TIẾNG DẾ KÊU

zzCó hai người bạn đang cùng nhau đi giữa đường phố nhộn nhịp với bao tiếng xe cộ ồn ào.  Giữa hàng trăm loại âm thanh hỗn hợp của xe cộ, của người, của nhạc cụ,… một cô bạn bỗng nói, “Tôi nghe tiếng dế kêu.” Người bạn kia sửng sốt đáp lại, “Làm gì có, làm sao có thể nghe được tiếng dế giữa hàng trăm thứ tạp âm trong thành phố?  Bạn khéo tưởng tượng thật!” Người bạn đáp, “Không, mình thực sự nghe tiếng dế mà. Nào hãy theo mình.”  Cả hai cùng đi về một góc đường, và tiến đến một bụi cây.  Càng đến gần, tiếng dế càng rõ hơn.  Bên dưới những chiếc lá khô, họ thấy một chú dế đang cất tiếng gáy say sưa.

“Chao ơi, thật là lạ.  Tai bạn thật là tuyệt vời.  Bạn có bí quyết gì vậy?”  Người bạn kia hỏi. “Ồ không, tai mình cũng như bạn thôi, đâu có bí quyết gì đâu.”  Nhưng hãy xem đây.  Cô bạn liền lấy trong túi áo ra vài đồng tiền cắc và tung ra bên vệ đường.  Ngay tức khắc, mấy chục người bộ hành ngừng lại và quay nhìn về phía phát ra âm thanh của những đồng tiền cắc.  Cô bạn nói tiếp, “Bí quyết là ở chỗ đó.  Vấn đề là bạn muốn nghe điều gì trong cuộc sống của bạn.”[1]

*********************************

Bạn thân mến, vấn đề là bạn muốn nghe điều gì trong cuộc sống chứ không phải tiếng gọi đó nhỏ hay lớn.  Đúng như vậy.  Hai người yêu nhau tuy ở xa ngàn dặm nhưng vẫn có thể nghe nhau, hiểu nhau; có đúng không bạn?  Ngược lại, dù có ở bên nhau nhưng nếu họ không có tình yêu thì cũng không nghe nhau, không hiểu nhau. Vấn đề là bạn tìm điều gì trong cuộc sống mỗi ngày của bạn; vấn đề là bạn có ý thức và quan tâm đủ đến từng ngày sống của bạn, từng công việc bạn làm, từng con người bạn gặp gỡ?  Vấn đề là bạn có thực sự muốn kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa đời làm người của mình trong từng giây phút hiện tại hay không?!

Sống giây phút hiện tại là một điều dễ dàng cho những ai đặt mình trong hiện tại, nhưng thật khó khăn cho những ai không đặt mình trong giây phút hiện tại.  Sống trong giây phút hiện tại tức là đặt mình vào từng hoàn cảnh mình đang sống, từng công việc mình đang làm, từng lời mình đang nói, và từng tư tưởng mình đang suy nghĩ.  Thật buồn thay, nhiều người trong chúng ta sống trong hiện tại nhưng vẫn lẩn trốn giây phút hiện tại, hoặc chạy trốn không dám dối diện với giây phút hiện tại, hoàn cảnh hiện tại, và suy nghĩ hiện tại.  Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen là khi ngồi vào xe là mở radio hay mở nhạc.  Thói quen này có thể là cách để né tránh sự im lặng “đáng sợ” trong lòng mình; cũng có thể là để mình tìm một điều gì đó nhằm lấp đầy nỗi khao khát khó hiểu trong con tim.  Nhiều người cầm ly nước uống ừng ực mà không hề để ý trên tay mình cầm cái gì, mình uống cái gì, hương vị ra sao.  Nhiều người vừa ăn cơm mà mắt vừa liếc nhật báo, tai nghe iPod, và có khi còn xem TV nữa.  Ôi thật tội nghiệp cho con người trong thời hiện đại.  Những hành động này có phải vì chúng ta quá cực khổ; không đủ thời gian để giải trí; hay vì chúng ta sợ sự thinh lặng, sợ mất thời gian, hay sợ rảnh rỗi?

Sao bạn không thử đối diện với sự im lặng trong xe, trong con người mình một lần xem sao? S ao bạn không thử để ý những gì mình đang cầm trên tay (ly nước, cây viết, tờ báo, điện thoại…) để chỉ học cảm giác là mình đang cầm một vật gì đó cụ thể với tất cả sự tự chủ?  Sao bạn không thử dẹp tất cả báo chí, radio, TV, điện thoại trong bữa ăn hôm nay để tự mình cảm nghiệm và thưởng thức hương vị ngọt, cay, chua, đắng, thơm nồng… của thức ăn mà mình đang dùng?

Thưa bạn, sống giây phút hiện tại chỉ đơn giản là như thế đó bạn.  Cứ trung thành để ý đến những gì bạn đang làm, đang cầm, đang nói, đang ăn, và đang thở… thì dần dần bạn sẽ yêu đời hơn; bạn sẽ dễ dàng cảm nghiệm vẻ đẹp của cuộc đời hơn.  Giá trị hiện tại sẽ dần dần lộ ra cho bạn và chúng sẽ đẩy lùi những tư tưởng của hối tiếc về quá khứ, đồng thời chúng cũng sẽ lấn át những âu lo toan tính cho tương lai.  Hiện tại là ngay lúc này, bạn đang đọc những dòng này, vật bạn đang cầm trên tay, … hãy để ý đến chúng.

Mong bạn áp dụng bài thực hành này thành công.

Br. Huynhquảng

[1]Lược dịch từ Soul, ed. Elisa Davy Pearmain, (Oregon: Resource Publications, 1998), 14.

CHUYỆN THÀNH NA-IN

zzLc 7:11-17

Một buổi sáng khi mặt trời đã vắt vẻo trên đỉnh đồi cao, nắng bình minh chiếu chan hòa xuyên qua những kẽ lá đầu cổng thành Na-in, một thành nhỏ miền Galilê nước Do thái, tiếng chim hót ríu rít chào mừng một ngày mới bắt đầu.  Trời trong veo lững lờ vài đám mây xanh biếc hứa hẹn một ngày đẹp.  Quyện trong tiếng chim hót là tiếng lao xao của một đám đông đang theo chân một cỗ quan tài.  À, một đám tang buồn!  Thật ra có đám tang nào mà không buồn?  Có cuộc tiễn biệt nào mà không nước mắt, đau thương?  Có mất mát nào mà không gây đau lòng cho kẻ còn sót lại?  Nhưng đám tang này lại buồn hơn mọi đám tang khác bởi lẽ người nhắm mắt xuôi tay còn quá trẻ.  Anh chưa làm nên công danh sự nghiệp, chưa có gì để lại cho đời ngoài một bà mẹ goá nghèo xơ xác.  Gia tài duy nhất của mẹ anh cũng chính là anh. Vậy mà anh nỡ lòng ra đi mang theo bao niềm hy vọng cậy trông của người mẹ tuổi đã về chiều.  Người chết xong phận mình nhưng người còn ở lại thì sao?

Đám tang nghèo quá, tiêu điều quá!  Đám tang đi trong thinh lặng buồn tênh: không kèn, không trống, không vành khăn tang, chỉ có tiếng khóc nỉ non của bà mẹ già thay cho tiếng kèn đưa tiễn người đi.  Giọt lệ buồn chảy dài trên đôi má nhăn nheo hốc hác đang khóc thương cho người con bạc phận hay khóc than cho chính thân mình?  Ôi, số phận sao khắc nghiệt thế!  Sao người nằm đó lại là con tôi?  Hai bàn tay khốn khổ xưa đã chôn chồng, nay lại chôn con, đến phiên mẹ ra đi thì bàn tay nào sẽ chôn mẹ?  Con ơi…..!  Tiếng lá vàng khóc lá xanh rơi nghe não nề mủi lòng làm sao!  Hòa theo tiếng kể lể của người mẹ già là những tiếng sụt sùi cảm thông của bà con láng giềng.  Người ta tới để tiễn biệt chàng thanh niên về nơi chín suối, đến để chia sẻ số phận hẩm hiu của người mẹ già góa bụa từ nay bơ vơ không nơi nương tựa ủi an.

Đám tang lặng lẽ u buồn ra đi đến gần cửa thành gặp một đám đông khác đông hơn, ồn ào hơn, náo nhiệt hơn đang ùn ùn kéo vô thành.  Đám đông đang hăm hở theo chân một người mang tên Giêsu, là người nổi tiếng thời bấy giờ, một ngôn sứ đầy uy thế trong lời nói cũng như việc làm trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.  Một đám đông buồn gặp đám đông vui!  Đám đông ồn ào vui nhộn dạt ra để dành chỗ cho đám tang đi qua với những cặp mắt tò mò hiếu kỳ.  Đám tang à?  Vài người nhún vai:

–  Có gì lạ đâu!

Đám tang của một thanh niên trẻ ư?  Vài cái chép miệng xót thương:

–  Ừ, đáng thương thiệt, nhưng mà… phận bạc vắn số thì chịu thôi, rồi ai cũng phải chết, không sớm thì muộn!

Để lại một bà mẹ già goá bụa không nơi tựa nương sao?  Thêm đôi ba cái lắc đầu tội nghiệp:

–  Ừ, tội quá, nhưng chắc có lẽ tại tội của bà ta hay tội của cha mẹ bà ta nên bây giờ bà phải lâm cảnh đáng thương như thế!

Những người khiêng xác kẻ chết lặng im tiếp tục cuộc hành trình.  Người mẹ khổ đau không màng gì đến thế giới bên ngoài, không để ý gì đến những lời nói vô tình độc địa bên tai, thân già như cành lá liễu trong gió thu chiều, cứ rũ xuống đất mà không sao đứng thẳng lên được.  Những người làng xóm tốt bụng đi xung quanh xốc vào hai bên nách đỡ cho bà khỏi té quỵ xuống đường và dìu bà kéo lê trên cát đằng sau cỗ quan tài cho đến nơi chôn cất người con thân yêu!

Cảnh đau lòng ai oán đó đập vào mắt vị ngôn sứ, Ngài bàng hoàng đứng sững lại người như chết trân, khuôn mặt đầy xúc động với cặp mắt nhắm nghiền như không dám chứng kiến thêm cảnh mẹ khóc con.  Với đôi môi cắn chặt vào nhau tím ngắt như cố nén tiếng thở dài não ruột đang xiết chặt trái tim tan nát, Ngài loạng choạng tiến lại gần người mẹ khổ đau.  Mọi người tò mò ngạc nhiên không hiểu vì sao vị ngôn sứ lại xúc động đến thế!  Ngài đã nhìn thấy trước cảnh gì rồi chăng?

–  Đứng lại!

Một giọng nói trầm ấm vang lên mang nhiều âm chất ra lịnh.  Cả hai đám đông cùng ngỡ ngàng nhìn nhau không hiểu chuyện gì xảy ra.  Ai đứng lại?  Người chết hay kẻ sống?  Những người khiêng quan tài như bị thôi miên tự động dừng chân.  Bước chân người đàn bà đau khổ cũng khựng lại, bà ngước khuôn mặt dại khờ với hai hàng lệ chưa khô nhìn lên.  Ánh mắt già nua chớp chớp.  Qua làn nước mắt nhạt nhoè bà nhìn thấy khuôn mặt hiền từ nhân hậu mập mờ trước mắt.  Ai thế?  Bà không hề quen biết người này!  Bà lắc đầu đưa tay dụi mắt.  Bạn của con trai bà ư?  Không thể nào.  Bà biết mặt những đứa bạn của con trai dấu yêu.  Một vị kinh sư hay Pharisêu đại diện tôn giáo đến đây để chia buồn với bà ư?  Không đời nào. Có bao giờ họ đoái hoài đến nỗi đau của những người nghèo cùng đinh trong xã hội như mẹ con bà.

Mặt bà ngây ra, ánh mắt ngơ ngác.  Như đoán được tâm trạng của bà, đám đông lao nhao lên với những câu trả lời mà bà nghe tiếng được tiếng mất:

–  Giêsu!  Giêsu Nadarét!  Giêsu con vua Đavít!

À, bà nhớ ra rồi, cách đây không lâu trong dân chúng có đồn về một người mang tên Giêsu, người Nadarét xứ Galilê, Người đã trừ quỷ, chữa lành nhiều bệnh tật, đả phá những lề luật cứng ngắc trong xã hội, rao giảng về Tình Yêu, Nước Thiên Chúa và niềm hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại khổ đau.  Bà nghe nói ông Giêsu đó có một trái tim nhân hậu, thương yêu trẻ thơ, những người nghèo và đặc biệt là những người bất hạnh cô nhi quả phụ như bà.  Bàn tay ông chạm đến ai là cuộc đời người đó đổi thay!  Ánh mắt ông đi liền với trái tim!  Là ông ta đây sao?  Tuy chưa hề được gặp mặt ông lần nào nhưng bà đã nghe về ông ta rất nhiều.  Bây giờ con người nổi tiếng đó đang đứng trước mặt bà đây, bằng xương bằng thịt.  Nhưng để làm gì cơ chứ?  Con bà đã chết rồi, chết thật rồi!  Bà đang đi chôn nó đây, còn gì nữa đâu để mà xin!  Còn gì nữa đâu để mà chữa lành!

Vị ngôn sứ tiến đến bên bà, ông đưa tay nhè nhẹ lau những giọt lệ trên khuôn mặt gầy guộc đầy những nếp nhăn.  Khuôn mặt Giêsu lộ đầy vẻ xúc cảm thương mến, đôi môi run run mấp máy như muốn thốt nên lời an ủi mà không sao thoát ra thành lời.  Rồi bất chợt Giêsu dang rộng hai cánh tay ôm choàng bà vào lòng bất kể tục lệ khắt khe thời đó không cho phép người đàn ông ôm hôn người đàn bà ngoài đường phố, bất kể quần áo bà tang thương rách nát dơ bẩn, bất kể đến thân phận hèn kém nghèo khó của bà.  Có lẽ Giêsu biết vết thương lòng bà sâu quá không lời nào có thể xoa dịu được.  Bà nhắm mắt lặng im bất động để cho Giêsu ôm mình vào lòng, vỗ về như người cha vỗ về đứa con thơ.  Rồi bà nấc lên thành tiếng, nước mắt trào ra, dòng lệ tưởng đã cạn khô sau khi khóc chồng và sau mấy ngày ngồi bên xác con nay có người khơi dậy, lại ào ào tuôn trào như hai dòng suối.  Bà gục đầu vào vai Giêsu oà khóc, khóc thật to như đứa con nít, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc cho vơi đi những sầu khổ chất chứa trong lòng, khóc như sợ từ nay sẽ không còn ai lau khô giọt nước mắt cho bà nữa.  Hai tay bà vòng ra sau ôm choàng lấy Giêsu chặt cứng như ôm đứa con trai thân yêu vào lòng, như sợ Giêsu sẽ vuột mất khỏi tầm tay bà.  Chưa ai ôm bà như thế bao giờ!  Chưa ai an ủi bà bằng cách này!  Chưa có ai rung cảm với nỗi đau bà đang thấu chịu như ông Giêsu này!  Bà nức nở thì thầm:

–  Giêsu ơi, ông có biết tôi đau khổ lắm không? Ngài có cảm nhận được nỗi đau của tôi không?

 Đáp trả lại lời bà là những tiếng nhịp tim đập thổn thức trong lòng Giêsu mà bà cảm nhận được qua cánh tay hùng mạnh đang xiết chặt lấy bà.   Nhịp tim đó đang hòa chung nhịp với trái tim tan nát của bà, hai con tim cùng chung một nhịp đập!  Ôi, sao mà ngọt ngào quá!  Đây là gì nếu không phải là tình thương?  Ông Giêsu này là ngôn sứ ư?  Nếu đúng thế thì ông ta quả là ngôn sứ của tình thương!

Rồi vẫn giọng nói trầm ấm đó nhẹ nhàng thì thầm bên tai bà những lời an ủi dịu ngọt:

zz–  Thôi, bà đừng khóc nữa! (Lc 7:13b)

Đợi vài phút cho những xúc cảm lắng xuống nơi cung lòng người mẹ đau khổ, Đức Giêsu buông bà ra, chậm rãi tiến về phía quan tài, sờ vào đó và nói:

–  Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! (Lc 7:14a)

Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói.  Người mẹ kinh hãi trợn tròn đôi mắt giật lùi ra phía sau mấy bước.  Đám đông hoảng hốt ồn ào láo nháo:

–  Chuyện gì thế, chuyện gì thế? Người chết sống lại ư?  Ôi, Lạy Chúa tôi!

Và họ bắt đầu náo loạn xô đẩy chen lấn về phía trước để coi cho được khuôn mặt người chết, để chính mắt kiểm chứng phép lạ hi hữu trong đời: người chết chuẩn bị đem chôn nay được sống lại.

Đức Giêsu dìu anh thanh niên đứng dậy, gỡ anh ra khỏi những băng vải liệm quấn quanh người, cầm tay anh dắt về phía người mẹ, trao anh lại cho bà và nói:

–  Bà xem, con bà đang sống đây!

Bà ấp úng ngỡ ngàng trước một niềm vui bất ngờ ngoài sức tưởng tượng như thế, miệng bà ú a ú ớ trước món quà quá lớn lao được trao ban lần thứ hai từ tay Thượng Đế.  Tim bà như ngừng đập, lưỡi bà cứng đơ không thốt lên được một lời cám ơn!  Bà có xin đâu mà được nhận lãnh một phép lạ cả thể như thế!  Đúng hơn bà không dám xin, không dám mơ đến khi đối diện với Giêsu vì bà biết con bà chết đã được mấy ngày rồi.  Đó là điều “không thể được” khi xin cho một kẻ chết sống lại.  Trong nỗi đau, bà quên đi rằng đã có lần vị đại ngôn sứ Elia đã kêu xin cùng Thiên Chúa cho con trai một bà goá sống lại.  Đối với Thiên Chúa, không có gì là “không thể” làm được.

Thấy bà góa cứ đứng trân trân như hóa đá, Đức Giêsu dịu dàng cầm lấy tay người thanh niên đặt trong lòng bàn tay sần sùi nhăn nheo của người mẹ.  Ngài xiết chặt hai bàn tay một già một trẻ trong lòng bàn tay mình âu yếm đưa lên môi hôn, mắt Ngài thương mến nhìn hai mẹ con như chúc phúc cho cảnh vui vầy đoàn tụ của gia đình bà.  Hai mẹ con bà goá ôm chầm lấy nhau mừng mừng tủi tủi, hạnh phúc trào dâng!  Bà thầm thì bên tai con:

–  Quả thật, ông Giêsu này đích thực là Con Thiên Chúa.

 Quay về phía Giêsu và đám đông, bà đứng thẳng người mạnh mẽ tuyên xưng:

–  Vâng, bây giờ tôi biết ông chính là Giêsu, Con Thiên Chúa Hằng Sống, và lời Đức Chúa do miệng ông phán ra là đúng!

Đám đông và những người hàng xóm tốt bụng sau giây phút ban đầu kinh sợ giờ đây họ bu xung quanh hai mẹ con bà goá la hét mừng rỡ trước cảnh đoàn viên, họ nhẩy lên hò reo chúc tụng Thiên Chúa:

–  Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người (Lc 7:16).

Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận thời đó.  Họ lại tiếp tục hò la lớn tiếng:

–  Chúc tụng Thiên Chúa của Tình Yêu, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, Đấng đã lau khô những giọt lệ chảy trong bóng đêm. Chúc tụng Thiên Chúa của Tình Yêu, Đấng đã luôn an ủi vỗ về những người đau khổ.  Chúc tụng Thiên Chúa Tình Yêu, Alleluia, Alleluia!

Những lời này về Đức Giêsu sau được loan truyền khắp tứ phương thiên hạ cho loài người được nhận biết chúng ta có một người Cha yêu thương ở trên trời, đó là Thiên Chúa Tình Yêu!  Alleluia, Alleluia!

 Lang Thang Chiều Tím

TIỀN VÀ NƯỚC TRỜI

Có người đã luận bàn về  đồng tiền như sau: Tiền có thể:

– Mua được cao lương mỹ vị, nhưng không mua được sự ngon miệng
– Mua được thuốc thang đắt giá, nhưng không mua được sức khỏe.
– Mua được chăn êm nệm ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon lành.
– Mua được nhà cao cửa rộng, nhưng không mua được mái ấm gia đình.
– Mua được trò chơi giải trí, nhưng không mua được sự bình an thanh thản của tâm hồn.
– Mua được sách vở tài liệu, nhưng không mua được sự thông minh, kiến thức.
– Mua được bạn bè, nhưng không mua được tình nghĩa.
– Mua được trái tim, nhưng không mua được tình yêu.
– Mua được thân xác, nhưng không mua được tâm hồn.
– Mua được đời này, nhưng không mua được đời sau.
– Mua được con người, nhưng không mua được Thiên Chúa
– Mua được visa để đi khắp nơi trên thế giới, nhưng không mua được hộ chiếu để vào Nước Trời…

***

zzBạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến tiền của: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt.6:24)

Đồng tiền là vật có máu “lạnh”. Từ xa xưa ông cha ta đã nói: “Lạnh như tiền!” Tiền còn là bạc. Bạc không chỉ là một loại quí kim, mà còn có nghĩa là bạc bẽo, bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền mà mất cha mẹ, mất vợ chồng, mất anh em bạn bè…

Tiền bạc không ưa thích con người, nhưng con người ưa thích tiền bạc. Dù tiền rách, tiền bẩn, tiền cũ… người ta vẫn dành cho nó một cảm tình đặc biệt. Có ai chê tiền đâu! Từ người già cho tới em bé, ai ai cũng đều thích tiền .

Chúa Giêsu không  bài bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở về thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo những người giàu có trong việc sử dụng đồng tiền.

Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay tốt là tùy ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, đặt tiền của cao hơn Chúa, coi tiền của là mục đích của cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để chiếm hữu thật nhiều tiền.

Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho biết bao băng hoại, tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Khi con người đề cao và bám víu vào tiền của, coi tiền của là vạn năng, là cùng đích của cuộc sống …thì con người sẽ trở thành nô lệ cho tiền của.

Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp ta đạt tới đích điểm là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy ta xa Chúa, đi tìm kiếm những sự phụ thuộc chóng qua của thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương tiện để tìm kiếm Nước Trời. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt.6:33)

 ***

Tâm sự của con chim Sẻ:

Bạn thân mến! Tôi chỉ là con sẻ nhỏ. Một con chim thật tầm thường. Đời tôi cũng chẳng có giá trị gì nhiều, nhưng Thiên Chúa đã chăm sóc tôi…

Tôi không có kho lẫm, tôi không bao giờ gieo hạt hay gặt hái, nhưng Thiên Chúa đã ban cho tôi phần của một con chim sẻ, chỉ đủ dùng và không có được một hạt dư…

Tôi biết có nhiều con chim sẻ ở khắp nơi, nhưng khi một đứa trong chúng tôi bị rơi xuống đất, Cha trên trời cũng biết rõ điều ấy…

Dù nhỏ bé, nhưng tôi không bao giờ bị quên lãng – dù yếu đuối, nhưng tôi không bao giờ sợ hãi…Vì có Cha trên trời luôn nâng đỡ chở che …

Tôi bay lượn trong những khu rừng rậm rạp, hay nhẹ nhàng trên những khóm hoa – tôi không cần bản đồ hay la bàn, nhưng không bao giờ tôi lạc lối…

“Hãy nhìn xem chim trời…Cha anh em ở trên trời vẫn lo cho chúng! Anh em không đáng giá hơn các con chim ấy sao?… (Mt.6:26)

Bạn ơi! Vì thế xin đừng lo lắng !

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ:Is.49:14-15 – BĐ2:1Cr.4:1-5 – PÂ: Mt.6:24-34)

CHÚA ĐÃ SỐNG NHƯ CON NGƯỜI

Hắn ngồi đó ngả nghiêng như muốn nằm hẳn xuống.  Chiếc mũ len xám che gần hết khuôn mặt.  Nó như một vật bất ly thân và dường như chẳng muốn rời cái đầu bướng bỉnh.  Lâu lắm tôi mới thấy hắn gỡ ra để gãi mớ tóc rối như tổ quả.  Lạ, không có cái mũ ấy trông hắn cũng sáng sủa ra phết, vậy mà…   Tôi lắc đầu chán nản.  Lại một tên choai choai thời đại.

Chẳng thấy hắn mang tập vở gì.  Chỉ kè kè một cuốn sổ tay nho nhỏ và ghi ghi chép chép mỗi khi hắn hứng thú điều chi.  Lâu lâu hắn cắt ngang bài giảng của Cha giáo với một vài câu hỏi.  Những câu hỏi của hắn rất hay và rất sâu.  Chúng phảng phất những ý tưởng của một tâm hồn khắc khoải muốn được ủi an, được đong đầy, hay của một tâm hồn mãi kiếm mà chẳng thấy, mãi tìm mà chẳng gặp.  Tuy nhiên sao những lời thắc mắc của hắn bi quan và tối tăm quá.  Có lẽ chúng còn bi quan hơn cả kẻ tử tù đến ngày lĩnh án và tối hơn cả xó bếp phủ đầy nhọ của nhà nông nữa.  Mà quái, mỗi khi hỏi những câu ấy, giọng hắn như lạc đi và mắt hắn như mọng những nước.zz

Trẻ, bất cần, lấc cấc, chẳng phải tu sĩ và cũng chưa lập gia đình.  Thế thì hắn muốn làm cái quái gì khi lấy mấy lớp thần học này nhỉ?  Một, hai, rồi ba.  Tôi đã học chung với hắn lớp thứ ba rồi.  Vẫn thế ngồi nọ, vẫn mũ len kia, vẫn những câu hỏi hóc búa.  Tôi nhíu mày và muốn xua hắn ra khỏi trường suy tư của mình.  Nhưng đời sao có nhiều cái lạ.  Càng ghét thì ông trời lại càng dúi vào tay.  Tôi với hắn bị phân vào chung một nhóm thảo luận.  Mười mấy năm ròng lăn lộn với linh đạo I-Nhã, đề tài của những buổi thảo luận thú vị, nhưng không mới hay quá khó đối với tôi.  Chúng tôi thay phiên điều khiển nhóm và thường bắt đầu với một lời cầu nguyện ngắn.  Mỗi khi đến phiên mình, tôi khệnh khạng tìm những lời nguyện thật kêu.  Khi thì của Rahner, lúc thì của Pedro Arrupe, của Pierre Teilhard de Chardin, Joseph Tellow, David Fleming, William Barry, hay một nhân vật nổi tiếng nào đó.  Hay nhưng sáo rỗng quá, tại nó chẳng phải của mình.  Nhưng đến phiên hắn, hắn cứ đủng đỉnh mở cuốn sổ tay bé tý và đọc một đoạn suy tư của chính hắn.  Rất riêng tư, thẳm thẳm như hồ thu và thánh thoát như lời thì thào của con Tạo.  Chẳng muốn nhưng trí tôi lại một lần nữa bị khuấy động.  Bởi tôi cảm thấy một cái gì rất linh thánh đằng sau những lời trần tình của hắn…

Thời gian đẩy đưa, tôi thỉnh thoảng bị điệu đến bệnh viện nói chuyện với một số tâm hồn muốn tìm sự bình an.  Một ngày tôi được nói chuyện với ông H. đang nằm trong phòng mổ.  Lòng vòng với những câu chuyện và ưu tư về hệ lụy của sinh lão bệnh tử, về khao khát muốn sống và sợ chết của kiếp nhân sinh, và về niềm hy vọng cho một cuộc sống vĩnh hằng.  Ông là chủ của một gia đình 5 người.  Các con còn khá bé và ông là lao động duy nhất trong nhà.  Thế nên mỗi khi vào trong bệnh viện là nỗi lo của ông, của vợ và các con ông được chồng chất.  Những câu hỏi tại sao vì thế được dịp tuôn trào và lạ thay nó khá giống với ưu tư của hắn.  Tôi thoáng rùng mình và muốn quên đi.  H. đánh thức tôi bằng một câu hỏi khác: “Này, anh đã ra cha chưa nhỉ?”  “Chưa ông ạ.  Có lẽ tại nết tôi chưa thuần và trái yêu trong tim tôi chưa chín.  Vả lại, tôi còn phải học cho xong đã.  Kẻo sau này giáo dân hỏi mấy câu như ông tôi không biết đường nào mà đáp.”  Tôi mỉm cười trả lời.  “A, ra là anh vẫn còn đang đi học.  Thần học à?  Ở đâu vậy?” Tôi nói tên của trường nơi tôi  đang mài đũng quần.  Mắt ông sáng lên và vội nói, “Thế thì anh học chung với T rồi.  Anh biết anh ấy không?” T. nào nhỉ? Chẳng lẽ là hắn?  Ông đưa tôi một tấm hình.  Đích thị hắn rồi.  Một luồng gai ốc chạy suốt đằng sau lưng tôi. “Ông cũng biết hắn à?”  Tôi hững hờ hỏi.  Bất giác, ông òa khóc và kể cho tôi nghe chuyện của đời mình.

***********************************

Từ bé H. đã bị đau yếu thường xuyên.  Những đợt viêm thận kết nối làm đời ấu thơ của ông được dệt bằng thuốc men và những lần thăm viếng bác sĩ.  Vất vả lắm ông mới ra trường, tìm việc làm kha khá, lấy vợ và sinh con.  Những tưởng đời bình yên nhưng dông tố lại ập đến.  Cách đây 3 năm, hai trái thận của ông dở chứng đình công.  Các bác sĩ chẳng còn hy vọng cứu chúng.  Nếu nội trong vài tháng ông không có thận mới để thay, ông phải trở về với nơi ông đã sinh ra.  Các bác sĩ buồn bã báo tin.  Nằm yên với máy chạy thận nhân tạo trong lúc đợi chờ, lòng ông đầy lửa đốt.  Chết thì ông không sợ, nhưng để lại vợ dại và con thơ là điều ông không nỡ.  Nhìn bộ thiểu não của vợ hiền và nghe tiếng khóc nức nở của đám con làm lòng ông tan nát.  Ông muốn khóc với họ cho vơi nỗi phiền mà chẳng được.  Ông muốn gào lên với con Tạo cho hả nư mà không xong.  Lời cầu nguyện của ông được pha lẫn giữa trách móc và nài nỉ, giữa xót xa và hy vọng.  Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày ông héo úa.  Tại sao lại là phút giây này?  Sao Ngài không chờ ít lâu nữa để vợ con tôi đỡ vất vả?  Ngài có trái tim không?  Ông tự hỏi.

Rồi hắn đến như một luồng gió.  Hắn vào bệnh viện thăm một thằng bạn cũ.  Chẳng kiếm ra phòng nên hắn bắt đầu lang thang.  Thấy ba đứa trẻ ngơ ngác ôm nhau ngồi khóc ở hành lang bệnh viện, lòng hắn chùng hẳn lại.  Hắn ngồi xuống và hỏi chúng chuyện chi.  Chúng trả lời, “Ba chúng em sẽ chết nếu không có ai cho ba một trái thận.  Cái của mẹ và của tụi em không hợp với ba, bác sĩ nói thế.  Rồi ai sẽ trả tiền nhà, ai sẽ hôn lên trán chúng em mỗi tối, ai sẽ đưa tụi em đến trường mỗi sáng?”  Những câu hỏi tiếp nối khiến hắn bâng khuâng.  Lắc đầu dứt khoát hắn bảo các em dẫn hắn đến phòng của H.  Ông ấy đang lịm dần trong cơn mê.  K vợ ông gượng gạo kể cho hắn nghe sự tình.  Hắn ngồi một lúc rồi đi ra tìm vị bác sĩ.

Hơn một tuần sau, người ta thấy hắn khập khễnh và nhăn nhó bước đi trong bộ đồ bệnh nhân.  Bệnh gì ư?  Bệnh yêu và cho đi.  Hắn đã đồng ý cho ông một quả thận của hắn.  May thay mấy thí nghiệm cho thấy một sự trùng hợp khá tốt và nghiễm nhiên hắn trở thành “good donator” (người tặng thận nhân hậu).  H. bình phục nhanh chóng và trở về với vợ con.  Còn hắn, trái thận còn lại bực bội vì mất đi người bạn đồng hành.  Nó giở chứng và muốn trừng trị hắn một lần cho thích đáng.  Thế đó hắn phải lưu lại trong bệnh viện đến hơn một tháng trời.  Cả gia đình hắn không ai hay.  Hắn cũng không muốn báo cho họ.  Lại nữa, mẹ hắn đang bị ung thư giai đoạn cuối và bố hắn cũng vất vả ngược xuôi giữa việc làm và bệnh viện.  Còn đứa em út bị hội chứng Down đến tắm một mình còn chưa nổi kia mà.  Lâu lâu H. và vợ con vào thăm vị cứu tinh của họ.  Con bé út vô tình kêu hắn là “second daddy” (người cha thứ hai).  Hắn đỏ mặt lắc đầu.  H. muốn hắn trở nên một nhân vật gần gũi hơn với gia đình ông.  Hắn khéo léo chối từ và chỉ giữ quan hệ ở một mức vừa phải.  Năm ngoái, hắn báo cho ông biết rằng hắn đã dọn về thành phố nơi ông đang sống.  Tại hắn chợt muốn đeo đuổi vài lớp thần học và tìm câu trả lời cho những suy tư. . .

Tai tôi chợt bùng đi.  Mắt tôi hoa lại.  Tôi xin phép ông ra về sau khi hứa sẽ trở lại.  Đêm ấy, phòng tôi không khói mà sao mắt tôi vẫn cay?  Tim tôi không thổn thức mà sao những giọt lệ cứ tuôn tràn?  Hình ảnh của một Giêsu lang thang tìm cách xoa dịu nỗi đau của trần thế trong thời đại hôm nay sao cứ rõ như ban ngày?  Rồi tôi thấy mình quá nhỏ nhen, quá tầm thường.  Tôi chỉ chú ý đến thái độ bề ngoài mà không nhận ra vẻ đẹp bên trong.  Tôi mải miết mang giá trị và quan niệm sống của cá nhân tôi, dân tộc tôi và quê hương tôi như là thước đo những người ngoại quốc tôi đang gặp.  Rồi một thoáng kiêu hãnh hão được dịp trổ sinh.  Tôi âm thầm khinh khi và chỉ trích hắn trong tư tưởng.  Tôi theo Chúa như thế ư?

Mấy hôm sau tôi lại gặp hắn.  Vẫn dáng vẻ bất cần, vẫn mũ len xùm xụp, vẫn thế ngồi như muốn nằm, vẫn không sách không vở và chỉ một cuốn sổ tay nhỏ téo trong túi.  Hắn đó, xương thịt trước mắt tôi. Hôm ấy là phiên tôi làm leader (người hướng dẫn) cho buổi họp nhóm.  Tôi không tìm những lời nguyện của các bậc tiền bối.  Chỉ run run và lí nhí những lời mà bản thân tôi cũng chả hiểu tôi muốn nói chi.  Tôi tâm tình đôi chút về một nội tâm muốn giao hòa và một nội tâm muốn cho đi.  Hắn ngồi đó đăm đăm nhìn tôi.  Hắn nhíu mày, mím môi rồi lắc đầu.  Buổi họp chấm dứt.  Tôi run run đứng dậy ôm hắn rồi lí nhí cảm ơn.  Hắn sững người nhìn tôi rồi nói: “You seem very strange today.  Are you OK?  Let me know if I can do anything to help.”  (Nhìn anh hôm nay rất lạ.  Anh vẫn bình thường chứ?  Cho tôi biết nếu tôi có thể làm gì để giúp anh.)  Rồi hắn nhún vai bỏ ra ngoài.  Cái tướng đi lấc cấc của hắn chẳng lẫn vào đâu được.  Tôi ngồi lại và mắt chợt đỏ hoe.  Cuốn vở trên bàn lại thêm một lần thấm những dòng nước mắt.

***********************************

Ôi lạy Chúa sao Ngài mãi lánh mặt.  Sao Chúa mãi muốn con nhận ra Ngài nơi những kẻ con không ngờ, những người con không thích?  Rồi từ đáy thẳm tâm hồn, một tiếng thì thầm như gió thoảng vọng về: Bởi cuộc đời là một chuỗi những ngày tìm và kiếm.  Bởi tình yêu là không chối từ mà chỉ muốn cho đi.  Bởi bến đỗ của trái tim không phân biệt giàu hay nghèo, già hay trẻ, sang hay hèn.  Bởi ý muốn và khao khát của Cha là được ôm trọn thế giới này với tất cả thực tế của nó trong vòng tay. Ngoài kia trời trở lạnh.  Gió rít từng cơn và những bông tuyết thật mịn thi nhau rớt xuống.  Nhưng lòng tôi thấy ấm hơn.  Tôi xách túi đứng dậy ra về, miệng lẩm nhẩm một bài hát thân quen của linh mục nhạc sĩ TT: “Chúa đã sống như con người, Ngài ca hát với ai vui cười.  Chúa đã sống như con người, Ngài than khóc với ai buồn đau.  Chúa gánh vác như bao người, Ngài lao tác kiếm cơm qua ngày. Chúa mãi mãi yêu con người dù ra sao vẫn yêu con người.”

QT – Mùa Chay 2008.

ĐƯỢC CỨU ĐỘ BẰNG TÌNH YÊU

Epictète là một triết gia – nô lệ tại xứ Syracuse.  Ông vua độc tài của Syracuse đọc sách của Epictète viết, thấy hay quá nên mới ra quyết định cho Epictète không phải làm nô lệ nữa. Epictète trả lời:

–   Vua hãy tự giải thoát chính mình đi.

–   Nhưng ta là vua mà, ông vua độc tài ngạc nhiên.

–   Một nhà độc tài là kẻ phải làm nô lệ cho các dục vọng của mình, còn một người nô lệ làm chủ được các dục vọng của mình mới là một người tự do.  Hỡi Đức Vua, hãy tự giải thoát chính mình đi.

****************************

Ai cũng thấy rõ sức mạnh rất lớn của các dục vọng trong lòng mình, như cổ nhân đã khéo ví von: “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Mưa không xiềng xích vẫn lưu được khách, sắc chẳng ba đào dễ đắm lòng người).

Có dục vọng tốt nhưng cũng có dục vọng xấu lôi kéo con người và xích chặt tâm hồn họ vào tội lỗi.  Trong Thánh Kinh, các dục vọng tội lỗi được diễn tả như bóng tối mịt mù ràng buộc và ngăn cản nhân loại trên đường tìm đến hạnh phúc đời đời: “Họ phải sống trong cảnh tối tăm mù mịt, kiếp lầm than xiềng xích gông cùm; vì họ chống cưỡng lời Thiên Chúa, dám khinh thường lệnh Đấng Tối Cao” (Tv 107,10).

Các dục vọng xấu là dư âm của cuộc sa ngã đầu tiên, khi người ta bị cám dỗ bước vào con đường vị kỷ, qui ngã, muốn trở nên Thiên Chúa.

Cái mất lớn nhất tính vị kỷ đã gây ra cho con người là làm cho họ mất khả năng nói lời yêu thương, tiếng nói của thần tính mà Thiên Chúa ban tặng cho loài người.  Sau khi sa ngã, Ađam và Eva đã quên đi tình liên đới, không còn biết đến niềm vui của sự cho đi:  Ađam đã đổ tội cho Eva: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (St 3,12).

Để hoàn toàn loại trừ xu hướng vị kỷ – bóng tối dẫn đến sự chết và là cái ách đè nặng lên cuộc sống con người, Đấng Cứu thế đã chiếu sáng thế gian bằng một tình yêu tuyệt đối, một tình yêu trút bỏ chính mình vì người khác: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8).

Tình yêu Đức Kitô là ánh sáng phá tan gông cùm của bóng tối sự chết luôn đè nặng lòng người. “Cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gẫy” (Is 9,1).  Tình yêu đó làm thoả mãn được cái đói từ sâu thẳm trong lòng người, nên có sức lôi cuốn người ta bỏ tất cả đi theo Ngài… không hề có việc trả giá: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người… Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4,20.22).

Thế nhưng giữa người tin vào Đức Kitô vẫn còn đó những bóng tối vị kỷ ngay trong việc truyền bá tình yêu cứu độ.  Thánh Phaolô đã cảnh báo về một tình yêu đã bị đánh mất vẻ đẹp, nơi những người muốn rao giảng một Tin Mừng của riêng mình: “Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: ‘Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô”!

Vì thế, thánh Phaolô coi tình yêu quên mình của Đức Kitô chịu đóng đinh mới là tất cả những gì cần được rao giảng: “Đức Kitô … sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1Cr 1,12.17).

Đúng thế, thập giá Đức Kitô cũng có thể ra vô hiệu khi bị che chắn bởi bóng tối của lòng vị kỷ nơi các Kitô hữu, tình yêu tinh tuyền của Đức Kitô bị lu mờ bởi sự chia rẽ giữa những kẻ tuyên xưng niềm tin vào Ngài.  Vì thế mà thánh Phaolô tha thiết nài xin: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,2-4).

Điêu khắc gia đại tài Michelangelo thường gắn một cây nến nhỏ trên nón mình để cái bóng của ông không đổ lên bức tranh đang vẽ, lên pho tượng đang đắp.  Điều đó làm cho F.L.McKean suy nghĩ: “chúng ta cũng phải hết sức cẩn thận, đừng để cho cái bóng của mình, những kẻ tìm kiếm tư lợi, đổ trên điều mà chúng ta đang làm cho Chúa Kitô”. 

****************************

“Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết ở nhiệt thành, biết mến Chúa cho xứng đáng, biết thi ân mà không xá kể, biết chiến đấu mà không sợ đau thương, biết hoạt động mà không tìm an nghỉ.   Tận tình với chức vụ mà không mong phần thưởng nào khác, một biết mình làm theo ý Chúa luôn.  Amen” (thánh Ignatiô Loyôla)

Lm. HK

YÊU THƯƠNG THA THỨ

Một vị vua nước Pháp tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả kẻ thù của ông. Nhưng chỉ ít lâu sau, người ta thấy nhà vua đi lại vui chơi ăn uống với những kẻ thù trước kia, họ thắc mắc và lên tiếng hỏi:

– Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù hay sao?

– Đúng thế! Ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta.

***

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt.5:44-45)

“Yêu thương tha thứ và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”. Đó là lời mời gọi Chúa gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay.

Ta không chỉ trở thành con cái Thiên Chúa vào ngày rửa tội, nhưng trở thành “con ngoan” của Thiên Chúa nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày.

Yêu thương tha thứ là điều rất dễ nói, nhưng lại rất khó thực hiện. Yêu thương tha thứ là một cử chỉ anh hùng, là một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, để bước vào thế giới siêu nhiên của những người con của Thiên Chúa, để sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.(Mt.5:48)

Thế giới ngày nay có nhiều sự ác và người ác. Ta phải tiêu diệt sự ác bằng sự thiện, hoán cải người ác bằng tha thứ yêu thương. Tha thứ là ra khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, là mở ra con đường để đối thoại và hoán cải.  Hãy yêu thương tha thứ để rồi bản thân ta sẽ được Chúa thứ tha yêu thương.

Lấy oán báo oán chỉ tăng thêm hận thù mà thôi. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù.

Hận thù thì hủy diệt, còn yêu thương thì phát triển và xây dựng.  Khi trả thù, người ta biến mình bằng kẻ thù. Còn khi tha thứ, người ta vượt cao hơn họ.

Chỉ có tình yêu mới là phép mầu sẽ  biến kẻ thù thành bạn hữu. Nếu hận thù là hủy diệt, thì tình yêu là xây dựng.

Biến thù thành bạn, phải chăng là tiêu diệt kẻ thù rồi!  Đó chính là sức mạnh của tình yêu. Đó cũng là lời mời gọi của Tình Yêu cho thế giới hôm nay

***

Lạy Chúa! Xin ban cho con một trái tim mới, trái tim biết yêu thương tha thứ, để con vượt qua mọi oán hờn ghen ghét, mọi thù hằn ti tiện. Xin cho con cảm nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Chúa, để con cũng biết yêu thương tha thứ anh chị em của con. Amen!

Tổng hợp từ R. Verita
(BĐ1: Lv 19:1-2 & 17-18 –  BĐ2: 1Cr 3: 16-23 – PÂ: Mt.5: 38-48 )

HUYNH TRƯỞNG, NGƯỜI LÀ AI?

zzNgày Mồng Bốn Tết Tân Mão (Feb 6, 2011), anh Phêrô Đinh Văn Ngọc cùng gia đình đi nghỉ tết tại bãi biển Mũi Né, Việt Nam.  Cùng đi với gia đình anh còn có anh Tuấn là em vợ của anh Ngọc. Trong khi đang tắm biển, thình lình anh Tuấn thấy một thanh niên đưa tay tỏ dấu hiệu bị chìm.  Đứng rất gần người bị nạn, anh Tuấn đã bơi ra để cứu nạn nhân.  Thật không may, do cơn nước xoáy, anh Tuấn đã bị dòng nước cuốn.  Nghe tiếng kêu cứu trước cảnh hai người bị nạn, anh Ngọc nhanh nhẹn tiến vào vùng nước xoáy để cứu anh Tuấn và nạn nhân kia, nhưng do dòng nước quá mạnh, anh Ngọc cũng bị cuốn.  Ngay tức thì, người cậu trong gia đình cũng tiến ra để cứu anh Ngọc, nhưng dòng nước cũng nhận chìm người cậu này.  Nghe tiếng kêu cứu, một chiếc ca-nô tiến ra cứu những nạn nhân này; chiếc ca-nô cũng bị lật úp, cuối cùng người cậu được cứu, còn anh Ngọc, anh Tuấn, và nạn nhân kia đã ra đi để lại bao thương nhớ xót xa cho gia đình, người thân, và bạn hữu.

* * *

Phêrô Đinh Văn Ngọc là ai?  Đinh Văn Ngọc là một người Huynh trưởng đầy nhiệt tình, vui tính, hòa đồng và có tinh thần trách nhiệm rất cao.  Anh Ngọc tham gia hội Giúp Lễ Quảng biên, nhóm Ơn gọi Xavio, ban Phụng Vụ, Thực tập I, II, III, và chính thức gia nhập Gia đình Huynh trưởng Quảng Biên năm 1992.  Anh lập gia đình với chị Nguyệt Anh, cũng là thành viên Gia đình Huynh Trưởng Quảng biên và đã có hai con; cháu út mới 18 tháng tuổi.

Sự hy sinh của anh Ngọc và anh Tuấn (Châu) nói lên điều gì cho những người còn sống, đặc biệt cho những Huynh trưởng chúng ta?

Tinh thần Phanxicô Khó Khăn, bổn mạng của GĐHTQB, đã bùng lên rõ nơi con người Đinh Văn Ngọc.  “Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”  Nếu anh Ngọc chỉ đứng nhìn thôi, nại lý do này nọ (vợ con – và thực sự anh có quyền nại như thế), không ra cứu nạn nhân, thì giờ đây anh vẫn sống,… nhưng nếu anh còn sống, anh sẽ nghĩ gì?  Anh có hối hận không?  Anh có hổ thẹn với lương tâm mình không?…  Cũng như người lính tinh nhuệ, anh Ngọc được đào luyện 37 năm để chỉ được dùng có một phút – một phút quyết định hoàn thánh giá trị ý nghĩa của người Huynh trưởng: Sống – chết cho người khác.  Từng cuộc họp, từng giờ sinh hoạt giáo lý, từng buổi tập hát, từng lớp học giáo lý, và đặc biệt những lần cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể mà anh đã được đào luyện, được hun đúc trong chiếc nôi đức tin đã giúp anh quên đi chính con người anh trong giây phút quyết định ấy.  Cái thấm của Đạo là chỗ đó, cái thấm của Máu và Mình của Đức Kitô là chỗ đó; nó âm thầm, ẩn dấu, nhưng vào thời điểm quyết định, chứng nhân hy sinh cho người khác được trổi lên và sáng ngời.

Sự ra đi của anh Ngọc cũng nhắc chúng ta rằng, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, không phân biệt tuổi tác, địa vị, hoàn cảnh.  Cái chết của anh Ngọc làm tôi hối hận, xấu hổ vì tôi đã khước từ một câu hỏi đơn giản của anh Ngọc trên Facebook.

Dinh Van Ngoc December 17, 2010 at 12:05am Report

Dear Viet,

Lau quá rồi không có tin tức gì của anh Dũng, Việt cho mình xin số dthoai và email/nick của anh Dũng nhé. con trai của anh Dũng Ngọc đở đầu.Hy vọng gia đình anh Dũng vẫn tốt đẹp.

Vu Viet December 20, 2010 at 10:52am

Ngoc than,

Chuc mung Giang Sinh. Gia dinh binh an khong? Hai dua con thay lon qua. DT anh Dung 813 93x 043x/ cell: 813 94x 881x.

Dinh Van Ngoc December 21, 2010 at 3:58am Report

Chuc giang sinh vui ve!

Anh Dung o My hay Japan? Thay so 81 dau! Neu o My thi them 1 dung ko?

Vậy mà tôi im luôn, không trả lời; để đến hôm nay muốn trả lời thì anh Ngọc cũng đã biết rồi.  Cuộc đời là thế đó!  Những điều xem chừng như rất bình thường với chính mình, chúng có thể trở nên giá trị và ý nghĩa đối với người khác.  Điều tôi coi thường bên này, nó có thể sẽ rất giá trị cho người khác ở bên kia.  Điều tôi không làm hôm nay, nó có thể là sự hối tiếc bất an cho ngày mai, nhất là trong mối quan hệ, tha thứ, hòa giải,… Chỉ để ý đến ngày tháng anh Ngọc chat với tôi mới thấy con người đầy nhiệt tình và quí tình bạn hữu của anh.  Và đúng vậy, với tính cách ấy, không lạ gì anh Ngọc đã xông xáo hăng hái ra cứu người bị nạn bất chấp tất cả.

Sự ra đi đột ngột của anh Ngọc cũng nhắc chúng ta, nếu bạn đang nợ ai một email, một cú điện thoại, một cánh thư, một lời xin lỗi, một lời mong được thứ tha, một khao khát được làm hòa… bạn hãy thực hiện ngay hôm nay đi, đừng chần chừ vì những lớp vỏ mình mặc bên ngoài (bằng cấp, công việc, bận rộn, địa vị, địa lý, cái tôi) sẽ qua đi.  Hãy cẩn thận, những thứ đó có thể giúp bạn vươn lên đỉnh cao trong xã hội, nhưng ở trên đó, chỉ có một mình bạn đứng lẻ loi, đơn chiếc.

Bạn thân, nếu hôm nay tôi biết hối hận vì sự lơ đãng trả lời câu hỏi của anh Ngọc thì với tính cách rất Huynh trưởng của anh, anh sẽ còn ray rứt hơn nếu anh không ra tay cứu vớt nạn nhân hôm ấy.  Chính vì không muốn ray rứt và lãng quên tiếng kêu cứu của nạn nhân, nên hôm nay anh đã nghĩ yên ngàn thu trong lòng Huynh Trưởng Tối Cao.

Trước giờ tiễn biệt bạn Phêrô Đinh Văn Ngọc, HTQB.

Vũ Việt – Br. Huynhquảng

NHÌN NGƯỜI NỮ…, NHÌN NGƯỜI NAM…

Sống là chọn lựa.  Chọn lựa là hy sinh.  Hy sinh là chết đi.  Chết cho điều này để sống cho điều kia. Bài đọc thứ nhất sách Huấn Ca hôm nay nói đến việc chọn lựa, “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước; con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con là cửa sinh cửa tử; ai thích gì, sẽ được cái đó”.

Tin Mừng hôm nay cũng nói đến việc chọn lựa, “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra toà”. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình; còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”.   

Nếu có những lối đi yên tĩnh thì cũng có những ngõ vắng xôn xao;
Nếu có những đường làng quạnh hiu thì cũng có những đại lộ rộn rã.
Tương tự như thế, trong tình yêu,
Tình yêu có cả những đại lộ thênh thang,
Cả những lối mòn chật hẹp.

Các bạn trẻ thân mến,

Luật cũ dạy: chớ giết người, chớ ngoại tình… đó là những đại lộ tình yêu, ai cũng thấy, ai cũng biết và dễ chấp nhận.  Nhưng ai giận anh em mình, ai bảo anh em mình là “bờm”, thì đáng bị toà án luận phạt… đó là những lối hẹp tình yêu mà ai ai cũng dễ va vấp và khó chấp nhận.  Cũng như,“Ai nhìn người nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” lại là một lối mòn chật hẹp hơn.  Phải chăng đây chính là điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người mà thánh Phaolô nói tới trong bài đọc thứ hai hôm nay?

Có người nói, lạy Chúa, Chúa quá quắt, “Chúa đi guốc trong bụng đàn ông…”; nhưng cũng không ít người tạ ơn Chúa vì Chúa quá tế nhị, quá nhân ái khi không dám nói thêm “Ai nhìn người nam…”.

Thưa các bạn, có lẽ đây là đoạn Tin Mừng mà mỗi khi đọc hoặc nghe nói đến là chúng ta nhăn mặt, một đoạn Tin Mừng hiếm khi được chọn để suy niệm trong các buổi chia sẻ.

Vậy hôm nay, chúng ta thử nhìn thẳng vấn đề.  Đức Giêsu muốn nói gì ở đây?  Phải chăng Ngài muốn nói đến đức ái trọn hảo?  Phải chăng Ngài muốn nói đến sự thanh khiết hồn nhiên của những ai theo Ngài?  Hoặc Ngài muốn nói đến những đòi buộc triệt để giúp chúng ta tiến “nhanh hơn, cao hơn và xa hơn” trong đời sống làm con Chúa?  Có lẽ tất cả đó đều là câu trả lời.

Đức Giêsu, Đấng ba lần thánh, dẫu hoàn toàn vô tội… nhưng không vì thế mà những gì xảy ra nơi con người lại xa lạ với Ngài.  Ngài biết đến những xung năng vật vã, biết cả những cuồng si ươn hèn, hay những cám dỗ chết người nơi thân phận bọt bèo của kiếp nhân sinh.  Ngài biết nam cũng như nữ, trẻ cũng như già, khoẻ cũng như ốm, người sống đời dâng hiến cũng như kẻ ở bậc vợ chồng.

Trong cuốn sách của mình, một bác sĩ tâm lý thổ lộ: “Tôi thiết nghĩ, trong đời sống vợ chồng, việc giữ đức khiết tịnh còn khó hơn gấp bội so với những người sống đời độc thân.  Tôi không nói đến ngoại tình, nhưng tôi muốn nói đến sự kiêng khem”. Vậy thì tại sao phải kiêng khem trong bậc vợ chồng cũng như phải dè giữ ngũ quan trong đời dâng hiến?  Câu trả lời hẳn phải có một mẫu số chung: tất cả chỉ vì tình yêu.

Người ta sẽ không biết từ chối những điều cấm nếu đã không biết chối từ những điều được phép.  Sẽ không biết yêu thương nếu người ta đã không biết hy sinh cả những gì có thể làm.  Vì không phải điều ta dâng Chúa mới đáng giá, nhưng sẽ đáng giá hơn, cả những điều ta từ chối vì Người.  Tất cả phải phát xuất từ tình yêu, chỉ vì tình yêu.  Tất cả gỗ của muôn cánh rừng sẽ thật vô dụng nếu không có lấy một ngọn lửa, “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy những ước mong cho lửa này bùng cháy lên”.  Lửa ở đây, chính là lửa yêu thương.

Kitô hữu là những người lội ngược… mà dừng lại là thua cuộc, là trôi theo dòng đời.
Đừng ngần ngại tìm sự cô tịch cho tâm hồn ở những lối đi chật hẹp!
Đừng do dự trổ hoa giữa những sa mạc cằn khô!
Cũng đừng băn khoăn khi phải chắt chiu niềm vui nơi những lối đi gập ghềnh.

Ngài có đó, Giêsu có đó… sẵn sàng dẫn dắt, bổ sức và chữa lành bạn; ở đó, niềm vui dâng hiến sẽ là những bông hoa hiếm hoi trổ nụ trên những que cọng tình yêu.  Hãy cầu xin cho bạn đủ sáng, đủ hấp dẫn để các tâm hồn được gần Chúa hơn; cũng hãy cầu xin cho đủ lu mờ để không ai gắn bó với bạn mà xa dần Thiên Chúa. Chúc bạn mạnh mẽ để can trường đi vào những lối nhỏ yêu thương đó!

Lm. Minh Anh (Gp.Huế)

LUẬT MỚI

Có hai vợ chồng thường hay cãi nhau. Một hôm khi hai người đang cãi nhau rất hăng say, thì người chồng đề nghị với vợ: “Thôi, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Bây giờ mỗi người hãy lấy giấy, viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống bắt đầu viết.  Người vợ thấy chồng bắt đầu viết, liền hối hả viết liên tục. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ.  Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tất cả những tật xấu của người chồng, và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.

Đến lúc không còn gì để viết nữa, hai người trao cho nhau tờ giấy kể tội của nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt của người vợ bỗng biến đổi vì xúc động. Bà vội vàng đòi lại tờ giấy của mình đã đưa cho chồng. Vì trong tờ giấy của người chồng, bà chỉ đọc được một câu duy nhất: “Anh yêu em!”.

(Reader’s Digest, số tháng 11 năm 1985)

***

Bạn thân mến! Tình yêu chính là “Luật Mới” mà Đức Giêsu đã nói đến trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn” (Mt.5:17).  Hôm nay  Đức Giêsu nhắc lại ý hướng nguyên thủy của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu.  Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. “Yêu Chúa hết lòng và mến thương tha nhân như chính mình”.

Nếu tình yêu chân thật là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người sẽ không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền tảng cho mối tương quan giữa người với người, thì sẽ không còn cảnh tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.

Luật Mới sẽ tạo nên những con người mới, xã hội mới, và tạo nên “Nước Trời”: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”.

Trong một số ví dụ được Đức Giêsu đưa ra như giết người, gian dâm, bội thề… Luật mới không chỉ dừng lại ở những hành động tội ác, mà đòi hỏi phải đổi mới tận chiều sâu của tâm hồn, tận trái tim yêu thương:

– Trước kia, trong luật cũ, có giết người mới được coi là phạm Luật, mới phải ra toà. Nhưng từ đây, trong Luật Mới, chỉ có thái độ giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã được coi là vi phạm Luật rồi. Thậm chí chưa tích cực giải hòa với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng coi như là phạm Luật, không còn quyền dâng của lễ cho Thiên Chúa nữa.

– Luật cũ xử phạt người có hành động ngoại tình. Từ đây, Luật Mới đòi buộc phải trong sáng từ ánh mắt đến tận tâm hồn. Phải tôn trọng và bảo vệ người bạn đời của mình.

Lời Chúa hôm nay mời gọi ta tránh lối sống giả hình, giữ luật một cách máy móc như các luật sĩ, kinh sư và nhóm Biệt phái Pharisêu. Họ đã bị Chúa Giêsu vạch trần là giả hình, là “mồ mả tô vôi”: Giữ luật rất kỹ, rất chi li chặt chẽ, nhưng là để cho bản thân mình được nổi danh đạo đức trước người khác. Lời Chúa hôm nay khuyên nhủ ta: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt.5:20).

Luật mới là một “Giao Ước Mới”, một “hợp đồng tình thương” với những điều khoản được Chúa “ghi tạc tận đáy lòng, tận trái tim con người” (Gr.31:33). Ngôn sứ Êzêkiel còn diễn tả qua hình ảnh cụ thể hơn nữa: “Ta sẽ ban tặng các con một trái tim mới, Ta sẽ đặt vào lòng các con một tinh thần mới, Ta sẽ lấy trái tim chai đá ra khỏi lòng các con và ban tặng các con một trái tim thịt mềm biết yêu thương. Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các con để làm cho các con theo đúng luật của Ta” (36,23-27).

***

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con,
xin biến đổi con qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người nhìn thấy Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Hc.15:16-21- BĐ2:1Cr.2:6-10 – PÂ: Mt.5:17-37)

XIN GÌ DỊP ĐẦU NĂM

zzTrong những ngày đầu năm, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều có chung một ước muốn, đó là xin Chúa ban ơn cho mình trong năm mới.  Phần Chúa thì chắc hẳn cũng sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Vậy hôm nay chúng ta nên xin gì?

Một người kia cứ xin Chúa ban ơn hoài.  Chúa nghe mãi đến nỗi phải mệt.  Vậy để giải quyết anh này, Chúa nói : “Bây giờ Ta quyết định ban cho con bất kỳ 3 điều nào mà con xin.  Sau đó thì thôi Ta không ban ơn gì nữa cả”.  Anh rất vui sướng và xin ngay: “Xin cho vợ con chết để con cưới một người vợ khác tốt hơn”.  Chúa nhậm lời, vợ anh chết.  Nhưng khi bà con và bạn bè đến lo chôn cất vợ anh, họ nhắc lại những phẩm chất tốt của chị, khi đó anh mới tiếc và biết rằng mình đã quá hấp tấp khi xài lời xin thứ nhất.  Anh đành phải xài thêm lời xin thứ hai: “Xin cho vợ con sống lại”.  Chúa cũng nhậm lời.  Thế là anh chỉ còn có một lời xin thôi.  Đây là cơ hội cuối cùng nên anh suy nghĩ rất kỹ phải xin gì?

–  Một người bạn góp ý hãy xin cho được bất tử.  Nhưng người khác nói bất tử có ích lợi gì nếu không có sức khoẻ tốt.  Vậy hãy xin sức khoẻ.

–  Nhưng một người khác nói sức khoẻ thì làm gì được nếu không có tiền.  Vậy hãy xin tiền.

–  Người thứ ba phản đối: tiền bạc có nhiều cũng vô ích nếu không có bạn.  Hãy xin có thật nhiều bạn. Ý kiến này cũng có người khác phản đối nữa.

Tóm lại, muốn xin cái gì thì thoạt đầu thấy cái đó là tốt nhưng suy nghĩ lại thì thấy nó cũng chưa phải là tốt nhất.  Anh chàng bối rối quá, chạy tới nói với Chúa “Xin Chúa dạy con biết phải làm gì bây giờ?”.  Chỉ vì bối rối quá nên anh mới nói với Chúa vậy thôi chứ anh nào ngờ đây là lời xin thứ ba và cũng là lời xin cuối cùng.  Từ nay anh không còn được quyền xin gì nữa cả.  Anh tiếc quá sức, gãi đầu gãi cổ và tự trách mình.  Nhưng khi đó xảy ra một điều bất ngờ, bất ngờ hơn cả sự bất ngờ của anh khi thốt lên lời xin thứ ba.  Sự bất ngờ này là Chúa mỉm cười hài lòng.  Chúa nói: “Con thật là khôn ngoan khi xin như vậy.  Từ nay Ta sẽ chỉ cho con biết phải làm gì.  Con chỉ việc nghe theo lời Ta chỉ dạy, và đời con sẽ được hạnh phúc, hạnh phúc muôn đời, hạnh phúc mãi mãi.”

***************************************

Câu chuyện trên đủ trả lời cho câu hỏi chúng ta đặt ra hồi nãy:  Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta nên xin gì với Chúa.

–  Xin cho được nhiều tiền chăng?  Nhưng phải chăng có nhiều tiền là hạnh phúc?  Chúng ta đã thấy nhiều gia đình rất giàu nhưng vợ chồng con cái đối xử với nhau rất tệ.

– Xin cho được sống lâu chăng?  Nhưng phải chăng sống lâu là hạnh phúc?  Có nhiều người sống lâu quá đến nỗi con cháu phát chán.

Chúng ta đang rơi vào tình trạng bối rối của anh chàng kia rồi.  Vậy hãy hỏi Chúa xem ta nên xin gì.

Trong Tin Mừng, Chúa bảo: “Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính. Rồi mọi thứ khác Cha trên trời sẽ lo cho chúng con”.  Trong ngữ vựng của Tin Mừng, “tìm sự công chính” có nghĩa là tìm thánh ý Chúa.  Như thế, câu trả lời này giống y câu Chúa đã trả lời cho anh chàng kia: xin cho mình được biết ý Chúa và làm theo ý Chúa, đó là lời xin khôn ngoan nhất, tốt đẹp nhất, quý giá nhất, vì xin điều này là sẽ được tất cả mọi điều khác.

Chắc là có người không tin.  Vậy chúng ta hãy lý luận một chút.  Những ai đã làm cha làm mẹ chắc hiểu rất rõ cha mẹ lo gì cho con cái và mong muốn gì nơi chúng.  Có phải chăng ông bà anh chị em sẵn lòng lo cho con cái mình tất cả những gì cần thiết cho nó như cơm nước, quần áo, tiền bạc, vui chơi, sức khoẻ, học hành, tương lai v.v…  Tóm lại là lo hết mọi thứ, dù cho mình thiều thốn nhưng mình cũng sẵn sàng lo cho con, miễn là nó hạnh phúc thôi.  Và khi lo cho nó tất cả như vậy, ông bà anh chị em mong muốn gì nơi con cái mình?  Phải chăng chỉ mong muốn một điều duy nhất là nó biết nghe theo lời dạy bảo của mình.  Nếu chúng ta có một đứa con thông minh, làm được rất nhiều việc nhưng luôn cãi cha cãi mẹ, thì chắc chúng ta không vui vẻ gì.  Trái lại một đứa con ít thông mình, ít tài nhưng ngoan ngoãn, chịu khó làm theo lời mình dạy bảo thì một mặt nó làm vui lòng mình và mặt khác đời nó cũng thành đạt, bởi vì thực ra tất cả những gì mình chỉ dạy nó đều là để cho nó được tốt mà thôi, nếu nó nghe thì nó tốt.

Thiên Chúa cũng thế.  Khác một điều vì chúng ta là người phàm nên có nhiều điều chúng ta muốn lo cho con cái nhưng lo không nổi, một số điều ta dạy bảo chúng cũng chưa hẳn là hay nhất, tốt nhất. Phần Chúa thì toàn năng quyền phép vô cùng Chúa muốn lo cho chúng ta điều gì là Ngài thừa sức lo được.  Ngài thông minh vô cùng nên Ngài dạy ta điều gì thì chắc chắn đó là đều hay nhất và tốt nhất.

Bởi vậy Chúa có đầy đủ lý do để nói rằng: chúng ta chẳng cần lo gì cả ngoài lo tìm biết và làm theo ý Chúa.  Chúng ta cũng có đầy đủ lý do để tin một cách chắc chắn rằng xin cho được biết ý Chúa và làm theo ý Chúa, đó là điều xin khôn ngoan nhất, được điều này là được tất cả những điều khác.

Tóm lại, điều chúng ta cần xin nhất là xin Chúa cho ta biết Ngài muốn ta làm gì; điều chúng quyết tâm là trong năm nay ta sẽ lo tìm biết để thi hành ý Chúa, còn mọi sự khác chúng ta giao hết cho Chúa xin Ngài lo liệu cho chúng ta.

Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái