CÂY KIẾM GỖ

Chuyện xưa kể rằng, có một vị vua ngày đêm lo lắng về sự an nguy cho vương quốc của mình, về kho báu của mình, và đặc biệt về ngai vàng của mình.  Ông không tìm thấy bình an trong cuộc sống; các vị quan trở nên mối nghi ngờ, và tương lai trở nên nỗi ám ảnh sợ hãi cho ông.

Từ chốn cung điện nhìn xuống đám dân nghèo, ông cảm thấy như thèm muốn được như họ, vì ông thấy họ toát lên nỗi đơn sơ, chất phát và không lo lắng cho tương lai.  Quá tò mò lối sống của dân nghèo, vị vua quyết định hóa trang thành người ăn mày để tìm hiểu nguyên nhân nào đã làm cho những dân nghèo được bình an và không lo lắng.

Ngày kia, vị vua giả dạng người ăn mày gõ cửa một người nghèo để xin ăn.  Người nghèo mời người ăn mày vào và cùng chia sẻ một ổ bánh mì với thái độ hạnh phúc và yêu đời.  Vị vua giả dạng hỏi, “Điều gì đã làm ông hạnh phúc như vậy?”  Người nghèo đáp, “Tôi có một ngày rất tốt. Tôi sửa giày và kiếm đủ tiền để mua ổ bánh cho buổi tối nay.”  Vị vua giả dạng hỏi tiếp, “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai ông không kiếm đủ tiền mua bánh mì?”  “Tôi có niềm tin vào mỗi ngày. Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”  Người nghèo đáp.

Sau khi ra về, vị vua muốn thử niềm tin người thợ giày.  Ông ra lệnh cấm những người sửa giày dép hành nghề.  Khi biết mình bị cấm hành nghề sửa giày dép, người thợ giày nhủ thầm: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.” Ngay lập tức ông thấy một vài phụ nữ đang gánh nước ra chợ bán rau, ông xin được gánh nước thuê cho họ.  Và hôm đó, ông kiếm đủ tiền để mua bánh mì cho buổi tối.  Tối đến, vị vua dưới dạng người ăn mày thăm người nghèo.  Người nghèo vẫn thái độ ung dung, hạnh phúc với ổ bánh mì của mình.  Hôm sau, vua ra lệnh cấm không cho phép hành nghề gánh nước thuê.  Và cứ như thế, người nghèo đã thay đổi nhiều nghề khác nhau, nhưng nơi ông vẫn luôn có sự bình an và tin tưởng vào triết lý sống từng ngày cùa mình.  Còn vị vua vẫn không thể nào hiểu nổi sự bình an và niềm tin của người nghèo kia.  Mỗi lần bị cấm hành nghề, người nghèo vẫn thản nhiên tin rằng, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”

Vì quá tò mò trước triết lý sống của người nghèo này, vị vua ra lệnh và dàn xếp để người nghèo làm lính cho cung điện. T hật đáng thương, người nghèo không được phát lương hằng ngày, nhưng hằng tháng.  Dầu vậy, ông đã bán lưỡi gươm và có đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Tối đến, ông vẫn có bánh mì và vẫn hạnh phúc.  Vị vua giả dạng thăm ông và hỏi, “Hôm nay ông làm nghề gì mà kiếm tiến mua bánh mì?” “Tôi được làm lính cho vua.” Người nghèo đáp.  Ông cũng đơn sơ kể rằng, “Làm lính nhận lương mỗi tháng, nên tôi đã bán lưỡi gươm thật và đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng.  Sau khi có lương, tôi sẽ chuộc lại lưỡi gươm và như thế tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn.  Hiện nay tôi đang dùng lưỡi gươm bằng gỗ.”  Nhà vua giả dạng hỏi tiếp, “Nhưng nếu ông phái rút gươm ra vào ngày mai thì sao?”  Người nghèo vẫn thản nhiên, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”

Quả thật, hôm sau người ta bắt được một tên trộm và bị kết án xử chém.  Vua yêu cầu người nghèo trong trang phục lính thực hiện việc này.  Vì nhà vua biết rằng, với lưỡi kiếm gỗ, người nghèo này sẽ không thể thực hiện được việc này, và như thế để xem thử niềm tin vào triết lý sống từng ngày của ông có thể giúp ông hay không.

Tên tử tội quì mọp xuống chân anh lính và thống thiết van xin được tha mạng vì còn vợ và con nhỏ.  Anh nhà nghèo trong tranh phục lính nhìn đám đông xung quanh và hô lớn tiếng.  “Lạy Đấng Tối Cao, nếu người sắp bị hành quyết này là người có tội, thì xin cho con được phép thi hành lệnh của vua.  Nếu người này vô tội, xin hãy biến lưỡi gươm này thành gươm gỗ.”  Ngay tức khắc, anh rút lưỡi gươm và lưỡi gươm anh cầm trên tay là lưỡi gươm gỗ.  Đám đông đồng thanh la lên: “Đây là phép lạ,” và người bị kết án được tha.  Vị Vua truyền lệnh tha tên ăn trộm đồng thời tiến đến người lính nghèo thú nhận rằng. “Trẫm chính là người ăn mày mỗi tối tại nhà ngươi.  Từ nay trở đi, trẫm muốn ngươi là bạn và là quân sư cho trẫm.”[1]

****************************************

Quí bạn thân mến, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”  Thế đó, cuộc sống chỉ thực sự tồn tại trong hiện tại, chứ không ở trong quá khứ hay trong tương lai.  Cái triết lý của anh nhà nghèo ấy là triết lý thực và có giá trị hơn vàng bạc, địa vị, nhan sắc, và quyền lực.  Dù giàu có và quyền lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu bạn không sống hôm nay, thì bạn không cảm nếm được giá trị của cuộc đời.  Nếu bạn không sống cho giây phút hiện tại, thì cuộc đời của bạn vẫn như là những chuỗi ngày kiếm tìm, rượt bắt cái bóng “an toàn, hạnh phúc” một cách vô vọng.  Thật hữu ý và hợp tình khi danh từ tiếng Anh “present” mang nghĩa “quà tặng” và cũng có nghĩa “hiện tại.” Như vậy, hiện tại là quà tặng.  Ai không sống trong hiện tại là tự mình khước từ quà tặng.  Khước từ quà tặng, tức là khước từ niềm vui, hạnh phúc, bình an, và tự chủ ngay trong từng giây phút này của đời mình.

Chúc bạn sống giây phút này, ngay bây giờ thật tràn đầy, sung mãn.

Br. Huynhquảng

[1] Lược dịch từ Wisdom Tales (Atlanta: August House:1996),73.

 

DÒNG SÔNG NHỎ

Khi Minh Sư trở nên già yếu và bệnh tật, các đệ tử van xin ngài đừng sớm lìa trần.

Minh Sư bảo họ: “Nếu như thầy không rời xa các con, làm sao các con thấy được?”

Các đệ tử hỏi lại: “Chúng con không thấy được cái gì khi thầy còn ở với chúng con?”

Nhưng Minh Sư im lặng, ngài không nói lời nào. Khi ngài sắp lìa trần, một lần nữa các đệ tử hỏi thêm: “Chúng con sẽ thấy được gì khi thầy đã ra đi?”

Với một cái chớp mắt, Minh Sư nói: “Tất cả những gì thầy đã làm là ngồi bên bờ sông và phân phát nước sông. Sau khi thầy ra đi, chắc chắn các con sẽ nhìn thấy giòng sông…”

(Anthony de Mello, trích trong “One Minute Wisdom”)

***

zzBạn thân mến! Tin Mừng Chúa Nhật thứ I mùa Thường niên hôm nay cũng nhắc đến một dòng sông có tên là sông Gio-đan, nơi Chúa Giêsu đã đến sau 30 năm sống âm thầm ẩn dật ở Nazareth. Bên dòng sông này, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa từ tay Gioan Tẩy giả để bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai về Nước Thiên Chúa.

Việc Chúa Giêsu chịu Phép Rửa từ tay Gioan là sự hạ mình sâu thẳm và là một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Cựu ước và Tân ước. Biến cố này không chỉ loan báo trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu mà còn loan báo về sự phục sinh vinh quang của Người.

Nếu đem so sánh với sông Cửu Long mênh mông ghe thuyền qua lại thì dòng sông Gio-đan nơi Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu có thể gọi là con kênh nhỏ. Nếu đặt bên cạnh sông Hồng cuồn cuộn xiết chảy thì dòng sông Gio-đan chỉ là con lạch. Nếu đứng kề bên sông Hương thơ mộng lững lờ trôi thì Gio-đan chỉ là con suối nhỏ. Đứng bên bờ này sông Gio-đan ném hòn đá qua bờ kia, nó có thể đi xa hơn.

Thế mà Đức Giêsu đã chọn dòng sông bé nhỏ này, không phải như Môi-sen hay Giô-sua xưa kia giơ tay cho dòng nước rẽ đôi, nhưng để dìm mình xuống dòng sông nhỏ bé cùng với những tội nhân lãnh nhận phép rửa từ tay Gioan Tẩy Giả.

Thiên Chúa, Đấng cho Cửu Long giang tuôn chảy tưới mát đồng bằng miền Nam; Đấng cho sông Hồng tuôn nước lũ bồi đắp phù sa cho đồng bằng miền Bắc; Đấng cho Hương giang lững lờ lãng mạng gợi hồn thơ đã chọn dìm mình vào dòng nước Gio-đan bé nhỏ.

Trong các dòng sông nổi tiếng khắp thế giới thì dòng sông Gio-đan bé nhỏ ấy là dòng sông quen thuộc nhất đối với Kitô hữu chúng ta. Chính tại đây Đức Giêsu đã đến khai mạc sứ vụ công khai bằng cách đón nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả.

Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” ( Mc.1,5) và chịu “phép rửa sám hối để được ơn tha tội” (Mc.1,4) lại có cả Đức Giêsu. Ngài là Đấng Thánh, là Thiên Chúa, siêu việt tuyệt đối, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối ? Ngài là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy ?

Trong đêm Giáng Sinh chúng ta đã chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người, sinh ra nơi hang đá máng cỏ, làm một người nghèo hèn bé nhỏ, dường như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Hôm nay, Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận cùng xã hội nhân loại khi đến xin Gioan làm phép rửa cho mình như một người dân tầm thường và tội lỗi. Và đã xuống bậc tận cùng khi Chúa hạ mình thẳm sâu chấp nhận chết trên thập giá như một tên trộm cướp chỉ vì yêu thương.

Biết nói gì về Người bây giờ nếu không phải là cúi đầu cảm phục và tôn thờ sự khiêm hạ thẳm sâu của con Thiên Chúa làm người !

Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Gioan là lúc Tân – Cựu ước giao duyên, là lễ bàn giao giữa hai niên đại cũ và mới mà Chúa Giêsu và Gioan là đại biểu. Gioan, ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước gặp gỡ trao đổi bàn giao với Đức Kitô, vị ngôn sứ của thời kỳ mới.

Cuộc gặp gỡ này không phải là một cuộc tranh cãi dành ưu thế, nhưng thật thú vị tuyệt vời khi cả hai đại biểu đều khiêm nhường đón nhận nhau trong sứ vụ. Đức Giêsu từ tốn bước xuống dòng sông Gio-đan và xin Gioan làm phép rửa cho mình. Gioan hân hạnh xin Đức Giêsu rửa cho mình vì ông nhìn thấy đây mới chính là nhân vật ban phép rửa trong Thánh Thần như ông đã loan báo.

Nơi cuộc gặp gỡ lịch sử này, Thiên Chúa đã xuất hiện và chứng nhận. Lúc ấy các tầng trời mở ra, Thánh Thần hiên diện như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu”. Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ hiện vào chính lúc lịch sử của hai niên đại mới và cũ chuyển giao. Từ nay Đức Giêsu sẽ lên đường vào sứ vụ mới với niềm hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp theo thánh ý Chúa Cha.

Cuộc gặp gỡ giữa hai Đấng tại sông Gio-đan đã làm nên lịch sử và đã được Giáo hội chọn làm khởi điểm cho mùa thường niên là mùa phụng vụ cử hành các mầu nhiệm cuộc đời rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu.

Biến cố này không chỉ là cuộc bàn giao cũ mới mà còn là điểm giao duyên giữa trời và đất, giữa Thần khí và Nước, giữa Tân ước và Cựu ước. Từ nay nhân loại được tái sinh trong đời sống mới. Qua Bí tích Rửa tội của Chúa Giêsu, chúng ta nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần, trở nên con cái Thiên Chúa.

Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan là một sự hạ mình sâu thẳm, một sự khiêm nhường cao cả đã làm cho cửa trời mở ra, ân sủng tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và lan truyền. Mỗi người Kitô qua bí tích rửa tội, được thần linh ngự xuống, được nghe tiếng Chúa Cha vang dội: “Này là con yêu dấu của Ta, Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên con”. Và tâm hồn mỗi người trở nên Đền Thờ Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ước mong mỗi tín hữu chúng ta luôn nhớ mình đã được xức dầu, được mặc áo trắng tinh tuyền, được trao nến sáng Phục sinh, được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần để sống xứng đáng mỗi ngày mỗi hơn với ân huệ đã lãnh nhận.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

***

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng với sức lực của con người, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Thánh mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa.

Chỉ vì muốn trở nên bạn đồng hành với thân phận mỏng dòn yếu đuối của con người. Chúa đã đứng chung với các tội nhân để làm gương cho tội nhân lãnh nhận phép rửa sám hối từ Gioan. Xin ban cho con ơn biết sám hối, biết thường xuyên sửa mình, biết thay đổi lối suy nghĩ và mạnh dạn để đi đến những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của đời con. Amen

(BĐ1: Is 42, 1-4. 6-7 – BĐ2: Cv 10, 34-38 – PÂ: Mt 3, 13-17)

 

MÁNG CỎ BỊ BỎ QUÊN

Người vô gia cư sống ở vùng này rất nhiều, một số ngủ ở các trung tâm dành cho họ, và cũng có một số khác chọn sống ở ngoài vì được tự do hơn, nhưng họ ngủ ở đâu thì tôi chưa biết, và tôi muốn đi thăm họ trong đêm Giáng Sinh này. Nhóm chúng tôi gồm bốn người, và một người biết chỗ những người vô gia cư trú ngụ. Ghé qua một cửa tiệm để mua bánh mì và đổi tiền để phát quà cho họ, rồi chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình kỳ thú trong đêm thánh thiêng này.

Chúng tôi đến một khu vực cây cối um tùm cạnh cầu xa lộ. Trời mưa mấy hôm nay nên đường đất lầy lội và trơn trợt. Đang lần bước trong cái bóng tối lờ mờ, thì gặp một người vô gia cư, chúng tôi tặng quà và hỏi thăm, người đó cho biết trong khu này còn nhiều người, và tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. Tôi mừng quá sức, vì như vậy là chúng tôi đã được họ đón nhận đi vào đời sống của họ rồi.

Đi vào với họ mà tôi cứ ngẫm nghĩ hoài, quả là Thiên Thần của Chúa dẫn tôi đi, giống như khi xưa Ngài dẫn các mục đồng đến máng cỏ thăm Chúa Giêsu hài nhi mới sinh vậy. Ban sáng có người hứa dẫn tôi đi, nhưng tối nay anh bận nên tôi cũng chưa biết tính sao. Thế rồi Chúa lại mang đến một người cùng đi trong nhóm, anh biết khu vực họ sinh sống, bây giờ đến đây lại có thêm một Thiên Thần của Chúa, là một người vô gia cư, dẫn đường cho chúng tôi đi tiếp vào sâu bên trong.

Đường đi vào thì dốc, sình lầy, trơn trợt và tối đen, mấy lần nếu không nhanh tay nắm được các nhánh cây hai bên đường thì chắc đã phải “hôn” vùng đất thánh thiêng này nhiều lần rồi. Và rồi chúng tôi cũng đã đến được chỗ chúng tôi mong muốn, nhờ đèn pin nên chúng tôi thấy được một cái lều khuất trong các lùm cây. Người dẫn chúng tôi vào gọi người trong lều ra để nhận quà, và tôi thấy rõ họ tin tưởng đón nhận chúng tôi dễ dàng hơn nhờ có người của họ dẫn vào.

zzChúng tôi tiếp tục đi vào sâu dần và lại gặp những lều khác, và cứ thế chúng tôi tiến sâu vào khu vực tối tăm và hoang dã này để đi tìm những cái lều, để gặp gỡ những anh chị em đang co mình trong các lều chịu đựng cái ướt lạnh căm căm của khí trời tháng Mười Hai. Trời vẫn mưa bay lất phất, vẫn cứ se lạnh, nhưng lòng tôi ấm lại dần vì hân hoan gặp gỡ các anh chị em vô gia cư này như tôi đang gặp chính Chúa Giêsu Hài Đồng – mà là một Thiên Chúa đang bị tê liệt và bị ruồng rẫy.

Máng cỏ ở trong nhà thờ của chúng tôi đẹp lắm, cao lớn, sạch sẽ, nhiều đèn lóng lánh, và được trang hoàng rất là hoành tráng. Nhiều người đến viếng thăm nên lúc nào cũng náo nhiệt, được rảy nước thánh, được xông hương, được mọi người chúc phúc. Còn cái túp lều máng cỏ ở trong rừng, nơi các người vô gia cư trú ngụ, thì xấu xí lắm, nhỏ xíu, dơ bẩn, hôi hám, tối đen, và trang hoàng bởi những giẻ rách nằm ngổn ngang. Túp lều máng cỏ này chẳng mấy ai lui tới, lúc nào cũng âm thầm lặng lẽ, và chẳng bao giờ nghe ai nói đến chuyện “làm phép nhà”.

Có một điều khác biệt lớn là máng cỏ ở nhà thờ có tượng Chúa Giêsu bằng thạch cao, vô tri vô giác nhưng lại bóng láng, lộng lẫy, và được trân trọng; còn máng cỏ ở trong rừng tối tăm có Ngôi Lời nhập thể bằng xương bằng thịt thì dơ bẩn, hôi hám và lạnh co ro!

Tôi đến với các anh chị em vô gia cư, tôi cảm thấy yếu đuối, mỏng giòn, và bất lực trước mặt họ (being vulnerable), vì lúc đó tôi dễ dàng trở nên cái bia để bị họ tấn công, đánh đập, trấn lột và trút lên đầu tôi những tổn thương và uất hận trong lòng họ vì bị xã hội bỏ rơi và khinh dễ. Lúc đó tôi cảm nghiệm một Thiên Chúa đã đi bước đầu trong cuộc hành trình này. Ngài sinh ra trong thân phận con người yếu đuối và bất lực, và bất cứ ai cũng có thể làm cho Ngài bị tổn thương. Và khi tôi đến với các anh chị em trong cái đêm âm u mưa gió lạnh lẻo này, để “bị” và “được” trở nên “yếu đuối và bất lực” như Con Thiên Chúa giáng trần, tôi được chia sẻ thân phận làm người của Thiên Chúa và trở nên hiện thân của Thiên Chúa để san sẻ tình thương. Và tôi phải tiếp tục trở nên “mỏng giòn” để được họ cho phép tôi bước vào cuộc đời của họ, như Ngôi Lời đã trở nên mỏng giòn để đi vào cuộc đời tôi.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đêm hồng ân này, Chúa đã dẫn con đến Máng Cỏ bị bỏ rơi để chiêm ngắm một Emmanuel – Tình Yêu nhập thể – nhưng đang bị con người từ chối và xua đuổi. Con cảm tạ Chúa đã gởi các Thiên Thần của Chúa dẫn con đến gặp Chúa. Xin Chúa tiếp tục mở mắt tâm hồn con, để con nhận ra Chúa đi ngang qua cuộc đời con, để con dang tay ra ôm Chúa vào lòng và sưởi ấm cho Chúa. Xin thánh hóa con để mỗi ngày con trở nên mỏng giòn hơn để kéo con đến với Chúa Giêsu Hài Đồng trong máng cỏ, không phải chỉ nơi hang đá Belem huy hoàng, nhưng nơi những máng cỏ hoang tàn và quên lãng, nơi Chúa đang cần sự hiện diện và vòng tay của mỗi người chúng con. Amen!

Giuse Ngô Văn Chữ, S.J
December 28, 2010