MÙA VỌNG VÀ NGỌN NẾN CHÁY SÁNG

zzTrong đời sống xưa nay thường có những biến cố khủng hoảng xảy ra, như khủng hoảng kinh tế tài chính, khủng hoảng về đời sống văn hóa xã hội, khủng hoảng về nghề nghiệp công ăn việc làm, khủng hoảng việc học hành, khủng hoảng về niềm tin nếp sống đạo đức…

Mỗi khi biến cố khủng hoảng xảy ra, con người đều cố gắng tìm phương cách sửa chữa điều chỉnh tìm lối thoát ra khỏi con đường đó, mong sao đưa đời sống vào con đường bình an trở lại.  Đó là điều cần thiết phải làm.

Còn trong khủng hoảng về niềm tin nếp sống đạo đức thì làm sao?

Trong đời sống đạo giáo niềm tin của đạo Công Giáo hằng năm có hai thời điểm để mỗi người tín hữu nhìn lại đời sống tâm linh của mình với Chúa và với tha nhân, giúp nhìn ra lỗi lầm, khủng hoảng của mình thế nào mà điều chỉnh sửa chữa lại cho ngay đúng.  Đó là Mùa Vọng và Mùa Chay.

Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị, kéo dài bốn tuần lễ, tâm hồn đón mừng lễ Chúa giáng sinh làm người ngày 25 tháng 12 hằng năm.

Theo tập tục xưa nay trong Giáo Hội, mùa này là mùa ăn năn thống hối những lỗi lầm đã vấp phạm và xin ơn tha thứ của Chúa.  Vì thế, phẩm phục lễ nghi trong mùa Vọng mang mầu tím, nói lên ý nghĩa thống hối.

Bốn tuần lễ mùa Vọng là những mốc chặng đường nhắc nhớ đến 4000 năm nhân loại trông chờ mong đấng Cứu Thế đến trần gian.

Ngày nay ở những xứ nước bên Âu Châu, có tập tục văn hóa vào mùa Vọng họ bện đan một vòng tròn bằng cành lá cây thông còn tươi xanh, chung quanh có bốn cây nến hoặc mầu trắng hoặc mầu đỏ hoặc mầu tím tùy nơi, dựng treo trên cung thánh hay tại phòng khách ở nhà riêng.

Vòng tròn bện bằng những cành nhánh lá thông mầu xanh nói lên ý nghĩa sự sống niềm hy vọng Thiên Chúa mang đến cho trần gian.

Nhiều những cành lá thông nhỏ được đan bện liền vào nhau nói lên ý nghĩa cùng chung hợp gắn bó lại làm nên một vòng tròn.  Điều này làm nhớ lại lời suy niệm của Tôi tớ Chúa, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận:

“Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.”
(Đường Hy vọng số 978)

Vòng tròn không có khởi đầu và không có tận cùng cũng diễn tả về Thiên Chúa, Đấng không có khởi đầu và không có tận cùng.

Bốn cây nến được lần lượt thắp sáng trong bốn tuần lễ muốn nói lên ý nghĩa: Nước Thiên Chúa cũng triển nở lần lượt như bốn cây nến được thắp lên cho tới ngày lễ Chúa Giêsu giáng sinh, Đấng là ánh sáng trần gian.  Ánh sáng bốn cây nến toả ra bốn phương trời đất trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Cây nến là hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng trần gian (Gioan 8,12).

Khi cây nến được đốt lên cũng cắt nghĩa về hình ảnh Chúa Giêsu.  Chất sáp làm nên cây nến là hình ảnh thân xác con người của Chúa Giêsu.  Thân xác con người được Thiên Chúa dựng nên có khởi đầu, có phát triển, có những yếu đuối bệnh tật giới hạn và sau cùng có ngày cùng tận.  Chúa Giêsu xuống trần gian làm người, hy sinh sống cuộc sống của con người như chất sáp bị cháy hao mòn thiêu huỷ.

Còn ngọn lửa đốt sáng cây nến là hình ảnh bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu là Thiên Chúa và cũng là người, nên ngài có hai bản tính: Thiên Chúa và con người.

Ngọn lửa đốt cháy chất sáp và tỏa ra ánh sáng hơi ấm tình yêu cho mọi người.

Bốn cây nến chung quanh “Vòng Mùa Vọng” mang bốn sứ điệp.

  • Cây nến thứ nhất chiếu ánh sáng Hoà bình cho những tâm hồn có lòng khoan dung nhân ái.
  • Cây nến thứ hai mang ánh sáng Niềm Tin cho những tâm hồn khao khát tìm về với Chúa là cội nguồn của đời sống.
  • Cây nến thứ ba chiếu toả hơi ấm Tình Yêu cho những tâm hồn tìm sống tình liên đới với người khác.
  • Cây nến thứ tư mang niềm Hy Vọng cho những tâm hồn cần niềm vui phấn khởi.

Bốn Cây Nến Mùa Vọng loan báo sứ mạng của Chúa Giêsu xuống trần gian làm người với và cho con người.

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long

****************************************

Lạy Chúa, mùa Giáng Sinh lại về.  Tuy rằng con không lầm lẫn Chúa với ông già Noel để xin qùa, nhưng con cũng có một danh sách này xin Chúa ban cho con.

Con ao ước:

  •  Có trọn một ngày để tĩnh tâm, suy niệm về Mầu Nhiệm Chúa nhập thể làm người vì yêu thương con.
  •  Tìm được 15 phút thinh lặng mỗi ngày để dọn lòng mừng đón Chúa.
  • Tìm được dịp đến với Bí Tích Hòa Giải để được xứng đáng đón nhận Chúa.
  • Một dịp để con giúp đỡ người nghèo khổ
  • Thêm nhiều thời giờ sống cho gia đình con
  • Trở nên nhỏ bé để Chúa lớn lên trong con
  • Tìm mọi cách xa lánh những quảng cáo thương mại làm con lo ra, quên chú tâm vào Chúa.

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm.  Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.

zzTỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm, nghĩa là vào lúc ta không ngờ.  Ðời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê khiến ta không gặp được Người.  Có những bóng đêm của tội lỗi giam cầm hồn ta trong giấc ngủ bạc nhược khiến ta không còn đủ sức thoát ra. Tội lỗi lôi kéo tội lỗi. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá gìm ta xuống vực sâu vô tận.  Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi.  Vinh quang giống như ngọn đèn đốt cháy biết bao đời thiêu thân.  Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú.  Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc.  Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra.  Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình.  Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm.  Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí.  Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân của Chúa đi qua.

Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định.  Chúa đến rất âm thầm và rất bé nhỏ. Người không đến với cờ quạt trống phách tưng bừng, nhưng đến trong âm thầm lặng lẽ. Người không đến trong uy nghi lẫm liệt của những vị vương đế, nhưng Người đến trong hiền lành khiêm nhường như một người phục vụ. Người không mặc gấm vóc lụa là, nhưng đơn sơ trong y phục dân dã.  Người không đến như vị quan toà nghiêm khắc, nhưng như một người cha nhân hậu, một người bạn dễ thương dễ mến.  Người đang đến qua những con người hiền lành bé nhỏ quanh ta.  Người đang đến trong những con người khốn khổ túng cùng.  Người đang đến qua những khuôn mặt xanh xao hốc hác.  Người đang đến trong những tấm thân gầy guộc.  Người lẫn vào giữa đám đông vô danh.  Người chìm mất trong số những kẻ bị loại ra ngoài lề xã hội.  Người ẩn mình giữa đám người ăn xin đang lê bước khắp các nẻo đường cát bụi.  Người đang rét run với cặp mắt ngơ ngác thất thần ở giữa những nạn nhân bão lụt.  Phải tỉnh táo lắm ta mới nhận ra Người.  Phải tỉnh thức lắm ta mới gặp được Người.

Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động.  Chúa như ông chủ đi vắng.  Người cho ta được toàn quyền khi Người vắng nhà.  Người giao trách nhiệm cho ta trông coi gia đình ta, giáo xứ ta, địa phương ta, đất nước ta và cả thế giới nơi ta đang sống. Ta được tự do hành động. Ta có trách nhiệm làm cho gia đình, xứ đạo, địa phương, đất nước, và cả thế giới được phát triển về mọi mặt.  Vì thế, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu của anh em, và đáp ứng những nhu cầu đó. Tỉnh thức là nhìn thấy ý Chúa trong những trào lưu thời đại. Tỉnh thức là nhận biết Chúa hành động trong những tâm hồn thiện chí thuộc các niềm tin, mầu da, quan điểm khác nhau để biết cộng tác trong việc xây dựng xã hội. Tỉnh thức là dấn thân hy sinh phục vụ anh em trong quên mình.

Ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức.  Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng.  Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa.  Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng.  Hãy nói không với những đồng tiền bất chính.

Hãy tỉnh táo phân định để nhận ra dung mạo thực sự của Ðức Kitô.  Ðừng chạy theo những khuôn mặt mang dáng vẻ cao sang quyền quý. Ðừng chạy theo những khuôn mặt nặng về quyền lực.  Ðừng chạy theo những lời hứa hẹn giàu sang.  Dung mạo đích thực của Ðức Kitô là nghèo hèn, là khiêm nhường, là bé nhỏ.

Hãy tỉnh thức để làm việc không ngừng, để quên mình, hy sinh phục vụ cho lợi ích của đồng loại.

Như thế, tỉnh thức không phải là việc dễ dàng. Tự sức ta sẽ khó mà tỉnh thức. Nên ta phải tha thiết cầu nguyện xin ơn Chúa trợ giúp.  Có ơn Chúa thúc đẩy, ta mới có thể dứt bỏ con đường tội lỗi xưa cũ.  Có ơn Chúa soi sáng, ta mới đủ tỉnh táo nhận ra dung mạo đích thực của Ðức Giêsu.  Có ơn Chúa trợ giúp, ta mới đủ hăng hái ra đi phục vụ trong quên mình.

***

Lạy Chúa, xin giữ hồn xác con luôn tỉnh thức để con nhận biết Chúa đang đến với con trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

BỨC HỌA “ÁNH SÁNG THẾ GIAN”

Tại nhà thờ Chánh toà Thánh Phaolô ở Luân Đôn thủ đô Anh quốc có treo một bức họa rất nổi tiếng.

zzTrên bức họa có hình Chúa Giêsu đứng ngoài một cánh cửa với cây lá trường xuân che phủ kín mặt tường quanh cửa, trên cánh cửa không có ổ khóa, cũng không có quả nắm ở ngoài.  Nhìn bức họa, chúng ta có thể hiểu ngay là Chúa đứng ngoài cửa, Ngài gõ cửa và đứng chờ cho tới khi có ai ra mở cửa cho Chúa vào, ngoài ra không còn cách nào khác có thể đẩy cửa bước vào.  Bức họa đó mang tên là:  Ánh Sáng Thế Gian.

Những ai có dịp đến Luân đôn đều ghé qua và có thể cảm thấy bầu khí nặng nề, ẩm thấp ở trong nhà thờ hoà nhịp với cảnh thương mại sầm uất, náo nhiệt giữa thành phố đông nghẹt người đi lại ấy.  Dĩ nhiên trong bầu khi dày đặc bụi bặm đó với thời gian, bức họa ngày càng trở nên dơ bẩn.  Cha sở nhà thờ Chánh tòa có gọi thợ đến để sửa lại bức họa qúy giá ấy.  Việc trước tiên phải làm là tháo gỡ những khung gỗ quanh bức họa.  Bất ngờ họ đã khám phá ra một điều mà từ trước tới giờ chưa ai nhận thấy: dưới bức họa ấy, người họa sĩ đã ghi thêm hàng chữ:  “Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con, vì con đã bắt Chúa phải đứng chờ quá lâu”.  Qủa thực, từ bao năm qua, khung gỗ đã che mất hàng chữ đó, vì thế, ý nghĩa cũng như giá trị tinh thần của bức họa cũng không tránh khỏi sự mất mát lớn.

Hàng chữ trên đây nói lên tinh thần đau xót của họa sĩ vì đã để cho Chúa Giêsu đứng chờ quá lâu trước khi ông quyết định mở cửa tâm hồn đón nhận Ngài bước vào trong đời sống của ông.

************************************

Có lẽ các bạn cũng có dịp nghe biết đến bức họa nói trên, nhưng hàng chữ viết ẩn giấu dưới khung ảnh lại rất ít được biết tới.  Hàng chữ viết của họa sĩ là phản ánh sứ điệp của Phúc âm:  Nay là ngày hồng phúc, đây là ngày cứu độ, là thời gian quyết liệt, hãy quyết định đi, đừng chần chờ vô ích, đừng quá đắn đo do dự nữa.  Nhưng đó là quyết định gì?  Là quyết định mở cửa cho Chúa vào, hơn thế nữa, không chỉ là một cánh cửa mà thôi, nhưng là mở tất cả những cánh cửa trong đời sống chúng ta.  Cánh cửa của quá khứ, của hiện tại và cánh cửa hướng nhìn về tuơng lai.

Cánh cửa thứ nhất là cánh cửa chôn giấu cuộc đời trong quá khứ, tức là biết can đảm nhìn nhận những gì đã qua không thể lấy lại được nữa, những vui sướng, đau buồn, chúng ta hãy cảm nhận nó, gói gém tất cả, trao phó cho Chúa, đừng bận tâm làm cản trở bước đi tới của chúng ta.  Chìa khoá của quá khứ được gọi là tha thứ.  Thật vậy, trong đời sống mỗi người có biết bao điều xảy ra ngoài ý muốn mà chúng ta không thể thay đổi được, cũng không thể xóa bỏ hay trốn tránh được.  Chẳng hạn như cái chết, những đổ vỡ trong gia đình, những sự bất trung thất tín, những phản bội v.v…  Dầu muốn dầu không, sự việc đã rồi nhưng vẫn còn đó, vẫn ăn sâu và đè nặng tâm hồn, vì thế, phương pháp duy nhất là tha thứ.

Quyết định mở cửa quãng đường quá khứ cho Chúa Giêsu là đến với Ngài, đến với tất cả cái ba lô nặng trĩu trên vai, là hiến dâng cho Ngài, là cầu xin tha thứ: ơn tha thứ cho chính bản thân và cho tất cả những ai làm phiền đến ta.  Than thân trách phận chỉ là đều vô ích.  Trái lại, nếu chúng ta quyết định và dứt khoát dâng hiến cho Ngài, tất cả mọi sự sẽ tiêu tan và sẽ được biến đổi trong biển cả tình thương bất tận của Ngài.  Chúa Giêsu, Ngài vẫn tiếp tục gõ cửa và vẫn kiên nhẫn đứng chờ ở ngoài.

************************************

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn can đảm để con dứt khoát bắt đầu, cởi bỏ gánh nặng của quá khứ đang đóng kín lòng con và dạy con rộng mở cửa lòng cho Chúa vào, vì chỉ nơi Chúa mới có ơn tha thứ và ơn an bình thực sự.  Amen!

R. Veritas

LÁ THƯ CUỐI CÙNG CỦA NGƯỜI LÁI XE TẢI

Một lần trên xa lộ, tôi thấy một nhóm cảnh sát hoàng gia Canada và vài người công nhân đang tháo gỡ phần còn lại của một chiếc xe tải bị mắc kẹt bên vách đá.  Tôi đậu xe lại, nhập vào nhóm tài xế xe tải đang lặng lẽ quan sát đội công nhân.

Một cảnh sát bước lại chỗ chúng tôi chậm rãi nói: “Rất tiếc, người tài xế đã chết khi chúng tôi phát hiện ra anh ta.  Có lẽ anh ấy bị lạc tay lái trong lúc trời có bão tuyết hai ngày trước đây.  Thật khó để nhận ra người bị nạn nếu chúng tôi không may mắn thấy ánh nắng phản chiếu từ kính chiếu hậu”.  Viên cảnh sát lắc đầu buồn bã, rút trong túi áo khoác một lá thư: “Đây này, các anh nên đọc cái này. Tôi đoán anh ấy đã sống được khoảng hai giờ trước khi chết vì lạnh”.

Tôi chưa bao giờ thấy cảnh sát khóc.  Tôi nghĩ họ đã thấy quá nhiều cái chết và chứng kiến nhiều cảnh tượng hãi hùng nên họ không còn cảm giác gì trước những việc tương tự.  Nhưng viên cảnh sát ấy đã lau nước mắt và đưa tôi lá thư.  Đọc thư, tôi cũng như những người tài xế khác, không nói lời nào, chỉ lặng lẽ giấu những giọt nước mắt, trở về xe của mình.

Những từ ngữ trong thư như nung cháy tôi.  Và sau nhiều năm, nó vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ, như thể tôi đang cầm nó trước mặt.  Tôi muốn chia sẻ lá thư đó với bạn, bạn bè của bạn và gia đình của họ.

zzThư của Bill, tháng 12 năm 2000

“Vợ yêu quý của anh,

Đây là lá thư mà không người đàn ông nào muốn viết.  Nhưng anh cũng đủ may mắn khi có một ít thời gian nói lên những gì anh đã quên nói nhiều lần trước đây.

Anh yêu em, em yêu ạ.  Em đã từng nói đùa rằng anh yêu chiếc xe tải còn hơn cả yêu em bởi vì anh dành nhiều thời gian cho nó quá!  Anh yêu cái khối sắt này vì nó cần cho chúng ta.  Nó chứng kiến anh vượt qua những nơi khó khăn, những giờ khó nhọc.  Anh đã có thể luôn kỳ vọng vào nó trên những chuyến hàng xa và nó luôn mau chóng giúp anh hoàn thành công việc.  Nó không bao giờ làm anh thất vọng.  Nhưng em có biết rằng anh yêu em cũng bởi những lý do đó.  Em cũng đã chứng kiến anh vượt qua những thời khắc khó khăn.

Anh nhớ anh đã than phiền về chiếc xe cũ kỹ vậy mà anh không nhớ em cũng từng than thở khi mệt mỏi trở về nhà.  Anh quá lo nghĩ đến những rắc rối của mình đến nỗi không nghĩ gì đến em.  Anh nghĩ về những thứ em đã phải từ bỏ vì anh: quần áo, du lịch, tiệc tùng, bạn bè…  Em đã không bao giờ trách móc và vì lý do nào đó anh đã không bao giờ nhớ cám ơn em.  Khi anh ngồi uống cà phê với bạn bè, anh luôn nói về chiếc xe và những khoảng tiền sửa chữa nó.  Anh nghĩ anh đã quên mất em là người bạn đời của anh.

Sự hy sinh và phấn đấu của em cũng nhiều như việc anh cố gắng để có được một chiếc xe mới.  Anh rất hãnh diện về chiếc xe này và anh cũng rất hãnh diện về em.  Nhưng anh chưa bao giờ nói với em điều đó.  Anh cho đó là điều dĩ nhiên em đã biết.  Nhưng nếu anh dành nhiều thời gian với em thay vì để chùi rửa, lau bóng chiếc xe thì anh đã có thể nói những lời thật lòng mình với em.

Nhiều năm tháng qua, trong những lần rong ruổi trên đường, anh biết những lời cầu nguyện của em luôn theo anh.  Nhưng lần này những lời đó không đủ.  Anh đang đau quá.  Anh đang trên chặng đường cuối cùng.  Và anh muốn nói lên những điều mà lẽ ra anh phải nói nhiều lần trước đây.  Những điều bị lãng quên vì anh quá quan tâm đến chiếc xe và công việc.

Anh đang nghĩ đến những ngày kỷ niệm của hai đứa hay ngày sinh nhật đã bỏ lỡ, cả những vở kịch, những trận đấu hockey của các con mà em phải tham dự một mình vì anh đang đâu đó trên đường.  Anh đang nghĩ về những đêm em cô đơn và nghĩ đến anh đang ở đâu, công việc như thế nào.  Anh đang nghĩ về những lúc anh muốn gọi cho em chỉ để nói lời chúc ngủ ngon nhưng vì lý do gì đó lại tiếp tục chạy xe.  Anh nghĩ về những giây phút thanh thản, yên lành khi nghĩ đến em cùng các con.  Những bữa cơm gia đình em dành nhiều thời gian để chuẩn bị và tìm nhiều lý do để giải thích với các con vì sao anh không ăn cùng. (Vì anh đang bận thay dầu cho xe, anh đang bận sửa xe, anh đang ngủ vì buổi sáng anh phải đi sớm,…).  Luôn luôn có một lý do nào đó!  Khi chúng ta lấy nhau, em không biết thay bóng đèn, nhưng chỉ hai năm sau em đã có thể sửa lò sưởi những khi trời bão trong khi anh đang chờ dỡ hàng ở Florida.

Anh đã phạm nhiều sai lầm trong đời nhưng nếu nói anh chỉ có một lần quyết định đúng, anh nghĩ đó là khi anh hỏi cưới em.

Cơ thể anh đang đau.  Nhưng tim anh thì đau hơn nhiều.  Em không có mặt lúc anh ra đi, lần đầu tiên từ khi chúng ta có nhau.  Anh thật sự thấy cô đơn và sợ hãi.  Anh cần em nhiều lắm và anh biết đã quá trễ rồi.  Anh nghĩ thật là tức cười, bây giờ tình yêu của anh thì đang ở xa anh ngàn dặm còn khối sắt vô tri đã sai khiến cuộc sống của anh nhiều năm nay thì đang ở đây.  Nhưng anh cảm thấy em đang ở cạnh.  Anh có thể cảm nhận tình yêu của em, trông thấy khuôn mặt em.  Em đẹp lắm, có biết không? Anh nghĩ gần đây anh không nói với em điều đó dù em vẫn rất xinh đẹp.

Hãy nói với các con rằng anh yêu chúng rất nhiều . Anh sợ phải ra đi quá nhưng giờ phút đó đã đến rồi em yêu ạ. Anh yêu em rất nhiều.  Hãy nhớ chăm sóc bản thân và luôn nhớ rằng anh đã yêu em nhiều hơn bất cứ cái gì trên đời.  Anh chỉ quên không nói với em điều đó mà thôi.

Anh yêu em!
Bill.”

“…Nếu bạn đang chờ đến ngày mai, tại sao lại không thực hiện mọi thứ ngay trong ngày hôm nay?  Bởi nếu ngày mai không bao giờ tới, bạn sẽ phải hối tiếc rất nhiều vì đã không dành những giây phút hiếm hoi còn lại để sẻ chia một nụ cười, một cái ôm…

…Hãy giữ những người mà bạn thật sự yêu thương trong vòng tay của mình, thì thầm vào tai họ, nói với họ rằng bạn yêu thương họ nhiều như thế nào…”

Thụy Khanh dịch
(Theo Chicken Soup Daily).

 

ĐỨNG VỀ PHÍA SỰ THẬT

zzMừng lễ Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ hôm nay, Giáo hội mời gọi ta ngắm nhìn trái đất, nơi Thiên Chúa đã tạo dựng cho con người và vì con người, nơi Thiên Chúa đã đem lòng yêu thương và ban ơn cứu chuộc. Nơi đây Con Thiên Chúa đã ghi dấu chân mình, đã mặc lấy thân phận con người, sống như con người, và chết cho con người được sống.

Hôm nay trái đất này là nơi sinh sống của hơn 6 tỉ người. Trái đất này sẽ đi về đâu? Lịch sử này sẽ đi về đâu? Tất cả sẽ được hội tụ và biến đổi nơi Đức Kitô, để rồi Ngài sẽ dâng lại tất cả cho Thiên Chúa Cha.

Tin mừng Chúa nhật hôm nay đưa ta về khung cảnh xét xử Chúa Giêsu trong dinh philatô, nơi một kẻ tội lỗi lại xét xử một đấng Thánh, một con người hèn mọn lại xét xử một Thiên Chúa tối cao, và một tạo vật bé nhỏ lại đi xét xử một đấng tạo hóa quyền năng vô biên.

Trong cuộc xét xử này, Đức Giêsu không nói rõ mình là vua, cũng không chịu để dân chúng tôn vinh mình là vua, nhưng Ngài lại nói nhiều về Nước của Ngài. “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga.18:36)

Nước đó, Philatô chẳng có gì phải sợ.  Một nước không có quân đội để chiến đấu, không có lãnh thổ trên bản đồ, không thuộc về thế gian. Nhưng Nước đó lại rộng lớn vô biên và có những công dân thực sự.  Bất cứ ai đứng về phiá sự thật thì thuộc về Nước này. “Tôi đã sinh ra và đã đến trong thế gian vì điều này: Đó là để làm chứng cho sự thật.“. (Ga.18:37)

Họ bắt gặp sự thật nơi lời chứng của Đức Giêsu. Họ đã nghe tiếng Ngài và theo Ngài tiến bước. Có những người chưa biết Đức Giêsu, nhưng đã ở rất gần Ngài.

Nước của Vua Giêsu là Nước của sự thật. Sống theo sự thật chẳng bao giờ dễ dàng. Kẻ trung thực thường thua thiệt, lại bị coi là dại dột. Sự dối trá nhiều khi được coi là khôn ngoan. Người ta dối trá một cách trơn tru, không chút áy náy.

“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Chúng ta không nghe được tiếng Chúa, chỉ vì ta sợ sự thật, sợ nói thật, sợ sống thật, như Philatô muốn giữ ghế ngồi hơn là cứu người vô tội.

Lương tâm bị băng hoại, lòng tin vào nhau bị đổ vỡ. Cuối cùng chính chúng ta là nạn nhân của mình, của một thế giới xây dựng trên những đồ giả.

Mừng lễ Đức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, ta đặt mình trước một thế giới bề bộn bao vấn đề: ô nhiễm môi trường, tăng dân số, aids, thất nghiệp, ma tuý, mafia, tham nhũng, nghèo đói, lạc hậu, bất công… Thế lực của sự dữ và tội ác có vẻ thắng thế, ích kỷ, hận thù, bạo lực tung hoành khắp nơi. Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Chúa mau đến, mà còn đưa tinh thần Đức Kitô vào mọi cơ cấu trần gian: Chính trị, xã hội, nghệ thuật, giáo dục, thể thao, giải trí…

Càng làm cho sự thật và tình yêu thắng thế thì Nước Chúa càng lớn dần lên cho đến lúc thành tựu viên mãn vào ngày tận thế.

***

Mừng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ hôm nay, ước chi ta biết xóa bỏ những thần tượng giả mạo, ước chi ta chọn Ngài làm vua của lòng mình, để Ngài chiếm hữu từng khoảng khắc cuộc đời ta, và ngự trị trong cõi lòng ta luôn mãi. Amen

(Trích trong ‘Manna’)

TÂM TÌNH BIẾT ƠN

zzCám ơn Người luôn nhớ đến con
Cho con biến đổi từ thân xác
Cho con niềm trung trinh tín thác
Dù biết tình con đã nhạt nhòa.

Cám ơn Người vẫn chưa quên
Một gã phong cùi mất tuổi tên
Mất luôn tất cả tình xưa cũ
Đời con phiêu bạt sống bên đường.

* * * * *

Bạn thân mến! Hơn hai ngàn năm trước đây, tôi đã sinh ra và lớn lên trong vùng Samari bên miền đất Do Thái ngày nay.  Từ ngày khôn lớn, vì cuộc sống lam lũ nghèo đói, tôi đã phải bôn ba vất vả hàng ngày để kiếm sống, và cũng từ ngày đó, tôi đã mang trong người căn bệnh hiểm nghèo: Bệnh phong cùi.  Ngày tháng trôi qua, căn bệnh không có thuốc chữa này đã lấy đi những ngón tay ngón chân của tôi, nó cũng làm cho khuôn mặt của tôi biến đổi thành dị hợm khó coi.

Vào thời đó, luật lệ và quan niệm của con người cho rằng người mắc bệnh phong là người tội lỗi, là hiện thân của hình phạt mà Thiên Chúa đã giáng xuống. Người mắc bệnh phong cũng bị thân nhân và người đời ruồng bỏ, bị gạt ra khỏi cộng đoàn xã hội.  Hàng rào ngăn cách bởi luật lệ ngăn cấm tôi không được tiếp xúc với những người không mắc bệnh.  Chính vì điều này mà những người mắc bệnh phong như tôi đã phải liên kết với nhau để nâng đỡ nhau, sống quây quần bên nhau làm thành một xã hội của những người phong cùi.

Một ngày kia, tôi nhìn thấy Giêsu trên đường đi. Tôi đã nghe người ta nói nhiều về Giêsu, về quyền năng mà Giêsu đã chữa lành cho các bệnh nhân, về tình yêu thương an ủi nâng đỡ mà Giêsu đã trao ban cho nhiều người, đặc biệt là những người nghèo khó và cùng khốn như tôi. Khi nhìn thấy Giêsu trên đường đi, nỗi vui mừng đã tràn ngập lòng tôi, với niềm tin tưởng dâng cao, tôi tự nhủ:

– Phen này chắn hẳn tôi sẽ được cứu, sẽ được chữa lành !!!

Nhưng luật lệ đã ngăn cấm không cho phép tôi đến gần Giêsu.  Biết làm sao đây?  Tôi cùng với những người bạn cùi, chúng tôi phải đứng xa xa và mạnh dạn cất tiếng kêu xin lòng thương xót của Giêsu:

– Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi (Lc.17:13)

Giêsu đã vượt qua luật lệ, Ngài đã phá tan bức tường ngăn cách kỳ thị, Giêsu đã đến đứng bên cạnh tôi.  Trước mặt tôi là một Giêsu với gương mặt phúc hậu, với đôi mắt rưng rưng ngấn lệ …Giêsu giơ tay đụng đến thân xác tàn tạ bệnh hoạn của mỗi người chúng tôi.  Cuối cùng Ngài lên tiếng nói :

– “Hãy đi trình diện với các Tư Tế” (Lc.17:14)

Tôi giơ bàn tay lên cao để nhìn.  Bàn tay vẫn như cũ, ngón tay vẫn còn bị mất, vết thương lở lói với máu mủ vẫn còn nguyên vẹn.  Căn bệnh vẫn còn đó trên thân xác này, thế mà Giêsu lại bảo tôi đi trình diện với các tư tế để được khám xét, để được chứng thực là đã sạch bệnh.  Lạ quá nhỉ?  Tôi hoang mang phân vân không biết phải làm gì. Chẳng lẽ tôi không được Giêsu chữa lành hay sao?  Ngài không nghe tiếng tôi van xin; không dủ lòng thương xót cho con người cùng khốn của tôi hay sao?  Nhưng với niềm tin tưởng phó thác nhỏ bé trong tôi, tôi bước đi và làm theo lời Ngài chỉ dạy.  Nhưng lạ thay, trên đường đi đến trình diện các tư tế, tất cả mười người chúng tôi đều được khỏi bệnh.  Niềm vui mừng hân hoan trào dâng trong lòng tôi. Giêsu đã nghe tiếng tôi nài xin.  Ngài đã dủ lòng thương tôi, đã chữa lành cho tôi. Giờ đây tôi mới hiểu ra là Ngài muốn có sự cộng tác của tôi để việc cứu chữa mà Ngài thực hiện nơi tôi trở nên trọn vẹn hơn, hoàn hảo hơn và nhiều ý nghĩa hơn… Giêsu ơi! Tình thương của Ngài sao quá bao la!!!

Trước khi gặp Giêsu, tôi là một gã phong cùi bị xã hội và con người coi là phường tội lỗi, bị thân nhân và người đời xa lánh ruồng bỏ, phải sống lang thang vất vưởng đầu đường xó chợ. Sau khi gặp Giêsu, tôi được chữa lành và được biến đổi thành một con người mới, được hòa nhập vào cộng đoàn xã hội, không còn bị khinh chê, bị thân nhân và người đời ruồng bỏ nữa. Giêsu đã cải hóa con người tôi, Ngài đã làm tất cả những điều này vì yêu thương tôi.  Lòng biết ơn đã thôi thúc tôi quay về với Đấng đã cứu chữa tôi.  Tôi phải trở về gặp Ngài, xấp mình dưới chân Ngài để nói lời tạ ơn, để thấy mình được bao bọc bởi tình yêu thương, và cũng để làm mọi sự để đáp lại tình yêu đó.

Gặp lại Giêsu, Ngài trao cho tôi ánh mắt yêu thương trìu mến.  Ngài ân cần nhỏ nhẹ lên tiếng nói với tôi:

–  “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc.17:17-18)

Chín người kia đâu?  Họ đi đâu rồi?  Họ là những người Do Thái mà!  Họ là người “trong đạo” và là người dân được Thiên Chúa tuyển chọn.  Ấy vậy mà họ không nhìn ra quyền năng Thiên Chúa đã làm trên cuộc sống và thân xác của họ hay sao?

Chín người kia đâu?  Họ đã cùng tôi đi chung một đoạn đường dài trong những năm tháng đắng cay cuộc đời, họ đã cùng tôi chia sẻ tấm áo miếng cơm trong cuộc sống đầu đường xó chợ, và mới vài giờ trước đây, họ đã đi chung một con đường với tôi để đến trình diện các tư tế.   Nay được khỏi bệnh, có lẽ họ không còn tiếp tục sống chung với tôi, chia sẻ vui buồn sướng khổ với tôi như trước nữa.  Họ tách riêng ra và không thể cùng tôi đi chung một con đường.  Họ đã bị ngăn cản bởi hàng rào ngăn cách của kỳ thị “trong đạo-ngoại đạo” gây ra. Họ được giải thoát khỏi bệnh tật nhưng họ lại bị nô lệ vào luật lệ và quan niệm khắt khe của người đời.

Chín người kia đâu?  Tôi không biết giờ này họ ở đâu, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là họ đã được khỏi bệnh như tôi, và họ đã quên người đã làm cho họ khỏi bệnh.  Chắc hẳn họ đã có lòng tin nên được khỏi bệnh, nhưng họ lại thiếu lòng biết ơn cần thiết của một con người.  Họ đã khỏi bệnh phần xác nhưng căn bệnh hiểm nghèo trong tâm hồn của họ vẫn còn cần được cứu chữa.

Trong sự kính trọng và vâng phục, tôi xấp mình dưới chân Giêsu để nói lên tâm tình tạ ơn.  Ngay lúc đó, Giêsu đã cúi xuống và nâng tôi lên. Ngài nói nhỏ vào tai tôi:

– “Ðứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. (Lc.17:19)

Tôi đứng dậy bước đi nhưng lòng còn mang nặng ơn nghĩa với Giêsu. Chân tôi bước đi nhưng lòng trí và ánh mắt của tôi cứ hướng về Giêsu. Tiếng Ngài cứ vang vọng trong tâm trí của tôi “ về đi…về đi ”. Ngài muốn tôi về với cuộc sống bình thường ngày xưa, về với gia đình làng xóm, về với cộng đoàn xã hội… “ về đi ” để làm chứng cho Ngài, để nói về Ngài cho những người xung quanh tôi, để rao truyền Tin Mừng và ân sủng mà Ngài đã trao ban cho tôi hôm nay. Tôi vừa bước đi vừa nói với Ngài trong thinh lặng: ”Vâng lời Ngài, con đi về…Nhưng Giêsu ơi! xin ở cùng con luôn mãi…” 

* * * * *

Lạy Chúa! Xin cho con luôn ý thức để nhận ra những hồng ân mà Chúa đã ban cho con từng giây từng phút, để con cũng biết dâng lời cảm tạ từng phút từng giây.  Xin cho con biết cảm nhận tình thương, sự hy sinh và cử chỉ yêu thương của những người chung quanh, để con biết đáp trả bằng chính tình yêu chân thành và sự hy sinh của con.  Xin cho con luôn sống tâm tình biết ơn; biết ơn Chúa và biết ơn người, để cuộc đời con luôn là một bài trường ca tri ân cảm mến.  Amen.

Linh Xuân Thôn

MẸ CHỈ CẦN DUY NHẤT MỘT THÁNH LỄ

zzNgày 3-2-1944, một cụ bà gần 80 tuổi qua đời.  Cụ bà đó không ai khác là thân mẫu tôi.

Tôi lặng lẽ chiêm ngắm gương mặt Mẹ dịu hiền nơi nhà nguyện nghĩa trang, trước khi hạ huyệt.  Trong tâm tình con thảo và nhất là, trong tư cách Linh Mục, tôi thì thầm với Mẹ: “Mẹ à, từ ngày có trí khôn đến giờ, con chưa bao giờ thấy Mẹ lỗi phạm nặng nề một luật nào của Chúa!

Và tôi hồi tưởng những chặng đường qua của cuộc đời Mẹ.

Mẹ tôi có một đời sống thật gương mẫu.  Sở dĩ tôi được làm Linh Mục phần lớn là nhờ công lao của Mẹ hiền.

Mỗi ngày, Mẹ tôi tham dự Thánh Lễ rước lễ, kể cả vào những năm cuối đời, tuổi đã cao.  Khi đi cũng như lúc về, Mẹ tôi đều cầm tràng hạt trong tay.  Mỗi khi rỗi rảnh, Mẹ thường lần hạt, đọc kinh Mân Côi.  Mẹ tôi rất có lòng bác ái, thương người đến độ mất một con mắt, chỉ vì liều mạng cứu sống một người đàn bà nghèo.  Chưa hết.  Mẹ tôi luôn chấp nhận thánh ý Thiên Chúa.  Ngày thân phụ tôi qua đời, Mẹ tôi hỏi: “Trong lúc này đây, Mẹ có thể than thở gì với Đức Chúa GIÊSU để làm đẹp lòng Ngài?”  Tôi trả lời: “Mẹ cứ lập đi lập lại câu: Lạy Chúa, xin cho thánh ý Chúa được thực hiện.

Trên giường bệnh, Mẹ tôi lãnh các Bí Tích sau cùng với Đức Tin sâu xa.

Mấy giờ trước khi tắt thở, Mẹ tôi đau đớn vô cùng.  Nhưng Mẹ không ngừng lập đi lập lại: “Lạy Đức Chúa GIÊSU, con muốn xin Chúa giảm cơn đau cho con.  Tuy nhiên, con không dám áp đặt ý con trên thánh ý Chúa.  Trái lại, xin cho thánh ý Chúa được thể hiện.

Với lời sau cùng này, Mẹ tôi – người phụ nữ đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng dục tôi nên người – trút hơi thở cuối cùng.  Sau khi Mẹ tôi qua đời, ai ai cũng nức lời khen ngợi Mẹ, người đàn bà đức hạnh.  Tuy nhiên, tôi không để ý đến lời ca tụng của người đời cho bằng nghĩ đến sự phán xét công minh của Thiên Chúa.  Do đó, tôi làm nhiều việc lành, sốt sắng dâng Thánh Lễ và không ngừng cầu nguyện cho Linh Hồn Mẹ sớm tận hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa.

Ngoài ra, mỗi khi có dịp giảng, tôi đều nhắn nhủ các tín hữu Công Giáo hãy năng nhớ giúp đỡ các Linh Hồn nơi Lửa Luyện Ngục.  Giúp đỡ bằng nhiều cách: tham dự Thánh Lễ, rước lễ và làm việc lành phước đức, bố thí giúp đỡ người nghèo.

Thiên Chúa Nhân Lành cho phép Mẹ hiện về với tôi.

Đúng hai năm rưỡi sau khi qua đời, Mẹ tôi bỗng xuất hiện trong phòng, dưới hình dạng con người.  Mẹ trông thật buồn bã.  Mẹ tôi nói: “Các con đã bỏ quên Mẹ trong Luyện Ngục!

Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Ủa, cho tới bây giờ mà Mẹ còn ở trong Luyện Ngục hay sao?

Mẹ tôi đáp:Đúng thế! Mẹ vẫn còn ở trong Luyện Ngục.  Bóng tối vây phủ Linh Hồn Mẹ, khiến Mẹ không thể trông thấy Ánh Sáng là Thiên Chúa… Mẹ đang ở ngưỡng cửa Thiên Đàng, gần nơi an vui vĩnh cửu và Mẹ nồng nhiệt ước muốn được vào, nhưng Mẹ không thể nào vào được! Không biết bao nhiêu lần Mẹ tự nhủ: Nếu các con biết mình đang bị dằn vặt khốn khổ khôn lường, hẳn là chúng đã cấp tốc ra tay cứu giúp mình!

Tôi hỏi tiếp: “Sao trước đây Mẹ không hiện về báo cho chúng con biết?

Mẹ tôi buồn bã trả lời: “Mẹ đâu có được phép!

Tôi lại hỏi: “Mẹ vẫn chưa được trông thấy Thiên Chúa sao?

Mẹ tôi giải thích: “Khi vừa tắt thở, Mẹ đã được trông thấy Chúa nhưng chưa được trông thấy trọn Ánh Sáng Vinh Quang của Chúa.

Tôi hỏi tiếp: “Chúng con có thể làm được gì để giúp Mẹ ra ngay khỏi Luyện Ngục?

Mẹ tôi nói: Mẹ chỉ cần duy nhất một Thánh Lễ.  Chúa cho phép Mẹ hiện về để xin con điều đó.

Tôi không quên dặn dò Mẹ: “Khi nào được vào Thiên Đàng, Mẹ nhớ hiện về ngay báo tin cho con biết.

Mẹ tôi trả lời: “Nếu Chúa cho phép Mẹ hiện về…  Ôi Ánh Sáng thật tuyệt đẹp!

Vừa nói Mẹ tôi vừa biến mất.

Chúng tôi dâng 2 Thánh Lễ cầu cho Linh Hồn Mẹ.

Một ngày sau, Mẹ tôi hiện về nói: “Mẹ đã được vào Thiên Đàng rồi!

Chứng từ của Cha Giuseppe Tomaselli, người Ý, Dòng Don Bosco.

… “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.  Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.  Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.  Mong đợi Chúa, con hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người.  Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.  Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Israel hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Israel cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn” (Thánh Vịnh 130).

(”L’Aldilà .. Stupenda realtà”, Editrice Comunità, 1992, trang 265-266)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt (Đài Vatican02/11/2009)

 

PHÁN XÉT CHUNG

Khi còn ở tập viện, một hôm thánh Louis Gonzaga đang chơi với các bạn thì một người bạn hỏi ngài rằng: “Giả sử ngày mai là ngày tận thế, mọi người sẽ phải chết, bạn sẽ làm gì hôm nay?”. Thánh Louis dừng lại một chút rồi mỉm cười trả lời: “Tôi sẽ tiếp tục chơi”.

***

Bạn thân mến! Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng tường thuật về ngày tận thế, ngày tất cả mọi người đều phải chết.  Ngàyzzđó là ngày phán xét chung, ngày Chúa ngự đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, ngày đó linh hồn ta sẽ lộ hết chân tướng, không có gì có thể che dấu được.

Bấy giờ Con Người sẽ ngự đến, đầy uy nghi và cao cả, để xét xử muôn dân. Đó là một vài nét chấm phá về ngày phán xét chung.

Nhiều người ngày nay lo sợ về ngày tận thế. Bởi vì có nhiều dấu hiệu giống như những điều đã được tiên báo trong các sách Tin Mừng. Chẳng hạn như loạn lạc chiến tranh, tình trạng hỗn độn, nạn đói kém, các dịch bệnh, động đất và việc xuất hiện các ngôn sứ giả (Mt 24:4…)

Là người Kitô, sự kiện tận thế không phải là sự hủy diệt trái đất, nhưng là việc Chúa Giêsu đến lần thứ hai. Đó là lúc kẻ chết sống lại và mọi người đều phải đối diện trước mặt Thiên Chúa để chịu xét xử về công trạng của mình trong cuộc sống và những việc mình đã làm .

Đó sẽ là ngày của sự công bình và sự thật: “Những kẻ khôn ngoan sẽ chiếu sáng như ánh quang của bầu trời… Những kẻ công chính sẽ chiếu sáng như các vì sao…”. Đó sẽ là ngày phán xét: Kẻ lành sẽ được thưởng, kẻ thất trung sẽ bị loại trừ. Lòng mỗi người, mà Thiên Chúa thấu suốt, sẽ được phơi bày ra. Những kẻ đã sống vì Thiên Chúa sẽ được dẫn tới bên Ngài; Những kẻ chối từ Ngài sẽ bị ruồng bỏ.

Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa nhật hôm nay mời gọi ta quan tâm đến thời khắc ta sẽ phải gặp Chúa, phải đối diện với Chúa vào giây phút cuối của cuộc đời. Liệu vào lúc ấy, ta có đến với Chúa bằng đôi tay chất đầy công nghiệp là những hành động bác ái yêu thương hay không?  Nếu như phải tính sổ cuộc đời với Chúa, thì ta đã sử dụng những nén bạc Ngài trao gởi như thế nào?

Vì thế, ta đừng lo lắng chuyện tận thế, nhưng hãy quan tâm đến việc ta có còn tin tưởng và cậy trông vào Đức Kitô hay không? Ta có sống yêu thương như Tin Mừng Chúa Kitô mời gọi hay không?  Vấn đề là ở chỗ này:  Ngày phán xét, ta chỉ bị hỏi một câu thôi: “Con đã làm gì cho những anh chị em nhỏ mọn nhất của Ta?”

***

Lạy Chúa, xin cho con sống mỗi ngày như là ngày sau hết của đời con. Amen

 

 

VĨNH BIỆT

zzNghe từ “vĩnh biệt” tự nhiên lòng chúng ta chùng xuống.  Sao mà thấy xa vời và não lòng quá.  Lời vĩnh biệt làm cho lòng xôn sao rụng rời.  Một bước hẫng mất mát.  Sự hiện diện bị cắt đứt.  Không còn gặp nhau nữa.  Ra đi mãi mãi ngàn thu.  Không phải một Thu mà ngàn Thu.  Mỗi độ Thu về, lá cây đổi màu vàng úa và rụng xuống.  Cảnh Thu thật buồn.  Từng chiếc, từng chiếc lá khô héo và rụng bay theo chiều gió.  Lá Thu rơi vĩnh biệt.  Từ những lá già đến những lá non mới trổ đều lần lượt ra đi để cành cây trơ trụi.  Không có lúc khởi đầu thì cũng chẳng có kết thúc  Không có sinh thì không có tử.  Không có lúc chào đời thì không có lúc lìa đời.  Không có mối liên hệ thì cũng chẳng có giây phút vĩnh biệt.  Liên hệ càng sâu đậm, sự chia ly càng buồn đau.  Sự vĩnh biệt chia cách nào mà con tim không rướm máu.

Sinh ra là sự khởi đầu.  Chết là đến cùng đích.  Sống là cuộc lữ hành.  Lữ hành trần thế làm cho chúng ta đi từ trạng thái này đến trạng thái khác.  Từ non nớt đến trưởng thành.  Từ dại khờ đến sự hiểu biết. Từ yếu đuối đến mạnh sức.  Từ sự cô đơn đến tình yêu nồng ấm.  Từ vui mừng đến lòng biết ơn.  Từ khổ đau đến sự cảm thương và từ sợ hãi đến niềm tin.  Niềm tin vào Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Chúa Kitô sống lại là niềm xác tín và là hy vọng của chúng ta.

Chúng ta đang sống nhưng chúng ta không hiểu về mầu nhiệm của sự sống.  Hết sống là đi vào cõi chết.  Sách Giảng Viên nói rằng có sự ấn định thời gian cho mọi sự: Một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy (Gv 3,2-4).  Trong cuộc lữ hành dưới thế, mọi người đều trải qua những phát triển căn bản như nhau.  Rồi từng người cũng từ từ tách ra khỏi cuộc đồng hành.  Giống như khi chúng ta bước lên chuyến tàu và mỗi người xuống một trạm khác nhau.  Ai cũng phải xuống trạm.  Trạm cuộc đời cũng thế, không ai có thể bỏ cái trạm sau cùng là sự chết.

Có biết bao người khắc khoải đi tìm ý nghĩa của sự chết.  Nhiều người không biết rằng sau khi chết, số mệnh mỗi người sẽ ra sao?  Chết có phải là hết không?  Nếu không, chúng ta sẽ đi về đâu?  Trải dài suy tư mọi thời để tìm giải đáp, con người vẫn còn bị bế tắc trước mầu nhiệm của sự chết.  Văn minh khoa học giúp con người nghiên cứu học hỏi về sự sống để giúp giữ gìn sức khoẻ và chữa lành những bệnh tật, nhưng khi đã tắt thở thì con người đành bó tay.  Khoa học chỉ có thể trả lời cho vấn đề sự sống, sự chết về khía cạnh thực nghiệm và thể chất.  Mầu nhiệm của sự chết vẫn là một điều bí ẩn của niềm tin.

Ai trong chúng ta cũng có một chút kinh nghiệm về sự chết mòn.  Sự chết của một tế bào, của một sợi tóc rụng xuống và sự chết dần chết mòn của trí khôn quên xót và xác thân hao gầy, đuối sức mỗi ngày. Nhưng không một ai có thể chia sẻ kinh nghiệm của cái chết hoàn toàn khi đã tắt thở lìa đời.  Một khắc giây cách biệt muôn đời giữa sự sống và sự chết.  Hai thế giới sống chết tách biệt ngàn trùng.  Không có chiếc cầu nối liên hệ.  Chết là chấm dứt và là vĩnh biệt.  Đứng trước cái chết của người thân, chúng ta mới thực sự cảm thấy sự mất mát, đau lòng, tiếc nuối và thương nhớ là dường nào.

Hy vọng là nguồn sống của mỗi người chúng ta.  Những người thân thuộc trong gia đình, anh chị em bạn bè và ân nhân tạo thành mỗi liên hệ gần.  Càng gần thì càng thân.  Thân thuộc thì không muốn chia lìa xa cách.  Chúng ta chỉ muốn nói lời tạm biệt, hẹn gặp lại và mong có dịp lại cùng xum họp.  Đâu ai muốn cắt bỏ đoạn tuyệt và nhất là nói lời vĩnh biệt.  Vĩnh biệt như một bước hẫng.  Thôi, người thân đã ra đi và ra đi mãi mãi.  Kể từ nay chúng ta không gặp nhau, thấy nhau hay truyện trò với nhau được nữa.  Chấm hết rồi.

Biết rằng không sớm thì muộn, ai ai cũng phải ra đi.  Có những người ra đi để lại muôn ngàn nhớ thương.  Có những người ra đi đã gây sự sầu héo, đơn côi giá lạnh và héo hon cho mảnh hồn còn lại. Sự ra đi đơn côi làm cho nhiều người lo lắng sợ hãi.  Trong niềm tin của Kitô hữu, chúng ta tin tưởng rằng chết không phải là hết.  Chết chỉ là qua đời.  Chết là ra đi vào một thế giới khác.  Chết là quy tiên. Chết là tạ thế.  Chết là sự tách biệt giữa linh hồn và thể xác. Mỗi người bước vào đời một mình và cũng sẽ ra đi một mình.  Cuộc ra đi rất xa không ngày trở lại.  Chết là ra đi về nhà Cha.  Muốn hưởng hạnh phúc vĩnh cửu phải bước qua cửa ngõ của sự chết.  Nói chung, ai cũng sợ phải chết.  Cho dù chúng ta tin rằng có chết đi mới được lên thiên đàng nhưng chẳng ai muốn chết sớm.  Yêu mến thiên đàng nhưng chúng ta vẫn muốn sống.

Mỗi lần đi cầu nguyện viếng xác, nhìn xác không hồn nằm đó lạnh lẽo.  Của cải trần gian trở thành vô nghĩa.  Tình đời bon chen xuôi ngược, giờ đây chỉ có hai bàn tay trắng lạnh cóng.  Sau ít ngày, thân xác sẽ tiêu tan và trở về cát bụi.  Người ra đi là đi vào giấc ngủ ngàn thu.  Họ không còn vấn vương bụi trần.  Họ vào đời với hay bàn tay trắng và cũng ra đi thanh thản chẳng mang theo chi.  Người chết ra đi vĩnh biệt nhưng người sống vẫn tiếp tục cuộc sống với bao thăng trầm.  Chúng ta biết rằng cho dù có mặt của chúng ta hay không, tàu vẫn chạy chuyến đi chuyến về mỗi ngày.  Mặt trời vẫn vươn lên mỗi buổi sáng và lặn xuống khi chiều về.  Xã hội và môi trường chung quanh cứ tiếp tục vận hành.

Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa.  Dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.  Chúa tạo dựng con người có hồn có xác giống hình ảnh của Chúa.  Thiên Chúa ban cho con người có tình yêu liên đới để con người được sống trong tình yêu và chết trong tình yêu.  Chính Đấng làm chủ sự sống đã hiến mình trên thập giá để diệt trừ sự chết.  Sự chết không còn làm chủ được Người nữa như hạt lúa mì bị chôn vùi và hư nát rồi mới sinh bông hạt.  Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24).  Chúa Kitô chịu chết để đem lại sự sống cho con người.  Chúa Giêsu phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Như vậy, đối diện với sự chết chúng ta không còn phải quá sợ hãi.  Sự chết là cửa dẫn chúng ta vào sự sống đời đời.  Chúng ta đã có Chúa Giêsu dẫn đường về quê trời.  Chính Chúa Giêsu đã hứa: Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em (Ga 14,2).  Tin lời Chúa hứa, chúng ta vững bước trong mọi hoàn cảnh dù sống dù chết.  Sau khi lìa cõi trần, chúng ta sẽ được diện kiến với chính là Đấng mà chúng ta tôn thờ. Ngài sẽ đón nhận chúng ta vào nhà Cha trên trời.

Nhớ rằng hành trang về nhà Cha không phải là vàng bạc châu báu ở đời, cũng không là danh vọng trần thế mà là bảo chứng của tình yêu.  Bao nhiêu yêu thương chúng ta đã chia sẻ; bao nhiêu việc lành và phúc đức đã thực hiện; khi trở về cõi phúc, chúng ta phải chuẩn bị món quá quý báu dâng Chúa; Chúa không nhận của cải vật chất nhưng Chúa sẽ đón nhận một tâm hồn khắc khoải yêu thương.  Chúa sẽ lấp đầy tình yêu trong trái tim rộng mở.  Vui sướng biết bao khi được Chúa lại đến đón chúng ta về: Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó (Ga 14,3).

Tháng Các Linh Hồn là thời gian giúp chúng ta suy nghĩ về chính cuộc đời của mình.  Cầu nguyện cho các linh hồn là chúng ta đang cầu nguyện cho chính chúng ta. Rồi một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ tới đích cùng của cuộc đời.  Ngày đó đến bất chợt như chớp sáng loè từ chân trời này đến chân trời kia. Chúng ta không biết chính xác ngày giờ.  Cách tốt nhất là chúng ta luôn trong tư thế chuẩn bị dầu đèn sẵn sàng.  Ngày đó chắc chắn sẽ đến và sẽ là ngày vui mừng xum họp. Niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn hy vọng duy nhất của cuộc lữ hành trần thế này.  Chúa Kitô là Chúa của sự sống.  Nước của Chúa là nước của kẻ sống.  Chúng ta sẽ gặp nhau lại trong Nước của Chúa, nơi đó sẽ không còn khóc lóc, than van, sợ hãi, đau khổ và chia ly.  Nước Chúa là nơi xum họp trong an vui hạnh phúc.  Nơi đó không có từ ngữ Vĩnh Biệt mà là yêu thương hợp nhất.

Lạy Chúa, con suy tư về sự chết nhưng con vẫn sợ chết.  Con muốn được tham dự bàn tiệc Nước Trời nhưng con không muốn dứt tiệc tùng nơi trần thế.  Con muốn lên thiên đàng nhưng con lại cứ bám víu của cải trần gian.  Con muốn làm điều tốt nhưng con lại cứ sa vào dịp tội.  Cuộc lữ hành trần thế còn nhiều chông gai và thử thách.  Chúng con vẫn tiếp tục được sống.  Sự sống là quà tặng Chúa ban. Thiên Chúa có quyền quyết định số phận của mỗi người.  Sự sống dài hay ngắn hoàn toàn nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.  Chúng con xin vâng ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Chúng con chỉ biết dâng lời cảm tạ và ngợi khen Chúa đã cho chúng con sống ngày hôm nay trọn vẹn trong tình yêu của Chúa.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

SUY TƯ THÁNG MƯỜI MỘT

zzTháng Mân Côi qua, Tháng Cầu Hồn đến.  Đến hẹn lại lên…

Tháng Cầu Hồn là Tháng Mười Một, tháng dành riêng cầu cho các linh hồn, nhưng không chỉ cầu nguyện cho những người đã vào cõi vĩnh hằng mà còn là lời nhắc nhở chính mình “là bụi tro và chắc chắn sẽ trở về bụi tro” – dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù quyền thế hay cô thân, dù tài hoa hay bình thường, dù xinh đẹp hay xấu xí, dù bề trên hay bề dưới… Đó là định-luật-muôn-thuở!

Vẫn biết “sinh ký, tử quy” (sống là GỬI, chết là VỀ).  Có ai lại không muốn “về” sau những ngày “lưu vong”?  Nhưng có lẽ nhiều người vẫn ngần ngại khi đến lúc “lên đường về quê”.  Đó là lẽ thường tình của nhân sinh.

Cố Ns. Trịnh Công Sơn đã trăn trở: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi?”  Và hạt đó cũng có lúc thấy “mệt nhoài”, khó hiểu, vì không biết “tiếng động nào gõ nhịp trong tôi”.

Bất kỳ ai cũng một lần đối diện Tử thần, dù đang ở độ tuổi nào, có sinh ắt có tử, có khởi đầu thì cũng có kết thúc.  Tháng Mười Một không chỉ cầu cho các linh hồn mà còn mời gọi chúng ta suy tư về sự chết, nhìn lại thân phận bất túc, nhỏ bé, yếu đuối và mỏng dòn của mình để nỗ lực “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, không được quên “mình là cát bụi và sẽ trở về cát bụi”.

Cuộc sống không nên tính bằng chiều dài mà bằng chiều sâu và chiều rộng.  Có cái chết vô ích và có cái chết ý nghĩa.  Có người chết trẻ mà được khâm phục và nhớ mãi, nhưng có người chết già mà không được ai quan tâm hoặc nhắc đến.

Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ sống 24 tuổi.  Lm. Maximillien Kolbe đã sẵn sàng chết thay một bạn tù ở Đức, vì ngài thương anh ta còn vợ con.  Chính cựu tù nhân đó đã đến dự lễ phong thánh cho ngài do ĐGH Gioan Phaolô II cử hành.  Chiara Luce Badona chỉ sống 19 năm (1971-1990) nhưng đã sống trọn Ý Chúa, ĐGH Bênêđictô XVI đã tôn phong chân phước cho Chiara ngày 25-9-2010.  Đức Kitô đã xác định: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Trần gian cho đó là ngu dại, là điên khùng, là thua thiệt.  Nhưng chính Đức Giêsu đã tiên phong nêu gương khi thực hiện như vậy.  Với con người là ngu xuẩn thì với Thiên Chúa lại là khôn ngoan.

Thánh Phaolô xác định: “Chết là giải thoát, là một mối lợi” (Pl 1,21).  Có sống tốt thì cái chết mới thực sự lợi ích.  Nói dễ, làm khó.  Sống tốt không chỉ là tránh điều ác mà còn phải tích cực làm điều thiện.  Thật không hề đơn giản!  Trong thư gởi cho cha, thiên tài âm nhạc Mozart đã viết: “Con không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa.  Sự chết là mục đích thực sự của đời sống.  Từ vài năm qua, con đã quen với người bạn tuyệt vời đó.  Hình ảnh người bạn đó không làm con sợ mà còn cảm thấy người bạn đó hiền lành và cởi mở”.

Là con người, có lẽ ai cũng từng hơn một lần khắc khoải về thân phận mình.  Thánh Augustinô có kinh nghiệm: “Hồn con luôn bồi hồi xao xuyến cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.  Thánh Catharine so sánh: “Đời sống là cây cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó”.  Cuộc đời là tạm bợ, Nước Trời mới là Quê Thật của những ai theo Chúa, thuộc về Chúa và hành động đúng Ý Chúa.  Quả thật:  Bỏ Ngài thì con biết theo ai?  Vì không có Ngài thì con không làm được gì!

Cụ thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”.  Đó cũng là trăn trở về thân phận con người, người Công giáo nhìn nhận đó là Thánh Ý Chúa.  Khó là chúng ta có can đảm vui nhận hay không.

Trong Kinh Hoà Bình, Thánh Phanxicô Assisi nhận định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.  Chết không là thua thiệt, chết không là hết, mà chết chỉ là chấm dứt cuộc đời dương thế để chuyển bước vào cuộc sống vĩnh hằng, tận hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, chiêm ngưỡng Tôn Nhan Thiên Chúa và thuộc về Ngài vĩnh viễn.

Lạy Thiên Chúa Phục Sinh, xin xót thương cho các linh hồn về hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời, xin cho chúng con thêm vững mạnh ba đức đối thần (Tin, Cậy, Mến) và phát triển các đức đối nhân (yêu thương, nhịn nhục, chịu luỵ, đại lượng, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, chia sẻ,…) để sống trọn Thiên Ý theo lệnh Ngài truyền dạy phải “sống hoàn thiện” (Mt 5,48).  Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con.  Amen!

Thom. Aq. Trầm Thiên Thu