BIẾN HÌNH VỚI ĐỨC GIÊSU

zzTin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói về cuộc biến đổi hình dạng của Đức Giêsu trên núi Tabor.  Trong ngày hôm đó, Ðức Giêsu mang theo các môn đệ thân tín của mình là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Ngài đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao.  Rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông (Mt.17:2) . Trong cuộc biến hình đổi dạng đó, Ngài đã cởi bỏ thân phận con người để mặc lấy Thiên Tính của Thiên Chúa.  Ngài cho các ông được nhìn thấy vinh quang của Con Một Thiên Chúa, để thêm lòng tin cho các ông.

Hơn hai ngàn năm trước, Đức Giêsu đã biến hình trên núi Tabor. Cuộc biến hình của Ngài vẫn còn tiếp tục diễn ra hằng ngày cho đến ngày nay. Ngài biến hình qua bàn tay của Linh mục trong các Thánh lễ.  Ngài biến hình từ tấm bánh nhỏ bé để trở thành xương thịt của Ngài.  Ngài biến hình từ những giọt rượu nho để trở thành những giọt máu đào đã đổ ra trên đồi Golgotha năm nào để cứu chuộc con người.

Hôm nay, Đức Giêsu mời bạn và tôi cùng “biến hình” với Ngài. Biến hình không phải là trở thành cái gì xa lạ khác thường, nhưng biến hình là để trở về với cái tôi sâu thẳm của chính mình: “Tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa”. Đó là ơn được làm con cái Thiên Chúa, là ơn Thánh Sủng, là ơn cao trọng nhất của người Kitô.

Biến hình với Đức Giêsu là thay đổi cuộc sống của ta, là biến đổi tâm hồn ta, là mang vào lòng ta một trái tim mới, trái tim của yêu thương, của tin tưởng và cậy trông phó thác.

Biến hình với Đức Giêsu là vất bỏ ý riêng của ta, là chấp nhận và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là lên đường bước đi với Chúa trong tình yêu và ân sủng Ngài ban.

Biến hình với Đức Giêsu là từ giã con người tội lỗi yếu hèn của mình, là trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.

***

Lạy Chúa Giêsu! Xin ban ơn giúp sức cho con để con cũng được “biến hình” với Chúa trong Mùa Chay Thánh này, để con được trở nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn, và để con cũng được Thiên Chúa Cha nói với con rằng: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con…” (Mt.17:5). Amen

MỘT CÕI ĐI VỀ

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta, đôi vầng nhật nguyệt
Dọi suốt trăm năm một cõi đi về.

………………….

Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà.

…………………

Trong khi ta về, lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì.

Trịnh Công Sơn

***************************

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”, đi hoài đi mãi cho đời mỏi mệt, loanh quanh luẩn quẩn như kiến miệng chén, đi suốt kiếp người mà không biết mình đi đâu, về đâu?  Đi mà “chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà”, đi mà không biết cái đích mình sẽ đến, cái nơi mình xuất phát.  Đến nơi này lại nhớ nơi kia, “ta về lại nhớ ta đi”, nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã không biết mình đi đâu thì hậu thế hôm nay ai dám biết chắc ông đã về nơi đâu và đang ở đâu?

zzBài Phúc âm Chúa Giêsu biến hình hôm nay, Chúa mời gọi ba môn đệ Phêrô, Gioan, Giacôbê “đi riêng” ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, đến một ngọn núi cao, thanh vắng, không tiếng người, không bon chen ồn ào, tránh xa “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”…. và ở đó, Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.  Trong không gian tĩnh lặng, các ông nghe được tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7).  Hạnh phúc ngất ngây ở bên Người, mắt phàm được mạc khải vẻ huy hoàng rực rỡ của Thiên Chúa đã làm các ông quên tất cả, quên đường về, quên cha mẹ vợ con, quên bổn phận của mình và của Thầy dưới núi.  Ở đây không có cảnh “ta về lại nhớ ta đi” hay “ta trên núi lại nhớ ta dưới núi” cho thế nhân biết các ông đã cảm nghiệm được một hạnh phúc tuyệt đối đích thực.  Chỉ một vài giây phút cảm nghiệm hạnh phúc ngắn ngủi mà các ông sẵn sàng đánh đổi mọi sự để chiếm cho bằng được hạnh phúc đó, dù có phải qua đồi Golgotha máu chảy lệ rơi!

Nếu hôm xưa Chúa mời gọi các ông “đi riêng” với Ngài mà các ông từ chối thì chắc chắn các ông sẽ không bao giờ có được cảm nghiệm tuyệt vời đó!

Thiên Chúa không chỉ mời gọi ba môn đệ “đi riêng” với Người cách đây hơn 2000 năm.  Thiên Chúa cũng không chỉ biến hình một lần duy nhất trên núi Tabor.

Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta “đi riêng” ra một chỗ với Người mỗi ngày trong cuộc sống đầy bận rộn.  “Đi riêng” để Người có dịp cho ta chứng kiến vinh quang của Người, “đi riêng” đến một nơi thanh vắng để nghe được tiếng Thiên Chúa nói trong đáy lòng mỗi người.

Ngài mời gọi và chúng ta có đáp lại tiếng mời gọi để cùng “đi riêng” với Ngài hay không?

Cuộc sống bận rộn cứ mãi vần xoay và chẳng ai tìm đâu chút thời giờ để “đi riêng” với Người.  Phải, kiếp người như con cù, xoay hoài xoay mãi, xoay theo đòi hỏi nhu cầu của xã hội:  Nhà cửa, xe cộ, tiền tài, các hoá đơn chồng chất, sự nghiệp của mình, tương lai con cái …. rồi mỏi mệt nhắm mắt xuôi tay mới chua chát nhận ra rằng “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”, và đôi tay đó đã bóp chết bao kiếp người trong những nhu cầu tầm thường.

***************************

Lạy Chúa Giêsu Chí Thánh, mặc dù cuộc sống đầy những bận rộn lo toan nhưng xin cho con biết thu xếp thời gian để “đi riêng” ra một chỗ với Ngài, để có được những cảm nghiệm riêng tư giữa con và Ngài, để lắng nghe tiếng Ngài nói nơi tâm hồn con.  Chúa ơi, mặc dù “trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ” với Ngài nhưng con biết vinh quang Thiên Chúa thì vô biên không bút mực nào tả xiết, con biết nếu con đáp lại lời mời gọi “đi riêng” với Ngài thì con sẽ được hội ngộ với Ngài ngay từ đời này, xin cho con tin chắc rằng con sẽ được hội ngộ với Ngài mãi mãi trong một ngày gần đây, và xin cho con sống và chết cho niềm tin đó.  Amen!

Lang Thang Chiều Tím

SA MẠC

zzBốn mươi ngày trong mùa Chay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần sa mạc trong Kinh Thánh.  Dân Do Thái đã lang thang trong sa mạc bốn mươi năm trước khi vào đất hứa.  Bốn mươi năm trong sa mạc là thời gian để dân Do Thái biết rõ về tương quan của họ với Thiên Chúa, Ðấng đã chọn và yêu thương họ để coi họ có thực sự tin tưởng người hay không.

Sa mạc là nơi rất đặc biệt và thánh thiêng của dân Do Thái, vì chính trong sa mạc dân Do Thái đã gắn bó mật thiết với Thiên Chúa hơn.  Thánh Phaolô nói: “Hành trình trong sa mạc của dân Israel cũng là một biểu trưng cho hành trình của chúng ta đến với Thiên Chúa”.

Tất cả chúng ta phải là những dân riêng của Thiên Chúa, dân của sa mạc trong mùa Chay thánh này. Sống tinh thần sa mạc, kinh nghiệm sa mạc trong Kinh Thánh có thể dạy chúng ta rất nhiều về đời sống tâm linh.  Cha Charles de Foucauld đã chia sẻ như sau: “Tất cả chúng ta phải đi qua sa mạc để đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.  Vì trong sa mạc, mỗi người sẽ khoét rỗng chính mình, loại ra khỏi mình những gì không phải là Thiên Chúa và những gì không thuộc về Ngài, chuẩn bị và trang hoàng tâm hồn chúng ta cho khang trang và thoáng mát cho Chúa ngự”.

Sa mạc trước tiên là nơi để thinh lặng và cầu nguyện, là nơi linh thiêng để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và đáp lại tiếng Ngài.  Sa mạc cũng là nơi để chúng ta được nuôi dưỡng trong sự an bình của Thiên Chúa và trong cầu nguyện.  Sa mạc là nơi thanh luyện và thánh hiến.  Chúng ta cần sống kinh nghiệm của sa mạc để chúng ta biết rõ mình hơn và đánh giá được mức độ trung thành, mức độ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, để chúng ta trực diện với Thiên Chúa trong sự thật về chính bản thân mình.

*****************************

Mùa Chay là mùa chúng ta sống tinh thần của sa mạc, để tôi luyện tâm hồn trong niềm tin và tình yeu, vì sa mạc là nơi để thanh luyện và thánh hiến.  Chúng ta không thể bước ra khỏi sa mạc nếu chúng ta biết mình chưa thực sự hoàn trọn.  Chắc hẳn Thiên Chúa luôn ở trong sa mạc và tâm hồn ta như dân Do Thái trong thời gian ở sa mạc, để chúng ta được liên kết và gắn bó với Ngài. Cũng trong tương quan thân tình đó, chính Ngài sẽ thanh luyện chúng ta trong tình yêu của Ngài.  Chỉ khi sống trong sa mạc của tâm hồn mình, chúng ta mới phải tự lực cánh sinh để cố gắng vượt qua những yếu đuối và bất toàn của mình cũng như nhận ra sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết Thiên Chúa đúng như bản tính Ngài mạc khải cho bản thân chúng ta.  Khi đó, chúng ta sẽ lột bỏ khỏi chúng ta những ý tưởng, những hình ảnh giả tạo mà chúng ta có về Ngài.  Tiến trình sống trong sa mạc là tiến trình chúng ta được thanh luyện cái nhìn của chúng ta.  Tiến trình đó cũng giúp chúng ta nhận ra thực tại tốt đẹp theo đúng bản tính mà Thiên Chúa đã mang cho nó.  Những thành kiến bất toàn cũng dần dà bị tước bỏ bởi những kinh nghiệm chúng ta sống với Chúa trong sa mạc.

Ðể sống được tinh thần của sa mạc, đòi hỏi chúng ta phải thực sự là con người trung thực, can đảm và có thái độ thành khẩn.  Phải trung thực là sẵn sàng mở lòng để đón nhận sự thật về Thiên Chúa, con người, các tạo vật và chính bản thân.  Phải can đảm vì phải dám quyết định chọn lựa, có nghĩa là phải bỏ lại đàng sau, phải giũ bỏ tất cả những gì chúng ta đã có.  Không bám víu vào bất cứ điều gì, là chúng ta không để cho bất cứ điều gì cản trở ta làm cho chúng ta không trung thực và sẵn sàng thực sự sống trung thực, dù biết rằng đó là một đớn đau cho tâm hồn.  Trong giai đoạn cần được thanh luyện phải có thái độ thành khẩn vì chẳng có gì chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta không thực tình khao khát và mong muốn đạt đến.  Thái độ thành khẩn là động lực giúp chúng ta vượt qua những gian nan thử thách để đạt đến đích của mỗi người chúng ta là chính Chúa, Ðấng là chân, thiện, mỹ.

*****************************

Lạy Chúa,

Mùa Chay như là một nhắc nhở mỗi chúng con hãy sống tinh thần của sa mạc, là sống gắn bó với Chúa cách sâu xa hơn.  Xin giúp chúng con sống trọn vẹn những ngày hồng phúc này trong tình yêu và ân sủng của Chúa cũng như trong sự liên đới với anh chị em.

R. Veritas

 

CHIẾN THẮNG CÁM DỖ VỚI ĐỨC GIÊSU

Người Eskimo nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy da chúng làm y phục.

Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem phơi ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ làm lại việc này nhiều lần cho đến khi con dao được bao bọc xung quanh bằng khối máu lớn như quả xoài.

Đợi đến khi trời tối, người ta đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói sẽ phát hiện rất nhanh mùi máu tươi và sẽ chạy đến liếm vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của mình mà chúng không hay biết. Càng liếm, lưỡi càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng kết thúc cuộc đời của lũ sói tham ăn.

Cám dỗ trong con người: Có thể nói, con người là con vật phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ nhất. Cám dỗ của miếng ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, ma tuý, cần sa, cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, của địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác.

Người ta bị thu hút, bị lôi cuốn vào các cơn cám dỗ như con sói tham lam lao vào liếm cục máu bọc lưỡi dao, như những con thiêu thân lao vào lửa và hậu quả là con người trở nên mềm yếu, bạc nhược, bị lôi cuốn vào dòng thác dục vọng như cánh bèo nhỏ bé bị cuốn vào giữa dòng nước lũ.

Không rõ con sói một khi biết có lưỡi dao bén ẩn dấu trong cục máu đông, nó có còn dám tiếp tục liếm cục máu đó nữa không, nhưng đối với nhiều người thì dù biết chắc chắn rằng đằng sau những lạc thú có ẩn dấu lưỡi dao của thần chết, thì họ vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ những thứ đó, rồi tự biện minh rằng: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu)

Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta: “Đức Giêsu Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh zzquang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân. (Philip 2, 6-7)

Vì trở nên người phàm như chúng ta, “Chúa Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta” (Do-thái 4,15).

Qua bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh sử Mác-cô cho biết Chúa Giêsu đã vào hoang địa bốn mươi ngày và Người đã thực sự bị Xa-tan cám dỗ. (Mác-cô 1, 12-13)

Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện như chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Người đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ, và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng.

Cùng chiến đấu chống lại cám dỗ với Chúa Giêsu: Trâu bò tuy to khoẻ nhưng dễ dàng bị chế ngự bởi một đứa bé cỏn con khi người ta xỏ mũi được chúng. Con người dù có hùng mạnh đến đâu, nhưng một khi bị “xỏ mũi” bởi các đam mê tội lỗi, thì cũng phải ngoan ngoãn lội xuống bùn, sa xuống vực vì sức kéo của những đam mê và dục vọng xấu xa đen tối.

Mỗi người có một tử huyệt, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là lỗ miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng…

Người đi câu luôn biết lựa mồi hợp sở thích của cá; cũng vậy ma quỷ có thừa khôn ngoan để chọn những miếng mồi phù hợp với “khẩu vị” của từng người, và tấn công vào đúng tử huyệt của ta.

Trong mùa chay, Chúa Giêsu kêu mời ta đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để nhìn lại lòng mình, rà soát tâm tư mình, xét xem những đam mê nào, những xu hướng tội lỗi nào đang chi phối đời ta mạnh nhất, đó là những tử huyệt cần canh phòng che chắn. Chính những đam mê và xu hướng đó là động cơ xô đẩy con sói tham ăn lao vào chỗ chết; và cũng chính những động cơ đó đã huỷ hoại cuộc đời ta, làm mất thanh danh phẩm giá cũng như giá trị cao đẹp của đời ta.

***

Nguyện xin Chúa Giêsu cùng chiến đấu với  con trong mặt trận nguy khó nầy và ban ơn giúp sức để con không bao giờ lùi bước trước bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng kiên cường chiến đấu để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu xa. Amen

LM. Trần Ngà

 

CÁT BỤI TUYỆT VỜI

Nhạc Trịnh Công Sơn rất triết lý, Mùa Chay lại về, tôi thích nghe bài ca “Cát Bụi”:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi.
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi.
Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi.
Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày
.

Cát bụi, con người chỉ là cát bụi.  Hạt bụi tuyệt vời khi hoá kiếp thân tôi.  Hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi.  Khi dùng hình ảnh hạt bụi để nói về thân phận con người, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lấy nguồn cảm hứng trong Sách zzSáng Thế: Thiên Chúa dùng bùn đất tạo dựng Adam, sau khi Adam phạm tội bất phục tùng, Thiên Chúa phạt ông và con cháu sau này cũng sẽ trở về với cát bụi ( x St 1,26-3,24).

Nghĩ cho cùng, tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh, sớm muộn cũng sẽ tàn lụi với thời gian.  Do đó nỗi khắc khoải ngàn đời của con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu, ý nghĩa của đau khổ, ý nghĩa của giải thoát, ý nghĩa của cuộc sống.

Vấn nạn mà con người chưa tìm được câu trả lời:
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?
Hạt bụi nào hoá kiếp thân bạn?
Và Hạt bụi nào hoá kiếp thân xác chúng ta?

Một vòng quay, một trăm năm, một kiếp người có là mấy!  “Chợt một chiều tóc trắng như vôi”. Không phải là trắng như bông, như mây hay như tuyết mà là như vôi đổ xuống huyệt mồ.  Trịnh Công Sơn không bi quan, ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người. Cuộc đời đẹp biết bao, sự sống cao quý biết dường nào, nhưng nó cũng như “đoá hoa vô thường”.  Đó là một thực tế, nhìn nhận và đối diện với nó cách can đảm để có thể đưa tới một cuộc sống tốt đẹp hữu ích và có ý nghĩa.

                                       *******************************

Mùa Chay muốn nhắc nhở chúng ta quay về với sự thật của thân phận con người “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai rồi sẽ trở về bụi tro…”  Phụng vụ Giáo Hội muốn diễn tả rằng: Cuộc đời này mong manh vắn vỏi, bởi thế nó rất hệ trọng.  Số phận đời đời của mỗi người được quyết định trong thời gian tạm bợ này.  Người theo Đạo Phật thì tin ở sự đầu thai kiếp sau, luân hồi nghiệp báo. Nhưng người Kitô hữu thì không, vĩnh cữu được gieo mầm trong hiện tại, đừng để thời gian trôi qua cách phung phí, đời người chỉ có một lần, được mất chỉ có một cơ hội.

Thân phận mỏng dòn mà Phụng vụ Mùa Chay nhắc cho chúng ta đừng quên, không phải chỉ có liên quan đến phần xác hay chết của phận người mà còn cả về mặt tinh thần cũng mong manh yếu đuối.  Thánh Phaolô đã diễn tả kinh nghiệm đó trong thư Roma “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm, nhưng điều tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm….  Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn tôi lại cứ làm…  Tôi khám phá ra luật này là khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.  Theo con người nội tâm tôi vui thích vì luật của Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tôi… tôi thật là một người khốn nạn.  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này?” (Rm 7,15.19.21-24).   Tiếng kêu của Phaolô cho thấy ngài đang muốn trở về với chính mình.  Khát khao tìm về một thủa bình yên đã mất.  Từ xa xưa, con người là Adam đã ăn trái cấm để mong trở nên thần thánh.  Đó là cuộc nổi loạn nơi chính mình không muốn chấp nhận mình là mình.  Nguyên tổ bị con rắn cám dỗ trở nên thần linh chứ không phải là cám dỗ nhan sắc, giàu có.  Đó cũng chính là cám dỗ Lucifer đã đi qua.  Lucifer muốn trở thành Thiên Chúa để có quyền trên mọi tiêu chuẩn tốt xấu.  Đây là ước mơ vượt quá bản chất con người.  Tội là một hành trình đưa con người đi khác con đường của Thiên Chúa.  Vượt qua giới hạn của mình để làm thần thánh.  Trong con người có một cuộc phân ly như Phaolô đã kêu lên: “Điều tôi muốn làm tôi không làm. Điều không muốn tôi lại làm”. Trong dân gian có câu đố về con muỗi rất thú vị:  Vì mày tao phải đánh tao.  Vì tao, tao phải đánh tao, đánh mày.  Vui mừng khi giết được con muỗi cắn mình, nhưng máu của mình hay máu con muỗi?  Phaolô thốt lên: “Tôi là người khốn nạn”.  Ngài vỡ oà trong tiếng kêu: ‘Ai giải thoát tôi khỏi cái xác chết này?”  Thánh nhân reo vui niềm hạnh phúc: “Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Kitô”.  Không có ơn sủng đời sống sẽ nhiều bất hạnh.  Có ơn sủng Chúa Kitô, con người sẽ đong đầy niềm vui hạnh phúc.

Ý thức về sự yếu đuối và tội lỗi của mình, về khuynh hướng xấu, sự bất lực nơi bản thân để mỗi người nổ lực giải thoát khỏi sự thống trị khắc nghiệt của tội lỗi và đó là khởi đầu cho ơn hoán cải và ơn cứu độ.  Đó là lối đi của ơn sủng.
Mùa Chay mời chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu.  Sa mạc là nơi hoang vu trơ trọi, mênh mông.  Ở đó người ta mất hết mọi điểm tựa, không còn chi để “chia trí, lo ra”.   Chẳng hạn như ngoại cảnh ồn ào, các hoạt động, các thú vui, các quan hệ xã hội; chỉ còn ta với ta và buộc ta phải quay về với mình trong sự đơn độc của chính mình.  Trong sự quay về đó ta có cơ may nhìn thấy những điều cốt yếu nhất khi đối diện với chính lòng mình.

Con người chúng ta thường sống hời hợt bên ngoài, tan loãng ra trong trăm thứ linh tinh hay phụ thuộc khác.   Mùa Chay mời gọi chúng ta đi vào sa mạc, nghĩa là tạo một sự trống vắng nào đó, một sự thinh lặng của các giác quan, của trí khôn và của cõi lòng, một sự rút lui vào trong tâm khảm mình để có thể phân định đâu là cái chính cái phụ, đâu là cái cùng đích và cái phương tiện.  Đây chính là lúc hồi tâm.

Biết mình mỏng dòn, nhưng con người theo Phụng vụ Mùa Chay lại không phải là con người mềm yếu, uỷ mị, ngả nghiêng theo mọi lời mời mọc cám dỗ.  Con người Mùa Chay là con người dũng cảm chiến đấu.  Như Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời hoạt động công khai, Chúa vào sa mạc và tuyên chiến với Satan tức là với mọi mãnh lực của sự ác một cách không khoan nhượng.  Và Ngài đã chiến thắng.

Người Kitô hữu là người biết nói không, là người dám bơi ngược dòng “ Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” ( Pl 2,15).  Người Kitô hữu không cố ý sống lập dị, khác người, song đứng trước điều xấu, dù là khi cả xã hội đều làm điều xấu đó, họ vẫn không được ngã theo.  Họ phải can đảm từ chối một cơ hội làm giàu bất chính, một liên minh bất công, một mối quan hệ tội lỗi….  Dĩ nhiên điều đó không dễ chút nào.  Nhưng đã là môn đệ Đức Giêsu, họ không có chọn lựa nào khác.

Con người theo Phụng vụ Mùa Chay biết mình tự thân chỉ là cát bụi, nhưng là “cát bụi tuyệt vời”.  Nó vẫn tuyệt vời ngay khi trở về với cát bụi trong một chiều “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.

Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng “Hạt bụi” là chúng ta, được tình yêu Thiên Chúa gọi vào hiện hữu và chia sẻ sự sống bất diệt của Người.  Kiếp người cho dù có đau thương, có bi đát, đôi lúc tưởng chừng bóng tối lấn lướt ánh sáng.  Nhưng cuối cùng, sự sống, chân lý, tình thương vẫn mạnh hơn tất cả.

Ước chi mỗi gia đình và cộng đoàn Kitô hữu biết tận dụng thời gian Mùa Chay này, để gạt bỏ một bên những điều gì gây lo ra cho tâm trí và tăng trưởng trong những điều nuôi dưỡng tâm hồn, hầu yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.  Tôi đặc biệt nghĩ tới một sự dấn thân lớn hơn cho việc cầu nguyện, lectio divina, chạy đến bí tích hòa giải và tham dự tích cực vào bí tích Thánh Thể, đặc biệt Thánh lễ ngày Chúa nhật.  Với thái độ bên trong ấy, chúng ta hãy đi vào tinh thần sám hối của Mùa Chay. Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, “Nguồn hoan lạc của chúng ta,” đồng hành và trợ giúp chúng ta trong nỗ lực giải thoát tâm hồn khỏi nô lệ tội lỗi, biến nó thành “nhà tạm sống động của Thiên Chúa.”

Ước gì mỗi người Kitô hữu đều có bản lãnh của Đức Giêsu để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của bản thân; luôn luôn cậy dựa vào Thiên Chúa, sống Mùa Chay thánh thiện để đón nhận nhiều Ơn Phúc Chúa ban.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

BỤI

zzHôm nay dọn nhà cửa cùng anh em trong nhà, đúng như lời của các cụ nói: “Nhà sạch thì mát”, cũng vui vì có cảm giác căn nhà thơm mát hơn khi được lau chùi sạch sẽ những bụi bặm của sinh hoạt hàng ngày.

Tự nhiên cảm giác mát mẻ của căn nhà làm mình nghĩ đến căn nhà quan trọng hơn, đó là căn nhà tâm hồn của mình.  Mỗi lần khi đi đến tòa giải tội về lòng mình vui vui và cảm thấy nhẹ nhõm biết bao nhiêu.  Cảm giác đó giống như mình vừa trút bỏ một thứ gì đó đang giam hãm tâm hồn vậy.  Chắc hẳn ai cũng vậy thôi, ai cũng muốn cái ngôi nhà mình đang sống luôn sạch sẽ thơm mát như vậy sẽ là một chỗ nghỉ ngơi tuyệt vời sau những phút căng thẳng với việc học, với công việc mưu sinh hằng ngày.  Nói đến đây bỗng mình nhớ lại trích đoạn trong thư thứ nhất của Thánh Phaolo gửi cho các tín hữu Cô-rin-tô như sau: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền thờ của Chúa Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế anh em đâu còn thuộc về chính mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em.  Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6, 19-20). Vậy nếu chúng ta luôn muốn sống trong căn nhà sạch sẽ thơm mát thì Chúa cũng vậy.  Ngài cũng muốn thân xác chúng ta luôn ngát hương như thế, vì như Thánh Phaolo khẳng định, thân xác chúng ta là Đền thờ của Chúa Thánh Thần mà.  Nếu thật sự tin rằng thân xác mình là Đền thờ của Chúa sao mình vẫn để bụi bặm là những tội lỗi giăng vào Đền thờ của Chúa nhỉ?  Căn nhà vật chất kia mình lười dọn dẹp thì xung quanh còn có những người anh em rất thương mến kia dọn dẹp dùm.  Còn ngôi nhà tâm hồn thì chắc chắn là tự mình phải dọn dẹp lấy rồi.  Nếu không chắc tội nghiệp Chúa lắm vì Ngài cứ phải ngự trong ngôi nhà tâm hồn đầy bụi bặm của mình.

Lạy Chúa con biết tình yêu của Chúa vô bờ, Người ôm lấy con, yêu con, thương con nên chấp nhận cả yếu đuối của con để tha thứ, để nâng đỡ, luôn mong cho con không lạc bước vào cạm bẫy của kẻ thù là: Ma quỷ, thế gian và xác thịt.  Chúa không muốn con đơn độc chiến đấu với ba thù đó vì vậy ân sủng của Chúa chính là vũ khí chiến đấu hữu hiệu nhất mà con có.  Con xin mượn lời của Chân phước Gio-an Phao-lô II yêu mến của Chúa như một lời tâm tình với Thiên Chúa của con: “Hãy trở nên dễ dạy trước tiếng mời gọi của Thánh Thần Thiên Chúa, hãy để cho những kỳ vọng lớn lao của Giáo Hội và của nhân loại vang động nơi thẳm sâu tâm hồn của các con.  Đừng sợ hãi mở rộng lòng trước Đức Ki-tô khi được Ngài kêu gọi.  Hãy cảm nhận cái nhìn yêu thương của Ngài trên các con và hãy nhiệt tình đáp trả lại lời mời gọi, hãy tiếp bước theo Ngài cách mạnh mẽ” (Pastores Dabo Vobis, số 82).

Dom Stone
 

BẠI LIỆT

Bệnh bại liệt còn gọi là bệnh viêm tủy xám hay còn gọi là bệnh Polio (Poliomyelitis).  Chứng bệnh này do siêu vi trùng poliovirus gây ra.  Khi nhiễm vào cơ thể,  siêu vi trùng poliovirus đi vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ bắp và lâu dần làm bại liệt.

Trước đây, bệnh bại liệt xảy ra rất nhiều nơi con người, đặc biệt là nơi trẻ em.  Nhưng vào năm 1840, bác sĩ Jakob Heine đã nghiên cứu ra nguyên nhân gây bệnh và đã bào chế ra vắc-xin để phòng ngừa. Từ đó số nạn nhân của bệnh bại liệt đã giảm đi rất nhiều trong những thập niên gần đây.

(Nguồn: Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia)

*************

Bạn thân mến! Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Họ không thể làm được những việc cần làm.  Không thể đến được những nơi muốn đến.  Người bại liệt trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng thế. Anh được nghe biết Ðức Giêsu đã làm phép lạ chữa nhiều bệnh tật, anh muốn đến xin Ngài chữa lành bệnh tật, nhưng anh không có khả năng một mình đi đến gặp Ngài.  Trong đời sống thiêng liêng, đó là hình ảnh của những tâm hồn bại liệt.  Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của Ngài, nhưng đối với những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến lãnh nhận ân phúc của Ngài được.

Có tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê, dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được.  Ðam mê, dục vọng giống như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ.  Tâm hồn bị đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn lên.

Có tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không làm được điều mình mong muốn. Có tâm hồn bị bại liệt vì chai đá.  Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức.  Ðây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.

Người bại liệt trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông nhờ những người thân khiêng tới.  Khi người bại liệt từ trên mái nhà được đưa xuống trước mặt Ðức Giêsu, Ngài cảm nhận ngay Đức Tin mạnh mẽ của họ:

Đức tin không chịu lùi bước trước khó khăn, phải vượt qua đám đông chật cứng trước cửa. Gặp đám đông vây quanh, chắn lối đến với Ðức Giê-su, họ không sờn lòng nản chí, không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục những khó khăn.  Ðã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến, giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người bệnh tiếp cận Ðức Giêsu. Ðức Tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với Người.

Ðức Tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo.  Đức tin tìm ra con đường khác thường để đến với Ðức Giêsu: Không qua bằng cửa chính, nhưng bằng lỗ hổng ở mái nhà.  Không vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm ra cửa. Tháo gỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo.  Biện pháp táo bạo càng chứng tỏ Ðức Tin mãnh liệt của họ.

Đức Tin mang tính tập thể, đồng tâm nhất trí: Người bại liệt cần bốn người bạn khiêng mình, bốn người khiêng đồng ý cùng nhau giúp người bại liệt.  Đức Tin chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.

Ðức Tin  giúp ta không suy tính, do dự, cương quyết bắt tay vào việc làm, không chịu ngồi lì một chỗ.  Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm ngay không để chậm trễ, không e dè vì gánh nặng, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính toán, trốn tránh trách nhiệm.  Biết người bệnh cần gặp Ðức Giêsu, họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.

Nhìn vào Ðức Tin trong sáng của người bại liệt và của bốn người khiêng, ta thấy Ðức Tin của mình ra sao?  Đức Tin của ta có còn hoạt động không?  Có bị tê liệt không?  Tê liệt vì những đam mê dục vọng trói buộc.  Tê liệt vì những lười biếng thiếu cố gắng.  Tê liệt vì những ước muốn nửa vời.  Tê liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng…

Hôm nay, ta hãy noi gương bốn người khiêng bệnh nhân.  Hãy ra khỏi tình trạng tê liệt tâm hồn.  Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự.  Hãy biến Ðức Tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái.  Hãy phấn đấu vượt qua mọi khó khăn.  Hãy sống Ðức Tin một cách sáng tạo, vui tươi và đoàn kết.  Một Ðức Tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường dẫn lối cho ta đi đến với Chúa.

***************

zzLạy Chúa Giêsu!  Xin thêm Ðức Tin cho con.  Xin cho con nhận ra những bại liệt trong tâm hồn, biết chạy đến với Chúa để cầu xin ơn chữa lành Chúa ban. Amen.

Tổng hợp từ  R. Veritas

LỜI TỎ TÌNH

Thế là họ chia tay nhau sau vài năm ngắn ngủi bước vào đời sống vợ chồng.  Gặp lại anh khi vừa mới li dị, tôi không nhận ra người xếp trẻ, đẹp trai, giỏi giang và hoạt bát của mấy năm về trước.  Khuôn mặt anh già nhiều so với thời gian, cặp mắt chất chứa vẻ u buồn chán nản và phảng phất nét bất cần đời của kẻ bị thất bại trên tình trường.  Cuộc li dị chớp nhoáng của đôi vợ chồng son chưa kịp có con đã để lại nơi anh nhiều dấu ấn, nhiều điều lưu luyến chưa kịp nói ra, những giấc mơ đẹp đang dệt dở dang…  Mất nhà, mất tài sản… không đau bằng mất người vợ mà anh như vẫn còn nhiều vấn vương thương nhớ.  Địa vị vẫn còn đó, tài năng vẫn ở lại với anh, nhưng anh như hụt hẫng, xa lạ với cuộc sống, thiếu tự tin và thiếu vắng một cái gì đó bên đời.  Vợ anh, một cô gái trẻ đẹp mắt xanh tóc vàng, như đa số các cặp vợ chồng người Mỹ khác, đã chia tay anh trong vui vẻ hòa bình.  Cô ta coi anh như bạn nhưng anh thì lại tránh không muốn gặp mặt cố nhân.  Anh buồn nhưng không hận, chán đời nhưng chưa chán “Người”, giận “Người” bỏ đi nhưng cũng giận mình ở lại, trách “Người” cũng có và không phải không có những điều để tự trách mình.

ZZTrong khi trách ai “tham vàng bỏ nghĩa”, anh nhìn lại mình và xót xa nhận ra những thiếu sót trong đời sống hôn nhân.  Có một điều mà anh nuối tiếc nhất, trách mình nhiều nhất và nếu có cơ hội để làm lại, anh sẽ làm tốt hơn.  Đó là anh sẽ bày tỏ tình yêu của người chồng với vợ qua những lời tỏ tình đơn giản trong cuộc sống trước khi quá muộn màng.  Ba chữ “Anh yêu em”, hay “I love you” đơn giản vậy thôi, nhưng với anh sao mà khó nói quá, cho dù anh qua Mỹ từ lúc nhỏ, cho dù người anh chất Mỹ nhiều hơn Việt, cho dù anh cưới cô vợ Mỹ, cho dù anh đã nói lời tỏ tình nhiều lần trước khi cưới, cho dù…. thế này, thế kia…  Thực tế phũ phàng là anh đã “quên” không nói lời tỏ tình từ sau khi người ta chịu qùy xuống bái lạy cha mẹ anh.

Đôi lúc anh tự biện hộ cho mình rằng vợ anh phải “tự động” hiểu tình yêu anh dành cho vợ được biểu hiện qua nhiều cách khác nhau.  Những hành động cụ thể như cho vợ xài tiền thoải mái, nhường xe mới cho vợ chạy, đưa vợ đi nghỉ hè mỗi năm, v.v… và v.v… như thế chưa đủ nói lên tình yêu hay sao???  Tự biện hộ cho mình nhưng anh cũng tự phủ định tất cả những lý do anh đưa ra.  Nếu anh không thành thật với chính mình để rút ra bài học, anh sợ sẽ tiếp tục thất bại thêm lần nữa.  Anh không yêu một người điếc và anh cũng chẳng phải là người câm, vậy cái gì đã ngăn cản anh không nói lên lời của con tim?  Đổ lỗi cho văn hóa Việt Nam ư?  Anh lấy Mỹ và đang ở Mỹ mà!  Anh chua chát nhận ra rằng, dù Mỹ hay Việt, Tình Yêu cần phải được nói ra bằng lời – nếu là yêu; cần phải lập đi lập lại nhiều lần – nếu còn yêu; cần phải nuôi dưỡng nó – nếu muốn nó sống sót; cần phải làm mới lại tình yêu mỗi ngày – nếu muốn nó phát triển.  Bài học cay đắng tuy trễ nhưng chưa quá muộn màng với anh.  Cuộc đời anh còn dài, hy vọng anh sẽ tránh được vết xe đổ trong đời sống hôn nhân sau này.  Tôi cầu chúc anh sớm tìm được tình yêu mới, với những thiếu sót trong hôn nhân đổ vỡ đã qua, anh sẽ biết khôn ngoan hơn để gìn giữ hạnh phúc dài lâu trong vòng tay.

*****************************************

Câu chuyện tình buồn với phần kết thúc không có hậu của người bạn, giúp tôi hiểu hơn về giá trị “Lời Tỏ Tình” trong đời sống hôn nhân ngày nay.  Cuộc sống lứa đôi bây giờ đã khác nhiều so với những thế hệ trước.  Hôn nhân không phải là đoạn kết của một cuộc tình, càng không phải là lúc kéo màn kết thúc những “Lời Tỏ Tình” lãng mạn hôm qua.  Hôn nhân là cánh cửa mở ra một chân trời mới.  Tình yêu lứa đôi giờ đây đã đi vào chiều kích sâu đậm hơn, chữ tình bị thử thách nhiều hơn, chữ nghĩa ngày càng chồng chất.  Những từ ngữ xa lạ như bổn phận, trách nhiệm từ đâu ập đến khiến cả hai nhìn nhau bỡ ngỡ.  Vậy mà ở nơi “chiến trường” khốc liệt đó, anh đã quên không nói lên tiếng nói của con tim, để “đối phương” ngỡ ngàng không hiểu sao họ lại bị ràng buộc bên nhau để cùng “chiến đấu”?  Tôi tự hỏi, nếu anh không quên nói lời tỏ tình mỗi ngày, nhất là trong những lúc sóng gió cuộc đời, thì hôn nhân của họ có đổ vỡ hay không?  Không chắc cho một câu trả lời, nhưng chắc hẳn anh sẽ không có gì để luyến tiếc ân hận, vì đã không nói lên tiếng nói của con tim tràn đầy yêu thương với người bạn đời.

“Lời Tỏ Tình” trong đời sống hôn nhân có giá trị là thế, vậy trong đời sống thiêng liêng “Lời Tỏ Tình” có cần thiết không?  Một Thiên Chúa thấu biết mọi sự,“biết cả khi con đứng con ngồi.  Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa…” (TV 139) có cần đến “Lời Tỏ Tình” của tôi không?  Một Thiên Chúa mà khi “miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” có dư thừa không nếu tôi cứ phải nói tiếng yêu với Ngài mỗi ngày?  Ngược lại, tôi có nhất thiết phải được nghe “Lời Tỏ Tình” của Chúa với tôi không dù tôi đã thuộc nằm lòng câu “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một…..”?  Chúa ơi, con biết rồi tình yêu của Chúa dành cho con, và Chúa cũng đã quá rõ tình yêu của con với Ngài, vậy mình có cần trao đổi “Lời Tỏ Tình” với nhau không?

“Lời Tỏ Tình” của tôi chẳng mang thêm vinh quang gì cho Chúa.  Không có “Lời Tỏ Tình” của tôi, Ngài vẫn trung thành với lời giao ước.  Tình yêu của Ngài chẳng bao giờ đổi thay.  Không cần tôi nói lời yêu, Ngài đã yêu, đang yêu và sẽ yêu cho đến cùng.  Chưa kịp nghe chữ yêu, Ngài đã gục đầu xuống tắt thở.  “Lời Tỏ Tình” của tôi với Thiên Chúa Tình Yêu là cho tôi chứ chẳng phải cho Ngài.  “Lạy Chúa, con yêu mến Chúađược lập đi lập lại nhiều lần sẽ nuôi dưỡng tình yêu của tôi lớn lên từng ngày.  Nó giúp tôi ý thức hơn về tình yêu của mình dành cho Chúa, là động lực khích lệ tôi cố gắng sống xứng đáng hơn với tình yêu mà tôi vừa thổ lộ.  Lời Tỏ Tình đó không chỉ giúp tôi cảm nhận được sự hiện diện gần gũi của người mà tôi đang nói lời yêu thương, mà còn giúp tôi chống trả với những cám dỗ trong cuộc sống.  Tình yêu của Chúa dành cho tôi không thể nhiều hơn hay mặn nồng hơn khi nghe tôi nói Lời Tỏ Tình, vì tình yêu của Ngài đã là tận cùng, tột cùng và “đến cùng” rồi (Ga 13:1b).  Nhưng chắc chắn tình yêu của tôi như được tưới thêm nước, có thêm ánh sáng, đất tốt để đơm bông kết trái.  Thiên Chúa có thể “tự động” hiểu tình yêu của tôi dành cho Ngài.  Nhưng tình yêu của tôi với Chúa không thể “tự động” lớn lên, nếu không được chăm bón từng ngày từng phút.   Trên Biển Hồ Ti-bê-ri-a ngày xưa, Chúa đã nghe rồi câu trả lời của Phêrô:  “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”, vậy mà Chúa cứ hỏi đi hỏi lại đến ba lần cùng một câu hỏi “Con có yêu mến Thầy không?”.  Phải chăng Chúa cũng vui và hạnh phúc khi được nghe tiếng tình yêu đáp trả tình yêu, nên Ngài muốn nghe, nghe nữa, nghe hoài những điệp khúc đó?  Phải chăng Ngài cũng từng mòn mỏi mong đợi đến ngày mà “ngươi sẽ gọi Ta: “Mình ơi”, chứ không còn gọi “Ông chủ ơi” nữa.”? (Hs 2,18).

Vâng, tôi cũng biết rất rõ là “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian (trong đó có tôi) đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho trần thế…..”!  Nhưng đó là câu của thánh Gioan viết lại từ 2000 năm về trước trong cuốn Kinh Thánh dày cộm chứ đâu phải lời tỏ tình trực tiếp của Chúa với tôi?  Tình Yêu đâu có chuyện nghe tỏ tình gián tiếp qua người này người nọ?  Tình yêu nghe trực tiếp còn chưa có đất sống chứ đừng nói đến chuyện nghe qua người này người kia.  Tôi tin là Chúa yêu tôi đến nỗi chết cho tôi được sống.  Nhưng con tim của tôi cần phải được cảm nhận tình yêu đó.  Đôi tai tôi cần được nghe trực tiếp Lời Tỏ Tình của chính Chúa nói với tôi, chứ không phải qua thánh Gioan, hay qua bài giảng hùng hồn của một vị linh mục, hoặc qua bài suy niệm ướt át của người khác viết.  Vậy làm sao tôi có thể nghe được tiếng Chúa nói với tôi là Ngài yêu tôi, chính tôi chứ không phải ai khác?  Mà làm sao có thể nghe được tiếng nói của người yêu nếu không dành thì giờ cho nhau?

Lòng khao khát trong Tình Yêu sẽ chỉ cho mỗi người chúng ta biết mình cần phải làm gì để tiếp cận được với người mình yêu, để nghe được tiếng nói của người yêu, để tạo cơ hội cho người yêu nói và để yêu nhau hơn, gần nhau hơn.  Chỉ cần tôi thành thật với chính mình, hãy hỏi lòng mình muốn gì, tìm gì trong cuộc tình này?  Tôi tin là Chúa cũng mong muốn nói lời yêu thương với tôi lắm, Ngài chỉ chờ có cơ hội thôi.  “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2:16).  Còn tôi, tôi có nghiêm túc trong cuộc tình này không, hay chỉ là theo chân đám đông à ơi dí dầu cho qua chuyện.

*****************************************

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho các cặp tình nhân trên thế gian này đều được mãn nguyện sống hạnh phúc bên nhau.  Khi họ đã chọn để cùng sống bên nhau, xin Chúa chúc lành và ban thêm ơn sủng cho các đôi hôn phối, để họ có thể cùng đi với nhau đến trọn đời.  Xin cho mối tình giữa Ngài và con cũng sẽ có một kết thúc đẹp tuyệt vời bên Ngài trong ngày sau hết, để lời cầu nguyện của Ngài được trở thành sự thật “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17:24a).  Amen!

Lang Thang Chiều Tím

Valentine’s Day 2012

TÌNH YÊU LÀ NĂM CHIẾC LÁ

Ngày 14 tháng 2, Giáo hội mừng lễ Thánh Valentinô.  Trong khi đó xã hội lại mừng Ngày Tình Yêu.

Ngày lễ Thánh Valentinô được mừng như Ngày Tình Yêu đã trở nên nhộn nhịp vào khoảng đầu thế kỷ XVI.  Những người yêu nhau viết cho nhau những bức thư tình, gửi tặng cho nhau những đoá hoa hồng.

Khởi sự là Ngày Tình Nhân rồi trở thành Ngày Tình Yêu, ngày lễ Thánh Valentinô trở thành lễ của các mối tình khác nhau.  Năm 1981, các cặp vợ chồng tại Baton Rouge, Louisiana đề nghị thống đốc tiểu bang và Giám mục công bố lễ Thánh Valentinô là “Ngày Hôn Nhân”.  Năm 1983, cả nước Hoa Kỳ và một vài nước khác đã mừng “Ngày Hôn Nhân Thế Giới”.  Ngày này đã được cử hành vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng hai hàng năm.  Tại Việt nam, lễ này mới xuất hiện trong vòng 10 năm qua.  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban phép lành Toà thánh cho những ai tham dự nghi lễ mừng Ngày Hôn Nhân Thế Giới này.

Nhân Ngày Tình Yêu, chúng ta cầu chúc cho các đôi hôn phối sống thuỷ chung, hạnh phúc, trung tín giao ước tình yêu suốt đời.

Tình yêu và hạnh phúc song hành cùng nhau.   Có tình yêu mới có hạnh phúc.  Càng hạnh phúc tình yêu càng dạt dào.

Có bài thơ “Về Năm Chiếc Lá” của Dạ Thảo Phương nói về tình yêu và hạnh phúc.

zzHạnh phúc là một chiếc lá
Âm thầm nảy lộc đêm đông.
Buồn đau là một chiếc lá
Rụng trong nhựa úa mai hồng.
Nhớ mong là một chiếc lá
Run vô cớ giữa lặng không.
Hờn ghen là một chiếc lá
Lay lắt mãi giữa cành không.
Tình yêu chỉ năm chiếc lá
Mà làm thành một cơn giông
.

Bài thơ về năm chiếc lá là khúc hát về tình yêu của muôn người, muôn đời.  Hạnh phúc, buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn, mỗi trạng thái tình yêu ấy ứng với một chiếc lá đời.  Tình yêu muôn thưở vẫn là thứ tình cảm kỳ lạ và khó hiểu.  Khi ngọt ngào hạnh phúc, khi hờn ghen giận dỗi cách vô cớ, lúc lại tin ỵêu mãnh liệt.  Có người đã cho tình yêu là một loại thực phẩm với đủ năm mùi vị: ngọt, đắng, chát, chua, cay.

Nảy mầm từ tình yêu chính là hạnh phúc.  Hạnh phúc là mong ước ngàn đời của con người.  Ai cũng muốn được hạnh phúc.  Ai cũng đi tìm và xây đắp hạnh phúc.

Hạnh phúc là một chiếc lá, âm thầm nảy lộc đêm đông.  Cũng như chiếc lá lặng lẽ vươn mình giữa đêm đông, hạnh phúc con người chỉ có được khi biết dày công chăm nom gìn giữ, biết vượt qua khó khăn thử thách.  Hạnh phúc là quà tặng, là hồng ân, con người phải biết trân trọng, nâng niu giữ gìn những gì mình đang có.  Bởi lẽ, biết đâu rằng giông bão cuộc đời nổi lên cuốn theo chiếc lá hạnh phúc mong manh.

Buồn đau, nhớ mong, hờn ghen, cô đơn là mỗi chiếc lá cảm xúc của tình yêu.  Chiếc âm thầm trong hạnh phúc.  Chiếc rụng úa bởi buồn đau.  Chiếc run lên vì mong nhớ. Chiếc hờn ghen khi vở tắt.  Chiếc cô đơn giữa lặng không.

Tình yêu là năm chiếc lá mà làm thành một cơn giông.  Năm chiếc lá hạnh phúc, buồn đau, mong nhớ, hờn ghen, cô đơn là năm khía cạnh của tình yêu đôi lứa.  Năm chiếc lá ấy dẫu mong manh, bé nhỏ nhưng lại tiềm tàng một sức mạnh lớn lao là làm thành một cơn giông.  Cơn giông của tình yêu đầy sức mạnh.  Tình yêu mạnh hơn sự chết.  Tình yêu là nguồn sống cho đời.  Ai đã một lần yêu mới thấu hiểu tình yêu.  Người mình yêu là lẽ sống trên đời.

Tình yêu rất huyền nhiệm Tình yêu kỳ diệu nó gõ hồn ta vào những giờ không định như Xuân Diệu viết:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu,
có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

Chỉ một lần chạm tay nhau thôi, về nhà đã mang bệnh tương tư:

Hôm qua lỡ chạm tay nhau,
về nhà đó có bị đau không nào,
riêng đây chẳng biết vì sao,
chạm tay lần ấy đau vào đến tim
.

Đau vào đến tim chính là khởi đầu cho những xao xuyến rung động của tình yêu. Khi yêu rồi thì sức mạnh của tình yêu giúp con người vượt qua tất cả mọi thử thách, mọi khó khăn để có nhau:

Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
Yêu nhau bất kể giàu nghèo, dù cho lên ải xuống đèo cũng cam
.

Yêu nhau mọi sự trở nên ngon ngọt:

Thiếp xa chàng ăn vàng cũng đắng,
thiếp gần chàng ăn muối trắng cũng ngon
.

Bài thơ “Lạ chưa” đã diễn tả sự kỳ diệu ấy của tình yêu:

Lạ chưa vẫn ở bên em,
mà anh cứ nhớ cứ thèm gần hơn.
Cứ lo em giận em hờn,
mải mê anh để cô đơn em buồn.
Cớ chi chắp được đôi hồn,
như chim đôi cánh lượn hôn mây trời.
Cớ chi đi suốt đường đời,
như hình với bóng sóng đôi tháng ngày.
Em cười anh cũng vui lây,
em đau anh lại lệ cay xót thầm.
Qua bao xao động thăng trầm,
tâm ca được mấy tri ân không lời.
Tình yêu là thế em ơi,
hai người mà hoá một người trăm năm
.

Tình yêu thật đẹp và thật kỳ diệu.  Vì thế, quyết định sống chung với một người suốt đời là điều hết sức quan trọng.  Quyết định mà không hiểu biết đó là liều lĩnh và mù quáng sẽ dẫn tới bất hạnh.  Sự hiểu biết về mình và đối tượng mình chọn lựa luôn cần thời gian dài khá dài tìm hiểu,thử thách, đo lường.

Thời gian chính là thước đo tình yêu. Chân thật hay giả dối, thuỷ chung hay hời hợt chóng qua, thời gian sẽ xác định cho một tình yêu.  Bởi vậy ông bà chúng ta khôn ngoan khuyên dạy con cháu, cần phải có thời gian dài để tìm hiểu kỹ lưỡng rồi mới tiến tới hôn nhân.

Ngày nay, người ta yêu nhau vội vàng, cưới nhau vội vã và bỏ nhau cũng mau chóng.  Vì chưa hiểu nhau và chưa có đủ thời gian để tình yêu nên sâu đậm. Tựa như tình yêu hờ hững mà Mỹ Tâm hát trong bài ca “Hát với dòng sông”:  tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc.  Yêu nhau mà không mong đợi, không hối tiếc thì đâu phải là yêu thật tình.

Các đôi vợ chồng cũng cần có thời gian dành cho nhau.  Cảm thông, chia sẽ những khó khăn vui buồn của nhau trong cuộc sống.  Khi người vợ quá lo lắng về con cái.  Bận rộn cơm áo gạo tiền.  Họ tự bó chặt trong những thứ vụn vặt ấy.  Khi người chồng bị cuốn hút trong công việc và bè bạn.  Họ không còn dành thời gian cho vợ con.  Đó là những nguy hiểm cho rạn nứt và bất hoà gia đình.  Cần lắm thời gian vợ chồng dành cho nhau, cho gia đình mình.

Sách Sáng Thế định nghĩa: Thiên Chúa là Alpha và Omêga,là khởi nguyên và cùng tận.  Điều ấy có thể diễn tả cách khác: Thiên Chúa là thời gian.

Thánh Gioan xác định: Thiên Chúa là tình yêu.

Thiên Chúa là thời gian và là tình yêu.  Như thế tình yêu và thời gian song hành là một.  Sống trong Thiên Chúa là sống để yêu và sống trong thời gian là yêu để sống.  Kẻ sống trong Thiên Chúa là người biết quý chuộng thời gian.

Con người không làm chủ được thời gian.  Quá khứ đã qua rồi.  Tương lai chưa tới.  Chỉ còn hiện tại. Hiện tại là thời gian quý nhất mà con người có trong tay.  Sự giàu có của chúng ta là giây phút hiện tại.  Trong Phúc âm, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta hãy sống giây phút hiện tại.  Kinh Lạy Cha,Chúa dạy: Xin Cha cho chúng con hôm nay và nhắc nhở rằng, ngày nào cũng có sự lao nhọc, cũng có niềm vui của ngày đó.

Sống giây phút hiện tại bằng yêu thương chính là hạnh phúc.

Cầu chúc cho những người đang yêu, những đôi vợ chồng đã yêu luôn sống hạnh phúc.  Cho dẫu tình yêu như năm chiếc lá buồn đau nhớ mong hờn ghen cô đơn thì hạnh phúc vẫn luôn là chiếc trên cành mãi màu xanh.  Xanh hy vọng.  Xanh niềm vui và sự sống.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

BỆNH PHONG TÂM HỒN

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong đạo Do thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị coi như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

zzMột lần nữa, Đức Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Đức Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Đức Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do Thái.

Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.

Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Đức Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Đức Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh. Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Đức Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Đức Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Đức Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội. Đức Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Đức Giêsu đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Đức Giêsu. Người sẽ xóa đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.

Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Đức Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Nước ta đang quyết tâm thanh toán bệnh phong vào cuối năm nay. Xứ đạo ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xóa đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kỵ. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.

Lạy Đức Giêsu, xin cứu độ chúng con. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt