THỜI GIAN

Mùa hè năm 1932 tại Los Angeles (Mỹ) có cuộc tranh giải thế vận hội về môn lội sải 400 mét. Người có nhiều hy vọng nhất để ghi tên vào bảng vàng là nhà vô địch Pháp J. Taris, vì lúc bấy giờ J. Taris đang giữ chức vô địch thế giới về hạng này.  Nhưng rút cuộc khi về mức, một lực sĩ Mỹ, Buster Chabbe đã với tay trên mép hồ trước J. Taris vỏn vẹn một gang tay.  Báo chí và những nhà hâm mộ “con gà nòi Pháp” thất vọng kêu ầm lên: đó là mối hận lớn nhất trong đời thể thao của nhà vô địch không may.

Trên dưới 1/10 sao, anh là một nhà vô địch, tên anh được khắc vào bảng vàng, đời sau còn nhắc nhở, hoặc anh chỉ là kẻ bại trận, chỉ đáng rước những lời an ủi, tên tuổi anh sẽ chìm dần trong quên lãng.  Thể thao có những luật lệ khắt khe, nhưng không phải là không công bằng.

(Phạm cao Tùng,  Tôi có thể nói thẳng với anh, 1967, tr 5)

***************************************

Nếu bạn đang tuổi thiếu niên, bạn hãy dùng hết thời giờ để học và để làm việc, vì bạn phải sửa soạn cho đời sống tương lai.  Tứ tuần, ngũ tuần mới học ngoại ngữ thì chỉ dùng được 20, 30 năm.  Nếu học ngay từ 18, đôi mươi bạn dùng được gấp đôi thời gian trên.  Hơn nữa, còn trẻ dễ học hơn khi trưởng thành, dễ sản xuất hơn là thu nhận.  Bởi thế, không chỉ là làm việc suốt ngày đêm mà quên ăn quên ngủ.  Không, bạn phải nghỉ ngơi cho đúng độ, nhưng đừng bao giờ vừa làm việc vừa chơi, như thế là “bạn bắt cá hai tay”, kết cuộc không được con nào!

Thời giờ thấm thoát thoi đưa,
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.

Bạn đã thấy thời giờ đi mau chừng nào chưa, hay bạn còn đang ngồi mơ mộng, đang thêu dệt ảo tưởng cho tương lai?  Bạn đang làm thơ tả ánh trăng thu, hoa đào nở, hay bạn đang làm việc mà bạn cho là hữu ích cho đời bạn?  Bạn hãy xắn tay áo lên làm việc, kẻo cái già xồng xộc nó thì tới nơi!

Có lẽ bạn thắc mắc, tại sao không được bỏ phí thời giờ bằng cách chơi không hay giải trí vô ích? Cứ “chơi cho thỏa chí tang bồng đã sao”?

Bạn lầm rồi!  Thời giờ và đời sống dương thế không phải là của bạn!  Thiên Chúa đã cho bạn mượn tất cả, và bạn phải trả lại Ngài một ngày kia đúng như khi bạn nhận.  Ngày nào Chúa đòi, bạn không biết trước được.  Nhưng chắc chắn bạn có thể chết bất cứ lúc nào.  Nếu bạn nghĩ rằng mình còn lâu mới chết, mình còn đang “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” mà!  Giả như ý nghĩ đó đúng, thì bạn cũng phải ý thức rằng: mỗi giờ là một bước đi gần đến sự chết…  Nhưng bạn có thấy bao nhiêu người chết lúc 12, 15 hay 18 xuân xanh không?

Bây giờ giả sử có một bác sĩ quả quyết là chỉ 7 ngày nữa bạn sẽ chết, bạn sẽ làm gì?  Chắc là bạn sửa soạn kỹ càng lắm: nào là lo xin lỗi người này kẻ khác, nào là thanh toán nợ nần, hay lo xưng tội để rửa sạch linh hồn… Làm gì thì làm, chắc bạn phải dùng tuần lễ ấy hơn những tuần lễ trước nhiều lắm!

Bạn có biết một phần tư trẻ con chết dưới 7 tuổi, một nửa không sống tới 17 tuổi, 100 người mới có một hay hai người thọ tới 60, và 500 người mới có vài người thọ bát tuần.  Và bạn hãy tưởng tượng mỗi phút có ít nhất hàng trăm người chết?

Bạn có vặn ngược kim đồng hồ lại, giờ chết vẫn đẩy nó đi… Thời gian trôi nhanh lắm.  Bạn hãy dùng nó hết sức của bạn.  Nếu bạn đã bỏ phí thời gian qua để làm những việc vô ích, để hưởng lạc thú, để vùi đầu vào chốn chơi bời, trác táng, thì năm mới bạn hãy ngẩng đầu lên nhìn vào Thượng Đế, Đấng khoan nhân vô cùng.  Như Charles de Foucauld, như Madeleine… bạn sẽ được hạnh phúc vô cùng của Thiên Chúa phú ban.  Vì thế muốn sống khôn ngoan, bạn sẽ biết rằng, lúc nào bạn cũng gần cái chết.  Nghĩ đến cái chết, không phải để bi quan, yếm thế, nhưng để vui tươi hơn, yêu đời hơn, lăn xả vào đời để làm việc hữu ích.

Bạn ạ, chỉ có phút hiện tại mới thuộc về bạn.  Bạn phải cố gắng dùng cái phút ấy cho nên.  Chắc đã nhiều lần bạn vào thăm một nghĩa địa.  Trên mỗi tấm mộ, người ta thường ghi người này thọ 80 tuổi, người kia 20 tuổi…  Chắc bạn cho cô nàng 20 ấy sống ít quá!  Sao mới nửa chừng xuân mà đã vội vàng ra đi?  Ít quá thật không?  Không, nếu cô ta đã sống trọn 20 năm cố gắng, sống theo ý muốn của Thiên Chúa: không bỏ phí một giây phút nào vô ích.  Thiên Chúa không tính năm, tính tháng, nhưng Ngài cân những năm bạn đã sống.

Lẽ tất nhiên ai chả muốn sống lâu.  Ngày xuân, người ta hay chúc nhau “trăm tuổi bạc đầu râu”, muôn ngàn phúc, lộc thọ…  Nhưng bạn chớ quên rằng: đời sống thế gian lâu dài mấy rồi cũng có cùng.  Bạn phải tìm một đời sống vô cùng và đời đời hạnh phúc, bằng cách sống tốt lành, đạo đức ở trần gian.  Lắm khi bạn nghĩ: hoạt động để làm gì?  Làm việc đạo đức, ích lợi chi, nếu một ngày kia sẽ phải chôn vùi dưới 3 thước đất!  Nhưng, bạn ơi, đàng sau cái chết, một đời sống đời đời đang chờ đợi bạn.

Nói về thời gian thì không bao giờ hết.  Nhưng chắc chắn một điều là thời gian đi nhanh lắm. Chiếc đồng hồ tinh vi nhất cũng chỉ chứng minh có một điều là: thời gian bay như tên.  Vậy bạn phải làm gì?  Bạn hãy nắm lấy hiện tại, hãy lợi dụng từng phút của đời bạn để làm những việc hữu ích.  Làm một việc gì không cần lắm, còn hơn nói rằng một nửa giờ không cần.  Bạn có thể bắt chước nhà văn sĩ nọ đã lợi dụng thời gian 15 phút dọn cơm muộn của vợ, để viết một tác phẩm thời danh “Time is money” (Thời giờ là vàng).  Tóm lại, bạn phải luôn nghĩ rằng, đời sống của bạn có cùng, sẽ có ngày bạn phải trả lại tất cả thời gian mà Thiên Chúa ban cho bạn.

Thiên Chúa sẽ ban cho bạn hạnh phúc vĩnh cửu nếu bạn biết dùng ngày giờ ở dương thế theo thánh ý của Ngài.  Bạn đã sửa soạn chưa?  Vì Thiên Chúa đến bất ngờ như chớp phương đông lòe sang phương tây!  Chúc bạn một đời sống mới, nhất là biết dùng thì giờ vàng ngọc Thiên Chúa đã ban cho bạn. zz

Năm hết Tết đến, mai vàng nở rộ khắp nơi, tô điểm cho ngày xuân thêm tươi đẹp, người ta chúc nhau được gặp nhiều may mắn:

Mai vàng nở khắp quê nhà, 
An khang, thịnh vượng món quà chúc Xuân.

Còn tôi sẽ chúc bạn hai chữ “Phúc đức”, một câu đối bằng chữ Nho, nghe cũng hay hay.  Hy vọng trong năm mới này bạn được hạnh phúc tràn đầy, nhất là được tăng trưởng trên đường nhân đức:

       Phúc mãn đường, niên tăng phú quí,
       Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa.
       Phúc đầy nhà, năm thêm giầu có
       Đức ngập tràn, ngày một vinh hoa.

 Viết theo GM Tihamer Toth TV và Lm Giuse Đinh lập Liễm

TỰ DO 

Tôi cầu mong cho tôi được bình yên.  Cuộc sống có nhiều khi vất vả, nên tôi muốn gạn lọc những giây phút muộn phiền để được thảnh thơi.  Tôi muốn quên những đau buồn của ngày tháng cũ.  Tôi không muốn nhớ những chua xót của một lầm lỡ, những tiếc nuối của một vụng về.  Nhưng, vết thương lòng, khi tôi muốn quên lại là khi tôi càng nhớ thêm.  Tôi muốn quá khứ rơi vào vùng biệt tích hư vô, nhưng quá khứ vẫn buông cánh đậu xuống đời tôi những đám mưa buồn.

Tôi cầu mong cho tôi được bình yên.  Nhưng cuộc sống hôm nay xô đẩy tôi vào nỗi lo âu của ngày mai.  Những công danh chưa toại nguyện.  Những mộng đời đang dệt dở dang.  Những tình yêu có khi đang nhen nhúm hé nụ, có khi đang mong manh.  Hồi hộp và băn khoăn, đợi chờ và bấp bênh là những đám mây đen phủ đi vùng trời thảnh thơi.  Tương lai là một vòng kẽm gai vô hình làm héo úa nỗi vui của tôi.

Tôi sống trong hiện tại mà bị giăng mắc bởi lo âu về tương lai.  Bị ràng buộc vì ám ảnh của quá khứ.  Như thế, tôi có tự do của thân xác cũng chưa hẳn đã có tự do của tâm hồn.

******************************************

Trở về với tôn giáo.  Tôi nghe tiếng vọng từ nghìn năm trước và vẫn là lời kinh cầu hôm nay.  “Trời cao ơi, hãy đổ sương xuống.  Ngàn mây hỡi, hãy mưa vị cứu tinh”.  Nói đến vị cứu tinh là nói đến nô lệ.  Ðề cập đến giải thoát là hàm chứa tù đày.  Như vậy, mục đích đạo của tôi là đi tìm tự do?

Tự do của thân xác không đồng nghĩa với tự do của tâm hồn.  Xét như vậy thì tự do cao cả quá.  Tự do là yếu tố xác định tình yêu.  Tự do là giấc mơ hạnh phúc.  Tự do đi vào mức độ sâu xa căn bản của đạo.  Tôi biết, những gì càng cao cả thì càng khó khi nói tới.  Tự do liên hệ đến tình yêu, tự do là chiều sâu thẳm của tôn giáo.  Tôn giáo và tình yêu là những vấn đề mênh mông.  Mà những gì càng mênh mông thì khi nói đến lại càng hay có nhiều thiếu sót.

Bởi vậy, những gì tôi viết ở đây chỉ là những suy tư của một người đang đi tìm con đường giải thoát.  Có thể là tìm thấy rồi nhưng chưa đủ nghị lực lên đường.  Có thể là lên đường nhưng chưa trọn vẹn tìm được tự do.  Vì thế, những gì tôi viết ở đây, suy tư cũng là ưu tư.

Tự do có phải là thoát mọi ràng buộc, có phải là không để cho một năng lực nào ảnh hưởng trên những quyết định chọn lựa của tôi?  Nếu hiểu như thế thì tôi không bao giờ có thứ tự do này.  Là một hữu thể giới hạn được đặt vào trong một thế giới chằng chịt những liên hệ với những hữu thể khác. Liên hệ giữa tôi với người chung quanh.  Giữa tôi với vũ trụ.  Giữa tôi với chính tôi.  Tôi không hiện hữu độc lập nên tôi không bao giờ có tự do tuyệt đối độc lập.  Sự sống của tôi đến từ một sự sống khác.  Vì thế, có cùng liên hệ tới sự sống khác.  Nếu chỉ vì một lầm lỡ của tha nhân gây bất bình cho tôi mà tôi chối từ tất cả, gọi là “để sống tự do một mình”.  Thì tôi chỉ nghèo nàn hóa đời tôi chứ tôi cũng chẳng thể thoát khỏi được những ràng buộc vô hình.  Tôi muốn có sức khỏe nhưng làm sao tôi tránh được cảm lạnh của mùa đông, chiều sương ảm đạm của mùa thu?  Tôi không thể tránh được mọi ảnh hưởng của vũ trụ, để gọi là “sống tự do một mình”.  Tôi bị chi phối và luôn luôn bị chi phối.  Rồi còn chính tôi.  Ðã bao lần không đồng ý với mình, mà nào tôi có thoát được chính mình.  Như vậy, chối từ mọi ràng buộc để đi tìm tự do tuyệt đối là trở thành hư vô.

Chỉ Thiên Chúa, Ngài là hữu thể vô giới hạn, Ngài không sống trong tự do nhưng Ngài là tự do. Ngài không bị ràng buộc, nên Ngài mới có tự do tuyệt đối này.

Tôi là hữu thể bất toàn nên tôi chỉ có tự do tương đối.  Thứ tự do trong đó có những ràng buộc liên hệ.  Thứ tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm mà chỉ có nghĩa làm những gì xây dựng thêm giá trị cho sự hiện hữu của tôi và những hiện hữu chung quanh tôi.

******************************************

Nói đến tự do, người ta thường nghĩ ngay đến khả năng chọn lựa.  Chọn thì có thể chọn đúng, có thể chọn sai.  Sai, lại có nhiều thứ sai khác nhau.  Có thứ sai ít, có thứ sai nhiều.  Có thứ sai người ta có thể làm lại được.  Có thứ sai một lần là mãi mãi mang niềm tủi hận.  Ði lộn một khúc đường thì mất giờ đi lại.  Nhưng đi lộn lý tưởng cuộc sống là mất cả cuộc đời.  Mua lầm cái áo thì tôi có thể mua cái khác.  Cưới lầm một tình yêu thì vấn đề lại khác rồi.  Nhưng cái sai lầm lớn nhất là chối từ Chúa.  Nếu trước giờ chết mà tôi vẫn xa Ngài thì tôi sẽ vĩnh viễn đi về cô đơn mà chẳng bao giờ có thể làm lại được.  Ðấy là thảm cảnh của tự do trong vấn đề chọn lựa.

Sống là đi tìm hạnh phúc.  Chọn lựa sai lầm là làm hao mòn hạnh phúc đó.  Vì thế, khi biết giữa cái sai và cái đúng thì người ta không còn tự do để chọn cái sai mà phải chọn cái đúng.  “Ngài chính là Thần Khí, nơi đâu có Thần Khí của Chúa thì có tự do” (2Cor 3,17).  Bởi đó, tự do chân chính là định hướng cuộc sống đi tìm sự thật, tìm Chúa.

******************************************

Tội và đam mê đối nghịch với Thần Khí của Chúa nên nơi nào có tội thì không có tự do.  “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rom 6,23).  Con đường của đam mê dẫn tới băn khoăn và lo âu.  Tôi nhớ tới Yuđa.  Có lẽ Yuđa là con người cô đơn nhất.  Yuđa không bị bắt như Phêrô.  Yuđa có tự do, nhưng tâm hồn Yuđa là một cõi vắng mênh mông, là lo âu chập chùng.  “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rom 6,23).  Câu chuyện người thanh niên giàu có cũng nói rõ giá trị chọn lựa của tự do.

– Thưa Thầy, tôi phải làm gì để nên trọn lành?

– Hãy cho hết những gì ngươi đang có, rồi đến theo Ta.

Nghe xong, người thanh niên buồn bã, lặng lẽ bỏ đi (Mt 18,21-22).

Anh có một giấc mơ nhưng anh chẳng bao giờ đạt được.  Anh có một chân trời để đi tới, nhưng anh không bao giờ lên đường nổi.  Có lựa chọn là có từ bỏ.  Từ bỏ nào cũng có chiến đấu.  Vì thế, tự do không phải là sự giải thoát tự nhiên mà có.  Bình an của tự do là một cuộc chiến đớn đau.  “Xác thịt có đam mê chống lại thần khí.  Thần khí chống lại xác thịt.  Khiến anh em không thể hễ muốn gì là làm được” (Gal 5,17).

Ðam mê và tội lỗi là một thứ mật ngọt ngào.  Ðam mê đẹp như lời mời êm ái.  Trong đời có nhiều vất vả, có lắm lúc thiếu vắng hạnh phúc, nên tôi bước xuống, gặm những đám cỏ xanh mà không nhìn thấy đám cỏ mọc trên vũng bùn.  Khi đam mê đã trở thành căn nhà rồi thì ngại ngùng từ bỏ nó.  Bởi, nếu tôi nêu lên vấn đề là chạm tới cả một cuộc chiến.  Cuộc chiến của lựa chọn.  Nhiều khi biết mình phải chọn gì.  Tìm con đường mình phải đi không phải là điều khó.  Nhưng có lên đường về chân trời mơ ước của lý tưởng không, đấy mới là thảm cảnh bi đát và hùng tráng của một tâm hồn.  Mới là lằn mức xác định giá trị.  Mới là hoa trái của tự do hay là bất hạnh của tự do.  Ðức Kitô đã chỉ cho người thanh niên con đường của tự do là theo Ngài.  Nhưng người thanh niên buồn bã, lặng lẽ bỏ đi.

“Tội ngự trong thân xác chết dở của tôi khiến tôi phải theo nó” (Rom 6,2).  Như vậy, làm sao tôi có thể cất bước lên đường.  Trong cái đêm tối của yếu đuối, giữa niềm thao thức đi về một nẻo sớm mai có nắng reo vui, có an hòa của cõi lòng.  Trong cái chán nản của linh hồn giữ bóng tối.  Phaolô đã tự hỏi như một lời kinh thầm lặng tự thú nỗi đau thương bất lực của mình: “Vô phúc thay con người tôi, ai sẽ giải cứu tôi khỏi cái xác chết này?”

Tôi không đi tìm tự do chỉ vì tự do.  Trong tự do tôi kiếm tìm bình an.  Bình an của tự do là được đi về vùng trời mơ ước, không bị đam mê bắt quay về mảnh vườn mà tôi không muốn.  “Tội ngự trong thân xác chết dở của tôi khiến tôi phải nghe nó”.  Vậy, “ai sẽ giải cứu tôi khỏi cái chết này?”  Qua Phúc Âm thánh Yoan, Chúa đã trả lời cho Phaolô, và cũng cho ta: “Nếu ta cho ngươi tự do thì các ngươi mới đích thực tự do” (Yn 8,36).  Như vậy, hạnh phúc của tôi là sống trong tự do mà Chúa ban.

******************************************

Tự do của Chúa là gì?

Thực sự Chúa không có tự do, nhưng Ngài là tự do.  Vì Ngài là tự do nên tôi không thể có tự do mà lại không có Ngài.  Chúa không có tình yêu nhưng Ngài là tình yêu.  Khi nói có là nói ai có và có cái gì.  Nói đến liên hệ giữa hữu chủ và vật sở hữu.  Thiên Chúa là tất cả, không có gì hiện hữu độc lập ngoài ơn sủng của Ngài.  Thiên Chúa không Có, nhưng Thiên Chúa Là.  Vì chính Ngài là hạnh phúc nên tôi không thể có hạnh phúc mà lại không thuộc về Ngài.

Nếu Chúa chỉ cho tôi một món quà thì tình yêu ấy chưa phải là tình yêu tuyệt hảo.  Cho một món quà chưa phải là cho tất cả.  Ngài là tình yêu, nên khi cho tôi tình yêu thì Ngài cho tôi chính Ngài.  Nếu Ngài cho tôi một món quà thì tôi cũng có thể đáp lại bằng một món quà khác.  Nhưng Ngài cho tôi chính Ngài thì tôi không thể lấy gì đại diện để cám ơn Ngài.  Tình yêu sâu thẳm hay hờ hững hệ tại cho đi nhiều hay ít.  Những gì đại diện thì không thể nói được là tất cả.  Chính vì thế, tôi không thể nói: Lạy Chúa, con xin dâng hiến tất cả, trừ điều này.  Con xin hiến dâng tất cả, ngoại trừ điều kia.

“Thành quả thu lượm được nơi Ngài là tự do, có sức thánh hóa” (Rom 6,22).  Những gì tôi giữ lại cho riêng tôi, chẳng làm tôi nên giàu có mà chỉ cản tôi về với tự do có sức thánh hóa đó.

Tôi biết thế, nhưng đường về tự do không dễ.  Lời vẫy gọi của đam mê thì gợi cảm, ngay bên tôi, ở trong tôi.  Tiếng gọi của niềm tin thì vô hình.  Vất vả để lắng nghe, nhưng còn gian nan hơn nếu chấp nhận theo tiếng gọi, vì niềm tin không bao giờ nhượng bộ.  Ðã hơn một lần trong đời, tôi hỏi Ngài:

– Thưa Thầy, con phải làm gì để được tự do?

Ngài cũng chỉ đáp:

– Hãy bỏ tất cả những gì thuộc về ngươi rồi theo Ta.

Tôi thấy bâng khuâng và thao thức vì bóng hình người thanh niên thuở xưa.  Chàng thông minh. Chàng đã nhìn thấy một vùng trời biển rộng.  Chàng mơ ước đi về vùng biển rộng có gió ngàn tự do đó.  Nhưng chàng đã chẳng bao giờ tới nơi.

Lm Nguyễn Tầm Thường – Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

 

MỐI PHÚC THẬT

zzKhi nghe bài “Phúc Thật Tám Mối” trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, nhiều người ngạc nhiên sửng sốt. Những hạnh phúc Chúa hứa ban sao quá khác với những quan niệm về hạnh phúc mà ta thường có. Người ta ai cũng mong có nhiều của cải, làm ăn phát tài. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho người nghèo”. Người ta ai cũng mong được khôn ngoan, được có uy quyền, được người khác nể phục. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho người hiền lành”. Người ta ai cũng mong được an bình, sống thoải mái, vô lo. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho các con khi các con bị bắt bớ”.

Chúng ta ngạc nhiên, không hiểu Lời Chúa, vì chúng ta có quan niệm sai lầm về hạnh phúc và về đạo.

1) Về hạnh phúc: Chúng ta thường tưởng lầm rằng cứ có tiền bạc, có địa vị, có tình yêu là có hạnh phúc. Nhưng không phải như vậy. Không thiếu những người giàu tiền bạc, có địa vị cao, nhưng luôn bất hạnh.

Marilyn Monroe, nữ minh tinh thần thoại của thế giới phim ảnh là người có sắc đẹp mê hồn, được mọi người tôn thờ, và chắc chắn không thiếu tiền bạc. Thế mà nàng phải sống cuộc đời cô đơn buồn thảm. Sau cùng phải tự kết liễu đời mình trong buồn tủi, lo âu. Giờ nhắm mắt không có một người yêu bên cạnh.

Ngày nay tại nước ta xuất hiện nhiều “Tây ba lô”, những người nước ngoài ăn mặc thô sơ, vai đeo ba lô, đi gặp gì cũng ăn, ngủ bờ ngủ bụi. Tại sao họ không chọn ăn mặc chải chuốt, ngủ nghỉ trên chăn êm nệm ấm trong những khách sạn sang trọng? Thưa vì họ thích đơn sơ, thích khổ cực, thích phấn đấu, thích sống với thiên nhiên. Đó là hạnh phúc của họ.

Tiền bạc, tiện nghi, danh vọng, địa vị, tình yêu chắc chắn làm cho đời sống dễ chịu hơn. Nhưng vẫn chưa phải là hạnh phúc đích thực.

2) Về đạo: Chúng ta lầm tưởng rằng điều cốt yếu của đạo là giáo lý. Thưa không phải như thế. Đi đạo không phải là đi theo một giáo lý. Đi đạo là đi theo một người. Điều cốt yếu của đạo là gặp được Chúa. Giáo lý chỉ là phương tiện giúp ta gặp được Chúa. Chúa mới là đích điểm của đời ta. Chúa chính là hạnh phúc đích thực. Gặp được Chúa rồi, linh hồn ta sẽ toại nguyện, không còn mơ ước điều gì khác.

Thánh Augustinô khi còn tuổi trẻ đã chạy theo dục vọng, đi tìm lạc thú trong những buổi ăn chơi trác táng, những cuộc tình đắm mê. Ngài đã bỏ đạo, đi theo bè rối, nhưng chẳng thấy mãn nguyện. Một hôm nghe thánh Ambrôsiô giảng, Ngài đã được ơn thống hối ăn năn.  Ngài trở về với Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Chúa rồi, ngài đã thốt lên một lời bất hủ: “Lạy Chúa, Chúa tạo dựng con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

Hiểu như thế rồi ta sẽ thấy Tám Mối Phúc Thật không có gì bí ẩn. Đó chính là tám nét vẽ nên chân dung Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa vô cùng giàu sang đã tự nguyện sống cuộc sống của một người nghèo. Sinh ra không nhà. Sống không nhà. Chết cũng không nhà.

Chúa Giêsu đầy quyền năng. Người đã chế ngự được sóng gió, xua đuổi ma quỷ, lại sống rất hiền lành khiêm nhường. Bị kết án oan ức, bị hành hạ, bị sỉ nhục, bị giết chết, Người vẫn im lặng chấp nhận.

Chúa Giêsu có một trái tim xót thương, sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi, sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn, cứu chữa người tật nguyền.

Chúa Giêsu đem đến cho ta niềm bình an, hoà giải ta với Thiên Chúa và với nhau.

Chúa Giêsu đã bị bắt bớ, giết chết vì rao giảng Tin Mừng.

***

Tám mối phúc chính là con đường Chúa đã đi qua. Là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu. Đi vào con đường ấy, ta chắc chắn gặp được Người. Sống theo con đường ấy, ta trở nên giống như Người. Hòa tan mình vào con đường ấy, ta sẽ trở nên một với Người. Khi ta từ bỏ hoàn toàn ý riêng, để Người hoàn toàn chiếm đoạt, ta sẽ đạt tới hạnh phúc, hạnh phúc đích thực, hạnh phúc viên mãn, hạnh phúc vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, xin hướng dẫn con theo đường lối của Chúa. Amen.

TGM. Ngô Quang Kiệt

(BĐ1:Xp.2:3&3:12-13 – BĐ2:1Cr.1:26-31 –  PÂ: Mt.5:1-12 )

MẸ TÔI: HAI HÌNH BÓNG MỘT LINH HỒN 

Chiều hôm nay (thứ Bảy), theo như thông lệ của nhà thờ Ba Chuông Saigon, thì sau giờ Thánh Lễ mọi người cùng với Linh mục ra viếng và cầu nguyện nơi Đài Đức Mẹ.  Tôi cũng đã được nhiều dịp để tham gia, nhưng lần này thì tôi bỗng nhiên muốn chiêm ngắm Đức Mẹ thật lâu, và sau đó thì tôi chợt nghĩ về những điều kỳ diệu mà Đức Mẹ (thần tượng của tôi) đã làm cho mọi người, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào.

Nếu quý vị là người không phải thuộc đạo Công giáo thì tôi mong là quý vị dành một lúc nào đó để chiêm ngắm Đức Mẹ Maria một lần với tâm tình của một người con thì quý vị sẽ thấy Đức Maria có nhiều điểm rất giống với Phật Quan Âm của Phật Giáo.

Theo tôi được biết, thì Đức Mẹ là một công trình tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã tạo ra, để liên kết nhân loại với nhau, và Thiên Chúa dùng Đức Mẹ để khuyên dạy và làm gương tốt lành cho mọi người trong thế gian biết cách sống làm sao cho đẹp lòng Đức Chúa Trời.  Ở Đức Mẹ ta sẽ tìm thấy một tấm lòng bao dung, luôn chờ lắng nghe và nhận lời giúp chúng ta khi chúng ta kêu cầu Chúa, và Đức Mẹ chính là “ Máng Thông Ơn” của Thiên Chúa ban cho nhân loại.

Giờ đây, khi tôi đã được Đức Mẹ là Mẹ tuyệt vời nhất trong cuộc đời của tôi thì tôi càng cảm phục và yêu mến Mẹ nhiều hơn. Tôi xin kể ra đây một vài điển hình về tấm lòng nhân từ và bao dung của Đức Maria:

Cách đây hơn 10 năm, tôi có nghe một chuyện rất kỳ diệu mà giờ đây cô bé đó đã quay về với Chúa một cách rất chân thành.

Cô bé đó năm nay đã hơn 20 tuổi, nhà cô ở quận 5.  Gia đình cô là một gia đình Phật tử, bà nội cô là người rất thường xuyên đi hành hương ở các chùa trên khắp cả nước.  Ba mẹ cô đương nhiên cũng là một Phật tử trung thành.  Nhưng tôi không hiểu vì lý do gì mà ba mẹ cô bé đó lại thường xuyên đến viếng và cầu nguyện với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Saigon để xin Mẹ ban ơn cho sinh được một bé gái.  Chỉ một thời gian ngắn sau thì họ được Mẹ Maira giúp cho mang thai và họ đã sinh ra một bé gái rất xinh xắn.  Tôi không biết họ có hứa hẹn gì hay đền đáp công ơn của Mẹ ra sao, nhưng trong thời gian cô bé còn nhỏ, không nghe bé nhắc đến nhà thờ hay Chúa Mẹ gì hết. Bẳng đi một thời gian tôi không gặp cô bé thì một hôm tôi được biết là khi đến tuổi hiểu biết thì cô yêu mến Đức Mẹ nhiều lắm, và cuối cùng là cô tự nguyện gia nhập đạo Công Giáo.

Đức Mẹ còn làm nhiều phép lạ hơn nữa mà tôi đã có lần được nghe khi trò chuyện với bạn tôi là chị Mai.  Chị kể chị có một người bạn trai đã được Đức Mẹ cứu mạng không biết bao nhiêu lần cách đây hơn 20 năm.  Năm đó anh bạn của chị bị buộc phải tham gia phong trào Thanh Niên Xung Phong, anh phải hành quân mãi tận Camphuchia.  Nếu ai còn nhớ thì những năm xảy ra phong trào đó có rất nhiều thanh niên VN bị chết ở chiến trường Campuchia (khoảng từ năm 1979-1982).  Anh và bạn bè anh cũng không ngoại lệ, tuy nhiên cũng may mắn cho anh là khi tham gia thì anh đeo trong người Chuỗi Mân Côi, vì anh tin là Mẹ Maria sẽ giữ gìn anh.  Anh đã không thất vọng về tình thương của Mẹ dành cho anh.  Bao nhiêu đạn pháo đã không thể đến được với anh, bao nhiêu bạn bè cùng hành quân với anh đều tử trận, chỉ còn mỗi mình anh được trở về gia đình bình an với thân xác lành lặn.  Sau này khi có dịp thuận tiện tôi sẽ mời anh trực tiếp làm chứng cho tình yêu của Đức Mẹ và quyền năng Thiên Chúa ban cho mọi người.

Đức Mẹ Maria không phải chỉ là Mẹ của những người Công Giáo mà là Mẹ chung của tất cả những ai cần và kêu cầu đến Mẹ.  Vì thế, tôi rất mong những ai chối bỏ Mẹ, không nhìn nhận Mẹ bằng cách này hay cách khác, thì giờ đây nên xét lại một cách thật khách quan.  Đừng vì một truyền thống sai lệch của những người đi trước mà tự mình từ chối đón nhận bao nhiêu ân huệ mà Chúa đã dành đặc ân cho Mẹ để ban cho chúng ta.

Và nhân đây tôi cũng xin nói một chút về Phật Quan Âm vì tôi vốn cũng là người mến Phật Quan Âm từ nhỏ và qua Phật Quan Âm mà được đón nhận Mẹ Maria là Mẹ.  Tôi đã rất thường xuyên dành một phần tiền quà sáng của mình mua hoa dâng cúng Phật.  Bên Phật giáo, mỗi khi con người gặp đau khổ và mất mát, họ cũng vội vàng chạy đến Phật Quan Âm.  Tôi cũng không ngoại lệ vì tôi là con của một người Phật tử.

Tôi không biết quý vị có nhìn ra là giữa Đức Mẹ và Phật Quan Âm có nhiều điểm rất giống nhau về dung mạo bên ngoài hay không?  Riêng tôi, thì tôi thấy hai vị đó đều có những nét bao dung và hiền từ. Phật Quan Âm theo tuyền thuyết là một tạo vật thanh khiết vì Phật Quan Âm được tạo thành bởi hoa sen.  Phật Quan Âm cũng luôn đón nhận những hoàn cảnh đau khổ của con người.  Vì lẽ này nên tôi thấy không hợp lý khi nghe những người Phật tử gọi Phật Quan Âm là Mẹ. Vì Phật Quan Âm đâu có sinh con và sống đời sống của một gia đình thuần chất.

Tôi là một nhân chứng rất rõ nét, vì tôi tuy từ nhỏ đã mến yêu Phật Quan Âm, thường xuyên dâng hoa cúng Phật (vì lúc đó nhà tôi ở gần chùa Bồ Đề – Quận 4) và cầu nguyện, nhưng tôi thiệt tình không cảm nhận được gì.  Tôi tuy vẫn yêu mến Phật Quan Âm nhưng tôi vẫn không thể nào xem Phật Quan Âm như một Người Mẹ thân thương gần gũi của mình vì trong đầu tôi cứ luôn nghĩ Phật Quan Âm là một vị Công chúa cao sang.  Mà đã là những người thuộc tầng lớp trên cùng thì làm sao hiểu được nỗi thống khổ của con người.  Tôi cầu nguyện chỉ với tâm tình là cầu khấn với một đấng bề trên.  Trong khi đó thì hình ảnh Đức Mẹ là một người phụ nữ thôn quê chân chất và hết lòng vì gia đình và chịu những cảnh vất vả nhưng luôn một niềm xin vâng, sống rất trọn đạo làm con Thiên Chúa và làm Tôi Tớ trung thành của Chúa.  Chính vì thế nên tôi nhận ra tâm tình của mình hướng về Đức Mẹ một cách rất đằm thắm.

Thời gian trước đây, khi tôi được dịp viếng Đức Mẹ vì tôi cùng bạn đi dự Thánh Lễ (khi đó tôi chưa gia nhập đạo Công giáo) ở nhiều nhà thờ.  Lúc đó tôi chỉ đến ngắm nhìn Đức Mẹ với ánh nhìn vừa tò mò, vừa thấy thích thích vì Mẹ Maria có dung mạo thật đẹp và thật sang.  Tôi có cảm tình liền vì tôi thấy Đức Mẹ và Phật Quan Âm có nhiều nét giống nhau.

Rồi đến khi tôi có dịp cầu khẩn Mẹ thì tôi cảm giác Mẹ rất gần gũi, hình như là Mẹ đang chờ tôi cầu xin Mẹ điều gì đó và Mẹ luôn để dành sẵn mà ban cho tôi.  Đặc biệt tôi thấy mình có tâm trạng khác hẳn khi tôi khấn vái Quan Âm. Từ đó tôi thấy yêu Mẹ vô cùng và cảm thấy là không nên xa Mẹ nữa.

Giờ đây khi tôi đã chính thức là con Thiên Chúa thì mỗi khi tôi đến viếng Nhà Thờ hay dự Thánh Lễ. Tôi thấy có rất nhiều người vừa là Giáo dân và người ngoài Công giáo đến cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ, nhất là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sàigòn.  Chiều nào cũng có rất nhiều người đến khấn nguyện và thắp hương dâng Mẹ.  Từ đó càng làm cho tôi xác tín hơn về vị trí rất quan trọng của Đức Mẹ trong Giáo Hội và trong lòng mọi người .

Hôm nay tôi chia sẻ điều này, rất mong những quý vị nào đọc đã yêu mến Đức Mẹ thì sẽ càng yêu hơn vì Mẹ của chúng ta quả thật tuyệt vời.  Còn những ai chưa cảm nhận được tình thương của Đức Mẹ dành cho mình, thì nên thử dành chút thời gian đứng trước Mẹ trong tâm tình của một người con với tấm lòng chân thành.  Quý vị sẽ thấy lòng mình thật bình an và hạnh phúc.

Saigon, ngày 22 tháng 01 năm 2011

Túc Lynh

Duongtuclynh@yahoo.com

SỐNG BỆNH TẬT NHƯ SỐNG ƠN GỌI

 

…Tôi là phụ nữ Công Giáo may mắn.  Năm nay tôi 35 tuổi.  Tôi là nữ bác sĩ chuyên ngành gây thuốc mê.  Tôi tận hưởng thời kỳ đầu của mùa gặt hái các thành quả của những năm dùi mài kinh sử, vất vả khó nhọc để đạt cho được mảnh bằng bác sĩ.  Tôi trải qua những năm sinh viên tràn đầy mộng mơ và hưởng nếm tình bạn chân thành.  Vì chọn nếp sống độc thân nên tôi có giờ dấn thân vào các sinh hoạt mục vụ của giáo xứ.  Tôi cho đi trọn vẹn và nhận lãnh cũng thật nhiều.  Giờ đây tôi bị chứng hạch-bạch-huyết.

Từ hai năm nay cuộc đời tôi hoàn toàn đảo ngược.  Từ một bác sĩ chuyên chăm sóc chữa trị bệnh nhân tôi trở thành người bệnh lệ thuộc tha nhân.  Từ cuộc sống hăng say với một thời khóa biểu sít sao dầy đặc với những ngày làm việc, những giờ hẹn và những phiên trực, tôi bước sang cuộc đời với những ngày sống kéo dài lê thê.

Bây giờ là những ngày chờ đợi kết quả các cuộc khám nghiệm, chờ đợi ngày phải nhập viện, chờ đợi cho xong các buổi trị liệu.  Hoặc, chỉ sống ngày này qua ngày khác mà không làm gì hết!  Có thể nói đơn sơ rằng: từ cuộc đời nắm trong tay sức khoẻ của người khác tôi chuyển sang cuộc sống mà sức khoẻ của tôi tùy thuộc nơi sự chăm sóc, chữa trị và lòng hảo tâm của người khác.

Ngay từ giây phút biết mình mắc chứng bệnh hiểm nghèo tôi đã cúi đầu tuân phục thánh ý Thiên Chúa.  Tôi sống bệnh tật như sống một ơn gọi.  Giống như bất cứ tiếng gọi nào khác đến từ Thiên Chúa, bạn chỉ có thể hiểu rõ tiếng gọi khi thực sự sống tiếng gọi này!  Và khi bạn cúi đầu đáp tiếng ”Thưa Vâng” bạn cũng không biết tiếng ”Thưa Vâng” sẽ đưa bạn đi đến đâu.  Nhưng không sao hết!  Điều quan trọng là bạn thưa ”Xin Vâng” ngay từ phút đầu!

Thế rồi giống như bất cứ cuộc sống nào khác cũng đều có rủi-may.  Bạn bị bệnh.  Bạn phải thay đổi tất cả.  Bạn phải đương đầu với khó khăn với các các cuộc chữa trị, với các bác sĩ, với nhân viên y tế và với việc dùng thuốc men.  Nhưng bên cạnh cái rủi ro bạn khám phá ra những tấm lòng vàng, những người bạn chân thành.  Và bạn cũng bắt đầu biết hưởng nếm những niềm vui nho nhỏ, những hạnh phúc trong tầm tay.  Có những chi tiết nhỏ nhặt giờ đây bỗng trở thành quan trọng đối với bạn, một bệnh nhân lệ thuộc người khác.

Trong vòng hai năm lâm bệnh tôi lĩnh hội nhiều bài học cao quí.  Khởi đầu là đức nhẫn nại.  Tiếp đến là sẵn sàng chấp nhận mọi đổi thay bất ngờ, mọi rủi ro.  Và cùng với thời gian, với bệnh tật, sức khoẻ tôi trở nên mong manh, thân xác tôi trở thành yếu nhược, nhưng tôi khám phá ra rằng sức mạnh đích thực không đến từ thân xác nhưng đến từ Thiên Chúa.  Tôi cũng học biết khiêm nhường.  Tôi khiêm tốn xin người khác giúp đỡ.  Tôi dẹp tự ái qua một bên.  Và nhất là, tôi hiểu rõ tôi không chiến đấu một mình!

Ngay từ đầu tôi nói rằng: Từ một cuộc sống nắm trong tay sức khoẻ của người khác tôi bước sang một cuộc đời mà sức khoẻ của tôi tùy thuộc nơi người khác.  Câu nói này trong trường hợp của tôi phải hiểu sát từng chữ, hiểu theo nghĩa đen!  Thật thế, không biết bao nhiêu lần tôi cần được chuyền máu. Và cứ mỗi lần tôi nhận máu của một vị hảo tâm nào đó – vị ân nhân mà tôi không hân hạnh biết tên tuổi – tôi thật lòng tri ân THIÊN CHÚA và cầu nguyện cho vị ân nhân của tôi.

Rồi để có thể lành bệnh, tôi cần được ghép tủy.  Và tin vui đã đến.  Vì đã có người bằng lòng hiến tủy cho tôi.  Tôi không rõ vị ân nhân là ai, có tín ngưỡng hay không.  Nhưng nguyên sự kiện người đó bằng lòng hiến tủy để cứu sống tôi thì chắc chắn phải là người có lòng tốt và chắc chắn hành động của người này rất đẹp lòng Thiên Chúa.

Để kết thúc tôi có thể quả quyết rằng. Ngay từ tiếng ”Thưa Vâng” đầu tiên khi căn bệnh ập xuống trên cuộc đời hành nghề bác sĩ của tôi, tôi nhận được không biết bao ơn lành.  Tôi kinh nghiệm thế nào là tình liên đới, lòng tương trợ.  Nhưng nhất là tôi học biết tri ân. Tri ân Thiên Chúa và tri ân mọi người đã quảng đại ra tay giúp đỡ tôi.  Tôi không cô đơn chiến đấu với bệnh tật.  Giờ đây tôi hoàn toàn sống tin tưởng và phó thác.

Chứng từ của Cô Claudia bác sĩ Công Giáo sống tại thủ đô Roma.

“Ai kính sợ Thiên Chúa thì không sợ hãi gì, họ không run rẩy, vì chính nơi Người, họ hằng cậy trông.  Phúc thay tâm hồn kẻ kính sợ Thiên Chúa!  Họ nương tựa vào ai?  Và ai nâng đỡ họ?  Thiên Chúa để mắt trông nom những ai yêu mến Người.  Người là khiên mộc vững chắc, là sức mạnh đỡ nâng, là tàn che gió nóng, là bóng mát giữa trưa.  Người giữ gìn cho khỏi vấp ngã, và bảo vệ cho khỏi té nhào. Người nâng cao tâm hồn, sáng soi con mắt.  Người ban sức khỏe, sự sống và phúc lành” (Sách Huấn Ca 34,13-17).

(”Maria Ausiliatrice”, Rivista mensile della Basilica di Torino-Valdocco, Anno XXXI, n.8, Novembre-Dicembre 2010, trang 30-31)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

LỜI MỜI GỌI

“Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt.4:19)

Bạn thân mến! Trên đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu nói với các môn đệ đầu tiên khi Ngài tuyển chọn các ông, khi Ngài nhìn thấy các ông đang đánh cá bên biển hồ Galilê. Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật rằng: khi nghe tiếng Chúa mời gọi, “Lập tức, các ông bỏ lưới bỏ thuyền, bỏ cha mẹ vợ con lại mà đi theo Người” (Mt.4:22)

zzTrong cuộc sống hôm nay, Chúa vẫn gởi đến ta lời mời gọi. Ngài gọi tôi, Ngài gọi bạn giống như xưa kia Ngài đã từng mời gọi các môn đệ, nhưng nhiều khi ta giả vờ như không nghe thấy tiếng Chúa để khỏi phải đáp lại, khỏi phải từ bỏ và hy sinh. Có nhiều điều đang bám dính lấy đời ta, làm ta không dễ gì gỡ ra được: tiền bạc, sự ổn định, sự thoái mái tiện nghi, chút tiếng tăm địa vị, chút thỏa mãn nơi thân xác… Làm sao ta có thể từ bỏ để theo Chúa? Từ bỏ là đặt mọi sự dưới Chúa, coi Ngài là giá trị cao nhất, vượt lên trên mọi giá trị.

Phải có tình yêu lớn lao mới có thể hy sinh từ bỏ những gì ta đang ôm ấp dính bén. Từ bỏ trở thành thước đo tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa.

Tôi phải gắn bó với điều tốt, nhưng cũng phải sẵn sàng từ bỏ điều tốt ấy để chọn một điều tốt hơn theo ý Chúa muốn. Có lẽ Chúa không mời gọi bạn và tôi phải từ bỏ đời sống gia đình để sống đời thánh hiến tu trì, phải từ bỏ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày để làm những điều cao cả vĩ đại. Nhưng Chúa mời gọi ta phải từ bỏ sự ích kỷ và cứng cỏi của lòng mình để sống yêu thương hơn, phải bỏ chính bản thân mình, bỏ cái tôi của mình, bỏ mặt mũi danh dự và những ước mơ dính bén của mình, để cho vinh quang của Chúa mỗi ngày được rực sáng hơn

Chỉ vì yêu thương, Chúa đã đến bên ta.  Ngài tìm kiếm ta và tuyển chọn ta làm môn đệ của Ngài. Chúa mời gọi ta bước đi theo Ngài, mời gọi ta cùng cộng tác trong “Công Trình Cứu Chuộc” của Ngài.  Bước đi theo Chúa có nghĩa là không mang theo gì cả ngoại trừ chính con người của mình. Bước đi theo Chúa là sống trọn vẹn cho Chúa và làm theo Thánh Ý của Ngài.

Khi Ngài lên tiếng mời gọi ta bước đi theo Ngài cũng là lúc Ngài muốn chứng tỏ tình yêu của Ngài dành cho ta, chứng tỏ Ngài chấp nhận con người của ta, chấp nhận cả những yếu đuối và tội lỗi của ta nữa.

Theo Ngài là cùng chia sẻ với Ngài một sứ mạng, là cùng thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài trong “Công Trình Cứu Chuộc”.  Nhưng muốn nghe được tiếng mời gọi thì thầm của Chúa, ta phải siêng năng đi vào trong thinh lặng và cầu nguyện với Ngài, phải gắn bó và sống thân mật với Ngài trong tâm tình của người con thảo.

***

 “Hãy theo Ta! “ Đó là lời mời gọi lên đường mà Chúa đã gởi đến cho các môn đệ bên bờ hồ Galilê xưa kia. Lời mời gọi ấy không ngừng lại với các môn đệ, nhưng vẫn còn tiếp tục vang vọng hằng ngày trong cuộc sống của con hôm nay. Xin cho con biết lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Chúa, biết từ bỏ và mạnh dạn lên đường như các môn đệ xưa kia.

Lạy Chúa , có những niềm vui Chúa muốn trao cho con hôm nay. Có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại trong con. Ước gì con cảm thấy yên vui hạnh phúc, vì biết mình được Chúa yêu thương, và được sai đi để thông truyền tình yêu thương ấy cho anh chị em xung quanh con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

(BĐ1:Is Is 9, 1-4– BĐ2: 1 Cr 1, 10-13. 17- PÂ:Mt.4: 12-23)

TRỐN THEO CHÚA

Vậy là đã năm ngày, sau ngày con được chính thức là con gái yêu của Chúa.

Bao nhiêu ngày trước đây, con háo hức chờ đợi được khoác lên mình bộ áo dài trắng và choàng chiếc khăn trắng tinh tuyền, mà trên đó con được đặt một tên mới rất cao trọng là Maria – Đức Mẹ Thiên Chúa.  Mẹ là thần tượng của con từ ngày con còn chưa biết gì về Chúa.

Ngày con vui nhất và thấy hạnh phúc nhất, thì con lại không thể nói gì cho gia đình biết, vì gia đình con là một gia đình đạo Phật gốc.  Nhiều lần má con đã lên tiếng nói, cho dù thế nào thì con cũng không được gia nhập vào đạo Công Giáo!  Nếu con không vâng lời mà gia nhập đạo Công Giáo thì con sẽ mang tội bất hiếu với tổ tiên ông bà (vì gia đình con thật sự không hiểu rành rẽ về đạo Công Giáo).

Ngày mồng 8 tháng 01, năm 2011, ngày mà con trông đợi từ lâu đã đến.  Chiều hôm ấy khi con mặc lên người bộ áo dài trắng cùng người con yêu thương lên Giáo Đường để đón nhận Bí Tích Thánh Tẩy, thì trong lòng con vừa vui vừa buồn.  Vui vì từ đây con đã có Chúa là Cha, có Đức Maria là Mẹ.  Cuộc đời con sẽ được các Ngài dõi bước và nâng đỡ con trong đời sống hàng ngày.  Nhưng con cũng buồn vì văng vẳng đâu đó trong đầu con lời nói của má con là con đã mang tội bất hiếu với dòng họ.

Nhất là khi con tuyên xưng đức tin và đón nhận Bí Tích thì trong lòng con dâng lên một niềm xúc động rất kỳ lạ.  Thời khắc đó lòng con bỗng chia ra làm hai: nửa thì con muốn từ chối đón Chúa để không mang tội bất hiếu, nửa thì con muốn được Chúa là Cha vì có Chúa thì con sẽ có sự sống đời đời. Lúc đó con đã cầu xin Chúa Thánh Thần thật nhiều.  Cuối cùng con nhận ra rằng khi con có Chúa thì con sẽ cố gắng sống đẹp lòng Chúa.  Khi con nghe Lời Chúa và sống theo Lời Chúa thì ba má con sẽ nhận ra cách sống tích cực của con mà chấp nhận việc làm hiện nay của con.  Cuối cùng con đã nhận ra quyết định theo Chúa của con là một quyết định đúng.

Sau buổi lễ con được nhiều anh chị em và cả những trưởng bối chúc mừng và trao cho con bao nhiêu câu nói chúc mừng, bao nhiêu là quà tặng quý giá.  Thói thường của một con người, khi mình có chuyện gì vui, nhất là những dịp quan trọng như vậy thì người thân của mình sẽ là người mà mình chia sẻ đầu tiên.  Nhưng với con thì tất cả những gì con được đón nhận hôm nay lại chỉ có một người duy nhất chia sẻ cùng con và hiểu con nhất.  Đó là người bạn đời thiêng liêng của con.  Anh đã nâng đỡ con thật nhiều, anh động viên con và an ủi con trong mọi hoàn cảnh.  Lúc đó con thật sự thấy buồn, nhưng sau khi con nhận ra bên con còn có Chúa và Đức Mẹ thì con đã lấy lại được tinh thần bình an và hạnh phúc.

Một người nữa cũng quan trọng không kém, đó là bố đỡ đầu của con.  Bố đã rất thương con, lặn lội từ Gia Lai xuống để lãnh nhận trách nhiệm linh hướng cho con, nâng đỡ đời sống đạo của con, giúp con sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng là con cái Chúa.

Giờ ngồi xem lại những món quà quý giá và thân thương, những hình ảnh của buổi lễ hôm ấy mà những anh chị em, ông bà, cô, bác đã dành tặng thì lòng con thấy nao nao.  Trong lòng con dâng lên một cảm xúc rất lạ Chúa ơi!  Con cầu xin Chúa luôn ở bên cạnh con, đừng bỏ rơi con vì từ giờ con đã thuộc về Chúa mà không còn thuộc về truyền thống gia đình con nữa.  Xin Chúa dạy con và cắt tỉa con làm sao để con có thể mạnh dạn mang hình ảnh Chúa về nhà con một cách công khai, giúp mọi người trong gia đình con vui vẻ đón nhận Chúa.

Còn nữa, con cũng rất muốn có được một nơi trang trọng để con thờ phượng Chúa, hầu hàng ngày con có thể ngồi trò chuyện và tâm sự với Chúa.  Chứ không như bây giờ, mỗi khi tới giờ cầu nguyện hay có việc gì con hỏi ý Chúa thì con lại phải nhìn lên Trời mà tâm sự cùng Chúa.

Và giờ đây Chúa ơi, còn chuyện này nữa làm cho con áy náy trong lòng lắm.  Trong khi con mới được Cha đón nhận thì con lại phạm lỗi là không nói lời trung thực.  Khi má con phát hiện con may bộ áo dài màu trắng thì liền hỏi con may với mục đích gì.  Ngay lúc đó con đã quên Chúa mà vội dùng trí khôn của người thế gian mà nói dối là con phải dự một lễ cưới của người bạn thân ở Nhà Thờ.  Nói xong rồi thì con mới biết mình đã vô tình không làm đẹp lòng Chúa, nhưng xin Chúa hiểu và cho con thời gian để con hoàn thiện bản thân mình mà đem hình ảnh Chúa về gia đình con một cách “danh chính ngôn thuận” qua cách sống của con.

Nhân đây con cũng xin các vị trưởng bối thử thả lòng mà nhìn nhận lại những suy nghĩ tiêu cực về đạo Công Giáo trong định kiến là hễ cứ vào đạo Công Giáo là chối bỏ nguồn gốc tổ tiên.  Thật ra thì các vị nên nhìn trái ngược lại, (con không nói đến những con người có đời sống không tốt trong đạo Công Giáo vì những người đó cũng đã làm Chúa rất buồn lòng).  Một người khi biết sống theo Lời Chúa thì hiển nhiên sẽ làm tròn bổn phận làm một người con, làm cháu của các vị.  Vì theo những điều răn mà Chúa đã khuyên dạy là “ phải thảo kính với cha mẹ” (điều răn thứ 4 trong 10 điều răn của Chúa).  Mà không phải chúng con chỉ biết thảo kính khi các vị còn hiện hữu với chúng con, mà sau này khi các vị đã về trời thì chúng con vẫn phải thường xuyên cầu nguyện cho các vị nữa.

Đó là một đạo lý làm người của những người con của Chúa, và con tin rằng bất cứ ai khi đã có Chúa thật sự trong lòng thì nhất định sẽ sống thật tốt để những người trong gia đình họ sẽ thật hãnh diện khi nói về họ (những người con của Chúa) cho một ai đó.  Và con lại được nghe thêm Lời Chúa là “ Hễ ai thảo hiếu với cha mẹ (ông bà) thì sẽ được sống lâu trăm tuổi”.

Chúa ơi!  Con biết là Chúa hiểu con hơn con hiểu con.  Chúa  biết con cần gì mà Chúa ban cho con nên giờ đây con thấy lòng con bình an lắm.  Mọi chuyện con xin phó thác hết cho Chúa và xin Mẹ Maria dậy con biết nói tiếng xin vâng để làm đẹp lòng Cha trên trời.

Con cũng xin chân thành cám ơn những vị ân nhân đã dành cho con những lời cầu nguyện, những món quà thật quý giá.  Con xin Chúa luôn ban tràn đầy ơn Thánh Thần và hồng phúc cho các vị.

Xin các vị luôn nâng đỡ con, đừng quên con trong những lời cầu nguyện của các vị để con vững tin hơn và sống đẹp lòng Chúa hơn.

Chân thành cám ơn các vị đã dành thời gian quý báu để đọc những tâm tình của con

Saigon, ngày 13 tháng 01 năm 2011

Túc Lynh

THẦN TƯỢNG CỦA TÔI

Trong Đại Hội giới trẻ giáo xứ Phú Trung mới đây, khi các bạn được hỏi “Ai là thần tượng của bạn?” thì câu trả lời là “Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II”, là “Mẹ em”, là “Bill Gates” hay một vĩ nhân nào đó.  Thật vui vì các bạn trẻ Công giáo không ai chọn những ca sĩ diễn viên mau lên chóng xuống.  Nhưng đồng thời cũng không vui trọn vẹn vì chưa thấy bạn nghĩ nhiều đến một Con Người đã làm thay đổi diện mạo thế giới này.

Vào ngày 01-10-1977, trên một sân vận động tại NewYork, trước 80 ngàn khán giả hâm mộ bóng đá, cầu thủ lừng danh Pélé đã ghi cho mình bàn thắng thứ 1,278.  Sau đó anh đã tuyên bố giã từ đời cầu thủ chuyên nghiệp.  Sau khi cởi áo cầu thủ gởi tặng giao lưu với khán giả, một phóng viên đã hỏi anh: “Pélé, anh đang là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ, vậy trong cuộc đời của anh, anh có thần tượng nào không ?”  Pélé chỉ vào cây Thánh Giá đang đeo trước ngực và trả lời: “Có chứ, thần tượng của tôi là chính Đức Chúa Giêsu Kitô”. (theo R.Veritas)

Con Người Giêsu Kytô chính là Đấng Cứu Chuộc nhân loại này.  Người đã làm thay đổi vô số người trẻ, để họ sống và hành động theo cung cách của những người được tuyển chọn và được cứu độ.  Có một thời người ta tưởng rằng Đức Giêsu Kytô chỉ cứu linh hồn con người, chú trọng đến đời sau, chẳng quan tâm gì đến “đời tạm” này.  Nhưng không phải như thế.

Khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”.  Người gánh tội trần gian và gánh cả những hệ luỵ từ tội lỗi, để giải thoát con người khỏi những cảnh đời lầm than cơ cực nhất ngay ở đời này.

Đó chính là điều Isaia đã loan báo trước về Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc.4,18-19)

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ chính vì Người là Đấng giải thoát họ.  Giới trẻ vốn không thích bị ràng buộc, bị giam cầm hay bị tước đoạt tự do. Giới trẻ đầy những khát vọng, và trong vô số khát vọng ấy, khát vọng được tự do ca ngợi Đấng Tạo Thành là điều căn bản. Đức Giêsu nói với họ về Thiên Chúa Cha và mở miệng cho họ hát vang lên. Đó là điều vĩ đại nhất của lịch sử.

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ vì Người quá đẹp.  Ngoại hình của Người không còn được lưu giữ chính thức, nhưng điều đó không quan trọng.  Người đẹp vì nghĩa cử cứu nhân độ thế.  Người đẹp vì ánh nhìn bao dung độ lượng, luôn “chạnh lòng thương” dân nghèo.  Và Người đẹp khi chỉ vào đám giả hình, đàn áp dân mà bảo “Các ngươi là mồ mả tô vôi”, hoặc “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ”, “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”

Đức Giêsu là thần tượng của giới trẻ vì Người vẽ ra cho họ một con đường và con đường ấy dẫn đến Sự Sống vĩnh cửu.  Giới trẻ quá nhàm những lời dụ dỗ, quá chán những lời hứa hão, quá mệt vì những lừa lọc của thế gian.  Đức Giêsu nói là làm, và lời Người nói được chứng minh bằng ánh sáng từ trời, bằng bảo chứng của Thánh Thần Thiên Chúa và bằng chính cuộc Khổ Nạn Phục Sinh của Người.  Ai trên thế gian này dám làm và có thể làm những điều ấy cho giới trẻ?

Đức Giêsu không áp đặt, không ép buộc và không nhồi nhét vào đầu óc giới trẻ những điều vô bổ, những học thuyết lỗi thời hay những mầm bạo lực.  Người nói: “Thầy gọi các con là bạn hữu”.  Và với tư cách người bạn của giới trẻ, Người nói chân tình đầy yêu thương: “Các con hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy”.

Bạn và tôi, chúng ta hạnh phúc vì có thần tượng Giêsu.  Bạn hãy reo lên: “Tôi yêu Giêsu, tôi chọn Giêsu và tôi sống Giêsu”.  Vâng lạy Chúa Giêsu, xin cho con được có Chúa muôn đời.

Gioan Lê Quang Vinh, VRNs

THẤY, BIẾT RỒI LÀM CHỨNG

Trong cuộc sống, chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.

Gioan cũng thế, trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, hai lần ông khẳng định: “Tôi đã không biết Người” (Ga.1:31-33). Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu, Gioan thú nhận mình vẫn chưa “biết” Ngài.

Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (Lc.1:36), dù ông đã có một số thông tin về Ngài, và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (Mt.3:14), nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.

zzÐược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ. Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá ra Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.  Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là “Đấng Thiên Chúa Tuyển Chọn”. Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu lúc Ngài được ông làm phép rửa.  Bây giờ ông mới có thể nói: ông đã biết Ðức Giêsu. Ông đã “biết” sau khi ông đã “thấy”.

Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn. Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh luyện. Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu. Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng. Ông vui khi giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ của mình. Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga.3:26). Ông sung sướng khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên (Ga.3:30).

Từ cái biết nhờ thấy, Gioan đã trở nên người làm chứng cho Đức Giêsu. Hành trình chứng nhân của Gioan cũng là của bạn và tôi hôm nay: “thấy, biết rồi làm chứng”.

Biết một người là chuyện khó. Biết Ðức Giêsu còn khó hơn. Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người Giêsu, Đấng đã là đích điểm giao hòa giữa trời và đất; Đấng là tạo hóa nhưng lại hòa đồng với tạo vật, và cũng là Đấng đã liên kết giữa thần linh thánh thiện và con người tội lỗi.

Ðể biết Ðức Giêsu, ta cần thấy Ngài tỏ mình ra. Nhưng không phải ta sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng. Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.  Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, qua những con người đơn sơ ta vẫn gặp. Ta cần tập nhìn thấy Ngài tiềm ẩn sau lớp vỏ bọc xù xì của thực tế đời thường.

Cần thường xuyên làm mới lại “cái biết” về Ðức Giêsu để mối tương quan của ta với Ngài mỗi ngày trở nên thâm trầm hơn, thân mật hơn. Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư, là hiệp thông, là gặp gỡ, là chia sẻ chính cuộc đời của Ngài, là để “ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta”, thì cái biết đó phải là nỗ lực của cả một đời người Kitô.

Và lúc này đây, mời bạn cùng với tôi, chúng ta hãy dành ra đôi ba phút ngắn ngủi để đi vào lòng mình; để tìm gặp khuôn mặt Giêsu: Ngài đang ở đâu, ở chỗ nào trong cuộc sống của tôi? Tôi phải làm gì để nhận ra Ngài, bắt gặp Ngài đang sống bên tôi trong cuộc đời tạm bợ này?

Gioan đã giới thiệu Ðức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa bỏ tội trần gian.”(Ga.1:29).  Còn bạn và tôi, chúng ta sẽ giới thiệu Ðức Giêsu như thế nào cho những người xung quanh ta hôm nay?

***

Lạy Chúa Giêsu!

Xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ vô nghĩa.

Xin cho con cảm nhận tình Chúa thật bao la sâu thẳm, để con luôn được sống trong tình yêu thương sâu thẳm bao la ấy.

Xin cho con biết Chúa thật nhân từ và bao dung, để mỗi khi con vấp ngã trên đường đời, con luôn biết chỗi dậy và trở về cùng Chúa.

Giêsu ơi! Xin Ngài hãy đến và cư ngụ trong lòng con luôn mãi, để không còn là con nữa, mà là chính Ngài đang sống trong con. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas

(BĐ1:Is 49, 3. 5-6 – BĐ2:1Cr 1, 1-3 – PÂ:Ga 1, 29-34)

QUA CƠN MÊ

Tôi sinh ra trong một gia đình theo “đạo Ông Bà”.  Nói đúng ra mẹ tôi là người Công Giáo nhưng kết hôn với cha tôi là người ngoại giáo.  Tôi được học Giáo lý và rửa tội vào năm 14 tuổi, tính đến nay đã hơn 30 năm.  Nguyên nhân dẫn đến việc mẹ tôi dốc lòng cho các con rửa tội là vì trong một cơn bệnh nặng, mẹ tôi đã kêu cầu Chúa và hứa với Ngài là khi mẹ tôi hết bệnh thì  sẽ cho các con trở lại đạo!  (Tạ ơn Chúa ! Cũng may là lúc ấy mẹ tôi được lành bệnh).

Sau vài tháng ngắn ngủi học Giáo lý, tất cả anh chị em chúng tôi trở thành những “người Công giáo chính danh”, với kiến thức giáo lý hạn hẹp và niếm tin yếu ớt.  Tôi coi Chúa như là “bưu điện” hay nói đúng hơn là một nơi để tôi đến nhận hàng “free” (không tốn tiền).  Chúa ở trên đó… Chúa cứ ở đó.  Con ở đây… con cứ ở đây.  Khi nào cần thì con gửi “đơn đặt hàng” (order) lên và Chúa gửi quà xuống.  Thế thôi… Sau đó thì… đường ai nấy đi… Tôi biết về Chúa “giỏi” đến độ là trong Sách Giáo Lý dạy “một năm xưng tội ít nhất là 1 lần”.  Nhưng tôi lại nhớ là “một năm đi lễ ít là một lần”.  Vậy là bạn có thể tính được số lần đi lễ trong năm của tôi rồi đó.

Rồi thời gian cứ thế trôi qua, cho đến 10 năm sau.  Tôi rời Việt Nam trên một chuyến tàu với những người không quen biết.  Chúng tôi ra đi trong tình trạng thiếu lương thực và nước uống.  Sau ba ngày lênh đênh trên biển, mọi người đều mệt mỏi vì đói và khát.  Lúc đó tôi rất thèm những ly sữa đá mà mẹ tôi cho uống mỗi khi tôi bị sốt.  Lòng tin trong tôi bỗng trỗi dậy!  Tôi cầu xin với Mẹ Maria: “Con khát lắm!  Ước gì Mẹ cho con một ly sữa đá”.  Lời cầu xin vừa dứt thì bổng có tiếng súng từ một chiếc ghe khác không biết từ đâu chạy đến.  Đuổi theo và bắn vào chúng tôi.  Bắt buộc ghe của chúng tôi phải ngừng lại.  Tôi không biết họ là ai.  Họ chĩa ba họng súng dài vào ghe và ra lệnh ai có tiền bạc tư trang phải đưa hết cho họ.  Sau khi thỏa mãn điều kiện họ đưa ra, chúng tôi miễn cưỡng xin họ cho nước uống với rất ít hy vọng sẽ được sống.

Điều ngạc nhiên là họ đã cho nước uống và  thêm nước đá nữa trước khi bỏ đi.  Trên ghe có người đem theo sữa hộp.  Thế là trong nháy mắt mọi người đều được uống sữa đá.  Có một điều đáng buồn là khi chiếc ghe cướp rượt theo họ đã bắn thẳng vào ghe chúng tôi.  Không may cho một em nhỏ khoảng mười tuổi đã trúng đạn và em đã ra đi ngay tối đêm đó.  Trong lúc bối rối với tình cảnh cướp bóc.  Tôi quên hẳn đi lời cầu nguyện của mình.  Đến khi cầm ly sữa đá trên tay tôi không thể nào tin được.  Tôi tự hỏi đây có phải là phép lạ?  Và tôi đã thầm thì dâng lời tạ ơn Đức Mẹ.

Đến đây chắc các bạn nghĩ rằng niềm tin của tôi sau đó chắc là vững mạnh lắm.  Thưa không! Vì không phải tôi đã nói là lúc nào tôi cũng coi các Ngài như một nơi để tôi gửi đơn đặt hàng và nhận hàng đó sao?

Sau đó tôi  định cư ở Mỹ.  Lập gia đình và sanh con.  Chồng tôi là người ngoại giáo.  Vì muốn được vợ nên anh ấy chấp nhận theo đạo.  Và tôi muốn mặc áo trắng cô dâu vô nhà thờ “chụp hình mới đẹp”, chứ  tôi hoàn toàn không ý thức được đó là một trong những bí tích quan trọng trong cuộc đời của người Kitô hữu.  Con của  tôi cũng được rửa tội, học Giáo lý và xưng tội rước lễ.  Sau đó thì cả nhà giữ đạo theo kiểu “một năm đi lễ ít là một lần”.  Hôm nào cảm thấy vui thi đi, không vui thì ở nhà. Chúa Nhật nào chúng tôi định đi lễ, nhưng nếu có một cuộc vui chơi nào hấp dẫn hơn thì thà bỏ lễ, chứ nhất định không bỏ cuộc chơi.

Đời sống cứ thế trôi qua và niềm tin Thiên Chúa nơi tôi ngày thêm nguội lạnh.  Cho đến một hôm. Một biến cố không may xảy ra trong gia đình chúng tôi đã làm đảo lộn tất cả!

Chính lúc đau khổ, tuyệt vọng và chán chường đó.  Tôi đã chạy đến Chúa cầu xin Ngài chỉ đường dẫn lối cho tôi biết phải làm sao.  Tôi hoàn toàn bế tắc!  Tôi đã không ngừng cầu nguyện kêu xin bằng tất cả lòng thành kính và phó thác chưa từng có.  Từng ngày, từng bước.  Chính nhờ những lời cầu nguyện mà tôi đã có thể đứng lên và tiếp tục cuộc sống.  Tôi nhận ra rằng khi sống được với tâm tình phó thác là tôi chấp nhận cho Chúa làm chủ đời mình.  Khi Chúa là “chủ” của tôi rồi thì tôi không còn đưa “đơn đặt hàng” cho Chúa nữa thì lạ lùng thay, Chúa lại gửi đến cho tôi những “món quà”  mà tôi không bao giờ nghĩ là tôi sẽ có được trong đời.

Phải thật lòng nói rằng trong tất cả các ơn tôi nhận được từ Chúa thì “ơn đau khổ” là giá trị nhất. Vì nếu không có biến cố đau thương đó xảy ra, tôi sẽ không bao giờ nhận ra được con người giới hạn của mình.  Và nhất là sẽ không bao giờ nhận ra lòng thương xót  bao la của Chúa.  Để tỏ lòng ăn năn thật sự.  Tôi quyết định đi tìm Linh mục để xưng tội.  Lần đầu sau hơn hai mươi năm tôi đến tòa giải tội.  Tôi rất hồi hộp.  Tôi nghe rõ từng nhịp đập dồn dập trong trái tim mình.  Tôi biết thưa với Linh Mục sao đây?  Hai mươi năm xa Chúa, biết bao nhiêu là tội lỗi.  Tội trọng, tội nhẹ.  Tội nào làm… lướt lướt.  Tội nào làm… liền liền… biết bắt đầu từ đâu?

Tôi thu hết can đảm: “Thưa Cha cho con xưng tội cách đây hơn hai mươi năm… ” tôi chỉ nói được bấy nhiêu thì nghẹn lời và bật khóc…  Tôi cố gắng ngưng khóc mà sao nước mắt cứ tuôn trào…  Tôi không dám chắc là vị Linh Mục đó đã nghe được hết những gì tôi nói…

Sau khi xưng tội xong, tôi chờ đợi một lời quở trách hay ít nhất là một câu hỏi từ Linh Mục là tại sao để quá lâu mới quay về với Chúa.  Nhưng không, hoàn toàn không, một lời trách nhẹ cũng không, một tiếng thở dài cũng không.

Sau vài giây im lặng như chờ cho cơn xúc động trong tôi hoàn toàn lắng xuống.  Linh Mục đã cho tôi vài lời khuyên ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa.  Sau đó Ngài ban phép giải tội và chúc tôi đi bình an. Và từ đó tôi đã tìm được bình an thật sự.  Bước chân vào tòa giải tội nặng nề và hồi hộp bao nhiêu thì khi bước ra tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản bấy nhiêu.

Tôi rất cám ơn vị Linh Mục này, vì qua những lời nói của Ngài tôi đã tìm thấy được sự đồng cảm của phận người mỏng dòn yếu đuối. (Đồng cảm chứ không phải đồng tình hay đồng loã).  Sự đồng cảm trong lời khuyên dạy của Ngài đã nâng đỡ tôi rất nhiều.  Tôi không còn e ngại mỗi khi bước chân vào tòa giải tội trong những lần sau này nữa.  Bằng giọng nói nhẹ nhàng Ngài đã cho tôi thấy lòng thương xót va khoan dung của Chúa như thế nào đối với những người con tội lỗi.

Lúc trước nhìn những vị tu sĩ tôi thường thắc mắc là cuộc sống đời thường có nhiều đam mê và lạc thú như vậy mà sao lại có những người bằng lòng bỏ tất cả để hiến dâng cuộc đời mình cho mộtt Đấng vô hình không nhìn thấy được.  Chúa phải có một “cái gì” lôi cuốn mãnh liệt lắm?  Và đó cũng là một trong những nguyên do khiến tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời của Chúa.

Lúc trước nếu có ai cho tiền và bảo tôi đọc Kinh Thánh thì chắc chắn là tôi không đọc đâu.  Nhưng từ khi nhận ra tình thuơng xót của Chúa, tìm hiểu về cuộc đời của Ngài thì chính tôi khám phá ra thật nhiều điều kỳ diệu và hấp dẫn ở con người mang tên là Giêsu đó.

Tôi như một người vừa thức dậy “sau một cơn mê dài” nhiều năm.  Tôi tỉnh lại nhờ “mũi thuốc” cực mạnh Chúa đã tiêm vào.  Mũi thuốc đó không dễ chịu chút nào.  Tôi đã đau đớn vật vã một thời gian, nhưng sau đó thì được lành bệnh.

Có phải bạn đang “sống” trong cơn mê?  Bạn có nhận ra được những “mũi thuốc” Chúa tiêm vào để giúp bạn tỉnh lại mà nhận ra tình thương xót của Ngài?  Vậy thì bạn còn chần chờ gì nữa mà không mạnh dạn đứng lên, quay về làm hòa với Cha nhân từ, phó thác tất cả trong tay Ngài, để tìm được sự bình an cho chính tâm hồn mình. CHẮC CHẮN NHƯ VẬY!!  Chúc bạn mau chóng bình phục

Maria Nguyễn Thanh Tâm