SAU BỨC MÀN

Tôi quan sát thấy nhiều người homeless đứng xin tiền ở các góc đường hoặc ở một số tiệm ăn Việt Nam, vì họ biết người Việt có tấm lòng quảng đại, tôi thường thắc mắc họ ngủ nghỉ ở đâu.  Tôi cũng đã từng làm việc ở các trung tâm của chính phủ dành cho họ trú ngụ (Homeless Shelters) nhưng các trung tâm đó chẳng bao giờ có đủ chỗ cho tất cả mọi người.  Tôi dần dà dò hỏi được hai chỗ, một nhóm sống dưới gầm cầu, và một nhóm sống trong các bụi rậm cạnh con rạch, và tôi mày mò đến thăm họ.  Thật sự mà nói, những ngày đầu đến với họ, tôi cũng hơi e dè, sợ sệt, vì quá khứ “lẫy lừng” của họ; nhưng sau khi đến với các anh chị em vô gia cư này, tôi thấy họ khác với những gì xã hội nhìn họ và gán cho họ.  Vì những lầm lỡ trong quá khứ, một số người đã bị tù nhiều năm.  Xã hội con người thường có khuynh hướng xua đuổi và loại trừ họ ra khỏi guồng máy của xã hội, nên nhiều người khi được ra tù muốn làm lại cuộc đời thì không có lối để bước đi.  Tôi không thấy họ như xã hội nhìn họ; tôi thấy họ cũng là con cái của Chúa, họ có sự sống, có một tâm hồn khát khao tình thương như tôi.  Một zzđiều tôi xác tín là Thiên Chúa vẫn thương yêu họ như Chúa yêu thương tôi.

Tôi đến với họ bằng một tấm lòng thương mến, mà không có một chương trình, một ý tưởng nào khác cho họ.  Các anh chị này đã mở lòng đón nhận tâm tình này, và cho tôi “giấy phép” đi vào cuộc đời họ.  Những lần đầu tôi đến với những thùng mì gói, cà phê, bánh mì, thì họ đón nhận một cách e dè.  Cũng dễ hiểu thôi vì lâu lâu cũng có người đến cho quà, nhưng đồng thời cũng tìm cách lôi kéo họ theo đạo Kitô.  Nên khi tôi đến thăm, họ cũng nghĩ rằng tôi đến cho quà để “dụ dỗ rủ rê” họ theo đạo của tôi, và đặc biệt hơn nữa khi biết tôi là linh mục.  Sau vài lần đến thăm, họ cảm nhận rằng tôi đến với họ không có mục đích lôi kéo họ theo đạo Công Giáo của tôi, mà chỉ muốn đến nâng đỡ họ vì tình người với người.  Tôi thấy rất rõ những lần sau tôi đến, họ dỡ bỏ “mặt nạ” xuống vì cảm thấy an tâm không bị lên án.  Họ cảm thấy thoải mái và xem tôi như người trong nhà, không còn là vị khách lạ.  Lâu lâu lại có người ngồi tâm sự cuộc đời mình cho tôi nghe mà không sợ tôi chê bai, trách cứ, khinh thường hay lên án.  Tôi hiểu rằng đó là những giờ phút thánh thiêng nhất của một con người và tôi được phép đi vào tâm hồn họ, mà thường họ chẳng chia sẻ nỗi lòng u uất với bất cứ ai.

Tôi không nói một lời về Chúa về Mẹ, mà chỉ nói về tình người, để san sẻ, nâng đỡ, ủi an, cảm thông, đón nhận, … và đâu đó, nơi vùng đất “rừng thiêng nước độc” ngay giữa lòng thành phố San Jose, tôi nhận ra sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa đang ngự trị ở một góc thầm kín nào đó nơi tâm hồn họ, và tên gọi của Thần Khí là tình yêu.  Chỉ có tình yêu mới thúc đẩy tôi đến với họ, và cũng chỉ có tình thương họ mới an tâm dám vén bức màn đời họ cho tôi được đồng cảm, chỉ có tình thương mới đưa con người đến với nhau.

Nếu chỉ nhìn bề ngoài của các anh chị vô gia cư này thì ai cũng cảm thấy hơi e dè để tiếp cận.  Thật sự mà nói, cuộc sống cũng cần phải có những giây phút mà bức màn cần được giăng lên để che lấp những ẩn khuất sau những bụi cây của chốn hoang dã âm u.  Tôi đã được diễm phúc vượt qua các lùm cây um tùm, được phép vén bức màn mang nhiều nét nhàu nát cuộc đời để đi vào chốn rừng thiêng này, là nơi thánh thiêng nhất của con người, mà ở đó không còn một cái gì ngăn cách cho hai trái tim nghe tiếng thổn thức của tình yêu đồng loại.  Giây phút đó, không còn những ngăn cách của giàu nghèo, tốt xấu, màu da, tôn giáo, trình độ, những bề ngoài hào nhoáng được để lại bên ngoài bức màn, để mọi người vén bức màn của chính mình lên đi vào cuộc tình sau bức màn ấy, ở đó không có sự lên án, mà nơi đó chỉ chan chứa tình thương, sự thật, sự sống, và đón nhận.

Hôm nay D., một trong số những người homeless, rủ tôi ăn cơm chung, hai anh em ngồi chồm hổm ăn cơm thô với thịt heo kho với nhau, rồi pha trà hàn huyên tâm sự thật dài và thật sâu, thật dài như bề dài con rạch bên cạnh túp lều, thật sâu như bề sâu của chốn rừng sâu hoang dã sau các lùm cây rậm rạp.  Tôi có cảm tưởng như cả triều thần thiên quốc cũng đang lắng tai nghe cùng với tôi.  Những giây phút thánh thiêng này không phải lúc nào cũng có, đó là lúc ân sủng và tình yêu Thiên Chúa đang tuôn đổ xuống trên tâm hồn đang rộng mở để được đón nhận ơn tái sinh bởi Thần Khí.

Bức màn được vén lên, và ánh sáng được dọi vào chốn thiêng liêng ẩn khuất nhất.  Sau bức màn đó, con người trở nên trần trụi, tỏ lộ một trái tim thịt mềm, một trái tim mang nhiều vết thương bầm tím cuộc đời, một trái tim đang rung động và thèm khát được yêu.

Lạy Chúa, con hay dùng nhiều lớp màn để che đậy lại cuộc đời của chính con, có bức màn này, còn cảm thấy an tâm vì không ai biết rõ để lên án con; con sợ hãi mỗi khi bỏ bức màn xuống vì lúc đó con quá dễ bị tổn thương, lúc chẳng còn gì để có thể chống đỡ ngay cả những cơn gió thoảng ngang qua cuộc đời, lúc con cảm thấy trần trụi nhất.  Xin giúp con cũng tập vén từng lớp một các bức màn lòng con, để cho Chúa nhìn ngắm con trần trụi sau bức màn của lòng con, mà sau bức màn đó, con gặp  Chúa và Chúa gặp con – và câu chuyện tình yêu có cơ hội được triển nở.

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J.
May 27, 2011

YÊU THƯƠNG NHAU

Một người đàn ông đi đến cổng thiên đàng, tại đó, ông gặp thánh Phêrô và kẻ Biện Hộ cho ma quỉ.  Cả hai người đều xem xét bản báo cáo của ông ta.

Kẻ biện hộ cho ma quỉ nói “Ông ta không phải là một người nhiệt thành lắm.  Ông ta quá lơ đễnh và vô tư.  Ông ta có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn cho bản thân”.

Thánh Phêrô nói “Ðúng vậy!  Ông ta có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng ở đây, tôi nhận thấy rằng ông ta là một người hàng xóm tốt, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác”.

Kẻ biện hộ cho ma quỉ nói “Nếu ngài hỏi tôi, tôi sẽ nói rằng ông ta quá hào phóng về tài sản riêng của ông ta.  Người ta nhìn vào ông ta như là một người quá dễ tiếp cận, thậm chí còn hơi điên rồ nữa”.

Thánh Phêrô nói “Có lẽ ông ta hơi hào phóng.  Và sự thật là đôi khi, người ta lợi dụng được ông ấy.  Nhưng đó không phải là một tội”.

Kẻ biện hộ cho ma quỉ vội vàng bổ sung “Ồ, ông ta cũng phạm tội nữa.  Ðôi khi, ông ta vẫn có thể dập tắt được cơn nóng giận của ông ta, và khi làm như vậy, ông ta vẫn có thể sử dụng một số ngôn ngữ chọn lựa chứ”.

Ðến đây, thánh Phêrô trả lời “Nhưng tôi nhận thấy ông ta không hề giữ lòng hận thù hoặc bất mãn.  Ông ta nhìn vào mối hận thù như là một thứ thuốc độc vậy.  Ðối với ông ta, bất cứ lối trả thù nào cũng đều đáng căm ghét cả”.

Kẻ biện hộ cho ma quỉ kháng cự lại “Nhưng ông ta không phải là một người đạo đức cho lắm. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông ta được gọi là một con người thánh thiện.  Và chắc chắn rằng không một người nào có thể được vào thiên đàng, mà không sống thánh thiện”.

Thánh Phêrô phản đối “Ðúng vậy, nhưng sống thánh thiện có nghĩa là gì vậy?  Ðối với tôi, rõ ràng chúng ta đang giải quyết cho một người không có khả năng gây đau khổ cho người khác, một con người có lòng thương xót, hết sức trung thực trong tất cả mọi hành động, tôi sẽ để cho ông ta vào”.

Kẻ biện hộ cho ma quỉ kêu lên “Xin ngài chờ một phút!  Tôi chưa nói xong.  Ông ta còn một tội khác nữa, mà tôi sắp nói ra đây”

Thánh Phêrô nói cụt ngủn “Tôi không muốn nghe nói về bất cứ lỗi nào của ông ta nữa. Tôi chỉ thích một điểm duy nhất : Ông ta là một con người tử tế, một người biết yêu thương.  Ðó là một điều quan trọng.  Và thế là đủ rồi”.

Với câu nói đó, ngài để cho người đàn ông này đi vào thiên đàng.

*********************************

Thánh Gioan nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là tình yêu. Chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Thiên Chúa không yêu thương chúng ta bởi vì chúng ta tốt lành. Và bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên chúng ta phải yêu thương nhau.  Chúng ta bày tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, bằng cách yêu thương nhau.

Thánh Phêrô nói “Tình yêu thương che lấp được rất nhiều tội lỗi…”.  Khi Phêrô chối Ðức Giêsu, Người đã không hề xua đuổi ông đi.  Người vẫn tiếp tục yêu thương ông.  Và Người đòi hỏi Phêrô phải đáp trả lại điều gì?  “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy”.  Nói cách khác, Người đòi hỏi ông phải chứng tỏ lòng mến của ông, bằng cách chăm sóc những anh chị em trong cộng đoàn.

Cuộc sống của Kitô hữu không phải là sự theo đuổi các nhân đức đưa dẫn tới sự hoàn thiện của tình yêu, nhưng là một quá trình bắt đầu bằng tình yêu, và phát triển đến mức độ hoàn hảo, khởi sự từ điểm bắt đầu này.  “Căn bệnh lớn nhất của thế giới ngày nay, đó là sự thiếu vắng tình yêu” (Mẹ Têrêsa).  Tình yêu là tất cả mọi sự.  Tình yêu đòi hỏi điều tốt đẹp nhất nơi chúng ta, và mang lại cho chúng ta điều tốt đẹp nhất.

R. Veritas

*********************************

Xin cho chúng con biết kính mến Cha hơn
Và yêu thương anh em hơn.
Chúng con cư xử như người xa lạ
với biết bao anh em
Mà Cha xem là những kẻ rất gần gũi
Vì vậy chúng con đọc lại lời nguyện của Đức Giêsu:
“Lạy Cha, xin cho chúng nên một
Như Cha và Con nên một,
Cho Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con”.

Robert Guelluy

HÃY VÌ CHÚA MÀ YÊU MẾN THA NHÂN

Người mẹ đang thoi thóp nhìn năm đứa con khóc thút thít quanh giường, mắt bà nhoà lệ.  Cha của chúng đã lìa thế từ lâu, để lại cho bà gánh nặng một mình tần tảo nuôi năm đứa con thơ.  Giờ đây lại đến lượt bà nối gót chồng ra đi, vĩnh viễn xa lìa đàn con nheo nhóc.  Bà không an tâm chút nào khi thấy lâu nay các con hay kình cãi, tranh chấp nhau từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, từ việc chia cá, chia cơm trong mỗi bữa ăn cho đến việc tranh nhau tấm áo manh quần.  Đứa nào cũng ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà quên tình anh em ruột thịt. Đứa nào cũng mong chiếm cho được phần hơn mà không màng gì đến quyền lợi các em. Mai đây bà ra đi, ai sẽ là nhịp cầu nối kết chúng lại với nhau trong tình huynh đệ? Ai sẽ là trọng tài phân xử những tranh chấp bất hoà thường xuyên nổ ra giữa chúng?

Tuy nhiên, điều an ủi lớn lao cho bà là mặc dù chúng không thương nhau, nhưng đứa nào cũng thương mẹ; tuy chúng không hề biết hy sinh cho nhau, nhưng nếu vì mẹ thì chúng sẵn sàng hy sinh và làm cho mẹ bất cứ chuyện gì.

Thế nên, cậy dựa vào tình thương chúng dành cho mình, bà lấy chút hơi tàn thều thào mấy lời trăn trối: “Các con yêu của mẹ, mẹ rất buồn, rất khổ tâm khi thấy các con bất hoà bất thuận với nhau. Chốc lát nữa, mẹ sẽ vĩnh viễn xa lìa các con.  Nếu mỗi người trong các con còn thương mẹ thì hãy vì mẹ mà thương yêu các anh em mình!”

Nói xong, bà ra hiệu cho từng đứa cúi xuống cho bà hôn lên trán rồi lịm vào giấc ngủ ngàn thu.

*****************************

Chính Chúa Giêsu cũng có cùng tâm trạng đó.  Ngài đến thế gian để nhen lửa yêu thương trên mặt đất và Ngài mong mỏi ngày đêm cho lửa ấy cháy lên.  Ngài đã truyền cho các môn đệ điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Ngài đã hết lòng yêu mến họ.  Nhưng ngọn lửa yêu thương Ngài đã nhọc công nhem lên lại hắt hiu như đèn trước gió, dễ dàng bị lòng tham lam ích kỷ hận thù dập tắt đi.

zzThế nên, khi sắp lìa bỏ thế gian và các môn đệ là đoàn con thân tín để về cùng Chúa Cha, Ngài nhắn nhủ họ những lời tâm huyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở lại với anh em một ít lâu nữa thôi…. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13, 33-35).

Biết rằng xây dựng, vun đắp tình thương giữa người với người là điều rất khó; anh em ruột thịt trong nhà chưa dễ thương nhau, huống là yêu thương người ngoài hay thù địch.  May ra vì lòng yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng, yêu thương và hiến mình chết thay cho họ, họ mới có thể đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng cách vâng lời Chúa và vì Chúa mà yêu mến tha nhân.  Cần phải nại đến lòng yêu mến Thiên Chúa của con người để khuyến dụ con người vì Chúa mà yêu thương nhau.

Trong tâm tình đó, Ngài tiếp: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ điều răn Thầy truyền… là hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Kế đó, sợ các môn đệ chưa chú tâm đến những lời tâm huyết của mình, Chúa Giêsu lặp lại nội dung trên theo hình thức đảo ngữ: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy.”

Qua những lời trên, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng nếu chúng ta thực tình yêu mến Chúa thì hãy giữ điều Chúa truyền dạy là yêu mến tha nhân; chỉ những ai giữ luật yêu thương tha nhân mới thực sự là kẻ yêu mến Ngài.  Cho dù chúng ta không thể yêu mến người khác vì họ khó thương, thì chúng ta cũng hãy vì lòng yêu thương Chúa mà đón nhận tha nhân như lệnh Chúa truyền.

*****************************

Đó cũng là tâm tình mà chúng ta thường bày tỏ với Thiên Chúa qua kinh kính mến, xin hãy cùng khấn nguyện với nhau: “Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng; lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy.  Amen!”

Lm. Trần Ngà

TÂM TÌNH CỦA MỘT EM BÉ BỐN THÁNG TUỔI

(trong gia đình Phật Giáo)   

Chiều hôm nay ngày thứ bảy (9.04.2011) tại nhà thờ Đa Minh – Ba Chuông, con vẫn đi lễ hàng ngày như thường lệ, con lại được tham dự một Thánh Lễ Thanh Tẩy cho các anh chị em dự tòng.  Giây phút đó con cảm thấy nôn nao hồi hộp như cách đây 4 tháng.  Bốn tháng trước con cũng vừa hân hoan hồi hộp dự lễ Thanh Tẩy mà Chúa tặng cho cuộc đời con.

Trong Thánh Lễ, con lại được nghe Cha giảng về việc được sinh ra trong ân sủng Chúa, về việc phải chết đi con người cũ để sống lại cùng Chúa trong vinh quang và về Thập Giá.  Khi nghe giảng Thập Giá thì trong con bỗng muốn thổ lộ tâm tình của mình.

Hôm nay là đúng bốn tháng con được chính thức làm con của Chúa.  Con tự nhận mình là một đứa trẻ còn “bú bình” vì thật sự con chỉ mới được sinh ra bốn tháng.  Con cảm thấy con đã được Chúa trao ban cho quá nhiều ân sủng và đặc ân.  Vậy mà con vẫn chưa làm được điều gì xứng đáng với đặc quyền làm con Chúa.

Nhưng Chúa ơi, cho dù con chưa xứng đáng nhưng con biết Chúa vẫn ở bên con, để con luôn biết thân phận thấp hèn của con, mà con không dám làm theo những thói quen không đẹp lòng Chúa.  Hằng ngày con vẫn vinh hạnh được rước Chúa vào lòng.  Mỗi lần rước Chúa vào lòng, con luôn xin Chúa Thánh Thần soi sáng vào tâm trí con để con biết điều nào sai, điều nào đúng, xin dạy con luôn biết nói lời an hòa, biết mở lòng ra đem tình bác ái của Chúa đến với mọi người.  Sau một thời gian cầu xin, Chúa đã nhận lời con.  Con vui và hạnh phúc lắm tuy con chưa thực hành trọn vẹn Lời Chúa dạy.

Từ ngày được làm con cái Chúa, con nhận được quá nhiều.  Được nhiều thì con cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại.  Bao nhiêu lời dạy dỗ khuyên bảo mà con được nghe trước đây, khi con chuẩn bị đón nhận Chúa làm Cha bỗng hiện ra.  Mọi người đều nói với con rằng, làm con Chúa thì phải cùng Chúa mang Thập Giá.  Thập Giá của Chúa (theo lời mọi người) thì không làm mình hài lòng đâu, nhưng nếu để xứng đáng làm con cái Chúa và được cùng Chúa hưởng phúc vinh quang thì hằng ngày phải mang Thập giá cùng Chúa.  Khi chọn Chúa làm Chúa, làm gia nghiệp cho cuộc đời thì mình phải chịu từ bỏ con người trước kia.  Phải đi con đường hẹp, con đường thử thách mà theo những người đi trước là rất thú vị nhưng không kém phần gian nan.

Ngày đó khi nghe những câu nói như vậy thì con rất tò mò, thấy hứng thú và muốn biết Thập Giá Chúa ra làm sao, nặng bao nhiêu.

Con xin kể quý vị nghe một chuyện xin quý vị đừng cười con.  Ngày con được nhận Bí Tích Rửa Tội thì người thân thương nhất của con, có ý muốn tặng con một món trang sức là sợi dây chuyền có Thánh Giá Chúa.  Khi nghe gợi ý đó, sau một lúc suy nghĩ con từ chối, vì con nhớ những lời nói của mọi người là con sẽ được vác Thánh Giá Chúa rất vui và hấp dẫn.  Con đã tuyệt đối tin vào Chúa là Người Cha thân yêu nhất, là Gia nghiệp, là Tình yêu vĩ đại nhất, là Người bạn thân thương nhất của con, mà con phó thác hoàn toàn.  Chúa biết sức chịu đựng, biết khả năng của con, mà Chúa sẽ mang lại điều gì hạnh phúc nhất, tốt đẹp nhất để tặng Thập Giá thuộc cấp bậc nào cho con.  Nên con quyết định không tự mình chọn lựa Thánh Giá cho cuộc đời mình, vì con sợ nếu làm như thế thì con sẽ không làm đẹp lòng Chúa của con.

Cho tới giờ phút này đây, con đã bắt đầu được sờ chạm một góc Thập Giá Chúa trao.  Nhưng nếu so với những gì Chúa ban tặng thì con thấy con có thể xin mang cùng Chúa của con.

Theo con nghĩ, (con vốn là một tân tòng còn rất non trẻ nên có thể suy nghĩ của con còn thiển cận, nhưng mong mọi người thử một giây phút nào đó mở lòng với con về suy nghĩ này) Thập Giá Chúa có nặng nề hay không là do con người mình nghĩ.

Như lời của một đàn anh đã bị thử thách thật ly kỳ, cho đến bây giờ gần hết một đời người mà có lần con được nghe, con nhận thấy rằng: “Có vác Thập Giá Chúa, thì con người mới biết khả năng thật sự của mình.  Có mang Thập Giá thì con người mới có dịp để sám hối những tội lỗi mình đã vô tình hay cố ý gây ra trong những lúc yếu đuối sa ngã.  Và chính nhờ Thập Giá Chúa thì nhân loại mới có dịp để hoàn thiện con người mình.  Mỗi con người cần phải có một Thập Giá để có dịp lập công và chuộc tội với Chúa.  Điều quan trọng hơn là có vác Thập Giá thì mỗi người Kitô hữu mới khẳng định được đức tin vào tình yêu Chúa… chứ đừng mong mình vác Thập Giá để làm gì đó cho Chúa, để rồi ngồi trách cứ Chúa đủ điều”.

Thập Giá mà Chúa ban cho, như trường hợp của con đây cũng vui vui.  Khi con quyết định chọn Chúa làm Cha và chọn Công Giáo là Tôn Giáo cho riêng mình.  Con biết rất rõ những trở ngại mà con sẽ đương đầu.  Gần gũi và thường xuyên nhất là với gia đình có một truyền thống Phật Giáo rất  “cổ thụ” của con.  Nhiều lúc con phải đấu tranh tư tưởng rất mạnh, nếu ra mặt để bênh vực và chỉ ra những điều hay và hợp lý về đạo Công Giáo, thì con với má con sẽ phải tranh chấp gay gắt, vì má con đưa ra những suy nghĩ và lời nói của nhà Phật mà theo con thấy rất vô lý.  Như thế con sợ sẽ không làm cho má hài lòng, giận dỗi rồi vô tình con phạm phải điều răn thứ tư của Chúa là không giữ trọn đạo hiếu.

Con yêu Chúa, chọn Chúa là Chúa cho cuộc đời con nhưng con vẫn còn lệ thuộc vào ba má con rất nhiều.  Vì ba má con chỉ có một mình con là con gái.  Nhiều lúc con thấy nản lòng, muốn buông xuôi.  Nhưng ngay những lúc đó, con vội vàng cầu nguyện với Chúa.  Nhớ tới những ân sủng Chúa ban thì lòng con nhẹ nhàng, và tìm thấy những câu đối đáp thật rõ ràng không gây mất hòa khí gia đình.  Trong cuộc sống con cũng va vấp nhưng con đều có Chúa nâng đỡ.  Và cũng từ đây, con càng xác tín Lời Chúa hứa với nhân loại không sai chút nào. “ …Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học ở tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.  Tâm hồn anh  em sẽ được nghỉ ngơi vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng…” (Mt 12,29- 30).

Con nhận thấy Thập Giá Chúa rất hay và tràn đầy ý nghĩa.  Là con người, cho dù không phải là một người Công Giáo thì ai cũng nên sống làm sao cho đúng nghĩa một con người mà Thượng Đế đã tạo ra.  Phải sống có tình người bác ái, phải sống nhân hậu, phải sống có lề luật… Nếu sống mà không có lề luật thì xã hội sẽ ra sao?  Nếu sống trong tình trạng lúc nào cũng thủ đoạn, gian dối, thì khi được những thứ mà nhờ gian dối có được liệu trong lòng có bình an không?  Sống mà không biết thương cảm, chia sẻ thì cuộc sống có ý nghĩa nữa không?

Riêng những ai đã được vinh hạnh làm con cái Chúa, thì cái được sẽ rất nhiều so với cái phải mất đi.  Chúa tặng ta Thập Giá để con người của ta trọn vẹn hơn, xã hội hoàn thiện hơn …. Và để sống xứng đáng làm con cái Chúa, chúng ta biết điều gì xấu mà quyết tâm từ bỏ (sợ Chúa buồn thì mình phải đoạn tuyệt).  Nhất là khi mình yếu đuối sa ngã, Chúa luôn dang rộng đôi tay yêu thương để đón mình về để tha thứ tất cả.  Chẳng những thứ tha mà Chúa còn cho ta cơ hội để ăn năn sám hối.

Làm con Chúa thì được nhiều lắm, nên con rất mong mọi người nhận ra mà chạy đến bên Chúa (nếu chưa phải là người Công Giáo), và những người Kitô hữu hãy quay về với Chúa, để sống xứng đáng hơn với tình yêu, mà Chúa đã ban tặng cho quý vị qua Bí Tích Thánh Tẩy.  Để cùng chúng con hưởng những hồng phúc mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại không phân biệt tầng lớp nào trong xã hội, không giới hạn tuổi tác…

Làm con Chúa thì được bình an, được hoán cải đời sống tội lỗi trước đây (hôn nhân rối, tình yêu không có lời chúc phúc của Chúa, từ bỏ được những đam mê tội lỗi như nghiện ngập, bói toán, bùa ngải….)

Làm con Chúa thì được cầu nguyện với Chúa mọi nơi, mọi lúc.  Lúc nào cũng có thể hò hẹn với Chúa để tâm tình.  Khi nào cảm thấy không vui thì mời Chúa cùng ca hát, những lần bất mãn việc gì hay ai đó làm cho mình phiền muộn và gặp trắc trở, khó khăn trong cuộc sống, thì lại được trút cả cho Người vì “ … Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh  em… ” (1 Pr 5,7).

Chọn Chúa và đến với Chúa, thì hàng ngày mình được đến với Chúa qua Thánh Lễ.  Dự Thánh Lễ thì chúng ta được dâng tặng Chúa những ưu tư, lo lắng, những bệnh tật, những hoàn cảnh trái ngang mà con người chúng ta gặp phải.  Con đã dùng phương pháp này để được gần gũi với Chúa hơn ngay từ những ngày con chưa được làm con cái chính thức của Chúa.  Và con đã được Chúa nhận lời.

Đây là con gợi ý dành tặng cho những ai chưa là con Chúa.  Quý vị cứ vô tư đến với Chúa đi, vô tư cầu nguyện cùng Chúa với một tấm lòng chân thành, đơn sơ, yêu mến và xác tín thì quý vị sẽ thấy điều kỳ diệu Chúa trao tặng cho quý vị.  Con dám khẳng định với quý vị như vậy, vì ngày trước con đã được tất cả những gì con cần khi con trải lòng cùng Chúa.

Nói tóm lại, làm con cái Chúa là một đặc sủng mà Chúa ban tặng cho nhân loại.  Con rất mong ước những ai chưa nhận ra Tình Yêu Bao La, Gia Nghiệp, Vị Đại Thiên Y vĩ đại, Đấng Cứu Độ và Đấng Giải Thoát tuyệt vời nhất của nhân loại là Thiên Chúa, thì giờ đây hãy chạy đến, hãy quay về để vui hưởng một cách trọn vẹn nhất.

Con xin chân thành cám ơn, quý vị đã dành thời gian quý báu để đọc bài chia sẻ của con.  Và cũng nhân đây con cũng xin quý vị cầu nguyện cho con một lời, để con vững đức tin hơn và sống đạo tốt hơn, cho xứng đáng làm con gái yêu của Chúa.

Túc Lynh – duongtuclynh@yahoo.com
Sàigòn, ngày 09 tháng 4 năm 2011

NGUỒN GỐC THÁNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ

Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng?

Vào những thế kỷ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng việc tổ chức gọi những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

zzCó nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh”.  Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ.  Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh.  Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ.  Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau Mùa Chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ.  Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công.  Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: “Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ.  Đó là dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.

Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt.  Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ”

********************************

Một câu truyện cũ đáng suy nghĩ:

Ở thành Nancêniô trong nước Pháp, có một gia đình trung lưu.  Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan.  Vợ luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình, nhưng chồng cứng lòng mãi.

Năm ấy, đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ.  Chồng bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện chung với mẹ con.  Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày, nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.

Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình lình, không kịp gặp linh mục.  Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo, bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa.  Khi qua làng Ars, bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.

Ngài là người đạo đức nổi tiếng, được mọi người xem là vị thánh sống.  Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền bảo:

–  Đừng lo cho linh hồn chồng bà.  Chắc bà còn nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa vừa rồi chứ?

Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết được?

–  Cha sở nói thêm: Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội cách trọn trong giờ chết.  Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng.

Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ ơn Đức Mẹ.

Nếu chỉ vì mấy bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy, thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…c hắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa?  Mẹ thích những bông hoa Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng.

Thánh Anphongsô Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng”.  Thánh Bênađô thì diễn tả văn vẻ hơn: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ.  Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng.  Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ”.

Lm. Đoàn Quang CMC

********************************

Nơi ngưỡng cửa những buổi chiều
Lạy mẹ, con đến bên Mẹ với con tim đầy phiền muộn
Mẹ đã thấy điều làm con đau khổ trên đường con đi
Mẹ ơi, con biết rõ đôi tay mẹ đã ứ đầy
Những bó hoa của khổ đau mà mọi người đến để dâng lên Mẹ hiền.
Nơi ngưỡng cửa của những buổi chiều, Mẹ thật để ý ,
Vì đó là giờ mà tâm hồn con luôn quay về với Mẹ .
Mẹ ơi, những lời nói của con thật nặng nề .
Lời nguyện cầu của con còn nhút nhát .
Ðể nói chuyện với Chúa của con, con cần đến tiếng nói của Mẹ hiền .
Ngôi sao luôn tỏa sáng trong đêm tối của những nghi nan nơi con,
Mẹ hướng cái nhìn của con về bình minh của tình yêu mến .
Mẹ ơi, khi con do dự trước những giao điểm đường đời,
Con lập lại tên Mẹ và con lại luôn luôn bước tới.
Cho tới giờ được chúc phúc, giờ được nhìn ngắm dung nhan Mẹ,
Con sẽ không còn nghĩ tới những đá cản trên đường !
Mẹ ơi, khi con đợi chờ kết thúc của cuộc lữ hành,
Con sẽ đi về nhà Cha khi cầm tay Mẹ hiền ..

Jeannine Perrier

BIẾT THẦY LÀ BIẾT CHA

Nhiều lần Chúa Giêsu nói về Chúa Cha khiến các môn đệ đâm ra tò mò. Chúa Cha là Ai? Ngài ở đâu? Ngài là Ðấng thế nào? Thế nên, trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Philipphê mới xin với Chúa Giêsu: ” Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” (Ga.14:8)

Dùng ngôn ngữ hạn hẹp của con người để diễn tả mầu nhiệm cao vời về Chúa Cha thì khác chi lấy gang tay đo trời cao vời vợi. Vì vậy, thay vì dùng lời nói để diễn giải, Chúa Giêsu dùng phương pháp trực quan. Ngài chỉ cho Philipphê cũng như các môn đệ xem chân dung và hình ảnh đích thực của Thiên Chúa Cha. Chân dung đó, hình ảnh đó chính là Ngài: “Ai biết Thầy là biết Cha” (Ga.14:7), và “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga.14:9)

Nhìn vào Chúa Giêsu, ta sẽ biết được Thiên Chúa Cha. Nơi Chúa Giêsu, ta tìm gặp được Thiên Chúa cha, dễ gần, dễ thấ

y, dễ quen. Thiên Chúa đâu chỉ ở nơi cao thẳm ngàn trùng. Thiên Chúa hiện diện nơi con người Chúa Giêsu, khiêm hạ; bao dung và yêu thương .

Chúa Giêsu cũng tỏ cho các môn đệ biết giữa Ngài và Chúa Cha có một mối hiệp thông mật thiết. Giữa Ngài và Thiên Chúa Cha có một gắn bó lạ lùng đến nỗi Chúa Giêsu dám nói: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy“(Ga.14:11). Những lời Chúa Giêsu nói chính là lời của Chúa Cha được nói qua môi miệng Chúa Giêsu: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Ðấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. (Ga.14:10).  Lời nói và việc làm của Chúa Giêsu chính là lời nói và việc làm của Thiên Chúa Cha. Toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt, phản chiếu khuôn mặt và trái tim Thiên Chúa Cha; đầy nhân ái và bao dung với hết mọi người.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu còn tự nhận mình là Con Ðường, thậm chí là Con Ðường độc nhất dẫn đến Chúa Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga.14:6). Mọi con đường cứu độ đều phải đi Con Ðường Giêsu. “Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời, để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ” (Cv.4:12). Nhân loại được cứu độ nhờ Danh Chúa Giêsu, kể cả những ai không biết Ngài, không được nghe Lời Ngài, nhưng đã sống theo những đòi hỏi của lương tâm, hợp với tinh thần của Tin Mừng Ơn Cứu Độ

Sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến, Chúa Giêsu đã về với Chúa Cha trong vinh quang phục sinh. Cuộc đời của Ngài đã trở thành con đường cho ta bước đi. Khi đi vào Con Ðường Giêsu, ta cũng trở nên nẻo đường cho những người xung quanh. Đó là nẻo đường dẫn đến Thầy Giêsu, và qua Ngài, nẻo đường ấy dẫn đưa đến Thiên Chúa Cha

Làm Kitô hữu là làm người giống như Chúa Giêsu Kitô, là trở nên một Giêsu khác, là hình ảnh trung thực của Đức Kitô, là ao ước được nói rằng: “Ai biết tôi là biết Ðức Kitô… Ai thấy tôi là thấy Ðức Kitô“.

***

Lạy Chúa Giêsu! Ðã bao lần con làm cho khuôn mặt Chúa trở méo mó, biến dạng và có thể là rất khó thương vì đời sống không tốt đẹp của con.

Xin cho con biết nhìn lên Chúa như một khuôn mẫu tuyệt vời để tu tập thành con người mới, con người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức và tình yêu thương, để nhờ đó con trở thành hình ảnh trung thực về Chúa cho thế giới hôm nay. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Cv.6:1-7 * BĐ2:1Pr.2: 4-9 * PÂ:Ga.14:1-12)

BÁN RUỘNG

zz“Chúa Yêsu lại dậy một thí dụ khác mà rằng: Nước Trời ví như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.  Nhưng lúc mọi người ngủ thì có kẻ thù đến gieo cỏ lùng lẫn với lúa rồi đi.  Khi lúa lớn lên và có bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện” (Mt. 13: 24-26).

Lời Kinh Thánh trên đây nói về thửa đất đã có từ lâu.  Mảnh ruộng đã mấy đời cấy cày.  Một hôm, có khách qua đường dừng chân đứng ngó.  Người tìm đất gian manh suy tính.

Có thửa ruộng đã 20 năm, có mảnh đất đã 40 mươi tuổi đời.  Cuộc sống mỗi người là một thửa ruộng. Từ lúc chuông nhà thờ báo vui ngày tôi rửa tội, trong vườn ấy, Người trồng cây nhân ái.  Từ lúc thửa đất linh hồn tôi khai sinh.  Trong vườn ấy, Ngài gieo hạt giống độ lượng.

Ðã bao ngày Ngài cuốc vỡ đất bờ.  Vất vả, nhưng Ngài mơ một ngày thửa vườn sai trái.  Nắng có hanh nhưng lòng Ngài vẫn mát cho một chân trời hy vọng.  Tôi còn nhớ ngày Ngài trao thửa vườn cho tôi. Có mát dịu bình yên đi về, có sương ẩm là những lời kinh sớm hôm phủ trên bờ đất mềm.  Những hạt giống khiêm nhường, nhẫn nại, hy sinh, nhiệt thành Ngài gieo xuống hồn tôi, khoảng thời gian ấy, nhú mầm xanh đẹp làm sao.  Hây hây mầu bình minh rực rỡ là lời chuông ban sáng.  Êm đềm quá đỗi.  Trời càng hồng, thửa vườn càng căng mầu sống.  Ngài trao cho tôi, dặn dò cẩn thận, trong đôi mắt Ngài, ẩn giấu mầu hy vọng của một mùa gặt sắp tới.

******************************

Hôm nay nhớ lại thủa xa xưa đó, một hôm, có người khách lạ qua đường dừng chân đứng ngó.  Hắn ta đứng nhìn thửa vườn linh hồn tôi, suy tính.  Một lần, rồi một lần qua đi.  Ðến một chiều hoang dại hắn ghé chơi.  Tôi nghi ngại tần ngần.  Hắn nhìn cây nhân ái, ướm thử cành can đảm, đo nhánh trung thành.  Rồi hắn lại ghé chơi.  Dần dà, đến một ngày khi bình minh và hoàng hôn đều rải nắng như nhau.  Thì hắn, dường như không còn là khách lạ như xưa.  Hắn ta quen thuộc ra vào thửa vườn linh hồn của tôi.  Tôi chẳng còn phân biệt mầu nắng vàng đỏ của buổi chiều sắp tắt hoàng hôn và mầu cam ối khi mặt trời mọc.  Khởi đầu và tận cùng dường như mù mờ lẫn lộn.  Thánh thiện và tội lỗi giao thoa. Cái hiu hiu của chân trời lịm đi và cái hây hây của một bình minh đang lên nhù nhòa lẫn vào nhau.

Ngang đời, hôm nay Chúa trở về thửa vườn xưa.  Ngài hỏi lại chuyện cũ, muốn thăm lại vùng đất linh hồn tôi mà Ngài đã mơ một mùa sai trái.

******************************

Cỏ cây lên như nhau mất rồi.  Người khách lạ đã âm thầm làm việc, gã trồng những loại cây rừng hắn muốn.  Thửa đất linh hồn tôi, không hẳn là đã bị mua vì người mua không muốn xuất đầu lộ diện. Không hẳn là bán vì tôi tiếc đất không chịu ký tên.  Mơ hồ, lãng đãng.  Kinh Thánh chỉ bảo “khi ngủ” thì có kẻ thù đến gieo cỏ.  Hôm nay, nhìn lại, vườn không bán mà mất quyền làm chủ.  Khách lạ không mua mà lại gieo được thứ nó muốn trồng.  Linh hôn tôi đã một thủa bình yên.  Nay dậy sóng gian nan.  Cõi lòng tôi đã một thủa vườn lên màu xanh thong thả, gió về không lo âu.  Tim tôi đã một thủa ươm màu hồng của nắng, màu vàng rực của trời.  Giờ đây, tiếc nhìn dĩ vãng.

Ngang đời, hôm nay Chúa đến thăm linh hồn tôi, ruộng đất phai mầu chung thuỷ.  Ðất nhạt muối của lòng mến.  Bến bờ đợi trông một mùa lúa tốt đã bẽ bàng mất mát.  Chấp nhận những ngày nắng đổ, gánh đi những sỏi đá chai cứng của một linh hồn khô cằn.  Chúa đã nao nức vỡ đất nhìn về tương lai. Ngang đời, hôm nay Ngài đứng nhìn thửa ruộng mà bâng khuâng hỏi lòng.  Ðất không bán, ruộng không cho thuê, sao lại loang lổ những vùng cỏ hoang dại.

******************************

Lạy Chúa, hồn con là một thửa ruộng.  Chúa là người trồng.  Chúa đã nhọc nhằn vỡ đất hồn con.  Tại sao con lại coi thường kẻ thù phá hoại?  Có sa ngã nào con vấp phạm mà đã không qua những ngày tháng mở cửa linh hồn làm quen với những dịp tội.  Con có thể an ủi mình rằng làm sao mà tôi thức tỉnh được, tôi cũng thân phận yếu đuối.  Tuy nhiên, con thấy khó mà chấp nhận được lời giải thích đó. Kẻ thù gieo cỏ khi con ngủ, vậy khi thức dậy con không thấy gì khác lạ sao?  Từ khi cỏ mọc cho tới khi lúa trổ bông cũng cần thời gian chứ, có đam mê nào trở thành lối sống nếu con đã không cưu mang nó bằng những ngày tháng thật dài.  Con không bao giờ vác cuốc thăm ruộng hồn mình để biết nắng mưa sao?  Ðó là sự lười biếng của con.

Cái tinh vi của Satan là gieo cỏ lùng lẫn với lúa “rồi đi.”  Gieo xong, Satan không đứng đó nhưng bỏ đi.  Qua đêm, thức dậy không thấy bóng dáng kẻ thù nên con tưởng rằng thửa ruộng chỉ có hạt giống tốt thôi.  Trong cái thờ ơ của cuộc sống, con đã không xét mình kỹ lưỡng những công việc con làm và hồn con đã phiêu du vào những chân trời nguỵ biện.  Có những việc tông đồ đã bị hương khói Satan mờ mịt mà con cứ tiếp tục đi.  Nguy hiểm biết bao, xin Chúa hãy thức tỉnh con.

Lm Nguyễn Tầm Thường S.J – trích trong “Con biết con cần Chúa”

 

CĂN NHÀ

zzNgười Philipines có kể câu chuyện ngụ ngôn để nói lên sự quan trọng của tinh thần hiệp nhất trong một tập thể như sau.[1]

Một ngày nọ, các bộ phận của căn nhà đã tranh cãi nhau xem thử thành phần nào là quan trọng nhất trong một căn nhà.  Những chiếc cột thì cho rằng, chúng quan trọng nhất vì chúng là những cột trụ giúp căn nhà đứng vững.  Bốn bức tường cũng cho rằng, chúng mới quan trọng nhất vì chính chúng giúp che gió và giúp cho các cây cột đứng vững được.  Mái nhà cũng không chịu thua khi tranh cãi rằng, mái nhà là quan trọng nhất vì không có mái nhà thì không ai ở trong đó. Nếu không có mái nhà thì căn nhà sẽ chịu mưa nắng và không phải là nơi trú ẩn an toàn cho con người.  Những chiếc đinh dù rất nhỏ bé nhưng cũng lý luận rằng, chúng mới là quan trọng vì chúng biết liên kết những cây cột với các bức tường, chúng giúp cho mái nhà vững chắc.

Cuộc tranh cãi kéo dài ngày này qua ngày khác cho đến một hôm chúng quyết định không ở chung với nhau nữa.  Nghĩa là mỗi thành phần trong căn nhà tự tách mình ra đứng riêng.  Chúng quyết định nhờ chị gió, chị mưa và động đất giúp chúng tách mình ra khỏi căn nhà.  Chỉ sau một vài giây đồng hồ, căn nhà sập đổ hoàn toàn.  Những chiếc cột không còn đứng vững; những vách tường không có sức mạnh để cản gió; mái nhà không còn che mưa nắng được; và những chiếc đinh bị lăn lóc và không còn dùng vào được việc gì.

***********************************

Quí bạn thân mến, một căn nhà được xây dựng bằng nhiều thành phần khác nhau.  Những cây cột, những bức tường, những mái tranh, và những chiếc đinh.  Dù xem chừng như cái này quan trọng hơn cái kia, nhưng thực ra, chúng chỉ thực sự quan trọng khi chúng biết đứng chung với nhau.  Sự đứng chung với nhau giúp cho vai trò và giá trị của chúng thêm quan trọng, chứ không phải khi đứng riêng một mình làm chúng quan trọng.  Nói cách khác, khi biết đứng chung với nhau thì làm cho vai trò của mỗi thành viên thêm giá trị, nhưng khi đứng riêng, thì những giá trị cá nhân sẽ chẳng là gì cả.

Chiếc cột, bức tường, mái nhà, cây đinh chỉ chu toàn bổn phận và sứ mạng của chúng khi chúng chấp nhận chia sẻ trách nhiệm cho nhau; khi chúng biết đứng chung với nhau; và chấp nhận sự quan trọng khác nhau nơi những thành phần xung quanh mình.  Nếu chỉ nhận ra sự quan trọng của mình mà không nhận ra sự quan trọng của người khác thì sẽ dẫn đến cãi vả, tranh dành hơn thua, được mất.  Và ngược lại, nếu chỉ nhận ra sự quan trọng của người khác mà không thấy vai trò quan trọng của mình trong tập thể, thì mình cũng làm hỏng đi căn nhà đại cuộc.  Nói tóm lại, không ai quan trọng hơn ai, và cũng không ai kém quan trọng hơn ai.  Chúng ta có sự khác biệt trong vai trò, nhưng chúng ta không có sự khác biệt trong trách nhiệm.  Chúng ta có sự khác biệt trong vị trí của mội tập thể, nhưng chúng ta không có sự khác biệt trong sứ mạng.  Tất cả đều cần nhau, và tất cả đều lệ thuộc vào nhau.  Nếu không cần nhau, không hợp tác với nhau, thì dù thiếu đi một cây đinh, căn nhà cũng có thể bị phá sập bất cứ lúc nào.

Bạn thân mến, mời bạn nhận ra vai trò của mình và của người khác, cũng như trách nhiệm của mình và cũng như của họ.  Chúng ta nên nhìn vào trách nhiệm và sứ mạng của họ hơn là vị trí tước hiệu bên ngoài.  Dù vai trò của họ quan trọng đến bao nhiêu đi chăng nữa, họ vẫn phải cần bạn.  Và vai trò của bạn có nhỏ bé đến đâu đi chăng nữa, trách nhiệm của bạn cũng lớn như họ vậy.

Thưa bạn, tiếng vỗ tay của khán thính giả cũng quan trọng như khả năng trình diễn của người nghệ sĩ.  Nếu có khác nhau chẳng qua cũng chỉ là khác ở vị trí: kẻ đứng người ngồi.  Còn thực ra cả hai cũng chỉ phục vụ cho nghệ thuật và đem niềm vui đến cho nhau, phải không bạn?

Br. Huynhquảng

[1] Biên tập lại từ The Parts of the House Argue in Wisdom Tales (Atlanta: August House, Inc., 1996), 101.

MỤC TỬ VÀ ĐÀN CHIÊN

“Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh những người đau khổ mà lời than khóc của họ vang vọng lên tới trời xanh… Tôi van xin anh em, tôi ra lệnh cho anh em: Nhân danh Thiên Chúa, hãy chấm dứt đàn áp! Chấm dứt chém giết!”.

Đó là lời nói lập đi lập lại nhiều lần của Đức TGM. Oscar Romero, vị mục tử của đàn chiên trong tổng giáo phận San Salvador, nói với quân đội và chính quyền độc tài El Salvador vào thập niên 80, khi cuộc nội chiến bùng nổ trong quốc gia vùng Nam Mỹ này.

zzĐức TGM. Oscar Romero là Giám mục của người nghèo, của công lý và sự thật. Ngài lên tiếng đòi quyền sống cho những người bị giết hại, đòi công lý cho những người bị áp bức… Ngài là tiếng nói can trường bất khuất thay cho những người có miệng nhưng không có tiếng nói, cho những người bị đàn áp trong một xã hội đầy bất công, bóc lột và chém giết lẫn nhau.

Để bênh vực đàn chiên của mình, để bảo vệ công lý và sự thật. Vị mục tử đáng kính và can trường đã phải trả một giá máu bằng chính mạng sống của Ngài. Vào ngày 24/03/1980, trong lúc đang cử hành Thánh lễ tại nhà nguyện của Bệnh viện Chúa Quan Phòng. Ngài đã bị chính quyền và quân đội giết hại bằng một phát đạn bắn vào ngực.

Vị mục tử của tổng giáo phận San Salvador đã nằm xuống, nhưng tinh thần tranh đấu cho người nghèo và người bị áp bức đã không nằm xuống. Máu của Ngài đã đổ ra vì công lý và sự thật để cho công lý và sự thật không bị đi vào quên lãng, nhưng được chắp cánh bay cao. Mạng sống của Ngài đã hy sinh vì đàn chiên để đàn chiên được sống, và sống dồi dào …

***

Bạn thân mến! Rải rác khắp nơi trong thế giới chúng ta đang sống hôm nay, vẫn còn biết bao vị mục tử đáng kính và can trường như Đức TGM. Oscar Romero. Các Ngài đã và đang chăn dắt đàn chiên của mình một cách oai hùng, đã anh dũng bênh vực và hy sinh cho đàn chiên của mình, đã dóng lên tiếng nói cho công lý, sự thật và nhân phẩm con người. Các Ngài đã gục ngã khi đang thi hành sứ vụ. Các ngài là hy vọng cho xã hội và cho cả thế giới hôm nay, vì các ngài chứng tỏ rằng tình yêu Chúa Kitô mạnh hơn bạo lực và sự thù hận. Các ngài không tìm kiếm sự tử đạo nhưng sẵn sàng thí mạng sống để bênh vực cho đàn chiên, để bảo vệ công lý và sự thật, và nhất là để giữ lòng trung tín với Tin Mừng mà các ngài đã được trao ban.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay cũng nhắc đến vị “Mục Tử Nhân Lành”. Đó chính là Đức Giêsu, Ngài là “cửa chuồng” (Ga:10.8) và qua đó từng con chiên được đưa vào chuồng để ngủ đêm an toàn, tránh được nanh vuốt của thú dữ. Chính nơi cửa chuồng này, người mục tử sẽ đứng cầm gậy kiểm điểm từng con chiên của mình, không để một con nào bị lạc mất. Và cũng chính nơi cửa chuồng này, người mục tử đứng chờ từng con chiên, dẫn chúng ra đi ăn mỗi buổi sáng. Ðó là lúc các chiên nghe và nhận biết tiếng gọi của mục tử. Ngài gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra. Ngài đi trước, các chiên theo sau. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.”(Ga:10.27).

Chiên đã trở thành điều vô cùng quý giá đối với mục tử chân chính, đến nỗi mục tử dám hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên, để chiên được sống và sống dồi dào. Khác với mục tử giả hiệu là người chăn thuê. Họ bỏ chiên mà chạy khi gặp sói dữ và đàn chiên sẽ ra tan tác. Họ chỉ đến để giết hại và phá hủy đàn chiên. (Ga:10.12)

Ngày nay đôi khi người ta thường hay giới hạn ý nghĩa của chữ “mục tử” cho những người lãnh đạo tôn giáo. Nhưng thật ra, chữ “mục tử” còn dành cho tất cả những ai đảm trách việc trông coi và lãnh đạo: trông coi một gia đình; một hội đoàn; một xứ đạo hay một giáo phận… Lãnh đạo một phường; một quận; một tỉnh hay một quốc gia… một cách nào đó, đều có thể gọi là “mục tử”.

Mọi quốc gia, mọi giáo hội… tất cả đều rất cần có những Mục Tử Nhân Lành, hơn là việc có thật nhiều “anh hùng”. Câu chuyện sau đây minh họa điều đó.

Có hai người thuộc hai quốc gia nói chuyện với nhau:

– Tôi rất khâm phục đất nước anh, vì nước anh có rất nhiều “anh hùng”.

– Thế đất nước anh có nhiều “anh hùng” không ?

– Rất tiếc, đất nước tôi ít anh hùng lắm !

– Lạ nhỉ, đất nước tôi nhiều “anh hùng”, thế mà sao vẫn cứ nghèo nàn và lạc hậu, còn đất nước anh không có “anh hùng” mà sao lại phát triển và dân chúng lại giàu có như vậy ?

– À, đất nước tôi không có nhiều “anh hùng”, nhưng bù lại có được khá nhiều “Mục Tử Nhân Lành”

***

Lạy Chúa Giêsu!

Chúa chăn dắt con, con chẳng thiếu thốn chi
Trong đồng cỏ xanh rì, Người cho con nằm nghỉ.
Người đưa con tới giòng nước trong lành, và bổ sức cho con.
Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Cv.2: 14a. 36-41 – BĐ2: 1 Pr.2: 20b-25 – PÂ: Ga.10:1-10 )

MẸ ƠI!  ĐỪNG KHÓC NỮA VẪN CÒN TÌNH YÊU Ở LẠI

Người phụ nữ nhảy ra khỏi ghế ngồi khi vừa thấy vị bác sĩ giải phẩu bước ra khỏi phòng mổ. Cô hỏi: ‘Thằng bé của tôi ra sao, thưa bác sĩ?  Liệu nó có qua khỏi không?  Chừng nào tôi gặp nó được vậy bác sĩ?’

Vị bác sĩ nói: “Rất tiếc.  Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng cháu đã không qua khỏi, thưa bà.”

Sally nói như thì thầm: “Tại sao trẻ con mà cũng bị ung thư?  Chúa có còn đoái hoài gì đến chúng con nữa không?  Ngài ở nơi đâu, Chúa ơi, khi con trai của con cần Ngài?”

Vị bác sĩ hỏi: “Bà có cần chút thì giờ ở riêng với cháu không? Một trong những y tá sẽ ra ngoài trong vài phút nữa, trước khi xác của cháu được chuyển qua trường đại học.”

Sally yêu cầu người y tá ở lại với nàng trong khi nàng nói lời từ biệt với đứa con trai của mình. Nàng luồn những ngón tay một cách yêu thương vào những lọn tóc quăn nghiêng qua màu đỏ của con. “Bà có muốn một lọn tóc của cháu không?” người y tá hỏi.  Sally khẽ gật đầu.  Người y tá cắt một lọn tóc của cậu bé, bỏ vào bao plastic và trao cho Sally.

zzNgười mẹ nói: ‘Đó là ý của Jimmy, cháu muốn hiến cơ thể của mình cho trường đại học để nghiên cứu.  Nó nói, “may ra sẽ giúp được cho một người nào đó.”

Lúc đầu tôi không chịu, nhưng Jimmy nói, “Mẹ à, con đâu có cần cơ thể này sau khi con chết đâu Mẹ.  Có thể nó sẽ giúp một đứa con trai nhỏ nào đó như con, được sống thêm một ngày với mẹ của nó, Mẹ à.”

Và người mẹ kể tiếp, “Jimmy của tôi có một trái tim và tấm lòng bằng vàng.  Nó luôn muốn giúp đỡ người khác khi nào hoàn cảnh cho phép.”

Sally bước ra khỏi bệnh viện Nhi Đồng Mercy (Lòng Thương Xót) lần cuối cùng, sau khi đã ở thường trực nơi đây từ sáu tháng qua.  Ngồi vào xe, nàng đặt bọc tóc của con vào chiếc ghế bên cạnh. Chuyến lái xe về nhà đầy nỗi khổ.  Càng khổ hơn khi bước vào căn nhà trống.  Nàng mang những đồ đạc của Jimmy, cùng với bao plastic đựng lọn tóc của con vào phòng của đứa con yêu dấu.

Nàng đặt những chiếc xe hơi con và những vật dụng riêng của nó vào đúng những chỗ mà Jimmy thường giữ.  Nằm nằm giăng ngang trên giường của con, ôm vào lòng chiếc gối của nó, rũ lòng ra theo những dòng lệ và rơi vào giấc ngủ.

Vào khoảng nửa đêm thì Sally tỉnh giấc.  Bên cạnh nàng là một lá thư xếp lại.  Nàng mở ra đọc:

“Thưa Mẹ,

Con biết là Mẹ sẽ nhớ thương con; nhưng đừng nghĩ rằng có bao giờ con sẽ quên Mẹ, hay thôi không còn yêu Mẹ nữa, chỉ vì con không được ở bên cạnh Mẹ để nói là “’Con Yêu Mẹ’ đó Mẹ ơi.  Con sẽ luôn yêu Mẹ, có thể nhiều hơn theo mỗi ngày đó Mẹ ơi.  Một ngày nào đó, chúng ta lại sẽ thấy nhau. Từ giờ cho đến ngày đó, nếu Mẹ muốn, thì Mẹ cứ nhận một chú bé nào đó làm con nuôi cho bớt nỗi cô đơn, con cũng vui với việc đó.   Nó có quyền ở căn phòng của con, chơi với các đồ chơi mà con chơi trước kia.  Nhưng nếu Mẹ quyết định chọn một đứa bé gái, có thể nó sẽ không thích những đồ chơi của con trai thì Mẹ sẽ phải mua cho nó những búp bê và những đồ chơi con gái đó Mẹ à.

Đừng buồn khi nghĩ đến con.  Con đang ở một chỗ khá lịch sự.  Ông và Bà đã gặp con khi con vừa mới đến và dẫn con đi xem vài chỗ, nhưng muốn xem hết mọi thứ thì mất một thời gian lâu hơn nữa.  Những thiên thần ở đây kỳ diệu lắm.  Con rất thích nhìn họ bay.  Và, Mẹ có biết không?  Chúa Jesus thật không giống như những hình ảnh mà ta thường thấy.  Dù vậy, khi thấy Ngài thì con biết liền là Chúa Jesus.  Chính Chúa Jesus đã đưa con gặp Đức Chúa Cha, và… con cho Mẹ đoán đó, con được ngồi trên đầu gối của Chúa Cha và nói chuyện với Ngài như thể con là ai quan trọng lắm vậy.

Đó là lúc mà con thưa với Chúa là con muốn viết thư cho Mẹ, để nói lời từ biệt cùng Mẹ và mọi thứ, dù con thừa biết là điều đó không được phép làm . Nhưng Mẹ ơi, Mẹ có biết gì không?  Chúa đưa cho con một ít giấy và cây bút riêng của Ngài để viết lá thư này mà con nghĩ là vị thiên sứ  Gabriel sẽ đến trao thư này cho Mẹ.  Chúa bảo con trả lời cho một trong những thắc mắc của Mẹ đã hỏi rằng “Chúa ở đâu khi con cần đến Chúa?”  Chúa nói rằng Ngài đang ở đó với con, cũng như khi con Ngài là Jesus đang bị treo thân trên thập tự giá thì Ngài cũng ở đó, cũng như Ngài luôn ở cùng với tất cả những người con của Chúa.

Ô, Mẹ à, con muốn nói là ngoài Mẹ ra sẽ không ai thấy những gì con đang viết cho Mẹ.  Đối với bất kỳ ai ngoài Mẹ thì họ chỉ thấy một tờ giấy trắng mà thôi.  Thật là kỳ diệu phải không Mẹ?  Bây giờ con phải trao lại cho Chúa cây bút của Ngài, vì Ngài đang cần viết thêm một số tên vào Sách của Sự Sống.  Đêm nay con sẽ được ngồi cùng bàn với Chúa Jesus và dùng bữa với Ngài.  Chắc là đồ ăn sẽ ngon lắm.

Ồ, con suýt quên nói cho Mẹ nghe.  Con không còn đau đớn nữa và bệnh ung thư đã đi mất. Con sung sướng vì thoát được cơn đau đớn quá sứcchịu đựng của con và Chúa cũng không đành lòng nhìn con đau đớn như vậy.  Đấy là lúc Ngài gửi Thiên Thần Thương Xót đến đưa con về.  Thiên Thần còn nói đây là Cuộc Đón Rước Đặc Biệt.  Mẹ thấy có oai không chứ?

Gửi Mẹ với Tình Yêu từ Thiên Chúa,
Đức Chúa Jesus và Con.