MỞ CỬA MỘ

Tai hoạ ngày 11 tháng 9 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.

Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi tòa tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.

Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.

***

zzNhưng hôm nay, Đức Giê-su đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Đức Giê-su mở cửa mộ cho La-da-rô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Đức Giê-su đã mở cửa mộ để La-da-rô không phải bước vào sự chết, nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể La-da-rô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mác-ta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy La-da-rô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng.  Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Đức Giê-su. Nhưng sau khi được chứng kiến La-da-rô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên chúa.

Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta, nên Đức Giê-su không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi La-da-rô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn. zz

Khi mở cửa mộ, Đức Giê-su mở cánh cửa hy vọng. Thiên chúa đến biến đổi số phận con  người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “Sự Sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.

Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học…Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.

(TGM. Ngô Quang Kiệt)

***

Lạy Chúa! Chúa đã đi qua sự chết và đã chiến thắng sự chết bằng sự sống lại vinh hiển… Xin Chúa gia tăng “niềm tin“ cho con để “ai tin thì sẽ được sống đời đời “. Để con tin và con cũng được sống lại với Chúa trong ngày sau hết của cuộc đời con. Amen.

(BĐ1: Ed 37, 12-14 – BĐ2: Rm 8, 8-11 – PÂ: Ga 11, 1-45 )

MẦU NHIỆM CỦA TỘI LỖI

Dư luận tại Hoa Kỳ cũng như thế giới đang xúc động theo dõi phiên tòa xét xử bà Andrea Yates về tội dìm chết năm đứa con trong bồn tắm.  Trong các phiên xử khác, những tranh tụng tại tòa xoay quanh việc xét xử bị cáo có phạm tội giết người hay không, trong khi đó thì phiên tòa xử bà Andrea Yates lại xoay quanh việc tìm hiểu bà Andrea Yates có điên hay không.  Lý do là vì ngay từ đầu bà Andrea Yates đã thú nhận với cảnh sát rằng chính tay bà đã lần lượt dìm chết năm đứa con trong bồn tắm.  Trong khi công tố viện cố gắng chứng minh rằng bà Andrea Yates đã giết con một cách có tính toán và tính toán từ lâu, thì bên bị cáo, các luật sư của bà lại cố gắng biện minh rằng bà Andrea Yates giết con chỉ vì muốn con có một cuộc sống tốt hơn mà thôi.  Riêng một số chuyên gia tâm lý thì cho rằng bà Andrea Yates giết con vì mắc chứng bệnh mà họ gọi là trầm uất hậu sản, nghĩa là xuống tinh thần sau khi sinh.  Quả thật, ngay sau khi sinh đứa con trai đầu lòng vào năm 1994, bà Andrea Yates đã bắt đầu lo ngại không biết đứa con mình sẽ ra zzsao.  Không những thế, bà còn lo sợ trước những ám ảnh thường hiện về trong mộng khiến bà tưởng tượng một ngày nào đó bà sẽ cầm dao đâm một người nào đó không rõ mặt rõ tên.

Là một nữ y tá sinh ra và lớn lên tại Houston, bang Texas, bà Andrea Yates đã phải nghỉ làm tại bệnh viện sau khi sinh con đầu lòng.  Vừa lo ngại vừa thường xuyên sống trong ác mộng, bà vẫn cố gắng chiều chồng để sinh hạ thêm ba trai một gái trong thời gian sáu năm tiếp theo.  Sau khi sinh đứa con thứ tư vào năm 1999, bà Andrea Yates đã bắt đầu trải qua những ngày tháng kinh hoàng trong ác mộng.  Trong những cơn ác mộng ấy, bà thấy mình là thủ phạm nhúng tay vào những vụ giết người vô tội.  Cuối cùng, để thoát khỏi những cơn ác mộng bà đã tự tử bằng cách nuốt một hơi năm mươi viên thuốc ngủ.  Sau khi được cứu sống, bà lại tự tử một lần nữa.  Vào mùa hè năm 1999, bà tâm sự với viên bác sị của bà như sau: “Tôi cảm thấy như nghe có tiếng nói thúc giục tôi giết người.  Tôi rất sợ sẽ có ngày tôi làm hại người khác.  Vì vậy, tôi chỉ còn cách là tự tử để tôi chết thì chẳng còn hại ai được nữa”.

Ðến lúc đứa con thứ năm ra đời, thì bệnh trạng của bà thêm trầm trọng.  Ngày 20/06/2001, bà quyết định giết năm đứa con của mình vì cho rằng bản thân của bà không xứng đáng là một người mẹ, khiến năm đứa con nếu lớn lên không thể nào có được một tương lai tốt đẹp.  Và cách tốt nhất để xã hội có thể trừng phạt bà là ra tay giết năm đứa con của bà.

Trong phiên xử hôm thứ Tư ngày 14/03/2002, một bác sĩ tâm lý trị liệu đã làm chứng trước tòa rằng bà Andrea Yates cho biết bà không dám nói với ai về tiếng nói thúc giục bà giết người, vì sợ rằng nếu bà nói ra satan sẽ nghe thấy và sẽ khiến bà sát hại con cái bà.

**********************************

Hiện nay, người ta chưa biết số phận của bà Andrea Yates sẽ ra như thế nào.  Nhiều người cảm thương hơn là lên án bà.  Diễn tiến của hành động giết con nơi bà cho thấy đây chỉ là một thảm kịch trong đó kẻ giết người chỉ là một nạn nhân, nạn nhân của một cơn bệnh và nhất là nạn nhân của một tiếng nói thúc giục mình giết người.  Tựu trung đó cũng là thảm kịch của thân phận con người được thánh Phaolô diễn tả bằng một câu nói bất hủ: “Ðiều thiện tôi muốn, tôi không làm.  Còn điều ác tôi không muốn, tôi lại làm”.

Qua câu nói trên, thánh Phaolô muốn khẳng định một mầu nhiệm, đó là mầu nhiệm của sự tội.  Tội là một mầu nhiệm.  Nó vừa nói lên sự hướng thiện của con người lại vừa bày tỏ sự yếu đuối nơi con người.  Nơi mỗi người luôn diễn ra một cuộc chiến liên lỉ giữa thiện và ác, giữa ân sủng và tội lỗi, giữa ánh sáng và sức mạnh của tăm tối.  Nếu có một tiếng nói của lương tâm không ngừng thúc đẩy con người làm điều thiện thì tiếng nói lôi kéo con người vào tội ác cũng mãnh liệt không kém.

Mùa Chay, mùa của giao chiến giữa ân sủng và tội lỗi, giữa ánh sáng và bóng tối, các tín hữu kitô được mời gọi ý thức rằng sống là một cuộc chiến đấu liên lỉ.  Còn sống là còn chiến đấu, nhưng trong cuộc chiến ấy họ tin rằng họ sẽ chiến thắng vì Ðấng mà họ tin tưởng đã xác quyết với họ: “Ðừng sợ, Ta đã thắng thế gian”.  Quả thật, Người đã chiến thắng tội lỗi và sự dữ và Người cũng chia sẻ sức mạnh của Người cho các môn đệ của Người.  Với Người, trong Người và nhờ Người, họ cũng có thể chiến thắng được satan và tội lỗi.

**********************************

Lạy Chúa,

Với những hy sinh, chay tịnh và hãm mình mà chúng con đang thực hành trong mùa Chay này, xin Chúa gia tăng lòng tín thác của chúng con, xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ có ơn Chúa chúng con mới có thể chiến thắng được ma quỉ, con người tội lỗi yếu hèn của chúng con.

R. Veritas

NỖI MONG

Sống mong đợi là sống trong thương nhớ.  Nỗi nhớ càng nhiều thì nỗi mong càng ray rứt.  Mong đợi là gởi tâm hồn mình đi để tìm một tâm hồn.  Là sống ở đây, nhưng vẫn không là sống thực.  Một phần đời nào đó đã mất.  Ở rất xa.

Lịch sử cứu rỗi là lịch sử mong đợi.  “Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa vị cứu tinh”.  Dân Chúa đã mong đợi ân tình cứu rỗi.  Ðấng Thiên Sai đã đến.  Con người không chấp nhận. Ðóng đinh Ngài trên thập giá.  Con người đã bỏ đường đến cứu độ.  Ði xa.  Và bây giờ, đến lượt Thiên Chúa mong chờ, Ngài đợi tôi trở về.  Một phần đời nào đó đã mất.  Ở rất xa.

Câu chuyện “Người Con Hoang Ðàng” trong Tin Mừng Luca đã diễn tả trung thực hình ảnh mong đợi của Cha.  Người con đi hoang nhưng người con đã trở về.  Như thế, có thể gọi dụ ngôn là câu chuyện “Người Con Trở Về”.  Dù người con trở về hay người con đi hoang thì tình thương của Cha vẫn không thay đổi.  Bởi đó, tôi thích đặt tên cho dụ ngôn là “Nỗi Mong Của Cha”.  Vì nói đến mong đợi là nói đến  tình thương.

Người con đến nói với cha mình: “Xin cha ban cho con phần gia sản thuộc về con!”  Nhìn con ra đi. Nhìn trời cao.  Sợ có mây đen đem mưa gió.  Cha nguyện xin cho mưa bão đừng đến.  Cha mong cho bầu trời cứ nắng bình yên để đời con mình có một tương lai.  Ra đi rồi, cha ở lại thao thức không biết con mình ra sao.  Một phần đời đã mất.  Ở rất xa.

“Ðã bao lần Ta như gà mẹ muốn tụ họp con cái lại dưới cánh nhưng chúng chẳng nghe” (Mt 23,37). Ðây là tình thương của Chúa muốn tâm sự với con người.  Càng thương bao nhiêu, khi mất càng buồn. Càng thương bao nhiêu, khi xa càng nhớ.  Càng nhớ thì tâm hồn người nhớ càng gần người mình nhớ. Chỉ có kẻ ra đi là ơ hờ.  “Cho dù mẹ có quên con thì Ta vẫn chẳng nguôi lòng nhớ thương ngươi” (Is 49,15).  Ðây là trái tim của Chúa đối với tôi.

Mong đợi là dấu âm thầm nói: tôi nhớ.  Có thương thì mới nhớ.  Khi Chúa muốn tôi trở về là dấu chỉ Chúa nói: cha thương con.  Câu chuyện “Người Cha Mong Con Trở Về” (Lc 15,11-31), diễn tả tuyệt vời tình thương này:

Nó còn ở đàng xa thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương:  chạy lại ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để.  Người con mới nói với ông: Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn xứng đáng gọi là con cha nữa!  Nhưng cha nó đã nói cùng đầy tớ: Mau mau! đem áo thượng hạng mà mặc cho nó; hãy xỏ nhẫn vào tay nó; và giầy vào chân nó; rồi đem con bò tơ này mà hạ đi! Ta phải ăn mừng mới được vì nay con ta đây: nó đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất mà lại tìm thấy được.  Và người ta mở tiệc ăn khao.

********************************************

Phân tích đoạn văn trên đây ta sẽ thấy tình thương của Chúa ướp vào từng lời, từng chữ, là tha thiết vô cùng.

– … nó còn đàng xa thì cha nó đã thấy nó.  Câu chuyện không nói rõ là bao nhiêu năm trời người con đã xa nhà.  Nhưng cho dù năm tháng có lâu, cho dù phương trời có xa.  Cho dù thân xác có đổi thay.  Khi thấy bóng con là nhận ra ngay.  Lời văn nhấn mạnh là “nó còn ở đàng xa”.  Còn xa thì bóng hình còn mờ.  Mờ thì khó nhận diện.  Nhưng thấy con là cha nhận ra ngay!

– … và ông chạnh lòng thương.  Mong đợi là ngôn ngữ của thương nhớ.  Tiếng “chạnh lòng thương” ở đây là lời phiên dịch tình thương thành xúc động.  Là cụ thể hóa tình thương thành tiếng khóc.  Là muốn kéo vô hình thành hữu hình.  Là một thứ vỡ òa của thương mến nội tại trong tâm hồn ra bên ngoài.  Xúc động vì gặp lại con, hay chạnh lòng trắc ẩn khi thấy con tiều tụy vì con “phải ăn bám dân trong vùng, và người ta đã sai nó ra đồng chăn heo”, thì cũng là động lực đến từ trái tim giàu lòng thương xót, thì cũng là tình thương bật nở sau bao ngày cưu mang ẩn kín.

– … ông chạy lại.  Người ta chỉ chạy khi vội vàng.  Chạy khi không có thì giờ.  Chạy là muốn rút ngắn.  Chạy là bị thúc đẩy bởi một động lực rất mạnh.  Chạy thì ít an toàn hơn đi thong thả.  Biết ít an toàn mà cha già vẫn chạy là liều chấp nhận một thiệt thòi có thể xẩy đến cho mình.  Không ai có thể suy nghĩ, tính toán, sáng tác trong lúc chạy.  Càng chạy nhanh thì càng mất đi hình ảnh bên cạnh.  Chạy thì quên hết những gì chung quanh để chỉ còn một mục tiêu duy nhất zzđang nhắm tới.  Cha già đã quên hết mọi sự, trước mặt chỉ thấy con.  Chạy là muốn rút ngắn thời gian mong nhớ.

– … ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để.  Cái hôn của Yuđa lạnh lùng bao nhiêu, thì cái hôn của người cha già tha thiết bấy nhiêu.  Ít khi nào Phúc Âm kể chi tiết như ở đây.  Cái hôn của người cha như vội vàng, hối hả, như sợ sắp mất, như một trông đợi vô cùng.

– người con nói: trước mặt cha con không xứng đáng gọi là con cha nữa.  Nhưng cha nói cùng đầy tớ…  Nói nhưng có nghĩa là muốn nói ngược lại.  Nói nhưng có nghĩa là bảo người nghe đừng theo ý riêng mình mà hãy theo ý của người nói.  Trong kinh nghiệm sống, ta hãy thấy hạnh phúc hay đau khổ nhiều khi hệ tại có một chữ nhưng.  Người con muốn nhắc cho cha cái quá khứ lầm lỗi của mình. Nhưng cha chẳng quan tâm.  Vì trong mong đợi là có tha thứ rồi.

Trong câu chuyện này, người cha không hề nhắc đến tội của con.  Chính lúc người con muốn cha nhận lời xin lỗi của mình, cha cũng không muốn nhận.  Ông gạt đi.  Ông muốn quên hẳn.  Ðây là thái độ của Chúa đối với tôi.  Trong trái tim Chúa chỉ có tình thương chứ không có trí nhớ về tội.  Những đau khổ gây ra bởi tội của tôi chỉ là tôi tự xa cách tình thương.  Người con đi hoang phải chăn heo và “ước gì có thể lấy rau heo mà ăn cho đầy bụng nhưng cũng chẳng có ai cho”.  Ðau khổ này không phải là hình phạt của cha, mà chỉ là người con không muốn ở với sự giàu có của cha mình.

– … ông nói cùng đầy tớ: mau mau đem áo.  Nói mau mau là nói đến gấp rút.  Khi truyền cho một người làm việc mau mau có nghĩa là việc đó rất quan trọng, rất cần.  Một việc phải làm mau mau là việc muốn có kết quả ngay.  Mau mau là hành động đang bị hối dục. Toàn thể mạch văn của câu truyện đều diễn tả sự nóng lòng mong con trở về.  Thấy con về thì cha già chạy vội vàng.  Thấy con rách rưới thì sai gia nhân mau mau lấy áo.

– mau mau lên đem áo thượng hạng mà mặc cho nó.  Áo thượng hạng là áo quý.  Những gì quý thì gìn giữ cẩn thận.  Không ai mặc áo thượng hạng để đi làm.  Người ta mặc áo thượng hạng trong tiệc mời, trong nghi lễ.  Bởi đó, nếu ông chỉ bảo gia nhân về nhà lấy áo, chắc chắn họ không lấy áo quý. Mặc áo thượng hạng ở khung cảnh này hoàn toàn không thích hợp.  Người con mới ở phương xa về, phải chăn heo mà sống, đói rách, đau ốm, tóc tai dơ bẩn vì bụi đường.  Mặc áo thượng hạng ở đây coi như dị đời.  Theo thường tình, ông phải đợi con về nhà, tắm rửa, chuẩn bị kỹ càng cho bữa tiệc ăn khao đã, rồi bấy giờ mới mặc áo quý.  Nhưng cha già quá lính quýnh, ông không biết làm sao giữ được hạnh phúc trong tim ông.  Ông nghĩ gì nói vậy chứ không cần xét rằng mặc áo thượng hạng lúc này chẳng thích hợp với hoàn cảnh.  Ông không dùng lý trí để phân tích hoàn cảnh, nhưng chỉ nghe tiếng nói của tình thương.  Tất cả hành đông ở đây đều là hành động muốn đốt cháy thời gian vì đã mong nhớ quá lâu.  Ðã chờ đợi quá dài.  Ông “chạy hối hả”, ông “bá lấy cổ”, ông “hôn lấy hôn để”, ông truyền lệnh “mau mau”.

– … hãy xỏ nhẫn vào tay nó.  Có thể cần áo lành để thay áo đã dơ bẩn, nhưng nhẫn, thực sự chưa cần để đeo.  Người ta đeo nhẫn trong ngày cưới, trong ngày giao ước.  Tất cả đều xẩy ra trong nghi thức trang trọng, có trầm hương, nhạc khúc.  Vì sao cha già không đợi cho con về nhà rồi hãy đeo nhẫn, có muộn màng gì?  Nếu nhẫn là biểu tượng của quyền thừa hưởng gia tài, thì chỉ còn một khúc đường ngắn nữa, có muộn màng gì mà không đợi?

– … và xỏ giầy vào chân nó.  Ðã bao năm dong duổi tha phương cầu thực.  Ðã bao đoạn đường đi qua trong đời.  Người con đã đi chân trần.  Chỉ còn một khúc đường ngắn là tới nơi.  Có cần thiết gì phải đi giầy?  Nếu chân trần là biểu tượng của kẻ nghèo thì chỉ còn một khúc đường ngắn là tới nhà, là có gia nghiệp của cha.  Có lâu lắc gì mà không chờ?

Ta phải ăn mừng mới được!

Và người ta mở tiệc ăn khao!

********************************************

Lạy Chúa, con đã được nghe rất nhiều là Chúa phạt những người tội lỗi, hơn là được nghe nói về tình thương của Chúa.  Ðể rồi, nói đến Chúa là con nghĩ đến một vị quan tòa.  Nhìn Chúa kính sợ hơn là dám đến gần.  Có ngờ đâu, Chúa mong con đến bên để kể cho con nghe những câu chuyện về lòng thương xót của Chúa, để chữa lành vết thương của tâm hồn, để nói cho con nghe về hạnh phúc, để chỉ cho con thấy vẻ đẹp của cuộc sống.

Xin cho con được nhìn Chúa với tình thương.

Trong câu chuyện dụ ngôn Chúa kể, khi thấy đứa con trở về, cha già chạy vội vã đón con.  Cha tha thứ lỗi lầm trước khi con tự thú.  Giữa cha mẹ với con cái, muốn được tha thì phải xin lỗi.  Có khi xin lỗi cũng chẳng được tha.  Chúa thì lại tha trước khi xin lỗi.  Xin cho con biết hối hận vì đã bao lần con chẳng để ý đến lòng nhân từ của Chúa.

Lạy Chúa, người con trở về đã được mặc áo quý, đeo nhẫn với quyền thừa hưởng gia nghiệp.  Cha già đã giết bò tơ ăn mừng.  Hình ảnh mô tả như một đại tiệc để mừng sự thành công, vinh quang của một người con đã học hành thành tài, đỗ đạt vinh hiển, nay về quê làm rạng danh công ơn của cha mẹ.

Lạy Chúa, chỉ có việc con lên đường trở về mà Chúa hạnh phúc như vậy sao?

LM Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”