GIA ĐÌNH THÁNH GIA

Nếu có ai đặt câu hỏi: Gia đình nào xứng đáng là mẫu mực cho mọi gia đình khác noi theo? Câu trả lời chính xác nhất là :Gia đình Thánh Gia, trong đó có Chúa Giê-su, Mẹ Maria và thánh Giu-se .

zzThật vậy, Gia đìnhThánh Gia chính là mẫu mực cho mọi gia đình. Nhưng cuộc sống của Thánh gia chẳng phải là êm ả. Ðâu phải có Chúa là tránh được căng thẳng, tránh được long đong vất vả.  Nhìn lại cuộc sống Thánh gia, ta thấy có nhiều sóng gió. Có lúc tưởng như tan vỡ  khi thánh Giuse định âm thầm rút lui khi nghe tin Maria đã mang thai. Có lúc bối rối khi ở Bêlem không tìm ra chỗ trọ. Có những lúc cha mẹ đôn đáo mang con trẻ Giêsu sang Ai cập chạy trốn sự bách hại của bạo chúa Hêrôđê. Có lúc mẹ Maria phải đứng lặng người bên xác con trên núi sọ. Thánh gia chẳng được hưởng một chút ưu đãi nào. Một gia đình vô cùng thánh thiện, vô cùng gương mẫu nhưng cũng phải chịu biết bao khổ đau và nghịch cảnh.

Các gia đình trong thế giới hôm nay cũng gặp biết bao khủng hoảng đe dọa. Có những gia đình quá nghèo túng và nợ nần. Có những trẻ thơ bị thất học, bị bỏ rơi, bị lạm dụng.  Có những gia đình bị đổ vỡ vì thiếu vắng tình yêu thương. Có những xung đột giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái và giữa anh chị em với nhau.

Gia đình sẽ hạnh phúc, tiếng cười sẽ vang lên, bình an sẽ ngự trị, khi cha mẹ và con cái biết nỗ lực sống trọn vẹn vai trò của mình. Vai trò đó sẽ thật sự trọn vẹn khi người ta biết yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ giới răn của Ngài.  Mái ấm gia đình sẽ thành hình khi người ta biết lắng nghe tiếng Chúa, bước đi theo đường lối của Ngài.

***

Nguyện xin Chúa Giê-su, Mẹ Maria và thánh cả Giu-se luôn hiện diện trong gia đình chúng con và giúp chúng con xây dựng gia thất của chúng con được trở nên giống thánh gia của Ngài. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1:Sirach 3:2-6,12-14 – BĐ2:Collossians 3:12-21- PÂ: Mt. 2:13-15,19-23)

CON LỪA BÊN MÁNG CỎ

Tôi là con lừa đi từ Nazareth tới.  Tôi đã chở cô chủ đáng kính trên lưng tôi.  Đêm hôm ấy, khi không còn chỗ trong quán trọ, hai vợ chồng trẻ đã dẫn tôi về chuồng bò.

Điều bực mình đầu tiên là trong chuồng bò có một… con bò.  Tôi, một con lừa, mà lại đi ở chung với một con bò à!  Các bạn biết không:  Nhìn cái tướng của đám bò là tôi đã thấy ghét cay ghét đắng: trên đầu đội hai cái sừng nhọn hoắc, miệng mồm thì lúc nào nước mũi nước miếng phều phào.  Đấy là chưa kể tôi còn có mối hận riêng.  Ông chủ cũ của tôi, trước khi bán tôi cho hai vợ chồng đáng quí này, đã từng rủa vào mặt tôi: “Con lừa này ngu như bò, bán quách cho xong.”

Đấy, thế đấy, vậy mà đêm nay tôi phải hạ mình ở chung với một con bò.  Nhưng khi thấy người chủ của tôi kéo rơm ra làm chỗ nghỉ thì tôi chột dạ:  Họ là những con người mà vẫn ở được với bò, vậy sao tôi lại không?  Vì thế, tôi cũng tìm một góc để ngủ, và tránh xa con bò đang đưa cặp mắt ếch… xin lỗi… cặp mắt bò nhìn chúng tôi mà không một lời chào hỏi.  Nếu không dằn lòng thì tôi đã mắng cho một câu: “Đồ ngu như bò.”

Nghĩ như thế, nhưng mệt quá tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.  Khuya hôm đó tôi chợt thức giấc một cách bất thường.  Nhìn về phía máng cỏ thấy cô chủ của tôi mệt mỏi nhưng đang âu yếm nhìn chăm chú vào bên trong.  Bên cạnh, con bò đang lúc lắc cặp sừng.  Tôi vội chạy đến để bảo vệ chủ. Nhưng khi đến gần, tôi thấy một hài nhi nằm trong máng cỏ.  Tôi không biết ai đã đem hài nhi xinh đẹp này đến, vì lúc đầu chỉ có hai người thôi mà.  Nhưng mà thôi, suy nghĩ làm gì cho mệt đầu.  Tôi vẫn âm thầm mang cái mặc cảm “ngu như bò.”

Thì ra con bò không có ý hại chủ tôi, nó lắc lư cặp sừng để xua đuổi mấy con ruồi đang quấy phá giấc ngủ của hài nhi.  Tôi ngạc nhiên quá, chỉ biết đến nằm phủ phục bên máng cỏ mà không biết phải làm gì.  Con bò lợi dụng tình thế đến bên cạnh tôi.  Có bực mình không chứ?  Nếu không sợ hài nhi thức giấc thì chắc tôi đã tỏ thái độ. T hế mà không biết thân, nó còn ra mặt dạy đời:

– Hài nhi sắp thức giấc, chúng ta không nên đến quá gần.

Tôi bực mình: – Chúng ta có phải là quái vật đâu?

– Nhưng mà mặt chúng ta không giống mặt cha mẹ hài nhi, hài nhi sẽ sợ đấy.

– Máng cỏ kìa, chuồng bò kìa, có giống mặt cha mẹ hài nhi đâu, nhưng hài nhi nào có sợ?”

Nó im lặng một lát rồi lẩm bẩm:

– Thật là đau đớn khi không thể đến gần một người mình thương, chỉ vì mình có cái tướng dữ dằn.  Phải chú ý để khỏi gây thương tích…  Mặc dù, bạn biết đó, bản chất tôi không bao giờ muốn làm hại ai, nhưng biết làm sao được, tôi đi đến đâu thì cũng phải mang theo cặp sừng.

Tôi bỗng thấy hơi tội nghiệp nó, nhưng không làm sao ngăn được lời mỉa mai:

– Đúng đấy! bạn không nên đến gần, cặp sừng của bạn sẽ đâm vào hài nhi đấy.  Còn tôi, tôi sẽ ngoe nguẩy đôi tai, và hài nhi sẽ thích thú…  Vả lại, bạn có thể nhiễu nước miếng vào mặt hài nhi.  À, tôi không hiểu tại sao khi bạn sung sướng, thì mồm của bạn lại trều trào nước miếng một cách… thiếu vệ sinh như vậy?

Nó im lặng một lát rồi lẩm bẩm:

– Này hài nhi đáng kính, xin đừng xua đuổi tôi. Cậu hiểu cho rằng cặp sừng này chẳng qua là một hình thức trang trí.  Tôi phải thưa với cậu rằng tôi chưa bao giờ sử dụng chúng.  Cậu hãy cho tôi một tí ánh sáng để tôi biết mình phải làm gì.  Bởi vì tôi sung sướng quá, bởi vì tôi mang ơn cậu nhiều quá.  Làm sao tôi có thể tạ ơn cậu vì đã cho tôi ở gần cậu như thế này, đã được sống thân mật giữa các thiên thần và các vì sao.

Nghe nó nói, tôi hơi xúc động, nhưng để tỏ ra cứng đầu đúng với bản chất của mình, tôi rầy:

– Im đi, bạn làm gì mà rên rỉ vậy. Bạn không thấy là bạn đang phá giấc ngủ của hài nhi với những lời lải nhải của bạn sao?

Đáp lại, nó nói lên một câu thật dễ thương:

– Bạn có lý… cần phải biết im lặng khi cần thiết, dù mình có thấy một hạnh phúc to lớn đến độ không biết phải cất dấu nơi đâu.

Ngày qua ngày, càng ở gần hài nhi, tôi lại thấy bò càng dễ mến.  Nhất là những lúc bò đến cuốn hết ruồi muỗi để chịu chúng đốt thay cho hài nhi, nhờ vậy mà hài nhi được yên lành trong giấc ngủ. Tôi vẫn chưa nói được một lời nhẹ nhàng nào với bò, nhưng đã cảm thấy gần gũi hơn trước nhiều… Bỗng một đêm kia, chủ tôi thức giấc, gọi vợ mình và nói: “Hãy sang Ai-cập vì Hêrôđê muốn giết hài nhi.”

Trong khi ông đặt tấm khăn lên lưng tôi, thì bò đưa mắt nhìn ngơ ngác.  Cô chủ dịu dàng đến nói với bò: “Thôi, bò ở lại nhé, cám ơn bò vì những ngày qua đã sưởi ấm hài nhi!”  Bò không nói gì cả, chỉ lảo đảo quay đi nằm xuống một góc làm như đôi chân quá yếu không còn sức để chịu nổi thân mình… Khi tôi đưa mẹ con hài nhi ra đi, chủ tôi muốn nói gì với bò, nhưng bò đã ngủ.  Không! bò không ngủ, tôi biết rằng bò còn thức.  Trước khi quay đi, tôi đã thấy một giọt nước mắt tràn ra khỏi đôi mi khép kín của bò.  Bò giả vờ ngủ để khỏi bịn rịn lúc chia tay!

Và suốt trên hành trình đi qua Ai-Cập, mặc dù tôi được vinh dự chuyên chở hài nhi, tôi vẫn không được hoàn toàn hạnh phúc vì tôi chưa nói cho bò hiểu rằng bò rất dễ mến.  Vả lại, dù tôi muốn nói lên điều đó, tôi cũng không biết nói thế nào cho gãy gọn, vì tôi vốn dĩ ‘ngu như…lừa.’

Vì thế hôm nay, tôi muốn nhờ các bạn điều này: hôm nào đi thăm máng cỏ thì hãy nói với bò hộ tôi rằng:  “Ơn lớn nhất chúng tôi đã nhận được từ hài nhi là chúng tôi thương yêu nhau.”

Các bạn tin tôi đi. Các bạn hãy hết lòng đến với hài nhi, rồi các bạn cũng sẽ nói như tôi:  “Bò mới trông thì thế đấy… nhưng bên trong thì thật dễ thương”.

Trần Duy Nhiên

 

MÓN QUÀ GIÁNG SINH

Hơn hai mươi năm trước đây, vào ngày 3 tháng 12 năm 1989, tại cuộc họp thượng đỉnh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ ở đảo Malta, tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã tặng cho chủ tịch Liên Sô Mikhail Gorbachev một món quà Giáng Sinh khá lạ lùng.  Một viên gạch cũ với ký hiệu hòa bình viết bằng mực sơn loang lổ.

Có người thắc mắc tại sao món quà lại là một viên gạch trơ trụi loang lổ?  Nếu biết rằng viên gạch đó được lấy từ bức tường Bá linh mới sụp đổ hai tháng trước, ta sẽ không ngạc nhiên.  Viên gạch đánh dấu một khúc ngoặc mới trong thời kỳ chiến tranh lạnh.  Hai siêu cường đã đồng ý giải trừ vũ khí nguyên tử, và cùng hợp tác xây dựng hòa bình.

Món quà Giáng Sinh tuy mộc mạc, nhưng lại là một biểu tượng của khát vọng hòa bình.  Viên gạch là nhịp cầu nối kết giữa hai siêu cường, mở ra một thời kỳ mới: từ đối đầu đến đối thoại, từ nghi ngờ đến cộng tác, từ kình địch đến thân hữu.  Hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, không chỉ là ngưng tiếng súng.  Hòa bình là hoa trái sinh ra từ những tâm hồn thiện tâm, những tâm hồn hướng thượng.

*********************************

zzBạn thân mến,

Trên hai ngàn năm trước, nhân loại cũng nhận được từ Trời cao một món quà mộc mạc như thế.  Con Thiên Chúa giáng sinh không kèn không trống, không nhà cửa trú thân.  Dấu chỉ duy nhất để người ta nhận ra Ngài là: “một con trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2, 12).  Đấng Tối Cao đã từ trời xuống, chấp nhận thân phận hữu hạn của con người.  Được cưu mang trong dạ mẹ, Ngài được sinh ra như bao con trẻ khác.

Đêm Con Thiên Chúa chào đời là một đêm lạ lùng.  Không được chào đời tại mái nhà thân yêu ở Nazarét.  Cũng không được chào đời nơi một căn phòng tử tế dành cho lữ khách ở Bêlem.

Tại sao thế?  Đơn giản là vì không có chỗ.  Phải chăng vì Giuse và Maria không đủ tiền trả cho một chỗ qua đêm?  Hay phải chăng các chủ quán đều ngại ngùng khi phải cưu mang một người phụ nữ sắp sanh, vì sợ ô uế, sợ phiền phức?   Ngài đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhân. (x. Ga 1,11).

Đấng Cứu Thế đã phải sinh ra trong hang bò lừa.  Phải mất bao lâu Giuse mới tìm được chỗ này trong đêm?  Hãy cảm nếm nỗi lo sợ, vất vả, lúng túng của đôi vợ chồng trẻ.  Họ phải đối diện với những rắc rối lớn lao và bất ngờ.

Mời bạn hãy hình dung hang đá năm xưa.  Nó rất khác với những gì được chưng bày ở ngoài phố chợ hay trong nhà thờ.  Một chuồng bò lừa xiêu vẹo tối tăm, ẩm ướt, hôi hám.  Tối tăm vì không đèn đuốc chiếu sáng.  Lạnh lẽo ẩm ướt vì ở nơi đồng không mông quạnh, gió lùa sương đêm, không che chắn.  Hôi hám vì là nơi trú thân của súc vật.

Có người mẹ nào muốn sanh con trong những điều kiện thiếu thốn, mất vệ sinh như thế?  Có người cha nào muốn con mình phải chào đời trong hoàn cảnh cùng cực như thế?  Không nơi nương tựa, không người giúp đỡ.  Maria phải vất vả sanh con một mình.  Giuse phải chạy đôn đáo kiếm củi để sưởi, lấy nước để tắm rửa cho em bé.  Tủi thân lắm chứ!  Chua xót lắm chứ!

Nhưng khi tiếng khóc chào đời của Hài Nhi cất lên giữa đêm khuya, ơn cứu độ đã đến với nhân loại.  Ôi lạ lùng thay cách Con Thiên Chúa làm người!

Món quà Thiên Chúa trao ban cho nhân loại được gói ghém trong sự đơn sơ mộc mạc như thế đấy.  Một hài nhi thật bé bỏng mong manh, nhưng đó chính là tình yêu trọn gói.  Tình yêu trọn vẹn là tình yêu trao ban chính mình.  Con Thiên Chúa đã không ban phát ơn huệ từ tòa cao.  Nhưng Ngài đến trong những điều kiện thiếu thốn nhất để chia sẻ thân phận mỏng dòn của kiếp người.  Để những ai cô đơn nghèo hèn, những ai bị hất hủi bỏ rơi, nhưng ai bị gạt ra bên lề xã hội, có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài ngay trong cuộc sống.

Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã ra đời.  Hôm nay, Ngài là nguồn vui, là an bình của bao tâm hồn cô đơn trống vắng.  Hôm nay, Ngài là ý nghĩa của tất cả những lễ nhạc chúng ta cử hành nơi các thánh đường.

Nhưng ngoài kia, Ngài cũng bị lạm dụng thê thảm.  Nhân danh mừng sinh nhật Ngài, người ta ăn chơi hưởng thụ phung phí, tổ chức những buổi tiệc thịnh soạn, dạ vũ tưng bừng, đến mức thác loạn ở nhiều nơi.

Có mấy ai thực sự nhớ đến ý nghĩa của máng cỏ năm xưa?  Có mấy ai đã thực sự mời Con Thiên Chúa vào tâm hồn mình?  Hay là ông già Noel, cây thông, quà cáp đã thay thế máng cỏ và ngôi sao Giáng Sinh?  Ước gì chúng ta biết phân biệt giữa niềm vui Giáng Sinh và niềm vui hội hè đình đám.

Hôm nay, mời bạn hãy trở về với ý nghĩa đích thực của Mùa Giáng Sinh.  Xin hãy dành ít phút dừng lại bên máng cỏ để cảm nghiệm Đấng Tình Yêu đang muốn đi vào cuộc sống chúng ta.  Xin hãy cho Ngài một chỗ trọ trong tâm hồn của mình.

Bảo Lộc

**************************************

Lạy Chúa Giêsu bé thơ nằm trong máng cỏ,
xin cho con cảm được sự bình an của Chúa,
ngay giữa những âu lo hằng ngày.
Xin cho con đón lấy cuộc đời con với bao điều không như ý.
Và cuối cùng, xin cho con dám sống như Chúa
vì Chúa đã dám sống như con.  

Amen.  (Trích Manna C)

 

EMMANUEL – THIÊN CHÚA Ở CÙNG

Này ông Giuse, con cháu vua Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi mọi tội lỗi.” (Mt.1:20-21)

Bạn thân mến! Trên đây là lời nói của sứ thần Thiên Chúa báo tin cho thánh Giuse trong giấc mộng.  Lời nói trên đây cũng được gọi là việc “Truyền Tin” cho Giuse mà thánh sử Matthêu đã thuật lại trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay .

zzQua lời loan báo của sứ thần, Thiên Chúa muốn giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của Giuse, khi loan báo cho ông biết về thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống là do quyền năng Thánh Thần Thiên Chúa.  Sứ thần mời gọi ông hãy đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con của mình. Giuse đã nói hai tiếng “xin vâng” trong thinh lặng.

Giuse đã đón nhận những mầu nhiệm mà ông không thể hiểu hết. Maria là một mầu nhiệm. Người con sắp sinh ra bởi Thánh Thần cũng là mầu nhiệm. Giuse đã để cho các mầu nhiệm vây bọc lấy mình. Cả cuộc đời Giuse là sự chiêm ngắm các mầu nhiệm xảy ra chung quanh ông. Và chính cuộc đời của Giuse cũng là một mầu nhiệm.

Giuse chấp nhận Thánh Ý Thiên Chúa, cho dù điều đó phá vỡ ước mơ mà ông hằng ấp ủ. Ông muốn làm chồng cô Maria, người mà ông luôn yêu mến. Nhưng Thiên Chúa lại muốn ông làm bạn của cô thôi. Ông muốn là cha của một đàn con đông đúc, nhưng Thiên Chúa chỉ muốn ông làm cha nuôi của một mình Đức Giêsu thôi. Vâng phục một cách đơn sơ; không nói nhưng làm:  Đó là thái độ, con người và cuộc sống của Giuse.

Giuse đã sống âm thầm một mình mầu nhiệm đời ông trước Thiên Chúa. Ông đã mau mắn nói tiếng “xin vâng” qua hành động. Ông luôn bị đánh thức vào lúc đang ngủ. Sứ thần Chúa bảo ông chỗi dậy để làm điều gì đó. Ông bỏ dở giấc ngủ và lên đường giữa đêm khuya. Từ Nadarét ông đi lên Bêlem. Từ Bêlem ông chạy trốn qua Ai cập để bảo vệ cho con trẻ Giêsu khỏi sự sát hại của bạo chúa Hêrôđê. Rồi từ Ai Cập trở về Nadarét khi bạo chúa Hêrôđê đã qua đời. Giuse chịu trách nhiệm bảo vệ những “kho báu” Chúa giao cho ông.  Kho báu đó chính là Đức Giêsu và Mẹ Maria

Để Con Thiên Chúa xuống thế làm người, cần tiếng “xin vâng” của Maria, nhưng cũng cần tiếng “xin vâng” khiêm tốn và âm thầm của Giuse.  Nhận Maria đang mang thai về nhà mình, và đặt tên cho Hài Nhi trong tư cách một người cha: những hành động ấy đã cho Giuse một chỗ đứng đặc biệt trong Lịch sử Cứu độ.

Trong cuộc sống hôm nay, có thể Chúa không nói với ta qua giấc mơ như Giuse xưa kia. Nhưng Ngài vẫn nói với ta qua nhiều cách khác nhau, rất riêng tư và thắm thiết, mà chỉ có mình ta mới cảm nhận được mà thôi. Ta phải làm gì để xác tín đó là lời mời gọi của Ngài? Ta sẽ đáp trả lời mời gọi của Ngài ra sao ?

***

zzLạy Chúa!

Noi gương Giuse, xin cho con biết cố gắng nỗ lực sống đời công chính.

Bắt chước Giuse, xin cho con biết nói hai tiếng “xin vâng” trước lời mời gọi của Chúa.

Cùng với Giuse, xin được ôm trọn hài nhi Giêsu vào lòng, để yêu thương và được Chúa thương yêu, để cùng ở với Chúa và được “Chúa ở cùng” .

Cùng với Giuse, xin cất tiếng gọi tên Ngài là Emmanuel, là “Thiên Chúa ở với chúng ta”. Amen

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Isaiah 7:10-14 – BĐ2: Romans 1:1-7 – PÂ: Mátthêu 1:18-24)

 

QUÀ GIÁNG SINH CHO CHA

Ðang ngủ say tự nhiên anh Rob thức giấc và tỉnh ra hẳn.  Mới bốn giờ sáng, giờ mà trước kia cha anh vẫn thường gọi anh dậy để ra giúp ông vắt sữa bò.  Thật lạ, những thói quen từ lúc còn nhỏ bây giờ vẫn gắn liền với anh.  Ðã năm mươi năm rồi, cha anh mất cũng đã ba mươi năm, mà mỗi buổi sáng anh vẫn thức giấc vào lúc bốn giờ.  Anh đã tập được thói quen ngủ thêm vào buổi sáng, nhưng hôm nay là lễ Giáng Sinh, anh không muốn ngủ thêm nữa.  Anh thả hồn về quá khứ, nghĩ về chuyện quá khứ là điều lúc này anh thường làm một cách dễ dàng.  Năm đó anh mới mười lăm tuổi, sống trong nông trại của cha.  Anh thương cha lắm, nhưng anh không nhận biết điều đó cho đến một ngày, đó là vài ngày trước lễ Giáng Sinh, khi anh nghe những lời cha nói với mẹ

– Bà ơi, buổi sáng tôi không muốn đánh thức thằng Rob dậy, nó đang tuổi lớn, nó lớn mau quá, nó cần ngủ nhiều.  Bà không tưởng tượng được mỗi khi tôi gọi nó dậy là nó đang ngủ say chừng nào.  Phải mà tôi làm việc một mình được thì tôi không gọi nó dậy làm gì.

Mẹ anh nói:

– Ông đâu có làm một mình được, với lại nó lớn rồi, cũng đến lúc nó phải tự lo tự làm thôi.

Và anh nghe cha anh nói:

– Bà nói đúng nhưng mà thật lòng tôi không muốn gọi nó dậy sớm như vầy.

Khi nghe câu cha nói, tâm trí của Rob bỗng sáng lên một ý nghĩ đặc biệt: cha thương anh rất nhiều! Chẳng bao giờ Rob nghĩ đến tình thương của cha, tình cha con có đó, cha thì phải thương con, đó là chuyện dĩ nhiên, anh không nghĩ gì về tình thương của cha.  Cha mẹ anh cũng chẳng bao giờ nói là ông bà thương con.  Ông bà không có thì giờ để nghĩ hay nói những điều đó.  Lúc nào ông bà cũng bận rộn với bao nhiêu công việc trong nông trại.

Biết cha thương mình, Rob không muốn chậm chạp lười biếng, để cha phải gọi hai ba lần mới dậy.  Dù buồn ngủ, anh cố ngồi dậy, ra khỏi giường.  Mắt vẫn còn buồn ngủ nhưng anh cố gắng thay quần áo và ra khỏi phòng.  Ðêm hôm đó, anh còn nhớ đó là buổi tối trước ngày lễ Giáng Sinh, năm anh mười lăm tuổi.  Anh nằm suy nghĩ: ngày mai là Giáng Sinh rồi nhưng gia đình anh nghèo.  Ðiều đặc biệt trong ngày Giáng Sinh của gia đình anh chỉ là được ăn gà tây do cha anh nuôi và ăn bánh pie mẹ anh làm.  Mấy người chị của anh thường may một cái gì đó làm quà cho người trong gia đình.  Cha mẹ anh thì mua cho anh cái gì anh cần dùng, không chỉ một cái áo ấm nhưng có lẽ còn những món quà khác nữa, có khi ông bà kèm thêm một quyển sách.  Trong năm anh cũng có để dành tiền để mua cho cha và mẹ, mỗi người một món quà.  Anh suy nghĩ: năm nay đã mười lăm tuổi, mình phải tặng cho cha một món quà gì quý hơn, tốt hơn.  Như lệ thường mỗi năm, hôm trước anh đã đi đến tiệm Mười-Hào mua cho cha một cái cà-vạt.  Anh thấy món quà đó cũng được, nhưng tối nay, đêm trước lễ Giáng Sinh anh nằm và suy nghĩ: giá mà mình được nghe cha mẹ nói chuyện với nhau sớm hơn thì mình đã có đủ thì giờ để dành thêm tiền để mua cho cha một món quà đặc biệt hơn.

Anh Rob vẫn nằm trên giường, nhìn qua cánh cửa sổ nhỏ anh thấy đêm nay các vì sao thật sáng, hình như sáng hơn những đêm trước.  Có một vì sao thật là sáng và anh nghĩ, có lẽ đó là vì sao ở làng Bết-lê-hem ngày xưa. Anh nhớ khi còn nhỏ, có lần anh hỏi cha:

– Ba ơi, chuồng chiên là cái gì?

Cha anh trả lời:

– Là chỗ nuôi súc vật, cũng giống như của mình vậy.

Rồi anh nghĩ: “Vậy là lúc đó Chúa Giêsu sinh ra trong một chỗ nuôi súc vật giống như của nhà mình, và chính trong chuồng súc vật đó, các mục đồng và những nhà thông thái đã đem dâng cho Chúa Hài Ðồng những món quà Giáng Sinh đặc biệt!”  Ý tưởng đó đến với anh một cách rõ ràng, sáng lòe lên như những con dao bằng bạc.  Bỗng anh nghĩ:  Tại sao mình không tặng cho cha một món quà đặc biệt ngay trong chuồng bò của nhà mình?  Mình có thể dậy sớm, dậy trước bốn giờ sáng, mình có thể lén vào chuồng bò, vắt sữa giùm cho cha.  Mình có thể làm công việc đó một mình.  Vắt sữa xong, mình dọn dẹp sạch sẽ.  Khi cha thức dậy, đi vào chuồng bò để vắt sữa, ông sẽ thấy là có người đã làm hết cho ông rồi, và ông sẽ biết người đó là ai.

Ðến ba giờ kém mười lăm, Rob thức dậy, thay quần áo rồi nhè nhẹ đi xuống nhà dưới.  Anh đi thật cẩn thận để không có một tiếng động nào.  Trên nóc chuồng bò, một vì sao thật sáng chiếu xuống.  Mấy con bò nhìn anh, vừa buồn ngủ vừa ngạc nhiên.  Anh nói thầm với chúng: “Chào mấy ông chủ!”  Anh lấy mấy thùng đựng sữa ra và chuẩn bị vắt sữa.  Anh chưa bao giờ vắt sữa bò một mình như vầy, nhưng anh thấy cũng dễ.  Vừa làm anh vừa nghĩ đến nỗi ngạc nhiên của cha:  Sáng nay ông sẽ vào đánh thức anh dậy, nói rằng ông sẽ xuống chuồng bò trước, rồi anh xuống giúp ông.  Ông sẽ đi đến chuồng bò, mở cửa và sẽ đi lấy hai cái thùng đựng sữa, nhưng hai cái thùng không còn đó mà ở trong nhà để sữa và đã đầy sữa rồi.  Công tác vắt sữa bò sáng nay dễ hơn là anh nghĩ.  Ðây là lần đầu tiên anh làm việc này mà không xem là bổn phận mình phải làm.  Ðây là món quà anh tặng cho cha, người yêu thương anh.  Khi hai thùng sữa đã đầy, anh Rob đậy lại, đóng cửa nhà để sữa thật cẩn thận và dọn dẹp mọisự sạch sẽ.

Anh trở về phòng, anh chỉ có một phút để thay quần áo và lên giường nằm, vì cha anh đã thức dậy. Anh lấy mền phủ cả người, làm như đang ngủ say.  Cha anh mở cửa phòng và gọi:  “Mình phải dậy con ơi, dù bữa nay là lễ Giáng Sinh”.  Anh trả lời, làm như đang ngủ: “Dạ.”  Cha anh nói: “Ba đi xuống trước chuẩn bị rồi con xuống nhen.”  Xong ông đóng cửa phòng lại.  Rob nằm yên trên giường, cười một mình.  Chỉ vài phút nữa là cha anh sẽ biết hết mọi việc.  Tim anh đập thình thịch như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.  Những phút giây này sao mà dài quá, mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua. Anh không biết là bao lâu nữa.  Rồi anh nghe tiếng chân cha đi lên.  Cánh cửa phòng mở ra, anh nằm yên không nhúc nhích.
Cha anh lên tiếng:

– Rob!

– Dạ, thưa Ba

Cha anh vừa cười mà hình như cũng vừa khóc, tiếng cười lạ lắm.

– Con tưởng Ba không biết sao?

Ông đến đứng bên cạnh giường, kéo mền của anh ra.  Anh nói:

– Ðó là quà Giáng Sinh con tặng cho Ba.

Anh ngồi dậy quơ tay tìm cha và ôm ông thật chặt.  Hai cánh tay cha cũng ôm lấy người anh.  Trời vẫn còn tối, hai cha con không nhìn thấy mặt nhau.
Cha anh nói:

– Cảm ơn con, chưa bao giờ có một người nào làm cho cha một điều tốt đẹp như thế.

Anh đáp:

– Con chỉ muốn ba biết rằng, con muốn làm một đứa con ngoan.

Những lời đó tự nhiên thoát ra khỏi miệng anh, anh không biết mình nói gì, nhưng lòng anh tràn ngập tình yêu.  Vài giây sau, cha anh nói:

– Vậy thì chắc bây giờ ba có thể trở vào giường ngủ thêm chút nữa. Ồ nhưng mà không được, mấy đứa nhỏ dậy hết rồi.  Mỗi buổi sáng Giáng Sinh, khi mấy đứa con ra nhìn cây Noel, Ba chẳng bao giờ có mặt với mấy đứa con, vì năm nào Ba cũng phải ở ngoài chuồng bò vắt sữa. Thôi dậy ra đây với Ba!

Anh Rob ra khỏi giường, thay quần áo và đi xuống nhà dưới, đến bên cây Giáng Sinh, mặt trời đã mọc lên, thay thế cho vì sao sáng lúc nãy.  Ôi, Giáng Sinh năm nay vui quá, tim anh lại đập mạnh lần nữa. Anh vừa ngượng ngùng vừa hãnh diện khi cha anh sung sướng kể lại cho mẹ anh và các em nghe chuyện anh đã dậy sớm, một mình làm xong công việc mà ông phải làm.  Cha anh nói với anh:

– Con biết không, từ trước đến giờ, đây là món quà Giáng Sinh mà Ba thích nhất.  Ngày nào Ba còn sống ba sẽ không bao giờ quên.  Mỗi buổi sáng lễ Giáng Sinh Ba sẽ lại nhớ đến món quà con tặng cho Ba hôm nay.

Anh Rob và cha nhớ mãi ngày Giáng Sinh đặc biệt năm đó.  Bây giờ cha anh đã qua đời, anh nhớ ngày đó một mình.  Niềm vui và hạnh phúc của Giáng Sinh đã đến với anh, khi một mình trong chuồng bò, anh tự tay làm nên món quà tình yêu chân thật đầu tiên trong cuộc đời.

Pearl S. Buck – “Christmas Day in the Morning”

CÔ BÉ BÁN DIÊM

zzĐêm giao thừa, mọi người sum họp dưới mái ấm gia đình để cùng nhau tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới trong không khí thiêng liêng, ngập tràn hạnh phúc.  Riêng cô bé mồ côi mẹ, đầu trần, chân đất, váy áo phong phanh, bụng đói meo đang dò dẫm trong bóng tối.  Suốt ngày hôm nay, cô bé chẳng bán được bao diêm nào cả.  Cô sợ về nhà, người cha tàn nhẫn sẽ đánh đòn.

Lúc này, quang cảnh xung quanh đẹp đẽ, ấm áp lạ thường.  Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi ngỗng quay.  Những hình ảnh ấy gợi cho cô bé nhớ lại năm xưa được đón giao thừa cùng bà nội trong căn nhà xinh xắn có đầy dây thường xuân bao quanh.  Nhưng rồi những tai họa liên tiếp xảy ra khiến gia đình cô tan nát.

Cô bé đói và rét lắm!  Giờ đây, cô ngồi nép trong một góc tường,g iữa hai ngôi nhà để tránh những cơn gió rét như roi quất vào da thịt.  Cô không muốn về nhà, vì ở nhà thì cũng vẫn đói, rét như ở ngoài đường.  Hai cha con cô bé sống trên căn gác sát mái và mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các khe hở lớn trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà.

Giữa đêm cuối năm buốt giá, cô bé lủi thủi một mình với chiếc giỏ đựng diêm vẫn còn nguyên.  Đôi bàn tay nhỏ xíu cứng đờ vì lạnh.  Cô ao ước được sưởi ấm, dù một chút thôi, bằng những que diêm.  Cô rút một que diêm, tôi rơi ra theo, nằm ngay trên mặt giỏ.  Cô bé quẹt que diêm vào tường, que diêm bén lửa thật là nhạy.  Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.

Ngọn lửa soi tỏ niềm vui sáng ngời trong đôi mắt xanh tuyệt đẹp của cô bé tội nghiệp.  Hơ bàn tay trên que diêm cháy sáng rực như than hồng, cô bé tưởng như đang được ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng.  Trong lò, lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng.  Cô bé nghĩ: “Chà!  Khi tuyết rơi phủ kín mặt đất, gió bấc thổi hun hút, trong đêm đông rét buốt mà được ngồi hàng giờ như thế, trước một lò sưởi, thì thích biết bao!”.

Nhưng cô bé vừa duỗi chân ra thì ngọn lửa vụt tắt.  Que diêm đã tàn hẳn.  Hình ảnh lò sửa cũng biến mất.  Cô bé bần thần nhớ ra rằng cha bắt mình đi bán diêm.  Vậy mà!  Một thoáng sợ hãi vụt qua trong óc cô bé.

Những hình ảnh đẹp đẽ do cô tưởng tượng ra khi ngắm nhìn ngọn lửa ở đầu que diêm thứ nhất cháy sáng rực đã lôi cuốn, thúc giục cô bé đốt que diêm thứ hai.  Cô muốn được tiếp tục sống trong thế giới kì diệu ấy.  Trước ánh lửa bập bùng, bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu.  Cô bé nhìn thấu vào tận trong nhà.  Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay.  Nhưng kì diệu nhất là ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang cả dao ăn, nĩa cắm trên lưng, tiến về phía cô.

Một ngọn gió ào qua, que diêm phụt tắt.  Trước mặt cô bé vẫn là bức tường xám xịt và lạnh lẽo.  Những ảo ảnh tươi đẹp chỉ hiện ra trong giây lát, còn cái đói, cái rét và bóng tối vẫn vây bủa, hành hạ cô bé đáng thương.

Tuy vậy, cô bé vẫn không ngừng ao ước.  Cô muốn đêm Giáng Sinh mình cũng có một cây thông Noel thật lớn, trang trí lộng lẫy.  Cô quẹt que diêm thứ ba.  Bỗng nhiên, một cây thông giống y như thế hiện ra trước mắt cô.  Hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi.  Rất nhiều bức tranh màu sắc rực rỡ như những bức tranh bày trong các tủ kính cũng hiện ra, đẹp tuyệt vời!  Que diêm vụt tắt.  Xung quanh cô bé vẫn là những bức tường lạnh lẽo và đêm tối.  Cô chợt nghĩ đến người bà hiền hậu rất yêu thương cô.  Nhưng bà đã mất rồi!  Cô muốn được gặp bà biết bao!

Cô bé tiếp tục bật que diêm thứ tư.  Người bà kính yêu hiện ra trong ánh lửa lung linh với nụ cười hiền hậu.  Cô bé tha thiết năn nỉ: “Bà ơi!  Bà cho cháu đi theo với!  Cháu biết que diêm này mà tắt thì bà cũng sẽ biến mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây thông Noel lúc nãy; nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi này!  Trước đây, lúc bà chưa về với Thượng Đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết bao!  Dạo ấy, bà đã từng nhủ cháu rằng nếu ngoan ngoãn, cháu sẽ được gặp lại bà.  Bà ơi!  Cháu van bà, bà xin Thượng Đế chí nhân cho cháu được về với bà.  Chắc Người không từ chối đâu!”

Que diêm cháy đến tận đầu ngón tay cô bé, nóng bỏng.  Ngọn lửa đã tắt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt cô bé cũng biến mất.

zzLần thứ năm, cô bé quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Cô muốn níu kéo bà để được bà cho đi theo đến một thế giới không còn đói rét và đau khổ.  Các que diêm nối nhau cháy sáng như ban ngày.  Chưa bao giờ cô bé lại thấy bà mình to lớn và đẹp lão như thế này.  Bà nhẹ nhàng cầm lấy tay cô bé rồi hai bà cháu cùng bay vút lên cao, cao mãi.  Chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa.  Họ đã về với Thượng Đế.

Sáng hôm sau, mọi người vui vẻ kéo nhau ra đường đón mừng năm mới.  Rồi vài người phát hiện ra một cô bé có đôi mắt hồng hào và đôi môi đang mỉm cười.  Cô bé đã chết vì giá rét trong đêm giao thừa.  Họ bảo nhau: “Con bé đã đốt hết một bao diêm.  Chắc nó muốn sưởi cho ấm”.  Một ông khách nhặt que diêm còn sót lại rơi trên nắp giỏ, nói lớn: “Ô!  Nó bỏ sót một que diêm đây này!”.  Vâng!  Que diêm đó chính là tôi. Vì thế mà tôi đã chứng kiến đầu đuôi câu chuyện về cô bé bán diêm vô cùng đáng thương ấy.

Truyện cổ của Hans Christian Andersen

*****************************************

Lạy Chúa, Chúa muốn nói gì với con qua câu chuyện kể về cô bé bán diêm trong đêm đông giá lạnh?  Con có thể là một que diêm sưởi ấm cho một kẻ bé mọn nào đó trong Mùa Giáng Sinh này không?  Con có thể đốt lên một ánh sáng tuy nhỏ nhưng ấm áp cho cuộc đời này để làm chứng cho tình yêu của Chúa hay không?  Chúa ơi, xin giúp con biết ước mơ và xin ban thêm sức mạnh để con có thể thực hiện ước mơ của mình.

LTCT

KHUÔN MẶT ĐẤNG CỨU THẾ

Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền.  Ngài chỉ quan tâm một điều duy nhất là “làm chứng cho chân lý”. Khi vua Hêrôđê cướp vợ của người anh, Gioan đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế ông bị bắt giam và bị tù đày. Khi bị giam trong ngục, Gioan vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu, ông sai môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng nào khác?”(Mt.11:3)

zzCâu hỏi của Gioan làm cho ta ngạc nhiên và phân vân: Gioan là người đi mở đường cho Chúa, là người giới thiệu Đấng Cứu Thế, nhưng có phải ông nghi ngờ Người mà mình giới thiệu? Có phải Gioan hoang mang không biết Chúa Giêsu có phải là Đấng Thiên sai hay không?

Chắc hẳn không phải như vậy. Chắc chắn Gioan biết rất rõ Chúa Giêsu là ai, ông có một lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa Giêsu, nhưng còn các môn đệ của ông thì chưa được xác tín mạnh mẽ như ông. Vì thế ông muốn soi dẫn cho các môn đệ, ông muốn tạo hoàn cảnh để họ nhìn cho rõ, nghe cho kỹ và tự nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai đã được tiên báo từ hàng trăm năm về trước.

Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp vì Ngài hiểu được ý nghĩ thâm sâu của Gioan. Ngài tế nhị dẫn dắt các ông từng bước nhỏ, Ngài muốn các ông về kể lại cho Gioan những việc Ngài đã làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. (Mt.11:4-5)

Với câu trả lời tế nhị ấy, Chúa Giêsu nhắc nhở ta nhớ lại lời loan báo của tiên tri Isaia về Đấng Cứu Thế. Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu giúp ta nhận ra khuôn mặt trung thực của Đấng Cứu Thế:

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

Mùa vọng là mùa mong chờ Chúa đến.  Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục.  Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực.  Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người.  Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ ra khuôn mặt của Thiên Chúa.

***

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Isaiah 35.1:6,10 – BĐ2: Giacôbê 5.7:10 – PÂ: Mátthêu 11:2-11)

NHÀ KHÔNG CÓ AI

– Noel năm nay nhà mình có gắn đèn không con?

– Dạ không.

– Sao vậy?

– Nhà không có ai.

Câu nói của con làm tôi ngỡ ngàng và bừng tỉnh.  Khi nhà vắng bóng một người, “Nhà không có ai.”  Bao nhiêu ánh đèn muôn màu rực rỡ, bao nhiêu món quà qúy báu đến đâu cũng không làm tan cái giá lạnh đêm đông, lắp cho đầy khoảng trống mênh mông khi lòng thiếu vắng một bóng người, vì lúc đó “Nhà không có ai”

Khi một người bỏ nhà ra đi, họ để lại trong lòng những người còn lại một khoảng nhớ thương sâu thẳm.  Vắng bóng thằng con với cái đầu tóc như cái bờm ngựa, lỗ tai xỏ một bên, mặc quần xệ trông thật chướng mắt; vắng tiếng nói đứa con gái ngỗ nghịch, thích trả lời tay đôi; vắng khuôn mặt hay gắt gỏng của người chồng; vắng tiếng cằn nhằn, lải nhải đến nhàm tai của người vợ; những hình ảnh không đẹp, những lời nói khó ưa, những cử chỉ khó chấp nhận xẩy ra hằng ngày trong gia đình, vắng chúng làm trĩu nặng lòng người ở lại, vì khi đó “Nhà không có ai”

*************************************

“Anh ta còn đang ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy”( Lk 15:20).

Hôm con bỏ nhà ra đi, người cha đã không nổi giận; ngược lại, ông ôm nỗi nhớ thương nặng sâu đến đỗi ngày ngày ông đều ra đầu ngõ ngóng con.  Nhà ông có nhiều đầy tớ, ông có thể cất đặt mỗi người một ngày hay một giờ trông hộ cho ông, nhưng ông không làm vậy.  Ông muốn chính mình làm việc nầy vì trong tình yêu không có sự thay thế bằng vật chất, hay nhờ ai đó làm giùm cho mình.

Những món quà, tặng vật quý giá đến đâu cũng không thể thay thế, sánh bằng tình yêu và thời gian dành cho nhau.  Vì khi thiếu nhau, “Nhà không có ai”

Thánh Luca kể tiếp: “Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15:20)

Ông đã tha thứ con từ giây phút con lấy hết gia sản ra đi.  Ông không mượn rượu, cờ bạc hay những thú vui vật chất khác để tạm quên nỗi muộn phiền.  Thay vào đó, ông kiên nhẫn chờ đợi, hy vọng có một ngày con quay về, để ông “hôn lấy hôn để”.

Ông vui quá và mở tiệc mừng ngay, “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta ăn mừng.” (Lc15: 22).  Nhưng tiệc mừng sẽ không trọn vẹn khi thiếu vắng một phần tử của gia đình.  Ông dẹp bỏ tự ái và quyền hạn làm cha để ra khuyên người con trưởng vào nhà. “Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà.  Nhưng cha cậu ra năn nỉ.” (Lc15:28).

Có những con đường tưởng đã cùn, có những gút mắc tưởng chừng như không thể gỡ, có những lầm lỗi khó tha thứ, nhưng với tình yêu, mọi sự đều có thể.

**************************************

–  Con đó hả?

–  Dạ.

– Giáng Sinh này ba sẽ về.

**************************************

Lạy Cha, qua bao thất bại ê chề, chua cay của cuộc sống, bao lầm lỗi với gia đình, tha nhân, con chỉ muốn rút lui, đóng kín đời mình.  Ngay cả với Cha, con không muốn chuyện trò vì thấy mình bất xứng.  Nhưng càng xa Cha, xa những người thân yêu, nỗi cô độc ngày mỗi lớn dần trong con, làm con ngột ngạt cạn dần sức sống, tin yêu, niềm lạc quan hôm nào.

Lạy Cha!  Tim con đang đập nhịp lo âu.  Chân con đang bước từng bước ngập ngừng trên đường về.  Xin Cha tiếp tục đồng hành với con, nâng đỡ khi con ngã và thêm sức để con tiếp tục cất bước mỗi ngày về nhà Cha.

Lữ Khách
Dec. 4, 2010

 

SA MẠC

zzNày Ta sai sứ ta đi trước mặt ngươi kẻ sẽ dọn đàng cho ngươi.  Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi (Mc. 1: 2-3).

Máccô bắt đầu Tin Mừng bằng hình ảnh tiếng kêu với sa mạc.  Nếu kêu thì phải kêu ai chứ, mà kêu ai thì sao lại kêu trong sa mạc, vắng như vậy có ai đâu mà kêu.  Nếu lên tiếng thì phải lên tiếng ở chỗ đông người chứ.  Nhưng Yoan lại lên tiếng trong cõi tịch liêu lặng lẽ.

Lên tiếng gọi đời

“Hãy dọn đường cho Chúa đi!”  Ðó có là tiếng gọi của Yoan gởi vào cuộc đời?  Ðó có là tiếng gọi của Yoan truyền đến người nghe?  Nói đến gọi là gọi ai.  Người ta chỉ truyền đi khi có đối tượng nhận.  Ở đây, tôi thấy chung quanh là sa mạc, chỉ có đất với trời, có mây và gió.  Mây bay đi, gió không dừng lại, vậy Yoan gọi ai?

“Hãy dọn đường cho Chúa đi!”  Nếu tiếng kêu ấy chỉ là tiếng kêu Yoan gọi đời thì tôi hiểu thế nào về Nước Trời trong đời sống của tôi.  Trong đời, có những quãng trống không ai song hành với tôi.  Có những quãng vắng tôi không gặp ai.  Có phải vì không có người nghe mà tôi không cất tiếng gọi ấy lên?  Nếu tiếng kêu trong sa mạc của Yoan chỉ là tiếng ông gọi người, thì khi không có người, ông không có động lực để cất tiếng kêu.  Tin Mừng Máccô cũng nói về Nước Trời “như người kia gieo giống xuống đất, dù người ấy ngủ hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ nảy mầm lớn lên mà người ấy không biết” (Mc. 4: 26-27).  Như thế, lời công bố Nước Trời không tuỳ thuộc vào có mặt của người nghe.  Ngay cả khi tôi im lặng thì Nước Trời cũng cứ âm thầm lớn lên.  Như vậy, tiếng kêu trong sa mạc là tiếng kêu của ai gởi cho ai?

Tiếng gọi lòng mình

Mùa vọng khởi đầu bằng lời ngôn sứ trong hoang địa: “Hãy dọn đường cho Chúa đi!  Hãy bạt lối cho Chúa đi!”  Tôi nghe như tiếng kêu ấy vang lên rất lẻ loi.  Trong sa mạc tịch liêu, tiếng ấy vang lên, vang lên, cứ một mình.  Giữa cái hoang vu của đất trời, Yoan mình trần trong manh áo da thú, đầu tóc bụi mù đất rừng.  Ông ngửa cổ nhìn trời mênh mông cất tiếng: “Hãy dọn đường cho Chúa đi!”  Ông nói với ai giữa đất trời hoang vu ấy.  Cái dáng ông lẻ loi như quay cuồng với lời vọng của mình.  Giữa đất trời ấy, ông đã nghe thấy tiếng lòng ông thúc bảo.

Yoan không giữ tiếng lòng ấy trong thinh lặng.  Ông không chờ tiếng lòng ấy khi đến dòng sông Jordan rồi mới cất tiếng.  Ông không để dành tiếng lòng ấy khi thấy có kẻ lắng nghe rồi mới nói ra lời. Trong hoang vu lạnh lùng, ông cất tiếng.  Trong sa mạc đìu hiu, ông nói lên lời.  Như vậy, trong lẻ loi với bóng, ông nói với chính mình: “Hãy dọn đường cho Chúa đi!”

“Hãy dọn đường cho Chúa đi!”  Tiếng hô ấy Yoan đã hô to cho lòng của chính ông.  Ông đựng lại cơn lốc của âm vang ấy cho chính ông.  Rồi từ âm vọng đó ông đến bờ sông Jordan cho âm vang ấy xuôi dòng thế kỷ chảy vào thế giới, đến ngày hôm nay.  Tiếng gọi đời của Yoan chỉ là nối dài tiếng gọi cho lòng mình.  Nghĩa là nếu không có người nghe thì tiếng gọi ấy vẫn đi vào không gian.

Chỉ trong sa mạc tiếng vọng mới âm vang cho cõi lòng.  Hễ nói trong hoang vu không bóng người là nói với mình thôi.  Khi có người tôi mới nói là để nói cho người chứ không phải cho tôi, vì mục đích chỉ để nói cho người cho nên chưa chắc điều tôi nói đã là niềm thao thức trong tôi.  Khi không có ai mà tôi vẫn nói, khi tôi nói cho chính mình nghe, điều tôi nói đó mới là băn khoăn tự tình.  Trong sa mạc chỉ có bóng, nhưng Yoan đã nói với bóng của mình: “Hãy dọn đường cho Chúa đi!”  Tiếng mời gọi dọn đường cho Chúa phải là tiếng lòng mình trước đã.  Tiếng ấy chỉ trở nên si mê khi hình băn khoăn với bóng, và bóng khắc khoải với hình.

*********************************

Khi thấy con người được tạo dựng, các thần dữ đã ghen tức với con người.  Sợ rằng con người biết đâu cũng lại là một vị thần, họ bàn tính phải hành động sao đây.  Vì không muốn có thêm vị thần nào khác nữa, các thần dữ gian ác này quá đỗi băn khoăn về con người mới được tạo dựng.  Lúc đó con người chỉ là pho tượng đất sét còn ẩm ướt, đang chờ thành hình.  Các thần gian manh đề nghị với nhau là pho tượng đất đang còn mềm, chúng ta hãy ngắt đầu con người rồi giấu đi, để rồi mai sau con người sẽ mãi mãi bận tâm đi tìm cái đầu của nó.  Một số thần được sai đi, và quả thật, tượng đất sét còn mềm, họ đã ngắt đứt được đầu con người đem về, nhưng vấn đề nan giải là giấu cái đầu đó ở đâu bây giờ.  Con người cứ đi tìm mãi, rồi cũng có lúc nó tìm ra.

Trong lúc tất cả bối rối về cái đầu, một vị thần già quỷ quyệt nhất thủng thẳng bước ra an ủi các thần khác rằng đừng sợ.  Vị thần phù thuỷ này nhặt cái đầu lúc đó là một cục ánh sáng xanh nhợt nhạt đang run rẩy.  Lão thần già rực mắt hung đỏ quỷ quyệt, trong nháy mắt đập đầu con người xuống nền đá. Chiếc đầu con người vụt biến mất, để lại ngơ ngác cho lũ thần đang bối rối.

Lão thần già gian ác cất tiếng cười man rợ nói với lũ thần trẻ còn khờ khạo.  Các ngươi giấu ở đâu rồi con người cũng tìm ra đầu của nó.  Nó sẽ lục lọi khắp cả vũ trụ này. T uy có chỗ nó chẳng để ý, nó sẽ không tìm đâu là chính con người của nó.  Ta đã giấu cái đầu của nó trong chính nó!  (Theo Rudyard Kipling)

*********************************

Lạy Chúa,
Hàng năm, cứ khi gió se se lạnh đem Mùa Vọng tới, tiếng kêu trong hoang địa của Yoan lại đưa con về một nhắc nhở.  Con cần những khoảnh khắc sa mạc để âm vang khi con gọi đời là gọi chính lòng mình đó thôi: “Hãy dọn đường cho Chúa đi!”  Khi con gọi người dọn đường cho Chúa mà thôi thì khi không có người con sẽ không gọi, mà con không lên tiếng gọi thì con mất ơn gọi làm ngôn sứ.  Khi con gọi người thì âm vang của con ra đi mà không về với con.  Con cần những sa mạc thinh lặng, để khi con cất tiếng gọi thì tiếng gọi ấy vọng về với con ngay. Trong hoang vu một mình, Yoan an cứ ngẩng đầu gọi để ông nghe tiếng lòng ấy, để dù nếu không gặp ai, không ai gặp, ông vẫn mãi mãi là sứ ngôn.  Hình ảnh đẹp của Yoan là ông không để mình nhiễm lạnh cái hoang vu độc thoại.

Con những tưởng rằng con cần đối thoại với đời, phải lên tiếng gọi đời, nhưng, lạy Chúa, con cần độc thoại biết bao về tiếng gọi ấy: “Hãy dọn đường cho Chúa đi!”.  Nếu con không độc thoại tiếng gọi này với lòng mình thì con cũng chẳng thể có đối thoại với đời về tiếng gọi đó.

Lm Nguyễn Tầm Thường S.J – Trích trong sách “Con Biết Con Cần Chúa”

 

HÃY SÁM HỐI

zz “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” … (Mt. 3:1)

Bạn thân mến!  Trên đây là tiếng hô trong hoang địa;  là lời rao giảng của Gioan hơn hai ngàn năm trước, khi ông đi dọn đường cho Chúa.  Đó cũng là lời mời gọi “Sám Hối” mà Gioan gởi đến mỗi người chúng ta trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.

Lời rao giảng của Gioan thật cấp bách.  Ông mời gọi ta phải mau mau sám hối, vì “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt. 3:10)

Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại trong tâm hồn để Chúa có thể đến và ngự trị:

Tâm hồn ta có những đỉnh đồi kiêu ngạo luôn muốn nâng mình lên, luôn khoe khoang, không bao giờ chịu thua kém người khác. Tâm hồn ta có những ngọn núi tự ái cao ngất trời xanh, không bao giờ chịu nhận lỗi, không bao giờ chịu tha thứ.

Tâm hồn ta có những hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng. Tâm hồn ta có những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ. Tâm hồn ta có những hố sâu đam mê, miệt mài đuổi theo danh, lợi, thú. Tâm hồn ta có những hố sâu dục vọng nặng nề thú tính.

Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, không thành thật với người khác và không thành thật với chính mình. Tâm hồn ta có những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận, của sự giả hình, của sự thiếu duyệt xét lương tâm.

Tâm hồn ta có những lượn sóng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn. Tâm hồn ta chứa đầy những thói lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân. Tâm hồn ta chai đá vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.

Tất cả những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh co, những lượn sóng gồ ghề ấy ngăn chặn Chúa đến với ta.  Nên hôm nay, Gioan mời gọi ta hãy sửa chữa con đường thiêng liêng cho tốt đẹp để đón Chúa Giêsu đến.

Hãy bạt đi thói kiêu căng tự mãn. Hãy bạt đi tính tự ái ngang ngạnh. Hãy lấp đi những hố sâu tham lam, chia rẽ, bất hoà. Hãy lấp đi những hố sâu đam mê, dục vọng.  Hãy uốn thẳng lại những quanh co dối trá. Hãy uốn thẳng lại những khúc quanh giả hình. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề độc ác. Hãy san phẳng những lượn sóng gồ ghề nói hành nói xấu…

***

Lạy Chúa, thật là khó khăn khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm, nhưng sám hối ăn năn là điều kiện tiên quyết để đón nhận Tin Mừng, để được vào Nước Trời.

Xin ban cho con Ơn Sám Hối, dám mạnh dạn đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để con xứng đáng đón rước Chúa đến mang nguồn vui ơn Cứu Độ cho cuộc đời của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas
(BĐ1: Isaiah 11:1-10 –  BĐ2: Romans 15:4-9  – PÂ: Mátthêu 3:1-12)