuyện Giáng Sinh cũng thường là chuyện tử tế.  Trong bầu khí Giáng Sinh, xin được kể hầu quí vị câu chuyện sau đây từ một linh mục người Mỹ ghi lại:

Vị linh mục giúp xứ đi một vòng kiểm tra xung quanh nhà thờ trước khi giáo dân đến tham dự Thánh Lễ nửa đêm.  Ghế bàn đã được sắp xếp thứ tự sạch sẽ, các cuốn sách hát lễ đã được thu dọn.  Chỉ còn vài phút nữa là bắt đầu Thánh Lễ ban sáng.  Sau khi đảo qua một vòng nhà thờ, vị linh mục trở lại phòng thánh để chuẩn bị Thánh Lễ, đi ngang qua máng cỏ, ngài dừng lại để chào thăm Chúa Hài Ðồng, quang cảnh Giáng Sinh được diễn lại một cách vô cùng sống động trước mắt ngài.  Ánh sao hướng dẫn các mục đồng đến hang đá Bêlem, các mục đồng đang quỳ thờ lạy, các súc vật cũng trong tư thế trang nghiêm, giữa hang đá là Thánh Giuse và Mẹ Maria đang cung kính cúi nhìn xuống máng cỏ.  Bỗng vị linh mục chau mày và nhìn sát vào hang đá, ngài không thể cầm được tiếng than như vang dội khắp giáo đường.  Máng cỏ hoàn toàn trống trơn.  Hài nhi Giêsu đã biến mất.  Trong cơn hốt hoảng vị linh mục lục soát khắp mọi nơi nhưng vẫn không tìm thấy Hài Nhi Giêsu.  Ngài kêu gọi tất cả những ai có mặt trong giáo xứ đến nhưng không một vị nào có thể đưa ra một lời giải thích.  Các ngài bàn bạc tranh luận với nhau hồi lâu rồi cuối cùng đành lắc đầu.  Sự thật trước mắt là Hài Nhi Giêsu đã biến mất.

Trong thánh lễ rạng đông hôm ấy, vị linh mục đã báo cáo cho cộng đoàn về sự cố với một giọng vừa mạnh vừa run vì xúc động.  Ngài nói đến tính cách nghiêm trang của hành động.  Ngài coi việc đánh cắp tượng Chúa Hài Ðồng là một hành động phạm thánh.  Từ trên tòa giảng, đôi mắt giận dữ của ngài đảo qua từng khuôn mặt trong cộng đoàn rồi dõng dạc tuyên bố:  “Hài Nhi Giêsu phải được mang trả lại nội trong hôm nay”.  Trong các thánh lễ liên tiếp, vị linh mục cũng lập lại mệnh lệnh ấy, nhưng vô hiệu, máng cỏ vẫn trống trơn.  Chiều ngày Giáng Sinh, buồn bã vì sự việc xảy ra, ngài thẩn thờ đi qua các ngã đường của giáo xứ, đầu óc miên man nghỉ đến hành động phạm thánh.

Ngày Giáng Sinh vẫn thường là ngày vắng lặng.  Thỉnh thoảng mới thấy có một bóng người qua lại, vậy mà lạ thay, trong một ngỏ hẽm, có một bé trai khoảng 4, 5 tuổi đang ung dung bách bộ.  Ðằng sau cậu là một toa xe lửa nho nhỏ xinh xắn mới toanh.  Ðây hẳn phải là một món quà Giáng Sinh mà ông già Noel đã tặng cho cậu bé.  Vị linh mục tự suy nghĩ và cảm thấy vui lên với niềm vui của cậu bé.  Ngài biết rõ cậu là con của một gia đình nghèo, cha cậu hẳn phải hy sinh rất nhiều để cậu có được một món đồ chơi xứng đáng trong ngày lễ Giáng Sinh.  Niềm vui của trẻ thơ thường đánh động tấm lòng già cỗi ích kỷ của người lớn, trong phút chốc, vị linh mục như quên hẳn mọi phiền muộn trong lòng.  Ngài tiến tới để chúc mừng Giáng Sinh và chung vui với cậu.  Nhưng vừa đến gần, ngài bỗng chau mày, cũng cái chau mày như sáng hôm nay khi khám phá ra máng cỏ trống trơn.  Cái toa xe lửa không trống trơn mà lại có một hành khách, hành khách ấy không ai khác hơn là Hài Nhi Giêsu đã bị đánh cắp từ máng cỏ trong nhà thờ.  Hài nhi Giêsu nằm trong toa xe lửa, mình được quấn khăn hẳn hoi, cậu bé không để lộ bất cứ một sự bối rối nào khi vị linh mục nhìn vào trong toa xe lửa của cậu.  Niềm vui nhỏ vừa loé lên nơi vị linh mục giờ đây nhường chỗ cho một cơn giận bất ngờ.  Ngài chất vấn cậu bé và giải thích cho cậu về hành động ăn cắp của cậu.  Vị linh mục nghĩ ít nhất một cậu bé 4, 5 tuổi cũng đã biết được rằng ăn cắp là một tội và nhất là ăn cắp đồ thánh nặng nề hơn.  Nhưng mặc cho vị linh mục hùng hồn dẫn giải, đôi mắt bồ câu ngây thơ của cậu bé vẫn không để lộ một mảy may sám hối nào.  Chờ cho vị linh mục trút hết cơn giận và chấm dứt bài học luân lý, cậu bé bình tĩnh thưa:

–  Nhưng thưa cha, con không hề ăn cắp Chúa Hài Ðồng, sự việc xảy ra như thế này: Con đã cầu xin Ngài cho con được một món quà Giáng Sinh mà con hằng ao ước đó là có được một toa xe lửa màu đỏ. Con đã hứa với Ngài rằng nếu con có được một toa xe lửa như thế thì Ngài sẽ là hành khách đầu tiên.  Ngài đã nhậm lời con, cho nên con giữ lời hứa với Ngài.

*****************************************

Trẻ thơ trên khắp thế giới vẫn tiếp tục tin có ông già Noel.  Trẻ thơ trên khắp thế giới vẫn tiếp tục tin ở lòng quảng đại và sự tử tế của người lớn.  Người Mỹ luôn giải thích cho con cái mình về ông già Noel như sau:

Ngày xửa ngày xưa có một người đi rảo khắp thế giới để trao quà cho trẻ em.  Con có thể tìm thấy người đó với nhiều tên gọi khác nhau tùy theo mỗi nước nhưng những gì người đó cất giữ trong trái tim thì vẫn giống nhau trong mọi ngôn ngữ.  Người đó là tình yêu vô điều kiện và là ước muốn chia sẻ bằng  những món quà xuất phát từ trái tim.  Khi lớn khôn con sẽ biết rằng: Ông già Noel chẳng phải là lão già râu tóc bạc phơ đến từ những ống khói lò sưởi.  Cuộc sống và tâm hồn ông già Noel cũng sống mãi trong con tim của mỗi người chúng ta và trong tâm hồn của tất cả những ai còn tin ở tình yêu vì được trao ban cho người khác.  Tinh thần đích thực của ông già Noel là những gì con có thể cho hơn là những gì con nhận lãnh.  Con sẽ hiểu được rằng: Ông già Noel sẽ sống mãi trong tâm lòng của mỗi người.

Lời giải thích trên đây của người Mỹ về ông già Noel hẳn gợi lại cho chúng ta trong lời mở đầu của đạo diễn Trần Văn Thủy trong các câu chuyện của ông như sau:

Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng:  Tử tế có trong mỗi người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc, hãy bền đỗ đánh thức nó, đặt nó trên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia.  Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn.

Hãy hướng trẻ thơ và cả người lớn vào việc học làm người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ thành những người có quyền hành giỏi giang hay siêu phàm.

*******************************

zzLạy Chúa Hài Đồng Giêsu xin dạy chúng con, những người lớn, biết sống tinh thần cho đi như ông già Noel trong những ngày mừng lễ Sinh Nhật Chúa, xin giúp chúng con biết sống phó thác, hồn nhiên như những trẻ thơ tin tưởng vào tình yêu Chúa, tin vào tình người.  Xin cho chúng con biết dạy con cái mình theo tinh thần của Chúa Hài Đồng, Amen!

R. Veritas

QÙA TẶNG GIÁNG SINH

zzMột món quà mùa Noel làm xúc động thế giới”, đó là tựa đề của một câu chuyện đã làm rung động hàng triệu trái tim, đã xẩy tại Times Square vào một đêm giá lạnh.  Anh Lawrence DePrimo 25 tuổi là một nhân viên cảnh sát của thành phố New York City.  Khi anh đi tuần tại khu Times Square trong một đêm giá lạnh, anh phải đi 2 đôi vớ mà vẫn lạnh buốt.  Anh nhìn thấy một người đàn ông vô gia cư không mang giày, nên đôi chân của ông ta bị xưng to lên.  Anh DePrimo động lòng trắc ẩn.  Anh ta dừng lại và hỏi: “Ông có muốn một đôi vớ cho ấm không?  Người đàn ông bất hạnh trả lời không.  Cảm ơn lòng tốt cuả anh, và ông ta lại nói: “May God bless you” (Xin Chúa ban phúc lành cho anh).

Sau đó, anh DePrimo chạy tới tiêm bán giầy Sketchers để mua một đôi giày số 12 (giá $100) cho ông ấy.  Anh ta quỳ xuống và giúp người đàn ông mang vớ và giày vào.  Rồi anh vội vã tiếp tục công việc mình.  Nhưng hành động của anh DePrimo không khỏi lọt vào ống kính của một du khách từ xa đến.  Bà Jennifer Foster sống ở thành phố Florence, tiểu bang Arizona, bà đến New York để tham quan thành phố.  Khi nhìn thấy hình ảnh anh cảnh sát đang đeo giày cho người hành khất, thì bà đã lấy máy chụp được bức ảnh, và bà đã gửi tấm hình cùng với lá thư cho văn phòng cảnh sát thành phố New York, và đưa lên facebook, con số đã lên tới 77 ngàn người yêu thích, 322 ngàn người viết bình luận, thêm vào là 20 ngàn người với những lời khen ngợi đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn, anh DePrimo nói: “Tôi rất ngạc nhiên.  Một người nghèo đến nỗi một đôi vớ cũng không có, thế mà ông ta lại có một tấm lòng vĩ đại để xin Chúa ban phúc lành cho tôi.  Thật là một sự tuyệt vời.  Và tôi không kỳ vọng một điều gì từ người đàn ông nghèo và cũng không hỏi tên của ông ta là gì, nhưng tôi không thể quên giây phút kỳ diệu khi trao quà”.  Anh DePrimo nói thêm: “Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi và cười vui vẻ, nụ cười thật là vô tư và hạnh phúc.  Một lần nữa, ông ta xin Chúa ban phúc lành và cầu chúc cho tôi được an toàn.  Thật sự, tôi không thể tin vào tai mình.  Các ông thấy không, chỉ là một món quà nhỏ bé thôi, thế mà ông ta lại cảm tạ nồng nhiệt đến như thế”.

Tôi thiết nghĩ từ câu chuyện này là một ví dụ điển hình để gợi lên cho chúng ta cùng nhau suy niệm Lời Chúa hôm nay.  Khi dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan Tẩy Giả chịu phép rửa, họ đến hỏi Gioan rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”.  Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?”  Gioan đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Rồi các binh lính cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”  Ông đáp: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.  Còn chúng ta thì sao?  Chúng ta đã làm gì trong Mùa Vọng này?

Như lời thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa!  Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!  Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến.  Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ”.  Thật sự, niềm vui đến với chúng ta khi chúng ta biết chia sẻ với người khác, những người đang nghèo đói, những người đang bị bỏ rơi, những người già nua cô đơn không nơi nương tựa.  Như lời thánh Gioan nói: “Ai có hai áo hay chia cho người không có, đừng hà hiếp áp bức người khác, đừng cáo gian, vu khống ai, và hãy bằng lòng với những gì mình đang có”.  Thật vậy, khi chúng ta rời khỏi thế giới chật hẹp ích kỷ chỉ biết cho riêng mình, thì ta sẽ nhận được ân phúc và niềm vui từ người khác.  Khi trái tim của chúng ta biết thổn thức và rộng mở với tha nhân, thì ân sủng và bình an của Thiên Chúa đổ đầy trong tâm hồn.  Chúng ta biết mong chờ Chúa đến với mình, thì tại sao chúng ta lại không đón tiếp người anh em mà Chúa gởi đến cho chúng ta gặp hàng ngày?  Chúng ta không thể nói yêu thương Chúa mà lại ghen ghét người anh em mình.  Chúng ta biết mong chờ Chúa đến để mang lại những điều tốt đẹp cho chính mình và cho gia đình mình, thì sao ta lại nhẫn tâm làm hại người khác?  Điều đó thật là vô lý.

Những món quà Giáng Sinh thường biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đìnhbè bạn.  Vì vậy, trong những ngày này, chúng ta thường tặng cho nhau những món quà để nói lên sự quan tâm và chia sẻ với người thân.  Nhưng món quà quý giá nhất trong ngày lễ Giáng Sinh, chính là Chúa Giê-su, Món Quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.  Và Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận tình yêu Chúa Giáng Sinh nơi Đức Giê-su và qua những người chung quanh.  Đồng thời, chúng ta hãy hát lên lời ngợi khen và cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành cho chúng ta trong cuộc sống.  Như người hành khất nghèo luôn mở trên môi nói lời tạ ơn và chúc lành của Thiên Chúa cho anh cảnh sát.  Như anh Lawrence DePrimo chạnh lòng thương với một người vô gia cư trên đường phố, để ông ta có được đôi giày mang trong mùa đông giá lạnh.  Anh ta giống như người Samaritanô tốt lành trong Tin Mừng.

Trong những ngày đại lễ sắp đến, chúng ta đang chuẩn bị những món quà để tặng người thân và bạn bè, nhưng chúng ta đừng quên những người không có gì đang sống bên cạnh mình.  Đó là những món quà tinh thần quý giá cho chúng ta đón mừng lễ Giáng sinh.

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

MỪNG VUI LÊN

zz“Mừng vui lên Sion! Này đây Chúa ngươi đến rồi!
Mừng vui lên Sion, Ngài khấng nghe lời ngươi đó!
Ngài dẫn đưa ngươi qua những hố sâu, qua núi đồi,
Về nơi an vui, nơi suối mát đẹp tươi…”

LM. Thành Tâm
(Trích từ  bài thánh ca “Vui lên, Sion”)

***

Bạn thân mến! “Mừng Vui Lên” là chủ đề phụng vụ trong Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng hôm nay.  Phụng vụ với màu tím bao trùm mùa Vọng. Trong Mùa Vọng, người Kitô được mời gọi sám hối để lãnh nhận ơn giao hòa với Thiên Chúa. Nhiều người ngại xưng tội, ngại đào bới lại quá khứ.  Xưng tội mang dáng dấp của một cái gì buồn thảm! Thật ra bí tích Hòa Giải là một điều tươi vui hơn nhiều. Sám hối không phải chỉ là quay về quá khứ, mà còn là hướng đến tương lai với nhiều hy vọng.  Sám hối còn có màu hồng như màu áo lễ trong Thánh lễ Chúa nhật hôm nay.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại rằng: Khi dân chúng đến với Gioan, nhận phép rửa sám hối, họ đã hỏi ông: “Thưa Thầy! Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc.3:10). Cả những người thu thuế và binh lính cũng hỏi những câu tương tự.

Tôi phải làm gì đây? Gioan đã trả lời một cách thật rõ ràng.  Đối với người thu thuế, ông bảo họ: ”Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh” (Lc.3:13). Ông cũng bảo các binh lính: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình.” (Lc.3:14).

Tôi phải làm gì đây?  Phải chăng Gioan muốn mời gọi ta thay đổi cuộc sống, nhắn nhủ ta phải ăn năn sám hối. Sám hối không phải chỉ là một cảm xúc mông lung, xa rời thực tế.  Sám hối đích thực dẫn đưa ta đến một hành động cụ thể. Sám hối là sống bác ái, có hai áo chia cho người một. Nhường cơm sẻ áo là ra khỏi nỗi bận tâm về mình.  Sám hối là sống công bằng, không tham lam vơ vét, không dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức ai. Sám hối là hết nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực.

Trong niềm trông chờ Chúa đến, Gioan nhắn nhủ ta dọn đường cho Chúa đến bằng sám hối ăn năn, ông mời gọi ta chỉnh đốn lại con đường đến với Chúa và với tha nhân. Trở về với Chúa diễn tả qua việc trở về với anh em. Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề ô nhục, cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê.  Ông cũng không bảo họ lên đền thờ dâng lễ đền tội, hay vào hoang địa sống nghiêm ngặt như mình.  Họ cứ làm nghề của họ, nhưng với một tinh thần mới, một hành động mới … Phải chăng sám hối và thay đổi cuộc sống là bước đầu chuẩn bị cho Chúa đến và cũng là ngưỡng cửa bước vào sự hiệp thông với Người.

Trong dân chúng thời bấy giờ, Gioan cao trọng đến nỗi người ta đã có thể coi ông là Đấng Thiên Sai. Nhưng Tin Mừng hôm nay thuật lại hành động khiêm nhường của Gioan, ông đã tự hạ trước sự cao cả của Đấng Thiên Sai mà ông chỉ đóng vai là kẻ dọn đường cho Ngài:”Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”(Lc.3:16). Vì là kẻ dọn đường nên ông phải nhỏ bé đi để Đấng Thiên Sai được lớn lên.

Hôm nay trong thinh lặng, ta cần lắng đọng tâm hồn và thưa với Chúa:  Con phải làm gì để dọn lòng đón Chúa đến trong mùa Giáng Sinh này? Con phải làm gì để luôn luôn sẵn sàng đón Chúa đến, nhất là trong ngày sau hết của cuộc đời con ?

 ***

Lạy Chúa! Rất nhiều lần con chỉ nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành.  Xin cho con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.  Xin giúp con dọn dẹp tâm hồn, để hạt giống Lời Chúa được lớn lên trong con.

Và Lạy Chúa! Xin giúp con biết sám hối ăn năn, biết thay đổi cuộc sống, biết  quay về với Chúa trong mùa Giáng Sinh này, và trong suốt cuộc đời con . Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

(BĐ1: Xp 3,14-18a; BĐ2: Pl 4,4-7; PÂ: Lc 3,10-18)

BÊN TRONG NHỮNG MÓN QUÀ

 

zzTôi rất ít nhận được quà trong mùa Noel.  Lý do đơn giản lắm, mình ít gởi quà cho người khác.  Noel vừa rồi, bất ngờ nhận được một món quà, nó lại là một hòn đá.  Chẳng phải là hòn đá hận thù, nhưng lại là hòn đá yêu thương.  Trên hòn đá ấy có khắc mấy chữ : ”Lord, Make me an instrument of your peace”.

Người gởi là một anh bạn đi truyền giáo ở Nam Mỹ.  Anh không khắc tên anh trên đó, anh cũng chẳng khắc tên tôi.  Anh khắc một câu kinh Hòa bình: ”Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an”

Mong cho nhau là khí cụ bình an thì cũng ngụ ý cầu xin cho nhau ơn an bình.  Tâm hồn mình không bình an thì không thể tặng cho người khác ơn an bình.  Anh bạn gởi cho một món quà, nhưng dấu ẩn trong đó là một lời nguyện xin thấm thiết :

Xin cho tôi được bình an, và mong cho những người sống quanh tôi cũng tràn ngập an bình!  Anh gói ghém tất cả yêu thương trong hòn đá trơ trụi ấy, đục đẽo mài giũa, rồi gởi đi.  Món quà làm tôi xúc động nhiều, vì biết rằng bên kia bờ đại dương có một người bạn quá chân thành.  Món quà quý giá lắm nhưng chính con người của anh mới đích thực là món quà vô giá.  Cả con người của anh ấy với tất cả lòng yêu thương là quà tặng đẹp hơn tất cả các món  quà.

Tôi nhìn từng nét khắc công phu trên hòn đá màu xám tro bằng nửa lòng bàn tay mà lòng bâng khuâng nghẹn ngào.  Chắc hẳn anh bạn đã miệt mài đục đẽo công phu lắm.  Từng nét đục yêu thương. Vết mài giũa ân tình.  Nét sơn xanh kẻ đậm trong từng nét khắc trên bờ đá sần sùi như làm nổi lên cái nét an bình sâu lắng trong cuộc đời  truyền giáo trôi nổi của anh.

Hòn đá chẳng mang lại bình an, nhưng biết khắc lên nó một lời yêu thương thì đã mở lối cho niềm vui tuôn về.

Nhìn món quà trơ trụi đong đầy yêu thương làm tôi gợi nhớ đến món quà trơ trụi mà tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush (tổng thống bố) đã tặng cho chủ tịch Liên xô Gorbachov sau cuộc họp thượng đỉnh cuối năm 1989 tại đảo Malta.  Tổng thống Bush đã tặng cho Gorbachov một viên gạch trơ trụi,  không  một lời ghi khắc trên đó.

–  Sao lại là một viên gạch chứ  không phải là một món quà sang trọng? Nhiều người tự hỏi .

–  Nó là một viên gạch nhưng khác với tất cả mọi viên gạch, vì ông ta lấy nó từ bức tường ô nhục Bá Linh sau khi bức tường sụp đổ .

Là gạch, là đá nhưng nó nói lên nhiều điều quá.  Nó nói lên khát vọng sâu lắng của tâm tư: khát vọng hòa bình. Quà trơ trụi, nhưng lòng thì tràn ngập yêu thương.  Nó là tiếng vọng công lý của những ai yêu chuộng hòa bình.  Gói ghém trong mớ đất sét đã nung thành gạch ấy là tâm tình của những người có tâm hồn không còn khô như gạch, không còn cứng như đá, nhưng đong đầy cảm thông.

Đã có một thời, nó là phần tử của bức tường ngạo nghễ vươn cao  ngăn cách lòng người.  Nay nó sụp xuống dưới đáy cuộc đời để mở lối cho hòa bình bước tới.  Rồi người  ta dùng nó để  trao nhau tâm tình hòa bình.

Ai cũng mong an bình, nhưng dường như ai cũng cảm thấy thiếu sự bình an.  Cuộc sống  xô đẩy nó làm lòng mình chao đao, nên nhiều lúc cảm thấy bất an.  Có những người không mong thêm tiền, chỉ mong sao lòng được chút thảnh thơi.  Chẳng ai bán ơn bình an, nên không mua được nó nơi cửa tiệm.  Bình an là quà tặng!  Không tặng nhau sự bình an thì cuộc sống hiu hắt lắm.  Người khác không vui, thì mình cũng chẳng có ai để vui cùng.

Bên đời có rất nhiều loại quà.  Có  loại quà cho đi nhưng mong thầm một sự đáp trả lớn hơn, ”thả tép câu tôm”.  Có loại quà để móc ngoặc hối lộ.  Có loại quà cho đi để âm mưu một lợi dụng nham hiểm v.v…  Cho nên nó mất đi ý nghĩa của quà, chỉ còn lại giá trị của đổi chác.  Những món quà như  thế bàng bạc trong lòng cuộc sống, nhưng nó chỉ mang giá trị vật chất thôi.  Vì không gói ghém yêu thương, nên người nhận quà ít khi nhớ đến người cho quà.  Quà trở nên trơ trụi trống rỗng .

Quà đích thực là khi gói lại, nó ôm trọn cả một tấm lòng, làm cho người nhận phải bâng khuâng xúc động.  Vì thế hạnh phúc ngập tràn nơi người nhận lẫn cả người cho.  Nhiều người thường viết thư cho nhau như một cách thế muốn nói lên sự hiện diện của chính mình trong những hoàn cảnh xa xôi không thể đến bên nhau.  Vì thế, nhận một cánh thư là nhận cả một sự hiện diện.  Nhận một món quà là nhận cả một mùa yêu thương .

Noel gợi cho tôi nhớ cái món quà trơ trụi của Bêlem.  Cái lạnh, cái nghèo, cái tơi tả của một phận người nhưng nói lên nhiều điều quá.  Những ngày thơ ấu, Người ta dạy tôi phải sửa soạn hang đá lòng mình cho Đấng Cứu Tinh ngự đến.  Nay tôi thấy cả đời mình đã là một Bêlem nối dài rồi.  Giá lạnh của kiếp sống, khắc khoải băn khoăn của chuỗi ngày tha hương.  Những hiu hắt đơn côi và nỗi đau câm nín của đời người đã âm thầm xây nên một Bêlem rồi.

Nhìn từng bước chân nặng nề của Giuse có khi cũng là bước chân âm thầm của đời tôi hôm nay.  Biết bao lần mình cũng cất bước lao đao, gõ cửa cuộc đời xin một ân huệ, một việc làm hay một lời yêu thương, nhưng chỉ nghe đâu đó một âm thanh chối từ sau cánh cửa cuộc đời ấy.

Ánh mắt buồn âu lo của Mẹ  trước đồng hoang xơ xác dường như cũng là những lo âu của đời tôi hôm nay.  Nó vẫn còn đọng lại trong từng khóe mắt những thoáng băn khoăn của đời mình với tháng ngày truân chuyên.

Rồi trong những nổi trôi của Mẹ, trẻ Giêsu ra đời.  Trong hoang lạnh đơn côi, Đấng cứu tinh ngự đến.  Ngài đến với từng người.  Và Ngài cũng đến với tôi.  Noel là lễ chung, nhưng cũng thật riêng tư lắm, vì trở thành cuộc gặp gỡ của một Con Người với mỗi một cá nhân.  Hẹn hò bao giờ cũng thế. Không ai nói lời yêu thương thay cho người khác.  Càng riêng tư, tình thân càng gắn bó.

Mừng lễ Giáng sinh thì theo mùa, nhưng Mầu nhiệm Giáng sinh thì đã khởi sự trong lòng nhân thế mỗi ngày.  Mỗi khoảnh khắc bình an, từng phút sống hy vọng là lời ”Kinh Vinh danh” dạt dào tha thiết, và khúc nhạc ”Đêm Đông”  cũng mãi vọng ngân  trong mỗi mùa yêu thương.

Noel không những để  trao quà, nhưng chính Noel đã là quà rồi!  Quà ơn an bình.

Lạy Chúa, Chúa quá tế nhị trong tình thân.  Chúa đến quá âm thầm làm con ngỡ ngàng.  Con vẫn thích những cuộc đón Chúa rộn ràng.  Con vẫn thích những mùa Lễ tổ chức rình rang có rộn ràng bước chân.  Nhưng rồi đôi lúc con cũng băn khoăn tự hỏi, không biết con đang thật sự đón Chúa hay chỉ để tìm vui trong bầu khí tôn giáo của lòng mình.

Nếu có ai hỏi : “Noel nào làm bạn vui nhất?”  Có lẽ con cũng ấp úng quá, vì chưa phân biệt được đâu là niềm vui đích thực của Giáng sinh và đâu là niềm vui Noel hội hè.

Xin cho con mỗi lần dừng lại bên máng cỏ trong mỗi mùa Noel, con cũng biết dừng lại bên máng cỏ nơi chính lòng mình, để cảm nghiệm rằng có một Đấng yêu thương đang cư ngụ trong con. Xin cho đời con cũng là một mùa Giáng sinh liên lỉ, đón Chúa và đem Chúa đến với anh em.

Nguyễn Thảo Nam

 

NGHE VÀ GIỮ LỜI CHÚA

zzTước hiệu VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI dành cho Đức Trinh nữ Maria là một đặc ân và là một danh hiệu đã quen thuộc đối với người công giáo vào ngày 08 tháng 12 hằng năm.

Vâng!  Thật vậy, trên tất cả loài thụ tạo, Đức Maria được kêu mời trở nên công chính một cách đặc biệt, để mở đầu cho công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu muôn thuở.

Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ, để được phối hợp với người nam thực hiện nhiệm vụ cao quý của Thiên Chúa là tiếp tục công trình tạo dựng loài người.  Theo đó,Thiên Chúa tạo nên con người chỉ một lần, người nam và người nữ.  Nên chi hôn nhân là việc tiếp nối sự sáng tạo của Thiên Chúa để duy trì sự sống của con người trên mặt đất.  Sự sống của con người chính là tình yêu của Thiên Chúa, duy trì sự sống là duy trì tình yêu của Thiên Chúa, nhưng sự sống nguyên tuyền ấy đã bị thế lực Satan tác động và chính người nữ đầu tiên được bàn tay Thiên Chúa tạo dựng, đã làm cho sứt mẻ.

Hình phạt lớn nhất dành cho con người, kể từ đó, là sự CHẾT.  Chết chính là “tội nguyên tổ”, hệ lụy của tội nguyên tổ, gọi là tội tổ tông hay là nguyên tội, tội chung của loài người.  Là sự dữ đầu tiên, mà ta chưa tự phạm.  Sau đó lớn dần và hình thành trong con người ta, phát triển ra thành tội riêng.  Như vậy tội tổ tông làm cho ta ngụp lặn trong tội, làm cho ta thuộc về tội.  Như vậy nguyên nhân của tội là chống lại Thiên Chúa, dù rằng không thế lực nào chống lại nổi với Thiên Chúa, nhưng chống trong thâm tâm, trong tự do ý nghĩ và bởi tác động của một thế lực đầu tiên chống lại Thiên Chúa, đó là Satan.  Như vậy, Satan đã gieo sự chết vào thế gian.

Như vậy, tội nguyên tổ là do giới tính thứ hai, bởi sự xúi giục của Satan tạo ra.  Đó là phụ nữ và ma quỷ.

Thiên Chúa không nóng giận và hủy diệt theo cách của Satan, vì Thiên Chúa đứng trên Satan.  Cái bẫy của Satan không giăng được Thiên Chúa, hay nói cách khác Thiên Chúa không mắc bẫy Satan vì Ngài là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ cần phán một Lời.  Lời nguyền của Thiên Chúa trên con người và Satan là sự chúc dữ.  Án phạt tổ tông muôn đời tồn tại trên trần gian và sự chúc dữ của Thiên Chúa vẫn tồn tại trên con người và ma quỷ cho đến ngày cánh chung.

Mọi dòng giống con người được sinh ra trên trần gian đều hệ lụy.  Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền sự chết, Thiên Chúa đã ban chính Con Một của Ngài đến trần gian để ban ơn cứu chuộc cho con người trần gian.  Thiên Chúa muốn tái tạo một dòng giống mới của con người trần gian, nhưng không phải ở trần gian.  Dòng giống mới ấy được sinh ra bởi ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, dòng giống mới ấy phải tinh tuyền, thánh khiết.  Muốn vậy, họ phải được tái sinh bởi nước, Máu và Thánh Thần.  Đấng cứu chuộc, tuy là Thiên tính, nhưng Người đến với nhân loại Người phải mặc lấy nhân tính, đó là xác phàm.  Vì thế, phải có một người Mẹ, người Mẹ ấy được chọn giữa muôn người phụ nữ, người Mẹ ấy khi nhận lời truyền tin của sứ Thần, bày tỏ sự vâng phục và đón nhận Đấng Thiên Sai cho nhân loại.  Ngay từ giây phút ấy Mẹ đã không còn thuộc về Mẹ nữa, mà Mẹ đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.  Như vậy, Đấng cứu chuộc đã ngự trong lòng Mẹ, Mẹ đã không còn là phàm nhân thuần túy nữa, mà là Mẹ đã trở nên siêu phàm nhờ Thiên tính của Đấng cứu chuộc.  Những tước hiệu mà Mẹ đón nhận được đều nhờ bởi Đấng cứu chuộc,vì Mẹ đã được kêu mời cộng tác vào công trình tái tạo nhân loại.  Như vậy, Mẹ của Đấng tái sinh một giòng giống mới, thì Mẹ phải được lãnh nhận một đặc ân hợp lẽ đó là không mắc tội nguyên tổ.  Mọi tín hữu công giáo, khi muốn được gia nhập vào dòng giống mới của Đức Kitô, thì họ phải đón nhận bí tích Thánh tẩy, để được khỏi tội tổ tông.  Phương chi là Đức Trinh nữ Maria, người mà đã mang thai chính Con Một của Thiên Chúa, là Mẹ của một giòng giống mới, mặc nhiên là không vướng tội nguyên tổ.

Như vậy, Eva cũ, (mẹ của chúng sinh cũ), đã qua đi, và Eva mới (Mẹ của chúng sinh mới) đã hiện diện, để cộng tác với Thiên Chúa ban cho nhân loại một giòng giống mới, tất nhiên người Mẹ ấy hoàn toàn hợp lẽ vô nhiễm nguyên tội.  Mẹ xứng đáng là Eva mới.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là đấng vô nhiễm nguyên tội, vì Mẹ đã lắng nghe và thực thi Lời Chúa, Mẹ đã cộng tác vào công trình cứu chuộc của Người.  Nên chi, Mẹ đã lãnh nhận đặc ân vô nhiễm nguyên tội, để sinh ra một giòng giống mới, xin Mẹ thương ban và cầu bàu cho chúng con xứng đáng noi theo Mẹ để đến với Thiên Chúa. Amen!

P. Trần Đình Phan Tiến

 

CÓ LỜI THIÊN CHÚA PHÁN

Mỗi lần mùa Vọng đến, ta lại gặp Gioan. Một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường.

zzHoang địa là nơi vắng người, trơ trụi, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành, trong sự gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa.

Càng lúc ông càng ý thức về sứ mạng của mình, nhưng ông đã kiên nhẫn chờ đợi nhiều năm tháng, cho đến ngày ông nghe thấy Thiên Chúa ngỏ lời với ông. Lời của Ngài đưa ông ra khỏi hoang địa để đến với mọi người trong vùng ven sông Giođan.

Lời Chúa ông nghe nay trở thành Lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi ông nay trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.

Gioan là vị ngôn sứ cho dân tộc ông sau gần năm thế kỷ vắng bóng ngôn sứ. Ông sống trong dòng lịch sử của đạo lẫn đời: Một hoàng đế Tibêriô, hai thượng tế Khanna và Caipha, một Philatô tham lam, tàn bạo, tổng trấn vùng Giuđê, một Hêrôđê, tiểu vương vùng Galilê, kẻ sẽ giết ông sau này. Gioan đón nhận toàn bộ dòng lịch sử ấy.

Lịch sử dân tộc là nơi diễn ra lịch sử cứu độ. Gioan biết mình là Tiền Hô cho Đấng Cứu Thế, và ông cố làm tròn sứ mạng của mình trước lịch sử. Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ.

Ông kêu gọi cả nước hãy sửa sang đường sá, để đón lấy Vua Mêsia, đấng ông không dám cởi dây giày. Đường quan trọng là đường đi vào cõi lòng.

Có bao lối nghĩ quanh co, bao tính toán lệch lạc. Có những lũng sâu tăm tối, thiếu vắng ánh sáng tình yêu. Có những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn.  Có những chỗ mấp mô, lồi lõm giữa người với người. Phải sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay. Phải san cho phẳng, bạt cho thấp…

Sám hối là dọn con đường của lòng mình và mời mọi người cùng dọn các con đường thành đại lộ. Điều đó chẳng dễ dàng chút nào, và thường gây đau đớn.

Vấn đề không phải chỉ là đi xưng tội qua loa, nhưng là dẹp bỏ những chướng ngại trong tâm hồn, để Chúa có thể dễ dàng đến và ở lại.

Gioan đã là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu. Chúng ta phải là ngôn sứ chuẩn bị cho Ngài đến lần cuối.

Làm ngôn sứ cho dân tộc mình, cho thời đại mình: đó là ơn gọi của mọi Kitô hữu chẳng trừ một ai. Cần cất tiếng hô bằng lời nói và bằng cuộc sống.

Ơn cứu độ đã đến từ hai mươi thế kỷ nay, nhưng vẫn thiếu những con đường phẳng phiu, ngay thẳng, để Thiên Chúa có thể đến gặp con người.

Xin Thánh Thần giúp chúng ta xây dựng những con đường mới trên những nẻo đường quen thuộc của nhân loại.

***

Lạy Chúa Giêsu! Sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.Con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép Rửa.

Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối của con; xin cho con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.

Ước gì Chúa ban cho con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến. Amen

(Trích trong “Manna”)

 

HỌC HỎI GƯƠNG SÁNG MẸ MARIA

zzMột ngày kia trên thiên đàng, người ta thấy thánh Phêrô chạy đến với Chúa Giêsu và thưa với Người rằng kẻ nào đó đã làm ra thêm chiếc chìa khóa lậu để mở cánh cửa thiên đàng, vì thế có rất nhiều linh hồn vào thiên đàng cách bất hợp pháp.  Do đó rất nhiều linh hồn chưa được đề nghị nhưng đã xoay xở tìm cách lẻn vào thiên đàng rồi.  Chúa Giêsu đáp:

–  Đúng thế, đó là vấn đề nghiêm trọng.

Thánh Phêrô nói tiếp:

– Con nghe rằng có lẽ có những người đang bán chiếc chìa khóa lậu đó cho những linh hồn chưa được vào thiên đàng.

Chúa Giêsu quyết định:

– Chúng ta phải bắt cho được tên thủ phạm ấy.

Thánh Phêrô hỏi Chúa:

– Vậy chúng ta phải làm sao bây giờ?

Chúa Giêsu trả lời:

– Bây giờ, con hãy gỡ triều thiên ra và hoá trang giả làm một linh hồn tội lỗi nhuốc nhơ rồi đến đứng trước cửa van xin cho được vào thiên đàng.  Ta chắc rằng thế nào cũng có người đưa chìa khoá đến bán cho con, thế là con có thể bắt tại trận kẻ đã dám lấy chìa khóa thiên đàng để làm thêm những chiếc chìa khoá lậu.

Rất lấy làm phấn khởi và chắc bẩm là mình sẽ tóm được tên thủ phạm ngay tại trận, thánh Phêrô đã hoá trang và thực hiện giống như kế hoạch đã định. Khi thánh Phêrô đang đứng trước cửa và nài xin thống thiết để được vào thiên đàng, thì có một người đến vỗ vai thánh Phêrô và nói:

– Hỡi tội nhân, có phải ngươi muốn vào thiên đàng không?

Thánh Phêrô mau mắn trả lời:

– Dạ, đúng ạ!

Người ấy bảo:

– Vậy, ngươi hãy cầm lấy chiếc chià khoá này rồi mở cửa thiên đàng mà vào.

Lập tức, thánh Phêrô quay lại và reo lên:

– A, đúng là mi rồi, ta sẽ bắt mi và mi sẽ bị phạt vì….

Nhưng thánh Phêrô chưa kịp nói hết, thì cũng là lúc ngài nhận ra người đưa chìa khóa cho ngài chính là Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.

*********************************

Câu chuyện tưởng tượng trên đây muốn diễn tả chức năng và vai trò của Mẹ Maria trong cuộc đời chúng ta và trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.  Mẹ là Đấng trung gian, là máng xối truyền thông ơn thánh xuống cho nhân loại.  Cũng như xưa, Mẹ đã âm thầm hiện diện và cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, thì ngày nay, Mẹ vẫn còn tiếp tục sứ mạng của Mẹ là đem mọi người đến với Chúa để hưởng ơn cứu độ của Người.

Với sự tinh tế vốn có của một người nữ, Mẹ Maria luôn mau mắn nhìn ra ý định của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và hiển nhiên, ngày nay Mẹ cũng nhìn được những nhu cầu của mỗi người chúng ta.  Những ai thành tâm đến với Mẹ, Mẹ luôn giúp họ nhận ra ý định yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người.  Vậy, mỗi người chúng ta hãy học nơi Mẹ một trong những đức tính của Mẹ là sự tinh tế.

Người tinh tế là người nhận ra những nhu cầu và ước muốn cũng như tâm tình thầm kín của người khác trước khi họ nói ra thành lời và có thể chẳng bao giờ họ dám nói ra cho người khác biết. Do vậy, nét tinh tế là đức tính rất đáng được trân trọng vì nó chỉ có nơi những con người có tâm hồn quảng đại.  Và cũng chỉ có những con người có tâm hồn quảng đại mới có được sự tinh tế để có thể quan tâm tới người khác trong những hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của họ một cách chân tình, cùng cố gắng đáp ứng bằng hết khả năng của mình.

Chúng ta hãy nỗ lực để học hỏi gương sáng của Mẹ Maria trong sự tinh tế của Mẹ.  Cách cụ thể, mỗi ngày chúng ta hãy để ra một vài phút để tập lắng nghe tiếng lòng của anh chị em, để chúng ta có thể cảm thông và chia sẻ với anh chị em một cách sâu xa.  Có nghĩa là chúng ta đang nỗ lực để sống cùng, sống với và sống cho anh chị em.  Đó là bước đầu để chúng ta thăng tiến trong tình yêu, tình yêu với Thiên Chúa và với mọi người.

*********************************

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin ban cho chúng con một tâm hồn nhạy cảm và rộng mở để luôn sẵn sàng yêu thương và đón nhận mọi người trong hoàn cảnh cụ thể của họ, nhờ đó chúng con có thể kiến tạo một cộng đoàn yêu thương nơi chúng con đang sống, là dấu chỉ Nước Thiên Chúa mai sau.  Amen!

R. Veritas