ĐỨC TIN – MỘT GIA TÀI VÔ GIÁ

Con là một tân tòng nhỏ bé, yếu đuối.  Quan trọng nhất là con còn rất non trẻ trong việc sống đạo và phương pháp giữ đạo.  Con xin tự giới thiệu về mình như thế, để quý vị có cách nhìn rộng lượng hơn dành cho con, khi cho con được chia sẻ về đức tin còn mong manh của mình.

Có rất nhiều người nói với con rằng: Đức tin là một cái ơn, không phải ai cũng được, không phải ai cũng nhận ra.

Theo con thì đức tin được con xem như là một “gia tài”.  Mà “gia tài” này không bắt buộc phải có một di chúc mình mới được thừa hưởng.

Gia tài theo thói thường khi muốn hưởng thì phải có di chúc, hoặc muốn có được nó thì ít nhất phải có công tạo dựng, hay có công trạng gì đó.  Mà có người chỉ vì một gia tài nhỏ bé đã đánh mất bản chất và mạng sống của mình.  Ngày trước con có dịp chứng kiến những nghịch cảnh chỉ vì một gia tài, mà cha mẹ, vợ chồng, con cái chống lại nhau.  Con đã được nghe những lời rất đau lòng từ người mẹ, người cha than thở rằng.  Không ngờ có ngày chính những đứa con thân yêu của mình, vì chút tài sản do mình tạo ra mà con cái kiện ngược lại cha mẹ hòng tranh giành chút tài sản.  Những tình cảm anh chị em thân nghĩa ngày nào, chỉ vì một căn nhà mà ngoảnh mặt không nhìn nhau và lôi nhau ra tòa để xỉ vả nhau.  Bằng mọi cách họ tìm thật nhiều chứng cứ để tranh lợi về phần mình.  Con tin rằng khi quý vị chứng kiến những tình cảnh trái ngang đó, quý vị sẽ chán ngán cho cái tình đời.

Con đã từng chứng kiến nhiều người đã sở hữu được những gia tài là tiền của, nhà đất.  Chỉ sau một thời gian thì gần như họ khổ sở vì nó.  Người thì lo lắng tìm cách gìn giữ, nhất quyết không chia sẻ cho người khác khi cần thiết, người thì tìm mọi cách để kiếm thêm.  Nói chung là gần như ít có người nào cảm thấy an toàn khi sở hữu trong tay một gia tài.  Gia tài nhiều thì lo nhiều, gia tài ít thì lo ít.  Họ được nó nhưng họ lại không có được cái bình an thật sự.

Nói tóm lại, để hưởng một gia tài không phải là một vấn đề đơn giản.  Mà cái gia tài này, lại không được vững bền.  Ở bên nó, con người ta không bao giờ nhìn thấy được cái gia tài trên cả tuyệt vời là “Đức tin”.  Vì người ta rất thích bám chặt vào những giá trị vật chất hiện tại.

Sở dĩ con phân tích về gia tài một cách cụ thể như thế để chứng minh cho quý vị hiểu vì sao con ví Đức tin là một gia tài vô giá.

Khi con sở hữu được Đức tin, con cảm thấy rằng con đang được thừa hưởng một gia tài vô cùng to lớn.  Mà gia tài này nếu mình thật tâm xin thì Người Chủ, Người Cha, Một Người có đầy đủ quyền thế trao ban bất cứ lúc nào cho mình, mà không cần phải có bất cứ một loại giấy xác nhận nào và thời hạn.

Khi con nhận ra con có Chúa, thì điều đầu tiên con xin Chúa cho con biết tin vào Chúa.  Để được Chúa trao tặng ơn này thì con không quên nhờ Đức Mẹ đã cầu giúp cho con.  Và con đã được.

Giờ đây, khi chính con được Chúa trao tặng Đức tin.  Và những người bạn của con (tất cả họ đều chưa là người Công Giáo), nhưng đều có được “đức tin” nơi Chúa thì chúng con cảm thấy mình rất giàu có. Giàu có ân sủng, giàu có bình an, giàu có tình yêu…

Khi con xin con rất ao ước được rước Chúa vào lòng, thì bây giờ con đã được.  Khi con xin con được nhiều dịp để gần gũi với Chúa thì con lại được một chị cho con tham gia vào một hội trong giáo xứ. Hội này lại được cầu nguyện cùng với các linh mục, và được Chầu Thánh Tâm Chúa hàng tuần.  Con gần như rất vui và bình an.

Khi chúng con có được “gia tài” này thì chúng con rất an vui, trái với những người được thừa hưởng của cải vật chất thế gian, luôn sợ phải bị mất, tìm cách cất giấu…  Gia tài của chúng con không những đem lại hạnh phúc bền vững, mà còn cứu giúp chúng con thoát những lần nguy hiểm trong đời sống. Gia tài chúng con còn cứu giúp chúng con thoát khỏi những cơn bệnh hiểm nghèo, mà cho dù có bỏ ra bao nhiêu tài sản cũng không được chữa lành.  Và đặc biệt là chúng con luôn muốn chia sẻ gia tài này, với tất cả những ai chúng con quen biết.

Chúa bảo là chính đức tin của con đã cứu con, chúng con đã tin và chúng con, đứa thì được chữa lành ung thư, người thì được chữa lành bệnh hư thận… Đức tin không những chữa lành bệnh tật thể xác mà còn cho cả tâm hồn nữa.  Khi chúng con được gia tài này thì trong lòng chúng con luôn thấy bình an, vui tươi và nhẹ nhàng.

Con rất chân thành cám ơn quý vị đã đọc tâm tình chia sẻ của con.  Mục đích của con là chỉ mong mọi người đều có một gia tài thật trù phú cho riêng mình để được an vui hơn.  Và nhân đây con cũng xin quý vị cho con một lời cầu nguyện để con biết cách gìn giữ và làm gia tài đức tin của con được vững chắc và phong phú hơn.

Saigon, ngày 25 tháng 7 năm 2011

Con,
Túc Lynh

 

XIN ĐƯỢC LÀM TÔI TỚ

Robert Morrison, một nhà truyền giáo nổi tiếng, khi đi truyền giáo ở Trung Quốc, đã viết thư cho Hội truyền giáo ở bên Anh, để xin một người trợ giúp.  Để đáp lại, có một thanh niên xin được tự nguyện hiến thân phục vụ.

Sau khi phỏng vấn, các thành viên trong hội truyền giáo quyết định là mặc dù người thanh niên này là một Kitô hữu sốt sắng, nhưng anh chưa hề được chuẩn bị và chưa có đủ yếu tố để ra đi truyền giáo, nên họ đề nghị:

– Chúng tôi nghĩ rằng anh chưa phù hợp với vai trò của một người truyền giáo, nhưng nếu anh bằng lòng ra đi với tư cách là người giúp việc cho nhà truyền giáo, thì chúng tôi cử anh đi.

Sau khi nghe câu trả lời này, anh nói:

– Dạ, thưa con xin được sẵn sàng trở thành một người tôi tớ hoặc làm bất cứ việc gì để phục vụ cho mục tiêu làm sáng danh Chúa.

Thế là anh được sai đi trong vai trò của một người lao công, nhưng chẳng bao lâu, anh trở thành một nhà truyền giáo, đó là tiến sĩ Minle, một trong những nhà truyền giáo tốt lành giỏi giang nhất tại Trung Quốc.

trích (3000 Illitrations)

 *********************************************

– Đức Maria, một mẫu gương khiêm hạ, khi trả lời sứ thần Gabriel: “này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”(Lc 1,38).  Xin vâng!  Mẹ cùng đồng hành với Con Mẹ trong chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa, cùng đồng công với Con Mẹ để cứu chuộc nhân loại.  Xin vâng!  Mẹ đã lặng lẽ theo chân Con mình trên bước đường thương khó.  Lời xin vâng của Mẹ đã đi hết cuộc hành trình trần gian, cùng các môn sinh của Con mình trên bước đường truyền giáo với những ngày đầu khai sinh Giáo Hội sơ khai.  Sự Khiêm hạ của Mẹ đã được Thiên Chúa thưởng công, cả hồn lẫn xác trên Thiên Quốc.

– Thánh Gioan Tẩy Giả vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước nói về con người mình : “còn tôi, tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài” (Mc 1,7b).  “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.  Cả cuộc đời của thánh nhân sống trong hoang địa, nhưng lại là vị ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước được Thiên Chúa sai đến, để dọn đường cho Đấng Mesia đến.

– Thái độ khiêm hạ, thực lòng thống hối ăn năn của người thu thuế, anh ta không nói nhiều.  Chỉ cúi đầu và thưa với Chúa một câu: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”(Lc 18:9-14).   Chính sự khiêm hạ của anh, anh đã nhận được lòng bao dung của Thiên Chúa.

– Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một vị Thánh đã từng sống với đức khiêm nhường một cách rất nghiêm nhặt, từ những việc nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt hằng ngày, sự nhường nhịn đã tạo cho thánh nữ thành một thói quen tốt khi thánh nữ tiếp xúc với các chị em trong đan viện.  Một vị Thánh cả một cuộc đời sống chiêm niệm trong bốn bức tường trong nhà kín, nhưng lại được Hội Thánh tôn vinh và chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

Trong dân gian Việt Nam, câu tục ngữ: “một sự nhịn, chín sự lành” đã diễn tả được phần nào đặc tính của đức khiêm nhường.  Người khiêm nhường không có nghĩa là người nhu nhược.  Mà trái lại, trong cuộc sống đức khiêm nhường chính là cánh cửa để giúp con người tiến bước vào ngưỡng cửa trọn lành.  Chính đức khiêm nhường đã hun đúc giúp con người thăng tiến đến sự hoàn thiện nhân cách.  Vì người có đức khiêm nhường thì không bao giờ có tính ích kỷ, kiêu căng, đố kỵ, huênh hoang, tự cao tự đại …

Trên đây, những mẫu gương của đức khiêm hạ của mọi thành phần, mọi thời đại.  Riêng tôi, tôi đã học và thực hành được gì?  Tôi đã thể hiện tinh thần khiêm nhường của mình như thế nào? Trong công việc được trao, tôi đã phục vụ hết mình chưa?  Hay lại hiểu sai về đức khiêm nhường, là đùn đẩy, thoái thác nhường công việc cho người khác, để chọn việc nhẹ nhàng.  Thường khi được trao công việc, nhất lại là công việc chung, mấy ai nhận về mình việc khó khăn và cũng chẳng ai muốn nhận việc thấp hèn.  Anh thanh niên Minle đã không quản ngại nhận công việc là một người giúp việc, anh vui vẻ nhận lời để theo chân nhà truyền giáo; trong anh giây phút đó chỉ có một mục đích chính là để phục vụ cho mục tiêu làm sáng danh Chúa.  Rồi từ công việc khiêm hạ là người lao công giúp việc, anh đã thành công trong xã hội với học vị tiến sĩ và với Giáo Hội là nhà truyền giáo nổi tiếng.

*********************************************

Lạy Chúa, xin cho con biết sống khiêm hạ, biết từ tốn trong thái độ giao tiếp.  Cho con biết vui nhận những công việc nơi bề trên đã tín nhiệm trao cho con.  Biết kính trọng vâng lời với các đấng bề trên; biết tôn trọng anh chị em trong hòa nhã, nhẹ nhàng; biết yêu thương chia sẻ với các em nhỏ.   Đồng thời biết thể hiện liên kết khiêm tốn với lòng nhiệt thành đầy nhiệt huyết.  Để hy vọng trong bất cứ công việc gì, cũng được Chúa hướng dẫn, chúc lành và gặt hái thành quả tốt đẹp. Amen!

Pet. PBH

LẠY THẦY! XIN CỨU CON

Giữa lúc dân chúng định tôn Ðức Giêsu làm Vua,  và sau khi mọi người đã được no nê bánh và cá, thì Ngài lại giải tán họ, và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia. Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.  Chỉ còn lại một mình Ðức Giêsu, Ngài chìm sâu trong cầu nguyện.  Ngài  gặp gỡ trong thân mật với Thiên Chúa  Cha.  Nhưng Ðức Giêsu không quên các môn đệ.  Ngài biết họ một mình đang vật lộn với sóng gió.  Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến với họ.  Các môn đệ tưởng Ngài là ma, nên kêu la sợ hãi.  Ðức Giêsu trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”

zzTuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều lĩnh đề nghị: “Nếu quả là Thầy, thì xin cho con được đi trên mặt nước mà đến với Thầy.” ( Mt 14,28 ).  Thật là một lời đề nghị làm ta ngạc nhiên.  Thật là một đề nghị đầy nguy hiểm.  Nhưng Phêrô đã chấp nhận nguy hiểm, đã dấn thân nghiêm túc để được gần Thầy mình.  Nếu đó không phải là Thầy mình, thì thật là dại dột.  Nhưng nếu đúng là Thầy, thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.

Ðức Giêsu nói với Phêrô: “Cứ đến”. Thế là Phêrô bước ra khỏi thuyền, ông đi trên mặt nước mà đến với Ðức Giêsu.  Thật không thể tưởng tượng nổi,  mặt nước trở nên cứng như đá, hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.  Phêrô đi được bao xa, ta không rõ,  nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi: “Ðúng là Thầy rồi!”  Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước,  nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì niềm tin mới được trọn vẹn.

Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô, những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.  Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào, lòng tin bị chao đảo với sóng gió, lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển.  Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con.”  Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy bàn tay của ông và đưa ông về thuyền. “Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!” ( Mt 14,31 ).  Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề, và nhận chìm ông xuống.  Phêrô hăng say đó, nhưng lại xìu đó và tỏ ra nhát đảm vì thiếu tin tưởng vào Chúa Giêsu.

Cuộc đời của mỗi người là một cuộc vượt biển đầy cam go, cho dù đi bằng thuyền hay bằng tàu, không ai có thể nói là tuyệt đối bằng an.  Còn bơi trong sóng nước thì vô phương.  Phêrô, một người sành sỏi về bơi bội, sông nước là nghề nghiệp của ông. Thế mà khi bị thụp xuống, lại cuống cuồng la lên: “Lạy Thầy! Xin cứu con“.

Muốn vượt biển đời bình an, thơ thới, chỉ có một cách là cậy trông vào Ðức Giêsu Kitô, chỉ mình Ngài mới có quyền năng đạp sóng, và làm bão tố tan biến đi.  Đưa tay cho Ngài dắt, chúng ta sẽ đi trên bão tố đường đời như đi trên thảm cỏ xanh êm dịu tươi mát.

***

Lạy Chúa Giêsu! Sống đức tin giữa lòng cuộc đời chẳng khác nào đi trên mặt nước:

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.  Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.  Sự nặng nề của thân xác cũng kéo ghì con xuống.  Ði trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng. Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con gần chìm.  Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.  Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con, để con trở nên nhẹ nhàng mà bước những bước dài hướng về Chúa.  Amen.

(Tổng Hợp từ R. Veritas)

TA BIẾT THẾ GIAN RỒI, VĨNH BIỆT

Một thanh niên tuấn tú 16 tuổi đời.  Một luật sư danh tiếng khắp Napoli thời Anphongsô lớn lên.  Một trạng sư bách chiến bách thắng.  Một người con yêu quí của ông bà Don Giuseppe de Liguori và Donna Catarina Anna Cavalieri.  Alphongsô là niềm tự hào, vinh dự và hy vọng của ông bà Don Giuseppe de Liguori va Anna Cavalieri.  Anphongsô luôn là ước mơ độc nhất của ông Don Giuseppe de Liguori để con ông được thăng tiến địa vị trong xã hội và làm vinh danh cho gia đình De Liguori.

Cuộc đời vẫn xoay chuyển, vần xoay… nhưng đời con người đâu có dừng tại chỗ, cái không ngờ, luôn là cái ngờ…  Giữa lúc đang sống trên tột đỉnh của vinh quang.  Anphongsô đã cảm thấy thế nào là cuộc đời, thế nào là sự xấu hổ, thế nào là thất bại…

MỘT CON NGƯỜI ĐÃ ĐI VÀO THẾ KỶ ÁNH SÁNG, ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ CON NGƯỜI: Được sinh ra trong một gia đình thế giá thế Kỷ Ánh Sáng.  Cha mẹ đều là người có thế giá, có uy quyền trong triều đình Napoli.  Anphongsô đã đi vào đời với tất cả ước mơ của con người.  Cha mẹ nào lại không mong ước cho con cái zzmình thành đạt, cho con cái mình được trọng vọng. Cha của Anphongsô cứ đinh ninh Anphongsô rồi sẽ nối gót, kế thừa cha trong sự nghiệp binh bị.  Anphongsô lại là một cậu bé hết sức thông minh, hết sức khôn ngoan.  Cậu học giỏi, nhưng lại có rất nhiều tài năng: cầm, kỳ, thi, họa.  Người ta vẫn không ngoa khi đánh giá Anphongsô là con người tài đức song toàn.  Cha mẹ của Anphongsô hết sức kỳ vọng vào cậu. Và ông bà không hãnh diện sao được khi Anphongsô tỏ ra hết sức nổi bật trong mọi lãnh vực.  Ông bà Don Giuseppe de Liguori ước mơ cho Anphongsô sẽ có người vợ đẹp, để sinh ra những đứa con ngoan, học hành giỏi giang.  Ông bà De Liguori ước vọng như thế quả chẳng có gì là quá đáng.  Anphongsô đã đi vào đời, đã đi vào lịch sử con người và chính Người đã làm nên lịch sử đời mình khi mới có 16 tuổi đời, đã giật được hai mảnh bằng tiến sĩ luật đạo và đời.  Anphongsô đã khoác vào mình bộ áo luật sư dài, rộng thênh thang vì vóc dáng cậu còn quá trẻ.  Thanh bảo kiếm đeo bên mình càng làm Anphongsô kiên định trong địa vị của mình.  Thanh bảo kiếm ấy chứng tỏ Người thuộc dòng dõi quí tộc, thế giá trong thế Kỷ Ánh Sáng.  Bao nhiêu vụ kiện, bao nhiêu cuộc biện hộ của Anphongsô cho các thân chủ đều mang lại chiến thắng.  Giữa lúc, Anphongsô đang hăng say với chiến thắng, giữa lúc Anphongsô tưởng rằng mọi sự cứ như vậy, giữa lúc Anphong tỏ ra bách chiến bách thắng thì…

MỘT VỤ KIỆN BỊ THUA KHIẾN ANPHONGSÔ TỪ BỎ TẤT CẢ:  Một vụ kiện tầm cỡ.  Chưa từng có đến nay.  Liên quan đến những hoàng thân quốc thích, những bá tước quận công.  Một lãnh địa và những số tiền nợ, lãnh địa Amatrice, rộng bằng cả một tỉnh lẻ.  Với những con số 150.000 ducats, 4.000 ducats v.v…

Nữ công tước Victoria di Montefeltro della Rovere, vợ goá của công tước Ferdinando II de Medicis, thuộc dòng dõi một sĩ quan làm công thần của Hoàng đế Charles Quint, bà là bên nguyên.  Họ chọn luật sư Maggiochi biện hộ.

Bên bị là công tước Philipo Orsini, ông này còn một món nợ lớn chưa đòi được, song người ta đã làm giấy tơ cầm thế cho ông lãnh địa Amatrice, “với quyền thụ hưởng, ông và các kẻ thừa kế ông; không ai được phép dính dáng vào, bao lâu ông chưa hết nợ nần”.  Luật sư Alfonso biện hộ cho bên bị.

Anphongsô còn trẻ, các lập luận như đinh đóng cột.  Người lại thông minh, nhanh nhảu và trẻ trung.  Ai cũng hoan hô sự lập luận vững chắc của Người.  Ai cũng tin tưởng Người sẽ chiến thắng như bao vụ kiện khác.  Nhưng con đường của Chúa thật diệu kỳ.  Giữa lúc Phaolô đang hăng say bắt bớ các môn đồ, bắt bớ Giáo Hội, bắt bớ các Kitô hữu để nhốt vào tù.  Giữa lúc Phaolô tưởng rằng mình chiến thắng thì Chúa đánh ông ngã ngựa.  Phaolô thất bại, Phaolô chiến bại rõ ràng.  “Lạy Chúa Chúa muốn con làm gì?”  Đường của Chúa thật diệu kỳ…  Tâm Tư của Chúa không ai có thể dò thấu…  Anphongsô cũng thế với những lời biện bác khúc triết, với những lập luận sắc bén.  Anphongsô có ngờ đâu…  Đường của Chúa quá diệu vợi.  Một sai lầm, một quên sót nhỏ nhất đã làm cho Anphongsô thua kiện: “…Sắc diện đỏ lên vì tức giận, xấu hổ cho chiếc áo pháp đình khoác trên vai, Alphongsô không còn nghe gì nữa, cả tiếng an ủi được thốt ra bởi vị chủ tịch tối cao Caravita; anh cúi đầu, đi thẳng ra ngoài một mạch.”

“Hỡi thế gian, ta biết ngươi rồi… vĩnh biệt pháp đình.”

Anphongsô đã hiểu thế nào là thất bại.  Anphongsô thua kiện để Thiên Chúa được thắng kiện.  Đó là cái nghịch lý của cuộc đời mà Anphongsô đang trải qua.  Anphongsô đã bỏ tất cả.  Giờ đây chỉ còn Chúa và các bệnh nhân.

Tiếng vọng của Thiên Chúa luôn thôi thúc Anphongsô: “Hãy để thế gian lại đó và hiến mình cho Ta.”

Anphongsô đã tỉnh giấc mơ, đã hoàn hồn sau một cơn đau khổ khủng khiếp và rồi: “Một hôm tại nhà thờ Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, quỳ dưới chân bức tượng, Anphongsô đã nói:  “Vĩnh biệt thế gian và của cải phù vân!  Lạy Chúa, đời con nay thuộc về Chúa.  Chức tước và của cải gia đình con, con xin dâng làm của lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa con và cho Mẹ Maria…”

Anh rút gươm ra, đặt dưới chân Mẹ bồng con:

Hôm đó là ngày 29/8/1723, ngày đứa con quay về với Cha nhân hậu.

CÁI KỲ DIỆU CỦA CUỘC ĐỜI: Thánh Anphongsô đã như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas và rồi Người đã nhận ra tiếng Chúa gọi.  Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước.  Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời:  Phù vân. Tất cả đều là phù vân”.  Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình.  Lời thánh Kinh “Hãy đi, bán hết những gì con có.  Đem cho kẻ khó.  Và sau đó đến đây theo Thầy”(Lc 18, 22; Mt 19, 21).  Lời của Chúa nói với người thanh niên giầu có hôm nay thúc bách thánh Anphongsô thực sự, Người đã quyết định, một quyết định, một sự chọn lựa làm cho cha mẹ của Người rất đau lòng vì ông bà chưa nhận ra ý Chúa…

Thánh Anphongsô đã chọn và Người đã nhất định dành tất cả cho Chúa…

DÒNG CHÚA CỨU THẾ ĐƯỢC KHAI SINH:  Năm 1732, tại thị trấn Scala (trong vương quốc Napoli), thánh Anphongsô Maria đệ Liguori, vì động lòng thương cảm những người nghèo khó, nhất là đám nông dân chiếm phần đa số trong miền, đã thành lập Dòng Chúa Cứu Chuộc, để đi theo chính Đấng Cứu Thế rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.

“Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18)

Thánh Anphongsô và các tu sĩ của Ngài, sáng chói nhất có thánh Giêrađô Majella, đã nỗ lực đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của dân quê nghèo thời đó, bằng các kỳ Đại Phúc thừa sai, các tuần tĩnh tâm, các tuần tái phúc, theo gương thánh Phaolô đã làm (Cv 15, 36).

Dòng Chúa Cứu Thế từ ngày thành lập cho đến nay, đã trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Chúa vẫn gìn giữ, ủp ấp để rồi Dòng Thánh vẫn luôn vươn lên, tiếp tục rao giảng Nước Thiên Chúa và giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, đặc biệt những người bơ vơ, tất bạt.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT