SỬA LỖI ANH EM

Con người ai cũng có lầm lỗi. Vậy mà thái độ ứng xử trước lầm lỗi của người khác lại không giản đơn. Đối với lỗi lầm của người khác, ta thường có hai thái độ, hoặc quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.

Giáo Hội là một cộng đoàn những con người. Lầm lỗi là không thể tránh khỏi. Vì thế muốn cộng đoàn phát triển, việc sửa lỗi là cần thiết, nhất là đối với những lầm lỗi công khai ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.

Tuy nhiên sửa lỗi là việc khó. Không khéo thì lợi bất cập hại. Lời Chúa hôm nay đưa ra những hướng dẫn cần thiết giúp việc sửa lỗi có kết quả.

Muốn sửa lỗi phải quan tâm. Chúa nói: Khi anh em ngươi sai lỗi. Vâng, người sai lỗi đó không phải ai xa lạ. Đó là anh em tôi, là người nhà của tôi, là một thành phần của đời tôi. Nếu lầm lỗi giống như một cơn bệnh, làm sao tôi không lo lắng chạy chữa cho người thân, nhất là cho chính bản thân khi bị mắc bệnh? Nếu lầm lỗi giống như mất mát người thân, làm sao tôi không đau xót lên đường đi tìm ngay tức khắc?

Muốn sửa lỗi cần can đảm. Càng ngày người ta càng muốn tránh đụng chạm, mích lòng. Dại gì nói những chuyện không vui để mua thù chuốc oán vào thân. Vì thế, để sửa lỗi, cần phải can đảm. Can đảm đến với người lầm lỗi. Can đảm nói sự thật về lỗi lầm của họ. Can đảm chấp nhận những rủi ro do việc sửa lỗi đưa đến như sự giận ghét, sự công kích, chấp nhận bị phê bình ngược lại.

Muốn sửa lỗi phải trân trọng. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em tôi, là đáng quí trọng đối với tôi. Trân trọng vì người anh em tuy có lầm lỗi, vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, vào mầm mống tốt đẹp Chúa gieo vào lương tâm mỗi người. Sự khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.

Muốn sửa lỗi phải rất tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy tôi phải rất tế nhị khi sửa lỗi. Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn.

Sau cùng, muốn sửa lỗi phải kiên trì. Việc sửa lỗi không giản đơn. Không phải làm một lần là thành công ngay. Vì thế phải rất kiên trì và có nhiều phương án. Kiên trì để vẫn tiếp tục dù đã một lần thất bại. Có nhiều phương án để cương quyết đi đến thành công. Hôm nay Chúa đưa ra cho ta ba phương án để chinh phục người anh em: Gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.

Như thế, việc sửa lỗi hoàn toàn là một việc làm được thúc đẩy do tình yêu. Chính bầu khí tin yêu đó sẽ khiến cộng đoàn phát triển. Ai cũng mong được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi lầm lỡ ta biết mình không bị loại trừ nhưng sẽ được quan tâm giúp đỡ, một sự giúp đỡ chân thành, tế nhị và đầy yêu thương.

Lạy Chúa, xin ban cho con tâm hồn bác ái đầy tế nhị của Chúa. Amen

TGM. Ngô Quang Kiệt.

NHẮM ĐÍCH

Sally đã thuật lại cho chúng tôi nghe một kinh nghiệm mà cô học được trong một lớp ngoại khóa với tiến sĩ Smith.  Cô kể rằng tiến sĩ Smith là diễn giả nổi tiếng với những bài giảng rất tinh tế.

Một ngày nọ, khi bước vào lớp, Sally nhận thấy rằng hôm nay lớp sẽ có một trò vui gì đấy.  Trên tường là một tấm bia lớn, và trên chiếc bàn gần đó có rất nhiều phi tiêu.  Tiến sĩ Smith bảo với tất cả học sinh rằng hãy vẽ hình của người nào mà bạn ghét nhất, hoặc là hình của ai làm cho bạn tức giận, và ông cho phép họ ném phi tiêu vào hình vẽ đó.

Cô bạn của Sally vẽ hình cô gái đã “cướp” mất người yêu của cô.  Một người khác thì vẽ hình đứa em trai của mình.  Sally cũng vẽ bức hình của một người bạn cũ, cô dồn công sức để vẽ sao cho thật giống, ngay cả những cái mụn trên mặt cô bạn.  Xong xuôi, Sally có vẻ rất hài lòng với tác phẩm của mình…

Cả lớp xếp hàng và bắt đầu ném phi tiêu, mọi người cười nói rôm rả và không khí có vẻ rất vui nhộn.  Một số học sinh ném phi tiêu rất mạnh đến nỗi tấm hình của họ bị rách toạc cả ra.  Sally chờ tới lượt mình…  Và cô đã rất thất vọng khi tiến sĩ Smith đề nghị mọi người dừng lại và trở về chỗ ngồi vì thời gian có hạn.

Trong khi Sally ngồi nghĩ và hậm hực trong lòng vì không có cơ hội để ném phi tiêu vào hình kẻ mình ghét, thì tiến sĩ Smith bắt đầu gỡ tấm bia ra khỏi tường.

Và sau tấm bia đó là bức hình của Chúa Giêsu…

Một sự im lặng bao trùm cả lớp học khi các học sinh trong lớp nhìn thấy bức hình của Chúa Giêsu bị rách nham nhở trên tường; Những cái lỗ và những dấu lởm chởm trên mặt Chúa, và hai mắt Chúa bị đâm thủng.

Tiến sĩ Smith chỉ nói một câu, “Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”

Tất cả mọi người đều im lặng, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của những học sinh trong lớp, mọi người nhìn vào bức ảnh của Chúa và suy gẫm cho bản thân mình.

Sưu tầm

************************************

Tha đi anh.
Hãy để sự hiềm khích và báo thù cho người hèn mọn.
Vết thương và nọc độc của lời hằn thù
Không xứng với con cái Ánh sáng…
Tha đi anh.
Hãy tìm sự cao thượng, tha thứ là đó.
Tìm sự cao thượng, là sống với đại nhân:
những người có lòng quảng đại,
những người có tư cách và can đảm.
Hãy tha thứ,
Hãy để mạch nước hằng sống tuôn trong anh,
để nước chảy và rửa để luyện lòng trí anh.
Như vậy, anh sẽ được bình an.
Như vậy, nắm tay anh sẽ dịu dần
Và anh sẽ thấy tay anh mở ra
để gặp gỡ và tha thứ.
Một tay có thể mang gánh nặng của người khác ,
Một tay có thể gạt lệ người khiêm tốn,
Một tay thắm đượm tình anh em,
Tay con người đưa để bắt tay nhau
Và giống tay Chúa.

Hiền Hoà chuyển dịch

TÌNH YÊU

zzYêu không phải là kiếm tìm một người hoàn hảo, mà là nhận ra những điểm hoàn hảo nơi người không hoàn hảo.

Yêu nhau là cùng ngồi bên nhau, và cùng nhìn về một hướng.

Cuộc sống không tình yêu khác nào khu vườn không có ánh nắng, thân khô lá úa.

Thời gian có thể làm thay đổi con người, nhưng tình yêu thì tồn tại và luôn sống mãi.

Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là yêu, và được yêu.

Nếu không có Tình Yêu, bất cứ điều gì bạn có cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Điều căn bản của Tình Yêu là quan tâm đến người khác. Tình yêu chân thành thì luôn cho đi, hơn là nhận về.

Tình yêu không biết đến sợ hãi. Tình yêu loại trừ sợ hãi. Ai sợ hãi thì không đạt đến tình yêu hoàn hảo (1Ga.4:18)

Ai ở lại trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy (1Ga.4:16)

Ai không yêu thương thì không biết đến Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga.4:8)

***

Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga.13:34)

Yêu thương là giới răn Chúa truyền dạy, là dấu ấn của người môn đệ đức Kitô, và là chìa khóa để vào Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu! Xin giúp con biết yêu thương như Chúa đã thương yêu con, Amen.

zz

LỜI TỎ TÌNH

Bạn thân mến!zz

Tôi viết vào đây những dòng này, để nói với bạn là: Tôi rất quan tâm đến Bạn.

Hôm qua tôi nhìn thấy bạn đang vui chơi, đang nói chuyện với bạn bè. Tôi chờ bạn suốt cả ngày.  Hy vọng rằng bạn cũng sẽ đến nói chuyện với tôi, vui chơi với tôi. Tôi đã chờ, đã đợi… Thế nhưng bạn chẳng hề tới.

Đêm qua nhìn thấy bạn đang ngủ say. Tôi ao ước được hôn lên vầng trán của bạn. Cho nên tôi đã mang ánh trăng phủ trên khuôn mặt của bạn.  Lòng những muốn chúng ta có dịp gặp nhau, ngồi bên nhau, tay trong tay nói chuyện tâm tình. Rồi tôi chờ, tôi đợi…Thế nhưng bạn chẳng hề tới.

Sáng nay nhìn thấy bạn thức dậy, và ra đi vội vàng mà không nhớ gì đến tôi…Điều ấy làm tôi buồn, và tim tôi nhói đau.

Bạn ơi!  Nếu bạn để ý một chút, bạn sẽ nghe thấy lời tỏ tình thiết tha của tôi: Tôi luôn thì thầm gọi tên bạn, để nói với bạn rằng TÔI THƯƠNG BẠN.

Tôi đã chọn bạn, và tôi nhất định chờ, nhất định đợi. Bạn có biết tại sao không ? Tại vì… TÔI YÊU BẠN.

Thân mến,
Giêsu.

***

“Chết vì yêu, là sống mãi trong tình yêu.”

Lạy Chúa Giêsu! Chỉ vì yêu mà Chúa đã chết cho con được sống . Xin cho con cảm nhận được tình yêu thương bao la của Chúa.

Xin giúp con được trở nên giống Chúa, để con cũng biết yêu như Chúa yêu, cũng biết thương như Chúa thương, Amen .

NẾU MỘT NGÀY…

zz– Nếu một ngày, bạn cảm thấy sầu khổ và muốn khóc. Hãy gọi cho tôi … Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười. Nhưng tôi có thể cùng khóc với bạn.

– Nếu một ngày bạn đứng trước thất bại và muốn bỏ chạy. Đừng ngại gọi cho tôi…Tôi không hứa sẽ giúp bạn hết thất bại, hết chạy trốn… Nhưng tôi có thể cùng chạy với bạn.

– Nếu một ngày, bạn cảm thấy mệt mỏi, đuối sức, không đủ năng lực để làm việc. Hãy gọi cho tôi bạn nhé… Tôi không chắc sẽ giúp bạn hết mệt mỏi, hết đuối sức … Nhưng tôi sẽ cùng nghỉ ngơi với bạn… Những giây phút nghỉ ngơi bên nhau sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh, thêm năng lực để làm việc và để tiếp tục bước đi trên đường đời .

Hãy gọi cho tôi…Hãy gọi cho tôi bạn nhé…Số phone của tôi là: 1-800-CẦU-NGUYỆN

Nhưng nếu một ngày nào đó bạn gọi mà không thấy tôi trả lời. Hãy mau mau đến thăm tôi bạn nhé … Vì tôi cũng đang cần đến bạn, cần tiếng nói của bạn, cần những lời nói chuyện tâm tình của bạn. Tôi ở trong khu phố NHÀ THỜ, đường NHÀ TẠM, căn nhà có ghi hai chữ THÁNH THỂ.

Thân mến,
Giêsu.

***

“Tất cả những ai đang vất vả, mang gáng nặng nề … hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng..”(Mt.11:28)

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con biết chạy đến với Chúa, biết qúy trọng những giây phút thinh lặng bên Chúa …. Vì Chúa là Đấng ban ơn trợ giúp và là nguồn ơn sức mạnh của đời con. Amen

PHÊRÔ LỖI PHẠM

Thảm kịch Phêrô vấp ngã được Phúc Âm tường thuật lại như sau:

Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.  Ðức Giêsu nói với các ông:

– Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em.

Ông Phêrô liền thưa:

– Dẫu tất cả có vấp ngã đi nữa, con nhất định là không.

Ðức Giêsu nói với ông:

– Thầy bảo thật anh: Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy ba lần.

Nhưng ông Phêrô lại quả quyết:

– Dẫu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mc 14:26-31).

Ðoạn Kinh Thánh trên đưa thời điểm đau thương của Ðức Kitô vào cuộc đời các tông đồ.  Biến cố ấy sắp xảy đến.  Thực sự sẽ như thế nào, các môn đệ không thể hình dung được.  Họ chỉ thấy bàn bạc một bầu khí u buồn, hoang mang và căng thẳng.  Cứ mỗi lúc thời gian ngắn dần, thái độ của Chúa làm các ông thêm biến sắc.  Chúa đã nói đến những lời trăn trối.  Thầy đã rửa chân vĩnh biệt học trò.  Kẻ dạy dỗ đã căn dặn môn sinh ở lại yêu thương nhau.  Chúa sắp ra đi.  Linh hồn các môn đệ có thể đang dấy lên những thao thức băn khoăn.  Thầy sẽ chết sao?  Ai phản bội Thầy?  Tương lai chúng ta đi về đâu?  Bao nhiêu ngày theo Thầy bây giờ như thế sao?  Rồi đây nhóm chúng ta còn không?  Tất cả vấp ngã nghĩa là gì, tôi cũng vấp ngã à?  Vấp ngã ra sao?

Trong cái căng thẳng ấy, mọi người im lặng hoang mang.  Người lên tiếng trong đám đông này, tối đó, là Phêrô.

Nhìn Phêrô trong đoạn Kinh Thánh trên đây, ta thấy ông khẳng khái một quyết định dứt khoát là ông biết rõ ông hơn ai hết.  Ông hiểu khả năng của ông.  Ông biết ý chí ông.  Ông làm chủ tình hình. Ông đã nói không là không.  Chúa đừng quan tâm.  Phiên dịch một cách khác, ta có thể hình dung được tiếng nói của Phêrô với Chúa:

– Không chuyện gì phải lo.  Có tôi đây, Thầy biết tôi mà!

Qua hành động Phêrô, ta có thể nói bằng ngôn ngữ thế tục, Phêrô đã “vô lễ” khi dám đưa tất cả mọi người ra so sánh.  Ông khẳng khái là không vấp ngã, cũng quá đủ rồi.  Ðó là zzchuyện của ông.  Nhưng ông bảo cho dù “tất cả” vấp ngã, tôi cũng không.  Làm sao ông dám hạ thấp mọi người xuống để so sánh với chính mình như vậy?

Sau khi ông so sánh mọi người xong, Ðức Kitô không nói với “các ông” nữa mà nói riêng với ông. Lối hành văn của Máccô chỗ này rất là ý nghĩa trong lối dùng chữ chính xác từng chi tiết như sau:

– Thầy bảo thật anh – (Ám chỉ rõ, riêng cá nhân Phêrô).

– Hôm nay – (Xác định thời gian là hôm nay chứ không phải ngày mai).

– Nội đêm nay – (Chi tiết hơn, hôm nay, nhưng là đêm chứ không phải ngày).

– Gà chưa kịp gáy hai lần – (Biết là đêm rồi, nhưng rõ hơn là lúc gà chưa gáy hai lần).

– Thì chính anh – (Quả quyết rõ là Phêrô, không phải người khác).

– Anh chối Thầy ba lần – (Nói cho biết trước sẽ chối, chi tiết là ba lần).

Ðoạn văn tiên tri trên về Phêrô, đề cập những chi tiết chính xác như chuyện đã xảy ra chứ không phải chuyện tương lai.  Ðáng nhẽ Phêrô phải giật mình sợ hãi, nhưng ông không thắc mắc những chi tiết.  Vẫn trong cách xử dụng ngôn ngữ tài tình, Máccô nhấn mạnh là Phêrô càng “nói quả quyết” hơn nữa.  Phải chết tôi cũng không chối Thầy.  Lúc đó, Chúa chỉ còn một cách duy nhất là im lặng, vì hết lời rồi.

Trong cung cách đó, còn gì để nói về con người Phêrô?  Chính Chúa đành lặng thinh.

****************************************

Thảm kịch đáng thương trên được Phúc Âm tả tiếp:

Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô:

– Simon, anh ngủ à?  Anh không thức nổi một giờ sao?

Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước.  Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu.  Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông:

– Lúc này mà còn ngủ sao?

Từ chiều, từ lúc hát thánh vịnh xong và Thầy trò lên núi Ôliu đến giờ, từ lúc quả quyết không chối Thầy đến giờ chắc mới vài tiếng đồng hồ.  Ba lần Chúa đến tìm các ông, các ông vẫn ngủ.  Ngôn ngữ chúng ta để ý ở đây mà Máccô cho một chi tiết đặc biệt là các ông ngủ đến độ mắt họ “nặng trĩu” (Mc 14:40).  Ngủ đến độ mắt “nặng trĩu” là như thế nào?  Có thể đây là chi tiết sẽ cắt nghĩa một sự cố lát nữa đây về con người Phêrô.

Lần thứ ba Chúa đến, lúc mắt họ “nặng trĩu” thì Giuđa và thượng tế cùng giáo mác, gậy gộc của đám cơ binh ụp đến bắt Chúa.  Lúc này một “anh hùng” xuất hiện:  Ðó lại là Phêrô.  Ông rút gươm!

Tin Mừng tường thuật, ông chém đứt tai người đầy tớ (Yn 18:10).  Nếu ông anh hùng sao không đượng đầu với bọn lính?  Tội lỗi là đám thượng tế cùng cơ binh chứ đầy tớ, nó làm gì mà chém nó?  Ðứa có khí giới trong tay sao không chém, chém thằng đầy tớ?  Và ngay cả nhát chém cũng vậy, chỉ chém đứt được có cái tai.  Không chém được vào đầu, vào cổ mà chỉ có cái tai thôi sao.

Chi tiết Máccô cho biết lúc nẫy là các ông ngủ đến độ mắt các ông “nặng trĩu”.  Phải chăng vì “nặng trĩu” nên đâu còn nhìn thấy gì?  Phải chăng vì “nặng trĩu” cho nên vùng mình dậy thấy nguy cơ thì hốt hoảng chém mà thôi?  Chém trong đôi mắt ngủ “nặng trĩu!”

****************************************

Chúa bị bắt. tất cả bỏ chạy.
Bây giờ thì rõ, ai ở lại, ai chạy trốn.
Bây giờ thì rõ ai cứu ai.
Vừa trước đây thề chết với Thầy, giờ bỏ chạy.
Vừa trước đây lên tiếng thách đố, giờ cúi mặt.
Vừa trước đây tự tin, giờ mất tất cả.
Vừa trước đây tưởng mình dũng mạnh, giờ yếu đuối quá đỗi.
Vừa trước đây làm chủ tình hình, giờ nhục nhã.
Vừa trước đây tưởng mình cứu Thầy, giờ Thầy cứu mình.
Vừa trước đây tưởng mình là người lãnh đạo anh em, bây giờ người ta biết rõ sự thật.

****************************************

Lạy Chúa, cuộc đời sao quá hoang vu.
Con tưởng mình là thánh nhân mà không phải.
Con tưởng mình có kế hoạch nhưng sao quá vụng về.
Con tưởng ý kiến con thông minh mà sao nông cạn.
Con tưởng người khác kém hơn mình nhưng thật sự họ biết suy nghĩ chín chắn.
Con tưởng không có con là chuyện không thành mà thực sự vì con nên mới hỏng chuyện.

****************************************

Ôi!  nào đâu con có ngờ.

LM. Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Cô Đơn và Sự Tự Do”

 

THẦY LÀ AI?

– Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. (Mt.16:16).

zzBạn thân mến! Trên đây là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đối với Chúa Giêsu. Và đây cũng là lời tuyên xưng hùng hồn nhất, sâu sắc nhất và trang trọng nhất.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tường thuật rằng: Thầy trò Đức Giêsu đi bên nhau, nói chuyện tâm tình bên nhau, Ngài tế nhị dẫn dắt và nhắc nhở các môn đệ bằng những câu hỏi để gây ý thức nơi các ông. Trước hết Ngài nói: “Người ta nghĩ Thầy là ai?” (Mt.16:13). Và dần dần Ngài dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai? ” (Mt.16.15)

Đức Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Ngài đã không làm thế.  Ngài muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Ngài, Ngài muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Ngài.

Là môn đệ Đức Kitô, mỗi người chúng ta phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của chính mình.  Người môn đệ phải biết căn tính của thầy mình, phải biết mình đang theo ai và người mình theo từ đâu đến.  Có như thế, người môn đệ mới có thể đi sâu vào trong tình thân mật với thầy mình, mới tin tưởng những điều thầy mình dạy, mới can đảm thi hành những giáo huấn mà thày mình đã trao ban.

Phêrô đã trả lời câu hỏi này cho phần của ông: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống”. Còn bạn và tôi, chúng ta trả lời câu hỏi này ra sao?  Nếu Đức Giêsu đến và hỏi tôi và bạn hôm nay “Thày là ai”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? Nếu người ta hỏi tôi “Đức Giêsu là ai”, tôi sẽ giải thích cho họ như thế nào?

Được biết Đức Giêsu, được nói về Đức Giêsu, được làm chứng cho Đức Giêsu, được tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu … Đó là một ân phúc, ân phúc từ trời cao đổ xuống cho những người luôn vững lòng tin tưởng vào Đức Giêsu, vì “không phải phàm nhân mạc khải cho điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt.16: 17)

Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Hội thánh của Ngài : “Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày”(Mt.16:18). Với lời nói này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh trên trần gian.  Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng, nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng được vững bền.  Phêrô giữ chìa khoá Nước Trời, nhưng chính Chúa gìn giữ toà nhà Nước Trời.

Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô làm người lãnh đạo và cai quản Giáo hội.  Còn bạn và tôi, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong vai trò gì?  Chúng ta phải làm gì để chung tay góp sức xây dựng Hội Thánh mà Ngài đã thiết lập?

***

“Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày” (Mt.16:18).

Lạy Chúa! Nghe lời mời gọi của Đức Giê-su nói với Phê-rô, con cứ nghĩ là Ngài chỉ nói với những người mà Ngài chọn làm giáo hoàng mà thôi.  Nhưng suy xét kỹ hơn, con nhận ra Ngài nói với tất cả mọi người, mọi Ki-tô hữu.  Ngài mời gọi mọi người trở nên đá tảng để chung tay góp sức xây dựng căn nhà Giáo Hội.  Lạy Chúa! Xin giúp con biết quảng đại đáp trả lời mời gọi ấy. Amen.

(Tổng hợp từ  R. Veritas)
(BĐ1: Is.22:19-23 * BĐ2: Rm.11:33-36 * PÂ: Mt.16:13-20)

CÁT VÀ ĐÁ

Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc.  Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt.  Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình.  Người kia rất đau nhưng không nói gì.  Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng:

– “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi.”
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát.

Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh. Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ:

– “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.”
Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi:

– “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?”

Và câu trả lời anh nhận được là:

– “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát, nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn! Khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá, nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”

****************************************

Một lần Thánh Phêrô hỏi Thầy:

– “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp:

– “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”(Mt 18,22)

 Lời Chúa đã dạy Phêrô ngày nào, cũng như Chúa đang nói với con.  Bảy lần đã là khó, nhưng Chúa dạy phải là bốn trăm chín mươi lần.  Số lần Chúa nói ở đây, có thể hiểu là tha thứ vô giới hạn, hãy mở rộng lòng để tha thứ cho nhau.  Như trong dụ ngôn người cha nhân hậu, sẽ không phải là 490 lần, mà hơn thế nữa.  Tấm lòng bao dung của người cha còn bù đắp lại cho người con tất cả gì anh đã đánh mất, những gì đẹp nhất ông đã dành cho người con đã làm phiền ông nhiều nhất.

Ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bị Mehmed Ali Agca ám sát.  Một thời gian sau, Đức Thánh Cha đã được các bác sĩ cứu thoát.  Ngài đã viết những lời sau đây: “Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?”  Ngài cũng tuyên bố trước công chúng: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ”.  Rồi Ngài đích thân đến nhà tù thăm Ali Agca và tha thứ cho anh ta.  Đức Thánh Cha cũng yêu cầu nhà cầm quyền Italia ân xá cho Ali Agca.  Một tấm lòng bao dung vô bờ bến, một lòng mến không toan tính, một sự chân thành để tha thứ, phát xuất từ chính trái tim yêu thương của Đức Thánh Cha.

Người bạn bị tát đã muốn quên đi hành động nóng giận của anh bạn, như điểm dấu trên cát sẽ chóng bị xóa nhòa, nên anh đã nói “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn”.  Vì khi tha thứ chính là lúc con người không còn oán giận, tâm hồn tỏa sáng lòng bao dung đối với người làm hại mình.  Trong cuộc sống đã đôi lần tôi phải chứng kiến những cảnh ăn miếng trả miếng: mắt đền mắt, răng đền răng.  Và còn nhiều hơn nữa những thông tin từ báo chí, mạng truyền thông Internet.  Lòng Bao Dung của con người ngày nay không còn được trân trọng, sự tha thứ hôm nay hình như chỉ là trên lý thuyết.

– Biết bao chuyện xảy ra tuy rất ư nhỏ nhặt, nhưng đã không giải quyết được bằng tình người mà phải dùng đến bạo lực.

– Biết bao gia đình ly tán, khi vợ chồng không còn tin tưởng, chung thủy với nhau, đã phải đi đến ly hôn.

– Biết bao chuyện anh chị em ruột trong nhà, chỉ vì chuyện phân chia tài sản mà không còn nhìn mặt nhau.

– Và con biết bao chuyện khác nữa… Cũng chỉ vì thiếu lòng bao dung nên họ không thể nhẫn nại để nhường nhịn và tha thứ cho nhau.

Chính vì vậy, tha thứ là một hành động rất cần trong cuộc sống con người, vì tha thứ chính là nền tảng xây dựng hòa bình giữa con người với con người.  Khi một người vì vô tình hay cố ý làm phiền hoặc là gây hại đến mình.  Hoặc có người đã giúp mình, làm ơn cho mình.  Xin hãy cũng xử sự như anh bạn trong câu chuyện trên.

****************************************

Lạy Chúa, lời hát trong Kinh Hòa Bình vẫn luôn văng vẳng bên tai: “vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.  Xin cho con biết sống thể hiện tình yêu thương trong giao tiếp hằng ngày, khi người khác có lỗi với con, cho con biết khoan dung tha thứ.  Mỗi khi con làm phiền lòng người khác, xin cho con lòng can đảm để xin được người đó tha thứ.  Vì con biết tha thứ đã là chuyện khó, nhưng xin người khác tha thứ lại càng khó hơn.  Xin cho con biết trân trọng quý mến những người đã giúp con, như khắc ghi lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.  Amen!

Pet. PBH

LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI TẠI Ý NĂM 1922

PHÉP LẠ ĐÊM 14 RẠNG 15 –

Câu chuyện xảy ra tại thành phố Milano, miền Bắc nước Ý.

Tối 14-8-1922 vào khoảng 11 giờ đêm, cô Elvira Mazzoli vẫn còn miệt mài làm việc nơi tòa báo.  Vị chủ nhiệm tờ tuần san “Squilli di Risurrezione – Hồi Chuông Phục Sinh” đã rời văn phòng lâu lắm rồi, để lại công việc dang dở cho cô thư ký.  Cô Elvira phải kết thúc số báo đặc biệt trước nửa đêm để giao cho nhà in.   Tờ tuần báo phải lên khuôn ngay đêm nay, để sáng mai, lễ trọng Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, tờ báo sẽ được phân phối cho các sạp bán báo.   Lý do sự chậm trễ trong vội vã này là vì vào phút chót, tờ báo nhận được tin: “Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA được long trọng tuyên phong làm Chủ Tịch Hội Giới Trẻ Phụ Nữ Công Giáo”.  Tin quan trọng đáng được thay đổi toàn bộ tờ báo để làm nổi bật vai trò của Vị Nữ Tân Chủ Tịch Thiên Quốc.

Giờ đây chỉ còn vỏn vẹn một tiếng đồng hồ để kết thúc bài viết trước khi người thợ in đến nhận bản thảo.   Đôi mắt nặng trĩu vì quá mệt, cô Elvira Mazzoli cố gắng đánh máy những hàng cuối cùng như sau:

– Chúng con xin lập lại lời dâng hiến của toàn thể Hội Đoàn cũng như của từng người chúng con cho Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Rất Thánh MARIA.  Chúng con xin phó thác cho Mẹ cuộc sống nội tâm và công tác tông đồ của chúng con.   Xin Mẹ thanh luyện chúng con.   Xin Mẹ ban cho chúng con các nhân đức.   Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con ơn yêu mến Đức Chúa GIÊSU Con Mẹ.   Cùng lúc, xin Mẹ cho chúng con biết làm cho những ai có dịp tiếp xúc với chúng con cũng được tăng thêm lòng kính mến Đức Chúa GIÊSU.  Xin Mẹ cho chúng con ngày hôm nay biết sống trọn vẹn tư cách là giới trẻ Công Giáo để chuẩn bị cho mai ngày trở thành người vợ, người mẹ, người nữ tu và Phụ Nữ Công Giáo Tiến Hành.

Vừa đánh máy, cô Elvira như nếm trước niềm vui của toàn thể độc giả cũng như của các Hội Viên Giới Trẻ Phụ Nữ Công Giáo, vào ngày mai, khi mỗi người hân hoan mân mê trong tay mình tờ tuần báo thân yêu.  Nhưng nhất là, vui chừng nào khi biết rằng, Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA trở thành Vị Bảo Trợ Phong Trào Giới Trẻ Phụ Nữ Công Giáo vào chính ngày lễ trọng của Mẹ, 15-8!

Miên man với ý nghĩ, cô Elvira ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết.  Trong giấc ngủ, cô làm ngã chiếc đèn dầu đặt trên bàn viết.  Dầu chảy lan trên giấy và rơi xuống áo.  Cùng với dầu, ngọn lửa theo nhanh bốc cháy.  Trong khoảng ngắn, ngọn lửa có thể thiêu rụi căn phòng, biến cô thành ngọn đuốc sáng và bản thảo tờ Hồi Chuông Phục Sinh tan thành tro bụi!

Thế nhưng, Vị Nữ Bảo Trợ Thiên Quốc của Phong Trào không mảy may cho phép điều này có thể xảy ra.  Đức Mẹ MARIA ra tay uy quyền can thiệp.  Và Phép lạ đã xảy ra.  Cánh cửa sổ đang đóng kín bỗng bị mở tung.  Một luồng gió nhiệm mầu ùa vào, kịp thời thổi tắt ngọn lửa bắt đầu bốc cháy, trước khi ngọn lửa có thể thiêu rụi tất cả người và vật trong phòng.

Nghe tiếng động của cánh cửa sổ bật mở, cô Elvira Mazzoli giật mình tỉnh thức.  Rất nhanh sau đó, cô định trí và hoàn hồn khi thấy mình vừa thoát khỏi bàn tay tử thần trong đường tơ kẽ tóc!  Không đợi chờ lâu, cô quỳ gối xuống đất, dâng lời cảm tạ Hiền Mẫu Thiên Quốc đã gìn giữ mạng sống cô an toàn.

Mấy phút sau có tiếng chuông reo.  Đồng hồ cũng điểm 12 tiếng.  Đúng nửa đêm. Người thợ in đến lấy bản thảo tờ Hồi Chuông Phục Sinh để cho lên khuôn.  Khi cô Elvira Mazzoli trao bản thảo cho người thợ, tay cô vẫn còn run vì xúc động.  Người thợ in nhận ra nét lúng túng xúc động của cô thư ký.  Ông ân cần hỏi:

– Cô Elvira, cô đang run rẩy! Cô có bị gì không?  Cô có muốn tôi đưa cô về nhà không?

Cô Elvira ôn tồn đáp lại:

– Thưa ông Monti, tôi không bị gì hết. Ông đừng lo lắng cho tôi.  Tôi chỉ mệt một chút thôi.  Nhưng tôi muốn ở lại văn phòng chờ trời sáng.  Tôi đã sẵn đề tài cho bài viết của số báo vào tuần tới!

Ông Monti nhã nhặn nói:

– Tùy ý cô. Nhưng cô nên cẩn thận đóng cửa sổ lại, kẻo bị gió độc nguy hiểm!

Nói xong, người thợ in tốt lành cầm bản thảo mang đi.

Còn lại một mình, cô Elvira Mazzoli đến đứng bên cửa sổ ngước mắt chiêm ngắm bầu trời đầy sao.  Vừa nhìn trời, cô vừa sốt sắng đọc những lời kinh Kính Mừng MARIA, dâng lên Hiền Mẫu Thiên Quốc, với trọn tâm tình tri ân thảo hiếu.  Sau đó, cô lặng lẽ ngồi vào bàn làm việc.  Cô bắt đầu đánh máy bài viết cho số báo tuần tới:

– Câu chuyện phép lạ xảy ra vào một đêm mùa hè, đêm đẹp nhất: đêm vọng lễ Đức Mẹ Linh Hồn và Xác lên Trời.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

LÒNG TIN LỚN LAO

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại chuyện một người mẹ có đứa con gái bị quỷ ám.  Bà là dân ngoại, còn Đức Giêsu là người Do thái.  Ít khi Ngài đến vùng đất quê hương của của bà.  Nhưng không biết nhờ đâu mà bà biết được danh tiếng Đức Giêsu. Bà tin Ngài có thể chữa cho con bà khỏi bệnh.  Khi thấy Ngài, bà biết cơ may đã đến, bà tin tưởng con bà được giải thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo này. Bà cầu xin Ngài cứu chữa cho đứa con khốn khổ của bà.  Lời cầu xin van nài của bà phát xuất từ lòng tin.

Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi Chúa thinh lặng.

Bà xin Ngài nhìn đến nỗi đau của người mẹ, đau vì nỗi đau của đứa con. “Lạy Ngài là con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi. Ðứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” (Mt.15:22).  Nhưng Đức Giêsu không đáp lại một lời.  Phải chăng Ngài lạnh lùng trước nỗi đau, lãnh đạm trước điều Ngài có thể làm được?  Nhiều lúc ta cũng gặp sự thinh lặng như thế.  Ta khắc khoải tự hỏi: Chúa ở đâu? Ngài có nghe thấy tiếng tôi van xin không?  Ngài có thấy gì không trước những khổ đau của con người ?

Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi bị từ chối.

Bà chẳng ngã lòng trước sự thinh lặng của Đức Giêsu. Bà cứ kiên trì theo sau Đức Giêsu sau mà kêu, kêu hoài, kêu mãi.  Rồi bà trực tiếp giáp mặt Ngài, nài xin Ngài cứu giúp.  Kết quả là một lời từ chối không khoan nhượng: “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con.” (Mt.15:26).  Bà có bị sốc không khi Đức Giêsu ví dân ngoại với chó con nuôi trong nhà, không đáng được hưởng phần bánh của con dân Israel? Chắc chắn bà đã chẳng thất vọng trước lời từ chối này.

Lòng tin lớn lao là lòng tin khiêm tốn.

Bà chấp nhận lối so sánh của Đức Giêsu.  Bà chấp nhận mình là dân ngoại, chấp nhận mình chỉ là chó con, chỉ dám trông chờ những mảnh bánh vụn từ bàn rơi xuống.  Bà không dám mong được phần ăn của các con. “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” (Mt.15:27). Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn.  Chính vì lòng tin mạnh mẽ đó mà Đức Giêsu đã đáp trả lời cầu xin của bà, đã cho bà được toại nguyện: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.”(Mt.15:28). Ngay lúc đó, con gái của bà được khỏi bệnh.

Tin không phải là đòi hỏi. Tin là khiêm tốn chờ đợi tất cả từ tay Chúa, và đón lấy tất cả như “hồng ân nhưng không”.

Chỉ những lời cầu nguyện khiêm tốn, nhận mình là không và Chúa là tất cả, chẳng đòi hỏi gì mà chỉ trông đợi lòng thương xót Chúa, mới là những lời cầu nguyện đẹp nhất.

Chỉ có những lời cầu nguyện kiên trì, không bao giờ thất vọng nản chí, cả khi Chúa xem ra như bỏ quên, như chối từ, mới là những lời cầu nguyện phát sinh sức mạnh.

Đó chính là thái độ ta cần phải có mỗi khi cầu nguyện.

***

Lạy Cha! Con tạ ơn Cha vì những “ơn ban” Cha đã dành cho con… những ơn con nhìn thấy được, và những ơn con đã không nhận ra, vì con cứ nghĩ đó là chuyện tự nhiên trong cuộc đời.

Con thường đau khổ vì những gì Cha đã không ban cho con, và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng của Cha.

Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban, bởi lẽ điều đó có hại cho con, hoặc vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con luôn vững tin vào tình yêu Cha, cho dù con không hiểu hết Thánh Ý nhiệm mầu của Cha đã thể hiện trong cuộc đời con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Is.56,1.6-7 * BĐ2: Rm.11,13-15. 29-32 * PÂ: Mt 15: 21-28)