CÁI LƯỠI

Chuyện kể về chàng nô lệ Esôpô với ông chủ như sau:

“Khi giết heo, ông chủ dặn Esôpô, đưa cho ông cái gì quý nhất trong con heo, thì Esôpô đưa cái lưỡi.  Lần sau khi giết heo, ông zzchủ lại bảo đưa cái gì xấu nhất, Esôpô lại cũng đưa cái lưỡi.  Như thế, lưỡi là cái tốt nhất, đồng thời cũng là xấu nhất.”

“Lưỡi tuy bé nhỏ, nó đã nói lên nhiều điều vĩ đại, mà chính nó cũng làm hoen ố cả con người chúng ta.” (Giacôbê 3,1-10)

Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta mỗi người một cái miệng thật xinh xắn.  Trong cái miệng ấy, Chúa đặt để một cái lưỡi thật Lợi – Hại.  Đó là một món quà vô giá mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho ta.

Tại sao ta lại cho là cái lưỡi vừa lợi, vừa hại?  Nếu ta bình tâm suy nghĩ về những điều bất hòa xảy ra giữa người với người, một phần lớn là do cái lưỡi.  Nếu chúng ta làm chủ được lời nói, thì sẽ giảm bớt được bao bất hòa, cuộc sống sẽ trôi chảy êm đềm biết bao!  Có lẽ ít nhiều gì thì trong mỗi chúng ta, ai cũng có biết bao kinh nghiệm về cái lưỡi rồi nhỉ?  Chúng ta thử liệt kê một số ưu và khuyết của cái lưỡi:

Cái lưỡi giúp ta ca ngợi kỳ công, quyền năng và tình thương vĩ đại của Thiên Chúa đã và vẫn hằng ban cho ta.

Nhờ cái lưỡi ta có được những người bạn tâm giao chia sẻ vui buồn.

Nhờ cái lưỡi ta có thể làm cho ai đó cảm thấy thật sự hạnh phúc và muốn vươn lên mãi.

Nhờ cái lưỡi ta có thể thưởng thức nếm hưởng những cao lương mỹ vị.

Nhờ cái lưỡi ta có thể an ủi xoa dịu được nỗi đau của ai đó.

Nhờ cái lưỡi ta có thể là một con người đáng yêu và dễ thương.

Và còn biết bao lợi ích khác nữa… làm cho cuộc đời đầy ý vị.

Nhưng trái lại, cũng cái lưỡi ấy, nó có thể gây nên bao đau thương đổ vỡ.  Cái lưỡi có thể khiến cho người khác chết dần chết mòn, phải mất danh dự, phải tự ti mặc cảm, mất hết cả ý chí.  Chỉ vì một lời nói có thể giết chết một con người, có thể phá đổ một tương lai tươi sáng của người và của chính mình.  Rất nhiều trường hợp, con người không cần dùng dao, súng đạn để hại nhau, mà chỉ cần dùng cái lưỡi.

Cuộc đời mình cũng trải qua muôn vàn thăng trầm và mình cũng rút được vô số kinh nghiệm thông qua cái lưỡi.

Có những kinh nghiệm vô cùng thú vị.  Nhưng cũng chẳng thiếu những kinh nghiệm vô vàn cay đắng.

Bạn ơi! Thiên Chúa ban cho ta cái lưỡi.  Chắn chắn Ngài muốn nó thực sự làm được điều hữu ích.  Ta hãy dùng cái lưỡi cho đúng ý nghĩa kẻo ta sẽ phải trả lẽ vì cái lưỡi của mình.

Các bạn đã bao giờ tiếp xúc với những bạn nhỏ khiếm thính chưa nhỉ?  Để nói được một từ , một câu các bạn ấy đã phải vô cùng vất vả.  Qua họ mình cảm nhận được Tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho mình.  Ngài tặng ban nhưng không cho mình một cái lưỡi với khả năng nói năng bình thường. Đó là một ân huệ vô cùng quý giá.

Mình bỗng giật mình tự hỏi: Mình đã dùng cái lưỡi xứng đáng với Tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho mình chưa nhỉ?

Sưu tầm

ĐỤNG CHẠM

Giữa đám đông chen lấn và xô đẩy chung quanh Ðức Giêsu, có người đã đụng vào áo Ngài. Chiếc áo của Đức Giêsu đã chạm vào bàn tay người ấy.  Đây là một cái đụng chạm cố ý, đụng chạm lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng chạm của một người phụ nữ, mười hai năm mắc bệnh băng huyết, mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, mười hai năm bị xã hội coi như người ô uế tội lỗi: không được tiếp xúc với người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.

zzNgười phụ nữ đã đụng chạm vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin của mình, một lòng tin tuy đơn sơ nhưng rất mạnh mẽ. “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu” (Mc.5:28). Cái sờ của bàn tay đã giúp bà khỏi bệnh, cái đụng chạm của lòng tin đã cứu chữa bà.

Trong đời sống thiêng liêng, đã nhiều lần ta đụng chạm vào Đức Giêsu. Ðụng đến Lời Ngài, chạm đến Mình Máu Thánh của Ngài. Ðụng bằng tay, chạm bằng miệng, bằng rung động của con tim.

Có những lần ta đụng chạm đến Ngài một cách hời hợt vì thói quen, không để lại một âm vang nào, không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình bất xứng, dù biết mình nhơ nhớp tội lỗi. Chính vì nhận biết mình nhơ nhớp tội lỗi mà ta “cả dám” đụng vào Ngài. Ðụng vào Ðấng Thánh để được Ngài thanh tẩy cho trong sạch, để được Ngài cứu chữa bệnh tật linh hồn và nhất là để được Ngài cho ta được thông phần tham dự vào bản tính thiêng liêng của Ngài, cho ta được trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.

Ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày và ta cũng cần được Ngài chạm đến mỗi ngày. Như ông trưởng hội đường xưa kia đã van xin Ngài đặt tay trên con gái của mình. Ngài đã đến nhà ông và đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết. Hôm nay, ta cũng cần được Chúa cầm tay ta và bảo: “Talithakum – Hãy chỗi dậy.” (Mc.5:41). Chỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết. Chỗi dậy khỏi nhơ nhớp tội lỗi của tâm hồn. Chỗi dậy khỏi những đam mê yếu đuối của thân phận con người. Chỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật hai phép lạ xảy ra nhờ lòng tin. Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc.5:34). Ngài cũng nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc.5:36). Cần có lòng tin khi đụng chạm đến Đức Giêsu. Đụng chạm vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể giúp ta thêm sức mạnh để bước đi trên đường đời. Đụng chạm đến Lời của Ngài nơi những trang Tin Mừng giúp ta tìm gặp chân lý, bắt gặp an bình và hy vọng…Chỉ cần để Chúa đụng chạm đến ta một lần thôi, đời ta sẽ hoàn toàn biến đổi; sẽ tràn đầy ân phúc và bình an.

***

Lạy Chúa Giêsu! Xin cứu giúp con, vì con là kẻ có tội…

Như người đàn bà bị bệnh băng huyết xưa kia, xin cho con được đụng chạm đến áo của Ngài.  Xin cứu chữa con khỏi đam mê yếu hèn của kiếp người.

Như em bé con ông trưởng hội đường xưa kia, xin Ngài cầm lấy tay con, nâng đỡ con và kéo con đứng dậy…Đứng dậy để giã từ con người yếu đuối tội lỗi; đứng dậy để bước đi trong tình yêu và ân sủng Ngài ban. Amen .

Tổng hợp từ R. Veritas

NỮ ĐẠO CHÍCH

 (Mc 5:25-34)

Ngày xửa ngày xưa… vào thời mà phụ nữ bị đối xử rẻ mạt coi khinh.  Tại một đất nước Do Thái xa xôi, khi mà các ngành nghề trong xã hội từ thượng tầng đến hạ cám không hề có bóng dáng phụ nữ, kể cả nghề… đạo chích.  Thế mà lại có một nữ lưu xuất hiện trong nghề này một cách bất ngờ.  Bà đã ra tay chớp nhoáng, rồi giải nghệ nhanh chóng.  Chỉ hành nghề một lần duy nhất trong đời mà bà sống ung dung hạnh phúc suốt đời.

Vâng, bà quả là một tên trộm tài tình.  Tuy bị bắt gặp quả tang nhưng bà đã được tha thứ bởi bà đã lấy cái đáng để lấy và đã ăn cắp của một người đáng để ăn cắp.  Cái tài của bà là cho đến nay, ít ai nhận diện ra bà là một tay đạo chích.  Bà đã từng là một tiểu thư con nhà giàu có, tiền rừng bạc bể.  Nhưng ông trời kể ra cũng công bằng.  Cho bà nhiều tiền lắm của thì cũng ban thêm cho bà một căn bịnh nan y.  Cái “bịnh đàn bà” mà bà thường xấu hổ không muốn ai biết đến.  Bà bị băng huyết đã mười hai năm rồi (Mc 5:25).  Suốt cuộc đời thanh xuân, bà cứ phải đeo bên mình những chiếc khăn để thấm những giọt máu rỉ rả chảy ra ngày đêm.  Người bà lúc nào cũng thoang thoảng một mùi tanh tưởi khó chịu mà chẳng dầu thơm nào có thể át đi được.  Gia sản kếch sù của mẹ cha để lại đã tiêu dần theo tháng ngày để chữa căn bịnh đáng nguyền rủa kia.  Nhưng khốn thay, tiền mất tật mang, bịnh tình bà ngày càng thêm trầm trọng hơn (Mc 5:26).  Hạnh phúc gia đình bà cũng đội nón ra đi, vì có ông chồng nào lại muốn sống chung với người vợ bị bịnh băng huyết trầm kha như bà?

Bà đã có tất cả để rồi mất tất cả: tiền bạc, tình yêu, hạnh phúc gia đình, quyền làm vợ, làm mẹ.  Đời bà chìm sâu trong khổ đau nước mắt suốt những năm tháng dài.  Sống với nỗi bất hạnh đớn đau, bà chỉ cắn răng chôn chặt trong lòng mà chẳng dám tỏ cùng ai.  Tỏ ra mà chi, ai có thể cứu được bà khỏi nỗi oan khuất cuộc đời này?  Trong cay đắng tuyệt vọng, bà nghe loáng thoáng tin đồn về một vị ngôn sứ mới xuất hiện, thường hay rao giảng và làm phép lạ trên bờ Biển Hồ gần nhà bà.

Như chết đuối gặp được chiếc phao, bà thầm nghĩ sao bà không đi gặp vị ngôn sứ đó và xin ông chữa lành cho bà khỏi căn bịnh nan y, như ông đã từng chữa lành những người què cụt, đui mù, phong hủi khác?  Rồi bà lại lưỡng lự do dự.  Bao nhiêu tiền bạc còn không hết, huống chi là chữa bịnh miễn phí!  Bà lại tới lui đắn đo… nhưng nếu ông ta chữa cho bà được lành bịnh thì sao?  Ngược lại nếu không khỏi bịnh, thì bà có bị mất cái gì đâu?  Bà chẳng còn gì để mất nữa!  Được ăn cả, ngã về không!  Một canh bạc chỉ có lời chứ không có lỗ.  Bà phải đánh liều với canh bạc cuộc đời này vậy, đánh liều với số phận đen đủi đã bám theo bà bao nhiêu năm nay.

Thế là bà lân la tìm hiểu về đường đi nước bước của vị ngôn sứ mới nổi lên trong vùng.  Ông tên Giêsu, được người ta xưng tụng là Con Thiên Chúa.  Ông thường kêu gọi mọi người ăn năn hối cải vì Nước Thiên Chúa đã đến gần.  Quanh ông lúc nào cũng có những đám đông vây kín, hết vòng trong đến vòng ngoài.  Ngoài trừ các môn đệ, ít ai có cơ hội “chụp” được lúc ông đi riêng một mình.  Vậy thì làm sao bà, một phụ nữ xa lạ, lại có thể tiếp cận được với ông để xin chữa bịnh cho mình?  Bà lại chẳng quen ai trong đám môn đệ của ông để mà chạy chọt nhờ vả.  Nếu giỏi chen lấn đến được gần bên ông, liệu bà có đủ can đảm nói rõ căn bịnh của mình trước đám đông ồn ào hay không?  Không, bà không đủ can đảm.  Bà xấu hổ với căn bịnh kín này, mà chẳng biết là do tội của bà hay tội của cha ông để lại, thì làm sao bà dám tự thú trước đám đông như vậy.

Nếu không có cơ hội để xin thì phải đành… lấy cắp vậy.  Chà, một vụ trộm giữa thanh thiên bạch nhật đây, mà bà lại là người không có chuyên môn.  Tự nhiên bà hồi hộp lưỡng lự chùn bước, nếu bị bắt gặp quả tang thì sao nhỉ?  Chắc không sao đâu, đành liều mạng vậy thôi vì không còn cách nào khác.  Nạn nhân của bà là Ngôn sứ Giêsu nhìn cũng thật thà hiền lành.  Cái mà bà muốn lấy cắp là năng lực, là thần khí ở nơi ông.  Tự trong đáy lòng, bà xác tin mạnh mẽ rằng nếu được đến gần vị ngôn sứ đó, được rờ vào tua áo ông, ăn cắp nguồn sinh lực dồi dào nơi ông thì bà sẽ được chữa lành.  Phải, chỉ cần rờ vào tua áo ông thôi.  Bà nín thở nhắm mắt lại hình dung cảnh bà hết bịnh, khoẻ mạnh tung tăng tràn đầy sức sống… Và biết đâu ông sẽ không biết nguồn năng lực bị lấy cắp?   Bà nhẹ nhõm với ý nghĩ này và lên chương trình hành động cho mình.

Một chiều thu nắng đẹp, trời trong veo, bà có mặt trong đám đông náo nhiệt đang vây quanh vị ngôn sứ Giêsu để nghe giảng.  Bà chen lấn, cố lách mình qua đám thanh niên vạm vỡ, rồi đến nhóm đàn bà con gái lì lợm không chịu nhường bước cho ai.  Tấm thân bịnh hoạn mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại, bà thở hắt ra và muốn bỏ cuộc.  Không, bà không được bỏ cuộc, phải ráng lên, chỉ còn vài bước nữa thôi.  Bà cố gắng vét chút hơi tàn để lách tấm thân gầy gò qua hai chú nhóc con đang mải nói chuyện với nhau.  Tới gần rồi, nhưng không thể ráng thêm được nữa.  Sao mà đông thế này!  Bà cảm thấy ngộp thở, muốn qụy xuống mặc cho làn sóng người đẩy đưa.  Bà giơ cánh tay về phía trước quờ quạng khua khua trong không khí, coi may ra có chộp được cái gì hay không.  Hụt rồi!  Bà thất vọng bỏ tay xuống thở hổn hển cố ráng thêm một lần nữa.

Chợt một cơn gió nam ùa tới thổi tung vạt áo vị ngôn sứ bay về phía bà.  Bà mừng rỡ rướn người đưa tay về phía trước.  Bàn tay bà chộp được tua áo, bà nắm chặt lấy nó như giữ của qúy trong tay.  Bà nhắm mắt lại, một luồng sinh lực mạnh mẽ từ tua áo vị ngôn sứ chảy ào ào qua người bà.  Luồng điện truyền khắp châu thân, chảy dọc từ chân lên đến đỉnh đầu.  Luồng điện chạy đến đâu, người bà nóng hừng hực đến đó như có thể nổ tung ra.  Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh (Mc 5:29).  Buông vạt áo ra, bà cảm thấy khoẻ khoắn tràn đầy nhựa sống, như được tái sinh con người mới.  Đứng thẳng người bà mở mắt hít một hơi dài làn không khí trong lành vào hai buồng phổi.  “Khỏi thật rồi!  Lạy Thiên Chúa của con!”  Bà lẩm bẩm và lặng người đi trước niềm vui bất ngờ quá lớn lao này.  Tâm hồn lâng lâng trong niềm hoan lạc, đầu óc bà bắt đầu nghĩ đến việc nhẹ nhàng rút êm, càng sớm càng tốt.  Bước chân chưa kịp lẩn trốn, bỗng bà giật thót mình khi nghe tiếng hỏi vang vang bên tai:

– Ai đã sờ vào áo tôi? (Mc 5:30).

Bà kinh hãi chết đứng tại chỗ: “Trễ rồi sao?  Vị ngôn sứ đã biết rồi ư?  Làm sao bây giờ?”  Bà lặng người nín thở không dám lên tiếng, mặt cúi gằm xuống đất để tránh né cái nhìn tìm kiếm của ông Giêsu.  Đám đông ngơ ngác nhìn quanh.  Ngạc nhiên nhất là các môn đệ, mắt họ dáo dác nhìn nhau lắc đầu, chẳng ai hiểu Thầy mình muốn hỏi gì.

Tất cả chìm trong lặng im, chẳng thấy ai lên tiếng trả lời cho câu hỏi kỳ lạ.  Cuộc rao giảng nhường chỗ cho một vụ án mới mà nạn nhân giờ đây đang truy tìm thủ phạm.  Lại tiếp tục thinh lặng!  Luật sư Phêrô đứng ra trả lời thay cho đám đông.  Nhưng thay vì lên tiếng binh vực cho nạn nhân Giêsu, ông nói lên một sự thật rất logic trước câu hỏi như ngớ ngẩn của thân chủ mình:

– Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5:31).  

zzNạn nhân Giêsu không thèm đếm xỉa đến câu nói “phản án” mang đầy tính binh vực cho bị cáo của luật sư Phêrô.  Ngài tiếp tục nhìn chằm chằm vào đám đông đang xô đẩy xung quanh như quyết truy xét bị cáo cho đến cùng.  Ánh mắt sáng quắc quét qua từng người làm cho ai nấy đều khiếp vía lui lại vài bước.  Ai ai cũng lắc đầu không hiểu vị ngôn sứ đang tìm kiếm gì nơi đám đông?  Trong vụ trộm bí ẩn này, chỉ có người bị mất cắp mới biết mình vừa mất món gì.  Và chỉ có tay đạo chích vừa hành nghề xong mới biết mình vừa “chôm chỉa” được món hàng béo bở gì.  Câu hỏi có vẻ như ngây ngô của nạn nhân Giêsu chỉ có người trong cuộc mới hiểu được.  Nó không hoàn toàn vô nghĩa như người ta tưởng.

Bà sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình (Mc 5:33).  Thoáng hạnh phúc vì được khỏi bịnh đã tan mau, giờ đây bà lại đương đầu với một vụ án mới mà bà không biết bản án cho tội ăn cắp sẽ là gì?  10 năm, 20 năm, hay 30 năm tù, hoặc là án tử hình?  Bà lo sợ tự hỏi mình như vậy.  Rồi vị ngôn sứ có đòi lại năng lực mà bà vừa mới “chôm” được từ con người của ông hay không?  Rồi bà sẽ bị trả về với căn bịnh cũ, và thiên hạ sẽ cười chê bà về tội ăn cắp?  Tim bà quặn thắt lại, bà phải làm sao đây?  Bà nghe nhiều về những việc chữa lành của vị ngôn sứ nhưng bà hoàn toàn không biết gì về con người của ông ta cả.  Giêsu là con người như thế nào nhỉ?  Nhân hậu cảm thông với những người ốm đau bịnh tật, hay thẳng tay theo đúng luật lệ như mấy ông Pharisêu?  Tội của bà có thể tha thứ được không?  Ông ta có kết án bà không?  Bao nhiêu câu hỏi quay cuồng trong đầu khiến bà run sợ, cúi gằm mặt xuống đất không dám nhìn vào ánh mắt Giêsu.

Câu hỏi một lần nữa lại được vang lên một cách nghiêm khắc:  “Ai đã sờ vào áo tôi?”

Không thể chần chờ và giữ kín được nữa rồi, bà run rẩy bước ra khỏi đám đông và phủ phục trước mặt Giêsu.  Sau vài câu đầu lắp bắp vì sợ hãi, thần khí sự thật nay đã ở trong bà, ban thêm cho bà ơn can đảm, giúp bà mạnh dạn kể lại toàn bộ sự việc trước mặt đám đông và ngôn sứ Giêsu.  Bà thú thật về căn bịnh băng huyết 12 năm của mình, về ước ao được chữa lành, về niềm tin nếu đụng vào áo của Giêsu thì sẽ được chữa lành và sự thật bà đã được khỏi bịnh tức khắc ngay khi vừa đụng vào áo của ông như thế nào.

Kể xong, bà lặng im thổn thức cúi đầu chờ đợi, hai hàng nước mắt lặng lẽ tuôn rơi.  Bà như một bị cáo hồi hộp đứng chờ quan tòa tuyên án.  Nạn nhân Giêsu nhẹ nhàng đặt tay lên vai bà như truyền thêm cho bà sức mạnh tình yêu, thứ mà bà chưa biết nơi con người Giêsu.  Với giọng trầm ấm nhân từ, Ngài nhỏ nhẹ nói:

– Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bịnh (Mc 5:34).

Bà ngạc nhiên mừng rỡ như không tin vào tai mình.  Như vậy là ngôn sứ Giêsu không đòi lại Thần khí mà bà vừa mới lấy cắp được ư?  Ông không kết án bà sao?  Không những đã tha tội cho bà mà ngài còn khen thưởng về lòng tin và chúc bà về bình an nữa.  Niềm vui, hạnh phúc, trộn lẫn với những khổ đau trong 12 năm bịnh hoạn đã một thời bị đè nén, giờ ùa ra vỡ tràn bờ đê!  Bà gục xuống ôm chân vị ngôn sứ khóc nức nở.  Những giọt nước mắt của một thời khổ đau thay bà nói lên lời tạ ơn với vị ân nhân tốt bụng.  Giêsu đứng đó, lặng im tôn trọng giây phút thánh thiêng của phận người gặp gỡ nguồn ân phúc cao cả.

Trước đây bà chỉ nghe nói về một ông Giêsu chuyên làm phép lạ, chữa lành những người đau yếu, rao giảng về một Nước Trời xa lạ nào đó.  Giờ đây chính bản thân bà mới có cảm nghiệm của riêng mình về lòng tha thứ nhân từ của Giêsu, về tình yêu Ngài dành cho những kẻ khốn khổ, về ý nghĩa của hai chữ “Nước Trời”.  Cuộc đời bà giờ đã sang trang, một đức tin vững vàng nơi Thiên Chúa nhân từ ở trong một thân xác khoẻ mạnh hồng hào.  Bà có cảm tưởng như bà lại có tất cả.  Vâng!  Sức khoẻ, niềm tin, tình yêu và một năng lực mới ở trong con người bà là những món quà thiêng liêng mà vị ngôn sứ Giêsu đã trao tặng lại cho bà, không còn phải là của ăn cắp nữa!  Những giọt lệ nóng vẫn lăn dài trên má, nhưng giờ đây đó là những giọt nước mắt sung sướng hạnh phúc!  Tiền bạc đã hết, danh vọng cũng chẳng còn, bà chẳng còn gì để trả ơn cho vị ân nhân cứu mình, bà chỉ có tình yêu xin được đặt dưới chân Người!

Nắng ngả chênh chếch về hướng tây, đám đông rút lui dần để lại các môn đệ và hai nhân vật chính trong vụ án khó hiểu.  Vị trạng sư Phêrô nhíu mày lắc đầu hết nhìn thầy mình, đến người đàn bà, rồi nhìn các bạn đồng môn như vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra.  Tại sao lại có phép lạ kỳ quặc như thế này nhỉ?  Thầy mình ra tay lúc nào mà có phép lạ?  Ông vẫn sờ vào tua áo của thày mình hàng ngày đấy thôi, có chuyện gì xảy ra đâu?  Còn bao nhiêu người khác nữa cũng đụng vào áo thày mình ầm ầm mà có thấy phép lạ hay điềm thiêng gì đâu?  Ông không biết rằng những thắc mắc đó chẳng phải là của riêng ông mà còn là những thắc mắc của bao thế hệ sau này.  “Phép lạ là gì?  Lòng tin là gì mà có thể cứu chữa được con người?”  Chẳng ai có thể hiểu được nó chỉ trừ phi họ sống đức tin của mình trước, như người đàn bà bị bịnh băng huyết.  Cho nên dù là một tay đạo chích, bà quả đáng mặt nữ lưu anh hùng của niềm tin để con cháu đời sau noi theo.

Lang Thang Chiều Tím

 

 

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Con người luôn khao khát tìm kiếm chân lý và sự thật, nhưng không phải ai cũng đạt được những khát vọng của mình.  Vì vậy, con người luôn lo âu và khắc khoải về cuộc đời của mình.  Khi sống trong thời đại khoa học kỹ thuật tiến bộ, thì con người luôn đề cao về trí thức, hiểu biết và khoa học, còn giá trị thiêng liêng và đời sống đức tin thì đang bị bóp méo và chết dần bởi lý luận thực dụng của con người.

zzTrong ngày lễ mừng sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả hôm nay, chúng ta cùng nhau nhìn lại và khám khá về con người sứ giả của Tin mừng.  Ngài đã sống và làm chứng cho sự thật.  Như lời thánh sử Gioan viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, người đó tên là Gioan Tẩy giả, ông đến để làm chứng cho Ánh Sáng”( Ga1, 6).  Thật vậy, ngày nay nhân loại đang cần những chứng nhân sống động hơn là thầy dạy.  Tôi lại chợt nhớ đến một chứng từ có tựa đề là “Con Nay Trở Về” của Phan Như Ngọc, nguyên trưởng phòng vật lý hạt nhân viện khoa học Việt Nam.  Vì là một nhà khoa học, và cũng là một người vô thần, ông ta cho rằng, ai tin vào Thiên Chúa là người mê tín, dị đoan.  Trong suốt mười ba năm dạy học, ông ta nhồi nhét cho các sinh viên những tư tưởng duy vật và chống lại đường lối của Thiên Chúa.

Đến năm 1989, trong một chuyến đi công tác tại Đức, ông ta gặp được một nhà truyền giáo HàLan, tên là Henk Wolthaus đến phát Thánh Kinh và những quyển sách nhỏ cho mọi người.  Vì có tính tò mò, ông muốn biết cuốn sách này nói gì.  Khi mở những trang đầu cuốn Thánh Kinh, ông cảm thấy khó chịu, không thể hiểu được tại sao vũ trụ này lại được tạo dựng trong sáu ngày?  Thật là vô lý.  Khi đọc tới cuốn Tân ước, ông cũng không thể tin việc Chúa Giêsu chữa lành cho người mù được sáng mắt, người cùi được sạch, kẻ què đi được, người chết sống lại…  Tất cả như những câu truyện thần thoại dành cho trẻ con.

Những phép lạ trong Kinh Thánh làm cho cái đầu quen lý luận theo kiểu vô thần của ông ta không sao hiểu nổi.  Từ cái khó hiểu và vô lý đó đã nẩy ra trong đầu ông ta một câu hỏi, đó là: Sức mạnh nào khiến cho hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hầu hết các nhà khoa học vĩ đại tin vào Kinh Thánh? Họ là những người cuồng tín, hay là chính mình là người ngu dốt?  Và từ những cuốn sách mỏng của người truyền đạo Hà Lan, ông ta đã đọc được những câu bất hủ sau đây:

Isaac Newton (Anh, 1642-1727) đã kết luận:”Trong Kinh Thánh có nhiều biểu hiện chắc chắn về tính có thực hơn bất cứ một câu chuyện nào chống lại sách đó.

Victor Hugo (Pháp 1802-1885) viết: “Nước Anh có hai cuốn sách:  Kinh Thánh và Shakespear.  Nước Anh sinh ra Shakespear, còn Kinh Thánh làm nên nước Anh”.

Albert Einstein (Đức, 1879-1955), nhà vật lý được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đã phát biểu : “Khoa học không có tôn giáo là mù lòa,Tôn giáo mà thiếu khoa học là què quặt”.

Theo như lời tự thuật của Phan Như Ngọc, lúc bấy giờ ông chưa được hiểu biết nhiều về Thiên Chúa, nhưng Chúa đã mở cõi lòng chai cứng và làm thay đổi não trạng và thành kiến của ông.  Ông ta xác tín rằng, Chúa dùng Thánh Kinh và những lời của các nhà khoa học để mở con mắt đức tin cho tôi. Mười ba năm dạy học là mười ba năm tôi bước đi trên con đường lầm lạc và xa cách Thiên Chúa, tôi cảm thấy xót xa ân hận vô cùng.  Nếu linh hồn của lớp đàn em tôi bị hư mất là chính tôi phải gánh chịu một phần trách nhiệm, vì tôi đã gây nên tội.

Thật là một điều kỳ diệu.  Là một nhà khoa học, một người vô thần, ông ta lại dám nói những lời xác tín như thế để làm chứng cho Tin mừng trong thế kỷ 21 này, ông ta đã nói lên sự thật về tình yêu Thiên Chúa.  Như lời thánh GioanTẩy giả đã công bố: “Tôi không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng sẽ có một Người đến sau tôi, và tôi không xứng đáng cởi giây giầy Ngài”( Lc 3, 16).  Sứ vụ rao giảng của Gioan là dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, ngài kêu goi người ta ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng.  Ngài bảo vệ cho chân lý và sự thật.  Khi đã tố cáo vua Hêrôđê phạm tội loạn luân với bà Hêrôđia, vì ông này đã chiếm vợ của anh mình, thì sứ vụ rao giảng của Gioan Tẩy giả được chấm dứt khi ngài bị tống vào ngục và bị chặt đầu, cái chết của ngài là làm chứng cho sự thật.

Thế thì, chúng ta rút ra bài học gì từ thánh Gioan hôm nay để có thể dám sống và làm chứng cho sự thật, cho chân lý trong khi đó người đời thường bảo nhau: “Thật thà thường thua thiệt, lắc léo lại lên lương”.  Sự thật đang bị bóp méo bởi cái tâm giả.

Nơi Gioan tẩy giả, ngài chỉ cho chúng ta sống thực với chính mình là bằng đời sống cầu nguyện, ăn chay hãm mình, bằng cuộc sống đơn sơ và khiêm nhường.

Nơi Gioan Tẩy giả, ngài dạy chúng ta phải biết chấp nhận chính mình, không phô trương, tự đắc khi thành công, biết tôn trọng giá trị tốt đẹp của người khác.  Chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự thật, là Ánh Sáng” dẫn lối cho chúng ta đi và làm chứng cho sự thật về tình yêu của Chúa Giêsu trong thế giới này.

Như lời Phan Như Ngọc đã trải nghiệm: “Khi tin vào Chúa, chúng ta sẽ nếm trải được tình yêu ngọt ngào ấy, như hàng tỷ người trên thế giới này,và chính tôi đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy mình như là những con người lạc đường quay trở về nhà Cha của mình”.

Lm. John Nguyễn, New York

THẦY KHÔNG LO SAO

zzCác môn đệ gặp trận cuồng phong khi vượt biển. Họ kinh hoàng vì thấy mình sắp bị nuốt chửng. Bất lực trước cơn cuồng nộ của sóng gió, họ đã đánh thức Đức Giêsu, xin Ngài giúp đỡ.

Cuộc đời nào tránh được mọi cơn giông tố? Ai trong chúng ta cũng thích biển lặng sóng yên, nhưng giông tố lại giúp ta nhận ra mình: yếu đuối, chao đảo, mong manh, bất lực, không đủ khả năng đương đầu với bao thách đố.

Giông tố đưa ta đến với Đức Giêsu, và phó thác cho sự trợ giúp của Ngài. “Chúng con chết mất!” Cái chết thể lý và cái chết tinh thần.  Cái chết của bản thân và của tập thể mình gắn bó. Cái chết của những công trình mình xây dựng.  Chúa là sự sống, sao Chúa lặng yên để chúng con chịu chết? Sao Chúa để sự dữ tung hoành trên thế giới? “Mà Thầy không lo sao?”. Một lời trách móc?  Nhiều khi chúng ta cũng trách Chúa như vậy. Có vẻ Chúa quá vô tư, lãnh đạm, hững hờ. Chúa yên ngủ khi đời ta gặp cơn giông tố.

Đức Giêsu đã thức dậy, ra lệnh cho gió và biển: “Câm đi! Im đi!” (Mc.4:39). Gió ngừng ngay và biển lặng xuống.  Sự lặng đi của biển đưa đến sự trầm lặng của lòng. Nỗi kinh hoàng tan biến, nỗi sợ chết cũng bay xa.

Nhưng chúng ta không đòi phép lạ biển lặng trong đời. Điều quý hơn, đó là lòng ta được lặng.  Lòng lặng không phải vì biển lặng, mà lặng ngay giữa lúc biển động. Đó là một phép lạ lớn hơn nhiều, và đó cũng là thái độ Chúa muốn ta phải có.

Tại sao các anh lại kinh sợ? Sóng gió làm gì được các anh khi Thầy đang cùng các anh ở chung một con thuyền? Đức Giêsu đòi các môn đệ không được khiếp sợ.

Thầy đã làm bao phép lạ trước mắt các anh, vậy mà các anh vẫn chưa có lòng tin ư? Nếu có lòng tin thì đâu có cuống cuồng như vậy.  Đức tin chỉ lộ ra khi biển động. Và có thể nói, biển động giúp hình thành đức tin.  Đức tin lớn lên ít nhiều sau mỗi lần biển động.

Thuyền đời Kitô hữu chẳng bao giờ êm ả. Nó chỉ êm ả khi về tới bến. Nhưng lòng ta lại phải giữ cho bình yên, ngay cả khi Ngài không thức dậy, dù ta đã gọi Ngài nhiều lần giữa tiếng sóng gào thét. Ta tin rằng Ngài sẽ cứu ta theo cách của Ngài.

***

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe lời Người.

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con. Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa.

(Trích trong ‘Manna’)

TỘI

Đêm nay ngồi một mình, đối diện với lương tâm, tôi giật mình vì thấy mình đã lâu rồi không đi xưng tội.  Thời gian qua, mỗi lần tôi có ý định đến với Bí tích Giải tội, là mỗi lần tôi cứ ngần ngại, cứ lưỡng lự và thoái thác, cứ khất lần với nhiều lý do khác nhau, để rồi thời gian qua đi, đi mãi cho đến hôm nay, nhìn lại thấy mình đã không đi xưng tội trong một thời gian dài.

zzChúa ơi! Con biết mỗi lần con không đến được với Bí tích Giải tội, là mỗi lần “thần dữ” vui mừng nhẩy múa nhe răng cười khoái chí.  Con cũng biết mỗi khi “thần dữ” cười thì Chúa khóc.  Và con cũng biết con không thể đến với Bí tích Giải tội bằng sức lực của riêng con.  Con không thể đến lãnh nhận ơn tha thứ mà không có sự thôi thúc dẫn dắt của Chúa.  Chúa biết con yếu đuối và dễ phạm tội biết bao!   Khi phạm tội, con bị đui mù, không nhìn thấy Ơn Chúa luôn bao bọc che chở cho con.  Khi phạm tội, lòng con khô cứng và khép kín,Ơn Chúa không thể đi vào để thúc dục dẫn dắt con bước đi.  Tình thương và ân sủng Chúa luôn tuôn đổ trên con, luôn có đó cho con hưởng nhờ, nhưng khi phạm tội, tay con bị què cụt, con không thể đưa tay ra mà lãnh nhận.  Tội trói buộc và giam hãm con, không cho con đứng dậy để đến gần bên Chúa, nó ngăn cản không cho con đến để lãnh nhận tình thương và ân sủng Chúa hằng trao ban.

Chúa ơi! Xin cứu chữa con khỏi mọi tội lỗi.  Xin giải thoát con khỏi mọi giam hãm trói buộc của “thần dữ”.

Tội làm ta xa Chúa.  Tội ngăn cản ta đến gần bên Chúa.  Tội phá hủy công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.  Chắc chắn Chúa chán ghét tội lỗi, nhưng Ngài luôn yêu thương tha thứ cho tội nhân.  Chắc chắn Chúa luôn kết án tội lỗi, nhưng Ngài không bao giờ kết án tội nhân.  Tội là đầu mối của mọi sự dữ.  Tội là hậu quả của hận thù ghen ghét.  Nhưng may mắn thay:  Ở đâu có tội lỗi thì ở đó có tình yêu thương tha thứ và ân sủng Chúa hằng luôn tuôn đổ.  Ở đâu có thần dữ níu kéo mời gọi, thì ở đó có Ơn Chúa trao ban dư đầy. “Ơn của Thầy đã đủ cho con “ (2Cr.12:9)

Ơn Chúa là tình thương, là sức mạnh và là quà tặng như không Chúa hằng trao ban cho con mỗi ngày trong cuộc sống.  Ơn Ngài ban là hơi thở.  Tình yêu Ngài hiến tặng là sức sống.  Ân sủng Ngài tuôn đổ thì bao la vô tận, làm sao con kín múc cho hết!

Chúa ơi! Phải chăng công việc của Chúa là yêu thương và tha thứ? Và phải chăng, khi mang thân phận yếu hèn của kiếp người, công việc của con là phạm tội để được Chúa thứ tha?  Tội của con càng nhiều, thì sự tha thứ của Chúa càng lớn.  Tội của con càng lớn, thì tình yêu và ân sủng của Chúa tuôn đổ trên con càng bao la vô tận.

Ước mong mỗi lần con đến với Bí tích Giải tội, xin cho con luôn cảm nếm được tình thương yêu tha thứ của Chúa, để rồi con cũng biết thứ tha cho anh chị em của con, như Chúa đã tha thứ cho con.

Tội là rác rưởi, là thối tha, là xú uế…  Đi xưng tội, không chỉ  đơn thuần như là người đi đổ rác, đi vứt bỏ rác rưởi thối tha, đi làm sạch mùi hôi thối xú uế, nhưng còn ngàn lần hơn thế nữa.  Đi xưng tội còn là lãnh nhận ơn Chúa, vì lãnh nhận bí tích là lãnh nhận ơn Chúa, và quan trọng hơn cả là: Một khi có ơn Chúa, ta có sức mạnh để quyết liệt chống trả với “thần dữ”; quyết liệt nói “không” với tất cả níu kéo mời gọi của tội lỗi; quyết liệt đứng vững mà không vấp ngã phạm tội nữa. “Về đi…về đi, và đừng phạm tội nữa” (Ga.8:11).  Đó là lời Chúa nói với người đàn bà phạm tội ngoại tình năm xưa, và đó cũng là lời nhắn nhủ mời gọi mà Chúa trao cho ta, mỗi khi ta đến với Bí tích Giải tội.  Đó cũng chính là qùa tặng, là sức mạnh của tình thương và ân sủng Chúa trao ban cho ta để làm hành trang lên đường.

Chúa ơi! Mỗi khi con phạm tội, con biết Chúa buồn.  Mỗi khi con xa Chúa, con biết Chúa không vui.  Khi con đi hoang, trông ngóng một tình yêu mới, con biết Chúa đau.  Khi con yêu người hơn yêu Chúa; yêu đời quên tình Chúa…  Con thấy Chúa im lặng, Ngài nhìn con không nói.  Lúc đó con biết Chúa đang khóc.

Nguyện xin cho dòng nước mắt ấy tuôn đổ trên cuộc đời con, thanh tẩy con, và giúp con trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn.

Đêm nay ngồi bên Chúa, con cất tiếng hỏi:

– Con biết Chúa thương con, nhưng Chúa thương nhiều hay thương ít?

Con nghe tiếng Chúa âu yếm trả lời: “ – Thương nhiều”

– Chúa thương con nhiều, nhưng nhiều bao nhiêu hả Chúa?

Chúa im lặng…   Nhìn lên thập giá, con thấy Chúa giang rộng đôi tay như thầm nói với con: “ Nhiều bây nhiêu”, rồi gục đầu tắt thở.

Linh Xuân Thôn

ÔNG BỐ PHI THƯỜNG

 

Một bác nông dân tên Ðô-min-gô sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp.  Một buổi sáng nhằm ngày sinh nhật đứa con trai 10 tuổi của ông, khi ra đồng làm việc, con ông chạy theo mà dặn:

Bố ơi, bố nhớ mang về hai con chim làm quà sinh nhật cho con nhé!

Người cha vốn vui tính và thương con nở một nụ cười tươi gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.

Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Ðô-min-gô mới đi sang cánh rừng gần đấy lượm một mớ củi.

Ðang lúc bó củi, bác chợt nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật cho con.  Bác bỏ vội bó củi lại, tiến sâu vào rừng trèo nhanh lên ghềnh đá trên một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ.

Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận thò tay vào.  Nhưng vừa đụng tới chim, bác vội rụt tay lại vì thấy đau nhói như kim đâm.  Nhìn kỹ thì đó là vết thương có hai lỗ máu rỉ ra.  Bác chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, giương đôi mắt ghê rợn chực tiếp tục tấn công.  Ðó là loài rắn nổi tiếng vì nọc độc vô phương cứu chữa của nó.

Bác nông dân vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng nhằm đầu rắn chặt nhanh một nhát.  May cho bác, nhát dao giết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn cũng vụt sưng lên.  Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và chặt luôn hai nhát cắt lìa bàn tay.

Buộc xong vết thương bằng chiếc áo của mình và lấy răng phụ với tay còn lại xiết thật chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim nhỏ về làm quà sinh nhật cho con.

**********************************************

zzNgười cha đích thực nào mà không thương con, không cho con những điều tốt đẹp.  Như chính Chúa Giêsu đã nhận xét: “Ai trong anh em có đứa con xin bánh mà lại cho nó hòn đá hay nó xin cá mà lại cho nó con rắn, hoặc nó xin trứng mà lại cho nó con bọ cạp ư?”

Rồi Chúa Giêsu kết luận: “Huống nữa là Cha các con, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin Người”.

Ban Thánh Thần cho ta có nghĩa là Thiên Chúa ban cho ta chính Tình Yêu sung mãn của Ngài.  Ban trọn Tình Yêu cũng có nghĩa là Thiên Chúa tự hiến chính bản thân Ngài cho ta.

Tình yêu đã nhập thể.  Thiên Chúa đã trở nên con người.  Ngài đến với con người, ở giữa con người để yêu thương con người trọn vẹn, để hiến ban trọn thân mình cho con người.

Nhìn lên thập giá Ðức Kitô, chúng ta sẽ hiểu được điều đó.

Câu chuyện có thật về bác nông phu trên đây, có lẽ khó tin đối với nhiều người.  Nhưng câu chuyện tình giữa Thiên Chúa với nhân loại ai còn có thể nghi ngờ?

Bạn hoài nghi ư?  Xin hãy nhìn lên Thánh Giá!

R. Veritas

*************************************

Lời cầu nguyện cho Thân Phụ

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, xin chúc lành cho những người cha trên thế giới, xin hướng dẫn những người cha biết yêu thương và làm gương lành cho con cái, xin biến đổi họ trở nên những người cha như chính Chúa là Cha, xin ban cho họ tràn đầy hồng ân và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh với lòng yêu thương đích thực.  Amen!

HẠT GIỐNG – HẠT CẢI

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn “Hạt giống tự mọc” (Mc.4:26-29) và “Hạt cải nhỏ bé” (Mc.4:31-32) để nói lên sức mạnh và quyền năng nhiệm mầu của nước Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa như  hạt giống được gieo xuống đất, nó bắt đầu nảy mầm lớn lên, theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi. Trước hết hạt giống mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng và sau cùng trở thành bông lúa trĩu hạt. Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.  Nó lớn lên cả ngày lẫn đêm, chẳng cần con người can thiệp. Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng, hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.

Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu, vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây, và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác. Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.

Nước Thiên Chúa được thiết lập giống hệt như một tiến trình gieo gặt: từ hạt giống nhỏ bé, hạt nẩy sinh thành cây, rồi sinh hoa kết trái. Hạt giống đã trải qua một quá trình phát triển âm thầm trước khi tới mùa gặt.

Nước Thiên Chúa khởi đầu bằng Đức Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới. Sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã lan rộng khắp thế giới, đến với mọi dân tộc

Như những hạt giống gieo vào lòng đất, âm thầm, chết đi để sinh nhiều bông hạt. như những hạt cải bé nhỏ phải tự phân hủy mình đi thì mới mọc lên và trở thành cây to, là chỗ tựa nương cho bao sinh vật khác. Cuộc sống của người Kitô cũng phải chết đi chính mình cho tha nhân, cho Nước Trời một cách vô vì lợi.

Ngày nay, Thiên Chúa cũng gieo hạt giống Nước Trời nơi tấm lòng con người, cùng với ơn Chúa, hạt giống đó âm thầm phát triển và lan rộng khắp nơi khắp chốn, tạo nên mùa gặt thiêng liêng bội thu .

Trong Thánh lễ ta được đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể.  Chúa Giêsu chính là hạt giống Nước Trời được gieo vào lòng ta. Hạt giống ấy hôm nay nhỏ bé nhưng sẽ âm thầm lớn lên trong ta. Có Chúa sống trong ta, cuộc đời ta sẽ trổ sinh hoa trái, xanh tươi, hoa lá cành, đem lại bóng mát, niềm tin và hạnh phúc cho mọi người.

***

zzLạy Chúa! Cho dù con chẳng là gì, chỉ là những hạt giống bé nhỏ tầm thường. Nhưng cậy dựa vào sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, xin cho hạt giống trong con trở nên cây cối to lớn, sinh nhiều bông to, trái tốt cho Nước Trời. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

THÁNH THỂ VÀ LÒNG MẾN:  CUNG KÍNH

Tôi cần nhìn lại lối sống tín nguỡng của mình nhiều lắm.  Có những cách sống đã quá quen thuộc, tôi tưởng chừng như mình đang sống đức tin, nhưng có lẽ tôi chỉ quằn quại với niềm tin mà thôi, vì tâm hồn không an vui, không hạnh phúc, và những người chung quanh tôi cũng không hạnh phúc, không an vui.

Khi niềm tin trở thành quằn quại thì nghi thức tôn giáo là gánh nặng.

– Chúa nói: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (M. 20:28).  Như vậy, niềm tin là một giếng nước.  Mà để kéo gầu ấy, tại sao ta không thể có niềm vui?

– Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt. 11:29).  Như vậy đến với Chúa là một giải thoát.  Tại sao ta thiếu thiết tha khi cử hành phụng vụ?

– Thấy bệnh tật, Chúa chữa lành, thấy đói, Chúa cho ăn (Mt. 14:14-21).  Như vậy, niềm tin là cánh tay với vào vườn hoa trái.  Tại sao ta thấy nặng nề?

Có người nói: “Tôi bận quá, không thể đi tĩnh tâm được”.  “Tôi mỏi mệt lắm, không thể phục vụ Chúa được.”  Trong khi đó, vì bận rộn nên mới cần tĩnh tâm, để Chúa dắt đi, nghỉ ngơi.  Trong khi đó, vì ta mỏi mệt, và gánh đời quá nặng, Chúa mới đến để phục vụ.  Có một suy nghĩ nào đó dường như không ổn.  Nếu suy nghĩ không ổn thì rất có thể suy nghĩ ấy sẽ đưa đến một lối sống khắc khoải.

Thánh Inhaxiô, sau khi thụ phong linh mục, ngài không dâng lễ mở tay ngay.  Ngài đợi một năm sau. Và rồi cứ mỗi lần dâng lễ ngài lại khóc.  Còn Mẹ Têrêsa Calcutta thì treo trong phòng áo lễ của nhà dòng tấm bảng:

Xin linh mục của Chúa,
Cha dâng lễ này như thánh lễ mở tay,
như thánh lễ sau cùng,
như thánh lễ chỉ dâng duy nhất một lần trong đời mà thôi.

Nói về bí tích Thánh Thể, về những nghi thức cử hành.  Hôm nay người ta nghe thấy những lời “khen”, tiếng “chê”.  Đi lễ cha kia làm lẹ lắm.  Và dường như cũng có những linh mục, vô tư nhận mình làm lễ lẹ lắm, nhiều người thích.  Họ nói với người tham dự: “Chúa ở cùng anh chị em”.  Nhưng thật sự đấy chẳng phải là lời cầu chúc, vì tay đang mở sách, chưa thấy lời nguyện thánh lễ hôm nay ở trang nào.  Tâm trí đang vội vã đi tìm.  Có những thánh lễ mà giây phút cực trọng là truyền phép Thánh Thể, linh mục đọc quá vội vàng.  Chưa xong đã bái gối, chưa bái gối xong đã hối hả đứng dậy. Rất là liếng thoắng.  Tôi cũng thấy nhiều thừa tác viên thánh thể, sau khi cho chịu lễ, họ rước Máu Thánh còn lại trong chén thánh như uống một ngụm Coca.  Họ “bốc”, họ “đổ” Bánh Thánh như đổ một hũ đậu phụng.  Họ thiếu cung kính vì thiếu tấm lòng.  Họ đến từ một cộng đoàn mà chính cha quản nhiệm không đầy đủ bổn phận huấn luyện họ cung kính Thánh Thể Chúa.  Làm sao huấn luyện nếu chính cha quản nhiệm thiếu tấm lòng.  Đi giúp mục vụ nhiều nơi, tôi rất cảm kích khi có những linh mục đến nhà thờ rất sớm, không tiếp ai trước thánh lễ.  Họ dành giây phút đó để chuẩn bị thánh lễ.  Và cũng có những thừa tác viên Thánh Thể được huấn luyện rất cung kính khi thi hành nhiệm vụ thánh.

**********************************

Lạy Chúa,

ZZCon cần hiểu bí tích Thánh Thể là kết quả của tình yêu Chúa chết cho con người được sống.  Làm sao con có thể cử hành cho chóng qua như một cuộc gặp gỡ mà con không muốn gặp.  Làm sao con cảm nghiệm được khi con chỉ gặp để cho qua.

Con cần phải hiểu những gì con đang làm, con đang sống, tôn giáo con đang theo.  Con phải hiểu thông báo của người đàn ông kia là thông báo của thiên thần báo mộng trước cửa đền thờ linh hồn mỗi khi con bước vào:

– Đức tin không có đức ái, sẽ không biết lối nào đi.

Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là tình yêu vô cùng sâu thẳm.

– Xin cho con lòng yêu mến trưởng thành.

Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là mầu nhiệm cực thánh.

– Xin cho con cử hành với tâm hồn hết sức kính cẩn, thiết tha.

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J – trích trong “Thánh Thể –  Đường Đi Một Mình”

 

THÁNH THỂ VÀ LÒNG MẾN: TRƯỞNG THÀNH

Có người băn khoăn khi đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể này:

–  Tội như thế nào thì không được rước lễ?

Họ nhìn bí tích tình yêu với một chọn lựa nguyên tắc hơn là mức độ trưởng thành.  Sợ lề luật hơn là thúc đẩy bởi lòng mến.  Khi nói tội như thế nào, nghĩa là họ vẽ lằn mức.  Họ nhìn tội là những đơn vị đo lường.  Nếu bảo tội nặng bằng này, không được rước lễ.  Vậy tôi bớt đi một chút, có được rước lễ chăng?  Bớt bằng nào thì vừa đủ để rước lễ?

Vị đạo sĩ đưa khúc mía cho người học trò.  Khúc mía rất ngọt.  Người học trò đưa lên miệng lấy răng cắn vào vỏ mía.  Vừa cắn vào, đau buốt óc, anh không thể cắn nổi vì răng anh đau.  Càng cố cắn, càng khốn nạn cho mình.  Đây là cách hiểu lời Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô: “Ai nấy hãy tự xét mình rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này.  Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là tự chuốc lấy án phạt cho mình” (1 Cor. 11: 22).  Khúc mía vẫn ngọt.  Anh từ chối khúc mía?  Hay khúc mía từ chối anh?  Vị đạo sĩ hỏi người học trò:

– Khúc mía có ra hình phạt cho con không?

Anh im lặng hỏi lòng mình:

– Có ai đem đĩa cơm thịt nướng rất thơm bón cho xác chết trong nhà quàng không?  Nhét đến đâu xác vẫn cứ nằm đó.  Mắt nhắm và môi cứ lạnh.  Càng nhét vào miệng, ta càng thấy rợn người.  Anh hiểu xác chết không có khả năng để ăn chứ không phải đĩa cơm từ chối.  Tội làm linh hồn tôi chết, nó không còn khả năng thích hợp đón nhận sự thánh thiện.  Bản chất của bình an không đi với gian dối. Niềm vui không đi với lỗi phạm.  “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa và chén của ma quỷ được” (1 Cor. 10:21).

Giáo lý trả lời, có tội trọng thì không được rước lễ.

Dễ hiểu.  Vấn đề là:

Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con.  Nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi loại bỏ tất cả những gì là trẻ con.” (1 Cor. 13:11).  Giả sử bạn nghe tiếng nhỏ to: “Bận rộn thế này mà ngày mai lại phải vác mặt đến nhà ông ấy.” Họ không muốn nhưng vì lý do xã giao phải đến.  Rồi ngày mai người đó phải đến nhà bạn.  Rồi lại cũng xã giao cười cười, nói nói, nhưng lòng dạ chán lắm.  Bạn có vui trong cuộc gặp gỡ không?

Đừng hỏi có ăn được khúc mía không.  Mía bao giờ cũng ngọt, cũng thơm ngon.  Tùy khả năng của mình.

Lạy Chúa,

12Có tình yêu thì Thánh Thể mới là hoa trái.  Và hoa trái của Thánh Thể là tình yêu.

Có những thánh lễ, có những bí tích tình yêu như thế mà sao tâm hồn người tham dự thì như có nỗi chán chường.  Trong ngôn ngữ, chúng con diễn tả là “phải” đi lễ.  Trong khi các tín hữu sơ khai thì diễn tả “được” tham dự.  Đối với thánh lễ lúc ban đầu, sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật là họ tham dự với lòng “vui vẻ”.  Hôm nay, nhiều khi chúng con tham dự với lòng nặng nề.  Khi chúng con nói “phải” đi lễ chứ không nói “được” là tâm hồn chúng con không nặng nề đó sao.  Nếu con không tha thiết với Thánh Thể thì con rước Thánh Thể để làm gì?

Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J – trích trong “Thánh Thể –  Đường Đi Một Mình”