THÁNH THIÊN THẦN BẢN MỆNH BẢO VỆ GIỮ GÌN

zzNgược dòng thời gian về tháng 7 năm 1944.  Hồi ấy nước Đức đang tình trạng xôn xao hỗn loạn của thời kỳ gần chấm dứt thế chiến thứ hai.

Quân Đồng Minh đổ bộ lên Normandie (Bắc Pháp) và tìm cách đánh phá, đẩy lui cùng tiêu diệt trọn quân đức quốc xã.  Lúc bấy giờ quân Đức bệ rạc, thất trận nặng nề trên nhiều chiến trường thế giới.

Nơi một làng nhỏ ở Bavière (Nam Đức) dân làng sống cảnh tạm yên.  Trong làng chỉ lơ thơ vài nông trại với ngôi thánh đường nho nhỏ. Người dân vừa làm việc đồng áng, chăn nuôi, nội trợ, vừa thỉnh thoảng ngước mắt nhìn trời.  Họ cẩn thận dò xem có biến động nào, có chiến cơ, trực thăng nào bất ngờ xuất hiện hầu nhanh chóng rút vào nơi trú ẩn.  Từ 4 năm qua, mọi dân làng đều sống cảnh phập phồng lo sợ như thế.

Vào một buổi chiều đẹp trời tháng 7 năm ấy – 1944 – Helga xách bình sữa nhanh nhẹn tiến vào rừng hái trái dại.  Helga là thiếu nữ đồng quê duyên dáng ở tuổi 15.  15 tuổi, nhưng cô có vóc dáng cao lớn đẫy đà như bao thiếu nữ Đức cùng tuổi.  Helga biết rõ khu rừng, thuộc lòng nơi nào có đám phúc-bồn-tử và đám dâu dại mơn mởn, thơm phức!

Cô tiến thẳng đến chỗ quen biết.  Nhưng khi tới nơi Helga bỗng ngỡ ngàng khám phá ra “ai đó” đánh hơi trước, đã nhanh chân tìm đến và hái trọn đám dâu dại ngon lành!  Tuy nhiên, cô thiếu nữ đồng quê tràn đầy niềm vui và nhựa sống, không thất vọng!  Cô biết rõ còn nhiều đám dâu dại khác, cũng thơm ngon.  Chỉ có điều hơi ái ngại là các đám dâu này lại ở tận rừng sâu.

Không ngần ngừ do dự lâu, cô gái nhanh nhẹn tiến thẳng vào rừng…  Đang nhẹ nhàng bước, bỗng Helga nghe có tiếng động đâu đó, không xa.  Cô gái giật mình dừng lại nghe ngóng, xem thử vật gì.  Tiếng động đến gần và một người đàn ông xuất hiện.  Nhìn nét mặt, Helga hiểu ngay ông sẵn sàng làm bất cứ điều ác nào.

Thân mình ốm tong teo trong bộ quần áo cũn cỡn, người đàn ông chòng chọc nhìn cô thiếu nữ. Sau một lúc, ông cất tiếng nói trong thứ ngôn ngữ rừng rú, đầy căm thù và oán hận:

–  Mày phải trả giá thay cho mọi người về tất cả những gì tao phải gánh chịu đau khổ trong bao lâu nay!

Đứng im hãi hùng nghe ông nói, Helga biết rõ mình sẽ không sống sót khi ra khỏi khu rừng.  Cô cũng biết chắc mình sẽ chết như thế nào sau khi phải chịu đủ thứ cực hình ghê tởm nhất.

Ý tưởng duy nhất đến với cô trong lúc này là lời cầu xin tha thiết cô dâng lên Thánh Thiên Thần Bản Mệnh.  Helga thầm thĩ kêu van:

–  Ôi Thánh Thiên Thần Bản Mệnh của con, xin hãy đến, hãy đến cứu giúp con!

Đối diện với người đàn ông, Helga hoàn toàn kinh hãi, đứng im như trời trồng.  Vừa đăm đăm nhìn cô thiếu nữ ông vừa rút con dao găm rồi từ từ tiến đến gần.  Có một lúc, Helga như trông thấy ông tỏ dấu chần chờ, nhưng rồi ông lại tiếp tục, cho đến khi đứng trước mặt cô.  Ông dí con dao vào ngực Helga.  Cô gái vẫn đứng im không nhúc nhích, chờ đợi giây phút bị con dao đâm thẳng vào ngực.

Bỗng, Helga vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông hạ giọng, đặt câu hỏi:

– Những người này là ai vậy?  Hãy trả lời, họ là ai?

Helga chỉ ấp úng đáp:

– Tôi không biết! Quả thật, tôi không biết!

Người đàn ông quay lưng, sau khi giơ nắm tay, tỏ dấu đe dọa.  Rồi ông biến mất vào rừng.

Sau khi hoàn hồn, Helga vội vã ra khỏi rừng không còn nghĩ đến chuyện hái dâu dại nữa.  Về đến nhà, Helga vui mừng ôm chầm lấy Mẹ, nức nở khóc.  Cô thiếu nữ biết rõ chính Thánh Thiên Thần Bản Mệnh đã cứu cô.  Tuy nhiên, Thiên Thần Bản Mệnh không đơn độc mà còn mang theo nhiều Thánh Thiên Thần khác, bằng chứng là người đàn ông lúng túng hỏi:

– Những người này là ai vậy?  Hãy trả lời, họ là ai?

Giờ đây, bà Helga là mẹ và là bà ngoại, bà nội rồi.  Nhưng không một ngày qua đi mà bà không nhớ đến và cảm tạ sự trợ giúp của các Thánh Thiên Thần, đã cứu bà thoát hiểm nguy.  Toàn gia đình bà cũng đặc biệt tỏ lòng sùng kính các Thánh Thiên Thần Bản Mệnh.

… “Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng Quyền Năng tuyệt đối, hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy THIÊN CHÚA, Ngài là nơi con ẩn náu, là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài”. Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc.  Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: Lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ…  Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.  Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long” (Thánh Vịnh 91,1-4/10-13).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

LÀM CỚ SA NGÃ

Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu. Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông, tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi. Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu, khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng. Đức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này: “… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”

Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu. Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin. Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng. Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.

Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã. Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan, không biết hạn chế tự do của mình, nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.

Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã, nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.

Đức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt, nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội. Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen (nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!). Nhưng chúng ta lại không được coi thường tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.

Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể hầu cứu lấy sinh mạng của mình. Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý để giữ lại một điều quý hơn.

Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất, người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân, những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở. Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta, nhưng nay đã trở thành vật cản trở. Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.

Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau. Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay. Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau, chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.

Nếu cần một cuộc giải phẫu cho linh hồn. Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế: Thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc, thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.

Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn. Để vươn tới Tuyệt Đối thì cần hy sinh cái tương đối. Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời, và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Đối.

***

Lạy Chúa Giêsu,

ZZChúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa muốn cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt. Amen.

(Trích trong ‘Manna’)

 

ĐỪNG XÉT ĐOÁN

Vừa nhận được điện thoại, bác sĩ vội vã tới bệnh viện.  Ông khoác vội trang phục phẫu thuật và tiến ngay tới phòng mổ.  Lúc đó, người cha của cậu bé sắp sửa phẫu thuật đang ngồi đợi tại cửa phòng.  Vừa nhìn thấy bóng bác sĩ, người cha nói ngay : “Tại sao giờ này ông mới đến?

Ông không hay biết con trai tôi rất nguy kịch sao?  Thực lòng ông có trách nhiệm nghề nghiệp không vậy?”

Bác sĩ điềm tĩnh trả lời : “Thật xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện.  Thế nhưng vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây… Và lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật”.

Người cha giận dữ: “Tịnh tâm à?  Giả như con của ông đang nằm trong phòng cấp cứu thì ông có tịnh tâm được không?  Nếu như con trai ông sắp chết, ông sẽ làm gì?”

Vị bác sĩ lại mỉm cười trả lời: “Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong zzKinh Thánh: ‘Thân trần truồng sinh từ bụi đất, tôi sẽ trở về bụi đất thân trần truồng.  Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa”.  Nhưng bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống.  Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai ông.  Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa”.

“Khuyên lơn người khác khi mà bản thân mình chẳng dính dáng gì xem ra quá dễ dàng”.  Người cha phàn nàn.

Cửa phòng phẫu thuật đóng lại.  Vị bác sĩ miệt mài vài giờ liền trong phòng mổ.  Và ông rời khỏi phòng phẫu thuật trong niềm hạnh phúc: “Cảm tạ Chúa.  Con trai ông đã được cứu.  Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy hỏi cô ý tá vừa giúp tôi”.  Không chờ câu trả lời của người cha, vị bác sĩ tiến thẳng và rời khỏi bệnh viện.

Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha nói ngay :

“Loại người gì mà lại cao ngạo đến như thế kia chứ!  Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết hiện trạng con trai tôi”.

Cô y tá cúi xuống, tuôn trào nước mắt, trong xúc động, cô chậm rãi trả lời: “Con trai duy nhất của bác ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn.  Hôm nay bác ấy đang lo tang sự cho cậu.  Thế nhưng vừa nhận được điện báo bác ấy tới  ngay để cứu con trai ông.  Bây giờ thì bác ấy trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình”.

Đừng kết án ai.  Vì bạn không biết cuộc sống của họ thế nào cũng như điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua.

Jac. Thế Hanh, OP

VỊ TỔNG THỐNG TRUNG THỰC

Tổng thống Abraham Lincoln đã từng được biết đến như là một “Tổng thống trung thực”, ông cũng được nhìn nhận như là một con người luôn yêu thích sự thật.

Ngày kia, một vị khách đến thăm viếng nhà ông, người này có thói quen xấu là không biết giữ lời hứa.

Ông ta muốn bế một cháu bé là một trong những đứa con của Tổng Thống, nên đã vỗ về cháu bằng cách hứa sẽ cho cháu sợi dây chuyền mà ông đang đeo và chiếc đồng hồ của ông.

Cháu bé vui mừng leo lên lòng ông.  Cuối cùng, khi người khách đó đứng lên ra về, Tổng Thống Lincoln đã nói với ông ta:

–  Ông có định giữ lời hứa của ông đối với con trai tôi không?

Vị khách hỏi:

–  Thưa Tổng Thống, lời hứa gì ạ?

–  Ông nói rằng ông sẽ cho cháu bé sợi dây chuyền này.

–  Nhưng đây không chỉ là một sợi dây chuyền có giá trị, mà còn là một món đồ vật gia bảo của tôi nữa.

Tổng Thống Lincoln nói nghiêm nghị:

–  Ông hãy cứ đưa cho cháu bé đi. Tôi không muốn cho cháu nghĩ rằng tôi đã đón tiếp một người không hề quan tâm gì đến lời nói của mình.

Người khách đó đỏ mặt lên, lặng lẽ cởi sợi dây chuyền ra, đưa cho cháu bé, và ra về với một bài học mà chắc chắn ông ta không thể nào quên được.

(3000 Illutrations)

************************

Một lời nói cũng như một hành động sẽ để lại một dấu ấn, đặc biệt lời nói hành động ấy nói với giới thiếu nhi lại cần sự tế nhị hơn, vì trong bất cứ lời nói cử chỉ nào của người lớn luôn ẩn chứa trong lòng các em sự tin tưởng.  Đừng nghĩ rằng nó là bé, là con nít, người lớn muốn hứa, muốn nói sao cũng được.

Ngay từ khi biết con trẻ biết nhận thức, chúng đã được cha mẹ, thầy cô dạy phải thật thà trung thực.  Em nào cũng ngoan ngoãn vâng lời, và được cha mẹ khen thưởng sau mỗi lần biểu hiện một hành động thật thà.  Cho đến một ngày vì mê chơi, chạy đùa chơi ú tim trong nhà vướng vào dây điện chiếc TV rớt xuống bể tan tành, em sợ lắm nhưng vẫn can đảm thành thật thú lỗi, tưởng là sau khi thú lỗi sẽ được cha mẹ tha thứ, nhưng lại không đúng như em nghĩ, và hậu quả là đón nhận sự nóng giận của ông bố cho một trận đòn chí tử.  Từ ngày đó nét đẹp ngoan ngoãn về sự thành thật không còn mạnh dạn như ngày trước nữa.  Mỗi khi làm lỗi em tìm đủ mọi cách để chống chế, để thoát khỏi sự nóng giận của cha mẹ.  Nhân câu chuyện trên xin được nêu vài cảm nhận giữa sinh hoạt đời thường, để mong sao người lớn chúng ta sẽ mãi là tấm gương sáng cho con cái, cho đàn em.

Người lớn đừng để con trẻ nghĩ nó bị lừa dối khi:

  • Người lớn hứa thưởng cho nó rồi người lớn chẳng bao giờ thưởng.
  • Người lớn dạy nó không bao giờ được chửi thề, nhưng rồi người lớn cứ mở miệng là có câu “đệm mạnh”.
  • Người lớn nhắc nó sáng nào cũng phải dậy đi lễ, nhưng người lớn thì cứ an giấc trong chăn ấm.
  • Người lớn bắt con phải học kinh, học giáo lý cho thuộc, nhưng ôi người lớn chẳng biết, chẳng hiểu.
  • Người lớn dạy con phải ngăn nắp trật tự, nhưng người lớn về đến nhà là bừa bộn trăm thứ.
  • Người lớn dạy con phải hiếu thảo, nhưng người lớn mở miệng nói với ông bà chúng chẳng ra gì.
  • Người lớn dạy con phải ăn nói nhẹ nhàng, nhưng người lớn mở miệng ra là quát tháo.
  • Còn biết bao những cái khác người lớn bắt chúng phải nghe, phải làm, mà chính người lớn chẳng bao giờ giữ. Ôi cứ như những tấm gương ấy thì thử hỏi tương lai của những mầm non mai sau của Giáo Hội cũng như Xã Hội mai này sẽ đi đến đâu?

zzHình ảnh trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã yêu thương các em nhỏ như thế nào?  Khi những người lớn mang các trẻ em đến với Chúa để Ngài chúc phúc, các tông đồ đã la rầy chúng, nhưng chính Chúa lại ôm chúng vào lòng và nói: “Hãy để chúng đến với Ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt.19. 15).  Chúa yêu thương, trìu mến chúng biết dường nào.  Bởi trẻ em là những tâm hồn đơn sơ, trinh trắng.  Mong rằng người lớn xin đừng vì đôi khi vô tình vô ý, đã để lại những tấm gương mù, qua hành động, lời nói nhuộm vào tâm hồn các em những vết nhơ, như vị khách ở trên đã không giữ được sự trung thực trong lời hứa của ông, hoặc thái độ của ông bố vì sự thành thật của con mà phải lãnh trận đòn chí tử, và đã vô tình làm cho con mất đi sự trung thực trong cuộc sống.

Chúa Giêsu đã nói lên sự trung thực, dạy chúng ta đừng mưu mô gian dối.  Chúa Giêsu đã nói : “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn”(Lc 16,10).  Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta đừng xem thường những việc nhỏ.  Việc tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng đến việc lớn, nhiều khi việc nhỏ lại làm nên thành công của việc lớn lao.

Abraham Lincoln đã để lại cho tôi một bài học về sự trung thực.  Ước mong xin Chúa sẽ ban cho con luôn biết trung thực trong cuộc sống, cũng như cho con biết trân trọng những điều trung thực của những người khác.  Vì tôn trọng sự trung thực đó chính là thước đo nhân cách của con người.  Amen!

Pet. PBH

PHỤC VỤ MỌI NGƯỜI

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay kể lại chuyện Đức Giêsu và các môn đệ đi về thành Caphanaum, trên đường đi các ông cãi vã tranh giành nhau xem ai là người lớn nhất trong nước Trời.  Khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã chỉ dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là:“Ai muốn làm đầu, thì phải làm người sau hết, và làm tôi tớ mọi người”.(Mc.9:35)

Đây thật là một cuộc cách mạng.  Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng
đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ.  Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất.  Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất.  Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui.  Thế giới biến đổi không do những tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới.  Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ.  Sẽ không còn tranh giành.  Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau.  Sẽ chỉ có yêu thương.  Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ.  Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu.  Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé.  Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người.  Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý.  Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước.  Không ở đâu chúng ta tìm được gương mẫu phục vụ như Đức Giêsu. Ngài đã khẳng định: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt.20:28).

Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời.  Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất.  Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người.  Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người.  Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ.  Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc.  Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương.

Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương.  Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ.  Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.

Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng.  Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu.

Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa.  Hãy tự nguyện zztrở thành người bé nhỏ khiêm nhường.  Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu.  Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã.  Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em phải được quan tâm và kính trọng.

***

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng có một chút ham mê địa vị, chức quyền.  Nếu Chúa xếp đặt cho chúng con một chức vụ nào đó, xin cũng ban cho chúng con một ơn này, là “chức vụ càng cao, chúng con càng biết khiêm tốn phục vụ anh em nhiều hơn”. Amen!

(Trích trong “Manna”)

 

TỪ KHỔ GIÁ ĐẾN ÁNH SÁNG VINH QUANG

Cách đây bảy tháng, tôi nhận được một cuộc điện thoại xin tôi hiến máu cho một em bé sắp mổ tim.  Lưỡng lự vì lúc ấy sắp đến Tết âm lịch, tôi sợ không đủ sức khỏe tận hưởng ngày nghỉ Tết.  Dường như có một sức mạnh vô hình đã giúp tôi sắp xếp một cuộc hẹn để hiến máu.  Tuy nhiên vì sức khỏe em bé không đủ tốt, nên các bác sĩ dời ngày mổ sau Tết.  Nằm trong phòng lấy máu gần hai tiếng đồng hồ, đây là lần đầu tiên trong đời tôi hiến máu và cũng là lần đầu tiên tôi hiến tiểu cầu.  Chính vì hiến tiểu cầu nên thiết bị y khoa cần thời gian để lọc tiểu cầu khỏi máu và trả máu về cơ thể tôi.  Tôi ước mong tiểu cầu của mình sẽ giúp ích cho em bé.  Ngày qua ngày, niềm hy vọng của gia đình em bé ngày một lụi tàn vì trong khoảng bảy tháng vừa qua, em bé ba tuổi phải mổ bốn lần.  Em xanh xao, gầy guộc và hốc hác mỗi ngày một nhiều.  Cuối cùng, Chúa đã xướng danh em và em Sylvester đã đáp lời vào cuối tháng tám năm 2012.  Hôm nay, tôi muốn cùng em Sylvester và quý độc giả tôn vinh Đức Kitô chịu đóng đinh, và cùng Người, chúng ta chiêm ngắm dung nhan phục sinh vinh hiển.

Ấn tượng sâu sắc trong tôi về em là tuổi em quá nhỏ để phải nhịn đói hơn mười bốn tiếng đồng hồ trước lúc lên bàn mổ.  Tôi xót xa.  Em và gia đình hy vọng rằng chịu đựng cái đói, sự đau đớn thể xác một khoảng thời gian vắn vỏi để được sức khỏe dài lâu.  Rõ ràng, đứng trước sự lựa chọn, ai trong chúng ta cũng lưỡng lự và suy nghĩ.  Chọn cái này phải chấp nhận hy sinh cái kia.  Em Sylvester chọn sức khỏe cường tráng phải vật lộn với ca mổ tim.  Trong đời, hơn một lần, tôi và mọi người phải đưa ra một quyết định dứt khoát, có thể khi chọn ngành nghề để học, lựa chọn công ăn việc làm, khi chọn bạn đời trong hôn nhân hoặc quyết tâm chọn lựa lối sống triệt để ba lời khuyên Phúc Âm… Khi đưa ra quyết định cuối cùng của sự chọn lựa, chúng ta mơ ước sự bình an, hạnh phúc.  Đôi khi phải chấp nhận đau khổ trong sự lựa chọn để mong mỏi một tương lai an vui.

Ở đỉnh cao của nỗi khổ đau, chúng ta mong muốn phép lạ xảy đến hầu xua tan bóng đêm đau khổ.  Ở tận cùng của hố thất vọng, mong đợi ngón tay Thiên Chúa búng một phát để chúng ta bay vút lên thật cao.  Kinh nghiệm cuộc đời cho thấy: Dường như Thiên Chúa lo lắng nhiều chuyện quá, cho nên Người bỏ quên chúng ta trong hoàn cảnh đau thương.  Cũng chính kinh nghiệm cuộc đời dạy rằng: đau thương vẫn mang đến một giá trị tốt để chúng ta nhìn ra giới hạn của kiếp người.  Nhiều ý kiến cho rằng điều khôn ngoan trong lúc đối chọi với căn bệnh tim là gia đình em Sylvester nên tìm kiếm các lương y giỏi, giàu kinh nghiệm, không nên “mê tín” nơi kinh nguyện giáo đường.  Miệng đời được dịp gièm pha khi đứng trước sự ra đi của em về cõi vĩnh hằng. Nhưng ở đây, tôi lại khám phá ra hình ảnh Đức Giêsu chịu đóng đinh trong biến cố đau buồn của gia đình em Sylvester.

Trên núi Sọ, một vì Thiên Chúa làm người chịu đau khổ treo trên Thánh giá.  Nhiều người, có lẽ cả Giuđa Iscariot, nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ biến hóa huy hoàng để bứt Mình khỏi thập tự.  Cuối cùng, vị Thiên Chúa làm người chịu chết đau thương.  Phải chăng chính Đức Giêsu cũng cảm nghiệm Thiên Chúa đang bỏ rơi mình (x.Mc 15,34)?  Lẽ nào chúng ta đặt dấu chấm hết ở thập giá Đức Giêsu?  Điều này chẳng khác nào như lời của Thánh Phaolô “nếu Đức Kitô không trỗi dậy thì lòng tin của anh em là hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em.  Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong.  Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,17-19).  Chẳng lẽ, các chứng nhân Kitô giáo chịu bỏ mạng chứ không bỏ đạo trở thành những người đần độn à?  Tôi mời quí vị độc giả đọc lại vài dữ kiện Kinh Thánh để tiếp tục suy tư.

Trước hết, các vị Tông Đồ vốn là những người nhát đảm trốn kín trong nhà tiệc ly sau biến cố thập giá của Đức Giêsu (x.Ga 20,19.26), vì lý do gì lại trở nên mạnh mẽ làm chứng cho Chúa Kitô trước mặt toàn dân (x.Cv 2,5-36…) và vua chúa quan quyền (x.Cv 4,1-22…)?  Các ông đã từng sợ bị liên lụy vì nghĩa thiết với Đức Giêsu nên chạy trốn quân lính trong vườn Cây Dầu (x.Mc 14,50) và đứng phía xa xa trong lúc xét xử (x.Lc 22,54. 23,49).  Các ông đã từng sợ các luật sĩ, biệt phái mở rộng vụ án của Đức Giêsu nên khóa chặt cửa và chỉ dám rón rén lưới cá đêm hôm (x.Ga 21,2-14).  Quả thực, Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu treo trên thập giá, đã trỗi dậy từ cõi chết và hiện ra với các Tông Đồ, chính Đấng ấy ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần (x.Ga 16,5-15;20,22; Cv 2,1-4) nên các chứng nhân Kitô hữu trở nên mạnh mẽ bảo vệ chân lý mà họ được mặc khải.  Chính nhờ đau khổ thập giá, Đức Kitô đã chết nay trỗi dậy, hứa hẹn sự phục sinh của người Kitô trong ngày Quang Lâm.

Kiếp người rất ngắn ngủi còn ý định của Thiên Chúa lại trải rất dài.  Do đó nhiều khi tưởng chừng Thiên Chúa bận rộn nên bỏ rơi chúng ta, hóa ra Thiên Chúa đang giúp chúng ta lột xác để đẹp hơn.  Hạt giống phải chết đi, mới trổ sinh bông hạt (x.Ga 12,24).  Đến đây, tôi mới thấm thía xác tín của Thánh Phaolô: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận và dân ngoại cho là điên rồ.  Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy là Đức Kitô, là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.  Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25).

ZZChiêm ngắm Đức Giêsu chịu treo trên thập giá, chúng ta nhìn thấy hình ảnh đau thương của Chúa Cứu Thế.  Người chọn lựa đường cứu độ theo cách của Người.  Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn mang ít nhiều tâm tình thương cảm Đức Giêsu bị đau khổ, nhục nhã, đáng thương…  Tình cảm này đúng, nhưng chưa đủ.  Bởi vì chúng ta quên rằng Thiên Chúa không dừng lại ở thị giác và cảm giác này.  Người dùng hình ảnh thập giá để làm chìa khóa mở ra cánh cửa phục sinh.  Suy tôn Thánh Giá Chúa không phải là hành động tôn vinh một xác chết rũ rượi, nhưng là tôn vinh chính thân xác bị treo tòng teng ấy đã phục sinh và đang hiện diện trong nhịp thở của chúng ta. “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá.  Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19b-20a).  Ướm mọi biến cố vui, buồn, sướng, khổ của chúng ta sát với cuộc sống của Chúa là chìa khóa giúp ta mở ra cánh cửa hạnh phúc, bình an.  Ước gì, cùng với lời tuyên xưng của Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Galat, tôi cũng như mọi người thở cùng một nhịp với nhịp thở của Đức Kitô là đầu và Giáo Hội là thân mình.  Khi ấy, hơi thở của chúng ta trong môi trường sống sẽ làm cho những người xung quanh nhận ra chính chúng ta “được hưởng niềm vui của Chúa” (Ga 15,11).

Lg.hungson@gmail.com

ANH EM BẢO THÀY LÀ AI?

Anh là ai?  Tôi là ai?  Chúng ta được sinh ra trong thế gian này để làm gì?  Rồi chúng ta sẽ đi về đâu?  Với trải nghiệm cuộc sống ở đời, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết trong ca khúc “ Một cõi đi về”:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi.
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Dọi suốt trăm năm một cõi đi về.

Với những triết lý của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, chúng ta thấy cuộc đời này cứ loanh quanh, luẩn quẩn, rồi chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà, đi mà chẳng biết đâu là đích điểm của cuộc đời. Thật là vô nghĩa.  Với giới hạn của thân phận con người thì chúng ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về sự sống mai sau sẽ như thế nào.  Chúng ta sẽ đi về đâu?  Chính vì lẽ đó, trong trang Tin mừng hôm nay, câu hỏi của Chúa Giê-su sẽ là câu trả lời cho chúng ta về những điều vô nghĩa đó, khi Chúa Giê-su hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” Thì thánh Phê-rô đã trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.  Còn chúng ta thì sao?  Chúa Giê-su cũng đang hỏi chúng ta, Ngài cần câu trả lời của mỗi người chúng ta, và cho những ai đang còn hoài nghi về Thiên Chúa, thì thánh Phê-rô và các tông đồ là chứng nhân sống động về Thiên Chúa.  Trong khi đó có kẻ bảo Thiên Chúa đã chết, và không có Thiên Chúa hiện hữu trong thế giới này.  Khi con người sống trong một thế giới khoa học thực tiễn và thực dụng, họ cho là Thiên Chúa vắng bóng.  Hơn nữa, những điều Chúa nói thì họ cho là đi ngược lại với những gì con người đang sống, và hành động.  Trong khi đó, Chúa Giê-su lại nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo;  ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Tin mừng thì sẽ được cứu sống”.

Rõ ràng, Chúa Giê-su nói ngược lại với những suy nghĩ con người trong thời đại này, vì chẳng ai muốn thua thiệt và mất mạng sống mình cả.  Người đời bảo: “Thật thà thường thua thiệt, lắc léo lại lên lương”.  Chẳng ai muốn mình thua thiệt, chẳng ai chịu mình là người thua kém hơn người khác, ngược lại, có kẻ còn tự cho mình là người có quyền trên người khác để lên án và kết tội người khác, chà đạp lên nhau một cách bất công.

Thế thì, điều Chúa Giê-su công bố trong Tin mừng hôm nay có còn giá trị và ảnh hưởng gì với đời sống của chúng ta hôm nay không?  Có lẽ, chúng ta cần nhìn lại bối cảnh của Tin mừng hôm nay. Khi Chúa Giê-su nói với các tông đồ và dân chúng đi theo Ngài: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”.  Trong lúc Chúa Giê-su sắp bước vào cuộc thương khó và thi hành thánh ý của Thiên Chúa Cha, Ngài thực hiện công trình cứu độ của Thiên Chúa qua cái chết trên thập giá đã được mạc khải trong Kinh Thánh.  Có lẽ, các tông đồ và dân chúng sẽ ngạc nhiên trước những lời lẽ bi thương, đau khổ và chết chóc này, chẳng ai muốn nghe, nhưng đây lại là một chân lý được mạc khải cho nhân loại về sự phục sinh và ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu của con người.

Nếu cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn vẫn chưa tìm ra nơi nào là chốn quê nhà, thì hôm nay Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta con đường về quê hương đích thực chính là nơi Ngài. “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời”.  Chúa zzGiê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống cho chúng ta.  Như lời thánh Phê-rô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Ước gì, chúng ta cũng biết tuyên xưng như lời thánh Phê-rô, để mỗi ngày chúng ta đi theo Chúa, chúng ta biết chọn cho mình hướng đi và hướng sống với những điều xác tín trong niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, vì nơi Ngài là nguồn suối yêu thương và sự sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực trong từng phút giây đời sống của chúng con.  Xin cho tay của chúng con biết mở rộng và tim của chúng con biết khát khao tình yêu Thiên Chúa.

Lm. John Nguyễn, New York.

 

THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ

– Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. (Mc.8:30).

Bạn thân mến! Trên đây là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đối với Chúa Giêsu. Và đây cũng là lời tuyên xưng hùng hồn nhất, sâu sắc nhất và trang trọng nhất.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tường thuật rằng: Thầy trò Đức Giêsu đi bên nhau, nói chuyện tâm tình bên nhau, Ngài tế nhị dẫn dắt và nhắc nhở các môn đệ bằng những câu hỏi để gây ý thức nơi các ông. Trước hết Ngài nói: “Người ta nghĩ Thầy là ai?” (Mc.8:28). Và dần dần Ngài dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” (Mc.8:29)

Đức Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Ngài đã không làm thế.  Ngài muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Ngài, Ngài muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Ngài.

Là môn đệ Đức Kitô, mỗi người chúng ta phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của chính mình.  Người môn đệ phải biết căn tính của thầy mình, phải biết mình đang theo ai và người mình theo từ đâu đến.  Có như thế, người môn đệ mới có thể đi sâu vào trong tình thân mật với thầy mình, mới tin tưởng những điều thầy mình dạy, mới can đảm thi hành những giáo huấn mà thày mình đã trao ban.

Phêrô đã trả lời câu hỏi này cho phần của ông: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống”. Còn bạn và tôi, chúng ta trả lời câu hỏi này ra sao?  Nếu Đức Giêsu đến và hỏi tôi và bạn hôm nay “Thày là ai”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? Nếu người ta hỏi tôi “Đức Giêsu là ai”, tôi sẽ giải thích cho họ như thế nào về thầy mình?

Được biết Đức Giêsu, được nói về Đức Giêsu, được làm chứng cho Đức Giêsu, được tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu … Đó là một ân phúc, ân phúc từ trời cao đổ xuống cho những người luôn vững lòng tin tưởng vào Đức Giêsu, vì “không phải phàm nhân mạc khải cho điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.”

***

Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theozz(Mc.8:34)

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp sức cho con, để con biết từ bỏ mình, vác thập giá mình mà bước đi theo Chúa. Amen.

(Tổng hợp từ  R. Veritas)

CHA MIKE (Father Mike)

zzCha Mike Judge là một trong những người “Lính Cứu Hỏa” đã hy sinh mạng sống trong cuộc khủng bố 9/11/2001. Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều bài báo và cuốn sách viết khá đầy đủ về cuộc sống của Cha.  Sau đây chúng tôi xin tóm lược một số điểm chính.

Những người lính cứu hỏa và những người quen biết Cha thường gọi Cha một cách thân mật là “Cha Mike” hay “Cha Mychal.”

Cha Mike sinh ngày 11 tháng 5 năm 1933.  Ngày sinh nhật của Cha vào đời sống cũng trùng với ngày sinh nhật của Cha vào nước Trời: ngày 11/9/2001.  Cha sinh ra ở Brooklyn (New York) với tên đầy đủ là Robert Emmet Judge.  Cha sinh ra vào thời kỳ “Đại Suy Thóai” (Great Depression), gia đình phải sống trong hoàn cảnh rất nghèo khó.  Suốt đời của Cha phải sống giữa những người nghèo khó mà Cha rất quý mến và yêu thương phục vụ họ.  Khi còn nhỏ, dù trong túi chỉ có một đồng “quarter” cha vẫn lấy để tặng người ngồi ăn xin bên vệ đường.

Ba của Cha Mike chết khi Cha mới có 6 tuổi.  Ông cụ chết sau những ngày bịnh hoạn lâu dài.  Cuộc đời nghèo khó, bây giờ lại nghèo khó hơn.  Có thời gian Cha phải đi đánh giầy ở ngoài đường phố.  Tuy nhiên Cha vẫn cố gắng để đi học và cố gắng sống đời sống đạo đức.  Sau đó, Cha cảm thấy được ơn Chúa gọi “đi tu”.  Sau khi cầu nguyện và bàn hỏi với Cha Linh Hướng, Cha đã quyết định xin vào dòng Phanxicô khó nghèo lúc 15 tuổi (năm 1948) và sau một thời gian dài học hỏi và tu luyện, Cha đã được chịu chức Linh Mục vào ngày  25/2/1961, lúc 28 tuổi.

Sau khi chịu chức Linh Mục Cha đã được chỉ định giữ nhiều chức vụ khác nhau ở vùng New York.  Dù ở chức vụ nào, Cha Mike cũng cố gắng noi gương Chúa Giêsu qua cuộc đời Thánh Phanxicô khó nghèo, dấn thân chu toàn nhiệm vụ, hăng say giúp đỡ những người nghèo khó, không nhà cửa, nghiện ngập, bịnh hoạn, những di dân mới đến Hoa Kỳ.  Ngoài ra Cha vẫn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và thánh hóa bản thân; vì thế những người được tiếp xúc với Cha, cảm thấy như được tiếp xúc với một con người khiêm tốn, đạo đức và rất dễ thương,và họ thường coi Cha Mike như một “vị thánh sống.”

Năm 1992 Cha Mike được chỉ định làm Tuyên Úy cho Nha Cứu Hỏa New York.  Từ đó Cha đã dành nhiều thời giờ để đến với những người lính cứu hỏa và gia đình họ, không phải chỉ như một vị Tuyên Úy; nhưng còn như người bạn và ân nhân của họ; giúp đỡ họ bất cứ lúc nào khi cần đến với tất cả tình yêu thương.  Sáng ngày 11/9/2001 (vào khoảng gần 10g00), ngay khi  những chiếc máy bay đâm vào tòa Tháp Đôi, Cha đã cùng những người lính cứu hỏa chạy vào tòa nhà đang cháy và sắp sụp đổ, để cứu các nạn nhân và ban “phép Xức Dầu Thánh và các nghi thức cuối cùng” cho những người Công Giáo đang hấp hối.  Khi Cha đang vội vàng chạy vào Tòa Tháp Đôi, ông Thị Trưởng New York (lúc đó là Rudy Giuliani) nhìn thấy Cha, vội vàng kêu to: “Cha Mike, xin Cha cầu nguyện cho chúng con với!” Cha trả lời : “Có chứ, tôi vẫn hằng cầu nguyện cho quý vị…” Cha Mike chạy vào Tòa Tháp Đôi được một lúc lâu, thì Cha đi ra; nhưng Cha không còn đi bằng đôi chân của mình nữa;  những người lính cứu hỏa đã khiêng Cha ra; vì Cha không còn sống nữa…  Những viên đá đã đổ xuống và đập vào đầu của Cha, và Cha đã hy sinh mạng sống khi thi hành chức vụ Linh Mục của mình.  Vì quá gấp rút không thể kiếm ngay được một Linh Mục để ban các phép cuối cùng cho Cha, chính những người lính cứu hỏa đã quỳ xuống để cầu nguyện cho Cha.”

Thánh lễ an táng để cầu nguyện cho Cha Mike được tổ chức vào ngày 15/9/2001, tại Thánh Đường Thánh Phanxicô vùng Manhattan.  Chính Đức Hồng Y Eward Egan chủ tế với nhiều linh mục đồng tế, hơn 3,000 người dự Lễ, trong đó có nhiều viên chức cao cấp chính phủ, kể cả cựu Tổng thống Bill Clinton, và những người lính cứu hỏa thân yêu của Cha.  Nhiều người đã khóc thương Cha Mike và coi Ngài như “vị Thánh ngày 9/11” và nhắc lại lời nói của Ông thị trưởng New York lúc đó (Rudy Giuliani) “Xin Cha về với Chúa,  cầu nguyện cho chúng con với…”

Lạy Chúa nhân từ, “xin cho Linh hồn Cha Mike được nghĩ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên Linh Hồn ấy.”

Và xin Chúa ban ơn thánh hóa các chủ chăn và các Linh Mục của Chúa, cho các Ngài, “sau khi đã mặc lấy Chúa, nên giống Chúa mọi đàng, bởi noi gương các nhân đức đấng tôn thờ của Chúa…. Nhân danh Chúa và nhờ các Linh Mục của Chúa, xin Chúa lại đi qua giữa thế gian mà giảng dạy, mà tha thứ, mà yên ủi, mà tế lễ, mà nối lại mối dây của tình yêu Thiên Chúa kết hợp với loài người.  Amen”

KINH CẦU CHO CÁC LINH MỤC và CÁC CHỦNG SINH

Lạy Chúa Giêsu, ngày xưa khi nhìn đám đông dân chúng, Chúa đã chạnh lòng thương, vì họ như đàn chiên bơ vơ không có người chăn dắt.  Ngày nay, đoàn dân Chúa cũng đang khao khát nghe lời Chúa, và lãnh nhận các Bí Tích; nhưng số Linh Mục thật ít ỏi.  Xin Chúa đoái thương cho chúng con có nhiều Linh Mục, và cho các Linh Mục của chúng con đầy tinh thần khiêm nhường và quảng đại, sẵn sàng hy sinh tất cả vì đoàn chiên của Chúa, và vì vô số những người còn chưa được biết Chúa.  Xin cho các Ngài ngày càng trở nên giống Chúa hơn, để nơi các Ngài, chúng con được nhìn thấy chính Chúa đang ở với chúng con.

Xin Chúa thương ban cho có nhiều tâm hồn thanh thiếu niên quảng đại dấn thân làm Linh Mục, và xin Chúa tạo điều kiện thuận lợi, để các chủng sinh ấy sớm trở thành những Linh Mục thánh thiện, có lòng nhiệt thành, và nhiều khả năng để tiếp nối công cuộc của Chúa ở giữa trần gian.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hứa:  “Ai xin sẽ cho, ai tìm sẽ gặp, ai gõ cửa sẽ mở cho”, thì đây là lời cầu xin tha thiết nhất của chúng con.  Xin Chúa hãy đoái thương thực hiện để làm vinh danh Thiên Chúa Cha.  Amen!

LM Anphong Trần Đức Phương sưu tầm

 

 

NHÌN VÀO BÊN TRONG

zzNhững nghệ sỹ thường hay có “cái nhìn vào bên trong” như chúng ta khen bài hát có hồn, bức tranh có hồn…  Một con đường làng quá quen thuộc với chúng ta, đi mãi mòn cả chân thế mà chúng ta cũng chẳng để ý thấy có cái gì hay, cái gì đẹp; còn người có máu nghệ sỹ thoáng một chút là họ đã viết một bài văn, một bài hát diễn tả quê hương thật đẹp, thật ngọt ngào…  Thế nhưng con người cũng chỉ có giới hạn, chẳng phải lúc nào họ cũng làm được như thế, họ cần phải có những phút giây cảm hứng tự nhiên, nên đôi lúc cố gắng hết sức mình mà cũng chẳng làm được, bởi thế có những người họ phải xử dụng đến những chất kích thích như hút thuốc, cà phê, rượu, thậm chí có cả thuốc phiện, bạch phiến….

Chỉ có Đức Kitô, vâng chỉ có Đức Kitô mới thật sự có cái nhìn vào bên trong một cách toàn vẹn, chính xác nhất mà không cần phải dùng đến những loại kích thích theo kiểu con người.  Ngài chạnh lòng thương xót là nói lên cái nhậy bén từ bên trong của Ngài do sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Lần lượt qua tất cả các đoạn Tin Mừng chúng ta đã đọc, chứng tỏ Ngài luôn có cái nhìn vào bên trong. Từ cảnh vật như chim trời cá biển, hoa cỏ ngoài đồng, trên cát trên đá, cây cối đường đi nhà cửa…. Ngài đã nói cho chúng ta biết nó có một sức sống, Ngài có tình yêu với cảnh vật chung quanh và dùng nó để dẫn đến điều Ngài muốn nói, muốn truyền đạt cho con người.  Đối với con người cũng vậy, Ngài nhìn thấu suốt vào bên trong tâm hồn người phụ nữ ngoại tình, dân chúng muốn kết án muốn ném đá, họ hung hăng như con bọ xít, họ gào thét hò la để tiêu diệt một con người, nhưng Ngài đã nhìn vào phía bên trong, đã động lòng trắc ẩn, đã chạm đến nơi thẳm sâu nhất tâm hồn cô và cô đã nhận ra điều đó; cô đã biến đổi và đã trở về với một cuộc sống mới, đời sống tốt.

Đám tang con trai bà góa, Ngài nhìn thấy từ bên trong thân phận bà góa, lòng xót thương của Ngài đã biểu lộ ra bằng cách giúp con bà sống lại.  Lazarô, nhìn tình cảnh của hai chị em Matta và Maria, Ngài đã động lòng thương bật khóc và Ngài đã làm cho Lazarô sống lại.  Người mù ăn xin bên vệ đường, người ta cản không cho anh ta đến gần, người ta muốn giữ nếp sống văn hóa, văn minh chứ đâu muốn quân vô lại bẩn thỉu đến gần, nhưng Đức Kitô đã thấy từ bên trong tấm lòng khát khao của anh và đã động lòng thương… anh đã nhẩy cẫng và tung áo choàng lên.  Anh chàng mù từ khi lọt lòng mẹ được lòng xót thương của ông Giêsu đi qua đã đụng đến cái bên trong của anh và mắt anh đã bừng sáng, anh sướng điên lên; và rồi, dù ra như Chúa bỏ, cha mẹ bỏ, xã hội loại bỏ thì anh ta vẫn một mực làm chứng về một con người, con người đó là Đấng Messia, không sai chậy được; cuối cùng cho dẫu anh bị loại ra khỏi Hội Đường như đứa con ngỗ nghịch bị đuổi ra khỏi dòng tộc…  Anh vẫn không bận tâm.

Ngài đã nhìn cái nhìn vào bên trong nơi chính lòng Ngài.  Cái nhậy bén bên trong đó, Ngài đã nhìn thấy tội lỗi của con người nên đã làm tâm hồn Ngài dày vò nhức nhối xót xa hơn những người đau khổ nhất trần gian.  Cái nhìn bên trong nơi thân phận làm người của Ngài, Ngài cũng cảm thấy những yếu đuối, bế tắc, cô đơn… như bao con người khác, ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài đã sống với Chúa Cha liên lỉ, bằng chứng là Ngài luôn tìm những nơi thanh vắng để cầu nguyện.  Cái nhìn vào bên trong nơi thân phận con người của Ngài làm cho Ngài mồ hôi mướt máu, cái đau vô cùng tận, cái sợ đến kinh hoàng tột đỉnh, cái cô đơn khủng khiếp… trong đêm vườn Cây Dầu.

Nơi con người thường có cái nhìn hời hợt, nhìn bên ngoài, cái nhìn của người trần mắt thịt hay tưởng tượng hay suy đoán vì thế mà đưa đến hậu qủa vội vàng kết án, nghi kị, nóng nẩy, tiêu diệt, hạ địch thủ…  Để có cái nhìn từ bên trong một cách đúng đắn, cho dù có máu nghệ sỹ hay không, thì con người luôn cần sống với, sống trong, sống nhờ Đức Kitô, như Đức Kitô đã sống trọn vẹn nơi Cha của Ngài.  Chìm sâu, gặp gỡ, tương quan, liên lỉ trong Chúa để có được tình yêu, sự bao dung, nghị lực chờ đợi như Chúa.

***********************************

Một nhà chiêm niệm chính là một người hiệp thông với tha nhân ở mức độ mà sự hiệp thông trở nên sâu đậm nhất, toàn vẹn nhất và đồng thời cũng đớn đau nhất.  Trên sườn núi những khối đá thật to, khô cằn sần sùi nháp nhúa… thế nhưng những khe nứt vẫn mọc lên những ngọn cỏ xanh mướt, những bông hoa dại đơn sơ mỏng manh, mầu sắc tuyệt vời.  Trong cộng đoàn những con người ngạo ngược, chai đá, đểu giả, ngang bứa, cứng cỏi, tội lỗi, cái gai của cộng đoàn…. nhưng nếu ai có cái nhìn vào phía bên trong sẽ thấy được một cái đốm rất nhỏ dễ thương của họ, và nếu đụng được tới cái đốm nhỏ đó thì sẽ làm cho họ thay đổi,  hay ít là cũng trở thành bạn thân của họ.

Trong cuộc sống không thiếu những con người họ đang đỏ mặt khẳng định mình, đang xanh máu mặt gồng mình lên để phân phô, đang vung tay múa chân để biện hộ, thế nhưng có cái nhìn vào bên trong sẽ dễ dàng cảm thông  và nhận ra sự bế tắc hạn hẹp của thân phận kiếp người, bởi thế mà con người rất cần tình thương để cõi lòng được lấp đầy sự ấm áp và bình an.

Có cái nhìn vào bên trong sẽ giúp mình chất vấn chính mình, để Tin Mừng chất vấn và người khác chất vấn mình nữa.  Nhậy bén nhìn thấy những thách đố của thời cuộc, của thế giới, không thỏa hiệp, không thông đồng, không bị sa vào “vũng lầy êm ái”; sẽ nói lời nói sự thật, chân lý, không giả dối điêu ngoa, nhưng biết chia sẻ những kinh nghiệm sống với Chúa cho người khác, chia sẻ tình thương với tha nhân, không sống một đằng nói một kiểu, biết xấu hổ những điều mình nói phét, lừa người ta, lừa Chúa, lừa mình…

Người có cái nhìn vào bên trong sẽ luôn khao khát sống đến cái tận cùng của Tin Mừng đòi hỏi, không ngây ngô đến độ không biết sự giả dối, không đòi quyền lợi địa vị danh vọng, không chơi ngông với người khác ; không mù mắt trước những người nghèo chung quanh; không điếc lác với những người đau khổ rên la; không câm nín với với những người đang cần lời an ủi xót thương ; không què cụt tay chân trước những vết thương cần được băng bó của con người…

Người nhìn vào bên trong sẽ nghe được tiếng “rên” của Thánh Thần trong lòng mình và những tiếng “rên” trong lòng tha nhân để cùng họ chia sẻ, giới thiệu gặp gỡ một Đức Kitô đang sống, đang hiện diện, đang yêu thương.  Một Đức Kitô hôm qua hôm nay, lúc này và ngày mai cũng chỉ là một, không chờ mong mơ mộng một Đức Giêsu nào khác.

***********************************

Chúa luôn có cái nhìn vào bên trong.  Vậy xin Chúa cho con được mật thiết gắn bó với Chúa để con được đổi mới cái nhìn ; nhìn vào trong con, thấy con cũng yếu đuối tội lỗi như bao người khác; nhìn vào bên trong tạo vật để thấy được tình thương của Chúa và nhất là nhìn vào bên trong anh chị em để con thấy được cái đẹp cái tốt của anh chị em con.

Mong Manh