NÀY LÀ MÁU TA

Báo Thanh niên ra ngày thứ Hai 19-6 vừa qua đã đăng một bản tin nhỏ nói về “nhà vô địch” hiến máu nhân đạo. Ðó là anh Nguyễn ngọc Tú, ở phường 11, Quận 10, thành phố Hồ chí Minh. Từ 1994 đến nay, anh Tú đã hiến máu nhân đạo 35 lượt. Anh cho biết sẽ tiếp tục công việc tốt đẹp này.

Máu cần thiết cho sự sống. Thiếu máu nhiều bệnh nhân sẽ khó sống. Hiến máu đã cứu được nhiều người thoát chết. Hiến máu là tặng ban sự sống. Ðó là hình ảnh cuộc hiến mình của Ðức Kitô trên thập giá. Trong bữa Tiệc ly, Ðức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để cứu thế giới khi ZZNgười cầm chén rượu và nói : “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”.

 Máu để cứu sống, máu để thiết lập giao ước, máu để tha tội, tất cả những ý nghĩa này đã được tiên báo trong Cựu Ước.

Máu để cứu sống được diễn tả bằng hình ảnh con Chiên Vượt qua. Ðể cứu dân Do thái ra khỏi ách nô lệ Ai cập, Chúa truyền cho người Do thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Ðêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai cập. Nhà nào có máu chiên bôi trên cửa sẽ được cứu thoát. Ðể tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do thái vẫn giữ tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt qua. Con chiên bị giết gọi là con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt qua, Ðức Giê-su trở thành Chiên Vượt qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng : Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.

Máu giao ước được diễn tả qua nghi lễ ông Mô-sê cử hành dưới chân núi Si-nai. Bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại : “Ông Mô-sê sai các thanh niên trong dân ít-ra-en tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế Chúa. Ông lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa : Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy trên dân và nói : Ðây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em”. Ðó là giao ước cũ hay là Cựu ước.

Tại Việt nam cũng như tại các nước á đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hoà chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Ðức Giê-su đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên chúa. Máu Ðức Giê-su giao hoà con người với Thiên chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái ruột thịt của Thiên chúa và trở nên anh em ruột thịt với nhau. Ðó là Máu Giao ước.

Máu để tha tội được dùng nhiều trong Cựu ước. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên chúa. Thày cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không vảy lên thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta.

Những ý nghĩa mà máu súc vật trong Cựu ước tượng trưng nay được hoàn thành viên mãn trong Máu Ðức Kitô. Nhân loại đang rên xiết trong ách nô lệ đã được Người giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên chúa và bất hoà với nhau đã được Người giao hoà thành một gia đình thương yêu thuận hoà, sống chết có nhau. Nhân loại đang sống trong tội lỗi được Máu Người tẩy sạch mọi vết nhơ.

Chúng ta được ân phúc dường ấy là nhờ Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến đâu đem sự sống đến đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến đấy.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta. Người đã gánh lấy tội lỗi của ta để ta được trong sạch. Người đã nhận lấy thân phận nô lệ cho ta được tự do. Người đã chịu chết để cho ta được sống.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy đáp lại tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận và siêng năng đến thờ lạy Ðức Giê-su ngự trong phép Thánh Thể.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy noi gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại. Người đã trở thành tấm bánh bị bẻ ra để hiến tặng cho ta. Ta cũng phải hiến đời mình như tấm bánh bẻ ra để hiến tặng cho anh em.

TGM. Ngô Quang Kiệt

VẬN MAY 

“Xin lỗi cậu, chúng tôi không thể làm gì hơn được.  Bệnh của cậu đã ở giai đoạn cuối.”

“Dạ, sao cơ?  Bác sĩ mới nói gì?” Anh xây xẩm mặt mày, không thể tin nổi sự thật này.

“Cậu còn khoảng sáu tháng nữa để sống…”

Anh ngất xỉu.

*****************************

Mình nhớ lại và kể cho bạn câu chuyện có thật này khi mình nghe Lời Chúa ngày hôm nay.

Ngươi hãy chia cơm cho người đói,
rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;
thấy ai mình trần thì cho áo che thân,
không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục.
Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông,
vết thương người sẽ mau lành.” (Is 58: 7-8)

Đó là Lời Chúa linh hứng qua miệng ngôn sứ I-sa-i-a.  Bảy thế kỷ sau ông, Thầy Giêsu của chúng ta khẳng định: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5: 14,16)

Ta có thể tạm tóm lược nội dung Lời Chúa ở trên thế này: Ta được mời gọi để chữa lành các vết thương của bản thân qua việc trở nên ánh sáng.  Nghe như vậy vẫn có vẻ mơ hồ, phải không bạn?  Mình xin kể tiếp câu chuyện trên để minh hoạ.

Bệnh nhân đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh nan y là một sinh viên đại học, sắp sửa tốt nghiệp. Tương lai phía trước đang mở ra với thật nhiều hoài bão, ước mơ, dự định.  Bỗng một ngày, anh cảm thấy mệt mỏi, đau đớn khác thường.  Người ta đưa anh đi nhà thương.  Kết quả là anh chỉ còn khoảng sáu tháng để sống.  Nếu ta ở trong tình cảnh như anh ấy, mình sẽ làm gì nhỉ?

Bạn thân mến, sau khi tỉnh lại, anh quyết định làm một việc ý nghĩa: Đó là dùng sáu tháng ngắn ngủi còn lại để sống cho những người đau khổ khác.  Anh đi đến những trung tâm HIV-AIDS trực tiếp chăm sóc cho các bệnh nhân.  Anh đến các trại cùi để rửa ráy vết thương cho họ.  Anh tìm đến những kẻ lang thang chẳng biết đi về đâu để an ủi họ cách này cách khác.  Anh hầu như quên đi chính mình.

Có người hỏi anh: “Tại sao lại làm như thế?

Anh trả lời: “Tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác.”

“Anh nói sao?  Anh may mắn hơn họ?  Anh chỉ còn mấy tháng trong khi họ có thể còn mấy năm để sống!”

“Vâng, tôi may mắn hơn họ vì tôi vẫn còn niềm tin vào Chúa Giêsu.”

ZZBạn biết không, sáu tháng sau, anh vẫn còn sống và không cảm thấy đau yếu nữa.  Trở lại bệnh viện để tái khám, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên vì căn bệnh nan y ấy không biết đã đi đâu.  Nhưng anh thì biết tại sao anh khỏi bệnh.  Khi anh chỉ tập trung vào người khác, tình yêu trong anh bỗng nhiên được thắp sáng làm cho anh quên đi chính mình và nỗi đau của mình.  Ánh sáng trong anh lớn lên, chiếu rọi anh, bao trùm anh và chữa lành anh.  Anh chìm vào trong ánh sáng chan hoà của tình yêu.  Một cách nào đó, tình yêu ấy đã sáng lên nhờ việc anh tiếp xúc với đau khổ của tha nhân.  Có thể nói: Chính những người đau khổ kia đã chữa lành cho anh khi anh đến với họ.

Mình không biết giải thích thế nào cho thoả đáng, nhưng đây là cảm nghiệm riêng của mình: Khi mình đang mang tâm trạng buồn sầu, đau khổ, thất vọng, chán nản,… mình sẽ thật may mắn nếu gặp được một ai đó đang đau buồn hơn mình; rồi nếu mình quan tâm đến họ thì chính mình sẽ được vơi đi nỗi buồn sầu đau khổ một cách tự nhiên và được chữa lành một cách kỳ diệu.

Bây giờ thì mình hiểu tại sao hàng triệu người đau khổ vẫn không ngừng chạy đến với “Người tử tội” chết thê thảm trên thập giá: Giêsu.  Tại sao?  Vì nơi Giêsu chịu đóng đinh ấy chứa đựng một đau khổ tột cùng có thể bao trùm, xuyên thấu mọi nỗi đau nhân loại.  Họ tìm thấy nơi Giêsu đau khổ ấy một sự thông hiểu trọn vẹn và một nguồn chữa lành sâu xa vô tận (Dt 4:15; 1P 2:24).

Bạn thân mến, khi ta đến với những anh chị em đau khổ, nhìn bên ngoài thì ta giống như người làm ơn, nhưng sâu xa bên trong thì ta là người chịu ơn.  Trong dòng đời này luôn có người đau khổ dưới nhiều hình thức khác nhau.  Ước chi tụi mình biết tranh thủ tận dụng họ như là vận may để sống lời dạy của Thầy Giêsu: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” và để những vết thương của chính mình được chữa lành.

Giuse Việt, O.Carm.

HUYỀN NHIỆM BA NGÔI

Bạn thân mến,

Trong mặc khải Thánh Kinh, có lẽ các bản văn trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ rất khiêm tốn.  Câu văn nổi tiếng nhất nói về Thiên Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Tin Mừng Matthêu đoạn 28, câu 19 mà chúng ta vừa nghe:  “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.  Và phụng vụ đã không ngần ngại chọn lời chúc lành trong thư thứ  hai của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô làm lời chào nhân danh Chúa Ba Ngôi đầu Thánh lễ : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13:13).

518Tín điều Một Chúa Ba Ngôi là cách người Kitô chúng ta hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa.  Cũng như anh em Do thái giáo và Hồi giáo, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất, chứ không phải là ba Thiên Chúa.  Nhưng Thiên Chúa này được mạc khải cho chúng ta trong quan hệ ba chiều của yêu thương giữa ngôi Cha, ngôi Con, và Thánh Linh.  Ba Ngôi đồng hình đồng dạng thành một đơn vị yêu thương duy nhất, nhưng lại có sự khác biệt:  Cha không phải là Con, Con không phải là Thánh Linh.  Trong tương quan giữa Ba Ngôi, cả ba không phải là các cá vị đơn lẻ, nhưng là mối tương quan hài hoà – hiệp nhất trong khác biệt, đấy chính là bản thể của Thiên Chúa.

Thánh I-nhã thành Loyola đã cảm nghiệm Ba Ngôi như ba nốt nhạc của một hợp âm – hài hoà nhưng không đơn điệu.  Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là một vị Thượng Đế cô độc ở một cõi xa xăm nào đó, nhưng là một cộng đoàn hiệp thông yêu thương.

Đã có thời người ta cho rằng khoa học và tôn giáo không đi đôi với nhau.  Nhiều người cho rằng với óc quan sát và phương pháp thực nghiệm, khoa học có thể giải thích tất cả những hiện tượng trên cõi đời này.  Một số người cực đoan hơn thì cho rằng khoa học có thể thay thế tôn giáo.  Tin vào khoa học thì không cần phải mê tín dị đoan, đi theo những tín điều lỗi thời không thể kiểm chứng.  Chẳng hạn như làm sao Ba lại bằng Một!  Phản logic!

Thực ra về bản chất, khoa học thực nghiệm không mâu thuẫn với tôn giáo.  Càng khám phá sâu xa về vũ trụ bao la, con người càng thấy mình nhỏ bé hơn, khiêm tốn hơn trong chiều sâu tri thức của mình.  Ngay cả trong đời sống con người, không phải điều gì cũng có thể giải thích được bằng khoa học thực nghiệm.  Tình yêu chẳng hạn.  Ai có thể cân đong đo đếm được tình yêu bằng những phương pháp khoa học thực nghiệm?   Ngay cả khoa tâm lý học cũng chẳng định nghĩa được tình yêu.  Chỉ có ai đang yêu mới thực sự biết tình yêu là gì.  Thế nên Một Chúa Ba Ngôi không phải là điều gì có thể giải thích hoặc nghiên cứu thấu đáo.  Con kiến không thể nghiên cứu về con người một cách trọn vẹn được.  Những gì con kiến biết được về loài người chỉ thích hợp với ngôn ngữ của loài kiến mà thôi.

Đứng trước huyền nhiệm Thiên Chúa, cách hay nhất là thinh lặng khiêm tốn biết ngôn ngữ của chúng ta có giới hạn.  Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, không một hình ảnh, một ngôn từ nào có thể diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được.  Tuy vậy, chúng ta có thể tạm dùng một vài hình ảnh từ cuộc sống để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Ba Ngôi trong cuộc đời mình.

Khi nhìn vào mặt trời chẳng hạn, chúng ta có thấy được ánh sáng, sức nóng, và sức cháy.  Cả ba đan quyện lấy nhau, đến đỗi không thể tách biệt được đâu là ánh sáng, đâu là sức nóng, và đâu là sức cháy của mặt trời.  Nguồn năng lượng cháy bỏng là hình ảnh của Chúa Cha, ánh sáng mặt trời là hình ảnh của Chúa Con, sức nóng bức xạ mặt trời là hình ảnh của Chúa Thánh Thần.  Ai nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì biết mặt trời.  Ai cảm nghiệm được sức nóng của mặt trời thì biết mặt trời.  Mặt trời mang lại sự sống cho muôn loài muôn vật.  Không có mặt trời thì sự sống trên trái đất này không thể tồn tại như chúng ta đang thấy.

Ba Ngôi cũng có thể ví như một dòng sông mang sự sống đến cho con người và muôn vật.  Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông.  Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người.  Chúa Con là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy.  Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.

Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết.  Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy.  Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca.  Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bạn thân mến,

Chuyện kể rằng: Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi “De Trinitate”, thánh Augustine thành Hippo đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện.  Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát.  Augustine dừng chân hỏi: “Em làm gì thế?”  Em bé trả lời: “Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.”  Augustine mỉm cười và nói:  “Làm sao tát hết được?”  Nhưng cậu bé nghiêm nét mặt và nói: “Tôi làm việc này còn dễ hơn ngài đang ảo vọng muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.”

Nói đoạn, em bé biến mất.  Augustine hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: Trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này.   Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài.  Thực vậy, mạc khải về Ba Ngôi đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.

Mầu nhiệm Ba Ngôi không chỉ là lời nói xuông, nhưng cần được đưa vào cuộc sống.  Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô.  Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào.   Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Đấng Sáng Tạo, Cứu Rỗi và Thánh Hóa.

Mỗi khi chúng ta cùng với Thiên Chúa sáng tạo thế giới này, hàn gắn, chữa lành, và thăng hoa nó là chúng ta đang đi sâu vào mầu nhiệm Ba Ngôi.   Mỗi khi chúng ta tập sống trong mối tương quan yêu thương và hiệp nhất trong sự khác biệt là chúng ta đang tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.

Hôm nay, mừng kính lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy cầu nguyện để được ơn cảm nghiệm và sống mầu nhiệm ấy.  Có như thế đời sống chúng ta ngày càng triển nở hơn, hạnh phúc hơn.

Bảo Lộc