TRÁI TIM NGƯỜI THẦY, TRÁI TIM HỌC TRÒ

zzAnh Chị em thân mến,

Thiên Chúa là tình yêu, một khi đã yêu, Ngài yêu cho đến cùng.

Thật ý nghĩa khi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ nhân Chúa Nhật “LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA”.  Trong vài phút, chúng ta thử quan sát Trái Tim Giêsu, trái tim người Thầy; đồng thời cũng thoáng qua trái tim Tôma, trái tim học trò; nhờ đó, có thể hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta.

Trái Tim Giêsu, một trái tim chan chứa yêu thương mà Tin Mừng không ngừng lặp đi lặp lại đã bao lần “Ngài chạnh lòng thương” trước cảnh cùng khốn của con người:  Thấy dân chúng tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy người ta khiêng đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, “Ngài chạnh lòng thương”… Và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều cảm nhận cái thổn thức “chạnh thương” đó nơi Thầy mình.  Cũng trái tim đó, bởi đã chạnh thương cho đến cùng nên bị đâm thâu, để giọt máu sau hết và chút nước cuối cùng nhỏ xuống mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa đã nghe thuật lại chiều ngày thứ Sáu hôm ấy vì ông không dám lại gần.

Trái Tim Tôma, một trái tim nhát đảm và ngờ vực.  Thầy mất, không ai biết vì lý do gì, “Đi Đi Mô” rời bỏ cộng đoàn.  Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì thương tích, vì những vết đau dù không nhìn thấy nhưng là những thương tích có thật và đau thật.  Một trái tim ngờ vực khủng hoảng đến tội nghiệp, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”.  Ôi, còn đâu bao lời tiên báo và giáo huấn của người Thầy khả ái?  Còn đâu những cảm nghiệm đầy thán phục khi chứng kiến bao phép lạ của Con Đức Chúa Trời?

Thật là mỉa mai, thật là chua xót cho người môn sinh tuyệt vọng.  Thật là thất đoạt, thật là vô ích cho người Thầy luống công.  Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm đến Thầy đâu kém việc bán Thầy hay chối Thầy của hai bạn đồng môn!  Có khi còn tệ hơn; bởi lẽ, Giuđa và Phêrô tránh né liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống trong khi Tôma lại đan tâm chối nhận một Đấng vừa trở về từ cõi chết.

Vì thế, cũng bởi “chạnh thương” nên tám ngày sau, Vị Thầy lại phải hiện ra một lần nữa và trái tim đã yêu dấu loài người quá bội đó đã biết lựa lời khôn khéo nhẹ nhàng trách yêu người học trò.  Ngài dỗ dành chứ không mắng mỏ, chìu chuộng chứ không phỉ báng, “Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.  Thôi, đừng cứng lòng nhưng hãy tin”.

Lạ thay, Tin Mừng không nói đến việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh Thầy, đặt tay vào cạnh sườn Thầy mà trong đó cũng có một trái tim hay không.  Nhưng chúng ta có thể đoan chắc, chính Đức Giêsu Phục Sinh đã một lần nữa “chạnh thương chạm đến” và băng bó trái tim thương tích của người môn sinh.

Tim đụng tim, lòng chạm lòng!  Nhờ đó, bình an lại đến với tâm hồn người môn đệ; và thay vì reo lên Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, cách nào đó, Tôma đã phải cất cao Credo, Tôi tin!  Bởi lẽ, trước tiên là phải tin, sau đó mới có thể ca khen Đấng mình tuyên xưng.

Vậy là tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng.  Tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ.  Nhờ lòng Thầy chạnh thương mà từ đây, lòng người môn đệ xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy; và bình an thay cho bất an.

Hơn lúc nào hết, có lẽ mỗi người trong chúng ta hôm nay, dù ở đấng bậc nào, cũng đều cảm thấy cần đến lòng Chúa xót thương hơn bất kỳ ai.  Vì chỉ có Chúa mới là Đấng xót thật và thương thật; chỉ có Chúa mới biết được mỗi người cần đến lòng Ngài xót thương biết bao; chỉ có Chúa là Đấng có thể chữa lành, có thể hàn gắn, có thể băng bó, có thể đem về và trao tặng bình an, một sự bình an không ai lấy mất.  Vì bình an của Chúa là chính Chúa.

Mừng kính Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta không quên cầu nguyện cách riêng cho các mục tử của mình và cho cả đoàn chiên được Chúa trao phó cho các ngài.  Vì nhiều lúc, cả đoàn chiên lẫn chủ chiên cũng đang “đi đi mô”, bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì nhát đảm.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,
xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,
xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”.

“Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô,
xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”. 

Lm. Minh Anh (Gp. Huế).

 

MỐi Phúc ThỨ Chín

Phúc cho những ai không thấy mà tin”. Có lẽ đây là mối phúc thứ chín mà Ðức Giêsu dành cho những ai tin vào sự phục sinh của Ngài. Ðức Giêsu Phục Sinh là một sự kiện được chứng thực bằng nhiều lần hiện ra với các môn đệ, và nhất là được chứng thực bằng chính cộng đoàn kitô hữu tiên khởi.  Cộng đoàn này “đã thấy”, “đã tin” và “đã nhận được”.

Họ “đã thấy” Chúa đến viếng thăm khi cửa nhà họ vẫn im ỉm đóng kín.

Họ “đã tin” khi Ðấng Phục Sinh hiện diện giữa họ, thân ái và dịu hiền.

Họ “đã nhận được” bình an và hoan lạc từ Đấng Phục Sinh.

Khi Ðấng Phục sinh giải thoát họ khỏi nỗi sợ hãi, bất an.

zzNhưng có một người đã chưa thấy, đã chưa tin và đã chưa nhận được… đó là Tôma. Ông là người môn đệ không ở với cộng đoàn khi Ðức Giêsu đến, và ông đã không chấp nhận lời chứng của các môn đệ bạn bè. Tôma đã tạo nên một khoảng cách với cộng đoàn, và hơn nữa, ông đã tự tách lìa với niềm tin của cộng đoàn. Chính việc đó đã đẩy ông tới chỗ ngờ vực và đa nghi.

Hình ảnh Tôma được xem là biểu tượng cho những người kém lòng tin; ông không ở với cộng đoàn Giáo hội nên ông đã không thấy; ông không thông hiệp với cộng đoàn Giáo hội nên đã không tin. Ông tự hào với những nhận định của riêng mình nên đã không nhận được hồng ân của niềm tin.

Nhưng tình yêu thương của Ðức Giêsu đã biến đổi ông.  Ngài đã hiện đến vào tám ngày sau khi Toma đang ở với cộng đoàn. Một chút bối rối, rồi một chút bất an… và sau đó, mọi sự vụt tan biến. Tôma đã mở miệng thốt lên với thầy mình: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”.  Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân. Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin.

Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông. Tin bao giờ cũng đòi hỏi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.

Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu của Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu cách khác. Cần tập thấy Chúa trong cuộc sống của ta để rồi tin, tin rằng Chúa Phục Sinh vẫn đang có mặt giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau trên đường đời.

Phúc cho những ai không thấy mà tin“, và “phúc cho những ai biết thấy nên tin”.

***

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt, xin hãy gọi tên chúng con như Chúa đã gọi tên chị Maria đứng than khóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc, xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài, như Chúa đã đi với hai môn đệ trên đường Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi, xin hãy đến và đứng giữa chúng con, như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cứng lòng cố chấp và xa cách anh em, xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con, như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm mà không được gì, xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn, như Chúa đã nướng bánh và cá cho các môn đệ bên bờ hồ năm xưa.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con “con mắt đức tin” để được nhìn thấy Ngài, để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con mỗi ngày. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: I: Cv 2, 42-47 – BĐ2 : 1 Pr 1, 3-9 – PÂ: Ga 20, 19-31)

SỰ NHẦM LẪN

Người ta kể rằng: ở một cửa hàng bán hoa vừa xảy ra một sự nhầm lẫn thật ngộ nghĩnh.  Ngày hôm đó, người bán hoa làm hai lẵng hoa cho hai khách hàng khác nhau.  Một là để chúc mừng ngân hàng mới mở thêm một chi nhánh mới, và một là để chia buồn cho một đám tang.  Thế nhưng, hai tấm thiệp đính kèm hai bó hoa bị đặt lộn, thành ra lẵng hoa gửi cho đám tang lại nhận được lời chúc: “chúc mừng khai trương cơ sở mới”.  Ngược lại, thiệp trao cho ngân hàng lại ghi hàng chữ: “Thành thật chia buồn”.

Xem ra sự nhầm lẫn này tuy không hợp tình nhưng lại hợp lý.  Vì đời là bể khổ.  Ra khỏi cuộc đời là thoát khỏi khổ luỵ trần gian.  Chết là lìa bỏ chỗ ở dưới đất mà lên trời.  Chết là bỏ trần gian với bao bon chen vật lộn để về quê trời vĩnh cữu không còn khổ luỵ của tham sân si phàm trần.  Chết là về nhà cha trong niềm vui của đứa con xa nhà nay được hồi hương trở về.  Như vậy, chết là vui mừng chứ không còn là thương tiếc.  Ai lại thương tiếc khi một đứa con xa nhà nay trở về?  Ai lại buồn khi được đoàn tụ bên Cha trên trời?

Truyền thống văn hoá Việt Nam vẫn tin rằng: chết là sự trở về, là quy tiên, là trờ về nơi mình đã xuất phát ra đi.  Ngày xưa tại các nghĩa trang miền quê, người ta thường chôn người chết dưới lòng đất và vun phần trên thành hình một người phụ nữ mang thai.  Điều này ngụ ý về một cuộc trở về với lòng đất mẹ.  Chính nơi lòng mẹ, ta đã sinh ra.  Đó là nơi kín đáo nhất, ấm cúng nhất.  Khi chết là trở về nơi lòng đất mẹ cũng là nơi kín đáo và ấm cúng.  Như thế, nấm mồ không phải là dấu chỉ về một con người đã chết dưới lòng đất lạnh mà là dấu chỉ cho cuộc trở về nguồn cội đích thực của mình, về nơi mà mình đã xuất phát ra đi.

zzHôm nay, các người phụ nữ đến bên nấm mồ của Chúa.  Họ đã kinh ngạc và hãi hùng.  Vì tảng đá che cửa mộ đã bị bật tung ra ngoài.  Họ vào trong nhưng không thấy gì.  Họ tưởng rằng xác Chúa đã bị ai đó lấy đi.  Họ tìm kiếm nhưng vô vọng.  Họ thấy một người mặc áo trắng, tưởng là người làm công nên mới hỏi: “ai đã lấy xác Chúa tôi rồi?”.  Nhưng các bà lại nghe một lời mà chưa bao giờ được nghe: “Tại sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết?  Người đã trỗi dạy và ra khỏi mồ”.  Nấm mồ này và khăn liệm này đã không còn dùng để phủ kín một đời người nữa!  Nó không có ích cho người còn sống, có chăng là dấu chỉ cho sự thật hiển nhiên là Chúa đã sống lại từ trong cõi chết.  Người không còn ở đây.  Người đã ra khỏi mồ.  Hãy đi báo tin cho các môn đệ và Người sẽ gặp các ông tại Ga-li-lê-a.

Vâng, Chúa đã phục sinh.  Nấm mồ của sự chết đã bị bật tung.  Sự lặng vắng cô quạnh của đêm tối sự chết đã bị đẩy lùi bằng ánh sáng phục sinh huy hoàng.  Con người sinh ra không phải để chờ chết như bao người lầm tưởng. Sinh ra – lớn lên – gia nua – rồi chết.  Thế là hết một cuộc đời.  Sứ điệp phục sinh cho chúng ta hiểu rằng: con người sinh ra là bước vào một cuộc hành trình tiền về nhà cha.  Nơi mà ngày xưa Adam – Eva đã từ đó ra đi, nay nhờ cuộc Tử Nạn và Phục sinh của Chúa khai mở cho chúng ta con đường trờ về Nhà Cha. Chúa Phục sinh.  Cửa trời rộng mở.  Con người có thể hành hương về trời.  Về với hạnh phúc bất diệt, là nơi “không còn sự chết, không còn than khóc đau thương nữa”.  Nơi đó, không còn đêm tối, không còn những cuộc chia ly từ biệt, cũng không còn nước mắt nhớ thương.

Hôm nay Chúa đã phục sinh.  Lòng chúng ta hãy trào dâng niềm hân hoan vì Chúa đã về nhà Cha. Ngài đã hứa thiên đàng cho người trộm lành.  Ngài cũng hứa thiên đàng cho những ai tin theo Ngài: “Ta đi để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”.  Đó chính là nền tảng niềm tin của chúng ta. Chúng ta tin vào Đấng hằng sống để chúng ta được sống muôn đời.

Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ biến đổi chúng ta thành con người mới.  Con người của ân sủng.  Con người của tự do không bị những đam mê thấp hèn thống trị, không bị những thói đời gian dối làm mất đi vẻ đẹp của phẩm giá cao quý của con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa.  Ước gì niềm tin Chúa đã phục sinh giúp chúng ta biết chiến đấu mỗi ngày để chiến thắng cái ác, chiến thắng tật xấu bằng những hy sinh khổ chế, bằng cuộc sống bác ái yêu thương để mai này chúng ta cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa.  Nguyện xin Chúa là Đấng đã phục sinh từ cõi chết nâng đỡ chúng ta trên đường thánh giá hôm nay, để ngày sau chúng ta cùng được chung hưởng hạnh phúc quê trời.  Amen!

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Trong sứ điệp Phục Sinh gửi cho tổng giáo phận Sidney, Australia, Ðức cha Georgie Bens có kể lại gương can đảm của một người phụ nữ phi châu như sau:

Người đàn bà Phi Châu này hiện đang đứng coi một trung tâm giúp đỡ những người túng thiếu và không nhà không cửa. Cụ thể, mỗi ngày bà nấu cơm và dọn cho họ ăn. Chuyện đáng nói là bởi vì bà, con gái của bà và ngay cả đứa cháu nội bốn tuổi đều đã bị hãm hiếp dã man bởi chính những người đàn ông địa phương.  ội ác đã diễn ra ngay trước trung tâm cứu trợ của bà.  Người đàn bà biết rõ những kẻ đã hành hạ bà.  Bà vẫn thường thấy họ đi lại trên đường phố, nhưng vì chế độ tham nhũng cho nên các phiên tòa chỉ là trò hề và những kẻ gây ra tội ác vẫn không bao giờ bị trừng phạt.

Khi được hỏi tại sao giữa những đau khổ như thế bà vẫn có thể tiếp tục sống và giúp đỡ những người hàng xóm và những người túng thiếu khác?  Bà trả lời như sau: “Bởi vì có Chúa đang ở với tôi!”

*************************

zzNhững người ngoài Kitô giáo thường tỏ ra khó chịu và đôi lúc bất mãn hay nổi giận về thái độ bình thản của các Kitô hữu khi đứng trước đau khổ. Người phụ nữ Phi Châu được Ðức Tổng Giám Mục Sidney đề cao trên đây không phải là một con người bất thường hay vô cảm, bà phải đối phó với nỗi khổ đau khủng khiếp của bà từng ngày, nhưng dù vậy, bà vẫn cảm thấy an bình và tiếp tục hy vọng.  Sở dĩ người đàn bà này có thể đứng vững như thế không phải vì bà không còn đau khổ nữa mà chỉ vì Thiên Chúa vẫn có đó và bà vẫn cảm nhận được tình yêu của Ngài.

Câu chuyện trên đây đưa chúng ta vào trọng tâm của mầu nhiệm phục sinh.  Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là người thật, đã đến trong thế gian.  Và ở vào tuổi thanh niên, Ngài đã chịu tra tấn, hành hạ và cuối cùng chết treo trên thập giá.  Nỗi đau khổ của Chúa Giêsu có thể mang lại niềm an ủi cho chúng ta những lúc chúng ta gặp đau khổ.  Ngài đã chết nhưng ba ngày sau đó đã sống lại và ra khỏi mồ.  Ngài chứng minh cho chúng ta thấy rằng tình yêu và sự sống mạnh hơn đau khổ và sự chết.

Phục Sinh không chỉ là ngày lễ trọng nhất của Kitô giáo mà còn là một mùa đặc biệt của hy vọng cho tất cả mọi người đang đau khổ.  Kỳ thực, có ai trong chúng ta thoát khỏi khổ đau.  Ít hay nhiều, mỗi người đều có một thập giá để vác, nhưng Chúa vẫn có đó và Ngài vẫn yêu thương chúng ta.

Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu đang nằm trong mộ.  Bầu khí tĩnh lặng của nhà thờ gợi lên trong tâm hồn chúng ta sự an bình.  Ðó là sự an bình của tin yêu và phó thác.  Hình ảnh của Chúa Giêsu đang an nghỉ trong mồ nhắc nhở chúng ta về hình ảnh của hạt giống được gieo vào trong lòng đất.  Như Ngài đã nói: “Nếu hạt giống được gieo vào lòng đất mà không thối đi, thì nó sẽ trơ trụi một mình.  Nhưng nếu nó thối đi, nó mới sinh nhiều bông hạt”.  Những nỗi khổ đau mà chúng ta đang trải qua là những hạt giống cần được gieo vào lòng đất.  Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận đặt vào ngôi mộ của Chúa Giêsu những nỗi khổ đau của chúng ta, niềm hy vọng mới bừng lên trong chúng ta và niềm tin yêu, tín thác, mới đơm hoa kết trái trong chúng ta.

*************************

Lạy Chúa Giêsu,

Chúng con đang chiêm ngắm Chúa trong ngôi mộ.  Chúa đang yên giấc để chuẩn bị sống lại.  Chúng con xin được đến với Chúa cùng với gánh nặng của bao vất vả sầu đau trong cuộc sống.  Xin cho chúng con được kết hiệp với Chúa để cũng được cùng với Chúa sống lại trong con người mới của tin yêu và hy vọng.

R. Veritas

 

CHÚA ĐÃ PHỤC SINH

Chúa Giêsu Ki-tô đã Phục Sinh…. Thánh Gioan đã tường thuật trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay như một nhân chứng mắt thấy tai nghe. Ngài diễn tả hành trình mà các tông đồ, cụ thể là Maria Mácđala, Phêrô và Gioan đã trải qua để tiến đến niềm tin “Chúa đã Phục Sinh”.

Thánh Phaolô quả quyết: “Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích,… chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền” (1Cr 15,12-19).

Vậy Phục Sinh là gì ? Đâu là ý nghĩa của biến cố Phục Sinh ?

***

Ðể hiểu thấu mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta cần dừng lại thật lâu bên mộ Chúa. Một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai (Ga 19,41). Ngôi mộ này của ông Giô-xép, người trong Thượng Hội Ðồng, và cũng là một môn đệ âm thầm của Ðức Giêsu. Ông đã đến gặp chính quyền để xin xác của Thầy mình và tẩm liệm cẩn thận. Hãy đến thăm mộ Chúa vào ngày thứ Bảy, thật vắng lặng, không có ai. Ngôi mộ nằm im lìm như trăm ngàn ngôi mộ khác. Một tảng đá to ngạo nghễ che cửa mồ. Kẻ thù ghét Chúa đã hả hê vui sướng vì đã nhổ được một cái gai. Tử thần đắc ý vỗ tay reo vui vì Ðấng là Sự Sống đã bị thất bại. Xác Ðức Giêsu nằm trong mộ tối tăm, như hạt lúa ủ trong lòng đất. Có ai nghe được tiếng hạt giống cựa mình không? Có ai thấy được một mầm non đang nhú lên không?

zzÐêm dài quá! Ba phụ nữ chỉ mong cho chóng sáng. Họ thấp thỏm không ngủ được, chỉ nghĩ đến ngôi mộ với xác của Thầy nằm trong đó. Và khi lóe lên những tia nắng đầu tiên của mặt trời, thì cả ba bà đã sẵn sàng ra thăm mộ, với dầu thơm vừa mua được để ướp xác. Khi đi đường, họ chỉ có một nỗi bận tâm: “Ai sẽ lăn giùm tảng đá ra cho chúng ta?” Tảng đá thật to là một trở ngại… Nhưng lạ thay, khi đến nơi, các bà thấy tảng đá đã được lăn ra một bên, và xác của Thầy cũng không còn ở trong mồ.

Từ ngôi mộ, từ tối tăm chết chóc và rữa nát, sự sống đã bật dậy, làm bàng hoàng sửng sốt. Không cần phải lăn tảng đá. Không cần phải xức dầu thơm. Cửa mộ đã mở toang, vì ngôi mộ không thể chứa được Ðấng đã phục sinh …

Phục Sinh của Đức Giêsu không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7,11-17), như con gái ông Gia-ia (Lc 8,40-56), và đặc biệt như ông La-za-rô (Ga 11,1-45).  Cả ba trường hợp này người chết đã sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, và một ngày nào đó họ cũng phải theo số phận chung của loài người là phải chết một lần nữa, phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền thống trị của sự chết.

Phục Sinh của Đức Giêsu là Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại phải chết. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài

Phục Sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta. “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,24)

Để đón nhận được ơn Phục Sinh và để ơn Phục Sinh có thể thấm vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, ta phải cộng tác với Chúa, tẩy trừ mọi lực lượng sự chết ra khỏi tâm hồn ta. Cuộc chiến đấu sẽ khốc liệt vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Nhưng với ơn Chúa Phục Sinh trợ giúp, chắc chắn ta sẽ toàn thắng.

***

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Vẫn có những ngôi mộ trong đời con. Những ngôi mộ chôn vùi bao ước mơ, hy vọng, bao điều con yêu mến và ấp ủ. Chúng như dấu hiệu của mất mát, đổ vỡ, khổ đau, thất bại … Nhưng sự Phục Sinh của Chúa làm con tin rằng chẳng có mất mát, khổ đau, thất bại nào lại không thể làm con bừng tỉnh, lớn lên và trưởng thành. Ước gì giữa nước mắt, con cảm nghiệm được niềm vui, dám chôn đi điều phải chôn, mất đi điều phải mất.

Lạy Đấng là Nguồn Mạch Sự Sống,

Xin ban cho con sự sống của Chúa, sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa, bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa, hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa, Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Cv 10, 34a. 37-43 – BĐ2: Cl 3, 1-4 – PÂ: Ga 20, 1-9)

TIỆC LY LỜI TÂM HUYẾT

Một phóng viên báo chí người Anh bị cầm tù trong những tháng năm cách mạng văn hoá của thời Mao Trạch Đông. Lúc được trả tự do, ông viết một bài báo với nhan đề: “Thiên Chúa Giáng Sinh” của linh mục Char, câu chuyện được kể lại thật cảm động như sau:

Tôi bị giam ở trong một trại giam bên Trung Quốc. Trong trại có một linh mục cùng bị giam tên là Char, 40 tuổi, người Trung Quốc và là linh mục dòng Sitô. Ở trong tù, tôi phải ăn uống cực khổ, chịu kỷ luật khắt khe và công tác lao động lại nặng nề. Chúng tôi phải đào đất và gánh những gánh thật nặng lên đổ trên một ngọn đồi cao. Linh mục Char luôn nêu gương bác ái. Ngài không phải là con người có sức lực lưỡng, nhưng ai mệt thì được ngài gánh giúp, ai nặng gánh không nổi thì được ngài đổi gánh cho nhẹ hơn của mình. Ngài luôn luôn vui vẻ khích lệ anh em, trong trại ai ai cũng mến phục.

Tôi là người Công giáo, nhưng suốt bao tháng năm tôi chẳng sống đạo tí nào. Và điều làm cho tôi thắc mắc là tại sao cha Char lại biết tôi là người Công giáo? Vì một hôm giữa trời đông rét, vào giờ giải lao, ngài cầm tay kéo tôi đi theo và hỏi: “Anh là người Công giáo phải không?” Tôi trả lời “Thưa cha phải!” Linh mục hỏi tiếp: “Hôm nay là ngày lễ gì anh có biết không?” Tôi trả lời: “Thưa cha, tôi không biết”. Linh mục nói tiếp: “Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh”.

Vị linh mục trầm lặng và hỏi nhỏ tôi một câu: Chắc anh nhớ gia đình lắm phải không? Thôi đi theo tôi, chúng ta cùng nhau xuống hố đất kia, tôi cùng anh dâng Thánh lễ.” Tôi cảm thấy có một sức mạnh nào đó nơi cha thu hút tôi, khiến chân tôi phải bước đi và cả hai chúng tôi xuống hố sâu. Chung quanh miệng hố, đất đào nhô lên được đắp thành hai cái mô vững chắc. Tôi chẳng hiểu làm sao ngài lại có một ve rượu nhỏ, và đựng trong một cái bát nhỏ và một mẩu bánh lễ. zzNgài để cả hai trên một mô đất nhỏ trước mặt, rồi giang tay cầu nguyện. Lúc đưa Mình Thánh lên, mặt ngài sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn rồi tự nhiên đầu gối quì xuống. Tôi ăn năm sám hối, và ngài cho tôi rước lễ, mắt tôi nhoà lệ và lòng tôi cũng như lòng ngài ấm áp hẳn lên.

Sau đó, chúng tôi vội vàng trở về chỗ cũ. Một tên lính gác nhìn thấy chúng tôi liền chạy lại ngay, tóm cổ linh mục và hỏi: “Mày đi đâu đàng kia?” Ngài thẳng thắn trả lời: “Hôm nay là ngày lễ trọng của chúng tôi. Giờ giải lao, tôi đi cầu nguyện”. Tên lính nổi giận đánh cho ngài một trận chí tử, ngài lặng thinh chịu đựng. Hắn dẫn ngài đi từ đó, tôi không còn gặp ngài được nữa. Nhưng suốt đời tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm tiệc ly thánh thiện đó”. Chưa bao giờ trong đời tôi đã tham dự và dâng lễ Giáng Sinh một cách sốt sắng như hôm ấy. Lễ Giáng Sinh hôm đó đã biến đổi cả cuộc đời của tôi và đức tin đã sống lại nơi tôi.

****************************

Bí tích Thánh Thể là đích điểm của con đường đức tin. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng với lời kêu gọi: “Thời giờ đã đến, Nước Trời đang gần bên. Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng”. Rồi cuối cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu đã thiết lập và cử hành bí tích Thánh Thể với các môn đệ. Ngài căn dặn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.

Những chặng đường canh tân đã trải qua, và như vậy thì Mùa Chay này phải hướng dẫn chúng ta đến với việc cử hành bí tích Tình Yêu một cách tốt đẹp nhất, để được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô và sống lại với Ngài trong ánh sáng Phục Sinh khải hoàn.

Tác giả tập sách “Đường Hy Vọng” căn dặn: cả gia đình Chúa Giêsu hướng về núi Calvariô, cả gia đình con hướng về Thánh lễ. Con muốn nhân danh Chúa ư? Hãy tham dự Thánh lễ. Con muốn cảm tạ Chúa ư? Hãy tham dự Thánh lễ. Con muốn cứu nhân loại ư? Hãy tham dự Thánh lễ. Chúa Giêsu đã làm như vậy. Đèn không sáng, nếu hết dầu. Xe không chạy, nếu hết xăng. Hồn tông đồ sẽ suy mạt, nếu không đến với Thánh lễ: “Ai không ăn Thịt và uống Máu Ta thì sẽ không có sự sống đời đời.”

Mọi người tin nhận Chúa đều được mời gọi đến tham dự và cùng dâng Thánh lễ. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng, người đồ đệ phản Thầy là Giuđa đã bỏ phòng tiệc ra đi trước khi Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể.

“Chúng con đã sửa soạn cho Thầy ăn mừng lễ Vượt Qua ở đâu?” Là những kẻ yêu mến Chúa Giêsu thật lòng, thì không thể nào mà không bắt chước gương của các tông đồ hăng say góp phần của mình để Chúa có được chỗ mừng lễ Vượt Qua. Việc cử hành hy lễ Thánh Thể là thực hiện trọn vẹn công cuộc cứu rỗi nhân loại. Giuđa kẻ phản bội cũng ngồi vào bàn dự tiệc rồi ra đi phản bội Thầy mình, mặc dù đã có lời cảnh tỉnh của Chúa.

****************************

Lạy Chúa, mặc dù đã nhiều lần con được hiệp dâng Thánh lễ, được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa làm của ăn nuôi dưỡng đời sống đức tin, nhưng con luôn ý thức về thân phận mỏng dòn của mình là có thể phản bội Chúa bất cứ lúc nào. Vậy xin Chúa thương gìn giữ con trong tình yêu thương hải hà của Chúa. Amen!

R. Veritas

ĐỨC MẸ SẦU BI ĐỒNG HÀNH TÍN HỮU ĐAU KHỔ

… Cách đây 90 năm – giới truyền thông Áo Quốc phổ biến bài phỏng vấn cô Johanna, vài tháng trước khi cô thiếu nữ qua đời tại một bệnh viện ở thủ đô Vienne.  Xin giới thiệu nguyên văn bài trả lời của cô Johanna.

Sau khi vị bác sĩ báo cho tôi biết kết quả cuộc thử nghiệm chứng ung thư trầm trọng, tôi đứng lên ra đi rảo quanh một vòng trên đường phố.

Tôi hoàn toàn cô độc.  Tôi có cảm giác mọi người mọi vật chung quanh đều biến mất.  Tôi từng làm không biết bao nhiêu việc nhưng giờ đây tôi cảm thấy trống không như chưa làm được việc gì.  Tôi từng quen không biết bao nhiêu người, từng có nhiều người thân yêu, nhưng giờ đây giống như thể tôi chưa từng quen ai, biết ai và yêu thương ai….  Tôi lặng lẽ khóc.  Nước mắt chan hòa lẫn lộn với các giọt nước mưa đang tuôn xuống ướt đẫm khuôn mặt tôi.

Quang cảnh đường phố giống như trống không, bởi lẽ, mọi cái đều trở thành hỗn độn: ánh sáng và màu sắc, các cánh cửa hàng, các tiếng động đủ loại, tiếng còi xe, rồi tiếng nói, tiếng cười.  Người người đi đi lại lại, ngược ngược xuôi xuôi.  Lề đường bên này, lối đi bên kia.  Tất cả hối hả không rõ họ đi đâu? để làm việc gì?  Tôi muốn giơ tay chặn đứng mọi người dừng lại rồi hét lớn:
– Tôi đang sắp chết đây!

Thế nhưng, chắc chắn không ai thèm để ý đến lời tôi nói, bởi lẽ, đối với họ, chuyện tôi sắp chết đâu có gì quan trọng?  Chẳng lẽ vì tôi sắp chết mà họ phải ngưng ngay mọi công việc sao?

Tôi muốn ra lệnh cho trái đất đứng im, dùng một nút bấm để tắt hết mọi ngọn đèn trên thế giới, để tất cả rơi vào đêm đen, y như bóng tối đang vây bủa bên trong lòng tôi, và nhất là, để cho toàn vũ trụ rơi vào cõi thinh lặng.

Tôi không thể nào hiểu được cái gì có giá trị đích thật.  Mọi người mọi vật vẫn tiếp tục hiện hữu trên cõi đời, sau khi tôi không còn hiện hữu nữa!

Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy như có một vật thật nặng đè trên ngực khiến tôi bị ngộp thở..  Thế là, tôi ngước mắt nhìn lên Trời, trong một tác động phản xạ, y như thể tôi muốn tìm kiếm từ Trời Cao một luồng khí hầu giúp tôi hít thở bình thường.

Ít lâu sau đó, một người đàn bà trẻ tiến lại gần tôi.  Bà trông thật đẹp nhưng có dáng điệu của một người đang âu sầu phiền não tột độ.

Đôi mắt Bà đỏ hoe, màu đỏ của máu, đỏ vì đã khóc quá nhiều.  Đôi môi Bà nhợt nhạt run run như thể bị lạnh.  Nhưng thật ra không phải vì lạnh.  Không! Khuôn mặt Bà tái xanh.  Niềm đau của Bà lộ rõ gần như có thể sờ mó được.  Bà âu yếm hỏi tôi:

–  Johanna à, em có muốn vào núp mưa trong áo choàng của Ta không?

Câu nói thoạt nghe có vẽ đơn sơ nhưng lại chất chứa một âm vang cao cả rộng lớn.  Còn tiếng nói thì, vô cùng dịu ngọt không thể nào diễn tả được..  Mãi sau này tôi mới hiểu được rằng, chẳng những Bà muốn che tôi khỏi cơn mưa, vì thấy tôi bị ướt mèm, nhưng thật ra, Bà còn muốn làm thêm một cái gì đó quan trọng hơn nhiều.

zzVà quả thật, một việc kỳ diệu đã xảy ra cho tôi vào chính buổi chiều hôm ấy.  Trước đó, lúc tôi ngước mắt nhìn Trời và tha thiết cầu khẩn, lời khẩn cầu như có sức mạnh xuyên thấu Trời Cao. Trời Cao rộng lượng đáp trả tiếng tôi kêu cầu và đã khoan dung quá bước đến tiếp cứu tôi..  Tôi đưa mắt nhìn sang Người Đàn Bà và đáp:

–  Thưa Có!

Bà Đẹp mở rộng áo choàng kéo tôi núp vào vòng tay Bà.  Khi chiếc áo choàng phủ kín người, tôi cảm nhận một niềm an bình bao la và một niềm vui chưa từng hưởng nếm.  Chúng tôi cùng tiến bước.  Trong vòng tay che chở của Bà, tôi cảm thấy an toàn như đứa con thơ nép mình lòng Mẹ.  Đi được một quãng, Bà cầm lấy tay tôi siết thật mạnh như truyền thông can đảm rồi nói:

–  Vào đây đi em …!

Chúng tôi cùng bước vào một ngôi thánh đường.  Bà nói thêm với tôi:

–  Đến đây và xem …!

Vừa nói Bà đưa tôi đến trước Cây Thánh Giá.

Đứng trước Cây Thánh Giá, Bà chăm chú nhìn tôi.  Từ ánh mắt sâu thẳm của Bà tôi tiếp nhận Ánh Sáng và tôi bỗng hiểu rõ tất cả.  Bà không cần nói thêm lời nào nữa cho đến lúc Bà tiến đến dưới chân Đức Chúa GIÊSU KITÔ, nơi có bức tượng giống y như Bà.  Tức khắc, toàn nhà nguyện bỗng sáng rực một luồng sáng diệu kỳ và cùng lúc, Bà Đẹp biến đi, chỉ còn lại bức tượng Đức Mẹ MARIA.

Tôi hiểu rằng, Bà Đẹp chính là Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA.  Đức Mẹ đích thân đến dạy tôi biết chấp nhận đau khổ và để nói với tôi rằng:

–  Tôi không đơn độc cũng không còn giống như trước nữa!

Từ buổi gặp gỡ ấy, Đức Mẹ MARIA dạy tôi sống một chiều kích mới.  Tôi cũng biết nhìn thấy trong nỗi đau đớn phản ánh nỗi đau đớn tột cùng của Đức Chúa GIÊSU KITÔ bị đóng đinh trên Cây Thánh Giá và bị bỏ rơi. Tôi cũng học chuẩn bị cuộc hành trình tiến về Thiên Quốc bằng cách nằm gọn trong vòng tay che chở của Đức Mẹ MARIA.

Tôi cảm thấy thật hạnh phúc và tôi nồng nhiệt mong ước rằng, tất cả mọi người sống trên trái đất này, phải biết mình có một NGƯỜI MẸ thật cao cả đang ở trên TRỜI!

… Đứng gần thập giá Đức Chúa GIÊSU, có Thân Mẫu Người, Chị của Thân Mẫu, bà Maria vợ ông Clopas, cùng với bà Maria Magdala. Khi thấy Thân Mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Chúa GIÊSU nói với Thân Mẫu rằng: ”Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Ngài nói với môn đệ: ”Đây là Mẹ của con”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình (Gioan 19,25-27).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

CHIÊM NGẮM CUỘC KHỔ NẠN

Lễ Lá là một lễ vui mừng, nhưng lại đượm nét buồn. Hôm nay chúng ta được nghe bài Thương Khó Đức Giêsu trong thánh lễ. Tuần Thánh đã bắt đầu. Ðức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn với những ngày cuối đời.

zzHosana! Hosana! Đó là tiếng hò reo vang vọng một góc trời khi Đức Giêsu đi vào thành Giêrusalem. Đám đông dân chúng với những cành lá trên tay, với những tấm khăn trải trên đường cho Ngài bước đi, với những cánh tay đưa lên cao để tung hô Ngài là Ðấng Mêsia, là Con Vua Ðavít. Nhưng chỉ một tuần sau, chính những cánh tay đó cũng giơ cao để gào thét, để chửi rủa chế nhạo, và để đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Ôi lòng người sao tráo trở, mau đổi trắng thay đen!

Đức Giêsu, Ngài là Con Thiên Chúa và cũng là con người, Ngài không xa lạ với khổ đau của phận người. Ngài biết thế nào là bị vu khống, bất công, phản bội… thế nào là bị nhục nhã, sợ hãi, cô đơn và bị giết chết. Ngài không phân tích mầu nhiệm đau khổ, nhưng Ngài đón lấy đau khổ với tình yêu to lớn: tình yêu của kẻ thí mạng vì người mình yêu.

Qua bài Thương Khó hôm nay, bạn và tôi, chúng ta hãy đi với Ðức Giêsu qua từng chặng đường của cuộc Khổ Nạn, từ vườn Cây Dầu đến tận Núi Sọ… Ðừng theo Chúa như một người bàng quang xa lạ, bởi lẽ mọi sự Ngài chịu là vì bạn và tôi, cho bạn và cho tôi. Sau khi cảm nghiệm được những đau thương khổ nhục của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn, bạn và tôi sẽ thấy mình yêu thánh giá của Chúa hơn, mến thập giá của mình hơn, và kính trọng thập giá của người khác nhiều hơn.

Qua bài Thương Khó hôm nay, Ðức Giêsu đã xuống tận cùng sâu thẳm của thân phận con người. Ngài muốn gieo hy vọng cho những ai thất vọng. Ngài đem lại ý nghĩa cho những khổ đau vô lý. Ngài đã đón nhận tất cả với tình yêu thứ tha, nhờ đó thập giá của Ngài đã nở hoa để trở thành thánh giá, vực thẳm tối tăm của phận người đã mang lại sức sống tràn trề.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta không cảm thấy đó là chuyện xa lạ. Vì trên thế giới ta đang sống hôm nay, mỗi ngày vẫn còn biết bao Giêsu vô tội bị kết án bất công, bị làm nhục, bị khinh khi, bị hành hạ và đối xử tàn tệ cho đến chết.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, và nhất là đi đàng thánh giá với Ngài, giúp ta bình an hơn với thập giá của chính mình, nhậy cảm hơn với thập giá của tha nhân, và nhận ra mình có trách nhiệm trước những cuộc khổ nạn bất công đang diễn ra trên thế giới hôm nay.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta thấy mình không phải là kẻ đứng ngoài cuộc. Ta thấy mình có nét của Giuđa: Một người được chọn, được yêu thương, được theo Thầy rất gần, bao phép lạ đã chứng kiến, bao lời vàng ngọc đã được nghe… Tất cả đã òa vỡ tan biến khi Giuđa phản bội Thầy bằng nụ hôn giả dối.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta thấy mình có nét giống Phêrô: Ông tự hào về tình yêu của mình đối với Thầy để rồi dễ dàng chối Thầy trước một cô đầy tớ. Tiếng gà nào khiến Phêrô chợt tỉnh? Ánh mắt tha thứ nào của Thầy khiến Phêrô òa khóc? Ngày hôm nay vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng gà gáy trong đêm và ánh mắt của Chúa trong đời ta…

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta thấy mình có nét giống Philatô. Ông bị trói chặt bởi nỗi sợ: Sợ dân nổi loạn, sợ mất chức. Ông bị mất tự do vì áp lực của đám đông gào thét. Ông không đủ bản lãnh để tha một người vô tội. Ta cũng thấy mình có nét giống Hêrôđê: Tò mò, háo hức, trông chờ Ðức Giêsu làm phép lạ… Nhưng ông mau chóng thất vọng khi thấy Ngài lặng thinh. Ông buồn vì không gặp một Giêsu như ông mong ước.

Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giêsu, ta nhìn thấy những điểm sáng ngời. Điểm sáng đó từ nơi Simon: Ông vác đỡ thập giá Ðức Giêsu trên đường lên núi Sọ. Điểm sáng khác từ nơi các phụ nữ theo sau Thánh Giá Chúa Giêsu, họ vừa đi vừa than khóc. Điểm sáng rực rỡ hơn cả từ nơi người trộm lành. Một người bị đóng đinh lại tin vào một người bị đóng đinh khác. Anh tin Ðức Giêsu vô tội và anh xin Ngài nhớ đến anh. Lòng tin khiến anh trở nên người đầu tiên được hưởng nhờ Ơn Cứu Độ. “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”.

***

Lạy Chúa Giêsu,

Vì Chúa đã xao xuyến trong vườn Cây Dầu, xin ban cho con sức mạnh để đối diện với những khó khăn vất vả trong cuộc sống.

Vì Chúa chịu sỉ nhục và bị nhạo báng, xin cho con luôn biết khiêm nhường và vâng phục.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề , xin cho con biết noi gương bắt chước Chúa, biết can đảm chấp nhận vác lấy thập giá của đời mình.

Vì Chúa bị lột áo, xin cho con biết cởi bỏ những đam mê yếu hèn của kiếp người, biết mặc lấy tâm tình thống hối và yêu thương.

Vì Chúa bị đóng đinh, xin cho con đóng đinh tính xác thịt của con vào thánh giá Chúa.

Vì Chúa đã giang tay chết trên thập giá, xin cho con biết qúy trọng Ơn Cứu Độ, vì Chúa đã chết để cho con được sống, để con được hưởng nhờ Ơn Tái Sinh mà Chúa đã hứa ban, Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Is 50, 4-7 – BĐ2: Pl 2, 6-11 – PÂ: Mt 26, 14 – 27, 66 )

GIUĐA ƠI ÔNG LÀ AI VẬY!

zzĐiểm qua khuôn mặt của mười hai môn đệ đầu tiên của đức Giêsu, có lẽ nhân vật khơi nhiều lý thú cho tôi không ai hơn chính là Giuđa.  Trong Thánh Kinh, mỗi lần nhắc đến tên Giuđa Iscariôt, tác giả không những đặt cái tên Giuđa ở cuối cùng trong danh sách mười hai mà còn kèm theo cái đuôi ‘kẻ phản bội’, Giuđa kẻ phản bội.  Tại sao lại phải gán cái danh từ ‘kẻ phản bội’ cho Giuđa mà không gán cho mười một vị kia?  Đọc Thánh Kinh, ta thấy rõ ràng các môn đệ ai ai cũng đã từng ít nhất một lần bỏ đức Giêsu chạy thoát thân một mình vì sợ hãi đó sao!  Lúc đức Giêsu bị quân gian hung dữ mang gậy gộc mã tấu vây tứ bề ở vườn Ghetsêmani, tất cả môn đệ đều ba chân bốn cẳng chạy thục mạng không còn một mống.  Đó cũng là một hành động phản bội vậy.  Hung hãn nóng tính như Phêrô người anh đầu đàn trong nhóm mười hai, không những cũng dùng đến tẩu vi thượng sách mà còn chối thầy mình lia lịa tới ba lần trước mặt một đứa đầy tớ gái.  Khi chị ta nhận ra Phêrô là một trong đám mười hai, Phêrô ba lần đỏ mặt tía tai “Ê chị kia, đừng nói bậy nghen, tui hổng biết cái ông Giêsu đó là ai đâu à.  Đừng có nói oan cho tui chớ.”  Phải chi là một đấng trượng phu vai u thịt bắp làm cho Phêrô khiếp sợ ta còn thông cảm cho, đằng này chỉ là một đứa đầy tớ gái thôi mà Phêrô đã khiếp hãi đến thế.  Đúng là quê một cục!  Cái câu “chối như Phêrô chối Chúa” về sau được dùng để chê bai những kẻ hèn nhát không dám nhìn sự thật.  Thế tại sao chỉ có một mình Giuđa bị cái nhãn ‘kẻ phản bội’ nhỉ?  Các tác giả Thánh Kinh có thành kiến với Giuđa chăng?  Bất công cho Giuđa chăng?

Nhóm mười hai môn đệ đầu tiên, hầu hết là dân chài cá hoặc làm ruộng.  Nếu hầu hết là dân mù chữ thất học thì xem ra Giuđa Iscariôt có lẽ là một nhân vật sáng giá, có tài có học.  Giuđa có đầu óc thực tế bén nhạy, một con người biết tính toán.  Chính vì điểm này có lẽ Giuđa là người được chọn làm quản lý chăm lo những nhu cầu thường nhật của đức Giêsu và những người theo Ngài.  Một công việc đòi hỏi sự lanh lẹ tháo vát và biết tính toán.  Có thể nói Giuđa là người đóng vai trò ngoại giao chăm lo những nhu cầu ‘thế tục’ để các vị kia có thời gian theo đức Giêsu mà chăm lo việc ‘nước trời’.  Theo Phúc âm thánh Marcô, câu chuyện đức Giêsu một ngày kia đang cùng các môn đệ dùng bữa tại nhà ông Simon, bỗng dưng có một phụ nữ đem đến một chai dầu thơm quí giá, đập vỡ chai dầu, rồi chị ta lấy dầu xức lên đầu Giêsu.  Tương truyền Giuđa chính là người cảm thấy bực bội và phản đối “Sao lại phí thế!  Đem chai dầu bán cũng được hơn 300 đồng bạc, lấy số tiền đó đi giúp người nghèo có phải thực tế hơn không.”  Quả là một Giuđa với đầu óc biết tính toán và thực tế.  Chúng ta đừng quên rằng, cũng như bao nhiêu môn đệ khác, Giuđa cũng đã hy sinh từ bỏ mọi sự mà theo đức Giêsu.  Giuđa là người có thiện chí lúc ban đầu.

Tất cả các môn đệ theo đức Giêsu đều ôm ấp một tham vọng riêng tư kín đáo, một hoài bão có tính chất chính trị.  Đức Giêsu đang là một nhân vật tiếng tăm, làm nhiều phép lạ, dân chúng đã từng ùn ùn kéo nhau theo Ngài, họ đòi tôn Ngài làm vua, nhất là sau phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá.  Ai ai cũng tin rằng sớm muộn đức Giêsu sẽ làm một cuộc cách mạng, lật đổ đế quốc La mã, khôi phục một quốc gia Do thái độc lập.  Lúc ban đầu, các môn đệ theo đức Giêsu vì muốn được chia chác quyền lực về sau, chứ không ai trong họ nghĩ đến số phận một ngày kia phải rơi đầu đổ máu làm chứng cho đức Giêsu.  Phúc âm thánh Mathêo tường thuật câu chuyện bà Zêbêdê, mẹ của hai môn đệ theo Giêsu, một ngày kia kín đáo đi cửa sau đến năn nỉ Giêsu, đại khái “Thầy ơi, sau này cách mạng có thành công, ngai vua thầy cứ ngồi, còn hai đứa quí tử của con đây, thầy cho một đứa ngồi ghế thủ tướng, một đứa ngồi ghế bộ trưởng trong nội các, thầy đừng quên nhé.”  Mười vị kia đã đùng đùng nổi giận sau khi khám phá ra âm mưu đâm thọc sau lưng chiến sĩ của ba mẹ con nhà Zêbêđê.  Phêrô sau khi được đức Giêsu cho biết mình sẽ lên Gêrusalem nạp mạng và chịu chết ở đó, vội vàng kéo thầy qua một bên trách “Ậy, thầy chớ nói dại.  Cách mạng chưa thành công sao thầy lại nói những chuyện xui xẻo như thế.”  Con đường theo Giêsu của các môn đệ ở lúc ban đầu là con đường của thế lực và quyền lợi.  Như vậy chúng ta thấy được cái bản chất rất là con người ở các môn đệ thân tín nhất của đức Giêsu mà Giuđa không phải là ngoại lệ.

Giuđa dĩ nhiên cũng có ôm ấp những tham vọng riêng tư của mình như bao nhiêu môn đệ khác.  Hậu quả của sự mưu mô tính toán rất con người của Giuđa tiếc thay đã đem đến thảm kịch mà chính Giuđa cũng không lường trước được.  Có giả thuyết cho rằng, khi bán thầy Giêsu với giá 30 đồng bạc, Giuđa làm thế không phải vì ham tiền (so với chai dầu thơm 300 đồng bạc).  Giuđa làm thế là để đặt Giêsu vào một cái thế phải ra tay.  Một thế đã xong rồi mà không còn một sự chọn lựa nào khác hơn.  Giuđa tin chắc rằng đức Giêsu một khi đã ở trong thế bị bắt, Ngài phải ra tay hành động để tự cứu mình.  Như thế là nổi dậy chống lại nhà cầm quyền, đưa đến một cuộc cách mạng hy vọng sẽ thành công.  Các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà đã có đầy đủ, thời cơ cho cuộc cách mạng đã đến.  Thầy Giêsu còn chờ đợi gì nữa.  Bao nhiêu phép lạ Ngài còn làm được, câm điếc què quặt Ngài còn chữa lành, kẻ chết Ngài còn làm cho sống lại chẳng lẽ Ngài không tự cứu nổi bản thân mình.  Tiếc thay, đường lối tính toán của con người không phải là đường lối tính toán của Thiên Chúa.  Mưu sự tại nhân thành sự tại Thiên. Giuđa đã thất bại ở chỗ đó.  Đức Giêsu đã không ra tay tự cứu mình như Giuđa tưởng.  Khi nhìn ra điểm này, Giuđa đã hối hận, đem trả lại 30 đồng bạc và đã thắt cổ tự vận.  Xem ra đồng tiền chưa chắc là lý do chính yếu đưa đến sự phản bội của Giuđa.  Giuđa tưởng mình lanh lẹ cơ trí hơn người, nhưng Giuđa đã thất bại.  Sự thất bại của Giuđa là ở chỗ Giuđa chỉ biết dựa vào sự tính toán cơ trí của con người mà gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi kế hoạch.

Thật ra nói chuyện Giuđa là để ôn cố tri tân.  Câu chuyện Giuđa tuy là câu chuyện của quá khứ nhưng có nhiều điểm liên quan và phù hợp với câu chuyện của con người ngày nay.  Chúng ta những môn đệ theo chân Chúa ngày nay, chúng ta không khác các môn đệ thủa ban đầu của đức Giêsu lắm đâu.  Trong mỗi con người chúng ta ai ai cũng có tiềm tàng một Giuđa tính toán ở đâu đó.  Ai ai cũng ôm ấp một kỳ vọng kín đáo của một môn đệ theo chân Chúa.  Một kỳ vọng có thể là vô tư thôi, chứ không có tính ích kỷ gì.  Nhưng sự tính toán của chúng ta cũng có thể như Giuđa, chúng ta đặt Chúa vào thế đã xong, một cái thế bắt Chúa phải ra tay chứ không còn sự chọn lựa nào khác.  Chúng ta sắp xếp an bài mọi chuyện theo sự tính toán của mình rồi muốn Chúa cứ theo đó mà thi hành.  Chúng ta sốt sắng đọc kinh đi lễ, tưởng đâu như thế là Chúa sẽ nghe lời mình.  Chúa đã chẳng từng nói cứ xin thì sẽ được gõ cửa sẽ mở cho đó là gì.  Chẳng lẽ Chúa hứa lèo!  Nếu thành công mỹ mãn như sự tính toán của mình, chúng ta thấy Chúa sao mà vĩ đại quá, đáng yêu đáng kính quá.  Nhược bằng thất bại ngoài ý, chúng ta trách cứ sao Chúa không ra tay cứu giúp, sao trời lại nỡ phụ lòng người.  Đó cũng là một Giuđa đang tiềm ẩn đâu đó trong mỗi con người của chúng ta.  Một Giuđa muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi sự tính toán kế hoạch của mình.  Mỗi khi soi mình trước tấm gương sống đạo của chính bản thân, tôi thấy hình như cũng có một Giuđa đang phảng phất đâu đó.

Lm. Phan Đình Quang SVD
quangdphan@yahoo.com

SỐNG MÙA CHAY, KHỔ HAY SƯỚNG?

Bến Tre là xứ sở những rặng dừa cao chót vót và nối dài.  Trong các loài thảo mộc và thực vật sinh củ, các loại củ luôn mọc dưới rễ, nằm trong lòng đất.  Riêng với cây dừa, củ hủ dừa mọc trên ngọn.  Không phải bất cứ loài nào có củ mọc trên ngọn đều là cây dừa, nhưng đặc thù của loài dừa phải là củ mọc trên ngọn. Thiên Chúa tài tình xếp đặt cho từng loại thụ tạo một nét đặc sắc riêng.  Người Kitô hữu cũng thế, không ngoại lệ. “Củ hủ dừa” của người Kitô hữu, hay nói thẳng ra nét riêng nơi người Kitô hữu là “mến Chúa, yêu người” (x.Mt 22,34-40).  Không phải những ai mến Chúa, yêu người cũng đều là Kitô hữu.  Nhưng những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, buộc lòng phải thực hiện hai giới luật này.  Mùa chay đang hiện diện trong đời sống tôn giáo chúng ta.  Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu được nhắc nhớ: phải sống đạo triệt để, nhất là nơi mùa giao duyên này.  Vấn đề đặt ra: khi sống đạo ta được gì và mất gì?  Sống mùa chay khổ hay sướng?

Đức Giêsu rảo bước quanh nước Palestine, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa và thực hiện mầu nhiệm cứu độ.  Các môn đệ bước theo vết chân Đức Giêsu nhiều vô kể, trong đó chúng ta trưng dẫn ba Kitô hữu khá thân quen: Matthêu, Mađalêna và Dakêu.  Đọc lại hành trình ơn gọi của từng cá nhân trong số ba vị này, chúng ta sẽ khám phá nét độc đáo nơi cách thức sống đạo của họ và tìm ra sướng khổ trong cung cách sống mùa Chay của chúng ta.

Nhân vật Matthêu đang là nhân viên trong Sở thuế vụ một nước thuộc địa La Mã, nước Palestine.  Thiên Chúa cất tiếng gọi Matthêu, không phải nơi hội đường thánh thiêng, cũng chẳng phải nơi yên tĩnh của một vùng đất trời giao hòa, nhưng nơi ồn ào náo nhiệt chốn thuế má.  Qua lời mời đơn sơ của Chúa Giêsu: “Hãy theo Thầy” (Mt 9,9), Matthêu đứng phắt dậy, từ giã quá khứ đầy tiền tài, danh vọng, từ bỏ bát cơm béo bở nơi “ki-ốt” thu thuế để theo chân một nhân vật mang tên Giêsu.  Theo Ngài và cùng lang thang đầu đường xó chợ, không một tương lai tươi sáng cụ thể, không một đường hướng rạch ròi, rõ ràng.  Động thái từ bỏ mọi sự theo Chúa không ngoại trừ người sang, kẻ hèn.  Trong con số mười hai nơi các Tông Đồ, có những cá nhân yêu nước, uyên bác, thâm sâu như Simon nhiệt thành; nhưng cũng tồn tại một Matthêu với quá khứ nối giáo cho giặc.  Đi theo Chúa, hay nói cách khác là sống đạo, Matthêu buộc phải đồng hành cùng người nghịch quan điểm và cung cách sống với ông.  Rõ ràng, Matthêu không những khước từ lợi zzích thu gom vén góp của cải vật chất, ông còn đạp đổ lối sống yên ổn tạm bợ.  Nói cho cùng, Matthêu như một “tên dại” trong xã hội loài người.

Ơn gọi Kitô hữu của nhân vật Mađalêna đã làm ngạc nhiên tầng lớp trung lưu và đạo đức thời ấy.  Bởi một phận “gái dặm trường” chuyên nghề lường gạt và thân xác đầy ô uế cũng được cứu độ nữa sao?  Đáp lại tiếng mời gọi sám hối, canh tân của Đức Giêsu, Mađalêna đẩy lùi sau lưng những đồng tiền “mua hương bán sắc”, kiêng khem những khoái cảm thể xác, chấm dứt đẩy đưa mọi lời đường ngọt có cánh của đám mày râu… Theo Chúa, Mađalêna giờ đây phải vểnh tai nghe những chuyện vốn trước kia với bà là nghịch lý.  Đang là “hot girl” trong xã hội, Mađalêna bỗng chốc biến mình thành “con ngốc”.

Nếu như Matthêu được giới thiệu đơn sơ trong Tin Mừng: đang ngồi ở trạm thu thuế (x.Mt 9,9), thì Dakêu, trong Tin Mừng Luca, được miêu tả cách cụ thể và sống động: vóc dáng lùn, ông mang chức vụ “trưởng phòng” của phòng thu thuế, và là người giàu có (x.Lc 19,2-3).  Đáp lại lời chào của Đức Giêsu, Dakêu “hô biến” thành một con người hoàn toàn mới: triệt tiêu thói “ăn lời mót thêm” nơi đồng tiền thuế má, lại còn “chơi đẹp” dân đen với số tiền đền bù không nhỏ – đền gấp bốn, điều đáng ngạc nhiên chính là chia đôi tài sản để làm phúc bố thí.  Nói thẳng ra, Dakêu làm từ thiện như “một thằng mất trí”.

Chiều dài Thánh Kinh trưng dẫn những hình ảnh phi thường nơi những con người bình thường.  Nào là Abraham từ bỏ quê cha là đất Kharan để bước theo Đức Chúa (x.St 12,1-9); Môisê chạy trốn khỏi hoàng cung Pharaô rồi lại từ bỏ gia đình, tài sản yên ổn cũng chỉ vì tiếng gọi của “Đấng Hằng Hữu” (x.Xh 2,15-4,18); hay như Giêrêmia khước từ chốn bình yên tự tại để phải tuyên sấm lời Đức Chúa chống lại một xã hội ăn chơi sa đọa (x.Gr 1,4-19) và còn nhiều cá nhân khác trong trình thuật Tân Cựu Ước.  Tất cả đã bị Thiên Chúa quyến rũ và họ đã để Thiên Chúa quyến rũ (x.Gr 20,7a).  Nhân loại mọi nơi và mọi thời đều có riêng nơi mình trí thông minh và sự sáng suốt.  Một nghịch lý lạ lùng chính là: dù nhân loại có tài giỏi cách mấy cũng không giải mã được ý định của Thiên Chúa.  Sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa trí thông hiểu của loài người: “vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).  Thiên Chúa kêu gọi từng cá nhân và ban tặng tình thương, sự bình an đích thực.  Quay lại với câu chuyện của Matthêu, Mađalêna và Dakêu, trước đây những người này bị xã hội khinh miệt, xa lìa, phỉ báng, thì nay trong Đức Kitô, họ nhận ra chính bản thân mang lấy một giá trị sống được trân trọng, mến yêu và được quan tâm.  Giả sử Đức Kitô không lên tiếng, hoặc Ngài lên tiếng nhưng họ không đáp trả, mãi mãi Matthêu và Dakêu vẫn là những tên thu thuế khét danh với tội phản quốc, Mađalêna vẫn nhớt nhợt, nhầy nhụa bởi tội lỗi ghê tởm.  Thiên Chúa tình yêu đã giật lấy từng cá nhân một từ tay Satan.

Chúng ta không thể phủ định một trạng thái bị lương tâm cấu xé khi bước đi trên lối mòn của tội lỗi, nhưng sự êm ái, thỏa mãn tính xác thịt làm con người gặp nhiều khó khăn khi phải rẽ ngang sang đường công chính.  Câu hỏi được đặt ra: Tại sao Thiên Chúa từ ái không triệt hạ sự dữ, tại sao Người không đánh đuổi những cám dỗ, khoái lạc trong thế giới loài người để con người chỉ trực diện hướng về Thiên Chúa?  Như thế, con người hiển nhiên đạt lấy sức sống trường sinh mà không cần phải chọn lựa.

Mỗi viên kim cương mang nơi mình những giá trị khác nhau.  Điểm chung, viên kim cương nào cũng đắt giá.  Ta quí chúng, đơn giản vì ta phải bỏ ra nhiều tiền mới có được một viên kim cương.  Tiền từ mồ hôi, nước mắt, công sức lao động từng ngày, từng ngày tích góp.  Chính vì thế, cũng cầm tiền, nhưng nếu mua một cục than đốt, chúng ta có bỏ vào hai ba lớp tủ, cất kỹ lưỡng không?  Nếu như có một Nước Trời dễ dàng được con người nắm bắt, tôi chắc chắn rằng: “chúng ta sẽ không tha thiết, trân trọng Nước Trời đó”.  Đọc lại đoạn văn đầu tiên trong sách Sáng thế sẽ rõ: Ađam và Eva từ lúc mở mắt chào đời đã được Đức Chúa đem lòng sủng ái và đặt họ vào một thế giới kỳ diệu; sự sa ngã của tổ tiên loài người chứng minh rằng con người thích được chọn lựa và làm điều mình thích (x.St 1,26-3,7).  Thiên Chúa tôn trọng tự do từng cá thể thụ tạo.  Với ơn gọi sống đạo, sống mùa Chay, Người chỉ “gọi”, còn chúng ta có quyền tự cân nhắc và tự lựa chọn: “Chúa dựng nên con chẳng cần đến con, nhưng cứu độ con, Ngài cần con đáp lời” (Thánh Âutinh).  Hãy nhớ đến trường hợp của người thủ lãnh giàu có (x. Lc 18,18-23): dĩ nhiên Đức Giêsu muốn cứu độ anh ta, nhưng anh ta đã khước từ, kết cục anh ta không có được sự bình an đích thực mặc dù người này rất giàu “Nghe vậy, ông buồn lắm, vì ông rất giàu” (Lc 18,23).

Trước khi kết thúc bài chia sẻ, tôi mượn một kinh nghiệm sống cụ thể để làm “gia vị” giúp mọi người nấu món ăn “sống mùa chay” của mình. Tết vừa rồi, bà con Cái Mơn đưa kiểng lên Sài Gòn bán.  Khởi hành từ nhà vườn lùm đùm lề đề, nào là mai, tắc, vạn thọ, thanh long, cúc, lại còn phân bón, chậu xi măng… Trên đường đi, họ phải dừng chân không ít điểm để đổ xăng, lì xì cán bộ, có khi phải sửa chữa xe cộ…  Ai ai cũng nôn nóng mau đến điểm bán.  Đến nơi cũng chưa yên vị, chủ hàng phải tính toán, so đo, định giá hợp lý cho các món hàng của mình để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” và thu nhập nhà mình cũng được nâng cao.  Mưu sinh làm con người phải bươn chải giữa đời.  Để kiếm đồng tiền nuôi sống bản thân và gia đình, chúng ta đâu sá gì mệt nhọc, cực khổ.  Do vậy, chúng ta không nên nề hà trong chuyện chộp lấy Nước Trời, hay nói theo kiểu bình dân là mưu sinh cho đời sống linh hồn.  Trên đường đi bán kiểng, họ không ít lần gặp trục trặc, khó khăn nhưng họ đâu vì thế mà bỏ cuộc, gánh kiểng về lại nhà.  Cũng thế, trên hành trình “bán tội lỗi” mua lấy Nước Trời, chúng ta cũng phải nỗ lực vươn lên để đón lấy phần thưởng Thiên Chúa hứa.

“Mến Chúa, yêu người” trong chặng đường bốn mươi ngày mùa chay là một chi tiết biểu hiện lòng sám hối, canh tân.  Không phải chỉ có mùa Chay chúng ta mới thực hiện lời dạy này, nhưng mùa Chay là dịp thuận tiện nhắc nhớ chúng ta nhín chút thời gian dừng lại nơi “đèn đỏ giao thông phụng vụ” để kiểm điểm, tự vấn và thực hành tốt hơn giới luật “mến Chúa, yêu người”.  Sống mùa chay, có cái khổ của hãm mình, ép xác ; nhưng cũng có cái sướng của sự bình an, lòng thương xót, những thứ này không thể dùng tiền của vật chất mua lấy được.  Cái sướng nhất trong việc sống mùa chay chính là “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).  Cầu chúc mọi người một mùa Chay thánh thiện, đạo đức.  Xin cũng hiệp lời cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi cũng bắt chước  các nhân đức của anh chị em, như anh chị em bắt chước Đức Kitô (x.1Cr 11,1).

Lg.hungson@gmail.com