KILLING ME SOFTLY

Giết chết tôi một cách dịu dàng bằng bài hát của anh ta.

Trong thập niên 70, thế giới có nhiều bài hát hay, được phổ biến rộng rãi khắp các quốc gia, trong đó có cả Việt Nam nữa.

Một trong những bài hát mà những “người của thập niên 70” không thể không biết và cũng không thể quên được là bài “Killing Me Sofly” với điệp khúc bất hủ: “Strumming my pain with his fingers. Singing my life with his words.  Killing me sofly with his song.  Telling my whole life with his words…” (Khảy vào vết thương tôi bằng những ngón tay của anh ta.  Hát lên cuộc đời tôi bằng lời lẽ của anh ta.  Giết chết tôi một cách dịu dàng bằng bài hát của anh ta.  Kể hết cuộc đời tôi bằng lời lẽ của anh ta…)

Roberta Flack, tác giả, đã nổi tiếng như cồn nhờ bài hát này, âm nhạc bềnh bồng và lời bài hát lạ lùng đã lôi cuốn và mê hoặc không biết bao nhiêu triệu người nghe.  Chẳng những vào thập niên 70, mà cho đến hôm nay, “Killing Me Sofly” vẫn còn là bài hát được rất nhiều người yêu thích.

Roberta Flack viết gì trong bài hát của mình?  Bằng những lời lẽ đơn giản, nhạc sĩ kể rằng có một cô gái mang tâm sự buồn, muốn tìm cái gì giải trí cho khuây khỏa.  Cô nghe rằng có một anh chàng hát rất hay và có một phong cách trình diễn khá đặc biệt.  Thế là cô đến buổi trình diễn của anh ta để nghe cho biết, cũng để giải sầu trong giây lát.  Vào cuộc trình diễn, cô thấy đó là một anh chàng còn rất trẻ.  Ðối với đôi mắt cô, đó là một người xa lạ.  Nhưng đến khi anh ta dạo đàn và cất tiếng hát thì thật là lạ lùng. Cô có cảm tưởng như anh ta biết hết tâm sự của cô và nói ra hết qua bài hát anh ta trình diễn.  Những ngón tay anh ta khảy sợi dây đàn mà như là động chạm vào vết thương sâu thẳm của cô.  Cả cuộc đời cô như được phơi bày trong lời hát của chàng ca sĩ ấy, anh ta hát mà như kể truyện đời cô.  Với bài hát đang trình diễn trên sân khấu, chàng ca sĩ trẻ tuổi ấy đã giết chết cô một cách dịu dàng.  Cô có cảm tưởng mặt cô đỏ bừng như lên cơn sốt.  Cả đám đông vây quanh mà nhìn cô.  Cô thấy như anh ta tìm thấy những bức thư cô đã viết và đọc to lên từng chữ một.  Cô cầu mong sao anh ta chấm dứt nhưng anh ta cứ tiếp tục hát bài hát ấy.  Anh ta hát như thể anh ta biết rất rõ về cô, biết cả về tình trạng tuyệt vọng tăm tối của cô.  Và rồi anh ta nhìn thấu qua cô giống như cô trong suốt, như cô không có đó, nhưng anh ta, con người xa lạ thì lại có đó…

Ngoài cô gái được diễn tả trong bài hát, không biết còn bao nhiêu là người cảm thấy bị “killing sofly” như vậy không, không biết bao nhiêu trái tim thổn thức khi nghe bài hát ấy hay cất tiếng hát bài hát ấy lên.  Nhưng bài hát đã đi vào lịch sử âm nhạc thế giới dù đó không phải là một tác phẩm lớn.

Dù sao, đó là một bài hát lãng mạn, cái lãng mạn lôi kéo nhiều người.  Nhưng bị lôi kéo để rồi bị “giết,” dù là “giết” một cách êm đềm, dịu dàng thì cũng… nguy hiểm quá!

Có một người, bằng ánh mắt, bằng trái tim, và bằng cả sự thinh lặng, biết hết về từng người trong chúng ta.  Người ấy biết rõ niềm vui sống động cũng như nỗi buồn u ám của ta.  Người ấy biết hết truyện đời ta, dù là những chuyện được phơi bày hay những chuyện thầm kín, sâu thẳm nhất.  Và người ấy sẵn sàng nghe ta nói, chờ đợi ta thổ lộ; sẵn sàng an ủi ta.  Và, người ấy sẽ kéo ta từ nỗi thất vọng tối đen đến niềm hy vọng tươi sáng.  Người ấy không “giết chết ta một cách êm đềm,” nhưng “dịu dàng dẫn đưa ta đến sự sống và niềm hạnh phúc.”

Người ấy là ai?  Bạn biết rồi!  Chúa Giêsu Thánh Thể.  Có thể bạn “nghe biết” về Ngài nhưng chưa “biết” Ngài một cách riêng tư.  Có thể bạn đã đến với Ngài nhưng chưa gặp Ngài.

Bởi vì ta chưa nghe Ngài cất tiếng hát nói về cuộc đời ta, và nói về trái tim chan chứa tình thương của Ngài.  Bởi vì ta còn xem Ngài như một người xa lạ.  Và bởi vì ta chưa để con người ta trở nên trong suốt, không ẩn giấu điều gì trước mặt Ngài.

ZZMột lần nào đó viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, ta hãy ngồi thinh lặng, không nói gì, không nghĩ gì, không cầu xin gì.  Ðể rồi lắng nghe Ngài nói tất cả về ta, về những thất vọng, mặc cảm, sự thua thiệt, niềm tủi hổ, về những bí mật không ai biết.  Có thể ta cũng sẽ ngượng chín cả người, muốn độn thổ. Có thể ta sẽ khóc… Nhưng không sao.  Ngài không “giết” ta đâu, Ngài đang chữa lành và cứu sống ta đó.  Chữa lành và cứu sống ta bằng tất cả tình thương dịu ngọt của Ngài.

Quyên Di

TỪ TRÁI TIM CON NGƯỜI

Đoạn Tin Mừng Chúa nhật hôm nay khởi đi từ một chuyện nhỏ: Chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi ăn.

Đối với người Pharisêu, sau khi ra nơi phố chợ, người ta thường trở nên ô uế do đụng chạm với người khác.  Phải rửa tay trước khi ăn, vì tay ô uế làm đồ ăn ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ra ô uế.

Đức Giêsu đã long trọng khẳng định trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế” (Mc.7:15).

Khẳng định này là một cuộc cách mạng trong Do Thái giáo, bởi lẽ đời sống người Do Thái bị bao vây bởi nhiều cấm kỵ: Không được ăn thịt heo, hay thịt thú chết ngạt; không được đụng vào xác chết, vào người phong cùi; không được ăn chung với dân ngoại hay vào nhà người tội lỗi… Đụng vào hay ăn vào là ô uế ngay.

Chiếu theo luật Do thái thời bấy giờ, Đức Giêsu đã phạm nhiều điều cấm kỵ, đã phá đổ nhiều bức tường ngăn cách kẻ xấu – người tốt, dân Do Thái và dân ngoại, nam và nữ, nô lệ và tự do… Ngài hồn nhiên đến với những người bị coi là ô uế để làm họ nên sạch.

Thật ra Đức Giêsu chẳng phản đối gì chuyện rửa tay, nhưng Ngài thấy nó có vẻ giả hình vì người ta chẳng để ý đến chuyện chính yếu và quan trọng nhất tẩy rửa trái tim.

Rửa tay để được yên tâm, mãn nguyện, tránh khỏi phải rửa tâm hồn là điều khó hơn.

Đức Giêsu cho ta thấy cái ô uế thực sự lại không đến từ đụng chạm hay ăn uống. Cái ô uế đáng sợ nằm ngay trong trái tim mỗi người. Nó không từ ngoài vào, nhưng từ trong ra. Ngài kể ra 12 ý định xấu xa bắt nguồn từ trái tim, ý định xấu dẫn đến hành động không đẹp (Mc.7:21-22).

Cần trở về với trái tim của mình.  Đó không phải là một cuộc dạo chơi, nhưng là một thách đố dám nhìn cái tôi sau lớp mặt nạ.

Hãy tạo cho mình một trái tim mới” (Ed.18:31). Đó là lệnh truyền của Đức Chúa, nhưng con người chẳng thể tự mình thay tim. “Ta sẽ thanh tầy các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới” (Ed.36,25). Đổi được trái tim là đổi được tất cả.

Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở cho ta: Truyền thống, luật lệ và nghi thức là điều cần thiết, nhưng không được quên điều cốt lõi của luật Chúa là yêu thương.

Tôn kính Thiên Chúa qua phụng vụ là điều phải làm, nhưng phải đặt trái tim và cuộc sống của ta vào trong đó.

Ta vẫn có thể lẫn lộn cái chính với cái phụ. “Xin mọi người nghe tôi nói đây và hiểu cho rõ” (Mc.7:14).  Đó là lời Đức Giêsu nhắn nhủ đám đông ngày xưa và mỗi người chúng ta hôm nay.

***

Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn con vào nhà của con, căn nhà của trái tim, căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng ZZco, những mâu thuẫn và vô lý nơi con. Xin hãy cho con thấy những nhỏ mọn, ích kỷ, những yếu đuối, khô khan, những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức những lo âu, sợ hãi đang đè nặng làm con ngột ngạt, những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui, những vết thương không biết bao giờ lành, những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con dọn dẹp những bề bộn nơi tim con. Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn, hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người, bằng trái tim bao dung của Chúa. Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình, trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn để yêu mến mọi người nhiều hơn. Amen.

(Trích trong ‘Manna’)

 

BỎ THẦY, CON THEO AI?

Tôi nổi giận, và Ngài bảo:  HÃY THỨ THAZZ
Tôi run sợ, và Ngài bảo:  CAN ĐẢM
Tôi nghi hoặc, và Ngài nói:  HÃY TÍN THÁC
Tôi bồn chồn không ngơi, và Ngài nói: TĨNH LẶNG
Tôi thích đi con đường riêng của mình, và Ngài bảo:  HÃY THEO TA
Tôi muốn lập kế hoạch riêng của mình, nhưng Ngài bảo:  HÃY QUÊN ĐI
Tôi nhắm tìm của cải vật chất, và Ngài bảo:  HÃY BỎ LẠI ĐẰNG SAU
Tôi muốn được bảo đảm, nhưng Ngài nói:  TA CHẲNG HỨA HẸN GÌ
Tôi thích sống ̣đời riêng của mình, và Ngài nói:  TỪ BỎ CHÍNH MÌNH
Tôi nghĩ mình tốt lành, nhưng Ngài bảo:  TỐT LÀNH THÔI CHƯA ĐỦ
Tôi thích làm ông chủ, và Ngài nói:  PHỤC VỤ
Tôi thích ra lệnh cho người khác, nhưng Ngài nói:  HÃY HỌC VÂNG LỜI
Tôi kiếm tìm tri thức, và Ngài nói:  HÃY TIN
Tôi thích sự rõ ràng, nhưng Ngài lại nói bằng:  DỤ NGÔN
Tôi thích thi ca, Ngài lại nói CHUYỆN THỰC TẾ
Tôi yêu sự yên tĩnh của mình, còn Ngài lại muốn TÔI BỊ QUẤY RẦY
Tôi thích bạo lực, và Ngài bảo: BÌNH AN Ở CÙNG CHÚNG CON
Tôi rút gươm ra, nhưng Ngài bảo:  NÉM ĐI
Tôi nghĩ đến trả thù, nhưng Ngài bảo:  ĐƯA MÁ BÊN KIA
Tôi nói về trật tự, và Ngài bảo:  TA ĐẾN ĐEM GƯƠM GIÁO
Tôi căm ghét, nhưng Ngài bảo:  HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ
Tôi muốn gieo hoà hợp, và Ngài nói:  TA ĐEM LỬA XUỐNG THẾ GIAN
Tôi thích làm người lớn nhất, nhưng Ngài bảo:  HÃY HỌC LÀM TRẺ NHỎ
Tôi muốn ẩn thân, và Ngài nói:  ÁNH SÁNG PHẢI CHIẾU SOI
Tôi kiếm tìm chỗ nhất, nhưng Ngài bảo:  XUỐNG CHỖ CUỐI CÙNG
Tôi thích được quan tâm, và Ngài nói:  ĐÓNG CỬA LẠI MÀ CẦU NGUYỆN

Không, tôi không hiểu Ông Giêsu này. Ngài khiêu khích tôi làm tôi bối rối.
Cũng giống như nhiều môn đệ khác, tôi muốn đi theo một ÔNG THẦY KHÁC, chắc chắn hơn
và ít đòi hỏi hơn.

Nhưng tôi cảm nhận như Phêrô:  “Tôi không biết ai khác có LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI”

Sưu tầm

DẠY ẨN SĨ ÐỌC KINH

zzTruyện cổ nước Nga thuật lại câu chuyện của một học giả thông thái và một vị ẩn sĩ khiêm tốn như sau:

Một học giả nọ đi dạo theo bờ hồ, bỗng nghe có tiếng cầu kinh của một ẩn sĩ vang lại từ một hòn đảo giữa hồ.  Ông lắng tai nghe một lúc rồi tiếp tục đi.  Nhưng một lát sau ông cảm thấy khó chịu.  Bởi vì lời kinh của vị ẩn sĩ hoàn toàn sai lạc.  Từ nội dung cho đến cách phát âm, tất cả đều sai.

Học giả liền thuê một chiếc ghe và chèo sang hòn đảo, cốt chỉ để nhắc nhở cho vị ẩn sĩ thấy được những sai lầm của ông trong lúc cầu kinh.  Học giả nói với vị ẩn sĩ:

–  Này ông bạn, tôi nghĩ là ông bạn sẽ không chấp nhất khi tôi làm việc này cho ông bạn.

Nói xong, ông đọc một thôi những lời cầu kinh, không sai một chữ, một phẩy, và dĩ nhiên với cách phát âm điêu luyện của một nhà học giả.

Trước khi trở lại ghe, học giả còn giải thích thêm:

–  Tôi chèo ghe đến đây cốt để giúp bạn đọc kinh cho đúng cách mà thôi.

Vị ẩn sĩ cám ơn nhà học giả rối rít.  Nhưng khi học giả vừa chèo ghe ra đến giữa hồ, ông bỗng nghe có tiếng động trên mặt nước.  Quay nhìn lại, ông thấy vị ẩn sĩ đang đi trên mặt nước tiến về phía ông.  Và đứng trên mặt nước, vị ẩn sĩ nói với nhà học giả:

–  Xin ngài vui lòng chỉ dạy cho tôi một lần nữa. Vừa mới nghe xong lời kinh tôi đã quên cả rồi.

*******************************

Thiên Chúa là Cha vô cùng yêu thương của mọi người.  Ngài biết ta cần gì trước khi ta kêu xin.  Ðiều làm cho Ngài ưa thích chưa hẳn là những lời hay ý đẹp của con người, hay những câu kinh đọc đúng cung đúng cách.

Ðiều mà Thiên Chúa hài lòng hơn cả chính là một tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, một tâm tình cậy trông và phó thác trọn vẹn cho tình thương của Ngài.

Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây hẳn đã hiểu được bí quyết ấy.  Lời cầu kinh của ông không phải là để phô diễn những kiến thức uyên bác, mà chính là tâm tình tin tưởng phó thác của ông.  Ðó là sức mạnh có thể khiến ông di chuyển trên mặt nước.

*******************************

Lạy Chúa Giêsu Kitô xin dạy con biết cách cầu nguyện, xin dạy con biết cách nói chuyện với Chúa trong đời sống thường nhật.  Con có thể không thuộc câu kinh, bản nhạc, không kiến thức về giáo lý, về Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng con vẫn có thể thân thưa với Chúa từ đáy tâm hồn con bằng ngôn ngữ hạn hẹp của chính mình, bằng những lời nói đơn sơ chân thành từ tấm lòng và bằng tấm lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Người Cha Yêu Dấu.  Nhưng làm sao con có thể cầu nguyện khi con không dành thì giờ cho Chúa mỗi ngày?  Xin giúp con biết thu xếp một khoảng riêng cho Giêsu giữa những tháng ngày bận rộn tối tăm mặt mũi.

R. Veritas

LỜI BAN SỰ SỐNG

zzChẳng nên ngạc nhiên nếu có lúc đức tin gặp khủng hoảng. Cả lịch sử Cựu Ước đong đưa giữa tin và không tin.  Khi Đức Giêsu đến, người ta phải đứng trước một lựa chọn: Tin hay không tin vào Lời Ngài, vào con người Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một kinh nghiệm về khủng hoảng đức tin nơi chính các môn đệ. Kinh nghiệm ấy thật gần gũi với con người hôm nay.

“Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”  Đó là phản ứng của các môn đệ ngày xưa khi nghe Thầy Giêsu vén mở căn tính của Thầy. Thầy khẳng định mình từ trời mà xuống (Ga.6:38), và Thầy sẽ trở lại nơi Thầy đã ở trước kia (Ga.6:62), sau khi hiến mình chịu chết cho nhân loại (Ga.6:51), và nuôi nhân loại bằng chính máu thịt của mình (Ga.6:53),

Hôm nay có thể chúng ta vẫn còn thấy chướng tai. Mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Tử nạn của Con Thiên Chúa, bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm Chúa về trời: đó vẫn là những mầu nhiệm khôn dò.  Phải yêu mến mới hiểu được, mới chấp nhận được.

Hôm nay vẫn có câu Lời Chúa bất ngờ làm ta choáng váng, vì chướng tai, chướng cả với suy nghĩ và tình cảm của ta.  Lời Chúa đòi tôi đi xa hơn và bắt tôi điều chỉnh lại mối tương quan với Chúa.

Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Ngài nữa.  Họ đã đi với Ngài một thời gian, đã tin và đã trở thành môn đệ.  Nhưng họ không thể đi tới cùng cuộc phiêu lưu này.

Trở nên môn đệ hay trở nên một Kitô hữu không phải là một bảo đảm chắc chắn mình sẽ trung tín mãi mãi với Đức Kitô.

Trở nên môn đệ là bước vào cuộc phiêu lưu, là khám phá ra một Đức Kitô luôn luôn mới, là để Ngài từ từ đưa ta đi sâu vào mầu nhiệm hơn.

Cuộc phiêu lưu nào cũng có chút rủi ro, cũng đòi chút liều lĩnh, vì đây là cuộc phiêu lưu của tình yêu, của lòng tin.

Đã có những môn đệ không tin và bỏ đi. Ngay trong nhóm ở lại cũng có kẻ phản bội. Để khỏi bỏ cuộc, ta cần phải bỏ mình…

Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Đại diện Nhóm Mười Hai, Phêrô bày tỏ thái độ ở lại.  Không phải vì ông và các bạn hiểu được lời Thầy Giêsu, nhưng vì họ tin vào con người của Thầy, tin Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng đã cho dân ăn no nê, Đấng đã đi trên biển. Lòng tin này khiến họ chấp nhận cả những lời chướng tai.

Lời chướng tai là lời đem lại sự sống đời đời.

Nhiều bạn trẻ hôm nay cô đơn, nhưng không biết đến với ai. Hãy cùng nhau đến và ở lại bên Thầy Giêsu, Ngài sẽ không làm chúng ta thất vọng.

***

Nguyện xin Thiên Chúa tình yêu tha thứ những yếu đuối, nhỏ nhen đầy ích kỷ của chúng con. Xin Mình Máu Thánh Ngài nâng đỡ chúng con thoát khỏi những cám dỗ trần thế để mãi mãi con có thể nói như thánh Phêrô ngày nào: “Bỏ Ngài chúng con biết đến với ai. Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời”. Amen

(Trích trong ‘Manna’)

1000 viên bi!

zz“Không gì thức tỉnh bằng việc nhìn thời gian còn lại trên trái đất của mình cứ ngắn dần và nó sẽ giúp bạn biết ý thức về những ưu tiên của mọi việc”.

Càng lớn tuổi, tôi càng thấy thích thưởng thức những buổi sáng Thứ Bảy.  Có lẽ là do bầu không khí yên lặng, tĩnh mịch cùng với việc là người đầu tiên thức dậy, hay cũng có thể là do niềm vui khi không phải đi làm.  Dù sao đi nữa, vài giờ đầu của sáng Thứ Bảy luôn luôn mang lại cho tôi những cảm xúc thích thú nhất.

Cách đây vài tuần, vào một buổi sáng Thứ Bảy, tôi ngồi thưởng thức ly cà phê còn bốc khói, đọc báo và nghe radio.  Từ radio đang phát ra một giọng nói vô cùng ấm áp, hấp dẫn, chất giọng vàng của một người đàn ông đã đứng tuổi đang nói với một ai đó tên là Tom về câu chuyện một ngàn viên bi gì đó…

Tò mò, tôi ngừng đọc báo và lắng nghe ông nói. “Này Tom, hình như anh đang rất bận với công việc của anh thì phải.  Tôi chắc rằng họ trả lương cho anh cũng khá lắm phải không, nhưng thật không đáng nếu anh cứ phải luôn luôn vắng nhà và xa gia đình vì công việc như vậy.  Không thể tin được một người trẻ tuổi như anh lại cứ quần quật làm việc mỗi tuần từ 60 đến 70 tiếng để trang trải mọi thứ.  Thật đáng tiếc anh đã không tham dự được buổi biểu diễn của con gái anh”.

Ông tiếp tục, “để tôi kể cho anh nghe điều này anh Tom ạ, một điều đã giúp tôi ý thức về những gì ưu tiên trong cuộc sống của mình”.  Và ông bắt đầu giải thích lý thuyết của ông về “một ngàn viên bi”.

“Anh biết không, một ngày nọ tôi đã ngồi làm thử một bài toán nhỏ.  Mỗi người trung bình sống được khoảng 75 năm.  Tôi biết cũng có người sống thọ hơn và cũng có người chết sớm hơn nhưng trung bình, người ta sống được khoảng 75 năm”.

“Sau đó, tôi nhân 75 năm đó với 52 tuần thì ra con số 3900, là tổng số ngày Thứ Bảy mà mỗi người có được trong cả cuộc đời của họ.  Này anh Tom, hãy tập trung và lắng nghe, tôi đang dẫn giải đến phần quan trọng rồi đây”.

Phải đến năm 55 tuổi tôi mới biết suy nghĩ về mọi việc kỹ càng như vậy”, ông tiếp tục, “và cho tới lúc đó, tôi đã sống qua hơn 2800 ngày Thứ Bảy của đời mình.  Và nếu tôi sống được đến năm 75 tuổi, tôi sẽ chỉ còn được hưởng khoảng 1000 ngày Thứ Bảy nữa mà thôi”.

“Và rồi tôi đi tới một cửa hàng đồ chơi, mua tất cả những viên bi họ có, và phải đi tới ba cửa hàng tôi mới mua được đủ 1000 viên bi cho mình.  Tôi đem chúng về nhà, bỏ vào chiếc hộp nhựa lớn, ngay cạnh chỗ tôi thường ngồi.  Từ đó, khi mỗi ngày Thứ Bảy qua đi, tôi lại lấy một viên bi ra và ném bỏ đi”.

“Tôi nhận ra rằng, khi nhìn số lượng những viên bi trong hộp ngày càng giảm dần, tôi đã biết tập trung hơn cho những điều thật sự quan trọng trong cuộc sống.  Không gì thức tỉnh bằng việc nhìn thời gian còn lại trên trái đất của mình cứ ngắn dần và nó sẽ giúp bạn biết ý thức về những ưu tiên của mọi việc”.            

“Bây giờ, tôi sẽ nói cho anh Tom nghe một điều cuối cùng trước khi tôi ngừng cuộc trò chuyện này của chúng ta để đưa người vợ yêu quý của tôi đi ăn sáng.   

Sáng nay, tôi đã lấy viên bi cuối cùng ra khỏi chiếc hộp. Tôi hình dung nếu tôi có thể giữ nó cho tới sáng Chủ Nhật hôm sau nữa thì tức là Chúa đã ban cho tôi thêm một chút thời gian để được ở lại bên những người thân yêu…    

“Thật tốt khi được trò chuyện với anh, anh Tom ạ, tôi mong anh sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu của anh và tôi cũng hy vọng, một ngày nào đó sẽ gặp lại anh.  Chúc buổi sáng tốt đẹp!”.

Không một tiếng động khi ông ấy kết thúc cuộc trò chuyện.  Tôi nghĩ ông ấy đã khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.

Sáng hôm đó, tôi đã định làm một số việc, nhưng rồi, tôi quyết định chạy lên lầu, đánh thức vợ tôi bằng một cái hôn.

“Dậy thôi em yêu, anh sẽ đưa em và các con đi ăn sáng”.
 “Có chuyện gì đặc biệt hả anh?”, vợ tôi hỏi với một nụ cười.          

 “Không, không có gì đặc biệt cả”, tôi nói, “Chỉ vì đã lâu lắm rồi hai vợ chồng mình không có thời gian với nhau và với các con. À, trên đường đi mình dừng lại ở cửa hàng đồ chơi một chút nhé, anh cần mua một vài viên bi”.

Sưu tầm

**********************************************

Lạy Chúa, bước ra đường con gặp không biết bao nhiêu người.
Họ về, họ đến, họ đi, họ chạy.
Xe hai bánh chạy.
Xe bốn bánh chạy.
Xe cam-nhông chạy.
Các con đường chạy.
Cả thành phố chạy.
Tất cả mọi người chạy.
Họ chạy để khỏi mất thì giờ.
Họ chạy theo thời gian,
Ðể lấy lại thời giờ đã mất,
Ðể lời nhiều thì giờ hơn.
Hết mọi người đều bảo là không có thì giờ.
Nhưng lạy Chúa, con có thời giờ.
Con có thì giờ riêng của con.
Tất cả thời giờ mà Chúa đã ban cho con,
Những năm tháng của đời sống con;
Những ngày của năm tháng con,
Những giờ của ngày sống con,
Tất cả đều thuộc về con.
Con có phận sự phải dùng nó cho đầy đủ trong bình tĩnh và yên lặng.
Dùng nó cho cho trọn vẹn, cho tới phút cuối cùng.
Ðể dâng lên cho Chúa hầu Chúa làm lợi cho kẻ khác.
Chiều nay, lạy Chúa, con không xin Chúa ban cho con thêm thời giờ để làm sự này hay sự khác.
Con chỉ xin Chúa cho con được ơn này là ơn biết dùng nên thời giờ Chúa ban cho con, để tận tình làm những việc mà Chúa muốn con làm…

Michel Quoist, Prières

 

GIỜ THĂM NUÔI

Người ấy đã chờ đợi giờ này suốt cả ngày, sau sáu ngày làm việc, và cuối cùng ngày này cũng đã đến: Ngày Thăm Nuôi!  Một người cầm chìa khóa đến mở cánh cửa to lớn, nặng nề.  Căn phòng xám xịt bỗng sống dậy trong hơi ấm của ánh đèn.  Người khó giữ được hồi hộp.  Các gia đình bắt đầu đến rồi. Người từ góc phòng đưa mắt trông ra, chờ đợi ánh mắt đầu tiên của kẻ mình thương.  Người sống vì những ngày nghỉ cuối tuần này.  Người sống vì những giờ thăm nuôi này.  Khi xe cộ đến, người nhìn chăm chăm.  Rồi cuối cùng, cô ấy cũng đến — hôn thê của người; vì cô ấy người sẵn sàng làm hết mọi sự.  Họ ôm nhau vào lòng, dùng bữa ăn nhẹ với nhau và nhắc lại chuyện cũ.  Đến một lúc, họ ca hát, xen lẫn trong tiếng cười vang và vỗ tay.

Nhưng mọi sự lại nhanh chóng kết thúc.  Một giọt lệ rướm lên khi vị hôn thê ra về.  Ông giữ chìa khóa đóng sầm cánh cửa nặng nề.  Người nghe tiếng chìa khóa xoáy vào ổ để chấm dứt một ngày đặc biệt. Người lại về đấy, lại một mình với mình.  Người biết rằng đa số những kẻ thăm người sẽ không trở lại cho đến tuần sau.  Khi những chiếc xe đã rời bãi đậu, Chúa Giêsu rút vào cô đơn và chờ đợi cho đến Chúa Nhật tuần sau:  Ngày Thăm Nuôi.  Chúng ta có đến với Chúa Giêsu hằng ngày không, hay chúng ta chỉ đi thăm Ngài ngày Chúa Nhật mà thôi?

Khuyết danh

********************************

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, zz
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.

Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay :
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.

Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con.  Amen!

Rabbouni

TÔI LÀ TẤM BÁNH

Ăn thịt và uống máu người mình yêu là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới. Nhưng Ðức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại bằng Thịt và Máu Ngài. Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết trên thập giá, ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình.  Ðúng hơn, Ngài nuôi  ta bằng sự sống của Ngài: Sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện, và sự sống được lấy lại qua sự phục sinh vinh hiển.

Ðức Giêsu ban cho ta Tấm Bánh (Ga.6:51). Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (Ga.6:48). Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống. “Tôi là Tấm Bánh”, đó là định nghĩa của Ðức Giêsu về mình.  Ðịnh nghĩa này có làm ta ngạc nhiên không?  Bánh là cái gì ăn được và đem lại sự sống.  Bánh không sống cho chính mình, nhưng cho người khác.  Chấp nhận mình là bánh, có nghĩa là chấp nhận mất đi chính mình, mà chỉ khi mất đi chính mình như thế, bánh mới thật sự là bánh, mình mới thật sự là mình.

zzThật ra bánh vẫn hiện diện và nên một với người ăn.  Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt. Khi ta ăn Tấm Bánh, Ngài biến thành ta, và Ngài biến ta thành Ngài.  Một sự ở lại hai chiều, một sự hiệp thông sâu thẳm.

Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy ” (Ga.6: 56).  Rước lễ là đón lấy sự sống, là chấp nhận sống nhờ.  Ðức Giêsu sống nhờ Chúa Cha và ta sống nhờ Ðức Giêsu (Ga.6:57).  Như cành nho sống nhờ thân cây nho, ta cũng sống nhờ Đức Giêsu.

Như một lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu. Ngày nay, người ta rước lễ nhiều hơn trước. Phải chăng rước lễ là sự kết hợp nhiệm mầu và là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.  Nhưng tiếc thay, lắm khi cuộc gặp gỡ này khá vội vã, sự kết hợp này qúa mỏng manh, thiếu chuẩn bị và cũng thiếu đối thoại thân tình.

Tôi lên rước lễ chỉ vì mọi người trong hàng ghế đã lên rước lễ. Tôi lên rước lễ chỉ vì muốn tỏ vẻ đạo đức, thánh thiện.  Phút thinh lặng tạ ơn sau rước lễ cũng bị cắt ngắn. Tôi phải ra về ngay vì phải lấy xe, vì phải về cho kịp công việc, vì nhà thờ phải dọn dẹp và đóng cửa… Rốt cuộc chẳng có cuộc gặp gỡ nào xảy ra trong tôi, chẳng có cuộc đối thoại thân tình nào được thực hiện giữa tôi với Ngài, nên tôi vẫn cứ là tôi như trước. Chính vì thế rước lễ chẳng gây được âm vang nào nơi tôi, chẳng biến đổi cuộc đời tôi. Nó trở thành một thói quen, một nghi thức thuần tuý.

Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm, người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Giêsu.

***

 Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đến với con dưới dạng tấm bánh nhỏ bé bình thường. Tấm bánh chẳng biết nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi. Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người. Tấm bánh quá đỗi mong manh, có thể bị ẩm mốc hư hại,
và có thể tan vỡ rất mau sau khi được trao đi cho người ta nhận lãnh.

Lạy Chúa Giêsu!. Nhờ ăn tấm bánh của Chúa, xin cho con biết đơn sơ, khiêm hạ để mang Tấm Bánh đến với anh chị em của con. Xin cho con cũng được trở nên tấm bánh, biết bẻ ra và trao ban đến mọi người. Amen.

(Tổng hợp từ R. Veritas)

MẸ TỪ BIỆT CÕI THẾ

zzBa ngày trước khi Mẹ từ trần, các Tông Đồ và Môn Đệ đã tụ họp đông đủ tại Jêrusalem trong mái ấm nhà Tiệc Ly.  Thánh Phêrô đến trước nhất, đến Phaolô rồi đến các Tông Đồ khác.  Mẹ tiếp đón các Ngài bằng một tình thương hiền ái, Mẹ xin các vị ban phép lành trong xúc động.  Mẹ từ giã từng Môn Đệ, từng Tông Đồ và chung tất cả những người tham dự, rồi Mẹ đứng lên và nói với các Tông Đồ rằng:

Hỡi các con yêu dấu, các con là Thầy của Mẹ, Mẹ thiết tha yêu thương các con trong Con Chí Thánh của Mẹ.  Theo ý Người, Mẹ sắp sửa về trời, nhưng ở đó, Mẹ hứa sẽ ấp ủ các con trong Trái Tim Mẹ như một người Mẹ.  Xin các con hãy cố gắng làm vinh danh Chúa và truyền bá đức tin.  Các con hãy giữ lời Con Chí Thánh Mẹ, hãy tưởng niệm cuộc sống và cái chết của Người, hãy thực hành giáo lý của Người, hãy yêu mến Giáo Hội.  Các con hãy yêu thương nhau trong mối dây Đức Ai hòa thuận. Còn con, hỡi Phêrô, Mẹ xin trao phó cho con Gioan và tất cả mọi người.”

Lời đó như mũi tên lửa xuyên cắm vào tâm hồn mỗi người hiện diện.  Ai cũng tê tái đau khổ trào lệ xuống tay Mẹ yêu dấu của mình.  Một lúc sau Mẹ khuyên mọi người im lặng cầu nguyện với Mẹ.  Nhà Tiệc Ly ngập đầy hương thơm thiên quốc.  Một ánh sáng chói lọi từ nhà phát ra, ai ai cũng nhìn thấy.  Mẹ cúi mình trên chiếc sạp gỗ nhỏ, chắp tay lại, mắt nhìn cắm vào Chúa Giêsu, Trái Tim Mẹ cháy bừng lên trong tình yêu mến Chúa.  Các Thiên Thần hát lên những bản tình ca diễm lệ.  Mẹ thốt lên lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá “Con phó Linh Hồn con trong tay Cha.”

Mẹ nhắm mắt, tắt thở.  Mẹ đã tắt thở vì tình yêu Chúa mãnh liệt, không còn phép lạ nào ngăn cản nữa, nên đã phá vỡ những ràng buộc của thân xác, chứ không phải một suy nhược bệnh tật hay tai nạn nào. Mẹ sống nhờ phép lạ.  Phép lạ ngừng, Mẹ đi vào cõi chết !

Linh Hồn nguyên tuyền của Mẹ từ giã Thân Xác Trinh Vẹn của Mẹ, và ngay lúc đó, Mẹ được tôn lên ngai trong một vinh quang khôn tả.  Tại nhà Tiệc Ly, mọi người nghe được tiếng nhạc thiên quốc xa dần trong không gian.  Đoàn Thần Thánh tháp tùng đã đi theo Chúa Giêsu và Mẹ lên trời.

Thân xác Mẹ là Cung Thánh của Thiên Chúa ngự trị, mặc một vẻ lộng lẫy chói ngời, và tỏa hương thơm thánh thoát.  Các Tông Đồ buồn nhưng thanh thoát hân hoan trước những việc lạ lùng vô song ấy.  Tất cả đều như ngây ngất một lúc dài, rồi mới bắt đầu hát lên được bài thánh ca mừng Mẹ.

Mẹ qua đời vào ngày thứ Sáu, lúc 3 giờ chiều, ngày 13 tháng 8 năm 55 sau Chúa Giáng Sinh.  Năm ấy Mẹ được 70 tuổi kém 16 ngày.

Các Tông đồ lấy áo quan đem vào bên giường Mẹ, hai Ngài kính cẩn nương thi thể Mẹ đặt vào áo quan.  Ánh ngời chói giảm đi mãi cho tới lúc mọi người nhìn thấy gương mặt Mẹ và đôi tay.  Các Tông Đồ khiêng Xác Thánh Mẹ qua phố Jêrusalem đến mồ.  Có hàng ngàn hàng vạn các Thiên Thần từ trời xuống đưa xác Mẹ.  Thánh Phêrô và Gioan đặt xác Mẹ vào trong mồ, với niềm tin kính và dễ dàng như khi đặt vào áo quan.  Các Ngài lăn tảng đá lớn lấp cửa mồ theo phong tục.  Lễ an táng xong,

Các Thánh trở về trời, nhưng các Thiên Thần hầu cận vẫn còn ở lại tiếp tục tấu nhạc cho tới khi dân chúng giải tán hết.

MẸ VINH QUANG HỒN XÁC VỀ TRỜI

Linh hồn rất Thánh Mẹ đã hưởng phúc trên Thiên Đàng 3 ngày, Thiên Chúa tỏ cho các Thần Thánh biết quyết định hằng hữu của Ngài, là phục sinh cho Xác Thể đáng kính của Mẹ.  Tới lúc đó, Chúa Giêsu từ trời đem linh hồn Mẹ xuống mồ thánh của Mẹ, giữa muôn vàn Thiên Thần, Các Thánh, các Tổ Phụ và các Tiên Tri. Đến mồ thánh, Chúa phán :

Mẹ của Cha đã được dựng thai Vô Nhiễm, Cha đã mặc lấy nhân tính từ nơi bản thể Vô Nhiễm ấy.  Thể Xác Cha là Thể Xác của Mẹ.  Mẹ cũng đã đồng công vào mọi công trình cứu chuộc của Cha, nên Cha phải phục sinh cho Mẹ để Mẹ nên giống Cha mọi sự .”

Toàn thể Các Thánh đều ca tụng, tán dương trước lời công bố của Chúa Giêsu.  Tức thì linh hồn vinh hiển của Mẹ vào lại thân xác đồng trinh của Mẹ, trả lại sự sống và tất cả mỹ lệ cho thân xác ấy mà không hề chạm đến tảng đá che cửa mồ.  Hôm đó là ngày Chúa Nhật 15 tháng 8, liền sau nửa đêm Xác Thánh Mẹ ở trong mồ 30 giờ, như Xác Thánh của Chúa.

Một cuộc cung nghinh trang trọng đầy hoan lạc không thể tả được, giữa các Thần Thánh rước Mẹ về Thiên Đàng cả hồn lẫn thể xác.  Chúa Cha ra tiếp đón Mẹ với một cuộc tiếp đón thỏa lòng nhất. Chúa Cha phán “Con yêu dấu, Con hãy lên hưởng vinh quang hơn hết các thụ tạo”  Mẹ chìm ngập trong đại dương vô cùng của Thần Tính Thiên Chúa.  Chúa Cha lại phán : “Maria nữ tỳ của Chúng Ta, Con đã làm cho Chúng Ta thỏa lòng.  Con có toàn quyền trên Vương Quốc Chúng Ta, và được tôn phong làm Chủ Mẫu, làm Nữ Vương độc nhất của Thiên Quốc

Ba Ngôi Thiên Chúa đặt trên đầu Mẹ một Vương Miện Vinh Quang cực kỳ lộng lẫy, rạng chiếu luồng sáng tuyệt kỳ.  Cùng lúc ấy từ ngai Chúa phán ra : “Hỡi người Con chí ái, Vương Quốc của Ta là Vương Quốc của Con, Con là Chủ Mẫu, là Nữ Vương các loài thụ tạo.  Từ ngai cao cả này Con sẽ thống trị toàn thể thụ tạo, hỏa ngục, trần gian và thiên đàng.  Mọi loài đều phải phục tùng Con.  Chúng Ta trao ủy cho Con quyền bính Thần Linh của Chúng Ta, để Con nâng đỡ, bảo trợ và làm Mẹ hết mọi người công chính và là Mẹ Giáo Hội chiến đấu trần gian .”

Trong lúc ở Thiên Đàng xẩy ra sự kiện vinh quang đó, thì ở trần gian, nơi phần mộ của Mẹ. Thánh Phêrô và Gioan nhận thấy tiếng nhạc Thần Trời đã ngưng, nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn, các Ngài kết luận :

Mẹ đã phục sinh và lên trời cả hồn cả xác .”

Tảng đá che lấp cửa mồ được cất ra, mọi người chỉ còn thấy trong mồ chiếc áo còn nguyên trạng thái khi liệm.  Thánh Phêrô nâng chiếc áo lên rồi quỳ xuống, tỏ lòng tôn kính tin phục Mẹ đã phục sinh và lên Trời.

Trích Truyện Cuộc Đời Của Đức Mẹ do Tác giả Thánh nữ Maria Agrêđa tường thuật

 

TU TẠI GIA

“Thứ nhất thời tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu… dòng” (2)
(Mượn ý  Ca dao)

Có ba người cùng tôn giáo, một là nhà truyền giáo, một là tài xế lái xe đò và một nông dân có vợ và 10 con.  Ba người đều thâm niên 40 năm chức nghiệp, đã qua đời trùng hợp cùng giờ, cùng một ngày và cùng được lên trình diện Chúa để xin vào thiên đàng. Ba người cùng tới cửa một lúc nên Thánh Phê-rô mới nói: Các anh đều đến cùng một lúc, hãy tự nhường nhịn nhau, vậy anh nào muốn vào trước?

Nhà Truyền Giáo nói: “Hai anh dành cho tôi vào trước được không?”  Bác tài và anh nông dân kính nể vị lãnh đạo tinh thần, chẳc hẳn người có nhiều công lao, nên đồng thanh cất tiếng cùng một lúc: “chúng tôi xin nhường ngài vào trước.”

Nhà truyền giáo rất lấy làm hãnh diện thấy mình được nhường, cúi đầu chào thánh Phê-rô và chững chạc tiến vào cửa Thiên Cung quỳ trước Thiên Nhan tâu:

–  Tấu lạy Chúa, con là nhà truyền giáo làm việc thay thế các Tông Đồ, suốt 40 năm chuyên lo rao giảng Lời Chúa nhân từ cho giáo dân, xin cho con được vào Thiên Đàng trước.

Chúa ngắm Nhà Truyền Giáo một cách rất trừu mến, xuất khẩu thành thơ, Ngài phán:

Bốn mươi năm dạy dỗ Lời Cha
Con giảng giáo dân ngủ gật gà
Đâu hiểu Phúc Âm mà áp dụng
Ra ngoài tạm nghỉ, đợi chờ ta.

Nhà truyền giáo lủi thủi lui ra, bác tài xế nói với anh nông dân: “Chú nhường cho tớ vào trước nhé vì tớ thường chở chú đi đây đi đó.”  Anh nông dân gật đầu chấp nhận vào sau chót.

Bác tài nhanh nhảu cũng cúi đầu chào thánh Phê-rô, rồi tiến vào cửa Thiên Cung quỳ xuống, ngẩng mặt lên chiêm ngưỡng Chúa và tâu:

–  Tấu lạy Chúa: Con làm tài xế lái xe đò, suốt 40 năm con phục vụ đồng bào, chuyên chở vợ đi thăm chồng, con đi thăm cha, đem tình thương yêu đến với mọi người. Thỉnh xin Chúa cho con được vào Thiên Đàng sớm.

Chúa nhìn anh tài xế, Ngài mỉm cười:  “Ừ, kể ra con cũng có nhiều công to đáng được thưởng, tuy nhiên con tạm ra ngoài nghỉ, chờ Cha xem kỹ lại một số hồ sơ vừa trình lên thưa con, kiện tụng vì bị thương dập mũi, trầy trán. . . gì đó mà Cha chưa kịp xem hết;” cũng xuất khẩu thành thơ, Ngài phán:

Xe đò chuyên chở khách đi xa
Thăm viếng chồng, cha cũng tuyệt mà
Đáng thưởng Thiên Đàng nhờ lái giỏi!
Mỗi lần con thắng….. chúng kêu Ta!”

Bác tài xế cũng chưa được vào, phải lui ra và ngồi chờ.

Đến lượt anh nông dân, anh rụt rè sợ sệt vì nghĩ bụng hai người có công lớn như vậy mà chưa được vào.  Còn mình chỉ có cày sâu cuốc bẫm trồng trọt để nuôi vợ, nuôi con, đâu có công lao gì… làm sao vào nổi Thiên Đàng, nên rất hồi hộp lo âu!  Anh trịnh trọng cúi đầu chào thánh Phê-rô và nhỏ nhẹ thưa; “Bẩm ngài, con được phép vào chưa?” Thánh Phê-rô gật đầu và  nói:

– Con hãy vào trình diện Chúa đi.

Anh nông dân rụt rè tiến vào, còn cách cửa thiên cung cả trăm bộ anh đã qùy xuống và di chuyển bằng hai đầu gối, gần đến cửa anh cúi rạp đầu khúm núm tâu:

–  Bẩm lạy Cha nhân từ, con là một nông dân dốt nát, nghèo hèn, bốn mươi năm chỉ biết cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để nuôi vợ và 10 đứa con, bữa tối còn phải phụ bà xã rửa chén, cuối tuần còn phải lau nhà nữa.  Xin Cha rộng lòng thương cho con được nương náu dưới mái nhà yêu mến của Cha là sung sướng lắm rồi.  Con xin tình nguyện làm bất cứ việc gì con cũng xin vâng theo…!

Chúa nhìn anh nông dân trừu mến Ngài phán:

Con quả thực có công lớn, vì:
Làm chồng chiều vợ tuyệt vời thay
Nhịn nhục khôn ngoan đáng bậc thày!
Chỉ bốn mươi năm con chịu… nổi
Thiên Đàng, Cha thưởng bước vô ngay.

Qua câu chuyện dí dỏm trên, cho phép ta suy luận.  Bất cứ ở trong địa vị nào dù quan trọng hay không quan trọng, mỗi người chúng ta đều là một Tông Đồ của Thiên Chúa.  Sự khiêm tốn hoàn thành sứ vụ của mình, không phân biệt dù lớn hay nhỏ đều có là giá trị, chứ không phải giá trị ở chức vụ. “… sau khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy zznói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi. ( Lc 17,10)

Chúng ta có yêu thương nhau, chúng ta mới biết nhường nhịn nhau.  Vì có “khôn ngoan” mới biết nhịn nhục.  Vì sự nhịn nhục và tha thứ sẽ làm cho tình yêu được bền vững, gia đình hòa thuận, mà gia đình chính là nền tảng của xã hội; là một giáo xứ nhỏ trong những giáo xứ của Giáo Hội.  Quả thực xứng đáng là bậc thày vậy!

Cảm  Tác

Thiên Đàng, nhà của Chúa Trời
Là nơi quê thật tuyệt vời, Ngài ban
Cho ai trách nhiệm chu toàn
Yêu thương chân lý, khôn ngoan thực hành.
Bần cùng hay bậc trâm anh
Tề gia khéo léo, mới rành trị dân.
Trần gian Thiên Ý vâng tuân
Đời đời hạnh phúc hồng ân chan hòa.
Ngày về Thiên Quốc hoan ca
Thiên Thần mở cửa, Chúa Cha chúc lành.

Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường – trích trong Thiên Nga Thoát Nam