ĐỨC KITÔ ĐANG RÉT VÀ ĐÓI

Thầy yêu mến!

Năm nay lần đầu tiên con không về quê ăn tết bên gia đình, những ngày tết xa nhà thỉnh thoảng con cũng chạy ra đường lững thững cho đỡ buồn và vì thế con có thời gian quan sát mọi người ở bên ngoài kỹ hơn.

Con đã nhìn thấy Thầy đang nằm co quắt bên vỉa hè trong hình ảnh của một người trung niên dáng hao gầy ốm nheo nhắt.  Con thầm thĩ tạ ơn Thầy vì ở ngoài quê con có một ngôi nhà tuy không phải biệt thự hay nhà lầu nhưng con vẫn còn có chỗ trú mưa tránh nắng, và con sẽ không phải chịu cảnh rét mướt trong những ngày mùa đông này, vì con còn có một mái nhà che chắn.

Đi một đoạn nữa con lại bắt gặp Thầy trong hình ảnh một người chị gái với hai bàn chân bị cụt ngủn trong tay cầm vài tờ vé số bên cạnh cột đèn đỏ ở một ngã tư đông người qua lại.  Con tạ ơn Thiên Chúa vì con có một đôi chân khỏe mạnh để con có thể bước đi bằng chính đôi chân của mình.  Nhưng xin Chúa đừng chấp phạt con vì có khi con đã dùng đôi chân mà Chúa ban cho con mà đi sai đường lối Chúa.

zzCòn biết bao nhiêu mảnh đời như thế nữa mà con chưa gặp, con biết là còn nhiều lắm!  Nếu ai đó hỏi con, bạn làm đã được gì cho những người bất hạnh đó – con sẽ cúi mặt xuống đất mà lặng im.  Vì con chưa làm được gì cho họ.  Nếu có ai nữa hỏi con, bao giờ thì sẽ không nhìn thấy những cảnh đời bất hạnh như thế?  Con cũng sẽ lắc đầu – vì con cũng không biết trả lời câu hỏi này.  Nhưng nếu có ai hỏi con, họ là ai?  Con sẽ trả lời được ngay – Đó là Đức Giê-su!

Thầy yêu mến!  Thầy vẫn đang đói, Thầy vẫn đang hứng chịu cái rét ngoài kia khi những cơn gió bấc đang gào thét tràn về.  Thầy vẫn còn đó trong những mảnh đời kém may mắn.  Mà đã có những khi trái tim của con chưa đủ lớn để yêu, để đồng cảm, để chia san.  Nhưng con đã đi qua họ như chẳng hề liên quan đến mình.  Chắc lúc đó Chúa buồn lắm vì đã bị con bỏ qua cách vô tình như thế.  Đừng giận con Thầy nhé!

Xin cho con biết đồng cảm với họ bằng ánh mắt yêu thương, ánh mắt của Thầy – chứ không phải là ánh mắt khinh bỉ, hay chế nhạo.  Con cảm tạ Thầy vì đã cho con nhìn thấy những người anh chị em kém may mắn đó.  Xin cho con biết dùng lời cầu nguyện để làm khí cụ an ủi, chia sẻ và đồng hành với nhũng người anh em đó.

Gửi Thầy Giê-su yêu mến của lòng con!

Con Dom Stone

***************************************

Lạy Chúa,
Chúa là nguồn gốc,
Chúa là Cha của tất cả chúng con,
của chính con,
Của mỗi người trên thế gian này.
Bao lâu còn có loài người trên mặt đất
Chúa để cho con người
Tìm thấy Chúa
Cách bất ngờ
Bất cứ ở đâu.
Chúng con cầu xin Chúa
Cho chúng con trở nên những con người mới,
Đầy sức sáng tạo,
Can đảm bắt đầu tiến lại gần nhau,
Mỗi ngày thêm một chút,
Ngõ hầu gặp nhau
Trong Nhà Chúa
Hôm nay và mọi ngày trong đời chúng con.  Amen!

H. Oosterhuis

CÂY DÙ CỦA NIỀM TIN

Những cánh đồng nứt nẻ vàng úa vì thiếu mưa, mùa này rũ xuống vì thiếu nước.  Người ta lo lắng và cáu kỉnh khi nhìn lên bầu trời kiếm tìm một tín hiệu đổi thay.  Qua bao tuần lễ khô cằn, trời vẫn chưa mưa.

Chúa nhật sau, các thừa tác viên trong nhà thờ địa phương kêu gọi làm giờ cầu nguyện trên quảng trường thành phố.  Họ yêu cầu mỗi người đem theo niềm tin làm nguồn cảm hứng.

Vào giữa trưa một ngày thứ bảy được định trước, những người dân thành thị tập họp thành đám đông đầy quảng trường, với những khuôn mặt lo lắng và con tim tràn trề hy vọng.  Các thừa tác viên cảm động nhìn những đối tượng khác nhau xiết chặt tay lại để cầu nguyện.  Những cuốn sách thánh, những tượng thánh giá, những cỗ tràng hạt …

Khi giờ cầu nguyện kết thúc, như có một mệnh lệnh thần diệu nào đó, một cơn mưa nhỏ bắt đầu rơi.  Những tiếng hoan hô xuất phát từ đám đông trong khi họ giơ lên cao những vật quý giá của họ, để biểu lộ niềm vui sướng và tạ ơn Thiên Chúa vì kỳ công Ngài đã làm.  Từ giữa đám đông, một biểu tượng đức tin dường như che khuất tất cả những cái khác:  Một đứa bé chín tuổi đã đem theo một cây dù!

Laverne W.Hall

*********************

Chúa Giêsu sau khi sống lại, Người hiện ra với các Tông Đồ lần thứ hai trong đó có Tôma, Người đã nói với Tôma “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin, phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20,29).  Niềm tin của người Kitô giáo dựa trên nền tảng của mầu nhiệm đức tin.  Hằng ngày khi tham dự thánh lễ, trên bàn thờ khi linh mục đọc lời truyền phép, hình bánh và hình rượu sẽ trở thành Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, tuy đôi mắt bình thường chúng ta thấy vẫn chỉ là hình bánh miến là chén rượu nho, nhưng trong mầu nhiệm đức tin người Kitô hữu tin nhận đấy chính là Mình Máu Thánh Chúa.  Vì thế sau lời truyền phép, linh mục đọc lời tuyên xưng “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Đây chính là phép lạ tôi được chứng kiến hằng ngày trên bàn thờ mỗi khi tham dự Thánh Lễ.  Phép lạ đòi hỏi tôi phải có một đức tin tuyệt đối.  Chúa Giêsu đã nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”  Nhưng đức tin của người Công Giáo phải được thể hiện cụ thể bằng chính hành động, chứ không phải trên lý thuyết sách vở.  Qua sách Tin Mừng tôi thấy được việc cộng tác và hành động của mỗi sự việc để làm nên phép lạ:

–  Những gia nhân đã tin và vâng theo lời Chúa nói: ‘Hãy kín nước đổ đầy vào vò”. Sự cộng tác của họ đã làm thành phép lạ đầu tiên trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa. (Ga 2,1-11)

–  Anh chàng thanh niên mù từ thuở mới sinh đã phải đến hồ Silôác để rửa thì đôi mắt anh mới được sáng. (Ga 9,11b)

–  Các Tông đồ sau một đêm mệt mỏi ở ngoài khơi mà chẳng bắt được con cá nào, sau đó Chúa Giêsu đã nói hãy thả lưới bên hữu thuyền, trong niềm tin các ông đã hành động làm theo lời của Thầy, kết quả là một mẻ lưới lạ, thuyền đầy ắp những cá, nhiều đến nỗi lưới của của các ông sắp rách. (Ga 21,4-6)

–  Trong niềm tin và hành động của vị sĩ quan La-mã, ông không ngại đến với Chúa vì mình là người ngoại giáo, ông đã mạnh dạn thưa với Chúa chỉ cần Người phán một lời, thì người hầu bệnh tật của ông đang ở nhà sẽ được lành mạnh. (Lc 7, 1-10)

–  Niềm tin và hành động của người phụ nữ bị bệnh loạn huyết, bà nghĩ chỉ cần chạm vào gấu áo của Chúa thôi, bà tin bệnh của bà sẽ được lành. (Mc 5,25-34)

Nói chung khi Chúa làm một phép lạ nào, Người đều muốn người đó phải thực sự có niềm tin và cộng tác cùng với Người.

Trời nắng hanh khô cằn mang theo dù là một điều hiển nhiên, vì cây dù là công cụ giúp tôi che cả nắng lẫn mưa.  Câu chuyện ở trên, mục đích em bé đem theo cây dù là để che nắng hay che mưa?  Vì thời tiết của giờ cầu nguyện là giữa trưa nắng, nhưng ở đây đã phản ánh lên được niềm tin của em, vì em tin rằng lời cầu nguyện của cả một tập thể sẽ được Chúa nhận lời.  Tôi nghĩ rằng em đem theo cây dù chính là một hành động để khẳng định niềm tin vững mạnh của em.  Từ đây tôi rút ra một bài học:  Một khi muốn lời cầu nguyện được Chúa chấp nhận, hãy cầu nguyện bằng chính hành động của mình.

Trong cuộc sống đã biết bao những ơn lành Chúa đã ban cho tôi, đó chính là những phép lạ Chúa đã làm cho tôi, cảm nghiệm được từ trong cuộc sống: qua những việc làm hằng ngày, từ việc lao động để tìm kế sinh nhai hay trong việc phục vụ tông đồ, nếu không có Chúa đồng hành thì tôi chẳng làm được gì cả, tôi tin Chúa đang cùng bước bên tôi như trong ý tưởng của câu chuyện Footprint đã được tác giả Thông Vi Vu phổ nhạc “bao nhiêu dấu chân qua bấy nhiêu niềm cảm tạ, đôi khi có những bước phôi pha mà hình bên bóng chẳng rời xa.  Hôm nao thấy dấu chân đôi đó là Chúa đi bên tôi.  Hôm nào còn một dấu chân thôi, là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi”.

*********************

523Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết trân trọng những điều Chúa đã làm cho cuộc đời con; con xin cám ơn Chúa qua những hồng ân và của cải vật chất Chúa đã ban cho con; cùng nguyện xin Chúa cho con biết sử dụng những gì Chúa đã ban cho con, để con biết chia sẻ cho những người nghèo khổ, biết nhiệt thành trong việc đem Lời Chúa đến với mọi người, sẽ là một công cụ hữu hiệu để làm chứng nhân cho Chúa giữa đời thường này.  Amen!

Pet. PBH

 

MA QỦY THỜI ĐẠI MỚI

Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người. Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng. Trong cuộc chiến với ma quỷ, con người không phải là địch thủ ngang tài đồng sức, nên thường thua cuộc. Ngay trong trận chiến đầu tiên, hai ông bà nguyên tổ đã thua mưu chước ma quỷ. Từ đó, con người chẳng thể nào tự mình thoát được nanh vuốt ma quỷ giam hãm.

ZZĐức Giêsu đến mở đầu một kỷ nguyên mới: Nước Thiên Chúa đến chiến thắng nước ma quỷ. Ngay khi Đức Giêsu xuất hiện, ma quỷ mở lại bài cũ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường kiêu ngạo, phô trương, cậy sức mình, ham hố danh, lợi, thú. Nhưng ngay trong lần đầu tiên giáp chiến, ma quỷ thất bại nặng nề. Đức Giêsu đã toàn thắng vì Người cương quyết đi theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, sống khiêm tốn, đơn sơ, khiêm nhường, phó thác. Từ đó, Đức Giêsu đi đến đâu là khuất phục ma quỷ, giải thoát con người đến đấy.

Đọc Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, ta thấy Đức Giêsu giải thoát con người ở các khía cạnh sau đây:

Người trực tiếp giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của satan. Hôm nay, Người xua đuổi thần ô uế công khai trước mặt mọi người trong hội đường. Lần khác, Người xua đuổi cả một đạo quân quỷ dữ. Chúng đã xin nhập vào đàn heo đang ăn bên bờ biển, và cả đàn heo lăn xuống biển chết hết.

Người gián tiếp giải thoát con người khỏi ách thống trị của satan qua việc chữa bệnh. Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là dấu chỉ của tội lỗi. Vì thế, người bệnh là người sống dưới ách satan. Đức Giêsu đã chữa lành rất nhiều người bệnh. Nhiều lần Người nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”.

Người tha thiết với việc cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, nên Người thường lui tới với những người thu thuế. Người không chỉ nói lời tha thứ bên ngoài, nhưng thực sự hoán cải họ từ bên trong.  Nhất là Người giải thoát họ khỏi những mặc cảm và giúp họ tái hội nhập vào đời sống cộng đoàn.

Qua những việc làm của Đức Giêsu, ta thấy Người không chỉ giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của ma quỷ mà còn quan tâm cứu chữa con người khỏi những thế lực đen tối của chúng.

Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp tục, nên Đức Giêsu khi sai các Tông đồ đi rao giảng, vẫn luôn kèm theo mệnh lệnh xua đuổi ma quỷ. Hôm nay, Người sai chúng ta tiếp bước các Tông đồ, đi chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy, nhưng chúng ẩn nấp trong các sự dữ, sự ác còn tồn tại trên thế giới.

Có thứ quỷ nghèo đang trói buộc con người, không cho họ sống một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Có thứ quỷ đói đang giết chết nhân loại dần mòn. Có thứ quỷ dốt giam cầm những người thất học trong tù ngục tối tăm. Có thứ quỷ bệnh không ngừng hành hạ và đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.

Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.

Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.

Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy cùng nhau xua đuổi quỷ đói, quỷ nghèo ra khỏi thế giới. Hãy góp phần tích cực diệt trừ quỷ dốt, quỷ bệnh ra khỏi xã hội con người.

Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ.

Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.

Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp. Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

 

LỜI CHÚC TRƯỜNG THỌ, AN KHANG, HẠNH PHÚC

Một giáo sư nọ cho đăng trong mục nhắn tin của một tờ báo tại New York những dòng sau đây:

Tìm một số phi hành gia để thực hiện một chuyến du hành vũ trụ.  Chuyến đi sẽ kéo dài 12 tháng bên ngoài quỹ đạo trái đất.  Khi chuyến đi kết thúc, quí vị sẽ trải qua 240 năm.

Ðược tin trên đây, có tới 164 người ghi danh vào cuộc du hành vũ trụ.  Vị giáo sư liền cho tổ chức một buổi học tập để giải thích rõ ràng hơn những điều kiện cũng như những ích lợi và mất mát mà chuyến đi có thể gây ra cho phi hành đoàn.  Ông nói như sau:

Khi quí vị trở về trái đất, quí vị chỉ già hơn có một tuổi mà thôi.  Nhưng thời gian sẽ dài bằng một triệu ngày trên trái đất.  Nói cách khác, khi trở về trái đất, quí vị sẽ không còn gặp lại được bất cứ một người nào đã từng sống với quí vị bây giờ đây.

Sau những lời giải thích ấy của vị giáo sư, tất cả 164 người đều rút tên ra khỏi danh sách.  Và như vậy, không còn một người nào dám tham gia cuộc du hành vũ trụ kéo dài 12 tháng của ông.

******************************

zzQuý vị và các bạn thân mến,

Chúng ta lại sắp bắt đầu một năm mới.  Cùng với hai chữ “Trường Thọ”, người ta còn chúc nhau được “An Khang, Hạnh Phúc”.   Quả thực, được sống lâu là điều ước mơ rất tự nhiên của con người, ước mơ ấy gắn liền với sự sống.   Bao lâu còn sống là bấy lâu còn mong mỏi được sống lâu.  Nhưng chiều dài của cuộc sống chưa hẳn làm nên phẩm chất của sự sống.  Sống lâu trong bệnh hoạn và tuổi già cô đơn chỉ chồng chất thêm khổ đau cho con người mà thôi.  Thành ra, cùng với trường thọ, chúng ta lại chúc nhau an khang hạnh phúc.   Có sống an khang hạnh phúc, tuổi thọ mới có ý nghĩa và đáng sống.

Một trăm sáu mươi bốn người ghi danh vào cuộc du hành vũ trụ tưởng tượng trên đây đã có lý để bỏ cuộc khi biết rằng: khi trở về trái đất, họ sẽ không còn gặp lại những người đã từng sống với nhau, nhất là những người thân thương ruột thịt của họ.   Ra khỏi trái đất trong vòng 12 tháng để được sống thêm 240 năm nữa để làm gì nếu khi trở lại trái đất ấy người ta sẽ mất hết những người thân và trở thành những người xa lạ.

Như vậy, an khang và hạnh phúc đích thực chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với người khác mà thôi.  Con người chỉ cảm thấy an khang và hạnh phúc khi các mối quan hệ giữa họ luôn được hài hòa, phẩm chất của đời sống không tùy thuộc vào những năm tháng với những của cải tích lũy hay công trình xây dựng được, mà do chính mối quan hệ hài hòa con người xây dựng được với những người chung quanh mà thôi.

Thế giới có tốt đẹp hơn không hẳn do những tiến bộ kỹ thuật và sự gia tăng những tiện nghi vật chất.

Thế giới có tốt đẹp hơn và trở thành một nơi đáng sống khi mối quan hệ giữa người với người được hài hòa hơn mà thôi.   Chính vì thế mà khởi đầu một năm mới, các vị Giáo hoàng thường gởi cho thế giới một sứ điệp hòa bình.

Thế giới chỉ bước vào một năm mới và một giai đoạn mới tốt đẹp hơn khi con người còn có quyết tâm xây dựng hòa bình.

Một năm mới chỉ đáng trân trọng và đón chào bằng thiện chí muốn xây dựng hòa bình mà thôi.   Và dĩ nhiên, cuộc sống chỉ thực sự đáng sống và mang lại an khang hạnh phúc cho con người bao lâu nó còn biết cam kết đi vào quan hệ hài hòa và tốt đẹp với mọi người mà thôi.

Nguyện cho sự bình an của Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta bước vào một năm mới với cam kết xây dựng hòa khí bất cứ nơi nào chúng ta đang sống.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho chúng con bước vào một năm mới.  Con Một Chúa đã càng lớn lên càng thêm khôn ngoan và ân sủng.

Xin cho chúng con càng thêm tuổi cũng càng được lớn lên trong ân sủng của Chúa và sống sung mãn hơn sự sống mà Chúa đã ban tặng cho chúng con.  Amen!

R. Veritas

 

 

MỖI NĂM MỚI, MỘT CUỐN SÁCH MỚI!

zzTôi còn nhớ rõ, cách đây ba năm, vào ngày cuối năm tất cả các Linh mục trong toàn Giáo phận chúng tôi, khoảng 1200 vị, lần đầu tiên được mời về Tòa Giám Mục để ăn Tất Niên với Ðức Giám Mục Giáo phận và bốn GM phụ tá cũng như các chức sắc của Tòa GM.  Vào cuối buổi gặp gỡ Ðức Giám Mục đã tặng mỗi Linh mục một cuốn sách được gói lại rất cẩn thận.  Riêng tôi khi nhận được quà của Ðức Giám Mục, tôi rất hãnh diện và cũng rất tò mò là không biết tựa đề cuốn sách là gì và nội dung ra sao.  Tôi chỉ đoán là chắc chắn nó phải có một ý nghĩa đặc biệt nào đó, vì là quà của Ðức Giám Mục Giáo phận kia mà!  Khi về đến nhà, tôi bèn mở gói quà ra xem, thì quả thật là một cuốn sách rất đẹp, được đóng bìa da và mạ vàng trông rất quí giá, nhưng lại không có tựa đề và trong sách cũng chỉ là những tờ giấy trắng bỏ trống, chứ không được in hay được viết gì vào đó cả.  Tôi vô cùng ngạc nhiên!  Tôi bèn thử đếm số trang của cuốn sách thì tất cả là 365 trang, đúng với số ngày của một năm.  Sau một hồi lâu ngẫm nghĩ tôi đã rất vui mừng, vì đã khám phá ra được ý nghĩa cao sâu của món quà. Vâng, cuốn sách đó đối với tôi, ngoài mục đích xử dụng, nó còn là một món quà mang đầy nghĩa của một Năm Mới!  Ðúng vậy, trong ngày đầu năm Thiên Chúa trao cho tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta một cuốn sách mới với 365 trang giấy trắng tinh, chưa hề được viết gì vào đó cả.  Nhưng trước khi chúng ta được nhận cuốn sách mới, nhất thiết chúng ta phải trao “tận tay” Thiên Chúa cuốn sách cũ mà Người đã giao cho chúng ta trong năm vừa qua.

Dĩ nhiên, trước khi trao trả lại cho Thiên Chúa cuốn sách cũ đã được “ghi chép” đầy những sự kiện của cuộc sống trong suốt năm vừa qua, chúng ta cần phải tìm cho mình những giây phút thật yên tĩnh qua Thánh Lễ Misa hay Giờ Chầu Ðền Tạ cuối năm, để lật lại từng trang mang đậm những dấu ấn của con người chúng ta.  Tất cả những biến cố đã được ghi lại trong cuốn sách đời chúng ta, chắc chắn là những điều vui mừng đầy ấn tượng, nhưng bên cạnh đó cũng có những điều buồn hay không được vui lắm, và rất có thể là những điều làm chúng ta phải ân hận khi nhớ lại.  Vâng, những điều đã mang đến cho chúng ta những giờ phút hạnh phúc và vui sướng như các thành quả tốt đẹp trong công cuộc làm ăn, học hành thi cử, những ngày nghỉ hè vui, hay may mắn thoát khỏi một rủi ro nào đó, được bình phục sau cơn hoạn nạn.  Còn những điều buồn làm chúng ta phải đăm chiêu suy nghĩ và nuối tiếc, như những ngày đau ốm, thất bại, thua lỗ, hay mất đi vĩnh viễn người thân yêu, v.v…  Cuối cùng trên những trang giấy sổ đời của chúng ta trong năm qua có lẽ cũng đã ghi những điều đen tối làm cho chúng ta khi xem lại cũng vẫn cảm thấy đau lòng, thẹn thùng và hối hận.  Ðó là những yếu đuối, những sa ngã, những lỗi lầm, những điều làm phiền lòng Thiên Chúa và anh chị em đồng loại của mình!

Tất cả những sự cố đó đã được ghi rõ trên 365 trang của cuốn sách mà Thiên Chúa đã đặt vào tay mỗi người chúng ta vào ngày đầu của năm trước.  Những gì vào đầu năm ngoái còn là một tương lai mờ mịt, chưa biết được, thì nay lại thuộc vế quá khứ rồi!  Chúng ta không được phép coi thường vất bỏ cuốn sách năm cũ được ghi chép đầy những sự kiện đời chúng ta, nhưng phải thận trọng giữ gìn và cung kính dâng lại cho Thiên Chúa!

Và ngày đầu năm hôm nay chúng ta lại được trao cho một cuốn sách mới với 365 trang giấy trắng. Những trang giấy trắng đó sẽ lần lượt được ghi chép đầy đủ những sự kiện của đời chúng ta trong năm mới này.  Chính Thiên Chúa cũng sẽ viết lên đó những giòng chữ của những an bài của Người.  Cả những người đồng loại trong xã hội và những sự kiện của thời gian cũng sẽ viết lên đó phần đóng góp của mình.  Nhất là chính chúng ta, chúng ta sẽ cẩn thận lần lượt ghi lên từng hàng kẻ của những trang giấy trắng tất cả những gì xảy ra cho chúng ta, với những ý nghĩ, lời nói và hành động.  Nhưng tiếc thay, chúng ta vẫn luôn là những con người yếu đuối, với bao thiếu sót và bất toàn.

Trong ngày đầu năm hôm nay, chúng ta mong ước và cầu xin cho những trang giấy trắng của cuốn sách đời chúng ta trong năm mới này được ghi chép đầy đủ và chỉ có những sự kiện vui mừng mà thôi. Có lẽ ngay trong ngày Ðầu Xuân này đã có một số trang nào đó trong ba trăm sáu mươi lăm trang của cuốn sách, chúng ta đã dành để ghi những dự định và những mong ước đặc biệt mà chúng ta đã có sẵn kế hoạch rồi.  Ðó là những ngày Sinh Nhật của những người thân, ngày lễ thánh Quan Thầy, ngày Cưới Hỏi, ăn mừng Thượng Thọ, ngày mừng Ngân-Kim-Ngọc Khánh Hôn Phối hay Chịu Chức Thánh, v.v…  Các bạn đang vui mừng chờ đón đứa con đầu lòng, đứa con thứ sắp sinh?  Các bạn là sinh viên hay học sinh đang soạn sữa thi tốt nghiệp?  Hoặc các bạn đang soạn sửa về hưu?

Vâng, còn có biết bao nhiêu sự cố kèm theo những suy nghĩ và vấn nạn, những chờ đợi và ước mong, và cũng rất có thể kèm theo cả những lo lắng sợ hãi, sẽ được ghi lên những trang giấy trắng của cuốn sách mới.  Vậy, trước hết chúng ta có thể làm được gì tốt hơn là chạy đến cùng Thiên Chúa với những nguyện ước hợp lý và với tâm tình tin tưởng và phó thác?

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là: Liệu chúng ta có thể viết lên trên tất cả các trang của cuốn sách cho đến trang cuối cùng mang số 365 không?  Dĩ nhiên chúng ta ước mong và cầu chúc cho nhau điều đó!  Nhưng một điều chắc chắn là sẽ có nhiều người trong số những người khỏe mạnh và đau ốm hôm nay đang mừng Tân Xuân sẽ không thể tiếp tục mỗi ngày ngồi ghi chép vào cuốn sách được nữa.  Rất có thể người này kẻ nọ trong chúng ta chỉ ghi được đến trang thứ 100, 182 hay 347 và chấm tận! Những người còn trẻ trung và khỏe mạnh thường có nhiều khả năng hơn để viết vào cuốn sách cho tới trang cuối cùng, nhưng tuyệt đối không một ai có thể bảo đảm được 100% là những người đó sẽ nhất định lật đến trang cuối cùng của cuốn sách cũ và gấp lại để nhận cuốn sách mới khác!

Còn một điều chắc chắn cuối cùng nữa là tất cả những cuốn sách ghi sổ đời chúng ta, dù được ghi chép đầy các trang hay chỉ ghi được một số trang nào đó, tuyệt đối không bị ném vào đống giấy vụn hay bị đốt phá, nhưng là được trao lại cho Thiên Chúa.  Ðiều đó có nghĩa vừa là một điều vui mừng phấn khởi và đầy an ủi cho người này, nhưng đồng thời cũng rất có thể là sự kinh sợ và đáng tiếc cho kẻ khác vì tất cả đã quá muộn và lỡ làng rồi!

Nhưng tất cả chúng ta đều thâm tín một cách chắc chắn rằng chúng ta không cần phải chờ cho tới khi phải trao trả lại cuốn sách cũ cho Thiên Chúa và hồi hộp chờ kết quả của án lệnh công minh của Người, nhưng ngay trong ngày Ðầu Xuân của năm mới này chúng ta đã có thể biết trước được kết quả của án lệnh đó rồi:  Tất cả đều tùy thuộc vào những gì chúng ta ghi chép vào cuốn sách!

Chúc bạn một năm mới nhiều ơn Chúa và mọi may lành trong cuộc sống, và dĩ nhiên cầu chúc cho cuốn sách mới của đời bạn sẽ chỉ được ghi những sự kiện tích cực!

Lm. Nguyễn Hữu Thy

 

ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI

Nhiều lần đài phát thanh, truyền hình, trong mục nói về giáo dục trẻ em, giới thiệu chương trình hoạt động của anh Thảo Đàn ở thành phố Hồ chí Minh. Trước đây, Thảo Đàn là một trẻ của đường phố, bỏ nhà đi lang thang bụi đời, tệ hơn nữa, vướng vào nghiện hút. Nhưng khi hiểu được tác hại của ma tuý, anh quyết tâm cai nghiện. Với ý chí cương quyết, anh đã hoàn toàn dứt bỏ được ma tuý. Chừa được ma tuý rồi, anh không chỉ hài lòng với việc làm lại cuộc đời cho bản thân, nhưng còn muốn dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các trẻ em đường phố. Với sự hỗ trợ của Nhà Nước và các tổ chức từ thiện, anh mở ra một trung tâm qui tụ 200 trẻ em đường phố. Tại đây, anh giáo dục cho các em hiểu biết những nguy hiểm đang rình rập các em, giúp các em bảo vệ quyền lợi của mình và nhất là tìm cách đưa các em hội nhập vào đời sống xã hội.

Điều mà Thảo Đàn đã làm cho bản thân mình và đang muốn làm cho các trẻ em đường phố, đó là đổi mới đời sống. Không biết anh có đạo hay không, nhưng anh đang thực hiện Lời Chúa trong các bài sách thánh hôm nay. Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Gio-na kêu gọi dân thành Ninivê đổi mới đời sống để được tha thứ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi dân Do thái đổi mới đời sống để đón nhận Nước Chúa đang đến. Đáp lại lời Người, các môn đệ bước theo Đức Giêsu trong một đời sống mới. Cuộc đổi mới được tiến hành qua ba bước.

Bước thứ nhất: Nhận biết mình tội lỗi.

Tội lỗi như một cơn mê làm ta đắm đuối không nhận biết tình trạng tâm hồn của mình. Muốn đổi mới, cần phải thức tỉnh, nhìn rõ sự thực về mình, thấy rõ tình trạng tội lỗi, hiểu biết sự nguy hại của tội. Thảo Đàn bừng tỉnh sau những lầm lỡ, nhận thức mình đang đứng bên bờ vực thẳm, nên đã kịp dừng chân. Dân thành Ninivê, sau khi nghe tiên tri Giona rao giảng, ý thức về tình trạng nguy ngập của thành, nên đã chấm dứt tình trạng tội lỗi. Để biết rõ tình trạng tâm hồn, để nhận biết tội lỗi, cần phải siêng năng xét mình. Xét mình giống như ngọn đèn pha soi vào tất cả những ngõ ngách trong tâm hồn, phơi bày ra tất cả những gì còn ẩn giấu. Xét mình giống như cái cuốc đào bới những tầng lớp sâu thẳm của tâm hồn để lộ ra những tội lỗi còn bị thời gian, sự quên lãng và sự vô tình vùi lấp.

Bước thứ hai: Sám hối.

Khi đã nhận biết tội lỗi, tâm hồn phải tiến tới một thái độ tích cực hơn, đó là sám hối. Nhận thức tội lỗi giống như ta nhìn thấy một căn nhà rác rưới bẩn thỉu. Sám hối là bắt tay vào quét dọn sạch sẽ. Sám hối như giòng nước gột rửa linh hồn. Sám hối như chiếc dao mổ của bác sĩ cắt bỏ những ung nhọt gieo mầm mống bệnh tật. Sám hối càng mãnh liệt, tội lỗi càng lùi xa. Sám hối càng sâu xa, linh hồn càng mau chóng hồi sinh. Nhờ sám hối sâu xa, Thảo Đàn đã từ bỏ con đường nghiện ngập. Nhờ sám hối mãnh liệt, dân thành Ninivê đã bảo nhau, từ người già đến em bé đều xức tro, ăn chay cầu nguyện, quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi. Tâm hồn sám hối là tâm hồn được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận ơn Chúa.

Bước thứ ba: Đổi mới cuộc đời.

Sám hối chân thành bao giờ cũng đi đến đổi mới cuộc đời. Vì sám hối là muốn đoạn tuyệt với con đường xưa cũ để bước vào một con đường mới. Vì tâm hồn sám hối không những muốn sửa chữa lại những lỗi lầm quá khứ mà còn quyết tâm xây dựng một tương lai tươi mới,trong sạch hơn, tốt đẹp hơn, ích lợi hơn. Vì muốn hoàn toàn đổi mới, Thảo Đàn không chỉ tránh xa nhưng còn dấn thân giúp người khác đâú tranh chống tệ nạn xã hội. Vì muốn đổi mới cuộc đời, các tông đồ đã từ bỏ nếp sống cũ, từ giã những người thân, bỏ hết tài sản để lên đường đi theo Chúa. Con đường mới là con đường theo thánh ý Chúa, con đườngzz dẫn ta đi trong tình yêu mến Chúa và yêu mến anh em. Tình yêu mến sẽ làm cho đời sống ta có ý nghĩa và trở nên phong phú vì sẽ đem lại những hoa quả thiêng liêng. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ đón nhận được Nước Chúa đang đến. Bước đi trên con đường mới, ta sẽ góp phần đem Nước Chúa đến với anh em.

Đầu năm mới, ai cũng có ước mong mọi sự mới mẻ. Không gì đẹp hơn một tâm hồn đổi mới. Để đổi mới tâm hồn, ta hãy nhận biết tội lỗi và ăn năn sám hối. Với ơn Chúa giúp và với quyết tâm đổi mới, ta sẽ nhìn thấy những việc cần phải làm. Với những việc làm do Chúa Thánh Thần hướng dẫn, ta sẽ thực sự bước vào Năm Mới với cả tâm hồn đã được đổi mới.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới mọi sự trong ngoài của chúng con.

TGM. Ngô Quang Kiệt

 

LỜI CUỐI

Trong cuộc sống,

Đôi khi ta phải biết nhìn xuống để thông cảm cùng người khác.  Không nên lúc nào cũng nhìn lên để oán đời và thù hằn số phận.

Năm thứ hai trường nữ hộ sinh, lớp tôi phải làm bài kiểm tra.  Các câu hỏi không có gì là khó, duy câu cuối cùng làm tôi bật ngửa: “Chị cho biết tên của bà lao công trong trường ?”.

Kỳ cục!

Bà lao công có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ?  Ngày nào mà tôi chẳng gặp bà: Bà già lắm, mặt nhăn nheo khắc khổ, hầu như suốt ngày chỉ cắm cúi lau quét nhà.  Nhiều khi vừa đi vứa tán chuyện ở hành lang, chúng tôi không thèm để ý đến bà lão đang còng lưng lau dọn.  Thấy bà né sang bên, lòng tôi có lần cũng thấy hơi ân hận.  Một lần, một bạn vội quá vấp té, đổ cả ly nước, bà lắp bắp: “các cô vội, cứ làm việc của mình đi.  Đây là việc của già mà!”.

Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà?  Mà có biết cũng chẳng để làm gì.  Tôi không trả lời câu hỏi ấy và tự nghĩ miễn là mình trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn… là không có gì đáng trách.

Giáo sư nói khi trả lại bài,

“Hầu hết các em đều làm bài được.  Nhưng tôi e, khi tốt nghiệp, sẽ toàn là các “người máy” ra trường thôi.  Đó là một thảm họa!” Chúng tôi xôn xao, không hiểu thầy muốn nói gì.

Thầy tiếp: “Nghề của các em là… chăm sóc, giúp đỡ những sản phụ trong giờ phút đau đớn và cũng là hạnh phúc nhất đời họ.  Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới.  Nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của các em.  Nghề này cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ mọi người… cho dù những kẻ được nâng đỡ ấy có là các mệnh phụ, ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác…”.

ZZThầy thêm: “Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác, mà các em cũng không thèm biết tên, hoàn cảnh của bà…  Đây là một điều đáng để cho các em suy nghĩ.  Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu”.

Một bài học nhớ đời đối với tôi

Còn bạn,

Có bao giờ bạn đã quan tâm đến người khác không? Cho dù họ là những người đang sống “dưới bậc” của bạn?  Nếu chưa, tôi nghĩ bạn hãy bắt đầu cũng chưa muộn mà.

Sưu tầm

CHIẾC VÁY NHỎ

Chiếc xe tải còi cọc của chúng tôi leo lên cái đồi dốc đứng để đến một vùng đất trồng cà phê màu mỡ ở vùng núi Honduran.  Phía bên phải là một vùng quê đẹp tuyệt vời.  Nhưng chỉ khi bạn nhìn gần hơn, bạn sẽ thấy được những ngôi nhà đổ nát.  Phía tay trái của tôi lại là những căn lều tạm bợ của mười bảy gia đình nông dân, những người đã bị cơn bão Mitch cướp đi mọi thứ khi nó quét qua vùng đất này chín tháng trước.

421Hai ngày sau cơn bão, những hội cứu trợ và từ thiện đã tiếp tế lương thực ngay cho những hộ dân cư này.  Nhưng sự cứu trợ tạm thời này không thể cung cấp nơi cư trú mới hay những nguồn thu nhập mới cho họ.

Chúng tôi tháo dỡ hai mươi túi quần áo được gửi từ hội từ thiện ở Mỹ.  Người đồng đội và tôi, mội người xách một túi trong khi người dẫn đầu thông báo với người dân: “Chúng tôi đến để tặng quần áo. Các bạn hãy đến đây.”

Mọi người tụ tập lại quanh những chiếc túi của chúng tôi.  Tôi nhìn quanh và cố gắng ước lượng kích cỡ của một cái váy vải cô-tông nhỏ.  Một bé gái với những vệt sáng trên tóc – có lẽ là do bị thiếu dinh dưỡng – đưa tay ra một cách mắc cỡ.  Tôi ướm thử cái váy lên vai cô bé.  Nó trông có vẻ vừa vặn. Tôi giúp cô bé mặc váy và cài nút áo vào.  Chiếc váy vừa như in.  Cô gái nhỏ đã từng chỉ mặc mỗi chiếc quần ngắn và mang dép, giờ đây bước đi với chiếc váy mới và tươi cười rạng rỡ.

Tôi nhìn em gái ấy trèo lên đồi và đi dạo quanh cửa lều của em.  Em cứ mãi nhìn xuống và giơ váy ra ngắm.  Đôi tay em vuốt ve, mân mê cái váy như bất ngờ trước một món quà tuyệt vời mà em có được.  Tôi cúi đầu xấu hổ.  Cái tủ ở nhà tôi đầy những quần áo.  Thế nhưng tôi đã bao nhiêu lần than vãn rằng mình thiếu quần áo rồi?  Tôi có dám mặc một cái áo trong hai ngày để đi học không, hay là tôi sẽ cảm thấy mắc cỡ?

Khi tôi đăng ký cho chuyến du lịch mùa hè “Những sứ mệnh của thiếu nhi toàn thế giới” tới Honduras này, tôi đã biết được rằng những điều kiện sống khó khăn không phải là một thứ mà tôi mong đợi.  Cái nóng, mưa rào, muỗi, thức ăn không hợp khẩu vị là những thứ để thử thách chúng tôi. Cứ mỗi đêm kết thúc kỳ huấn luyện hai tuần, chúng tôi lại tập hợp và cười nói, hát hò.  Đội của chúng tôi học cách xếp gạch, trộn xi măng, làm mộc, rèn sắt và ngay cả làm đồ gốm nữa để chuẩn bị cho bốn tuần ở Honduras.

Tại sao tôi lại phải làm việc vất vả dưới mặt trời nóng bỏng ở một nơi xa lạ trong khi tôi có thể nằm thư giãn bên bờ hồ?  Tôi đã có được câu trả lời khi nhìn thấy cô gái nhỏ bước đi với chiếc váy cô-tông xinh xắn – có lẽ là cái váy đầu tiên em được mặc.  Nó mang lại cho tôi sự vui sướng hơn cả cảm giác tôi có được khi ở bãi biển.  Có thể chúng tôi sẽ không làm thay đổi được gì nhiều ở Honduras, nhưng chắc chắn rằng vùng đất đó đã làm thay đổi chúng tôi.

Jinny Pattison

************************************

Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…!

ĐẾN MÀ XEM

Có hai người bạn thân thiết cùng quyết chí lên đường tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên đời. Mỗi người đi một ngả và hẹn sẽ gặp lại nhau khi đã đạt được ước nguyện.

Người thứ nhất lặn lội đi tìm viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất. Ông băng rừng vượt biển, đi đến bất cứ nơi đâu nghe nói có bán đá quý. Cuối cùng, ông đã thỏa mãn vì tìm mua được một viên ngọc tuyệt hảo. Trở lại quê hương, ông có ý chờ đợi người bạn thân, vừa để khoe viên ngọc của mình, vừa tò mò muốn biết điều quý giá của bạn mình là gì.

Nhiều năm trôi qua mà người bạn vẫn bặt vô âm tín. Ông đi khắp nơi để mong thụ giáo với các bậc hiền nhân để hỏi xem: “Muốn tìm gặp được Thiên Chúa thì phải làm gì? ”. Ông cũng tìm đọc các sách đạo đức, nghiền ngẫm suy tư, nhưng rồi ông vẫn chưa gặp được Thiên Chúa… Một ngày kia, đang thơ thẩn đi dọc theo một con lạch nhỏ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con cứ muốn tách ra đi riêng để mò tôm tép, vì thế, vịt mẹ cứ phải kiên nhẫn lặn lội tìm hết đứa con này đến đứa con kia, muốn chúng phải quay về với đàn. Ngẫm nghĩ một lúc, ông chợt mỉm cười rạng rỡ và vội vã lên đường trở về quê hương với hai bàn tay trắng .

Vừa gặp lại nhau, người bạn tìm được ngọc quý đã buột miệng hỏi: “Nào, anh hãy cho tôi xem món đồ quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là một cái gì tuyệt diệu, bởi vì trông anh thật hạnh phúc mãn nguyện !”

Người bạn trở về với hai bàn tay trắng nhưng tâm hồn thì tràn ngập hân hoan liền cất tiếng trả lời: “Tôi đã đi tìm Thiên Chúa, và cuối cùng tôi mới hiểu ra rằng: chính Thiên Chúa, Người đã đi tìm gặp tôi !”

(Trích từ “Như Lòng Chúa Khoan Dung”)

***

405Bạn thân mến! Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật hai môn đệ Anrê và Gioan cũng lên đường đi tìm kiếm những điều qúy giá nhất trên cuộc đời này. Hai ông đã nghe theo lời nói của thầy mình là Gioan Tẩy Giả nói về Đức Giêsu khi Ngài đi ngang qua. Gioan đã giơ cao tay chỉ về Đức Giêsu và giới thiệu Ngài cho môn đệ của mình được biết: “Ðây là Chiên Thiên Chúa” (Ga.1:36). Anrê và Gioan nghe thấy thầy mình giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hai ông đã bỏ thầy mình lại phía sau lưng và lên đường bước đi theo Đức Giêsu. Không biết hai ông đã đi theo Ngài bao lâu và bao xa. Chỉ biết họ rụt rè không biết bắt đầu câu chuyện thế nào. Ðức Giêsu thấy sự lúng túng dễ thương của họ. Chính Ngài đã mở đầu cuộc đối thoại: “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: “Thầy ở đâu ?”. Đức Giêsu trả lời “ Đến mà xem” (Ga.1:38-39)

Các anh tìm gì thế ? Câu hỏi này bắt hai ông phải trở lại với lòng mình, phải ý thức về nỗi khát khao hy vọng trong lòng mình. Tôi đang tìm kiếm điều gì? Tiền bạc, tiếng tăm, danh vọng, thỏa mãn? Hay tôi đang tìm một “ai đó” cho đời tôi một hướng đi?

Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Câu trả lời này cũng là một câu hỏi mà khi nghe thoáng qua ta thấy thật nhớ ngẩn, vì chẳng liên hệ đến câu hỏi “các anh tìm gì thế”. Nhưng khi để ý và lắng nghe câu nói ta mới hiểu ra được ý muốn của hai ông: “Chúng tôi muốn biết nhà của Thầy, muốn đến thăm Thầy”. Ðến nhà một người là đi vào thế giới của người đó. Hai ông không chỉ muốn biết Ðức Giêsu qua lời giới thiệu của Gioan, qua kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu của Gioan… nhưng hai ông còn muốn đích thân gặp gỡ Ngài trong riêng tư thân mật, trong kinh nghiệm gặp gỡ của riêng mình

Hãy đến mà xem. Ðức Giêsu không giấu hai ông về thế giới của Ngài. Ngài không dùng lý thuyết dài dòng mà rất cụ thể, rất thực tế: “Ðến mà xem” “Trăm nghe không bằng một thấy”.

Hai ông đã nhận lời mời ngay lập tức. Họ đã đến xem và đã ở lại. Ta chẳng rõ chi tiết của cuộc gặp gỡ hạnh ngộ này: Đức Giêsu đã nói gì với họ? Họ đã nhìn thấy điều gì trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của Đức Giêsu? Chắc chắn đây phải là một kỷ niệm không quên của hai ông với Đức Giêsu, một kinh nghiệm gặp gỡ hết sức riêng tư và độc đáo với Đức Giêsu…Vì kết quả của cuộc gặp gỡ hạnh ngộ này là: “Chúng tôi đã thấy Ðấng Mêsia”.(Ga.1:41)

Nếu ta muốn gặp gỡ Đức Giêsu, chỉ có một cách duy nhất là hãy tìm đến với Ngài và ở lại bên Ngài trong tình thân mật. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Giêsu của Anrê và Gioan phải là kinh nghiệm của mọi người Kitô. Ta phải tìm đến với Ngài và ở lại bên Ngài, phải đích thân mặt đối mặt với Ngài.

Tuyệt đỉnh ơn gọi của người Kitô trước hết không phải là làm việc cho Chúa, nhưng là được mời gọi để sống thân mật với Ngài trong tình Cha-Con thắm thiết, được mời gọi để ở bên cạnh Ngài, để Ngài uốn nắn dạy dỗ rồi sau đó mới là làm việc cho Ngài, để Ngài sai đi lên đường rao giảng Tin Mừng trong Nước của Ngài.

Nhiều lúc ta tưởng đến Nhà Thờ vào ngày Chúa Nhật là đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, nhưng không phải thế. Chúa không mời gọi ta chỉ đi Lễ như trả nợ. Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết với Người trong tình con thảo.

Xin mời bạn cùng với tôi, chúng ta cùng nhau đi vào lòng mình để nhìn ra “Hành Trình Ðức Tin” của ta . Đó phải là một hành trình đi về và gặp gỡ Thiên Chúa. Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu ? Đã bao nhiêu lần tôi được gặp gỡ Thiên Chúa? Hôm nay tôi có sống gần Chúa hơn ngày hôm qua không ? Hãy đến với Chúa, Ngài đang chờ đợi ta. Ngài đang mời gọi ta. Ngài đang mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim để đón ta đến sống trong tình yêu của Ngài. Tình yêu ấy là hạnh phúc muôn đời và là tất cả của đời ta.

***

Lạy Chúa! Sau khi gặp gỡ Chúa, Anrê đã vội vã đi tìm em là Phêrô và dẫn em mình đến với Đức Giêsu. Từ đó, Anrê luôn bước theo Ðức Giêsu. Ông đã đem chính mạng sống của mình làm chứng cho tình yêu Đức Giêsu. Ông đã đổ máu ra để chứng thực cho tình yêu ấy.

Xin cho con biết noi gương bắt chước Anrê: luôn khát khao gặp gỡ Chúa, luôn hăng say giới thiệu Chúa cho anh chị em của con, và nhất là biết can đảm để đứng lên làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Amen

(Tổng hợp từ R. Veritas)

 

ANRÊ – VỊ TÔNG ĐỒ GIÀU TÌNH BẠN

(Ga 1, 41 – 42)
Ông đang lắng nghe Gio-an Tẩy Giả. Ông là một trong những người đã đến để nghe vị tiên tri man dã này. Ông nghe rõ Gio-an đang nói, tay chỉ về phía Giê-su: “Đây Chiên Thiên Chúa…” (Ga 1, 29 – 36).

Tò mò và kích thích, ông theo Giê-su. Đức Giê-su thấy ông theo bèn hỏi ông muốn gì. An-rê và bạn ông thưa rằng họ muốn tiếp chuyện với Người. Chắc hẳn không chỉ là một buổi nói chuyện bình thường vì họ còn nhớ rõ thời giờ: “Lúc đó khoảng giờ thứ mười” ( Ga 1, 39 )… Một giờ đầy ý nghĩa đối với An-rê, giờ của quyết định, giờ của cơ hội, giờ thay đổi cả cuộc đời ông.
Ông ra về với một niềm xác tín: “Giê-su là Chiên Thiên Chúa,” Giê-su là Đấng Mê-si-a, Đấng được Thiên Chúa sai đến mà bao thế hệ hằng mong đợi.

Bấy giờ An-rê chỉ còn nghĩ đến một người: đó là em trai mình, Si-môn Phê-rô. Ông bắt buộc phải nghĩ đến Phê-rô. Ông đã sống dưới bóng của chính người em ruột mình từ tấm bé: luôn luôn là Phê-rô thế này, Phê-rô thế nọ. Lúc nào cũng Phê-rô. Phê-rô là trung tâm điểm. Phê-rô là vì sao sáng. Phê-rô là kẻ đứng đầu. An-rê biết rằng Phê-rô có những khả năng mà mình không có. Dù sao thì cậu em Phê-rô cũng phải gặp Chúa Giê-su: “Trước hết, ông đến gặp em mình” ( Ga 1, 41).

An-rê là môn đệ đầu tiên theo Chúa Giê-su nhưng lại không hề được ghi đầu trong bất cứ danh sách Tông Đồ nào. Luôn luôn là Phê-rô đứng đầu, rồi mới đến An-rê. Trong Tin Mừng Mác-cô và Tông Đồ Công Vụ, tên ông ghi đến hạng thứ tư.

zzCó lẽ suốt đời mọi việc đều xảy ra như thế.
Ở trường, Phê-rô là người trả lời nhanh nhất.
Ngoài sân chơi, Phê-rô là quản trò.
Khi giao thiệp, bạn bè vây quanh Phê-rô.
Trong công việc chài lưới, Phê-rô giải quyết mọi việc.
Phê-rô ra lệnh và An-rê trong bóng mờ lủi thủi thi hành.
Khi gặp An-rê, người ta thường hỏi:
“Anh tên là gì? À, nhớ ra rồi, anh là anh của Phê-rô”.
Đóng vai phụ đâu phải là dễ, nhất là phải đóng suốt đời,
ngày này qua ngày khác,
tuần này qua tuần nọ,
tháng này đến tháng kia,
trong mọi việc,
trong mọi lúc,
trong mọi nơi.
Sống nấp bóng một người em chói lòa đâu phải dễ!
Và bây giờ, An-rê đã khám phá ra Đức Giê-su Ki-tô trước:
được một lần ông sẽ đứng đầu,
được một lần ông có dịp nổi.
Nếu ông biết rằng ông đứng đầu trong một trường hợp ngoại lệ,
nếu ông biết rằng thế giới sẽ chống lại ông,
thì chắc hẳn ông đã không đưa Phê-rô đến gặp Chúa.
Nhưng An-rê không phải loại bi quan yếm thế, ông đã học cách tạo nên những âm thanh tuyệt diệu trên những phím đàn hạng hai.
Đầu tiên ông An-rê đến gặp em mình và nói rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a..” rồi ông đưa Si-môn Phê-rô đến gặp Đức Giê-su. (Ga 1, 41-42).
Ông không do dự, không nghi ngờ,
Ông khẳng định.
Nếu ông nghi ngờ, thì hẳn Phê-rô đã không bị thuyết phục.
Nhưng An-rê nói như đinh đóng cột:
“Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a.”
Phê-rô nghe anh mình nói, ông lắng nghe với tất cả con người nóng bỏng và hướng ngoại của mình.
Chúng ta dễ hiểu vì sao An-rê phải là một con người đóng vai phụ. Đời sống của An-rê đã khiến ông em phải nể phục:
An-rê êm dịu, trầm tĩnh và khiêm nhường.
Phê-rô không cười vào mặt, không mỉa mai An-rê.
Phê-rô đã chấp thuận để An-rê dẫn đến gặp Đức Giê-su.
Có thể An-rê không có tài thuyết phục của Phê-rô,
nhưng ông đã đem Phê-rô đến gặp Chúa.
Có thể không bao giờ chúng ta có một Phê-rô
nếu tiên vàn không có một An-rê.
Chúng ta gặp lại An-rê trong Kinh Thánh vài tháng sau.
Một đám đông đã nghe Chúa giảng suốt ngày. Trời đã xế và Người phải trở về. Đối với một số người, đường đi xa xăm lắm. Những người đàn bà đã thấm mệt, những đứa trẻ đã lả người. Họ không còn lương thực.
Tông Đồ của Chúa Giê-su nghĩ ngợi hoang mang. Rồi An-rê bước tới, (Ở đây, Phúc Âm lại ghi rõ “An-rê, anh của Si-môn Phê-rô” (Ga 6, 8) để nhận diện ông: suốt đời, ông chỉ là một bóng mờ!) An-rê nói: “Đây có một em bé với 5 chiếc bánh và 2 con cá…” (Ga 6, 9).
“Đây có một em bé…” Có lần các môn đệ thấy các em bé quấy rầy Chúa Giê-su nên đuổi các em đi. Trong số các môn đệ ấy, chắc chắn không có anh đâu, anh An-rê nhỉ? Anh luôn chú ý đến các trẻ em.
Chỉ mình anh mới nhìn ra một cậu bé lẫn lộn giữa năm ngàn người lớn và đưa em ra. Anh đã đưa bàn tay vạm vỡ cho em nắm gọn với ấm áp chân tình.
Anh kể cho em nghe những kỹ thuật đưa mồi, bắt cá, kéo lên thuyền, và anh cũng không quên nói về những lần “lưới người” mà anh đóng góp. Và lúc này, em bé đã lấy bữa ăn trưa nghèo nàn đạm bạc để muốn cùng anh chia sẻ.
Vậy là chúng ta đã hai lần gặp được An-rê, một An-rê chân thành, tươi mát, ấm áp, hiền hòa, khiêm tốn. Và rồi lần thứ ba, chúng ta sẽ gặp lại An-rê nhằm vào ngày lễ cuối cùng của cuộc đời Đấng Cứu Thế.
Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem vinh dự tràn đầy. Vài người gốc Hy-lạp đến Giê-ru-sa-lem (Ga 12, 20). Họ đến dự lễ Vượt Qua. Họ nghe nói về Giê-su Na-da-rét. Họ muốn gặp Người. Phi-líp không biết phải làm gì, không biết Chúa Giê-su có bỏ thì giờ để tiếp dân ngoại không. Chẳng phải sứ vụ của Người là hoàn toàn cho dân Do-thái đó sao?
Hay là đến hỏi Phê-rô và Gio-an xem sao? Không được! Phi-líp đoán rằng thế nào họ cũng trả lời như sau: “Bảo những người Hy Lạp đó về đi. Chúa Giê-su đến cho dân Do-thái, Người không có giờ đâu.” Rồi một ý nghĩ lóe lên trong đầu: Ừ nhỉ, sao mình không hỏi An-rê? An-rê là một người biết điều, ông ta biết sẽ phải làm gì. An-rê lại là một người bạn tốt, ông sẽ giúp ý kiến hợp tình hợp lý.
Và Phi-líp đã nói với An-rê. Thế là An-rê, không một giây do dự, cùng Phi-líp, đã dẫn những người gốc Hy-lạp đến gặp Chúa Giê-su, và chắc hẳn đó là điều làm Chúa hài lòng.
“Và người ta sẽ từ Phương Đông, Phương Tây, từ Phương Bắc, Phương Nam mà đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 29). “Còn Thầy, một khi Thầy được giương lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12, 32).
Ngoài ba lần ấy, chúng ta không còn gặp lại An-rê nữa.
Ngoài danh sách các Tông Đồ, không nơi nào khác có tên ông. Ông chỉ xuất hiện có ba lần và lần nào cũng chỉ có một việc là đem một ai đó đến gặp Chúa.
Đầu tiên, ông tự đem chính mình và em mình.
Kế đến là một cậu bé.
Và sau cùng là những người khách Hy-lạp.
An-rê, người bạn chân tình.
An-rê, người giới thiệu kẻ khác cho Chúa Giê-su.
Thiếu ông là thiếu mất sự thành công.
Những An-rê mang những Phê-rô cho Giáo Hội.
Những An-rê không phải là những người được chú ý,
được quảng cáo,
được rọi đèn,
được hoan hô…
Họ không phải là những vai chính,
họ chỉ là những vai phụ.
Họ là những người bị quên lãng:
“Tôi nhớ ra anh rồi !… Anh là anh ruột của Phê-rô.”
Họ suốt đời đóng vai phụ.
Họ là những con người tầm thường,
nhưng thiếu họ thì không có gì hoàn tất.
Họ là những người khả năng hạn hẹp,
những người mà Chúa chỉ ban cho 1 nén.
Không được 5,
không được 10,
nhưng nén bạc duy nhất đó được họ sử dụng cho Chúa,
chứ không nằng nặc giữ lấy cho mình.
Chúng ta nhớ đến những Phê-rô,
còn những An-rê chúng ta quên đâu mất!
Những An-rê không viết được những Thánh Thư nảy lửa,
không giảng được những bài giảng hùng hồn,
không đem về cho Chúa một lần 3.000 linh hồn khi xuất hiện,
không làm một phép lạ cỏn con nào…
nhưng họ đem được cho Chúa một Phê-rô,
để Phê-rô viết Thánh Thư,
rao giảng Lời Chúa,
rửa tội hàng ngàn,
làm phép lạ trong lòng nhân thế.
Chúng ta nhớ đến những Phê-rô,
còn những An-rê chúng ta quên đâu mất!
Thánh Âu-tinh đã trở lại và là người đặt nền tảng thần học cho Giáo Hội. Nhưng ít ai nhớ tới bà mẹ Mô-ni-ca suốt 20 năm trời cầu nguyện, hãm mình để xin ơn trở lại cho con mình.
Mô-ni-ca thì nhiều người quên, nhưng Âu-tinh chắc ai cũng nhớ.
Vị linh mục tại Paris đã hướng dẫn Charles de Foucauld và đem ngài trở về với Chúa. Cha ấy tên gì? Tôi quên mất rồi!
Chúng ta nhớ đến những Phê-rô,
còn những An-rê chúng ta quên đâu mất!
Không những Chúa Giê-su đã chọn An-rê, Người lại chọn An-rê là môn đệ đầu tiên. Vì sao? Vì những người 1 nén cần thiết cho Nước Trời.
Không thể làm được gì nếu không có một nhóm thân thiện, những đoàn người khiêm nhường, sẵn sàng giới thiệu Chúa Giê-su.
Trong lịch sử Giáo Hội, có những giai đoạn cần đến những Phê-rô, Phao-lô, I-nha-xi-ô, Phan-xi-cô Xa-vi-ê… Nhưng con đường trường kỳ vẫn là con đường rao giảng từ người này đến người kia, từng người một.
Trong chương trình của Thiên Chúa không thể thiếu vắng An-rê, Chúa cần đến An-rê với tài năng chỉ có “một nén.”
Không phải ai cũng có thể là Phê-rô, nhưng bất cứ ai cũng có thể là An-rê. Đó là lý do vì sao Chúa chọn An-rê. Đó là đường lối mà 13 Tông Đồ đã thay đổi thế giới.
Những tín hữu đầu tiên đã tản mác ra, không lên tòa giảng nói năng hùng hồn, nhưng chỉ kể lại đơn sơ mộc mạc chứng tích Chúa Giê-su qua đời sống chứng nhân tận hiến và chân tình. Và vô tình hay hữu ý, họ đã noi gương An-rê, đi từ người này đến người khác, giới thiệu những linh hồn cho Chúa Ki-tô, và chính họ đã đảo lộn thế giới. (Cv 17, 6).
Chúa Ki-tô cần con người,
Chúa Ki-tô cần những An-rê.
Không phải Chúa cần đến những người thông suốt thần học,
Không phải những kẻ có bằng cấp cao,
Không phải những người uyên bác trong mọi vấn đề…
Nhưng Chúa cần những người giàu tình bạn chân thành
những người tài năng có “một nén”
những người với một trái tim, một tâm hồn,
những người với một đam mê, một mục đích…
những người sống, làm chứng, ra đi để kể câu truyện:
“Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a…”
Chúa Ki-tô kêu gọi mọi giáo hữu đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng rằng Thiên Chúa đã đến thế gian trong Đức Giê-su,
rằng Người đã đau khổ, đã chết,
rằng Người đã sống lại từ cõi chết,
và đã sống lại cho đến muôn đời.
rằng đây là biến cố lớn nhất lịch sử,
là bằng chứng rõ ràng nhất của tình yêu.
“Kẻ nào chiếm được các linh hồn, kẻ ấy khôn ngoan”.
Đó là con đường duy nhất để thay đổi thế giới,
con đường của những An-rê giàu tình bạn,
những người chỉ nhận được có “một nén” tài năng.
An-rê, anh đang ở đâu?
Có những người đang chờ gặp Chúa Giê-su của anh…

Trần Duy Nhiên