ÁNH MẮT THIÊN CHÚA

Người làm sao chiêm bao làm vậy.  Tâm hồn thế nào sẽ bộc lộ ra trong ánh mắt thế ấy.  Hôm nay, Chúa Giêsu ngồi trước cửa đền thờ Giêrusalem quan sát những người bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ.  Người đã thấy. Và đã phán đoán. Qua cách quan sát và phán đoán ta có thể thấy được tâm hồn của Người.

***

Chúa quan tâm tới những người bé nhỏ. Hàng hàng lớp lớp người tiến đến dâng cúng. Tin Mừng thuật lại: “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”. Thật lạ lùng. Biết bao nhiêu người Chúa chẳng quan tâm, chỉ quan tâm tới một người bé nhỏ nhất. Chúa chỉ quan tâm tới một người nghèo nhất. Một bà góa. Bà góa này chắc chắn phải gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nhưng Chúa đã chú ý đến bà. Người ta bảo tìm gì gặp nấy. Chúa yêu thương những người bé nhỏ, nên quan tâm tới người bé nhỏ và chỉ nhìn thấy những người bé nhỏ. Ánh mắt quan tâm nên nhìn thấy rõ, dù người đó bé nhỏ, lạc giữa đám đông. Ánh mắt yêu thương nên thấy người đó thật đẹp dù ăn mặc rất đơn sơ, hình dáng rất tiều tụy. Quả thật trái tim Chúa nhân hiền như người mục tử tốt lành, bỏ chín mươi chín con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc còm cõi. Như người phụ nữ đốt đèn tìm một đồng tiền nhỏ bé rơi trong góc nhà.

Chúa nhìn bên trong tâm hồn. Biết bao người giàu sang béo imgrestốt quần là áo lụa, nhưng Chúa không nhìn.  Chúa chỉ nhìn người phụ nữ nghèo nàn, gầy gò, rách rưới.  Biết bao người dâng cúng tiền rừng bạc biển mà Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen người phụ nữ bỏ vào thùng tiền hai đồng xu nhỏ. Không những khen mà Chúa còn cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác. Thì ra Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. Chúa cho biết tại sao Chúa khen bà: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”.  Chúa đã nhìn thấu tâm hồn của bà.  Một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa và với công việc nhà Chúa. Chúa đã thấy tấm lòng của bà. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình.

Lời Chúa hôm nay vừa cảnh tỉnh tôi vừa dạy dỗ tôi về cách sống đạo và về cách nhìn người.

Về cách nhìn người, Chúa dạy tôi đừng chạy theo những người giàu sang phú quý quyền cao chức trọng, nhưng hãy biết chú ý tới những người bé nhỏ nghèo hèn trong xã hội. Đừng xét đoán người theo hình dáng bề ngoài, theo y phục hay theo tiền của. Hãy biết nhìn bên trong tâm hồn con người. Có những người có địa vị cao nhưng tâm hồn lại thấp hèn. Có những người nghèo hèn nhưng tâm hồn rất cao thượng. Có những người giàu có nhưng rất bủn xỉn. Có những người nghèo khó nhưng rất quảng đại.

Vì thế trong đời sống đạo, Chúa dạy tôi đừng giả hình vì Chúa nhìn thấu rõ tâm hồn. Tôi có thể lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối Chúa. Đừng khoe khoang kiêu ngạo vì Chúa chỉ yêu thích tâm hồn bé nhỏ khiêm nhường. Đừng tìm chỗ đứng trong xã hội, trước mặt người đời, nhưng hãy tìm chỗ đứng trong lòng Thiên Chúa.

***

Lạy Chúa, xin dạy con biết noi gương bà góa nghèo, biết sống đơn sơ chân thật, nhưng luôn quảng đại với Chúa và với anh em. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

 

PHÔI PHA  

zzÔm lòng đêm / nhìn vầng trăng mới về / nhớ chân giang hồ / ôi phù du / từng tuổi xuân đã già / một ngày kia đến bờ / đời người như gió qua.

Không còn ai / đường về ôi quá dài / những đêm xa người / chén rượu cay / một đời tôi uống hoài / trả lại từng tin vui / cho nhân gian chờ đợi.

Về ngồi trong những ngày / nhìn từng hôm nắng ngời / nhìn từng khi mưa bay / có những ai xa đời quay về lại / về lại nơi cuối trời / làm mây trôi.

Thôi về đi / đường trần đâu có gì / tóc xanh mấy mùa / có nhiều khi / từ vườn khuya bước về / bàn chân ai rất nhẹ / tựa hồn những năm xưa.

            Trịnh Công Sơn

******************************************************

“Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về… ” Giọng ca trầm bổng của Nguyên Khang cất lên nhè nhẹ trong đêm khuya thanh vắng như ru hồn người vào cõi cô tịch với chị Hằng.  Điệu nhạc da diết quyện với những ẩn chứa sâu lắng trong từng ca từ “Phôi Pha” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm thổn thức cõi lòng ai, như thức tỉnh người nghe về với một thực tại phũ phàng của“từng tuổi xuân đã già”, khi bên mình “không còn ai”.  Theo phóng sự trong ngày lễ an táng ông, nhạc phẩm “Phôi Pha” là một trong những bản tình ca được viết năm 1956, khi nhạc sĩ mới 17 tuổi.  Ông đã thưởng thức “chén rượu cay, một đời tôi uống hoài” khi chưa đủ tuổi để uống rượu, đã ý thức sẽ có ngày phải “trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi” khi chưa bắt đầu sự nghiệp, đã suy tư về “từng tuổi xuân đã già” ngay khi còn rất trẻ, gẫm suy về sự chết ngay khi còn sống “một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua”.  Một cuộc đời luôn suy tư thao thức về thân phận con người.

Với “Chén rượu cay, một đời tôi uống hoài” nhạc sĩ họ Trịnh như đã chấp nhận chén rượu cay đời mình, không trách móc than phiền, cũng chẳng hận đời oán người.  Mượn ánh trăng, lời nhạc nửa thực nửa ảo để trang trải tâm sự một cõi lòng u uất cô đơn một mình bên ly rượu.  Dù cay, dù một mình nhưng vẫn phải uống, uống hoài, uống mãi, uống đến giọt cuối cùng.  Trong kiếp làm người, dù muốn dù không, rồi ai cũng phải cạn ly rượu cuộc đời của mình.  Con Một Thiên Chúa trong thân phận thấp hèn của con người, cũng phải uống cạn chén rượu cay phần mình.  Rượu nào cay hơn?  Chén nào đắng hơn?  Thế gian này không ly rượu nào có thể cay hơn, đắng hơn chén rượu mà Con Một Thiên Chúa đã uống.  Chưa uống mà đã đổ mồ hôi máu.  Mới nhìn chén rượu cay mà đã ba lần cất tiếng van xin Cha cất cho chén đắng đó!  Môi chưa nhấp ly mà tâm hồn đã cảm thấy buồn rầu xao xuyến, một nỗi buồn đến chết người!  Rồi Ngài cũng đã uống cạn chén đắng trong vâng lời, trong yêu thương những kẻ đã trao chén rượu cay.  Từ từ uống một mình, cô đơn bên cạnh những môn đệ yêu dấu đang vô tư ngủ say sưa. (x Mt 26, 36-46 và Lc 22, 44).

Rồi tôi cũng sẽ phải cạn ly rượu đời mình thôi, chưa đến giọt cuối cùng đâu.  Chẳng ai biết trước giọt cuối cùng trong chén rượu đó sẽ có vị như thế nào?  Nhưng tôi tin rằng, nếu có người bạn tri kỷ Giêsu cùng nâng ly, rượu của tôi sẽ vơi bớt vị cay, từng giọt rượu trong ly sẽ được thánh hóa để mang một màu sắc khác, thấm đẫm hương vị thiêng liêng.  Nếu biết uống cùng ai, hẳn sẽ không còn tiếng than ai oán “chén rượu cay, một đời tôi uống hoài” và chén đắng của Giêsu ngày xưa không trở nên vô ích.

Trong nỗi buồn quay quắt của “những đêm xa người” bên “chén rượu cay, một đời tôi uống hoài”, đôi mắt tâm hồn của nhạc sĩ họ Trịnh như được mở ra để thấy rõ sự vô nghĩa của những gì một đời mê mải kiếm tìm.  Những tin vui của thời xuân xanh: thành công, nhà lầu, xe hơi, sự nổi tiếng, chinh phục, chiếm đoạt, bằng cấp, chức tước, v.v…  tất cả nay xin “trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi”  Một thời để góp nhặt, một thời để trả lại!  Điểm lạ nơi ông là mới 17 tuổi, chưa ky cóp được gì, chưa bắt đầu bon chen với đời mà đã ý thức là sẽ có ngày phải “trả lại từng tin vui, cho nhân gian chờ đợi”.  Vì ông biết cần gì nữa đâu khi “một ngày kia đến bờ”, mang gì theo đâu “đời người như gió qua!”

“Thôi về đi, đường trần đâu có gì”, cung nhạc bỗng trầm xuống, lời nhạc tha thiết xuống nước như một lời năn nỉ thuyết phục ai đó hãy quay về.  Về đi, đường trần có gì vui đâu.  Có chăng cũng chỉ là những cuộc vui tạm bợ chóng qua thôi mà!  Về đi, trước khi quá muộn màng.  Đường trần có vui thì đến lúc nào đó cũng “không còn ai”.  Về đi, trước khi thấy “đường về ôi quá dài”.  Về đi, mà ai cần phải về?  Tác giả mời gọi người tình xưa trở về với mình, hay là một lời mời gọi chính mình trở về với cái nội tại của mình?  Về đi, tiếng nài nỉ như níu kéo bước chân giang hồ, nhưng về đâu?  Về với ai?  Về để làm gì?

“Về lại nơi cuối trời, làm mây trôi” ư?  Nghe thật thơ, thật lãng mạn nhưng mây làm gì có bến đỗ?  Rồi lại tiếp tục một kiếp lãng du khác, tiếp tục lang thang trôi dạt trên bầu trời bao la không nơi đến, không chỗ về.  Rồi trong kiếp mây trôi đó, lại cháy lên một niềm khát khao được trở về một lần nữa.  Bỗng dưng tôi thấy mình thật hạnh phúc vì biết nơi mình sẽ về, vòng tay nào đang chờ đợi tôi nơi cuối trời.  Thì ra khát khao được Về là khát vọng của kiếp nhân sinh cho dù là ai, niềm tin nào, ở đâu.  Ai về với ai, không quan trọng cho bằng vẫn là một cuộc trở về!  Một thời để đi hoang, một thời để quay về.  Về lại nơi tôi xuất phát, về lại với Đấng đã tạo dựng nên tôi, Đấng đã vì tôi uống cạn chén đắng.

“Thôi về đi!” dù chưa biết nơi để về thì hãy về lại với chính mình, về với tiếng gọi rất khẽ trong sâu thẳm tâm hồn, về lại với mái ấm, với bổn phận của người với người.  Về với ai đó đang chờ đợi bước chân tôi.  Về, đôi khi chỉ đơn giản để “nhìn từng hôm nắng ngời, nhìn từng khi mưa bay”, thế thôi, nhưng cũng cần lắm những cuộc trở về.  “Thôi về đi, tóc xanh mấy mùa” đâu mãi xanh hoài!  Về để thấy chén rượu cuộc đời vơi bớt vị cay, để thấy đường đi không quá dài!

Chúa ơi, thật không dễ để làm một cuộc trở về, đôi khi chân đã cất bước nhưng lòng vấn vương “nhớ chân giang hồ”, nếu không có ơn Chúa đổ xuống, chẳng ai có thể quay về.  Xin tiếp tục tuôn đổ mưa hồng ân xuống trên thế nhân, để từng người chúng con đủ can đảm trở về.  Về với Chúa và về với nhau trước khi trở về với lòng đất mẹ.

Lang Thang Chiều Tím

Lập Thu 2012

LUẬT TỐI THƯỢNG

zzKhông có dân tộc nào say mê luật như dân tộc Do Thái.  Người Do Thái đặt ra đủ các thứ luật.  Họ giữ luật cặn kẽ chi li.  Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ.  Họ đeo cả lề luật trên trán, trên tay.  Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan trọng đâu là luật bình thường.  Hôm nay, nhân một thắc mắc rất hợp lý, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ những điểm then chốt trong lề luật.  Đó là:

Thiên Chúa là độc nhất vô song.  Đây là một chân lý nhưng nhiều khi bị lãng quên.  Thiên Chúa là chủ tể muôn loài.  Ngài là Đấng duy nhất cao cả.  Không ai có thể sánh bằng.  Ngài dựng nên muôn loài muôn vật.  Ngài là nguồn mạch sự sống của muôn loài muôn vật.  Ngài là mục đích của muôn loài muôn vật.  Vũ trụ chỉ tồn tại trong Ngài.  Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự.

Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.  Tuy nhiên Chúa là chúa tể mọi loài.  Quyền uy vô song tuyệt đối.  Nhưng Ngài là Thiên Chúa rất mực yêu thương.  Ngài ban cho ta sự sống.  Ngài nhận ta làm con của Ngài.  Ngài cai quản vũ trụ không bằng quyền uy nhưng bằng tình thương.  Ngài là người cha luôn yêu thương con cái.  Ngài mong muốn ta đáp lại bằng tình yêu mến Ngài.  Yêu mến Thiên Chúa không những là điều công bằng và hợp tình hợp lý, mà còn đem lại cho ta sự sống và hạnh phúc.  Xa lìa Thiên Chúa đưa ta đến diệt vong vì mất sự sống và mất hạnh phúc.  Nhưng con người yếu hèn, lại bị ma quỉ cám dỗ, nên thường lãng quên Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa và phản bội tình yêu của Ngài.

Yêu tha nhân như chính mình.  Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được.  Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được.  Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người.  Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân.  Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa.  Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội.  Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.  Thành ra hai giới răn chỉ là một.  Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng tình yêu là quan trọng nhất.  Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn.  Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu.  Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.  Như câu kết của kinh Mười điều răn:  Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự.  Sau lại yêu người như mình ta vậy.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu.  Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật.  Như lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn giúp ta xây dựng một thế giới mới chan chứa tình người.  Thế giới còn chiến tranh, xã hội còn nhiều bất công vì con người chưa tuân giữ luật Chúa.  Nếu mọi người biết yêu mến Chúa và yêu mến nhau, thế giới sẽ tươi đẹp, cuộc sống sẽ hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt