NHÂN DANH CHA, VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

zzNếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất, bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa. Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn, bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa.”

Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư. Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa, cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài. Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.

Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Phải chăng là Đấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa, Đấng ấy chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.

Nhờ Đức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Ngài mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài duy nhất nhưng không đơn độc: “Ta và Cha là một” (Ga.14,10), và “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga.16,15).

Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần. Trong niềm hạnh phúc sung mãn, Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.

Đến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần“: đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.

Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga.14,23). “Cha sẽ ban cho anh em một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với anh em luôn mãi” (Ga.14,16).

Chúng ta cần có mối tương quan riêng với từng Ngôi!

Chúa Cha, Đấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.

Chúa Con, Đấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.

Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa và dẫn dắt Giáo Hội.

Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong Tình Yêu vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga. 4,16).

Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần“. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu ấn Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.

Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân vẫn còn là ước mơ mà Đức Giêsu đã và đang mời gọi ta thực hiện.

*************

Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho con trở nên tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới hôm nay. Xin dạy con biết yêu như Chúa yêu, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho con tin vào sự hiện diện của Chúa nơi sâu thẳm trong lòng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen

(Trích trong “Manna”)

 

NÓI

Mấy ngày này nó đang suy nghĩ, suy nghĩ rất nhiều về sự truyền thông qua việc phát ngôn hàng ngày của nó, và những lời nói nó nghe được hàng ngày.

Băn khoăn nhiều, nó đi tìm một định nghĩa về chữ: “ Nói”, khi nó tra từ điển người ta định nghĩa chữ nói như sau: “Nói là phát ra những âm thành tiếng, thành lời… dùng một thứ tiếng nào đó để giao tiếp.” Trong cuộc sống hàng ngày ngôn ngữ thật sự rất cần thiết, nếu không có sự truyền thông qua việc nói chuyện thì rất khó để hiểu nhau, để chia sẻ với nhau và rất khó để làm việc cùng nhau.  Lời nói để trình bày tình cảm của mình với ai đó.  Và lời nói là công cụ hữu ích mà Thiên Chúa ban để con người có thể dùng để tôn vinh Thiên Chúa mà xin ơn cứu độ cho mình.

Những gì nói bên trên ai cũng biết tỏng tòng tong rồi, nhưng cái nó muốn đề cập là: Ngôn ngữ nói là một con dao hai lưỡi rất tiện dụng trong đời sống hàng ngày và thật sự cũng rất độc.  Đúng hay sai?  Nó đang băn khoăn.

Có khi lời nói ấy là sự chia sẻ trong đêm đen của sự mất mát.  Có khi lời nói ấy là lời động viên chân thành với một người thất bại trong cuộc sống tìm lại niềm tin để đi tiếp.  Có khi lời nói sửa sai cho một người lỗi lầm trong những góp ý chân thành.  Nhưng…. trong cuộc sống hình như không phải tất cả ai ai cũng sử dụng lời nói đúng theo sự định nghĩa thuần túy của nó.

Lời nói ấy có những khi trở thành tiếng mỉa mai châm biếm lẫn nhau, có khi vì ghen tỵ, có khi nhìn không ưa mắt – có ai đó đã có cơ hội được nghe những lời mỉa mai châm biếm thì đã biết rồi đó.  Nó như lưỡi dao gọt ổi đang cắt từng miếng từng miếng trong lòng kẻ nghe – khi đó “nói” là gây ra đau khổ cho người khác.  Đau lắm, khổ lắm.  Đúng hay sai?  Nó vẫn đang băn khoăn.

Có khi lời ấy lại toàn là những từ ngữ sáo rỗng, từ nổ đến khoác loác chỉ với mục đích nâng tầm quan trọng và thể hiện sự hiểu biết của mình thật cao trước mặt người nghe, muốn nói với thế giới rằng tôi là nhất – khi đó “nói” không giúp ích cho ai mà chỉ làm người bên cạnh cảm thấy khó chịu vì phải nghe. Đúng hay sai?  Nó vẫn đang băn khoăn.

Nó đang sống trong một nhóm nhỏ và nó gần như là nhỏ tuổi nhất nhóm.  Có những khi “nó” cũng hay nói gì đó mà không suy nghĩ làm anh em của nó phải buồn, nó cũng hối hận lắm.  Có khi nó cũng nói toàn lời sáo rỗng vì nó còn nhỏ – nó chưa ý thức được nhiều việc, đôi khi nói và làm theo cảm hứng. Nhiều khi các anh nói với nó giọng “lạ” nó lắc đầu không hiểu.  Nó hay nghĩ vui trong đầu đó là “mầu nhiệm” – thực ra là nó không dám hiểu, và không muốn hiểu vì lời đó sẽ làm nó đau đau ở tim, nhói nhói trong lòng.  Nó tự nhủ đôi khi nó cũng làm ai đó buồn như vậy nên hôm nay có người khác nói với nó thì cũng là lẽ đương nhiên thôi.

Nó lần đi tìm Lời Chúa, chỉ Lời Chúa mới là Chân Lý, nó nhớ tới câu trong sách Châm ngôn diễn tả việc cần làm của con cái Chúa: “Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh.  Hãy mở miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ” (Cn 31: 8-9).

Và mỗi buổi sáng trong kinh nhật tụng, nó và anh em trong nhóm đều đã làm dấu thánh giá nơi miệng và đọc: “Lạy Chúa Trời xin hãy mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” 

zzLạy Thiên Chúa của con, xin cho con biết dùng tiếng “nói” như một khí cụ Chúa ban cho con để con mang yêu thương, mang chia sẻ, mang ủi an, mang lời nguyện cầu đến với những người anh em xung quanh con chứ không phải những tiếng mỉa mai gây đau khổ cho người thân cận – cũng không phải là những lời sáo rỗng chỉ là khoác lác vô nghĩa.  Xin cho con luôn biết dùng tiếng “nói” để ca tụng Chúa trong từng ngày con sống.  Xin giữ con trong từng suy nghĩ và từng lời nói hàng ngày. 

Dom Stone

NƯỚC MẮT VÀ HẠNH PHÚC

Tôi cười khi tôi vui.  Tôi khóc lúc khổ đau.  Nụ cười biểu hiệu cho hạnh phúc.  Nước mắt tượng trưng cho nỗi buồn.  Như thế, trong hạnh phúc không có nước mắt.  Nhưng nước mắt có thể mời gọi hạnh phúc trở về.  Nước mắt là những lời giải thích về đau khổ.  Tôi có đau khổ tuyệt vọng, tôi có đau khổ ăn năn.  Bởi đấy, nước mắt cũng có hai dòng, một dòng tuyệt vọng, một dòng sám hối.

Nước mắt tuyệt vọng là nước mắt của con tim oán than chối từ một niềm tin.  Càng chối từ niềm tin bao nhiêu thì nỗi đắng cay càng oan nghiệt bấy nhiêu.  Nước mắt tuyệt vọng là ngọn than hồng thắp lửa thêm cho đau khổ và khi đau khổ bùng cháy sẽ tiêu diệt đời mình.

Nước mắt ăn năn là nỗi nhớ thương của một tâm hồn gởi một tâm hồn. Nước mắt ăn năn sẽ lôi kéo tình yêu trở về và nước mắt ăn năn là mời gọi duy nhất tình yêu không thể chối từ.

Lầm lẫn và yếu đuối giăng mắc đó đây, do đó tình yêu hoen ố, bởi đấy hạnh phúc chông chênh.  Vì lầm lẫn, tôi có thể làm người yêu tôi buồn.  Vì yếu đuối, tôi có thể phản bội người yêu tôi.  Yếu đuối và lầm lẫn như những thành tố làm nên cuộc đời.  Tôi chẳng thể tránh được yếu đuối.  Tôi không thể thoát khỏi lầm lẫn.  Dù không muốn, chúng vẫn chẳng thiếu vắng trong đời tôi.  Có yếu đuối là có bất toàn, có lầm lẫn là không trọn vẹn.  Vì thế không có tình yêu tuyệt hảo và hạnh phúc vô song trên cõi đời này.  Chỉ có hạnh phúc tương đối nên hạnh phúc nên hạnh phúc ấy có thể nhạt nhòa.  Không có hạnh phúc tuyệt hảo thì cũng không có đau khổ vô cùng.  Bởi đó, trong dại dột tôi có thể học được khôn ngoan.  Trong đau đớn tôi vẫn có hy vọng tìm về niềm vui.

Lầm lẫn và yếu đuối gây thương tích cho hạnh phúc.  Thương tích nơi hạnh phúc chỉ được xoa dịu và tái sinh bằng nước mắt ăn năn.  Xin cho tôi biết khóc, biết chua xót ăn năn.  Bởi nếu tôi không biết khóc, biết xót xa hối hận thì tôi chẳng bao giờ mời gọi được hạnh phúc tôi đã đánh mất trở về.  Và như thế, đời tôi nghèo nàn, cơ cực.

Tình yêu là giây đàn rung lên hạnh phúc.  Chỉ cần sẽ chạm tay cũng đủ làm giây đàn im tiếng.  Chỉ cần một tư tưởng phản bội cũng làm cho tình yêu hoen ố.  Chỉ cần một chút oán thù cũng đủ làm cho mặt hồ bình an thành mờ đục.  Nhưng cái mầu nhiệm của tình yêu là chỉ cần một zzgiọt nước mắt ăn năn cũng đủ để tình yêu tha thứ gọi hạnh phúc trở về.  Tình yêu nào khi nghe nước mắt sám hối nhớ thương mời gọi mà không trở về thì đấy không còn là tình yêu nữa.

Nước mắt rơi trong im lặng nhưng tiếng nói của nước mắt lại sâu như lòng biển, lại dài như chiều cao của trời.

Nhìn khóe mắt Phêrô, nước mắt đã chảy, và Chúa Giêsu chẳng còn cách nào khác là yêu thương bằng một tình yêu rộng lớn hơn.

Nhìn khóe mắt Mai Ðệ Liên, nỗi u buồn đọng đó, và Chúa Giêsu chẳng còn cách nào khác là để nỗi buồn đó thấm vào tim mình bằng những dòng máu tha thứ và yêu thương vô bờ.

Tội và đau khổ là định mệnh trong cuộc đời.  Tôi phải khiêm tốn nhìn nhận mình chẳng thể tránh khỏi.  Nhưng tội và đau khổ không có toàn năng lực chế ngự vĩnh cửu cuộc sống, chúng bị phá đổ bởi nước mắt.

Lạy Cha, xin cho con biết khóc mỗi khi tội trần con phạm.

Xin cho con được rửa tội hồn con bằng nước mắt ăn năn.

Và lạy Cha,

Ðừng bao giờ để con tuyệt vọng vì mất niềm tin là mất cả cuộc đời.

LM Nguyễn Tầm Thường S.J

NÓI ĐƯỢC CÁC THỨ TIẾNG

zzLễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái. Nhiều người Do Thái sùng đạo từ nước ngoài về Giêrusalem dự lễ. Còn Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ, trong đó có Đức Maria, thì cầu nguyện tại một căn nhà trong thành. Chính trong bầu khí của một cộng đoàn cầu nguyện mà Thánh Thần, Đấng Cha hứa ban, đã đến với họ.

Thánh Thần chẳng có một khuôn mặt để ta ngắm nhìn nhưng ta vẫn nhận ra Ngài nhờ những dấu chỉ: Một tiếng từ trời như tiếng gió thổi dữ dội, những lưỡi lửa tản ra và đậu xuống từng người.

Bỗng chốc Thánh Thần đầy tràn mọi người hiện diện. Có cái gì đó được mở tung, để tự do bay bổng. Có ngọn gió ùa đầy nhà làm căng buồng phổi. Có ngọn lửa ấm lan tỏa trong trái tim. Có cái gì thôi thúc người ta mở cửa, đi ra và cất tiếng. Phải kêu to cho mọi người, chẳng có gì phải sợ, về những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho Thầy Giêsu.

Trước mặt mười hai người đánh cá quê mùa ít học, người từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Họ là những người Do Thái sinh sống ở nước ngoài, nên họ đã kinh ngạc, sửng sốt, thán phục, khi họ nghe các ông nói được tiếng của vùng đất họ sinh sống.

Ơn nói được nhiều thứ tiếng là ơn của Thánh Thần, nhằm giúp cho việc loan báo Tin Mừng nơi mọi dân tộc. Tin Mừng bằng tiếng mẹ đẻ giúp người nghe cảm thấy gần gũi. Rồi Tin Mừng ấy lại trở thành gạch nối liên kết mọi người, thuộc mọi ngôn ngữ, màu da, xã hội, văn hoá khác biệt. Như thế Thánh Thần làm con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc. Nhưng đã có lúc những người nói cùng một thứ tiếng mà vẫn không hiểu nhau.

Lễ Hiện Xuống là lễ khai sinh một Hội Thánh truyền giáo. Đức Giêsu đã chào đời tại Châu Á từ hơn 2,000 năm. Làm sao để mọi người Châu Á hiểu được Tin Mừng: đó là vấn đề mà tất cả chúng ta hết sức quan tâm. Hiểu được là bước đầu để đón nhận và tin theo. “Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa“.

Làm sao chúng ta sử dụng nhuần nhuyễn các ngôn ngữ Á Châu để trình bày mặc khải của Đức Giêsu Con Thiên Chúa? Phong tục, văn hoá, tín ngưỡng, luân lý, truyền thống của họ cũng là những thứ ngôn ngữ mà ta cần trân trọng tìm hiểu.

Xin Thánh Thần giúp ta học được ngôn ngữ Việt Nam hôm nay, để nói cho người Việt hiểu và hiểu được điều người Việt nói.

Xin cho Hội Thánh biết khiêm tốn và can đảm học lại ngôn ngữ của những người mà Chúa sai ta đến. Kinh Thánh đã được dịch ra 2,197 ngôn ngữ. Chúng ta còn cần dịch ra một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ của phục vụ, bác ái và yêu thương.

***

Lạy Chúa là Thần Khí Sự Sống và Tình Yêu, xin ban cho con một thời để yêu và một thời để sống; để con sống vì tình yêu Thiên Chúa, và để con yêu vì cuộc sống muôn loài.

Xin dạy con biết yêu những điều tốt đẹp, cao quý và biết ghét những điều đê tiện, xấu xa.

Xin dạy con luôn sống vì những điều mình yêu, và dám chết vì những điều mình ghét.

Xin cho con biết “đưa tình yêu vào cuộc sống” để mỗi giây phút sống, con đều cảm nhận được niềm hạnh phúc yêu thương.

Xin cho con biết “đưa cuộc sống vào tình yêu” để từng giây phút yêu, con đều làm cho cuộc sống thêm giá trị.

Và xin cho con biết hòa nhập cả hai nên một: Để sống là yêu và yêu là sống, vì hiểu được rằng Thiên Chúa Hằng Sống cũng chính là Thiên Chúa Tình Yêu. Amen.

(Trích trong “Manna”)

 

Đức Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu

MẦU NHIỆM MÂN CÔI: Năm sự vui – Mầu nhiệm thứ năm:  

zzNăm ấy Đức Giêsu lên 12 tuổi.  Thánh Gia Thất đóng cửa nhà.  Nhà có ba khẩu.  Chỉ có Thánh cả Giuse buộc phải về thủ đô dự lễ.  Nhưng vì lòng sốt sắng, nên cả ba người cùng đi.  Hằng triệu người đổ về thủ đô, chập chùng như thác vỡ bờ.  Lạc đà, lừa ngựa, người hành hương, người đi buôn bán. Nhìn lên trời chỉ thấy mây.  Nhìn xuống đất chỉ thấy người. Người đông như kiến.  Dường như người còn đông hơn kiến.

Lễ Vượt Qua kéo dài tám ngày.  Khói hương nghi ngút.  Nghi ngút đến ngộp thở.  Càng ngộp thở chừng nào, người ta càng thấy long trọng chừng nấy.  Rồi lễ hội kết thúc.  Ai nấy ra về.  Lại trùng trùng điệp điệp.  Người lại đông như kiến cỏ.  Tìm người thân trong rừng người này còn khó hơn tìm cái đinh trong đống sắt vụn.

Đức Maria và Thánh cả Giuse cùng về không thấy con đâu.  Hơi băn khoăn một tí.  Nhưng không sao, vì cậu bé Giêsu khôn lắm, ngoan lắm, lanh lắm.  Có lẽ cậu đi với chú hoặc cậu ở một đoạn đường nào đó…

Đến tối, đoàn hành hương dựng lều nghỉ đêm.  Làng nào theo làng nấy.  Nhà nào theo nhà nấy.  Chừng đó Đức Maria và Thánh cả Giuse mới phát giác ra rằng cậu Giêsu không có trong đoàn hành hương.

Thế mới khổ.  Sáng hôm sau đoàn Nadarét tiếp tục đi về hướng Bắc, còn Đức Maria và Thánh cả Giuse phải quay trở lại để tìm con, tìm mãi.  Tìm mỏi mệt.  Hỏi thăm nơi này.  Hỏi thăm nơi kia, không thấy.  Ba ngày sau mới thấy con của mình ở ngay trong Đền thờ ở giữa các bậc vị vọng.  Cậu bé trả lời và phỏng vấn các vị trí thức thủ đô, khiến mọi người sửng sốt.  Bé khôn quá, khôn trước tuổi.  Mẹ hỏi con “Tại sao con để cha mẹ vất vả tìm con ?”  Cậu bé cố tình ở lại mà không cho cha mẹ hay, nay lại trả lời một câu khiến cha mẹ lắc đầu không hiểu được.  Bé bảo: “Cha mẹ đừng tìm con.  Con phải lo phục vụ cho Cha con ở trên trời”.  Trẻ con mà ăn nói như thế, cha mẹ hiểu sao nổi.  Chẳng hiểu, nên chẳng biết phải làm gì.  Đành để đấy, để suy đi, nghĩ lại xem ý Chúa muốn gì.

Mẹ yêu dấu.

Câu nói của cụ già Simêon cách đây 12 năm về trước, lại xuất hiện trên màn hình ký ức của Mẹ “Trẻ này sẽ nên như lưỡi gươm xuyên qua tim của Mẹ”.  Mẹ lại thấy đau, đau quá.  Nhưng Mẹ lại hóa giải nỗi đau bằng cách cúi đầu thưa: “Xin Vâng”.  Ý của Chúa Cha thì cao vời vợi, sâu thăm thẳm.  Thân phận của Mẹ thì bé bỏng quá.  Nhưng bé bỏng để được bao bọc trong vòng tay yêu thương vời vợi.  Lời chứ không lỗ, sướng chứ không khổ.

Mẹ ơi!  Mẹ không hiểu ý Chúa nhưng Mẹ hiểu rằng “xin vâng” chính là ý của Ngài.  Xin giúp con nên giống Mẹ để Mẹ nào con nấy.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

 

Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu

MẦU NHIỆM MÂN CÔI: Năm sự vui – Mầu nhiệm thứ bốn:

Theo trình thuật của Luca thì Thánh Gia Thất còn lưu lại ở niềm Nam cho tới sau ngày thứ bốn mươi mới trở về Nadarét.  Trong thời gian dài này Thánh Gia Thất trú ngụ ở đâu?  Có thể giả thiết rằng sau khi Mẹ và Con đều cứng cáp, thì Thánh Gia Thất đến trú ngụ ở ngôi nhà rất thân thương ở Sin Karim. Đó là nhà bà Êlisabét, nơi mà Đức Maria đã ở đó ba tháng. Hai chị em lại sung sướng hàn huyên về lịch sử cứu độ.  Êlisabét thì được bồng ẫm Đấng Cứu Thế. Maria thì được bồng ẫm vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế, lại có thêm hơn một tháng tuyệt vời.

Khi bé Giêsu được 40 ngày tuổi, thì Đức Maria bồng con lên Đền thờ Giêrusalem để chu toàn hai điều luật: Dâng con trai đầu lòng cho Chúa Giavê; thanh tẩy người mẹ đã mắc uế, vì có chảy máu khi sanh con.

Nhân dịp này có một cụ già tên là Simêon.  Ông chỉ mơ ước được thấy Đấng Cứu Thế trước khi chết. Hôm ấy ông linh cảm Đấng Cứu Thế đang ở trong Đền Thờ.  Ông đến.  Ông gặp.  Ông xin được bồng Đấng Cứu Thế bốn mươi ngày tuổi.  Ông mừng quá.  Ông xin được chết.

Với kinh nghiệm dày cộm của một ông già đạo đức, ông mô tả Đấng Cứu Thế như một tảng đá để cho người này vấp ngã và để cho người kia được đứng lên.

zzÔng nhìn Đức Maria với ánh mắt thương cảm và tiên báo đời của Mẹ Đấng Cứu Thế sẽ khổ lắm.  Khổ như có một lưỡi dao đâm thủng trái tim Mẹ yêu dấu.

Mẹ dâng con vào Đền thờ, con chẳng thấy có gì vui.  Con hận!  Hận lắm.

Con hận ông già Simêon vì ông thật thà quá.  Ông nói tiên tri đời Mẹ sẽ khổ vô cùng.  Khổ suốt đời. Khổ vì con.

Lúc ấy Mẹ mới chừng mười bảy tuổi, tuổi đang khủng hoảng để trưởng thành; tuổi thôi làm con nít, nhưng chưa làm người lớn; tuổi còn đang sống với mơ hơn là sống với thực; tuổi thấy đời nhiều màu hồng hơn màu tím.  Vậy mà ông nỡ tâm xán trên đầu mẹ một câu nói, một sự thật tàn nhẫn đến mức độ người trải đời cũng không chịu nổi.  Người mẹ mười bảy tuổi phải nhìn đứa con bốn mươi ngày tuổi như một lưỡi dao sắc xuyên qua tim mình.  Hình ảnh này in hằn vào ký ức của người mẹ trẻ không thể xóa được.  Mẹ biết Mẹ sẽ khổ suốt đời vì con.  Nhưng con không thấy Mẹ thất vọng.  Mẹ vẫn can đảm. Mẹ vẫn đứng.  Đứng mãi cho tới khi Con của Mẹ bị treo trên khổ giá.  Mẹ là người đàn bà vĩ đại, xuất thân từ gian khổ, gian khổ tàn nhẫn.

Mẹ yêu dấu,

Con lại hận luật Môsê.  Luật Môsê bảo rằng đàn bà sanh con có chảy máu nên bị uế và phải được thanh tẩy.  Sanh con có mất máu, đó là công trình sáng tạo của Chúa Cha, tại sao lại bảo là uế.

Mẹ thánh thiện như thế; Mẹ sanh Đấng Cứu Thế cao cả là như vậy mà tại sao lại bảo là uế và bắt Mẹ phải làm lễ thanh tẩy.  Con cho đó là một sự xúc phạm đến Mẹ, đến cuộc đời đầy ân sủng của Mẹ. Thôi, xin Mẹ tha thứ cho luật Môsê.  Phần con thì cũng chẳng muốn hận làm chi nữa, vì luật ấy đã cũ rồi “và cái gì cũ kỹ, lỗi thời thì sắp tan biến đi”( Dt 8, 13)

Lm Piô Ngô Phúc Hậu

CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG

Thứ hai thì ngắm Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.

Ái mộ những sự trên trời là một ơn ta phải xin, vì dưới đất có nhiều điều làm ta ái mộ: Ái mộ một người, một vật hay một việc nào đó. Ái mộ quá có thể dẫn đến tôn thờ và làm nô lệ.

Trái đất có vẻ đẹp riêng của nó, vẻ đẹp làm dịu lòng ta trong hành trình cuộc đời. Tiếc thay nhiều lúc vẻ đẹp ấy giữ chân ta lại, không cho ta bước nhanh tới đích. Lắm khi vẻ đẹp ấy kéo ghì ta xuống, không cho ta ngước lên cao.

Có vẻ trời ở xa, xa như huyền thoại. Có vẻ chỉ trái đất là có thật, gần gũi. Ta bị hút vào trái đất, đắm đuối mê say, quên mình chỉ là người tạm trú trên mặt đất.

Chúa về trời, về với thế giới của Cha, điều đó nhắc ta nhớ đời là một cuộc hành trình mà đích điểm nằm ở phía bên kia.

Trời là đích xa nhưng chi phối những chọn lựa gần. Cần chọn hướng đi, chọn phương tiện sao cho đạt đích. Không có trời thì chẳng biết đi đâu!

Con người cần có một trung tâm nằm ngoài mình, thu hút mình, nâng mình lên, kéo mình ra khỏi cái tầm thường, thực dụng.

Trời là trung tâm của đất. Đất cho con người sự sống. Trời cho con người lẽ sống.

Nếu chỉ biết có đất, con người sẽ rơi vào tuyệt vọng, vì đất chẳng thể thoả mãn con người. Nơi lòng mỗi người đều có một mảnh trời riêng. Mảnh trời này cứ đòi gặp bầu trời cao rộng như gặp lại chốn cũ người xưa.

Thế giới luôn gặp nhiều bế tắc khó khăn vì người ta đứng ở trên trái đất mà giải quyết. Cần nhìn trái đất từ trời, để thấy những giải pháp tận căn, bao quát, hiệu quả. “Sao các ông cứ đứng nhìn trời?” (Cv.1:11)

Kitô hữu không chỉ khoanh tay ngước nhìn trời, vì sứ mạng rao giảng Tin Mừng đang chờ đợi họ, vì trái đất còn bề bộn bao việc phải làm. Sống tận tình cho trái đất mà vẫn ngước lên trời cao, điều đó thật là một thách đố không nhỏ, nhưng lại là cốt lõi của đời sống Kitô.

Thiên đàng không phải là bầu trời trên đầu ta. Nhưng bầu trời cao vút, bao la, thăm thẳm, là một hình ảnh gợi mở về thiên đàng.

Bầu trời càng lúc càng bị che chắn bởi cao ốc. Hãy tìm những giây phút để ngước mắt lên… Ngắm bầu trời có thể giúp ta biết sống trên mặt đất.

*************

ZZLạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó. Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương:  Yêu Chúa và mến thương tha nhân.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời này không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa. Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen

(Trích trong ‘Manna’)

 

TÌNH YÊU THẦM LẶNG CỦA CHA

Cô gái được sinh ra trong gia đình có người cha bị câm điếc bẩm sinh, nên cô ta thường xuyên bị trêu chọc, chế giễu của bạn bè ở trường.  Từ đó, cô gái trở nên ác cảm với người cha của mình.  Dù không thể nghe và nói như một người bình thường, nhưng ông ta vẫn hiểu được nỗi buồn và mặc cảm của cô con gái mình.  Vì vậy, ông luôn quan tâm, động viên, chăm sóc và cố gắng làm con gái vui hơn trong mỗi bữa ăn.  Ông đã dành tất cả tình yêu thương cho người con gái yêu quý.

Nhân dịp ngày sinh nhật của cô con gái, ông ta đã âm thầm chuẩn bị một cái bánh mừng sinh nhật, và viết những lời nhắn nhủ cho cô con gái: “Con gái yêu quý, cha bị câm điếc ngay từ khi mới sinh ra, cha xin lỗi con vì điều đó.  Cha không thể nói được như những ông cha khác, nhưng cha muốn con biết rằng, cha yêu con bằng cả trái tim mình”.  Thật là đáng tiếc, cô con gái chưa kịp đọc lời nhắn nhủ của ông, thì cô đã tự tử đúng vào ngày sinh nhật của mình.  Vì bị mặc cảm và áp lực quá lớn, cô không thể vượt qua bản thân, nên cô ta tìm đến cái chết.  Khi nhìn thấy con gái trong cơn hấp hối, người cha rất đau lòng, ông bế con chạy tới bệnh viện, cầu xin các bác sỹ cứu sống cô con gái bé bỏng của mình.  Với lời cầu khẩn tha thiết của ông, may mắn là cô con gái đã được cứu sống bằng chính những giọt máu của ông.  Khi tỉnh lại, cô con gái chỉ biết nắm tay cha và khóc.

Câu chuyện viết về tình yêu của người cha thật là cảm động, bao la, và cao quý.  Một tình yêu âm thầm, lặng lẽ và hy sinh mà ông ta đã dành cho đứa con gái yêu quý của mình.  Thế nhưng, cô ta vẫn không nhận ra tình yêu vô biên đó của cha.  Một thông điệp rất có ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay, đó là: “Không có người cha hoàn hảo, mà chỉ có người cha luôn dành yêu thương hoàn hảo nhất cho những đứa con của mình”.

Khi nói đến tình yêu thầm lặng của người cha trên trần gian, nó nhắc nhớ chúng ta hiểu và ý thức hơn về tình yêu tuyệt vời của Chúa Cha trên trời, Ngài là khởi nguồn của tình yêu và ban phát tình yêu cho con người, và tình yêu đó được diễn tả trong thư thứ nhất của thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu”.  Do đó, người Ki-tô hữu phải yêu thương nhau bởi vì tình yêu đến từ Thiên Chúa.  Tình yêu là bản chất của Thiên Chúa.  Thiên Chúa thể hiện tình yêu của Ngài cho chúng ta qua Người Con Một của Ngài là Đức Giê-su đã đi vào thế gian để chuộc tội cho nhân loại và cho chúng ta được sống. Chính nơi Đức Giê-su, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa và chia sẻ sự sống của Ngài.

zzĐiều này được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giê-su nói rằng: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.  Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.  Nếu anh em giữ giới răn của Thầy.  Điều răn đó là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.  Tình yêu là điều kiện tiên quyết để nhận biết về cuộc sống, đặc biệt là về Thiên Chúa.  Van Gogh nói: “ Điều tốt nhất để nhận biết Thiên Chúa là yêu thương tất cả: Yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu vợ con, yêu tha nhân, yêu cuộc sống…, đó là những con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa, và người dẫn dắt chúng ta là Chúa Giê-su”.  Và nơi đâu có tình yêu là ở đó có Thiên Chúa. Ngược lại, nơi nào không có tình yêu thì nơi đó không biết Thiên Chúa.

Tuy nhiên, ngày nay nhân loại vẫn có một khoảng trống rất lớn về sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.  Người ta vẫn thường đặt câu hỏi: Có Thiên Chúa không?  Tại sao con người phải đau khổ?  Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, con gái của một vị giảng thuyết nổi tiếng được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình, và người hướng dẫn chương trình đã hỏi cô ta như sau: Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xẩy ra một thảm họa khủng khiếp như vây?  Cô ta trả lời như sau:

Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất là Ngài cũng buồn bằng chúng ta.  Từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta.  Ngài là người “Quân tử” nên đã lẳng lặng rút lui.  Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta đã khẩn thiết xin Ngài để mặc chúng ta một mình?

Về những biến cố mới xảy ra như tấn công, khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh v.v., tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc kinh trong trường học nữa.  Và chúng ta đã đồng ý.  Rồi lại một người khác có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta: “Chớ giết người, chớ trộm cắp, nhưng hãy yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v.”,và chúng ta cũng đã đồng ý.

Sau đó, bác sĩ Benjamin Spock lại nói, chúng ta không được đánh con cái mình khi chúng làm gì xấu, vì chúng ta có thể làm sai lệch nhân cách trẻ nhỏ của chúng ta và làm cho chúng không biết tự quý trọng bản thân mình nữa.  Con trai của chính vị bác sĩ ấy khốn thay đã tự tử.  Người ta lại nói rằng, một chuyên viên chắc chắn phải biết mình nói gì, còn ông ấy nói với chúng ta điều gì, thì chẳng quan trọng, và chúng ta cũng đồng ý luôn.

Bây giờ, chúng ta lại tự hỏi: Tại sao chúng ta lại không có lương tâm, không phân biệt được thiện ác, và chúng ta có thể nhẫn tâm giết chết một người lạ, một người thân hay chính mình?  Có thế sau khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta đi đến kết luận rằng: “Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy”. Thật kỳ lạ khi con người có thể vứt bỏ Chúa một cách dễ dàng, rồi sau đó lại tự hỏi tại sao thế giới biến thành địa ngục.  Thật kỳ lạ khi chúng ta lại có thể tin những gì báo chí nói mà lại nghi ngờ những gì Kinh Thánh dạy.  Thật kỳ lạ khi chúng ta lại lo sợ người đời nghĩ sao về mình hơn là những gì Thiên Chúa nghĩ về chúng ta.

Qua những dòng suy tư trên, chúng ta nhận thấy rằng, Thiên Chúa là Người Cha nhân từ, Người Cha thầm lặng luôn dành những tình yêu thương tốt nhất cho con cái của Ngài.  Cho dù, chúng ta có phản bội, bất trung, phủ nhận Thiên Chúa, thì Ngài vẫn yêu thương chúng ta đến cùng, bằng chính Người Con Một là Đức Giê-su chịu chết trên cây thập giá.  Nơi cây thập tự, tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta.  Nơi cây thập giá Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã mạc khải ơn cứu độ cho nhân loại. Tất cả những điều đó không chứng minh đủ tình yêu của Thiên Chúa cho chúng ta sao?

Lm. John Nguyễn, Utica, New York.

 

VẾT SẸO

Mẹ ruột chúng tôi mất sau khi sinh em trai út của tôi.  Chị Như, chị hai tôi, lúc đó mới lên mười.  Tôi, đứa con gái thứ hai, lên tám ốm quặt quẹo.  Sau nữa, thằng Thành, năm tuổi, tròn như củ khoai ngơ ngác đi tìm mẹ suốt ngày.

Hai năm sau cha tôi tục huyền với người phụ nữ con nhà gia thế, một phụ nữ đẹp mới 27 tuổi.  Chúng tôi gọi người này là “má”.  Cha đi làm từ sáng đến tối, giao phó toàn bộ việc chăm nom con cái cho má tôi.  Má làm trăm thứ việc không mấy khi ngơi tay.  Chị em tôi no đủ, sạch sẽ, nhà cửa chúng tôi gọn gàng, bữa cơm dọn lên lúc nào cũng nóng sốt.

Cha tôi chung sống với má sau được ba năm thì đau nặng rồi mất.  Lúc sắp ra đi, cha không còn nói được chỉ nhìn má tôi rồi khóc.  Má lúc đó trẻ quá, đẹp quá lại chẳng phải má ruột của chúng tôi…

Cha vừa nằm xuống được mươi ngày đã có người đến đòi xiết nhà, xiết đồ.  Gia đình nhà má khăng khăng bắt má về gả chồng.  Rồi một ngày kia má kêu bán nhà, trả hết nợ rồi lặng lẽ dắt díu chúng tôi đi.  Đó là năm 1978.  Chúng tôi ở đậu nhà người chị họ xa của má, gọi là dì tư Tím.  Dì làm nghề ướp cá, bán cá, dì góa bụa và nghèo khó.  Căn nhà của dì không khác hơn cái chòi canh dưa là mấy, vậy mà còn chứa thêm má và bốn đứa chúng tôi.  Dì tư Tím đem biếu ba con gà mái dầu cho một người quen để xin cho má một chân hộ lý trong bệnh viện đa khoa.

Hằng ngày, má dậy từ 3g30 sáng, vào bệnh viện nấu nước, châm nước cho những bệnh nhân dậy sớm rửa mặt, pha sữa, pha trà để kiếm thêm chút tiền còm mua sách vở cho chị em tôi đi học.  Sáu giờ má tất tả về nhà lo cho chúng tôi ăn sáng và đến trường.  Bảy giờ má trở lại bệnh viện lau cầu thang, lau sàn, cọ rửa nhà vệ sinh, thay trải giường cho người bệnh, gom rác đem đi đốt…  Sau năm giờ chiều, má còn nhận giặt thuê quần áo cho những bệnh nhân khá giả.  Đến tám giờ tối má mới về đến nhà, mệt rã rời.

Hôm nào mưa gió má về sớm hơn.  Má mua về cho chị em tôi mỗi đứa một trái bắp nướng hay một túi đậu nành rang thơm giòn.  Mấy chị em nằm bên má trên một manh chiếu rách, nghe má kể chuyện đời xưa.  Thằng út Tài sợ lạnh cứ ôm chặt má mà khen sao má ấm quá.  Thằng Thành nhõng nhẽo đòi má gãi lưng.  Cũng có khi má dạy chúng tôi những bài hò, bài vè để cả nhà thành một “dàn đồng ca” rất ăn ý, rất vui nhộn, mặc ngoài kia gió thổi mưa tuôn…

Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ tôi, má làm một mâm cơm tươm tất.  Rồi má thắp mấy nén nhang thơm, gọi hết bốn chị em tôi lại bên bàn thờ mà nói: “Đây là mẹ ruột của các con, người đã sinh ra và nuôi nấng các con.  Tuy mẹ các con mất rồi nhưng ở trên trời mẹ các con vẫn luôn phù hộ cho các con mạnh khỏe”.  Vào ngày giỗ ba, má cũng làm như vậy.  Ngày ấy cũng như mãi tới bây giờ cũng vậy, tôi vẫn tin ba mẹ tôi ở trên trời nhìn thấy chúng tôi.

Có một sáng người ta đưa má về.  Chân má bị phỏng nước sôi do một bệnh nhân chạy vấp vào má.  Vết phỏng rất lớn.  Do ăn uống thiếu thốn, sức đề kháng yếu nên chỗ phỏng trên chân má rất lâu không lành, cứ sưng lên đau nhức.  Má mất ngủ nhiều, ốm rạc như con cò.  Chị hai khóc, năn nỉ má cho đi đổ nước thay má mà má không cho đi.  Rồi má nén đau, cố lê chân đi làm trở lại.  Về sau vết bỏng ở chân má làm sẹo, một sẹo lồi nhăn nhúm chạy từ cổ chân đến hết mu bàn chân trái.  Dáng má đi không còn tự nhiên nữa.

Dì tư Tím mua được một căn nhà ở gần chợ, bán rẻ căn nhà lá cho má con tôi.  Năm đó chị hai tôi thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Cần Thơ.  Thương má cực nhọc, chị định bỏ học đi làm thuê.  Má cương quyết không cho.  Chưa bao giờ má cương quyết như vậy.  Thắp nén nhang trên bàn thờ ba, má khấn (cốt cho chị hai nghe): “Con gái lớn của mình định bỏ học.  Khi về nơi chín suối, em biết nhìn anh sao đây…”

Chị hai khóc, xin lỗi má rồi chấp nhận đi học.  Hai năm sau tôi cũng vào đại học và cũng được má sắp soạn vali quần áo cho tôi rồi đưa đi.  Mở cái vali ra nhìn mà thương má đứt ruột: Ngoài quần áo, má còn bỏ vào kim chỉ, dầu gió, tem thư, bông băng, thuốc đỏ, thuốc cảm…

Dường như má có thể gói trọn sự thương yêu của má vào trong từng thứ một.  Bốn năm, chị em tôi ra trường lênh đênh tìm việc thì cũng là lúc thằng Thành vào Đại học Luật TP.HCM và năm sau nữa là thằng Tài vào Đại học Y Cần Thơ.  Làm sao đong được sự vất vả, cực nhọc của má lúc ấy.  Lưng má còng đi, tóc đã lốm đốm bạc, da tay chai sần.

Nhiều năm trôi qua má lần lượt dựng vợ gả chồng cho ba đứa con lớn.  Thằng Tài vẫn ở với má và chưa có gia đình riêng.  Giờ nó là bác sĩ ngoại khoa của bệnh viện mà xưa má làm hộ lý.  Nó tâm sự rằng hễ đi trực đêm mà nghe tiếng rao “nước sôi đây” là giật mình thảng thốt tưởng như tiếng má, nghẹn thắt cả lồng ngực.

Những ngày rảnh rỗi, chị em tôi dẫn lũ con về với má cho má vui.  Đám trẻ quấn quít với má không rời nửa bước.  Đứa nhổ tóc sâu, đứa bóp tay, đứa bóp chân cho bà.  Một lần bé Du con tôi xoa vào vết sẹo trên chân má mà nói: “Bà ngoại ơi, con bị phỏng tay có một chút đã đau ghê.  Ngoại phỏng nhiều vậy chắc là khiếp lắm…”

Má tôi cười: “Lâu quá, ngoại quên mất rồi”.

Một chiều mưa tôi về thăm má, nằm bên má tâm sự chuyện chồng con.  Mưa ầm ào, mưa tầm tã, tôi kêu lạnh má liền kéo mềm đắp cho tôi, tôi thì lại đắp cho má y như lúc tôi còn nhỏ ngủ chung với má vậy.  Chân tôi lạnh tôi tìm hơi ấm nơi chân má.  Tôi chạm vào vết sẹo trên cổ chân má, cái vết sẹo đã thành thân thuộc với tôi vậy mà tự nhiên tôi rơi nước mắt.

Nghĩ lại, tôi có chồng có con, vợ chồng tôi luôn quấn quít đầm ấm…  Còn má, má chỉ được hạnh phúc làm vợ trong ba năm lẻ.  Trong những năm tháng dằng dặc sau này, chắc cũng có lúc má khát khao một hạnh phúc riêng tư, cũng có lúc má cô đơn, mệt mỏi mà không có ai chia sẻ.  Má ơi, sự lựa chọn của má sao nghiệt ngã quá vậy!

abcĐã bao lần má kể cho các con tôi nghe những câu chuyện cổ tích về công chúa, về hoàng tử, về các cô tiên xinh đẹp… Một ngày kia con tôi lớn lên, tôi sẽ kể cho các con tôi nghe về “Bà Tiên” của chị em tôi, bà tiên tóc bạc, dáng đi hơi khập khiễng vì một vết sẹo dài… Truyện cổ tích má viết cho chúng tôi bằng cả sự nhọc nhằn, sự đau đớn, bằng nước mắt, mồ hôi và bằng cả cuộc đời của Má.

Lê Thúy Bảo Nhi

 

 

YÊU NHƯ CHÚA YÊU

Tình yêu là một đề tài muôn thuở, nhất là vào thời buổi kim tiền hôm nay. Tình yêu là một mặt hàng đắt khách. Tình yêu xuất hiện ở mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tình yêu xuất hiện trên báo chí và sách vở, trên phim ảnh và mọi ngành nghệ thuật. Những bài tình ca; những cuốn phim nói về tình yêu, những cuốn sách; những vần thơ được viết ra để ca ngơị tình yêu… Tất cả đã thu hút con người về với tình yêu.  Có vẻ như tình yêu hiện diện ở khắp mọi nơi và chi phối đời sống của mọi con người.

***

ZZBạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến tình yêu : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga.13:34)

Yêu thương nhau” không những là một lời khuyên mà còn là một lệnh truyền của Chúa Giêsu, là đặc điểm của những người theo Chúa, là sứ mệnh của mỗi người Kitô.

Yêu thương nhau” đó là giới răn của Chúa. Nhưng không phải yêu thương theo kiểu phàm trần. Người đời thường chỉ yêu những ai yêu mình, yêu những người xem ra có lợi cho mình, yêu theo bản tính ích kỷ của mình. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người phải yêu nhau như Chúa đã yêu.

Yêu như Chúa yêu” là phải hy sinh quên mình, phải khiêm ngường phục vụ anh em. Yêu như Chúa yêu là phải yêu cả những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu cả những người ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa.

Yêu như Chúa yêu” là phải không ngừng tha thứ, không ngừng làm hoà với nhau.

Yêu như Chúa yêu” là sự sống của Giáo Hội, là nét cao đẹp của người Kitô. Nét cao đẹp ấy phản ánh dung nhan Thiên Chúa. Nét cao đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến với Chúa.

Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, ta phải yêu như Chúa yêu.  Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Ngài nghĩ ra, không phải phát xuất từ chính Ngài, nhưng bắt nguồn từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. (Ga.15:9).

***

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến anh em như Chúa đã yêu thương con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

(BĐ1: Acts 14:21-27 –  BĐ2: Rev 21:1-5a  –  PÂ: Ga.13:31-33a, 34-35)